Dienstag, 8. September 2015

Lịch sử Syria

nha nuoc hoi giao is dang tren da "nhuom den" syria va iraq hinh 1

syria
Syria là một quốc gia ở Tây Á, giáp biên giới với Liban và Biển Địa Trung Hải ở phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc, Iraq ở phía đông, Jordan ở phía nam, và Israel ở phía tây nam. Cái tên Syria trước kia gồm toàn bộ vùng Levant, trong khi nhà nước hiện đại bao gồm địa điểm của nhiều vương quốc và đế chế cổ, gồm cả nền văn minh Ebla từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Trong thời kỳ Hồi giáo, thành phố thủ đô, Damascus, là nơi đóng đô của Đế chế Umayyad và là một thủ phủ tỉnh của Đế chế Mamluk. Damascus được nhiều người coi là một trong những thành phố có người cư trú liên tục cổ nhất thế giới
Nôi của Kitô Giáo
 Năm ngàn năm trước, lúc Châu Âu còn sống bán khai và Châu Mỹ đang nằm trong cõi mịt mù một góc địa cầu vì mãi 4.500 sau mới được khám phá, thì tại vùng Trung Đông, trên đó có Syria, là trung tâm văn minh nhất và là nôi của văn hoá nhân loại. Lịch sử bắt đầu được ghi lại khi chữ viết xuất hiện cách đây 5.000 năm trên đất Syria mà thuở ấy là miền nam Babylonia. Trên một bia đá có ghi công trạng của một nhà cai trị chiến thắng từ vùng thấp tới vùng cao bên bờ Địa Trung Hải, và lập tức liền đó, xuất hiện địa danh Syria.
Đối với người Kitô Giáo, Syria khiến họ liên tưởng ít nhất hai địa danh: Antiôkhia và Đamát. Theo truyền thuyết, Antiôkhia, thủ đô tỉnh Syria thuộc La Mã, là nơi Kitô Giáo và Do Thái Giáo bắt đầu tách làm hai. Chính tại đó môn đồ của Đức Giêsu bắt đầu được gọi là Kitô hữu và việc truyền giáo cho người không phải Do Thái trở thành trang trọng và rộng rãi nhất, đưa tới việc các thủ lãnh giáo hội sơ khai ban bố là người ta có thể làm Kitô hữu mà không cần điều kiện đầu tiên phải là người Do thái và các sứ đồ không còn rao giảng đạo Kitô trong hội đường đạo Do Thái. Y Sĩ Lu Ca, người có lẽ là tác giả sách Công Vụ Tông Đồ, được xem là cư dân của Antiôkhia, và có thể cuốn Phúc Âm Matthêu cũng được viết ở đây. Vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, Antiôkhia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc La Mã, sau Rôma và Alexandria.
Đamát (Damascus) nay thủ đô của Syria với dân số 4-6 triệu người, xưa là trung tâm thương mại nổi bật của Syria và là nơi gắn liền cuộc cải giáo của Phaolô, vị tông đồ được chọn sau khi Đức Giêsu về trời và là nhà thần học kinh điển và đầu tiên của Kitô Giáo. Trước đó, Phaolô coi Kitô Giáo là một tà đạo nguy hiểm. Ông nhận từ thượng tế ở Giêrusalem một ủy nhiệm hợp pháp đi Đamát để nhổ tận gốc đức tin mới ấy. Khi gần tới thành phố, ông bị ngã xuống, mù mắt, rồi được mang vào Đamát và một môn đồ Kitô giáo làm phép lạ phục hồi thị lực cho ông. Kế đó Phaolô chịu phép rửa tội và bắt đầu rao giảng thông điệp của Đức Giêsu khắp các hội đường thành phố cho tới khi ông bị truy nã, phải trốn đi. Đamát được thành lập cách đây bốn ngàn năm trăm năm và là một thành phố cổ nhất có dân cư liên tục nhất của nhân loại.
Nhắc lại chuyện xưa ấy để thấy Syria như một thánh địa của văn minh và Kitô Giáo nay đang là đối tượng thù nghịch của Hoa Kỳ, một nước tự xem là văn minh nhất và “kitô giáo” nhất thế giới!
Một vài con số 
Với diện tích 185.180 csv và dân số gần 19 triệu người (so với VN 329.560 csv và trên 84 triệu người), Syria tiếp giáp phía tây với Liban và Israel, bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, đông với Iraq và nam với Jordan. Dân chúng gồm 90.3% người A rập, 9.7% người Kurd, Armenia và các chủng tộc khác, sống tập trung dọc theo đồng bằng cận duyên ở phía tây, trên dải đất màu mỡ giữa vùng núi gần biển và sa mạc, và tại thung lũng Sông Euphrates.
Người Syria theo Hồi Giáo hệ phái Shiite 74%; Alawite, Druze và các hệ phái Hồi Giáo khác 16%; Kitô giáo 10%; và Do Thái Giáo trong các cộng đồng nhỏ tại các thành phố lớn như Damacus, Al Qamishli và Aleppo. Ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập. Ngoại ngữ là Pháp và Anh. Tỉ lệ biết đọc biết viết 65%. Tỉ suất trẻ em chết yểu: 28.61/1.000 [so với VN 25.14/1.000]. Theo CIA The World Factbook, tổng sản lượng quốc gia 72.33 tỉ $US; lợi tức đầu người 3.9100$US [so với VN là 232.2 tỉ $US và 2.800$US].
yria theo chính thể cộng hoà, đứng đầu là tổng thống kiêm chủ tịch đảng cầm quyền. Từ năm 1963 tới nay, sống dưới chế độ quân phiệt với đảng cầm quyền là Đảng Ả Rập Phục Hưng Xã Hội Chủ Nghĩa (còn gọi là Đảng Baath, của phe đa số Hồi Giáo Shiite, cùng một danh xưng với đảng của Saddam Hussein vừa cai trị Iraq). Hiến pháp qui định tổng thống phải là người Hồi Giáo. Ông có toàn quyền bổ nhiệm viên chức chính phủ các cấp. 
Tài nguyên thiên nhiên của Syria gồm dầu hỏa, phốt phát, quặng nhôm, mỏ muối, đá hoa cương… Kỹ nghệ chính là khai thác dầu, dệt, chế biến hàng hóa, rau trái. Canh nông trồng lúa mì, bông, dầu ô liu. Chăn nuôi trừu, bò… Bạn hàng chính là Đức, Ý, Pháp, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Lục.
Vùng đất tranh chấp và đô hộ
 Tuy vương quốc Ả Rập Syria chỉ mới tuyên bố độc lập năm 1920, nhưng Syria, như đã nói, là một vùng đất có lịch sử lâu đời nhất. Mấy chục năm trở lại đây, các nhà khảo cổ đã chứng minh Syria là một trong các văn minh cổ đại nhất trong lịch sử thế giới, và có cư dân từ năm 5.000 trước Công Nguyên. Cuộc khai quật tại thành phố Ebla miền bắc Syria cho thấy từ năm 2.500 tới 2.400 trước CN, từng hiện hữu tại đây một vương quốc của chủng tộc Semitic trải dài từ Biển Đỏ phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ tới phía đông vùng Lưỡng Hà. Thời đó, đã có thành phố đông tới 260.000 dân và nay còn những bia đá mà khi đọc được hết, người ta sẽ biết thêm các nền văn minh trước đó nữa.
Năm 1.800 trước CN, vua người Assyri là Shamshi-Adad I thành lập kinh đô Shubat Enlil, nay là thành phố Tell Leilan tại đông bắc Syria. Vùng đất Đại Syria bao gồm Liban, Israel, Jordan và Syria ngày nay là một vùng đất xung khắc và chiến tranh triền miên trong Thế giới A Rập. Sự xung đột ấy kéo dài suốt thời Trung Cổ và cho tới thời hiện đại.
Khoảng năm 1.500 trước CN, người Ai Cập chinh phục xứ Syria Cổ Đại, rồi sau đó, tới lượt những người đô hộ mới như Do Thái, Armenia, Assyri, Babylon, Ba Tư… Tới năm 333 trước CN, nó lệ thuộc Đại Đế Alexander khi một tướng lãnh của Đại đế chọn Antiokhia làm kinh đô. Tiếp theo là cuộc tranh giành giữa quân Seleucid và Ptolemy của Ai Cập cho tới năm 64 trước CN. Kế đó, Syria trở thành một tỉnh của Đế Quốc La Mã. Bốn trăm năm sau, khi Đế Quốc La Mã tan rã rồi sụp đổ, Syria trở thành một tỉnh Byzantine và kéo dài suốt 250 năm.
Thành đất thánh của Hồi Giáo
 Sự xuất hiện của Hồi Giáo trong thế kỷ thứ bảy lại làm thay đổi vận mệnh Syria. Năm 636 sau CN, Syria lại bị chinh phục. Lần này bởi người Ả Rập Hồi Giáo và khi Damacus trở thành nơi ngự trị của nhiều vua Hồi Kha-líp đầy quyền uy thì nó là kinh đô của Đế Quốc Hồi Giáo Umayyad. Sau đó, Syria lại bị cai trị bởi một đế chế Hồi Giáo khác là Abbasid.
Tới cuối thế kỷ 11, các đạo quân Thập Tự Chinh của cCâu Âu đi đánh Hồi Giáo, giành lại Giêrusalem rồi tràn sang chiếm khu vực Tiểu Á và sáp nhập Syria vào vương quốc Kitô Giáo Giêrusalem. Vào cuối thế kỷ 12, Salah al-Din (Saladin) đánh bại Thập Tự Quân, cai trị Syria và làm sụp đổ vương quốc Giêrusalem. Người Ả Rập biến Syria thành trung tâm thương mại cho đế quốc ngày càng phát triển của họ nhưng chẳng bao lâu, người Syria lại bị cướp phá tàn tệ bởi quân Mông Cổ. Kể từ năm 1516, Syria trở thành một tỉnh của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Thế Chiến Thứ Nhất, lúc ấy, người Thổ phải rút khỏi Syria vì sự liên minh của người Pháp, Anh và Ả rập. Tuy vậy, duới thời Ottoman, đã xuất hiện mạnh mẽ những phong trào yêu nước của người Syria.
Lời hứa của đế quốc trắng. 
Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918) bùng nổ. Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe Đức, Áo-Hung và Bulgaria vì thế các nước Đồng Minh Anh, Pháp dẫn dụ người Ả Rập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời hứa khi chiến tranh kết thúc sẽ cho quốc gia của họ độc lập. Tháng 1.1916, chính phủ Anh cam kết với quốc vương Hồi Giáo ở Mecca là Hsein ibn Ali rằng nếu A Rập tham chiến với đồng minh thì sẽ bảo đảm độc lập của các vùng đất Ả Rập cho tới đường biên giới phía bắc của Syria ngày nay và Iraq. Tháng Năm năm đó, Anh và Pháp bí mật ký hiệp ước chia nhau cai trị các vùng đất bị lệ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó, vùng Syria ngày nay và Liban bị chia cho Pháp và Palestin cùng Jordan bị chia cho Anh.
Vương quốc Ả Rập Syria được thành lập năm 1920 dưới quyền vua Faysal, thuộc dòng họ Hashemite mà về sau cai trị cả Iraq. Triều đại của ông chỉ kéo dài được vài tháng thì kết thúc vì quân của ông bại trận khi đánh với thực dân Pháp tại Maysalun. Từ đó, người Pháp chiếm đóng đúng theo bản mật ước với Anh và bắt đầu giai đoạn bất ổn, Pháp phải đánh dẹp các phong trào khởi nghĩa của dân chúng Syria. Năm 1939, nổ ra Cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Nước Pháp rơi vào tay Đức và Syria nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Vichy thân Đức cho tới khi lại bị quân Anh và quân Nước Pháp Tự Do chiếm đóng, loại bỏ ảnh hưởng của Vichy. Vào tháng Bảy năm 1941 và Syria thành căn cứ quân sự của phe Đồng Minh. Thế Chiến Hai kết thúc, các phong trào giải phóng dân tộc càng lúc càng quyết liệt, biến thành đấu tranh toàn diện, buộc quân Anh phải bình định, sau đó, Pháp phải di tản năm 1946 và để Syria trong tay một chính phủ cộng hoà do nhân dân đưa lên.
Xung đột dai dẳng với Do Thái
Trước đó hai năm, từ năm 1944, đã có phong trào “Đại Syria”, vận động thành lập một nước “Ả Rập Syria” gồm Liban, Syria, Jordan và Palestin. Nhiều người Syria chống lại phong trào ấy; họ sợ rằng làm như thế sẽ khiến cho Syria đánh mất bản sắc quốc gia của mình. Tuy thế, phong trào vẫn thành công lớn vì đã thành lập Liên đoàn Ả Rập nhằm ngăn chận việc thành lập một quốc gia Do Thái trên vùng đất Palestin. Là nước trong khối Ả Rập lại có chung đường biên giới với Israel, Syria không thể tránh khỏi cuộc xung đột với Do Thái, nhất là khi Phong Trào Lập Quốc Do Thái cương quyết đòi lại phần lãnh thổ đã phân tán vào các nước láng giềng kể từ ngày quốc gia Do Thái tan rã gần hai ngàn năm trước và người Do Thái phiêu lạc khắp bốn phương trời. 
Năm 1948, xảy ra cuộc chiến tranh Ả Rập-Do thái, quân đội Syria đứng về phía Ả Rập. Quân Ả Rập không đạt được thắng lợi nào nên tới tháng 7 thì đình chiến.Từ tháng Giêng tới tháng 5 năm 1951, Syria và Do thái đụng độ nhiều trận vì xung đột biên giới, cuối cùng tạm lắng dịu nhờ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp và lập vùng phi quân sự giữa hai nước. 
Trong hai cuộc chiến Do Thái-Ả Rập năm 1967 và năm 1973, Syria đóng vai trò rất tích cực. Năm 1973, trước khi tán thành cuộc ngưng bắn do LHQ đề nghị, Israel xua quân chiếm cao nguyên Golan của Syria và giữ riết tới ngày nay. Nói chung, suốt bốn cuộc chiến tranh Do Thái-Ả rập, Syria càng đánh càng mất đất, mãi tới năm 1974, do dàn xếp của Kissenger, Syria mới thu hồi lại đất, kể cả thị trấn bỏ hoang Quneitra mất năm 1967, ngoại trừ cao nguyên Golan.
Vào giữa thập niên 1970, Syria phái khoảng 20.000 quân sang yễm trợ người Hồi Giáo Liban trong cuộc nội chiến với người Công Giáo Liban do Israel hỗ trợ. Năm 1982, quân Israel xâm lăng Liban và trong thời gian chiếm đóng thường xuyên đụng độ với quân của Syria. Tới cuối năm 1982, cùng với quân Israel, quân Syria rút ra khỏi Beyrout nhưng vẫn còn đóng rải rác tại vùng quê. 
Trong thập niên 1990, tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestin bế tắc làm suy yếu quan hệ ngoại giao giữa Syria và Do Thái. Đối phó với thế liên kết ngày càng mạnh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Do Thái, Syria bắt đầu cải thiện bang giao với Iraq và liên minh với Iran. Tới tháng 12.1999, thương thuyết giữa Syria và Israel tái tục sau bốn năm gián đoạn nhưng rồi lại bế tắc vì Syria đòi Israel thảo luận chi tiết việc trao trả cao nguyên Golan. Tới tháng 5.2000, Israel rút quân khỏi miền nam Liban nhưng không chịu rút quân khỏi cao nguyên Golan.
Đảo chánh triền miên và thân đế quốc đỏ
 Trở lại thời kỳ sau Thế Chiến Hai, Syria mới ổn định được 3 năm thì tới ngày 30.3.1949, xảy ra cuộc đảo chính và Tướng Husni al-Zaim lên nắm quyền. Rồi chỉ năm tháng sau, chế độ mới này bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính khác; Tướng Zaim bị xử tử. Tới tháng 11 cùng năm, tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu cử quốc hội lập hiến. Lại nổ ra cuộc đảo chính thứ ba vào tháng 12, lần này người lên cầm quyền là Đại Tá Adeeb al-Shishali, cựu chỉ huy trưởng an ninh cảnh sát. Tới tháng 9 năm 1950, quốc hội lập hiến hoàn tất hiến pháp và bầu quốc trưởng lâm thời Hashim al-Atasi làm tổng thống.
Ngày 29.11.1951, Shishali lại làm một cuộc đảo chánh khác. Tổng Thống Atasi từ chức. Shishashi và đồng bọn lập chính phủ. Sang năm 1953, ông ban hành một bản hiến pháp mới. Ông nghiêm cấm các quyền dân sự, cai trị đất nước với cung cách độc tài quân phiệt. Tới tháng 3.1954, một cuộc đảo chánh lật đổ Shishashi, phục hồi Tổng Thống Atasi, quốc hội và bản hiến pháp 1950.
Kể từ năm 1954, Syria bắt đầu càng ngày càng chống phương Tây và theo đuổi chính sách thân Liên Bang Sô Viết. Năm 1955, Syria cực lực phản đối Hiệp Ước Bagdad thành lập liên minh giữa Anh và Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan. Tháng 7.1956, Quốc Hội Syria thành lập một ủy ban chính thức thảo luận việc thành lập một liên bang với Ai cập. Cuộc tấn công của Israel, Pháp và Anh vào Ai Cập tháng 11 và 12.1956 làm tăng thêm lòng hận thù của Syria đối với phương Tây. Suốt năm 1957, Syria nhận viện trợ ngày càng nhiều của Mạc Tư Khoa. Tháng 11.1957, Liên Sô chấp thuận viện trợ cho Syria các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trên một quy mô lớn. Năm 1958, Syria cùng Ai Cập lập Cộng Hòa Ả Rập Thống Nhất với Abdel Nasser của Ai Cập làm tổng thống nhưng đến ngày 29.9.1961, Syria rút lui vì một cuộc cách mạng nổ ra trong xứ mình. 
Năm 1963, đảng Baath Ả Rập Xã Hội Chủ Nghĩa nắm chính quyền. Tháng 11.1970, Tướng Hafez al-Assad làm tổng thống. Ông đề xướng một cuộc vận động hiện đại hoá, bao gồm một chuỗi những thay đổi về kinh tế và xã hội, và ban hành một bản hiến pháp mới vào năm 1973. Tổng Thống al-Asad thắng thêm một nhiệm kỳ bảy năm vào năm 1985. Tới năm 1990, ông bác bỏ việc hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập và qua năm 1991, ông lại đắc cử tổng thống lần thứ tư với số phiếu 99,98%.
Đi với phương Tây và đổi mới 
 Chiến tranh lạnh kết thúc, Syria ngày càng ổn định và càng ngã về phía phương Tây. Trong cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991, Syria là nước Ả Rập đầu tiên kết án Iraq xâm lăng Kuwait và gởi quân sang giúp Saudi Arabia để đề phòng Iraq tấn công.
Tháng 8.1994, Mặt Trận Quốc Gia Cấp Tiến đương quyền thắng cuộc phổ thông đầu phiếu nhưng chỉ có 49% cử tri đi bầu. Tháng 7.1995, Tổng Thống al-Assad tham dự hội nghị các nước A rập nhằm phối hợp một chiến lược chung để thương thuyết với Israel. Năm 1997, khi quân đội Mỹ đe dọa can thiệp quân sự vào Iraq, Syria cố ý không gia tăng mối quan hệ với Iraq. Năm 1999, al-Assad đắc cử tổng thống lần thứ bảy cho một nhiệm kỳ 5 năm. Trong diễn văn tranh cử, ông nhấn mạnh chính phủ cần “sinh lực mới” để đẩy mạnh các cải cách kinh tế. 
Tổng Thống al-Assad từ trần ngày 10.6.2000, và con trai ông được quốc hội chọn kế vị kiêm tổng tư lệnh quân đội kiêm chủ tịch đảng Baath. Trong hai năm đầu chấp chánh, ông phóng thích hàng trăm tù chính trị bị cha ông giam giữ, tuy thế, vẫn còn khoảng 1.000 người trong nhà tù. Chế độ báo chí rất hạn chế. Khắp Syria có 4 nhật báo bằng tiếng A rập: 2 tại Damascus, 1 tại Aleppo và 1 tại Hama. Tờ độc nhất bằng tiếng Anh, do chính phủ kiểm soát và bị kiểm duyệt gắt gao là Syria Times.
Syria trong đấu trường Iraq 
 Từ ngày chế đô Saddam Hussein bị lật đổ đến nay, Iraq trở thành một trận địa cuốn hút các dân quân Hồi Giáo cực đoan từ nhiều nơi kéo đến, tham chiến như là những người nổi dậy từ nhân dân Iraq. Hoa Kỳ cáo buộc Syria là vùng đất dung dưỡng và là con đường xâm nhập của các cảm từ quân Hồi Giáo. Theo tổ chức Quan Sát Nhân Quyền – Human Rights Watch. Syria có những quan hệ lâu đời với Hezbollah và là nguồn cung cấp chính về vũ khí cho tổ chức dân quân ấy. Từ tháng 3.2003 tới nay, Hoa Kỳ áp lực Syria kiểm soát các nhóm cực đoan và từ chối không để làm nơi trú ẩn cho các lãnh tụ Iraq của chế độ Hussein đào thoát. Ngày 4.10.2003, Do Thái tấn công một địa điểm gần thủ đô Damascus mà họ gọi là trại khủng bố. Từ ngày 11.5.2004, Hoa Kỳ cấm vận có giới hạn Syria, với lời cáo buộc rằng Syria cho phép các cảm tử quân mượn đường xâm nhập Iraq. Ngày 14.2.2005, Thủ Tướng Rafik al-Harin của Lebanon bị ám sát bở bom nổ từ một chiếc xe tải đã xúc tác làm thành những cuộc biểu tình khổng lồ của người Liban chống Syria. Syria không nhận trách nhiệm về vụ ám sát đó, và họ rút gần hết quân đội ra khỏi Lebanon, chỉ để lại một số nhân viên tình báo. Hiện có khoảng 200.000 người Syria sống ở Lebanon. Cuộc chiến Israel-Hezbollah tại Lebanon mấy tháng trước đây lại làm nổi bật vai trò của Syria.
 Áp lực của Mỹ và lập trường thù nghịch của Israel lại khiến chính quyền Syria có thêm ngụy cớ để vi phạm nhân quyền. Nhà nước Syria cơ bản là một nhà nước toàn trị, giới hạn hầu hết các quyền của dân chúng, đặc biệt quyền tự do bày tỏ và tự do lập hội. Chế độ độc đảng Syria tìm cách ngăn chận mọi nỗ lực hình thành một xã hội dân sự. Người có những vận động cho một chế độ cởi mở hơn thường bị bắt và đều bị đưa ra xét xử tại Tòa Án Tối Cao An Ninh Quốc Gia. Từ đầu năm 2006 tới nay, theo tường trình của tổ chức Quan sát nhân quyền, đã có hơn 26 nhà hoạt động bị bắt giữ. Trong số những người bị bắt, có các nhân vật nổi tiếng như nhà văn Ali al-Abdullah và con trai là Muhammad; nhà văn Michel Kilo, Luật Sư Anwar al Buni,v.v. Họ là những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, thậm chí, đôi khi chỉ ký kiến nghị yêu cầu chính phủ Syria cải thiện bang giáo với Lebanon. Cũng như tại Việt Nam, trong tất cả các trường hợp, kẻ đứng ra thực hiện vụ bắt là lực lượng an ninh quốc gia. Và việc bắt bớ diễn ra theo cách chính quyền sử dụng quyền lực và vũ khí để bắt cóc nhân dân, vì thân nhân phải chờ tới một thời điểm mà chính quyền cảm thấy thuận tiện, mới được cơ quan an ninh thông báo cho biết người mất tích hiện bị giam giữ ở đâu và do ai giam giữ.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen