Montag, 28. April 2014

VNCH: Từ lúc Hoa Kỳ tham chiến đến khi Sài Gòn sụp đổ

                                                                                                            Vann Phan
Sự suy đồi trong tình hình chính trị và quân sự tại Miền Nam Việt Nam sau vụ lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã làm cho chính phủ và nhiều giới chức các cấp tại Ngũ Giác Ðài bên Mỹ phải lo ngại. Sau vụ ám sát Tổng Thống Kennedy, chỉ ba tuần sau cái chết của Tổng Thống Diệm, Tổng Thống Lyndon B. Johnson, lên kế nhiệm, đã quyết định phải có thêm nỗ lực chận đứng việc Cộng Sản chiếm được Miền Nam Việt Nam. Và chính quyền của vị tân Tổng Thống khởi sự nghiên cứu cách thế gởi quân chiến đấu Hoa Kỳ đến đó. 


Nhưng điều đầu tiên mà Washington muốn làm vào lúc này là giải quyết tình trạng hỗn độn về chính trị và quân sự ở Miền Nam Việt Nam. Các giới chức Hoa Kỳ, chẳng mấy chốc, đã hiểu được rằng, trong số các Tướng lãnh hàng đầu của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, dường như cuộc đảo chánh này làm nảy sinh cuộc đảo chánh kia. Trong suốt năm 1964 cho đến đầu năm 1965, các chính phủ yếu kém của Miền Nam Việt Nam, do quân đội đảm nhiệm hay bổ nhiệm, cứ thay nhau lên cầm quyền. (1)

I. Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến tại Việt Nam
1. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nền Ðệ Nhị Cộng Hòa:
Cho tới năm 1965, dưới áp lực của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, các tướng lãnh Việt Nam mới đồng ý về một chính phủ quân nhân mới tại Sài Gòn, với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Quốc Trưởng) và Thiếu Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng). Cả Washington lẫn Sài Gòn đều hy vọng sẽ sớm tái lập nền trật tự và tình đoàn kết tại Miền Nam Việt Nam sau khi có việc thành lập một tân nội các dưới quyền của Tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Nhưng cuộc chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn qua nhiều giai đoạn mới và nguy hiểm, trong khi đó thì sự kèn cựa giữa các Tướng lãnh, sĩ quan quân đội và chính trị gia, và đặc biệt là sự kình chống nhau dữ dội giữa người Công Giáo và Phật Giáo vẫn không ngừng nghỉ. Trước nguy cơ của chuyện Cộng Sản chiếm lấy Miền Nam gia tăng từ ngày này sang ngày khác, chỉ trong năm 1964 mà thôi, có trên 11,000 người trong guồng máy hành chính và quân sự của chính phủ và cả thường dân đã bị các lực lượng Cộng Sản bắt hay bị giết, và rồi chính quyền dần dần mất quyền kiểm soát nhiều khu vực ở thôn quê.

Vào Tháng Tám năm 1964, lần đầu tiên trong chiến tranh, đã có một cuộc hải chiến giữa khu trục hạm Maddox của Hải Quân Hoa Kỳ và các pháo đĩnh Cộng Sản Việt Nam ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ. Hậu quả của trận thủy chiến này, Tổng Thống Johnson đã giành được sự ủng hộ của Quốc Hội một nghị quyết cho phép ông “dùng mọi biện pháp, kể cả việc sử dụng các lực lượng võ trang,” để ngăn chặn các cuộc xâm lấn thêm của Bắc Việt. Vào ngày 2 Tháng Ba năm 1965, Hoa Kỳ đã vượt quá vai trò cố vấn và trở thành một phe lâm chiến có giới hạn với cuộc tấn công của 105 phi cơ Không Quân xuống các kho đạn dược tại Bắc Việt Nam, những cuộc oanh kích dầu tiên trong chiến dịch giội bom gia tăng được biết tới dưới tên “Sấm Rền” (“Rolling Thunder”).

Tình trạng mất tinh thần tiếp diễn của Quân Ðội Nam Việt Nam và sự xuất hiện của quân chính quy Bắc Việt tại Miền Nam Việt Nam đã buộc Tổng Thống Johnson phải đối diện với các thách thức mới. Vào ngày 8 Tháng Ba năm 1965, với cuộc đổ bộ các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đầu tiên tại Ðà Nẵng ở Miền Trung Việt Nam, Tổng Thống Johnson đã chính thức cam kết gởi 100,000 quân chiến đấu Mỹ tới Việt Nam, khiến cho Quân Ðội Hoa Kỳ trở nên hoàn toàn dính líu tới cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

2. Quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam:
Với sự thể quân chiến đấu Mỹ đến Miền Nam Việt Nam đảm nhiệm các cuộc hành quân chiến đấu, tình hình quân sự dần dần được cải thiện. Các lực lượng Ðồng Minh từ các quốc gia thân hữu ở Á Châu và Úc Ðại Lợi đóng góp quân và chính nghĩa của các binh sĩ chiến đấu cho tự do, mặc dù với một quy mô nhỏ hơn so với Hoa Kỳ. Ðại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) gởi hai Sư Ðoàn và một Lữ Ðoàn tới Trung Phần Việt Nam. (2) Úc Ðại Lợi gởi một tiểu đoàn đến hành quân gần Sài Gòn. Một trung đoàn Thái Lan đồn trú trong khu vực Long Thành chỉ cách Sài Gòn 20 dặm về phía Ðông. Tân Tây Lan tăng viện với một Pháo Ðội 105 ly Howitzer, và Phi Luật Tân gởi đến các nữ y tá cho các bệnh viện dã chiến.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giờ đây, có thì giờ củng cố các vị trí quân sự và lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất vào tay Cộng quân trong những năm thất bại về chính trị và quân sự. (3) Tuy vậy, cường độ của cuộc chiến trở nên rất dữ dội, bởi vì Hà Nội quyết chí chiếm Miền Nam Việt Nam bằng mọi giá. Vì thế, trong khi Quân Ðội Miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ phòng thủ chống Việt Cộng, Quân Mỹ lại bị cuốn hút vào cuộc chiến sâu đậm hơn và xa hơn các căn cứ của họ khi họ đuổi theo bóng Quân Ðội Bắc Việt lúc nào cũng lẩn tránh họ.

Bất chấp những cuộc không tập của Hoa Kỳ tại Miền Bắc Việt Nam, vẫn có những dòng xe vận tải dài chở tiếp liệu đổ xuống Miền Nam Việt Nam trên Ðường Mòn Hồ chí Minh băng qua dãy Trường Sơn dọc theo biên giới Lào-Việt và Miên-Việt. Vấn đề là Hoa Kỳ đã không tìm ra được cách thức hữu hiệu nào để đưa nguồn tài nguyên kỹ thuật bao la của họ vào sử dụng một cách hữu hiệu trên chiến trường Việt Nam, nhất là tại Miền Nam Việt Nam. Thương vong của Hoa Kỳ ngày một tăng cao theo với mức độ gia tăng dần dần của quân Mỹ lâm chiến.

Tương tự như những gì đã từng xảy ra cho Quân Ðội Pháp trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam Lần Thứ Nhất, còn gọi là Chiến Tranh Ðông Dương, cuộc chiến tranh du kích của Cộng Sản tại Miền Nam Việt Nam mau lẹ trở thành một trận chiến khó thắng nổi đối với phía Mỹ là kẻ mà, vào những năm 1960, hỏa lực và kỹ thuật quân sự vượt xa hơn hẳn người Pháp hồi thập kỷ trước.

Trong các giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, Việt Cộng thường khó thấy được, núp trong rừng, dưới địa đạo, ban đêm xuất hiện như bóng ma. Vào ban ngày, họ tản mác vào các làng quê và vào đám dân chúng Việt Nam vô tội. Họ làm cho binh lính Mỹ phải điên lên vì cái bí mật về tông tích của họ. Việt Cộng có thể là một người, không ai nhìn thấy, bắn ra từ lùm cây, hoặc từ đầu này đưa tay giật sợi dây điện nối liền với một trái mìn Claymore ở đầu bên kia. Việt Cộng cũng có thể là bà già giặt đồ, đứa trẻ cất giấu một trái lựu đạn hoặc ngay cả một gái mãi dâm lẻn vào các khách sạn dành riêng cho các chàng GI... Chiến thắng vẫn còn nằm xa khỏi tầm tay với của vị Tư Lệnh Các Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ðại Tướng William C. Westmoreland.

Nhằm duy trì tình trạng ổn định chính trị của chế độ Sài Gòn, một cuộc tổng tuyển cử được mở ra tại Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Nguyễn Cao Kỳ trở thành tổng thống và phó tổng thống của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa vào Tháng Chín năm 1967. Nhà cầm quyền quân sự và cảnh sát, với sự giúp đỡ của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA), tung ra kế hoạch Bình Ðịnh Nông Thôn (thường được gọi là “Kế Hoạch Phượng Hoàng”) trên toàn quốc nhằm tiêu diệt các cán bộ Cộng Sản bí mật và các du kích quân. Mặc dù với kết quả có phần nào giới hạn, “Kế Hoạch Phượng Hoàng” vẫn được coi là phương thế hữu hiệu nhất chống Việt Cộng sau kế hoạch “ấp chiến lược” của ông Ngô Ðình Nhu. Dẫu sao, cuôc chiến chống Cộng Sản Việt Nam vẫn cứ tiếp tục, bởi vì giới lãnh đạo Hà Nội, kể cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, đã chuẩn bị sẵn sàng để kéo dài cuộc chiến tranh cho đến khi Hoa Kỳ mất đi ý chí quyết chiến, quyết thắng của mình.

3. Cuộc Tấn Công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Sản:
Cuộc tổng tấn công của Cộng Sản hồi Tết Mậu Thân 1968 được coi là một trong các giai đoạn quan trọng nhất của cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Lo lắng trước sự thể chiến tranh kéo dài sau khi có sự can thiệp của quân chiến đấu Mỹ, Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Trung Ương của ông tại Hà Nội quyết định tung ra một cuộc tổng tấn công bất thình lình trên mọi thành phố và tỉnh lỵ chính yếu tại Miền Nam Việt Nam trong ngày Tết Nguyên Ðán, thời gian thiêng liêng truyền thống nhất của đất nước. Các lãnh tụ Cộng Sản hy vọng giành được chiến thắng sau cùng trong khi các lực lượng Miền Nam Việt Nam bị tấn công bất ngờ.
Cuộc tấn công của Cộng Sản bắt đầu với một trận đánh làm nghi binh vào căn cứ quân sự Mỹ tại Khe Sanh ở phía Tây Bắc Ðà Nẵng vào ngày 21 Tháng Giêng năm 1968. Rồi, với sự hỗ trợ của ít nhất là 4 Sư đoàn thiện chiến của bộ đội chính quy từ Bắc Việt xâm nhập vào, Việt Cộng tung ra cuộc tấn công trên 36 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ và 5 đô thị lớn trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam, kể cả thủ đô Sài Gòn ngay sau đêm Giao Thừa vào ngày 30 Tháng Giêng năm 1968. Ngoại trừ tại Ðà Nẵng, là nơi cuộc chiến không kéo dài, các thành phố và tỉnh lỵ khác trên bốn vùng chiến thuật đã có giao tranh trong nhiều ngày và cả nhiều tháng.
Tại Sài Gòn, quân Việt Cộng tấn công Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, Dinh Tổng Thống và Ðài Phát Thanh chính phủ, nhưng họ đều bị đẩy lui. Mặt trận Sài Gòn Chợ Lớn và các vùng phụ cận gặp những cuộc tấn công riêng lẻ và phản tấn công mãi cho tới Tháng Ba năm 1968 trước khi quân Việt Cộng tháo lui. Cố đô Huế đã bị bao vây trong gần bốn tháng trời, và chỉ được giải phóng khi có những cuộc giao tranh dữ dội và phản tấn công của các lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Nam Việt Nam cùng với quân Nhảy Dù và các lực lượng bộ binh Việt Nam.
Hằng nghìn giới chức chính phủ Miền Nam Việt Nam, sĩ quan, cảnh sát viên, thành viên các đảng phái chống Cộng và thường dân đã bị sát hại trong cuộc chiếm đóng Huế của các lực lượng Cộng Sản. Chừng 3,000 nạn nhân như thế đã được tìm thấy trong các mồ chôn tập thể sau đó - nhiều người bị chôn sống. Các thương vong về phía Hoa Kỳ và Nam Việt Nam trong cuộc tổng tấn công của Cộng Sản được coi là cao, trong khi đó thì quân tấn công Việt Cộng đã hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất, với con số phỏng định là 58,000 quân bị tiêu diệt.

II. Cuộc chiến tranh chuyển sang chiều hướng bất lợi cho Miền Nam Việt Nam


1. Tâm trạng “mệt mỏi chiến trận” và phản chiến tại Hoa Kỳ:

Giữa lúc cuộc chiến tranh tiêu hao tiếp diễn tại Miền Nam Việt Nam cách Hoa Kỳ nửa vòng trái đất, công chúng Mỹ và ngay cả các giới chức chính phủ tại Ngũ Giác Ðài bắt đầu cho thấy dấu hiệu mệt mỏi. Sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh xa nhà, trong đó quyền lợi chiến lược và kinh tế của Hoa Kỳ không lấy gì làm rõ ràng, đã là lý do gây ra những khác biệt ý kiến trong quần chúng Mỹ. Các phong trào chống chiến tranh, chẳng mấy chốc, xuất hiện tại thủ đô Washington và các thành phố lớn khác. Vào mùa Thu năm 1967, 35,000 người biểu tình đã diễu hành tới Ngũ Giác Ðài, hô vang các khẩu hiệu chống chiến tranh.

Cho tới cuối năm 1967, quân chiến đấu và binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tới con số 400,000 trong khi số thương vong của Hoa Kỳ tại cả Bắc và Nam Việt Nam tiếp tục tăng cao. Vào đầu năm 1968, gần 16,000 binh lính Mỹ đã bị giết tại Việt Nam cùng với hơn 100,000 bị thương.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia quân sự đều đồng ý rằng Việt Cộng đã thất bại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân - và Cộng quân đã phải mất bao năm trời mới hồi phục được sức lực và khả năng chiến đấu - một lần nữa công luận Mỹ lại dấy lên tình cảm chống chiến tranh. Cuộc chiến tranh này không phải chỉ được đánh tại bán đảo Ðông Dương ở Ðông Nam Á mà cũng còn ngay trên đất Mỹ, trong các tổ chức của Mỹ, trên đường phố Mỹ và, trên hết tất cả, trong lương tâm của người Mỹ nữa. Vì cuộc chiến này đang tiêu diệt nhiều mạng sống, cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, cuộc chiến cũng gây ra các tổn hại cho niềm tin của dân tộc Mỹ vào chính phủ và nhà cầm quyền của họ. Rõ ràng là cảm giác “mệt mỏi chiến trận” của binh lính Mỹ sau nhiều năm chiến đấu chống quân du kích Cộng Sản tại Việt Nam đã dội ngược về quê nhà bên Mỹ, là nơi các phong trào chống chiến tranh đang chế ngự chính trường vào năm 1968.

Cũng vào thời đó, Tướng de Gaulle, một anh hùng Thế Chiến Thứ Hai và từng là tổng thống Pháp, có nói rằng Việt Nam chính là một “đất nước chết rục” của người Mỹ. Trên thực tế, Việt Nam đã lấy hết sinh lực và ngay cả cái thơ ngây của Mỹ quốc. Hãy cứ lắng nghe nhận định sau đây của ký giả Lance Morrow trên tạp chí Time, số ra ngày 11 Tháng Giêng năm 1988, tức là 20 năm sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, về cảm giác “mệt mỏi chiến trận” của thanh niên Mỹ vào lúc đó:

“Hơn bất cứ một sức lực nào, cuộc chiến tranh Việt Nam chia rẽ giới trẻ với người lớn Mỹ -và, trong một cách thế cũng bi đát không kém, chia rẽ người này với người kia. Cuộc chiến giống hệt như một mụ phù thủy đen đúa xông đến và lấy đi những chàng trai trẻ rồi mang họ đến phía bên kia của địa cầu mà tiêu diệt họ, vì những động lực ngày càng mờ ám. Tổng Thống Lyndon Johnson đã vận động tranh cử vào Tòa Bạch Ốc vào năm 1964 qua lời hứa “chúng ta sẽ không chuẩn bị gởi thanh niên Mỹ đi xa 10,000 dặm đường để làm cái công việc mà các thanh niên Á Châu phải làm cho chính mình,” để rồi ông lại kết thúc với việc coi cuộc chiến tranh đó là một cuộc thánh chiến gìn giữ tự do của Hoa Kỳ, và rồi tiêu hoang nhiệm kỳ tổng thống của ông và luôn cả đất nước của ông vào cuộc chiến tranh đó.

Tới đầu năm 1968, gần 16,000 người Mỹ đa bị giết tại Việt Nam và có hơn 100,000 người nữa bị thương. Trong thời gian đó, cuộc chiến tại Việt Nam trở thành hiện thực trong đời sống tại nước Mỹ. Lịch sử cũng tuân theo Luật Chuyển Ðộng Thứ Ba của Newton: để đáp lại từng hành động của Hoa Kỳ tại Việt Nam, dường như cũng lại có một phản ứng đối nghịch từ quê nhà. Người Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh trở về cho riêng họ như thể họ nuốt phải lửa.

Vào mùa Thu năm 1967, có tới 35,00 dân biểu tình đã xông tới Ngũ Giác Ðài, và trong một cách thế bí hiểm kiểu thuật thôi miên, đã sử dụng những lời reo hò mà cố san bằng guồng máy chiến tranh nơi đây. Phản đối chế độ quân dịch đã trở thành một trò chính trị ăn khách trong nước. Những người trẻ đốt thẻ trưng binh trước các ống kính, ngọn lửa liếm láp chung quanh rìa tờ giấy cạt-tông như hình ảnh dội lại của ngọn lửa - được nhìn thấy qua truyền hình - từ chiếc hộp quẹt thuốc lá của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đốt cháy một chòi tranh Việt Nam...

“Quân Cộng Sản vẫn hy vọng dùng cuộc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân để kích động cuộc tổng nổi dậy tại các vùng quê. Trong mục tiêu đó, họ đã thất bại. Họ cũng đã phải hứng chịu nhiều thương vong nặng nề.” (4) Ấy vậy mà, đối với họ, Tết lại dành cho họ một thắng lợi lớn lao. Biến cố ấy tạo nên tinh thần quyết liệt chống chiến tranh trong dân chúng Mỹ. “Cái gì đang diễn ra đó vậy?” nhà báo Walter Cronkite đưa ra câu hỏi như thế khi nghe nói tới cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng quân. “Tôi cứ nghĩ là chúng ta đang thắng cuộc chiến tranh tại đó chứ!” (5)

“Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã phá vỡ những gì còn tồn tại trong những lời kêu gọi võ trang chiến đấu xưa cũ dưới danh nghĩa bảo vệ tự do trên khắp thế giới. Tinh thần quốc gia của Hoa Kỳ bị co quắp lại và khởi sự đổ nhào xuống chỗ không ai tưởng nghĩ nổi. Cái chỗ không ai tưởng nghĩ đó, thật sự, lại chính là ‘Amerika,’ Mỹ Quốc, như lời Phe Tả, và đất nước đã phạm một sai lầm lớn. Người Mỹ, thường phù thịnh, ghét chuyện nghĩ tới mình là kẻ chiến bại, song họ lại thấy chính mình rõ ràng đang là kẻ chiến bại sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân. Một biến thái của suy nghĩ này là quần chúng nghĩ rằng nếu quả thật Hoa Kỳ đang thua trận hoặc có thể là chưa bao giờ đạt tới chiến thắng như qua tuyên truyền thì quần chúng Mỹ đã bị đánh lừa mất rồi...”

Tình cảm mệt mỏi chiến trận của Mỹ vào cuối thập niên 1970 diễn ra rõ ràng hơn qua nhận định của hầu hết các tay phản chiến rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam là vô luân lý. Một chủ thuyết chính của phe cấp tiến hồi thập niên 1960 cho rằng Hoa Kỳ đã hành động không hợp đạo lý khi can thiệp vào Việt Nam. Những phần tử cấp tiến lúc đó vẫn hay lặp lại lời nói của Thị Trưởng New York John Lindsay rằng “những người trẻ tuổi giỏi nhất của chúng ta đã đi sang Canada” và họ cũng lập luận rằng những kẻ bỏ Hoa Kỳ mà ra đi hoặc đốt thẻ trưng binh thì cũng đang hành động hợp đạo đức như những kẻ tình nguyện phục vụ tại Việt Nam vậy. Một số các nhà hoạt động phản chiến còn gợi ý rằng phải xây một đền tưởng niệm cho những kẻ chống đối cuộc Chiến Tranh Việt Nam mới được.Với cảm giác “mệt mỏi chiến trận” ưu thắng khắp mọi nơi ngay sau cuộc tổng tấn công của Cộng quân vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, thủ đô Washington và hằng chục thành thị khác nữa tại Hoa Kỳ đã vang động khi những người biểu tình hô to các khẩu hiệu chống chiến tranh. “Thà Ðỏ còn hơn chết,” nhiều thanh niên Mỹ cố trốn tránh nghĩa vụ quân dịch và đốt các thẻ trưng binh của họ. Cho tới lúc đó, chiếc ống loa ồn ào nhất của các phong trào chống chiến tranh Mỹ là Tom Hayden và, đặc biệt, bà vợ ông tên là Jane Fonda, một nữ diễn viên điện ảnh Hollywood đã đích thân thực hiện một cuộc viếng thăm “thiện chí” tới Bắc Việt. Nơi đây, thỉnh thoảng, người phụ nữ này còn đứng chụp hình bên cạnh những họng súng phòng không của Quân Ðội Nhân Dân Bắc Việt để tỏ tình đoàn kết với những người Cộng Sản Việt Nam.

Vừa đến Hà Nội, Jane Fonda tuyên bố: “Tôi đến đây với tư cách đồng chí của các bạn.” Trở về Hoa Kỳ, người phụ nữ này nói với mọi người rằng những người Cộng Sản Việt Nam chính là “lương tâm của nhân loại” và rằng “họ đang được lãnh đạo bằng cùng một tinh thần từng hướng dẫn Tướng Washington và chính khách Jefferson.” Những kẻ hô hào chống chiến tranh khác tại Hoa Kỳ vào hồi cuối thập niên 1960 là Joan Baez, ca sĩ; John Lindsay, Thị Trưởng New York; Tiến Sĩ Martin Luther King, Jr., lãnh tụ dân quyền; Mark Rudd, lãnh tụ sinh viên; Ron Kovic, cựu chiến binh Thủy Quân Lục Chiến; Joe McDonald, lãnh tụ nhóm nhạc pop và nhạc rốc; Sam Brown, lãnh tụ chống chiến tranh... (6)

2. Khuynh hướng phản chiến và thỏa hiệp với Cộng Sản tại Miền Nam Việt Nam
Ngay tại Việt Nam, cuộc chiến tranh bất tận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, giữa người Cộng Sản và các lực lượng chống Cộng, đã làm xói mòn tinh thần chiến đấu của dân chúng Miền Nam Việt Nam khi các đô thị và thành phố trên toàn quốc cùng với miền quê biến thành những bãi chiến trường đẫm máu. Những phong trào tranh đấu đòi phải có hòa bình với mọi giá do các sư sãi chống chiến tranh và chống Mỹ cùng các sinh viên cấp tiến tại Sài Gòn dẫn khởi đã được các phần tử mệt mỏi vì chiến trận trong xã hội Miền Nam Việt Nam ủng hộ. Ðược bộ máy tuyên truyền Cộng Sản lúc nào cũng năng động khích lệ, và dựa vào nền dân chủ còn non trẻ của Miền Nam tự do, các phong trào này khởi sự những cuộc tuần hành vì hòa bình mà chẳng bao lâu trở thành những cuộc biểu tình chống chiến tranh và chống Mỹ tại hầu hết các tỉnh thành ở Miền Nam Việt Nam. Những đợt phản đối chiến tranh Việt Nam, hoặc, nói cho chính xác hơn, phong trào phản đối vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam, chẳng bao lâu đã trở thành toàn cầu khi đài phát thanh Hà Nội và những bộ máy tuyên truyền tại các nơi khác của Cộng Sản cảnh báo thế giới về những thương vong của thường dân do các cuộc oanh tạc của Mỹ gây ra tại cả Bắc lẫn Nam Việt Nam...

Trong con mắt của cộng đồng thế giới, đây là một cuộc chiến tranh không cân sức giữa anh khổng lồ Goliath (Hoa Kỳ) và chú bé tí hon David (Cộng Sản Bắc Việt); vì thế, phần còn lại của thế giới phải đứng ra bảo vệ kẻ yếu hơn, bất kể sự thể rằng chính Bắc Việt là kẻ đã xâm lăng Miền Nam Việt Nam từ lâu trước khi Hoa Kỳ nhảy vào bảo vệ miền đất dũng cảm này của Thế Giới Tự Do.

Thêm vào khúc hòa tấu chống chiến tranh tại Hoa Kỳ, nhiều sinh viên Miền Nam Việt Nam, giới “trí thức,” sư sãi và báo chí - một số không ít trong họ, không còn nghi ngờ gì nữa, đang bị Cộng Sản bí mật giật dây - đã lợi dụng một số quyền tự do dân chủ của chế độ mà quảng bá đòi hỏi của họ về một nền hòa bình bằng mọi giá, kể cả đầu hàng Cộng Sản. Ðiều này càng tạo thêm khó khăn cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng như tạo thêm sức mạnh cho phong trào chống chiến tranh sẵn có tại Hoa Kỳ. Tình trạng “mệt mỏi vì chiến trận” này cũng được cảm nhận trong một số đơn vị thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua con số binh sĩ đào ngũ gia tăng - dù không lấy gì làm lớn lao cho lắm - trong các đơn vị bộ binh chiến đấu sau đợt tổng động viên do chính phủ định đặt để đối phó với tình hình chiến sự sôi động tại Miền Nam Việt Nam từ dạo có cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Sản.

3. Cuộc hội đàm hòa bình tại Ba Lê:
Dưới áp lục nặng nề từ trong nước cũng như từ thế giới bên ngoài, đến cuối thập niên 1960, Hoa Kỳ phải đồng ý mở các cuộc hòa đàm với Bắc Việt tại Ba Lê (Paris), Pháp, đặng kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Sự kiện rằng chính Hoa Kỳ đưa ra sáng kiến mở hòa hội chấm dứt chiến tranh tạo cho người Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội niềm tin rằng phía Mỹ đang hứng chịu tình huống “mệt mỏi chiến trận” mà sẽ từ từ làm mất tinh thần của binh lính Mỹ tại Việt Nam. Thomas D. Boettcher trong quyển Vietnam: The Valor and Sorrow, xuất bản năm 1967, có nói rằng “người ta theo đuổi chiến tranh là để chiến thắng, chứ không phải để ngưng bắn” để đáp lại lập luận của Tổng Thống Johnson rằng ông đã ra lệnh ngưng các cuộc không tập tại Miền Bắc Việt Nam “để buộc Bắc Việt phải đi đến bàn thương lượng hòa bình.”

Mặc dù có một số trở ngại vào lúc đầu, Hòa Ðàm Ba Lê đã diễn ra với sự tham dự của bốn bên liên hệ trong cuộc chiến: Bắc Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Vì “vừa đánh trận, vừa đàm phán” là chiến thuật của họ, Hà Nội và Mặt trận Giải phóng đã thúc đẩy cuộc chiến tranh tới chỗ dữ dội hơn nữa. Khi nhiều năm trôi qua mà không thấy “ánh sáng từ cuối đường hầm,” Hoa Kỳ đã phải tái tục các cuộc không tập tại Miền Bắc Việt Nam, có lúc vượt quá cả vĩ tuyến thứ 19 - là giới hạn mà trước đó các lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã tự ấn định - để lên tới Hà Nội, gần biên giới Trung Quốc. Sự gia tăng các cuộc không tập tại Miền Bắc làm cho số thương vong của Hoa Kỳ tăng cao, và ngày càng có thêm nhiều phi công Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ bị bắt làm tù binh chiến tranh hoặc bị mất tích khi chiến đấu.

Số phận của các tù binh chiến tranh Hoa Kỳ trong tay Cộng Sản rất tuyệt vọng. Những người Cộng Sản giam giữ họ nhưng không cho phép họ hưởng quy chế tù binh bằng cách tuyên bố họ là “tội phạm chiến tranh.” Khi làm như vậy, người Bắc Việt có thể đối đãi với người tù bằng bất cứ cách nào họ muốn, vi phạm thô bạo Công Ước Geneva 1959 về tù binh quốc tế mà cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Việt đều ký kết. Ðại Tá Hải Quân Jeremiad A. Denton Jr., từng trải qua 8 năm trong nhà tù Hỏa Lò (”Hà Nội Hilton”) cho tới khi được phóng thích vào năm 1973, mô tả hệ thống lao tù Cộng Sản vào cuối thập niên 1960 là “địa ngục,” trong đó moi loại tra tấn thể xác và khủng bố tinh thần đều có đủ. (7)

4. Kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” của Hoa Kỳ:
Dưới áp lực của công chúng Mỹ muốn có việc rút lui trong danh dự của quân đội Mỹ ra khỏi các chiến trường tại Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Nixon nghĩ đã đến lúc đem ra thi hành kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh.” Mục đích sau cùng của kế hoạch này là chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu lại cho người Miền Nam Việt Nam trong khi người Mỹ sẽ chỉ cung cấp vũ khí, viện trợ, huấn luyện quân sự và đỡ đầu chính trị để bảo đảm tương lai của Miền Nam Việt Nam. Trên thực tế “Việt Nam hóa chiến tranh” đòi hỏi phải có thêm sự can dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào nỗ lực chiến đấu tại mặt trận thay vì nương tựa vào quân tác chiến Mỹ. Với thêm huấn luyện, tiếp liệu tốt hơn và trang cụ tân tiến hơn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chẳng bao lâu nữa, sẽ thay thế quân đội Mỹ trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của mình cũng như mở ra các cuộc hành quân lùng và diệt chống Việt Cộng.

Chiếu theo kế hoạch này, các sư đoàn bộ binh của Miền Nam Việt Nam và các đơn vị Ðịa Phương Quân sẽ nhận được các chiến xa mới, vũ khí nặng, trọng pháo và súng cối, Hải Quân sẽ có thêm tàu thuyền và Không Quan có thêm nhiều oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, trực thăng và vận tải cơ. Các lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - gồm có Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng Quân - tất cả đều được trang bị và tiếp tế tốt hơn với các vũ khí tân tiến hơn.

Các cuộc hành quân lớn vào Cambodia và Miền Nam Lào vào các năm 1970 và 1971 chứng tỏ rằng quân Việt Nam có thể đảm nhiệm cuộc chiến tranh với sự giúp đỡ phần nào hoặc không có sự yểm trợ của quân chiến đấu Mỹ, miễn là hỏa lực yểm trợ không quân từ các pháo đài bay chiến lược B-52 và oanh tạc cơ chiến thuật vẫn có sẵn đó. (8)

Vào ngày 29 Tháng Tư năm 1970, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tấn công các an toàn khu của Việt Cộng ở vùng Mỏ Vẹt tại biên giới Việt Nam-Cambodia, và hai ngày sau thì Sư Ðoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ mở cuộc tấn công không vận vào vùng Lưỡi Câu. Chiến dịch này, phía Việt Nam mệnh danh là Toàn Thắng 43 và phía Mỹ gọi là Victory 43, là một chiến thắng lớn lao với việc tịch thu hằng nghìn tấn gạo và đạn dược của địch cùng một số thương vong của địch ước lượng tới 4,800 Việt Cộng bị giết. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự này cũng đã kich động nên những cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc Hoa Kỳ.Rồi vào ngày 8 Tháng Hai năm 1971, cuộc Hành Quân Lam Son 719 được tung ra với mục đích phá hủy các khu tiếp tế của Việt Cộng đặt căn cứ tại Tchepone nằm sâu trên đất Lào 22 dặm. Các lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được yểm trợ hai bên sườn bằng các đơn vị Bộ Binh và Nhảy Dù, đã tấn công các khu vực dọc theo Ðường Số 9 bằng chiến xa và bộ binh. Các đơn vị tấn công cũng được sự yểm trợ tiếp vận và hỏa lực của các trực thăng vận tải cùng với hằng trăm phi vụ của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ.

Quân Bắc Việt, ngay sau đó, đã phản ứng mạnh chống cuộc tấn công, và một tháng trời giao tranh giữa đôi bên tiếp diễn. Vì phải hứng chịu những tổn thất gia tăng về nhân sự và trang bị và vì thời tiết ngày càng xấu đi, sau cùng, các lực lượng Nam Việt Nam đã phải rút lui. Theo Phil Chinnery trong quyển Air War in Vietnam, cuộc hành quân đã khiến cho Cộng Sản mất khoảng 20.000 tấn thực phẩm và đạn dược, 156,000 ga-lông xăng, 1,530 xe vận tải, 74 chiến xa và 6, vũ khí các loại. Với tổn thất này, khả năng tấn công của địch đã bị vô hiệu hóa trong vòng 12 tháng, cho phép Sài Gòn và Washington có thêm thì giờ để thực hiên chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh. (9)

5. Cuộc Tấn Công Mùa Hè 1972 của Cộng quân:
Rồi đến một cuộc tổng công kích khác nữa của Cộng Sản - thường được phía Việt Nam Cộng Hòa gọi là Mùa Hè Ðỏ Lửa - bắt đầu vào ngày 30 Tháng Ba năm 1972 tại Quảng Trị, Kon Tum, Pleiku, Bình Ðịnh và Bình Long. Các lực lượng Cộng Sản, hầu hết là các đơn vị chính quy tinh nhuệ xâm nhập từ miền Bắc, có thiết giáp và trọng pháo yểm trợ, đã tràn ngập Cổ Thành Ðinh Công Tráng ở Quảng Trị và vùng lân cận ở phía Bắc thành phố Huế. Ðồng thời, quân Cộng Sản cũng tấn công các tiền đồn chính phủ tại KonTum và Bình Ðịnh trong khi họ cũng bao vây ráo riết thị trấn An Lộc ở Bình Long, cách Sài Gòn 80 dặm về phía Tây Bắc. Sau khi thành phố Quảng Trị bị thất thủ dưới tay quân Cộng Sản, hằng chục nghìn thường dân rời bỏ nhà cửa và quê cũ cùng với hằng nghìn quân chính phủ bị thất tán chạy vào Huế và Ðà Nẵng. Súng cối và đại pháo của Cộng quân đã sát hại và làm bị thương phần lớn nhóm người chạy loạn này, dọc theo Quốc Lộ 1, khủng khiếp tới nỗi nơi đây, về sau, đã được gọi là “Ðại Lộ Kinh Hoàng.”

Tại An Lộc, Sư Ðoàn 5 anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng Ðịa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Bình Long đã anh dũng đứng vững trước các cuộc bắn phá bằng trọng pháo ác liệt của Công quân, có lúc lên tơi 10.000 quả đạn một ngày. Các lực lượng bạn đến tăng viện, đặc biệt là Biệt Cách Nhảy Dù, sau đó, đã giải tỏa được quận lỵ này. (10)

Nhưng các cuộc giao tranh dữ dội và đẫm máu nhất đã diễn ra chung quanh và bên trong Cổ Thành Ðinh Công Tráng ở Quảng Trị, là nơi các lực lượng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam ra sức chiếm lại thành phố này từ tay quân Cộng Sản. Sau hơn 4 tháng trời tấn công và phản công, thỉnh thoảng với những cuộc chiến đấu tranh giành từng tấc đất, 2 cánh quân của 2 Tiểu Ðoàn 3 (Sói Biển) và 6 (Thần Ưng) với hỏa lực vũ bão của Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến VN đã tái chiếm và dựng lá cờ chiến thắng của Việt Nam Cộng Hòa lên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 15 Tháng Chín năm 1972, một chiến tích anh hùng làm người ta nhớ lại việc dựng cờ sao và sọc của Hoa Kỳ trên đảo Iwo Jima của Nhật hồi Thế Chiến Thứ Hai.

Các lực lượng Cộng Sản đã bị đánh bại hoàn toàn trong cuộc Tấn Công Mùa Hè 1972. Ðây có thể được coi là trận chiến đẫm máu sau cùng trên bộ trước khi cuộc ngưng bắn tại cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam có hiệu lực vào đầu năm 1973. Cuộc không tập cuối cùng của Hoa Kỳ đã được các oanh tạc chiến đấu cơ và pháo đài bay B-52 thực hiện tại Miền Bắc Việt Nam vào mùa Lễ Giáng Sinh năm 1972, gây nên thiệt hại lớn lao nhất cho Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị chính khác tại Miền Bắc Việt Nam. Cùng với việc gài mìn hải cảng Hải Phòng và các thủy lộ chính khác tại Miền Bắc Việt Nam, các cuộc oanh tạc sau cùng này của Hoa Kỳ đã buộc Bắc Việt phải bỏ chiến thuật diên trì để kéo dài thời gian đặng thủ lợi mà chấp nhận ký bản Hiệp Ðịnh Ba Lê vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1973. (11)


III. Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa

Chỉ ba ngày sau khi đọc bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông, Tổng Thống Richard Nixon công bố việc chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam, cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Như thế, Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 có hiệu lực vào ngày 27 Tháng Giêng năm 1973 với một cuộc ngưng bắn ở cả hai bên chiến tuyến, việc rút lui các lực lượng Mỹ ra khỏi Miền Nam Việt Nam, và sau đó là việc phóng thích 591 tù binh chiến tranh Hoa Kỳ khỏi các nhà tù tại Miền Bắc Việt Nam.

1. Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973:
Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973, được ký kết giữa Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt Nam), Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Giải phóng Miền Nam), có lẽ là thỏa hiệp hòa bình bị tranh cãi nhiều nhất của mọi thời. Ðược soạn thảo và thương lượng bởi các thương thuyết gia chính của Bắc Việt là Lê Ðức Thọ, một thành viên Bộ Chính Trị Trung ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và Tiến Sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ, hiệp định này gồm có nhiều câu, điều khoản và chương khá mơ hồ.

Ðiểm tai hại nhất cho nền an ninh của Miền Nam Việt Nam là những điều khoản chi phối việc rút toàn bộ các lực lượng ngoại quốc ra khỏi Miền Nam Việt Nam, có nghĩa là quân đội Miền Bắc xâm nhập vào Miền Nam được miễn trừ. Ðể đổi lấy sự thất lợi có tính quyết tử như thế đối với dân chúng Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Nixon hứa sẽ bẻ gãy bất cứ cuộc tấn công nào sau này vào Miền Nam Việt Nam bằng việc Hoa Kỳ sẽ cung cấp sức yểm trợ đầy đủ của Không Lực Hoa Kỳ cho quân đội Miền Nam Việt Nam, kể cả những cuộc không tập và oanh tạc của B-52 trên cả Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, nếu cần thiết. Mặc dù sau đó thỏa hiệp này đã được chấp thuận và bảo đảm qua một Hội Nghị Quốc Tế vào Tháng Ba măm 1973 (với sự tham dự của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và 12 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh và Indonesia), Hiệp Ðịnh Ba Lê tỏ ra hết sức khó hoặc không thể nào được cả hai bên Bắc và Nam Việt Nam tôn trọng.

Nghĩ rằng những điều khoản mơ hồ trong bản văn hiệp định chỉ là cạm bẫy của phe Cộng Sản, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, lúc đầu, đã từ chối không chịu ký vào bản thỏa hiệp, vì sợ rằng Miền Bắc Việt Nam sẽ lại xâm lược Miền Nam Việt Nam sau khi quân đội Hoa Kỳ đã rút lui khỏi Miền Nam Việt Nam. Tuy vậy, Tổng Thống Nixon và Tiến Sĩ Kssinger, vì quá nôn nóng muốn có cuộc rút lui trong danh dự của quân đội Hoa Kỳ cũng như việc phóng thích tất cả tù binh chiến tranh Mỹ, đã gây áp lực tối đa lên chính quyền của Tổng Thống Thiệu bằng cách đe dọa sẽ cúp tất cả viện trợ quân sự và kinh tế nếu Miền Nam Việt Nam từ chối ký vào bản Thỏa Hiệp. Tổng Thống Thiệu phải nhượng bộ và ký bản Hiệp Ðịnh có tính cách sinh tử này, mở đường cho Miền Bắc Việt Nam xâm lăng Miền Nam Việt Nam hai năm sau đó.
Mỉa mai thay, cả Henry Kissinger lẫn Lê Ðức Thọ, hai nhà thương thuyết chính và đồng tác giả Hiệp Ðịnh Ba Lê, sau đó, đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình 1973 vì “sự đóng góp của họ vào chính nghĩa hòa bình thế giới.”

2. Những khó khăn của Miền Nam Việt Nam sau Hiệp Ðịnh Ba Lê:
Trên thực tế, với việc Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 có hiệu lực, Hoa Kỳ đã rút lui “trong danh dự” khỏi cuộc chiến tranh tại Việt Nam được coi là chưa kết thúc hẳn nhưng chỉ ngưng lại mà thôi. Về mặt quân sự, khó khăn đầu tiên và chính yếu mà chính phủ Miền Nam Việt Nam phải đối phó là làm cách nào để chống lại chiến dịch “lấn đất, giành dân” của phe Cộng Sản. Lỗ hổng do việc quân đội Mỹ và Ðồng Minh rút đi để lại cũng tạo nên các thách thức mới. Nền kinh tế đất nước nằm trong tình trạng nguy ngập, với sự thiếu nhụt ngân sách gia tăng, vật giá leo thang và thất nghiệp lan rộng. Chi phí quốc phòng, như từ trước tới nay, vẫn là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Nhưng không có cách nào mà chính quyền Miền Nam Việt Nam có thể giảm thiểu ngân sách này trước mối đe dọa thường trực gây ra vì sự hiện diện của quân đội Bắc Việt và cuộc chiến tranh tiếp diễn tại đây. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rõ ràng là gìn giữ cho toàn thể lãnh thổ nguyên vẹn, đồng thời giúp chính phủ thiết lập quyền kiểm soát đầy đủ lên dân chúng. Nếu bất cứ khu vực nào bị phía Cộng Sản lấn chiếm, khu vực đó phải được lấy lại bằng mọi giá.Về mặt quân sự, không bao lâu sau khi Hiệp Ðịnh Hòa Bình Ba Lê 1973 được ký kết, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải đối đầu với ít nhất hai mặt trận lớn do phía Cộng Sản, bao gồm Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Quốc Tế, tung ra nhằm thăm dò khả năng chiến đấu một mình của quân đội này sau khi toàn bộ lực lượng chiến đấu trên bộ cùng hỏa lực yểm trợ trên không và dưới biển của Hoa Kỳ không còn nữa: trận đánh giành Ðảo Hoàng Sa trên Biển Nam Hoa với Trung Cộng (hồi Tháng Giêng năm 1974) và trận đánh giành ngọn Ðồi 1062 với Việt Cộng tại Thường Ðức (từ Tháng Năm tới Tháng Chín năm 1974).

Trong trận hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, mà theo lịch sử đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thời Nhà Hậu Lê (thế kỷ thứ 15), vào ngày 19 Tháng Giêng năm 1974, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã giao chiến với Hải Quân Trung Cộng tại Ðảo Hoàng Sa trên biển Ðông trong một trận chiến không cân xứng - giữa lúc Hạm Ðội Thứ 7 của Mỹ làm khách bàng quang, chỉ đứng ngoài quan sát mà không trợ chiến để giúp đồng minh Miền Nam Việt Nam- với kết quả là Hải Quân Trung Cộng đẩy lùi được hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi khu vực Hoàng Sa rồi sau đó sát nhập quần đảo này vào quận Hải Nam của họ.

Trong trận đánh giành ngọn Ðồi 1062 chiến lược tại quận Thường Ðức ở Vùng I Chiến Thuật, một trận chiến kéo dài từ Tháng Tám đến Tháng Mười Một năm 1974, Sư Ðoàn Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng đẩy lùi ít nhất là ba sư đoàn Cộng quân, trong đó có Sư Ðoàn 304 Ðiện Biên thiện chiến, đang chiếm đóng cao điểm này, bẻ gãy kế hoạch của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt khống chế vùng duyên hải Quảng Nam-Ðà Nẵng nơi đặt bản doanh Quân Ðoàn 1, Vùng 1 Chiến Thuật. Ðây có thể được coi như là trận chiến trên bộ đầu tiên mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu với hỏa lực cơ hữu của bộ binh, pháo binh và phi cơ chiến thuật của mình, không có sức yểm trợ phi pháo và hải pháo mạnh mẽ của Hoa Kỳ như trước khi Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 được ký kết.Về mặt chính trị, rõ ràng là chừng nào mà Hoa Kỳ biểu lộ rõ ràng sự ủng hộ của mình và cung cấp cho chính phủ Miền Nam Việt Nam đầy đủ viện trợ quân sự và kinh tế, chính phủ đó vẫn có thể nhận được sự đồng thuận của quần chúng và thắng cuộc đọ sức với phe Cộng Sản. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đang khởi sự gặp phải những khó khăn xã hội và kinh tế không thể tiên liệu được sau Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973.

3. Miền Nam Việt Nam mất tinh thần vì cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi?
 Sự thể Hoa Kỳ gần như đơn phương quyết định thỏa hiệp với Cộng Sản Bắc Việt qua Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 để có thể rút lui khỏi cuộc Chiến Tranh Việt Nam trong danh dự và giành được việc phóng thích các tù binh Mỹ bị giam giữ trong chiến tranh đồng thời bỏ mặc người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa một mình đương đầu với kẻ thù vừa hiếu chiến vừa kiên trì đã khiến cho tinh thần chiến đấu của quân và dân Miền Nam Việt Nam suy sụp trầm trọng. Tuy vẫn phải ngày ngày đối diện với cuộc chiến đấu một mất, một còn với Cộng quân nơi tiền tuyến, hoặc ngay cả ở hậu phương, sau cuộc ngưng bắn chỉ có tính cách tượng trưng từ Tháng Giêng năm 1973, quân và dân Miền Nam Việt Nam bắt đầu có mối linh cảm rằng, với cái đà này, trước sau gì thì Việt Nam Cộng Hòa cũng mất vào tay Cộng Sản.
Sự thật phũ phàng là Hoa Kỳ, sau cùng, đã đánh đổi nền an ninh và lý tưởng tự do, dân chủ mà họ đã một thời nồng nhiệt cổ võ tại Miền Nam Việt Nam để tìm đạt những quyền lợi chính trị, an ninh và kinh tế mới mẻ với các đối thủ của họ thời đó là Liên Xô và Trung Cộng.


* Tệ nạn tham nhũng xuất hiện tại Miền Nam Việt Nam:

Việc rút lui toàn bộ quân đội Mỹ, việc cắt giảm các loại viện trợ của Mỹ và việc giá dầu gia tăng trên thế giới tạo nên tình trạng lạm phát nặng nề tại Miền Nam Việt Nam, và tình thế này ngày càng trở nên tệ hại mỗi năm. Vì vậy, hầu như không thể nào mà đại đa số các công chức, binh lính và cảnh sát sống được với đồng lương cố định của mình. Nạn tham nhũng, được các lãnh tụ cao cấp cùng với các tướng lãnh trong chính quyền coi như là một nguyên tắc sau cuộc tổng tuyển cử hồi năm 1971, nuốt chửng những sợi dây nối kết xã hội y hệt như là một căn bệnh ung thư cứ tăng trưởng mãi.

Nhìn chung, đa số các trưởng cơ quan, dân sự hay quân sự, nào mà có quyền đối với dân chúng đều phải trả giá cho chức vụ sinh lợi của họ, và có khi còn cho phép họ lấy lại nhiều hơn những gì họ phải trả. Giới này không ngần ngại nhận hối lộ của dân chúng dưới quyền và ngay cả những kẻ thuộc cấp nữa. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù nhiều dù ít, thường phải hứng chịu tình trạng gọi là “lính ma, lính kiểng,” đó là những kẻ, trên thực tế, gồm những binh lính không hiện diện hoặc những tân binh chỉ có danh mà không có thực do các vị tư lệnh quân sự tạo ra để bỏ túi lương hướng do quân đội trả cho những người lính đó. Nhiều trưởng đơn vị quân đội cũng còn lấy tiền của người giàu và rồi dành cho con cái hoặc thân nhân của những kẻ này vị trí an toàn ở hậu phương.

Một hệ quả tiêu cực khác của nạn tham nhũng là nó tạo nên những bất mãn trong các thành phần còn lại của quân đội và dân chúng, đồng thời làm xói mòn tinh thần chống Cộng của quân và dân Miền Nam Việt Nam vốn đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến triền miên, trong khi đó thì phe Cộng Sản lại không ngớt tung ra những lời hứa hẹn đường mật có tính cách dụ gạt về một nền hòa bình tươi đẹp một khi Miền Nam Việt Nam thôi chiến đấu.

Dĩ nhiên là cũng có nhiều viên chức chính phủ và sĩ quan trong sạch, đáng kể nhất là một số tướng lãnh cao cấp mà dân chúng đã lấy tên của họ làm thành một câu thơ: nhất (Nguyễn Ðức) Thắng, nhì (Phan Trọng) Chinh, tam (Nguyễn Viết) Thanh, tứ (Ngô Quang) Trưởng. Về sau, lúc Sài Gòn sụp đổ, người ta mới biết thêm là còn có sáu, bảy tướng lãnh và sĩ quan khác - của cả quân đội lẫn cảnh sát - chẳng những đã thanh liêm mà lại còn khí tiết nữa, vì tất cả các vị này đều tuẫn tiết hoặc chiến đấu tới chết ngay trước và sau khi “Tổng Thống” Dương văn Minh ra lệnh cho chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải đầu hàng không điều kiện quân Bắc Việt Cộng Sản: Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, và Nguyễn Văn Long. (12) Nhưng những người này, những tấm gương sáng ngời trong một lực lượng quân đội và cảnh sát đông tới hơn 1 triệu chiến sĩ dưới cờ, đã không đủ khả năng chận đứng hết các thói xấu trong guồng máy hành chánh và quân sự tại Miền Nam Việt Nam.


* Các phần tử chống đối Tổng Thống Thiệu ra mặt:

Ðồng thời, các đối thủ chính trị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau vụ cắt giảm viện trợ quân sự và tài chánh của Hoa Kỳ dành cho Nam Việt Nam, nhận thức rằng người Mỹ muốn vất bỏ chế độ Thiệu đặng đạt tới một thỏa hiệp với phía Cộng Sản, bất kể thỏa hiệp này có phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay không. Vì thế, phe Phật Giáo tiếp tục sự chống đối Tổng Thống Thiệu một cách có hệ thống của họ, với hy vọng sẽ trở thành “thành phần thứ ba” trong Ủy Ban Hòa Hợp và Hòa Giải Dân Tộc mà theo dự trù sẽ được thiết lập sau Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973.

Không thể tranh hùng với phe Phật Giáo trong ngôi vị “thành phần thứ ba” được, những người Công Giáo dưới quyền Linh Mục Trần Hữu Thanh đã cố giành lấy một vị thế mạnh trong vai trò cánh hữu đối lập trong bất cứ chính phủ sau cùng nào tại Miền Nam Việt Nam. Ðó lỳ ló do thật sự đằng sau những cuộc biểu tình dữ dội được phe Thiên Chúa Giáo tổ chức vào cuối năm 1974, sử dụng chủ đề chống tệ trạng tham nhũng trong guồng máy chính quyền của Miền Nam Việt Nam.Vì thế, tới cuối năm 1974, Tổng Thống Thiệu đã bị chống đối bằng nhiều lực lượng chính trị mà trong số đó cái gọi là “Thành Phần Thứ Ba” là phe ồn ào nhất và gây phiền nhiễu nhất. Dân chúng, đang phải hứng chịu nạn lạm phát và thiếu hụt vì sự cắt giảm viện trợ tài chánh của Mỹ giữa lúc đang có khủng hoảng dầu hỏa thế giới, tỏ ra bất mãn trước những tệ đoan như thế tại Miền Nam Việt Nam. (13) Trong quân đội, tinh thần chiến đấu thấp vì nhiều lý do: Binh lính không thể sống nhờ đồng lương của ho, rồi họ tức giận vì các sĩ quan của họ bóc lột đất nước một cách tệ hại, trong khi đó thì các sĩ quan cao cấp, lo lắng vì sự cắt giảm viện trợ tài chánh của Mỹ, đâm ra thiếu tin tưởng vào khả năng đất nước chiến đấu và sống còn trong một cực chiến tranh kéo dài. Trong tình thế đó, dân chúng Miền Nam Việt Nam lại phải chịu đựng cuộc tấn công sắp tới của quân Cộng Sản Bắc Việt có tinh thần cao và được sức hậu thuẫn mạnh mẽ như tự bao giờ của Liên Bang Xô Viết và Trung Cộng.

3. Những vi phạm Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 của Cộng Sản:
Việc thi hành và giám sát Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973, ngay từ lúc đầu, đã gặp phải nhiều khó khăn vì sự mơ hồ trong một số từ ngữ và điều khoản của Hiệp Ðịnh và sự thiếu thiện chí của những phe phái dính líu vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Việc phóng thích 591 tù bnh chiến tranh Mỹ khỏi Bắc Việt vào Tháng Ba năm 1973 diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù, một thập niên sau đó, một số người tại Mỹ tiếp tục nghĩ rằng vẫn còn có những binh lính Mỹ mất tích trong chiến đấu bị giam giữ đâu đó tại các nhà tù bí mật ở Ðông Dương. 

Có nhiều lộn xộn trong tiến trình phóng thích các tù binh Việt Nam khỏi các nhà tù Cộng Sản. Một số nhân viên quân sự Nam Việt Nam chỉ được thả sau sáu, bảy năm Sài Gòn sụp đổ. Ngoài ra, việc trả lại hài cốt các binh sĩ Mỹ bị giết trong chiến đấu cũng như việc tìm kiếm những kẻ mất tích trong chiến đấu, cho tới nay, hãy còn chưa được hoàn tất như mong đợi.Những vi phạm trầm trọng nhất các điều khoản trong Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973 là những hành động phá hoại, những vụ pháo kích và tấn công của Cộng Sản vào các vị trí của quân đội Miền Nam Việt Nam mà thỉnh thoảng dẫn tới việc các lực lượng Cộng Sản này chiếm đóng các vị trí đó. Tại khắp các vùng quê, có hơn 400 ấp đã bị Cộng quân chiếm đóng. Các cuộc hội họp tuyên truyền được tổ chức tại các tỉnh Bình Ðịnh và Quảng Ngãi. Nhiều vật cản đường và mô, ụ đã được dựng lên để ngăn chặn xe cộ trên các giao lộ chính tại Miền Nam Việt Nam. Bất cứ nơi đâu quân Cộng Sản kéo tới, họ cũng cắm cờ của họ và yêu cầu Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát (I.C.C.S.) - được thiết lập chiếu theo quy định của Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 - ghi nhận quy mô của việc họ kiểm soát đất đai. Những hoạt động này diễn ra trên khắp Miền Nam Việt Nam và với cường độ cao tiếp theo chiến dịch “lấn đất, giành dân” do Cộng Sản tung ra ngay sau khi có cuộc ngưng bắn vào đầu năm 1973.Trong suốt năm 1973, con số trung bình hằng tháng các hoạt động của Cộng sản đã đạt tới mức cao nhất trong mọi thời, với 2,980 vụ so với 2,072 vụ vào năm 1972, năm có cuộc tấn công Mùa Hè của Cộng quân. Ngoài các hoạt động có tầm mức nhỏ, phe Cộng Sản đã mở bốn cuộc tấn công cấp sư đoàn được coi như bốn vụ vi phạm trầm trọng nhất thỏa hiệp ngưng bắn. Ba trong số những cuộc tấn công này có mục đích giành lấy những vị trí chiến lược quan trọng nhằm dùng làm điểm tiếp nhận chiến cụ và tiếp liệu: Sa Huỳnh (ngày 28 Tháng Giêng, 1973), Cửa Việt (ngày 30 Tháng Giêng, 1973) và Hồng Ngự (Tháng Ba năm 1973). Vụ tấn công căn cứ biên phòng Tống Lê Chân tại Vùng 3 Chiến Thuật được coi là vụ đầu tiên và nghiêm trọng nhất trong cuộc ngưng bắn kể từ khi nó có hiệu lực vào ngày 27 Tháng Giêng năm 1973.

Trong suốt 16 tuần lễ liên tiếp, quân Cộng Sản đã nã trọng pháo 300 lần vào căn cứ, sử dụng hơn 10,000 quả đạn pháo đủ loại, đồng thời mở 11 cuộc tấn công bộ chiến và 9 cuộc tấn công bằng đặc công phá hoại. Tiểu Ðoàn 9 Biệt Ðộng Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải rút bỏ căn cứ Tống Lê Chân vào giữa Tháng Tư năm 1974.Về các cuộc pháo kích của Cộng quân vào những khu vực dân cư đông đúc trong phạm vi những cuộc tấn công khủng bố dân lành, chỉ cần nêu ra trường hợp tiêu biểu xảy ra tại quận Cai Lậy ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long, cách Sài Gòn chừng 60 dặm về phía Ðông Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 12 Tháng Bảy năm 1973 đến 9 Tháng Ba năm 1974, quận lỵ Cai Lậy và những làng chung quanh đó đã bị quân Cộng sản pháo kích 11 lần, gây ra các tổn hại vật chất đáng kể và hằng trăn thương vong cho thường dân, kể cả các trẻ em tại một trường tiểu học trong quận.

Chính quyền Miền Nam Việt Nam đã đưa ra lời phản đối các cuộc tấn công này của Cộng quân tới I.C.S., nhưng, như mọi người từng trông đợi, Ủy Hội này đã không thể làm gì để ngăn ngừa các cuộc vi phạm thêm nữa của phe Cộng sản. Chính quyền Nixon bên Mỹ, vào lúc đó, thì lại quá bận rộn chống đỡ các cuộc tấn công của Quốc Hội và công luận Hoa Kỳ về vụ tai tiếng Watergate nên không thể đưa ra lời cảnh cáo nghiêm trọng và phản ứng cụ thể nào cho phía Cộng Sản. Kế đó, việc từ chức của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, hồi cuối năm 1974, vì hậu quả của vụ tai tiếng Watergate, đã thật sự khuyến khích Hà Nội trong các cuộc phiêu lưu quân sự mới tại Miền Nam Việt Nam. (14)

Sau khi có vụ tràn ngập căn cứ Tống Lê Chân, vào giữa Tháng Mười Hai năm 1974, phe Cộng Sản đã táo tợn bước thêm một bước nữa bằng một cuộc tấn công lớn vào thị xã Phước Long, cách Sài Gòn 75 dặm về hướng Tây Bắc. Bởi vì Tổng Thống Gerald Ford, ngươi kế nhiệm Tổng Thống Nixon, không cho thấy dấu hiệu nào là Hoa Kỳ sẽ có hoạt động nhằm trừng phạt Bắc Việt như đã hứa, quân Cộng Sản, sau cùng, đã tràn ngập mục tiêu và chiếm lấy Phước Long vào ngày 6 Tháng Giêng năm 1975 giũa nỗi oán hờn và tuyệt vọng của dân chúng và chính quyền Miền Nam Việt Nam. Một cuộc tấn công đại quy mô của Hà Nội vào Miền Nam Việt Nam hiển nhiên là điều không thể tránh được trong những tháng tới.

IV. Chiến Tranh Việt Nam trên đường kết thúc


1. Trận Ban Mê Thuột và cuộc thất trận của Quân Ðoàn 2 ở Cao Nguyên:

Cuộc tổng tấn công sau cùng của Cộng Sản Việt Nam khởi sự vào đầu Tháng Ba 1975 với cuộc tấn công và tràn ngập quận lỵ Thuận Mẫn, nửa đường từ Ban Mê Thuột đi Pleiku. Trận chiến Ban Mê Thuột, tỉnh lỵ của Darlac tại Vùng 2 Chiến Thuật, khởi sự vào ngày 10 Tháng Ba năm 1975 khi 4 Sư đoàn quân Bắc Việt -Sư đoàn 320, Sư đoàn F.10, Sư Ðoàn 968 và Sư Ðoàn 316 - được pháo binh và chiến xa yểm trợ, mở ba mũi dùi tấn công vào thành phố cao nguyên này. Vào lúc đó, Ban Mê Thuột được lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Darlac bảo vệ có sự hỗ trợ của binh lính Trung Ðoàn 53 thuộc Sư Ðoàn 23 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Viện quân từ tổng hành dinh Quân Ðoàn 2 ở Pleiku đến bao gồm hai Trung Ðoàn còn lại của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Họ đang trên đường đến nơi thì Cộng quân tràn ngập thành phố Ban Mê Thuột và phi trường quân sự Phụng Dực vào ngày 18 Tháng Ba năm 1975. Mấy ngày sau, quận lỵ Phước An gần đó cũng rơi vào tay Cộng quân.

Chiến thắng của bộ đội Cộng Sản đến bất ngờ và lớn lao tới nỗi toàn thể Miền Nam Việt Nam dường như đang lên cơn sốt. Ðiều này chỉ có thể có nghĩa là tai họa vào lúc đang có những tin đồn rằng chính quyền Ford tại Mỹ, dưới áp lực của Quốc Hội Hoa Kỳ, đã có ý định bỏ rơi Miền Nam Việt Nam vĩnh viễn bởi vì Hoa Kỳ không còn có thể tiếp tục chịu đựng chi phí cho cuộc chiến tranh bất tận tại Miền Nam Việt Nam nữa.

Nhiều tháng trước đó, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đánh hơi thấy điềm dữ này khi Quốc Hội Hoa Kỳ, do đảng Dân Chủ chế ngự, đang thi hành những bước kế tiếp nhau trong nỗ lực cắt giảm và rồi cắt hết mọi viện trợ kinh tế và quân sự vẫn dành cho Miền Nam Việt Nam. Không có viện trợ tài chánh và kinh tế từ Hoa Kỳ, nước Cộng Hòa Việt Nam dưới quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ có thể tồn tại được trong một thời gian ngắn nữa thôi, từ sáu tới mười hai tháng, dựa vào tài nguyên và khả năng quân sự còn lại của chính mình.

Một số chiến lược gia tin rằng, để thực hiện chiến lược nhằm tồn tại của mình, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải rút lui các đơn vị quân đội khỏi Cao Nguyên Trung Phần và những miền núi non của Vùng 1 Chiến Thuật đặng bào vệ các thành phố duyên hải thuộc Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật cùng với các phần lãnh thổ của Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật. Các phần đất còn lại của Miền Nam Việt Nam, dù sau đó kích thước có nhỏ hơn đi, có thể sẽ dễ phòng thủ hơn. Và khi Hoa Kỳ cắt hết mọi viện trợ tài chánh, phần lãnh thổ mới còn lại của Miền Nam Việt Nam, với vùng châu thổ Sông Cửu Long mầu mỡ, lại có thể sống sót khỏi các cuộc xâm lược của Miền Bắc Việt Nam trong nhiều năm tới trước khi Sài Gòn có thể tìm được những nguồn tài trợ và tài nguyên thay thế.

Dường như bị ám ảnh vì một ít hy vọng về những thay đổi chính sách sau cùng từ Washington, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn do dự trong việc thực thi chiến lược tái phối trí quân đội như đã dự trù. Ngoài vị tổng Tham Mưu Trưởng, Ðại Tướng Cao Văn Viên, còn nhiều Tướng lãnh cao cấp khác, kể cả các Tư Lệnh của 4 Vùng Chiến Thuật, không ai rõ biết chính xác chiến lược bí mật này. Trên thực tế, đã không có sự chuẩn bị nào cho một chiến lược như thế mà sau này, xét về mặt quân sự, là chuyện không thể nào thực hiện được. (15)

Chiếu theo chiến lược này, Ban Mê Thuột và Darlac nằm trong số những vùng mà Tổng Thống Thiệu muốn gìn giữ vào lúc đó. Thay vào đó, ông định bỏ rơi các tỉnh Phú Bổn, Pleiku và Kontum nằm xa hơn về phía Bắc của Cao Nguyên Trung Phần. Tuy vậy, khi Tướng Nguyễn Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật, yêu cầu có được viện binh để chiếm lại Ban Mê Thuột, Tướng Viên và Bộ Tổng Tham Mưu không có quân để gởi cho vị Tướng này bởi vì, trên thực tế, hiện không có quân trừ bị còn lại kể từ khi các Sư Ðoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến được triển khai ra Vùng 1 Chiến Thuật từ năm 1972.

Rồi, trước sự ngạc nhiên và bối rối cùng cực của vị tướng tư lệnh vùng Cao Nguyên, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho ông phải rút các lực lượng chính quy của Quân Ðoàn 2 về Nha Trang, một thành phố duyên hải thuộc Vùng 2 Chiến Thuật nằm ở phía Ðông Bắc của Pleiku, bỏ lại Pleiku, Kon Tum, Phú Bổn và nhiều vùng khác tại Cao Nguyên Trung Phần, trong đó có các lực lượng Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, vào tay của Cộng quân. Không thể làm gì hơn, các Tướng Phú và Viên đã chọn Quốc Lộ 7B, một liên tỉnh lộ đã bị bỏ phế từ lâu chạy về hướng Ðông Nam từ Pleiku cho tới Tuy Hòa ngang qua Cheo Reo của tỉnh Phú Bổn, để rút lui khỏi Cao Nguyên. Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Tư Lệnh Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân Vùng 2 Chiến Thuật, được đặt để phụ trách cuộc rút lui chiến thuật này.

Vào ngày 16 Tháng Ba, đoàn công-voa đầu tiên rời Pleiku theo như dự định. Nhưng ngay sau khi chiếc xe cuối trong đoàn khởi hành thì tin về lệnh di chuyển lan tới thành phố. Chẳng bao lâu sau đó, dân chúng khởi sự bỏ chạy khỏi thành phố bằng bất cứ phương tiện nào có được, ngay cả bằng chân, mang theo bất cứ hành trang nào có thể đem đi được. Sau đó, đoàn người này được tiếp nối bằng dân tị nạn từ Kontum kéo tới, và cùng với binh lính, họ tụ tập thành một khối người dài và xe cộ chạy dọc theo Ðường 7 B. Vì vậy, việc rút lui của quân chính quy thuộc Quân Ðoàn 2 đến Tuy Hòa và Nha Trang trở thành một cuộc di tản tai hại của hằng trăm nghìn binh lính và thường dân dọc theo con đường lộ hư hỏng trong khi quân bắn sẻ Cộng Sản, đạn súng cối và đạn trọng pháo theo đuổi sát nách họ. Thường dân, đại đa số là vợ con lính hoặc thân nhân của các viên chức và công chức, rõ ràng là quá sợ hãi việc Cộng Sản chiếm vùng Cao Nguyên, đổ xuống và nhập vào dòng người tị nạn vô tận cùng với binh lính dọc theo Ðường 7 B và làm nghẽn kẹt con đường huyết mạch này.
Cuộc rút lui chiến thuật chẳng bao lâu trở thanh một cuộc chạy trốn hỗn độn và đẫm máu. Lợi dụng tình hình rối loạn, các lực lượng Cộng Sản mở cuộc tấn công nhắm vào đoàn lính tháo lui và dân tị nạn rồi tiêu diệt họ. So sánh với những gì người ta từng biết về “Ðại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị cách đó 13 năm, 12 ngày chết chóc, tan tác trên Quốc Lộ 7 B còn ghê rợn gấp nhiều lần hơn, với hằng nghìn thường dân và binh lính bị giết hoặc bị thương rải rác dọc theo con lộ từ Pleiku chạy xuống Tuy Hòa về phía Nha Trang.

Trên khía cạnh quân sự, cuộc rút lui chiến thuật của các lực lượng Nam Việt Nam từ Cao Nguyên về Nha Trang là một thảm bại hoàn toàn. Việc tái phối trí quân đội nhằm bảo vệ những phần đất trọng yếu của lãnh thổ Miền Nam Việt Nam có thể là một chiến lược đúng đắn. Nhưng quyết định này của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã được đưa ra không phải lúc, và, hơn nữa, đã được thi hành một cách tồi tệ. Thật vậy, những cuộc tái phối trí lực lượng như kiểu này không thể được thực hiện trong thời gian có khủng hoảng dưới áp lực địch. Hoạt động này phải được thi hành trong khuôn khổ một kế hoạch cẩn thận nhằm di tản đầy đủ và hoàn toàn đám dân chúng trung thành, nhất là gia đình của các công chức và binh sĩ. (16) Vị tham mưu trưởng Quân Ðoàn 2, Ðại Tá Lê Khắc Lý, ước tính rằng có khoảng 5,000 trong số 20,000 quân tiếp vận và yểm trợ, sau cùng, đã được đón về căn cứ.

Từ con số 5 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, chỉ còn có 900 binh sĩ trình diện Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 tại Nha Trang. Cuộc rút lui đã dẫn tới kết quả là một cuộc tháo chạy có tầm cỡ chiến lược của ít nhất là 75 phần trăm sức mạnh của Quân Ðoàn 2, trong đó có Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cũng như các lực lượng Biệt Ðộng Quân, trong vòng 10 ngày đầu của cuộc di tản.Về mặt tâm lý chính trị, cuộc tự làm cho bại trận của Quân Ðoàn 2 tại Cao Nguyên Trung Phần tương đương với một cơn ác mộng hãi hùng cho dân chúng và quân đội Miền Nam Việt Nam. Hỗn loạn, buồn khổ, lo lắng, buộc tội lẫn nhau, mặc cảm tội lỗi và cảm giác thất vọng chung cùng với lòng tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm tư mọi người. Những tin đồn lan truyền nhanh chóng rằng đang có các nhân nhượng về lãnh thổ cho Cộng quân. Ảnh hưởng tức thời của những lời đồn đoán này là sự gia tăng không kiểm soát nổi số người tị nạn, dùng nội phương tiện và bằng mọi giá, ai ai củng cố sức rời bỏ bất cử tỉnh lỵ nào còn năm trong Vùng 2 Chiến Thuật để chạy về Sài Gòn và các tỉnh khác ở phía Nam. (17)

2. Vùng 1 Chiến Thuật tan rã:
Những tin xấu từ chiến trường Vùng 2 Chiến Thuật làm chấn động mạnh Miền Nam Việt Nam và làm suy sụp tinh thần chiến đấu của binh lính Vùng 1 Chiến Thuật - đang giao tranh ác liệt với các lực lượng Cộng quân kể từ Tháng Ba năm 1975 - đến gần như cùng lúc với việc Cộng quân tung ra các cuộc tấn công tại vùng Cao Nguyên. Ngay sau khi Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, vị anh hùng Số Một trong cuộc Tổng Công Kích Mùa Hè 1972 của Cộng quân, ra lệnh cho binh lính của ông bảo vệ cố đô Huế bằng mọi giá, Tổng Thống Thiệu lại ra một phản lệnh phải bỏ Huế để kéo quân nhanh về bảo vệ Ðà Nẵng. Thành phố duyên hải, nơi có tổng hành dinh của Quân Ðoàn 1, vào lúc này cũng đang nằm dưới áp lực của Cộng quân.

Ðoàn người rút lui một cách không trật tự khỏi Huế, với binh lính và thường dân chen lấn xông vào các bến tàu và không cảng để tìm phương tiện xuôi Nam về Ðà Nẵng, chẳng bao lâu, đã tạo nên những mục tiêu tốt nhất cho những tay bắn tỉa không xót thương của Cộng Sản cũng như cho các pháo thủ súng nặng của Việt Cộng. Những thường dân và binh lính đáng thương này đã đạp bừa lên những xác chết để chạy trốn, máu me và thịt người vung vãi khắp nơi chung quanh bãi biển Thuận An ở phía Nam Huế. Nhiều đơn vị của đoàn Thủy Quân Lục Chiến tinh nhuệ và Sư Ðoàn 1 Bộ Binh dũng mãnh bị thiệt hại rất nặng chỉ vì họ phải rút lui vội vã theo lệnh các vị chỉ huy chiến trường.

Tại Ðà Nẵng, Tướng Trưởng chưa hồi phục khỏi cơn kích sốc của vụ thất bại nặng nề thì ông lại được Tổng Thống Thiệu ra lệnh đưa sư đoàn Nhảy Dù, lúc đó đang là một trong những đơn vị giỏi của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trở về Sài Gòn để bảo vệ thủ đô của Miền Nam Việt Nam. Một lần nữa, chiến lược tái phối trí quân đội về những vùng lãnh thổ mới, vì được thực hiện một cách hấp tấp và vụng về theo lệnh bất ngờ các vị chỉ huy quân sự, đã tạo nên những lỗi lầm chiến thuật và chiến lược dẫn tới sự bại trận sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có nhiều đơn vị vũ bão hàng đầu như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân và Biệt Cách Nhảy Dù.
Trong khi các lực lượng Cộng quân siết chặt vòng vây chung quanh Ðà Nẵng, tình hình bên trong thành phố lớn hàng thứ nhì này tại Miền Nam Việt Nam trở nên tuyệt vọng khi hằng trăm nghìn binh lính tan hàng và dân tị nạn vô gia cư từ các tỉnh phía Bắc không ngừng đổ xô vào thành phố và vùng phụ cận. Những vụ bắn giết và cướp bóc do các binh sĩ bất mãn và vô kỷ luật gây ra đã tạo thêm rối loạn cho tình hình an ninh, trật tự đang vuột ra ngoài tầm kiểm soát của quân đội và chính quyền sở tại. Chuyện thất thủ Ðà Nẵng cùng với sự tan rã của Quân Ðoàn 1 trở nên điều không thể tránh được.

Cùng với các lời đồn đoán về những nhân nhượng lãnh thổ lớn cho Cộng quân, bao gồm Vùng 1 Chiến Thuật và Vùng 2 Chiến Thuật, đã có sự tiên đoán về sự sụp đổ sau cùng của Miền Nam Việt Nam do các hãng tin thế giới đưa ra, trong đó có các Ðài BBC, Ðài Quốc Tế Pháp và Ðài Úc Ðại Lợi. Những lời tiên đoán này cũng đề cập tới nhiệm vụ của một Chính Phủ Liên Hiệp bao gồm “Thành Phần Thứ Ba” của Tướng Dương văn Minh và Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tất cả những điều này đều là tin xấu, và hiển nhiên là đã làm sa sút nghiêm trọng tinh thần chiến đấu của binh sĩ Miền Nam Việt Nam.

Chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cực kỳ lo lắng cho tình hình an ninh tại Ðà Nẵng, đã gởi một hạm đội Hải Quân và các tàu thuê bao đến vùng bờ biển Ðà Nẵng để giúp di tản thường dân và gia đình binh sĩ vào Nam. Máy bay cũng được dùng để chuyên chở dân tị nạn tới các thành thị phía Nam. Vì tình thế đòi hỏi, Washington đã ra lệnh cho Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn tổ chức cuộc di tản người tị nạn Việt Nam bằng phi cơ và tàu thủy ra khỏi các khu vực chiến sự tại Vùng 1 Chiến Thuật. Các thương thuyền và phi cơ của các hãng hàng không Hoa Kỳ được thuê mướn để giúp vào cuộc di tản. Nhưng tình hình dường như đang tuột ra khỏi vòng kiểm soát. Thực tế cho thấy, chỉ nội con số người tị nạn ùn ùn chạy đi thôi cũng là đã quá sức rồi, và chính tâm trạng hoảng sợ của họ đã ngăn cản mọi cuộc di tản có trật tự. Từ phi trường Ðà Nẵng, chiếc phi cơ cuối cùng đã cất cánh với một số người đeo bám vào bánh đáp và cầu thang. Khi bánh đáp được rút lên vào lúc máy bay cất cánh, những kẻ tưởng mình may mắn chui lọt được vào khoang bánh đáp đã bị nghiến nát trong tiến trình đó. (18)
Tình hình quân sự tại Ðà Nẵng tiếp tục xấu đi khi hằng chục nghìn binh lính thuộc Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, các Sư Ðoàn 1, 2 và 3 Bộ Binh chạy tới Phi Trường Ðà Nẵng và Căn Cứ Hải Quân Sơn Trà để đòi di tản vào Nam. Mọi lúc, họ đều có thân nhân và quyến thuộc đi theo, tạo nên tình trạng mất trật tự trầm trọng suốt dọc miền duyên hải trong khi các lực lựợng Cộng quân liên tục pháo kích vào đám dân đang chạy loạn bằng cả đạn súng cối lẫn đại pháo. Nhiều binh lính quân đội Miền Nam Việt Nam đã đào ngũ để di tản gia đình mình và, trong vài trường hợp, đã bắn chết thường dân đề giành một chỗ trên thuyền chạy loạn. Khi Ðà Nẵng hầu như bị bỏ hoang, các lực lượng Cộng quân chiếm lấy thành phố này vào ngày 29 Tháng Ba năm 1975 mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể.

Những gì xảy ra trên các con tàu vận tải chuyên chở dân tị nạn vào Nam đã thật sự hết sức đau lòng và ghê rợn. Hầu hết các binh lính bại trận đi trên tàu đều tức giận vì lệnh bỏ Huế và Ðà Nẵng mà không chống cự gì, buộc họ phả bỏ lại gia đình, nhà cửa, thân nhân và ngay cả người yêu của họ. Một số trong bọn họ, điên tiết ví mất bạn bè và gia đình, trút nỗi căm hờn của họ lên các hành khách trên tàu bằng những hành vi bạo động. (19)

Việc Ðà Nẵng thất thủ làm cả thế giới sững sờ kinh ngạc, nhất là các chuyên gia quân sự Tây phương. Ðối với họ, điều này có nghĩa là thất bại quân sự của Miền Nam Việt Nam là điều không thể tránh được, bởi vì Ðà Nẵng - thành phố lớn hàng thứ nhì của Nam Việt Nam - và Quân Ðoàn 1 vốn được coi là các phòng tuyến vững mạnh nhất với các binh lính tinh nhuệ nhất đồn trú.
Các thành phố, tình lỵ tại Vùng 1 và 2 Chiến Thuật cũng cảm nhận hậu quả của việc Ðà Nẵng thất thủ. Dân cư tại những nơi này mau lẹ gia nhập cuộc di tản xuống miền Nam dọc theo vùng duyên hải. Thoạt tiên, họ kéo nhau chạy về Phan Rang và Phan Thiết, rồi tiến về hướng Sài Gòn. Ngay chính tại thủ đô của đất nước, các đảng phái chính trị đối lập cũng gia tăng các hoạt động của họ, và họ đã làm rộng lớn thêm cái hố ngăn cách về tư tưởng đến độ không cứu vãn được giữa chính phủ và dân chúng. Lòng tin tưởng vào chiến thắng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng giảm sút tới mức thấp nhất từ trước tới nay. Những người biểu tình giận dữ đòi hỏi phải thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ðồng thời, họ mạnh mẽ và công khai nói lên tình cảm chống Mỹ, cáo buộc Hoa Kỳ phản bội đồng minh.

Trong khi một giải pháp chính trị cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam vẫn còn xa vời, quân Cộng Sản Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam vẫn tiếp tục cuộc tổng tấn công của họ chống lại những phần đất tơi tả còn lại tại Miền Nam Việt Nam. Lần lượt, các thành phố Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên... dọc theo vùng duyên hải Trung Phần rơi vào tay Cộng quân. Nha Trang và Vịnh Cam Ranh xa hơn về phía Nam, nhờ vào sự tăng viện của một Lữ Ðoàn Nhảy Dù, đã có thể kháng cự một vài cuộc tấn công của Cộng quân trong một thời gian ngắn. Nhưng rồi các thành phố này, sau đó, cũng bị bỏ ngỏ. Vào giữa Tháng Tư năm 1975, Cộng quân đã càn quét ngang qua Phan Rang, bắt làm tù binh 3 sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang và Ðại Tá Nguyễn Thu Lương. Trong cuộc tiến binh cuồng nộ hướng về Miền Nam, quân Bắc Việt lại xua đuổi phía đằng trước mặt họ những đoàn dân tị nạn khốn khổ dài dằng dặc bao gồm vừa thường dân vừa binh lính thuộc Quân Ðội Miền Nam, những người trẻ và người già, tất cả đều kinh hoàng, vùng vẫy như điên dại về phía Sài Gòn. Các vị Tư Lệnh chiến trường của Nam Việt Nam tại Quân Ðoàn 3 cố gắng thu gom các lực lượng của họ để phòng thủ Long Khánh, với thủ phủ tỉnh này nằm cách Sài Gòn 75 dặm về phía Ðông Bắc. Tại đây, có tổng hành dinh của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh lừng danh dưới quyền của Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo.

3. Trận Long Khánh và sự từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu:
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong một cuộc nói chuyện truyền thanh và truyền hình toàn quốc và được toàn cầu theo dõi, kêu gọi bảo vệ Long Khánh bằng mọi giá. Nơi đây, vào giờ phút này, được coi là miền đất cực Bắc của phần lãnh thổ còn lại của Miền Nam Việt Nam. Ðược tăng cường bằng các đoàn quân tinh nhuệ Nhảy Dù và Biệt Ðộng Quân, Tướng Lê Minh Ðảo thề quyết bảo vệ Long Khánh đến giọt máu cuối cùng. Chiến trận tại Long Khánh khởi diễn vào ngày 20 Tháng Tư, 1975, với nhiều cuộc tấn công và phản kích dữ dội. Quân Miền Nam Việt Nam, chiến đấy anh dũng, và với không yểm của Không Quân, họ đã gây cho quân Cộng Sản tấn công những thương vong nặng nề. Tuy vậy, Cộng quân vẫn tiếp tục tấn công nhờ có thêm viện binh từ nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân Bắc Việt trên đường tiến như chẻ tre vào Nam. Sau gần hai tuần lễ tấn công mà không đạt kết quả mau lẹ như ý muốn, Cộng quân bèn tìm cách đi vòng qua ngã khác trên đường tiến về Nam, xuống Biên Hòa và Sài Gòn, bỏ lại đằng sau số quân chính phủ vẫn cứ tiếp tục cố thủ tại Long Khánh. Và các lực lượng Cộng Sản vừa tiến quân vừa chờ đợi trận chiến sau cùng để “giải phóng” Sài Gòn. (20)

Với việc tuyến phòng thủ tại Long Khánh trở nên không cần thiết nữa, Sài Gòn không thể nào tránh thoát nổi cuộc tấn công ồ ạt tối hậu của các lực lượng Cộng quân. Ngoại trừ Vùng 4 Chiến Thuật dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, mà cho tới gờ này vẫn chưa bị chiến cuộc ảnh hưởng đến, các vùng lãnh thổ còn nằm trong vòng kiểm soát của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tính cho tới ngày 25 Tháng Tư, phần lớn quy tụ vào khu vực lấy biên giới là Biên Hòa về phía Ðông Bắc, Long Thành về phía Ðông, Lai Khê về phía Bắc và Hốc Môn về hướng Tây Bắc. Hiện không còn gì nhiều để tranh thủ một giải pháp hòa bình cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam khi Hà Nội và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam sắp sửa giành được chiến thắng lớn lao sau cùng mà họ mong đợi từ mấy mươi năm qua.Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp, nhưng phía Mỹ, từ lâu đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến tại Việt Nam, từ chối không giúp đỡ gì thêm nữa. Trong một diễn văn truyền hình phát đi từ Dinh Ðộc Lập vào ngày 21 Tháng Tư năm 1975, Tổng Thống Thiệu tuyên bố từ chức và theo Hiến Pháp VNCH, Phó Thống Thống Trần Văn Hương lên kế vị. “Hoa Kỳ đã phản bội chúng ta. Họ đã đâm sau lưng chúng ta,” vị Tổng Thống đang từ chức nói trong nước mắt. Ông hy vọng rằng việc từ chức của ông sẽ dọn đường cho một chính phủ khá hơn có khả năng mở những cuộc đàm phán nghiêm chỉnh với phe Cộng Sản nhằm chấm dứt cuộc chiến. Hai ngày sau bài diễn văn sau cùng của ông, vị cựu Tổng Thống cùng gia quyến bay sang Ðài Bắc, Ðài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) để tị nạn chính trị. (21)

V. Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa
1. Miền Nam Việt Nam trước giờ cáo chung:
Dân chúng và binh lính Miền Nam Việt Nam sẽ khó mà quên được những gì xảy ra trong những ngày và giờ cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa trước khi Sài Gòn thất thủ và vào lúc quân Cộng Sản chiến thắng tiến vào Dinh Ðộc Lập trên Ðại Lộ Thống Nhất để nhận sự đầu hàng không điều kiện của “Tổng thống” Dương văn Minh, vị Tổng thống cuối cùng của Miền Nam tự do. (22)
Sự sụp đổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng với việc Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, cho tới nay, đã là một biến cố lịch sử kỳ lạ nhất và khó tin nhất dưới mắt hằng triệu người, dù nhiếu hay ít, có dính líu tới cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Theo các ký giả ngoại quốc trong các bài tường thuật và bản tin chiến sự về những ngày cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, bất thình lình, quân Cộng Sản Bắc Việt dốc toàn lực càn quét xuống Miền Nam Việt Nam như cái lưỡi bén ngót của chiếc máy chém. Họ tiến tới với những Sư đoàn đầy đủ, mọi Sư đoàn đều được yểm trợ bằng chiến xa và trọng pháo. Ðây không còn là cuộc Chiến Tranh Việt Nam dài bất tận và đầy ám ảnh nữa, nhưng là cuộc Chiến Tranh Việt Nam chớp nhoáng. Ðối với Cộng quân, tất cả mọi năm trốn tránh đối thủ trước đây đã chấm dứt một cách mau lẹ trong một Mùa Xuân ngắn ngủi và bất ngờ. Philip Caputo, một cựu chiến binh Việt Nam và là phóng viên của tờ Chicago Tribune, từng ở lại Sài Gòn trong những ngày cuối của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, kể lại như sau:

“Một ghi nhận chính xác về tháng cuối cùng trong chiến dịch sau cùng của Bắc Việt, tự nó, đã phải cần tới một quyển sách rồi. Tôi cũng vẫn không lấy làm chắc rằng những gì xảy ra có thể được gọi là một chiến dịch hay không; có lẽ, đúng hơn, đây là một cuộc di cư và di tản. Một cách đơn giản, quân Bắc Việt chỉ xông đến khắp vùng quê, tiến quân thẳng về Sài Gòn. Ngoại trừ một thời gian đứng vững ngắn ngủi và vô vọng của một Sư Ðoàn đơn độc tại tỉnh lỵ Xuân Lộc, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không có sự kháng cự nào đáng kể. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vỡ tan thành từng mảnh. Nó tan rã. Có những cảnh chiến trận trong đó binh sĩ hốt hoảng xô đẩy và chà đạp lên thường dân khi họ cùng nhau chạy trốn đoàn quân địch tiến lên. Vào cuối tháng, người ta đã thấy được không khí tan hàng. Ðây không chỉ là một quân đội, nhưng là toàn thể quân đội đang tan rã, sụp đổ ngay trước cặp mắt của chúng tôi.”

Những đường lộ bị kẹt vì dân tị nạn và vì những binh lính tan hàng, một số dòng người dài đến hai chục dặm, ngoằn ngoèo xuyên qua những ngọn đồi và rừng cao su về phía các vùng đồng bằng chung quanh Sài Gòn. Trên dải đất dọc theo con đường mà chúng tôi thấy được, những đoàn người kéo dài dường như không có khởi đầu mà cũng chẳng có chấm dứt. Họ co ro trong mưa và dưới sức nóng: những thường dân đi chân không cùng những binh sĩ với giày đinh thối mục trên đôi chân, một số vẫn còn mang vũ khí và quyết định rằng nhóm nhỏ của họ sẽ luôn kết nối với nhau, hầu hết đều không có vũ khí.

Những binh lính tan rã quyết định bỏ chạy, trẻ con thất lạc kêu khóc đòi cha mẹ, cha mẹ kêu khóc tìm con cái, những kẻ bị thương với máu che lấp và quần áo trận dơ dáy, một số đi bộ, một số bị chất đống đằng sau xe những cứu thương, xe tải, xe buýt, từng đoàn trâu cày và ngựa kéo kêu rít trên những bánh xe gỗ. Họ được nhồi nhét chặt và kéo lôi xuống các con lộ chật cứng, từng khối đông di chuyển vượt qua các cổng chắn và tràn cả lên xác của những chiếc xe tăng cháy đen, qua những tử thi và mảnh tử thi đã mục rã trên cánh đồng ven đường. Và rồi, từ phía sau những đoàn người rút lui này, tiếng bom và đạn pháo, tiếng gầm rú của con thú chiến tranh đang say sưa nuốt chửng những nạn nhân của nó.”Có quá nhiều, quá nhiều khổ đau của con người trên những cảnh tượng này khiến tôi không đủ sức cảm nhận hết được. Thật là tê hại hết sức...”

2. Sài Gòn sụp đổ, Việt Nam Cộng Hòa mất vào tay Cộng Sản:
Vào ngày 27 Tháng Tư năm 1975, Căn Cứ Không Quân Biên Hòa ở Ðông Bắc Sài Gòn bị pháo kích nặng nề, nhiên liệu cùng đạn dược phát nổ và cháy dữ dội, và các cuộc hành quân xuất phát từ căn cứ này hoàn toàn bị đình trệ. Khi Cộng quân tấn công Biên Hòa, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã khởi sự cuộc di tản nhân viên Mỹ cùng với các nhân viên người Việt của họ. Ðồng thời, tuân hành lệnh của Tổng Thống Gerald Ford, Hạm Ðội Số 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng gởi một Ðoàn Ðặc Nhiệm Hải Quân gồm 3 hàng không mẫu hạm và nhiều chiến hạm đến vùng lãnh hải Miền Nam Việt Nam.


Ðoàn Ðặc Nhiệm có bổn phận tham dự chương trình di tản dân tị nạn sang Hoa Kỳ. Vì một cuộc bại trận hoàn toàn sắp diễn ra, nhiều sĩ quan và viên chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa ra sức chạy trốn khỏi đất nước, đem theo gia đình và tài sản. Một ngày trước khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ cố gắng di tản chừng 240 cô nhi, hầu hết là con lai Mỹ. Nhưng phi cơ chở chúng đi, một chiếc C-5A Galaxy, đã rơi xuống một cánh đồn lúa bên ngoài Sài Gòn, chỉ có 100 trẻ em sống sót. Dường như đó cũng là số phận của ý định tốt đẹp nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào lúc này. Sài Gòn thật giống như một kể mất hồn, đứng lặng câm tìm kiếm một tương lai bất định, đôi mắt đẫm lệ...

Vào lúc 6 giờ chiều ngày 28 Tháng Tư, lễ tuyên thệ nhậm chức buồn nản của vị tân “Tổng Thống,” Tướng Dương văn Minh, vừa chấm dứt thì ba chiếc oanh tạc cơ A-37 của Cộng Sản thình lình tấn công Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt. (23) Với chiến xa và trọng pháo mở đường, các lực lượng Cộng quân hùng mạnh bỏ qua Biên Hòa trên đường tiến về Sài Gòn. Giờ đây, “con cháu Bác Hồ” đang ở ngưỡng cửa thủ đô Miền Nam Việt Nam, một mục tiêu từ quá lâu mong muốn của bất cứ nhà lãnh đạo nào tại Hà Nội, và sẽ chẳng còn trở ngại nào cò khả năng ngăn chặn họ khỏi chinh phục một trong những thành phố đẹp nhất tại Ðông Nam Á mà du khách đến Việt Nam vẫn gọi là “Hòn Ngọc Viễn Ðông.”

Các lực lượng Cộng quân dần dần khép kín vòng vây Sài Gòn. Sau cùng, vào ngày 29 Tháng Tư năm 1975, Cộng quân bắn rốc-kết vào Phi Trường Tân Sơn Nhứt, căn cứ không quân khổng lồ mà xuyên qua đó hằng trăm nghìn quân lính Mỹ đã đi qua suốt bao năm trong cuộc chiến để tiến vào vùng chiến sự hoặc quay về nhà. Hai binh sĩ Mỹ cuối cùng chết trước khi Sài Gòn sụp đổ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng rốc-kết này. Trong nỗi tức giận và tuyệt vọng, một số nhỏ binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã quay súng bắn vào người Mỹ mà bây giờ rõ ràng là đang bỏ rơi họ, trong khi đó số khác thì đe dọa những dân Tây phương trên đường phố Sài Gòn. Hoảng sợ và tuyệt vọng, nhiều đám đông người Việt Nam vây quanh Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ trên Ðại Lộ Thống Nhất, xin những kẻ từng bảo vệ họ hãy di tản họ đi. (24) Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã phải dùng hơi cay và báng súng để đẩy lùi điều được gọi là cuộc loạn đả với đồng minh Mỹ. Hằng chục phi cơ trực thăng bắt đầu chuyên chở người ra khỏi khu vực tòa đại sứ, di tản người Mỹ và nhiều nhân viên Việt Nam làm việc cho họ.

Nhiều cuộc giao tranh lẻ tẻ chống các lực lượng Cộng quân đang tiến tới đã diễn ra trên Cầu Xa Lộ Sài Gòn, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt, Trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám... Nhưng, chẳng bao lâu sau đó, các lực lượng Miền Nam Việt Nam lặng lẽ rút lui và biến mất. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân đội mạnh đứng hàng thứ 7 trên thế giới vào lúc bấy giờ, đang ở trong tình trạng tan rã vĩnh viễn, để lại đằng sau họ một lịch sử lâu dài những chiến công và chiến bại...

Ðêm trước khi Sài Gòn sụp đổ, một hạm đội hải quân dưới quyền của Phó Ðô Ðốc Chung Tấn Cang đã rời quân cảng Sài Gòn, chở theo hàng chục nghìn binh sĩ và thường dân tiến về Biển Ðông, xa khỏi cuộc tấn công sắp tới của Cộng quân. Hằng triệu người Sài Gòn đã đã thức trắng đêm, mở mắt nhìn những chiếc trực thăng Mỹ quần thảo trên không trong nỗ lực sau cùng nhằm di tản toàn bộ các công dân Mỹ có dính líu tới cuộc Chiến Tranh Việt Nam trong hơn hai thập niên. Bầu trời Sài Gòn thắp sáng bằng ánh hỏa châu như thể nhiều người còn muốn ngắm nhìn thành phố thân yêu của họ lần cuối cùng trước giờ vĩnh biệt.

Ðại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin là một trong số những người Mỹ cuối cùng được không vận ra khỏi Sài Gòn về phía Hạm Ðội Số 7 đậu ngoài khơi Việt Nam. Ðó là bình minh hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư năm 1975. Ngoài Biển Ðông, có rất nhiều trực thăng quân sự của Miền Nam Việt Nam cố đáp trên sàn tàu Mỹ đến nỗi thủy thủ đoàn phải lần lượt đẩy các trực thăng vừa đáp xuống biển đặng giành chỗ cho chiếc máy bay kế tới. Hình ảnh này, chẳng bao lâu, trở thành những hình ảnh sống động sau cùng của cuộc Chiến Tranh Việt Nam. (25) Như thế đó, Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam, sau 16 năm, trên 58,000 tử sĩ, 300,000 thương binh, và 150 tỷ đô-la phí tổn.Chiến xa Cộng Sản tông gãy cánh cổng trước Dinh Ðộc Lập vào khoảng 10 giờ sáng, và ngay lập tức Cộng quân giương lá cờ một sao nửa xanh, nửa trắng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam lên nóc trên của Dinh Ðộc Lập. “Tổng Thống” Dương Văn Minh, thay mặt Việt Nam Cộng Hòa, đầu hàng không điều kiện trước các lực lượng Cộng quân vào khoảng 10 giờ rưỡi sáng, giờ Sài Gòn.

Cuộc chiến tranh 30 năm tại Việt Nam đã kết thúc. Cái giá phải trả thật lớn lao: Khoảng 2 triệu người của cả hai bên trong cuộc chiến đã chết (trong đó có 240,000 binh lính Việt Nam Cộng Hòa và 58,000 binh lính Mỹ, trong khi con số chính xác quân lính của phía Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tử trận thì không được rõ, nhưng được coi là lớn lao hơn nhiều vì phe Cộng Sản ưa dùng chiến thuật biển người và phe Ðồng Minh thường sử dụng phi pháo và trọng pháo tối đa trong phần lớn các trận đánh), nhiều khu vực lớn trên khắp nước đã bị tàn phá, và cuộc đời của không biết bao nhiêu triệu thường dân tại cả hai miền Nam, Bắc đã bị cuộc chiến tranh làm thay đổi.
..
3. Những người chết theo cuộc chiến:
Trong số những ngươi chết sau khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc, có một số cá nhân và đơn vị trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Cảnh Sát Quốc Gia. Họ là những người, dù ở trên cương vị nào vào lúc bấy giờ, cũng là những kẻ tình nguyện chọn lấy cái chết hoặc chấp nhận chiến đấu tới chết để mong lấy cái chết của mình mà “tạ lỗi cùng quốc dân” (y như Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản đã làm hồi cuối thế kỷ thứ 19 sau khi ông để mất sáu tỉnh Nam Kỳ vào tay quân xâm lược Pháp) và cũng để bảo toàn danh dự của người quân nhân trước cảnh nước mất, nhà tan.

Trong ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tại Sài Gòn, từng nhóm nhỏ các chiến binh Nhảy Dù đã tập họp phía trước Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như tại một số địa điểm khác để cùng nhau nổ súng hoặc tung lựu đạn tự sát. Tại Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, cách Sài Gòn 120 cây số về hướng Ðông Nam, các Thiếu Sinh Quân tại đây đã bất chấp lệnh đầu hàng quân Cộng Sản mà tiếp tục chiến đấu cho tới khi trường họ bị Cộng quân tràn ngập.

Trước giờ Sài Gòn sụp đổ, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân Ðoàn 2 và Vùng 2 Chiến Thuật tại Cao Nguyên, đã uống thuốc quyên sinh. Mấy tiếng đồng hồ sau khi nhận lệnh đầu hàng Cộng Sản do “Tổng Thống” Dương văn Minh loan đi từ Sài Gòn, các tướng lãnh thuộc Vùng 4 và Vùng 3 Chiến Thuật là Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 và Vùng 4 Chiến Thuật), Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đều tuẫn tiết. Tại trung tâm thủ đô Sài Gòn, Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long rút súng tự sát. Một số các sĩ quan khác chọn việc chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để rồi bị Cộng quân bắt và đem ra xử tử, trong đó có Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Chương Thiện, và Trung Tá Lê Phó, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh An Xuyên (Cà Mau). (26)

Ghi chú:
(1) Chính quyền Kennedy ở Washington cũng như các tướng lãnh Việt Nam thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không hề tiên liệu cái lỗ hổng về lãnh đạo sau cuộc đảo chánh. Ðứng núi này, trông núi nọ, họ chỉ thấy Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là một lãnh tụ xa rời quần chúng và chủ trương gia đình trị. Báo chí Mỹ lúc bấy giờ vẫn tôn vinh Thượng Tọa Thích Trí Quang của phe Phật Giáo tranh đấu tại Miền Nam Việt Nam, bậc thầy của một số các tướng lãnh đảo chánh, như là nhân vật có thừa tài, đức thay thế ông Diệm. Tiếc rằng vị cao tăng đã không thể từ bỏ ngôi vị của nhà lãnh đạo tôn giáo để ra chấp chánh mà cứu nguy Miền Nam Việt Nam.
(2) Ðó là các Sư Ðoàn Bạch Mã, Mãnh Hổ và Lữ Ðoàn Thanh Long. Trước khi về nước, quân đội Ðại Hàn đã xây tặng chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa “Xa Lộ Ðại Hàn” trên vành đai thủ đô Sài Gòn mà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại.

(3) Ðáng kể hơn hết là cuộc “Hành Quân Bắc Phạt” của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Ðại Tá Nguyễn Ngọc Loan cầm đầu, sử dụng các khu trục cơ Skyraiders, có phản lực cơ Mỹ hộ tống, bay qua vĩ tuyến 17 tiến vào Quảng Bình và Ðồng Hới để oanh tạc các kho đạn dược, tiếp liệu cũng như đồn binh của Cộng Sản Bắc Việt. Một sĩ quan Không Quân tài ba, Trung Tá Phạm Phú Quốc, đã hy sinh trong chiến dịch này.

(4) Quả thật, phe Cộng Sản đã đánh giá quá cao khả năng nổi dậy chống chính quyền Việt Nam Cộng Hoà của đa số dân chúng tại Miền Nam mà bộ máy tuyên truyền của họ vẫn cho là nằm dưới “sự kềm kẹp của Mỹ Ngụy” đến độ phải “rên siết đêm ngày” (theo kiểu nói của Hùynh Minh Siêng).

(5) Quan điểm của nhà báo uy tín Walter Cronkite đã tác động mạnh mẽ lên tâm lý “phù thịnh” của các chính trị gia và quần chúng Mỹ, theo đó họ chỉ quen nghe quân Mỹ chiến thắng chứ không chịu đựng được những tin tức nói rằng quân Mỹ đang thua, dù là chỉ tạm thời -nhưng sự thật thì chính Cộng Sản Bắc Việt là kẻ đã thua trong trận Tổng Công Kích Mậu Thân 1968 chứ không phải Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa- để chờ cơ hội tạo dựng chiến thắng, như trong giai đoạn Việt Nam Hóa Chiến Tranh với các cuộc hành quân Toàn Thắng 43, Lam Sơn 719 cũng như các mặt trận An Lộc, Kon Tum và Cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Kinh nghiệm từ cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) ngay sau Ðại Chiến Thứ Hai cho thấy Hoa Kỳ không quen chịu đựng các cuộc chiến tranh dằng dai. Khi can thiệp vào Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn nghĩ rằng, với hỏa lực hùng hậu và kỹ thuật tác chiến hơn hẳn quân đội Pháp trước đây, họ sẽ mau lẹ kết thúc cuộc chiến trong vinh quang. Nhưng người Mỹ không ngờ cuộc chiến tranh du kích tại Miền Nam Việt Nam lại hung hiểm và dây dưa đến độ làm họ thấm mệt, mất dần ý chí chiến đấu, để rồi, sau cùng, họ quyết định bỏ cuộc, phủi tay và trao lại gánh nặng chiến đấu một mình cho quân và dân Miền Nam Việt Nam, bất kể hậu quả ra sao. Những phần tử chủ bại tại Mỹ đã vin vào câu nói của Cronkite mà đẩy mạnh phong trào phản đối cuộc Chiến Tranh Việt Nam và nằng nặc đòi chính phủ Mỹ phải tìm kiếm hòa bình bằng mọi giá, kể cả chuyện bỏ rơi không thương tiếc người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hòa vào tay quân Cộng Sản xâm lược.

(6) Riêng ca sĩ Joan Baez, sau khi chứng kiến thảm cảnh hằng chục nghìn thuyền nhân Việt Nam vượt biển phải bỏ mình ngoài đại dương, bị hải tặc cướp bóc và hãm hiếp, hoặc phải kéo dài cuộc sống lây lất trong các trại tị nạn chật chội và thiếu tiện nghi ở các nước Ðông Nam Á chỉ vì không sống nổi dưới chế độ Cộng Sản nơi quê nhà, đã lên tiếng bày tỏ niềm ân hận về thái độ phản chiến và thân Cộng của mình trước đây. Còn nữ tài tử Jane Fonda, vì không chịu nhìn nhận cái sai lầm của mình, chỉ lên tiếng hối tiếc đã phản bội các chiến binh Hoa Kỳ khi cô đứng chụp hình chung với bộ đội phòng không Cộng Sản Bắc Việt nhân dịp đến viếng thăm thiện chí Hà Nội để cổ võ tinh thần binh lính Cộng Sản đánh lại một Mỹ quốc mà cô cho là kẻ gây ra tội ác chiến tranh khi đến cứu viện đồng minh Việt Nam Cộng Hòa đang bị Cộng Sản Bắc Việt xâm lược.

(7) Một tù binh Mỹ danh tiếng khác là Ðại Tá Hải Quân John McCain, con trai của Ðô Ðốc John Sidney McCain, Jr., tổng tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng bị giam nhốt và hành hạ không nương tay trong các phòng giam tại “Hanoi Hilton,” tức nhà tù Hỏa Lò, của Cộng Sản Bắc Việt.
(8) Nếu Hoa Kỳ và các tướng lãnh từng hạ bệ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không bỏ ngang “quốc sách ấp chiến lược” mà cứ theo đuổi chiến lược này cho đến cùng thì có thể sẽ không phải cần tới kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh sau này, vì đằng nào thì cuộc Chiến Tranh Việt Nam vẫn là cuộc chiến đấu một mất, một còn của quân và dân Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt.

(9) Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 có thể đã là một chiến thắng vang dội hơn nhiều nếu Trung Tướng Ðỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Ðoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, không bất ngờ thiệt mạng vì nổ trực thăng(?) trước khi ông chính thức ra Vùng 1 thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm trong vai trò chỉ huy chiến trường Vùng Hỏa Tuyến và tư lệnh cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 đang diễn tiến.(10) Trận đánh tại An Lộc dữ dội đến nỗi chiến thắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nơi đây đã trở thành bài học được giảng dạy tại nhiều học viện quân sự của Hoa Kỳ và của các nước Tây phương khác. Binh chủng Biệt Cách Nhảy Dù đặc biệt được nêu danh là đơn vị có công lớn trong công cuộc giải vây thị xã An Lộc bị Cộng quân vây khổn, qua hai câu thơ sau đây của một cô giáo An Lộc: “An Lộc địa sử ghi chiến tích; Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.”

(11) Nhiều quan sát viên quân sự tin rằng Hoa Kỳ chỉ cần kéo dài chiến dịch oanh tạc này thêm một tuần lễ nữa thôi thì Cộng Sản Bắc Việt coi như không còn sức lực để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược tại Miền Nam Việt Nam. Có lẽ Tổng Thống Nixon lúc đó không đánh hơi được tình trạng này, đồng thời ông cũng còn lo sợ phe phản chiến tại Mỹ lại lên tiếng phản đối ầm ĩ như hồi 1970 khi Hoa Kỳ đưa quân xâm nhập vùng biên giới Căm Bốt để phá hủy các căn cứ hậu cần và các kho tiếp liệu của quân Cộng Sản Bắc Việt nơi đây. Vì thế tổng thống đã ra lệnh ngưng ngay chiến dịch ráo riết oanh tạc Hà Nội và Hải Phòng sau khi Bắc Việt hứa chắc sẽ ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973.

(12) Chính sự tuẫn tiết của các tướng lãnh và sĩ quan anh hùng này cùng với cuộc chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong các trận Hải Chiến Hoàng Sa (Tháng Giêng 1974), Ðồi 1062 Thường Ðức (Tháng Mười Một 1974) và Thị Xã Long Khánh (Tháng Tư 1975) đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng vệc Hoa Kỳ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam không hề do sự thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu tinh thần chiến đấu và yếu kém -hoặc vì chính quyền Ngô Ðình Diệm độc tài, gia đình trị và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, một lý do khác được sử sách Mỹ thường xuyên viện dẫn- mà chỉ vì Hoa Kỳ đã phản bội một đồng minh nhỏ bé tại Ðông Nam Á để đổi lấy tình bằng hữu và triển vọng buôn bán kiếm lời với một kẻ thù to lớn bội phần thời đó là Trung Cộng.

(13) Cho tới khi Cộng Sản chính thức nắm quyền tại Việt Nam, toàn thể thế giới đã bị lầm mê trong ảo tưởng rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là tham nhũng nhất, tệ hại nhất. Sự thật thì, bên cạnh chế độ Cộng Sản tham nhũng vào hạng nhất, nhì thế giới hiện nay như ai cũng đã thấy, các chế độ gọi là tự do, dân chủ lúc bấy giờ ở Phi Luật Tân (thời Ferdinand Marcos), Indonesia (thời Suharto), Thái Lan (thời các tướng lãnh cầm quyền), Chi-Lê, Á Căn Ðình, Panama& đều là những chế độ tham nhũng gấp trăm, nghìn lần chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù các nước đó không hề phải đối phó với nạn Cộng Sản ngày đêm xâm lược, đánh phá gắt gao và giết tróc tràn lan như những gì Miền Nam tự do phải hứng chịu.

(14) Hay không bằng hên, và cái hên của Cộng Sản Bắc Việt cũng chính là cái xui của quân và dân Miền Nam Việt Nam, rồi sau đó là cái xui của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới quyền cai trị của Ðảng Cộng Sản. Cái xui đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa là những sai lầm của chính quyền Ngô Ðình Diệm dẫn đến cuộc khủng hoảng Phật Giáo với hậu quả là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (và chiến lược gia Ngô Ðình Nhu) bị các tướng lãnh thuộc phe đảo chánh hạ sát khiến Miền Nam Việt Nam mất đi một lãnh tụ dù sao cũng còn đức độ và tài năng hơn nhiều nhà lãnh đạo kế nhiệm, và rồi cuộc chiến chống Cộng phải loạng choạng, mất đà vì “quốc sách ấp chiến lược” (từng tỏ ra khá hữu hiệu trong cuộc chiến tranh phản du kích miễn là được Hoa Kỳ thật tâm hỗ trợ) của chính phủ Diệm bị phế bỏ ngang xương.
Hết cuộc khủng hoảng xăng dầu
 thế giới năm 1973 lại đến vụ Watergate buộc Tổng Thống Nixon phải từ chức rồi lại đến vụ Quốc Vương Faisal ibn Abdul Aziz Al Saud của Vương Quốc Ả Rập Saudi -người đã cam kết với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc là sẽ thay thế Hoa Kỳ mà viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa mỗi năm 500 triệu đô-la để tiếp tục cuộc chiến chống quân xâm lược Cộng Sản từ miền Bắc - bị ám sát ngày 25 Tháng Ba năm 1975, làm tiêu tan mọi yểm trợ tài chánh thiết yếu cho cuộc chiến tranh bảo vệ tự do tại chiếc tiền đồn chống Cộng duy nhất của thế giới lúc bấy giờ.

(15) Các chuyên gia quân sự lỗi lạc của Pháp, Mỹ và Việt Nam, không ai tin rằng có thể bỏ vùng cao nguyên mà có thể giữa vững được vùng duyên hải Trung Phần và các phần lãnh thổ khác tại Miền Nam Việt Nam - dẫu cho chuyện trấn giữ cao nguyên có hao quân và tốn của đến mức nào. Hơn ai hết, Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp hiểu biết tường tận cách làm thế nào để lấy vùng “Tây nguyên” khống chế miền đồng bằng Trung và Nam Phần Việt Nam.

(16) Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà, một số từng tốt nghiệp hoặc tu nghiệp tại các học viện quân sự lừng danh của Pháp và Hoa Kỳ, không thể nào không biết rằng lui binh là sứ mạng khó khăn và dễ thất bại nhất của binh gia kim cổ, từ Nã Phá Luân (Napoléon) cho tới Hitler. Nhưng tình thế buộc họ không thể nào làm khác đi được. Và tình trạng dân chúng cứ đeo bám theo những đoàn quân đang rút lui cộng với những đợt tập trung hỏa lực bắn giết không nương tay của Cộng quân đã biến cuộc triệt thoái từ cao nguyên của Quân Ðoàn II về Tuy Hòa trở thành vụ tự sát tập thể của quân và dân Vùng 2 Chiến Thuật. Trong lịch sử chiến tranh của thế giới thời cận đại, chỉ có cuộc lui quân của Anh và Pháp từ Dunkerque sang Anh trong những ngày đầu của Ðại Chiến Thứ Hai được coi là một thành công.

(17) Ða số dân chúng Miền Nam Việt Nam tin rằng những bản tin và bài bình luận của các đài phát thanh ngoại quốc như BBC Luân Ðôn và Quốc Tế Pháp RFI đã gián tiếp khủng bố tinh thần quân và dân Miền Nam Việt Nam, đồng thời đưa đường, chỉ lối cho Cộng quân cứ thế mà tiến lên.

(18) Những hình ảnh thê thảm này, cộng với những cuộc chạy loạn bán sống, bán chết của dân chúng từ “Ðại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị tới Quốc Lộ 7B đẫm máu trên Cao Nguyên -và sau 1975 là cảnh “thuyền nhân” Việt Nam lũ lượt bỏ nước ra đi - đã chứng tỏ cho thế giới thấy dân chúng Miền Nam Việt Nam đã “bỏ phiếu bằng chân” chối bỏ chế độ Cộng Sản như thế nào, dù rằng những cuộc “bỏ phiếu” đó đã đến khá trễ tràng sau khi Cộng Sản đã thành công mê hoặc các phong trào phản chiến từ Sài Gòn tới Washington. Mặt khác, những hình ảnh dân tị nạn cuống cuồng và liều mạng đeo bám máy bay di tản ra khỏi các vùng mà họ lo sợ là sắp bị Cộng quân đánh chiếm càng làm cho thế giới tin rằng cần phải sớm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam mới có thể sớm chấm dứt được thảm họa Việt Nam, bất chấp hậu quả còn thê thảm hơn cho toàn thể dân tộc Việt Nam khi, chỉ vài ba năm sau khi Cộng Sản chiếm được Miền Nam việt Nam, hằng trăm nghìn dân chúng lại phải dắt díu nhau bỏ nước ra đi, vượt biển tìm tự do trên những con thuyền nhỏ mong manh và lậu nước để rồi một số không ít các “thuyền nhân “ này đã làm mồi cho cá biển hoặc trở thành nạn nhân bị vùi dập tàn tệ dưới tay bọn hải tặc tham lam và khát máu trên Vịnh Thái Lan.

(19) Nghĩ cho cùng, đây là hậu quả tâm lý tất nhiên của một cuộc chiến đấu mà máu xương của người chiến sĩ đã bị phản bội trắng trợn. Có ai biết rằng những người lính Thủy Quân Lục Chiến và Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải hy sinh bao nhiêu xương máu mới giành lấy được từng tấc đất dưới chân Cổ Thành Ðinh Công Tráng ở Quảng Trị hay từng tấc giao thông hào trên đỉnh đồi 1062 ở Thường Ðức, để rồi bỗng dưng các cấp chỉ huy của họ chưa thấy địch đến đánh mà đã ra lệnh cho họ rút lui khỏi những vùng lãnh thổ từng thấm bao máu đào của các đồng đội như vậy, vừa rút lui vừa bị Cộng quân truy sát tới cùng?

(20) Trận Long Khánh là một trong các tỷ dụ về tinh thần chiến đấu kiên cường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không cứ họ phải là các đại đơn vị vũ bão hàng đầu như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến hoặc Biệt Ðộng Quân. Sư Ðoàn 18 Bộ Binh của Long Khánh, cũng như Ðịa Phương Quân Phú Bổn trước đó, và sau này là các thiếu sinh quân tại Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu cũng như Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân Chương Thiện (dưới quyền Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn) đã đơn độc chiến đấu đến chết chứ không hề tính đến chuyện đầu hàng Cộng quân. Sự thật thì, so với bộ đội Cộng Sản, dù là chính quy hoặc du kích, người lính Việt Nam Cộng Hòa thuộc mọi quân, binh chủng luôn được huấn luyện kỹ càng hơn và kỹ thuật chiến đấu ngày càng cao hơn theo với cuộc chiến. Chỉ tiếc rằng Hoa Kỳ lại bỏ cuộc nửa chừng trong khi quân đội Miền Nam Việt Nam, từ khi được võ trang đầy đủ và tân tiến hơn, chưa hề tỏ ra chùn bước trước địch quân.

(21) Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng gia đình và đoàn tùy tùng đã lặng lẽ rời khỏi nước sang Ðài Loan tị nạn và không hề mang theo 16 tấn vàng như Cộng Sản từng tuyên truyền bậy bạ để bêu xấu nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà. Chính Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo, từng là phó thủ tướng đặc trách kinh tế thời ông Thiệu và sau này ở lại cộng tác với chế độ Cộng Sản tại Việt Nam, xác nhận rằng ông đã ra lệnh không cho ai được lấy vàng ra khỏi ngân khố quốc gia mà phải giữ lại cho các quan chức Cộng Sản vào có mà chi dùng.

(22) Từ thảm cảnh “thuyền nhân” liều chết bỏ nước ra đi đến kịch bản “Ðổi Mới (kinh tế),” chế độ Cộng Sản tại Việt Nam đã hiện nguyên hình là một hệ thống chính tồi tệ, tàn ác và lỗi thời, chuyên dối gạt con người từ trong nước đến quốc tế để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến và đặc quyền, đặc lợi cho một phe nhóm nhỏ các đảng viên Cộng Sản độc quyền cai trị đất nước, bất chấp phúc lợi của đại tuyệt đa số dân chúng.

(23) Phi cơ này, mà Cộng quân cướp được tại các phi trường bị bỏ ngỏ ở Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật trước đây, do phi công Nguyễn Thành Trung, kẻ đội lốt trung úy Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng lại làm nội tuyến cho Cộng Sản, lái đi từ Phan Rang.

(24) Một số những dân di tản hối hả này là các viên chức hoặc sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa, trong số đó Phó Thủ Tướng Phan Quang Ðán và Trung Tướng Ðặng Văn Quang vẫn thường được báo chí Mỹ và quốc tế nêu danh. Xin xem: “The Fall of Saigon 1975: An Eyewitness Report” của John Pilger, trích trong quyển Heroes của John Pilger, Vintage Books, London, 1975.

(25) Một hình ảnh tiêu biểu là cuộc hạ cánh của chiếc máy bay thám thính hạng nhẹ Cessna 01 Bird Dog do Thiếu Tá Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Lý Bửng cất cánh từ Côn Sơn và đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway của Hoa Kỳ ngoài khơi Việt Nam trong cuộc di tản lớn của Hoa Kỳ khỏi Sài Gòn vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975.

(26) Những vị anh hùng này là những nhân vật ở vào vị trí có nhiều khả năng và phương tiện rời khỏi Miền Nam Việt Nam, như bao người khác, để được an toàn di tản sang Hoa Kỳ trong những ngày Sài Gòn hấp hối hồi Tháng Tư năm 1975.

Tài liệu tham khảo:
Boettcher, Thomas D. Vietnam: The Valor and the Sorrow. New York: Little Brown & Co., 1985.Cao Van Vien. The Final Collapse. Washington, D.C.. Center of Military History, U.S. Army, 1985.Chinnery, Phil. Air War in Vietnam. New York: Exeter Books, 1987.Morrow, Lance. “A Bloody Rite of Passage.” Time (April 15, 1985). “1968.” Time (January 11, 1988).
Nixon, Richard M: “Test Candidates on Moral Lessons of the Vietnam War.” The Wall Street Journal (August 31, 1988).

Oberdorfer, Don. Tet -The Turning Point in the Vietnam War. New York: Da Capo Press, 1971.Pfaff, William. “The United States simply Was Irrelevant in Vetnam.” Los Angeles Times Syndicate. (1988).Phạm Huấn. Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975. Xuân Thu, 1987.Pilger, John. Heroes. London: Vintage Books, 1975.Snepp, Frank. Decent Intervals. New York: Random House, 1978.Sorley, Lewis. A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam. New York: Harcourt Brace & Company. 1999


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen