Mittwoch, 17. September 2014

Tư Hữu Hoá : Xe lam - Chút còn lại của thời vàng son

Cải cách điền địa của VNCH với Luật "Người Cày Có Ruộng", là một bước đi trong chủ trương "Tư Hữu Hoá", tạo tài sản cho người dân, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong những giai đoạn kế tiếp để kích thích kinh tế, việc cho vay mượn  tiền ngân hàng để tạo vốn sinh kế , tạo công việc sinh sống cho người dân. Hình ảnh XE LAM là chứng tích của kế hoạch này. Xe Lam ở Saigon là chứng tích của kế hoạch "Tư Hữu Hoá" của VNCH để người dân có thể tự sống được, tự làm chủ. gôi là "Ðợt Tự Chủ"


Hãy xem lại ....

Xe lam: Chút còn lại của thời vàng son
Những chiếc xe lam bây giờ có lẽ là đã quá xa lạ với những người dân thành thị ngày nay. Nhưng đã có một thời, một thời hoàng kim mà trên khắp các tuyến đường từ Bắc chí Nam xe lam làm “bá chủ”.

Các loại xe này do công ty cơ giới Innocenti chế tạo. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào Việt Nam Cộng Hòa vào giữa thập niên 1960 để thay thế xe thổ mộ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó. 


Các xe này được nhập ở dạng không đóng thùng, và tuỳ công năng chở người hay chở hàng sẽ được đóng thùng sau khi nhập vào nước. Bên cạnh đó, một số xe có kiểu dáng tương tự nhưng của các hãng khác (như Vespa của hãng Piaggio - Ý,...) ít gặp hơn, cũng được gọi là xe lam. Thuở ban đầu khi mới xuất hiện, bên hông thùng xe kéo phía sau có dập nỗi chữ Lambretta, hay Vespa nhưng dần về sau thì có kèm theo một con số như "Lambro 150, Lambro 175, Lambro 200, Lambro 500, Lambro 550'’... Đây chính là nguyên nhân ra đời từ "Xe lam" trong hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam.


Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc vào những năm đầu 1960 thì việc mua được một chiếc xe lam cũng không phải là dễ. 

Chỉ cho đến những năm 1966-1967, khi mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiến hành chương trình “Hữu sản hóa”  với mục đích là cung cấp phương tiện di chuyển , chuyên chở công cộng cho giới công nhân nghèo, thợ thuyền và để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, kèm theo đó là việc tiến hành cho vay vốn trả góp mua xe lam và xe taxi để hành nghề thì lúc đó xe lam mới bắt đầu phát triển. Vì vậy mà bên hông xe của nhiều chiếc xe lam thời kỳ này, ngoài nhãn hiệu xe, chúng ta sẽ thấy thêm một hàng chữ "Hữu sản hóa, đợt Tự chủ". 

Tuy rằng lúc bấy giờ, xe lam đã xuất hiện khá nhiều nhưng việc sử dụng trong thành phố vẫn chưa phát triển mạnh vì vẫn còn một đối thủ "nặng ký": xe ngựa. Đến cuối năm 1970, đợt "Hữu sản hóa" cuối cùng đã thay xe lam vào chỗ của xe ngựa. Có thể nói năm 1970 là năm kết thúc của xe ngựa và cũng là năm bắt đầu cho thời kỳ của xe lam.


Và thời đại vàng son nhất của xe lam chính là thời kỳ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, khi các phương tiện khác thiếu phụ tùng thay thế hoặc thiếu xăng để hoạt động thì chiếc xe lam lại chính là phương tiện khá hữu hiệu để duy trì việc chuyên chở trên khắp dải đất hình chữ S, nhờ vào tính năng sử dụng cùng với giá thành hoạt động khá rẻ. Lấy ví dụ như ở Biên Hòa lúc đó đã có 6 hợp tác xã xe lam với gần 1000 đầu xe được đăng ký để chở khách và vận chuyển hàng hóa trên khắp miền Nam. Vì vậy mà có thời Biên Hòa được ví như “thủ phủ xe lam”. Ngoài ra xe lam còn được đưa ra miền Bắc để phục vụ chuyên chở hành khách và hàng hóa.


Và một điều đặc biệt ở Sài Gòn là cứ khoảng 10 năm thì sẽ có một vài loại xe bị hạn chế sử dụng và dần biến mất. Xe lam là một trong số những trường hợp đó. Từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và dần bị cấm hẳn. Thay cho xe lam là loại xe tải cỡ nhỏ Daihatsu (thường gọi là xe Da-su) với tính năng vượt trội cả về tốc độ lẫn trọng tải so với xe lam. Tại TP.HCM hiện nay còn xuất hiện thêm cả loại xe tải 3 bánh xuất xứ từ Trung Quốc, hình dáng gần giống với xe lam ngày ấy.


Tuy thùng sau xe được gắn để chở khách, nhưng nếu thùng sau hết chỗ, các bác tài sẵn sàng ngồi khép nép lại một tí để có thể chở thêm được 2-3 khách. Xe thì thiết kế cho 8-10 người ngồi nhưng khi đến Việt Nam, cũng như bao loại xe khác, xe lam vẫn phải "cõng" một số lượng khách gấp đôi, có khi gấp 3 trọng tải cho phép. Có khi khách còn ngồi lên cả nóc xe. Và chính việc này lại làm nảy sinh thêm một điều vô cùng thú vị đó là khi đi xe lam, khách phải ngồi khép chân lại. Và khi xe thắng gấp thì các "cặp gối" đối diện nhau sẽ chạm vào nhau. Nếu "hên" thì sẽ được chạm gối với những cô nữ sinh trên chuyến xe về chiều với quần lụa trơn, mát rười rượi. Nếu đi ngay ngày "xui" phải ngồi với mấy cô bán hàng chợ thì bao nhiêu mùi chợ búa nó dính hết cả vào người. Và cũng giống như xe buýt ngày nay, chuyện "chiếc bóp biết bay" vẫn luôn xảy ra nếu như không cảnh giác.


Xe lam, trong tiềm thức của nhiều người thành thị vẫn là một chút gì đó còn lại của Sài Gòn thuở xa xưa, thuở mà những tiếng “bành… bành’’ của xe lam là tiếng mà mọi người dân thành thị đều cảm thấy quen thuộc, thuở mà những bài hát về những mối tình chóng nở nhưng vội tàn trên những chuyến xe lam xuất hiện và rồi làm lay động lòng người như trong bài hát “Chuyến xe lam chiều” của Vinh Sử:
“…
Trên chuyến xe lam đông người chiều nay
Nghe từng cô đơn nỗi niềm chua cay
Còn đâu một chuyến xe lam
Ngày nao mộng ước vô vàn
Nay kỷ niệm em một mình mang…”




Đã có một thời, một thời hoàng kim mà trên khắp các tuyến đường từ Bắc chí Nam xe lam làm “bá chủ”. Và cũng đã có một thời, xe lam trở thành một phần trong cuộc sống của mọi người con Sài Gòn. Một thời xa xăm chỉ còn lại trong ký ức.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen