Phạm Thị Hoài biên soạn
Sau đợt „vi phạm kỉ luật“ lần thứ nhất và bị giam kiểm
thảo từ 13/6 đến 14/9/1955 [1], nhà thơ Trần Dần được cử đi dự hội nghị tổng kết đợt 4 và
tham quan Cải cách Ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh, đợt cuối cùng của cuộc cách mạng
„long trời lở đất“ ở nông thôn Việt Nam sáu mươi năm trước.
Phổ biến với tên gọi
„đi thực tế“, đó là hình thức đưa các văn nghệ sĩ và trí thức vào „thực tế cách
mạng“ của công nhân, nông dân và binh sĩ, trụ cột của liên minh quần chúng cách
mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, để thúc đẩy và củng cố „giác ngộ giai cấp“ của
tầng lớp trí thức, vốn được gắn với ý thức hệ tiểu tư sản, hay dao động và thiếu
„tinh thần cách mạng triệt để“. Không chỉ riêng Trần Dần đi thực tế. Trong cuốn
sổ ghi chép năm 1955 của mình, ông ghi: „Hoàng Yến [2] than phiền: Mình đi CCRĐ. Ai thấy mình cũng thành kiến là
mình đả Tố Hữu, đả Trung uơng. Thành thử khó làm ăn quá.“ Ngày 2/11/1955, ông
ghi: „Trước khi đi, Văn Phác [3] họp một số anh em, những Văn Cao, Lương Ngọc Trác [4], [...], Đỗ Nhuận để dặn dò. Văn Cao: Tôi thấy đi có lợi lắm,
[...] dĩ nhiên là lợi lắm. Trước kia đồng chí Trần Dần hay tự do sinh hoạt, tôi
lo nhỡ ra đồng chí Trần Dần lại khuyết điểm thì bỏ mẹ chúng mình. [...]“
Ngày 3/11, Trần Dần đến Bắc Ninh, được phân công vào
đội Thái Hoà ở xóm Thịnh Lang, Đình Bảng. Thời gian dự hội nghị tổng kết đợt 4
được ông ghi lại như sau:
6/11: Khai mạc – 1 ngày
6-9/11: Học nghị quyết trung ương – 4 ngày
11-18/11: Báo cáo Đảng – 7 ngày
19-22/11: Kinh nghiệm cụ thể một số vấn đề – 4 ngày
23-27/11: Chỉnh đốn tổ chức – 5 ngày
28/11- 4/12: Chỉnh huấn – 7 ngày
5-14/12: Sắp xếp đội ngũ, khái quát 4 bước, kinh nghiệm,
sản xuất, công giáo, kế hoạch buớc 1-10 ngày
Cộng: 38 ngày
Tháng 2/1956 ông đã quay lại Hà Nội, như vậy ông chỉ
tham quan hai tháng đầu của đợt 5, còn chủ yếu là tham dự hội nghị tổng kết đợt
4, nhưng có lẽ chỉ ở tư cách dự thính. Ông ghi:
Đoàn ủy viên bảo TD: – Sớm nay đi họp đảng viên nhé.
TD: – Tôi không được họp.
Đoàn ủy viên im lặng không nói gì. Lát sau đồng chí
Khoa lại bảo TD đi họp.
TD: – Tôi không được họp. TD đem ít báo CCRĐ đợt 4 ra
đầu ngõ ngồi xem. Ngõ rải đầy rơm mới xanh úa, nắng nửa ngõ, bóng râm nửa ngõ.
Gà nó bới tung cả rơm. Một bà xi con đái đầu ngõ. Mấy đứa trẻ lăn lộn tùng phèo
trên đống rơm. Trong nhà họp Đảng. TD muốn để cả tâm trí vào tờ báo, song lại
lơ đãng nhìn nắng, nhìn rơm, những ý nghĩ nó để đi đâu. TD đứng dậy không thèm
rũ rơm, đi tìm một cái quán ngồi ăn chút gì, nói chuyện với bà hàng, nghĩ đi
đâu, nhưng chợt lại nhớ rằng ở nhà Đảng đang họp. TD không được họp.
Như vậy ghi chép của ông về CCRĐ là những thu hoạch từ
hội nghị tổng kết đợt 4 này, không phải từ trải nghiệm trực tiếp, vì thế chúng
cũng không được đề ngày tháng nối tiếp như các ghi chép mang tính nhật kí khác.
Tuy vậy, những trang „ghi nóng“ này, ngay giữa cao trào của CCRĐ, là những tư
liệu lịch sử quý giá, lẽ ra chúng phải chiếm một vị trí đặc biệt trong một triển
lãm về CCRĐ. Tôi đã đưa một phần những ghi chép này vào cuốn Trần Dần: Ghi
1954-1960, do nhà Văn Nghệ ở California in năm 2001. Nhân sự kiện cuộc triển
lãm về CCRĐ tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội phải đóng cửa sau vài ngày, đánh thức
sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận về một chương đau đớn trong lịch sử Việt Nam,
tôi bổ sung vào phần đã công bố nhiều đoạn khác, mong được một công luận rộng
rãi tại Việt Nam tiếp cận.
Phạm Thị Hoài
Những nghiệm thu của Trần Dần đặc biệt thú vị vì một mặt ông vẫn còn là một „cán bộ“ trong guồng máy tuyên truyền của Đảng, chấp hành về căn bản những đường lối lớn của Đảng; thậm chí quan sát thực tế CCRĐ qua một lăng kính và một bộ lọc thông tin chính thống hoặc không xa chính thống. Mặt khác, cũng chính thực tế đó đã khiến ông không hòa giải được với Đảng của mình mà ngược lại. Số phận bất đồng chính kiến mà ông vừa bắt đầu đã đi tiếp những kịch tính của nó, để rồi dẫn đến Nhân văn-Giai phẩm không lâu sau đó mà tín hiệu rõ ràng nhất là truyện ngắn „Anh Cò Lấm“ viết về CCRĐ của ông, với bút danh Trần Bá Xá. Cuối tháng 1/1956, tạp chí Tổ quốc số 27 đăng truyện ngắn này. Đầu tháng 3/1956, cũng tạp chí này, số 30, đăng lời „Tự phê bình“ gay gắt vì đã „sai lầm nghiêm trọng“, không nhận ra „mánh khóe tinh vi“,„tính chất phản động“ của tác phẩm đó [5]. Nhân văn-Giai phẩm rất cần đặt chung với Cải cách Ruộng đất trong cùng một khung cảnh chính trị.
Những nghiệm thu của Trần Dần đặc biệt thú vị vì một mặt ông vẫn còn là một „cán bộ“ trong guồng máy tuyên truyền của Đảng, chấp hành về căn bản những đường lối lớn của Đảng; thậm chí quan sát thực tế CCRĐ qua một lăng kính và một bộ lọc thông tin chính thống hoặc không xa chính thống. Mặt khác, cũng chính thực tế đó đã khiến ông không hòa giải được với Đảng của mình mà ngược lại. Số phận bất đồng chính kiến mà ông vừa bắt đầu đã đi tiếp những kịch tính của nó, để rồi dẫn đến Nhân văn-Giai phẩm không lâu sau đó mà tín hiệu rõ ràng nhất là truyện ngắn „Anh Cò Lấm“ viết về CCRĐ của ông, với bút danh Trần Bá Xá. Cuối tháng 1/1956, tạp chí Tổ quốc số 27 đăng truyện ngắn này. Đầu tháng 3/1956, cũng tạp chí này, số 30, đăng lời „Tự phê bình“ gay gắt vì đã „sai lầm nghiêm trọng“, không nhận ra „mánh khóe tinh vi“,„tính chất phản động“ của tác phẩm đó [5]. Nhân văn-Giai phẩm rất cần đặt chung với Cải cách Ruộng đất trong cùng một khung cảnh chính trị.
Bản gốc các sổ ghi chép của Trần Dần vẫn được lưu tại
gia đình ông. Bản chụp tôi có trong tay nhiều đoạn không đọc rõ, sau đây được
kí hiệu bằng dấu [...]. Khi biên soạn những cuốn sổ ghi chép vốn không dành cho
công luận này, việc chọn, bỏ, sử dụng nguyên văn hay can thiệp vào văn bản, dù
chỉ là sửa chính tả, đều đặt người biên soạn trước những quyết định khó khăn,
nhất là khi phần ghi chép về CCRĐ của Trần Dần lại nằm tương đối không theo trật
tự thời gian trong 3 cuốn số khác nhau. Người biên soạn mong được sự thông cảm
và hi vọng khi toàn bộ di cảo của Trần Dần được công bố, dựa trên bản gốc dễ đọc
hơn, những sai sót nếu có trong văn bản sau đây chắc chắn sẽ được sửa lại.
Phạm Thị Hoài
000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000
Phần 1
Vụ tự sát ở xã Quốc Tuấn
1) Nguyễn Văn Cộng 47 tuổi. CCRĐ bị duyệt là bá, hôm
sau cả hai vợ chồng thắt cổ tự vẫn. Nghe bên nhà nó có tiếng động mạnh, cán bộ
chủ quan cho là trâu bò cọ mình, nên không sang.
2) Nguyễn Văn Ân. Nghi phú ông, tự sát. Bị đình chỉ
sinh hoạt. Ăn một bữa thịt chó cho sướng đời.
Những vụ tự sát như vậy – nhất là vụ 2 – không ngăn
ngừa được thì rất hại chính trị và sai chính sách. Cán bộ kiểm điểm: tả, thiếu
cảnh giác.
*
Chết vì bức tử
Ở Hoàn Long. Vợ cán bộ CCRĐ. Chị bị hậu sản, không
làm ăn gì được.
Tay sai địa chủ dọa dẫm: „Chị [...] ăn bám. Chị là địa
chủ rồi. Nay mai sẽ đấu, không ai đi lại chơi bời với nữa. Ra đường phải gọi trẻ
con là ông.“
Chị toan treo cổ mấy lần, chú và mẹ chồng biết, ngăn
lại được. Nhưng cứ bị dọa dẫm [...] đi đâu cũng không thoát. Rừng xanh núi đỏ
cũng bắt về đấu. Hoang mang mãi, rốt cục bị điên đầu bể óc. Hai mẹ con cùng chết.
Địa chủ như vậy. Khi chúng mất ruộng, chúng còn cố bắt
mạng của người ta.
*
Thuốc độc
Ở Quỳnh Côi địa chủ sai người bỏ thuốc độc ám hại cán
bộ CCRĐ và nhân dân. Trong 4 ngày 3 vụ liền.
Một vụ: chúng cho một em bé có 100 $, đưa em một cục
bằng quả chanh, bảo em vào chơi chỗ cấp dưỡng rồi tìm cách bỏ lẻn cục thuốc vào
nồi nước. Anh chị em cấp dưỡng vô tình, lại hay mến trẻ, đứa bé lên 10 kháu khỉnh
ngây thơ ngày nào chả chơi ở đó, ai mà chẳng yêu.
Em bé đánh rơi cục thuốc, vỡ ra, em chỉ nhặt có một mảnh
bằng ngón tay cái. Lừa lúc vô tình, em bỏ vào nồi nước.
Kết quả: 76 anh chị em cán bộ bị đi tả, nôn mửa mất 3
ngày, tưởng chết, – may có thuốc giã ngay từ hôm đầu, không có thì nguy.
*
Đem nhà ngói trả Nông hội
Ông cụ gàn dở bị nó dọa: nhà ngói này sắp đổ. Địa chủ
nó chết thành ma, nó quật đổ nhà chết người. Ông cụ hoảng quá đem nhà ra trả
nông hội.
*
Một vụ ám sát cả gia đình 7 người
Bọn Quốc dân Đảng giết cả một gia đình: 5 người con
nhỏ nằm chết ngang giường, người mẹ nằm dọc, cổ tím bầm cả, chắc là bị bóp cổ.
Người cha treo cổ kèo nhà. Khám thi thể không thấy hộc máu vãi cứt, tức là
không phải chết vì treo cổ, mà có vết tay ở cổ, chắc bị chúng bóp chết rồi mới
treo lên.
Ta mất với địa chủ 7 người, một gia đình nông dân, một
cái rễ tốt, một đầu mối biết rất nhiều về bọn địa chủ và Quốc dân Đảng ở đó.
*
Cảnh giác quá
Hội nghị họp ở Đình Bảng, đã giảm tô, bọn phản động
càng hoạt động dữ: cắt điện thoại, đốt nhà một lần, ném đá hai lần.
Có anh phê bình ngay Đoàn ủy là thiếu cảnh giác. Vậy
thì muốn có cảnh giác phải lên trời mà họp hay sao?
Một anh khác đóng ở một gia đình rất tốt. Anh em đi vắng,
chủ nhà cất ba lô vào buồng rồi khóa. Anh ta bị ám ảnh những địch, phản động nọ
kia, vội phê bình: ta mất cảnh giác cao độ! [...] Người ta gọi là cảnh giác
quá. Quá nghĩa là lố bịch, gàn, hoảng hốt.
*
Không mưa mà cũng có ếch
Khi thảo luận nội quy, chị X cứ thắc mắc về mục: „Thế
nhỡ anh ấy ở đoàn bạn, lâu ngày mới gặp thì có được đi nói chuyện với nhau
không?“.
Anh em can: Không nên đi một trai một gái nhiều quá.
Tuy là vô tư nhưng nhân dân có con mắt nghi ngờ, kẻ địch có cái miệng hiểm, đàn
bà có cái lưỡi bép xép, v.v…
Về sau ban đêm có hai cái bóng cõng nhau ngoài đồng.
Ì ọp mãi. Có anh thấy vắng chị ở giường, mãi sau chị mới về, thay quần áo ban
đêm. Anh đâm nghi, hôm sau báo cáo.
Dư luận nhân dân tức thì ngay hôm ấy có ngay câu:
„Không mưa mà lại có ếch. Ếch to lắm, cõng nhau ngoài đồng.“.
Về sau chị X mới kiểm thảo ra. Và dĩ nhiên chịu kỉ luật
của đoàn.
Chị X: mắt một mí, lông mi nhổ còn một vệt cong mà sắc,
hay hát „từng đoàn bươm bướm xinh, tung tăng cánh bay vờn…“, người thanh, mặt
trái xoan, mắt đảo như chớp, giọng nói uốn éo.
*
[...] figures
1. Đội trưởng Thái Hòa tên là ông Liễu. Người gày
đét, quần áo nâu bạc, khoác một cái vét ton tím, có giòng giọc trắng đã bạc, cổ
áo đã sờn, khuỷu tay áo rách lòi vải lót trắng. Mũ trắng phở. Đeo kính. Mặt khô
đét. Nhưng đôi môi dầy lúc nào cũng mở làm cho bộ mặt có cái gì dễ tính. Cả mặt
chỉ có đôi môi là có duyên. Cả mặt chỉ thấy môi. Thành phần gì? – Trung nông.
Quê đồng chí phát động chưa? – Chưa. Vậy thì cái trung nông ấy là có vấn đề đấy.
Đánh một cái dấu hỏi. Ông Liễu cười khì.
2. Đội trưởng đoàn giảm tô Vĩnh Phúc trước sát nhập sang
đây chỉ làm đội viên. Trên 40 tuổi. Mắt to, vuông. Mắt sâu vào lỗ, xong lại lồi
lên trong đáy, viền đỏ; khi nhìn cứ trờn trợn đôi mắt toét lên, lông mày nhấp
nháy, đôi môi mỏng mà sắc, hai mép nhọn hoắt cứ mấp máy, bộ mặt tuy xanh vàng
nhưng có lẫn những vầng máu đỏ nó tụ lên, cổ khoác khăn mặt, quần áo nâu mới,
dáng cứng, tất cả toát lên một cái vẻ gì hào lý cũ. Ăn nói sang sảng, gọi người
trống không. Có ai thắc mắc gì không? – Không đâu, nhưng tổ tôi có lẽ có anh
Tôm anh Tiếc gì đấy thắc mắc sát nhập gì đó… Phải không?… Có thì nói lên… Nhưng
không ai nói cả… Ông ta cười.
Bên kia làm đội trưởng, sang đây làm đội viên, ông ta
có thắc mắc ngầm nhưng không nói, định xui bẩy đội viên khác nói. Phát biểu ra
vẻ đành hanh, kiểu ta đây biết rồi: – Kinh nghiệm bên Quỳnh Côi thế này là ổn lắm…
Chứ đây thì…
Làm ra vẻ không có thắc mắc, càng cố tích cực. Ban
sáng, xắn quần gánh một gánh nước đầy về cho anh em rửa mặt. Đấy, nước đấy các
cậu ạ… Chiềng hết người này người nọ.
Hội trường kém 7 đầy 5 nghìn người, mà ông ta đề nghị:
ra từng đội, hết đội này đến đội khác cho nó có trật tự! Người ta phản đối, vì
lâu quá, mất 4,5 tiếng đồng hồ sao? Ông ta nhất định giữ ý kiến: cần phải trật
tự. Người ta có cảm tưởng ai làm việc với ông ta sẽ bị biến thành con cờ gỗ,
tùy ông xếp đặt cho nó đẹp mắt, gọn gàng, khỏi lung tung có vấn đề gì lôi thôi
cho ông ta.
Tôi xin thảo luận, theo tôi thì anh em ở cải cách mới
có biết chứ chúng tôi ở giảm tô thì biết sao được. Mà theo Đảng ủy thì bảo rằng
bên cải cách là chính cơ mà.
Phát biểu gì là có tính cách thay mặt anh em Vĩnh
Phúc. Kiểu anh chị. Hay cãi. Hay chối. Hay chiềng. „Sở dĩ tôi nói thế là vì… Ý
tôi là thế này cơ… Đấy tôi làm việc ấy đấy…“
*
Gọi „bà Quản“ là mất 5 cân gạo
Đội vừa về, đi đâu thấy dân đang nói chuyện bỗng im
thin thít. Mãi sau mới là vì có tin tung ra đội phát động về, hễ ai gọi ông bà
là bị phạt 5 cân gạo. Thành ra dân sợ, giữ mồm miệng. Nếu nói kiêng thì phải
kiêng nhiều lắm: Ông Quản, bà Lý, ông Hào, cụ Thơ, ông Chánh, bà Giáo…
Đã biết ai là địa chủ ai không mà tránh? Đâu mà đã dễ
đổi giọng lưỡi, hôm qua ông bà, hôm nay thằng ngay? Đó là tâm lý của nhân dân.
Chi bằng giữ miệng là hơn.
*
Vụ lựu đạn Xã Cảnh Hưng (Phủ Từ Sơn)
9 người chết, 39 người bị thương. Đang hội nghị, nhân
dân thì bị ném lựu đạn. Sau bắt ra thủ phạm: con địa chủ, là học sinh, mới ở Hà
Nội về.
*
Cấm thoái tô
Chúng cấm không địa chủ nào được thoái tô cho nông
dân. Một địa chủ xin ta về sớm mai sẽ trù tính thoái tô. Chúng lẻn ban đêm vào
bóp cổ cả hai vợ chồng địa chủ này; xong đem lên gác, buộc thừng vào cổ, chằng
hai đầu vào hai tay, xếp hai vợ chồng sóng soài trên sàn gác, làm như họ tự vẫn.
Chúng giết lẫn nhau để cảnh cáo nhau và để vu cho cán
bộ ta.
*
Lương giáo
Lương giáo gặp nhau, tránh vào ngõ, rẽ đường khác.
Đang ngồi hàng bỏ đi. Không thèm nói với nhau một câu nào.
*
Giết rễ
Ông cụ đi đồng về. Vợ đang phơi thóc ngoài sân. Ông cụ
ngả nón vào buồng định nghỉ hút điếu thuốc. Lát sau bà vợ vào thấy chồng nằm thẳng
cẳng. Trên mái nhà có một lỗ hổng.
Chúng rỡ mái ra vào bằng đường ấy, giết mất ông cụ.
*
Ta khác địa chủ
Một anh cán bộ X thấy tịch biên gia sản của địa chủ,
lại tịch thu từ cái tã của con cái nó. Anh thương lắm.
Anh Y bảo: Thường gì nó? Nó có thương con cái nhân
dân mình đâu?
Anh X đáp: Tôi nghĩ ta khác địa chủ ở chỗ đó. Những đứa
bé con kia có tội tình gì? Chúng nó giết trẻ con. Chúng ta cứu trẻ con chứ, Mà
phải cứu cho trẻ con thoát cả khỏi ảnh hưởng bố mẹ nó nữa chứ.
*
Không đem xe đạp – Ông tỉnh đội trưởng không biết gì
Trước khi đi, ông tỉnh đội trưởng không biết nghe đâu
về nói ầm ầm với anh em những đi cải cách phải mặc quần áo nâu, không được mang
theo xe đạp… Ông ấy gắt ngậu lên cơ mà. Đem xe đạp đi mà nát nông dân à?
Thế là có anh gửi, có anh bán xe đáng 8, 9 vạn chỉ
bán 6, 7 vạn thốc tháo đi. Tới nơi mới thấy là không có xe đạp thì khổ quá
[...] dại quá, nghe ông tỉnh đội trưởng không biết gì ấy đâm ra khổ. Phàm ở đời,
những anh không biết gì lại là những anh ngậu xị, nhắng nhất.
Gắt: Đi cải cách mà ăn vận công tử vậy à (quân phục mới)?
Xe đạp với xe điếc, đem đi người ta lại đuổi về cho ấy à? Đừng có làm xấu hổ tỉnh
đội ta đi. Tôi xin các ông, các ông miễn cho cái món xe cộ xa xỉ ấy đi cho. Ba
cùng mà lại còn kè kè cái xe bên cạnh sao? Giải quyết thế nào á? Gửi đi… Bán
đi… Chiều nay là lên đường rồi… Lại còn coi cái xe hơn là cải cách sao?…
*
Gánh củi đi nhanh
Cán bộ ba cùng với một anh làm nghề đốn củi rừng bán
kiếm ăn. Ban sớm đi theo anh vào rừng. Anh ta đi thoăn thoắt, cán bộ theo không
kịp, một lát thì thấy mất hút, vào rừng tìm mãi mới thấy anh ta thì bó củi đã
to rồi. Cán bộ đẵn giúp ít cành, cũng chưa kịp phát động gì cả. Anh kia bó vội
thành hai bó, xâu đòn gánh chạy về. Cán bộ đuổi theo không kịp. Loáng cái lại mất
hút. Cán bộ nghĩ có lẽ anh ấy sợ cán hộ hay sao? Có vấn đề gì mà cứ lẩn như vậy?
Mãi sau mới biết: chỉ vì anh ấy không có gạo, phải vội
đi vội về, bán củi lấy tí gạo mà ăn.
*
[...]
Cạnh thị xã Bắc Ninh. Hơn 4000 người/ 43 địa chủ.
Một tên giả điên cầm dao đi các xóm thực hiện âm mưu
đe dọa, phản tuyên truyền, của địa chủ. Một ông cụ trung nông, gù, mất
lao động, ăn nhờ gia đình bị đe dọa là Việt Minh sẽ đấu, coi là địa chủ. Ông hoảng
hốt định tự vẫn.
Bọn phản động bàn nhau giết hai tên đã già mà hay
hoang mang của chúng (Côn và Mưu). Để khi đội về sẽ tố cả vào hai tên đã chết ấy.
Con giai giết bố (Tuân)
Tây: như nắm tay co vào rồi sẽ duỗi ra. Nhân dân đấu
địa chủ. Tây về, địa chủ lại đấu nhân dân. Ai có tội, ngụy quân ngụy quyền v.v…
Việt Minh nó sẽ đấu hết. Chào thầy Cai,… Chết bà mất lập trường rồi.
*
Đấu tên Bút
Anh Bông là một anh em họ, làm thẩm phán. Anh nói đến
một tiếng đồng hồ để thanh minh sự liên quan của anh với tên Bút. Quần chúng xì
xào, anh em với nó thì kể lể gì? Ai cũng sốt ruột. Cán bộ véo anh Bông hai lần,
véo cái nào Bông càng thanh minh dài dòng mãi. Trời nắng nhễ nhại. Cuối cùng
Bông cũng im, hết lời lải nhải.
Trong khi đấu, tên Bút cứ nhìn lên trời. Anh Bông tố.
Xong hỏi, Bút, mày có nhận không? – Dạ thưa ông, bố ông chết tôi phải chôn, mẹ
ông đi lấy chồng tôi phải rước ông với các con ông về nuôi. Ông tố vậy, chúng
tôi xin nhận là có ạ. Xong nó lại nhìn lên trời cười ha hả.
Quần chúng có người cười. Có người mắng: Lại còn cười,
mất cả lập trường. Có người chửi sư thằng phản động. Có người trách: Cái anh
Bông mới dại chứ! Mà sao thẩm phán cứ ngồi im cả thế kia! Nắng quá càng thêm
khó chịu.
Kết quả: phải ngừng cuộc đấu lại.
[1] Vì những tội: 1) cùng 5 văn nghệ sĩ khác đệ trình „Dự thảo
đề nghị cho một chính sách văn hóa“ yêu cầu tự do sáng tác và sửa đổi chính
sách quản lý văn nghệ trong quân đội; 2) quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc
Khuê bất chấp sự phản đối của các cấp lãnh đạo; 3) viết đơn xin giải ngũ và đơn
xin ra khỏi Đảng. (Các chú thích trong bài đều của người biên soạn.)
[2] Nhà văn Hoàng Yến (1922-2012). Bài viết được nhắc tới là
bài „Tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?“ viết ngày 28/2/1955, đăng trên tập
san Sinh hoạt Văn nghệ số 35, báo Văn nghệ và báo Nhân dân. Xemtalawas,
9/7/2005.
[3] Nhà văn Văn Phác (1926-2012). Ở thời điểm năm 1955, ông
là Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội, cơ quan của Trần Dần. Sau này ông
trở thành Bộ trưởng Văn hóa, Ủy viên BCHTƯ Đảng, đại biểu Quốc hội.
[4] Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác (1928-2013)
Vụ án con giết bố
Phần 2
Án mạng
Ông Tuân treo cổ xà nhà bếp. Ngang tai có vết chém.
Chân lại chạm đất.
Có trưởng ban công an Tuế, có phó chủ tịch Hoành làm
biên bản. Có anh Thụ, vợ và mẹ (tức là vợ ông Tuân). Có cả cán bộ đội cải cách
vừa mới về xã.
Tuế cứ hỏi: „Mày giết cha phải không?“
Thụ tái xanh tái xám vâng vâng dạ dạ.
„Mẹ mày với mày bàn nhau giết tên Tuân để tránh vạ phải
đấu phải không? Bố mày là cường hào ác bá sắp phải đấu, chúng mày giết đi để mà
trốn thoát đấu tranh của nhân dân phải không?… Chúng mày sợ bị tịch thu trâu bò
ruộng đất, sợ bị tù tội liên quan?“
Anh Thụ với người mẹ nhận hết.
„Nếu mà nhận thì ký vào đây.“
Anh Thụ ký. Người mẹ điểm chỉ.
Nghi vấn
Ít hôm sau cán bộ cũng coi nhẹ chuyện đó. Cho là gia
đình ông Tuân sợ bị quy là cường hào, nên thủ tiêu ông Tuân đi cho xong.
Nhưng án mạng có nhiều cái vô lý:
Vết chém ở tai đúng là do anh Thụ. Nhưng nguyên vết
chém ấy không chết được. Vậy nên mới đem treo cổ, nhưng treo cổ chân chạm đất
thì cũng không chết được. Vậy thì tính ra chết vì cái gì?
Bức thư trong túi ông Tuân: „Tôi chết đi để cho nhân
dân đừng có nghe bọn thằng Tố, thằng Hồ, thằng Sang chúng nó vu sằng vu bậy.“
Vậy là ông Tuân tự vẫn.
Nhưng nếu vậy sao lại có vết chém của anh Thụ? Hay
không phải anh Thụ chém? Hay bức thư là viết trá?
Nếu bảo ông Tuân tự tử vì lý do sợ bị quy là cường
hào thì cũng còn hơi có lý. Nhưng nếu thế sao lại có vết chém? Không phải anh
Thụ chém thì ai? Mà tại sao anh Thụ lại nhận tội giết cha?
Nếu bảo anh Thụ giết cha thì chém cũng chưa đủ chết,
treo cổ chân chạm đất thì cũng không đủ chết. Mà vì sao lại giết cha? Anh ta
khai là vì „căm thù“, nghe nó vô lý lắm. Hay là sợ bị đấu thì bố chết đi cho rảnh
để khỏi bị đấu? Hay là vì gia tài? Nhiều giả thuyết. Nhiều uẩn khúc.
Kết luận
Đây là một án mạng mờ ám. Anh Thụ cũng có dính tay
vào, nhưng còn nhiều đứa khác nữa. Chưa biết đứa nào là thủ phạm, là tòng phạm
v.v… Nhất định có vấn đề chính trị ở trong.
Dư luận nhân dân
- Nó là cường hào nên nó chết thôi.
- Bố nó hung tinh chiếu mệnh.
- Nó sợ bị đấu nên nó chết.
- Vợ con nó sợ liên quan nên giết nó đi để tránh vạ…
Phát động anh Mang
Trước có đi ngụy. Có khổ có thù.
Cán bộ tới hôm đầu, anh ta đang ngồi trong nhà. Cán bộ
hỏi, anh ta chỉ đáp gióng từng câu một. Cán bộ nói đả thông về „liên quan“, „ngụy
binh“ v.v… Anh kêu: „Ruộng cạn rồi em phải đi tát nước.“… Đi.
Hôm sau anh ta đang nấu cơm, con đang băm bèo cho lợn.
Đổ bèo nấu bị vương ra ngoài, anh ta mắng. Cán bộ giúp đứa bé.
„Sớm anh đi đâu?“
„Em đi tát nước về. Bây giờ thủi cơm ăn…“
Câu chuyện một lúc về địch trước kia giết hại dân
làng, anh bắt chuyện. Nó đánh người này, giết người kia. Bỗng có nói tới ông
Tuân. Cán bộ bắt lấy: „Ông Tuân làm gì mà Tây nó cũng bắt?“
„Ông ấy trước có giấu cán bộ đấy.“
„Giấu thế nào?“
„Nhà ông ấy có cái hầm cho cán bộ ở.“
„Ông ấy có đi báo Tây bắt cán bộ bao giờ không?“
„Không. Ông ấy giấu cán bộ tốt lắm, Tây bắt cán bộ được
ở đâu thì bắt, chứ chưa bao giờ bắt được ở nhà ông ta. Ông ấy nhường hầm cho
cán bộ rồi bố con lại lủi đi kiếm hầm khác.“
„Trước ông Tuân có bao nhiêu ruộng?“
„Trước chả có gì, sau hai vợ chồng với đứa con đi mãi
đâu làm trại gì, về mới được 7 sào. Bây giờ thêm ruộng làng cho với người chị
nào, nên tất cả có hơn 2 mẫu.“
Cán bộ đặt vấn đề: 2 mẫu! Vậy có thể ông Tuân không
phải là địa chủ.
Mãi một hôm cán bộ đi về, anh Mang chạy theo chân ra.
Tới chỗ giàn bí rất dày, anh Mang kéo cán bộ lại. Cán bộ theo anh ta vào một
quãng kín ở giàn bầu.
„Bây giờ em mới dám nói, em nghi ông Hoành lắm. Vì em
đang ở ngoài đồng thì ông ta bảo em là du kích mà chẳng biết gì. Em bảo biết gì
cơ? Ông ấy bảo sao làm du kích mà không ngăn thằng Tuân nó chết rồi. Em sửng sốt
nó chết làm sao? Em làm du kích làm sao biết được mà ngăn nó? Ông Hoành nói nó
là cường hào, nó chết là nó trốn khỏi sự đấu tranh của nhân dân rồi. Du kích thế
là khuyết điểm. Em nghi ông Hoành lắm. Việc gì là ông ấy cũng biết cả.“
Cán bộ hỏi: „Tuân hắn chết ai mà chả biết?“
Anh Mang nói: „Nhưng em vẫn nghi ông Hoành lắm, vì
ông Tuân chết lúc 1 giờ chiều. Mà khi đó đang trưa, trời chưa đứng bóng, chưa đến
12 giờ. Vậy mà sao ông ta lại biết trước?“
Cán bộ thấy có lý. Hỏi thêm anh Mang về Hoành. Anh
Mang không nói được gì, cán bộ lại biết là anh ta lo liên quan. Sau cán bộ hẹn
đến mai và bảo anh Mang nghĩ xem có những ai biết rõ về ông Hoành thì giới thiệu
ra. Anh Mang nói một số người, bà Bít, anh Diễm v.v… Bảo: bà Bít ở cạnh nhà đấy,
biết rõ chuyện tên Hoành, nhưng bà ấy có dây dưa liên quan gì ấy. Cán bộ biết
anh Mang vẫn bị ám ảnh điểm liên quan…
Phát động bà Bít
Bà Bít ở gần nhà Hoành. Cán bộ đến một lát thấy bà biến
mất. Lại đến…
„Chúng em sắp sửa dâng sao!“
„Vì sao phải dâng sao hử bà?“
„Thày Ngô bảo thế. Làng độ này động đất vì đội cải
cách về, đất đá cứ tung lên bôm bốp cả ngày cả đêm, không cúng rồi thì sụp đất
chết cả.“
„Thế trước kia có dâng sao không?“
„Trước kia thằng Tây còn đóng thì chỉ lo chạy là hết
năm hết tháng, còn thì giờ đâu mà cúng lễ.“
„Thế trước có động đất không?“
„Không có bao giờ.“
Thế là phát hiện vấn đề thày Ngô. Biết thêm Hoành trước
kia hay đi Hà Nội, ông Thiệu gì đó, ông Hoành thì bạn bè nhiều lắm, ông quan
hai nọ, ông đồn trưởng kia… Ăn uống, vặn kèn hát.
Nòng cốt
Tiến tới một loạt rễ, chuỗi. Quần chúng nói nhiều về
Hoành, Tuế. Hoành nó hung hăng, Tuế nó thâm hiểm hơn.
Xác định được: ông Tuân là trung nông.
Phát động anh Thụ
Anh Thụ bị giam ở công an Bắc Ninh, chân bị cùm. Cán
bộ tới giải thích mãi. Anh cứ bảo vì em căm thù nên em giết bố. Bố là cường hào
gian ác. Cán bộ giải thích: Nhất định nhà anh là thành phần trung nông, nhân
dân xác định rõ ràng rồi. Nhất định cái việc giết ông cụ đây không phải là do
anh, mà là anh mắc mưu bọn địa chủ. Chúng nó lừa gạt, bắt ép anh, đó là tội của
chúng nó. Anh căm thù thì nói hết ra, đấy là căm thù, trả thù cho bố, vạch bọn
phản động ra, sẽ trừng trị chúng nó. Còn anh thì kiên quyết tha bổng, chỉ vì
anh mắc mưu chúng nó thôi. Không sợ nó trả thù, vì mình trừng trị nó rồi thì
còn sợ gì! Anh có nói ra thì mới trả thù được cho cha, lại gỡ được tiếng giết bố…
Thụ gục đầu lên bàn khóc. Ối trời ơi. Không nói gì cả.
Bỏ cùm xích cho Thụ.
Hôm sau lại khêu gợi tình cha con, tình vợ chồng (trừng
trị được bọn phản động anh lại về được với vợ, cùng sum họp, anh Thụ rất yêu vợ,
vợ chồng trẻ). Lại nhấn mạnh: khoan hồng, không sợ trả thù…
Mãi sau Thụ nói: „Chính thằng Hoành nó xui tôi giết bố
tôi.“
Thụ đang ngoài đồng, Hoành gặp, nói chuyện: „Cậu đã
biết gia đình cậu thế nào chưa?“
„Chưa, thế nào?“
„Hôm qua họp cán bộ đã xác định bố cậu là cường hào
gian ác, nay mai sẽ đem ra đấu. Tớ thương cậu lắm. Cậu đã ở vùng tự do cậu biết
chứ gì. Địa chủ thì gặp từ đứa bé con cũng phải gọi là ông. Vợ cậu nó sẽ bỏ cậu
nó đi. Trâu bò ruộng đất tịch thu hết. Cậu sẽ khổ lắm.“
„Trời, thế làm thế nào?“
„Bây giờ chỉ có một cách là làm thế nào bố cậu chết
đi, thế thì chẳng còn đấu chẳng còn truy gì nữa. Chết rồi thì còn đấu ai?…
Nhưng mà cậu vẫn còn bị liên quan… Nếu mà cậu tự tay giết bố đi thì mới tỏ ra
căm thù địa chủ, dứt khoát đấu tranh, đứng về với nhân dân. Tớ thương cậu lắm tớ
mới bầy cách cho…“
Cách mấy hôm, Thụ gặp Hoành đầu nhà.
„Hôm nay chuyển kho thóc đây. Chuyển xong, mai là đấu.
Cậu về phải làm ngay đi, không có thì chậm hỏng cả. Nếu tự cậu làm không xong
đã có chúng tớ giúp.“
Thụ cầm con dao 10 lần buông ra, nước mắt ròng ròng.
Bố đau bụng nằm trong nhà quay mặt vào. Thụ chém một nhát, buông dao chạy đi.
(Chưa rõ: sao lại treo cổ?)
Lần khác, Thụ lại nói thêm: Không rõ ai treo cổ. Thụ
chạy lên nhà trên ôm mẹ khóc. Còn nghe tiếng bố: „Không phải giết tao nữa, tao
sẽ chết thôi. Không phải mày giết tao đâu, con đừng sợ.“ Không biết ai treo cổ.
Chỉ thấy vụt một cái quần đen ra cửa sau chuồng trâu.
Tất cả 4 lần mới khai được thế. (Chưa rõ: lý do nào
giết bố…)
Cán bộ
Được đến thế cán bộ đội đã thú vị, thoả mãn. Đề nghị
trên cho bắt Hoành, tấp tểnh đem đấu. Đoàn ủy đồng ý cho bắt, nhưng còn tiếp tục
chuẩn bị. Nòng cốt chưa vững, chưa xâu chuỗi ra quần chúng rộng rãi. Vụ án chưa
điều tra minh bạch. Đội phải tiếp tục điều tra thêm, và phát động quần chúng rộng
nữa.
Nhiều cán bộ lảu bảu, còn minh bạch thế nào nữa?
Phát động vợ Thụ
Vợ Thụ lại về với chồng. Cán bộ giải thích, định dùng
vợ Thụ để phát động chồng.
Hôm hai vợ chồng gặp nhau (đội đã xin công an cho Thụ
về xã), cứ vợ ra chồng lại vào, vợ vào chồng lại ra. Cứ tránh mặt vòng quanh
như đèn cù. Cán bộ thân mật: „Vợ chồng bây giờ chị ấy về rồi thì phải hỏi han
chuyện trò chứ lại cứ thế thì còn ra làm sao nữa?“ (Nói thân mật như anh em vậy.)
Sau hai vợ chồng ngồi trong nhà, vợ thủ thỉ: „Em xin
lỗi vì em ngỡ bố là cường hào nên em bỏ em về, bây giờ mới vỡ lẽ là không phải,
thì ra là âm mưu địa chủ nó chia rẽ gia đình ta, em lại về với anh. Thì anh có
những điều gì bí ẩn nên nói ra cả đi, cho vợ chồng lại sum họp một gia đình,
trung nông thôi chứ có phải cường hào ác bá gì mà cứ im đi là mất lập trường,
bênh cho chúng nó chẳng có lợi gì mà chỉ hại cho mình, thù cha không trả được,
vợ chồng không được sum họp làm ăn. Cái tiếng giết cha bao giờ rửa được, vợ chồng
xa cách em khổ tâm lắm.“
„Nhà mày biết gì, thôi đi, có gì tao nói với cán bộ cả
rồi. Mi cứ kệ tao…“
Về sau Thụ cũng nói được thêm: Trước kia, bố Thụ bắt
Thụ đi học ở trường huyện. Thụ không thích học, cứ bét lớp, khổ lắm, học dốt,
xa vợ. Sau Thụ xếp quần áo lên Hà Nội tìm đến tên Thiệu là chú xa xin việc. Thiệu
làm ở Phòng Nhì. Thiệu bảo cứ ở xã, có gì thì báo: du kích, Việt Minh, là có
ăn. Thụ bảo mỗi lần biết lại lên Hà Nội báo thì xa quá. Hắn bảo, ở xã cũng có,
cứ báo cho Tuế, Hoành, cũng là người của ta cả đấy. Thụ về làng, nhảy xuống ruộng
lấm bết, nói dối bố là bị Tây càn nên chạy về. Hôm sau ra đồng thì gặp Hoành
toe toét: „Hôm qua cu cậu xin việc ông Thiệu được chưa?“
„Sao ông biết?
„Việc gì tao chả biết, bây giờ mày có tên đây cả rồi
nhé. Phải bí mật không có mất mạng toi.“
Về sau Thụ cũng không có hoạt động gì.
Cán bộ hỏi: „Vậy khi nó xui cậu giết ông cụ thì nó có
đem chuyện ấy ra doạ ép không?“
„Có, nó bảo mày không giết bố mày không thoát được. Bố
mày là cường hào, người ta đấu sẽ lòi cả mày ra có ghi tên ở Phòng Nhì thì mày
chết…“
Như thế là về Thụ đã khá minh bạch. Bản thân Thụ có yếu
điểm ấy nên mới bị chúng nắm lấy doạ nạt, cưỡng ép làm điều bất nhẫn.
Phát động bà Tuân
Cúng 3 ngày ông Tuân. Cán bộ đến đang cúng Ớ nhà trên.
Bà Tuân với họ hàng vội kéo nhau xuống bếp ngồi lo xo với nhau. Cán bộ giải
thích cứ cúng chứ không sợ gì. Chuyện này xảy ra thực là khổ, không những là một
cái tang của gia đình mà cả làng cả đội ai cũng thương xót.
Bà Tuân cho biết: „Trước khi đội về mấy ngày, tên
Hoành có đến với nhà tôi. Ở nhà trên nói chuyện những gì tôi cũng ở đó. Tên
Hoành bảo là kiểm thảo thành khẩn đi. Còn những đoạn bóc lột, tội ác sao không
ghi vào. Ông nhà tôi cứ vùng vằng, bảo rằng thế này thì ức nhau nhiều quá. Xong
Hoành bảo đi nhà khác cho dễ, chỗ này đàn bà… Đêm về cứ thấy ông nhà tôi thở
dài… Nước mắt ràn rụa. Ức quá ức quá… Loáy hoáy viết. Khéo tao chết mất thôi mẹ
mày ạ…“
Mở rộng ra trung nông
Họp nòng cốt mở rộng trung nông. Công việc CCRĐ cứ tiến
hành, không phải vì vụ án mà ngừng lại. Mà cũng không quên vụ án, cứ phát động
quần chúng lên, làm cả hai việc điều tra vụ án và CCRĐ.
Hoành bị bắt, phong trào đã lên một ít. Nòng cán vững,
tích cực nhiều, trung nông nhiều. Trong cuộc họp một ông cụ cho biết: người con
đánh giậm có vớt đưọc 2 bộ quần áo dính máu đem chôn rồi.
Trong cuộc họp tên Vịnh, mù mắt ngồi dưới ngọn đèn
bão sáng, nghển cổ vểnh tai về từng phía từng người phát biểu. Cuối cùng lão đứng
lên: „Phen này bà con ta cương quyết đoàn kết đánh đổ hết bọn địa chủ đi, giành
lại ruộng đất về ta bà con ta.“
Chỉ thấy lẹt đẹt mấy bàn tay vỗ, còn cả hội nghị
không ai hưởng ứng.
Anh Mang: „Ông nói thế thì hỏi ông ai là người đi
lĩnh canh 36 mẫu, cho quá điền 20 mẫu, còn 16 mẫu tự làm. Vậy là đánh đổ ai?“
Anh Diển: „Chính ông là Vịnh lĩnh canh 36 mẫu còn ai?
Vậy mà còn hô hào được ai nữa?“
Phát hiện ra tên Vịnh địa chủ quá điền. Quyết nghị:
Khai trừ Vịnh, không cho đi họp với bà con. Về sau lại phát hiện ra địa chủ
Dương, thày cúng Ngô. Nhân dân đề nghị khai trừ cả hai khỏi cuộc họp. Cán bộ
nghiên cứu đồng ý khai trừ Dương. Còn thày Ngô thì đem ra nhận xét.
Bà con tố: Hắn đi lại làm tay sai cho bọn Hoành, Tuế.
Hắn bày những trò dâng sao, động đất. Hắn lấy một người mẹ xong lại ngủ với cả
con, lấy cả hai mẹ con. Về sau, theo đề nghị của cán bộ thì vẫn cho tên Ngô họp
với bà con, vì hắn chỉ là tay sai, để mở đường cho hắn ăn năn hối lỗi, nếu hắn
đấu tranh tích cực vạch tội bọn kia thì nhân dân sẽ tha thứ, bằng không sẽ xử
trí sau. [...]
Phân hóa tên Ngô
Cán bộ biết hôm sau thế nào Ngô cũng đến. Quả nhiên.
Mời ngồi ghế, uống nước tử tế. Giải thích chính sách khoan hồng. Vạch đường cho
hắn, không sợ trả thù, biết điều gì thì tố ra. Đảm bảo cho hắn là sẽ không phải
tội gì.
Mất một buổi sớm. Sau hắn nói: „Tôi nói liệu có phải
tội không?“
„Nói thực thì tha cho.“
Hắn khai: Tuế, Hoành, Dương, Ích v.v… là cả một bọn
Quốc dân Đảng. Trước khi đội về, chúng họp, có gọi Ngô đến. Ngô đến chúng đã họp
rồi.
Đến mục Ích nói: „Tôi sợ phen này tôi thế nào cũng bị
địa chủ rồi. Ruộng sờ sờ chứ không như các bác. Tôi sẽ bị đấu thôi.“
Tuế bảo: „Không lo. Hãy về xem còn mấy thằng thiếu
thóc tô thì thí cho chúng nó. Xem ra cũng chả có mấy thằng. Một mặt ta lên Đồng
Nang tháo nước cho ruộng cạn, chúng phải đi tát không còn thì giờ họp hành. Chú
Hồ thì cố lấy cắp thóc gạo, cho chúng hết gạo, lo mất gạo ăn thì cũng lơ là họp
hành, hoặc chúng đi họp ít đi, nhà có hai đứa phải một đứa gác nhà, một đứa đi
thôi. Rồi ném đất ném đá, tung tin động đất, chú Ngô bày việc cúng tế. Một mặt
giết tên Tuân, nó già rồi chết cũng đáng, để nó sợ nó tố, em nó đi cải cách về
anh em thì thụt thì nó nói lộ hết. Xong ta quy nó là cường hào. Như vậy cũng chả
lo gì. Cái bọn cán bộ, như cái thằng gì bụ sữa hôm qua họp sản xuất với nhân
dân chẳng nói ra lời, ngữ chúng chẳng lo gì. Cứ vậy mà làm…“
Một lần khác, sau khi giết ông Tuân được 2 ngày,
chúng lại họp một lần nữa. Bàn thêm: Giết Thụ, giết Diệm, Mang. Mày không dám
giết Thụ thì tự tao giết cho.
Phân hoá thêm mãi Ngô lại khai: Hôm đó Ngô đến Tuế
than phiền ông Sang bảo đem tiền vàng hương mãi chưa thấy. Nói chuyện loanh
quanh, Ngô bảo, quái, sao Thụ nó chém có một nhát vậy mà ông Tuân chết? Tuế cuời:
„Thụ chém nó có chết đâu. Mình phải ra tay đấy…“
Đào đất tìm 2 bộ quần áo đẫm máu. Phân hoá nữa, tên
Hoành thú nhận. Bắt Tuế.
Diễn lại vụ án
Thụ chém xong, Hoành, Sang nhảy vào đè ông Tuân xuống,
thọc con dao nhọn vào vết chém đâm sâu vào thái dương, ông Tuân ọc ọc rồi chết.
Hoành, Sang khiêng xuống bếp, treo cổ. Hoành chạy đi. Sang chạy ra cản nhân
dân, xem giấy không cho vào.
Phần 3
5 sào là bần. 1 mẫu là trung. Tới mẫu rưỡi là phú. Mẫu
rưỡi trở lên là địa.
Ai có tội thì ta cứ nói ra. Nếu là địa chủ thì ta
đánh, nếu là phú nông thì ta liên hiệp, nếu là trung nông thì ta đoàn kết.
[...] Vào nhà trung nông chỉ ngấp ngỏm chân trước chân sau, chén nước cũng
không uống cho hết, câu chuyện chẳng buồn nói cho xong. Hỏi rằng cái thằng quan
hai là một chức to rồi mà anh ta còn giết được thì có gì mà liên quan. [...] Cả
thôn sống bằng lương ngụy binh. [...] Nghe nói đội cải cách về các em rất mong
chờ, các em rất là xu hướng. Chị này nói lên là: Em mà không bị chỉ điểm bắt một
tháng thì em còn trong sạch nhất làng cơ. Cãi lại xã đội vô kỷ luật. Vợ: Nhà em
thì nó đần độn lắm biết gì mà hỏi, có thì hỏi mẹ em với em ấy. Em xin thú thực
với anh là em cũng có liên quan. Em là cháu thằng địa chủ Phái, nên hồi giảm tô
em không được vào Nông hội.
Liên quan hai ba bề chứ không phải một bề. Tôi có lên
tôi xé xác cái thằng địa chủ ấy ra chứ bà con lại bảo tôi liên quan. Bây giờ đội
về con lại cắn nhá mẹ: đấy, con bảo mà, giữ của địa chủ bây giờ liên quan.
[...] Liên quan em địa chủ thì cắt sinh hoạt. Vợ con khóc vì sợ liên quan, gặp
đội cứ lủi, đầu cúi đi cum cúp, không tránh được thì chắp tay lạy.
*
Con địa chủ lấy ai?
Cả làng chả ai thèm mó tới. Có nhà 5 chị nhoai nhoai
ra cả rồi, chị lớn 24, cô bé 17. Của ấy rồi mõm cả ra thôi. Chúng lại phải mõm
nhau. Địa chủ lấy địa chủ. Hễ cứ bị quy là địa chủ là con gái dâu nó bỏ về, hoặc
con trai rể nó bỏ đi. Nhiều vụ lấy cớ là địa chủ mà bỏ nhau.
*
Không lấy địa chủ
Một đám cưới đang cưới. Nhà gái lo sao cứ nhũng nhẵng,
không chịu cử người nào ra làm lễ tuyên bố. Mà cứ thấy túm tụm, xì xào, bàn bạc,
lằng nhằng. Mãi sau một bà mới dài mồm ra: „Nghĩa là thưa bà con, chẳng phải là
chúng tôi phản hôn. Dưng mà cái thời thế này cần phải cẩn thận, thân con gái chỉ
có một lần…“
Đám cưới biết có chuyện khó khăn. Bà ấy vào câu chuyện:
„Số là họ nhà gái chúng tôi hôm qua mới nhận được một cái thư có nói về thành
phần của chú rể. Thì chúng tôi rất là hoang mang nghi ngờ. Cho nên chúng tôi rất
là khổ tâm khó bề cư xử. Nhỡ ra rồi lại thông gia liên quan thì khổ cho con gái
chúng tôi.“
Họ nhà giai, bạn bè nhà giai là các nhà giáo (vì chú
rể chính là một nhà giáo) mới giải thích mãi. Các nhà giáo nói thì dài lắm, lằng
nhằng, lý sự, ai không nghe cũng phải cố mà nghe (dù rằng nhiều khi nghe không
ra).
Họ nhà gái căn vặn mãi đến điều: Thế ông nhà ta làm
gì? Thế nhỡ ông nhà ta là địa chủ thì có liên quan không? Chù rể đã đi làm với
chính phủ rồi thì liệu có sao không? Tại sao không lấy vợ ở quê (Phú Thọ) mà lại
lấy vợ ở mãi Thái Nguyên này? (Nhà gái nghe thư bảo là anh ta vì thành phần nên
ế vợ, ở quê nhà không gái nào thèm lấy, mới phải đi mò ở xa!) Vân vân.
Các nhà giáo uốn lưỡi khoa môi. Và dĩ nhiên lưỡi một
nhà giáo bằng 2, 3 lưỡi đàn bà, thì ở đây số nhà giáo còn đông hơn nhà gái, cuối
cùng các nhà giáo giúp được chú rể khắc phục mọi khó khăn hoàn thành đám cưới.
*
Một cán bộ tuyên truyền và con gái địa chủ
Thái Nguyên. Cán bộ tuyên truyền cứ khăng khăng đòi
cơ quan cho lấy cô ta vì: Tôi cũng là con địa chủ nên không hỏi vợ được, không
cô nào thèm lấy, tôi chỉ còn món ấy thôi.
*
Chê vợ là con địa chủ
Đã hỏi rổi, sau điều tra lại, phát hiện ra vấn đề bất
thường, chú rể mới ngãng ra, chê cô vợ chưa cưới là con địa chủ. Xong phá đám
cưới.
Ít lâu sau phát động quần chúng thì chính anh chê vợ
kia cũng lại là con địa chủ. Thế mời rầy ra.
*
Một chị nữ bí thư Đảng
Nữ bí thư Đảng. Sau CCRĐ, cấp trên mới mối lái gán chị
cho anh cán bộ đội trưởng, phó gì đấy. Không biết cái cấp trên nào đã chống địa
chủ mà lại có lối ép duyên ấy, nhưng tiếc rằng sự thực trong cuộc đời lại đầy rẫy
những kiểu cấp trên như vậy.
Chị cũng không bằng lòng. Mà lại yêu một thanh niên
khác ở xã không lấy gì làm loại A, không phải cốt cán, không phải cán bộ, không
phải Đảng viên, nhưng cũng không phải là lạc hậu phản động hay liên quan gì cả.
Tóm lại là một thanh niên trung bình. Hai bên bí mật thề non hẹn biển. Sự ân ái
không biết đã cụ thể chưa, nhưng rõ rệt là tinh thần yêu đương đã sâu sắc và
chân thực lắm.
Cấp trên cứ ép mãi. Nào lý luận đả thông riêng. Nào
anh thanh niên kia chỉ là cục đất, anh đội trưởng kia mới là cục vàng, xứng đôi
phải lứa (môn đăng hộ đối mới). Nào Đảng viên thì phải gắn bó với Đảng viên
(công thức nữa, không biết do cái quan điểm hôn nhân nào đặt ra).
Không những chỉ lý sự mà cấp trên song song tiến hành
giải quyết về tổ chức: nào tung dư luận, nào bố trí người đả thông, nào bạn bè
đồng và dưới cấp, nào ngăn trở theo dõi, nào quyết nghị nữa. Quyết nghị rất
khôn ngoan: Không phải là cấm đoán, nhưng chuyện giữa chị và anh thanh niên kia
chưa chính thức, Đảng còn xét thì phải đình chỉ lại đã… Dĩ nhiên trong khi đình
chỉ mặt ấy lại thì cấp trên lại cố xúc tiến cái mặt kia. Thò thụt mà lại.
Cuối cùng ra sao?
Chị nữ bí thư làm lá đơn xin cho tôi ra khỏi Đảng. Vì
như vậy các đồng chí chèn ép tôi nhiều quá.
Thế mới rối chuyện. Nó mới xé ra, xé toang ra cái màn
hắc ám. Lôi thôi quá. Kết cục câu chuyện tôi không được biết nó xoay ra thế
nào.
*
Chia quả thực
Căm thù địa chủ thì có, nhưng thương yêu giai cấp thì
chưa có (người ta bảo vì chưa được học). Nên khi chia quả thực thì bà con tranh
giành nhau í ỏm. Cán bộ lúng túng mới nghĩ ra những cái mưu thật là lúng túng.
Chia nồi: Cán bộ bịt mắt bắt dê, nhân dân gọi tên bà
Noã chẳng hạn thì cán bộ chỉ vào đống nồi, phải cái nào thì bà Noã phải nhận
cái đấy.
Chia cuốc: Cán bộ lấy vải trùm lên đống cuốc chỉ còn
thòi cái cán ra, ai cũng chỉ trông thấy có cán, lấy cái nào ra thì là lấy cái ấy,
không được chê cùn chê mẻ gì nữa.
Kết quả: Người nghèo được cái nồi thủng, cái cuốc mẻ.
Người khá hơn được cái nồi tốt, cái cuốc sắc. Cuộc đời trớ trêu hay là cái mưu
của cán bộ kia trớ trêu?
*
Vì lập trường quá nên mất ba lô
Anh ta là đội phó CCRĐ. Một kiểu đội phó hay nói những
lập trường tư tưởng nọ kia, anh ta có tài là nhiều chuyện bằng móng tay anh có
thể phân tích phê phán thành bằng con bò, kết luận thành quả núi.
Đến khi đi bắt rễ thấy anh cứ long đong ba lô trên
lưng vào nhà này lại ra, sang nhà kia lại bỏ. Anh ta báo cáo, toàn thấy những
anh này ngụy binh tổ chức cũ kiên quyết không dựa, những chị kia là cháu địa chủ
có liên quan, vậy không thể là rễ tốt v.v… Cứ vậy hết ngày nọ ngày kia.
Một hôm anh ta vào nhà anh Lã là người đại lao đại khổ.
Tuổi trên dưới 30. Người như cục đất. Anh đội phó đã mừng. Nhưng cũng còn cảnh
giác, nhìn xa thấy rộng con đường phát triển sau này, nên anh ta thử hỏi: „Một
tháng bao nhiêu ngày?“
Anh Lã đáp: „30 ngày.“
„Thế một năm bao nhiêu tháng?“
Anh Lã đáp: „30 tháng.“ Không biết anh Lã nói đùa hay
nói thực. Hay là do trình độ anh như vậy.
Nhưng trình độ anh đội phó thì anh bèn phân tích:
„Con người như thế này có bồi dưỡng lắm thì về sau cũng chẳng có triển vọng gì
cả. Lớn bằng ấy tuổi đầu mà ngu như vậy.“
Anh đội phó lại xách ba lô đi. Vì cảnh giác nên ba lô
cứ phải trên lưng, chưa có sở vững, tin cẩn mà gửi ba lô được. Hôm đó là ngày
thứ 13 rồi. Trong khi đó các anh em khác đều đã có rễ cả: nơi ăn chốn ở, ba lô
không phải vác vai, công tác phấn khởi.
Anh đội phó sốt ruột, tìm một bụi cây giấu ba lô, để
đi tìm rễ, tìm „con người đại lao đại khổ, có triển vọng“, vừa là để nhỡ có gặp
anh em nào, họ thấy ba lô đeo vai thì họ cười chết.
Sẩm tối về bụi tìm thì thấy mất ba lô.
Về sau anh Lã do một cán bộ khác dìu dắt trở nên cốt
cán, rồi vào Đảng.
*
Kéo xe xách cặp cho địa chủ gọi là hầu chân trong
liên quan. Có anh đi ngụy (đã chết), khi ốm anh cho mấy chén thuốc cũng cho là
liên quan. Hai vợ cho là hủ hóa không trong sạch. Cho thúng khoai mới, khen địa
chủ, thế là bị gọi là liên quan.
*
Đánh vợ bị bắt giam
Một anh cãi nhau với vợ, đánh vợ. Vợ mếu, bù lu bù
loa: „Tao ra tao trình với đội cho mày.“ Chồng chửi: „Mày ra mày trình với bố
mày thì cứ ra mà trình!“
Thế là đội bắt anh ấy lên, cho là tay chân địa chủ,
phá hoại nói láo.
*
Truy bức
Mày có lựu đạn phải không?
Vâng.
Bao nhiêu quả?
27.
Ở đâu?
Em chôn ngoài đồng.
Còn mới không?
Nó rung rúc thôi.
Đào mãi chả thấy. Truy bức mãi không thể thấy lựu đạn
gì cả, chỉ thấy: „Vì em bị đánh đau quá em khai bừa như vậy.“
*
Một hầm vũ khí
„Chúng em có một hầm vũ khí, 50 bộc phá, 100 lựu đạn,
súng ống mấy chục khẩu.“
30 du kích đào suốt một buổi không thấy gì. Đào mãi
không thấy vũ khí nhưng lại thấy sự thực là: „Vì em đau quá nên em khai bừa như
vậy.“
*
Tên Lê Tâm xã Bình Dương
Nhà nghèo vợ đần. Hắn dan díu với Thị Út, là một thị
lắm của, lắm trâu bò ruộng nương. Thị này lại có chồng rồi.
Lê Tâm mưu mô: giết vợ. Bỏ thuốc độc, vờ là thuốc đau
bụng cho chồng Thị Út. Bên giết vợ, bên giết chồng, 3 ngày sau chúng lấy nhau.
Đồi với nhân dân không có điều tiếng gì. Văn tự chữ
nghĩa khá, hắn dạy trẻ, giúp mọi người làm đơn từ, viết thư. Phân tán của cải về
các con từ 1953. Mưu cho vợ nay đi ở nhà này một bữa, khi phát động giảm tô tố
khổ còn được chia quả thực. Hay đâu hắn ở Quốc dân Đảng từ 1925. Hiện nay là
Trung ương ủy viên. Kỳ CCRĐ một tay hắn mưu ra 9 vụ án mạng.
Lê Tâm bức tử một trung nông, một địa chủ. Giết xong
vứt dao dọa: Bây giờ là phải kín như bưng. Mày mà nói là tao giết chết. Nói ban
sáng thì ban trưa tao giết. Nói ban chiều thì tối tao giết. Lại dọa vợ khổ chủ:
Mày mà nói thì tao giết cả nhà. Nhưng mà nếu nó truy quá thì cứ khai ra thằng
Ninh ấy (Ninh là một bần nông tích cực).
*
Vụ ông Khương xã Bình Dương
Kỳ phát động giảm tô lên phú nông, do Chắc Chỉ tố. Kỳ
CCRĐ lên địa chủ cũng do Chắc Chỉ tố. Trước có thù với Chắc Chỉ: Khi Chỉ đi vắng,
Khương có đoạt một bụi tre, sau về kiện cáo nhau mà Khương vẫn được kiện.
Từ khi Khương lên địa chủ đâm ra rầu rĩ. Có người thấy
bảo: chỉ một vài ngày là xong.
Một đêm địa chủ Khương chết ở dưới ao nhà hắn ta, mặc
quần áo nâu mới. Đội CCRĐ cho là hắn hoang mang chán đời, sợ đấu nên tự vẫn.
Đoàn cũng đặt nghi vấn, vì ở xã có xảy nhiều vụ đột xuất lắm rồi.
Điều tra Trác là trung nông, nhà bên cạnh. Trác bảo
đêm có nghe tiếng trẻ khóc và người con lớn của Dung bảo: „Khóc gì! Tao đâm chết
cả bây giờ“.
Đội nghi, cho là gia đình Khương giết ông ta đi
chăng?
Phát động gia đình: vợ Khương, Dung. 5 ngày liền
không được câu nào. Dung bảo không nói câu ấy mà chỉ nói rằng: Nín đi em, đừng
làm ồn ban đêm lên đi em. Đội cho là nói dối.
Phát động Chắc Chỉ. Cũng không nói được câu gì. Vụ án
kín như bưng. Sau đội đặt vấn đề đi ngược lại điều tra: Ai tố Khương lên phú
nông và lên địa chủ? Chính gia đình Khương là thành phần gì?
Sau xét ra: Chính là Chắc Chỉ đã tố Khương lên phú
nông, và rồi lại lên địa chủ. Chứ chính thực Khương là trung nông. Vụ án đã hơi
có manh mối. Bà vợ Khương mới nhớ ra đêm trước đêm chồng bị giết thì gần sáng
chồng đi đái vào, bà tỉnh giấc. Ông có bảo: „Quái sao nhà ta có người?“. „Làm
gì có?“. „Có chứ, tôi nhìn như bố con Chắc Chỉ, nó lủi ra vườn mất.“
Xét lý lịch Chắc Chỉ, bà con cho biết anh ta cùng khổ
thực (đi ở, gồng thuê gánh mướn). Nhưng năm Pháp chiếm không biết sao anh ta
lên ở bốt Gia Thọ với tên Hồng là trùm Quốc dân Đảng. Những tề, lý trưởng v.v.
về sau có muốn gặp Hồng đều phải qua tay Chắc Chỉ, phải lễ lạp. Con gái Chắc Chỉ
cũng có vấn đề với nhân dân. Một lần bà con tập hợp, sắp đi ra vùng tự do đi
dân công, tên con gái này biến đi một lúc về phía bốt Gia Thọ, lúc sau Tây ập về
bắt đồng bào. Tóm lại Chắc Chỉ lai lịch không tốt, nhân dân coi là chó săn của
Pháp trước kia.
Đội đi sát Chắc Chỉ, chất vấn, giải thích chính sách
khoan hồng, căn vặn. Mãi Chắc Chỉ mới khai là do tên Trác. Cán bộ bảo: Nếu đem
Trác đối chiếu với anh mà hắn bảo có cả anh nữa thì sao? Chắc Chỉ im không nói
gì.
Lại giải thích. Tận sau hắn mới chịu thú cả. Là do
phú nông Tậu bày mưu. Phú nông Tậu tới nhà bảo lâu nay không thấy đến chơi. Chắc
Chỉ: „Vì ông là phú nông, muốn đến lắm lại sợ nhân dân. Nhà cửa túng thiếu lắm
mà cũng không dám đến vay như khi xưa.“ „Tối anh đến cũng được, lấy một ít
thóc. Còn số nợ cũ thì bây giờ tôi lên phú nông mà đòi nông dân thì không có được,
vậy coi như là tuyên bố bỏ đi, anh không phải nghĩ tới nữa.“
Khi hắn bước ra, hắn quay lại: „Nhưng mà anh đến lấy
thóc thì cồng kềnh, nhân dân nó lại dòm ngó, thì lấy tiền vậy.“ Hắn giúi cho 3
vạn. Về sau hắn bàn là cả cánh ta khéo nguy mất. Trác liệu rồi lên địa chủ, tôi
cũng lên địa chủ mất. Còn anh thì cũng chẳng thoát. Ở đồn bốt như thế, con gái
anh lại là gián điệp như thế, nhân dân với người ta theo dõi ghi chép từng
ngày. Họ sẽ moi ra, phen này chết cả lũ. Trác, Chắc Chỉ đều lo. Bây giờ có cách
nào? Chỉ có cách giết tên Khương đi. Nó cùng bọn mình nhưng nó ngả nghiêng lắm.
Ta quy cho nó lên địa chủ xong giết đi là hết manh mối. – Nhỡ lộ thì sao? – Nó
đã là địa chủ mà chết đi thì ai người ta còn để ý, đội nó cũng sẽ bỏ qua đi chứ.
Thế là giết. Nhỡ ra có lộ thì phải ai tai ấy, đừng có
khai mà chết. Bây giờ nó chỉ phát động thôi chứ không nhục hình tra khảo gì đâu
mà sợ.
Phần 4
Con giết mẹ ở Tiên Hưng, Thái Bình
Bảo là vợ ngã ao mà chết, nhưng sao vợ chết chồng lại
bỏ đi? Đội mới xem chỗ cầu ao, thấy nông không đến một thước thì không thể chết
đuối được. Mà chết thì phải quẫy, đằng này bèo không bị bới lộn lên gì cả.
Nữ đội phó khám tử thi. Người con gái cứ khóc bù lu
bù loa. Nhưng nhìn kỹ ít nước mắt lắm. Có lúc không có nước mắt mà vẫn kêu.
Quái, nó là con sao không biết thương mẹ? Mà sao nó cứ ôm lấy đầu mẹ nó? Khám đầu
không được, gạt nó ra nó lại xô vào ôm chằm lấy đầu mẹ nó. Gạt hẳn ra khám đầu,
thấy một vết dao. Thế tức là có án mạng chứ không phải tự vẫn. Cô con cũng ngã
ngửa người ra. Ừ thế là có người giết mẹ tôi.
Phát động nhân dân: Cô con gái là người không tốt. Nó
27-28 tuổi, đã lấy chồng, cứ chửi mẹ chăm chẳm cả ngày. Sao nó biết mẹ nó chết ở
ao, nó ra đúng chỗ mà tìm (không phải cầu ao).
Truy mãi, cô con gái đành phải thú là do một tên phú
nông Quốc dân Đảng xúi giục: mẹ mày là địa chủ, nhân dân nó truy tố thì hết của,
chi bằng giết mẹ đi, không còn trông vào đâu nữa thì mới giữ được của mà ăn.
*
Cả làng đóng cùm
Xã Dược Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh truy bức lung tung, bắt
tới 23 bần cố trung nông. Sửa sai xử ra thì chỉ có một tên là Thiệu phải đi tù.
Một vài người thì có liên quan vụ án, còn đa số là oan.
Du kích cứ lên cầu Tây vác gỗ về. Rồi thợ mộc cứ côm
cốp đóng cùm vang ầm cả làng lên.
*
Địa chủ ngủ với em gái
Ở Thái Nguyên. Địa chủ lôi em gái vào chuồng trâu hiếp.
Em gái nói, nhỡ chửa thì chết mất. Địa chủ bảo, chị mày tao ngủ như bổ củi cũng
chẳng chửa nữa là.
Đang khi đó chị người ở dắt trâu về, thấy địa chủ còn
đang ngủ với em gái. Chị sợ quá định quay trâu ra, tên địa chủ gọi giật lại,
xong thấy hắn đứng lên lấy cái vác cày đập một cái, cô em vỡ sọ chết. Hắn bảo,
mày trông gương đấy, nếu mà nói lộ ra ông sẽ giết tươi. Sau đó hắn thủ tiêu người
em gái, ném xuống ao, làm như chết đuối.
Vụ án mạng giấu mãi 10 năm, tới ngày CCRĐ chị người ở
mới dám nói ra.
*
Chê vợ
Anh ta là Đảng viên. Năng lực có thể là xã đội hay
chi ủy viên. Nhưng phải cái tội trai gái nên anh em không trao cho nhiệm vụ xứng
đáng. Anh lên huyện, lên tỉnh, hay đi bộ đội, đi đâu cũng phải trả về vì mỗi lý
do là cứ thấy gái là tít mắt lại, lăng nhăng.
Anh có vợ, được một con. Anh khăng khăng đề nghị chi ủy
giải quyết cho tôi. Anh đòi ly dị vợ. Không có chúng tôi không thể sống với
nhau được. Không biết có phải vì anh yêu cô nào khác không thì không rõ. Kể về
trai gái thì anh ấy có hàng trăm vụ biết đâu mà lần.
Chi ủy khó cư xử quá. Không biết làm thế nào. Năm lần
bảy lượt đề nghị lên huyện, để huyện giải quyết cho, chứ không thì hai bên
không có hạnh phúc mà tương lai càng khổ, chi bằng giải quyết sớm đi cho họ, mỗi
người một đằng xây dựng cuộc đời cho nó còn sớm sủa. Huyện lắc đầu, vì không có
lý do chính đáng nào cả. Chị vợ thì lại không đồng ý bỏ. Thế mới rầy rà. Một lần
anh ta đã thắt cổ, xong mẹ và vợ cứu được kịp thời.
Chuyện chê vợ đó đã lằng nhằng 4 năm nay rồi vẫn chưa
giải quyết xong. Đến nay vẫn vậy. Hiện giờ anh ấy có nói thêm một lý do: Vợ tôi
là cháu địa chủ, tôi muốn dứt khoát hẳn đi!
*
Tư tưởng cán bộ muốn có rễ tốt
- Phát triển anh này, nó ngụy binh thì sau này không
thể được kết nạp. Mà mình là cán bộ tổ chức lại vớ phải rễ thế này thì còn ra
thế nào?
- Rễ mình mà không nổi thì công tác mình còn thành
tích gì nữa?
- Bỏ mẹ! Mấy ngày rồi mà chưa có rễ. Không có rễ tốt,
phen này lại khuyết điểm!
*
Oan là tổ chức cũ
Sau giảm tô, anh cốt cán Lụt được lên chủ tịch. Đội
giảm tô đi có dặn: Địa chủ đã thoái tô thì cho nó bán gà lợn của nó.
Nhất trời nhì đội, anh cốt cán tuân theo.
Tổ quốc tế về kiểm tra thôn quê, tỉnh rồi huyện có lệnh:
Kẻ biển tự do đi lại, đổi giấy thông hành trắng ra giấy xanh như mọi người cho
địa chủ. Mục đích là tỏ ra mình bảo đảm quyền tự do đi lại.
Anh cốt cán Lụt tích cực thi hành.
Xong lại có lệnh đảm bảo thóc thuế nông nghiệp. Lệnh
rằng: Nếu địa chủ nó không có nhân công thì mình phải tìm nhân công chuyển cho
nhanh thóc thuế của nó, và phải đảm bảo tiền công cho anh em nhân công.
Lụt lại thi hành nhanh chóng.
Đến khi đội cải cách về mới thành vấn đề. Nhất trời
nhì đội, cả quần chúng, cả đội cũng tự nhìn mình như thế. Đội nghe thấy dư luận:
anh cốt cán lên làm chủ tịch, không biết sao lại cho địa chủ bán lợn gà phân
tán tài sản, cấp giấy thông hành xanh cho nó, lại còn vận động nông dân gánh
thóc thuế cho nó. Đội kết luận: anh Lụt này bị nó mua chuộc thành tay sai địa
chủ rồi. Tổ chức cũ ấy xấu, con người tổ chức cũ ấy cũng hỏng. Âm mưu địa chủ
ghê thật.
Dĩ nhiên từ đó anh Lụt mất tín nhiệm, đội cũng chẳng
nói gì với anh, anh cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết rằng tự nhiên đội chẳng hỏi
han gì anh nữa. Anh bị bỏ rơi.
Viết chuyện này, bà con sẽ phê bình người viết và sẽ
khối thắc mắc, nào tại sao lệnh của trên mà đội không biết, tại sao đội giảm tô
với ủy ban huyện với đội cải cách không thống nhất. Nào tại sao đội cải cách
không đi xâu mà đã kết luận hấp tấp. Nào tại sao anh Lụt không biết mà thanh
minh.
Cuộc đời nó như vậy đó, sự thực nó trớ trêu chứ có phải
tại người viết bịa đặt ra đâu?
*
Liên quan địa chủ
Bà Toán goá chồng, trung nông, tự dưng bụng to ra, bà
con điều tra là bà Toán có chửa với địa chủ Tâm goá vợ. Sau lại thấy nhà bà có
con lợn của địa chủ Tâm. Bà con xì xào: nhận của phân tán của địa chủ.
Bà Toán bị coi là tay sai địa chủ, bà con kể ra lắm tội,
từ cái việc bà Toán mất con gà vén váy chửi đổng cũng bị coi là lập mưu vờ mất
gà để chia rẽ nông dân, v.v… Cán bộ bước tới ngõ định vào là bà con đã kéo áo:
Tay sai địa chủ đấy… Liên quan đấy…
Về sau điều tra lại thì ra địa chủ Tâm lại xuống
trung nông… Cán bộ giảng giải chính sách đoàn kết trung nông. Bà Toán lại đi họp.
Những chuyện thông dâm và nhận lợn không ai nói tới nữa. Mà người ta lại nói tới
những đức tốt của bà Toán, những nỗi khổ của bà. Bà trở nên loại tích cực, chuỗi
tốt! Từ cái việc bà mất con gà vén váy chửi đổng người ta cũng bảo thế là đúng
rồi của đau con xót, và người ta quy, chắc lại tay sai địa chủ nào nó ăn cắp gà
của bà để gây chia rẽ nông dân thôi.
*
Đấu bị hở miếng
„Mày hiếp tao.“
„Đâu nào? Có ai làm chứng?“
Chị ấy mới kể cụ thể, nào những cởi dải rút, đè ra,
v.v… Nó bảo: „Thế về sau chị chả đồng ý, cứ rên hừ hừ là gì?“
„Mày có hiếp tao không?“
„Có.“
„Hiếp thế nào?“
Nó trâng tráo kể ra, lại xen những cái xỏ lá vào:
„Tôi hiếp một lần, lần sau chị ấy đồng ý…“
*
Địa chủ Hàm
Mới 28 tuổi. Cách mạng thì mới 18 tuổi. Nó vào Bình
dân Học vụ. Xong làm ông giáo đến nay. Đời hắn không làm gì rõ ràng tội ác.
Làng xóm vẫn sợ hắn vì uy thế từ đời ông làm chánh tổng, đời cha làm lý trưởng.
„Thưa trên là có đội, dưới là các cụ ông cụ bà anh chị
em tức là nông dân, tôi đã biết lỗi lầm địa chủ là không tốt, thì của cải chúng
tôi không nhận trưng mua nữa, chúng tôi ủng hộ bà con và chính phủ cả!“
„Của mày đâu mà mày ủng hộ?“
„Không phải của tôi nhưng tôi ủng hộ cái việc trưng
mua ấy.“
*
Lo lên bá
Đội truy bá. Sự thực toàn những tiểu bá, bá xóm cả.
Nhưng cả đội đã sốt ruột. Các xã người ta cờ giong trống đánh, đấu bá cứ ầm ầm
cả lên rồi. Xã mình mãi không tìm ra bá xã mà đấu. Nên cứ sốt vó cả lên.
„Cứ quy nó là bá xã cũng được chứ sao? Nó cũng có
dính dáng đến một xóm khác Ở chỗ: nó đem đánh vịt qua xóm người ta, xong chửi mắng
bà con cho vịt nó đi đấy thôi?“
Một anh cãi: „Có một tội xíu ấy quy lên bá xã làm sao
được?“
Nhiều tiếng khác: „Cứ quy mẹ nó lên. Cũng chẳng oan ức
gì chúng nó mà sợ.“
Thế là quy lên bá xã.
*
Trung nông quy lên phú nông
Đối với nhà Tiều, bà con tố rất nhiều những thái độ
những cư xử những tội tình lầm lỗi từ mấy đời. Cũng có cả bóc lột nữa.
Lương phụ trách lên biểu. Lương lấy biểu mãi vẫn
không thấy đủ tiêu chuẩn, công xá gạn mãi cũng không đủ 240 công.
Thành là đội trưởng cứ bảo: „Cố lấy biểu mà quy cho
nó lên phú nông.“
„Nhưng mà tôi đã cố mãi rồi không đủ. Thì chi ủy phải
xét lại cho kỹ. Không thể lên phú nông được.“
Thành lườm: „Cậu thì cứ hẹp hòi, cò kè công xá mãi.
Quy lên phú nông thì có lợi cho CCRĐ, trường hợp đặc biệt còn tiếc gì mà không
quy?“
Lương trình bày cặn kẽ bao nhiêu công… bao nhiêu
công… Nào đã gạn mãi. Nào đã cố mãi mà không được.
Thành bảo: „Cái thằng Tiều ấy mà không quy lên phú
nông được thì tiếc lắm nhỉ.“
Sau cứ quy lên phú nông.
*
Địa chủ Sợi là lang thuốc
Diên là cán bộ xóm đã cùng cốt cán điều tra lên biểu
địa chủ Sợi. Ruộng đất đủ tiêu chuẩn mà không có lao động. Chỉ mắc cái là Sợi
có nghề bốc thuốc. Nhưng Sợi bốc thuốc từ 49 về trước, từ 49 thì hắn chỉ bán sì
sằng tí thuốc cam, cả nhà có mấy cái lọ bằng nắm tay nhì nhằng. Theo bà con thì
hắn sống bằng tô. Đến 53 thì hắn chết. Còn vợ vẫn bán thuốc cam và cho phát
canh 7 mẫu ruộng.
Diên báo cáo lên, trên chi ủy cứ gạt đi. Người ta có
nghề thuốc, quy là tiểu thương thôi. „Một mình tôi cãi chả lại“, thế là Diên chịu
lép vế. Giải thích lại cho bà con, không ai chịu cả.
Chi ủy đang bận lắm vấn đề. Bí thư nhìn con số địa chủ
đã quy là 23, so với 392 gia đình thì tỷ lệ là 4,7 % rồi. Nếu quy thêm 1 người
nữa thì vượt tỷ lệ. Bí thư lo vượt tỷ lệ, lo không biết nói với trên thế nào. Cụm
lại bắt kiểm tra lại hết cả thì chậm hết, công tác lại kém cả… Bí thư cứ gạt
đi, không cho lên biểu Sợi.
Mãi sau có kiểm tra của Đoàn. Diên lại trình bày thắc
mắc của mình và của cốt cán. Cuối cùng lên biểu địa chủ Sợi. [...]
*
Bần cố nông
Anh ta là bần cố nông, cán bộ cơ quan, có tính tự ái
và bảo thủ đặc biệt.
Một hôm có lệnh: Sớm mai các tổ đi ra lấy gỗ, mỗi tổ
khiêng một cây gỗ về để chống nhà.
Khi đó đã 9, 10 giờ đêm thì được lệnh ấy. Không biết
anh ta nghĩ thế nào, có thể là sợ đến mai thì các tổ khác nó lấy hết mất, có thể
là anh muốn tổ anh được đi đầu tích cực. Nhưng có cái là anh khua anh em dậy.
„Các cậu này, có lệnh ra khiêng gỗ.“
Một anh nói giọng khó chịu: „Lệnh là sớm mai khiêng
chứ đêm hôm thế này thì khiêng cái quỷ gì?“ Anh tổ trưởng cứ khăng khăng:
„Chúng ta ngại một tí, sớm mai lại vẫn phải khiêng, chi bằng khiêng sớm đi là
hơn. Phàm cái việc gì làm sớm vẫn hơn là muộn.“
Một anh là giáo viên bình dân học vụ (Quyết) mới đem
lý lẽ ra: „Bây giờ đêm, đường thì tối lại phải lội qua suối thì một là ướt hết,
hai là lâu, đường xá tối mò đi một bước khó bằng đi mưới bước ban ngày. Tôi đề
nghị để đến sớm mai đỡ tốn công hơn. Chứ khiêng đêm nay thì không thể khiêng được.“
„Sao đồng chí lại bảo là không khiêng được? Đồng chí
không tin ở anh em à?“
„Sao lại không tin? Nhất định khiêng đêm thì không
khiêng được.“
Anh ta phát cáu: „Thế là đồng chí không tin ở anh em.
Đồng chí không tin ở lực lượng bần cố nông à?“
Quyết cũng tức mình: „Tôi tin ở bần cố nông nhưng tôi
không tin ở anh. Anh chủ trương sai lầm lắm.“
Thế là cãi vã hồi lâu. Anh tổ trưởng nhất định khăng
khăng úp cho Quyết là không tin ở bần cố nông. Anh em phải xúm vào can ngăn.
[...]
Anh ta có cái là rất tự tin ở bản chất bần cố nông của
mình. Một hôm cãi nhau về vấn đề văn hoá, anh khăng khăng rằng: „Tôi chả có văn
hoá gì mà tôi vẫn làm kế toán cơ quan được. Vì tôi là bần cố nông. Ối anh trung
nông, ối anh tư bản chữ nghĩa nhiều mà chả làm được.“
Quyết vặn: „Thế kế toán có mấy loại, mấy mục?“
Anh ta ấp úng. Song quật lại: „Cái đó chẳng cần biết
cũng vẫn làm được.“
Quyết tức là anh ta tự cao tự đại cứ muốn gạt hết các
thành phần khác, vơ vào cả cho mình. Quyết cười giễu: „Thế không phải là
anh biết làm kế toán. Anh chỉ biết làm có tính cộng tính trừ. Như vậy có làm
cũng như lối mèo ăn cứt mà thôi.“
Anh em cười ồ cả lên. Vì ai cũng khó chịu cái anh
chàng tự tôn giai cấp một cách hẹp hòi quá đáng. Anh chàng ức lắm nhưng vẫn
không chịu: „Vâng vâng các anh là thành phần trên, các anh giỏi. Chúng tôi chỉ
là bần cố nông dốt nát thôi. Thế Đảng dựa vào các anh tiểu tư sản hay dựa vào
chúng tôi?“ Mọi người vẫn cười, lấp cả lý lẽ của anh chàng. Anh ta vẫn nói
trong tiếng cười ầm ầm: „Vâng vâng các anh trí thức, các anh thành phần trên.“
Anh nói dai dẳng lắm (có phải đó là tinh thần bền bỉ
kiên quyết đấu tranh của bần cố nông không?). Nhiều khi anh kêu ca về điểm „chỉ
thấy nói nâng đỡ bần cố nông mà không thấy thực tế đâu cả“. Anh nói „nâng đỡ“
và anh hiểu ngầm là: không thấy đề bạt anh vào lãnh đạo, không thấy kết nạp anh
vào Đảng. Kỳ chỉnh huấn, anh đã tố khổ căm thù, các chị ở cơ quan phải khóc cơ
mà? Cán bộ phải bồi dưỡng anh ngày đêm, nhất nhất liên hệ về nông thôn gần như
chỉ có anh, chứ cơ quan đa phần là tiểu tư sản biết gì về nông thôn?
Một lần Bí thư tuyên bố thể lệ bầu tổ trưởng học tập.
Bí thư cũng có cái trâng tráo là nói trắng ra: „Các đồng chí cũng nên thông cảm,
tổ trưởng thì nên bầu sao cho tiện việc lãnh đạo của Đảng…“
Bí thư lãnh đạo bầu bán như vậy. Anh ta ức lắm. Có phải
vì anh đã lăm le đem cái bần cố nông ra mà giành lấy chức tổ trưởng! Anh mới
giơ tay: „Tôi có ý kiến. Nếu như vậy thì chỉ bầu người trong Đảng thôi chứ
không bầu quần chúng à?“
Anh em khi nãy đang tức vì lời tuyên bố sỗ sàng của
Bí thư, nhưng bây giờ vì ghét anh kia nên lại trút cả sự tức bực lên đầu anh.
Người ta xì xào: „Bí thư nói thế là phải rồi, còn gì mà thắc mắc. Bầu như thế
là đúng rồi còn gì nữa?…“
*
Giả bảng vàng danh dự
Một gia đình trung nông có 3 con đi bộ đội, được bảng
vàng. Kỳ CCRĐ, gia đình đó cố xin đổi cho 10 thước ruộng tốt, đội cải cách
không cho, lấy cớ là không thiếu không chia mà cũng không đổi cách gì cả.
Gia đình ấy đâm bất mãn, đem cái bảng vàng lên giả
chính phủ. Họ cần thực tế nâng đỡ hơn là cần bảng vàng bảng bạc.
*
Chia ruộng
Đã nhắc anh em cố nông dăm lần bẩy lượt, học đi học lại
mãi rằng: Nhận trước thì phải nhận có gần có xa, có xấu có tốt.
Ừ ào cả. Thông cả. Đến buổi tự nhận, cố nông ưu tiên
tự nhận ruộng cả buổi tối, nhận chưa xong thì đã thấy hết cả ruộng thứ nhất, thứ
nhì và ruộng gần. Bần nông xì xào, trung nông thở dài.
Đấy cứ bảo để anh em tự giác. Thông chỉ thông cái mồm
chứ không thông cái bụng tham. Tối ấy phải ngường lại. Hôm sau cho học tập. Tối
sau lại chia. Suốt từ chiều đến sáng trắng ra mới xong. [...]
*
Một anh thanh niên
Trước ở du kích, anh ta bị chính trị viên xã đội chèn
ép nhiều bề. Ruộng nương là một, bị chính trị viên xã đội cắm mất. Tình yêu là
hai, anh ta yêu một chị nữ du kích, chính trị viên xã đội không bằng lòng. Anh
ta cứ yêu, đi lại lén lút. Một lần bị vỡ lở, anh ta bị đem ra chi bộ kiểm thảo
và khai trừ vị tội hủ hoá. Anh ức lắm. Mẹ nó! Người ta yêu nhau nó cấm, người
ta yêu nhau mà gọi là hủ hoá!
Anh ta bỏ làng đi bộ đội địa phương. Kỳ cải cách, anh
nhất định xin về xã. Một là lấy người yêu cũ, hai là trả thù. Anh không nói với
trên rõ ý anh như vậy, mà chỉ xoáy mạnh vào chỗ có thù ruộng đất. Trên cho về.
Anh ta rất tích cực. Về sau tìm ra được chính trị
viên xã đội là một địa chủ, loại tiểu bá. Nhưng người yêu cũ thì đã đi yêu một
người khác. Anh ta buồn, lòng ước mối thù không thỏa mãn hoàn toàn. Lại vác ba
lô về đơn vị.
Đội cải cách không bắt rễ vào anh vì cho là lý lịch
không trong sạch. Anh ức lắm. Anh có lý của anh. Người ta yêu nhau thì không có
gì là không trong sạch cả. Những kẻ cấm đoán người ta mới là kẻ bẩn thỉu.
*
Từ ngữ
Cán bộ: „Tại sao thằng hào Thức nó lại sướng cao
độ thế?“
Chị cốt cán: „Nó sướng cao độ thế là vì nhà
nó đi bóc lột nhân dân.“
Cán bộ: „Thế tại sao chị lại khổ cao độ thế?“
Chị cốt cán: „Em khổ cao độ thế là vì em bị
nó bóc lột em trên một cái vấn đề đi ở cho nó mười mấy năm.“ „Hôm nay
em không đi họp được vì nhà em nó cứ khống chế em.“
Chúng ta không được phóng tay lỏng lẻo, mà phải phóng
tay chặt chẽ.
Bần cố nông là con đẻ Cụ Hồ, dân nghèo là con
nuôi thôi, nên mới đề ra chiếu cố.
Vì giai cấp địa chủ bóc lột mấy nghìn năm
nay nên chị Phước mới bị toét mắt.
Phần 5
Đợt 4: 76 xã Bái Bắc
Con giết bố mẹ: 26 vụ
Vợ giết chồng: 7 vụ
Anh em giết nhau: 14 vụ
Chú giết cháu: 4 vụ
Bố giết con: 1 vụ
Đốt nhà: 86 vụ
Vợ giết chồng: 7 vụ
Anh em giết nhau: 14 vụ
Chú giết cháu: 4 vụ
Bố giết con: 1 vụ
Đốt nhà: 86 vụ
*
Đoàn ủy Bái Bắc bị kiểm thảo đợt 4
- Không nhận thức rõ địch, cho rằng những vụ án mạng
là do cán bộ làm sai chính sách;
- Xong lại lệch sang mặt khác, đề ra những khẩu hiệu
sai: „Nắm vững phương châm đánh địch để tiến hành CCRĐ“, „Thông qua chống phá địch
để hoàn thành CCRĐ“…;
- Đội bắt rễ người tổ chức cũ mà tốt thì thôi. Xấu
thì lại phê phán là dựa vào tổ chức cũ. Đội bảo: Trên nói thế nào cũng được.
- Chỉ căn cứ con số người tổ chức cũ mà phê phán là dựa
vào tổ chức cũ;
- Nhận định sai: Tổ chức cũ là hỏng nghiêm trọng
(đúng), nhưng cá biệt người trong tổ chức cũ vẫn tốt. Cá biệt là sai. Chính ra
là rất nhiều người tổ chức cũ tốt.
- Hỏi cái gì cứ trả lời: Về đi xâu nữa đi. Không biết
đi xâu thế nào?
Tỉnh phê bình đoàn ủy
Phượng Mao nhiều ngụy quân ngụy quyền. Đồng chí Cần
(đoàn ủy cụm trưởng) không có kế hoạch gì, cứ bảo tránh tổ chức cũ, đi sâu tìm
người tốt. Đội hoang mang, tìm đâu ra người trắng như tờ giấy trắng. Không bị bắt
thì bị tù, không tù thì ngụy. Loanh quanh đường vòng mãi. Bước 2 cũng không kết
nạp được đảng viên. Chỉ vì lý do muốn người trắng như giấy trắng. Chật vật quá.
Trên cứ thúc, đề mức 10 người. Gạn lắm chỉ được 5 là cùng. Đoàn ủy chỉ lấy
nguyên tắc, lấy mốc mà ép xuống.
Tỉnh: „Chết thật rồi anh Cần ạ. Họ đi hết cả, tình
hình ruộng đất không ai nắm được. Anh làm thế nào giúp đỡ cụ thể chúng tôi mới
làm được.“
Cần: „Cứ về đi xâu phát động quần chúng xem, nhất định
còn có người biết.“
Ông Cần đi, ông Đạt đến thay, mang theo một cái mức của
đoàn ủy là mức ruộng đất năm 1936. Chỉ những mức là mức, đội càng hoang mang.
Về gia đình nhà Sợi (lang thuốc) năm lần bẩy lượt đồng
chí Cần cũng không duyệt cho là địa chủ, cứ cho là tiểu thương. Đội đành cứ để
Sợi là tiểu thương.
Lương phê bình đoàn ủy
Duyệt cho bắt người xong thì đồng chí đoàn ủy khác lại
phê bình. Cho tổ chống phá xuống, chưa làm được gì lại cho rút đi.
X phê bình đoàn ủy
Đồng chí Cần: „Xóm này 80 người thì mức chỉ độ 4 địa
chủ thôi.“ Thế là đội chỉ cố quy lấy 4 địa chủ. Lọt mất Sợi.
Thông tri sản xuất bước 3 bước 4 chống đói. Chỉ thấy
thông tri. Người chống đói giỏi chả thấy khen thưởng. Nội san chỉ phê phán cán
bộ nhiều quá, thiếu động viên.
Y phê bình đoàn ủy
Lên hồ sơ ác bá Sợi rồi, phát động xóm mà lên hồ sơ,
lên duyệt, đồng chí Cần không duyệt, cứ bảo: Ác bá thì sao xóm này không có tay
sai?
[...] Trên cứ giáng xuống chỉ thị nào, mức nọ mức kia
nào. Làm đoàn ủy như vậy thì cũng dễ. Trình bày ra thì chi ủy lại xua tay đi.
Khuếch khoác lung tung.
*
Chết
Bà cụ chết
Treo cổ trên đống gio. Chân đứng khom khom đụng đất,
Da mặt nhợt nhạt răn reo, nhưng không sưng to. Gióng chân chảy máu. Dư luận là
bà cụ trước có thuê mướn người làm, phát ruộng thu tô. Gióng chân chảy máu là
do gà mổ. (Bị địch lấy đá đập vào âm hộ, máu chảy xuống tận chân.)
Chị Nguyễn Thị Tiến bị giết
Bần nông bị giết để bịt đầu mối chính trị.[...] Sao
mà ở xã ta chết nhiều thế? Vẫn cứ tiến hành trên cái việc là truy bá, hồ sơ.
Chị Tính bị chết
Trung nông. Địch chui vào làm thống kê, đẩy lên phú
nông. Không ai đi lại nữa, nhà vắng. Trước có đi buôn tề, nên biết chúng nó ăn
uống, họp hành.
Cái xóm Lãn Chanh này từ trước vẫn tốt, nó để giết
lan tràn tới, rồi thì các xóm Đồng khác cũng sẽ xảy ra nữa.
Anh Xuyên bần nông
Hôm ấy lập tòa án xử các vụ đầu. [...] 10 giờ trưa họp
xóm, ban nãy Xuyên lại đem một khẩu súng đi họp. Rồi tới đình, chỉ có một mình
thì bị bắn chết. Khám: Mái đình có lỗ hổng. Gáy Xuyên có một viên đạn xiên ra
loe loét tới mắt.
Nhận thức là do địch thì cũng chết, lại phải bới ra.
Nhận thức không phải là địch thì cũng chết với trên. Dư luận: hóc đạn mà chết.
[...]
Tên Nhất chết
Ba nữ du kích gác, nó trốn mất. Ra bờ sông treo cổ.
[...] Đội còn loay hoay diện tích sản lượng trên giao cho. Nhân dân thắc mắc:
không biết đội về làm ăn ra sao mà chết người nhiều thế? Các công việc bù đầu,
cuốn đi: phát triển Đảng, du kích, tòa án…
Phú nông Mẫu treo cổ không chết
Tôi giật mình sợ quá, chết mãi thế này, không thiết
cơm nước gì nữa.
Lại một vụ đốt nhà thôn Yên Bộ [...] Giết trung nông
Trạch [...]
*
Kiểm thảo Tỉnh, Đội phó Phượng Mao
Người loắt choắt. Nét mặt dễ thương. Trông cả người
giống một trai làng nhanh nhẹn, thực thà, mặt thông minh. Riêng có một cái răng
vàng, điểm cho toàn bộ người một cái nét lõng lạc, không hợp. Áo sơ mi trắng ở
trong bẻ cổ ra ngoài áo nâu, ngoài cùng vận áo trấn thủ xanh do Đoàn ủy cấp cho
cốt cán. Tay có đeo nhẫn vàng. Một cái đồng hồ Vi-la Vi-lắc dây đen. Cộng với
cái răng vàng là 3 cái diện trên người. Ăn nói to tát, hơi mạnh mà sắc, đầy nhiệt
tình tin tưởng, thực thà mà lại ngây thơ giản đơn. Lôi cuốn được người nghe, sự
ngây thơ đôi lúc làm người nghe bật cười, thi thoảng khó chịu vì sự giản đơn gần
tới máy móc.
Sơ qua một vài cái lý lịch và hoàn cảnh gia đình: Ông
bà chết cả, quê Thái Bình. Thày mẹ lên Thái Nguyên làm mỏ, rồi về làm tá điền,
làm bãi. Được tạm cấp 1,2 mẫu.
Vào bộ đội, yếu sức trên cho về. Làm thuê, đào mài
mót sắn. Bốn em gái lấy chồng cả.
Chi ủy phân công cho ở xóm trọng điểm, xóm Mao Yên.
Năm người (Thành, Lương, Tỉnh…), mỗi người một ngả thăm nghèo hỏi khổ. Một buổi
chiều không bắt được rễ đã nản. Xóm này hết người tốt rồi.
Tìm được chị Phức. Hai mẹ con đi ở nhờ. Chị Phức mắt
kém, người bẩn thỉu, con ốm. Không chắc chị này về sau có công tác được không?
Ghê chị này bửn.
Không thấy định hoạt động gì cả. Có lẽ giảm tô đã
đánh hết địch. Quần chúng xóm này thuần. Tư tưởng rất là thoải mái. [...]
Hết bước 1 [...], Tỉnh được đề bạt đội phó. Đêm lo.
Chữ nghĩa kém, lãnh đạo chưa làm bao giờ. Giá ở trên cứ cho lãnh đạo một xóm
thì nhẹ nhàng, chứ cả xóm thì vất vả.
Xóm Dộc chết một em bé, cháy nhà Đụt. Tỉnh cương quyết
là địch. Nhưng qua một thời gian không tìm ra lại nghĩ hai vấn đề. Có khi là địch!
Có khi là ông Đụt làm cháy và em bé kia đi chăn trâu bị chết đuối.
Đả vào bần cố nông, thí dụ bà Thông cố nông, bà Trọng
bần nông, anh Mưu Đảng viên cũ. Tư tưởng thành kiến Đảng viên cũ. Họp đêm về họ
tới thắc mắc thì chỉ giải quyết qua loa, xua về để đi ngủ. Họ thắc mắc, bất
mãn, đi nói bừa đi. Cho là địch, chứ bần cố nông không có người thế.
[...] Trong Ban chấp hành đội có 3. Cho mình là người
ngồi giữa ông Khương với ông Thành. Hợp ông Thành, không hợp ông Khương vì thấy
ông ấy nói nhiều, ông ấy có văn hóa cao, ông ấy còn giỏi hơn cả ông Thành thì hợp
tính với ông Thành thôi. Nên họp là hay đồng ý ông Thành. Ông Khương đâm ra thiểu
số.
Quên không làm nhiệm vụ xây dựng Đảng, mặc dầu Bác
nói: „Nhân dân được ruộng, Đảng phải được cán bộ trong sạch.“ Người đi tù, người
bị bắt, người toét mắt, khó lòng vào Đảng cả. Cả xóm không ai được kết nạp.
[...] Không thực sự ba cùng. [...] Hôm bão Đảng bảo
phải về đêm báo cho nhân dân chống nhà. Về chỉ dặn gọi loa là chống nhà thôi,
không nói bão. Cả cái xóm Lại Phố Mới đổ mấy chục nóc. Xóm Yên có chuẩn bị nên
chỉ đổ 7 nóc. Lúc bão nhà xiêu cũng mặc kệ, bỏ sang nhà khác. Sau ra điếm. Vì sợ
nhà đổ chết.
Không biết sao mà trên đặt cho ruộng mình nhiều như
thế này? Trên không biết có sắp xếp tính toán không? Chết cái thằng ở dưới
thôi.
Mong nó là địa chủ mà không lên được. Gạn mãi cho nó
lên phú nông. Đấu mãi giờ mới thấy là đấu chệch (Doanh, Thiện giờ chỉ là trung
nông). Lại lọt tên Tràng là phú nông Quốc dân Đảng xuống trung nông. Vẫn đi họp
xóm.
Ra họp xóm thấy anh em lóng ngóng nên cứ làm lấy.
Bắt vít nó lại, không có hôm nay nó đốt mất mấy cái
nhà. Mai hãy thỉnh thị cũng được.
Lãnh đạo tư tưởng cán bộ nói thẳng ra là tôi không
làm được.
Chia ruộng xấu cho cốt cán, ép lấy, bảo là phải gương
mẫu.
[...] Đối với cán bộ thì nóng. Bực mình khó chịu. Họ
lên báo cáo đã có tư tưởng ấn định ngay là làm láo báo cáo hay. Chỉ có một cách
là thúc, đốc cho nhanh.[...] Làm việc luộm thuộm. Tối nay làm việc gì? Chưa định.
Tính hấp tấp. [...] Chạy hết xóm này xóm khác, đốc, thúc, nóng nảy. Mai tao cho
nó làm bản kiểm thảo mày ạ. Nó phát biểu nghênh ngang lắm.
Chi ủy lãnh đạo: Chúng ta nên phê phán đồng chỉ Tỉnh
căn bản là thiếu tự tin. Tất cả như trên là do thiếu tự tin.
Kết luận: Đồng chí Tỉnh không tự tin ở mình, không tự
tin ở bần cố nông, không tự tin ở anh em cán bộ, không tự tin ở trên.
*
Mức của trên
Anh cán bộ A: Chúng ta phải tra điền bình sản làm sao
cho đúng được cái mức của trên.
Cán bộ B: Khoan đã. Sao lại cho đúng mức của trên?
Chúng ta cứ tra điền bình sản cho đúng cái sự thực mới phải chứ. Sự thực có thể
cao hơn, có thể thấp hơn mức của trên cũng mặc kệ. Thế mới phải chứ.
Cán bộ A tịt, nhưng mà ấm ức.
*
Tay sai tích cực
Anh ta là bần nông, độc có hai vợ chồng, trước có đi
ngụy binh và có chân trong Quốc dân Đảng. Khi cải cách, bọn địa chủ dọa anh ta
những liên quan nọ kia, lại vung của ra, đi đến chỗ anh ta nhận làm hai việc
cho chúng: một là hiếp dâm, hai là ăn cắp. Mục đích làm cho nông dân hoang mang
không đi họp hành, đi đồng. Nhà có ba người thì chỉ dám đi một hoặc hai, còn một
hoặc hai phải ở nhà coi nhà.
Tối hôm đó anh xông vào nhà chị X. Chị có một mình,
anh đè chị ra hiếp. Xong chạy ra, chị X đuổi theo nắm áo kêu làng nước. Chị X
nhận được mặt anh ta rồi. Anh đấm một quả chị X ngã quay, xong chạy biến. Lát
sau anh vác một cái bị gạo về nhà. Anh ta vào một nhà khác ăn cắp gạo, liền một
lúc làm luôn hai việc.
Chị X cũng chỉ cho là anh ta nứng tình, chị đi tìm
mách vợ anh ta. Vợ thấy chồng xách bị gạo về thì mừng, nhưng biết chuyện anh ta
hiếp chị X thì cắn nhá chồng suốt đêm. Anh ta cứ im thin thít, quay mặt vào tường
ngủ khì.
Chị vợ tìm đến đội kiện chồng. Đội cũng chỉ coi là một
vụ hủ hóa mà thôi. Mãi sau mới vỡ chuyện.
*
Tổng kết
Em tổng kết là trong CCRĐ nhà em bị rút 3 sào ruộng.
Tôi tổng kết là tôi ủng hộ nhân dân đấu tranh nay đã
thắng lợi, người được ruộng người được trâu, tôi chỉ được mỗi quả núi Đáp Cầu.
Tôi chỉ xin đội chia cho 500 mua thuốc rỏ mắt, thức toét ra cả mấy tháng.
Tôi là trung nông, kỳ này được rút số ruộng công quá
mức bình quân nhân khẩu. Tôi được cái thắng lợi là là tình thương yêu giai cấp,
rút ruộng ra cho anh em bần cố nông. Tôi được cái thắng lợi nữa là ưu thế chính
trị đi học, đi hội nghị, tự do đi lại.
*
Nói tố lên
Bọn chúng nó phá hoại hòa bình. Nó tuyên truyền cho
dân rằng nay mai có máy cày Liên Xô sang nhiều, trâu bò không cần dùng đến nữa.
Chúng nó lại tuyên truyền tinh vi đến như vậy, tưởng như là hay lắm Kết quả thế
nào? Nhân dân vui sướng quá, bán cả trâu, có người đem trâu ra thịt mất. Đúng
thế. Có con trâu 11 vạn mà chỉ bán thốc bán tháo có 5,6 vạn thôi!
*
Vụ án Bình Dương
Anh là cán bộ miền Nam, không rõ lai lịch thế nào, chỉ
biết là tính rất hăng. Máu nóng thanh niên. Mê lý tưởng. Cả đội Bình Dương dùng
nhục hình. Anh phản đối, độc thân: „Tôi cương quyết bảo vệ chính sách.“
Ở Bình Dương địch gây ra mười mấy án mạng. Sau đội
tìm ra một tên „ác bá Quốc dân Đảng“. Và một số „tay sai“. Đội xử trí tay sai,
đấu ác bá, kết án tử hình. Anh phản đối: „Ác bá gì? Đó là trung nông. Tay sai
gì? Vì họ thấy là đánh vào trung nông, họ phản ứng.“ Anh khăng khăng một mực
như vậy. Trong hội nghị tổng kết, những khi liên hệ anh liên hệ ngược lại cả
toàn đội. „Tôi không thể nói khác được.“. Sau anh trình lên trên, nói với ĐDKỳ [1], với Hồ Việt Thắng. Trên cho một phái đoàn kiểm tra lại vụ án
trên.
Đảng ủy thì lại đồng thời đình chỉ học tập của anh. Mời
lên Đảng ủy, ở ban tổ chức. Bảo rằng: Không phải giam giữ kỷ luật gì đâu, nhưng
mà còn đang xét thì anh ở trên này có lợi hơn. Bảo thế, nhưng thực tế anh lại
thấy có cán bộ tới đưa anh giấy bút bảo „kiểm thảo“. Anh nói: „Tôi có tội gì mà
kiểm thảo? Óc tôi bây giờ chịu.“ Anh nhất định không kiểm thảo.
Đi một bước lại có người theo. Bạn bè không được tới
thăm hỏi. Anh bảo: „Thế ra tao bị xử lý à? Người ta đối với tao hơn với ác bá
à? Tao bảo vệ chính sách đi đến nước này à?“
Câu chuyện chưa có kết luận.
*
Tảo hôn
Chị cốt cán 20 tuổi. Đi họp. Vào Đảng. Vào Ủy ban.
Trong khi đó đức ông chồng 13 tuổi trèo me bẻ sấu.
Đánh đáo. Đánh nhau. Người ta kêu ngoài ngõ: „Có chồng mà không biết dạy à. Để
nó bẻ cả chuối nhà người ta rồi.“ Lát nữa lại có em bé khác chạc 12 tuổi ôm mặt
sưng vêu vào mách chị: „Nó đánh em thế này đây.“
Chị cốt cán đang đun rơm thổi cơm bỗng dưng mắt đỏ
hoe, có nước. Vì khói hay sao?
*
Sợ địch quá
Anh cán bộ X đêm nằm bắt hai du kích nằm ngủ bên. Đề
phòng địch ném lựu đạn hay bóp cổ ám sát mất cái thân cán bộ nhân dân.
Đêm tối, anh X bỗng choàng tỉnh. Trời khuya gió lộng.
Nghe gió nó rít mà ghê người. Bóng đen dày đặc, bóng đen kia mang trong mình
bao nhiêu hăm dọa. Lục cục… Tiếng chuột chạy, như tiếng chân người. Hay là tiếng
chân người thực? X lắng nghe, trống ngực thình thình. Chết mất thôi. Có tiếng
người xì xào xì xào… X giật thót mình. Tiếng nghe quen quá, như là tiếng hai
anh du kích kia. Họ bàn gì với nhau? Sao họ không ngủ? X lắng tai, vẫn không
nghe thấy gì. X bò ra vách cửa. Kìa hai đứa đang ngồi lù lù ở hè, bàn tán nhỏ
to cái gì. X cố mãi mới nghe thấy lõm bõm: Mày… bắt… Tao… bắt… Mày… khỏe… Tao…
yếu…
X toát mổ hôi. Chúng nó bàn nhau bắt mình rồi. X run
quá. Chân như rời khỏi người. Ở đây thì chết. X nghiến răng, lấy hết sức chỉ
huy mình, chạy vụt ra ngoài. Vừa chạy vừa kêu Ối làng nước ôi nó giết tôi… Làng
nước ôi!
Làng nước kéo đến. Người ta bắt hai anh du kích kia
đưa lên công an.
Hai anh kia có phải là phản động chăng? Truy ép mãi,
thì ra chỉ là: Hai anh kia không ngủ được, tán gẫu, hỏi nhau mày ăn mấy bát tao
ăn bằng này bát, mày ăn khỏe tao ăn yếu. Anh X bị địch ám ảnh quá, thần hồn nát
thần tính mới nghe ra như vậy, chứ có ai định ám sát người cán bộ của Đảng ấy
đâu?
*
Tư tưởng thành tích
Đem một bần nông, thổi phồng khuyết điểm, quy thành
cường hào gian ác, xử tử hình. Anh nào cũng muốn xóm mình có bá. Lại muốn bá
xóm mình thật ác, lắm tội, thành bá xã, bá vùng. Lại muốn bá xóm mình càng bị xử
nặng càng thành tích. Cán bộ tranh nhau cho bá mình nặng tội.
Anh nào cũng muốn cho rễ xóm mình trở nên những bí
thư, chủ tịch. Cán bộ tranh nhau cho rễ được kết nạp, được đề bạt.
Phần 6
Văn nghệ đi tham quan
A: Văn nghệ đi tham quan thì cũng phải 3 cùng, họp, bắt
rễ… Các việc đều làm thì mới kết quả. Viết mới hay được.
Phóng viên B: Không nhất thiết.
A: Nhất định chứ. Phải làm, phải 3 cùng như đội viên
mới kết quả. Phải khẳng định với nhau như thế.
B hỏi kháy: Thế Đảng có 3 cùng không? Sao vẫn kết quả?
A hơi bối rối, song quật lại: Đảng khác. Nhiệm vụ Đảng
là lãnh đạo, cậu có phải Đảng đâu? Lập trường so sánh thế nào được?
B: Mỗi người mỗi việc. Trong cải cách, đội viên có
nhiệm vụ riêng, Đảng có nhiệm vụ riêng, người viết văn có nhiệm vụ riêng. Do
nhiệm vụ, khó khăn của từng nhiệm vụ khác nhau nên nhất định cách làm việc có
chỗ khác nhau.
A: Văn nghệ còn phải đi xâu hơn người đội viên chứ!
Càng phải 3 cùng gấp bội chứ!
B: Đi xâu hơn không phải có nghĩa là phải 3 cùng hơn.
A chu chéo: Không 3 cùng thì đi xâu làm sao được?
B hỏi quặt lại: Cậu có hiểu một người viết văn cần phải
làm việc thế nào không?
A: Lạ gì! Phải đi xâu đi sát quần chúng, tức là còn
phải 3 cùng hơn đội viên chứ.
B lại hỏi: Thế Trung ương có 3 cùng không? Thế TƯ có
xâu sát không? TƯ có nhiệm vụ của TƯ, cách đi xâu đi sát của TƯ khác chứ. Không
có nghĩa là 3 cùng.
A: Anh không phải là TƯ…
B: Không phải là TƯ, nhưng cũng không phải là đội
viên. Là văn nghệ. Khẳng định là cách đi xâu đi sát riêng của nhà văn.
A: Anh quan niệm văn nghệ tách rời chính trị.
B: Tôi tách rời văn nghệ khỏi chính trị máy móc.
A: Anh văn nghệ nào cũng thế. Tự do, lại lắm lý lẽ
bào chữa.
Cuộc cãi vã đâm ra biến thành cuộc ẩu đả, cầm xoong
chảo to tướng úp lên đầu nhau. Ai khoẻ thì được. Dĩ nhiên A là cán bộ chính trị,
lãnh đạo nên khỏe hơn. Anh có thể cầm những cái nồi 30, cái chảo 40-50 úp lên đầu
anh viết văn.
*
Xuyến
Phú nông. Vào Đảng 1949. Học vụ viên, sang Trung Quốc
52, về Bộ Tài chính rồi đi phát động quần chúng. Huy hiệu Hồ Chủ tịch. Bằng
khen Hồ Chủ tịch. Công tác đều tốt.
Đợt 8, làm đội trưởng giảm tô Đình Bảng. Bắt đầu xuống
công tác đã chủ quan tự đắc. Bước 1 bước 2 không thấy địch phá, trong khi các
xã xung quanh đã xảy ra 4, 5 vụ. Nhận định: Có thể là địch đang chuẩn bị, nhưng
nhận định mạnh về mặt ta có ưu điểm: tuyên truyền vào địch mạnh, du kích khá,
cơ sở cách mạng từ trước, nên địch bị trấn áp, không hoạt động được.
Đùng cái xảy ra mấy vụ. 5 vụ án mạng liền. Đâm ra bối
rối. Truy bắt lung tung tới 30 nông dân. Bị oan hàng 10 người. Rồi nhục hình,
trói đến bị gangrène[1]. Rồi
truy ép. „Truy thế nào cũng kết quả.“
Phân định thành phần bừa bãi. Một buổi trưa vạch ra
hàng 10 địa chủ. Không thấy đặc điểm của Đình Bảng: nhiều công thương kiêm địa
chủ, nhiều công thương có ít ruộng đất cho phát canh (200 nhà). Gây hoang mang
trong nông thôn. Hà Nội bị ảnh hưởng. Phong trào khiếu nại thành phần. Phải quy
lại, chúng càng đắc thế Hơn 56 địa chủ tụt xuống có 46. Một bức thư cho Trung
ương: Chúng tôi chỉ là một người dân Đình Bảng ở Hà Nội lâu ngày thắc mắc 5 điểm
v.v… Trung ương phải cử hai người xuống. Đảng cũng phải cử cán bộ tới, sửa chữa
lại những sự sai lầm của Xuyến.
Bị địch phá, tư tưởng Xuyến chuyển từ chủ quan sang
bi quan. Tới sợ sệt. Địch khai ra là sẽ giết Xuyến. Không biết có phải địch hay
là họ bị truy ép phái khai bừa. Xuyến lo sợ, đêm ngủ lấy ghế chặn cửa, súng lục
lên đạn để đầu giường.
Nhân dân hoảng hốt. Đội bắt người bừa bãi như vậy. Chỉ
lo địch nó khai vấy ra thì chết cả. Bị bắt lên, không khai cũng chết. Mà khai bừa
ra thì cũng chết. Có người ra Cầu Đuống ngồi chờ, nếu người nhà tới báo cho rằng
ở xã đã quy là địa chủ thì đâm đầu xuống sông mà chết.
*
Thời gian cán bộ ở nhà, anh ta đã phải bán mất một
con lợn để mua cá thịt thờ phụng cán bộ.
Tham ô quả thực: Không trả cơm 18 ngày ăn ở nhà cốt
cán.
Không nhận ra địch: 100%
Mắc vòng vây địch bị mua chuộc: 143/700
Hoang mang sợ địch: 153/700
Đả kích nhân dân: 777/1000
Bắt người: 306/700
Bắt trá hình: 334/1000
Nhục hình: 559/1000
Vạch thành phần sai: 346/700
Chia sai: 277/700
Không 3 cùng, kém chịu khổ : 169/1000
Bao biện: 824/1000
Tham ô: 35/700
Không muốn đi cải cách: 103/4000
Một anh lấy ruộng của đồng bào đi Nam chia cho nhân
dân. Bị phê phán: Thế là đồng chí muốn cho đồng bào hiện ở Nam phải chết đói,
oán thán chính phủ. Thế là đồng chí không muốn thống nhất đất nước.
Địa chủ ngủ chuồng lợn: „Con nghĩ rằng ngủ thì cũng
ngủ cho nó tử tế.“
[...] Bẩn cố nông gì mà lại rán cá!
Thằng Doãn nó nghe thấy đội về nó tự tử nó chết. Nó uống
thuốc chết. Nó đẹp lắm, da nó như trứng gà bóc.
*
Kiện đội, đòi bỏ chồng
Một chị bần nông lấy anh ta cũng bần nông. Lấy năm
ngoái (54), hai bên cùng 17 tuổi. Nhưng mà đâu như không yêu nhau lắm. Chị ấy
chê chồng là bé quá. Con gái người nó phổng, chị lớn gấp rưỡi chồng.
Đội về, chị đến đòi li dị chồng. Đội không giải quyết,
hẹn để sau CCRĐ. Sau CCRĐ chị lại đến. Lần này đội giải quyết bằng tình thương
yêu giai cấp.
Chị không thông. Hiện nay chị vẫn chê chồng. Cặp ấy sống
với nhau không như là vợ chồng, mà lại như mặt trăng mặt trời.
*
Đán ở nhà cặp vợ chồng trẻ
Đán vô tình, đem cứ ngủ với chồng. Người vợ kê chõng
xuống nhà dưới. Mục đích Đán là 3 cùng, trước khi ngủ còn phát động, còn bồi dưỡng
dăm ba câu chuyện.
Ít lâu sau, thấy chị vợ lảu nhảu với anh chồng. Đán
không nghe rõ. Thoáng nghe anh chồng nói: „Chả lẽ làm thế nào?“. Chị vợ nói: „Mặc
kệ anh làm thế nào thì làm“. Thấy Đán, anh chị tịt. Chị vở nguây nguẩy đi. Đán
cho là câu chuyện vặt vãnh trong gia đình. Biết đâu?
Một hôm Đán đi vắng không ngủ đêm ở nhà. Sớm sau tinh
sương đã về. Thấy anh chị cùng nằm một giường nhà trên, ôm nhau. Đán bật cười!
Thế ra họ cẳn nhẳn nhau vì chuyện này. Thật nỡm. Biết đâu? Vợ chồng ăn đời ở kiếp
chứ một thời gian cải cách xa nhau có làm sao. Đán lủi đi. Lát sau mới về.
Lừa lúc vắng, Đán gợi chuyện: „Từ giờ ban đêm anh cứ
để tôi nằm một mình. Cái giường này tôi nhường cho anh chị.“
Anh chàng chối đay đảy: „Chết, sao anh lại nghĩ vậy?
Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chứ kể gì một thời gian CCRĐ? Anh làm thế để mà
vợ chồng em phải ngượng à?“
Đán khó nói. Chuyện ấy cũng bỏ qua. Đán tự nghĩ: giải
quyết bằng cách thỉnh thoảng mình đi vắng một đêm vậy. Cho anh chị ta tự do với
nhau. Một buổi chiều Đán bảo: „Đêm nay tôi không ngủ ở nhà nhé.“
Xong Đán đi. Nhưng độ 10 giờ lại quay về. Không có chỗ
ngủ khác, đành về nhà ngủ. Chân Đán bước thình thịch. Vào sân Đán bấm đèn pin
loáng vào nhà. Vút cái thấy một chị chạy vụt ra, thoáng trông đoán là chị vợ,
loáng cái thấy biến mất.
Đán bước vào nhà, thấy anh chồng ngồi ở bếp sưởi tay,
quần áo còn xộc xệch, vẻ mặt ngượng ngùng: „Em đợi anh mãi chả thấy anh về.“
Anh ta nói vậy, có vẻ lúng túng, giọng nói vẻ mặt không bình tĩnh, tay cứ xoa
xoa. Thì ra anh chị vừa tranh thủ với nhau, khi nghe tiếng chân ánh đèn anh cán
bộ về thì vội vàng chị chạy đi, anh ra bếp lửa vờ sưởi.
Đán bấm bụng. Mình sơ ý quá.
*
Chống phá: Lã Côi
Phạm Văn Dư, 30 tuổi, trung nông, chính trị cũ
Nguyễn Văn Tiến, 43 tuổi, phú nông, quản chế 3 năm
Trần Văn Sửu, 30 tuổi, trung nông, gác
Trần Văn Hiền, 28 tuổi, trung nông, giết
Lê Văn Bảo, 28 tuổi, trung nông, gác
Lê Văn Dựa, 33 tuổi, trung nông, ném đá
Nguyễn Văn Đường, 33 tuổi, phú nông, gác
Trần Văn Rách, 30 tuổi, trung nông, gác
Trần Văn Trụ, 20 tuổi, trung nông, gác
Phạm Xuân Tình, 41 tuổi, địa chủ, thủ mưu
Trần Văn Nghĩa, 30 tuổi, bần nông, cán bộ cải cách
Phú Thọ, thủ mưu
Phạm Văn Côn, 30 tuổi, trung nông, tay sai
(Vụ giết Thị Bờm)
*
Khó phân biệt
Cán bộ đội hỏi nhà trưởng xóm. Một ông trạc 50 chỉ đường.
Rồi dẫn đến tận nơi. Rồi vào tận nhà. Theo chân đội. Rót nước. Hút thuốc lào.
Thiếu nhi theo cán bộ hàng dăm bảy em. Đang ngồi nói chuyện ở đâu các em cũng
sà vào. Lũ trẻ lên 2 lên 3. Mắt toét nhoèn. Ruồi đậu đầy cả vành mắt. Bụng ỏng,
mỗi cái áo hoa mậu dịch đen bửn, chân đầy mụn nhọt, phẩm xanh bôi đầy cả.
Cán bộ nhớ báo cáo ở hội trường: Lo bị bao vây!
Bà con đến chơi. Xem mặt anh đội. Bế con bồng cháu
vào nhà, đứng ở sân nhòm. Đó là lòng tốt của nhân dân? Đó là sự bao vây của địch?
Nhà cửa tàn phá chiến tranh mới làm lại. Lộn ẩu cả.
Có bần cố nông lại vớ được cái sân gạch to tướng, cái nền gạch thực đẹp. Có địa
chủ lại chỉ tùm hum một cái túp tranh.
Nào công trường, nào nhà ga, nào nhà máy diêm, nào thồ
nước đái, nào đẩy xe bò, lắm việc pha tạp.
Nhà tranh vách gạch. Bần nông tường hoa. Mâm thau nồi
đồng, A-rô-doa tưới cây. Áo len ngụy binh. Mũ sắt. Răng vàng. Khuyên tai.
Phóng-xét.
*
Con cháu nhà tôi
Đang ăn cơm bà cụ Cẩn đến ngồi xệp bên mâm cơm. „Anh
ăn xong rồi chứ?“
„Xong rồi.“
„Thế anh đội cho em trình bày. Từ hôm đội về nhân dân
ai cũng phấn khởi, mà em chảy nước mắt.“
„Làm sao hử cụ?“
„Em ốm mãi, nghĩ mà đâm phiền hai ngày chẳng ăn cơm,
việc làm không thiết, chẳng họp hành gì nữa. Anh y tá cứ bảo sao không đi họp.
Em xấu hổ quá còn vác mặt đi đâu được nữa. Xin trình bày với đội. Con cái cháu
nó đi chơi bời với bạn thế nào, em thì đã đành là con dại cái mang, khổ quá.
Đầu đuôi câu chuyện nhà em bị bão mà 4 anh cán bộ ở. Em cũng phải thu xếp
cái cột đánh danh lợp mái, xếp gạch thánh tường, từng li từng thí chứ không bảo
là có điều tiếng gì. Con cháu nó đi chơi với các bạn. Mà em đánh như két cũng
không xong. Thì có 4 anh. Anh Ân anh Thúy… Giá mà anh Thúy thì em không thắc mắc,
nhưng mà lại đúng vào anh Ân mới khổ cho em chứ. Thật là nói ra xấu hổ, em xin
trình bày với ông đội. Con cháu nó hư nết quá. Nào có phải em nuông chiều đâu?
Em cũng đã nói nhờ nhân dân các ngành các giới cha mẹ sinh con trời sinh tính…“
(Chắc cái anh Ân kia với cô bé lại có chuyện gì đây.
Khổ chưa cán bộ ơi!)
„Thế ông đội ạ. Thực là em chưa có câu nhời nào để mà
mừng rỡ đội cả từ hôm đội về.“
„Thế nào cụ cứ nói.“
„Em xin trình bày với đội. Con cháu nó không chịu làm
ăn gì. Nó lại đàng đúm với hai con nữa. Khổ quá. Đánh như két mà nó không chừa.
Có phải là em dung túng đâu.“
„Cụ cứ nói đi.“
„Em một đời làm ăn, chồng không có, con đẻ 12 đứa còn
một mụn thế thôi. Mà 4 anh cán bộ ở sinh ra chuyện này…“
Chùi nước mắt. Nóng ruột. Chuyện gì mà khó nói vậy?
„Cụ cứ nói đi. Cán bộ làm sao?“
„Em xin trình bày đầu đuôi với ông đội. Nó đàng đúm với
ba con bạn nữa. Đi xin nhà địa chủ ba luống. Hai cô kia trồng khoai, nó giồng củ
hào. Em đã cho nó 500 mua hạt đấy. Khổ quá. Thế mà nó lại còn đi lấy hai củ hào
của bà Lộc ở luống ngoài…“
Chùi nước mắt. Nóng ruột. Mất đến ½ tiếng rời chứ chả
ít. Chuyện này là mất hàng tiếng không chơi. Cán bộ ơi, ông làm thế nào con nhà
người ta thế này?“
„Thế cán bộ ở nhà ra làm sao?“
„Em xin trình bày có đội trên xét cho. Nghĩa là nhân
dân các ngành các giới cùng với em căn vặn con cháu mãi mà nó không chịu nói
ra. Em cứ dỗ dành nó mãi nó cứ cúi gằm mặt xuống. Đánh nó nó cũng mặc vậy. Ngọt
cũng không xong, xẵng cũng không xong. Đầu tiên câu chuyện… Em xấu hổ quá.“
„Cụ cứ nói đi.“ (Khổ quá, sắp đến giờ họp rồi.)
„Giá là anh Thúy thì em không thắc mắc. Lại vào chính
anh Ân em mới khổ chứ.“
„Làm sao hử cụ?“
„Anh ấy đánh mất cái đồng hồ. Anh ấy không nói gì cả
với em mà lại đi nói với ông trưởng xóm chả biết thế nào, bảo là con cháu nó lấy.
Em đánh nó 2 ngày rồi nó chả xưng ra. Thưa là con dại cái mang. [...] Em doạ nó
là mày không nói, đội về sẽ bắt mày trói điếm, nó cũng không chịu xưng. [...]
Em đã dùng mọi phương pháp tiến hành mà nó cứ cúi gằm mặt xuống rồi lại thõng một
câu em không lấy.“
„Thế bây giờ cụ đề nghị với đội ra sao?“
„Em chẳng biết thế nào nữa. Khổ quá. Còn có một mụn
con. Các anh thường hay bảo là hiện còn lắm địch. Em cứ nghĩ là em chẳng có
liên quan gì với địch nào, mà lại hoá ra chính em đẻ ra địch. Em thực là nghèo
khó mà em đẻ ra địch. Trước nó ngoan ngoãn chứ có thế này đâu. Mới hai năm nay
thôi nó đây ra cái tật như thế. Thực là hồi giảm tô em đi họp tích cực, một mẹ
một con dắt nhau đi, mà bây giờ em xấu hổ chẳng dám vác mặt trông thấy bà con
làng nước nữa. Các ngành các giới cũng chịu nó cả. Ai lại chẳng chịu làm ăn gì
cả.“
„Thế em nó mấy tuổi“
„Nó 16 rồi. Nó khai tăng lên là 17. Nó bôi gio trát
trấu vào mặt em. Thực là em đã đẻ ra địch. Đi gặp địa chủ nó hỏi, em bảo phải đến
khi học tập em cũng còn liên hệ cả ra nữa là. Nhà có dưa cho em xin vài cái.“
*
Một cái nhà bần cố nông
Một cái vườn chuối. Nhà nhỏ ba gian tí xíu. Cột gỗ,
mái tranh. Gạch xếp chồng lên nhau, không có vôi vữa gì cả, thay vách. Không xếp
được tới mái, chỉ xếp ngang ngang chỗ ½ nhà, chỗ một phần, ngó được ra ngoài,
gió thổi chạy quanh trong nhà. Gạch xếp không bằng, lổn nhổn, lắm kẽ, kênh. Hai
cái chõng, hoen hoẻn lối đi. Dây quần áo, các thứ quần đen, lành, rách, mụn vá.
Rổ rá khắp các xó xỉnh. Niêu đất. Rế. Chổi cùn. Thúng thóc. Đi ba bước thì hết
nhà. Đi phải len, đi nhanh là vấp phải chõng, đá phải đồ đạc.
Cả nhà như thế, lại có một cái gối vuông, vải trắng,
rua đăng ten, thêu những núi non phong cảnh, gối trắng nhưng cáu ghét xin xỉn.
Nổi bật lên trong cả nhà. Cái gối làm cho người ta nghĩ tới cô chủ nhà này có
tính trai lơ hay sao? Hay là gối ai gửi? Người có cái gối như thế này mà gửi hẳn
cũng là một người lẳng, hay một người giầu có mới dùng tới cái kiểu gối ấy.
Sau mới biết là cái gối quả thực. Cán bộ chia cho bằng
cái lối rút thăm. Hoá nên nhà bần nông thiếu vô số thứ cần dùng khác lại vớ phải
cái gối này. Số mệnh trớ trêu, cuộc đời không có lãnh đạo sáng suốt hay đâm ra
lối nghịch tính như vậy.
*
17 tuổi
Hai bên cùng là bần nông. Kỳ cải cách học tập hiểu
nhau. Cán bộ bắt rễ vào anh ta. Anh ta đi xâu chị. Rồi công tác gần gũi nhau.
Hai bên cùng 17 tuổi. Rồi cùng là cốt cán. Rồi cùng vào thanh niên xóm, anh là
tổ trưởng, chị tổ phó. Rồi sau chị vào Ban chấp hành thanh niên xóm. Anh làm
phân đoàn trưởng, chị ấy lại tiến vọt lên trên anh. Nhưng hai bên vẫn yêu nhau
đằm thắm.
Tới bước 3 thì cưới nhau. Do đội đứng lên. Đám cưới đời
sống mới, chỉ có nước chè không. Thuốc lá, tí kẹo vừng cũng không có. Cưới nhau
là dắt nhau về, vào cuộc đời mới.
Thế là đúng lập trường, không sợ trên phê bình.
*
Anh Lược
30 tuổi. Theo nhân dân thì anh ta là người có tính hấp.
Độ giảm tô tố khổ lại cứ nói là đi ở nó cho ăn no, không phải đói, cũng không
khổ bằng khi về nhà đói quá. Hoặc là bị nó đánh thì anh cũng nghĩ là hôm ấy
mình cũng có sơ ý để cho trâu đói thì nó đánh cho, mình cũng vậy nữa là.
Vợ Trúc bảo: Anh ta lành như đất. Chẳng ngơi lúc nào.
Một người bằng ba bốn người. Đi ở ai cũng muốn mướn. Vác tà vẹt, khiêng đường
ray ở nhà ga chẳng tỵ anh này anh kia lười, mặc, cứ hùng hục, sau được bầu là
điển hình Hôm ấy anh đem chiếc khăn mặt bánh xà phòng về nhà khoe với bà bác
mù: „Con được điểng ình“. Bà bác bỏi: „Điểng ình là thế nào?“ Anh đưa cho bà sờ
khăn mặt và bánh xà phòng: „Điểng ình là được bình những thứ này.“ [...]
Mãi đêm qua, TD[2] đến mới gặp đích anh ta. Mọi khi đến tất cả 4 lần đều
không gặp được, vì gặp lúc anh ta đi làm vắng. Tối. Một ngọn đèn, một cái điếu,
hai ba cái bát lỏng chỏng trên cái chõng, bát để uống nước. Gian nhà hẹp, tối.
Ánh đèn đánh nhau với bóng đêm. Anh ta ngồi ở đầu chõng. Áo đen, áo len dệt cụt
tay mầu xám, cũ kỹ. Quần nâu bạc, sờn, vá. Chân đi đôi dép cao su đen. Đầu buộc
chiếc khăn mặt trắng cháo lòng. Người tầm thước, hơi lùn, vạm vỡ, bụng ăn no
căng tướng, phình cái áo len ra. Hai tay thu bọc, anh ngồi nghiễm nhiên nhòm ra
cửa. TD trông cái mặt bụ bẫm đầy đặn kia, đôi môi hơi chảy nễ hiền lành, trông
không thể biết là người hấp, mà chỉ thấy là một người chất phác, thực thà bậc
nhất.
TD hỏi anh Lược phải không? Anh quay lại, lúng túng:
„Vâng, em à Lược ây…“
À, anh chàng ngọng, có lẽ vì cái lưỡi anh cứng nên
cái lưỡi mềm của bà con mới uốn là anh cám hấp chăng? Biết là hôm qua anh lại
được bầu, TD hỏi: „Anh có được điển hình nữa không?“ Anh cười thẹn thò: „Ó, em ại
được điểng ìng.“ Anh chỉ vào tập sách thưởng trên thúng thóc: „Ấy, em ả đọc được…
Điểng ìng khăng mặt ơn à điểng ìng sách.“
Phần 7
Đấu tố Nguyễn Văn Nga
1. Anh Tụng lên
Mày mất thóc, em mày lấy,
mày vu cho tao mày đánh tao.
Nga, mày có đánh anh Tụng không?
Không.
Đả đảo…
Mày có đánh không?
Có.
Đả đảo thái độ ngoan cố…
Mày đuổi tao đi…
Ngảnh mặt lên đây. Khoanh tay lại.
Tao ở với mày bao nhiêu năm, mày đối xử với tao như thế nào? Mày phải nhận.
Mày có đổ cho anh Tụng lấy thóc không?
Có.
Mày có đánh không?
Có.
Trước mày không nhận, bây giờ mày đã nhận mày phải kể lại đi.
Thưa quý toà con mất thóc về hỏi, chả nhẽ ở nhà mất còn có ai, anh Tụng…
Anh với mày à ?
Ông Tụng. Con có hỏi ông Tụng. Xong có đánh.
Đánh thế nào? Đánh thế nào? Nga! Đánh thế nào? Hỏi! Cho mày nói đánh thế nào.
Đánh bằng đòn gánh.
Thế nào nữa? Hỏi!
Trói vào cột.
Cho phép mày quay về ông bà nhân dân mà nói về việc đánh anh Tụng. Phải thưa ông bà.
Thưa ông bà nhân dân, ông Tụng ở với con…
Bao nhiêu năm?
Sáu năm.
Bảy năm chứ.
Vâng bảy năm. Con mất thóc, con đánh anh à ông Tụng. Con trói vào cột.
Mày có treo anh Tụng lên không?
Con trói vào cột… Con có treo ông Tụng lên ạ…
Đả đảo…
Nga! Hỏi! Về sau thóc ai lấy?
Con không biết ạ…
Không.
Đả đảo…
Mày có đánh không?
Có.
Đả đảo thái độ ngoan cố…
Mày đuổi tao đi…
Ngảnh mặt lên đây. Khoanh tay lại.
Tao ở với mày bao nhiêu năm, mày đối xử với tao như thế nào? Mày phải nhận.
Mày có đổ cho anh Tụng lấy thóc không?
Có.
Mày có đánh không?
Có.
Trước mày không nhận, bây giờ mày đã nhận mày phải kể lại đi.
Thưa quý toà con mất thóc về hỏi, chả nhẽ ở nhà mất còn có ai, anh Tụng…
Anh với mày à ?
Ông Tụng. Con có hỏi ông Tụng. Xong có đánh.
Đánh thế nào? Đánh thế nào? Nga! Đánh thế nào? Hỏi! Cho mày nói đánh thế nào.
Đánh bằng đòn gánh.
Thế nào nữa? Hỏi!
Trói vào cột.
Cho phép mày quay về ông bà nhân dân mà nói về việc đánh anh Tụng. Phải thưa ông bà.
Thưa ông bà nhân dân, ông Tụng ở với con…
Bao nhiêu năm?
Sáu năm.
Bảy năm chứ.
Vâng bảy năm. Con mất thóc, con đánh anh à ông Tụng. Con trói vào cột.
Mày có treo anh Tụng lên không?
Con trói vào cột… Con có treo ông Tụng lên ạ…
Đả đảo…
Nga! Hỏi! Về sau thóc ai lấy?
Con không biết ạ…
Kết luận: Chúng ta nhân dân
thấy bộ mặt ngoan cố tên địa chủ. Nó đã nhận, thóc nó con cháu nó lấy mà nó đổ
cho anh Tụng, nó đánh.
2. Ông Sử
Mày đánh tao nát cả người cả
ngợm ra.
Con chỉ đánh nát người thôi ạ. Không đánh vào ngợm ạ.
Tao đói quá tao đi bẻ mấy bắp ngô. Tao lấy của nhân dân chứ có lấy của nhà mày đâu? Sao mày lột quần tao ra, chắp 10 roi đánh.
Mày có đánh ông Sử không?
Có.
Năm ấy mày làm gì?
Thưa quý toà con không nhớ ạ.
Mày đánh bằng gì?
Con đánh bằng roi tre ạ. Có máu mê gì đâu?
Dẫn chứng: Mày sai tao với X, Y bắt ông ấy về đánh 10 roi tre đực, lột quần. Ông ấy về đắp cái tã rách, mày lại bắt ra đánh nữa.
Ông ấy ăn cắp ngô, con đi tuần thì con đánh ông ấy chảy máu đít.
Con chỉ đánh nát người thôi ạ. Không đánh vào ngợm ạ.
Tao đói quá tao đi bẻ mấy bắp ngô. Tao lấy của nhân dân chứ có lấy của nhà mày đâu? Sao mày lột quần tao ra, chắp 10 roi đánh.
Mày có đánh ông Sử không?
Có.
Năm ấy mày làm gì?
Thưa quý toà con không nhớ ạ.
Mày đánh bằng gì?
Con đánh bằng roi tre ạ. Có máu mê gì đâu?
Dẫn chứng: Mày sai tao với X, Y bắt ông ấy về đánh 10 roi tre đực, lột quần. Ông ấy về đắp cái tã rách, mày lại bắt ra đánh nữa.
Ông ấy ăn cắp ngô, con đi tuần thì con đánh ông ấy chảy máu đít.
3. Em anh Niệm
Anh tao là Niệm làm tình
báo, mày uỷ viên hành chính. Anh tao với mày cùng đi buôn. Mày có hiềm với anh
tao… Ngày 13/7 mày thủ mưu giết anh tao.
Việc giết anh Niệm và anh Ân thế nào? Nói ra! Kể! Từ đầu chí cuối!
Đả đảo…
Kiên quyết đánh đổ…
Thưa quý toà, thằng Phồn thằng Nghĩa sai con đi giết anh Niệm xuống Làng Chùa.
Nga!
Dạ.
Tao hỏi mày chứ tao hỏi đâu thằng Phồn thằng Nghĩa.
Dạ thằng Phồn thằng Nghĩa là bí thư với chủ tịch.
Mày cơ mà! Mày nhận mày giết cơ mà!
Đả đảo…
Con cầm đá đập óc ông Niệm…
Còn một việc nữa, trong đêm hôm ấy mày giết anh Ân ra sao?
Con với Khoát, Nghĩa, Tộ, Tính, Hậu. Ông Hậu chém.
Chém thế nào?
Chém vào người.
Mày làm gì?
Con lấy gậy đánh.
Đánh thế nào? Kể sao cứ nhát một thế?
Đánh vào người.
Xong sao?
Xong vứt xuống sông.
Việc giết anh Niệm và anh Ân thế nào? Nói ra! Kể! Từ đầu chí cuối!
Đả đảo…
Kiên quyết đánh đổ…
Thưa quý toà, thằng Phồn thằng Nghĩa sai con đi giết anh Niệm xuống Làng Chùa.
Nga!
Dạ.
Tao hỏi mày chứ tao hỏi đâu thằng Phồn thằng Nghĩa.
Dạ thằng Phồn thằng Nghĩa là bí thư với chủ tịch.
Mày cơ mà! Mày nhận mày giết cơ mà!
Đả đảo…
Con cầm đá đập óc ông Niệm…
Còn một việc nữa, trong đêm hôm ấy mày giết anh Ân ra sao?
Con với Khoát, Nghĩa, Tộ, Tính, Hậu. Ông Hậu chém.
Chém thế nào?
Chém vào người.
Mày làm gì?
Con lấy gậy đánh.
Đánh thế nào? Kể sao cứ nhát một thế?
Đánh vào người.
Xong sao?
Xong vứt xuống sông.
Kết luận: Ngày 15/7 nó giết
hai người: anh Niệm quân báo và anh Ân.
4. Chị Vịnh
4. Chị Vịnh
Nga! Mày sai chồng tao đi lấy
thẻ, mày về mày đánh chồng tao vãi cứt. Đội giảm tô sắp về, mày sợ mày chỉ định
chồng tao đi dân công, mày giết chồng tao.
Chị Vịnh: áo bông, khăn
vuông tùm hum, khăn tang trắng, nói cứ nhìn đi, nghẹn ngào… 3 con, chồng chết,
một mình nuôi.
Mày có đánh ông Vịnh không?
Thưa quý toà, con có đánh ông ấy đâu?
Đả đảo…
Nga! Nhân dân nói vu cho mày à?
Con có đánh đâu?
Năm mày làm quản xã, mày làm thẻ phiên. Chúng tao phải đi tuần, đêm mày bắt chúng tao đánh ông Vịnh. Ông ấy điếc lác, chậm không đi lấy thẻ kịp…
Mày có đánh không?
Dạ, ông bà nhân dân đã vạch thì con có tội!
Mày có đánh không?
Con ở nhà con.
Không khiến mày nói dài. Có hay không?
Có.
Mày có đi buôn lậu không?
Mọi người trong xã…
Có hay không?
Có.
Mày có đi lại họp hành nhà ông Vịnh không?
Không con không họp với ông Vịnh bao giờ!
Ở nhà ông Vịnh cơ mà!
Con có chơi với ông Vịnh đâu.
Đi lại họp hành cơ mà!
Có ạ.
Đả đảo…
Mày giết ông Vịnh thế nào? Nga! Mày có buôn lậu không? Mày làm gì?
Con đi buôn lậu.
Mày làm gì cơ mà? Mày làm chức vụ gì?
Con buôn lậu.
Dẫn chứng: Mày làm uỷ viên hành chính. Nga! Mày làm gì?
Con làm uỷ viên hành chính.
À! Mày làm uỷ viên hành chính mà mày lại đi buôn lậu! Như thế mày có tội không?
Thưa quý toà con có tội.
Mày có tội. Thế mày định giết ông Vịnh để bịt tội đi phải không?
Con có giết đâu. Con ở nhà…
Hôm ấy mày để tao từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Thế là mày đi đâu? Tao bảo mặc kệ B phó cứ về. Gặp mày giữa đường. Mày đi đâu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng? Sao mày nói là ở nhà? Mày đem đi lĩnh gạo đâu? Bổn phận mày là B phó mày lãng phí, mỗi người mất mấy trăm bạc quà? Nga! Sáng hôm ấy mày đi đâu?
Con sang công trường lấy gạo.
Vạch lại!
Nga! Mày có đi lĩnh gạo đâu?
Con sang công trường lĩnh gạo chứ không phải đi lấy gạo với toán Từ Sơn…
Nga! Mày đi đâu?
Con sang công trường hỏi gạo ăn buổi sáng.
Mày làm gì?
Con làm B phó.
Mày làm chỉ huy sao mày lại bỏ người ta?
…
Hỏi! Khi ông Vịnh chết thì mày làm thế nào?
Một anh ở y viện về bảo con không biết ông Vịnh sống chết cảm thế nào ngoài đồng. Ban chỉ huy bảo con ra xem có mục đích không. Con đi ra xem với ông nhân dân gọi con ra ruộng dâu.
Mày có khám không?
Con chỉ trông qua chứ không khám.
Mày là chỉ huy, dân công mày chết mà mày không khám chỉ trông qua thôi. Mày khai thế đã đúng chưa? Tại sao mày chỉ trông qua loa? Sao không khám? Đó là một điều vô lý! Mày nhớ ra! Nhớ ra! Khai ra! Nga! Từ đó mày làm gì?
Con sang công trường con báo. Con về nhà con báo cho gia đình ông ấy biết.
Ai cho mày về? Ai cử mày về? Hỏi! Mày đã về báo Ban chỉ huy chưa?
Thưa con là Ban chỉ huy.
Mày là gì ?
Con là C phó.
C phó mà mày chỉ huy cả Ban chỉ huy à? C trưởng có quyền không? Hỏi!
C trưởng bận họp.
Mày báo cáo Ban chỉ huy chưa?
Con đi thẳng sang công trường, Ban chỉ huy đang họp.
Hỏi báo cáo chưa cơ mà.
Con chưa báo cáo.
Hừ! Tại sao mày không báo cáo Ban chỉ huy mà đi thẳng sang công trường? Ai sai mày?
Con đi sang.
Mày tự động đi phải không?
Vâng.
Nga! Hỏi! Ai sai mày về báo cho gia đình ông Vịnh?
Con về.
Mày ra khám ông Vịnh qua loa. Mày không về báo cáo Ban chỉ huy. Mày tự sang công trường. Mày tự về gia đình ông Vịnh. Hỏi! Mày về nói với gia đình ông Vịnh thế nào?
Con nói cảm thế nào có máu, đít quần cũng có máu.
Mày nói với ai nữa?
Nhà ông Vịnh đây này.
Mày nói thế nào nữa?
Con bảo bị cảm.
Đề nghị dẫn chứng: Mày vào Ban thuế 20 người, bảo ông Vịnh bị cảm hộc máu mồm và đít.
Tại sao mày bảo ông Vịnh bị Việt gian giết?
Thưa quý toà, tối hôm ấy khi chôn mới thấy là bị giết.
Nga! Tối hôm ấy đâu! Ngay hôm ấy cơ.
Anh Lý dẫn chứng: Lúc đầu mày bảo bị cảm. Sau mày lại bảo Việt gian giết. Mày bảo đã khám rồi. Khi chôn mày không mặc niệm mặc nung gì.
Tại sao mày bảo Việt gian giết?
Nhân dân hỏi con không biết con nói…
Có nói Việt gian giết không?
Nhân dân hỏi thì con đoán chừng ra…
Hỏi! Ông Vịnh là người thế nào mà Việt gian giết? Ông Vịnh làm gì?
Ông Vịnh đi dân công.
Đi dân công mà Việt gian lại giết? Âm mưu của mày đã giết lại tung tin Việt gian. Mày nói với Ban thuế mày khám cơ mà?
Con đến chung quanh con xem chứ con không lật lên.
Dẫn chứng: Mày khai với chúng tao Ban thuế là mày đã khám lật ngửa lên rồi cơ mà?
Nga! Nhân dân có nói điêu không? Hai người nói cơ mà.
Nhân dân không nói điêu ạ.
Thế sao mày không nhận?
Ông bà ấy nói sai.
Một người nữa lên dẫn: Mày vào Ban thuế, gác cái xe đạp ở hè. Mày nói đã khám rồi, lật xem cả người…
Thưa quý toà, con có đánh ông ấy đâu?
Đả đảo…
Nga! Nhân dân nói vu cho mày à?
Con có đánh đâu?
Năm mày làm quản xã, mày làm thẻ phiên. Chúng tao phải đi tuần, đêm mày bắt chúng tao đánh ông Vịnh. Ông ấy điếc lác, chậm không đi lấy thẻ kịp…
Mày có đánh không?
Dạ, ông bà nhân dân đã vạch thì con có tội!
Mày có đánh không?
Con ở nhà con.
Không khiến mày nói dài. Có hay không?
Có.
Mày có đi buôn lậu không?
Mọi người trong xã…
Có hay không?
Có.
Mày có đi lại họp hành nhà ông Vịnh không?
Không con không họp với ông Vịnh bao giờ!
Ở nhà ông Vịnh cơ mà!
Con có chơi với ông Vịnh đâu.
Đi lại họp hành cơ mà!
Có ạ.
Đả đảo…
Mày giết ông Vịnh thế nào? Nga! Mày có buôn lậu không? Mày làm gì?
Con đi buôn lậu.
Mày làm gì cơ mà? Mày làm chức vụ gì?
Con buôn lậu.
Dẫn chứng: Mày làm uỷ viên hành chính. Nga! Mày làm gì?
Con làm uỷ viên hành chính.
À! Mày làm uỷ viên hành chính mà mày lại đi buôn lậu! Như thế mày có tội không?
Thưa quý toà con có tội.
Mày có tội. Thế mày định giết ông Vịnh để bịt tội đi phải không?
Con có giết đâu. Con ở nhà…
Hôm ấy mày để tao từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Thế là mày đi đâu? Tao bảo mặc kệ B phó cứ về. Gặp mày giữa đường. Mày đi đâu từ 4 giờ sáng đến 9 giờ sáng? Sao mày nói là ở nhà? Mày đem đi lĩnh gạo đâu? Bổn phận mày là B phó mày lãng phí, mỗi người mất mấy trăm bạc quà? Nga! Sáng hôm ấy mày đi đâu?
Con sang công trường lấy gạo.
Vạch lại!
Nga! Mày có đi lĩnh gạo đâu?
Con sang công trường lĩnh gạo chứ không phải đi lấy gạo với toán Từ Sơn…
Nga! Mày đi đâu?
Con sang công trường hỏi gạo ăn buổi sáng.
Mày làm gì?
Con làm B phó.
Mày làm chỉ huy sao mày lại bỏ người ta?
…
Hỏi! Khi ông Vịnh chết thì mày làm thế nào?
Một anh ở y viện về bảo con không biết ông Vịnh sống chết cảm thế nào ngoài đồng. Ban chỉ huy bảo con ra xem có mục đích không. Con đi ra xem với ông nhân dân gọi con ra ruộng dâu.
Mày có khám không?
Con chỉ trông qua chứ không khám.
Mày là chỉ huy, dân công mày chết mà mày không khám chỉ trông qua thôi. Mày khai thế đã đúng chưa? Tại sao mày chỉ trông qua loa? Sao không khám? Đó là một điều vô lý! Mày nhớ ra! Nhớ ra! Khai ra! Nga! Từ đó mày làm gì?
Con sang công trường con báo. Con về nhà con báo cho gia đình ông ấy biết.
Ai cho mày về? Ai cử mày về? Hỏi! Mày đã về báo Ban chỉ huy chưa?
Thưa con là Ban chỉ huy.
Mày là gì ?
Con là C phó.
C phó mà mày chỉ huy cả Ban chỉ huy à? C trưởng có quyền không? Hỏi!
C trưởng bận họp.
Mày báo cáo Ban chỉ huy chưa?
Con đi thẳng sang công trường, Ban chỉ huy đang họp.
Hỏi báo cáo chưa cơ mà.
Con chưa báo cáo.
Hừ! Tại sao mày không báo cáo Ban chỉ huy mà đi thẳng sang công trường? Ai sai mày?
Con đi sang.
Mày tự động đi phải không?
Vâng.
Nga! Hỏi! Ai sai mày về báo cho gia đình ông Vịnh?
Con về.
Mày ra khám ông Vịnh qua loa. Mày không về báo cáo Ban chỉ huy. Mày tự sang công trường. Mày tự về gia đình ông Vịnh. Hỏi! Mày về nói với gia đình ông Vịnh thế nào?
Con nói cảm thế nào có máu, đít quần cũng có máu.
Mày nói với ai nữa?
Nhà ông Vịnh đây này.
Mày nói thế nào nữa?
Con bảo bị cảm.
Đề nghị dẫn chứng: Mày vào Ban thuế 20 người, bảo ông Vịnh bị cảm hộc máu mồm và đít.
Tại sao mày bảo ông Vịnh bị Việt gian giết?
Thưa quý toà, tối hôm ấy khi chôn mới thấy là bị giết.
Nga! Tối hôm ấy đâu! Ngay hôm ấy cơ.
Anh Lý dẫn chứng: Lúc đầu mày bảo bị cảm. Sau mày lại bảo Việt gian giết. Mày bảo đã khám rồi. Khi chôn mày không mặc niệm mặc nung gì.
Tại sao mày bảo Việt gian giết?
Nhân dân hỏi con không biết con nói…
Có nói Việt gian giết không?
Nhân dân hỏi thì con đoán chừng ra…
Hỏi! Ông Vịnh là người thế nào mà Việt gian giết? Ông Vịnh làm gì?
Ông Vịnh đi dân công.
Đi dân công mà Việt gian lại giết? Âm mưu của mày đã giết lại tung tin Việt gian. Mày nói với Ban thuế mày khám cơ mà?
Con đến chung quanh con xem chứ con không lật lên.
Dẫn chứng: Mày khai với chúng tao Ban thuế là mày đã khám lật ngửa lên rồi cơ mà?
Nga! Nhân dân có nói điêu không? Hai người nói cơ mà.
Nhân dân không nói điêu ạ.
Thế sao mày không nhận?
Ông bà ấy nói sai.
Một người nữa lên dẫn: Mày vào Ban thuế, gác cái xe đạp ở hè. Mày nói đã khám rồi, lật xem cả người…
Kết luận: Nó đã lấy xẻng chặt
đầu ông Vịnh sắp đứt. Nó chối hết cả. Quanh co, vô lý. Mặc dầu nó chối, mặc dầu
không ai trông thấy, nhưng đủ kết luận là nó giết.
5. Ông Đức
Năm 45 mày đánh đứa cháu tao
là Hiểu nó lấy 2 bắp ngô mà mày đánh, nó về ốm chết. Mày đánh tao phải bỏ làng
đi đến giờ hoà bình mới về. Tao nằm lại nghĩ đến cháu tao, thân già tuổi lão
không thấy cháu tao.
Nga! 45 mày làm gì?
Con làm quản xã.
Mày có đánh em Hiểu không?
Ông Đức ông ấy bảo thế thì con có đánh.
Thằng này ngoan cố.
Đả đảo… Kiên quyết…
Dẫn chứng: 28/3/45 ngô hung hung. Mày lấy thanh bạt, đánh nó lăn ở đê. Ba ngày thì nó chết.
Mày có đánh không?
Có ạ.
Đánh thế nào?
Đánh như ông vừa giờ bảo.
Đánh thế nào? Khai!
Thưa quý toà, đánh em Hiểu đi ăn cắp ngô ạ.
Em Hiểu à? Em mày à?
Đánh bằng thanh tre.
Đánh vào đâu?
Đánh vào người ạ.
Em bé nó thế nào?
Đánh xong em bé đi về nhà ạ.
Cho mày báo cáo với nhân dân.
Thưa ông bà nhân dân, em Hiểu…
Em mày à?
Ông Hiểu ắn cắp ngô…
Ăn cắp à? Mày phải nói là đói chứ?
Vâng, ông Hiểu đói đi lấy ngô, con đánh bằng thanh tre.
Mấy hôm anh ấy chết ?
Con không nhớ.
Dẫn chứng: 3 hôm chết. Anh ấy bé…
Nga! Em Hiểu chết vì ai?
Vì con đánh.
Nga! 45 mày làm gì?
Con làm quản xã.
Mày có đánh em Hiểu không?
Ông Đức ông ấy bảo thế thì con có đánh.
Thằng này ngoan cố.
Đả đảo… Kiên quyết…
Dẫn chứng: 28/3/45 ngô hung hung. Mày lấy thanh bạt, đánh nó lăn ở đê. Ba ngày thì nó chết.
Mày có đánh không?
Có ạ.
Đánh thế nào?
Đánh như ông vừa giờ bảo.
Đánh thế nào? Khai!
Thưa quý toà, đánh em Hiểu đi ăn cắp ngô ạ.
Em Hiểu à? Em mày à?
Đánh bằng thanh tre.
Đánh vào đâu?
Đánh vào người ạ.
Em bé nó thế nào?
Đánh xong em bé đi về nhà ạ.
Cho mày báo cáo với nhân dân.
Thưa ông bà nhân dân, em Hiểu…
Em mày à?
Ông Hiểu ắn cắp ngô…
Ăn cắp à? Mày phải nói là đói chứ?
Vâng, ông Hiểu đói đi lấy ngô, con đánh bằng thanh tre.
Mấy hôm anh ấy chết ?
Con không nhớ.
Dẫn chứng: 3 hôm chết. Anh ấy bé…
Nga! Em Hiểu chết vì ai?
Vì con đánh.
6. Anh Chắt
Đánh anh Chắt không?
Có!
Đánh bằng gì?
Đánh bằng tay ạ.
Đánh thế nào?
Con thụi.
Thụi vào đâu?
Vào người.
Người đâu?
Vào lưng.
Nga!
Có!
Đánh bằng gì?
Đánh bằng tay ạ.
Đánh thế nào?
Con thụi.
Thụi vào đâu?
Vào người.
Người đâu?
Vào lưng.
Nga!
Nó im.
Nga! Sao gọi mày không thưa?
Thái độ mày thế à?
Đả đảo…
Mày đánh vào đâu?
Vào bụng.
Vào đâu nữa?
Cạnh sườn.
Vào đâu nữa?
Con không nhớ ạ.
Nga! Thái độ mày như thế à?
Đả đảo…
Mày đánh vào đâu?
Vào bụng.
Vào đâu nữa?
Cạnh sườn.
Vào đâu nữa?
Con không nhớ ạ.
Nga! Thái độ mày như thế à?
7. Đá chết hai người đói ở
xa đến nằm ở quán
Thưa quý toà người ta ốm sắp
chết mà con lại đá à?
Mày sợ người ta sống lại đi bẻ ngô mày đá chết.
Có không?
Có. Đánh thế nào?
Đá hai cái ạ.
Mày quanh co.
Đả đảo…
Thưa ông bà nhân dân, năm 45 hai ông ấy đói nằm ở điếm thì con đá thêm cho hai cái hai ông ấy chết.
Tại sao giết?
Con sợ các ông ấy bẻ ngô của bà con nhân dân.
Toà vạch: Không phải! Nó sợ lấy của nó.
Mày sợ người ta sống lại đi bẻ ngô mày đá chết.
Có không?
Có. Đánh thế nào?
Đá hai cái ạ.
Mày quanh co.
Đả đảo…
Thưa ông bà nhân dân, năm 45 hai ông ấy đói nằm ở điếm thì con đá thêm cho hai cái hai ông ấy chết.
Tại sao giết?
Con sợ các ông ấy bẻ ngô của bà con nhân dân.
Toà vạch: Không phải! Nó sợ lấy của nó.
8. Bà Phấn
Mày vồ tao mày hiếp tao. Mày
rình đầu bếp mày vồ tao đi giải. Một lần thứ ba nữa mày chẹt cổ tao ở đầu bếp. Tao
khổ sở bỏ nhà chồng mà đi.
Hành động dã man của mày, nói lên! Mày có hiếp không?
Có ạ.
Hành động dã man của mày, nói lên! Mày có hiếp không?
Có ạ.
9. Bà Chính
1952 tao khổ sở ở nhờ nhà
ông Khôi , tối tao rửa chân chưa đi ngủ, mày sang nhà tao nói chuyện một lúc
mày đè tao mày hiếp. Mày doạ nói ở đâu mày giết ở đấy. Tao cho mày nói. Mày nói
lên!
Mày có hiếp bà Chính không?
Con đi từ 51 cơ mà.
Một người đàn bà ai lại nói vu cho mày?
Có ạ.
Sao mày lại giơ dao ra?
Con có dao đâu?
Sao mày doạ? Có không?
Có doạ ạ.
Mày có hiếp bà Chính không?
Con đi từ 51 cơ mà.
Một người đàn bà ai lại nói vu cho mày?
Có ạ.
Sao mày lại giơ dao ra?
Con có dao đâu?
Sao mày doạ? Có không?
Có doạ ạ.
10. Bà Chinh
Năm 43 mày làm thẻ phiên tao
đi trình ngô mày đè hiếp tao, đến tháng tám tao bế con, mày sấn vào bịt mồm hiếp
tao. Tao vạch mặt mày là mặt đồ đểu.
Có không?
Có.
Có không?
Có.
11.
Năm 42 tao đi tuần với mày,
một chị cắt cỏ mày hiếp, một chị ở Tây Xuyên nữa mày hiếp.
Có không?
Thưa quý toà có.
Có không?
Thưa quý toà có.
12. Ông Thìn
Mày lấn ruộng, bờ tre.
Cha ông nhà tôi…
Tôi với mày à?
Đả đảo thái độ láo xược…
Có chiếm đất không?
Có.
Chiếm thế nào?
Tre nó đẻ dần ra lấn sang.
Mày có đào hào không?
Có.
Thế có phải tre đẻ đâu?
Con không đo không biết bao nhiêu.
Cha ông nhà tôi…
Tôi với mày à?
Đả đảo thái độ láo xược…
Có chiếm đất không?
Có.
Chiếm thế nào?
Tre nó đẻ dần ra lấn sang.
Mày có đào hào không?
Có.
Thế có phải tre đẻ đâu?
Con không đo không biết bao nhiêu.
13. Anh Lý
1949 tao buôn sợi, vốn mày
bán của tao mày ăn. Việc thứ hai, tao đi bộ đội, có đôi khuyên cho vợ buôn đỗ
mày lấy mất. Cả hai con gà sắp đẻ, mày giết nhà tao.
Có lấy sợi không?
Có.
Có lấy đỗ không?
Có.
Có lấy gà không?
Có.
Lấy làm gì?
Lấy để không cho mang sang bán bên kia sông cho Pháp.
Lấy làm gì?
Ăn ạ.
Có lấy sợi không?
Có.
Có lấy đỗ không?
Có.
Có lấy gà không?
Có.
Lấy làm gì?
Lấy để không cho mang sang bán bên kia sông cho Pháp.
Lấy làm gì?
Ăn ạ.
14.
Vay 200 bạc định đong 3 đấu đỗ, mày cướp sống. Tao mang nợ tới giờ.
Có lấy không?
Có ạ.
Lấy làm gì?
Con ăn.
Mày rượu chè thế nào?
Con ăn hàng ngày, con không nhớ.
Mày mua thịt uống rượu thế nào?
Thưa con có mua thịt mua rượu uống.
Mày phải nói là bán đỗ đi mua thịt rượu chứ. Nga! Nói lên!
Vâng.
Vay 200 bạc định đong 3 đấu đỗ, mày cướp sống. Tao mang nợ tới giờ.
Có lấy không?
Có ạ.
Lấy làm gì?
Con ăn.
Mày rượu chè thế nào?
Con ăn hàng ngày, con không nhớ.
Mày mua thịt uống rượu thế nào?
Thưa con có mua thịt mua rượu uống.
Mày phải nói là bán đỗ đi mua thịt rượu chứ. Nga! Nói lên!
Vâng.
15.
Năm 46 triệt để tản cư mày bắt
chúng tao chạy thóc lúa cho nhà mày, họ hàng phú nông nhà mày. Tản cư phải gánh
ngô cho mày thổi, gác làng cho mày, nhà mày lợn gà, cả làng đi hết, nhiều người
gác mà chết.
Các ông ấy chết là tự động về chứ con có sai đâu?
Đả đảo.
Bấy giờ mày làm gì?
Trưởng thôn.
Mày có sai du kích về làng không?
Nó im. Đả đảo.
Có ạ.
Sai về làm gì?
Về trông làng.
Làng còn những ai?
Về trông hoa lợi ạ. Còn chuối.
Chuối mà phải trông à? Ai lấy? Dân đi hết rồi cơ mà!
Nó im.
Nga!
Nga! Ơ vặn không nói à? Mày sai du kích về làm gì?
Trông làng ạ.
Mấy cây chuối à?
Còn đồ đạc của nhân dân ạ.
Mày có sai du kích ghính thóc không?
Có ạ.
Như vậy du kích chết tại ai?
Ông Phương ông Đại có phải là du kích đâu ạ.
Là tự vệ! Tự vệ! Cãi à? Tại ai?
Tại con.
Các ông ấy chết là tự động về chứ con có sai đâu?
Đả đảo.
Bấy giờ mày làm gì?
Trưởng thôn.
Mày có sai du kích về làng không?
Nó im. Đả đảo.
Có ạ.
Sai về làm gì?
Về trông làng.
Làng còn những ai?
Về trông hoa lợi ạ. Còn chuối.
Chuối mà phải trông à? Ai lấy? Dân đi hết rồi cơ mà!
Nó im.
Nga!
Nga! Ơ vặn không nói à? Mày sai du kích về làm gì?
Trông làng ạ.
Mấy cây chuối à?
Còn đồ đạc của nhân dân ạ.
Mày có sai du kích ghính thóc không?
Có ạ.
Như vậy du kích chết tại ai?
Ông Phương ông Đại có phải là du kích đâu ạ.
Là tự vệ! Tự vệ! Cãi à? Tại ai?
Tại con.
16. Ông Tính
Thưa ông, ông vạch lại cho
con.
Mày có đánh ông Tính không?
Con không nhớ ạ.
Mày có treo ông Tính lên điếm không?
Thưa quý toà… có… ạ… Lâu con không nhớ ạ.
Đả đảo.
Mày có đánh ông Tính không?
Con không nhớ ạ.
Mày có treo ông Tính lên điếm không?
Thưa quý toà… có… ạ… Lâu con không nhớ ạ.
Đả đảo.
17. Ông Dăm
Thưa ông, ông vạch lại cho
con.
Mày có đánh ông Dăm không?
Có.
Mày đánh ông làm gì?
Để ông ý đau ạ.
Mày có lấy gánh chuối của ông Dăm không?
Không.
Dẫn chứng: Mày lôi ông ấy vào, đập đầu gốc nhãn.
Có lấy không?
Có.
Lấy ở đâu?
Ở cánh đồng đi sang Hạ Dương.
Chỗ nào?
Ở giữa cánh đồng.
Thằng này láo, chỗ gốc nhãn cơ mà!
Mày có đánh ông Dăm không?
Có.
Mày đánh ông làm gì?
Để ông ý đau ạ.
Mày có lấy gánh chuối của ông Dăm không?
Không.
Dẫn chứng: Mày lôi ông ấy vào, đập đầu gốc nhãn.
Có lấy không?
Có.
Lấy ở đâu?
Ở cánh đồng đi sang Hạ Dương.
Chỗ nào?
Ở giữa cánh đồng.
Thằng này láo, chỗ gốc nhãn cơ mà!
Đề nghị du kích dẫn tên Nga
ra khỏi đấu trường. Đề nghị bà con nghỉ để cho máy nó nghỉ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen