Dienstag, 16. September 2014

Vâng, lịch sử chẳng phải để hận thù …

                                                                                                         Vũ Thị Phương Anh/VNTB
Đọc bài bên dưới Lịch sử không phải để thù hận

Tôi đã chẳng viết bài này nếu không đọc được phản ứng của “cô ấy” trên facebook.

“Cô ấy” là một phóng viên trẻ, là tác giả của bài viết có tựa đề “Lịch sử không phải để thù hận” vừa đăng trên VnExpress cách đây vài ngày, liên quan đến cuộc triển lãm cải cách ruộng đất vừa mới mở ra đã bị đóng cửa, có lẽ vì … nhạy cảm.

Khi nghe về cuộc triển lãm, tôi đã tự nhủ là sẽ cố tránh, không nói gì hoặc viết gì để gợi thêm những ký ức đau lòng đã tạm lắng nhiều thập niên, nay đang được dịp tuôn ra. Vì tôi đã nghe quá nhiều về những “ông đội” đằng đằng sát khí, những cuộc đấu tố vào ban đêm với đèn đuốc sáng trưng và tử khí ngút trời.

Sinh ra và lớn lên ở miền Nam, từ thời tiểu học tôi đã được xem bộ phim “Chúng tôi muốn sống”, bộ phim mà những người đã trải qua thời cải cách ruộng đất như bố mẹ tôi đánh giá khá cao vì tính chân thực. Tôi nhớ mình chỉ xem được một lúc rồi bỏ dở vì sợ hãi, và mãi đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ muốn xem lại dù bộ phim ấy có đầy trên Internet.

Tôi cũng có người thân là nạn nhân trực tiếp của cải cách ruộng đất. Bác họ tôi – chị họ của bố tôi – bị kẹt lại ở Nam Định khi bác trai đưa mấy người con vào Hải Phòng trước, chờ người đưa bác gái ra sau để cùng di cư vào Nam nhưng không được, đành bỏ bác lại ở quê. Bác gái, một người chăm chỉ làm ăn và hà tiện đến “vắt cổ chày ra nước”, bị quy là địa chủ vì có chút của ăn của để hơn người. Hai bác ở vậy chờ nhau suốt 21 năm; luật đạo của Công giáo không cho phép lấy vợ, lấy chồng khác khi người phối ngẫu chưa qua đời. Sau năm 1975, bác gái vào đoàn tụ với gia đình ở miền Nam, và mỗi khi có dịp thì bác lại tuôn ra hàng tràng ký ức của một thời mà bác không bao giờ quên được.

Những ký ức rùng rợn, những hành động bạo tàn, những con người độc ác … tôi nghe mãi cũng nhàm. Tôi chẳng bao giờ kể lại, cũng chẳng bao giờ muốn nhớ. Nhưng, giống như nhân vật trong bài báo, bác tôi không thể quên. Dù bác chẳng có vẻ gì là thù hận với những kẻ đã đấu tố bác ngày xưa. Kể xong, bác chép miệng, “số phận của họ rồi sau cũng chẳng ra gì. Ông trời có mắt”.

“Ông trời có mắt” là đạo đức căn bản của người Việt Nam. Với đạo đức ấy, những người nông dân hiền lành đã sống với nhau hàng nghìn năm trong tình làng nghĩa xóm, và có lẽ đã chỉ (lỡ dại một lần) làm những điều trái đạo lý vì bị cuốn theo cuộc cách mạng trời long đất lở lúc ấy mà thôi.

Người ta cần tha thứ và quên đi để sống. Vì không ai có thể sống an lành với một vết thương sâu hoắm và nhức nhối trong lòng. Vì vậy, dù còn nhiều điều không đồng ý với bài viết của tác giả, tôi đã không tranh luận. Cũng như tác giả, tôi hiểu cải cách ruộng đất là một vấn đề lớn và còn quá nhiều câu hỏi mà một cuộc triển lãm nhỏ không thể trả lời hết. Tôi cũng hiểu có nhiều điều vẫn chưa thể trưng ra, vì nếu không có câu trả lời ổn thỏa thì sẽ xoáy thêm vào một vết thương chưa lành trong lịch sử dân tộc Việt.

Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc được phản ứng trên facebook của tác giả, mà bạn bè tôi đã chép lại một đoạn[1] và đề nghị tôi bình luận. Đoạn ấy như sau:

“Ôi thế các ông các bà muốn gì ạ? Không cho bày thì bảo bưng bít. Không cho nói thì bảo bị bịt mồm. Giờ người ta bắt đầu cất lời, hé sạp hé mẹt thì các ông các bà chửi xối xả là bày ra cho nhục nhã. Tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông các bà tự hiểu lấy, đừng vin vào mấy nhời phi lộ rất quan phương của nhà chức trách rồi bảo bị bóp méo, bảo ngoan cố tranh công chối tội.”

Tôi đã chẳng ngạc nhiên khi đọc trong bài báo những lời ca ngợi thành quả của CCRĐ. Tôi hiểu tác giả có lẽ phải có phần bênh vực sau khi đã thẳng thắn nhắc đến nỗi đau của nạn nhân. Tôi đã tin dụng ý của tác giả là muốn ủng hộ sự bạch hóa dần dần một vấn đề gai góc và đau thương trong lịch sử Việt Nam. Nhưng khi tác giả khẳng định “tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông bà tự hiểu lấy”, và nhớ lại những gì đã được trưng bày trong cuộc triển lãm, tôi bỗng hiểu rằng tác giả rất chân thành tin cuộc CCRĐ là cần thiết. Chân thành khi nói về niềm vui của các nông dân “dắt con trâu ra đồng với tư cách chủ nhân ông”, “ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước”. Dù những tài sản này không phải là thành quả của sức lao động của chính họ, mà là kết quả của cuộc cách mạng “đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột”, như những văn kiện của Đảng đã rành mạch chỉ ra.

Thật đau lòng khi giai cấp mà cách mạng cần phải tiêu diệt (trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ) có cả những người như ông bà của tác giả và bà bác của tôi. Từ lúc nào, những người nông dân hiền lương bỗng chốc trở nên độc ác, căm hờn trong những cuộc đấu tố dã man, và làm sao họ vẫn có thể vui mừng hớn hở khi được chia “quả thực”, khi các xác chết máu me của những người mới hôm qua còn là láng giềng vẫn còn nằm phơi ở ngoài kia hoặc chỉ mới được chôn lấp sơ sài ….

Không, tôi không nhắc lại để thù hận. Nhưng tôi và tất cả mọi người Việt Nam có lương tri đều cần trả lời câu hỏi: “Vì sao?”

Vì sao cùng trên một đất nước, cùng một nền văn hóa, cùng là người Việt da vàng máu đỏ, cùng với mục tiêu mang lại sự công bằng về sở hữu ruộng đất, giúp người nông dân làm chủ luống cày, mà ở miền Nam thì mọi việc xảy ra hiền hòa, êm ả, còn miền Bắc thì lại xảy ra những cảnh tượng đau lòng đến vậy? Để mãi đến 60 năm sau, thời gian đủ dài để hầu hết những người đã tận mắt chứng kiến cải cải cách ruộng đất đã không còn tồn tại, mà khi nhắc đến thì cải cách ruộng đất vẫn còn là một sự nhức nhối không nguôi?

Câu hỏi ấy chắc chắn một lúc nào đó phải được trả lời. Những sai lầm của giai đoạn đau thương ấy – và di hại mãi về sau của nó – chắn chắn rồi sẽ phải được phân tích cặn kẽ và sòng phẳng. Để bài học lịch sử được hiểu rõ, chứ không thể mãi né tránh.

Bởi, khi chúng ta không chịu học từ những sai lầm của lịch sử, thì lịch sử sẽ bắt chúng ta trở thành nạn nhân của chính những sai lầm ấy, cho đến khi bài học được học thuộc.

Theo VNTB

000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

Lịch sử không phải để thù hận 


                                                                                              Thu Hà/ VnExpress 

Hà Nội đang có một cuộc triển lãm nhỏ, một cuộc triển lãm không có gì đồ sộ về quy mô, chỉ 150 hiện vật, trong một phòng trưng bày không lớn, về một thời gian lịch sử chưa xa, mới 60 năm.
Nhưng nó đang gây những cơn sóng không nhẹ trong ký ức nhiều thế hệ công chúng, không chỉ những người từng là nhân chứng. Vì nó là triển lãm Cải cách ruộng đất.

Trong hàng triệu người quan tâm đến cuộc triển lãm nhỏ bé này có mẹ tôi. Bà là một phụ nữ có trí nhớ khá lạ lùng. 20 năm nay, bà vẫn nhớ những gì đã xảy ra từ 40 năm trở về trước. Trong mỗi bữa cơm gia đình, nhất là những ngày giỗ chạp, lễ Tết, câu chuyện của bà cuối cùng thế nào cũng xoay về “cái hồi cải cách”.

Mẹ tôi nhớ rành rọt ngày ấy, tháng ấy, mùa đông năm ấy, bà ngoại mặc áo kép màu gì, đang vừa cho con bú vừa chia lộc cúng rằm cho mấy người đến nộp tô thế nào; ông đang đọc sách uống trà trên cái ghế nào thì “đội” đến thị uy ra sao, người ăn kẻ ở trong nhà đột nhiên hỗn láo thế nào với các cụ. Mẹ tôi nhớ đến từng củ khoai lang gày gò như đốt tay mà người họ hàng xa lén lút dúi cho khi mẹ bế em đói gần lả đứng đầu ngõ. Mẹ nhớ cái dáng nhẫn nại của ông ngoại cúi gằm xuống trên cái sân gạch bỏng rát nghe đấu tố. “Tội nghiệp, ông cả đời chỉ đọc sách và đi làm việc công, ruộng cả ao liền, tiền bạc trong nhà bà lo hết, cách mạng bảo ông đưa bao nhiêu, ông lại về khảo bà, bà lại dúi cho, ông biết gì là bóc lột đâu mà khai”. Mẹ nhớ từng cái sập lim, từng cái rương, từng cái áo cánh hoa lý, đôi xà tích bạc của cụ cố, của ông bà đã theo chân “đội” phát tán khắp làng trên xóm dưới.



Trong ký ức của một cô bé 10 tuổi là mẹ tôi khi ấy, cải cách ruộng đất là cả một nỗi buồn mênh mang u ám trùm lên suốt thời thơ ấu. Bằng cớ rõ nhất là ký ức của mẹ hình như dừng lại từ “cải cách”, những dấu mốc thời gian về sau không len được vào bộ nhớ của mẹ.

Nhưng cũng thật kỳ lạ là khi chúng tôi hỏi: "Sao mẹ suốt ngày kể về cải cách, mà thỉnh thoảng có người ở quê ra, nào khám chữa bệnh, nào đi thi đại học, nào xin việc, toàn là con cháu của những người ngày xưa đấu tố ông bà, sao mẹ vẫn niềm nở mời ở lại, nấu nướng cho ăn, dúi tiền tàu xe, quà cáp khi về? Sao mẹ không cấm cửa họ? Nhớ lâu thế sao mẹ không ghét?".

Câu trả lời nhẹ nhõm bất ngờ: “Thì toàn họ hàng làng xóm cả, không gần thì xa, ghét họ thì về quê còn nhìn ai nữa? Mình bị trời bắt phải nhớ thì cứ nhớ thế thôi, chứ cũng nên thương họ, lúc ấy, bảo họ làm thế nào thì họ làm, họ có nhận thức được như thế là bạc, là ác, là sai trái đâu”.

Khi chúng tôi trưởng thành, đi làm, tiếp xúc xã hội, quen biết thêm rất nhiều nhân chứng của cải cách, chúng tôi bắt đầu hiểu cái cuộc cách mạng long trời lở đất về tư liệu sản xuất những năm 50 của thế kỷ trước trên khắp vùng nông thôn miền Bắc - Trung bộ ấy không chỉ là ký ức buồn của những cô bé như mẹ tôi. Nó có thể là nỗi cay đắng của hàng chục nghìn gia đình từ đủ ăn đủ mặc đến tài sản “cò bay thẳng cánh”, nay trở nên tay trắng, nó có thể là niềm oan khuất của hàng nghìn người đã mở rộng cả tấm lòng lẫn hầu bao cho cách mạng thời tiền khởi nghĩa, thời kháng chiến rồi nhận về những xúc phạm, nghi kỵ, những đấu tố và thậm chí cả cái chết.

Nhưng nó cũng là niềm vui của hàng triệu bần cố nông khác khi lần đầu được dắt con trâu ra đồng với tư cách “chủ nhân ông”, lần đầu được cày trên thửa ruộng “của mình”, lần đầu được ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước, dẫu ngay mùa sau, con trâu không biết chăm đã kiệt sức mà chết, bộ tràng kỷ đã chẻ ra nấu cỗ trong một dịp liên hoan với “đội”, còn thửa ruộng chỉ sau 2-3 vụ lúa đã trở lại thành “tài sản chung” trong công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp.

Và ở phương diện khác, nó cũng là nguồn động lực không nhỏ cho những đoàn dân công hỏa tuyến, những đội Vệ quốc đoàn được thành lập vội vã từ vùng giải phóng, hào hứng băng đèo xẻ núi lên Điện Biên, tham gia vào một chiến dịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh Đông dương, để rồi kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Những đội quân ấy ra đi, với một niềm tin lớn lao là mẹ, vợ, con họ ở nhà đã có dù chỉ một nửa hay một phần ba suất trâu cày, đã có hoa lợi từ sào ruộng giắt lưng cho qua mùa giáp hạt. Dẫu cho đến tận bây giờ, bài toán ruộng đất vẫn làm nhức nhối cả xã hội, thì ngày ấy, trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, gần 10 triệu bần cố nông Việt Nam đã chạm tay vào giấc mơ ấy.

Lịch sử không bao giờ đi bằng một chân và cũng không cá nhân nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình đi ngược dòng chảy của nó mà không bị cuốn phăng, không bị bầm dập.

Có nhiều tư liệu đã và đang dần dần được công bố về cải cách, về nguyên nhân, mục tiêu của công cuộc này, từ nhiều phía khác nhau, cả chính thống và phi chính thống.

Cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất nho nhỏ và chắc chắn chỉ là ban đầu này cũng đã bắt đầu gây ra những tranh cãi không nhỏ: 60 năm rồi còn khơi lại làm gì vết thương đã thành sẹo? Đã “bạch hóa” sao không bày ra cho hết, nói cho hết? Đã công nhận sai và có sửa sai, sao không công bố trọn vẹn tư liệu về kết quả, hậu quả của sai lầm? Và đã xin lỗi, sao không có chính sách ở diện rộng bù đắp cho thân nhân những người chịu oan ức?

Biết bao nhiêu câu hỏi có thể đặt từ một triển lãm bé nhỏ về một thời đau thương đã quá nửa thế kỷ. Chắc chắn chẳng cá nhân và tổ chức nào có thể đủ năng lực và thẩm quyền trả lời cũng như giải quyết ngay. Có nhiều người đã chết trong oan khuất, nhiều người có thể vẫn ôm nỗi nghẹn ngào uất hận, và cũng rất nhiều người như mẹ tôi, nhớ chỉ vì “trời bắt nhớ”, chứ chẳng giận ai, chẳng ghét ai.

Vậy thì hãy để lịch sử đã bị quên lãng hiện ra, từ từ, bằng những bắt đầu giản dị như triển lãm Cải cách ruộng đất. Người xem, dù là nhân chứng hay 2-3 thế hệ sau sẽ tự hiểu, tự đánh giá, chẳng cần nhiều lời, không thiên kiến và càng không là thù hận.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen