70 năm nhìn lại: Từ Bảo Đại
đến Hồ Chí Minh
- HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Phạm Cao Dương
8-9-2015
- HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Phạm Cao Dương
8-9-2015
Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt
Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời
chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi
Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính
Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh. Hai lần cả thảy, nhưng đa số
người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được học bản
tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết hay không được học bản
tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa
thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời
phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản.
(A) TUYÊN NGÔN CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI
Hoàn cảnh được công bố
Bản tuyên ngôn độc Lập của Hoàng Đế Bảo Đại được công
bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương
và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật
vào phần đất này của Đông Nam Á, gần năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và
Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trong thời gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị
của cả người Pháp, từ sau khi Hòa Ước 1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày
22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả khủng khiếp là Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu.
Hoàn cảnh này đã làm cho không chỉ riêng những người Cộng Sản, vốn chủ trương
đánh đổ chế độ quân chủ để cướp chính quyền (chữ của chính người Cộng Sản) để từ
đó thực thi cách mạng xã hội chủa nghĩa vô sản mà luôn cả những người không những
không có cảm tình với chế độ quân chủ đương thời mà còn chủ trương lật đổ chế độ
này để thay thế bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của
của bản tuyên ngôn này. Lý do là vì Bảo Đại luôn luôn bị coi như một ông vua bù
nhìn, trước kia trong tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ
trước kia người Pháp bảo sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945,
người Nhật bảo ông tuyên bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người
ta hiểu hay được học đơn giản như vậy. Nền độc lập mà Bảo Đại tuyên bố theo họ
chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông chẳng có một giá trị gì
trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt. Thực chất của nó chỉ là
“sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của triều đình Bảo Đại”[1] không
hơn không kém.
Sự thực không đơn giản như vậy. Người Nhật có lý do
làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do phải chấp nhận yêu cầu của
người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo Đại đã được ông giải thích
khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục ông này chấp nhận làm Thủ
tướng đầu tiên của chính phủ Nam Triều độc lập. Nguyên văn câu nói được Trần Trọng
Kim kể lại như sau:
“-”Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay
đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp
ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy.
Trẫm phải dứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc.”[2]
Người ta cần phải nhớ là hơn mươi năm trước đó, sau
khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày tháng 10 tháng 9 năm 1932, Bảo
Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều
hủy bỏ Quy Ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội Đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất
Hân, ký với Toàn Quyền Đông Dương thời nhà vua còn nhỏ tuổi và đang du học bên
Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại của ông trừ các quyền có tính cách
nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…kèm theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải
cách qui mô trong nền hành chánh của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người
Pháp ngăn cản và bị thất bại. Đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên
bố độc lập của người Nhật dù gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ
tuổi từ lâu mong đợi. Ngoài ra theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần
Trọng Kim “chịu khó” lập chính phủ mới. Ông Bảo Đại nói :
-“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội,
tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập.
Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị
theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành
một chính phủ để lo việc nước.”[3]
Hai tiếng “cơ hội” Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy ông
từ lâu mong có dịp này. Đồng thời ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên
cáo chưa phải độc lập hẳn.” Chưa hết, tuyên bố rồi ông còn có nhu cầu phải tỏ
ra có đủ tư cách để độc lập và nhất là để tránh không cho người Nhật “lập cách
cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta.” Một sự e ngại chỉ có những
người có kiến thức về lịch sử và chính trị học mói biết được. Ngoài ra những tiếng
“rất có hại cho nước ta” cũng cho người ta thấy đối tương của hành động tuyên
cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam và dân tộc
Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan điểm này cũng
như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế tất bại của người Nhật về
sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với người Nhật, ông đã
không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ. Nói cách khác Bảo Đại
ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Phần
khác, như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông: Độc lập là ước mơ của tất cả mọi
người Việt Nam thời đó.
Nội dung bản Tuyên ngôn
Đây là một bản văn tương đối ngắn so với những bản
văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ hòa ước Triều Đình Huế đã
ký với nước Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong
chương trình phát triển chung, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào lòng thành của
nước Nhật với nguyên văn như sau:
“Cứ tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng
cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước
Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.
“Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng
đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem
tài lực giúp cho cuộc thịnh vương chung.
“Vậy Chính Phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở
Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để
cho đạt được mục đích như trên.[4]
Bản Tuyên Bố được đề ngày 11 tháng Ba năm 1945 tức
ngày 27 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ 20 được Bảo Đại ký tên với sáu thượng thư
phó thự. Sáu vị thượng thư gồm có: Phạm Quỳnh, bộ Lại, Hồ Đắc Khải, bộ Hộ, Ưng
Úy, bộ Lễ, Bùi Bằng Đoàn, bộ Hình, Trần Thanh Đạt, bộ Học, và Trương Như Định,
bộ Công. Theo Bảo Đại đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn kiện được ký bởi
nhà vua và tất cả các nhân vật quan trọng nhất trong triều đình.
Đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập này của Bảo Đại, người ta
cần chú ý tới những chi tiết sau đây:
Thứ nhất: Gọi là tuyên ngôn nhưng thực sự đây chỉ là
một văn kiện hủy bỏ một điều ước đã được ký kết trước đó vì do tình hình biến
chuyển một trong hai phía đã không tôn trọng những gì mình đã ký kết hay không
thực thi được những gì mình đã ký kết trong một sinh hoạt quốc tế. Điều ước bị
hủy bỏ ở đây là Hòa Ước Giáp Thân được ký kết giữa Triều Đình Huế và người Pháp
ngày 6 tháng 6 năm 1884, đặc biệt hai điều khoản của hòa ước này là điều khoản
thứ nhất, theo đó Việt Nam công nhận và chấp nhận Quyền Bảo Hộ của nước Pháp và
điều khoản thứ mười lăm, theo đó nước Pháp cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ
của các xứ do vua Việt Nam cai trị và bảo vệ nhà vua chống lại những sự xâm nhập
từ bên ngoài và những cuộc nổi loạn từ bên trong..[5] Sự hủy bỏ này phải được
hiểu là do người Pháp bất lực không bảo vệ được Việt Nam trước sự bành trướng của
quân đội Nhật và cuối cùng là chính người Pháp đã bị người Nhật lật đổ trong cuộc
Đảo Chính ngày 9 tháng 3 năm 1945. Sự hủy bỏ này cũng có tính cách đơn phương từ
phía Hoàng Đế Bảo Đại với tư cách là người kế vị chính thống của Triều Đình Nhà
Nguyễn hay trực tiếp hơn từ Vua Tự Đức, căn cứ vào những gì đã xảy ra vào thời
điểm này.
Điểm cần được lưu ý ở đây là từ ngữ hòa ước trong văn
kiện này được dùng theo số ít, trong tiếng Việt, không có chữ “các” hay “những”
đi kèm và trong tiếng Pháp không có chữ “s” theo sau. Điều này có nghĩa là bản
tuyên cáo chỉ hủy bỏ hòa ước bảo hộ tức Hòa Ước Giáp Thân 1884 mà thôi thay vì
hủy bỏ tất cả các hòa ước đã được ký kết trước đó. Đó là các Hòa Ước Nhâm Tuất
1862 và Hòa Ước Giáp Tuất 1874 liên hệ tới xứ Nam Kỳ theo đó xứ này đã bị nhường
đứt cho người Pháp là và trở thành thuộc địa của họ, không còn thuộc quyền cai
trị của Vua và Triều Đình Huế nữa. Vấn đề thâu hồi xứ Nam Kỳ do đó chưa được giải
quyết ngay nhưng đã trở thành mối bận tâm và một phần hành quan trọng của chính
Hoàng Đế Bảo Đại ngay từ buổi nhà vua tiếp kiến Đại Sứ nhật Yokoyama và của
Chính Phủ Trần Trọng Kim trong gần suốt thời gian chính phủ này tồn tại. Xứ Nam
Kỳ chỉ được người Nhật trao trả trong những ngày cuối của chính phủ này và chỉ
chính thức trở về với lãnh thổ quốc gia Việt Nam ngót năm năm sau, vào giữa
tháng 6 năm 1949, và do Bảo Đại với tư cách Quốc Trưởng tiếp nhận chứ không phải
là do công lao của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Đây cũng là một sự kiện ít người biết đến hay chỉ biết
một cách lơ mơ. Một chi tiết khác cũng cần phải được chú ý ở đây là hai chữ “độc
lập” đã được sử dụng tới hai lần: “nước Nam khôi phục quyền độc lập” và “Nước
Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập”, trong một
bản văn ngắn. Sau này chính Bảo Đại đã dùng danh từ “tuyên ngôn độc lập –
proclamation d’indépendance” khi nói tới văn kiện này trong hồi ký của ông.
Thứ hai: ”Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho
xứng đáng một quốc gia độc lập….giúp cho cuộc thịnh vượng chung.” Câu này xác định
phương thức hoạt động nhằm thực hiện tư cách độc lập (tự phát triển như một quốc
gia độc lập không phụ thuộc vào nước ngoài cho xứng đáng một quốc gia độc lập)
và thế đứng của Việt Nam trên trường quốc tế (tự coi mình là một phần tử Đại
Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung). Ta cũng nên để ý tới khẩu
hiệu Châu Á của Người Á do người Nhật đưa ra trong thời gian này, một khẩu hiệu
hàm chứa sự độc lập của các nước Á Châu lúc đó còn là thuộc địa của các đế quốc
Âu Châu. Đây cũng là một cách nói khéo léo nhằm ngăn chặn trước sự can thiệp
vào nội tình Việt Nam của người Nhật, một điều cả nhà vua và Chính Phủ Trần Trọng
Kim luôn luôn quan tâm phòng ngừa.
Thứ ba: “Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng
thành ở Nhật Bản đế quốc…”.”Câu này nhằm buộc chặt lời hứa của người Nhật bằng
cách nhấn mạnh vào sự trung thành của người Nhật với những gì họ đã nói, với
quan niệm trung thành như một truyền thống chung của các dân tộc Á Đông.
Thứ tư: “”quyết chí hợp tác với nước Nhật đem hết tài
sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.””Mục đích như trên là mục
đích gì? Phải hiểu mục đích này bao gồm hai phần là “tự tiến triển cho xứng
đáng một quốc gia độc lập” và “giúp cho cuộc thịnh vương chung” như là một phần
tử của khối Đại Đông Á.”
Nói cách khác, đây là một bản văn tuy ngắn ngủi, cô đọng
nhưng rất quan trọng vì nó vừa mang tính cách pháp lý, có liên hệ tới nhiều văn
kiện ngoại giao khác đã được hình thành trước đó, vừa biểu lộ chủ trương của một
quốc gia được trao trả độc lập trong một hoàn cảnh không nhận không được, vô
cùng tế nhị và phức tạp vào lúc tình hình thế giới biến chuyển quá nhanh và
hoàn toàn bất lợi cho quân đội và quốc gia đảm nhận sự trao trả nền độc lập
này. Mỗi điều nói ra, mỗi chữ được viết đều đòi hỏi người soạn thảo phải vô
cùng thận trong và ước tính kỹ càng.
Ai là tác giả của bản tuyên ngôn này?
Người được nói đến nhiều nhất là Phạm Quỳnh, lúc đó
đang giữ chức thượng thư bộ lại. Điều này có nhiều phần đúng nếu người ta để ý
tới khả năng nghị luận và viết văn, viết báo kèm theo sự hiểu biết và kinh nghiệm
của một học giả, một người làm báo, và sau đó là một ngự tiền văn phòng tổng lý
của nhà vua cũng như thượng thư bộ lại trong nhiều năm trước đó. Nó cũng được Phạm
Khắc Hòe, đương thời là ngự tiền văn phòng tổng lý của Bảo Đại, trong hồi ký của
ông này xác nhận[6].
(B) BẢN TUYÊN NGÔN CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA HỒ CHÍ MINH
Hoàn cảnh được công bố
Bản tuyên ngôn này đã được Hồ Chí Minh một mình soạn
thảo, một mình đứng tên và đọc tại Quảng Trường Ba Đình ở Hà Nội vào buổi chiều
ngày 2 tháng Chín năm 1945, ngót năm tháng sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, hơn
hai tuần lễ sau khi Nhật Bản đầu hàng, mười ba ngày sau khi Việt Minh cướp được
chính quyền ở Hà Nội và hai ngày sau khi Bảo Đại chính thức thoái vị.
Vì được công bố sau bản tuyên ngôn của Bảo Đại, sau
khi người Nhật đã đầu hàng cũng như chế độ bảo hộ của người Pháp đã bị người Nhật
lật đổ trước đó, bản tuyên ngôn này đã bị nhiều người cho là thừa, không cần
thiết, chưa kể tới sự kiện là chính phủ mới do Hồ Chí Minh thành lập là kế vị
chính phủ Nam Triều do Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị nhường cho dựa theo chiếu
thoái vị của Bảo Đại và đã được Hồ Chí Minh và chính phủ mới của ông chấp nhận.
Chính Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong những điều kiện này
đương nhiên kế tục những gì Hoàng Đế Bảo Đại và Chính Phủ Trần Trọng Kim đã làm
trước đó, trong đó có Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 11 tháng 3 năm 1945. Lập luận
như vậy là hoàn toàn hợp lý đứng trên phương diện công pháp quốc tế. Một lập luận
đơn giản và hoàn toàn dễ hiểu. Câu hỏi được đặt ra là Hồ Chí Minh, và những cộng
sự viên của ông, khi đưa ra bản tuyên ngôn của mình có biết là trước đó Bảo Đại
đã làm công việc này rồi hay không? và biết như vậy tại sao ông lại còn làm lại
việc đó một lần nữa?
Cho câu hỏi thứ nhất, câu trả lời là chắc chắn có; Hồ
Chí Minh chắn phải biết là Bảo Đại trước đó đã tuyên cáo hủy bỏ hòa ước bảo hộ
1884 rồi. Nhưng ông vẫn làm lại công việc này vì ông có nhu cầu phải làm. Những
nhu cầu đó là những nhu cầu gì?
Thứ nhất , là vì từ lâu toàn dân ai nấy đếu khao khát
được thấy nước nhà độc lập, đúng như Bảo Đại đã viết trong hồi ký của ông, độc
lập là ước mơ của mọi người dân Việt[7], cũng như nó được phản ảnh ở khắp nước
ngay trước và sau ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nói tới độc lập vào lúc đó là gõ
đúng tần số của bất cứ một người dân Việt Nam nào từ đó đem lại công lao và
thanh thế cho người chính thức công bố ra điều đó.
Thứ hai , là cho tới ngày 2 tháng 9 năm 1945, cái tên
Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Võ Nguyên Giáp,
một trong những cộng sự viên thân cận nhất của Hồ Chí Minh trong thời gian này,
đã viết trong hồi ký của ông này rằng: “Ba tiếng HỒ CHÍ MINH không bao lâu đã
vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc
vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng
bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều.”
[8]
Ngay vua Bảo Đại ngày 23 tháng 8 năm 1945, khi nhận
được điện tín của của các ông Nguyễn Xiển, Nguyên Văn Huyên, Ngụy Như Kon-Tum
và Hồ Hữu Tường nhân danh Ủy Ban Nhân Dân Cách mạng, yêu cầu nhà vua thoái vị
nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Chính Phủ Nhân Dân Cách mạng với chủ tịch là
“Cụ Hồ Chí Minh” đã không biết Hồ Chí Minh là ai. Còn Phạm Khắc Hòe, người ở
bên cạnh nhà vua và được Việt Minh móc nối cũng không biết nốt, phải chạy đi hỏi
Tôn Quang Phiệt, một đảng viên Cộng Sản, rồi Đào Duy Anh nhưng Tôn Quang Phiệt
đi vắng và Đào Duy Anh lục lọi, truy tìm các tài liệu, sách vở ông có nhưng
cũng không ra tên này. Cuối cùng Vũ Văn Hiền, ở Bắc về mới xác nhận Hồ Chí Minh
là Nguyễn Ái Quốc.[9]
Tuyên bố Việt Nam độc lập đối với Hồ Chi Minh vào thời
điểm này do đó là cách tự giới thiệu mình tốt nhất và hữu hiệu nhất vói toàn thể
đồng bào và để được nhìn và được chấp nhận như là lãnh tụ đầu tiên đã mang lại
được độc lập cho tổ quốc và cho toàn dân Việt Nam, một nhu cầu tối cần thiết, dầu
rằng nền độc lập này hoàn toàn không phải do ông hay do Mặt Trận Việt Minh tạo
ra mà là do những biến cố khác của lịch sử trước đó, trong đó quan trọng nhất
là Đảo Chính 9 tháng Ba năm 1945, trong đó người Nhật đã loại bỏ người Pháp,
kèm theo là bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoàng Đế Bảo Đại nói trên, và cuối cùng
là sự bại trận sau này của người Nhật.
Chúng ta cũng cần để ý là đối với đa số người Việt
Nam thời đó, ngày 2 tháng 9 là Ngày Độc Lập, đúng như Nguyễn Hữu Đang, người được
Hồ Chí Minh chỉ định tổ chức ngày này, gọi, qua các văn thư chính thức ông đã gửi
cho các cơ quan liên hệ, trong đó có thư gửi cho Thị Trưởng Hà Nội[10] và theo
bìa in bản tuyên ngôn của bản đầu tiên năm 1945, do Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời
Việt Nam Hồ Chí Minh đọc trong Ngày Độc Lập”.[11] Nhưng đối với Hồ Chí Minh ngày
2 tháng 9 còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Đó là “ngày khép lại cuộc Cách
mạng tháng Tám, và khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa”, theo lời ông nói
với Nguyễn Hữu Đang, “Chú phải nhớ…[12]
Tại sao vậy? Tại vì Hồ Chí Minh phải làm chuyện này trước
khi quân Đồng Minh kéo vô Việt Nam, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, nhằm đặt họ trước
một sự đã rồi, không thể đảo ngược đươc. Sự kiện vua Bảo Đại thoái vị được nhắc
tới và câu “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu
của bọn thực dân Pháp” là nhằm vào mục tiêu này.
Nội dung bản Tuyên Ngôn
Bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, vì được phổ
biến rộng rãi và hầu như được coi là bàn tuyên ngôn duy nhất gắn liền với ngày
2 tháng 9, ngày Quốc Khánh của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam, nên đã được nhiều người đọc, phân tích và tìm hiểu. Trong phần
này người viết chỉ nêu lên những gì ít được mọi người nhắc hay để ý đến.
Trong khi Tuyên Cáo của Bảo Đại đơn giản chỉ là một bản
văn thuần túy pháp lý nhằm hủy bỏ hòa ước bảo hộ mà triều đình Huế đã ký trước
đó, căn cứ vào sự bất lực của người Pháp không giữ được cam kết đã được ghi
trong điều khoản thứ nhất và điều khoản thứ mười lăm của hòa ước này mà không
nhằm vào một đối tượng quần chúng hay quốc tế, thì bản Tuyên Ngôn của Hồ Chí
Minh nhằm vào toàn thể người Việt qua lời mở đầu “Hỡi đồng bào cả nước…”. Tuy
nhiên ở những đoạn cuối tác giả lại nhắm vào các nước Đồng Minh. Điều này phải
tinh ý người ta mới nhận ra được. Về tư cách, Bảo Đại nhân danh Hoàng Đế Việt
Nam, người đứng đầu của một quốc gia độc lập đã tồn tại từ trước khi người Pháp
xâm lăng và là người kế thừa chính thống của các vua Nhà Nguyễn, thì Hồ Chí
Minh đã nhân danh “Lâm Thời Chính Phủ của nước Việt Nam mới.”” Mới là vì đến
ngày đó chính phủ này mới chính thức được ra mắt trước quốc dân. Lời văn do đó
phản ảnh hai tư cách của hai bản chất con người khác nhau. Một người là hoàng đế
kế thừa chính thống của một triều đại đã trị vì một quốc gia từ hơn một trăm
năm trước dù cho là chỉ còn hư vị; người kia là lãnh tụ của một phong trào cách
mạng vừa chủ trương chống Pháp, vừa chủ trương chống Nhật và lật đổ chế độ quân
chủ để giành chính quyền. Văn phong trong bản tuyên ngôn của Bảo Đại là văn
phong bình thường của người cầm quyền; còn văn phong của Hồ Chí Minh mang tính
cách kêu gọi và ở một mức độ nào đó có tính cách bình dân, kể lể dài dòng kể
công và nhất là xách động.
Mở đầu cho bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một
số câu trong phần đầu của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ và một câu trong Bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp. Sự trích dẫn này, vào
lúc mà sự hiểu biết của quần chúng Việt Nam còn thấp kém, đặc biệt là về lịch sử
Hoa Kỳ và thế giới chắc chắn không nhằm vào quần chúng người Việt mà nhằm vào
người Mỹ và người Pháp. Lý do là Hồ Chí Minh như là một đảng viên Cộng Sản Quốc
Tế chắc chắn đă hiểu hơn ai hết là người Mỹ vào thời điểm này đã đóng một vai
trò vô cùng quan trọng trong chính tình ở Á Châu, trong đó có Việt Nam. Được
nguời Mỹ công nhận là coi như làm chủ được chính quyền. Hiểu được như vậy, ngay
từ khi còn ở chiến khu Hồ Chí Minh khi tiếp xúc với người Mỹ đã yêu cầu họ cung
cấp cho ông một bản Tuyên Ngôn Độc Lập của họ, đồng thời khi tiếp xúc với họ, Hồ
Chí Minh cũng nhận thấy rằng nói về lịch sử nước Mỹ với họ là một cách để chinh
phục cảm tình của họ. Cũng vậy, với những gì chứa đựng trong bản Tuyên Ngôn
Nhân Quyền và Dân Quyền của người Pháp. Có điều sự trích dẫn nàychỉ nhằm mục
tiêu lôi cuốn sự chú ý và cảm tình của người Mỹ mà thôi.
Hồ Chí Minh không cần đi xa hơn nữa và rất có thể ông
cũng không hiểu rõ hơn hay cố tình không hiểu sự khác biệt trong quá trình
giành độc lập của mười ba thuộc địa của người Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII và của
nước Việt Nam thời ông. Vì vậy ông đã áp dụng quan điểm của người Mỹ về quyền
bình đẳng, quyền được sống tự do và mưu cầu hạnh phúc của mọi – người –
như-là-những-cá-nhân vào trường hợp Việt Nam như một – quốc – gia đòi quyền độc
lập một cách gượng ép hay ít ra là suy luận theo quan điểm chủ quan của mình với
dụng ý riêng của mình. Cũng vậy với những gì ông trích dẫn từ bản Tuyên Ngôn
Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp.
Phần kế tiếp, Hồ Chí Minh lên án người Pháp và người
Nhật, đồng thời ông kể công cho Việt Minh: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, đã bao lần
Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật…”, sau đó “đ ã giúp cho
nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam
Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ” và kết luận rằng “Sự thật là dân ta
đã lấy lại nước Việt-nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Điều, như người viết đã nói ở trên, là không đúng sự
thật. Sự thật là Chính Phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim đã lấy lại được toàn thể nước
Việt Nam từ trước khi người Nhật đầu hàng kể cả lấy lại xứ Nam Kỳ và Việt Minh
đã cướp chính quyền từ trong tay của chính phủ Bảo Đại -Trần Trọng Kim trong những
ngày 17 và 19 tháng 8 năm 1945 sau đó. Lý do là vì Việt Minh “đã có đường riêng
của họ rồi”, nói theo Phan Anh, Bộ Trưởng Thanh Niên trong Chính Phủ Trần Trọng
Kim và sau này là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Chính Phủ Liên Hiệp của Hồ Chí
Minh. Trong những đoạn này Hồ Chí Minh đã dùng các từ ngữ ta hay “dân ta” hay
“đất nước ta”, nhưng mục đích không nhằm vào người Việt Nam mà vào người Pháp.
Phần cuối cùng của bản văn, từ “Bởi thế cho nên…” cho
đến hết, lời văn cho người ta thấy Hồ Chí Minh không hướng về người Việt mà về
cả thế giới. Trong phần này ông xưng là “chúng tôi, Lâm thời Chính phủ, đại biểu
cho toàn dân Việt -nam “ để tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, kêu gọi các
nước Đồng Minh công nhận quyền độc lập của dân Việt-nam… Phần này Hồ Chí Minh
thay vì quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mọi – người
– như – những – cá – nhân do Tạo Hóa ban cho, những quyền phải hiểu là tự nhiên
ai như là một cá nhân đều có, đã nói về quyền hưởng tự do và độc lập của – cả –
nước – Việt – Nam. Điều này hoàn toàn trái với tinh thần của bản Tuyên Ngôn Độc
Lập của Người Mỹ và nhất là của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách
mạng Pháp mà danh xưng của nó đã nói lên một cách rõ ràng, không thể hiểu sai
được vì độc lập không phải luôn luôn đồng nghĩa với tự do, dân quyền và nhân
quyền.
Không những thế, thay vì coi những quyền này là do Tạo
Hóa ban cho, Hồ Chí Minh lại lý luận là vì dân tộc Việt Nam là “Một dân tộc đã
gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng
về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc
ấy phải được độc lập!”.” Lý luận như vậy người ta phải hiểu, theo Hồ Chí Minh,
rằng những dân tộc không gan góc chống lại những thế lực đè nén, áp bức mình và
không gan góc đứng về phe Đồng Minh, chống phát-xít là không đáng được tự do, độc
lập. Cũng vậy, với các quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của con người
như là những cá nhân trong xã hội.
Chính vì vậy Luật sư Trần thanh Hiệp,khi được Đài Á
Châu Tự Do phỏng vấn ngày 2 tháng 9 năm 2007, đã có lý khi ông gọi bản tuyên
ngôn của Hồ Chí Minh này là một bản tuyên ngôn phi nhân quyền,[13] dù cho là nó
đã được chính tác giả của nó trích dẫn và soạn thảo theo tinh thần của bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp. Nhưng dù nói thế này hay
thế khác sự kiện này đã phản ảnh chủ trương cách mạng bạo lực của những người Cộng
Sản mà Hồ Chí Minh ở đây là một trường hợp điển hình.
Người ta có thể giải thích sự thiếu rõ ràng trong bản
Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh kể trên là do nó đã được soạn thảo trong một
thời gian quá ngắn và trong tình trạng tác giả của nó còn phải bận rộn với nhiều
vấn đề cấp bách khác. Điều này không đúng vì trước đó từ lâu, khi tiếp xúc với
một sĩ quan người Mỹ, Hồ Chí Minh đã xin một bản tuyên ngôn nhân quyền của người
Mỹ rồi. Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã nghĩ tới và đã thai nghén bản tuyên ngôn
của ông từ lâu chứ không phải chỉ ít ngày trước ngày 2 tháng 9 năm 1945. Do đó
những gì ông nói tới, những từ ngữ ông dùng đều được cân nhắc kỹ càng và đều có
dụng ý riêng với những mục tiêu riêng mà chỉ sau này phải phân tích kỹ, đối chiếu
kỹ và có thể sau này khi mọi việc liên hệ đã xảy ra rồi, người ta mới có thể hiểu
được.
Phạm Cao Dương
________
________
[1] Dương Trung Quốc. Việt Nam : Những Sự Kiện Lịch Sử
(1919-1945). HàNội: Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 202.tr. 388.
[2] Lệ Thần Trần Trọng Kim. Một Cơn Gió Bụi (Kiến Văn
Lục).Saigon, Nhà Xuất Bản Vĩnh Sơn, 1969. tr. 49.
[3] – nt – , tr. 51.
[4] Dương Trung Quốc, Việt Nam…, tr. 388; Nguyễn Vỹ.
Tuấn, Chàng Trai Nước Việt (Chứng Tích Thời Đại Từ 1900 đến 1970, Quyển II. Saigon,
? , 1970. Fort Smith, AR tái bản ở Hoa Kỳ, ?. tr. 512.; S.M. Bao Dai. Le Dragon
d’Annam. Paris, Plon. 1990. Cameron, Allan W. Viet-Nam Crisis, A Documentary
History, Volume I: 1940-1956. Ithaca, N.Y. Cornell University Press, 1971.. tr.
31-32. Hai bản tiếng Việt in trong tác phẩm của Dương Trung Quốc và tác phẩm của
Nguyễn Vỹ hơi khác nhau về ngôn từ nhưng hoàn giống nhau về nội dung. David G.
Marr trong Vietnam 1945, The quest for Power (Berkeley, University of
California Press, 1995, tr. 71) có nói tới các bản tiéng Việt và tiếng Pháp ở
văn khố Pháp và bản đăng trên tờ Dân Báo, ngày 12 tháng Ba. Vũ Ngự Chiêu cũng
nói tới tờ Tin Mới, nhưng nhất thời người viết bài này chưa đến được các nơi cần
đến để tìm kiếm.
[5] Taboulet, Georges. La Geste Francaise en
Indochine,Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à
1914, tome II, Paris, Adrien – Maisonneuve, 1956. tr. 809 – 812; Phan Khoang,
Việt Nam Pháp Thuộc Sử, 1884 – 1945. Saigon,, ? ,1961. Tái bản ở Hoa Kỳ. tr.
322 – 328.
[6] Phạm Khắc Hòe, Từ Triều Đình Huế Đến Chiến Khu Việt
Bắc. Huế, Thuận Hóa, 1987, tr. 16 -.
[7] S.M.Bảo Đại, Le Dragon d’Annam, đã dẫn, tr. 103
[8] Võ Nguyên Giáp, “Những Năm Tháng Không Thể Nào
Quên”, trong Tổng Tập Hồi Ký. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 206, tr..
255.
[9] Phạm Khắc Hòe, Từ Triều Dình Huế…, tr. 76.
[10] Phùng Quán, Ba Phút Sự Thật. Thành Phố Hồ Chí
Minh, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, 2006, tr. 114 – 115.
[11] Hồ Chí Minh, Tuyên Ngôn Độc Lập Nước Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Sự Thật, 1976, tr.13. Nguyễn Khánh
Toàn và Lữ Huy Nguyên, Tổng Tập Văn Học Việt Nam, Tập 36. Hà Nội, 1980. tr. 812
– 823.
[12] – nt-, tr. 134.
[13] Trần Thanh Hiệp và Trương Giang, “Một Bản Tuyên
Ngôn Phi Nhân Quyền”, trên Nhật Báo Người Việt, số 7940, ngày Thứ Hai, 3 tháng
9 năm 2007. Dương Trung Quốc. Việt Nam : Những Sự Kiện Lịch Sử (1919-1945). HàNội:
Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 202.tr. 388.Việt, số 7940, ngày Thứ Hai, 3 tháng 9 năm
2007.
(*) Chú thích của Tòa sọan: Tác gỉa Phạm
Cao Dương là Giáo sư, Tiến sỹ dạy môn Lịch sử và Văn hoá Việt Nam tại một số
Đai học Mỹ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen