Sonntag, 20. September 2015

ông Đạo Dừa



cồn Qui và cồn Phụng Bến Tre





cồn Quy và cồn Phụng Bến Tre
Trong khi cồn Long và cồn Lân thuộc tỉnh Tiền Giang, thì cồn Qui và Phụng lại nằm ở Bến Tre, nhưng cả bốn cồn này tạo thành một vùng đất tứ linh, làm cho du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày một phát triển hơn. Kinh nghiệm du lịch các tỉnh miền Tây giới thiệu đến bạn vềcồn Qui và cồn Phụng Bến Tre hi vọng bạn sẽ thích.

Cồn Qui

Cả cồn Qui và cồn Phụng Bến Tre đều rất nổi tiếng, trong đó cồn Qui là một cồn đất nổi nằm trên sông Tiền rộng khoảng 65ha, cách thị xã khoảng 22km đường sông. Được đưa vào khai thác du lịch khá lâu, nhưng nhờ được phù sa bồi đắp nên cồn nhỏ nhất của tỉnh này quanh năm trồng được nhiều loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, sapoche. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức những loại trái cây ngon ngọt, những món hải sản dân dã, lại vô cùng tiết kiệm, nếu có cơ hội bạn hãy thử một lần ghé qua đây.
cồn Quy và cồn Phụng Bến Tre
Thuở khai hoang, ông Phạm Cao Thăng đã trồng nhiều cây bần trên cồn với mục đích để giữ đất, sau này khi có nhiều người đến sinh sống làm ăn, dần dần mới trồng nhiều loại cây ăn quả cây hoa màu và thu hút lượng lớn khách du lịch như ngày nay.
Tuy vậy, cồn Qui vẫn giữ được nét dân dã hoang sơ của riêng nó mà khó có cồn nào sánh được, những vườn cây ăn trái xanh tươi mát mắt, hàng dừa nghiêng bóng trải dài dọc theo bờ sông, thấp thoáng đâu đó vẫn còn những mái nhà tranh vách lá đơn sơ mộc mạc, tất cả những cảnh đẹp ấy hòa quyện lại với nhau như một bức tranh thơ mộng hữu tình. Nếu có dịp du lịch đếncồn Qui và cồn Phụng Bến Tre, du khách sẽ rất ấn tượng với hình ảnh cô gái đưa đò với chiếc áo bà ba mộc mạc duyên dáng đưa khách tham quan, có lẽ với bao người đây sẽ là kỉ niệm khó phai trong lòng bởi cái vẻ đẹp, cái tình của miệt sông nước miền Tây này.
cồn Quy

Cồn Phụng

Xa hơn một chút so với cồn Qui, cồn Phụng cách thị xã Bến Tre khoảng 25 cây số đường sông, diện tích 50ha nằm trên cù lao giữa sông Tiền. Bao đời này cồn Qui và cồn Phụng Bến Tre đều trồng cây ăn trái, tuy nhiên có một điểm đặc biệt ở cồn này đó chính là kĩ thuật làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng dừa vô cùng tinh xảo bắt mắt.
cồn Phụng đạo Dừa
Hơn thế nữa, cồn Phụng nổi tiếng với di tích đạo Dừa với tổng diện tích là 1500 mét vuông. Khu di tích này được thành lập bởi ông Nguyễn Thành Nam, được gìn giữ bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay. Tổng quan khu vực này bao gồm 9 con rồng ngự trên sân, cửu trùng đài được chạm khắc tinh xảo bằng những mảnh vỡ từ ấm, chén, dĩa. Ngày ấy, ông đạo Dừa luôn tự xưng là xứ giả hòa bình và đạo do ông chủ trì là đạo hòa bình, thường ngày chỉ ăn uống những hoa quả, tuyệt nhiên không ăn những món khác.
đờn ca tài tử
Để đến được những cơ sở sản xuất kẹo dừa, hay các loại bánh kẹo khác, những nơi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ dừa hay cây bạn có thể đi xuồng máy xuôi theo cồn, còn nếu bạn muốn ghé thăm vườn cây ăn trái, nghe đàn ca tài tử, ngồi hóng mát dưới mái nhà lợp lá đơn sơ thì bạn mướn xe ngựa để có thể đi được hết nơi bạn muốn đến, sẽ rất khó cho bạn nếu bạn đi bộ đấy. Thử nghĩ xem nhé những món quà lưu niệm, những loại trái cây được mang về từ chuyến du lịch cồn Qui và cồn Phụng Bến Tre này sẽ trở thành những món quà vô cùng ý nghĩa đối với người  thân yêu của mình đúng không nào?


Trước ngày giải phóng, cũng chính cồn Phụng là nơi khai sinh ra một tôn giáo kỳ quặc nhất miền Nam Việt Nam, gọi là "đạo Dừa", do ông Nguyễn Thành Nam làm "giáo chủ"!
Chở 1 triệu đồng đi ứng cử… Tổng thống!
Sáng ngày 1/8/1971, một toán Giang cảnh (là đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn, phụ trách an ninh đường sông) trong lúc chốt chặn tại ngã ba sông Tiền và kênh Chợ Gạo đã tiến hành kiểm tra một chiếc ghe giăng đầy những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc, trên mui ghe có tấm biểu ngữ nền vàng chữ đỏ: "Tôn giáo hòa đồng - Ứng cử tổng thống".
Trước mũi ghe, một người đàn ông tuổi trạc 40, mặt mũi quắt queo, đầu trọc nhưng phần tóc sau ót lại được để dài rồi vấn thành một vòng ngang trán. Ông ta ở trần, mình khoác tấm vải màu vàng, có dây thắt ngang lưng và kèm theo là một chiếc chìa khóa to đùng, ngồi xếp bằng, hai tay chắp trước ngực. Sau lưng ông có 6, 7 người khác, quần áo nâu, tóc búi tó củ hành, đầu bịt khăn, đứng thành hai hàng như thể đang "hộ giá" ông áo vàng kia.
Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam trong một lần tiếp khách nước ngoài. Ảnh: Wilbur E. Garrett.
Khi toán Giang cảnh lên ghe kiểm soát giấy tờ, mới hay người khoác tấm vải màu vàng là "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam, từ cồn Phụng, xã Phước Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) lên Sài Gòn để vào Tối cao Pháp viện nộp 1 triệu đồng tiền ký quỹ ứng cử tổng thống, sẽ diễn ra vào giữa tháng 9/1971 (1 lượng vàng lúc ấy giá khoảng 7 nghìn đồng). Lục soát ghe, toán Giang cảnh phát hiện hàng chục chiếc cần xé, chiếc nào chiếc nấy đựng đầy những đồng tiền kim loại. Sau này khi kiểm đếm thì đúng là ghe chở theo 1 triệu đồng thật, nhưng mà toàn loại bạc cắc 1 đồng!
Trước sự việc kỳ lạ ấy, nhất là phần lớn những người trên ghe đều ở trong độ tuổi phải đi lính nhưng không ai có giấy hoãn dịch, toán Giang cảnh liền áp tải chiếc ghe về Bộ chỉ huy Giang đoàn 81, đóng tại Mỹ Tho. Sau khi bộ phận An ninh Quân đội Sài Gòn đến thẩm tra, họ kết luận Nguyễn Thành Nam bị bệnh tâm thần vì ông khẳng định nếu trở thành tổng thống, một tuần sau Việt Nam sẽ có hòa bình.
Lúc viên sĩ quan An ninh Quân đội phụ trách thẩm vấn ông, hỏi bằng cách nào để có hòa bình trong một tuần thì ông "đạo Dừa" điềm nhiên trả lời: "Tôi sẽ mời mấy anh em ngoài Bắc vô, giao chính quyền cho họ là xong!". Hỏi ông làm sao có đủ 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hoặc nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký ủng hộ của các nghị viên hội đồng tỉnh để ra ứng cử tổng thống theo luật định thì ông cười: "Tôi nói là họ nghe tôi hết".
Cuối cùng, chính quyền Sài Gòn ra quyết định tịch thu 1 triệu đồng rồi đuổi ông "đạo Dừa" về lại địa phương, còn những người trên ghe bị liệt vào tội trốn quân dịch, bị đưa lên Sài Gòn, vào Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, đi lính.
Sở dĩ có chuyện "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam chở 1 triệu đồng bạc cắc từ cồn Phụng lên Sài Gòn ứng cử là vì thời điểm ấy, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống lần thứ hai. Sau khi gạt Nguyễn Cao Kỳ ra khỏi liên danh với mình (nhiệm kỳ 1967-1971 Kỳ là Phó tổng thống, Thiệu là Tổng thống) và cũng để vô hiệu hóa những ứng cử viên khác, Thiệu chỉ đạo một số dân biểu tay sai trong Hạ viện vận động để thông qua một đạo luật, có hiệu lực từ ngày 3/8/1971, quy định bất cứ người nào muốn ra tranh cử tổng thống thì đều phải có 40 chữ ký ủng hộ của dân biểu hay nghị sĩ Quốc hội và 100 chữ ký của các thành viên trong hội đồng tỉnh, đồng thời phải nộp tiền ký quỹ là 1 triệu đồng.
Tín đồ đạo Dừa hành lễ ở sân Chín Rồng.
Dù thừa tiền nhưng do không đủ chữ ký ủng hộ, Nguyễn Cao Kỳ rút lui còn Dương Văn Minh cũng từ chối ra tranh cử nên cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên duy nhất (mà dân Sài Gòn hồi ấy gọi là "độc diễn"). Kết quả Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống lần thứ hai với 94% số phiếu bầu (?!).
Không chịu thua, một tuần lễ trước ngày hết hạn ký quỹ, ông "đạo Dừa" tiếp tục lên Sài Gòn nộp tiền ứng cử. Theo nhà báo Wilbur E. Garrett, lúc ấy viết cho tờ Life và là người rất am hiểu về ông "đạo Dừa" vì đã có 2 năm tìm hiểu về cái tôn giáo mà anh ta cho là quái dị thì rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông "đạo Dừa" lặng lẽ thuê 2 chiếc xe đò khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, chiếc thứ nhất chở ông cùng những đồng đạo đã lớn tuổi để tránh cho họ khỏi bị bắt lính, chiếc thứ hai chở theo 1 triệu đồng tiền giấy. Tuy nhiên, do có mật báo nên khi xe vừa đến trạm kiểm soát Phú Lâm thì bị cảnh sát chặn lại, tịch thu tiền rồi đuổi về.
Chiếc xe đò quay đầu và khi chạy được một đoạn, Nguyễn Thành Nam kêu tài xế dừng lại rồi cùng hai tùy tùng leo lên xe lam, trà trộn với hành khách. Đến trước chợ Bến Thành, ông xuống xe, đứng thuyết giảng về "hòa đồng tôn giáo" và kêu gọi mọi người ủng hộ ông làm tổng thống. Ông nói nếu đắc cử thì ông chỉ "mần việc" đúng 7 ngày thôi. Có người cắc cớ hỏi ông đã là tổng thống, sao không ngồi hết nhiệm kỳ 4 năm chứ mắc mớ gì mà chỉ làm 7 ngày, thì ông trả lời: "7 ngày là đất nước hòa bình rồi, về đi tu cho khỏe".
Chuyện ông "đạo Dừa" ra tranh cử tổng thống được báo chí thời bấy giờ thêu dệt thêm nhiều huyền thoại, thậm chí có tờ báo còn viết rằng 1 triệu đồng tiền giấy mà ông mang theo là tiền… âm phủ! Khi bị cảnh sát tịch thu số tiền này, ông đã nói: "Cậu Hai (thói quen xưng hô của ông) có đem sẵn đây 1 triệu đồng bạc thiệt để ký quỹ nhưng cậu Hai dại gì tốn tiền cho mấy ông dân biểu ký tên giới thiệu cho cậu ra ứng cử. Tiền đâu mà cho mấy ông đó, có cho thì cho giấy lộn, hoặc sang lắm thì cho giấy tiền vàng mã. Nếu tốn bằng giấy vàng mã để mua chữ ký của dân biểu thì may ra cậu Hai chịu".
Theo nhà báo Wilbur E. Garrett, số tiền ông "đạo Dừa" mang theo để tranh cử là tiền thật vì lúc ấy, "đạo Dừa" có hơn 40 nghìn tín đồ nên việc vận động quyên góp 1 triệu đồng không phải là khó lắm.
Trong phóng sự ảnh "Dao Dua - Road to Peace - Đạo Dừa và đường đến hòa bình", Wilbur viết: "2/3 trong số 40 nghìn tín đồ của Nguyễn Thành Nam là thanh niên ở độ tuổi quân dịch. Để trốn lính, họ gia nhập đạo Dừa, mặc quần áo nâu, tóc búi tó, hàng ngày ngồi trên sân Chín Rồng nghe ông đạo Dừa thuyết giảng. Nhiều người trong số họ là con nhà giàu, hàng tuần hoặc hàng tháng gia đình đều chở gạo, mắm đến nuôi họ nên họ rất sốt sắng kêu gọi gia đình góp tiền cho ông tranh cử tổng thống. Nhiều lần, Quân cảnh Sài Gòn ập vào cồn Phụng để bắt lính nhưng do địa thế biệt lập giữa sông Tiền nên tàu bè thường bị phát hiện từ xa, đủ thời gian cho người trốn lính lẩn vào dân hoặc chạy sang cù lao Thới Sơn. Vì vậy, số bị bắt thường rất ít…".
Tuy nhiên, lại có thông tin nói rằng "đạo Dừa Nguyễn Thành Nam ra ứng cử tổng thống năm 1967" nhưng thông tin này không có cơ sở bởi lẽ theo như báo chí Sài Gòn đã tường thuật lời ông "đạo Dừa" nói trước chợ Bến Thành, rằng "cậu Hai dại gì tốn tiền cho mấy ông dân biểu ký tên giới thiệu cho cậu ra ứng cử". Hơn nữa năm 1967, Hạ viện Sài Gòn chưa ban hành đạo luật quy định bất cứ người nào muốn ứng cử tổng thống thì đều phải có chữ ký ủng hộ của dân biểu, nghị sĩ, của các thành viên hội đồng tỉnh, đồng thời phải nộp tiền ký quỹ là 1 triệu đồng.
Ông đạo Dừa là ai?
Sinh ngày 25/12/1909 tại làng Phước Thạnh, tổng An Hòa, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Nguyễn Thành Nam là con cả trong một gia đình gồm 14 anh em. Cha ông là cai tổng Nguyễn Thành Trúc, có 2 vợ. Vì là con cả nên khi lập ra đạo Dừa, Nguyễn Thành Nam được các tín đồ gọi là "cậu Hai".
Sau khi hoàn tất bậc sơ học ở An Hòa, ông sang Mỹ Tho học tiếp rồi lên Sài Gòn, vào Trường Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký). Năm 1928, Nguyễn Thành Nam qua Pháp, học ngành Hóa tại Trường cao đẳng Hóa chất ở thành phố Rouen, cách Paris khoảng 150km về phía đông bắc. Cũng có tin nói rằng ông đã tốt nghiệp kỹ sư Hóa ở Đại học Sorbone nhưng theo nhà báo Wilbur E. Garrett, ông chỉ học bậc cao đẳng, mà học trường tư.
Những chiếc cần xé chứa 1 triệu đồng ký quỹ ứng cử tổng thống của ông “đạo Dừa”.
Năm 1932, Nguyễn Thành Nam về nước. Cuối năm 1935, đám cưới "cậu Hai" với cô Lộ Thị Nga, người Gò Công được tổ chức linh đình, kéo dài suốt 4 ngày. Hai năm sau, bà Nga sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Khiêm. Đó cũng là người vợ và đứa con duy nhất của ông "đạo Dừa".
Sau khi lấy vợ, thay vì ra làm việc cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp, thấy Bến Tre là xứ có nhiều dừa nên Nguyễn Thành Nam nghĩ ngay đến việc sản xuất xà bông. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, hãng xà bông Thiên Nam của ông sập tiệm vì không cạnh tranh nổi với xà bông Cô Ba, tên thật là Trần Ngọc Trà (còn được gọi là cô Ba Trà), vợ của doanh nhân Trương Văn Bền, người đi đầu trong ngành sản xuất xà bông ở miền Nam.
Thất bại trong kinh doanh, năm 1945 Nguyễn Thành Nam bỏ nhà ra đi. Cho đến bây giờ, chuyện "cậu Hai" lên núi này, chùa kia tu hành chỉ là chuyện "nghe kể lại" nhưng 5 năm sau, khi trở về xã Phước Thạnh, "cậu Hai" dựng đài bát quái cao 14m, đêm đêm lên ngồi tu niệm, thức ăn chủ yếu là trái dừa vào những ngày lẻ, còn ngày chẵn thì bắp nấu, đậu luộc, trái cây và chỉ ăn đúng giờ Ngọ.
Mỗi năm "cậu" tắm một lần vào rằm tháng 4 âm lịch. Nhà báo Wilbur E. Garrett viết: "Sát bờ cồn Phụng, ông đạo Dừa thuê làm một chiếc tàu bằng sắt, trang trí rồng phượng cùng hoa hòe hoa sói lòe loẹt, gọi là thuyền Bát Nhã. Ở khoảng trống trước mũi thuyền, ông đặt những chiếc ghế cho khách ngồi. Mỗi khi có các nhà báo đến phỏng vấn, quay phim, ông ngồi trên chiếc đôn bằng đá, hai đệ tử đứng hai bên, trước mặt đặt cái điện thoại đã cắt đứt dây mà theo lời ông, ông chỉ cần liên lạc bằng tâm linh! Chính hai đệ tử này là người trả lời những câu hỏi của khách, thỉnh thoảng ông mới viết ra giấy để họ kể thêm về những chi tiết ông quên nói ra…".
Năm 1960, ông "đạo Dừa" gây ra một chuyện kinh thiên động địa. Ấy là ông viết thư cho Ngô Đình Diệm để bàn về giải pháp hòa bình, trong đó ông đề nghị Diệm cho tất cả các sĩ quan, tướng tá, binh lính giải ngũ về làm dân, không còn ai cầm súng là sẽ có hòa bình ngay tắp lự! Trong thư, ông tự xưng mình là "Thiên nhơn giáo chủ", có nhiệm vụ xuống thế gian để khôi phục lại nền hòa bình vĩnh cửu cho loài người, và "Hòa đồng tôn giáo" do ông lập ra (bao gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và đạo Thiên Chúa) là cứu tinh của nhân loại. Cuối thư, ông đề nghị Diệm công nhận "Hòa đồng tôn giáo" là… quốc giáo!
Lẽ dĩ nhiên lá thư đó chẳng bao giờ đến tay Ngô Đình Diệm. Một tuần lễ kể từ khi gửi thư, bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đứng đầu Sở Nghiên cứu chính trị sai mật vụ xuống bắt Nguyễn Thành Nam rồi giam tại Ty Cảnh sát Kiến Hòa. Sau nhiều ngày xác minh, thẩm vấn, mật vụ kết luận "cậu Hai" bị điên bởi lẽ nằm trong trại giam, ngoài cách nói chuyện kỳ quặc, "cậu Hai" còn lấy chiếc chiếu quây thành vòng tròn, mọi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, phóng uế, "cậu" đều làm ở trong đó, mùi hôi thối xông lên nồng nặc!
Lẽ ra, họ tống "cậu" vào Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa) nhưng do gia đình bảo lãnh nên Sở Nghiên cứu chính trị tha "cậu" về quê. Tuy nhiên, Trần Kim Tuyến ra lệnh nếu để "cậu Hai" lọt lên Sài Gòn thì các trưởng ty cảnh sát Kiến Hòa, Định Tường, Long An mất chức hết.

Những hành động “khó đỡ” của ông đạo Dừa
Trở lại quê nhà, ông "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam chọn cồn Phụng làm nơi tu hành. Việc xây chùa Nam Quốc Phật, sân Chín Rồng, đóng thuyền Bát Nhã, tháp Hòa Bình (gồm hai tháp là "miền Bắc Hà Nội, miền Nam Sài Gòn") với màu sắc rực rỡ, cờ phướn lòe loẹt đã khiến nhiều người đến xem vì tò mò. Dần dà, nghe ông Nam giảng đạo, số đệ tử gia nhập "đạo Dừa" ngày một tăng lên.
Nhà báo Wilbur E. Garrett giải thích: "Phần lớn dân quê khi ấy đều ít học trong lúc những bài giảng của ông đạo Dừa lại giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bằng cách pha trộn giáo lý Phật giáo, Thiên Chúa giáo với tư tưởng đạo Lão, đạo Nho, khuyên bảo con người làm lành lánh dữ, lấy chữ "Tâm", chữ "Đức" làm trọng, cộng với những chuyện thần quyền kỳ bí nên số người theo ông mỗi ngày một nhiều. Hơn nữa, thời điểm ấy chính quyền Ngô Đình Diệm không bắt lính trong giới tăng lữ, tu sĩ nên rất nhiều thanh niên vào đạo để trốn quân dịch, kể cả một số tội phạm cũng vào đạo để tránh truy nã".
Ông "đạo Dừa" lúc vào Bệnh viện tâm thần Chợ Quán.
Tuy nhiên, từ cuối năm 1960 trở đi, càng ngày "cậu Hai" càng "lâm" nặng những chuyện mê tín dị đoan. Mỗi lần mở lời, ông Nam đều xưng mình là người từ cõi trên xuống, được giao sứ mệnh "giữ yên vận mạng quốc gia, kiến tạo hòa bình thế giới". Ông cho rằng chỉ một mình ông mới đủ tư cách đại diện Việt Nam để gặp gỡ ngang hàng với bất kỳ một tổng thống, quốc vương hay thủ tướng nào trên thế giới. Ông coi Đức Giáo hoàng, người lãnh đạo tinh thần của Thiên Chúa giáo, Đức Tăng thống, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo là những người "bằng vai phải lứa" với ông vì theo ông: "Mai mốt Hòa đồng tôn giáo sẽ thống lĩnh tất cả"(?!).
Và mặc dù Cảnh sát Kiến Hòa theo lệnh Trần Kim Tuyến giám sát ông "đạo Dừa" rất chặt chẽ nhưng không ai cấm ông viết thư, nên ngày 2/10/1961, ông lại gửi thư cho Ngô Đình Diệm, đề nghị được sang Angkor Thom, Angkor Vat, tỉnh Siem Reap, Campuchia để cùng 18 "ông đạo" khác, cầu nguyện cho hòa bình. Ngày 15/10, đích thân viên Phó ty Cảnh sát Kiến Hòa đến cù lao Phụng gặp ông, thông báo "cấm cậu Hai ra khỏi nơi cứ trú, chuyện hòa bình có chính phủ lo".
Quyết không bỏ cuộc, cuối năm 1962, "cậu Hai" cùng 18 đệ tử bí mật chuẩn bị một chiếc ghe bầu với đầy đủ lương thực, dự định ngược dòng Mekong lên Phnôm Pênh rồi từ đó đi biển Hồ, Siem Reap nhưng ghe vừa khởi hành chưa được bao xa thì đã bị lực lượng Giang cảnh phát hiện, chặn lại khám xét rồi đuổi về. Đến sáng mùng 2 tết Nhâm Dần, ông lại cùng 18 đệ tử lặng lẽ xuống Châu Đốc, sang Campuchia. Nhưng khi đoàn của ông đến Phnôm Pênh thì bị cảnh sát bắt giữ vì nhập cảnh trái phép.
Nghe được tin này, cháu ruột ông Nam là bà Huyền (pháp danh Diệu Ứng - người mà năm 1971 sẽ đứng chung liên danh tranh cử tổng thống với ông, làm phó tổng thống) đã đến Ty Cảnh sát Kiến Hòa trình báo. Biết rằng cấp ty không giải quyết được, viên trưởng ty gọi lên Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn. Cuối cùng, đích thân Trần Kim Tuyến phải can thiệp với Cảnh sát Campuchia nên ông "đạo Dừa" mới được thả. Wilbur E. Garrett viết: "Đảo chính lật đổ anh em Diệm Nhu nổ ra vào ngày 1/11/1963 thì chỉ 15 ngày sau, Nguyễn Thành Nam lên Sài Gòn. Lần này ông đi công khai với cờ quạt kèn trống vì lệnh giám sát ông đã tan theo cùng với sự sụp đổ của chính quyền họ Ngô. Tại trụ sở Hòa đồng tôn giáo ở Phú Lâm, ông "đạo Dừa" thảo một văn bản, đề nghị Hội đồng quân nhân cách mạng cho ông ra nước ngoài để gặp gỡ lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…, bàn việc "hòa bình cho Việt Nam".
Văn bản gửi đi nhưng không hề có hồi âm bởi lẽ lúc đó, những người cầm đầu cuộc đảo chính trong Hội đồng quân nhân cách mạng còn phải giải quyết nhiều vấn đề nên hơi đâu mà họ để ý đến một người nửa điên nửa tỉnh như ông.
Không ra nước ngoài được, ông viết thư gửi Tổng thống Kennedy của Mỹ, Thủ tướng Wilson của Anh, Tổng thống Charles de Gaulle, Pháp…  thông qua Tòa Đại sứ của các quốc gia này ở Sài Gòn, đề nghị được tiếp kiến. Nhưng cũng như văn bản gửi Hội đồng quân nhân cách mạng, cho đến lúc ông chết (1990), "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ những nguyên thủ này.
Ngày 28/2/1964, khi tướng Nguyễn Khánh truất phế chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ rồi lên làm thủ tướng thì ngay lập tức, ông "đạo Dừa" lại viết thư gửi Nguyễn Khánh. Trong thư, ông đề ra thuyết "bất chiến tự nhiên thành" (nghĩa là không cần phải đánh nhau mà vẫn thành công). Ông cam kết nếu không thực hiện được, ông sẽ chịu mọi hình phạt của Chính phủ quốc gia và quốc tế (?!). Wilbur E. Garrett viết: "Ngày 12/3 năm ấy, khi biết tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là McNamara đến Sài Gòn, ông "đạo Dừa" cùng hai đệ tử xách hai chiếc lồng, một chiếc có một con mèo và một chiếc có một con chuột, đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn xin gặp Mc Namara. Thời điểm này, tôi đang đưa tin về chuyến đi của ông Bộ trưởng nên lúc nghe Thủy quân lục chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tòa Đại sứ báo vào, rằng có một người ăn mặc rất dị hợm đi cùng hai người khác, muốn gặp bộ trưởng thì tôi biết ngay là Nguyễn Thành Nam…".
Wilbur E. Garrett bước ra. Thấy người quen, ông "đạo Dừa" mừng quá. Ông nói ông muốn gặp McNamara để nêu lên kế hoạch "bất chiến tự nhiên thành" và nếu McNamara nghe theo lời ông thì Việt Nam hết đánh nhau! Người Mỹ khỏi cần cử cố vấn và viện trợ súng đạn làm gì nữa.
Nhằm chứng minh cụ thể, ông "đạo Dừa" bắt con chuột cho vào lồng mèo. Xem chừng như gặp lại "người quen", con mèo chẳng những không ăn thịt con chuột mà còn tỏ vẻ thân thiện. Wilbur E. Garrett viết: "Chuyện ấy chẳng có gì lạ vì nếu đồng thời nuôi chung giữa chuột và mèo ngay từ lúc nó còn sơ sinh thì khi lớn lên, thường nó coi nhau như bạn". Tuy nhiên, báo chí Sài Gòn khi đó đã thổi phồng chuyện này, coi đây là hiện tượng lạ chưa từng thấy mà mục đích là để bán báo chứ không vì kế hoạch viển vông của ông "đạo Dừa". Với người Mỹ, họ coi ông là một kẻ tâm thần không hơn không kém!
Một góc cơ ngơi của ông đạo Dừa ở cồn Phụng. Ảnh: Wilbur E. Garrett.
Tháng 5/1965, "cậu Hai" tung ra một chiêu khác: Nửa đêm, cồn Phụng đột nhiên đèn đuốc sáng rực, tiếng chuông tiếng mõ khua inh ỏi rồi một chiếc xe hơi chạy hối hả về phía bến phà Rạch Miễu để đưa "cậu Hai" lên Sài Gòn chữa bệnh hiểm nghèo. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi sau khi thăm khám, bệnh viện cử một y tá chuyển ông qua một bệnh viện khác trong lúc ông cứ nằng nặc xin ra nước ngoài điều trị, vì theo lời ông, ông mắc phải bệnh "trướng nước".
Lúc kể lại chuyện này với Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM, tôi đưa ông xem tấm ảnh chụp ông "đạo Dừa" khi vừa bước xuống xe. Nhìn tấm ảnh, bác sĩ Thái khẳng định đó là bệnh viện Chợ Quán (nay là bệnh viện Tâm thần TP HCM), chuyên điều trị… người điên vì bác sĩ Thái đã làm việc ở BV này từ trước tháng 4/1975. Bác sĩ Thái nói: "Như vậy là khi ấy, Chợ Rẫy đã xác định thần kinh ông Nam không bình thường".
Năm 1974, ông "đạo Dừa" lại gây ra một chuyện động trời nữa nhưng lần này nó chỉ liên quan đến cá nhân ông chứ không dính líu gì đến "hòa bình thế giới". Ông N. (lúc ấy là Quận trưởng Cảnh sát của một quận ở Kiến Hòa - Bến Tre ngày nay), hiện sống ở TP HCM kể tôi nghe là khi đó, ông cùng một số nhân viên sang cồn Phụng để truy nã một đối tượng hình sự. Tại đây, ông được biết có một gái mại dâm tên Mỹ, hành nghề tại Mỹ Tho, chẳng hiểu gặp chuyện buồn phiền chi đó nên cô ta tự tử.
Được cứu sống rồi được bà Huyền - cháu ruột ông "đạo Dừa" đưa về cồn Phụng nuôi dưỡng. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, bỗng dưng ông "đạo Dừa" đưa cô này lên "đài bát quái" ở luôn với ông. Ông N. cho biết theo lời kể của bà Huyền thì hằng ngày, đệ tử của ông bỏ dừa, bắp, đậu, khoai, trái cây vào một cái giỏ để ông "đạo Dừa" kéo lên. Còn tất cả những thứ phóng uế của cả hai người, ông "đạo Dừa" cũng bỏ hết vào giỏ, thả xuống cho đệ tử mang đổ.
Hành động của ông đã khiến các đệ tử đâm ra nghi ngờ về những lời rao giảng của ông, nhất là khi ông chủ trương "đạo Dừa" là đạo "bất tạo con" - nghĩa là trai gái trần truồng sống chung với nhau nhưng không quan hệ tình dục. Từ đó nhiều người lặng lẽ ra khỏi đạo.
Cuộc cờ tàn
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đạo Dừa bị chính quyền Cách mạng cấm hoạt động vì lý do truyền bá mê tín dị đoan, cổ vũ lối sống thiếu lành mạnh. Toan tính vượt biên nhưng không thành, Nguyễn Thành Nam bị bắt và bị đưa đi học tập cải tạo nhưng chỉ một thời gian sau, do gia đình có đơn bảo lãnh và nhất là nhận thấy ông bị bệnh tâm thần nên ông "đạo Dừa" được tha, cho về sống tại xã Phú An Hòa.
Ông đạo Dừa nhìn tín đồ đặt biểu tượng âm dương vào "chiếc bàn hòa bình". Ảnh do nhà báo Tim Page chụp.
Ở yên vài năm, thấy tín đồ, bá tánh đến thăm ngày càng đông, "đạo Dừa" bắt đầu tái hoạt động. Nơi ở của ông biến thành trụ sở "Hòa đồng tôn giáo" với cờ xí xanh đỏ, với cả tượng Phật lẫn tượng Jesus! Bên cạnh đó, ông mua ghe rồi sửa chữa, sơn phết lại làm thuyền Bát Nhã để "tu", đồng thời lắp đặt hệ thống phát thanh trên ghe để truyền đạo "bất tạo con".
Trước sự việc truyền đạo trái phép, sặc mùi mê tín dị đoan của ông "đạo Dừa", chính quyền tỉnh Bến Tre đã ra quyết định yêu cầu ông Nguyễn Thành Nam ngưng ngay toàn bộ hoạt động phát thanh, tịch thu máy móc phương tiện, đưa ra kiểm điểm trước dân về những sai phạm của ông cùng một số đệ tử cốt cán. Lúc ấy, cũng đã có ý kiến đưa ông đi giám định tâm thần và nếu có kết quả thì buộc ông phải vào cơ sở chữa bệnh.
Mặc dù bị ngăn cấm, nhưng "đạo Dừa" vẫn lén lút hoạt động. Chiều ngày 12/5/1990, Công an Bến Tre kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi hành đạo của "Hòa đồng tôn giáo", yêu cầu ông "đạo Dừa" chấm dứt ngay việc truyền bá mê tín dị đoan. Thế nhưng, một số đệ tử và người thân cận với ông đã ra mặt chống lại các cơ quan thi hành công vụ. Thấy căng thẳng, ông "đạo Dừa" bỏ lên gác để tụng kinh "bất chiến tự nhiên thành" nhưng một đệ tử đã kéo ông lại để "trực tiếp với chính quyền". Do động tác lôi kéo quá mạnh, mà ông nặng chưa tới 30kg nên "đạo Dừa" ngã xuống đất, chấn thương sọ não khiến ông qua đời tại bệnh viện vào sáng hôm sau, thọ 81 tuổi.
Hiện tại, tín đồ "đạo Dừa" chỉ còn vài người, hầu hết đã lớn tuổi. Tháng 5 vừa rồi, tôi về Bến Tre viết bài và ngày tôi về lại trùng hợp với ngày mất của ông "đạo Dừa".
Chiều hôm ấy, ngồi nhậu với mấy người bạn, một anh trong bàn kể rằng khi ông "đạo Dừa" bị bắt thì anh là quản giáo trại giam. Nghe đồn ông "đạo Dừa" chỉ ăn dừa, uống dừa nên hằng ngày, anh mở cửa buồng giam đưa cho ông, sáng 1 trái, trưa 1 trái, chiều 1 trái đã chặt sẵn.
Đến ngày thứ ba, lúc vừa đưa dừa vào thì ông "đạo Dừa" bỗng nói: "Cán bộ ơi, cho tôi xin cơm". Rất ngạc nhiên, anh hỏi: "Ủa, nghe nói ông tu theo "đạo Dừa", ăn dừa, uống dừa mà sao còn xin cơm?".
Ông "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam phều phào: "Dừa thì dừa nhưng cũng phải có chút cơm chứ!"

Bị cha mẹ la mắng vì ham mê cờ bạc, Nguyễn Thành Nam buông lời thề “chừng nào Chánh phủ Pháp cấm chơi tài xỉu con sẽ đi tu”. Song lúc đó trò đỏ đen chưa bị chế độ thực dân chế tài, nhưng không hiểu vì nguyên do gì Nam bỏ gia đình lên núi học đạo?
Sau khi hạ sơn, ông ta “nặn” ra đạo lạ lùng là Đạo Dừa và cho rằng tân tiến nhất so với các tôn giáo khác. Điều đáng nói, dù tự nhận mình là người tu hành nhưng Đạo Dừa luôn ôm mộng được nắm quyền lực tối thượng, cụ thể là làm tổng thống lúc ấy.
Để thực hiện ý đồ này, Nguyễn Thành Nam đã làm vô số chuyện giật gân khiến cánh ký giả Sài Gòn lúc bấy giờ cũng không khỏi thắc mắc, đặt câu hỏi: Đạo Dừa là ai? Thánh sống hay kẻ điên khùng?...
Trong thời gian du học tại Pháp, Nguyễn Thành Nam nổi tiếng ăn chơi xả láng ở kinh thành Paris hoa lệ. Sau tám năm bôn ba xứ người trở về, Nam mặc nhiên được thân nhân gọi là “Bác vật” Nam.
Ông “Bác vật” này chẳng đi làm cho ai mà ở nhà mở hãng xà bông, hoạt động được vài năm thì bị phá sản. Làm ăn thất bại ai cũng buồn rầu, trái lại ông Nam thường xuyên đến sòng bạc Đại Thế Giới để tiếp tục... đốt tiền của gia đình.
Nguyễn Thành Nam lúc du học tại Pháp
TỪ DANH GIA THÀNH “BÁC VẬT”
Đạo Dừa hay Đạo Nam có họ tên đầy đủ là Nguyễn Thành Nam, sinh ngày 25 tháng Chạp năm Kỷ Dậu (1909) nhưng trong giấy khai sinh lại ghi ngày 22-4-1910 tại ấp Phước Thiện, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Định Tường (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Ông ta là con trai trưởng trong gia đình giàu có gồm chín anh em. Thân sinh của Nam là ông Nguyễn Thành Thúc (Chánh cai tổng Hòa Quới giai đoạn 1840 - 1944), còn mẹ là bà Lê Thị Sen.
Người Nam bộ gọi con đầu là thứ hai. Vì gia đình khá giả, quyền thế trong xã hội lúc bấy giờ nên Nguyễn Thành Nam được gọi là “cậu Hai”. Được cha mẹ cưng chiều đến mức khi đi học gặp lúc trời mưa thì có người theo cõng nên từ nhỏ cậu Hai đã bộc lộ bản tính ham chơi, phóng túng, lúc chưa thành niên đã đàn đúm ăn nhậu, hút thuốc lá. Cậu Hai, người nhỏ con, đẹp trai, thông minh và nói chuyện có duyên.
Lúc nhỏ Hai Nam học ở trường làng, lên trung học được cha cho lên Sài Gòn vào trường Tabert. Trong sáu năm ăn học chốn thị thành, Hai Nam được song thân cho biết có ý định cho xuất ngoại sang Pháp du học. Lúc bấy giờ là năm 1928, Hai Nam tròn 18 tuổi.
Ngày lên đường, nào vali, rương, tráp được gia đình, bà con, bạn bè thuê hẳn một cỗ xe đưa lên tận Sài Gòn. Người tiễn đưa bùi ngùi vẫy tay lia lịa. Dưới tàu, Hai Nam cũng lau nước mắt lưu luyến.
NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI
Do tàu ghé qua nhiều địa danh khác nhau nên mất một tháng trời mới đến Pháp. Khi đến Lyon, ông học tại Trường trung học Pensi Nat Des Lazanstes, sau đó chuyển sang Rouen học 3 năm ở Trường cao đẳng hóa học Institut Chimique De Rouen.
Trong những năm tháng du học tại đây, Hai Nam gần như không bỏ sót bất kỳ danh lam thắng cảnh nào trên đất Pháp, lại vướng vào mối tình đơn phương với tiểu thư Paulette de C., con gái của Công tước Henri de C. thuộc dòng dõi vua Luois thứ XVI. Thất tình đành mượn rượu tìm quên, bao nhiêu tiền gia đình chu cấp, chàng sinh viên đều nướng hết vào các hộp đêm, sòng bạc dẫn đến “cháy túi”.
Sau tám năm ở xứ người, năm 1935 Hai Nam hồi hương, với ngần ấy thời gian du học mặc nhiên được người thân truy tặng là “Bác vật” Nam, được rất nhiều tổ chức kinh tế trong nước đón nhận, song Hai Nam từ chối, ở nhà làm ăn riêng.
Với kiến thức hóa học tiếp thu được, Hai Nam thử thời vận bằng cách mở hãng sản xuất xà bông và thu mua dừa khô bên bờ sông Ba Lai trù phú. Thời điểm này, nước ta đã có hãng của ông Trương Văn Bền ở quận 5, sản xuất loại xà bông thơm lừng danh thương hiệu “Cô Ba”. Hãng của Hai Nam hoạt động được một thời gian thì đóng cửa, sau đó cậu Hai chuyển sang trông coi việc bán giấy cho nhà máy xay xát lúa gạo ở Gò Công.
Được ít lâu, vốn tính phóng túng, cậu Hai tiếp tục trở thành khách “Vip” của sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Có lần bị ông bà Cai tổng la rầy, Hai Nam đã thề rằng: “Chừng nào Chánh phủ cấm chơi tài xỉu con sẽ đi tu”.
Cũng trong thời gian này, Hai Nam cưới vợ. Người nâng khăn sửa túi cho ông là bà Lộ Thị Nga, con gái rượu của một nghiệp chủ có tiếng vùng đất Yên Luông, Gò Công (Tiền Giang). Về sau, vợ chồng Hai Nam có một người con gái tên là Nguyễn Thị Loan Anh (còn gọi là Khiêm), hiện đã ngoài 60 tuổi.
Cuộc sống gia đình đang đầm ấm thì đột nhiên Hai Nam đòi đi tu. Nếu xuất phát từ lời thề thì không hợp lý vì thời điểm đó chính quyền Pháp không cấm trò đỏ đen. Vậy thì việc xuất gia của cậu Hai có phải do căn số tu hành nhiều kiếp trước? Nhiều người cho rằng sau thời gian ăn chơi sa đọa, Hai Nam kịp nhận ra mình chỉ là kẻ thân bại danh liệt.
Tấm bằng kỹ sư mua được (sau này ông đã úp mở thừa nhận) không thể đáp ứng mưu cầu địa vị hằng mong ước, do đó Nguyễn Thành Nam đành chọn con đường tôn giáo để tiến thân. Điều này hoàn toàn có cơ sở, vì về sau cho rằng mình là người tu hành nhưng “tu sĩ” Nguyễn Thành Nam lại ôm mộng và muốn tham gia tranh cử tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
NHƯ TRONG TRUYỀN THUYẾT
Khoảng tám năm sau ngày du học trở về, trong lần giận dỗi gia đình, Hai Nam bỏ ra tận Nha Trang nói là đi tìm minh sư để tu học, nhưng sau đó lại quay về. Ông Nguyễn Văn Kh., nhà ở xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre, trước năm 1975 từng là đệ tử của cậu Hai, kể về quyết tâm tầm sư học đạo của sư phụ nghe chẳng khác gì truyền thuyết.
Bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn xuất gia, Hai Nam nói dối vợ con là qua Mỹ Tho để lên sài Gòn họp mặt bạn bè, nhưng thực chất là đi Châu Đốc (An Giang) vì nghe thiên hạ kháo nhau trên núi Tượng thuộc dãy Thất Sơn có một ngôi chùa rất linh ứng. Hai Nam cũng thừa biết có giáo chủ của một đạo giáo ở nước ta cũng từng đến đây lưu trú nhiều năm mới hạ sơn lập đạo nên càng thôi thúc cậu Hai quyết tâm thực hiện ý định.
Dốc Cầu Quay, nơi “cậu Hai” gặp thầy tướng số
Trở lại cuộc hành trình, khi đến nơi thì xe đã xuất bến (thời đó mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò chạy tuyến này và ngược lại), buồn tình cậu Hai thả bộ ra hướng sông Tiền suy ngẫm về đường tu thì bất chợt gặp một ông già đeo kính đen ngồi bên vệ đường, trước mặt trải tấm vải màu đỏ đề dòng chữ “Nơi đây xem chỉ tay, tướng số đại tài; biết những việc vị lai, quá khứ”. Lạ một điều là thầy vẫn bình chân như vại chẳng nói năng gì nên Hai Nam đành quay về.
Qua Tết Quý Mùi (1943), Hai Nam lại nói với gia đình đi Gò Công thăm gia đình vợ nhưng kỳ thực qua Mỹ Tho rồi xuống bến tàu tiếp tục đi Châu Đốc. Tranh thủ lúc tàu chưa xuất bến, Hai Nam đi dạo thì gặp lại thầy tướng số hôm nọ.
Bất chợt nhìn thấy cậu Hai, lần này ông thầy tướng chủ động đưa ra ba ngón tay rồi chỉ xuống đất, ngụ ý đã chờ ở đây ba ngày rồi và cất tiếng: “Đáng khen cho cậu cất công đi tìm núi non để tu tập và chắc chắn sẽ đắc đạo”.
Để chứng minh cho những lời tiên đoán không sai, thầy khẳng định trong vali của cậu Hai chỉ có xâu chuỗi hạt và bộ đồ tăng sĩ rồi bảo Hai Nam mở ra cho mọi người kiểm tra. Khách chứng kiến đều sửng sốt, tấm tắc khen ông thầy đoán chẳng khác nào quỷ cốc tiên sinh, còn Hai Nam thì đổ mồ hôi hột.
TÁI NGỘ “TIÊN TRI”
Sáng sớm hôm sau tàu chạy tới bến Châu Đốc, Hai Nam xách vali lên bến xe vô Bảy Núi. Vừa đến bến, cậu Hai đã thấy ông thầy tướng ngồi sẵn trên chiếc xe tự lúc nào. Một điều lạ nữa là “bệnh” cũ của thầy tái phát vì chẳng màng tiếp chuyện Hai Nam.
Đường vô Thất Sơn không có bóng người lai vãng. Phải mất nhiều giờ xe mới chạy tới ngã ba dưới triền núi. Vừa tới đây, ông thầy tướng số bỗng dưng buột miệng “Đây là núi Tượng, trên có An Sơn Tự, cậu lên đó thì bảo xe dừng”. Khi Hai Nam bước xuống xe, thầy tướng số nói với theo “Chúc cậu đi đường bình an vô sự, nhưng tôi xin nói trước, kỳ này chỉ để dọ đường đi nước bước rồi về chứ chưa tu được đâu”.
Núi Tượng còn có tên là Liên Hoa Sơn, một trong bảy ngọn núi chính nằm trong dãy Thất Sơn, cao 145 mét, dài 600 mét, rộng 400 mét, thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Trụ trì An Sơn Tự lúc ấy là Hòa thượng Thích Hồng Tôi, sau khi tiếp đãi ân cần, biết Hai Nam chưa thông qua ý kiến gia đình, thầy bảo “chưa được, nợ duyên chưa mãn phần, về thu xếp xong rồi lên đây thầy mới dám nhận”.
Lúc xuống núi, bất giác cậu Hai nhớ tới ông thầy tướng số nói cách đây mấy hôm, nay sự thể linh ứng, âu cũng là lẽ trời...
Cận kề cái chết không toàn thây nhưng cậu nguyện hy sinh để... cứu loài người. Sau khi dùng chiêu “cứu chúng sanh bằng cách lẩn tránh”, hạ sơn xong, cậu Hai “nặn” ra Đạo Dừa.

THÊU DỆT HUYỀN BÍ

Tình hình Thất Sơn lúc này phức tạp, Pháp tập trung khủng bố nhằm tiến sâu vào làm chủ địa phận được xem là vùng đất tự do bấy lâu nay nên Hai Nam trở về sống với vợ con, cất một cái am cách nhà vài trăm mét và thường xuyên đến tịnh tọa. Ngày 3-9-1945, cậu Hai khăn gói lên núi Tượng lần hai.
Một số người cho rằng do xã hội biến động khi Nhật đảo chính Pháp, trong khi gia đình cậu Hai vốn thân Pháp, bản thân cũng từng du học bên ấy nên có lẽ sợ quân Nhật hãm hại mà buộc lòng cậu phải lên đó lánh nạn, mặt khác cũng tiện cho việc chuẩn bị hành trang để khuếch trương thanh thế.

Nương tựa An Sơn tự được ba năm, cậu Hai được tín đồ ca ngợi tu theo kiểu “Hạnh Đầu Đà” (ăn ngọ, ngủ ngồi, đi chân đất...) và đã khám phá hết dãy Thất Sơn, đồng thời “khải ngộ được nhiều điều bí ẩn”, sư phụ của họ còn dám đương đầu với quỷ dữ để cứu nhân loại.
Minh chứng là trong thời gian ở Thất Sơn, cậu Hai bị quỷ vương (satan) thử thách bằng 100 ngày không cho ăn uống và buộc chạy khắp nơi nhưng chẳng khuất phục được. Tức giận, quỷ vương bắt cậu Hai quỳ gối trên gạch từ sáng tới trưa.

Trong lúc chờ hành hình, cậu Hai vẫn dõng dạc trả lời: “Ta thà hy sinh để cứu loài người”. Cũng theo lời của các đệ tử, trước khi hạ sơn, trong lúc “sư phụ” đang tịnh thì Hòa thượng Thích Hồng Tôi đến, khen rằng “tấm gương khổ hạnh ấy đã đủ giác ngộ chúng sanh” và tặng cho chiếc bình bát. Từ đó, đi đâu cậu Hai cũng mang theo, cho là báu vật quý giá của đời tu sĩ.
Cầu Ba Lai, nơi ông Đạo Dừa gây chú ý với người đi đường
ĐẠO DỪA XUẤT HIỆN

Có lẽ không chịu nổi cảnh thiếu thốn nên năm 1948, tu sĩ Hai Nam về lại quê nhà. Lúc này, giặc khủng bố khắp vùng Nam bộ. Tại Bến Tre, tên Léon Leroy (gã Tây lai có cha làm lính lê dương, còn mẹ là người Việt) đang cùng đội quân ác ôn nổi tiếng “UMDC” (người dân gọi nôm na là uống - máu - dân - chúng) tàn sát dân lành.
Riêng tại nơi chôn nhau cắt rốn của Hai Nam (Phước Thạnh), Leroy và đồng bọn đã bức tử tập thể 124 người, thiêu rụi hơn 1.500 căn nhà.

Từng huênh hoang là dám đương đầu với quỷ vương ở Thất Sơn để cứu chúng sanh, nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh dân lành bị hãm hại, Hai Nam lại lặng lẽ kết bè ẩn dật dưới sông Cửu Long, đoạn thuộc Định Tường (Tiền Giang) suốt ba năm liền.
Biện minh cho sự bạc nhược ấy, “tu sĩ” Hai Nam cao giọng rằng: “Làm như vậy để tuân theo đúng luật âm dương huyền bí, đồng thời bổ túc cho thời gian hành đạo ở Thất Sơn”.

Năm 1951, Nguyễn Thành Nam chính thức lập ra Đạo Dừa, lấy pháp danh là Thích Hòa Bình, lập ngôi chùa nhỏ trên đất gia tộc ở Tân Thạnh, lấy tên là Nam Quốc Phật.
Có người nói là Đạo Vừa (tức vừa phải, trung dung) nhưng do phát âm của người Nam bộ, chữ “V” đọc thành “D”. Người khác lại bảo nguồn gốc Đạo Dừa là do “giáo chủ” làm đài bát quái (nơi Hai Nam ngồi cầu nguyện) trên ngọn dừa; thức ăn chủ yếu là dừa và luộc, rửa các loại củ, quả cũng bằng nước dừa. 
Nghi thức cầu nguyện của Đạo Dừa
Còn theo nghiên cứu của một số học giả thì lúc bấy giờ ở miền Tây Nam bộ nổi lên phong trào của các “nhà tiên tri”, tự xem mình hiểu biết hơn người, sống ẩn dật sau đó lập ra giáo phái rồi dùng địa danh hay đặc sản của quê hương để đặt tên.
Đạo Dừa của tu sĩ Nguyễn Thành Nam cũng xuất phát từ ý tưởng đó, do ở Bến Tre có đặc sản là trái dừa. Nhận định này xem ra có cơ sở hơn, vì về sau cậu Hai đổi tông sang uống sữa nên nhiều người còn gọi là... Đạo Sữa!

Thực ra Đạo Dừa của Hai Nam không được chính quyền thời nào thừa nhận do chẳng có đức tin cụ thể, cũng không có kinh luật, giáo luật, giáo phẩm..., mà tạm bợ vào các tôn giáo khác.
Một đoạn kinh cầu nguyện trích từ quyển Nam Quốc Phật do chính tu sĩ Nguyễn Thành Nam soạn ra đã minh chứng cho điều này: “Cầu xin Ngọc hoàng thượng đế, Phật Di Đà, Di Lặc, Vương Phật, Bổn sư Thích ca mâu ni Phật, Phật Địa tạng, Đức mẹ Maria, Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật bà Nam Hải, Lão Bà, Lão Tử, Khổng Tử, Quan Thánh Đế Quân chứng minh, Amen...”.

Mặt khác, không giống những người đứng đầu tôn giáo khác, “giáo chủ” Đạo Dừa không hề thuyết pháp, giảng đạo cho tín đồ của mình vì không có hệ thống giáo lý riêng.
Nhưng ngụy biện cho sự kém cỏi về trình độ, kiến thức và năng lực của mình, Hai Nam lại cho rằng biện pháp giảng đạo của ông là “cầu nguyện vô vi”, nghĩa là giảng bằng sự yên lặng, tịnh khẩu chứ không dùng lời...
Tóm lại, người tu theo Đạo Dừa ngoài việc ăn chay (không nhất thiết phải dùng món duy nhất là dừa), tín đồ phải cầu nguyện mỗi ngày bốn lần, mỗi lần một tiếng và thực hiện ngoài trời.
Lần thứ nhất bắt đầu từ 5 giờ sáng với nghi thức: ngồi xếp bằng, đầu ngón tay cái đặt vào đốt thứ hai của ngón giữa, lòng bàn tay để ngửa đặt lên hai đầu gối. Riêng “sư phụ” Nam vẫn tịnh khẩu, khi tiếp khách thì có đệ tử truyền đạt thay hoặc lấy giấy bút viết ra. 
Do Đạo Dừa thiếu tính hiện thực nên lúc đầu tín đồ hầu hết chỉ là thân nhân của Hai Nam như Diệu Ứng (cháu gọi ông bằng cậu ruột), Đạo Mỹ (em rể), Đạo Nhàn (em ruột) cùng những người thân cận là Đạo Hiếu, Đạo Việt... (theo cách xưng hô tự đặt ra thì người gia nhập đạo được ghép thêm từ “Diệu” trước tên của mình đối với nữ, còn “Đạo” dành cho nam).

Để thu hút, lôi kéo những người nhẹ dạ, Hai Nam sai đệ tử lan truyền nhiều câu chuyện hoang đường nhằm quảng bá cho bản thân. Nào cậu Hai là kiếp luân hồi của vua Minh Mạng, được người cõi trên phái xuống trần để giảng đạo, chỉ ăn rau quả và uống nước dừa, suốt đời cầu nguyện hòa bình cho nhân loại. Vì vậy, mồ hôi của cậu tiết ra trị được bá bệnh...
Ngoài ra, tu sĩ này còn kích thích tính hiếu kỳ của dân chúng bằng cách làm đài bát quái với mảnh gỗ ghép tám góc, cao 24 mét, bằng cây dừa để đêm xuống trèo lên ngồi cầu nguyện. Ban ngày, “giáo chủ” Nam bắt đệ tử chống bè đến neo dưới chân cầu Ba Lai để “cầu nguyện cho hòa bình” nhằm gây sự chú ý.

Trong bối cảnh Mỹ và chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm dùng luật 10/59 lê máy chém gieo rắc thảm họa khắp làng mạc, thôn xóm thì hình ảnh ngày ngày nguyện cầu cho quốc thái dân an của ông Đạo Dừa dần dà chiếm được cảm tình của một bộ phận người dân, từ đó đệ tử đến phục vụ ngày một đông, có lúc lên đến 3.000 người.

Nhưng tu tập không phải là mục đích chính của Nguyễn Thành Nam, mà đối tượng chỉ lợi dụng sự sùng bái của những người cả tin để hậu thuẫn, làm công cụ cho hoạt động chính trị. Với tham vọng trở thành tổng thống, cậu Hai nghĩ ra đủ chiêu trò để tạo dư luận nhằm tìm cách tiếp cận phủ đầu rồng.

VÀO TÙ VÌ TIẾT LỘ THIÊN CƠ 

Năm 1959, tức 14 năm sau ngày xuất gia, hễ đêm đến Hai Nam lại lên ngồi trên Bát quái đài vẻ như không màng đến thế cuộc, mỗi khi có ai hỏi tới vận nước chỉ lắc đầu hoặc bút đàm “chuyện đời tới đâu thời tới, không quan tâm”. 
Bất ngờ chưa đầy 2 tháng sau, trong một đêm tham thiền, không biết chiêm nghiệm được điều gì mà các đệ tử thấy “sư phụ” vội vã leo xuống rồi đốt đèn cầy viết một bức thư đặt tên là “sớ thiên định”, xin yết kiến tổng thống Ngô Đình Diệm để tiết lộ thiên cơ.
Trong đó, Hai Nam khuyên tổng thống sớm gặp đại diện chính quyền cách mạng để bàn cách thống nhất đất nước, kiến tạo hòa bình. Bức tâm thư này còn đề cập đến lời tiên tri của Hai Nam rằng, nếu tổng thống không nghe lời thì sau năm 1960 hồn Diệm sẽ lìa khỏi xác.
Các Đạo, Diệu bị bắt sau khi dâng “tờ sớ thiên định” cho Ngô tổng thống
Người thọ lãnh sứ mạng mang “sớ thiên định” trao cho tổng thống Diệm là bà Diệu Ứng, cùng đi còn có Đạo Nhàn, Đạo Mỹ, Đạo Tấn. Tại phòng khách, một nhân viên phủ tổng thống ân cần ra nhận thư nhưng khi tất cả vừa bước ra khỏi phòng đã có xe cảnh sát chờ sẵn “hốt” hết về đồn, biệt giam 5 tuần lễ qua nhiều trại.
Cho đến ngày 28 Tết Kỷ Hợi 1959, Nha giám đốc Cảnh sát Đô thành mới làm giấy thả bà Diệu Ứng và ba ông Đạo.

Cùng ngày, Ty cảnh sát Kiến Hòa được lệnh qua chùa Nam Quốc Phật bắt Hai Nam áp giải lên Sài Gòn để ở tù thế cho em và cháu. Trong lúc bị giam giữ lấy khẩu cung, vị tu sĩ này chỉ bút đàm: “Bần đạo là người tu hành, không màng đến việc nước, nhưng vì biết được thiên cơ dân tộc, không thể khoanh tay ngồi ngó nên có đôi lời gởi lên tổng thống coi có giải pháp nào cứu vãn tình thế...”.
Lấy xong lời khai, Hai Nam được đưa đến Nhà thương Chợ Quán. Hai hôm sau nơi này kết luận tu sĩ bị “điên”, rồi đem nhốt chung với các tội nhân tâm thần khác.

Một hôm được gọi lên phòng y vụ, bất ngờ Hai Nam khai khẩu rằng: “Trên 14 năm tham thiền, nay bần đạo đã thấy và biết những bí mật sắp xảy ra, gieo tang thương cho dân tộc. Vì lẽ ấy muốn tỏ việc này cho người cầm lái con thuyền quốc gia định liệu, chớ bần đạo vẫn sáng suốt, không bệnh hoạn chi cả”. Hơn tuần sau, Hai Nam được thả tự do sau khi “tiết lộ thiên cơ”. 




Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen