Freitag, 13. Juni 2014

Các tỉnh cũ Việt Nam

Quảng Nam-Đà Nẵng 

Quảng Nam – Đà Nẵng là một tỉnh cũ ở Trung Trung Bộ Việt Nam, tỉnh lị là thành phố Đà Nẵng. Tỉnh được thành lập vào tháng 2 năm 1976 do hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Tỉnh có diện tích 11.985,2 kilômét vuông và số dân 1.914.864 (vào năm 1993). Đơn vị hành chính gồm Tp Đà Nẵng, 2 thị xã Tam Kỳ và Hội An, 14 huyện: Hoà Vang, Hoàng Sa, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Trà Mi, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. 

Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996 nó được chia thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.
Quảng Tín 
Quảng Tín là một tỉnh cũ ở ven biển Trung Trung Bộ Việt Nam. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Tỉnh thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay. Từ năm 1976, tỉnh được hợp nhất với Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Địa lý

Quảng Tín giáp Quảng Nam cũ về phía bắc, Biển Đông về phía đông, Quảng Ngãi và Kontum về phía nam, sát biên giới nước Lào về phía tây. Diện tích toàn tỉnh là 5.454 kilômét vuông.



Hành chính
Tỉnh Quảng Tín có 6 quận, 1 thị xã, 89 xã. Tỉnh lỵ đặt tại quận Tam Kỳ.





Quảng Yên 
Quảng Yên là một tỉnh cũ ở phía đông Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh lị là thị xã Quảng Yên bên bờ sông Chanh, nay là thị trấn huyện lị huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.



Tỉnh Quảng Yên được thành lập năm 1831, dưới thời Minh Mạng. Trước đó, nó là trấn An Bang thuộc Đông Đạo thời Lê, trấn An Quảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Còn gọi không chính thức là tỉnh Đông.



Năm 1906, tách phủ Hải Ninh khỏi tỉnh Quảng Yên lập thành tỉnh Hải Ninh.


Ngày 21-1-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I công nhận huyện Hoành Bồ gồm 10 xã thuộc tỉnh Quảng Yên. Ngày 5-10-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I lại tách huyện Hoành Bồ khỏi tỉnh Quảng Yên, nhập vào Đặc khu Hồng Gai.

Đầu năm 1950, tỉnh Quảng Yên thuộc Liên khu Việt Bắc (1949-1956) và gồm 8 huyện: Chí Linh, Đông Triều, Yên Hưng, Cát Hải, Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Thủy Nguyên. Ngày 4-3-1950, huyện Thủy Nguyên trả về tỉnh Kiến An.

Ngày 22 tháng 2 năm 1955, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hồng Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Khi đó 3 huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách trả về tỉnh Hải Dương, còn huyện Sơn Động trả về tỉnh Bắc Giang. Ngày 30/10/1963, khu Hồng Quảng lại sáp nhập với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Quảng Đà 
Quảng Đà là một tỉnh cũ ở ven biển Trung Trung Bộ Việt Nam. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Ngay sau đó, Uỷ ban kháng chiến Quảng Nam chấp hành nghị quyết của Khu ủy V chia tỉnh thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tháng 11 năm 1967, khu ủy V ra quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà sát nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.



Hành chính



Quảng Đà gồm có 5 huyện: Hòa Vang, Đại Lộc, Thống Nhất, Điện Bàn, Duy Xuyên.

Quảng Đức 
Quảng Đức là một tỉnh cũ nằm trên cao nguyên Mơ-nông thuộc Tây Nguyên - miền Trung Việt Nam.

Tỉnh Quảng Đức được thành lập theo Sắc lệnh số 24-NV ngày 23 tháng 1 năm 1959 của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đăk Lăk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Năm 1962 lại tách thêm một phần tỉnh Đăk Lăk nhập vào tỉnh Quảng Đức.



Đơn vị hành chính

Tỉnh Quảng Đức với diện tích 5.958 km² giáp các tỉnh Đăk Lăk, Tuyên Đức, Lâm Đồng và Phước Long, ngoài ra còn giáp Campuchia. Tỉnh lị là thị xã Gia Nghĩa. Tỉnh Quảng Đức có 3 quận, 4 tổng, 14 xã (năm 1960):
  • Đức Lập (6 xã), gồm tổng Đức Minh (2 xã) và 4 xã lẻ; quận lỵ: Đức Minh (Dakmil), sau đổi là Tư Minh.
  • Kiến Đức (4 xã), gồm 2 tổng Kiến Minh (2 xã), Kiến Đạo (2 xã); quận lỵ: Sùng Đức (B'Pré).
  • Khiêm Đức (4 xã), gồm tổng Sơn Khê (2 xã) và 2 xã lẻ; quận lỵ: Tamoung.
Sau lập thêm cơ sở phái viên hành chính Đức Xuyên (3 xã).
Tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Đức lại nhập vào tỉnh Đăk Lăk.

Địa bàn tỉnh Quảng Đức gần như là địa bàn tỉnh Đăk Nông ngày nay.



Dân số

Tính đến năm 1971, dân số tỉnh Quảng Đức là 38.305 người, đa số là người Thượng: bao gồm Ê-đê, Xtiêng, Cơ ho và M'Nông. Vị dân biểu đại diện cho Tỉnh Quảng Đức của Hạ Nghị Viện chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhiệm kỳ cuối cùng trước 30-04-1975 là ông Vương Sơn Thông.
Rạch Giá 
Rạch Giá là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, giáp vịnh Thái Lan.

Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì tỉnh Hà Tiên cũ bị chia thành 2 hạt tham biện là Hà Tiên và Rạch Giá. Hạt tham biện Rạch Giá là phần đất huyện Kiên Giang của tỉnh Hà Tiên cũ.



Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Rạch Giá trở thành tỉnh Rạch Giá.


Thời thuộc Pháp, tỉnh Rạch Giá gồm 4 quận: Châu Thành, Giồng Riềng, Long Mỹ, Phước Long (năm 1948 đổi thành quận Hồng Dân, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu). Sau này lập thêm quận Gò Quao, tách từ quận Phước Long. Tỉnh lị đặt tại thị xã Rạch Giá.

Năm 1951, tỉnh Rạch Giá bị xé lẻ, nhập vào các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, đến năm 1954 lại tái lập.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Rạch Giá là một phần của tỉnh Kiên Giang. Nhưng trên các bản đồ Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất bản, vẫn ghi hai tỉnh riêng biệt là Hà Tiên và Rạch Giá.

Đầu năm 1976, tỉnh Kiên Giang được thành lập. Địa bàn tỉnh Hà Tiên cũ nay là huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

Sa Đéc 
Sa Đéc là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam, thành lập tháng 12 năm 1899.

Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này.



Thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn

Khoảng cuối thập niên 1750, Chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền Tây Nam Bộ, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo là thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận. Trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là một trong những khu chợ sung túc nhất ở phía Nam.
Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng chia lại miền Nam thành ngũ trấn gồm lục tỉnh. Khi đó Sa Đéc lại thuộc phủ Tân Thành tỉnh An Giang.

Thời Pháp thuộc
Sau khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (1867), thì năm sau (1868) địa bàn tỉnh An Giang thời "Nam Kỳ lục tỉnh" trước đây được chia thành 3 hạt: hạt Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ), hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành), và hạt Ba Xuyên. Theo Nghị định của Thống Đốc Nam Kỳ Bonard ngày 1 tháng 1 năm 1868, hạt Sa Đéc gồm 3 huyện (An Xuyên, Vĩnh An và Phong Phú) và trị sở (gọi là Tòa bố) đặt tại Sa Đéc.

Năm 1876 Sa Đéc trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực hành chính (circonscription) Vĩnh Long do thực dân Pháp đặt ra.

Địa hạt Sa Đéc trong giai đoạn 1876-1889 không còn chia cấp huyện nữa mà trực tiếp quản lý từ cấp tổng trở xuống. Lúc ấy Sa Đéc có dân số khoảng 102.421 người gồm 9 tổng: 84 thôn
  • An Mỹ với 12 thôn
  • An Hội với 6 thôn
  • An Trung với 8 thôn
  • An Thạnh với 14 thôn
  • An Thới với 12 thôn
  • An Tịnh với 6 thôn
  • Phong Thạnh với 6 thôn
  • Phong Mẫn vói 11 thôn.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sa Đéc trở thành tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc nằm ở hai bên sông Tiền Giang, giáp các tỉnh Long Xuyên, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho. Tỉnh lỵ là thị xã Sa Đéc. Dân số tỉnh Sa Đéc theo số liệu thống kê năm 1901 là 182.924 người và năm 1920 là 203.588 người.


Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long, sau đó lại tái lập tỉnh.



Thời kỳ 1945 - 1975

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Sa Đéc là một trong số 21 tỉnh của Nam Bộ.

Ngày 14/5/1949, huyện Lấp Vò được nhập vào tỉnh Sa Đéc.

Tháng 6 năm 1951, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sáp nhập tỉnh Sa Đéc với tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa. Tuy nhiên việc này không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại công nhận. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954 và tỉnh Sa Đéc được tái lập.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bỏ tỉnh Sa Đéc, phần bắc tỉnh này ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong, phần nam tỉnh này ở bờ phải (bờ nam) sông Tiền (giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, thị xã Sa Đéc) nhập vào tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 24/9/1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khôi phục lại tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Sa Đéc phía bắc giáp tỉnh Kiến Phong, phía đông giáp tỉnh Định Tường, phía đông và đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây nam giáp tỉnh Phong Dinh và phía tây giáp tỉnh An Giang. Tỉnh có 4 quận:
  • Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã.
  • Sa Đéc, gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã. Đến ngày 14/2/1968 đổi tên thành quận Đức Thịnh.
  • Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã.
  • Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã.

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp.


Sa Đéc ngày nay

Từ khi được sát nhâp vào tỉnh Kiến Phong nay là Đồng Tháp. Nền kinh tế thị xã Sa Đéc vẫn tiếp tục không ngừng phát triển. Thị xã tập trung 3 trên tổng số 5 khu Công Nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Và vào năm 2007 thị xã đã được Bộ xây dựng là đô thị loại 3, vào năm 2010 là thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Sông Bé 

Sông Bé đã từng là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam có địa giới bao gồm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay.

Sông Bé được thành lập năm 1976 sau khi Việt Nam thống nhất trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long tồn tại trước đó, trong trào lưu hợp nhất tỉnh diễn ra khắp cả nước.

Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay; trong đó Bình Dương có địa giới giống tỉnh Bình Dương cũ, còn Bình Phước có địa giới bao gồm Bình Long và Phước Long cũ.



Vị trí
Tỉnh Sông Bé có biên giới với Campuchia ở phía bắc, phía đông bắc và đông giáp Đắc Lắc và Lâm Đồng, phía đông nam giáp Đồng Nai, phía nam và tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh.

Các đơn vị hành chính
Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, nguyên là 14 quận của 3 tỉnh cũ: Tân Uyên, Lái Thiêu, Dĩ An, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp (đổi tên từ Bố Đức), Đồng Xoài (đổi tên từ Đôn Luân), Bù Đăng (đổi tên từ Đức Phong), Phước Bình, Phú Giáo. Năm 1977 hợp nhất 3 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành thành huyện Bình Long, hợp nhất 3 huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long, hợp nhất 2 huyện Đồng Xoài và Phú Giáo thành huyện Đồng Phú. Năm 1987 lập lại huyện Lộc Ninh từ một số xã của 2 huyện Bình Long và Phước Long. Năm 1988 lập lại Bù Đăng từ một số xã của huyện Phước Long. Trước khi chia tách, tỉnh Sông Bé được chia thành 1 thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh lỵ) và 8 huyện: Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Đồng Phú, Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An và Bù Đăng.

Diện tích và dân số qua các thời kỳ
  • Năm 1979: diện tích 9745 km², dân số 722.300 người
  • Năm 1981: diện tích 9859 km², dân số 671.000 người
  • Năm 1984: diện tích 9859 km², dân số 734.200 người
  • Năm 1993: diện tích 9442 km², dân số 939.000 người
  • Năm 1995: diện tích 8519,4 km², dân số 1.081.700 người
Sơn Tây 
Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).



Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây.


Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
(Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng).

Lịch sử
Khi thành lập tỉnh Sơn Tây có 5 phủ:
  • Phủ Quốc Oai, gồm các huyện: Đan Phượng, Mỹ Lương (nay là địa bàn huyện Mỹ Đức; và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình), Phúc Lộc (về sau là Phúc Thọ), Thạch Thất, Yên Sơn (nay là huyện Quốc Oai). Riêng huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai thời còn là trấn Sơn Tây được cắt về tỉnh Hà Nội năm 1831.
  • Phủ Quảng Oai, gồm các huyện: Bất Bạt, Minh Nghĩa (đến năm 1853 đổi là Tùng Thiện), Tiên Phong (về sau là huyện Quảng Oai).
  • Phủ Tam Đới /Đái (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lạc, Yên Lãng.
  • Phủ Đoan Hùng (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang), gồm các huyện: Đông Quan, Đương Đạo, Sơn Dương, Tam Dương, Tây Quan.
  • Phủ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), gồm các huyện: Hạ Hoa (nay là Hạ Hoà), Hoa Khê (nay là Cẩm Khê), Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao),Thanh Ba. Riêng huyện Tam Nông tách khỏi Sơn Tây năm 1831 để nhập vào tỉnh Hưng Hóa, làm nơi đặt tỉnh lị tỉnh Hưng Hóa.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen