TS. Lê Văn Út - TS. Thái Lâm
Toàn
Từ năm 2006 – 2010, Việt Nam chỉ
có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế.
Trong khi đó, năm 2011, chúng ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký.
Không bằng sáng chế là chuyện…
bình thường?!
Một chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học
của một nước là số bằng sáng chế. Số bằng sáng chế không chỉ phản ánh hiệu quả
thực tiễn của các kết quả nghiên cứu lý thuyết, mà còn cho biết tiềm lực về
nghiên cứu ứng dụng. Thực tế cho thấy những nước có nhiều bằng sáng chế thì thường
xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao và thu được nhiều lợi nhuận.
Để bảo đảm tính “khách quan”, người viết không thống kê số bằng
sáng chế Mỹ của chính nước Mỹ. Bài viết chỉ đề cập số bằng sáng chế Mỹ trong
năm 2011, và được trích lục từ Văn phòng thương hiệu và bằng sáng chế Mỹ
(USPTO). Dữ liệu về dân số và thu nhập được lấy từ BBC.
Theo thống kê, Nhật Bản là nước đứng đầu với 46139 bằng sáng chế,
kế đến là Hàn Quốc với 12262 bằng sáng chế. Điều đáng lưu ý là Trung Quốc được
xếp thứ 8 với 3174 bằng sáng chế; trong năm 2010, Trung Quốc cũng được xếp thứ
8 với 2657 bằng sáng chế.
Bảng 1: Nhóm 10 nước dẫn đầu
(trừ Mỹ):
Hạng
|
Nước
|
Dân số (triệu)
|
Số bằng sáng chế 2011
|
1
|
Nhật Bản
|
126.9
|
46139
|
2
|
Hàn Quốc
|
48.9
|
12262
|
3
|
Đức
|
82.1
|
11920
|
4
|
Đài Loan
|
23
|
8781
|
5
|
Canada
|
34.3
|
5012
|
6
|
Pháp
|
62.6
|
4531
|
7
|
Vương Quốc Anh
|
62.4
|
4307
|
8
|
Trung Quốc
|
1,350
|
3174
|
9
|
Israel
|
7.3
|
1981
|
10
|
Úc
|
21.5
|
1919
|
(Trung Quốc: không tính Hồng Kông và Ma Cao)
Trong khu vực Đông Nam Á, đất nước nhỏ bé Singapore với 4.8 triệu
dân có 647 bằng sáng chế (một đất nước xa xôi ở Bắc Âu với dân số tương đương,
Phần Lan với 5.3 triệu dân cũng có 951 bằng sáng chế). Đứng thứ hai là Malaysia
với 161 bằng sáng chế. Trong khi đó, Việt Nam không có bằng sáng chế nào đăng
kí ở Mỹ trong năm 2011.
Bảng 2: Nhóm vài nước Đông Nam
Á:
Hạng
|
Nước
|
Dân số (triệu)
|
Số bằng sáng chế 2011
|
1
|
Singapore
|
4.8
|
647
|
2
|
Malaysia
|
27.9
|
161
|
3
|
Thái Lan
|
68.1
|
53
|
4
|
Philippines
|
93.6
|
27
|
5
|
Indonesia
|
232
|
7
|
6
|
Brunei
|
0.407
|
1
|
7
|
Việt Nam
|
89
|
0
|
Trong bối cảnh Việt
Nam phải hội nhập với thế giới bên ngoài về mọi mặt, đặc biệt là về khoa học và
công nghệ, kết quả thống kê trên thật sự đáng ngại cho khoa học Việt Nam. Chia
sẽ vấn đề này, PGS. Phạm Đức Chính (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết:
“Nghiên cứu cơ bản của Việt Nam chúng ta so sánh trong khu vực, trên cơ sở thống
kê công bố quốc tế ISI, thua kém khá xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Về mặt công nghệ, ứng dụng thì tình hình còn tệ hơn, như theo một chỉ số quan
trọng mà thống kê này cho thấy. Nếu như cứ cho rằng tiềm năng thực của chúng ta
không tệ tới mức như vậy, thì năng lực hội nhập của chúng ta lại còn yếu hơn nữa.
Mà yếu tố sống còn và đi lên của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mọi mặt hiện
nay, là chúng ta phải hội nhập được với thế giới.
Tuy nhiên, một thực tế là vấn đề tác quyền ở Việt Nam chưa được
xem trọng một cách đúng mức. GS. Nguyễn Đăng Hưng (nguyên Trưởng khoa Cơ học
phá hủy, Đại học Liège, Bỉ) chia sẻ: "Tôi không ngạc nhiên về những con số
thống kê mà các tác giả đã có công tra cứu tham khảo. Bằng sáng chế là thước đo
đẳng cấp công nghệ kỹ thuật của một nước. Việt Nam kém cỏi về công bố quốc tế về
khoa học. Nhưng tụt hậu về khâu công nghệ kỹ thuật, không có bằng sáng chế đăng
ký thì quả là trầm trọng hơn”.
Nguyên nhân vì đâu?
Đã đến lúc các nhà quản lí khoa học ở Việt Nam phải nhìn nhận lại
thực tế yếu kém của khoa học Việt Nam, đặc biệt là các khoa học ứng dụng. So với
các nước trong khu vực thì Việt Nam có số lượng tiến sĩ rất lớn, nhưng thành tựu
khoa học của Việt Nam, cụ thể là số bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ, quá yếu kém như
thế thì quả là một thực tế khó chấp nhận. Đã đến lúc, Nhà nước và các nhà khoa
học phải có một nhận thức chung về nguyên nhân và cách khắc phục sự yếu kém
trên.
Là người có nhiều nghiên cứu về khoa học Việt Nam, GS. Nguyễn
Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan và ĐH New South Wales) đã chỉ ra một số
lý do mà theo quan điểm của cá nhân ông là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này:
"Tôi không ngạc nhiên với
số bằng sáng chế của Việt Nam được đăng kí ở Mĩ. Trong một bài trước đây, tôi
trích dữ liệu từ báo cáo của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000 - 2007, các
nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình
chỉ 2 bằng sáng chế. Có năm (như 2002) không có bằng sáng chế nào được đăng kí.
Do đó, năm 2011 không có bằng sáng chế từ Việt Nam được đăng kí cũng có thể xem
là chuyện… bình thường.
Nhưng một điều không bình thường là với một đội ngũ trên 9.000
giáo sư và phó giáo sư, và hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ mà không có bằng
sáng chế đăng kí. Càng không bình thường khi chúng ta so sánh với Thái Lan (có
ít giáo sư và tiến sĩ hơn ta) khi trong cùng thời gian 2000-2007 đã có đến 310
bằng sáng chế. Có thể nói rằng trong các nước Đông Nam Á (ngoại trừ Lào,
Kampuchea và Miến Điện) Việt Nam có số bằng sáng chế thấp nhất.
Nhưng tôi nghĩ con số bằng sáng chế không có nghĩa là khả năng
sáng tạo của người Việt thấp.Tôi nghĩ khả năng sáng tạo của người Việt không
kém bất cứ ai; chỉ cần nhìn qua sự thành công của các chuyên gia gốc Việt ở nước
ngoài thì biết nhận xét đó không quá đáng. Tôi nghĩ con số đó phản ảnh khả năng
hội nhập khoa học và công nghệ của Việt Nam chưa cao, và thiếu tầm trong quản
lí khoa học. Trong thực tế, các nhà lãnh đạo khoa học ở Việt Nam chưa quan tâm
đến vấn đề đăng kí bằng sáng chế, vì họ vẫn còn loay hoay với những thủ tục
hành chính.Có người còn chưa biết thủ tục để đăng kí ra sao!
Cũng cần nói thêm rằng Việt Nam chưa có một cơ chế để hỗ trợ và
phụ trách đăng kí sáng chế.Theo tôi biết, Việt Nam còn thiếu những luật sư có
kinh nghiệm trong việc đăng kí bằng sáng chế và sở hữu trí tuệ.Nhà khoa học thì
chắc chưa chắc có khả năng tài chính để tự đăng kí, mà dù cho có khả năng tài
chính thì không có luật sư cũng khó làm được.Trong khi đó, các đại học còn chưa
quan tâm đến nghiên cứu khoa học, thì họ đâu có thì giờ quan tâm đến việc đăng
kí bằng sáng chế.
Ngoài ra, nhiều nghiên
cứu khoa học (tôi chỉ nói trong lĩnh vực y khoa) thường tập trung vào những chủ
đề khó có thể đăng kí bằng sáng chế.Nghiên cứu y khoa thường chia thành 3 loại:
me too, incremental knowledge, và breakthrough. Nghiên cứu me too (bắt chước)
có nghĩa là những nghiên cứu bắt chước người khác ở môi trường Việt Nam, không
cho ra một phương pháp hay phát hiện gì mới, chủ yếu là để học nghề.
Nghiên cứu mang tính incremental knowledge là những nghiên cứu
có đóng góp vào tri thức khoa học, nhưng mức độ đóng góp tương đối khiêm tốn
(như phát triển phương pháp mới, phát hiện mới, cách tiếp cận mới,…) Các công
trình breakthrough hay đột phá có nghĩa là những nghiên cứu định ra một trường
phái mới, định nghĩa một lĩnh vực mới.Hầu hết những nghiên cứu từ Việt Nam là
me too nên khó có thể phát triển cái gì mới để có thể đăng kí bằng sáng chế.
Những lí do trên có thể giải thích tại sao Việt Nam chúng ta có
mặt rất khiêm tốn trong bản đồ sáng tạo tri thức mới và bằng sáng chế".
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen