Mittwoch, 10. Juni 2015

Cuộc chơi WTO: Cách đặt vấn đề của J. E. Stiglitz

Cuộc chơi WTO:
Cách đặt vấn đề của J. E. Stiglitz

Trần Hải Hạc
Đại học Paris XIII

Sau một quá trình đàm phán kéo dài 11 năm, Việt Nam đã trở nên thành viên Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organisation [WTO]) từ đầu năm nay. Vấn đề bây giờ của Việt Nam, theo dư luận phổ biến hiện nay ở trong nước, là thực thi các cam kết đã thoả thuận, tôn trọng các luật chơi mà ta đã công nhận: thoả thuận này được xem là cân đối, các luật chơi của WTO là bình đẳng. Theo cách đặt vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề còn lại là “đưa đất nước bay lên từ đường băng WTO”.
[1] Đường băng này bằng phẳng, và Việt Nam có cất cánh hay không là do năng lực của bản thân, trước tiến là năng lực cải cách toàn diện: nó tuỳ thuộc vào “những yếu tố nội tại” mà “tư cách thành viên WTO không tạo nên”.[2] Theo phát biểu của một chuyên gia: “Thắng, thua trước hết tại mình chứ không phải tại WTO, vì cho đến nay chưa có nước nào vì vào WTO mà khánh tận, phá sản và cũng chưa nước thành viên nào nạp đơn xin rút lui khỏi tổ chức này”.[3]
Cũng có một cách khác để tiếp cận vấn đề, đi từ mặt trái của WTO và cũng là bộ mặt thật của nó, mà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không nêu lên hay tránh không muốn nếu ra, chí ít trong thời kỳ đàm phán vào WTO, vì nhiều lý do: có thể do yêu cầu đấu tranh tư tưởng với quan điểm chống gia nhập WTO trong nội bộ của đảng; cũng có thể do yêu cầu tranh thủ ngoại giao những cường quốc tư bản chủ nghĩa có tiếng nói quyết định trong việc kết nạp. Bộ mặt này của WTO được nhà kinh tế Mỹ Joseph Stiglitz vạch ra thẳng thừng trong hai tác phẩm mới đây của ông: Fair trade for all. How trade can promote development, viết cùng với Andrew Charlton [2005], và Making globalization work [2006].[4]
Trong kinh tế học hiện đại, J. Stiglitz được biết đến như là người thầy của kinh tế học vi mô mới (mà đặc tính là từ bỏ giả thuyết về thị trường cạnh tranh hoàn hảo), và đóng góp của ông cho thuyết về thông tin đã được thưởng giải Nobel kinh tế học (cùng với George Akerlof và Michael Spence) năm 2001. Stiglitz thuộc trường phái Keynes mới, chủ trương xác lập cơ sở vi mô của những mất cân bằng vĩ mô (như thất nghiệp không tự nguyện của Keynes): đối phó với tính bất trắc và thông tin phi cân xứng, các tác nhân kinh tế có lối ứng xử “cứng nhắc”, họ chỉ tham gia các thị trường (lao động, tín dụng, đất đai) có những chuẩn tắc mà họ thương lượng và được nhà nước thể chế hoá. Nói về bàn tay vô hình điều tiết thị trường của Adam Smith, ông cho rằng: “Đúng là vô hình, bởi vì nó không có. Thị trường không hề tự điều tiết”.[5]
Ngoài trường đại học, Stiglitz được tín nhiệm làm chủ tịch của Hội đồng các tư vấn kinh tế (Council of Economic Advisers) của tổng thống Clinton các năm 1993-1997, rồi làm kinh tế gia trưởng và phó chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank [WB]) các năm 1997-2000. Ở cương vị này, Stiglitz không những công kích quan điểm chính thống của Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund [IMF]), ông còn gây cuộc tranh cãi trong nội bộ WB giữa phe “tân cổ diển” và phe “xét lại” mà ông là đại biểu, và cuối cùng ông đã phải từ chức ra đi. Tác phẩm Globalization and its discontents [2002] tố cáo “sự cuồng tín của chủ nghĩa tự do” đang chế ngự các định chế tài chính quốc tế: “WB, IMF, WTO đầy dẫy những chuyên gia giáo điều và tự phụ, những bonsevic của thị trường, đã chồng chất bao nhiều điều phi lý và tổn hại ở các nước nghèo. Không có gì phải ngạc nhiên nếu sự nổi giận đang dâng lên từ các nước này”.[6]
Tuy hợp tác thường xuyên và tán thành nhiều phân tích của phong trào toàn cầu hoá “theo kiểu khác” (altermondialisme), Stiglitz xác định lập trường riêng biệt của ông, một thứ “con đường thứ ba” bắt nguồn từ nhận thức tính khiếm khuyết của thị trường và vai trò cần thiết của nhà nước.[7] Đối với WTO, ông từ khước hai thái độ đối lập: một bên là thái độ chính thống tân cổ điển cho rằng cuộc chơi WTO căn cứ trên lợi thế so sánh, cho nên ai cũng đều có lợi, “không có nước thua cuộc”; bên kia là thái độ phê phán, phủ nhận WTO của một số tổ chức phi chính phủ chủ trương toàn cầu hoá theo kiểu khác, như Focus on global south với quan điểm “Một thế giới không có WTO” đứng đầu tổ chức này, nhà xã hội học Philippin W. Bello có đến Việt Nam ba lần để cảnh báo ta không nên tham gia cuộc chơi WTO nếu không muốn thua thiệt.[8] Stiglitz không phủ nhận chủ nghĩa tư bản mà chỉ phê phán hình thái tân tự do hiện tại của nó, và ông chủ trương đấu tranh cải cách WTO “theo kiểu khác”.[9] Chấp nhận “giả thuyết” về mối liên hệ tích cực giữa mậu dịch và phát triển trong những điều kiện nhất định [Stiglitz 2005, tr. 30-31], ông cho rằng toàn cầu hoá là một cơ may cho các nước kém phát triển, nếu nó được cai quản trong một khung định chế quốc tế dân chủ. Ông chủ trương thiết kế “một chế độ mậu dịch quốc tế hướng đến lợi ích của các nước nghèo mà vẫn có hiệu ứng tổng thể tích cực cho các nước công nghiệp tiên tiến  một số lợi ích riêng ở các nước này, tất nhiên, có thể bị thiệt thòi” [Stiglitz 2006, tr. 129].
Đối với một nước nghèo đã chọn đứng ở trong WTO, như Viêt Nam, chú trọng cách đặt vấn đề của Stiglitz – người bạn của Việt Nam, đã bốn lần đến nước ta  ắt là điều hữu ích và cần thiết. Bài thuyết trình sẽ giới thiệu và triển khai một số quan điểm của Stiglitz khi ông: xem xét lịch sử WTO (I); xác định hệ tư tưởng WTO (II); đánh giá sân chơi và luật chơi WTO (III).

I. Lịch sử WTO

Trả lời những người phê phán nó, WTO thường đáp lại rằng chế độ đàm phán đa phương ở WTO là dân chủ nhất, bởi cách thức quyết định không theo nguyên tác đa số mà dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Thay vì thiểu số phải phục tùng đa số thì “mỗi nước phải được thuyết phục để đồng ý” – nếu cần, nước chưa đồng ý phải nhận được thêm một lợi ích nào đó để đổi lấy sự chấp thuận của nó. Như vậy, đồng thuận có nghĩa là “tất cả các nước đều chầp nhận quyết định, không có bất cứ sự phản đối nào”, bởi vì ai cũng đều có lợi.[10]
Đó là hình thức bề ngoài. Trên thực tế, lịch sử các hiệp định mậu dịch quốc tế trong WTO và tiền thân của nó –Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement on Tariff and Trade [GATT]) – nói lên tương quan sức mạnh hơn là lợi ích so sánh của các nước. Nó biểu hiện thế bá quyền của các nước phát triển, và vai trò chi phối của “Bộ tứ” (Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, Canada).[11] Stiglitz vạch rõ “thái độ hai mặt” của các nước phát triển hô hào tự do trao đổi: “Họ đàm phán bãi bỏ trợ cấp và giảm thuế quan trên những sản phẩm mà họ có lợi thế so sánh, nhưng ngại ngừng mở cửa thị trường và từ bỏ trợ cấp trong những lĩnh vực mà lợi thế so sánh thuộc về các nước đang phát triển. Kết quả là chế độ mậu dịch quốc tế hiện nay bất lợi về nhiều mặt đối với các nước đang phát triển” [Stiglitz 2005, tr. 41].
Thành hình năm 1947, GATT đã tập trung cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng công nghiệp mà ưu thế cạnh tranh thuộc về các nước phát triển. Còn các mặt hàng quan trọng đối với các nước đang phát triển, như nông sản hay hàng dệt may, thì bị đẩy ra ngoài đàm phán. Riêng về hàng dệt may, các nước phát triển đã bắt tay nhau để áp đặt thô bạo Thoả thuận về thương mại quốc tế đối với hàng dệt may bằng bông năm 1961, rồi Thoả thuận đa sợi (Multi-Fibre Arrangement [MFA]) năm 1973 là những văn bản công khai vi phạm luật chơi không phân biệt đối xử – nguyên tắc nền tảng của GATT (họ gọi đó là những “ngoại lệ”). Các “thoả thuận” này cho phép Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu hạn chế định lượng nhập khẩu hàng dệt may bằng chế độ hạn ngạch, mục đích là ngăn chận hàng xuất khẩu đến từ châu Á – khởi đầu là từ các “nước công nghiệp hoá mới” (new industrial countries) – Hàn Quốc Đài Loan, Hồng Kông –, sau đó là từ các “nước đang lên” (emerging countries) – Trung Quốc và ASEAN.[12]
Vào giữa các năm 80, khi lợi thế so sánh bắt đầu thay đổi trong hoạt động công nghiệp, các nước phát triển chuyển ưu thế canh tranh sang các ngành dịch vụ, các sản phẩm công nghệ cao và đầu tư ra nước ngoài. Tại vòng đàm phán Uruguay (1986-1994) chấm dứt GATT và sáng lập WTO, Bộ tứ đề nghị với các nước đang phát triển “một cuộc mặc cả lớn”. Các nước phát triển cam kết sẽ đưa hàng nông nghiệp vào đàm phán của WTO (Hiệp định về nông nghiệp (Agreement on Agriculture [AoA]) và bãi bỏ hoàn toàn chế độ hạn ngạch hàng dệt may vào năm 2005 (Hiệp định về hàng dệt và may mặc (Agreement on Textiles and Clothing [ATC]). Phía các nước đang phát triển cam kết mở cửa thị trường dịch vụ (Hiệp định chung về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (General Agreement on Trade in Services [GATS]), chấp nhận chế độ về quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights [TRIPs]) và không phân biệt đối xử với đầu tư nước ngoài (Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (Agreement on Trade-Related Investment Measures[TRIMs]).
WTO ra đời năm 1995 trong sự hồ hởi của chủ nghĩa tự do kinh tế toàn thắng, song tác động của nó không như các nước đang phát triển trông chờ. Họ cảm nhận rằng các hiệp định làm nền tảng cho WTO không hề cân đối: trong tổng lợi ích mà vòng Uruguay ước tính mang lại hàng năm cho toàn cầu, thế giới đang phát triển  quy tu 85% dân số hưởng được không đến một phần ba; cái “được” này lại tập trung vào số ít nước xuất khẩu quan trọng trong khi nhiều nước khác chịu tổn thất, mất mát.[13] Tương quan mậu dịch quốc tế ngày càng thêm bất bình đẳng: thế giới phía Bắc thu trên hàng hoá nhập từ các nước phía Nam một mức thuế quan bình quân cao gấp bốn lần so với hàng hoá thuộc các nước phía Bắc;[14] và tổng viện trợ phát triển của phía Bắc chỉ bù đắp một phần ba thiệt thòi đó của phía Nam [Stiglitz 2006, tr. 124-125].
Đối với vấn đề mà các nước đang phát triển bức xúc nhất, là hồ sơ nông nghiệp, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu lờ đi các cam kết: họ khư khư duy trì chế độ trợ cấp nông nghiệp (khoảng 300 tỷ USD/năm) và tiếp tục cạnh tranh bất chính với các nước đang phát triển: do được trợ cấp, giá nông sản do Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu xuất khẩu ở dưới mức giá sản xuất của những nước đang phát triển. Tại hội nghị WTO đầu tiên họp tại Singapore năm 1996, Bộ tứ lại lái chưong trình nghị sự vào những vấn đề không hề là trọng tâm của các nước phía Nam: đầu tư quốc tế, chính sách cạnh tranh, chế độ mua sắm của công, điều kiện làm cho thương mại dễ dàng (gọi là “những vấn đề Singapore”). Năm năm sau khi vòng Uruguay kết thúc, thế giới phía Nam nhận thức rõ rằng nó bị đánh lừa trong “cuộc mặc cả lớn”. Hội nghị Seattle năm 1999 đánh dấu một bước ngoặt: lần đầu tiên, các nước đang phát triển đã đương đầu với các nước phát triển và bác bỏ đề xuất của Bộ tứ mở ra một vòng đàm phán mới về tự do hoá thương mại (mang tên vòng Thiên niên kỷ). Trong khi đó, bên ngoài hội nghị, các tổ chức của xã hội dân sự thế giới xuống đường biểu tình ồ ạt, phản kháng WTO.
Với chuyển biến trong tương quan sức mạnh, từ nay, Bộ tứ phải thuyết phục các nước đang phát triển bằng cách quan niệm lại vòng đàm phán WTO: trọng tâm phải đặt vào phát triển, tự do hoá thương mại chỉ là một phương tiện. Thông qua tại hội nghị Doha năm 2001, tuyên bố khai mạc của vòng đàm phán “về phát triển” xác định “đặt nhu cầu và lợi ích của các nước đang phát triển vào trung tâm chương trình làm việc”, và “thương mại quốc tế có thể giữ vai trò to lớn trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và giảm bớt đói nghèo”.[15] Dù đặt chữ ký dưới bản tuyên bố này, nhiều nước phía Nam tỏ ra hoài nghi lời hứa của phía Bắc, và họ đã có lý. Một lần nữa, các nước phát triển nuốt lời cam kết của họ, trước tiên trong hồ sơ nông nghiệp. Năm 2002, Hoa Kỳ ra đạo luật tăng trợ cấp cho nông nghiệp lên gấp đôi. Đưa ra ra cùng năm đó, cuộc cải cách chính sách nông nghiệp chung của Liên hiệp châu Âu hoá ra chỉ là thay đổi hình thái, màu mè của những trợ cấp trước đây (chuyển trợ cấp nông sản thành trợ cấp nông dân).
Hội nghị Cancun năm 2003 chứng kiến phía Bắc từ chối nhân nhượng trên các hồ sơ mà các nước đang phát triển yêu cầu, mà lại đòi hỏi họ phải giảm thuế quan và mở cửa thị trường của một số hàng công nghiệp và dịch vụ; nó còn muốn áp đặt thêm những vấn đề Singapore. Từ “phát triển” đặt tên cho vòng đàm phán chỉ là bánh vẽ. Phản ứng của phía Nam: nó hình thành một mặt trận kết hợp các nhóm G 20, G 33 và G 90, mà lợi ích không nhất thiết trùng hợp, và lần đầu tiền các nước đang phát triển có được tiếng nói thống nhất trong cuộc đối đầu với các nước phát triển.[16]Lập trường chung của các nước phía Nam: từ chối giảm thuế quan và mở cửa những thị trường hàng công nghiệp và dịch vụ, ngày nào mà Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu chưa từ bỏ chính sách phá giá hàng nông nghiệp và chưa mở cửa thị trường nông sản của họ. Liên minh của các nước đang phát triển, thực hiện ở Cancun, có ý nghĩa lịch sử, bởi nó chấm dứt thế bá chủ của Bộ tứ trong WTO. Một thời kỳ dài, hơn nửa thế kỷ, đã kết thúc  thời kỳ mà các nước phát triển, liên minh với nhau, có thể áp đặt lên phần còn lại của thế giới những thoả thuận về mậu dịch quốc tế.[17]
Tại hội nghị WTO tiếp theo, họp tại Hồng Kông năm 2005, cuộc giằng co Bắc-Nam kéo dài, làm tê liệt mọi cuộc thương lượng, cho dù các nước phát triển rút hầu hết những vấn đề Singapore ra khỏi chương trình nghị sự. Quan điển của của các nước phía Nam là “thà không có thoả thuận, còn hơn là một thoả thuận tồi tệ”. Theo lịch trình dự kiến, vòng Doha sẽ kết thúc tại hội nghị WTO tháng 12 năm nay. Cuộc bầu cử cận kề của tổng thống Hoa Kỳ, cũng như lập trường của nước Pháp quyết bảo vệ đến cùng chính sách nông nghiệp chung của Liên hiệp châu Âu, khiến cho các nhà quan sát tiên đoán là sẽ không có gì động đậy từ đây đến cuối năm. Sau cái chết trong trứng nước của vòng Thiên niên kỷ, cái thảm bại được báo trước của vòng Doha đưa WTO vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, đặt lại vấn đề “tính chính đáng” và sự tồn tại của nó, chí ít dưới hình thái hiện nay.[18] Đối với Stiglitz, thế giới cần có một WTO theo kiểu khác để trả lời thách thức chân chính của vòng Doha: tổ chức thương mại thế giới như thế nào để nó phục vụ mục tiêu phát triển của các nước nghèo, chứ không phải chỉ là sân chơi ưu đãi các nước giàu.[19]

II. Hệ tư tưởng WTO
Với chức năng làm diễn đàn đàm phán các vấn đề thương mại đa phương, WTO thường nhấn mạnh rằng nó không dựa vào một chủ thuyết nào, cho dù là tự do hay bảo hộ mậu dịch. Trái với cái người ta có thể nghĩ, văn bản của hiệp định sáng lập WTO không có điều nào quy chiếu vào chủ thuyết tự do trao đổi cả. Ngược lại, có thể nhận định rằng quan niệm tổ chức thương mai đa phương, từ GATT cho đến WTO, khá xa lạ với tư tưởng cổ điển và tân cổ điển về mậu dịch quốc tế, và tương đối gần với tư tưởng Keynes, thậm chí với tư tưởng trọng thương (mercantilism).[20]
Trước tiên, cho rằng lợi ích của một nước tham gia ngoại thương là phát triển xuất khẩu, và hạn chế hàng nhập khẩu từ những nước cạnh tranh bất chính, là một cách đặt vấn đề thuần tuý trọng thương. Bởi, theo thuyết cổ điển và tân cổ điển thuần tuý, lợi ích của một nước xúc tiến tự do trao đổi không ở chỗ xuất khẩu mà ở chỗ nhập khẩu: đó là lợi ích mà ta có được khi mua một mặt hàng nước ngoài có giá thấp hơn món hàng đó nếu ta sản xuất nó ở trong nước. Cho nên, khác với tinh thần đàm phán của GATT và WTO, chủ thuyết chính thống về tự do trao đổi không hề đặt vấn đề có đi, có lại hay trả đũa nước đối tác khi nó bảo hộ thị trường của nó. Một nước bao giờ cũng có lợi khi quyết định loại bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan của nó, bất luận các nước khác chọn lựa làm gì. Tinh thần của tự do trao đổi, đúng ra, là “tự do trao đổi đơn phương”.[21]
Mặt khác, theo thuyết cổ điển và tân cổ điển, tự do trao đổi  ở cấp độ một nước cũng như ở cấp độ thế giới không cần một cơ chế tập trung có chủ đích điều tiết nó, bởi vì bản thân thị trường có khả năng tự điều tiết. Còn cho rằng hệ thống mậu dịch thế giới phải được tổ chức với những quy tắc đa phưong được định chế hoá là một quan niệm bắt nguồn từ chủ thuyết Keynes. Cũng cần nhắc rằng đề án đầu tiên tổ chức hệ thống thượng mại quốc tế là sáng kiến của Keynes năm 1942. Về sau, một phần kế hoạch của ông về Tổ chức thương mại quốc tế (International Trade Organisation [ITO])  gắn liền ban đầu với dự án ngân hàng trung ương thế giới, phát hành tiền tệ quốc tế bancor (International Clearing Union)  được tiến hành trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc và đưa đến ký kết Hiệp ước La Havana 1948: Thượng viện Hoa Kỳ không phê chuẩn nó, cho nên chỉ có chương 4 của hiệp ước này được đưa vào thực hiện dưới tên GATT, mà WTO là tổ chức thừa kế.[22]
Song giữa đề án ITO và WTO khoảng cách khá xa vời.[23] So với thời kỳ thế chiến thứ hai kết thúc, cục diện thế giới vào đầu những năm 90 đã thay đổi hoàn toàn: Liên Xô và hệ thống mang tên “xã hội chủ nghĩa” biến mất, chủ nghĩa tư bản toàn thắng, thế giới song cực không còn, các nước gọi là “thế giới thứ ba” phải một mình đối đầu với các nước tư bản phát triển. Trong những điều kiện đó, các nước này đã áp đặt quan điểm “tân tự do”, mà biểu tượng là Đồng thuận Washington (giữa ba định chế: Bộ tài chính Hoa Kỳ, IFM, WB). Biểu hiện điển hình ở WTO là những hiệp định TRIPs về thương mại hoá quyền sở hữu trí tuệ và GATS về thương mại hoá dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ công (giáo dục, ý tế, điện, nước, bưu điện, đường sắt...). Và tuy không hề khớp với quan niệm và thực tiễn của WTO, hệ tư tưởng tự do trao đổi chế ngự các vòng đàm phán từ đó.
Stiglitz cho rằng những người cổ vũ cho tự do trao đổi, ở WTO và các định chế quốc tế khác, vận dụng thổ thiển một kết luận của học thuyết cổ điển và tân cổ điển về mậu dịch quốc tế, theo đó “tự do hoá thương mại mang phúc lợi đến cho mọi nước”. Điều mà họ lờ đi là kết luận này của Ricardo trong thuyết về lợi thế so sánh, được công thức hoá sau đó vơí mô hình Hecksher - Ohlin - Samuelson, tuỳ thuộc vào nhiều giả định, trong đó Stiglitz nhấn mạnh đến giả thuyết về thị trường cạnh tranh hoàn hảo, mà đặc điểm là không có thất nghiệp và không có bất trắc.
* Học thuyết Ricardo về trao đổi quốc tế giả định rằng các nước đều ở trong trạng thái toàn dụng lao động trước khi mở cửa mua bán với nước ngoài. Lúc mở cửa và chuyên môn hoá theo lợi thế so sánh, mỗi nước phân phối lại lao động, chuyển lực lượng lao động từ một ngành có năng suất tương đối thấp sang một ngành có năng suất cao hơn, và sự gia tăng hiệu quả sử dụng lao động này tạo phúc lợi thêm cho các nước. Trong trường hợp một nước ở vào trạng thái khiếm dụng lao động – và đó là hoàn cảnh phổ biến ở các nước đang phát triển – lợi ích của nó có phải là chuyên môn hoá và dẹp bỏ ngành sản xuất không có lợi thế so sánh, trong khi thất nghiệp còn đầy dẫy? Hay là nước đang phát triển nên khai thác thương mại quốc tế để giảm thất nghiệp, phát triển ngành có lợi thế so sánh đồng thời duy trì ngành không có lợi thế đó?[24] Đối với Stiglitz, Ricardo và những người theo ông không giải đáp về mặt lý luận một vấn đề chốt: “hiệu ứng của tự do hoá thương mại trong những nền kinh tế không sử dụng hết những nguồn tài nguyên”  trước tiên là lao động [Stiglitz 2005, tr. 57].
* Nối tiếp Ricardo, học thuyết tân cổ điển xây dựng mô hình tự do trao đổi trong khung lý luận về thị trường cạnh tranh hoàn hảo mà giả định cơ bản là không có bất trắc; còn nếu có bất trắc, thì phải có những thị trường rủi ro hoàn hảo. Stiglitz cho đó là “thế giới huyền thoại”, bởi những bắt trắc không thể quy thành xác suất là bản chất của nền kinh tế thị trường. Thị trường bảo hiểm hoàn hảo không hề hiện hữu tại các nền kinh tế thị trường phát triển, huống chi là ở những nền kinh tế thị trường đang phát triển. Hơn thế, hiệu ứng trực tiếp rõ nhất của tự do hoá thương mại quốc tế là tăng tính bất ổn định kinh tế và tính bất an xã hội: nó giải thích vì sao bao nhiêu người phản kháng WTO ở mọi nơi trên thế giới. Stiglitz đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lao động: ở các nước tư bản phát triển, người lao động không thể mua bảo hiểm để đối phó với rủi ro mất việc làm, song cuộc đấu tranh của phong trào công nhân đã đưa đến một chế độ bảo hộ xã hội bù đắp đôi phần những mất mát của người thất nghiệp; còn tại các nước đang phát triển, nhà nước không có phương tiện và người thất nghiệp phải tự xoay xở lấy. Trong những điều kiện kinh tế đầy bất trắc, có thể chứng minh rằng “tự do trao đổi đưa mỗi cá nhân đến một trang thái tồi tệ hơn, theo tiểu chuẩn Pareto, so với khi còn tự cung, tự cấp” [Stiglitz 2005, tr.58].
Sử dụng phương pháp kinh trắc học, các nhà kinh tế đã thử xác minh mối liên hệ tích cực giữa tự do thương mại và tăng trưởng kinh tế, nhằm chứng dẫn rằng “các nước tự do hoá thương mại càng nhiều thì tăng trương kinh tế càng cao”. Khi tổng kết những công trình nghiên cứu này, hầu hết các nhà kinh tế công nhận rằng kết quả không có xác chứng. Bởi đó là một mối liên hệ phức tạp, hiệu ứng của tự do hoá thương mại trên tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác. Và nếu các công trình thống kê đã chứng minh được tầm quan trọng của những nhân tố như giáo dục, y tế, định chế, địa lý..., vai trò của tự do hoá mậu dịch quốc tế vẫn là điều tranh cãi và, theo Stiglitz, “hầu như chắc chắn rằng nó không phải là nhân tố quan trọng nhất”. Song, ở chiều ngược lại, các nghiên cứu nói trên cũng không xác minh mối liện hệ giữa bảo hộ mậu dịch và tăng trưởng kinh tế. Kinh trắc học không mang đến những trả lời rõ ràng cho các vấn đề nêu lên  ngoài việc loại trừ lập trường cực đoan ở hai phía, tự do hoá thương mại hoàn hảo và tự cung tự cấp tuyệt đối. [Stiglitz 2005, tr. 66-69].
Xét về mặt lịch sử kinh tế, không có nước giàu hiện nay nào đã công nghiệp hoá bằng con đường tự do hoá mậu dịch  từ Anh, Mỹ cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả đã phát triển với những chính sách mà hiện nay họ ngăn cản các nước nghèo sử dụng để phát triển: bảo hộ ngành công ghiệp non trẻ, trợ giúp xuất khẩu, kiểm soát đầu tư nước ngoài, giới hạn quyền sở hữu trí tuệ.[25] Như cách nói hình tượng của Chang Ha-Joon: “Không khác nào là các nước phát triển, khi đạt tới đỉnh, đá hất đi cái thang mà họ đã leo lên, để các nước khác không thể trèo theo”.[26] Nhắc lại “quá khứ bảo hộ chủ nghĩa” của các nước phát triển, tất nhiên, không có nghĩa là các chính sách thương mại đề ra mang tính tối ưu và nhà nước vận dụng chúng không có khiếm khuyết. Nhưng, chí ít, nó cho thấy con đường phát triển lịch sử không ăn nhập gì với lý luận tân cổ điển. Stiglitz quan tâm đến hai ví dụ hiện nay:
- Trung Quốc, nước hội nhập thành công vào hệ thống thương mại quốc tế với chiến lược riêng, không theo chỉ dẫn của Đồng thuận Washington. Trong chiến lược phát triển của Bắc Kinh, “tự do hoá thương mại không hề là nguyên nhân của tăng trưởng”: nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng nhanh vào cuối thập niên năm 70; tự do hoá thương mại khởi đầu vào cuối thập niên 80 và chỉ thật sự vận động trong thập niên 90, tức là sau khi tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc mạnh [Stiglitz 2005, tr. 73].[27]
- Mêhicô, nước tham gia Hiệp định tự do trao đổi Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement [NAFTA]) năm 1994. Mười năm sau, nền kinh tế Mêhicô tăng trưởng thấp hơn những thập niên trước (giai đoạn 1948-1973), tiền lưong bình quân thực tế giảm, đói nghèo tăng; khu vực tăng trưởng cao nhất, là công nghiệp, mất một phần ba số việc làm so những năm đầu của hiệp định. Theo Stiglitz, hai bài học có thể được rút ra từ kinh nghiệm này: (1) “Tự do hoá thương mại, tự nó, không đảm bảo tăng trưởng kinh tế”; hiệu ứng của nó có thể bị những nhân tố khác vô hiệu hoá. (2) “NAFTA, thực ra, không hề là một hiệp định trao đổi tự do”; trong nông nghiệp, vận dụng chế độ trợ cấp, Hoa Kỳ xuất nông sản (như bắp) với mức giá thấp hơn giá của thị trường nội địa Mêhicô; đồng thời, vận dụng các biện pháp phi-mậu dịch, Hoa Kỳ ngăn chận nông sản (như cà chua) nhập từ Mêhicô [Stiglitz 2005, tr. 54-55].[28]
Stiglitz cho rằng các nhà kinh tế đã học hỏi nhiều điều về quá trình phát triển kinh tế, song còn nhiều điều họ chưa hiểu biết. Bởi mối liên hệ giữa thương mại và tăng trưởng vẫn là một vấn đề mở, họ “nên để cho các nước đang phát triển tự do xây dựng chiến lược riêng tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mỗi nước” [Stiglitz 2005, tr. 47]. WTO không nên hạn chế chủ quyền các nước phía Nam chọn lựa con đường phát triển của họ. Trong hướng đó, WTO cần trước hết đáp ứng yêu cầu lâu nay và cấp thiết của phía Nam và xã hội dân sự thế giới: tổng kết một cách chi tiết và rõ ràng kết quả thực hiện các hiệp định vòng Uruguay – đặc biệt là hiệu ứng đối với các nước đang phát triển –, trước khi bàn tới một vòng đàm phán mới (hiệp định thành lập WTO hứa tiến hành tổng kết đó trễ nhất vào năm 1999). Điều khẩn trương hiện nay không phải là tự do hoá thương mại, mà là làm rõ sự thật về công cuộc tự do hoá trong mười hai năm qua.

III. Sân chơi và luật chơi WTO
Đối với các nước phía Nam, WTO thường giới thiệu nó như là một hệ thống đa phương vận động theo quy tắc pháp chế, chứ không phải theo tương quan về quyền lực. Nó giảm bớt tính bất bình đẳng giữa nước nghèo và nước giàu trong các thương lượng song phương: “Thiếu một cơ chế đa phương như WTO, các nước mạnh hơn sẽ càng được tự do đơn phương áp đặt ý muốn của họ cho các nước yếu hơn”.[29] Lập luận rằng không nước nào bị buộc phải vào khuôn khổ pháp quyền này và nước nào cũng có quyền đi ra nếu thấy không có lợi, WTO nhận xét: chưa thấy nước nào sử dùng quyền đó, chỉ thấy các nước chen chân xin gia nhập. Đúng vậy, nhưng đỡ tệ không có nghĩa là tốt.
Vả lại, Stiglitz, cũng như phần lớn phong trào toàn cầu hoá theo cách khác, không chủ trương dẹp bỏ WTO mà đặt vấn đề cải cách nó như thế nào mà các nước nghèo có được điều kiện để phát triển. Cơ chế bình đẳng về pháp quyền không thể che lấp sự thống trị của các nước tư bản phát triển. Cho nên, vượt lên tính bình đẳng hình thức, Stiglitz nêu lên vấn đề “công bằng”, mà ông hiểu theo tiêu chuẩn của J. Rawls[30] và định nghĩa như sau: “Mọi thoả thuận gây hại nhiều hơn cho các nước đang phát triển, hoặc mang lợi nhiều hơn cho các nước phát triển (thu hoạch ròng của một nước được tính theo phần trăm tổng sản phẩm trong nước [GDP] của nó) phải được xem là phi công bằng” [Stiglitz 2005, tr. 114]. Một chủ trương được coi là công bằng khi nó mang đến cho nước nghèo một phần lợi, theo tỷ lệ, lớn hơn phần của nước giàu. Cho đến nay, các nước phát triển đã hưởng phần lớn những lợi ích do các hiệp định thương mại tạo nên, sự công bằng đòi hỏi bây giờ họ đóng góp nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Nói cách khác, tinh thần thương lượng mậu dịch giữa nước phát triển và nước đang phát triển không thể là “có đi, có lại” hoàn toàn.
Vấn đề đã từng được nêu lên trong phần IV của Hiệp định GATT (“Thương mại và phát triển”) theo đó các nước phát triển “không được đòi hỏi có đi có lại” trong đàm phán thương mại với các nước đang phát triển.[31] Trong hiệp định thành lập WTO, nguyên tắc được nhắc lại qua khái niệm “Đối xử đặc biệt và khác biệt” [SDT]. Và khi đặt trọng tâm vòng đàm phán vào “phát triển”, tuyên bố Doha năm 2001 đương nhiên phân biệt nước nghèo với nước giàu với tinh thần nước giàu phải đối xử ưu đãi với nước nghèo: điều 44 của bản tuyến bố xác định rằng “những quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt nằm trong các hiệp định WTO” và sẽ được vòng đàm phán xem xét lại “nhằm củng cố chúng, làm cho chúng rõ ràng hơn, hiệu quả hơn và mang tính tác chiến nhiều hơn”.[32] Tất nhiên, đó chỉ là diễn từ và SDT đã nhanh chóng biến mất khỏi chương trình nghị sự. Cải cách WTO theo kiểu khác chính là nhằm biến lời cam kết nói trên thành hiện thực có hệ thống của quan hệ Nam - Bắc.
Với mục đich đó, Stiglitz xem xét lại sân chơi và các luật chơi của WTO. Không công bằng bắt đầu tự chỗ chọn sân chơi: quyết định sân chơi là các nước phát triển, do họ làm chủ chương trình nghị sự các hội nghị (chí ít cho đến Cancun). Nhờ đó, các cuộc đàm phán cho đến nay tập trung vào những lĩnh vực mà các nước phát triển quan tâm, thay vì những vấn đề trọng tâm của các nước đang phát triển. Vì sao WTO bàn nhiều về lưu thông vốn và có hiệp định TRIMs bảo vệ đầu tư nước ngoài (lợi thế của các nước phát triển), mà hầu như không nói đến lưu thông lao động và không có hiệp định tương đương bảo về người lao động nhập cư (lợi thế của nước đang phát triển)? Và khi hiệp định GATS về thương mại hoá dịch vụ đề cập đến xuất khẩu lao động, vì sao WTO chỉ quan tâm đến việc đi lại của người lao động chuyên môn cao (lợi thế của các nước phát triển), và loại ra khỏi chưong trình nghị sự vấn đề đi lại của người lao động không chuyên môn (lợi thế của các nước đang phát triển)? Chương trình nghị sự của một vòng đàm phán thực sự chú tâm vào phát trển sẽ rất khác Doha hiện nay. Trước hết, nó sẽ thu gọn các lĩnh vực đưa ra đàm phán, bởi các nước đang phát triển không có phương tiện để thương lượng hữu hiệu trên quá nhiều hồ sơ cùng lúc. Mặt khác, nó sẽ loại bỏ những lĩnh vực không phải trọng tâm của các nước đang phát triển như: các vấn đề Singapore, những vấn đề đầu tư quốc tế và tự do hoá thị trương vốn, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ... Vả lại, theo Stiglitz, các hiệp định TRIMs (đầu tư), TRIPs (sở hữu trí tuệ) và GATS (dịch vụ) cần được thương lượng lại, bởi chúng gồm nhiều điều thiệt thòi cho các nước đang phát triển. [33]
Không ít luật chơi WTO mang tính phi công bằng rõ rệt. Hãy xét, với Stiglitz, vài trường họp liên quan đến thủ tục đàm phán, biện pháp bảo vệ và điều kiện gia nhập.
- Lấy lý do rằng không thể tổ chức đàm phán cùng lúc với hàng trăm nước, WTO đã đặt ra thủ tục gọi là “phòng xanh” cho phép Bộ tứ tổ chức thương lượng riêng và trực tiếp với một số nước phía Nam mà họ chọn: bị “nhốt” suốt đêm với đại diện Bộ tứ trong phòng đàm phán (thường màu xanh lá cây) của WTO, bộ trưởng thương mại của nước “được” chọn buộc phải đi họp một mình, các chuyên gia cố vấn không được tham dự.[34] Tuy, hiện nay, thủ tục này chính thức không còn, thực tiễn thương lượng không công khai và dưới sức ép vẫn tiếp tục, mục đích là tách nước phía Nam này ra khỏi những nước khác. Ngoài ra, thế yếu trong đàm phán của các nước đang phát triển xuất phát cơ bản từ trạng thái “thông tin không cân xứng” giữa các nước phía Bắc và phía Nam. Tại trụ sở Genève của WTO, Hoa Kỳ có một đoàn đại diện thường trực gồm 150 cán bộ, trong khi hơn ba mươi nước phía Nam không có được một đại diện thường trực; và tại hội nghị Cancun, đối mặt với 500 đại biểu Hoa Kỳ, hầu hết các nước phía Nam không có khả năng huy động nhân sự, hiểu biết và tài chính cần thiết để vào cuộc chơi trên thế bình đẳng. Muốn khắc phục phần nào quan hệ phi cân xứng đó, WTO – theo Stiglitz – cần tạo ra trước hết một cơ quan có nhiệm vụ đánh giá khách quan tác động trên các nước của mỗi đề nghị đưa ra thảo luận giữa các nước phía Bắc và phía Nam.
- Những nước hô hào tự do trao đổi mạnh nhất cũng là những nước biết vận dụng chế độ bảo hộ một cách hệ thống nhất, căn cứ vào quyền bảo vệ mậu dịch mà WTO công nhận, chống lại cạnh tranh không chính đáng: quyền tự vệ, quyền chống trợ cấp, quyền chống phá giá. Song, các biện pháp nhằm bảo đảm mậu dịch công bằng thường biến dạng để phục vụ thương mại phi công bằng, và chận đứng những mặt hàng có tính cạnh tranh của phía Nam đã chiếm được thị phần ở phía Bắc: khi sản phẩm của một nước đang phát triển xâm nhập thành công thị trường Hoa Kỳ hay Liên hiệp châu Âu, biện pháp chống phá giá, hay một chướng ngại phi thuế quan khác, lập tức đánh vào nó. Stiglitz nhắc lại vụ cá ba sa của Việt Nam: Vào những năm 90, Việt Nam đã xâm nhập thị trường cat-fish Hoa Kỳ, thị phần lên đến 20%. Thượng viện Mỹ ra đạo luật quy định rằng chỉ có cat-fish của Mỹ mới được bán dưới tên gọi “cat-fish”. Một cách khá thông minh, Việt Nam trở lại thị trường Mỹ với tên cá mới là “ba sa”, và hình ảnh của một sản phẩm chất lượng cao, bán với giá cũng cao hơn, đánh bại catfish của Mississipi. Cùng đường, Hoa Kỳ rút ra vũ khí chống phá giá, tố cáo Việt Nam xuất khẩu cá dưới giá thành của nó. Điều quyết định ở đây là đưa ra chứng cứ theo đó chi phí sản xuất hàng cao hơn giá xuất khẩu của nó sang Mỹ: lấy cớ rằng kinh tế Việt Nam, Trung Quốc và Đông Âu cựu xã hội chủ nghĩa chưa phải là những nền “kinh tế thị trường,” Hoa Kỳ từ chối căn cứ vào chí phí sản xuất nội địa, và lấy chi phí sản xuất của “một nước thay thế” làm chuẩn (trong hồ sơ chống phá giá đối với túi kéo đựng gậy golf nhập khẩu từ Ba Lan, họ đã chọn Canada làm chuẩn, trong khi giá cả ở nước này cao đến mức mà nó không có khả năng sản xuất loại túi kéo đó). Stiglitz vạch rõ cách xử lý khác nhau của luật pháp chống phá giá Hoa Kỳ đối với nội thương và ngoại thương: nếu lấy chuẩn tắc xét xử hàng nội hoá mà áp dụng cho hàng nhập khẩu thì Mỹ sẽ bị xử phạt trong hầu hết các vụ kiện nước ngoài phá giá; và nếu mang chuẩn tắc, mà Hoa Kỳ dùng trong ngoại thương, để xét các vụ kiện nội thương thì phần lớn các hãng ở Mỹ sẽ bị kết án là phá giá. Với kinh nghiệm làm việc trong chính quyền Clinton, Stiglitz không ngần ngại cho rằng: “Chúng ta [người Mỹ] vừa là biện lý buộc tội, vừa là thẩm phán xét xử, vừa là ban hội thẩm, và quy tắc về chứng cứ của chúng ta sẽ làm cho ‘người phân xử’ trong một ‘tòa án’ của mafia phải xấu hổ đỏ mặt”. Đề xuất của ông là phải giao các vụ kiện chống phá giá cho một toà án quốc tế: để cho toà án của chính nước phát đơn kiện xét xử là điều không thể chấp nhận trong thế giới cai quản theo pháp chế [Stiglitz 2006, tr. 144-145].
- Tự hào là một tổ chức căn cứ trên những quy tắc chung, WTO lại không có tiêu chuẩn khách quan và thủ tục rõ ràng để kết nạp thành viên. Khuyết điểm này tạo cơ hội cho các nước phía Bắc áp đặt thêm những điều kiện gia nhập mà các nước đã là thành viên không phải tôn trọng, gọi là “WTO-cộng”. Riêng Hoa Kỳ thường áp đặt trong các hiệp định song phương những điều kiện không có ở WTO, rồi biến chúng thành những điều kiện gia nhập WTO. Như trong hiệp định mậu dịch Viêt-Mỹ, Việt Nam đã chấp nhận những cam kết về quyền sở hữu trí tuệ cao hơn những điều trong hiệp định TRIPs, gọi là “TRIPs-cộng”: khi Việt Nam được kết nạp vào WTO, cam kết này trở thành một ràng buộc cho các nước sẽ vào sau. Còn trong hiệp định đầu tư Việt-Nhật, ta chấp nhận từ bỏ những điều kiện buộc nhà đầu tư nước Nhật phải xuất khẩu 50% sản phẩm và mang vào những công nghệ mới nhất (điều khoản này sẽ tự động chuyển thành cam kết của Việt Nam với mọi nước khác chứ không chỉ dành riêng cho Nhật Bản).[35] Gia nhập WTO, Việt Nam đã buộc phải cam kết thêm nhiều điều khác: bãi bỏ ngay mọi trợ cấp trong xuất khẩu nông sản (các nước thành viên khác đến năm 2013 mới cắt giảm); từ bỏ quyền sử dụng biện pháp tự vệ trong nông nghiệp (các nước thành viên khác vẫn giữ quyền đó). Vào WTO, Trung Quốc đã phải chấp nhận: giảm thuế quan trên nông sản ở dưới mức mà các thành viên khác có cam kết; quyền của các nước khác áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với hàng mà Trung Quốc xuất khẩu. Thuộc nhóm các nước kém phát triển nhất (Least-developed countries [LLDCs]), Campuchia cũng phải chấp nhận: từ bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản (Hiệp định về nông nghiệp AoA quy định đó là quyền của các LLDCs); áp dụng hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ TRIPs trong thời hạn ba năm (Tuyên bố Doha quy định các thành viên LLDCs được thời hạn đến năm 2016); có cam kết về dịch vụ nghe nhìn và dịch vụ phát hành trong hiệp định GATS (không một nước đang phát triển nào có cam kết trong lĩnh vực này cả). Cũng phải nói phạm trù phân biệt đối xử “kinh tế thị trường / phi thị trường”, không có trong các văn kiện WTO, mà Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu tự đặt ra để vận dụng một cách tuỳ tiện trong các vụ kiện Việt Nam hay Trung Quốc bán phá giá (thay vì so sánh giá xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ với giá bán ở Việt Nam, Hoa Kỳ dùng giá bán ở một nước khác, miễn là có lợi cho nó).
Đối với Stiglitz, một WTO theo kiểu khác là một WTO hạn chế đàm phán vào các vấn đề liên quan đến thương mại và góp phần vào phát triển: tất cả những gì có hiệu ứng tiêu cực trên các nước đang phát triển phải bị loại ra khỏi chường trình nghị sự. Ông đề xuất một quan điểm mở cửa thị trưởng một cách công bằng hơn, theo đó mỗi thành viên WTO sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường của mình cho những hàng hoá đến từ các nước nghèo hơn và nhỏ hơn”. Nói cách khác, “các nước đang phát triển sẽ xuất khẩu tự do vào thị trường của các nước có GDP cao hơn và GDP/người cao hơn”. Trong điều kiện đó, các nước nghèo nhất và nhỏ nhất sẽ có được thu hoạch quan trọng nhất, và các nước giàu nhất và lớn nhất sẽ phải tự do hoá thương mại nhiều hơn cả. [Stiglitz 2005, tr. 135 và150-151]

Thay lời kết luận
1. Hai tác phẩm năm 2005 và 2006 của Stiglitz không phải là những văn bản lý luận, mà nhắm đến công chúng rộng rãi. Cho nên có thể và đã có những phê phán trên bình diện học thuật, khi Stiglitz sử dụng thống kê đôi lúc thiếu chính xác; hay lúc ông đưa ra lập luận đôi khi thiếu chặt chẽ. Song điều quan trọng, ở đây, là cách đặt vấn đề của Stiglitz có xác đáng hay không? Cải cách WTO cho nó “công bằng” hơn, nhằm tạo điều kiện để các nước nghèo phát triển, thay vì chỉ làm sân chơi ưu đãi của các nước giàu – theo tôi – là một cách đặt vấn đề vừa xác đáng, vừa chính đáng. Tất nhiên, tương quan về quyền lực trên thế giới hiện nay, tuy có chuyển biến từ Cancun, chỉ cho phép tiến từng bước. Đó là mục tiêu đấu tranh mà Stiglitz đề nghị không riêng cho các nước phía Nam. Ông nhắm trước hết dư luận sáng suốt ở các nước phía Bắc: bởi cái mà những nước tư bản phát triển đã làm sau thế chiến thứ hai – điều tiết nền kinh tế thị trường với những định chế chính trị - xã hội trong khuôn khổ của mỗi nước , tại sao họ không thể xây dựng trong khuôn khổ toàn cầu với những định chế chính trị - xã hội quốc tế thích ứng?
Hai tác phẩm của Stiglitz còn chứa đựng một chủ đề quan trọng khác mà bài viết này không đề cập ở đây: đó là mối liên hệ giữa tự do hoá thương mại và tăng trưởng kinh tế với bất bình đẳng xã hội và đói nghèo. Trong cuộc chơi WTO, có nước thắng cuộc và nước thua cuộc, nhưng không chỉ thế: ở các nước nhìn tổng thể là thắng cuộc, có người “được” và người “mất”; và ở các nước nhìn tổng thế là thua cuộc, cũng có người “mất”và người “được”. Nói chung, tự do hoá thương mại gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Sau khi giảm nhiều trong giai đoạn tăng trưởng ban đầu, đói nghèo ở một số nước đang phát triển – như Việt Nam và Trung Quốc – phải chăng sẽ ngừng giảm, hay thậm chí tăng trở lại? Đó là một đề tài nên khảo sát ở một lần hội thảo hè tiếp theo.
2. Riêng đối với Việt Nam, cách đặt vấn đề của Stiglitz về WTO không đối lập với cách đặt vấn đề hiện nay của đảng cầm quyền. Chúng bổ sung cho nhau. Vấn đề của Việt Nam không chỉ là thực thi những cam kết mà ta đã thoả thuận; đó không chỉ là tôn trọng các luật chơi mà ta đã công nhận. Vấn đề của Việt Nam còn là đấu tranh cải cách sân chơi WTO cho nó bình đẳng hơn; đó còn là thay đổi luật chơi để WTO công bằng hơn đối với các nước đang phát triển.
Đặt vấn đề này ra, chí ít, có một hệ luận. Trước hết, đàm phán WTO không chỉ là vấn đề của nhà nước, mà còn là vấn đề của xã hội dân sự Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh cải cách WTO, nhà nước có những ràng buộc của nó, cho nên cần một xã hội dân sự để thúc đẩy nó; cần những tổ chức phi chính phủ có tính phản biện cao. Đó là điều kiện để đảm bảo thành công tại WTO. Và, trước mắt, điều có thể tiến hành ngay là cung cấp cho dư luận bản dịch tiếng Việt của hai bộ sách Stiglitz.
Đồng thời, Việt Nam phải hội nhập vào xã hội dân sự thế giới. Trong một bài bình luận đăng trên VietNamNetngày 27.1 2007 và phản ảnh quan điểm của chính phủ, người ta có thể đọc rằng Việt Nam đứng trước chọn lựa giữa Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), họp hàng năm tại Davos (Thụy Sĩ), và Diễn đàn xã hội thế giới (World Social Forum), lúc ấy họp tại Nairobi (Kenya), là tập họp của các tổ chức phi chính phủ chủ trương toàn cầu hoá theo cách khác. Cũng theo bài đó, sự kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi đến Davos đã nói lên rõ ràng chọn lựa của Việt Nam. Nhưng tại sao phải chọn lựa? Ai buộc Việt Nam phải chọn lựa? Ngay nhiều nước tư bản phát triển có đại diện của chính phủ tại hai diễn đàn, Việt Nam tại sao không thể làm điều đó? Huống chi là kinh nghiệm, chí ít từ Seattle, cho thấy rằng nếu không có sức ép và cuộc vận động của xã hội dân sự thế giới, khó lòng WTO bước vào con đường cải cách vì công bằng.[36]
Bởi vì, nói cho cùng, WTO là gì, nếu không phải là cái mà các thành viên của nó tạo ra? WTO là cái mà các nhà nước và xã hội dân sự những nước thành viên của nó làm nên.
Tháng 7 2007

Chú thích 
[1] Theo cách nói của bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển (VietNamNet, 4.1 2007)
[2] Bài viết của Phan Minh Ngọc, khoa kinh tế, trường đại hoc Kyushu, Nhật Bản (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 24.8 2006)
[3] Bài viết của Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp bộ kế hoạch và đầu tư (Thời báo kinh tế Sài Gòn, 31.8 2006)
[4] J. Stiglitz, Fair trade for all. How trade can promote development, (viết cùng với Andrew Charlton), Oxford University Press 2005; bản dịch tiếng Pháp: Pour un commerce mondial plus juste, Fayard 2007. J. Stiglitz, Making globalization work, W.W. Norton 2006; bản dịch tiếng Pháp: Un autre monde. Contre le fanatisme du marché, Fayard 2006. Các chỉ dẫn về trang trong bài viết là của bản dịch tiếng Pháp.
[5] Trong Wither socialism? [1996], Stiglitz vận dụng kinh tế học thông tin để phân tích sự thất bại của mô hình về chủ nghĩa xã hội áp dụng vào các nước Đông Âu. Đồng thời ông cũng phê phán sai lầm của mô hình tân cổ điển về cạnh tranh thị trường sử dụng để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A, Chủ nghĩa xã hội đi về đâu (Tủ sách SOS², 2003). Xem: www.talawas.org
[6] Ở chiều ngược lại, bộ trưởng tài chính Larry Summers đánh giá Stiglitz là người “lạc hậu” đi theo Keynes, và tố cáo ông đã “làm chậm trễ quá trình bình ổn các nền kinh tế phía Nam” khi chống lại các nguyên tắc cổ điển về phi quy định hoá thị trường vốn và phi nhà nước hoá khu vực công.
[7] Stiglitz gắn liền “con đường thứ ba” với một số gương mặt lãnh đạo chính trị: Bill Clinton (đảng Dân chủ Mỹ), Tony Blair (Công đảng Anh), Gerhard Schroeder (đảng Dân chủ xã hội Đức).
[8] Năm 1999, bà Aileen Kwa, một trách nhiệm khác của Focus on global south, có khuyên Việt Nam đừng vào WTO, vì sẽ như “một đội bóng thiếu nhi 5 tuổi đấu với đội người lớn 20 tuổi”, chắc chắn sẽ thua.
[9] Gần với quan điểm của Stiglitz, có thể kể đến Susan George (Remettre l’OMC à sa place, Mille et une nuits, 2005) thuộc tổ chức phi chính phủ Attac (Pháp); hay Oxfam (Anh) là tổ chức có nhiều báo cáo quan ngại về những điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, như: ‘Tống tiền ở cửa vào’ (Extortion at the gate: Will Vietnam join the WTO on pro-development terms?, 2004) và ‘Hãy làm như tôi nói, chớ làm như tôi làm’ (Do as I say, not as I do: The unfair terms of Vietnam entry to WTO, 2005). Cũng có thể kể đến: UNDP, Các quy định thương mại tuỳ tiện. Chống phá giá và quy chế nền kinh tế thị trường áp đặt cho Việt Namhttp://www.undp.org.vn/undpLive/digitalAssets/6459_00612_-_antidumping_v_.pdf
[10] WTO, Mười điều thường hiểu sai về WTOwww.wto.dddn.com.vn
[11]Xem Mehdi Abbas, ‘L’agenda de l’Organisation mondiale du commerce et l’économie politique internationale’,  Annuaire français des relations internationales, tháng 4 2002. Theo tác giả, bá quyền của Bộ tứ có tính định chế: các nước thuộc Bộ tứ “tạo ra thể chế” (regime makers) còn lại là những nước “chấp nhận thể chế” (regime takers) [tr. 735].
[12]Xem Đỗ Tuyết Khanh, ‘Ngành dệt may sau 2004: viễn tượng và thách thức’, Thời Đại Mới, số 2, tháng 7/2004. Cập nhật: Ngày 1.1 2005, chế độ hạn ngạch MFA chính thức chấm dứt thì chỉ vài tháng sau, lấy cớ “tự vệ”, Hoa Kỳ (một cách đơn phương) và Liên hiệp châu Âu (qua thương lượng) lập lại biện pháp hạn ngạch tạm thời đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lý do nêu lên hoàn toàn không chính đáng: các mặt hàng dệt may của Trung Quốc tràn vào thị trường Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu không hề gây “thiệt hại nghiệm trọng cho các nhà sản xuất nội địa”, bởi từ lâu nay họ đã mất tính cạnh tranh và hầu như vắng mặt trên thị trường. Tác động chủ yếu của nhập khẩu từ Trung Quố tăng vọt là làm giảm lượng hàng dệt may mà Mỹ và châu Âu mua từ các nước đang phát triển khác (trong đó có Việt Nam) – tổng thể sản lượng nhập khẩu không xê xích bao nhiêu.
[13] Theo Stiglitz, hiệu ứng của những hiệp định WTO là gây cho các nước châu Phi phía Nam Sahara mất mát 1,2 tỷ USD/năm.
[14] Năm 2001, theo Stiglitz, hàng dệt may và giày dép, tuy chỉ chiếm có 6,5% kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, đã phải trả gần phân nửa tổng thuế nhập khẩu do chính phủ Mỹ thu. Và, mặc dù giá trị giày dép nhập khẩu chỉ bằng một phần mười kim ngạch nhập xe ô-tô, chính phủ Mỹ đã thu trên giày dép nhiều thuế nhập khẩu hơn là trên xe ô-tô.
[15]  WTO, Hội nghị bộ trưởng Doha 2001: Tuyên bố của các bộ trưởng, WT/MIN(01/DEC/1 2001.
[16]Nhóm Cairnes (hình thành từ năm 1986): gồm 17 nước xuất khẩu nông sản quan trọng thuộc thế giới phát triển (Canada, Australia, Tân Tây Lan...) và thế giới đang phát triển (châu Mỹ: Brasil, Argentina, Chi Lê...; châu Á: Thái Lan, Malaysia, Indonesia...; châu Phi: Nam Phi). Nó bảo vệ chủ trương tự do hoá các thị trường nông sản.
- Nhóm G20: gồm 19 nước đang phát triển, trong đó có các nước đang phát triển thuộc nhóm Cairnes và một số nước đang phát triển thuộc G33 (như Ấn Độ và Trung Quốc). Nó thực hiện sự nối kết giữa các nước đang phát triển của nhóm Cairnes và các nước đang phát triển khác.
- Nhóm G33: gồm 42 nước đang phát triển, trong đó có những nước của G20 không thuộc nhóm Cairnes và một số nước của G90. Nó bảo vệ quyền bảo hộ nông nghiệp của các nước đang phát triển.
- Nhóm G90: gồm 79 nước đang phát triển, trong đó có các nước kém phát triển nhất. Được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, các nước này e ngại chủ trương giảm thuế quan của G20 làm họ mất ưu thế hiện có.
[17]Xu hướng hiện nay là hình thành mộ Bộ tứ “mới” gồm Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, đại biểu cho các nước phát triển, Brasil và Ấn Độ, đại biểu cho các nước đang phát triển.
[18]Mehdi Abbas, ‘De Doha à Cancun: Eléments d’analyse de la crise du multilatéralisme commercial et de l’Organisation mondiale du commerce’, AFRI 2005, tr. 880.
[19]Trong hướng ngược lại, M. Abbas [tài liệu vừa dẫn, tr. 895-896] cho rằng WTO không kham nổi mục tiêu phục vụ phát triển. Vòng Doha đã thất bại và WTO bị tê liệt chính vì nhiệm vụ gán cho nó nằm ngoài năng lực của nó: “WTO không có gì để đề xuất trên bình diện phát triển cả”.
[20]J.M. Siroen, L’OMC et la mondialisation des économies, IRES và CFE-CGC, 1998.
[21]Jagdish Bhagwati, Protectionism, MIT Press, 1988; bản dịch tiếng Pháp, Protectionnisme, Dunod 1990, tr. 23-33.
[22] Susan George, ‘Une autre organisation du commerce était possible...’, Le Monde Diplomatique, tháng 1 2007.Xem thêm: Susan Ariel Aaronson, Trade and the American dream: A social history of postwar trade policy, UP Kentucky 1996.
[23]Khác biệt đáng chú ý nhất đối với WTO hiện nay là ITO gắn mậu dịch thế giới với những mục tiêu về phát triển, toàn dụng lao động, tiến bộ xã hội. Nó nhấn mạnh đến những phương tiện nhằm giảm thất nghiệp, cải thiện tiền lương, ấn định quy chuẩn lao động.
[24]Trong ví dụ cổ điển của Ricardo với 2 nước (Anh và Bồ Đào Nha) và hai sản phẩm (vải và rượu), Bồ Đào Nha có lợi thế tuyệt đối trong cả hai sản phẩm, song lợi thế so sánh là ngành rượu, cho nên, trong chuyên môn hoá quốc tế, Bồ đào Nha chỉ sản xuất rượu và Anh chỉ sản xuất vải. Nếu Bồ Đào Nha ở trong trạng thái thất nghiệp thì lợi ích của nó không phải là chuyển lực lượng lao động từ ngành vải sang ngành rượu, mà là sử dụng lao động thất nghiệp để sản xuất thêm cả rượu lẫn vải, và xuất khẩu hai sản phẩm qua Anh. Nếu nước Anh muốn duy trì công ăn việc làm, nó phải từ bỏ ngoại thương và trở về tự cung tự cấp.
[25]Kinh tế gia trưởng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc [UNDP] ở Việt Nam, Jonathan Pincus, nhắc rằng: “Không có nước giàu nào trả tiền sở hữu trí tuệ khi họ bắt đầu công nghiệp hoá. Nhật Bản thì nhập khẩu và sao chép công nghệ của Đức. Hàn Quốc thì nhập và chép công nghệ của Nhật. Mỹ thì nổi tiếng là “cóp” ý tưởng của Anh khi mới lập quốc, và bây giờ họ muốn các nước đang công nghiệp hoá phải chi tiền. Điều đó sẽ vô cùng đắt và ngăn cản Việt Nam tiếp cận công nghệ. Nhưng Mỹ rất chú ý bảo vệ sở hữu trí tuệ vì những công ty lớn của họ đang kiếm lãi từ đó”. [VietNamNet 13.12 2004].
[26]Chang Ha-Joon, ‘Du protectionnisme au libre échangisme, une conversion opportuniste’, Le Monde Diplomatique, tháng 6 2002. Xem thêm: Kicking away the ladder. Development strategy in historical perspective, Anthem Press 2002.
[27]Trong chiều ngược lại, những tác giả ủng hộ chủ nghĩa tự do cho rằng các chính sách kinh tế của nhà nước Trung Quốc có hiệu ứng tiêu cực, và tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cao hơn nếu nhà nước không có tiến hành những chính sách đó.
[28]Trong bài phỏng vấn nói trên [VietNamNet 13.12 2004], Pincus còn lên tiếng cảnh giác Việt Nam: “Vào WTO: Đừng để Việt Nam trở thành Mêhicô thứ hai”.
[29]WTO, Mười lợi ích của hệ thống thương mại WTOwww.wto.ddn.com .
[30]John Rawls, A theory of justice, Harvard Press University 1971. Trong một khung triết học khác, Amartya Sen đi đến những kết luận tương tự trong Development and freedom (Oxford University Press 1999).
[31]MUTRAP II, Tự điển chính sách thương mại quốc tế, MUTRAP 2006, tr. 252.
[32]  WTO, Hội nghị Doha 2001: Tuyên bố các bộ trưởng, WT/MIN(01)/DEC/1 2001.
[33]J. Bhagwati cho rằng phải đưa vấn đề sở hữu trí tuệ ra khỏi các cuộc đàm phán về thưong mại. Ông cũng phê phán tự do hoá thị trường vốn và cho nó không nằm trong lý luận về tự do trao đổi. Xem Free trade to day (Princeton 2002); bản dịch tiếng Pháp (Eloge du libre-échange, Ed. Organisation 2005) có kèm theo bản dịch của bài ‘The capital myth: The difference between trade in widgets and dollars’, Foreign Affairs tháng 5-6 1988.
[34] Xem Thư ngỏ của 11 nước đang phát triển gửi cho Hội đồng WTO liên quan đến thục tục phòng xanh.
[35] Được hỏi về điều khoản này, Stiglitz khuyên Việt Nam “tìm cách sáng tạo để đặt lại những điều kiện đó với nhà đầu tư mà không vi phạm cam kết” (!). Xem bài phỏng vấn J. Pincus, VietNamNet 13.12 2004.
[36]Cũng trong hướng này, xem bài của F. Gendreau (chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt), ‘Le Vietnam, l’OMC et la mondialisation’, Courrier du Vietnam, 7.3 2004.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen