Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Trong đó
chỉ có hơn 9.000 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường.
Như
vậy 15.000 tiến sĩ còn lại không ít người đang làm quan chức. Vấn đề đặt ra ở
đây là tấm bằng tiến sĩ giúp gì cho việc lãnh đạo, quản lý đất nước hay nó chỉ
làm tăng thêm nạn “tiến sĩ giấy”? Các chuyên gia, nhà phê bình am tường về lĩnh
vực nghiên cứu cũng như hành chính công để cùng bàn thảo.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tán thành tách rời học vị với địa vị
Tôi
cho rằng cái việc đề ra mục tiêu phấn đấu có 20.000 tiến sĩ trong thời gian từ
nay đến năm 2020 cũng là xuất phát từ cách hiểu sai quan niệm đào tạo tiến sĩ.
Nguy hơn nữa là đòi hỏi “tiến sĩ hóa” đội ngũ công chức của bộ máy nhà nước.
Tiến
sĩ là phải nghiên cứu khoa học. Tìm ra được một đề tài, đối tượng có tính khoa
học để nghiên cứu không phải là việc dễ dàng, đơn giản. Cho nên tiến sĩ thường
gắn với các trường đại học, các viện nghiên cứu - là những nơi có chức năng
chính là làm khoa học để giảng dạy và công bố. Việc đòi “tiến sĩ hóa” công chức
lại có nguồn gốc từ một quan niệm sai khác nữa: Coi bằng cấp là một căn cứ quan
trọng, có tính quyết định trong việc bổ nhiệm quan chức. Người Việt Nam háo
danh, càng có chức quyền càng háo danh và ở thời loạn bằng cấp như hiện nay,
khi các loại bằng cấp từ thấp đến cao đều có thể kiếm được và mua được thì các
quan chức càng thích trưng tên họ, chức vụ mình kèm theo học vị thạc sĩ, tiến
sĩ, giáo sư.
Tôi
tán thành ý kiến của GS Trần Văn Thọ về việc cần phải kiên quyết tách rời học vị
và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà bổ nhiệm. Tại sao có những
nước trên thế giới bộ trưởng quốc phòng lại không phải là một nhà binh, cũng
như bộ trưởng giáo dục lại không phải là một người có bằng cấp cao? Tại vì những
người đứng đầu các bộ đó là lo về quản lý nhà nước lĩnh vực đó, còn các vấn đề
chuyên môn đã có các hội đồng chuyên gia. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc
bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó bệnh “loạn tiến sĩ” còn có nguy cơ gia tăng
và thêm trầm trọng.
GS Nguyễn Đăng Hưng: Quái trạng của nền hành chính
Việc
các quan chức đua nhau làm bằng tiến sĩ là tình trạng quái dị của nền hành
chính Việt Nam. Bằng tiến sĩ thực sự đòi hỏi trình độ thâm sâu, khả năng nghiên
cứu khoa học thiên bẩm, được hướng dẫn bởi các nhà khoa học thực thụ. Người có
bằng tiến sĩ đúng nghĩa phải can qua thời gian dài tôi luyện, quá trình động
não liên tục và bền bỉ. Các quan chức làm gì có điều kiện và trình độ như vậy.
Họ kiếm bằng tiến sĩ bằng các thủ thuật xấu hổ dựa trên một nền giáo dục đã
băng hoại và tha hóa. Và dĩ nhiên là họ chỉ có được bằng dỏm hay nếu bằng thật
thì trình độ chỉ có thể là dỏm. Tôi cho đây là một trò đùa xấu hổ và dĩ nhiên
là nó chẳng đem lại gì cho xã hội mà ngược lại là một sự phí phạm vô lối, phí
phạm thì giờ và ngân sách.
Việc
đặt ra tiêu chí bằng cấp một cách chung chung để xác định lương tiền là một sai
lầm khó hiểu. Lẽ ra tiêu chí phải chính xác hơn: trình độ nào cho công việc ấy.
Và muốn chọn người chính xác phải qua xét tuyển độc lập và thời gian thử nghiệm.
Các cơ quan quản lý sẽ không cần trình độ tiến sĩ mà chỉ cần người có trình độ
tối thiểu cần thiết và khả năng làm việc hiệu quả.
Chẳng
hạn tại Bỉ, các cơ quan nhà nước hay các công ty tư nhân không có chỉ số lương
cho bậc tiến sĩ. Chỉ có chỉ số lương cho các bậc thấp hơn: tốt nghiệp cao đẳng,
cử nhân, kỹ sư.
Tại
các nước tiên tiến, phải có trình độ và kinh nghiệm mới được thu nhận và lương
bổng tùy thuộc vào các giá trị cụ thể ấy. Việc tuyển chọn phải công khai, mở ra
cho mọi thành phần. Còn Việt Nam ta thì không giống ai: Được bổ nhiệm theo lý lịch
thành phần, tín nhiệm theo thân hữu gia tộc rồi mới đi học, học tại chức, học
chuyên tu. Trên thực tế là học cho lấy có, đáp ứng yêu cầu hình thức, chẳng thu
thập được gì gọi là chuyên môn…
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng Liên trường ĐH vùng
Đông Bắc bang Massaschusetts: Học vị không làm tăng năng suất, giá trị thì vô bổ!
Tôi
từng làm việc cho một cơ quan cấp bộ của một bang ở Mỹ, có khoảng 4.500 nhân sự
các cấp. Trong đó khoảng 15% có bằng thạc sĩ, luật sư và bác sĩ, 60% có bằng cử
nhân, 25% dưới bậc cử nhân. Có khoảng 10 nhân viên có bằng tiến sĩ nhưng nhu cầu
công việc không đòi hỏi bậc tiến sĩ nên chỉ có hai người làm công tác quản lý,
còn lại là nhân viên thường thôi.
Điều
đó cho thấy tính ứng dụng của nước Mỹ rất cao, đòi hỏi học vấn phải đi đôi với
năng lực và công việc cụ thể. Học vị chỉ có giá trị khi có giá trị cộng thêm
trong công việc được giao phó, nếu không thì sẽ không được dùng, bất kể là ai
hay ở vị trí nào.
Ở
Mỹ, học lấy bằng thạc sĩ thì chỉ 1-2 năm. Riêng chương trình tiến sĩ ở Mỹ phải
mất đến 4-5 năm. Nó đòi hỏi người học phải bỏ công sức rất nhiều cho việc học,
thi và làm nghiên cứu cho luận án. Thống kê cho thấy chỉ có 57% hoàn tất chương
trình tiến sĩ sau thời gian 10 năm, riêng ngành xã hội và nhân văn thì chỉ có
49%. Người học phải thật khá và đam mê theo đuổi nó. Do đó không ai bỏ công sức
đi học lấy bằng tiến sĩ chỉ vì mấy bậc lương hay một chút hư danh. Tôi nghĩ ở
Việt Nam những người có khả năng và đam mê học thuật cũng vậy thôi.
Hầu
hết các nước đào tạo bậc tiến sĩ chỉ cho hai mục đích giảng dạy và nghiên cứu,
hai lĩnh vực này có sự tương quan một cách tự nhiên. Do đó số lượng tiến sĩ
trong các cơ quan nhà nước rất ít, ngoại trừ một số cơ quan liên quan đến việc
nghiên cứu như y tế, năng lượng, quốc phòng...
Nếu
yêu cầu học vị không gắn liền với nhu cầu công việc, làm tăng năng suất và giá
trị thì học vị cao có ích lợi gì. Theo tôi, hầu hết nhu cầu công việc quản lý
trong lĩnh vực công và tư chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ theo mặt bằng của thế
giới là tốt lắm rồi. Thậm chí hiệu trưởng các trường đại học và giám đốc bệnh
viện cũng chỉ đòi hỏi trình độ thạc sĩ, còn nếu có học vị cao hơn mà có khả
năng quản lý thì tốt.
TS Alan Phan: Mỹ: Muốn có tiền và có quyền thì đừng làm nhà nước
Có
một nghịch lý giữa Việt Nam và Mỹ là ở Việt Nam muốn vô nhà nước là để kiếm tiền
và kiếm quyền. Còn ở Mỹ thì cực chẳng đã mới vào làm trong cơ quan nhà nước. Bởi
ở đây quyền chẳng có nhiều mà tiền cũng chẳng có. Muốn có được quyền và nhiều
tiền thì phải đi ra ngoài làm việc và thành công.
Trong
một nền kinh tế sáng tạo thì bằng cấp không có ý nghĩa gì mà cái chính là năng
lực. Tất nhiên khi muốn làm công tố viên của chính phủ thì phải có bằng luật
sư… nhưng không nhất thiết phải là tiến sĩ. Việc lương cao hay thấp là do năng
lực chứ không dựa trên tiêu chí của bằng cấp đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi
cái quan trọng lànếu có bằng tiến sĩ ông ta làm gì với cái bằng đó mới là quan
trọng. Còn nếu có bằng tiến sĩ mà ông ấy không làm gì thì cái bằng chẳng có ý
nghĩa gì. Nhìn vào Bill Gates, ông ấy có cần bằng tiến sĩ đâu nhưng vẫn đóng
góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước…
Mặc
dù bên Mỹ tuy không có tiêu chuẩn gì cho tất cả bằng đại học nhưng ở sáu bang đều
có các cơ quan kiểm định xác nhận chất lượng của trường đó. Thường các viện đại
học lớn sẽ có khoa thẩm định để bảo đảm chất lượng giáo dục theo đúng tiêu chuẩn
tốt. Các hội đồng thẩm định này không do chính phủ kiểm soát mà do các trường đại
học kiểm soát lẫn nhau. Vì thế các hội đồng lại càng làm hăng say hơn, vì nếu để
lọt trường dở vào thì giá trị thẩm định của các viện đại học đó bị ảnh hưởng.
Nên thành ra có ích lợi rất ích kỷ nhưng rất tốt bởi nó phải nâng cao tiêu chuẩn
lên.
Và
như vậy trường nào ở bang nào thì phải xin đăng ký do ban kiểm định ở bang đó.
Nếu không đăng ký hoặc bị các hội đồng này từ chối vì chất lượng thấp thì… bằng
đó cũng không có giá trị.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen