Montag, 7. September 2015

NHÀ TIÊN TRI MOHAMMED (570-632) VÀ ĐẠO HỒI


1/ Đạo Hồi và ảnh hưởng.

Đạo Hồi (Islam) là một lối sống chứa đủ ba hình thái tôn giáo, chính trị và văn hóa, và ba hình thái này hòa lại với nhau, lẫn vào nhau. Đạo Hồi gồm nhiều giáo phái, mỗi thứ lại có thêm các niềm tin riêng khiến cho tôn giáo này thích hợp với các nhu cầu địa phương. Ngày nay có vào khoảng 450 triệu người thuộc mọi sắc dân sống trên mọi lục địa của trái đất là các tín đồ của nhà Tiên Tri Mohammed và các quốc gia Hồi Giáo trải dài từ Maroc ở phía tây tới Pakistan ở phía đông, và tại vùng Viễn Đông còn có hai nước theo Hồi Giáo là Mã Lai và Indonesia.


Về hình thái tôn giáo, đạo Hồi rất gần với đạo Do Thái (Judaism) và đạo Thiên Chúa (Christianity) và hai thế giới Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo ít khác nhau về ý thức hệ (ideology) hơn là về chính trị và kinh tế. Hệ thống niềm tin của đạo Hồi chứa trong Kinh Koran do Mohammed đọc ra và được bổ túc bằng bộ sách Hadith, ghi lại những gì Mohammed đã nói và đã làm. Rồi vào các thời đại khác nhau và tại các địa điểm khác nhau, các người kế tiếp Mohammed đã biến đổi giáo luật, làm bành trướng Đế Quốc Hồi Giáo, lấn át hai đế quốc Byzantine và Ba Tư (Persan), mở mang tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn cả Đế Quốc La Mã với phạm vi trải dài từ Tây Ban Nha tới Ấn Độ.
Nền văn hóa Hồi Giáo là tập hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau trong đó có văn hóa Cổ Do Thái, Cổ Hy Lạp, Ấn – Ba Tư của thời Trung Cổ. Trong khoảng 400 năm từ giữa thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ thứ 12, nền văn hóa tổng hợp Hồi Giáo đã phát triển rực rỡ và đã là kiểu mẫu cho Khoa Học và Văn Chương của thời kỳ Phục Hưng của châu Âu.
Thánh Kinh và các sách Lễ của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo là các tuyển tập bao gồm các lời tiên tri và cầu nguyện, các luật lệ, các câu thơ và châm ngôn, các chuyện kể tôn giáo của nhiều thời kỳ, viết ra do nhiều tông đồ khác nhau nhưng, mỗi lời nói trong Kinh Koran của đạo Hồi lại từ miệng của một người duy nhất là nhà Tiên Tri Mohammed đã nói ra trong vòng 22 năm vào đầu thế kỷ thứ 7. Kinh Koran là cuốn sách dày vào khoảng cuốn Tân Ước (New Testament), là một trong các thánh thư đáng kể nhất trong Lịch Sử, đã ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm triệu người.
Kinh Koran là trái tim của Đạo Hồi, có các chương gọi là “suras”, một số tuy ngắn gọn nhưng đã đề cập tới “Ngày Phán Xét” (the Day of Judgment) đòi hỏi mọi người phải tôn thờ một Thượng Đế (one God). Các chương khác nói về các lời tiên tri, đề cập tới các quy luật về công lý (justice), tài sản và gia đình. Tất cả các lời kinh được viết bằng tiếng Ả Rập vừa có tính thôi miên (a hypnotic Arabic), vừa mang tính hùng biện khiến cho lời kinh không phải là lời nói của một con người mà có vẻ là lời của chính Thượng Đế (the Word of God Himself).
Trong 6 thế kỷ cho tới năm 1258 khi quân Mông Cổ tàn phá thành phố Baghdad là thủ đô của Hồi Giáo, đạo Hồi đã gây được các ảnh hưởng mạnh mẽ nhất về tôn giáo, chính trị và văn hóa. Văn hóa Hồi Giáo đã liên kết các sắc tộc thuộc các vùng đất xa xôi khác nhau: người Tây Ban Nha, người Phi Châu, người Ba Tư, người Ai Cập, người Ấn Độ. Người theo đạo Hồi đã học hỏi kỹ thuật làm giấy của người Trung Hoa và truyền phát minh này qua Tây Phương. Các chữ số Ả Rập do người Hồi mang về từ xứ Ấn Độ để về sau trở nên các chữ số Toán Học. Người Hồi cũng phiên dịch lại các tác phẩm văn chương, triết học và khoa học của thời Cổ Hy Lạp mà đối với Tây Phương đã bị thất lạc trong nhiều thế kỷ.
Các nhân tài người Hồi đã học hỏi từ nhiều nền văn hóa, khai triển các học thuyết cổ, làm phát triển và đóng góp vào nhiều bộ môn bao gồm cả Y Khoa, Hóa Học, Vật Lý, Toán Học và Thiên Văn Học. Nền Kiến Trúc Hồi Giáo cũng có các nét đặc thù, thêm vào là các ngành nghệ thuật khác như dệt thảm, làm đồ gốm, khắc ngà voi và khắc gỗ. Văn chương Hồi Giáo cũng bao gồm các tác phẩm danh tiếng chẳng hạn như tập thơ cổ điển Ba Tư Rubaiyat của Omar Khayyam hay tập truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” (the Arabian Nights) mà nhiều học giả cho rằng tập truyện này đã mở đường cho các cuốn tiểu thuyết của Tây Phương (western novels).
Đạo Hồi bắt nguồn từ các vùng đất nhỏ, nóng cháy, khô cằn, rải rác trên diện tích một triệu dặm vuông nằm giữa châu Á và châu Phi. Nơi đây vào mùa hè có các trận gió mạnh nóng hơn 110 độ F còn về mùa đông là các cơn gió lạnh thấu xương. Cư dân trên các vùng đất này là các người thuộc bộ lạc Bedouin trú ngụ trong các túp lều dệt bằng lông dê hay lông lạc đà, họ sống bằng thứ khẩu phần thanh đạm gồm có sữa và trái trà là (dates). Các bộ lạc này trước thời kỳ Hồi Giáo, đã sinh sống dưới nền cai trị của người Ba Tư, người Ethiopia, hay người Thổ Nhĩ Kỳ và họ phải đóng thuế cho kẻ thống trị. Tuy nhiên, các bộ lạc này đã không bị chinh phục, họ chạy trốn trước các đoàn quân viễn chinh bằng cách lẩn sâu vào trong sa mạc mênh mông mà chỉ có họ mới biết cách sống còn. Họ thường cướp bóc các bộ lạc khác và coi đó là một lối sống. Do luôn luôn di chuyển, các người Bedouin chỉ mang theo mình các vật dụng cần thiết: một số ít quần áo, lều đen dệt bằng lông lạc đà, bình nước, vũ khí và yên cương. Họ là những người mù chữ nhưng lại giàu về thi văn truyền khẩu, kể lại lịch sử qua các thế hệ. Chính các bộ lạc Bedouin này đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử của Đế Quốc Hồi Giáo.
Trước khi theo đạo Hồi, người Bedouin thờ các thần linh mà họ cho rằng có các quyền lực siêu nhiên và cư ngụ tại các tảng đá, các gốc cây lớn hay các khúc gỗ quý. Đối với họ, các đức tính tối thượng của con người là lòng trung thành, đại lượng và can đảm. Nhờ lòng trung thành (loyalty), con người được bộ lạc che chở để sống còn. Lòng trung thành là căn cốt (core) của tinh thần băng nhóm (clan spirit = asabiyya) và mỗi người phải tỏ ra can đảm cho tới chết để bảo vệ các quyền lợi của bộ lạc, và các quyền lợi này liên quan tới miền đất có cây xanh và nước uống mà chính tại nơi khô cằn này, nước còn được quý hơn vàng. Lòng đại lượng (generosity) biểu hiện bằng tình hiếu khách, sẵn lòng cung cấp thực phẩm, nước uống và nơi trú ngụ cho kẻ lữ hành trên sa mạc. Tính can đảm được coi là cần thiết để bảo vệ đàn bà và trẻ em, và để tham dự vào các cuộc cướp bóc, muốn vậy người thanh niên phải thông thạo kỹ năng cưỡi ngựa và kỹ thuật bắn cung.
2/ Khởi thủy của Đạo Hồi.
Vào giữa thế kỷ thứ 6 tại miền bắc của xứ Ả Rập (Arabia) có ba địa điểm đặc biệt tọa lạc trên một vùng núi gọi là Hijaz và vùng này có phía tây là Hồng Hải (the Red Sea) còn phía đông là một sa mạc bao la. Chính giữa vùng Hijaz là thị trấn Yathrib, một ốc đảo (oasis) xanh tươi với các nông trại và làng mạc nhỏ trải dài trên một diện tích 20 dặm vuông. 250 dặm về phía nam của Yathrib là thị xã Taif, nơi nghỉ mát mùa hè của các gia đình Ả Rập giàu có và tại phía tây bắc của Taif, cách Hồng Hải 50 dặm vào sâu trong đất liền là thành phố Mecca, nơi sầm uất và quan trọng nhất.
Mecca là nơi dừng chân của các đoàn thương nhân, dùng lạc đà chở rất nhiều sản phẩm như hương liệu, kim loại quý, đồ gốm, ngà voi, lụa. Họ từ miền nam lên, từ Hadhramaut hay từ Yemen, để đi tới các chợ phiên nằm trong xứ Syria. Cũng có các đoàn khác chở hàng hóa từ Hồng Hải, dừng chân tại Mecca rồi đi qua sa mạc đến xứ Iraq. Tới Mecca còn có các tín đồ đi hành hương, họ đến ngôi đền thờ nằm giữa thành phố có kiến trúc mang hình dạng một khối vuông gọi là Kaaba. Vật linh thiêng nhất trong ngôi đền này là một vẩn thạch (meteorite) được gọi là Tảng Đá Đen (the Black Stone) được gắn vào trong tường của đền thờ. Người dân ở đây thờ Allah, là Đấng Tạo Hóa của Vũ Trụ và ngoài Thần Allah còn có khoảng 300 vị thần nam nữ khác với các bức tượng được bày trong đền. Ngoài việc đi hành hương tới Mecca, người dân các vùng khác còn tham dự vào các phiên chợ cùng các đoàn thương nhân ở xa, khiến cho thành phố Mecca càng trở nên sầm uất và giàu có.
Quyền hành điều khiển thành phố Mecca này ở trong tay bộ lạc Kuraish (Quraysh) và họ đã quản trị thành phố với các người đại biểu bầu lên từ các gia đình có thế lực. Chính tại thành phố Mecca bận rộn này mà Mohammed đã ra chào đời, vào khoảng năm 570 sau Tây Lịch, với tên có ý nghĩa theo tiếng Ả Rập là “được ca tụng nhiều”. Mohammed là con của ông Abdullah thuộc nhóm Beni Hashim của bộ lạc Kuraish, qua đời chỉ ít lâu sau khi sinh ra Mohammed. Tuy không giàu có nhưng theo truyền thống của gia đình có địa vị, Mohammed được gửi tới một bà mẹ nuôi Bedouin để sống ở sa mạc, nơi có khí hậu trong lành hơn. Năm lên 6 tuổi, mẹ chết, Mohammed sống với ông nội rồi sau đó ít lâu, ông già này cũng qua đời và người nuôi dưỡng và là cha đỡ đầu của Mohammed là Abu Talib, một người chú. Do không có tài sản, Mohammed phải làm nhiều việc để kiếm sống như chăn cừu, mua bán… rồi tới làm công cho một người đàn bà góa chồng tên là Khadija, có một cơ sở thương mại nhỏ. Do công việc thương mại của bà góa này, Mohammed đã có lần được cử theo đoàn thương nhân đi tới Syria vào thời đó còn nằm trong tầm ảnh hưởng của đế quốc Byzantine theo Thiên Chúa Giáo. Chính tại Syria mà Mohammed đã gặp gỡ các người theo đạo Thiên Chúa.
Đạo Thiên Chúa đi vào miền Arabia qua ngả Syria, qua Palestine, và từ vùng đất Abyssinia ở phía bên kia của Hồng Hải và tại thành phố Mecca cũng đã có các nhóm người Do Thái gốc Ả Rập theo Thiên Chúa giáo. Trong hoàn cảnh như thế và nhất là sau chuyến đi tới Syria, Mohammed đã được nghe nói tới Chúa Jesus và các nhà tiên tri, và đã quan sát thấy các người Do Thái và người theo Thiên Chúa giáo tôn thờ Thượng Đế ra sao. Mohammed nhận thấy đồng bào của ông ta thiếu hẳn một niềm tin để kết hợp lại với nhau và do từ nhỏ bị nghèo khó, mồ côi và ở giai cấp thấp, ông ta đặc biệt bất mãn đối với những kẻ giàu có kiêu ngạo, chỉ biết coi trọng tiền bạc. Lòng trung hậu, tính dịu dàng và bản chất trầm tư đã khiến Mohammed được tôn trọng tại Mecca. Ông ta được mọi người gọi là al-Amin hay “người đáng tin cậy” (the Trustworthy). Mohammed lại có một cá tính mạnh, hấp dẫn, một vẻ ngoài đẹp trai và vạm vỡ, vai rộng, tay dài, vầng trán cao và đôi lông mày rậm rạp chắn phía trên đôi mắt to và đen. Vóc người tầm thước, Mohammed bước đi với dáng vẻ oai nghiêm khiến cho nhiều người mới gặp đã phải kính nể. Bà Khadija khi đó cũng đã mang lòng cảm phục, một phần vì vẻ người, một phần vì cách điều hành công việc của Mohammed. Khadija đã hai lần lập gia đình và lớn hơn Mohammed 15 tuổi nhưng vẫn đề nghị hôn nhân với Mohammed. Mohammed nhận lời và đã trung thành với bà vợ già này trong suốt 25 năm liền. Họ có ba con trai đều bị chết lúc còn trẻ và bốn người con gái trong số này chỉ có Fatima là người đã sinh con và sau này giữ một vai trò trong lịch sử của đạo Hồi.
Từ ngày lập gia đình, Mohammed không phải bận tâm về sinh kế, ông ta có đủ thời giờ để suy ngẫm và thường hay tránh khỏi thành phố Mecca ồn ào, có khi đi một mình, có khi đi với gia đình tới một hang động để suy nghĩ về cuộc sống và cõi chết, và về bản chất của Vũ Trụ. Theo nhà tiểu sử học đầu tiên viết về Mohammed là Ibn Ishaq, vào năm 610 sau Tây Lịch khi Mohammed vào khoảng 40 tuổi và tỉnh giấc sau một giấc ngủ trên núi Hira, ông ta đã nghe thấy tiếng nói từ trên Trời của một thiên thần có hình dạng người, bảo như sau: “Ô, Mohammed, nhà ngươi là Tông Đồ của Thượng Đế và ta là Gabriel”.
Mohammed trở về nhà, gặp Khadija và kể lại câu chuyện đã xẩy ra. Bà vợ này liền đi gặp vị trưởng giáo trong bộ lạc và vị này công bố rằng Mohammed đã được mặc khải giống như Moses và ông ta là nhà Tiên Tri cho dân tộc Ả Rập. Nhưng Mohammed đã không giữ vai trò Tiên Tri ngay, và vào lần khải huyền thứ hai, ông ta được Thượng Đế bảo phải đi thông báo cho dân chúng biết những điều răn dạy của Thượng Đế.
Từ năm 613 tại Mecca, Mohammed bắt đầu đi thuyết giảng tại các nơi công cộng. Ông ta dạy người dân thời đó rằng Allah là Chúa Tể Duy Nhất của Vũ Trụ và con người phải biết ơn và tôn thờ Allah vì lẽ sống của mình. Mohammed cũng rao giảng rằng mọi người đều bình dẳng trước Thượng Đế, rằng người giàu có phải san sẻ tài sản cho người nghèo khó và cảnh cáo mọi người về số mệnh của con người ở trong tay Thượng Đế: sẽ có một Ngày Phán Xét (a Day of Judgment) dành cho mọi người.
Vào thời đại trước, người dân Ả Rập theo tà giáo (paganism) đã tin rằng tiêu chuẩn của sự thành công là tài sản giàu có mà người ta tích lũy được và sự chết là sự chấm dứt tất cả, kể cả đời người, nhưng tới thời này Mohammed lại dạy bảo rằng vào Ngày Phán Xét, trái đất sẽ bị tách ra làm hai, các ngôi sao sẽ rơi xuống và tất cả nhân loại, người sống cũng như người chết đều ra trước ngai vàng của Allah. Lúc này cuốn Sách ghi chép về các việc làm tốt (the Book of Deeds) sẽ được đọc lên, các người làm việc thiện sẽ được tưởng thưởng và lên Thiên Đường, còn các kẻ có tội sẽ bị cột bằng dây xích, kéo xuống hỏa ngục và bị hành hạ. Mohammed tự coi mình là nhà Tiên Tri cuối cùng, sau Adam, Noah, Abraham, Moses và Jesus.
Mohammed đã trở nên một Sứ Đồ (the Messenger) của Thượng Đế, là nhà Tiên Tri (the Prophet) của một tôn giáo mới là Đạo Hồi và đã có 4 tín đồ, đầu tiên là bà vợ Khadija, tới người em họ trẻ tuổi Ali, rồi Zayd, một tên nô lệ được trả tự do và cuối cùng là Abu Bakr, một người giàu có. Riêng Abu Bakr và Ali là hai nhân vật sau này sẽ giữ các vai trò quan trọng trong việc bành trướng đạo Hồi.
Các tín đồ khác vào thuở ban đầu của nhà Tiên Tri là những kẻ nghèo hèn, các kẻ bị áp chế, họ đón nhận lời rao giảng với hy vọng ở kiếp này và ở kiếp sau, trong khi các kẻ giàu có, quyền thế thuộc giới quý tộc Kuraish lại chống đối kịch liệt. Họ đã nhìn thấy ở các lời rao giảng đó những đe dọa ảnh hưởng tới cuộc sống ưu đãi của họ. Họ cũng e ngại khi đã có một số đông người tin theo, Mohammed sẽ có một sức mạnh ảnh hưởng đến quyền lực chính trị tại thành phố Mecca và các lời chỉ trích các thần tà giáo có thể tác dụng đến các quyền lợi thương mại của họ. Do ngôi đền Kaaba có chứa 300 bức tượng thần nam nữ, nếu phá bỏ các hình tượng này, nhóm người Benni Ommaya sẽ mất đi nguồn lợi từ các kẻ hành hương, vì thế họ đã chế nhạo Mohammed, coi như một kẻ nói dối, lường gạt và các khải huyền chỉ là do trí tưởng tượng mà ra. Một số người theo đạo Hồi lúc ban đầu đã bị ném đá, bị đánh đập. Khoảng 80 người Hồi giáo đã bỏ chạy qua miền Abyssinia để lánh nạn. Một đoàn đại biểu của người Kuraish đã qua miền đó, đề nghị với Vua và người Negus của miền này trục xuất họ, không cho cư ngụ vì họ đã nói xấu đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, các người Hồi giáo đã đọc một đoạn Kinh Koran về Bà Mary theo đó Chúa Jesus Christ và Bà Mary rất được kính trọng nhưng Kinh Koran chỉ coi Chúa Jesus là một nhà Tiên Tri mà không phải là Con của Thượng Đế. Người Negus đã thấy quan điểm đó không xúc phạm tới họ, nên đã cho phép các người Hồi cư trú.
Trong khi đó tại Mecca, Mohammed và các tín đồ còn bị ngược đãi nhiều hơn. Các điều không may vẫn tới với nhà Tiên Tri: bà vợ Khadija qua đời, rồi sau đó tới lượt ông chú Abu Talib, người đã từng nuôi dạy và che chở Mohammed. Trước các khó khăn tại Mecca, Mohammed đã đi tới thị xã Taif để thuyết giảng nhưng cũng bị dân cư tại nơi đây chế nhạo và nhục mạ nên sau đó phải quay trở về Mecca. Đúng vào lúc này, vận may đã đến với Mohammed. Một nhóm người đi hành hương tại Mecca, do đã nghe Mohammed thuyết giảng và vì khâm phục, nên đã mời ông ta tới Yathrib để dàn hòa cho cuộc tranh chấp giữa 2 bộ lạc thù nghịch nhau. Mohammed nhận lời và cử một nhóm tín đồ đi trước còn chính mình đi sau vài tuần lễ. Chuyến đi định mạng này xẩy ra vào tháng 9 năm 622 sau Tây Lịch, được gọi là Hegira hay Hijra và sau này được coi là dịp khởi đầu cho kỷ nguyên Hồi Giáo.
Tại Yathrib, Mohammed bắt đầu xây dựng một cộng đồng Hồi Giáo cho mình và nơi đây trở nên trái tim của Đạo Hồi và được gọi là Madinat al-Nabi hay “thành phố của nhà Tiên Tri”, hay theo cách gọi đơn giản là “Medina = thành phố”, một tên quen thuộc ngày nay. Từ nay, Mohammed đã giữ một vai trò quan trọng về quyền lực tinh thần và chính trị.
3/ Các việc làm của nhà Tiên Tri.
Một trong các vấn đề đầu tiên của Mohammed tại Medina là đối phó với các người Do Thái. Đây là nhóm người kiểm soát các miền đất giàu có nhất và đã liên lạc với một trong hai bộ lạc có quyền lực tại ốc đảo. Mohammed muốn làm sao cho người Do Thái chấp nhận mình là một nhà Tiên Tri nên đã cố gắng giành được sự ủng hộ của họ bằng cách chấp nhận một số lễ nghi Do Thái, chẳng hạn như việc ăn chay vào ngày chuộc tội (the Day of Atonement) và việc cắt da quy đầu, việc không ăn thịt heo vì con heo bị coi là một con vật dơ bẩn, và khi cầu nguyện thì hướng về thành phố Jerusalem. Một số người Do Thái vì thế đã cải sang đạo Hồi trong khi một số khác lại cho rằng các mặc khải của Mohammed đã trái ngược với Thánh Thư của họ và vì thế bị coi là sai. Mohammed bèn phản ứng lại, cho rằng người Do Thái đã theo các Thánh Thư sai lầm và chỉ có Kinh Koran mới thực sự là Lời của Thượng Đế.
Sau khi đã thấy rõ không thể lôi cuốn được người Do Thái, Mohammed bèn quyết tâm xây dựng riêng cho mình một cộng đồng Hồi Giáo lúc đầu chỉ gồm người Ả Rập. Để kêu gọi giáo dân đi cầu nguyện vào các ngày giờ nhất định, nhà Tiên Tri đã không dùng tiếng gõ bằng các khúc gỗ hay tiếng tù và thổi từ sừng dê mà dùng tiếng người, và Bilal, một người Abyssinia cải theo đạo Hồi, là người gọi đi lễ (muezin) đầu tiên. Việc ăn chay vào ngày chuộc tội cũng được sửa thành cả một tháng ăn chay Ramadan, tháng thứ 9 trong năm Âm Lịch Hồi Giáo và thay vì hướng về Jerusalem để quỳ lạy, tín đồ Hồi Giáo được lệnh quay về hướng Đền Kaaba ở thành phố Mecca. Việc hôn lên Tảng Đá Đen gắn trong bức tường của Đền Kaaba cũng được coi là một biểu hiện cao quý của đức tin và các người hành hương làm như vậy được mang tước hiệu “Hadji”.
Cũng vào thời gian này bắt đầu các hành động của người Hồi giáo chống lại các kẻ thù của đức tin tại Mecca. Mohammed đã cho phép các tín đồ đánh cướp các đoàn thương mại của Mecca đi qua lãnh thổ Medina, một phần vì cần tới đồ ăn và các vật dụng để giúp đỡ những ngươi di dân mới trong vùng, một phần để trả thù cho các thân nhân người Hồi giáo bị hành hạ và ngược đãi tại Mecca. Từ nay đã xẩy ra các cuộc đụng độ giữa hai vùng đất và trong trận chiến lớn nhất diễn ra tại Badru, phía tây nam của Medina, hai lực lượng đã đối đầu nhau. Phe Hồi giáo có 300 người còn phía Mecca gồm 1,000 chiến binh. Lực lượng Mecca muốn nhân dịp này dạy cho người Hồi một bài học là không được đụng chạm tới họ, còn người Hồi giáo cũng không thể rút lui vì e ngại mất danh dự. Cuộc chiến tàn sát đã diễn ra trong khi Mohammed chăm chú cầu nguyện. Một điều may mắn đã xẩy ra cho nhà Tiên Tri là đội quân nhỏ Hồi giáo đã chiến thắng nhờ chiến đấu kiên cường. Sự chiến thắng này đã được người Ả Rập coi là một điều huyền diệu (the Miracle at Badru), một dấu hiệu của Thượng Đế coi Mohammed là một tông đồ thật sự. Người Hồi giáo đã chia nhau của cải cướp được, coi việc tuân theo lời Thượng Đế đã mang lại lợi ích trên trái đất cũng như sau này trên Thiên Đường. Người Hối giáo từ nay tin tưởng rằng nếu chiến thắng trong các lần phục kích kẻ địch, họ sẽ nhận được của cải, còn nếu bị giết nơi trận mạc, họ sẽ được tưởng thưởng, lên thẳng Thiên Đường mà không cần phải chờ đợi tới Ngày Phán Xét. Nhiều bộ lạc gần đó vì thế đã cải theo đạo Hồi và chiến đấu dưới cờ của Mohammed.
Người Kuraish sau đó đã không chịu thua, năm sau đã tấn công Medina bằng lực lượng 3,000 người và chính nhà Tiên Tri đã bị thương trong lần giao tranh này. Rồi vào năm 627 sau Tây Lịch, người của thành phố Mecca đã quyết định thanh toán Mohammed bằng một đạo quân 10,000 người với 600 kỵ binh. Do lời khuyên của một tín đồ mới gốc Ba Tư, Mohammed đã cho đào một cái hào khô rất lớn, chắn ngang trước lối tiến vào thành phố Medina. Đây là một chiến thuật mới trong kỹ thuật chiến tranh sa mạc khiến cho đạo quân của Mecca phải đóng trại bên ngoài, chờ đợi sự nổi loạn của số người Do Thái bên trong. Thời tiết trở lạnh, nguồn tiếp tế lương thực bị thiếu thốn đã khiến cho người Mecca phải rút lui sau 40 ngày vây thành.
Sau chiến thắng này, Mohammed đã ra lệnh chặt đầu khoảng 600 người Do Thái phản loạn, vợ con của họ bị bắt làm nô lệ. Có người cho rằng hành động tàn nhẫn này của nhà Tiên Tri là để làm chia rẽ các bộ lạc Ả Rập và Do Thái và khiến cho mọi bộ lạc Ả Rập khác từ nay chỉ còn một lòng trung thành là đối với đạo Hồi.
Năm 628, Mohammed lại dẫn một đoàn hành hương tới Mecca gồm 1,000 tín đồ. Lực lượng Mecca đã ra ngăn chặn với 200 kỵ binh. Trận chiến sắp xẩy ra nhưng cuối cùng là một cuộc dàn xếp để tránh cho hai bên không bị mất mặt theo đó người dân Medina có thể tới cầu nguyện tại Mecca vào năm sau. Đây là một thắng lợi của Mohammed vì thế lực của ông ta đã được coi như ngang hàng với tầm vóc của Mecca. Việc đi hành hương, một phong tục trước kia của tà giáo, đã làm cho đạo Hồi trở nên một tôn giáo mang màu sắc Ả Rập.
Do thỏa thuận hưu chiến trong 10 năm, Mohammed đã từng dẫn các đoàn hành hương 2,000 người tới lễ Đền Kaaba và tới năm 630, các tín đồ đã lên tới 10,000 người. Lúc này, lực lượng Mecca bị yếu dần vì nhiều nhà lãnh đạo đã bị chết trong trận mạc, vì sự chia rẽ nội bộ và cuối cùng, Mohammed tiến vào Đền Kaaba, phá hủy tất cả các tượng tà giáo và tuyên bố: “Sự Thật đã đến và sự Giả đã bị tan biến”. Từ nay thành phố Mecca chỉ cho phép người theo đạo Hồi đi vào và ngôi Đền Kaaba trở nên trung tâm linh thiêng nhất của đạo Hồi.
Mohammed sau đó đã hành động nhân từ, tha thứ cho các kẻ chiến bại tại Mecca đã chống đối mình khi trước khiến cho những người đó về sau cũng cải sang đạo Hồi. Các đội quân Hồi Giáo từ dạo đó đã đánh phá các nơi xa xôi hơn, một phần do quyền lợi vật chất, trong khi các người theo Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo vẫn được phép duy trì tôn giáo của họ miễn là họ đóng thuế đầy đủ cho người Hồi.
Trong 22 năm làm sứ mạng của nhà Tiên Tri, ông Mohammed đã mang lại cho người Ả Rập niềm tin vào một Thượng Đế, đã đoàn kết các bộ lạc du mục rời rạc bằng một ý thức hệ quốc gia để chiến đấu và chiến thắng. Trong khi đó, mặc dù là một nhà thống trị tuyệt đối, Mohammed vẫn theo đuổi một cuộc sống đạm bạc và người ta còn kể rằng ông ta vẫn tự mình vá lấy quần áo bị rách. Mohammed cũng thể hiện lòng nhân đạo bằng cách hủy bỏ chế độ nô lệ, một sự việc đáng khen, đồng thời các việc uống rượu, đánh bạc và cho vay nặng lãi đều bị coi là vi phạm luật lệ của Thượng Đế. Mohammed được người Ả Rập coi là có đủ mọi đức tính tốt, đặc biệt là sự tử tế và lòng trung thành. Nhiều người tây phương đã coi nhà Tiên Tri này ưa thích nhục dục, đã có 9 người vợ sau khi bà Khadija qua đời, nhưng thực ra Mohammed đã trung thành với người vợ cao tuổi hơn mình cho đến khi bà này chết và các lần hôn nhân khác đều vì các lý do chính trị hay nhân đạo. Vài người vợ của nhà Tiên Tri đã là góa phụ của các tướng tá bỏ mình vì đạo Hồi, một số khác là con gái của các nhà lãnh đạo Ả Rập quan trọng. Người vợ được sủng ái nhất của Mohammed là A’isha, con gái của Abu Bakr là người bạn thân nhất và là cố vấn thân cận nhất. Mohammed đã lấy cô gái này khi nàng chưa được 10 tuổi.
Vào năm thứ 10 của kỷ nguyên Hồi Giáo, lúc 63 tuổi, Mohammed ngã bệnh và đã yêu cầu các người vợ khác cho mình được sống gần A’isha. Vào lúc này nhà Tiên Tri vẫn cố lê bước tới đền thờ Hồi Giáo và nói với các tin đồ rằng các người giữ vững miền tin sẽ theo ông ta lên Thiên Đường. Mohammed đã chết trong vòng tay của A’isha. Khi nghe tin nhà Tiên Tri qua đời, các tín đồ Hồi giáo đã hoảng hốt và trong hoàn cảnh bối rối đó, Abu Bakr đã la lên “Thượng Đế còn sống và không chết. Mohammed chỉ là nhà Tiên Tri, trước ông ta còn có các nhà Tiên Tri khác”. Thi hài của Mohammed được chôn dưới nền túp lều của nhà Tiên Tri tại Medina, nơi này ngày nay được coi là ngôi đền linh thiêng thứ hai của Đạo Hồi.

Các Giáo Chủ Đạo Hồi sau Mohammed

Phạm Văn Tuấn
iabubar001p1
1. Các Giáo Chủ Đạo Hồi sau Mohammed
Đạo Hồi bắt đầu từ thế kỷ thứ 7, là một tôn giáo lớn với số tín đồ chiếm 1/7 dân số trên thế giới, sống trải dài từ châu Phi qua miền Trung Đông tới vùng Đông Nam châu Á và các hòn đảo Indonesia. Đạo Hồi không chỉ là một tôn giáo mà còn là một cách sống, đã đòi hỏi các tín đồ không những phải tuân theo các nghi thức thờ phượng mà cả các tiêu chuẩn văn hóa và xã hội. Các lời giáo huấn và các đòi hỏi về tôn giáo là các thử thách đối với mọi người nếu xét theo các yếu tố sắc dân, ngôn ngữ và địa phương.
Các giáo điều của đạo Hồi rất trực tiếp và dễ hiểu. Danh từ “islam” có nghĩa là “phục tùng” bởi vì niềm tin Hồi giáo đòi hỏi cách tuyệt đối phục tùng theo Đấng Allah, tức là vị Thượng Đế Sáng Tạo Toàn Năng. Người theo đạo Hồi tin tưởng mãnh liệt rằng “không có vị linh thiêng nào khác ngoài Thượng Đế Allah” và mọi người sẽ bị xét xử vào lúc mãn đời, những người có công sẽ được ân sủng một đời sống vĩnh viễn trên một thiên đường tràn đầy vui thú, còn các kẻ ác sẽ lãnh chịu các hình phạt như lửa nóng và tra khảo.
Đạo Hồi là một tôn giáo không dùng tới các bí tích (sacraments) và các tu sĩ, điểm này khiến cho đạo Hồi tương tự như đạo Do Thái (Judaism) bởi vì tín đồ đạo Hồi chịu trách nhiệm trực tiếp trước Đấng Allah mà không qua người trung gian. Giới giáo sĩ đạo Hồi chỉ là các học giả có nhiệm vụ bình giảng các vấn đề niềm tin và giáo luật.
Đạo Hồi đã phát triển theo nhiều hướng, đã gây được ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử của nhiều quốc gia tại châu Phi, miền Đông Nam Á và đặc biệt là miền Trung Đông. Đạo Hồi là một tôn giáo khác với đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa, không những do các quan niệm về Thượng Đế, về các nhà tiên tri mà còn cả về sự kết hợp chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với tôn giáo, khiến cho đạo Hồi có những nét đặc thù, rất thích hợp với các xứ Ả Rập. Tín đồ đạo Hồi tin tưởng rằng chỉ có 6 nhà tiên tri là Adam, Noah, Abraham, Moses, Jesus và Mohammed, vị tiên tri cuối cùng. Các vị sứ đồ này đã mang đến cho con người Lời của Thượng Đế và các lời dạy của Mohammed sẽ dẫn dắt con người tới Ngày Phán Xét sau này.
Nhà tiên tri Mohammed chào đời vào khoảng năm 570 sau Công Nguyên và theo nhà tiểu sử học đầu tiên viết về Mohammed là Ibn Ishaq, thì vào năm 610 khi ở tuổi 40 và tỉnh giấc sau một giấc ngủ trên núi Hira, ông Mohammed đã nghe thấy tiếng nói từ trên Trời cao của một thiên thần có hình dạng người, bảo như sau: “Ô, Mohammed, ông là tông đồ của Thượng Đế và ta là Gabriel”. Từ năm 613, nhà tiên tri Mohammed bắt đầu đi giảng đạo tại Mecca và các lời rao giảng của Mohammed được chép thành cuốn Kinh Koran. Ngoài Mecca, Medina là thành phố thứ hai được coi là linh thiêng của đạo Hồi.
Sau khi giáo chủ Mohammed qua đời vào năm 632, đạo Hồi đã trải qua các thời kỳ thay đổi và chinh phục từ đầu thế kỷ thứ 7 tới giữa thế kỷ 18, từ một tôn giáo của một cộng đồng nhỏ trở thành một đế quốc chính trị rộng lớn, nhiều quyền lực và mặc dù tốc độ biến chuyển rất nhanh chóng, bên trong đạo Hồi vẫn xẩy ra các vụ nổi loạn, nội chiến. Các nhân vật kế nghiệp giáo chủ Mohammed được gọi là “caliph” hay giáo chủ đạo Hồi, là vị lãnh đạo tối cao về chính trị và tôn giáo. Ba trong 4 vị giáo chủ này đã bị ám sát và 2 triều đại Hồi giáo đã thay đổi thủ đô từ Medina qua Damascus rồi Baghdad và trong triều đại thứ hai Abbasid, đạo Hồi đã lên tới trình độ cực thịnh với lực lượng quân sự mạnh nhất, với thủ đô đẹp nhất và lớn lao nhất trên thế giới.
Giáo chủ Mohammed khi qua đời đã không để lại cách chọn lựa hay không chỉ định người kế nghiệp. Vẫn biết rằng không ai có thể thay thế nhà Tiên Tri nhưng một nhà lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo được coi như rất cần thiết. Một phương pháp đơn giản là các bậc cao tuổi trong cộng đồng chọn lựa ra người nào xứng đáng nhất để lãnh đạo tôn giáo. Việc chọn lựa này được căn cứ vào sự liên hệ do huyết thống hay do sự thân cận với nhà Tiên Tri, do đã từng làm quen với các khuôn mẫu của nhà Tiên Tri khi điều hành chính quyền, chính trị, tôn giáo và quân sự. Các quyết định quan trọng của những vị giáo chủ này còn được dựa vào các lời cố vấn của các bạn thân, đáng tin cẩn, tức là những người tiếp xúc với nhiều tín đồ, trực tiếp hướng dẫn các tín đồ trong cách hành lễ, cầu nguyện và có uy quyền trực tiếp về tinh thần, chính trị và quân sự. 
1/ Giáo Chủ Abu Bakr.
Giáo chủ đạo Hồi đầu tiên sau Mohammed là ông Abu Bakr. Ông này đã từng là một người bạn và cố vấn của nhà tiên tri, lại là cha của A’isha, người vợ nhỏ tuổi và được cưng yêu nhất của Mohammed lúc sắp qua đời. Ông Abu Bakr khi đó vào khoảng 60 tuổi, dáng người lom khom, có bộ râu nhuộm đỏ theo phong tục Hồi giáo, là người ăn mặc giản dị nhưng được mọi người kính nể nhờ bản tính ân cần, khiêm tốn và rất hiểu biết. Khi làm giáo chủ, ông mang danh hiệu Khalifat Rasul Allah, tức là người kế tục của Sứ Đồ của Thượng Đế.
Khi bắt đầu giữ nhiệm vụ kế tiếp nhà Tiên Tri, ông Abu Bakr đã gặp ngay khó khăn vì vài bộ lạc Ả Rập muốn tách ra khỏi khối Hồi giáo. Trước kia, họ đã từng trung thành với ông Mohammed và đóng thuế vì uy tín của nhà Tiên Tri là người đã mang lại niềm tin, đã kết hợp các sắc dân du mục bedouin và các nhóm dân khác nhưng đến nay, đã không còn sự ràng buộc nữa và họ đã từ chối nạp tiền cho các người đi thu thuế. Sự chống đối lan rộng và trở nên nghiêm trọng khiến cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo tin rằng khó mà hàn gắn nổi những rạn nứt này, dù cho phải dùng tới sức mạnh quân sự. Nhưng mặc dù bản tính dịu dàng, ông Abu Bakr đã không chấp nhận cách ly khai này bằng cách gửi các đoàn quân chinh phục và trong vòng 2 năm, các kẻ bỏ đạo và các nhà tiên tri giả như Musailima đã phải quy hàng.
Sau đó giáo chủ Abu Bakr còn muốn mang Lời của Thượng Đế tới các dân tộc khác sống tại phía bắc và đạo quân Hồi giáo bắt đầu đánh chiếm các lãnh thổ của 2 đế quốc Byzantine và Ba Tư. Kinh Koran và lưỡi kiếm đã chinh phục dần dần các miền đất lạ, vào thời kỳ này tôn giáo là một lý do, là một động cơ thúc đẩy các cuộc chinh phục nhưng còn một yếu tố khác là cảnh nghèo nàn của xứ Ả Rập đang thiếu thốn các tài nguyên. Dân chúng miền này thường xuyên không có đủ thực phẩm và họ đã chú ý tới miền đất xanh tươi hình cánh cung trải dài từ thành phố Palestine qua phía bắc xứ Syria, dẫn tới thung lũng của hai con sông Euphrates và Tigris rồi đến vịnh Ba Tư.
Các bộ lạc Ả Rập nằm nằm rải rác gần miền cánh cung này trong nhiều thập niên đã là các xứ sở đệm giữa hai đế quốc thù nghịch là Byzantine và Ba Tư (Persia). Hai đế quốc này thường dùng những người Ả Rập làm lính đánh thuê vì thế lớp người này đã trông cậy vào người Hồi giáo như những kẻ giải phóng họ.
Yếu tố thứ hai giúp cho người Hồi giáo là sự thù nghịch giữa hai đế quốc kể trên. Từ đầu thế kỷ thứ 7, đế quốc Byzantine trị vì bởi vua Heraclius tại kinh đô Constantinople với dân chúng theo đạo Thiên Chúa, đã tràn qua xâm lăng vùng Trung Đông, chiếm thành phố Jerusalem và rồi lấn qua chiếm xứ Ai Cập là những nơi chịu ảnh hưởng cai trị do vua Yezdegerd trị vì tại Ctesiphon, thuộc xứ Ba Tư của những người theo đạo thờ lửa Zoroastrianism.
Sự thành công của lực lượng Hồi giáo không chỉ nhờ vào sự tương tranh và suy tàn của hai đế quốc kể trên mà còn nhờ vào tài năng của các viên tướng tài ba theo đạo Hồi. Những nhà quân sự này đã chuyển dần các vụ cướp bóc, hôi của, thành các chiến dịch chinh phục những miền đất mới. Một trong các vị tướng có tài là Khalid ibn al-Walid, người lúc ban đầu ở trong lực lượng của thành phố Mecca chống lại nhà Tiên Tri, nhưng sau đã cải sang đạo Hồi và chiến đấu cho Hồi giáo. Trong một trận đánh tại Mu’ta gần thành phố Palestine, vị chỉ huy Hồi giáo bị giết chết và Walid đã lên nắm quyền, điều khiển hữu hiệu 3,000 quân khiến cho quân địch phải thối lui. Do tài lãnh đạo và lòng cam đảm, tướng Walid đã được nhà Tiên Trị gọi là “Lưỡi Gươm của Hồi giáo”.
Về sau Khalid trở nên viên tướng chính của giáo chủ Abu Bakr, đã cùng với các viên chỉ huy khác tổ chức các bộ lạc Ả Rập trở thành một lực lượng quân sự lớn lao nhất thời bấy giờ. Các vị tướng lãnh tài giỏi này đã là những nhà chiến lược của sa mạc, giống như những người Vikings biết lợi dụng biển cả, nhờ đó họ xuất sắc hơn cả các người La Mã nổi danh vì các đạo quân viễn chinh. Sa mạc đối với người Ả Rập là một hậu phương rộng lớn, che chở họ khi rút lui cũng như lúc tấn công. Người Ả Rập đã khai thác hai yếu tố quân sự, đó là tính bất ngờ và tốc độ phục kích. Họ hiểu rõ chiến thuật dùng ngựa và lạc đà hơn tất cả các dân tộc khác trên thế giới, họ lại có tài về cách bắn cung, đánh kiếm và rất gan dạ trên chiến trường nhờ lòng tin tưởng mãnh liệt vào tôn giáo. Khi xung trận, các lính bộ binh bắn ra các trận mưa tên rồi tiếp theo là các toán kỵ binh Ả Rập lăn xả vào địch quân với gươm sắc và giáo nhọn khiến cho mọi hàng ngũ quân địch phải bị tan rã.
Các đội quân Ả Rập đã tiến về ba hướng: phía bắc tiến vào Iraq và Palestine, phía đông đánh phá Iraq và Ba Tư là cửa ngõ của miền Trung Á, còn phía tây xâm chiếm Ai Cập với vùng Bắc Phi. Khi tướng Khalid đang ở tại mặt trận đối đầu với lực lượng Ba Tư, ông ta được lệnh của Abu Bakr phải điều khiển một đoàn quân tăng cường cho mặt trận ở Syria, Khalid đã thực hiện một cuộc chuyển quân thần tốc, vượt 200 dặm qua sa mạc không có nước uống và theo chuyện kể, ông ta đã cho lạc đà uống no nước rồi mổ bụng lạc đà, lấy nước cho ngựa chiến uống. Đoàn quân tiếp viện này đã kịp thời tới Ajnadain nằm giữa Jerusalem và Gaza, nhờ thế quân đội Hồi giáo đã đánh thắng quân lính của vua Heraclius và tiến vào thành Damascus sau 6 tháng vây thành. Đó là vào năm 635. Trước khi tiến quân vào thành phố đầu hàng, tướng Khalid cho công bố một bản văn mà từ đó về sau, đã trở thành một tiêu chuẩn cho các cuộc chinh phục của Hồi giáo: “Với danh nghĩa của Allah là Đấng Từ Bi, Đấng Cứu Rỗi, sau đây là những gì Khalid ibn al-Walid sẽ ban cho các cư dân của thành Damascus: Tôi hứa sẽ cung cấp cho tất cả sự an toàn về mạng sống, tài sản và nhà thờ. Kinh thành sẽ không bị phá hủy và người Hồi giáo sẽ không ở trong nhà của dân chúng. Vì chúng tôi đã cho tất cả lời thỏa ước với Thượng Đế và sự che chở của nhà Tiên Tri, của các giáo chủ và các tín đồ. Không có gì xẩy ra cho dân chúng cả một khi họ đóng thuế đầy đủ”.
Vì Damascus được người thời đó coi là một kinh thành cổ nhất của thế giới nên vua Heraclius phải tìm cách chiếm lại. Nhà vua này đã tập trung 50 ngàn quân để đánh đuổi người Ả Rập ra ngoài sa mạc. Trước sức mạnh lớn lao này, tướng Khalid đã rút quân khỏi kinh thành Damascus, lui về gần dòng sông Yarmurk tại phía nam của biển Galilee và chờ đợi.
Cuối cùng hai đạo quân đối đầu nhau vào một ngày mùa hè nóng nực trong năm 636, gió thổi mạnh từ hướng đông nam, tung cát vào mặt đoàn quân Byzantine đang tiến tới. Lợi dụng lúc này, quân Hồi giáo đã che mặt, theo trận gió cát mà tấn công dữ dội kẻ địch. Viên chỉ huy của lực lượng Byzantine là Theodorus bị giết và đoàn quân lớn mạnh nhất của ông ta cũng bị tàn sát. Sau trận đánh quyết định này, tất cả miền Syria và Palestine đều rơi vào tầm tay của người Ả Rập ngoại trừ hai thành phố Caesarea và Jerusalem. 
2/ Giáo Chủ Umar.
Trước ngày chiến thắng kể trên 2 năm, ông Abu Bakr đã qua đời vì bị bệnh sốt vào năm 634 ở tuổi 52 nhưng trước khi chết, đã nghĩ tới người kế tiếp mình. Ông Umar được chọn vì là một người cố vấn của nhà Tiên Tri và cũng của ông Abu Bakr. Ông Umar đã tự gọi mình là “Người kế tiếp của người kế tiếp của Sứ Đồ của Thượng Đế” (Successor of the Successor of the Messenger of God) nhưng về sau dùng danh hiệu đơn giản hơn là “Lãnh tụ của các tín đồ” (Commander of the Faithful).
Ông Umar là một trong vài giáo chủ đạo Hồi lớn lao nhất vì là nhân vật có đủ năng lực, can đảm và khiêm tốn với niềm tin đạo rất cao. Chuyện còn kể rằng đã có lần ông Umar đánh đứa con trai bằng roi vì các hành vi thiếu đạo đức của cậu con này. Giáo chủ Umar lãnh đạo Hồi giáo trong một thập niên, vào thời gian này đạo Hồi đã thực hiện được các cuộc chinh phục lớn lao nhất.
Sau khi Tướng Khalid đánh thắng đoàn quân Byzantine, kinh thành Jerusalem đã cầm cự được cuộc vây hãm trong một năm, cho tới năm 637, giáo trưởng của kinh thành là Sophonius chấp nhận đầu hàng với điều kiện rằng vị giáo chủ đạo Hồi phải ra nhận bàn giao thành phố thánh địa. Ông Umar đồng ý với đề nghị kể trên và đã dùng lạc đà đi từ Medina, trên mình vẫn mặc bộ y phục tầm thường, nhiều miếng vá. Khi tới Jerusalem, giáo chủ Umar đã cư xử tử tế đối với những người Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, giống như Tướng Khalid đã ôn hòa đối với cư dân thành phố Damascus.
Trong khi thăm viếng ngôi Nhà Thờ Chúa có Ngôi Mộ Đá (the Church of the Holy Sepulcher), nơi mà người Thiên Chúa giáo tin tưởng rằng đây chính là ngôi mộ của Chúa Kitô, và vào thời giờ mà người Hồi giáo cầu nguyện, giáo chủ Umar đã không cầu kinh trong khuôn viên nhà thờ để tránh cho sau này các người theo đạo Hồi không đòi hỏi ngôi nhà thờ này trở thành đền thờ Hồi giáo. Ông Umar đã ra bên ngoài bãi đất trống, hướng về thành phố Mecca mà sụp lạy.
Sau khi đã chiếm xong hai xứ Palestine và Syria, các đoàn quân Hồi Giáo tiếp tục các chinh phục mới. Vào năm 61, một danh tướng Hồi khác tên là Amr ibn al-As bắt đầu đưa quân qua Ai Cập, mở đầu việc tràn qua Bắc Phi. Lý do chính của công cuộc chinh phục này là vì đồng bằng sông Nile là một vựa ngũ cốc và xứ Ai Cập có thể là một căn cứ phản công của thế lực Byzantine. Sau 7 tháng vây hãm, thành Babylon, gần thành phố Cairo ngày nay, đã phải đầu hàng và sau 3 năm, thành phố Alexandria và toàn thể xứ Ai Cập nằm dưới quyền của người Hồi.
Trong khi một đoàn quân Hồi đánh chiếm Ai Cập thì đế quốc Ba Tư cùng với tất cả kho tàng cũng thuộc về thế lực Hồi giáo vào năm 644, như vậy lãnh thổ của đạo Hồi đã trải dài từ miền Địa Trung Hải tới tận xứ Ấn Độ. Các miền đất khác nhau này đều thuộc quyền hành của giáo chủ Umar và vài nhân vật kế tiếp. Chính sách cai trị của giáo chủ Umar được căn cứ vào các lời giảng dạy trong kinh Koran qua đó việc bắt buộc đóng thuế đã được xác định như sau: “Hãy đánh chiếm các kẻ nào không tuân theo tôn giáo của sự thật cho đến khi nào họ nạp tiền thuế”. Như vậy đối với những người không theo đạo Hồi, họ thường phải nạp thuế thân và thuế đất.
Tại các xứ sở quy phục đạo Hồi một cách hòa bình, người dân được giữ lại mảnh đất và được che chở vì đã đóng thuế. Đối với các dân tộc chống lại bằng sức mạnh, tài sản và đất đai của họ bị coi là chiến lợi phẩm và theo như kinh Koran quy định, 1/5 của cải chiếm được thuộc về đạo Hồi, phần còn lại chia cho các chiến binh. Tuy nhiên người Hồi cho rằng họ có lợi hơn nếu các dân tộc bị chinh phục chịu đầu hàng, trả thuế và cung cấp thực phẩm cho các đoàn quân chiếm đóng.
Các dân tộc bị chinh phục bởi các đạo quân Hồi giáo không bị bắt buộc phải cải theo đạo Hồi nhưng họ không được hành lễ bên ngoài các ngôi giáo đường của họ, bị cấm đánh chuông, cấm xây dựng các tòa nhà thờ phượng mới và dù sao, họ vẫn cảm thấy dễ chịu hơn trước, khi sinh sống dưới quyền thống trị của các thế lực cũ. Còn về các dân tộc cải sang đạo Hồi, họ bị gọi là “mawali”, một tầng lớp dân chúng thấp kém, để phân biệt với giai cấp cai trị người Ả Rập, và họ phải đóng nhiều thuế hơn so với người dân gốc Ả Rập.
Ông Umar tiếp tục củng cố việc công việc cai trị đế quốc Hồi giáo cho tới năm 644, vị giáo chủ này đã bị một tên nô lệ theo Thiên Chúa giáo đâm chết khi ông ta đang cầu nguyện vào lúc rạng đông. Trước khi qua đời, ông Umar còn biểu lộ sự vui mừng là tên sát nhân không phải là một người theo Hồi giáo.
Ông Umar đã thực hiện sứ mạng bằng hai đường hướng, do khuyến khích việc bành trướng đế quốc Hồi giáo qua cách tiếp tục công cuộc thánh chiến “jihad” và do cách truyền giáo có hệ thống tới các bộ lạc Bedouin, với chủ đích thay thế các niềm tin thần linh bộ lạc bằng lòng trung thành vào thứ thần quyền mới và vào các giáo lệnh của nhà Tiên Tri. Cũng nhờ các cuộc chinh phục, các bộ lạc trong đế quốc Hồi giáo trở nên giàu có hơn nhờ các chiến lợi phẩm, nhờ việc chiếm đóng các miền đất trù phú mới.
 3/ Giáo chủ Uthman.
Sau đó quyền hành giáo chủ được chuyển qua ông Uthman, một nhà quý tộc Hồi giáo cao niên, mộ đạo nhưng ưa thích mặc áo đẹp. Ông Uthman thuộc gia đình Umayyad giàu có và thế lực, đã chống lại nhà Tiên Tri vào lúc ban đầu nhưng sau chiến thắng của đạo Hồi, đã ngả theo quyền lực mới.
Ông Uthman đã giữ chức giáo chủ trong 12 năm. Công trình chính của ông là việc tiêu chuẩn hóa kinh Koran. Trong thời kỳ này đã có nhiều địa phương chống đối chính quyền trung ương, lý do chính vì ông Uthman đã bổ nhiệm nhiều người nhà và bạn thân vào các chức vụ cao, đặc biệt tại xứ Ai Cập, viên tổng trấn cũ đã bị thay thế bởi người bà con của giáo chủ là người chỉ có khả năng thu thuế giỏi, hơn là cai trị tốt. Đoàn 500 người Ả Rập phản đối đã về Medina để khiếu nại nhưng do áp lực của gia đình, giáo chủ Uthman đã lên án họ nhân buổi lễ vào ngày thứ Sáu tại một ngôi đền Hồi giáo. Các kẻ chống đối sau đó đã bao vây ngôi nhà của giáo chủ và một tên lính đã lẻn vào phòng và đâm chết ông Uthman. Đây là lần đầu tiên một vị giáo chủ đạo Hồi bị một người Hồi giáo ám sát và sự việc này đã làm chia rẽ đạo Hồi, tạo nên các cuộc nội chiến sau này. 
4/ Giáo Chủ Ali.
Giáo chủ mới được bầu lên trong số những vị cao niên uy tín của đạo Hồi để thay thế ông Uthman, là ông Ali. Đây là con trai của người chú, ông Abu Talib, người đã nuôi dưỡng nhà Tiên Tri lúc ban đầu. Ông Ali còn là con rể của nhà Tiên Tri, đã kết hôn với Fatima và là một trong vài người đầu tiên công nhận sự mặc khải của giáo chủ Mohammed.
Ông Ali còn được nhiều người kính trọng vì tính tình rộng lượng, vì tài hùng biện và nhất là vì tài năng của một tướng lãnh. Vào thời gian này, ông ta là một người mập mạp, đầu hói, có râu bạc trắng, dáng người bệ vệ đủ gây uy tín đối với mọi người khác. Nhiều người còn cho rằng đáng lý ra ông Ali phải là vị giáo chủ thứ nhất mà không phải là thứ tư.
Khi mới nhận chức vị giáo chủ, ông Ali đã gặp phải nhiều chống đối dữ dội, đặc biệt từ hai người cùng tranh chức vị và từ nàng A’isha, bà vợ góa trẻ của nhà Tiên Tri. Có sử gia cho rằng mối oán thù này là do nàng A’isha bị ông Ali nghi ngờ về tấm lòng chung thủy khi nàng đến thành phố Medina trễ cùng với một người bộ lạc trẻ với lý do ở lại để tìm kiếm một món nữ trang bị thất lạc, và nàng A’isha đã không bao giờ tha thứ cho ông Ali về vấn đề này.
Tới khi chức vụ giáo chủ bị bỏ trống, nàng A’isha đã hợp tác với hai nhân vật nhiều tham vọng tên là Zubair và Talha, âm mưu một cuộc nổi loạn, tố cáo ông Ali đã không đưa vụ ám sát ông Uthman ra công lý. Các người âm mưu đã chiếm được thành phố quân sự Basra thuộc xứ Iraq, lật đổ viên tổng trấn theo phe của ông Ali.
Do không có lực lượng quân sự để dẹp tan những người nổi loạn, ông Ali đã cùng một số người ủng hộ tại Medina, đi tới thành phố Kufa cách Basra 200 dặm về phía tây bắc, rồi cả hai phe củng cố binh lực. Tại Basra, hai đội quân Hồi giáo đối đầu nhau trong một trận giáp chiến danh tiếng được gọi là “Trận Chiến Lạc Đà” (The Battle of the Camel), bởi vì trong trận đánh này, nàng A’isha thúc quân từ một cái kiệu đặt trên lưng một con lạc đà. Trận chiến kết thúc với chiến thắng về phía ông Ali, với một kẻ đối nghịch bị giết trong trận mạc và kẻ thứ hai thiệt mạng sau này do các người Bedouin, nàng A’ish bị giải về thành phố và sống một cuộc đời âm thầm từ đó.
Sau chiến thắng này, ông Ali đã không đặt bộ chỉ huy mới tại Medina mà tại Kufa nằm ngay trung tâm của đế quốc Hồi giáo và ông đã cố gắng tìm cách hòa giải với các kẻ thù cũ, tuy nhiên các khủng hoảng đã xẩy ra tại Syria khi ông Ali tìm cách thay thế những người thân thuộc của cựu giáo chủ Uthman. Một trong những người này là Mu’awiya, viên tổng trấn quyền thế của xứ Syria và cũng thuộc gia đình Umayyad của thành phố Mecca. Ông Mu’awiya đã không chịu rút lui dễ dàng mà đã tố cáo ông Ali đồng lõa trong vụ giết giáo chủ Uthman và yêu cầu ông Ali mang vụ sát nhân ra xét xử. Việc đòi hỏi này đã được nhiều người ủng hộ và sau đó, sự do dự của ông Ali bị tố cáo là cách che chở cho các kẻ phạm pháp. Trong một buổi lễ tại một đền thờ Hồi giáo thuộc thành phố Damascus, ông Mu’awiya đã cho trưng ra tấm áo đẫm máu mà cựu giáo chủ Uthman đã mặc.
Ông Mu’awiya không những là một nhà cai trị có khả năng mà còn là một chính khách khéo léo. Ông ta được sự ủng hộ của dân chúng Syria và của viên tướng Amr, người đã bị giáo chủ Ali cho thay chức tổng trấn tại Ai Cập.
Sự chống đối trong nội bộ đạo Hồi đã khiến cho giáo chủ Ali phải dẫn quân đội tới đối phó với ông Mu’awiya. Hai đoàn quân đối mặt nhau vào tháng 7 năm 657, gần thành phố La Mã cổ Siffin, thuộc phía bắc của thung lũng con sông Euphrates. Sau một trận chiến ác liệt, quân của ông Mu’awiya đã phải thoái lui nhưng sau đó viên tướng Amr đã cho quân sĩ cắm trên đầu ngọn giáo các trang giấy của cuốn kinh Koran và hô lớn câu “Quyết định chỉ thuộc về Thượng Đế”, khiến cho binh lính của ông Ali từ chối chống lại các người đang làm theo Lời của Thượng Đế. Cuộc chiến vì thế bị ngưng lại và việc dàn hòa kéo dài trong 6 tháng.
Do giáo chủ Ali chấp nhận sự đàn hòa, phe Mu’awiya đã ở tại vị thế ngang bằng, lại được sự cố vấn của một người vừa quỷ quyệt, vừa xuất sắc là Amr. Tướng Amr đã đề nghị nên chọn một vị giáo chủ mới cho việc tranh chấp. Ông Ali đã không chấp nhận điều này nhưng cũng không làm sao tiếp tục cuộc chiến chống lại ông Mu’awiya. Vì các chia rẽ nội bộ, các kẻ chống đối ông Ali sau đó đã lập ra một phe ly khai gọi tên là Kharijites.
Vào tháng 7 năm 658, quân lực của ông Ali và của phe Kharijites đã đối đầu nhau trong một trận chiến tại phía đông của dòng sông Tigris, thuộc miền trung tâm của xứ Iraq. Ông Ali đã thắng trận này nhưng lực lượng của ông bị suy yếu, không đủ sức chống lại phe Syria do ông Mu’awiya chỉ huy và phe này đã lập nên một miền đất bao gồm cả xứ Ai Cập, độc lập trong đế quốc Hồi giáo và quân đội Syria đã nhiều lần đánh phá các thành phố của ông Ali.
Ba năm sau khi chiến thắng phe ly khai, một hôm giáo chủ Ali vào cầu nguyện trong một ngôi đền Hồi giáo tại Kufa thì bị một kẻ cuồng tín Kharijite từ chỗ ẩn núp, xông ra và dùng gươm đâm chết. Các người trung thành với ông Ali đã quy tụ chung quanh người con trai lớn Hasan của cựu giáo chủ nhưng Hasan là một người không có tham vọng chính trị nên sau vài tháng, đã quy phục viên tổng trấn Syria để nhận được món trợ cấp lớn, vì vậy chức vụ giáo chủ thuộc về ông Mu’awiya. 
5/ Các triều đại Umayyads.
Ông Mu’awiya trở nên giáo chủ đạo hồi vào năm 661, đã thiết lập tại Damascus một thủ đô Hồi giáo mới bởi vì từ lâu, ông ta đã hiểu rõ miền này và ông đã cai trị xứ sở Hồi giáo như một nhà vua thông thường hơn là một lãnh tụ tôn giáo. Chung quanh ông là các cố vấn có thể nói thẳng mà không sợ bị trừng phạt. Quyền lực Hồi giáo này dựa vào đội quân Syria được tập trung dần dần vào trung ương và từ nay, các giáo chủ Umayyads càng trở nên độc tài hơn.
Dưới các triều đại Umayyads, văn hóa Hồi giáo bắt đầu thành hình, tiếng Ả Rập từ nay trở nên ngôn ngữ chính, thay thế tiếng Hy Lạp và tiếng Ba Tư. Các loại tiền tệ Hồi đầu tiên ra đời gồm có các đồng dinars bằng vàng và dòng dirhams bằng bạc, trên đó có khắc các câu văn trích trong kinh Koran. Hệ thống thông tin được khai triển bằng cách dùng cách truyền tin bằng ngựa. Nhiều công trình đào kênh và làm đường được bắt đầu, nhiều đền thờ Hồi giáo rực rỡ được xây dựng nên, đặc biệt nhất là Ngôi Đền Lớn tại Damascus.
Các vua chúa của triều đại Umayyads là những người hưởng thụ mọi xa hoa vật chất trong đế quốc Hồi giáo, nhưng họ cũng là các nhà lãnh đạo quốc gia có tài, về phía đông đã xâm lấn tới thung lũng Indus của xứ Ấn Độ, còn về phía tây đã chiếm đóng lãnh thổ Tây Ban Nha và bờ biển Đại Tây Dương. Từ năm 711, đạo quân Hồi đã tiến vào Gibraltar và trong vòng 7 năm, toàn thể bán đảo Iberian đã nằn dưới quyền cai trị của người Hồi. Tại miền Trung Đông, sau khi chiếm giữ Syria, quân đội Hồi tiến gần tới thành Constantinople, đóng quân tại một địa điểm trọng yếu gần thủ đô của xứ Byzantine này trong 7 năm trước khi phải rút lui.
Giống như các triều đại khác, đế quốc Umayyads cũng dần dần suy kém vì các mối bất hòa nội bộ, vì kinh tế suy thoái và các bất công xã hội. Tầng lớp người bất mãn nhất trong xã hội Hồi giáo này có tên là “mawali”, họ là những người cải sang đạo Hồi nhưng vẫn bị coi là thấp hèn, vẫn phải đóng các loại thuế cao, khi được tuyển vào trong quân đội họ bị xếp vào đội ngũ bộ binh, nhận ít lương hơn nhiều so với giới kỵ binh là những thành phần quý tộc. Đã có nhiều vị lãnh đạo Hồi giáo tìm cách sửa chữa bớt các bất công, đặc biệt là giáo chủ Umar II trị vì từ năm 717 tới năm 720. Ông này đã cải tổ thuế vụ, ra đạo luật miễn mọi thứ thuế cho người Ả Rập ngoại trừ thuế tôn giáo bắt buộc. Tuy nhiên cải cách này đã làm suy yếu nền kinh tế của đất nước và các giáo chủ kế tiếp không tìm ra phương cách sửa chữa.
Do bất mãn, nhiều người Hồi đã tham gia các phe phái chống lại triều đình Umayyad strong số này có nhóm Kharijites và nhóm chủ trương quân phiệt Shi’a hay Shi’ite. Đây là những người tin rằng dòng họ Umayyads đã chiếm đoạt ngôi vị giáo chủ chân chính của ông Ali và những người kế tiếp.
Khi ông Mu’awiya qua đời vào năm 680, phe Shi’a đã cố gắng giành cho người con nhỏ của ông Ali tên là Husayn lãnh ngôi vị giáo chủ. Cùng với gia đình và một số người ủng hộ, ông Husayn đã đi từ Medina tới thủ đô Kufa cũ nhưng trên đường đi, ông ta bị chặn lại do một toán quân dưới quyền của Yazid là con trai giáo chủ Mu’awiya. Ông Husayn này đã bị bắt, bị giữ 10 ngày rồi bị chém đầu, đầu lâu đưa về cho ông Yazid đóng đô tại Damascus.
Sự việc giết chết người cháu của nhà Tiên Tri đã làm chấn động thế giới Hồi giáo và gây thêm kẻ thù chống lại triều đại Umayyads. Hiện nay ngày tử nạn của ông Husayn vẫn còn được thế giới Hồi giáo kỷ niệm.
Để phản kháng chính quyền trung ương, các bộ lạc Bedouin trước kia chia rẽ, nay đoàn kết lại với nhau và với các phe phái khác để tìm cách lật đổ triều đại Umayyads. Trong số phe chống đối, đáng kể nhất là đảng Abbasid, đứng đầu do một người Hồi nhiều thủ đoạn tên là Abbas, có nguồn gốc từ một người chú của nhà Tiên Tri Mohammed. Trung tâm của đảng Abbasid này được đặt trong xứ Ba Tư và người dân của xứ sở này vẫn tự coi là có nền văn hóa cao hơn người Ả Rập. Phe Abbasid còn tuyên truyền rộng lớn rằng các vua Umayyads không phải là các giáo chủ chính thống, đã theo lối sống suy đồi mà quên đi nền chính trị thần quyền Hồi giáo.
Phe Abbasid đã nổi dậy vào tháng 7 năm 747, dùng ngọn cờ đen làm biểu hiệu, lật đổ viên tổng trấn Umayyad tại Ba Tư và chiếm giữ quyền hành. Đoàn quân Ba Tư dưới quyền chỉ huy của Tướng Abu Muslim đã đánh thắng đạo quân địch. Sau đó các người Hồi này đã tôn ông Abbas lên làm giáo chủ vào năm 749 và qua năm sau, đoàn quân Ba Tư dàn trận tại Great Zab, gần nhánh sông Tigris thuộc phía bắc Iraq. Vị giáo chủ gốc Umayyad thua trận, phải bỏ chạy qua xứ Ai Cập rồi về sau bị bắt, đầu bị chém và đưa về trình vị giáo chủ mới. Kể từ khi ông Mu’awiya lên nắm quyền vào năm 661 tới khi dòng họ Umayyads cuối cùng bị lật đổ vào năm 750, đã có 14 giáo chủ đạo Hồi thuộc về dòng họ này.
Các người thuộc thế lực Hồi giáo mới tại Ba Tư đã tìm cách quét sạch hệ thống cai trị trước. Trong cuộc tàn sát tiêu biểu nhất, viên tướng Ba Tư tên là Abdullah đã mời hơn 80 nhân vật thuộc dòng họ Umayyads tới dự một bữa tiệc rồi vào giữa cuộc vui, đã ra lệnh giết sạch những ngươi kể trên, che phủ các tử thi rồi tướng Abdullah cùng các người khác lại tiếp tục ăn uống. Trong cuộc tàn sát tập thể này, chỉ có một người tên là Abd al-Rahman thuộc dòng họ Umayyad trốn thoát được, đã lẩn tránh sau đó qua xứ Tây Ban Nha và lập ra một triều đại tồn tại trong 300 năm.
Các người Abbasids còn tìm cách khai quật các ngôi mộ của các vị giáo chủ Umayyads trước kia, ngoại trừ mộ phần của ông Umar II không bị xúc phạm bởi vì họ coi ông này là vị lãnh tụ Hồi giáo chân chính duy nhất. Để củng cố chính quyền, các người Abbasids tìm cách loại trừ một cách độc ác mọi kẻ chống đối, kể cả phe Shi’ite. Abu Muslim là viên tướng Ba Tư xuất sắc cũng bị nghi ngờ và bị chém thành nhiều mảnh. Một nạn nhân danh tiếng khác là viên tướng đã từng tàn sát hơn 80 nhân vật Umayyad trong bữa đại tiệc.
Triều đại Abbasid đã kéo dài được 500 năm với giai đoạn rực rỡ nhất dưới thời giáo chủ đạo Hồi Harun al-Rashid, từ năm 786 tới năm 809.
6/ Đạo Hồi ngày nay.
Hiện nay có vào khoảng một tỉ người theo đạo Hồi, rải rác trên 40 quốc gia thuộc cả 5 lục địa. Đạo Hồi là một tôn giáo lớn, linh hoạt, đang phát triển nhưng các cộng đồng theo Hồi giáo lại khác nhau về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục v.v. bởi vì đây là một thế giới rộng lớn, đa quốc gia, đã từng xuất phát từ một nền văn minh nhiều ảnh hưởng sâu sắc.
Kế tiếp nhà Tiên Tri Mohammed có 4 nhân vật được coi là các vị giáo chủ chân chính, đã lãnh đạo thời đại Hồi giáo lý tưởng trong khoảng 30 năm. Vị giáo chủ thứ hai là ông Umar, điều hành từ năm 634 tới năm 644, đã lập nên 2 thành phố Hồi giáo mới là Al Basra vào năm 635 và Kufa vào năm 638 và từ hai nơi này mà nền cai trị được tiến hành về hai hướng đông và tây.
Sau khi vị giáo chủ thứ 4 Ali qua đời, ông Mu’awiya đã lập nên triều đại Umayyads, cai trị đế quốc Hồi giáo trong gần một thế kỷ. Những người theo giáo chủ Ali về sau lập ra giáo phái Shi’a hay Shi’ite, với các giáo điều và lý thuyết thần học khác biệt. Biến cố lịch sử của giáo phái này là cái chết bị thương tại Karbala của ông Husayn, người con trai của ông Ali, cùng với bà Fatima, người con gái của nhà Tiên Tri Mohammed. Ông Husayn cùng với gia đình 70 người đã bị tàn sát do đội quân của ông Yazid, giáo chủ thứ 6 thuộc dòng họ Umayyads. Người Hồi giáo Shi’a coi ông Husayn là một nhân vật tử đạo, đã sống theo đúng lời răn cho tới chết.
Giáo phái Shi’a, hay Shi’ite, có nhiều nhánh, trong đó nhánh Ithna Ashiriyya hay nhánh 12 Shi’a, chủ trương rằng nhà Tiên Tri đã chỉ định 12 người kế tiếp, được gọi là 12 imams hay lãnh tụ cộng đồng Shi’a, những người này được thừa kế từ cha xuống con với thẩm quyền chính trị bắt đầu từ chính nhà Tiên Tri Mohammed. Nhà lãnh tụ Iran nổi tiếng Ayatollah Khomeini đã từng là một imam tối cao.
Trong đạo Hồi còn có giáo phái Sunni rất quan trọng. Khởi đầu từ triều đại Abbasid tức là vào năm 750, giáo phái này chủ trương 4 trường phái về luật lệ tôn giáo (4 legal schools): Malikis, Hanafis, Shafi’is và Hanbalis. Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shi’ite khác nhau giống như đạo Cơ Đốc (Catholicism) và đạo Tin Lành (Protestantism) dù cho cùng là đạo Thiên Chúa. Đạo Hồi Shi’ite có các đẳng cấp tu sĩ giống như đạo Cơ Đốc, với vị Imam tối cao giống như Giáo Hoàng. Người theo đạo tin tưởng vào các truyền thống huyền bí và trong lịch sử của họ đã có nhiều anh hùng cũng như nhân vật tử đạo (martyrs), nhiều luật lệ về thừa kế và ly dị được coi là cởi mở hơn đối với phụ nữ, một phần cũng vì lòng kính trọng bà Fatima, vợ của ông Ali và cũng là người con gái của nhà Tiên Tri.
Đạo Hồi Sunni không có giới tu sĩ chính thức mà chỉ có các học giả (scholars) và các nhà luật học (jurists) góp các ý kiến về các luật lệ và tập tục theo Hồi giáo. Người theo đạo Hồi Sunni tin tưởng các thẩm quyền lãnh đạo cộng đồng hơn là các nhà chính trị và một người theo đạo này có quyền chọn một trong 4 trường phái tư tưởng Hồi giáo. Trong các cộng đồng Sunni, các học giả tôn giáo được kính trọng và là những người có quyền lực về mặt xã hội, ảnh hưởng tới nền chính trị.
Sau thời kỳ của 4 vị giáo chủ chân chính, đạo Hồi đã không thể đoàn kết lại thành một định chế về mặt tôn giáo và chính trị, và thông thường trong đạo Hồi vẫn có hai thế lực xung đột nhau. Trong chiều dài của lịch sử, các người Shi’ite thường bị ngược đãi nhưng kể từ cuộc Cách Mạng Iran năm 1979 do ông Khomeini lãnh đạo, các tranh đấu vì lý tưởng Shi’ite đã lan rộng. Iran đã ủng hộ các người Hồi giáo thuộc các xứ Palestine, Afghanistan và Lebanon. Nhóm du kích Hezbollah là một tổ chức Shi’ite.
Ngược lại tại xứ Iraq và dưới quyền cai trị của nhà độc tài Saddam Hussein, đa số người Hồi giáo Shi’ite đã bị đàn áp một cách tàn nhẫn, các đền thờ Shi’ite linh thiêng bị triệt hạ, các lãnh tụ Shi’ite bị ám sát hoặc phải bỏ chạy qua xứ Iran, và ngay cả ông Mohammed Sadiq al-Sadr, dù cho đã được Saddam Hussein bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo cộng đồng Shi’ite, cũng vẫn bị hành quyết vào năm 1999 khi ảnh hưởng của ông ta đủ lớn lao. Người kế tiếp là Đại Ayatollah Sayyed Ali al-Sistani cũng bị quản chế trong 15 năm.
Ngoài hai giáo phái chính Sunni và Shi’ite, còn một giáo phái đạo Hồi quan trọng khác: giáo phái Sufi. Giáo phái này chủ trương truyền thống khắc kỷ (ascetic tradition), chú trọng tới tính linh thiêng (spirituality) hơn là các luật lệ tôn giáo. Vào thế kỷ thứ 9, giáo phái Sufi đã làm phát triển các giáo điều huyền bí và trong các buổi lễ, các giáo dân Sufi cùng nhau nhẩy nhót theo nhiều nhịp điệu tôn giáo cuồng nhiệt.
Đạo Hồi Sufi chú trọng vào tấm lòng yêu thương Thượng Đế, nhấn mạnh vào kiến thức trực giác (intuitive knowledge), làm phát triển tập thể giáo dân do chủ trương tình huynh đệ, do các hành động nhân đạo như việc giúp đỡ các kẻ nghèo khó thuộc đủ mọi loại đức tin. Các người theo đạo Hồi Sufi là những kẻ trung gian giữa dân chúng và chính quyền, và cũng vì những việc làm từ thiện của họ mà họ đã thành công và thế giới Hồi giáo đã lan rộng ra ngoài vùng Trung Đông, tới nhiều vùng thuộc châu Phi và Đông Nam Á.
Sở dĩ đã xẩy ra các xung đột giữa các giáo phái của đạo Hồi bởi vì đã có các mâu thuẫn giữa các tinh thần lý tưởng (idealism) và tinh thần thực tế (pragmatism), giữa các đòi hỏi tổng quát về chân lý đối nghịch với các nhu cầu thực tế của hoàn cảnh chính trị. Thực tại này tương tự như trường hợp của nước Pháp sau cuộc Cách Mạng năm 1789 hay của nước Nga năm 1917 sau khi đảng Bolshevik nắm được chính quyền. Các người theo đạo Hồi hiện nay đang tìm kiếm một căn bản ý thức hệ để dùng vào việc thiết lập một trật tự Hồi giáo mới.

Các nhà khoa học và triết học của Đạo Hồi

algebra
1. Các nhà khoa học và triết học của Đạo Hồi
Hiện nay, các danh từ như đại số (algebra = al-jabr), thuật giả kim (alchemy = al-kimiya), chất kiềm (alkali = al-qili), độ phương vị (azimuth = al-sumut) cùng nhiều danh từ khoa học khác đều có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập và từ đạo Hồi, như vậy các nhà toán học, hóa học, kinh tế, bác sĩ … đều mang nợ các khoa học của đạo Hồi sống vào thời Trung Cổ. Trong suốt 5 thế kỷ, từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 14, trong đạo Hồi đã có các nhà vật lý, hóa học, toán học, thiên văn học, địa dư học… họ không những làm sống lại nền Khoa Học của xứ Hy Lạp mà còn nới rộng, đào sâu, lập nên nền móng của nhiều bộ môn kiến thức ngày nay.
Nền khoa học của đạo Hồi không những chỉ quan tâm tới môi trường vật lý của con người mà còn tìm cách phân tích con người theo tinh thần, theo xã hội trong đó con người sinh sống. Tinh thần tìm hiểu này đã phát triển tốt đẹp khiến cho nhiều người phương tây thời bấy giờ đã phải hướng về các nhà khoa học của đạo Hồi để học hỏi.
Các nền khoa học của Hồi giáo đã căn cứ vào sự hiểu biết của người Hy Lạp thuộc nhiều thế kỷ về trước theo đó ngự trị trong vũ trụ trông có vẻ phức tạp, thực ra có các định luật tổng quát mà con người có thể hiểu rõ bằng lý trí (reason) nhờ đó nhiều hiện tượng tưởng chừng như không liên hệ với nhau mà thực ra đã bị chi phối bởi cùng một nguyên lý, chẳng hạn như về Thiên Văn Học, nếu một nhà khoa học hiểu rõ định luật đã khiến cho các thiên thể đi theo các quỹ đạo, thì nhà khoa học này có thể tiên đoán vị trí của một ngôi sao trong nhiều năm tới.
Sự hiểu biết vũ trụ, theo danh từ Ả Rập, được gọi là “falsafa”, bao gồm mọi kiến thức của con người, cả về phương diện lý thuyết cũng như thực hành, gồm cả các khoa vật lý, tự nhiên và triết học cũng như các học thuyết tôn giáo. Như vậy một triết gia về khoa học (a scientist philosopher) của thời đại bấy giờ không phải là một chuyên gia về một ngành học eo hẹp mà là một học giả hiểu rõ nhiều phạm vi học thuật như y khoa, thiên văn, hóa học, toán học, luận lý, siêu hình và ngay cả âm nhạc và thơ văn. Thời đó không có nhiều học giả với trình độ cao, những vị này đã sinh sống nhờ sự bảo trợ của một triều đình hay của vài gia đình giàu có, và sự uyên bác của họ đã khuyến khích việc tìm hiểu kiến thức tại các thành phố thuộc thế giới Hồi giáo và đã thu hút các học viên từ khắp nơi theo học các trường học của đạo Hồi.
Trong khi kiến thức được tìm hiểu và mở rộng thì các áp dụng thực tế đã mang lại các ích lợi cho đời sống hàng ngày, chẳng hạn như bộ môn Toán Học đã đáp ứng các nhu cầu trong các ngành thương mại và đo đạc, như bộ môn Thiên Văn đã xác định giờ cầu nguyện, ngày mặt trăng xuất hiện đầu tiên trong tháng Ramadan, phương hướng nhắm về thành phố Mecca và sự hiểu biết các tinh tú trên bầu trời đã hướng dẫn các kẻ đi xa trên đất liền và trên biển cả.
1/ Ngành Y Khoa.
Trong nhiều phạm vi học thuật, các nhà khoa học Hồi giáo rất hiểu rộng nhưng họ xuất sắc nhất về ngành Y Khoa. Trước kia, người Ả Rập thường tin tưởng vào những điều dị đoan, gồm cả việc dùng bùa ngải, dùng các lời cầu nguyện và một số thuốc men sơ khai như loại phẩm đỏ (henna) để chữa bệnh xưng khớp xương, mật ong để trị bệnh nhức đầu và bệnh sốt, họ cũng dùng một số lá cây để cầm máu. Qua thế kỷ thứ 8, trường Y Khoa của xứ Ba Tư tại thành phố Jundishapur bắt đầu giảng dạy các phương pháp trị bệnh căn cứ vào những điều thực hành hữu lý của các y sĩ Hy Lạp. Tới năm 765, khi nhà cai trị thành phố Baghdad là Mansur bị chứng đau dạ dầy kinh niên và các lương y của thành phố kể trên không thể chữa khỏi, vì thế vị giáo chủ đạo Hồi đã phải trông cậy vào vị y sĩ chính của thành phố Jundishapur, tên là Jurjis Ibn Bakhtishu, một người theo đạo Thiên Chúa. Ông Jurjis đã thành công và được bổ nhiệm làm y sĩ của triều đình.
Thành phố kiến thức đã thu hút các học giả vào đầu thế kỷ 9 là Baghdad. Khi cai trị từ năm 813 tới năm 833, giáo chủ đạo Hồi Ma’mun đã thiết lập một trung tâm học thức gọi là “Tòa Nhà Hiểu Biết” (The House of Wisdom) bên trong gồm có một thư viện, một cơ sở phiên dịch và một trường học. Giống như nhiều nhà lãnh đạo đương thời, giáo chủ Ma’mun lúc đầu rất do dự khi lý luận về vũ trụ của Thượng Đế nhưng rồi, theo chuyện kể lại, ông ta đã gặp vong hồn của nhà triết học Aristotle trong một giấc mơ và Aristotle đã bảo đảm với giáo chủ rằng sẽ không có sự xung khắc giữa lý trí (reason) với tôn giáo, do đó giáo chủ Ma’mun đã ra lệnh thiết lập trung tâm học thức kể trên.
Từ nay, trong khoảng thời gian 75 năm, các tư tưởng cao siêu của các học giả của xứ Hy Lạp và của các dân tộc khác đã được chuyển dịch sang tiếng Ả Rập trong số này đáng kể là các tác phẩm của Aristotle, Plato (triết học), các khảo cứu chính yếu của Euclid (toán học), Ptolemy (thiên văn), Archimedes (vật lý) và của nhóm y sĩ Hy Lạp danh tiếng như Hippocrates, Dioscorides và Galen cũng như nhiều công trình khoa học của người Ba Tư, người Ấn Độ… Những bản văn gốc một phần từ những chiến lợi phẩm khi quân đội Hồi giáo xâm chiếm xứ Byzantium và Ba Tư, một phần do các phái viên của giáo chủ Ma’mun gửi đi xa, chẳng hạn tới tận thành phố Constantinople để thu thập các văn bản Hy Lạp rồi mang về Baghdad.
Tại Tòa Nhà Hiểu Biết, các học giả Hồi giáo đã chuyển dịch hàng ngàn tác phẩm, mở đầu các công tác trí thức. Một trong các nhà bác học của tòa nhà kể trên là Hunayn ibn Ishaq, dịch giả của nhiều tác phẩm của Galen. Sinh ra tại Hira thuộc miền tây của xứ Ba Tư, ông Hunayn đã theo học y khoa tại Baghdad dưới sự hướng dẫn của một vị bác sĩ đã từng giảng dạy tại trường y khoa Jundishapur, một nơi đã gây nên các ảnh hưởng sâu sắc tới nền y học Hồi giáo. Một hôm Hunayn đã hỏi thầy dạy các câu hỏi khó trả lời, khiến cho ông thầy nổi giận, đuổi Hunayn ra khỏi lớp học. Cậu sinh viên này do bất mãn, đã theo học nhiều vị giáo sư khác, học thêm tiếng Hy Lạp và được các học giả mướn đi tìm kiếm các tác phẩm y học của Galen đang bị thất lạc. Vì mục đích này, Hunayn đã đi tới thành phố Damascus, tới miền Mesopotamia, các xứ Palestine, Ai Cập và Syria.
Về sau Hunayn được nhận làm phụ tá cho vị y sĩ của giáo chủ Ma’mun rồi từ đây phụ trách “Tòa Nhà Hiểu Biết” để trông coi tất cả các bản dịch thuật. Với sự trợ giúp của người con trai, người cháu và khoảng 90 đệ tử, học giả Hunayn và các người cộng tác đã sản xuất được các tác phẩm chuyển ngữ rất chính xác và quan trọng. Đầu tiên, các tác phẩm này được dịch sang tiếng Syriac là ngôn ngữ mà ông Hunayn rất giỏi, rồi sang tiếng Ả Rập để sau vài thế kỷ, được chuyển đổi sang tiếng La Tinh và truyền qua phương tây qua ngả Sicily và Tây Ban Nha. 
Công trình của học giả Hunayn và các giáo sư đạo Hồi khác đã là nền móng của nhiều bộ môn khoa học hiện nay, đặc biệt là ngành Y Khoa. Những nhà trí thức này đã được vị giáo chủ đánh giá cao đến nỗi rằng theo chuyện kể, ông Hunayn được trả công bằng số vàng cân nặng ngang với số sách. Ngoài các công trình phiên dịch, học giả Hunayn còn viết ra nhiều cuốn sách thuộc bộ môn Nhãn Khoa (ophthalmology).
Vào thời Trung Cổ, phần lớn các y sĩ Ả Rập là các người gốc Ba Tư, trong số này nhân vật danh tiếng nhất là ông Razi, có tên La Tinh là Rhazes, đã viết ra hơn 200 cuốn sách từ bộ môn Y Khoa tới thuật Giả Kim (alchemy), Thiên Văn và Thần Học. Ông Razi sinh sống trong khoảng thời gian từ năm 865 tới năm 925. Nhiều người của thời đại này đã gọi ông là “vị Y Sĩ nhiều kinh nghiệm” và trong cách trị bệnh, ông Razi được coi như ngang hàng với Hippocrates. Ông Razi đã khuyên cách điều trị bệnh nhân bằng việc nghỉ ngơi, môi trường dưỡng bệnh phải sạch sẽ và phải giữ cho bệnh nhân được thoải mái. Dù cho không hề biết tới vi trùng, ông Razi đã đề cập tới các nguyên tắc vệ sinh. Trong công việc chọn lựa nơi xây dựng một bệnh viện cho thành phố Baghdad, ông Razi đã treo các miếng thịt sống tại nhiều nơi và đã lựa nơi nào có miếng thịt bị hư thối chậm nhất.
Trong bộ sách đồ sộ 100 cuốn viết về Y khoa, ông Razi đã biên tập nhiều hiểu biết từ các nhà lương y người Hy Lạp, Syria, Ba Tư, Ấn Độ và Ả Rập, và các tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu rộng tới nền Y Khoa Tây Phương.
Một nhân vật cũng có danh tiếng như ông Razi tên là Ibn Sina, với tên La Tinh là Acevina, sống trong các năm từ 980 tới 1037. Người thời bấy giờ gọi ông là “Hoàng Tử của các nhà Triết Học” (the Prince of Philosophers) và cho tới ngày nay, ông Acevina vẫn còn được coi là một trong các bộ óc lớn lao của mọi thời đại. Người ta còn kể lại rằng khi lên 10 tuổi, ông Acevina thuộc lòng quyển kinh Koran, 18 tuổi trở thành y sĩ riêng của vua Hồi giáo tại Bukhara trong xứ Turkestan. Ông Acevina đã viết xong 170 cuốn sách về Y Khoa, Triết Học, Toán Học, Thiên Văn, Thơ Phú và Tôn Giáo. Tác phẩm danh tiếng nhất của ông tên là “Các Quy Tắc của Y Khoa” (Canon of Medicine), một bộ sách bách khoa đề cập tới mọi cách trị bệnh. Không một tác phẩm nào được nhiều người dùng tới hơn cuốn sách này bởi vì trong suốt chiều dài 6 thế kỷ, từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 17, các trường đại học của châu Âu đã dùng bộ sách 5 cuốn này làm căn cứ. Ông Acevina còn nhận ra bản chất lây lan của bệnh lao phổi, ông cũng mô tả các bệnh ngoài da, bệnh xáo trộn tâm lý, bệnh tương tư và ông còn cho rằng các bệnh tật truyền đi do nước và đất.
Một học giả khác rất danh tiếng là vị y sĩ người Tây Ban Nha tên là Ibn Rushd, có tên viết theo tiếng La Tinh là Averroes. Học giả này đã viết nhiều sách về Y Khoa, Luật Khoa, Triết Học và Thiên Văn, và do tài năng đa diện, ông Averroes này đã vừa là y sĩ chính của vua Abu Yaqub Yusuf, nhà cai trị xứ Tây Ban Nha từ năm 1163 tới năm 1184, vừa là quan tòa tại hai thành phố Seville và Cordoba. Hơn nữa ông Averroes còn được người đời biết tới do là một trong những học giả quan trọng viết về nhà triết học Hy Lạp Aristotle, nhờ các bài khảo luận của ông liên quan tới các nhà tư tưởng Hy Lạp mà người phương Tây đã chú ý đến nền Triết Học này, và như vậy ông đã đóng góp vào công cuộc tạo nên các tư tưởng triết học của châu Âu.
Ảnh hưởng tới thế giới Tây Phương còn có một y sĩ Do Thái khác sinh ra tại Tây Ban Nha, là ông Ibn Maymun, có tên khác là Maimonides. Ông này đã viết sách Y Khoa, Thiên Văn, Thần Học, Triết Học và cũng là y sĩ triều đình của vua Saladin, vị vua Hồi giáo của hai xứ Ai Cập và Syria vào thế kỷ 12. Người đời sau ca tụng trí khôn ngoan và tầm hiểu rộng của ông do cuốn sách Triết Học “Hướng dẫn những người chưa xác tin” (Guide for the Perplexed). Đây là một khảo luận Triết Học làm hòa hợp các tư tưởng tôn giáo với các lời giảng dạy khoa học của Aristotle. Trong các tác phẩm viết về Y Khoa, học giả Maimonides đã bình luận về hai danh y Hippocrates và Galen, ngoài các nhận xét riêng của ông với phần lớn về vệ sinh cá nhân và chế độ ăn uống.
Mặc dù ngành giải phẫu bị coi là một phần nhỏ của Y Khoa, các y sĩ đạo Hồi cũng làm phát triển ngành này. Bị lãng quên cho tới thế kỷ 10, lương y Abulcasis sinh trưởng tại xứ Tây Ban Nha, đã viết sách giải phẫu căn cứ vào công trình của vị y sĩ Hy Lạp Paul of Aegina và trong các tác phẩm của ông có nhiều hình vẽ mô tả các dụng cụ và phương pháp giải phẫu.
Vào thời kỳ văn minh đạo Hồi, các y sĩ đã thực hiện được nhiều cuộc giải phẫu rất phức tạp đối với thời bấy giờ, gồm cả mổ óc, mổ mạch máu và phần bụng, cắt bỏ tay và chân bị bệnh. Danh y Acevina đã khuyên nên cắt đi các tế bào bị ung thư vào thời kỳ sơ khởi. Trong khi giải phẫu, các y sĩ đạo Hồi đã gây mê bệnh nhân bằng cách dùng thuốc phiện, đôi khi lại trộn với rượu để làm cho liều thuốc mạnh hơn. Ngoài ra chuyện còn kể rằng có nhà hóa học đã khám phá ra một chất gây mê khiến cho bệnh nhân bất tỉnh trong 7 ngày và vì sự nguy hiểm lớn lao này mà nhà hóa học kể trên đã mang theo bí mật khi qua đời.
Vào thời kỳ văn minh Hồi giáo, các y sĩ giải phẫu phải học lý thuyết Y Khoa của Galen, phải đậu kỳ thi về cơ thể học và học chuyên môn về một ngành. Một bác sĩ mắt ngoài tầm hiểu biết về con mắt, còn phải biết pha chế vài hợp chất trị bệnh đau mắt. Có lẽ do cát bụi nơi sa mạc nên các y sĩ đạo Hồi rất giỏi về cách chữa mắt trong thời Trung Cổ, họ đã viết ra nhiều sách Nhãn Khoa, phát minh ra cách cắt màng mắt (soft cataract) cũng như nhiều dụng cụ y khoa khác.
Việc chữa bệnh bằng thuốc men cũng rất tiến bộ. Nhiều y sĩ đạo Hồi biết điều chế các liều thuốc và tại thành phố Baghdad đã có các hiệu thuốc tây chế thuốc theo toa của y sĩ. Các loại thuốc này làm từ cây cỏ và sinh vật và cũng từ những khoáng chất như sulphate đồng dùng làm chất cầm máu và lành vết thương.
Người theo đạo Hồi thời đó đã coi thuốc men là nguy hiểm nên trong ngành thuốc có loại nhà thanh tra theo dõi việc bào chế các thuốc chữa bệnh, kiểm soát cả sự sạch sẽ của các chai lọ đựng thuốc. Dù cho dược sĩ không biết khi nào viên thanh tra tới kiểm soát nhưng vẫn có các vụ gian lận, vụ bán ra các thứ thuốc giả và đã có các hình phạt đối với những người phạm pháp.
Nhà cầm quyền đạo Hồi cũng đòi hỏi các y sĩ phải có bằng cấp. Vào năm 931, một công dân của thành phố Baghdad bị chết do nhầm thuốc, vì thế vua Hồi giáo Muqtadir đã ra lệnh cho lương y của triều đình Sinan Ibn Thabit kiểm tra tất cả y sĩ và 860 người hành nghề y khoa đã phải qua kỳ thi, dù cho vẫn có các sơ sót. Các y sĩ có giấy phép phải điều trị bệnh nhân tại bệnh viện giống như hiện nay. Qua thế kỷ 9, thành phố Baghdad xây dựng bệnh viện đầu tiên theo kiểu mẫu của bệnh viện trong trường y khoa Jundishapur và các địa phương khác cũng bắt chước, nhờ vậy đã có 34 bệnh viện trong thế giới Hồi giáo. Vài bệnh viện rất tiến bộ do có các chuyên ngành để chữa trị vài thứ bệnh đặc biệt, chẳng hạn chữa các người loạn trí, và các người bị thương nhẹ được cho về nhà sau khi chăm sóc tại bệnh viện. Bệnh viện của đạo Hồi còn có thư viện chứa nhiều sách y khoa. Vào thế kỷ 11, đã có các bệnh viện lưu động nhờ đoàn lạc đà đi tới các làng mạc và các nơi hẻo lánh. Khi tới một địa điểm chữa bệnh, các bác sĩ dựng lều rồi khám bệnh và cho thuốc. Vào thời kỳ có các bệnh dịch, các bệnh viện lưu động này rất hữu ích trong việc chữa trị.
2/ Ngành Hóa Học và các ngành khác.
Ngoài các đóng góp quan trọng trong ngành Y Khoa, các nhà khoa học Hồi giáo còn đặt nền móng cho ngành Hóa Học. Nhiều kỹ thuật và danh từ đã được phát minh từ môn giả kim (alchemy) của thời Trung Cổ. Nhà giả kim học danh tiếng nhất của vua Hồi giáo Harun, tên là Jabir Ibn Hayyan đã tin tưởng rằng mọi hợp chất có căn bản là thủy ngân và lưu huỳnh (sulphur) và ông này đã tốn nhiều công sức để tìm cách chế ra vàng và bạc. Ông Jabir đã khám phá ra nhiều kỹ thuật mới dùng vào việc tinh lọc kim loại, chế tạo phẩm nhuộm, dùng giấm để tạo nên acít acêtic và làm ra thủy tinh từ manganese dioxide. Ông ta cũng khảo sát nhiều hợp chất, biến nhiều chất thành tinh thể… và các danh từ mà ông Jabir sử dụng đã được truyền qua ngôn ngữ của châu Âu, chẳng hạn như alkali, alembic, antimony và aludel. 
Sau khi ông Jabir qua đời, các nhà khoa học đạo Hồi khác cũng đóng góp vào các công cuộc nghiên cứu. Một trong những người này là y sĩ Razi nổi danh về y khoa và thuật giả kim. Trong số 12 cuốn sách viết về kỹ thuật sau này, tác phẩm được nhiều người nhắc nhở nhất là cuốn “Sách ghi các Bí Mật” (The Book of the Secret of Secretes) có chủ đích trình bày thành phần hóa học của nhiều khoáng chất. Ông Razi không chỉ mô tả các hóa chất và các dụng cụ cần thiết trong một phòng thí nghiệm hóa học chẳng hạn như các loại bình, đĩa thủy tinh (beakers, flasks, dishes) mà còn phân loại sự vật theo sinh vật (animal), khoáng vật (mineral), thảo mộc (vegetable)… và cách phân loại này ngày nay còn được dùng tới.
Ngoài các đóng góp vào các phạm vi Y Khoa và Hóa Học, các học giả đạo Hồi còn làm tiến bộ ngành Toán Học bằng cách dùng các quan niệm Toán của các xứ Ấn Độ và Hy Lạp, khai triển và tinh lọc những ý thức trừu tượng rồi sau này được truyền qua thế giới tây phương. Các toán gia đạo Hồi đã áp dụng 3 dụng cụ Toán căn bản là “số không” (zero), hệ thống thập phân và hệ thống “số Ả Rập” (Arabic numerals) nhờ đó mọi người có thể tính toán bằng các con số lớn hơn trước một cách tiện lợi hơn, hoặc bằng các chữ dùng làm biến số. Khởi đầu, các nhà toán học Ả Rập đã viết ra số không bằng một vòng tròn nhỏ với tên là “sifr” có nghĩa là “một vật trống” (an empty object). Khi dịch sang tiếng La Tinh, danh từ “sifr” trở nên “zephyrum” rồi sang tiếng Ý là “zero”. Về sau danh từ tiếng Anh “cipher” có nguồn gốc từ chữ “sifr”.
Các nhà toán học đạo Hồi cũng đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu các bài toán phức tạp của các người Hy Lạp và Ấn Độ trước kia, kể cả các khung ô vuông con số (magic boxes) với cùng tổng số cộng theo đường ngang, đường dọc và đường chéo. Do áp dụng “số không”, các nhà toán học từ đó có thể sử dụng các quan niệm trừu tượng, diễn tả hiệu số của hai lượng bằng nhau và số không còn được dùng trong nhiều bộ môn khoa học khác như Vật Lý, Hóa Học, Thiên Văn.
Nhà toán học đạo Hồi danh tiếng nhất vào đầu thế kỷ 9 là ông Khwarizmi, rất bận tâm về môn Đại Số (Algebra), đã viết ra cuốn sách giáo khoa đầu tiên của môn học này, với tên sách là “Nghệ Thuật mang các ẩn số lại với nhau để hợp với một lượng đã biết” (The art of bringing together unknowns to match a known quantity = Hisab al-Jabr wa’l Mulqabala). Sách toán của ông Khwarizmi được dịch sang tiếng La Tinh vào thế kỷ 12, đã mở đường cho môn Đại Số vào châu Âu và cuốn sách này đã được dùng làm sách dạy Toán chính thức cho tới thế kỷ 16.
Các nhà toán học đạo Hồi còn làm phát triển và truyền qua châu Âu các bộ môn Toán phức tạp, gồm cả môn Hình Học Phẳng (plane geometry), Lượng Giác Phẳng và Lượng Giác Cầu (plane and spherical trigonometry) với các kiến thức căn bản phát xuất từ các nhà toán học Hy Lạp. Nhờ các khảo sát này, các nhà khoa học thời đó đã tính ra khoảng cách của các ngôi sao, tốc độ của một vật rơi tự do, diện tích của một thửa ruộng hay thể tích ngũ cốc chứa trong một vựa lúa.
Một ngành mà bên trong Toán Học đã giữ một vai trò rất quan trọng, đó là bộ môn Quang Học. Nhà vật lý danh tiếng của bộ môn này tên là Alhazen, người Ba Tư, sinh sống trong thế kỷ 10. Cho tới thời bấy giờ, người ta đều tin rằng con mắt phát ra các tia sáng chiếu tới đồ vật, khiến cho chúng ta nhìn rõ sự vật. Nhưng ông Alhazen đã dùng Hình Học để chứng minh rằng các tia sáng đã từ đồ vật phản chiếu tới con mắt.
Nhưng có lẽ áp dụng Toán Học quan trọng nhất của các nhà khoa học đạo Hồi là vào môn Thiên Văn. Từ thời còn sinh sống trong sa mạc, người theo đạo Hồi đã đặc biệt quan tâm tới các hành tinh và các ngôi sao bởi vì họ đã theo hướng các thiên thể này mà đi qua sa mạc. Họ đặt tên cho từng thiên thể trên bầu trời và các tên gọi này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, chẳng hạn như “Algol”, “Betelgeuse” và “Vega”. Sự quan tâm về Thiên Văn thực sự bắt đầu khi vua đạo Hồi Harun al-Rashid ra lệnh dịch tác phẩm thiên văn “Almagest” của nhà thiên văn lừng danh người Hy Lạp Ptolemy.
Vào năm 830, một đài thiên văn được dựng lên tại thành phố Baghdad do vua Hồi giáo Ma’mun, cùng thời với “Tòa Nhà Hiểu Biết” (The House of Wisdom). Tại đài thiên văn này, các nhà khoa học đạo Hồi đã quan sát bầu trời, kiểm chứng các khám phá của Ptolemy và tìm ra các ngôi sao mới. Họ thường dùng kính trắc vị (astrolabe), một dụng cụ của người Hy Lạp trước kia, trên đó có vòng tròn chia theo độ để tính vị trí của các ngôi sao, chuyển động của các hành tinh và cho biết thời giờ, và họ đạt được các con số khá chính xác. Các nhà thiên văn đạo Hồi đã vẽ ra các bản đồ bầu trời và bản đồ địa dư, nhờ vậy họ tin tưởng rằng trái đất thì tròn, họ cũng tìm ra chu vi và đường kính của trái đất.
Trong khi các nhà thiên văn lập ra các bản đồ ngôi sao thì các học giả khác cũng viết ra danh sách các con đường, địa điểm các thành phố cùng với khoảng cách. Các báo cáo của các thương nhân đi xa đã mô tả xứ Trung Hoa và xứ Ấn Độ vào năm 851 và các du khách người Hồi đầu tiên tới nước Nga vào năm 921, đã gửi về các bản báo cáo gồm bên trong nhiều kinh nghiệm du lịch. Một trong những du khách này là nhà khoa học Biruni, đã đi tới xứ Ấn Độ vào thế kỷ 11 và đã mô tả nhiều chi tiết.
Trong các học giả đạo Hồi, nhân vật danh tiếng nhất là nhà Sử học Ibn Khaldun, người đầu tiên cứu xét xã hội một cách khoa học. Ông Khaldun không chỉ sưu tầm mọi biến cố của quá khứ như những sử gia đi trước, mà còn cố gắng tìm ra các định luật hữu lý để cắt nghĩa các cách hành sử của con người và nhờ vậy khiến cho Lịch Sử có được một chiều hướng mới. Trong cuốn lịch sử tổng hợp Muqaddima, Sử gia Khaldun đã trình bày lý thuyết đầu tiên về sự phát triển theo quan điểm sử học căn cứ vào các yếu tố như khí hậu, địa dư và kinh tế cũng như các ảnh hưởng từ luân lý và tinh thần tới vận mệnh của con người.
Giống như nhiều nhà tư tưởng đạo Hồi, ông Ibn Khaldun đã đi du lịch nhiều nơi, làm bí thư cho nhiều ông hoàng, làm đại sứ tại nhiều triều đình ở Tây Ban Nha và châu Phi, vì vậy ông đã phối hợp tầm hiểu rộng của mình vào các hoạt động chính trị, đã đưa ra các nhận xét sâu sắc do quan sát các xáo trộn chính trị. Khi nhìn thế giới Hồi giáo đi xuống vào thế kỷ 14, học giả Ibn Khaldun đã nêu lên những vấn đề quan trọng khiến cho các xã hội trở nên mạnh lên hay yếu đi. Học giả này đã nói rõ sự suy tàn của xã hội sau 2 hay 3 thế hệ ích kỷ và ham thích xa hoa, và tác phẩm Muqaddima đã hàm chứa các hiểu thấu không những của thời đại tác giả mà còn của các thời đại về sau.
Nền văn minh và văn hóa của đạo Hồi đã suy tàn do cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ đánh chiếm thành Baghdad vào năm 1258, do các nhân vật Hồi giáo chính thống (orthodox Muslims) trong các thế kỷ về sau đã dùng quyền lực và uy tín để chống lại các cải cách và tiến bộ.

NĂM NIỀM TIN CỦA ĐẠO HỒI

Vào thế kỷ thứ 7, đạo Hồi trở nên một tôn giáo mới, khác với đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa không những do quan niệm về Thượng Đế mà còn về sự kết hợp cả chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với tôn giáo, khiến cho đạo Hồi có những nét đặc thù, rất thích hợp với xã hội của các xứ Ả Rập.
Qua nhiều thế kỷ, hình thái chính trị và kinh tế của đạo Hồi đã bị biến đổi nhưng hình thái tôn giáo vẫn được giữ nguyên. Hệ thống các niền tin tôn giáo của đạo Hồi gồm các bổn phận đạo đức và các giá trị luân lý, được đặt căn bản trên 5 niềm tin là: đức tin, các việc cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn và đi hành hương. Đây là các điều bắt buộc đối với người theo đạo Hồi nhờ đó đạo Hồi đã có được một hình thức duy nhất, đã đứng vững và được duy trì lâu dài.
1/ Niềm tin thứ nhất.
Niềm tin thứ nhất là lòng tin tưởng tuyệt đối vào Allah và vào Nhà Tiên Tri. Một người được coi là đã theo đạo Hồi khi tuyên bố về đức tin trước một tín đồ Hồi giáo khác, gồm câu xác nhận: “Không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah và Mohammed là Sứ Đồ của Ngài”. Đây là câu xác nhận đức tin ngắn gọn nhất trong lịch sử, lại có vần điệu rất âm nhạc nếu được đọc theo tiếng Ả Rập: “La ilaha illa Allah, Muhammad rasul Allah”. Đức tin vào câu xác nhận này còn bao gồm 3 điều tin tưởng khác: niền tin vào Kinh Koran là Lời của Thượng Đế, niền tin vào các thiên thần như là những nhân vật làm theo ý muốn của Thượng Đế và niềm tin vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng dành cho mọi người. Rồi sau khi đã xác nhận đức tin, người tín đồ không có cách nào xoay trở khác và hình phạt dành cho kẻ bỏ đạo là sự chết.
Việc xác nhận niềm tin trong đạo Hồi thật là đơn giản, không đòi hỏi phải làm một lễ nghi, dù một phép bí tích như lễ rửa tội, lễ ban thánh thể cũng như theo các khóa học về giáo lý. Đạo Hồi cũng không tổ chức một hệ thống tu sĩ mặc dù vẫn có một đội ngũ lớn lao các học giả gọi là “ulama = các nhà trí thức” (the learned), những vị này là những nhà lãnh đạo trí thức và tinh thần của cộng đồng Hồi giáo, giữ vai trò quan trọng là lập ra và diễn đạt các luật lệ Hồi giáo. Qua nhiều thế kỷ, đạo Hồi vẫn giữ được tính đơn giản, ít ra là về bề ngoài bằng cách không dùng các lễ nghi phức tạp, không ưa sự hào nhoáng phô trương nhưng bên trong lại có rất nhiều vấn đề thần học (theological) phức tạp khiến cho các học giả đã tranh cãi nhau, chẳng hạn như về định mệnh.
Người theo Hồi giáo lúc đầu chỉ có một giáo điều duy nhất không được phép tranh luận: niềm tin vào Allah duy nhất, vừa siêu việt, vừa vạn năng, là vị sáng tạo ra thế giới và là vị Cha không có ai là Con, không chia xẻ quyền uy với ai và nếu nghĩ khác điều này là sẽ phạm tội “shirk”, tội gán cho Thượng Đế có các người cộng tác khác. Allah như vậy là Đấng Tối Thượng, có mọi quyền năng và con người chỉ có một lòng tuân theo Lời của Ngài (His Word). Kinh Koran cũng xác nhận rằng ông Abraham không phải là người Do Thái, cũng không phải là một người Thiên Chúa giáo, ông ta là một con người thẳng thắn, đã thần phục Allah và những người nào gần Abraham nhất được coi là đi theo Nhà Tiên Tri này.
Thượng Đế có tính siêu việt nhưng lại ở không xa con người. Kinh Koran đã mô tả “Thượng Đế ở gần con người hơn là mạch máu nơi cổ” và đã có nhiều bài thơ ca ngợi lòng đại lượng, thương xót của Thượng Đế đối với con người và nhiều người đã gọi Allah là Đấng Từ Bi, Đấng Đại Lượng và còn rất nhiều mỹ từ khác. Sau niềm tin vào Thượng Đế, tới niềm tin vào các nhà Tiên Tri và các lời giảng dạy của các vị này. Theo đạo Hồi, trước Mohammed chỉ có 5 nhà Tiên Tri: Adam, Noah, Abraham, Moses và Jesus. Mỗi vị Sứ Đồ này đã từng mang đến cho con người Lời của Thượng Đế nhưng con người đã lẩn tránh các lời giảng dạy đó, vì vậy một vị Tiên Tri mới khác là Mohammed lại được phái xuống thế gian để chỉ dẫn cho con người đi tới sự cứu rỗi. Nhà Tiên Tri Mohammed vì thế có một nhiệm vụ đặc biệt, đây là vị Tiên Tri cuối cùng và các lời nói của Mohammed sẽ dẫn dắt con người tới Ngày Phán Xét sau này.
Vì Kinh Koran là lời nói của Thượng Đế nên người theo đạo Hồi tin rằng Kinh này không thể sai nhầm được. Việc đọc kinh là một phần trong việc thờ phượng và nhiều người Hồi đã nhớ thuộc lòng quyển Kinh, chứa vào khoảng 78,000 từ (words) và dày như cuốn Kinh Tân Ước.
Sau khi Mohammed chết vào năm 632, nhiều người bạn của nhà Tiên Tri đã nghĩ tới việc ghi chép lại Kinh Koran vì số người nhớ thuộc lòng đã bị giảm dần vì chết trận, vì sự tản mạn trong cách nhớ thuộc lòng. Người kế tiếp Mohammed để lãnh đạo Hồi Giáo lúc bấy giờ là Abu Bakr, đã ra lệnh thu gom các tài liệu ghi chép về kinh Koran, về sự khải huyền để soạn ra một văn bản duy nhất. Vào thời kỳ đó, chữ Ả Rập còn ở trong hình thức đơn giản, thiếu dấu phát âm và thiếu nguyên âm vì thế đã xẩy ra sự tranh luận về cách đọc một số từ, một số câu kinh. Tuy nhiên, cuốn kinh đã được hiệu đính nhờ sự cương quyết của Uthman, người kế tiếp thứ ba của Mohammed, một trong những người đầu tiên cải sang đạo Hồi và cũng là con rể, đã kết hôn với 2 người con gái của nhà Tiên Tri. Uthman đã lập ra một ủy ban cứu xét để viết ra một bản Thánh Kinh, các văn bản chép khác đều bị đốt bỏ. Chính vì cách làm này mà một số học giả ngày nay tin rằng còn có các phần khác ghi lại các lời nói của nhà Tiên Tri trong khi lại có các phần ghi chép bị nghi ngờ.
Vì không ai dám quả quyết thứ tự các chương trong Kinh Koran, nên các chương này, hay suras, được xếp đặt theo độ dài. Các chương được gọi tên tùy theo sự kiện xẩy ra hay do một từ đặc biệt có bên trong. Sau chương mở đầu ca ngợi Thượng Đế là “Chúa Tể của Vũ Trụ”, tới chương dài nhất có tên là “con bò cái” (the cow) vì việc tế thần bằng loại bò này, nói tới luật lệ và các điều răn dạy, đề cập tới căn bản của tổ chức và các điều lệ của đời sống Hồi giáo, các nhiệm vụ tôn giáo của người theo đạo, việc ly dị và chiến tranh.
Việc tin tưởng vào các thiên thần cũng được coi là quan trọng. Đây là các sứ đồ của Thượng Đế, có nhiệm vụ thi hành các công việc như giữ cửa Thiên Đường và Hỏa Ngục, làm trung gian giữa Thượng Đế và con người. Kinh Koran chỉ đề cập tới vài thiên thần như Gabriel và Michael. Gabriel đã truyền các mặc khải cho Mohammed và Michael thực hiện các lệnh của Thượng Đế như làm ra gió và mưa. Ngoài ra còn có thiên thần Israfil thổi tiếng kèn vào Ngày Phán Xét và thiên thần Isra’il hay Thần Chết, lấy đi hơi thở cuối cùng của người hấp hối.
Một niềm tin tưởng khác liên quan tới ngày phán xét. Chỉ có Thượng Đế mới biết khi nào thế gian này bị chấm dứt và vào ngày đó, một tiếng kèn được thổi lên, các người chết từ các nấm mồ sẽ được xét xử về các hành động của họ lúc còn nơi trần thế. Những người tốt sẽ được trao cho “cuốn sách” ghi chép các hành động của họ, đặt vào tay phải, còn kẻ xấu có cuốn sách đặt vào tay trái. Kinh Koran cũng mô tả các cách hành hạ dành cho kẻ có tội, những người này biết rằng vào lúc này, quyền hành của họ đã hết, tài sản cũng không làm lợi được gì nữa và họ nghe thấy Thượng Đế ra lệnh cho thiên thần: “Bắt lấy hắn và trói hắn lại,/ rồi đốt hắn trong lửa,/ và sợi xích 70 thước buộc người hắn,/ vì hắn đã không tin vào Thượng Đế,/ và không cho kẻ đói khát đó đồ ăn gì cả”.
Kinh Koran cũng mô tả cảnh cực lạc dành cho người ở trên Thiên Đường. Đây là mảnh vườn Hạnh Phúc nơi đó các kẻ giàu đức tin ngả mình trên ngai có cẩn ngọc, chung quanh lại có các kẻ hầu trẻ đẹp, họ uống thứ nước tinh khiết bằng ly pha lê và ăn thực phẩm được chọn lựa nhất để đền bù cho các hành động tốt của họ. Thiên Đường là nơi cây cối xanh tươi, đặc biệt hấp dẫn so với miền sa mạc khô cằn của xứ Ả Rập trơ trụi.
2/ Niềm tin thứ hai và thứ ba.
Niềm tin thứ hai của đạo Hồi là “cầu nguyện”. Đây là bổn phận quan trọng nhất của người theo đạo Hồi và không được miễn trừ cho bất cứ ai, dù thuộc về dòng giống hay đẳng cấp xã hội đặc biệt nào. Nhờ cầu nguyện, tín đồ đã cảm ơn Thượng Đế về lẽ sống của mình và về những gì mình có được. Có hai loại cầu nguyện: “du’a” là cách cầu nguyện riêng bên trong và “salat” là cách cầu nguyện theo nghi thức. “Du’a” là cách một người có thể liên lạc với Thượng Đế, để cầu xin một đặc ân gì, đây là cách cầu nguyện đáng khen ngợi, còn “salat” là hình thức tôn thờ được định rõ cho mọi tín đồ. Một người theo Hồi giáo phải cầu nguyện một ngày 5 lần. Lần cầu nguyện thứ nhất bắt đầu không lâu sau rạng đông, khi tín đồ được người gọi đi lễ (muezzin) đánh thức, thúc giục rằng “cầu nguyện còn hơn giấc ngủ”. Bốn lần cầu nguyện còn lại được thực hiện ngay sau giờ Ngọ, vào buổi sau trưa, ngay sau khi mặt trời lặn và vào ban đêm. Vào các thời điểm này, người gọi đi lễ leo lên một cái tháp cao (minaret) kêu gọi các tin đồ đi cầu nguyện: “Thượng Đế thì tối thượng,/ Tôi xác nhận rằng không có thần thánh nào ngoài Allah,/ Tôi xác nhận rằng Mohammed là Sứ Đồ của Allah,/Hãy đến để cầu nguyện,/ Hãy đến để được giải thoát,/ Thượng Đế thì vĩ đại nhất,/ không có thần thánh nào khác ngoài Allah”.
Mỗi ngày, tín đồ Hồi giáo phải làm công việc rửa sạch nếu không, các công tác thờ phượng sẽ không có giá trị. Các công việc rửa sạch này làm sạch con người, cũng như các lời cầu nguyện làm sạch linh hồn nhờ đó, con người đi lễ trở nên trong sạch cả về thể xác lẫn tinh thần trước Thượng Đế. Việc rửa sạch phải làm trước lần cầu nguyện đầu tiên. Người đi lễ phải gội đầu, rửa mặt, rửa bàn tay và cánh tay cho tới cùi chỏ, rửa chân và cổ chân. Loại nước lã thường được dùng cho công việc này và khi không có sẵn nước, có thể dùng cát thay thế. Việc rửa sạch cũng phải làm khi tín đồ không theo được buổi lễ một cách đúng đắn, chẳng hạn như ngủ gật hay khi cơ thể và quần áo va chạm với những thứ không trong sạch, chẳng hạn như rượu, máu và nước tiểu, và trong trường hợp này, chỗ tiếp xúc cần được tẩy giặt cho sạch sẽ. Nếu sự dơ bẩn lớn hơn, chẳng hạn như giao hợp, người tín đồ phải rửa sạch tóc và toàn thân.
Trước khi bắt đầu cầu nguyện, một tín đồ phải bỏ nón, cởi giầy và làm một số động tác ấn định được gọi là “rak’a” trong khi đó miệng đọc nhỏ hay đọc thầm các lời cầu nguyện. Vào các giờ cầu nguyện khác, lại có các “rak’a” khác nhau và một tín đồ có thể làm thêm một số “rak’a” để xin thêm ân sủng của Thượng Đế. Trước khi cầu nguyện, mọi tín đồ phải tĩnh tâm, xác nhận số “rak’a” sẽ làm, nếu không có sự tuyên bố ý định này, các lời cầu nguyện sẽ không có giá trị.
Khi bắt đầu cầu nguyện, tín đồ phải đứng thẳng người, hai tay dơ quá đầu, lòng bàn tay hướng về phía trước và nói: “Allahu Akbar !” (Allah là Đấng Tối Thượng). Câu này được lặp lại nhiều lần nhưng lần đầu tiên được coi là quan trọng nhất vì câu nói đó đã tách biệt đời sống tầm thường của tín đồ để cho người đó hướng toàn diện về Thượng Đế. Rồi người tín đồ phải sụp lạy, miệng đọc Kinh Koran. Công việc cuối cùng là quay sang trái và phải, mỗi lần đều nói câu “Hòa Bình và Lòng Thương của Thượng Đế tới với bạn” và theo niềm tin thông thường, lúc này hai bên vai đã có hai thiên thần chứng giám cho lòng thành của người tín đồ.
Việc cầu nguyện có thể thực hiện tại nhiều nơi: ở nhà, tại ngoài trời, nơi làm việc, và Kinh Koran còn khuyến khích cầu nguyện ngay cả trên bãi chiến trường: một toán quân canh gác trong khi toán quân kia cầu nguyện rồi đổi lại. Cầu nguyện có thể làm một mình hay cùng với nhiều người khác. Tín đồ Hồi giáo thường tập họp với nhau vào trưa ngày Thứ Sáu và buổi cầu nguyện tập thể này được hướng dẫn bởi người chủ lễ gọi là “imam”, sau đó là buổi thuyết giảng bởi người “imam” này và người này ca ngợi Thượng Đế, nhà Tiên Tri Mohammed cũng như đề cập tới một số vấn đề công ích.
Việc cầu nguyện tập thể thường được các tín đồ Hồi giáo thực hiện nơi đền thờ (mosque) có lối xây cất lúc đầu theo cách xếp đặt giống như căn nhà của Nhà Tiên Tri Mohammed với các túp lều của các bà vợ xếp quanh một sân rộng là nơi Nhà Tiên Tri rao giảng. Về phía bắc của sân là các cây gồi, từ nơi này làm ra một mái che ngang, kết bằng lá cây và bùn để che nắng. Đền thờ Hồi giáo vì theo kiểu mẫu đó, nên cũng có một sân rộng ở giữa, có hồ nước để các tín đồ rửa mặt và chân tay, 3 phía là mái che còn phía thứ tư chính là gian thờ. Vì mọi tín đồ phải hưởng về Đền Kaaba ở Mecca nên gian thờ, được gọi là “mihrab”, được quay về hướng đó và được trang hoàng và có một bục giảng dùng cho buổi lễ trưa Thứ Sáu.
Đền thờ Hồi giáo không chỉ là một nơi thờ phượng mà còn là một nơi giáo dục. Các học giả thường ngồi nơi bóng mát, dựa lưng vào cột và các học sinh vây chung quanh. Đền thờ Hồi giáo El Azhar tại thành phố Cairo, Ai Cập, vừa là một trung tâm tôn giáo, vừa là một trường Đại Học có tầm vóc quan trọng ngang với các đại học của châu Âu. Đền thờ cũng là tòa án, nơi các vị quan tòa nghe kiện cáo và xét xử. Đây còn là nơi dừng chân của các kẻ lữ hành, họ uống nước, rửa mặt và nằm ngủ nơi bóng mát trước khi lên đường trong chuyến viễn du. Ngày nay, mọi ngôi đền thờ Hồi giáo thì độc lập, thanh toán các phí tổn nhờ vào ngân quỹ để lại của người sáng lập nhưng cũng nhờ vào loại tiền cúng tặng của tín đồ. Ngôi đền được điều hành bởi một người quản đốc, phụ tá có các “imam” hay các người chủ lễ, ngoài ra còn có các người giữ cửa, người chuyên môn chở nước, các người phục dịch khác
Bố thí là niềm tin thứ ba của giáo lý đạo Hồi. Một người Hồi giáo chỉ có thể tẩy sạch tài sản của mình bằng cách cho đi một phần những gì kiếm được. Việc bố thí có hai loại: “sadaga” là việc bố thí tự nguyện và “zakat” là cách bắt buộc. “Zakat” không phải là một loại thuế, mà là một thứ “cho Thượng Đế vay”, được chính quyền thu nhận để dùng vào các nhu cầu xã hội như giúp đỡ các người nghèo, các góa phụ, các trẻ em mồ côi, giúp các kẻ nô lệ mua lấy tự do hay trang bị cho các quân sĩ tình nguyện trong các cuộc thánh chiến. Một tín đồ có thể bố thí theo loại “zakat” bằng hiện vật như tiền bạc, kim khí quý, hoa màu thu hoạch được, súc vật chăn nuôi được tùy theo cách kinh doanh của người có của.
3/ Niềm tin thứ tư và thứ năm.
Niềm tin thứ tư là nhịn ăn (fasting). Kinh Koran đã xác nhận: “Hỡi các kẻ có niềm tin, việc nhịn ăn đã được dành cho các người”. Mùa nhịn ăn là tháng Ramadan, một tháng âm lịch xoay vòng qua các năm. Mỗi tín đồ Hồi giáo có bổn phận phải nhịn ăn, ngoại trừ các trẻ thơ, người bệnh và các kẻ đang trên đường đi xa. Họ phải nhịn ăn trong những giờ có ánh sáng mặt trời và duy trì công việc này trong suốt tháng Ramadan.
Vào tháng Ramadan, trước khi trời sáng, tiếng trống đánh, tiếng gọi cửa, tiếng hô hào trên tháp cao kêu gọi mọi tín đồ dùng bữa ăn cuối cùng, rồi kể từ khi “phân biệt được sợi chỉ màu đen với sợi chỉ màu trắng”, người theo đạo Hồi không được ăn gì nữa, uống gì nữa, dù là một ly nước hay một điếu thuốc lá, và phải kiêng cữ liên hệ tình dục. Trong các giờ này, các công việc vẫn được tiếp tục làm nhưng với tinh thần từ tốn và giới hạn.
Mặc dù các giới hạn, các quy luật phải theo, người Hồi giáo rất ưa thích tháng Ramadan vì việc nhịn ăn không phải là cách hành hạ thể xác và Nhà Tiên Tri Mohammed đã không chủ trương khắc kỷ thái quá. Sự nhịn ăn đã được người Hồi giáo coi là một cách giống như cầu nguyện để tới gần Thượng Đế hơn, cách nhắc nhở tín đồ rằng ngoài đồ ăn, thức uống, còn có một thứ gì cao cả hơn, đó là đời sống tinh thần. Do nhịn ăn, người Hồi giáo học được kỷ luật đối với cơ thể của mình, hiểu được nỗi thống khổ của kẻ nghèo khó và do đó mới biết mở rộng tấm lòng nhân đạo. Ngoài ra, Ramadan còn là tháng chuộc tội, chuộc lại tất cả tội lỗi trong suốt một năm.
Việc nhịn ăn vào ban ngày cũng mang tới niềm vui lớn vào ban tối, khi người đi gọi lễ báo tin hết giờ cấm ẩm thực và sau này, tiếng người được thay bằng tiếng súng đại bác. Lúc này tinh thần hồ hởi tới với mọi người, đặc biệt là trẻ em. Mọi người trong gia đình vào giờ này cùng nhau thưởng thức vài trái trà là, nhấm nháp ly nước giải khát làm từ trái mận khô (dried apricots) với tên gọi là “gamar-al-deen” (mặt trăng của tôn giáo). Sau món khai vị đó, toàn gia quây quần vui hưởng bữa “iftar” (điểm tâm buổi chiều). Sau bữa ăn này, một số người đi ngủ còn các kẻ khác chạy ùa ra chợ, ra đường phố: sinh hoạt mua bán trở nên nhộn nhịp, các trẻ em chạy qua, chạy lại với các lồng đèn trên tay và đôi khi chúng xin tiền người lớn để mua nến (đèn cầy) thắp sáng. Vào lúc này, bên trong các đền thờ Hồi giáo, đèn được thắp sáng trưng, các tín đồ ngồi nghe thuyết giảng về ý nghĩa của tháng linh thiêng này, còn bên ngoài đền thờ là đủ loại giải trí : gánh xiếc với các trò vui, các màn ảo thuật, các nhà thi sĩ đọc thơ, các người kể chuyện cho các đám đông đứng bu chung quanh. Ba ngày cuối cùng của tháng Ramadan là lễ hội lớn. Mọi người mặc quần áo mới, chào nhau, ôm nhau khi gặp mặt. Trong gia đình, các món ăn đặc biệt được dọn ra tùy theo lợi tức của gia chủ và tất cả mọi người cùng nhau ăn mừng sự gần gũi với Thượng Đế.
Niềm tin thứ năm và cũng là niềm tin cuối cùng, rất quan trọng là việc đi hành hương tới thành phố Mecca. Đây là một phong tục truyền thống của người Ả Rập khi xưa và đã được đạo Hồi sử dụng. Một người Hồi giáo trong suốt cuộc đời phải cố gắng làm sao có được một lần đi tới Thánh Địa là thành phố mà khi trước Nhà Tiên Tri đã được mặc khải. Mặc dù một tín đồ có thể tới Mecca bất cứ vào lúc nào trong năm nhưng nên đi vào tháng “Dhu’l Hijja”, hai tháng sau Ramadan.
Việc hành hương “Hajj” vào tháng đặc biệt kể trên đã cho các người Hồi giáo một sức mạnh tinh thần. Đây là cơ hội tụ họp về nơi Đất Thánh của họ hàng trăm ngàn người từ những miền xa xôi nhất, họ mặc y phục giống hệt nhau, làm các lễ nghi tôn giáo như nhau, điều này nhắc nhở rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Đây cũng là cơ hội để các tín đồ xa gần trao đổi các ý tưởng khác nhau, giúp vào việc đoàn kết và làm vững mạnh đế quốc tôn giáo. Những người ra đi rồi trở về sau cuộc hành hương cũng làm rộn ràng các làng mạc, các thành phố mà họ sinh sống và do các cảm xúc sâu đậm của cuộc hành hương mà mỗi người đều cố gắng để dành tiền, cố gắng làm ăn vất vả để có tiền tham dự một chuyến hành hương sôi nổi.
Khi các tín đồ Hồi giáo đã tới ngoại ô thành phố Mecca, họ rửa sạch từ đầu tới chân và kể từ nay là thời gian phải chăm sóc linh hồn hơn thể xác: họ không được cạo râu, cắt móng tay cũng như giao hợp. Các tín đồ thay quần áo thường mặc, người nam quấn bằng hai tấm vải trắng còn người nữ mặc y phục trắng dài, bình dị. Việc thay đổi y phục này có kèm theo các lời cầu nguyện và đọc kinh Talbiya, để nói rõ rằng họ sẵn sàng làm theo lệnh của Thượng Đế. Khi từ ngoài thành phố Mecca tiến vào bên trong, người hành hương tới hôn Tảng Đá Đen rồi đi vòng quanh ngôi đền linh thiêng 7 vòng, miệng đọc kinh ca ngợi Allah. Sau đó họ chạy 7 lần giữa 2 ngọn đồi nhỏ ở gần đó. Đây cũng là một phong tục cổ xưa.
Lễ nghi quan trọng nhất của cuộc hành hương được cử hành tại Arafa là thung lũng cách Mecca 9 dặm, vào ngày thứ 9 của tháng Dhu’l Hijja. Vào ngày trọng đại này, các tín đồ kẻ đi chân, người cưỡi ngựa hay lạc đà, tụ tập trên một ngọn đồi nhỏ vào một buổi chiều rồi hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tín đồ cùng nhau cầu nguyện trước Thượng Đế và lắng nghe lời thuyết giảng của các vị chức sắc. Đây là quãng thời gian đã gây được niềm tin sâu sắc, đã tác dụng đến nội tâm của mọi tín đồ Hồi giáo.
Sau khi mặt trời lặn, đoàn hành hương trở về hướng thành phố Mecca, nghỉ đêm tại Muzdalifa, một ngôi làng nhỏ không xa Arafa và vào ngày hôm sau, họ đi tới Mina ở giữa đường Medina và Arafa, tại nơi này họ ném đá vào các cột trụ tượng trưng cho ma quỷ và các cám dỗ. Cao điểm của cuộc hành hương Hajj lại được đánh dấu bằng việc cắt tiết cừu, dê và lạc đà. Các người sợ máu nhờ các đồ tể khác làm giúp. Họ ăn thịt các con vật đã được tế thần, phần thịt dư được chia cho các kẻ nghèo. Lễ giết súc vật để cúng tế này được làm vào ngày thứ 10 của tháng Dhu’l Hijja và được coi là một “lễ hội lớn” trong thế giới Hồi giáo. Sau đó các tín đồ trao đổi quà tặng và mặc quần áo mới sau khi đã cắt tóc, cạo râu. Nghi lễ cuối cùng là việc các tín đồ trở lại thành phố Mecca, đi 7 vòng chung quanh ngôi đền Kaaba và chạy nhiều lần giữa hai ngọn đồi nhỏ ở gần đó để kết thúc cuộc hành hương. Các tín đồ đã thực hiện cuộc hành trình nghi lễ này được mang tước hiệu “Hadji”, một danh dự dành cho những người tin tưởng vào Allah và cũng là một ân phước dùng vào Ngày Phán Xét sau này.
4/ Đạo Hồi và Xã Hội Ả Rập.
Trong nền văn minh Tây Phương, luật lệ và tôn giáo được tách biệt thì nơi đạo Hồi, hai phạm vi kể trên đã lẫn vào nhau, chi phối hành động của con người không những đối với nhau mà còn đối với Thượng Đế.
Đạo Hồi khởi đầu từ căn cứ vào xã hội của người du mục, của người Ả Rập, là một tôn giáo nhất thần (monotheistic) giống như đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa, nhưng nhà Tiên Tri Mohammed lại cho rằng người Do Thái đã làm sai đi lời của Thượng Đế trong thánh kinh của họ, trong khi Thượng Đế hay Allah chỉ có một, duy nhất và để sửa chữa các khuyết điểm, Thượng Đế đã chỉ dẫn người Ả Rập qua Sứ Đồ là nhà Tiên Tri Mohammed.
Đạo Hồi không chủ trương sự tách biệt giữa tôn giáo và chính quyền vì tại một xã hội cần phải chiến đấu để sống còn, chiến đấu chống các kẻ thù bên ngoài và sự phân hóa bên trong, vì thế các nghi thức cầu nguyện tập thể đã mang hình thái kỷ luật của quân đội và Kinh Koran đã bao gồm cả luật về tôn giáo lẫn luật dân sự, đã xác định về các cách quản trị xã hội, về các quyền lợi như quyền tư hữu, thừa kế, giá thú, ly dị, việc trừng phạt kẻ cắp và kẻ ngoại tình, việc đối xử với kẻ nô lệ và trẻ mồ côi, các điều lệ về thương mại, luật lệ về ăn uống, giải trí và hối lộ. Ngoài các luật thành văn (written law) còn có các luật tập tục (customary law) thay đổi tùy theo địa phương nên thường đi lệch khỏi các lời giảng dạy của nhà Tiên Tri.
Đạo Hồi đã không có một giới tu sĩ nhưng lại làm phát triển những nhà luật học và học giả về các luật lệ xác định trong Kinh Koran để xét xử các vấn đề xã hội. Hai giới này cho tới ngày nay vẫn giữ vai trò chỉ đạo.
Năm niềm tin của đạo Hồi gồm lòng tin tưởng, các bổn phận cầu nguyện, bố thí, nhịn ăn và đi hành hương, là các phần của một hệ thống giáo luật phức tạp, với tên gọi là “Shiri ‘a” hay con đường rõ ràng phải đi theo. “Shiri ‘a” có 4 nguồn gốc: Kinh Koran, các tập tục đã có từ trước, các chấp thuận của nhiều học giả Hồi giáo và Sách Hadith ghi lại những gì nhà Tiên Tri Mohammed đã làm và đã nói.
Vì các hành sử của một tín đồ phần lớn được căn cứ vào “Sách Hadith” nên đã có kẻ đặt ra các lời nói ngụy tạo của Mohammed và người ta còn kể lại rằng ba thế kỷ sau khi Mohammed qua đời, đã có 600 ngàn câu nói của nhà Tiên Tri được lưu truyền, khiến cho không biết câu nào là thật, là giả. Vì vậy một số học giả Hồi giáo đã phải thu thập, xem xét và ấn định độ chính xác, trong khi chính cuốn “Sách Hadith” cũng được viết ra căn cứ vào lời kể lại của những người thân cận với nhà Tiên Tri.
Các hành sử của tín đồ Hồi giáo còn được xếp vào một trong 5 loại: loại bắt buộc như đọc kinh và bố thí zakat, loại được ca ngợi (commended acts) như bố thí cho kẻ ăn xin, trả tự do cho kẻ nô lệ, loại vô thưởng vô phạt như làm một chuyến du lịch, loại không được chấp nhận (disapproved acts) như ăn hành, tỏi khiến cho hôi miệng và cuối cùng là loại bị cấm đoán, chẳng hạn như tội giết người. Ngoài ra luân lý căn bản của đạo Hồi, chẳng hạn như sự đòi hỏi các tín đồ phải trong sạch, kiên nhẫn và tử tế đối với các người cần cứu giúp, thì cũng giống như những điều răn dạy trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, và đặc biệt là Kinh Cựu Ước (Old Testament).
Về một số phạm vi khác, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa lại khác nhau, nhất là về phương diện chiến tranh. Trong khi đạo Thiên Chúa chủ trương tha thứ cho những kẻ trước kia đã đàn áp mình hay các kẻ chiến bại, thì nhà Tiên Tri Mohammed lại thúc giục các tín đồ phải chiến đấu cho Hồi giáo và “jihad” (cuộc thánh chiến = holy war) đã gần có cơ hội trở nên niềm tin thứ sáu.
Về thực phẩm, đạo Hồi theo các chính sách giống như đạo Do Thái và Kinh Koran đã cấm ăn thịt heo, máu và thịt của các con vật bị tự nhiên mà chết, bị đánh tới chết, bị đâm bằng sừng, bị rớt xuống chết hay bị các thú vật khác đã ăn một phần, trong khi đó tín đồ Hồi giáo được phép ăn cá, ăn loại thịt do săn bằng chó săn hay thịt của một số con vật được chấp nhận như cừu, dê và lạc đà. Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, tín đồ được ăn mọi thứ để duy trì đời sống.
Đạo Hồi đối với rượu rất nghiêm ngặt, hơn tất cả các tôn giáo khác. Kinh Koran cấm hẳn kẻ đang say sưa mà đi cầu nguyện và việc uống rượu Khamr bị coi như vi phạm luật tôn giáo. Dù thế, giới quý tộc Hồi giáo và các thi sĩ vẫn phạm luật do uống nhiều rượu chát.
Sự khác biệt của đạo Hồi so với các đạo giáo khác còn ở cách đối xử với phụ nữ. Kinh Koran đã dạy rằng “người nam phải bảo vệ người nữ” và trong nhiều trường hợp, đạo Hồi đã cải thiện tình trạng của phụ nữ hơn các thời đại trước. Tại xứ Ả Rập vào các thế kỷ trước kia, người đàn ông có thể lấy bao nhiêu vợ tùy ý, đối xử tốt xấu ra sao tùy ý và có thể ly dị vợ theo ý muốn mà không cần phải cho biết lý do, bằng cách nói hai lần câu “mày bị đuổi” (thou art dismissed) nhưng sau đó, người đàn ông sẽ không có quyền cưới lại người vợ này vì đã nóng giận, và người đàn bà tuy không có quyền đứng xin ly dị, nhưng trong một số điều kiện, có thể được tự do, do từ chối một số tài sản mà người chồng dành cho mình. Đạo Hồi khi ra đời, đã không cấm đoán hẳn được sự đa thê nhưng đã giới hạn người đàn ông không có quyền lấy hơn 4 vợ, lại phải đối xử tử tế và bình đẳng với người vợ của mình. Trong đám cưới, tiền của do nhà trai đưa lại sẽ thuộc quyền của cha mẹ cô gái hay người giám hộ và tài sản này sẽ không bị hoàn trả nếu có ly dị. Việc gian dâm cũng bị giáo luật lên án nặng nề và Kinh Koran đã xác định hình phạt như sau: “với kẻ gian dâm nam và nữ, hãy đánh chúng bằng một trăm roi”.
Đạo Hồi đã cung cấp cho các tín đồ một lối sống bao gồm cả tinh thần lẫn xã hội, chính trị và kinh tế, khiến cho họ sống hòa hợp với nhau và cũng cung cấp cho họ một sức mạnh mà thế lực và ảnh hưởng đã làm biến đổi thế giới trong nhiều thế kỷ.
Kể từ Kỷ Nguyên Hồi Giáo hay Hegira, đã có 72 giáo phái đạo Hồi, nhưng hai giáo phái lâu đời nhất và quan trọng nhất là Shi ‘ites và Sunnites. Tín đồ theo giáo phái Shi ‘ites tin tưởng rằng người kế tục Mohammed là Ali, con rể của nhà Tiên Tri, còn giáo phái Sunnites lại chủ trương chính thống (orthodox). Ngoài ra còn có một số giáo phái tuy chỉ xuất hiện cách nay gần một thế kỷ nhưng cũng rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới Hồi giáo, là giáo phái Wahabites. Đây là một loại “tin lành” của đạo Hồi, muốn phục hưng đạo Hồi để trở về sự thuần chất nguyên thủy. Người Ba Tư thuộc giáo phái Shi ‘ites, người Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập thuộc Sunnites còn thuộc về Wahabites là cư dân của miền Nejd, miền trung tâm Arabia. Tuy chia rẽ thành các giáo phái song các người Hồi rất dung thứ cho nhau và họ cũng đã không dùng tới “pháp đình tôn giáo” (Inquisition), đã không dùng “lưỡi kiếm và lửa hỏa thiêu” để ép buộc các người khác giáo phái phải theo chủ thuyết của mình.
Các lời răn dạy trong Kinh Koran thì cũng tốt lành như của các Thánh Thư khác, gồm: lòng bác ái, tính hiếu khách, các hành động lương thiện, sự tiết chế dục vọng, việc giữ lời hứa, sự kính trọng cha mẹ, việc bảo vệ trẻ em và những người góa bụa, tình thương yêu người hàng xóm và lời khuyên răn kẻ gian tà quay về con đường ngay thẳng. Luân lý của Kinh Koran như vậy cũng giống như luân lý trong Sách Phúc Âm (The Gospel).
Việc chuyển đổi những niềm tin căn bản thành một nền văn minh chính thức, đầy đủ của Hồi giáo là do công lao của nhiều thế hệ các học giả, các nhà thần học, các nhà luật học (jurists). Chính nhờ đạo Hồi mà các xứ Ả Rập đã đoàn kết lại và phát triển.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen