Montag, 24. März 2014

Tiến sĩ giấy – Một khái niệm mang ý nghĩa mới

                                                                                                                           Mai Quốc Ðạt
Gần đây một số tờ báo đưa tin một doanh nhân chế tạo được tàu ngầm. Rồi trước đó là tin về bác nông dân lai tạo thành công giống mít lạ, anh thợ sửa xe máy chế tạo trực thăng, hay em học sinh nọ sáng chế ra máy quét rác thông minh. Đó là tin mừng về khả năng sáng tạo của người Việt và của nhân loại nói chung.

Công luận ca ngợi những chế tạo này (tác giả bài viết không sử dụng từ “phát minh” vì “phát minh” là một phát kiến hoàn toàn mới mẻ). Thậm chí với hơn 200 bình luận, một bộ phận công luận còn cho rằng doanh nhân chế tạo tàu ngầm tài năng hơn vài chục tiến sĩ . Ngoài ý nghĩa thường gặp của “tiến sĩ giấy” khi mỉa mai những người học tiến sĩ theo những phương thức đào tạo không hợp pháp hay khoa học, cụm từ “tiến sĩ giấy” còn nhằm nói đến những nhà khoa học không có khả năng chế tạo.

Khi “tiến sĩ giấy” ám chỉ sự thiếu hụt năng lực chế tạo của các nhà khoa học, tác giả cho rằng chúng ta cần xem xét lại tiến sĩ ở mức độ nào là “giấy”, thông qua việc tìm hiểu các loại bằng cấp tiến sĩ, thuộc tính đào tạo, và ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Các loại bằng tiến sĩ
Nhìn chung, trên thế giới có bốn loại bằng cấp tiến sĩ. Thứ nhất là tiến sĩ nghiên cứu (Doctor of Philosophy, DPhil hay PhD) chuyên về đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu, với yêu cầu đầu ra là một luận án khoảng 80.000 đến 100.000 chữ. Hầu hết chương trình này nhấn mạnh đến việc đào tạo khả năng nghiên cứu khoa học để giúp sinh viên có thể nghiên cứu sau tiến sĩ, làm việc ở các viện nghiên cứu, hay giảng dạy đại học, giống như bản thân trong chữ “doctorate” (bằng tiến sĩ) đã có gốc từ Latin “docere” có nghĩa là “giảng dạy”.


Loại tiến sĩ thứ hai là tiến sĩ chuyên nghiệp (professional doctorate) nhằm đào tạo những người có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, muốn có khả năng ứng dụng kiến thức vào công việc. Chương trình này bao gồm 50% môn học và 50% đề tài nghiên cứu từ 40.000 đến 50.000 chữ.

Loại tiến sĩ khác là tiến sĩ thông qua công trình xuất bản (doctorate by publication) hướng đến việc đào tạo cấp bằng cho những nhà nghiên cứu đã xuất bản các công trình ở dạng sách, biên khảo, bài báo khoa học có thẩm định, hoặc tác phẩm nghệ thuật. Sinh viên thuộc chương trình này phải viết thêm một chương luận án hoặc bài luận khoảng 20.000 chữ để kết nối các công trình đã xuất bản của mình thành một chủ đề nhất quán .

Tiến sĩ danh dự (honorary doctorate) là danh hiệu trường đại học chỉ chọn lọc cấp cho những ai có đóng góp to lớn cho trường hoặc cộng đồng, thường mang ý nghĩa nhân văn và ngoại giao.

Thuộc tính của chương trình đào tạo tiến sĩ - Kỹ năng nghiên cứu độc lập
Ngoại trừ bằng tiến sĩ danh dự, các chương trình tiến sĩ không mưu cầu đào tạo khả năng “phát minh” để làm thay đổi thế giới. Ví dụ chương trình tiến sĩ khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa Hà Nội hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên “có trình độ chuyên môn sâu, có khả năng nghiên cứu và lãnh đạo nhóm nghiên cứu của chuyên ngành, có tư duy khoa học, có khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề khoa học chuyên ngành, có khả năng trình bày – giới thiệu các nội dụng khoa học, đồng thời có khả năng đào tạo các bậc đại học và cao học” .
Mục tiêu đào tạo tiến sĩ của Đại học Queensland (Australia) là “nâng cao việc phát triển các kỹ năng nghiên cứu độc lập” của sinh viên. Mục tiêu của chương trình này nhằm đào tạo “khả năng xác định được vấn đề cần nghiên cứu, phát triển sự nắm vững cách xác lập khái niệm khoa học và các phương pháp nghiên cứu, giải trình vấn đề nghiên cứu thông qua việc phát triển kiến thức mới trong chuyên ngành.”

Đại học Melbourne (Australia) cụ thể hóa năng lực của tiến sĩ sau khi tốt nghiệp với “khả năng học thuật xuất sắc, có kiến thức sâu trong chuyên ngành và liên ngành, khả năng dẫn đầu cộng đồng, linh hoạt trong môi trường đa văn hóa để trở thành công dân toàn cầu.”
Chương trình tiến sĩ ngành Chính sách công của Harvard (Hoa Kỳ) cũng hướng đến việc đào tạo kỹ năng nghiên cứu để sinh viên tốt nghiệp có thể “định hướng nghiên cứu chính sách công và đào tạo thế hệ các nhà nghiên cứu, giáo viên và lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp.”

Nếu mỗi năm hơn 8.000 trường trên thế giới đào tạo ra hơn 100.000 tiến sĩ có khả năng thay đổi thế giới bằng những phát minh, như vậy sau một thế kỷ thì chắc là thế giới sẽ bị thay đổi đến từng hạt bụi! Thay vì vậy, các viện đào tạo luôn nhấn mạnh đến năng lực nghiên cứu độc lập để giảng dạy ở bậc học đại học, nghiên cứu ở các viện, hay phát triển chuyên môn theo hướng độc lập. Tại sao cần đào tạo năng lực nghiên cứu lý thuyết?

Nghiên cứu để tạo ra lý thuyết – Ứng dụng lý thuyết để thực hiện nghiên cứu mới hoặc chế tạo
Tác giả xin được bắt đầu phần này bằng một ví dụ điển hình về việc sản xuất máy bay. Năm 1900, Wilbur Wright và Orville Wright bắt tay vào việc chế tạo “máy lượn” trên bầu trời sau gần 4 năm nghiên cứu các lý thuyết về hàng không và động học không gian của Octave Chanute, Louis Pierre Mouillard và Samuel Pierpont Langley. Mãi đến 1903 họ mới phát minh ra chiếc “máy lượn” Flyer có 2 lớp cánh mà phi công phải nằm sấp điều khiển. Sau nhiều thất bại, Flyer đã bay cao được chưa tới 100 mét trong vòng 59 giây. Anh em nhà Wright phải dựa trên những lý thuyết đã được nghiên cứu trước đó để sáng chế ra Flyer.

Trải qua một thế kỷ, dựa trên phát minh “máy lượn” của Wright, các tập đoàn hàng không đã sản xuất nhiều loại máy bay hiện đại và an toàn. Thậm chí chiếc Airbus A380 có sức chứa từ 555 đến 853 hành khách, bay liên tục 16.000 cây số. Airbus A380 là sự cộng tác toàn cầu khi đôi cánh được sản xuất ở Anh, thân và đuôi tại Đức, cửa được đặt hàng từ Tây Ban Nha, Pháp chịu trách nhiệm thiết kế buồng lái và lắp ráp cuối cùng. Airbus còn liên kết với 27 quốc gia khác và hơn 500 công ty của Mỹ để sản xuất thiết bị cần thiết . Mỗi một thiết bị, dù nhỏ nhất, là sản phẩm của quá trình nghiên cứu lý thuyết chặt chẽ và khoa học. Các nhà sản xuất Airbus dựa vào các lý thuyết này để thí nghiệm, chỉnh sửa, ứng dụng, tái chỉnh sửa và sản xuất.

Airbus A380 là tổng hợp sản phẩm của lý thuyết từ động lực học, sức bền vật liệu cho đến khí tượng học. Cá nhân tập đoàn Airbus hay một nhà khoa học đơn lẻ không làm được điều này, mà phải có sự cộng tác của các nhà khoa học dưới hình thức trực tiếp (thuê nghiên cứu theo dự án) hoặc gián tiếp (thử nghiệm từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản).
Ví dụ về máy bay, trong hàng vạn các ví dụ khác trong cuộc sống, đưa ra một số ý nghĩa sau. Một là, nghiên cứu khoa học tạo ra nền tảng lý thuyết. Lý thuyết này được ứng dụng vào cuộc sống. Nếu nhà nghiên cứu tạo ra lý thuyết mới có thể cùng đồng thời có phát minh mới thì đó là sự hoàn hảo. Nhưng chúng ta không hoàn hảo và thông minh như bộ bách khoa toàn thư. Do đó, người áp dụng lý thuyết để ứng dụng vào cuộc sống không nhất thiết phải là nhà nghiên cứu. Người có bằng tiến sĩ được trang bị khả năng nghiên cứu độc lập, chứ không phải khả năng phát minh hay chế tạo ra cái mới cho nhân loại.

Hai là, có sự khác nhau giữa các loại nghiên cứu. Nghiên cứu cơ bản để tạo ra lý thuyết mới khác với nghiên cứu ứng dụng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, khác với nghiên cứu đánh giá lý thuyết và mô hình ứng dụng, hay nghiên cứu hành động để thử nghiệm mô hình và tìm giải pháp. Tuy nhiên, các loại nghiên cứu này để có quy tắc chung là sáng tạo ra kiến thức mới. Nếu chúng ta nghiên cứu mà không tạo ra được kiến thức mới gì hết thì đó không phải là nghiên cứu. Nghiên cứu xác đáng sẽ tạo nền tảng lý thuyết mới cho các nghiên cứu tiếp theo. Phát triển kiến thức là trách nhiệm của các nhà khoa học có học vị tiến sĩ.

Ba là, sự hấp thu nền tảng lý thuyết đã được minh chứng khoa học càng vững vàng thì khả năng chế tạo càng có nhiều ưu điểm. Đầu thế kỷ 20 chưa có nhiều nghiên cứu lý thuyết về khí tượng, khí động học, hay sức bền vật liệu nên “máy lượn” của Wright không thể nào an toàn bằng chiếc Airbus hiện tại. Chế tạo tàu ngầm cũng phải dựa trên những lý thuyết về vật lý, khí tượng, thủy lực, hay đại dương. Không có sự hiểu biết đa chuyên ngành thì sẽ không có tàu lặn, mà chỉ có… tàu chìm!
Bốn là, phát minh luôn là kết quả cộng tác của người thiết kế, thực hiện phát minh, và nghiên cứu khoa học. Ví dụ, ở đầu thế kỷ 20, “máy lượn” của Wright chưa được trang bị được vật liệu composite hay tăng hiệu suất kiến trúc điện thông qua thủy lực của máy nén và bơm chạy bằng điện như Boeing Dreamliner 787. Chuyến bay của Wright ngắn hơn, thấp hơn, và dĩ nhiên không thể nào an toàn hơn Boeing Dreamliner 787. Do đó, phát minh ra cái mới là một thành quả lao động trí óc, sáng tạo, nghiên cứu và thử nghiệm. Một phát minh thực thụ bao giờ cũng là thành quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Tất cả phát minh lấy kết quả nghiên cứu lý thuyết làm nền tảng. Các nghiên cứu này tồn tại trên… giấy!

Tiến sĩ “giấy” đến mức nào?

Là một nước đang phát triển nên Việt Nam cần có những chất xúc tác đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Chúng ta cần những kết quả nghiên cứu để áp dụng nhanh vào thực tiễn. Nhưng điều này không có nghĩa rằng tất cả nghiên cứu phải giải quyết vấn đề và thay đổi cuộc sống. Nếu nói như vậy thì chắc là hàng trăm vị tiến sĩ tốt nghiệp kinh tế ở Harvard hay Stanford đã giúp chính phủ Mỹ không rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Hàng trăm giáo sư và tiến sĩ trên thế giới đã có thể chặn đứng thiên tai và cứu sống hàng triệu mạng người! Nghiên cứu về bổ đề cơ bản của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã tạo ra điều thiết thực gì cho cuộc sống mà được trao giải Fields năm 2010? Giáo sư Peter Higgs và Francois Englert đã “chế tạo” cái gì cho thế giới với nghiên cứu lý thuyết về nguồn gốc của khối lượng các hạt dưới nguyên tử? Họ không có “chế tạo” nào nhưng tại sao lại được trao giải Nobel Vật lý năm 2013?

Nghiên cứu để tạo nền tảng cho sự hiểu biết mới trong chuyên ngành. Sự hiểu biết mới sẽ được ứng dụng như thế nào phụ thuộc vào hoàn cảnh của người sử dụng trong bối cảnh quốc gia và cộng đồng cụ thể. Là nhà khoa học, tiến sĩ có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu để công bố. Sự công bố kết quả nghiên cứu của họ được đánh giá thông qua hội đồng khoa học, các tạp chí quốc tế, hay các nhà xuất bản. Nói cách khác, sự đóng góp của họ thông qua bằng cấp, bài báo, sách, hay các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều nằm trên… giấy! Nói họ là tiến sĩ “giấy” thì không sai chút nào!
Nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ và bài báo khoa học ở Việt Nam có tựa đề là “thực trạng và giải pháp” cho một vấn đề gì đấy, ở địa phương nào đấy. Các tựa đề nghe có vẻ thuộc về nghiên cứu ứng dụng. Điều đó cho thấy tham vọng của nhà nghiên cứu muốn làm thay đổi cuộc sống thông qua nghiên cứu của mình. Quá trình học tập 2 năm cho thạc sĩ và 3 đến 4 năm cho tiến sĩ có đủ để làm thay đổi cuộc sống không? Giả định rằng các nghiên cứu này có thể tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng và tạo ra hiểu biết mới trong chuyên ngành, vậy họ có dựa trên nền tảng lý thuyết từ các nghiên cứu trước đó không? Nhân loại thừa hưởng kiến thức mới từ các nghiên cứu làm thay đổi cuộc sống đó là gì? Những tờ giấy mà họ viết ra hay của các nhà khoa học đi trước đã công bố được chuyển tải như thế nào vào cuộc sống, hay chỉ là… giấy trên kệ sách trong thư viện mà thôi?


Nói tóm lại, tiến sĩ nào cũng là tiến sĩ “giấy”. Nhưng giá trị của “giấy” nằm ở mức độ ứng dụng của lý thuyết được sử dụng vào việc tạo ra cái mới cho nhân loại.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen