Montag, 28. April 2014

Cái Chết Của Cha Tôi

                                                                                                           Giao Chỉ,  San Jose.
Cái Chết Của Cha Tôi
Vẫn chuyện tượng đài.
Cô Hoàng Mộng Thu của biệt đoàn Lam Sơn vừa lên radio thông báo về việc San Jose thực hiện bức tường tưởng niệm các vị anh hùng Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết. Trong 7 vị anh hùng dự án lựa chọn có hình ảnh của trung tá cảnh sát Nguyễn văn Long. Hình ảnh do 1 thân hữu gửi đến. Sinh quán chưa biết rõ, năm sinh chưa tìm ra. Bỗng một hôm có người gọi cho cô Thu. Thân nhân của ông Long là chúng tôi đây. Hình này không chắc là hình của cha tôi. Bà là ai vậy? Tôi là con gái của ông Long. Thưa bà ở đâu gọi vậy. Tôi ở San Jose đây này. Tôi ở đây đã 11 năm rồi.
Bức tường tưởng niệm sẽ dựng tại San Jose và hình ảnh lịch sử tại Sài Gòn, trung tá Nguyễn Văn Long tự sát tại tượng đài TQLC VN.
Cô Thu bèn điện thoại cho bác Lộc. Chết rồi bác ơi. May mà mình còn đang quyên tiền. Chưa làm hình trên đá. Hình đó không phải của ông Long. Con gái ông nói chuyện với cháu đây này. Nhưng chuyện không hay mà lại thành duyên kỳ ngộ. Tìm kiếm bao năm nay để xin tin tức, bây giờ gặp may. Tôi phải liên lạc gấp với gia đình trung tá Long ngay tại San Jose.

Nhắc chuyện năm xưa
Khi nhận ngôi nhà làm Viện bảo tàng năm 2003 cách đây 10 năm, tôi đã có ý muốn ghi lại hình ảnh các vị anh hùng tuẫn tiết. Chúng ta thường nghe nói danh tiếng của 5 vị tư lệnh tự sát được gọi là ngũ hổ tướng. Sau đó có bài viết nhắc nhở đến vị anh hùng thứ sáu là đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tại Cần Thơ. Chúng tôi bắt đầu lưu tâm tới vị anh hùng thứ bẩy là trung tá Nguyễn văn Long. Không ai có được hình ảnh của 6 vị anh hùng đã hy sinh ra sao. Cả trường hợp đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị xử bắn tháng 8- 1975 tại Cần Thơ cũng không có hình ảnh. Trên internet có phổ biến hình tên cộng sản dí súng vào đầu ông Cẩn. Đây là hình chụp trong một vở kịch. Riêng hình trung tá Long chết vào buổi trưa ngày 30 tháng 4-75 là hình ảnh đăng trên hầu hết các báo hải ngoại, và sau này thì tràn đầy trên internet. Quả thực tấm hình này gây xúc động lớn lao cho toàn thể báo giới tây phương vào thời kỳ tháng 4 -1975 đã 38 năm qua. Tôi được thấy tấm hình này lần đầu trong thư viện thành phố Springfield ở Illinois. Trên tạp chí Newsweek đã cũ vào năm 1976. Xuất xứ nguyên thủy là hình trên báo Pháp. Tờ Paris Match. Tấm hình này và chỉ cần 1 tấm hình này đã làm mờ nhạt tất cả các hình ảnh tang thương khác của miền Nam vào ngày quốc hận.
Trung tá Long là người đầu tiên đáp lại lệnh bỏ súng đầu hàng của tổng thống cuối cùng Dương văn Minh. Ông tự sát rồi buông súng. Bức hình chụp được phổ biến cho thấy ông nằm nghiêm chỉnh dưới bức tượng xung phong của thủy quân lục chiến trước tòa nhà quốc hội Việt Nam Cộng Hòa. Có nhiều người chứng kiến nhưng không ai là nhân chứng kể lại giây phút cuối cùng. Dường như có người đã sắp xếp lại di hài vị anh hùng mang cấp bậc trung tá cảnh sát. Hai tay để ngay ngắn trên bụng. Nón trước ngực. Tấm hình chụp thật rõ ràng. Ai đã sắp xếp lại.
Đồng bào miền Nam hay anh phóng viên chụp hình cho tờ báo Pháp. Bức hình của người sĩ quan bại trận nằm yên nghỉ nhưng hết sức lẫm liệt. Đó chính là vị tử sĩ thứ bẩy chúng tôi muốn đưa vào danh sách tiêu biểu của tượng đài anh hùng. Chúng tôi cần có tấm hình, ngày và nơi sinh. Đi truy tầm suốt 10 năm không thấy. Chợt tìm ra đáp số vào đêm nay 5 tháng 8- 2013. Tôi gọi điện thoại cho bà Tâm là con thứ ba của trung tá Long. Nhận được câu trả lời hết sức rõ ràng đơn giản. Trung tá Nguyễn văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1 tháng 6 năm 1919. Ông ra đi năm 1975 lúc đó 56 tuổi, là người cao niên nhất trong số các vị tuẫn tiết.
Bà Nguyễn thị Tâm năm nay ngoài 60, đã có cháu nội cháu ngoại nhưng mãi mãi vẫn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Bằng một giọng nói xứ Huế pha tiếng Saigon, bà Tâm nói chuyện tuôn trào trôi chảy và đầy hãnh diện khi nhắc đến người cha anh hùng. Câu chuyện 38 năm xưa kéo dài qua điện thọai giữa canh khuya.
Chuyện của cha tôi đã được viết đầy đủ trên báo chí, trên các web của quân đội và cảnh sát. Nhưng bây giờ chỉ nói riêng về thời gian của tháng 3-1975.

Gia đình rất đông con, tới 13 anh chị em. 6 trai 7 gái. Con trưởng là thiếu úy biệt động quân hy sinh tại Quảng Tín năm 68. Anh Nguyễn Công Phụng (1942-1968) được truy thăng trung úy. Nhà 6 con trai mà 5 anh em đi lính. Chỉ còn con trai út 13 tuổi là học sinh. Hai lính không quân, 1 thiết giáp, 1 cảnh sát và 1 biệt động quân.
SVSQ Nguyễn Công Phụng.( Anh cả)
Tên các con trai như thể hiện ước mơ của cha.
Các anh Phụng, Hoàng, Minh, Tiến, Quang, Hội.
Các tên con gái như hình ảnh dịu hiền của mẹ. Đào, Tâm, Thiện, Hòa, Hảo, Hiền, Huê.
Ngày nay có 3 chị em ở Hoa Kỳ, các anh chị em khác còn ở Việt Nam với Mẹ. Mẹ của các con tức là vợ trung tá Long qua đời mấy năm trước.
Đó là hình ảnh của 1 đại gia đình, có người cha anh hùng đã ra đi, để lại tấm hình hết sức đặc biệt.
Cái chết của cha tôi
Bà Tâm, người con gái thứ ba bắt đầu kể về những ngày cuối cùng. Lúc đó vào cuối tháng 3- 75 ở Đà Nẵng. Ba vẫn làm việc trong trại, không về nhà. Hai cậu em không quân, một ở Đà Nẵng, một ở Biên Hòa. Một cậu đưa cả nhà vào sân bay Đà Nẵng chờ di tản. Nhưng rồi cũng không đi được. Vào ngày cuối người cha về nhà không thấy gia đình. Ông nghĩ rằng vợ con có thể đã đi thoát trong phi trường. Ông xuống bãi và ra đi bằng tàu. Vào đến Saigon đã có cô con gái lớn đón cha về ở tạm. Lúc đó mới biết vợ con còn kẹt ở Đà Nẵng. Ông Long lại vào trình diện tổng nha cảnh sát để làm việc. Trưa 30 tháng 4-75 khi radio phát thanh lời tổng thống đầu hàng thì 1 phát súng đơn độc nổ trong thái dương, trung tá Long ngã xuống. Ông buông cây súng nhỏ theo lệnh tổng thống. Cây súng tùy thân trung tá vẫn mang theo từ Huế, Đà Nẵng vào đến Sài Gòn.
Một lần nữa, xin ghi lại. Có thể đây chính là người đầu tiên thi hành lệnh đầu hàng của vị tổng thống sau cùng. Lẫm liệt và công khai.

Hình ảnh trên youtube do người vô danh đưa lên có cảnh những người dân khiêng xác vị anh hùng lên xe. Đó là hình ảnh cuối cùng. Không một tin tức nào loan báo trên báo chí cộng sản trong nước. Dân Việt từ Huế vào Sàigon không ai biết tin. Nhưng cả thế giới đều biết qua hình ảnh.
Cuối tháng 5 -1975 có người từ nhà thương Đồn Đất (Grall) của Pháp liên lạc đưa tin về Đà Nẵng. Trong quân phục của trung tá Long có địa chỉ của gia đình. Hai vợ chồng bà Tâm thay mặt cả nhà tìm đường vào Nam. Gặp chị và em ở Saigon. Chị em tìm vào nhà xác của bệnh viện Grall. Nhân viên phụ trách mở tủ lạnh. Xác cha cô vẫn còn nguyên vẹn. Quân phục, cấp bậc huy hiệu và mũ cảnh sát. Nhân viên nói lại rằng nhà thương cho biết đây là di hài một người anh hùng. Phải bảo quản chờ thân nhân. Phải giúp cho gia đình tẩm liệm mai táng chu đáo. Chị em lúc đó giữa cuộc đổi đời đành gạt nước mắt đi chôn cha tại nghĩa trang Bà Quẹo.
Chuyện đó đã xảy ra 38 năm xưa. Đây là lần đầu tiên có người hỏi và bà kể rõ lại cái chết của cha. Chúng tôi có hình của ông bà trung tá Long thời còn trẻ nên không giống hình thời 75. Bây giờ có hình chính xác. Lại còn tìm hiểu thêm giờ tổng thống phát thanh lệnh đầu hàng và giờ ông Long tự kết liễu cuộc đời căn cứ vào bóng mặt trời trong tấm hình. Làm sao phóng viên báo Pháp lại tình cờ có mặt để chụp hình. Di hài trung tá Long nằm đó bao lâu. Có nhiều bệnh viện quanh Sài Gòn sao lại chở vào nhà thương của Pháp. Phải chăng có mối liên hệ với anh phóng viên? Trước đó một ngày, 29 tháng 4, thiếu tướng Phạm văn Phú tự tử bằng thuốc cũng trong nhà thương Grall của Pháp. Qua đến 30 tháng tư ông mới ra đi. Khi uống thuốc tự vẫn, ông Phú chưa biết đến lệnh đầu hàng. Ông chỉ uất hận vì trách nhiệm bỏ Vùng 2. Cái chết của ông Long hoàn toàn vì lệnh đầu hàng 30 tháng tư. Ngày 30 tháng tư trong cuộc chiến Việt Nam, đã có nhiều tấm gương oanh liệt. Trường hợp của ông Long là cái chết hào hùng nhất. Ông đã chọn đúng giờ và đúng chỗ.
Thời gian là trưa 30 tháng 4-1975 và địa điểm là chết giữa lòng Saigon. Phương cách chết là cầm súng bắn vào đầu. Gia đình ông có 5 con trai trưởng thành và đi lính hết. Nhưng dù trai hay gái, tất cả đều thấm nhuần giáo huấn của cha. Tất cả đều sống hòa thuận và yêu thương đất nước. Các con đều hiểu được tấm lòng của cha khi quyết định hy sinh vào ngày quốc hận 30 tháng 4 năm 1975. Đó là lý do chúng tôi đã chọn được vị anh hùng thứ bẩy để đưa vào tấm bia vĩnh cửu. Gia đình còn lại 12 người con và hơn 30 người cháu bây giờ ở 2 bên bờ Thái bình Dương đều không quên ngày 30 tháng tư. Ngày tang đất nước và ngày giỗ người cha anh hùng.
Giao Chỉ, San Jose

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen