NHÂN VẬT VIỆT CỘNG Số 2:
TRƯỜNG CHINH (1909-88)
Tên thật là Ðặng Xuân Khu,
người làng Hành Thiện, tổng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh; con ông
hào trưởng Ðặng Xuân Viện và bà Nguyễn Thị Thu.
Cũng như Lê Ðức Thọ, Trường
Chinh học Trường Thành Chung Nam Ðịnh và bị trục xuất năm 1926 vì tham gia bãi
khóa. Trường Chinh gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Ðồng Chí Hội.
Ðảng Cộng Sản Ðông Dương
thành lập đầu năm 1930, Trường Chinh là ủy viên của Ban Tuyên Truyền Cổ Ðộng
Trung Ương, cuối năm bị bắt kết án 12 năm tù, đày đi Sơn La.
Năm 1936 được trả tự do,
tham gia xứ ủy Bắc Kỳ, hoạt động dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Chủ với Trần Huy
Liệu, Tô Hiệu, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Ðồng.
Tại Hội Nghị Trung Ương Ðảng
lần Thứ 7 (1940) được cử vào ban chấp hành trung ương. Thời gian này Hồ đã tới
Côn Minh (Tàu) để tái tổ chức Ðảng Cộng Sản Ðông Dương. Tháng 5, 1941, Hồ triệu
tập Hội Nghị Trung Ương Lần Thứ 8, đổi Mặt Trận Phản Ðế thành Mặt Trận Việt Nam
Ðộc Lập Ðồng Minh và cử Trường Chinh làm tổng bí thư Ðảng Cộng Sản.
Khi "cách mạng thành
công", Trường Chinh được cử vào nhiều chức vụ, như ủy viên ban chấp hành
trung ương, ủy viên bộ chính trị, tổng bí thư, chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội.
Vì muốn nhập nhằng chuyện chống
Pháp giành độc lập, chối bỏ tính chất cộng sản, Hồ Chí Minh giải tán Ðảng ngày
11-11-45. Trường Chinh mất chức tổng bí thư, trở thành chủ tịch Hội Nghiên Cứu
Chủ Nghĩa Mác và bắt đầu lấy bút hiệu này, sau biến thành tên luôn.
Trong chiến dịch "cải
cách ruộng đất", Trường Chinh bị Hồ Chí Minh sai đóng vai ông ác, xong lại
buộc đứng ra nhận "khuyết điểm, sai lầm", rồi cất chức y cũng như tay
chân của y như Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng, và kêu Lê Duẩn từ Nam ra để chuẩn bị
thay thế.
Phải mãi sau 30-4-1975, Trường
Chinh mới lại được dẫn đầu phái đoàn Miền Bắc vào Nam nghị bàn việc thống nhất.
Năm 1981, Trường Chinh là chủ
tịch Hội Ðồng Nhà Nước và chủ tịch Hội Ðồng Quốc Phòng, được coi như nhân vật số
2 trong tam đầu chế Duẩn Khu Ðồng.
Sau khi Lê Duẩn chết, ngày
14 tháng 7, 1986, Trường Chinh được cử làm tổng bí thư. Tuy nhiên, tại Ðại Hội
Kỳ VI, bị Lê Ðức Thọ phá, viết thư ép Trường Chinh và Phạm Văn Ðồng cùng với Thọ
"tình nguyện" rút lui ngày 18-12-86, không tham gia ban chấp hành
trung ương mà chỉ làm... cố vấn.
Trường Chinh được các nước
"xã hội chủ nghĩa", nhà nước và đảng tặng huân chương Sao Vàng và nhiều
huân chương khác.
Trường Chinh mất ngày
30-9-1988, lúc 1 giờ trưa, thọ 81 tuổi.
Chuyện Bên Lề: Trường Chinh
được coi như là lý thuyết gia số một của cộng sản Việt Nam, chỉ tiếc rằng những
điều y viết lại là những cóp nhặt. Hai... đại tác phẩm của Trường Chinh là Chủ
Nghĩa Mác Và Vấn Ðề Văn Hóa Việt Nam dịch nguyên văn cuốn Le Marxisme et la
Renaissance de la culture francaise của Roger Garaudy còn cuốn Trường Kỳ Kháng
Chiến Nhất Ðịnh Thắng Lợi thì là cuốn Trì Cửu Chiến Luận của Mao Trạch Ðông!
Hồi trẻ, Trường Chinh thuộc
loại học hành không đến nơi đến chốn, lấy được cô giáo Nguyễn Thị Song Tường là
hãnh diện lắm. Vì thời đó, con gái có bằng Diplôme lại tốt nghiệp Trường Sư Phạm
là kể như thượng lưu trí thức rồi. Thế là... lấy xuống. Bạn bè cô Song Tường
chê quá xá. Vậy mà sau này, Trường Chinh rất khệnh khạng, ngay cả với vợ. Nghe
đâu, hàng ngày mấy bữa cơm, Trường Chinh bắt vợ mặc áo dài đứng hầu cơm, quan
cách đáo để.
Ngoài ra, nhiều người chê
Trường Chinh bất hiếu, mang bố mẹ ra tố khổ. Thực ra, tuy xưa kia cụ Bốn Ðễ (Ðặng
Xuân Viện) rất ghét cái trò cộng sản của Trường Chinh nhưng, trong chiến dịch
"cải cách ruộng đất", Trường Chinh đã mang hai cụ lên giấu trên Hà Nội
cho đến khi hai cụ từ giã cõi đời. Chỉ có chú ruột Trường Chinh, cụ Năm Thêm,
là bị đấu tố chết mà thôi.
Các ngoặc đơn là do người viết
ghi chú.
1. "Bốn mươi năm hoạt động
của Ðảng Lao Ðộng Việt Nam", Ban nghiên cứu lịch sử đảng trung ương.
2. "Trung Cộng và cuộc
chiến tranh Ðông Dương lần thứ nhất", Lý Vũ và Nguyễn Văn Chức, Nhân Quyền
số mùa hạ 1994 trích Quân Ðội Trung Quốc Thời Cận Ðại, Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự
Trung Cộng tại Việt Nam.
3. "Hai mươi năm qua,
1945-1964, việc từng ngày", Ðoàn Thêm.
4. Thực ra, theo đồng bào Miền
Bắc, không phải chỉ có một thi sĩ Bút Tre, mà Bút Tre là một bút hiệu tập thể của
các nhà thơ phản động, một thi đoàn chuyên sáng tác những bài vô cùng độc đáo
chế giễu chế độ.
5. "Ðồng ý với
McNamara", Nguyễn Trần Ai,
CHƯƠNG 19
Một sáng tháng 6 năm
1962, Trường Chinh điện thoại gọi tôi.
- Anh hiện có bận gì không?
– Anh hỏi.
- Dạ, có việc gì anh cứ bảo ạ,
– tôi nói.
- Tôi hỏi anh có bận việc gì
lúc này không?
- Anh để tôi hỏi anh Hoàng
Tùng… (Lát sau tôi quay lại nói:) Anh Hoàng Tùng nói hiện tôi không bận.
- Thế tốt rồi, sáng mai sáu
giờ anh đến nhà tôi. Mang theo quần áo mặc cho khoảng một tuần đến mười ngày
nhé.
Đúng hẹn đến. Trường Chinh bảo
tôi chúng ta đi Bãi Cháy nghỉ hè nhưng mà tôi có cả việc nhờ anh. Để đến nơi sẽ
bàn cụ thể.
Vợ chồng Trường Chinh, Huấn,
vợ Đăng Xuân Kỳ ngồi một Volga, tôi cùng com-măng-ca với Tuất, vụ phó vụ bảo vệ,
nhà ở hàng Điếu, gần nhà Đinh Đăng Định, phó nháy của Bác.
Ở tại toà nhà sáu cạnh trên
sườn đồi nhìn ra vùng biển nhoi nhỏ. Tuất, An, bác sĩ đi theo – anh bữa phải ăn
thử trước thức ăn và bảo đảm thức ăn không phải là món lưu lại – cùng với tôi ở
tầng trệt, gia đình Trường Chinh ở tầng trên, lên bằng một cầu thang gạch xoáy
trôn ốc. Đêm đầu không ngủ được: đi tuần quanh nhà hay đổi gác, lính hô to quá.
Ngay tối hôm ấy, Trường
Chinh nói anh nhờ tôi viết giúp hồi ký. Anh sẽ làm việc với tôi buổi tối. Sáng
thì thăm mỏ, nhà máy, vịnh Hạ Long, chiều nghỉ ngơi tắm biển.
Hồi ký về chuyến anh đi dự Hội
nghị trung ương lần thứ 8, tháng 5 năm 1941 tại Pắc Bó. Viết cả đoạn đi đường lặn
lội, li kì có Chu Văn Tấn dẫn lối. Theo anh, Hội nghị trung ương 8 là hết sức
quan trọng với cách mạng Việt Nam cũng như với cá nhân anh. Trước hết, hội nghị
đặt ra đường lối đại đoàn kết dân tộc, lập lực lượng vũ trang và mở căn cứ địa
đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập cho đất nước dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt
Minh tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Vốn là tên một tổ chức cách mạng do Tưởng
Giới Thạch lập ra và hoạt động ở Hoa Nam). Thứ hai, lần đầu tiên anh gặp lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh. Thứ ba lãnh tụ đã xem “Đề cương Văn hoá “của
anh và Nguyễn Ái Quốc đã chê văn anh Tây.
- Tôi từ đấy chú ý văn viết
thật ta và bí quyết tôi dặn các anh khi viết hãy dùng nhiều “thì, là, mà” vào
chính là bắt đầu có từ Hội nghị 8 ấy! – anh cười giảng thêm.
Anh không nói ở hội nghị ấy,
với chứng kiến và tán thành của Nguyễn Ái Quốc (lúc ấy không biết Đệ tam đã giải
tán, tôi vẫn đinh ninh Cụ nhân danh Đệ tam về nước và ở tôi cũng như ở dân ta hồi
đó, ngộ nhận này đã làm uy tín của Cụ tăng thêm lên rất nhiều), anh mới chính
thức là Tổng bí thư. Làm Nam Kỳ khởi nghĩa, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị Pháp tử
hình và sau đó, hội nghị trung ương họp ở Đình Bảng quyết định anh Chinh quyền
Tổng bí thư. Ở Nam ra thông báo tình hình, Phan Đăng Lưu đã không nhận vị trí
này vì còn phải gấp vào Nam ngăn cuộc Cao Biền phiêu lưu duy ý chí dậy non. Có
một nét lạ: không hiểu sao từ hồi ấy tôi luôn đinh ninh Lê Duẩn kế thừa bền bỉ
dẻo dai tinh thần duy ý chí tả khuynh này.
Viết cho Trường Chinh, tôi
hơi ngại. Anh là cây bút lão luyện. Dạy tôi từ chữ “ngày sinh nhật” đến phổng
phao chứ không phải “phổng phang”. v.v… Ở bên anh tôi cảm rõ thấy cốt cách áp đảo
của con người anh, nó khiến cho tôi không dễ bề tung hoành sắp xếp ký ức anh
như với những vị lãnh đạo khác mà tôi mặc sức “Đĩnh hoá” kỷ niệm, cảm xúc cùng
ý nghĩ của các vị ở trong gian phòng tối đầy ma thuật của tôi rồi tôi tráng, rửa,
in, phóng, cắt, ghép thoải mái. (Và các vị cũng vô cùng thoải mái chấp nhận
chân dung đã trải qua nhiều bùa chú văn học của mình). Riêng với Trường Chinh
tôi chắc anh không thích tôi đem tấm vải đen lắm phù phép của tôi trùm lên các
chuyện của anh.
Ngại viết cho anh nhưng tôi
cũng thú vị. Không thể không nghĩ sao anh không gọi Thép Mới. Hoàng Tùng có lần
bảo tôi văn cha Thép gần đây lên dây phừng phưng ghê quá mà vẫn không cất lên
được. (Cái mà Thép Mới tự hào là có chất chính trị và tư tưởng hơn trong khi
tôi chỉ chuộng chi tiết). Nhưng tôi ngờ có lẽ Trường Chinh thấy Thép Mới đã bỏ
anh mà ngả về Lê Duẩn, Sáu Thọ. Giống Tố Hữu và Hoàng Tùng khi sửa sai cải cách
ruộng đất. Vậy lần nhờ tôi viết này – tôi từng bất bình hỏi anh sao dư luận cứ
nói có chủ nghĩa xét lại ở ta – phải chăng là anh muốn làm một cuộc tập hợp của
chính phái? Chả biết đúng sai thế nào nhưng tôi thấy khoái. Tôi cùng trận địa với
người mà tôi hằng rất đỗi tin cậy.
Nên ngay tối đầu tiên nghe
Trường Chinh nói viết Hội nghị trung ương 8, tôi liền thầm hỏi: sao anh chọn viết
đề tài này? Đó là bước ngoặt quyết định ở thời kỳ Cách mạng tháng Tám nhưng sao
anh lại chọn đưa nó ra đúng vào cái thời li loạn quan điểm này? Vào cái thời xu
thế tả khuynh sặc sụa đang đo nhiệt tình cách mạng cao thấp ở chỗ có gan đánh Mỹ
hay không và đang coi nhiệt tình cách mạng cao thấp chính là linh hồn của cách
mạng. Vào cái lúc mà chắc anh cũng nghe thấy cán bộ đảng viên đang xì xào rộng
rãi rằng anh “bênh Khruschev” và Lê Duẩn gần đây hay nói đến đầu óc cá nhân khiến
cho có vị lãnh tụ xưa sẵn sàng lên đoạn đầu đài mà bây giờ lại không dám hy
sinh và người ta tán thêm rằng Lê Duẩn ám chỉ anh và cả Cụ Hồ. Rồi nhỡn tiền, vở
“Con Nai Đen” của Nguyễn Đình Thi cạnh khóe anh đã được cho diễn, rồi được Tố Hữu
rước lên mây xanh ở trên chính ngay báo đảng, tờ báo do tay anh, trí óc anh dựng
nên.
Tôi nghĩ và thú vị. Trường
Chinh chọn cách ra mắt bằng hồi ký lúc này chứng tỏ anh không dễ mà chịu để cho
Lê Duẩn ép anh đầu hàng Mao đâu. Và anh lại nhờ tôi. Anh hẳn phải biết rõ tôi
không thích Mao rồi. Tôi rắp tâm sẽ hết sức viết cho hay.
Lúc này nói đến Hội nghị
trung ương 8, theo tôi, phải chăng Trường Chinh nhằm kín đáo cảnh báo đường lối
tả hiếu chiến của Mao Trạch Đông mà Duẩn và đa số các vị trong Trung ương hiện
đang say đắm?
Tôi yêu Trường Chinh và
không ưa Lê Duẩn. Quan điểm tả khuynh bạo lực của Lê Duẩn không thuyết phục
tôi. Tôi thấy lù lù ở sau nó bộ khung cốt đồ sộ của Mao. Về đạo đức, và cái này
rất quan trọng, tôi không chấp nhận việc mới hôm nào coi hoà bình và đoàn kết
phe như giữ con ngươi của mắt, thì nay họ đưa những luận điểm sặc sụa nguỵ biện
ra lật ngược lại. Thí dụ nay nói ở Hội nghị 81 đảng cộng sản toàn thế giới, ta
phải ký tán thành chung sống hoà bình vì không muốn phe tan nát ngay lúc đó,
còn bây giờ phải chống Tuyên bố chung ấy thì tung luận điểm vì Liên Xô đã đầu
hàng Mỹ, bán đứng phong trào cộng sản vậy cứ trung thành với Hội nghị 81 đảng nữa
là nguy hiểm… Hay Đại hội III đề ra “chiếu cố miền Nam” thì nay phải “giải
phóng miền Nam” mới xây dựng được miền Bắc!
Vào việc, nghe Trường Chinh
nói, tôi tranh thủ ghi lại thật đầy đủ. Không hỏi vặn hỏi vẹo lắm như với Phạm
Hùng, Lê Văn Lương, Bùi Lâm.
Những cuộc đi thăm đi chơi hằng
sáng rất thú vị. Ngồi tàu dạo khắp Hạ Long, lên cả đảo Tuần Châu. Nhưng khi đi
qua hòn đảo có bãi cát nhỏ xinh xắn mà Cụ Hồ và nhà du hành vũ trụ Liên Xô
Titov đã ghé chơi ở đó, tôi không thể không trạnh lòng. Các dân “Mao-nhều” ở
báo Nhân Dân từng xì xào việc Cụ “kéo” Titov ra giữa chốn trùng dương vắng vẻ mịt
mù. “Ở đấy bàn bạc với nhau cái gì thì bố ai mà biết được!” (Nói rồi lại liếc
nhìn tôi! Riêng T.D.T. một lần nói với tôi rằng Titov có đưa thư riêng cho ông
Bác nhưng sau đó khi tôi hỏi lại thì anh trợn mắt lên và gần như tru tréo:
- Này, đây là anh nói ra đấy
chứ không phải tôi đâu nhá! Đấy anh vừa nói đấy thôi, ai hỏi là tôi bảo anh
nói…
Tóm lại nay chỉ còn Bác Mao
thiêng. Bác Mao thôi rất xa, Bác nay ốp sát bên ta mà thay Bác Hồ. Tôi đôi
ba phen muốn nói thế để chọc lại Mao-nhều.
Một buổi chiều ở Bãi Cháy,
chúng tôi ngồi xuồng cao su biệt kích dạo chơi trên vụng nhỏ trước nhà sáu cạnh.
Thấy bọn tôi ngụp lặn, Trường Chinh đòi xuống. Xuống dễ, lên mới rầy. Anh bám
vào mép xuồng để lên là cả xuống với chúng tôi ở trên lật úp. Anh vừa cố bám lại
vào xuống vừa cười thú nhận: “Tại bụng to quá đấy mà…, bụng to quá mà”. cuối
cùng hai anh bảo vệ đùn bên dưới, Huấn, con dâu anh và tôi Quỳ ở trên xuồng kéo
anh lên. Đầu gối tôi chảy máu ra vì trượt mãi vào cát đọng vón lại ở trên xuồng.
Tối ấy, trước khi làm việc
anh kể tôi một chuyện liên quan đến bụng to. Ở đường đi trong Chủ tịch phủ gần
chỗ Bác, một hôm anh thấy một hàng cây dầy trồng chắn ngang. Anh hỏi ai làm trò
kỳ cục này. Thì được biết là Bác. Buộc ai đến đây cũng phải nhảy để cho bé cái
bụng lại. Nhớ là, Bác dặn, không được phạt ngọn, cứ để cây lớn, khi nào không
nhảy qua được Bác sẽ tính sau…
Thời hạn đã hết. Anh đã xong
phần kể, từ nay công việc chủ yếu thuộc về tôi. Tối trước hôm về Hà Nội, anh và
tôi làm việc buổi cuối cùng. Anh hỏi tôi cần gì thêm nữa. Tôi nói không nhưng
viết chắc sẽ khó.
- Vì sao? – Anh hỏi.
- Tôi tự nhiên thấy thế ạ.
Có lẽ vì anh là cây bút lão luyện, – tôi nói.
- Tôi nhờ anh vì tôi tin anh
viết tốt. Tôi chỉ viết văn chính luận, còn văn học thì phải cần đến anh.
Bất chợt tôi hỏi:
- Có thể nói Hội nghị trung
ương lần thứ 8 ở Pác Bó là bắt đầu chấm dứt thời giáo điều mạo hiểm tả khuynh
kéo dài của đảng được không anh?
Ngồi bật thẳng dậy, nhô người
về đằng trước, Trường Chinh nhíu lông mày nghiêm nghị nhìn tôi, rồi rành rọt từng
tiếng như đang có nhiều người chứ không phải mình tôi nghe:
- Không! Anh nghĩ không
đúng. Đường lối của đảng ta là liên tục phát triển có kế thừa, không có chuyện
thay đổi đường lối cũng như chấm dứt cái này cái kia.
Tôi im nhưng bụng không
thông. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội rồi đại đoàn kết cả với địa chủ và tư sản
mà lại bảo từ xưa vẫn thế là làm sao? Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ
rồi Xô viết Nghệ Tĩnh là đúng thì sao không cứ thế kế thừa làm lại? Nếu đó là
đúng thì sao không vài năm một lần hay Hội nghị trung ương 8 cho tái diễn Xô viết
Nghệ Tĩnh, Nam kỳ khởi nghĩa?… Cũng thắc mắc tại sao đảng cứ phải giữ tiếng là
“đường lối trước sau như một?”. Nhận sai mà sửa thì càng vẻ vang càng nâng cao
trình độ đang lên chứ?
Xuống nhà, tôi sắp rẽ ở khúc
cầu thang lượn xoáy ốc thì anh gọi. Tôi quay lại đứng trước mặt anh:
- Không được ló ra ở đâu cái
ý anh vừa hỏi tôi. Nhớ đấy! Đây là chỉ thị của tôi.
Vẻ như anh lo cho tôi. Nhưng
ngay sau đó tôi lại thấy anh sợ tôi nói ra thì người ta sẽ tưởng tôi là loa tán
phát quan điểm của anh. Tình hình này, Mao-nhều không thể không hỏi
Trường Chinh đưa Trần Đĩnh đi chơi ở Hạ Long lâu vậy là có chuyện gì?
Nhưng rồi thấy hơi khoa
trương, Trường Chinh giơ một tay lên nhoẻn cười rồi nói:
- Thôi, anh xuống được rồi đấy.
Cần nhớ như thế cho tôi.
Tôi lại hiểu cái cười này
đang nói: “Này, anh láu lắm, anh không moi được gì ở tôi đâu. Nhưng anh hỏi như
thế là anh hiểu tâm sự tôi rồi đấy. Hiểu tâm sự thì tốt, thì viết mới đạt và
hay…”
Tôi bám vào một điểm: anh
bác ý kiến tôi nhưng không hề nhắc lại chữ tả khuynh của tôi mà chỉ nói không
có chuyện đảng ta chấm dứt cái này chấm dứt cái kia… Anh phải vague, -
mơ hồ, kín đáo như vậy vì chính sự thật là anh có nghĩ như vậy.
***
Tôi đã phụ lòng gửi gắm của
Trường Chinh. Viết không được!
Trước hết tôi không còn bụng
dạ để viết. Thế giới nổi lên vụ tên lửa Khruschev đưa vào Cuba và ngày ngày tôi
phải nghe Mao-nhều ở báo ra rả chửi “thằng trọc” lúc tả (đưa tên lửa
vào) lúc hữu (lẽ ra uy tín bị sứt mẻ rồi thì đánh luôn cho bỏ con mẹ nó đi chứ
lị!) Tôi bảo các ông coi đánh Mỹ như thiến chó ấy.
“À, chính thế, tất cả là ở
cái khí phách Võ Tòng. Có thì nhìn giái Mỹ bằng quả ớt, không có thì nhìn bằng
cái thượng lương sắp rơi xuống đầu…”
Trưởng phó ban ở báo nghe
truyền đạt ý Cụ Hồ nói đưa tên lửa vào được thì tốt, mà nếu không được thì rút
ra thôi chứ có làm sao? Và ý Trường Chinh giải thích ở Quốc hội: kẻ cướp nó
đang đấm cửa mà ta bất thần mở toang ra có khi lại làm cho nó ngã đấy! Rõ ràng
hai vị đều chống lại luận điểm Bắc Kinh đang túm lấy dịp này bôi nhọ Liên Xô và
Khruschev, cổ vũ chiến tranh với Mỹ.
Phạm Lợi đưa tay che miệng bảo
tôi:
- Ông lạ quá, ông cứ hăng
hái ghi tên xung phong đi sang Cuba đánh Mỹ thì hỏi có mất gì đâu nào? Mai kia
Khơ nó không cho tàu chiến chở quân thì bám cây chuối hột với lại hai cái hột sẵn
có làm phao mà sang chí nguyện à?
Cứ quãng mười giờ sáng, Nguyễn
Thành Lê lại tủm tỉm cầm một tập dầy tin tham khảo đứng ở sân gọi to:
- Nghe tin Trọc (Khơ,
Khruschev) không?
Ầm ầm bâu đến. Vỗ tay, reo,
ríu rít kết đoàn. Hét to nhất, lộ mặt nhất, lắng xắng nhất là cán sự 5 Hữu Thọ.
Đúng là phát chẩn tin vàng
tin bạc.
Một buổi họp trưởng phó ban,
sau khi chửi Tổng bí thư các đảng cộng sản Đông Âu đã dốt lại hèn, làm tay sai
cho Liên Xô, Hoàng Tùng chỉ vào mấy Mao-nhều nói:
- Các tướng này sang Ba Lan
và Đức, Tiệp thừa sức làm Tổng bí thư…
Nhìn mặt mấy người được điểm
danh, tôi hiểu hết tục ngữ “được lời như cởi tấm lòng”. Hạnh phúc đúng là đang
rịn ra ở trên những bộ mặt chợt mềm chảy xuống vì xúc động.
Không nhịn được, tôi nói rất
to, như quát:
- À, đến thế nữa cơ ư? Tôi sẽ
hỏi anh Trường Chinh!
Tất cả cười ồ. Một vài cái
liếc chế giễu về phía tôi như bảo “đi mà mách!”
Tôi liền chột dạ. Họ đã biết
một cái gì mới? Hình như có một tổng hành dinh ngày đêm phát đi những động thái
cơ bản trong cuộc co thắt chí mạng của cỗ dạ con đường lối và nhân sự bí mật
này.
Họp xong, Lưu Động bảo tôi ở
ngay dưới gốc cây đa ngoài cửa phòng họp:
- Tớ lạy cậu, cậu hãy bình
tĩnh!
- Thế là họ muốn nổ chiến
tranh à? Họ muốn biến đất nước thành ra bãi chọi trâu à?… Hay gì đánh nhau? Thế
là thiên hạ sẽ đại loạn cho Trung Quốc nhờ, như Mao nói đây!
Khốn nạn, đại loạn là cách mạng,
yên bình là phản cách mạng, nói ngang như thế mà nghe lại sướng mê sướng man
lên với nhau kìa! Khốn nạn! Tôi quát to hơn.
Lưu Động chắp tay lại:
- Thôi, tớ lạy cậu, lạy cậu!
Tôi nói rất to, mấy tướng Mao-nhều đang
khoái trá ở trong phòng họp bước ra đều ngoảnh lại.
- Lòng yêu nước gì mà toàn
xây dựng trên việc chửi bố chửi mẹ nước khác lên như thế chứ?
Tôi biết lúc này lòng yêu nước
đang được đun sôi lên xình xịch làm một thứ cháo lú. Nhưng ý nghĩ này tôi không
dám nói ra với bất cứ ai. Kẻ nào bị lên án không yêu nước – bằng chứng dễ thấy
thôi: nó không dám đánh Mỹ – thì kẻ ấy chết đầu nước. Người ta có vẻ đang dựng
giàn tế để kén lấy vài tên phản diện – những đứa đã mất lòng yêu nước – đưa
chúng lên đó làm một cuộc hiến sinh cho cả vạn đứa sợ. Buồn cười! Chửi tất, trừ
Mặt Trời Hồng.
Tôi ra Bờ Hồ, mệt như mới ốm
dậy. Vài tháng trước tôi vừa trả Chế Lan Viên quyểnZarathoustra a dit -
“Zarathoustra đã nói” mà anh tặng tôi. Không hiểu sao lúc này đi một mình ven hồ
lô xô bóng cây, tôi bỗng nhớ đến cái bóng của Zarathoustra chuyện với
Zarathoustra và nảy ý có lẽ nên cố viết một truyện về chủ nhân và cái bóng của
hắn.
Cặp nhân vật này cứ đêm đến
lại thì thầm lên sổ thu chi được mất với nhau. Chủ nhân mất nhiều, rất nhiều,
tóm lại toàn bộ bản ngã hắn… Nhưng bù lại cái bóng của hắn lại thu về rất nhiều.
Địa vị, quyền lợi, tên tuổi. Tóm lại vớ bẫm. Và rồi cái bóng cứ thế lớn ra,
trùm lên chủ nhân, hoá thành hào quang lý tưởng dắt dẫn chủ nhân và chủ nhân
không còn.
Nhưng chán ngán vì lý tưởng
đang vụn vỡ thành các mảnh vụn, tôi đã coi chuyện viết là thứ phù phiếm, thậm
chí sai lầm, và rốt cuộc thì tét hết.
***
CHƯƠNG 20
Đúng là có một tổng hành
dinh chuyên phát tin hậu cung tuyệt mật. Ba ngày sau, Trường Chinh lên tiếng
phê phán Liên Xô rút tên lửa. Dặn vớt là vẫn phải giữ thái độ thân thiện với
Liên Xô… Tôi viết hồi ký Trường Chinh với tâm trạng rã rời và trong khung cảnh
thất bại ê chề ấy. Về tình cảm cá nhân tôi bị một mất mát lớn: Trường Chinh đã
đổi dòng. Ông mà lại theo Mao muốn Xô, Mỹ choảng nhau cho ruồi muỗi chết!
Tôi gửi lên Trường Chinh bản
hồi ký viết không hồn kèm một thư rất ngắn. Đọc thư này, Thép Mới chớp chớp mắt
nói:
- Sao thư mày viết lạnh thế
mày?
Tự nhiên nó lạnh thế. Có thể
nói đây là một thất tình của tôi với Trường Chinh, cũng là mối thất tình đầu
tiên trong đời. Chợt thấy như bị vét trắng túi! Vét nhẵn cả đến cái ”tâm sự“
tôi ngỡ nhìn ra thấy ở anh tối hôm cuối cùng ở Bãi Cháy. Đúng ra đó là tâm sự của
tôi trá hình sang làm tâm sự anh. Tôi đang mong đảng cự tuyệt xu thế tả lộng
hành xưa nay trong đảng. Và nhất là nay nó đang rầm rầm rộ rộ phủ bóng đen của
nó lên toàn bộ sinh hoạt của đất nước. Chiến tranh hớn hở đến gần và cái phao
tôi bám vào đã nổ đánh bụp.
Hồi ký và thư tôi không có
trả lời. Im bặt. Hoặc là: 1) viết quá tồi, không thể dùng được. 2) Trường Chinh
không cần đến hồi ký nữa. Viết hồi ký là Trường Chinh muốn phất một ngọn cờ tập
hợp. Lúc dự định viết, ông quá biết ông có chỗ dựa ở Hồ Chí Minh, Võ Nguyên
Giáp vốn cùng chung quan điểm với ông. Nhưng ông không ngờ Lê Duẩn, Lê Đức Thọ,
Nguyễn Chí Thanh… đã có thể gay gắt đến thế với việc Hồ Chí Minh không biểu quyết.
Và ông bằng lòng điểm chỉ vào Nghị quyết 9 làm “bố dượng tinh thần” như tôi
nói. Vậy thì chả còn lý do để cho hồi ký của ông ra mắt nữa! Mấy năm sau này
ông có gọi mấy nhà báo đến như Lê Điền, Bùi Tín để viết nhưng tôi nghĩ ông chỉ
cốt để phía Lê Duẩn không nghi ngờ ý định “phất cờ tập hợp” bằng hồi ký mà ông
định viết từ 1962 nhắc lại bộ ba chủ chốt Hồ Chí Minh – Trường Chinh – Võ
Nguyên Giáp trên Pắc Bó, Tân Trào. Ông nhờ mấy nhà báo kia vì họ đều rất sùng
bái Duẩn. Tôi bảo Trường Chinh quy hàng nhưng với ông thì ông đã gương mẫu chấp
hành nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phục tùng đa số, cấp dưới (như ông,
Chủ tịch Quốc hội) phục tùng cấp trên (như Lê Duẩn, tổng bí thư.)
Mấy hôm sau, gặp tôi ở sân
báo, Quang Đạm bóp bóp tay tôi nói:
- Mình vừa lên anh Năm (tức
Trươ ngChinh) về, anh Năm bảo sao Trần Đĩnh lại sa đọa chính trị thế?
Tôi nghĩ thầm: chẳng biết ai
sa đọa! Mới hôm nào ông thư cho tôi tán thành với tôi là ta tắp lắp của Trung
Quốc quá nhiều, nguyên nhân vì ta yếu lý luận và kém tổng kết kinh nghiệm.
Vâng, cải cách ruộng đất làm cho ông điêu đứng thế mà ông lại quên ngay bài học.
Trong khi đó, tôi vẫn nghe
Quang Đạm nói “với riêng mình thì mấy đứa sống với nhau từ trên rừng mình muốn
nói với Trần Đĩnh rằng Trần Đĩnh có thể chửi mình thế nào cũng được thế nhưng
Trần Đĩnh chửi Mao Chủ tịch thì mình đau lòng lắm.”
Tôi rút tay ra quay
đi.
Tại hội trường Ba Đình,
tháng 1 – 1964, trước các cán bộ cao và trung cấp học tập nghị quyết 9, Trường
Chinh tuyên bố đại ý: Đảng ta và Nhà nước ta về cơ bản thống nhất với đường lối
đối ngoại và đối nội của Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc.
Tôi nghe Nguyễn Thành Lê
thông báo tin này ở cơ quan mà tưởng sụp đổ. Ngỡ như Nguyễn Thành Lê chủ yếu chỉ
nhằm bảo điều đó với riêng tôi.
Sau đó tôi gặp Trần Châu.
Anh nói hôm qua Hoàng Minh Chính bảo anh là Chính đã có phát biểu bác bỏ tại
chỗ ý của Trường Chinh. Tôi liền thốc ngay tới Chính. Anh cho hay tại hội nghị
phổ biến Nghị quyết 9 ở trường Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh giới thiệu nghị quyết,
Hoàng Minh Chính đã đứng lên bác lại. Vặn ngay Trường Chinh: Hội nghị trung
ương 9 không đủ tư cách xóa nghị quyết đại hội 3 năm 1960. Phải là một đại hội
đảng mới bỏ được đường lối xây dựng hòa bình ở miền bắc, chiếu cố miền nam.
Chính nói đánh Mỹ sẽ là cưỡi lưng cọp dữ chứ không phải cưỡi cọp giấy đâu.
Kể lại với tôi Chính
còn cười:
- Thế không phải cưỡi lưng cọp
dữ thì là cưỡi bò đi chơi à? Mao bảo toàn thế giới căng đế quốc Mỹ ra mà đánh
nhưng Mao cấm dân Trung Quốc đổ máu, người ta khôn thế chứ đâu dại như…
ta.
Tôi bắt tay Chính rất chặt
và nói:
- Đúng, đâu có phải là cưỡi
bò. Mao rất giỏi dụ âm binh. Lò gang thép này, làm công xã này, diệt chim sẻ
này, đều cả nước rầm rộ làm… Nhưng đánh Mỹ thì bảo đứa khác. Cũng như hiếu chiến
thì lại chửi Mỹ phá hoại hòa bình. Nay nơi dễ xúi cho choảng nhau hơn cả là Việt
Nam sẵn có hai miền và đêm không ngủ ngày không ăn!
Lúc ấy có một chỗ kẹt ghê gớm.
Đảng hết sức bí mật chuẩn bị chiến tranh, ngay Nghị quyết 9 cũng có hai phần,
phần hai mới nói về đánh Mỹ nhưng tuyệt mật chỉ phổ biến đến một bộ phận nhỏ
cán bộ cao cấp cho nên chúng tôi không thể vô bằng vô cớ đùng đùng kêu lên phản
đối chiến tranh! Ai chiến tranh? Đảng bảo vệ hòa bình cơ mà? Có đánh Mỹ đâu mà
đảng tranh luận với chúng tôi chuyện nên hay không nên đánh. Đảng chỉ chống chủ
nghĩa xét lại, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lê thôi! Rồi nữa, nếu
có chủ trương đánh thật thì sao anh lại biết được “bí mật Nhà nước “? Anh thế
là tỏi rồi.
Trong khi hết lời ca ngợi phản
chiến ở Mỹ thì tại sao trừng trị chúng tôi ác nghiệt đến thế và đặc biệt trước
sau không bao giờ nêu tội danh phản chiến của chúng tôi ra? Kìa, nêu ra để mà lộ
ý định phát động chiến tranh hay sao? Hơn nữa, để cho tia lửa phản chiến của
chúng tôi có cơ lan nhanh đi khắp đất nước ư? Chụp cho chúng mày cái tội tay
sai lật đổ hèn hạ là hay nhất.
Tôi bảo Chính tôi quá thất vọng
về Trường Chinh.
Chính hơ hơ cười:
- Mình thất vọng hơn ấy chứ.
Chính ông ấy nhờ mình viết cho ông ấy diễn văn đọc ở Đại hội 22 ca ngợi chung sống
hòa bình mà. Lúc đứng lên ở giữa hội trường bảo đánh Mỹ là cưỡi cọp dữ chứ
không phải cọp giấy, mình nhìn xoáy vào ông ấy thế này như định hỏi: “Sao hôm
nay đồng chí nói khác?”
- Thế nét mặt ông sao?
- Ông ấy nhìn lại… Ông
ấy thì kín lắm…
Xuất hiện bài vè phân hạng
xét lại ở báo Nhân Dân:
Trần Châu, Trần Đĩnh, Hồng
Hà,
Khánh Căn, Hữu Chỉnh, Cộng
Hòa, Hồng Thao,
Chính Yên, Lưu Động cũng
vào…
Và một số tên nữa. Thế
ra tôi “á hậu” 1, Hồng Hà “á hậu” 2. Rồi nhờ quay lưỡi “nhất trí,” á hậu 2 vào
Ban bí thư trung ương đảng.
Hoa hậu và á hậu 1 thì
khốn đốn…
Mao – nhều ngâm và
bình ran ran ở cơ quan báo cái cao siêu của “Nhật ký đường về” của Tố Hữu mới
ra mắt, chiếm gần một phần ba trang nhất báo Nhân Dân. Nó hoá thành đỉnh thơ ca
và ngang với sấm Cụ Trạng. “Hạ cho Cẩm Ly một câu thành trì lặng im là tiêu ma
mẹ nó cu cậu rồi…,” “Hay, rủ Castro theo bằng câu ‘Có về Nam Hải với anh thì về’,
quá hay. Xưng là anh quá đúng.” Lúc ấy có ý cho rằng Castro bị Liên Xô
úm.
Hay véo von nhất hai câu: “Bên
đây biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là quê hương.”
Một bữa tôi hỏi móc một Mao
– nhiều:
- Này sao không đọc “Bác
Mao tuy rất xa, Bác Hồ ta đó ấy là Bác Mao?.”
- Đọc chứ! – Đọc luôn và sau
đó hất đầu hỏi:
- Có biết bài này còn hay
hơn nữa không? “Mao Trạch Đông! Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng,
Đẹp như một ngọn cờ Hồng, Trên mặt người, mặt đất mênh mông.”
Còn nhiều nữa, nghe không? Ừ,
anh Lê Duẩn viết sao? “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin của thời đại
ba dòng thác cách mang Á – Phi – La…” , đọc đi chứ, văn bản tất độc cơ mà, đọc
thuộc lòng vào.
Khương Hữu Dụng kể khi làm
việc tái bản tập thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu, anh rất ngạc nhiên thấy Tố Hữu gạch
chéo chữ thập lên khổ thơ “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp” rồi nói “Bỏ đi,
người này hết vai trò lịch sử rồi.”
Trước khi ra tay đổi tiền
năm 1985 làm tan hoang cuộc sống của dân nước, Tố Hữu đã giơ tay đổi ghế. Những
ngày tháng ấy nổi bật lên trên mặt trận tư tưởng là Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu.
Thanh có một bài nói làm cán bộ quá ư xôn xao. Vì tầm chửi rủa cay độc, phũ
phàng và rải thảm của nó.
Chính Yên đã đưa tôi đến nhà
Nguyễn Khắc Tiếp đọc bài báo nảy lửa này. Một ấn tượng bao trùm: kinh sợ!
Sao có thể thù ghét những cái vui nho nhỏ của kẻ khác đến thế? Sao tự cho mình
có quyền vọc tay vào đời người khác như thế? Sao cho phép mình làm phán quan lập
trường, đạo đức để ngạo mạn lên án người khác như thế?
Bài nói rất dài. Chính Yên đọc
hơn một tiếng. Chiếc mùi-soa cô con gái thôn quê mua làm nơ buộc tóc cũng bị rủa
là “học đòi tiểu tư sản”, văn công lên diễn sao cứ phải phấn son?
Trừ phi diễn cho nước ngoài
thôi chứ còn thì cứ là diễn mộc, mặt thế nào thì lên sân khấu cứ để nguyên thế ấy!
Bà tướng, vợ Phạm Kiệt cũng bị chửi là “đỏm dáng như khỉ”.
Nhà Tiếp ở cách hàng vàng giả
Mỹ Ký xưa kia chút ít. Ở Tiếp về sau đó, tôi bảo Chính Yên:
- Xưa có một Mỹ Ký và họ nhận
họ hàng giả, nay là liệt Mác Ký nhưng đều nhận Mác thật.
Cụ Hồ đã yêu cầu thu hồi bài
nói. Vài năm sau Hồng vệ binh Trung Quốc cũng nói y thế. Nguyễn Chí Thanh đánh
phá ác liệt tiểu thuyết “Phá Vây” của Phù Thăng vì có câu “hoà bình là nguyện ước
của vạn vạn con người”. Rồi “Va2o Đời” của nhà văn quân đội Hà Minh Tuân. Thép
Mới, Như Phong bảo tôi viết phê bình. Tôi nói Tuân bị chê mãi là “tô hồng” thì
nay sửa bằng bôi đen tí ti đi chứ có gì đâu mà phê?
Sáng sau Như Phong hớn hở đến
nói mày thôi, để tao viết. Như Phong là cựu Văn hoá Cứu quốc nhưng nay cũng ở
danh sách những người mê Mao, sùng bái Mao, Mao-nhều, bảo tôi:
- Tối qua ông Thanh gọi tao
đến nói đây là thuốc độc, anh phải vạch trần ra.
Như Phong viết “Vào Đời,
chén thuốc độc”. Bại hoại, tan một đời Hà Minh Tuân. Đọc đầu đề bài báo, tôi bảo
Như Phong:
- Thuốc độc là của ông Thanh
còn chén chứ không thìa hay bát thì do dược sĩ Như Phong quy định!
Như Phong hi hí cười:
- Thuốc độc thì một chén đã
là đủ đô rồi còn gì nữa hả mày!
Sau bài báo này Như Phong lại
được dùng rồi sang báo Văn Nghệ. Nhưng cuối những năm 70, chính anh đã bảo tôi:
- Mày nhìn rõ lão Mao rất
đúng và rất sớm!
Giữa năm 1963, Nguyễn Chí
Thanh có bài đăng trang nhất báo Nhân Dân kêu gọi tiết kiệm lương thực. Hợp tác
xã cha chung không ai khóc, năng suất thấp, thóc gạo thiếu, biện pháp duy nhất
thích hợp là bóp miệng lại, Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại
sao phải ăn bún?
Lúc Tố Hữu mở bữa thịt chó
khao in tiểu sử Cụ, chưa hợp tác hoá nông nghiệp, bún ê hề, Thanh ca ngợi thiên
tài bếp núc dân tộc thể hiện ở tổ hợp bún, thịt chó, mắm tôm. Từ ngày hợp tác
hoá nông nghiệp, quản lý hết thóc gạo thịt thà, kể cả chó, thiên tài bếp núc gần
như tiêu ma. Một cá nhân bèn dám lớn tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?”
và nổ bộc phá vào nền móng thiên tài ẩm thực dân tộc!
Sau phải có chế độ đổi tem gạo
lấy bún để duy trì tổ hợp thiên tài.
Đọc xong bài báo của một cá
nhân dám lên tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” tự nhiên tôi sang buồng
Thợ Rèn, hỏi lại chuyện dạo nào Thợ Rèn theo thư bạn đọc làm một bài “chuyện lớn
chuyện nhỏ” phê một xe hơi chở mấy cậu ấm chạy chơi trên bãi biển Sầm Sơn đang
buổi tắm đông người. Bài có chú thích hẳn số xe hơi. Đúng hôm báo đăng, hai anh
công an đến gặp Thợ Rèn hỏi tại sao anh đả kích cái xe có biển số kia. Rồi cho
biết cái xe đó là của anh Thanh. Phải cảnh giác bọn phản động bôi nhọ lãnh tụ.
Chúng tôi đem thư về nghiên cứu bút tích tìm kẻ tố cáo.
Tôi thấy Nguyễn Chí Thanh lần
đầu ở chiến dịch Vĩnh Phúc, 1951. Ở mặt trận về Tổng cục Chính trị tiền phương,
đến một đầu lũng nhỏ, tôi chợt nghe thấy tiếng thú gầm gừ và tiếng vật lộn. Rẽ
vào một tràn ruộng cạn, tôi chậm chân lại: một người quần áo nâu đang vật nhau
với một con béc-giê to tướng. Người nằm dưới gạt đầu chó ra nhìn tôi – kẻ phá
quấy – rồi lại tiếp tục cuộc đọ tài cao thấp. Tôi nhận ra một khuôn mặt vuông vức,
xám đen, dân dã nhưng oai. Vào Cục tuyên huấn, tôi hỏi Tử Phác đang trực ở đó rằng
ai ở đây mà Tây thế, vật nhau với béc-giê? Tử Phác thủng thẳng:
- Ông tướng nông dân Nguyễn
Chí Thanh, người vẫn phê bình cán bộ đến cà phê cô Hạ Cao Vân là hoà bình hưởng
lạc đấy!
Năm 1964, tôi đi với hai nhà
báo Trung quốc Luo Lie và Xi Hong Shi vào Vĩnh Linh. Khi trở ra, tôi đến Nguyễn
Tuân. Anh hỏi thăm ông chủ nhiệm Nhà giao tế Đồng Hới còn không. Rồi hạ giọng hỏi:
- Ông hay gần các ông to,
tôi xin hỏi ông là có thật anh Thao (Nguyễn Chí Thanh) thanh đạm như vẫn đồn
không?
Tôi nói tôi không rõ ông
này. Tuân bèn nói:
- Lần ấy mình dẫn Pierre
Abraham của tờ Nouvelle Critique vào trong đó. Đến Nhà giao tế, nhòm
vào tủ rượu, mình thấy hai chai săm-banh Moet & Chandon thì mừng
quá bèn khen xừ chủ nhiệm chuẩn bị đến cho cả rượu ngon của Pháp cho khách quý
Paris. Xừ chủ nhiệm bèn nói không, đây là dành cho anh Thao, anh Thao ngày nào
cũng hai chai. Sáng sau sắp lên đường đi tiếp, xuống nhà ăn thấy hai cái thồi
to kê sát vào nhau bày đầy món ăn rất ngon, mình lại nhanh nhảu khen tay chủ
nhiệm khéo chuẩn bị cho ông khách quý Paris có cái ăn trong mấy ngày ở Vĩnh
Linh. Xừ chủ nhiệm lại nói:
- Dạ thưa bác, hôm nay gia
đình anh Thao lên núi đi săn với thường vụ tỉnh uỷ, các cái này là phục vụ các
anh ấy đấy ạ!
Kể đến đây, Tuân nhành mồm
ra cười đánh khì một cái rồi nghiêng người đặt tay lên đùi gật gù, như tượng
“Người suy tư” của Rodin nhưng chán đời.
Hai năm sau, 1966, chuyện
cũng dính đến ô tô.
Hôm ấy, Mỹ ném bom Phú Thượng,
quãng ngã ba đường Bưởi. Làm việc với anh chị em từ trong Nam ra ở K.15 Nghi
Tàm, năm giờ chiều Nguyễn Khải và tôi về. Thì ngập vào đám đông bà con lũ lượt
chạy về Hà Nội nghẽn hết cả đường. Chợt một Volga đen từ Hà Nội nhích từng vòng
bánh lên phía Phú Thượng. Trên xe ba đứa con trai nhảy từ ghế trên xuống ghế dưới.
Và Nguyễn Chí Thanh lặng ngắm Hồ Tây đỏ tía ánh chiều tà trước khi tới tham
quan nơi bị bom Mỹ.
Tôi nói:
- Đang “Buồn trông cửa
biển chiều hôm” kìa.
- Ông ấy nên đeo khăn tang,
– Khải nói.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen