Năm 1915,
không lâu sau khi tuyên chiến với đế quốc Ottoman, hai nước đồng minh Anh-Pháp
bí mật thoả thuận bản đồ Sykes–Picot phân chia Tiểu Á, trong đó Nga có một phần
nhỏ. Sau Cách mạng tháng 10, nước Nga Bolsevik công bố bản thỏa thuận, khiến
cho “nước Anh xấu hổ, nước Thổ vui mừng và các nước Ả-rập bất bình”.
Tuần trước đây, ngay sau khi
tiến chiếm Mosul, tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISISL) lên tiếng
tuyên bố “xóa bỏ nỗi nhục trăm năm của thỏa thuận Sykes–Picot”. Tuyên bố này rõ
ràng có tham vọng làm thay đổi hiện trạng biên giới các quốc gia trong khu vực,
và khiến cho tất cả các tay chơi cờ phải có suy nghĩ thích ứng.
Người Kurd ở Bắc
Iraq mơ độc lập
Người Kurd được nước Anh hứa
ủng hộ lập quốc nếu chống lại đế quốc Ottoman, nhưng sau đó bị bội ước, vùng đất
của họ bị xả rải ra thành 4 mảnh rải ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Một
trăm năm qua, họ chưa bao giờ ngưng mơ đến một đất nước độc lập mà họ gọi là
Kurdistan.
Từ chiến tranh Iraq, người
Kurk đã cộng tác với Mỹ đổi lấy bảo trợ cho vùng tự trị Bắc Iraq, tuy nhiên vẫn
nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Baghdad. Sự sụp đổ nhanh chóng của Quân đội
Iraq trước ISIL là cơ hội bằng vàng để Peshmerga – dân binh người Kurk chiếm lấy
thành phố dầu mỏ Kirkut mà họ luôn coi là thủ đô.
Nhờ đường ống bơm dầu xuất
khẩu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ tự trị người Kurk có tiền để duy trì đội dân
binh Peshmerga tới 200.000 tay súng. Với một thực lực như thế, thực tế người
Kurd đã xé ra khỏi Iraq, tất cả những gì họ cần để trở thành một nước Kurdistan
độc lập chỉ còn là vận động sự công nhận quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ đắc lợi
Cuộc chiến đòi lập quốc 30
năm của PKK (Đảng Lao động người Kurd) ở Đông Nam Thổ cuối cùng cũng nguội đi hồi
2 năm trước, lúc cánh du kích của PKK rút về Khu vực tự trị của người Kurd ở Bắc
Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập được quan hệ đối tác với chính quyền tự trị ở đấy.
Trong cùng thời gian, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cửa ngõ xuất khẩu dầu của vùng tự trị
của người Kurd, và trở thành nhà bảo trợ chính trị cho vùng này.
Cơn sóng ISIL buộc Thổ nghĩ
đến việc cách ly ra khỏi bạo lực bằng một vùng đệm, thế nên Thổ sẽ tăng cường
quan hệ với chính quyền tự trị. Tuy nhiên, họ sẽ phải đi rất khéo để không để
vùng đất trở thành bàn đạp cho phong trào ly khai của người Kurd ở Thổ.
Một mặt khác, nhìn rộng hơn
trong mối quan hệ tranh chấp quyền lực vùng với Iran, thì nhờ Baghdad đang cần
Peshmerga ngăn chặn ISIL ở phía Bắc, thì vị thế bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ là một
lá bài để nói chuyện lúc cần thiết.
Iran bị đẩy vào thế
phòng thủ
Vài năm trước đây, Mỹ rút khỏi
Iraq đã để lại cho Iran một vùng ảnh hưởng rộng lớn trải dài từ Iraq qua Syria
đến tận Lebanon, tưởng chừng như là một tiền đề địa chính trị trời cho để Iran
có thể xưng bá trong vùng. Cuộc nội chiến ở Syria cộng thêm cơn sóng ISIL ở
Iraq đã bào mòn vị thế ấy, đẩy Iran vào phòng thủ.
Trước khi Mỹ rút khỏi Iraq,
Iran từng tài trợ cho một mạng lưới dân quân Shi’ite hùng mạnh ở Iraq. Giờ đây,
Iran có thể dựng lại lực lượng ấy bất kỳ lúc nào, nhưng việc đó sẽ khiến cho
chính quyền Baghdad suy yếu, và nguy hiểm nhất là biến cuộc xung đột với ISIL
thành xung đột tôn giáo có khả năng kéo theo các nước Hồi giáo Sunni khác.Vì lý
do đấy, quyết sách của Iran vào lúc này là một mặt hỗ trợ trực tiếp cho chính
quyền Baghdad, một mặt khác tìm cách kéo Mỹ cùng tham gia để tránh đổi màu cuộc
chiến thành Shi’te-Sunni và tránh tiếng với các nước Arab khác trong vùng.
Arab Saudi có cơ hội
lẫn rủi ro
Cuộc cách mạng shale gas đã
giải phóng Mỹ ra khỏi sự lệ thuộc vào nguồn dầu Trung Đông, thế nên Mỹ nhìn thấy
việc bắt tay với Iran để thiết lập cân bằng khu vực như là một chính sách thực
tế nhất. Đối với Arab Saudi, triển vọng Mỹ bắt tay Iran càng rõ, thì càng bất
an, phải tính chuyện nói chuyện với Iran.
Thế nên xung đột ở Iraq là một
ván bài đúng lúc.
Arab Saudi có quan hệ mật
thiết với nhiều nhóm chính trị và du kích Hồi giáo Sunni đang là đồng minh của
ISIL tại Anbar và Mosul. Trong tuần qua, đứng trước khả năng Iran đưa Vệ binh Cộng
hòa vào Iraq, Arab Saudi ngay lập tức lên tiếng phản đối. Song song đó, họ lập
tức tăng cường quan hệ với các nhóm dân quân Sunni nhằm có khả năng định hình kết
quả chiến trường.
Với lá bài đó, mọi giải pháp
chính trị ở Iraq, cho dù theo sắp đặt của Mỹ hay Iran đều không thể thiếu họ.
Tuy nhiên, Arab Saudi không
phải là không có rủi ro.
Họ đã xếp ISIL là tổ chức khủng
bố, và bản thân tổ chức này xem việc đánh đổ các vương gia Arab là một trong
các mục tiêu để thành lập Nhà nước Hồi giáo. Thời gian qua, tổ chức này đã rất
linh hoạt vận động liên minh với các nhóm Sunni ở Iraq. Và ai có thể nói ISIL
không bảo vệ được liên minh của họ?
Mỹ lấy giải pháp
chính trị làm đầu
Nước Mỹ đã gần tự cung được
dầu, nên lý do duy nhất mà Mỹ vướng lại vào Iraq chính là nguy cơ hình thành
thiên đường khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ để giúp phòng thủ Baghdad, chứ không
phải là để đánh bại ISIL.
Trong giai đoạn 2007, Mỹ đã
dập tắt phong trào tiền thân của ISIL hiện tại nhờ liên kết với các bộ tộc Hồi
giáo Sunni với lời hứa nâng đỡ chính trị và kinh nghiệm này trở thành nguyên lý
bình định của Mỹ. Thế nên khi được chính quyền Baghdad cầu cứu,việc đầu tiên mà
Mỹ làm là ra dấu hiệu rằng Baghdad phải mở cửa chính trị cho người Sunni và người
Kurd.
Chỉ khi đó, Mỹ mới một mặt
dùng các đầu mối liên hệ với các nhóm Hồi giáo Sunni mà họ có sẵn, cộng với áp
lực ngoại giao thuyết phục các nước Arab xung quanh tác động chia rẽ ISIL và
các đồng minh Sunni của họ.
Những tay chơi chính
Ẩn số lớn nhất hiện tại của
ván cờ Iraq là chính là ISIL. Trong năm qua, dù họ đã bớt tiếng khủng bố nhờ
“được” Al Quaeda khai trừ, nhưng với những chế định hà khắc trong các vùng mà họ
cai quản ở Syria cùng với hành động xử tử hơn 1000 tù binh Hồi giáo Shi’ite khiến
cho họ bị sợ hãi và xa lánh. Vào lúc này, nếu như họ hình thành một phong trào
chính trị-quân sự có tham vọng cai trị thay vì theo đuổi quan điểm cực đoan,
thì họ có thể loại bỏ bớt cho mình một số kẻ thù quan trọng, đồng thời giúp củng
cố quan hệ đồng minh với các nhóm Sunni.
Nếu làm được điều ấy, ISIL
có nhiều cơ hội phát triển lực lượng, giữ được đất để hình thành một Nhà nước Hồi
giáo của mình, không chỉ trên đất Iraq mà còn có thể trải qua cả vùng Levant.
Một ẩn số lớn khác dĩ nhiên
là chính quyền Baghdad. Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, chính quyền này đã dần
thuộc về Hồi giáo Shi’ite, và điều này được coi là nguyên do khiến các bộ tộc Hồi
giáo Sunni ngả sang ủng hộ ISIL. Trong những ngày qua, đã có áp lực đa phương với
các phe phái để thỏa thuận xây dựng một chính quyền mang tính đại diện chung.
Trước thực tế rằng quân đội Iraq không thể lấy lại miền đất đã mất vào tay ISIL
mà không có sự ủng hộ của các bộ tộc Sunni, thì việc thương thảo cho quyền lợi
chính trị của người Sunni sẽ trở thành điểm mấu chốt.
Và cuối cùng, ván cờ Iraq vẫn
có một kẻ thủ lợi từ xa – đấy là nước Nga. Dù rằng Nga không còn đứng chứng kiến
những nét bút chì phân định biên giới, nhưng sẽ rất hài lòng khi thấy giá dầu
liên tục được đẩy lên cao.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen