Sonntag, 6. September 2015

Căn nguyên xung đột người Hồi giáo Sunni và Shiite

Nhà tiên tri Mohammed đã đem đến một đức tin mới cho người dân Mecca vào năm 610 khi ông sáng lập đạo Hồi. Đạo Hồi hình thành và phát triển thống nhất cho đến năm 632 sau Công nguyên. Khi đó, nhà tiên tri Mohammed qua đời mà chưa kịp định người kế vị, khiến các tín đồ Hồi giáo tranh cãi nhau kịch liệt. Ai sẽ trở thành người kế vị nhà tiên tri Mohammed? Một cá nhân có đủ phẩm chất và tài năng hay một người cùng huyết thống với Nhà tiên tri Mohammed?
Bức họa về cuộc chiến Karbala.

Nhiều môn đồ tại Mecca đã đề cử ông Abu Bakr, một người bạn đồng hành của Nhà tiên tri Mohammed. Đề cử này bị phản đối dữ dội từ phía những người ủng hộ ông Ali ibn Abi Talib, cháu họ đồng thời là con rể của Nhà tiên tri Mohammed.
Tranh cãi về người kế vị khiến các môn đồ Hồi giáo chia thành hai phe: một bên là người Hồi giáo theo dòng Shiite ủng hộ ông Ali (shi’atu Ali), tin rằng Ali và hậu duệ của ông là dòng dõi thần thánh; một bên là người Hồi giáo dòng Sunni là nhóm phản đối để những người có cùng huyết thống với Nhà tiên tri Mohammed trở thành lãnh đạo tối cao của người Hồi giáo. Người Hồi giáo Sunni coi ông Abu Bakr là khalip (quốc vương nước Hồi giáo) đầu tiên. 
Người Shiite tại một đền thời ở Kerbala, Iraq.
Sau vài lần chuyển đổi người kế vị, cuối cùng ông Ali cũng trở thành khalip thứ tư vào năm 656. Tuy nhiên, đối với người Hồi giáo theo dòng Shiite thì ông Ali luôn là người kế vị hợp pháp đầu tiên của Nhà tiên tri Mohammed.
Đến năm 661, ông Ali bị ám sát. Sau cái chết của ông, Mu’awiya - một lãnh đạo thống trị Syria - đã xưng khalip, thành lập vương triều Umayyad. Trong khi đó, người theo dòng Shiite một lần nữa nhất quyết đòi lãnh đạo hợp pháp của thế giới đạo Hồi phải thuộc dòng dõi của Nhà tiên tri Mohammed. Vào thời điểm đó, người sáng giá nhất chính là ông Husayn - con trai của ông Ali và Fatima Zahra, con gái Nhà tiên tri Mohammed. Ông Husayn sau đó trở thành người lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại vương triều Umayyad tại Kufa (Iraq ngày nay).
Năm 680, binh sĩ thuộc lực lượng của khalip thứ hai triều đại Umayyad đã giết chết ông Husayn và nhiều người trung thành với ông ở Karbala, phía bắc Kufa. Người Shiite sốc trước trận chiến Karbala và cái chết bi thảm của ông Husayn – người đã bị sát hại dã man: bị chặt đầu và không được chôn cất trong 40 ngày.
Thế giới có 1,6 tỉ người Hồi giáo, 85% là người Sunni và số còn lại là người Shiite. Người Shiite chiếm đa số tại Iran, Iraq, Bahrain và Azerbaijan. Các nước có cộng đồng người Shiite tương đối lớn là Afghanistan, Ấn Độ, Kuwait, Lebanon, Pakistan, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Còn người Sunni chiến đại đa số ở hơn 40 quốc gia từ Morocco cho tới Indonesia.
Người Sunni lo sợ người kế vị ông Husayn sẽ tận dụng cơn tức giận của người Shiite, lôi kéo sức mạnh của họ để lật đổ triều đại Umayyad. Nỗi lo của người Sunni được cho là nguyên nhân khiến họ xa lánh và ngược đãi người theo dòng Shiite trong một khoảng thời gian dài sau này.

Để tưởng nhớ sự ra đi của ông Husayn, người Shiite đã tổ chức lễ Ashura hàng năm với tập tục dùng roi quất vào người để tự gây thưong tích cho bản thân. Lễ Ashura của người Shiite bị người Sunni coi là điều quái dị và càng khiến họ căm ghét người Shiite hơn. 

Vương triều Umayyad thống trị người Hồi giáo cho đến năm 750 và sau đó là giai đoạn của vương triều Abbasids tại Baghdad (từ năm 750 đến 1517). Đối với cả hai vương triều, người Shiite luôn luôn thể hiện thái độ không ủng hộ. Ngay cả trong thời kỳ người Sunni giữ vị trí khalip, người Shiite vẫn tiếp tục tìm kiếm Imam của riêng mình, tức là người kế vị có dòng máu của ông Ali và Husayn, để trở thành lãnh đạo hợp pháp về chính trị và tôn giáo của họ. Theo người Shiite, có 12 Imam và Imam thứ 12 Mohammed al-Mahdi biến mất năm 939 sẽ quay lại vào một ngày nào đó để đòi lại công bằng cho họ, những người vốn luôn yếu thế trước người Sunni.

Người Sunni đã thống trị suốt 9 thế kỷ cho đến khi triều đại Safavid ra đời tại Ba Tư vào năm 1501. Vương triều Safavid tồn tại từ năm 1501 đến năm 1722, coi Hồi giáo dòng Shiite là tôn giáo chính. Tuy nhiên, khi vương triều Safavid bước vào thời kỳ lụi tàn, đế chế Ottoman hùng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lấn lướt và nắm giữ quyền lực, từ đó người Sunni lại tiếp tục thay phiên nhau đảm nhận vị trí khalip. 

Trải qua nhiều cuộc xung đột, có lúc lắng dịu nhưng sự chia rẽ giữa người Sunni và Shiite là nhân tố quan trọng nhất trong những biến động ở Trung Đông ở thế kỷ 20.


Chia rẽ từ hơn 1.300 năm trước vì tranh cãi liên quan đến việc chọn người kế vị đấng tiên tri Mohammed nhưng đến nay, sự bất đồng vẫn tồn tại gay gắt giữa người Sunni và Shiite.
Lãnh đạo Iran Ruhollah Khomeini vẫy chào đám đông người ủng hộ
 tại Đại học Tehran năm 1979.
Ngày 16/5/1916, Pháp và Anh đạt được hiệp định bí mật Sykes-Picot để phân chia các khu vực Arab thuộc đế chế Ottoman đã suy tàn trong Chiến tranh Thế giới thứ I. Sau khi đế chế Ottoman tan rã, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập và chức danh khalip bị bãi bỏ trong năm 1924. Nhưng ngay cả khi không còn phải tranh cãi nhau xem ai xứng đáng làm khalip, người Sunni và người Shiite vẫn không hết thù ghét nhau.
Cột mốc quan trọng nhất trong xung đột giữa người Sunni và người Shiite trong thế kỷ 20 là cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Cuộc cách mạng gây chấn động vào thời điểm đó là cơ hội để một người Shiite là ông Ayatollah Ruhollah Khomeini trở thành lãnh tụ Iran.

Cùng khoảng thời gian đó, năm 1980, Iraq do ông Saddam Hussein, một người Sunni, lãnh đạo đã quyết định đưa quân vào nước láng giềng Iran. Mặc dù ông Hussein khẳng định nguyên nhân của hành động này là do tranh chấp xảy ra tại biên giới giữa hai nước, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là do ông Ruhollah Khomeini, một người Shiite, nắm quyền lãnh đạo Iran. Iraq lo ngại rằng Cách mạng Iran có thể tác động và gây ảnh hưởng tới cộng đồng người Shiite chiếm đa số tại Iraq, khiến họ lật đổ chính quyền do người Sunni lãnh đạo.
Đền Askariya bị phá hủy nặng nề sau vụ đánh bom năm 2006. Ảnh: AP.
Iraq đưa quân vào Iran ngày 22/9/1980, bắt đầu một cuộc chiến dai dẳng kéo dài 8 năm và để lại nhiều hậu quả đau thương, gây tổn thất lớn với cả triệu người Iran và khiến 500.000 người Iraq thiệt mạng. Chỉ đến tháng 8/1988, khi lệnh ngừng bắn giữa Iran và Iraq bắt đầu có hiệu lực thì cuộc chiến mới chính thức kết thúc.

Trong năm 1991, những người Shiite ở miền nam Iraq đã quyết định đứng lên chống lại chính phủ. Tuy nhiên, phong trào đã bị dập tắt với hàng nghìn người Shiite thiệt mạng.

Trong một thập kỷ gần đây, điểm bất ổn “nóng” nhất giữa người Sunni và Shiite là tại Iraq. Bắt đầu từ việc Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003 để loại bỏ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein với lý do nước này có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau đó, từ năm 2005 đến 2006, chính phủ mới được bầu tại Iraq thường do các lãnh đạo Shiite đứng đầu. Có nhiều ý kiến cho rằng chính cuộc chiến năm 2003 và cách Mỹ dựng lên chính phủ tại Iraq đã khiến bất hòa giữa người Sunni và Shiite thêm sâu sắc tại đất nước 36 triệu dân này.

Từ khi chính phủ do người Shiite lãnh đạo được hình thành tại Iraq, cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Sunni ở đây tỏ ra bất mãn và tấn công người Shiite cùng các địa điểm linh thiêng của họ với sự hậu thuẫn của Al Qaeda. Một vụ đánh bom xảy ra ngày 22/2/2006 tại một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của người Shiite tại Iraq, đền Askariya tại Samarra, cách Baghdad 97km đã châm ngòi căng thẳng giáo phái.

Người Shiite khắp Iraq tìm cách trả thù và tấn công các đền thờ của người Sunni. Vụ đánh bom trên do Al Qaeda thực hiện đã tạo nên làn sóng xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và đẩy Iraq vào nguy cơ nội chiến.

Tại Syria, tình hình mâu thuẫn giáo phái cũng căng thẳng nhưng nguyên nhân lại khác với ở Iraq. Người Sunni ở Syria chiếm 74% trong tổng số 22 triệu dân. Chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad lãnh đạo đất nước này từ năm 1970 là những người Alawis, một nhánh nhỏ của dòng Shiite được hình thành từ thế kỷ thứ 9, chiếm khoảng 12% dân số Syria. Cuộc chiến sắc tộc tại Syria xuất phát từ việc Damascus dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2011.

Các chuyên gia đánh giá cuộc nội chiến tại Syria là một thỏi nam châm thu hút các tay súng thánh chiến Hồi giáo Sunni và Shiite tham gia chiến đấu. Hàng trăm nghìn người Sunni đã gia nhập hàng ngũ các nhóm nổi dậy tham chiến tại Syria sau các cuộc tuyển mộ tuyên truyền chống người Shiite. Trong khi đó, người Shiite tại Syria cũng như người Alawis lại chủ yếu gia nhập lực lượng quân đội Syria chiến đấu cho chính phủ.

Theo báo cáo được Liên hợp quốc công bố trong tháng 8/2014, số người dân Syria thiệt mạng trong cuộc nội chiến kể từ khi nó bùng nổ vào tháng 3/2011 ước tính là 191.300 người. Như vậy chỉ trong 3 năm, nội chiến tại Syria đã gây ra số thương vong rất lớn, khiến căng thẳng xung đột giáo phái leo lên mức nghiêm trọng chưa từng thấy.

Từ “cái nôi” bất ổn ở Iraq và Syria, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hình thành trên lãnh thổ hai quốc gia này với mục tiêu thành lập một vương quốc Hồi giáo do người Sunni đứng đầu. Với tính chất tàn bạo, tổ chức này đã trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên truyền thông trong khoảng thời gian qua. Chính IS là lý do để Mỹ và lực lượng liên quân do nước này dẫn đầu tiến hành không kích vào một số địa điểm ở Iraq và Syria.

Có thể nói, Syria và Iraq hiện là những điểm nóng nhất trong xung đột giữa người Sunni và Shiite hiện nay. 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen