Dienstag, 15. Juli 2014

Tháng 3-1975 ở Tây Nguyên - Phần kể của tướng Vũ Lăng

Ký sự của nhà văn Nguyễn Khải về chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975. Những câu chuyện được kể lại giúp phần nào hình dung được không khí ra trận của quân dân Việt Nam những ngày đầu năm 1975, tình hình chiến trường, tương quan lực lượng ta và địch, ... Ở đây, chỉ trích lại phần kể của Vũ Lăng, nguyên là Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, quân đoàn trưởng quân đoàn 3, đảm nhiệm hướng tây bắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh về giai đoạn chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên và những diễn biến chính khi chiến dịch diễn ra.


TẠI CƠ QUAN CHỈ HUY CỦA BỘ TƯ LỆNH CHIẾN DỊCH


16 giờ ngày 9 tháng Ba.
Từ lúc này cho tới giờ nổ súng, cả mọi người ở Chỉ huy sở chỉ còn chăm chú có một việc: bộ đội lần lượt tiến vào chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tấn công. Trong một đêm phải đưa vào các hướng, các mũi nhiều trung đoàn bộ binh và các binh chủng hợp thành. Có đơn vị phải đi từ xa, cách mục tiêu gần 40 cây số để giữ được bí mật, như tăng. Đơn vị gần cũng cách chỗ phải đến từ 10 đến 15 cây số. Có những trục đường phải đợi trong thị xã đã nổ súng mới được phép nổ bộc phá san đèo làm nốt đoạn còn lại, hoặc đưa xe đi ủi những gốc cây đã cưa sẵn được ngụy trang. Có hướng phải qua cầu phao và phà. Có phà chở tăng và pháo qua, có phà chỉ chở bộ binh qua. Tất cả khối việc phức tạp này chỉ được lệnh triển khai vào lúc 5 giờ chiều ngày 9.
Đánh địch trong tình huống bất ngờ, đánh hiệp đồng nhiều binh chủng cùng tiến quân cùng một lúc, đánh lớn nhưng không cần có lực lượng dự bị chiến dịch. Cách bày binh bố trận ấy phải dựa trên cơ sở có nhiều đường để bộ đội cơ động được thần tốc. Phải có nhiều trục dọc và nhiều trục ngang, đường vươn tới các mục tiêu chủ yếu, đường nối giữa các vị trí tập kết, giữa các khu vực tác chiến, giữa những địa bàn đã nổ súng và những địa bàn sẽ nổ súng. Trong một đêm, bộ đội phải đi được hàng trăm cây số từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Có đơn vị đi trước, có đơn vị đi sau, có đơn vị phải đợi nổ súng mới lên đường. Và những mạng đường rất rắc rối ấy chỉ được làm trong bí mật, để giữ được đến phút cuối cùng cái tình huống đánh địch khi chúng còn chưa phòng bị. Mà là một kẻ địch quen biết, xảo trá, giữ gìn, mắt nhìn cũng tinh, tai nghe cũng thính. Khó là như vậy.
17 giờ ngày 9, các lực lượng công binh mới ra khỏi chỗ giấu quân để làm nốt phần đường dẫn đến chỗ nổ súng của các đơn vị tấn công. Trục 1 và trục 2 đưa các đơn vị tới hướng đánh phía bắc. Trục dọc 1 đã làm sẵn đến bắc suối Eamhar cách mục tiêu 10 cây số. Từ phía nam suối là nương rẫy. Cây ở các rẫy đã phát thường để cao khoảng 70 phân. Công binh phải ra cưa từ nhiều đêm trước, nhưng không được cưa đứt hẳn vì dân ra sẽ lộ, chỉ được cưa 3/4 gốc cây cưa theo chiều đổ của một hướng, rồi hót mùn và lá che xóa mạt cưa. Khi tiếng súng đã nổ, đơn vị tăng dẫn đầu sẽ húc đổ cây, san thành đường cho các xe sau đi tiếp. Trục dọc 2 làm trước đến bắc suối Eatun. Phía nam suối là một cái đèo chạy từ đông sang tây. Khi trong thị xã đã nổ súng, lập tức công binh cho điểm hỏa nổ bộc phá hạ thấp độ dốc của đèo, san thành đường cho xe vượt. Trục dọc 3 đưa bộ đội tiến vào hướng tây bắc và hướng tây, có hai phà để qua sông Sê-rê-pốc, gọi là phà 3A và 3B. Bến 3A cho tăng qua, phà trọng tải 50 tấn. Bến 3B cho các loại pháo qua, phà trọng tải 35 tấn, cho pháo mặt đất và pháo cao xạ qua. Chuẩn bị bến này có cái khó là phải đưa binh khí kỹ thuật qua đường 14, giữa một đầu là chốt cầu Thọ Thạch có một tiểu đoàn bảo an và một đầu là chốt Núi Chẻ có một đại đội bảo an.
19 giờ ngày 9, Bộ tư lệnh hạ lệnh cho cụm pháo chiến dịch phía tây bắn vào cầu Thọ Thạch và cao điểm Núi Chẻ, giải tỏa đọan đường 14 phía tây nam thị xã để bộ đội công binh đưa xa cầu phà ra bến. Trong đêm ngày 9, phà đã lắp ghép xong.

20 giờ ngày 9, lực lượng cầu phà của hướng bắc từ vị trí tập kết đến hai bến 3A, 3B hạ thủy, lắp ghép. Mạng đường sá và cầu phà coi như yên tâm. Cái binh chủng cần cù và khiêm tốn của quân đội ta bao giờ và ở đâu cũng đều bắt đầu từ rất sớm và ra đi khi tất cả đã vắng tanh. Họ đã bổ những nhát cuốc đầu tiên mở mạng đường cho chiến dịch từ tháng 9 năm trước, và cho trận đánh then chốt này từ tháng Giêng. Làm từ xa, cách mục tiêu chủ yếu hàng trăm cây số, mỗi ngày một nhích gần lại, cho tới đêm ngày 9 tháng Ba thì chỉ còn muơi cây số phải mở nốt trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ngồi trên xe chạy hàng trăm cây số trong đêm, nếu ngủ gà ngủ gật thì sẽ không thấy gì hết, không thấy rừng, không thấy ngầm, không thấy cả đèo và đỉnh đèo nữa. Xe chạy cứ êm ro, tưởng đâu là còn đường vốn có, thật ra nó mới chỉ có trong vòng một tuần, một tháng. Trước đó là rừng, là đèo cao, suối sâu, nếu đi bộ cũng phải cả tuần, mà đói mà khát, mà xẻ đế giày, mà toạc da tay. Nhiệm vụ của các anh luôn luôn được hoàn thành một cách xuất sắc, hoàn thành một cách kinh ngạc. Tối ngày 9 tháng Ba, đêm trước của trận đánh then chốt, đêm trước của tình thế mới, cục diện mới, đêm trước của những thay đổi vô cùng to lớn, tất cả những con người có mặt ở Chỉ huy sở chiến dịch đều hoàn toàn yên tâm về binh chủng công binh.
Mãi đến 10 giờ đêm ngày 9, đường dây điện thọai giữa Chỉ huy sở cơ bản với bộ phận chỉ huy cánh bắc vẫn chưa liên lạc được. Muốn liên lạc được với cánh bắc phải qua bộ phận chỉ huy hướng Đức Lập. 11 giờ đêm vẫn chưa gọi hỏi được. Đến giờ cuối cùng của ngày 9, chuông réo, Tư lệnh phó chỉ huy cánh bắc đã gọi được trực tiếp về Chỉ huy sở. Tất cả những người có mặt đều reo lên. Đồng chí vệ binh đứng ngoài cửa hầm cũng ló đầu vào hỏi to: "Đường dây thông rồi, các thủ trưởng?". Sự ồn ào này là không được phép trong cơ quan chỉ huy. Trưởng phòng tác chiến yêu cầu mọi người phải giữ gìn trật tự. Tư lệnh trưởng xua tay, bảo: "Không sao! Đây là cái mất trật tự đẹp đẽ, nó là trách nhiệm và tình cảm của mọi người". Từ lúc đó tuy vẫn chỉ dám nhìn nhau với nụ cười rạng rỡ, hai tay vỗ vào không khí mỗi lần nghe được tin vui, nhưng cũng có lúc phải buột kêu to một tiếng, buột cười lớn một tiếng cho hả cái sảng khoái trong lòng.
Trận tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột là trận đánh mở đầu của cả cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Cách đánh của trận này là cách đánh tiêu biểu của những chiến dịch sau chót: thần tốc, bất ngờ, lực lượng đột kích gồm những binh chủng hợp thành, lướt qua các vị trí ngọai vi, cùng với bộ đội được ém sẵn thọc một nhát thật mạnh, thật sâu vào khu trung tâm chỉ huy khiến kẻ địch bị hoàn toàn tê liệt ngay từ phút đầu, rồi từ đó đánh tỏa ra tiêu diệt nốt những lực lượng còn lại. Nó cũng là sự phát triển của cách đánh năm 1968, nhưng lực lượng đột kích luôn luôn được tăng thêm, càng đánh càng mạnh. Nó cũng là sự phát triển của cách đánh năm 1972, có những mũi đột phá, có những mũi vu hồi, đánh vận động và truy kích, chia cắt từng khu vực trong một chiến trường, và chia cắt chiến lược giữa các chến trường. Cách đánh này chỉ có thể có được vào thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến, khi lực lượng của ta càng ngày càng mạnh lên, lực lượng quân ngụy được Mỹ tiếp sức thì mỗi ngày một suy yếu đi. Khi những cái vốn là rất mạnh của địch như: cơ động nhanh, pháo nhiều, máy bay nhiều, thì nay đã giảm sút. Còn quân ta lại có khả năng vận động nhanh chóng bằng cơ giới, lực lượng pháo binh mặt đất và cao xạ đủ sức áp đảo, tiêu diệt hỏa lực địch trong suốt thời gian chiến dịch.
Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, các lực lượng đột kích ém sẵn chỉ nhắm có bốn mục tiêu chủ yếu: căn cứ của Bộ chỉ huy sư đoàn 23 bộ binh, tiểu khu Đắc Lắc, sân bay thị xã và sân bay Hòa Bình. Cách bố trí lực lượng của địch như sau: chủ lực vòng ngòai, địa phương quân vòng trong, trong nữa là các cơ quan chỉ huy. Khu vực ngọai vi thị xã, chủ yếu là ở hướng đông, thuộc quận Hòa Bình, có sân bay Hòa Bình, hậu cứ của của hai trung đoàn 45 và 53 và lực lượng phòng vệ dân sự. Đánh Buôn Ma Thuột là đánh hiệp đồng của 4 cánh. Hướng đông bắc có nhiệm vụ thọc sâu vào trung tâm thị xã, làm chủ khu Ngã Sáu và sân bay trinh sát cơ L19. Hướng tây bắc đột phá khu thiết giáp và hậu cứ của tiểu đoàn 1 thuộc trung đòan 53. Hướng tây nam lướt qua những căn cứ phụ cận, đâm thẳng vào bộ chỉ huy của sư đoàn 23 bộ binh. Hướng nam chiếm lĩnh khu hành chính gồm tòa hành chính, tiểu khu Đắc Lắc và đài phát thanh.
Trở lại Sở chỉ huy chiến dịch từ 0 giờ ngày 10 tháng 3 đến 2 giờ 3 phút. Lúc này các đơn vị bộ binh đang lần lượt tiến vào các hướng làm nhiệm vụ. Cầu phà hướng tây bắc và hướng nam đã lắp ghép xong xuôi, còn đợi súng nổ là đưa tăng, thiết giáp cùng lực lượng pháo binh qua sông đi tiếp theo các đơn vị bộ binh. Hai cụm pháo chiến dịch, mỗi cụm là một trung đoàn, đã chiếm lĩnh xong các trận địa bắn ở phía tây sông Sê-rê-pốc và phía bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Các đài quan sát của pháo binh ở Chư Nga (đông bắc thị xã), khu kho Mai Hắc Đế (phía nam thị xã), ở ngang cầu Sê-rê-pốc (phía tây thị xã) đã liên lạc được với bộ phận chỉ huy pháo của chiến dịch. Bộ tư lệnh đặc biệt chú ý tới hướng đông bắc gồm lực lượng của trung đoàn 95B và một tiểu đoàn của trung đoàn 198. Tiểu đoàn đặc công có nhiệm vụ chiếm giữ sân bay và nổ súng mở màn. Lần đầu tiên binh chủng đặc biệt này nổ súng cùng một giờ ở ba nơi cách xa nhau: sân bay thị xã, khu kho Mai Hắc Đế và sân bay Hòa Bình, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng đột kích tại các hướng. Còn lực lượng của trung đoàn 95B phải nhanh chóng chọc thẳng vào trung tâm thị xã, chiếm giữ Ngã Sáu, cắt đôi khu vực quân sự và hành chính của ngụy với khu vực dân sự. Bởi rằng nếu để quân địch chạy tung tóe vào các đường phố có dân ở là mình sẽ phải đánh chiếm từng nhà, phải nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Làm chủ Ngã Sáu xong, lập tức phải chia thành các phân đội, đánh chiếm các ngã ba, ngã tư, chốt chặt mọi đường cơ động, chiếm các nhà cao tầng, các cửa sổ, sân thượng. Bộ đội đánh chiếm đường phố phải trang bị gọn nhẹ, có đầy đủ súng chống tăng, lực lượng càng chia nhỏ cách đánh càng hiệm nghiệm.
1 giờ sáng ngày 10 tháng 3, ở Chỉ huy sở hầu như không còn việc gì để gọi hỏi, đôn đốc, kiểm tra các cấp và các hướng. Tất cả đã sẵn sàng. Chỉ còn đợi giờ nổ súng. Trong 60 phút nữa còn gì sẽ xảy ra? Sẽ không thể có gì trái với dự tính xảy ra hết. Pháo mặt đất và pháo cao xạ đi cùng các hướng đang qua sông. Còn một giờ nữa các đơn vị tăng và thiết giáp sẽ bật đèn, rú máy, nghiến đường ào ào chạy thẳng tới các mũi đã nổ súng. Các cụm pháo chiến dịch đã lên bảng bắn. Đêm nay sẽ là một biển lửa nhấn chìm các căn cứ quân sự địch trong thị xã và vùng ngoại vi. Còn 50 phút nữa! Còn 40 phút nữa! Kể cả người chưa từng bao giờ hút thuốc cũng xòe tay xin một điếu. Không biết nên nghĩ gi? nên lo lắng cái gi? nên chờ đợi cái gì? Tất nhiên tất cả chỉ còn chờ đợi tiếng súng hiệp đồng của các lực lượng đặc công ở ba mục tiêu đã được chỉ định phải đánh trước. Có thể một đơn vị nào đó sẽ nổ súng đúng giờ, tức là 2 giờ sáng ngày 10. Còn các đơn vị khác có thể chưa vào được vị trí nhiệm vụ vì bị lực lượng tuần tra phát hiện từ phía ngoài, vì bị lạc còn đang phải tìm đường. Rất có thể là như thế. Nổ súng không đều nhau, thì kẻ địch sẽ có thời gian lần lượt đối phó, lần lượt huy động lực lượng, yếu tố bất ngờ bị mất, sức chống trả của chúng sẽ mạnh hơn, sức tiến công của ta sẽ chậm lại. Một mũi bị chậm sẽ ảnh hưởng đến các mũi khác. Rồi cũng ảnh hưởng đến các đơn vị tiếp sau vì vị trí của người đến trước không phát triển. Lực lượng sẽ bị ùn, mục tiêu cũng bị thu gọn. Rồi bom, rồi pháo...Những giây phút trước giờ nổ súng của mọi cuộc tấn công từ xưa đến nay đều căng thẳng như thế cả. Kể cả những trận đánh đã cầm chắc cái thắng cả trăm phần trăm vẫn cứ căng thẳng. Vì vẫn còn chút nghi ngại trong sự chuẩn bị của mình, trong các dự tính của mình, và những tình huống lạ lùng chưa từng bao giờ xảy ra nhưng lại xuất hiện đúng vào cái trận này, làm kinh nghiệm xương máu, có khi còn là kinh nghiệm đau đớn cho những trận sau, cho những người cầm súng tới sau. Trong những giờ cuối cùng của ngày 9 và những giờ đầu tiên của ngày 10, cách nửa giờ lại có điện từ Chỉ huy sở tiền phường của Bộ gọi xuống. Cũng vẫn những lo lắng, những băn khoăn hết sức giống nhau: Lực lượng tiềm nhập thế nào? Cầu phà thế nào? Đường sá thế nào? Việc tổ chức hiệp đồng giữa các hướng, giữa các binh chủng có gì trở ngại?
1 giờ 30...1 giờ 40, chủ nhiệm pháo binh gọi điện xuống hai cụm pháo chiến dịch chỉ thị lại những mục tiêu chủ yếu phải bắn trong đêm. Phải uy hiếp và làm tan rã tinh thần hai cơ quan chỉ huy quân chủ lực và quân địa phương. Phải phá hủy ngay từ những loạt pháo đầu các trận địa pháo của địch trong thị xã vào vùng phụ cận, hậu cứ trung đoàn 8 thiết giáp và khu trung tâm truyền tin. Hai cụm pháo chiến dịch của hai trung đoàn pháo trực thuộc Bộ tư lệnh chiến dịch đều có cái mạnh và cái yếu khác nhau. Cụm pháo phía bắc của trung đoàn 675 rất giỏi công tác tham mưu (tính toán và giải quyết bắn rất giỏi). Với cụm pháo này chỉ cần hạ khẩu lệnh về mục tiêu, thời gian bắn và số đạn. Nhưng với cụm pháo phía tây sông Sê-rê-pốc của trung đoàn 40 thì cơ động giỏi, bố trí trận địa chỗ nào cũng lọt, nếu cần thì pháo khiêng vai, nhưng sự tính toán lại yếu. Với cụm pháo này phải lên bảng bắn giúp họ, mình hô bắn, còn anh em làm nhiệm vụ truyền đạt cho các trận địa. Nếu cả hai cụm pháo cùng phải bắn một lúc thì cũng phải tính toán với cụm phía tây trước, đến lúc hô cả hai cụm cùng bắn dập vào một mục tiêu cho trúng và mạnh. Cái sự đánh địch nó tỉ mỉ là thế, cẩn thận là thế, phải chu đáo đến thế. Các cán bộ được tham gia vào cơ quan chỉ huy chiến dịch hầu hết là các bộ dưới đơn vị đưa lên. Họ đã từng chỉ huy bộ đội chiến đấu từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn suốt hai cuộc kháng chiến nên đều dày dạn kinh nghiệm, biết thấu đáo cái nhọc nhằn, cái lo lắng của người chỉ huy cấp dưới. Mỗi lệnh đưa xuống bao giờ cũng kèm theo nhiều cách giải quyết, mà cách nào cũng hết sức thiết thực, hết sức "lính" như anh em hay nói.
2 giờ ngày 10, Tư lệnh trưởng nhìn đồng hồ, nhấc ống điện thoại. 2 giờ 5 phút, lực lượng đặc công ở các hướng đã nổ súng. 2 giờ 10, được lệnh của Chỉ huy sở tiền phường của Bộ và Bộ tư lệnh chiến dịch, chủ nhiệm pháo binh hạ lệnh phát hỏa. Từ lúc này, chủ nhiệm pháo binh là nhân vật trung tâm của Chỉ huy sở. Chiều ngày 8, cả mọi người lo lắng đến thắt ruột vì chưa tìm đâu ra dấu vết các xe đạn và xe tăng; tối ngày 9 thì dõi theo gần như nín thở lực lượng công binh triển khai "đồ nghề"; và bây giờ là các mục tiêu mà lực lượng pháo binh có nhiệm vụ uy hiếp hoặc san phẳng. Cách bắn pháo trong đêm vào một thành phố cũng đã được tính toán cẩn thận. Chủ yếu là cách sử dụng các loại đạn. Lực lượng bắn trong đêm gồm có pháo ĐKB, hỏa tiễn H12, cối 160 ly và cối 82 ly. Hỏa tiễn bắn đêm để dễ quan sát, áp đảo được tinh thần quan địch, sát thương cũng rất lớn. Cối 82 ly để kiềm chế các trận địa pháo địch, khẩu nào nhấp nháy là diệt luôn. Cối 160 ly bắn vào các khu vực chỉ huy, tiếng nổ lớn, đào sâu, khoét rộng như loại bom cỡ nhỏ. Sau loạt bắn đầu, các đài quan sát đã đưa tin về Chỉ huy sở rất tỉ mỉ. Đèn trong thị xã vẫn sáng, đường đạn lại càng sáng nên nhìn điểm rơi rất rõ. Cả năm trận địa pháo của địch trong và ngoài thị xã đều bị pháo binh ta áp đảo trong đêm. 34 khẩu vừa pháo 155 ly và pháo 105 ly không nhả lại được một phát đạn nào. Có thể một số khẩu đã bị hủy diệt nhưng chắc chắn là đám pháo thủ đã không dám rời khỏi chỗ trú nấp ra trận địa. Trong đêm và trước khi bộ đội ta tiến vào, hai cụm pháo chiến dịch đã rót xuống tiểu khu Đắc Lắc 890 viên đạn và căn cứ sư đoàn 23 là 850 viên đạn. Ngót ngàn viên đạn trút xuống một căn cứ địch trong đêm rõ ràng không phải là ít.
5 giờ 30 sáng ngày 10, các lực lượng của ta đã tập hợp đầy đủ tại các vị trí xuất phát tấn công. Tư lệnh trưởng đứng dậy, xoa tay: "Chúng ta đã chắc thắng tới chín chục phần trăm rồi!".
Tình hình tác chiến trong ngày 10 gần đúng với tính toán trên phương án. Trong ba mục tiêu chủ yếu bên trong thị xã, ta đã đánh chiếm được tiểu khu Đắc Lắc và sân bay trinh sát cơ L19. Chỉ còn lại căn cứ của sư đoàn 23. Anh em thì báo cáo đã chiếm được rồi nhưng những lực lượng tản mát còn lại của địch vẫn còn kháng cự theo một hiệu lệnh thống nhất. Tức là cơ quan chỉ huy của nó vẫn còn. Chiều ngày 10, bộ phận thông tin của ta xác nhận vẫn còn bắt được tín hiệu chỉ huy ở nhiều khu vực, và có cả lệnh điều động liên đoàn 21 biệt động quân ở Đạt Lý tiến vào thị xã đánh phản kích. Có nghĩa là ta vẫn chưa đánh chiếm được căn cứ 23. Nhiều mũi cùng đánh nhưng mũi nào, thuộc đơn vị nào đã làm chủ thì báo cáo còn chưa rõ ràng. Vả lại nhận mục tiêu trên bản đồ khác, mà trong thực tế lại càng khác. Nhiều khu nhà xây cất giống nhau, đường đi lối lại không quen thuộc, ngay đến phương hướng cũng rất dễ nhầm lẫan. Rồi quân ta đuổi, quân nó chạy, đơn vị này, đơn vị kia, rồi khói đạn, khói bom, bụi đất mù mịt, phân biệt được khu nào là tiếp liệu, khu nào là truyền tin, khu nào là căn cứ sư bộ quả nhiên là rất khó. Ngay trong đêm ngày 10, Bộ tư lệnh đã phái trợ lý tác chiến cầm bản đồ xông vào các nơi, xác định lại từng vị trí rồi tổ chức lực lượng tại chỗ, trong ngày 11 phải giải quyết bằng xong.
8 giờ sáng ngày 11, hai đại đội thuộc các trung đoàn 95B và 24 cùng một mũi tăng đánh vào căn cứ 23 từ phía tây, tiểu đoàn 7 của trung đoàn 149 ép lại từ phía đông. Đến 11 giờ thì quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ này, bắt sống được Vũ Thế Quang, đại tá tư lệnh phó sư đoàn 23 cùng tên tỉnh trưởng Đắc Lắc. Cùng vào giờ đó, trong toàn thị xã Buôn Ma Thuột im bặt mọi tiếng súng kháng cự. Đó là thị xã đầu tiên được giải phóng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Phòng ngự vững chắc và tổ chức phản kích thật mau lẹ là hai phương thức chiến thuật cơ bản của địch. Trong trận đánh Buôn Ma Thuột, ta đã phá vỡ các phòng tuyến phòng thủ của nó trong có hai đêm và một ngày ruỡi. Và chúng ta cũng sẽ bẻ gãy mọi cuộc phản kích, nói cho đúng là tiêu diệt các lực lượng phản kích cũng chỉ trong vòng có mấy ngày. Sau khi đã phá vỡ hai món bửu bối cuối cùng của quân đội ngụy, quả nhiên cục diện chiến trường lập tức biến đổi, dẫn đến những thay đổi hết sức lớn lao về thế trận chung.
21 giờ ngày 10 tháng 3 tại Chỉ huy sở cơ bản. Sau khi cử phái viên tác chiến đi thẳng vào thị xã, trực tiếp kiểm tra và tổ chức lại lực lượng đánh chiếm căn cứ sư đoàn 23 thì trận đánh Buôn Ma Thuột coi như là xong. Công việc của các trợ lý trong cơ quan chỉ huy lúc này là điều các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh sang hướng nhiệm vụ mới, tổ chức đánh quân phản kích.
Sáng ngày 9 tháng 3, khi hướng Đức Lập báo cáo đã đánh xong hai căn cứ Núi Lửa và 23, Chỉ huy sở tiền phương của Bộ đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh chiến dịch điều luôn một tiểu đoàn của trung đoàn 24, là lực lượng dự bị của sư đoàn 10 sang phía đông bắc thị xã. Ngày 10 tháng 3, khi đã đánh xong quận lỵ Đức Lập, lại điều động tiếp trung đoàn 66 và một bộ phận của sư đoàn bộ đi tới vị trí nhiệm vụ tiếp theo. Ngày 11 tháng 3, lại đưa nốt trung đoàn 40 pháo binh, trung đoàn 24 còn lại và cả Bộ tư lệnh sư đoàn 10. Tuyến vận tải chiến lược đã phục vụ cho cuộc hành quân này 1000 chiếc xe. Từ ngày 9, lực lượng dự bị của Bộ tư lệnh chiến dịch mỗi ngày một tăng thêm, cho tới ngày 15 tháng 3 đã là hai sư đoàn bộ binh và hai trung đoàn pháo chiến dịch.
Ngày 11 tháng 3, quân địch hãy còn ở hậu cứ trung đoàn 53, phía nam sân bay Hòa Bình; hậu cứ trung đoàn 45, đông bắc sân bay Hòa Bình, Buôn Hồ, đông bắc thị xã Buôn Ma Thuột và hệ thống ấp chiến lược bao bọc vòng ngoài thị xã. Chỉ huy sở tiền phương của Bộ và Bộ tư lệnh mặt trận đã nhận định:
- Lực lượng phản kích chủ yếu sẽ là hai trung đoàn 44 và 45 của sư đoàn 23 bộ binh ngụy.
- Địa điểm để tổ chức lực lượng phản kích chỉ có thể là khu vực đông bắc thị xã, vì còn hai căn cứ lớn là 45 và 53, lại có thể dựa vào tỉnh lộ 21 nối liền với vùng đồng bằng.
- Phương tiện chuyển quân sẽ là loại trực thăng vận tải, vì muốn dùng C130 để mang theo pháo và tăng thời phải có sân bay, mà sân bay Hòa Bình hiện giờ ta vẫn đang chiếm giữ một nửa.
- Thời gian đổ quân sẽ là ngày 14 hoặc 15, vì còn phải thăm dò đối phương và tổ chức lực lượng.
Ngày 11 tháng 3, cụm pháo chiến dịch phía tây bắc thị xã chuyển sang hướng đông bắc, tầm pháo có thể với tới Phước An trên đường 21. Cụm pháo phía tây sông Sê-rê-pốc chuyển xuống phía nam thị xã, tầm pháo với tới quận lỵ Lạc Thiện.
Ngày 12, trung đoàn 24 đánh chiếm căn cứ 45 và trung tâm huấn luyện của sư đoàn 23 từ 6giờ 25 đến 8 giờ 35 là xong.
Cùng ngày ta cũng đánh chiếm Buôn Hồ, rồi đánh sang Chư Pao, Đạt Lý. Thế là hai bàn đạp quan trọng để tổ chức phản kích của địch đã bị quân ta chiếm giữ cả.
Ngày 14 tháng 3, một trung đoàn của sư đoàn 316 đánh vào khu hành chính sân bay Hòa Bình. Ngày 15 tiếp tục đánh. Đêm ngày 16, lại thêm lực lượng của trung đoàn 66 (sư 10) cùng hiệp đồng tấn công, sáng 17 thì dứt điểm xong, bắt sống được khoảng 500 tên.
14 giờ ngày 14, đúng như ta đã dự kiến cả về thời gian lẫn địa điểm, địch đổ quân bằng trực thăng xuống đông bắc sân bay Hòa Bình, một tiểu đoàn của trung đoàn 45. Ngày 15 lại đổ tiếp xuống một tiểu đoàn nữa, cũng của trung đoàn này. Ngày 15, trung đoàn 24 của sư 10 bao vây luôn lực lượng đổ bộ ở cao điểm 581. Ngày 16, ta tấn công tiêu diệt đại bộ phận, bọn còn lại liền theo đường 21 rút chạy về Phước An. Trong hai ngày 15 và 16, địch cũng đổ xuống Phước An trung đoàn 44 thiếu cùng sư bộ nhẹ 23. Khi hậu cứ của trung đoàn 53 ngụy sau ba ngày kháng cự đã bị mất, địch không có hy vọn gì để tố chức phản công cả. Hướng đông bắc thị xã ta đã quét các vị trí Buôn Hồ, Chư Pao, Đạt Lý. Hướng bắc đã đánh xong bản Đôn, Chư Nga. Hướng tây đã quét sạch các điểm, các chốt trên đường 14 và quanh cầu Sê-rê-pốc. Hướng nam đã với đến quận lỵ Lạc Thiện. Quân địch chỉ còn có ngả đường 21. Mà lực lượng ta trong những ngày 14, 15, 16 là rất mạnh. Một sư đoàn bộ binh ngụy nhảy vào thế trận này là hành động tự sát. Tại sao chúng vẫn nhảy xuống? Nhảy xuống thì dễ, nhưng rút chạy sẽ rất khó. Vậy là thế nào? Một là, chúng muốn giữ lực lượng ta ở khu vực này để Play Cu có thời gian tổ chức lại lực lượng đối phó. Hai là thì xã Buôn Ma Thuột không thể để mất. Có thể bỏ Công Tum, bỏ Plây Cu nhưng phải giữ Buôn Ma Thuột, phải giữ tỉnh Đắc Lắc. Nếu tỉnh Đắc Lắc không còn, thì ba tỉnh Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng cũng sẽ trước sau không còn. Địch đã nhận ra sự mất mát quá lớn của chúng trong tháng 3. Còn tháng 4 và tháng 5? Khó mà lường đoán trước được. Sự sống còn của về sau là trông dựa vào sự cố giữ lấy một phần tỉnh Đắc Lắc, nếu có thời cơ sẽ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Sài Gòn chỉ có thể tính toán như thế. Nhưng những cơ hội may mắn nhất đã không còn nữa. Cái "vận đỏ" đã rời bỏ chúng mà đi rồi.
Ngày 17 tháng 3, hai trung đoàn 24 và 28 của sư đoàn 10 tiến đánh Phước An. Tàn binh của các trung đoàn 44, 45 ngụy cùng sư bộ nhẹ 23 chạy về Chư Cúc. Ngày 18 tháng 3, hai trung đoàn đã tấn công Phước An lại tiếp tục tấn công vào Chư Cúc, cùng với sư đoàn 25 đã ém sẵn, tiêu diệt gần như toàn bộ. Những tên sống sót thì chạy vào rừng. Tư lệnh sư đoàn 23 ngụy nhảy lên trực thăng trốn mất. Sư đoàn 23 coi như bị xóa sổ. Cái gì sẽ xảy ra sau khi hai phương thức chiến thuật cơ bản của địch đã bị hoàn toàn bẻ gãy? Xin bạn đọc trở lại Sở chỉ huy cơ bản trong đêm 15 tháng 3. Chiều ngày 11 tháng 3, Chỉ huy sở tiền phương của Bộ đã chỉ thị cho Bộ tư lệnh mặt trận là phải nghĩ tới phát triển chiến dịch hoặc sang hướng đông, giải phóng Cheo Reo, Phú Bổn hoặc ngược lên hướng bắc, giải phóng Plây Cu, Công Tum. Có khả năng giải phóng toàn bộ Tây Nguyên trước mùa mưa vì sức lực quân ta sau chiến dịch nam Tây Nguyên vẫn dư thừa.
Tối ngày 15 tháng 3, anh Hiền ở Chỉ huy sở tiền phường của Bộ gọi điện xuống: "Có hiện tượng địch chuẩn bị rút khỏi Plây Cu và Công Tum". Ngày 13 tháng 3 ở Chỉ huy sở tiền phương cũng đã nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương: "... Nên nghĩ đến khả năng địch buộc phải rút lui chiến lược". Trong ngày, đài kỹ thuật báo: bọn không quân ngụy hỏi nhau chúng bay rút cuối cùng có thấy gì ở Plây Cu không? Chiều ngày 15, các loại máy bay ngừng hoạt động trên bầu trời Buôn Ma Thuột, hướng đường bay về Nha Trang. Anh em trinh sát mặt đất của sư đoàn 320 báo cáo có nhiều gia đình gánh chở đồ đạc đi theo liên đoàn 23 biệt động quân xuống Cheo Reo. Có nhiều tiếng nổ và cột khói trong thị xã Công Tum. Cũng chưa ai nghĩ được là địch đã phải rút khỏi Công Tum và Plây Cu. Lực lượng của chúng ở Tây Nguyên vẫn còn 6 liên đoàn biệt động quân. Chúng ta còn đang đánh địch ở căn cứ 53. Các đơn vị của hai trung đoàn 44 và 45 ngụy vẫn lần lượt đổ quân xuống để tổ chức phản kích. Đang còn hy vọng tái chiếm, cớ sao phải rút bỏ tất cả? Hoặc giả chúng rút bỏ Plây Cu, đưa lực lượng về Nha Trang, rồi từ đó theo đường 21 mở một cuộc phản kích đại quy mô. Nhưng lực lượng của chúng sẽ về Nha Trang bằng cách nào? Vào lúc nào? Bằng đường bộ thì chỉ có tỉnh lộ 7, từ lâu địch đã không thể dùng. Lực lượng cơ động của quân khu 2 còn sư đoàn 22, nhưng hai trung đoàn của nó đang mắc kẹt ở phía đông đường 19. Sư dù, lực lượng dự bị chiến lược vẫn nằm chết ở vùng 1 và vùng 3. Vào tháng này quả thật không thể đưa bất cứ lực lượng nào ra khỏi vị trị phòng ngự của nó cả. Nơi nào cũng có thể bị bất thần tấn công. Lực lượng của giải phóng đã ém sẵn mọi nơi chúng đều biết cả. Họ chỉ còn chờ cái cơ hội thay quân, rút quân là vươn tay ra mà vồ chộp. Thế trận của toàn miền nam trong vòng có nửa tháng đã trở nên ác hiểm lạ thường. Mới giữa tháng 3, tức là mới bị tan vỡ có một mảng nam Tây Nguyên, nhưng nhìn vào đâu cũng thấy rất sổng sểnh. Bởi rằng quân địch không thể ngồi im mãi, mà phải vận động, phải di chuyển trong khu vực để tiếp cứu những vị trí bỗng chốc ở vào cái thế bị uy hiếp. Và càng tiếp cứu thì càng dễ sơ hở từ nhiều phía, càng thấy cần phải dồn quân để tiếp cứu thêm nữa.
Căn cứ vào nhận định của Chỉ huy sở tiền phương của Bộ, Bộ tư lệnh chiến dịch kết luận:
- Địch có thể phải rút lui khỏi Plây Cu và Công Tum, vì tình thế bắt buộc chúng phải dồn lực lượng để chống giữ có hiệu quả những nơi hiểm yếu.
Cho nên:
- Lực lượng đánh căn cứ 53 phải giải quyết xong trong ngày 16, chậm lắm là sáng ngày 17.
- Lực lượng bao vây quân đổ bộ cũng phải tiêu diệt chúng thật gọn trong mấy ngày tới, chậm nhất là ngày 18. Nếu tiêu diệt được sư đoàn 23 bộ binh ngụy trong chiến dịch nam Tây Nguyên thì có thể nhanh chóng phát triển lên hướng Plây Cu (nếu địch chưa rút) hoặc đánh sang Cheo Reo (nếu địch cụm chốt ở đó).
- Lực lượng hậu cần chuẩn bị xe và xăng, súng đạn và lương thực sẵn sàng đưa bộ đội tới hướng nhiệm vụ mới bất cứ lúc nào.
Tối ngày 16 tháng 3, điện của Chỉ huy sở tiền phương của Bộ báo tin: " Địch ở Công Tum và Plây Cu đã rút về hướng Cheo Reo. Lệnh bộ đội chuyển sang hướng Cheo Reo, tiêu diệt quân địch rút chạy ở khu vực đó." Vậy là chiến dịch nam Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó, giải phóng được toàn bộ tỉnh Đắc Lắc. Và trong một ngày nó đã phát triển thành chiến dịch toàn Tây Nguyên.

SỰ CỐ TRƯỚC GIỜ G

Ví như sau tết một chút, khi thế trận chung của cả chiến trường đã bắt đầu hình thành thì được tin một tiểu đội phó trong đại đội thông tin của trung đoàn 48 đầu hàng địch. Tên hắn là Sính. Năm 1972, Sính đã bị bọn thám báo vồ hụt một lần trên đường đi rải dây. Từ sau đó hắn đâm nhát sợ hẳn. Không làm nhiệm vụ thì xấu hổ với đồng đội, làm nhiệm vụ thì coi như đã cầm bằng cái chết.Ý nghĩ đầu hàng, tìm một chỗ nương thân nhục nhã, miễn sao khỏi chết, bắt nguồn từ cái tâm lý đớn hèn ấy. Vậy mà xung quanh không ai biết. Không biết không phải do kẻ kia giấu giếm giỏi. Không ai giấu giếm được mãi mãi sự nhát sợ. Chẳng qua anh em mình còn quá trẻ, quá vô tư nên chưa hiểu được cái tâm trạng phức tạp của con người trong trường hợp nhất định nào đó. Nếu hiểu được và biết cách cứu gỡ thì cũng sẽ tốt lành cả thôi. Sính đi cùng hai đồng chí nữa làm nhiệm vụ rải dây theo một đại đội súng cối sang đông đường 14 để kiềm pháo địch ở Cẩm Ga. Hắn lùi lại khỏi đội hình, lấy cớ rằng muốn đại tiện. Chờ mãi không thấy hắn chạy theo, quay lại tìm thì hắn đã biến mất. Gặp dân hỏi, dân trả lời ngay: “Nó theo địch rồi, mình bảo chỗ ấy có địch, nó không nghe cứ đi vào”. Lính thông tin thường biết nhiều chuyện, nhất là các khu vực có ém quân vì liên quan đến công việc của họ. Lúc này kẻ địch rất muốn biết những đơn vị lớn của ta hiện ở những khu vực nào, từ đó mà đoán dần ra ý định của đối phương. Lại vào lúc ta đã điều quân tới dần các vị trí nhiệm vụ trước lúc nổ súng. Như sư đoàn 320 đã ở khu vực Cẩm Ga, Thuần Mẫn phía đông bắc Buôn Ma Thuột. Một sư đoàn bố trí ở đó nhằm mục đích gì? Có thể là sẽ đánh Plây Cu hoặc Cheo Reo? Mà cũng có thể là chặn đường 14 để các đơn vị khác đánh Buôn Ma Thuột. Đang dàn thế trận mà bị tiết lộ cơ mưu thì phiền hà hết sức. Đánh địch trong thế bất ngờ không chỉ nhằm chiếm gọn một mục tiêu nào đó, mà còn tạo ra được một tâm trạng hốt hoảng, đẩy địch dễ đi tới những quyết định rối loạn và sai lầm. Chúng đang phòng ngự theo một hướng nay phải đụng đầu ở một hướng khác, dễ gì đối phó cho kịp. Chậm một ngày là tình thế sẽ khác đi một ngày, thắt buộc chúng lại mãi, cho tới lúc nảy ra một chiều hướng hoàn toàn có lợi cho người chiến thắng. Lo thì lo chứ còn biết làm sao, đành phải theo dõi thật sít sao những phản ứng mới nhất của chúng.Ngày 2 tháng 3, trung đoàn 45 của sư đoàn 23 nguỵ từ Plây Cu xuống chốt ở Cẩm Ga, lùng sục khu vực đóng quân của sư đoàn 320.
Chúng muốn thăm dò những tin tức thu lượm được? Lập tức bộ đội lùi sâu vào trong. Các đơn vị làm đường và cấu trúc các trận địa pháo cho cụm pháo chiến dịch cũng phải dừng lại hết. Mà đã là ngày thứ 2 của tháng 3 rồi. Cũng vào dịp này lại thêm một chuyện đau đầu nữa. Khi địch sục ra Chư Nga (phía bắc Buôn Ma Thuột), thế nào lại bắt được một pháo thủ của cụm pháo chiến dịch. Việc này rồi cũng qua, vì địch vẫn nghĩ rằng chúng ta chỉ tấn pháo vào Buôn Ma Thuột với mục đích phối hợp với mặt trận Plây Cu. Cho mãi tới gần ngày nổ súng vẫn còn những tin tức giật mình. Ngày 8 tháng 3, tức là ngày trước của trận đánh vào chi khu Đức Lập, địch sục sạo ra vùng phụ cận gặp bộ đội cảnh giới, hai bên nổ súng. Chúng là một đại đội, anh em mình chỉ có mấy người. Một đồng chí hy sinh phải để xác lại. Chúng lục tìm được giấy tờ biết là bộ đội của sư 10, nhưng lại đưa về tiểu khu Quảng Đức để cứu xét (vì Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức). Ngày hôm sau ta nổ súng, địch chưa kịp phán đoán thì đã bị tấn công rồi. Đêm ngày 4 tháng 3, một cán bộ của trung đoàn phải vượt qua đường 14 và sông Sê-rê-pốc để ém sẵn phía tây nam Buôn Ma Thuột đánh rơi cuốn nhật ký, ghi rõ hành trình của đơn vị từ đâu đến đâu. Cũng may mắn thế nào, địch vẫn đinh ninh đó là lực lượng đi lối Đức Xuyên để tăng cường cho hướng Gia Nghĩa.
“ Trên chiến trường toàn miền thì hướng phòng ngự chủ yếu của địch vẫn là hướng của quân đoàn 1 ngụy, sư dù hiện vẫn còn ở vùng 1, Quân đoàn 3 ngụy thì đang đề phòng ta áp xuống đồng bằng sông Cửu Long, dồn quân về chặn giữ vùng Tây Ninh, núi Bà Đen. Ở Tây Nguyên, địch vẫn khẳng định hướng phải đối phó là Công Tum và Plây Cu. Ngày 2 tháng 3, Đại tướng tổng tham mưu trưởng kiểm tra lại quyết tâm của cấp sư đoàn. Ngày 4 tháng 3, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm đánh địch theo phương án 2, vì thế trận đã dàn xong. Từ ngày 4 tháng 3, sư đoàn 968 bắt đầu nổ súng ở hướng tây nam thị xã Plây Cu, dạo đoạn nhạc đầu trước khi vào phần chính: đánh chốt Mỹ, bức rút đồn Tầm, đánh chiếm dãy cao điểm Chư Ca Ra, Chư Côi, 605, uy hiếp mạnh Thanh Bình và Thanh An. Hướng tây Plây Cu cũng đánh nhỏ, làm đường, làm trận địa pháo, huy động dân công. Phía nam Công Tum cũng có lực lượng ta cắt đường 14. Tất cả những hoạt động trên đây đều được điều khiển theo hình thức mở đầu một chiến dịch.
Ngày 3 tháng 3, địch buộc phải rút trung đoàn 45 đang chốt ở Cẩm Ga lên Thanh An.
Đêm ngày 3 rạng ngày 4, trung đoàn 95A cùng sư đoàn 3 Sao Vàng đánh đường giao thông trên đoạn đông Bình Khê lên An Túc. Trung đoàn 25 cũng cắt đường 21 trên đoạn Phước An – Khánh Dương.
Sáng ngày 7 tháng 3, sư đoàn 320 nổ súng tiêu diệt căn cứ Chư Xê phía nam Cẩm Ga, mở đường cho pháo ra đường 14.
6 giờ sáng ngày 8 tháng 3, sư đoàn 320 đánh quận lỵ Thuần Mẫn, đến 7 giờ 20 thì tiêu diệt hoàn toàn.
Chiều ngày 8 tháng 3 và sáng ngày 9, địch đổ bộ liên đoàn 21 biệt động quân xuống sân bay Hòa Bình, rồi đưa lên Buôn Hồ nhằm mở thông đường 14.
“Cho đến ngày 9 tháng 3, lực lượng địch ở trong thị xã Buôn Ma Thuột vẫn là một trung đoàn 53 thiếu, nay thêm một liên đoàn 21 biệt động quân án ngữ hướng đông bắc thị xã, tức Buôn Hồ. Tình thế vẫn nguyên như cũ. Địch vẫn chưa nhận ra hướng tấn công chủ yếu. Việc chúng điều quân từ chỗ này đến chỗ kia chỉ có ý nghĩa chiến thuật chứ không nhằm mục đích chiến lược. Về phía chúng ta, qua được một ngày là nỗi lo lắng lại vơi đi một chút. Các lực lượng của ta ở phía bắc Buôn Ma Thuột đã hoàn thành công tác chuẩn bị. Ở hướng nam thị xã, trung đoàn 149 của sư 316 đã vào được vị trí tập kết cuối cùng. Một đơn vị của trung đoàn 198 đặc công đã xâm nhập được khu vực xung quanh sân bay Hòa Bình. Sư đoàn 10 đã sẵn sàng nổ súng tấn công chi khu Đức Lập. Kể lại thì dễ, nhưng đạt được một sự chuẩn bị chu đáo, êm lặng, nhịp nhàng của các hướng, các mũi, các binh chủng lại hoàn toàn không dễ. Các cấp phải lắm cơ mưu, phải giàu nghị lực, phải bền ý chí và dũng cảm mới có thể chuẩn bị cho một trận đánh hiệp đồng đẹp đến thế, xứng đáng là trận đánh mở đầu của cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975.
“5 giờ 35 sáng ngày 9 tháng 3, pháo binh ta bắn vào các căn cứ 23 và Núi Lửa. 8 giờ 20, các trung đoàn 66 và 28 của sư đoàn 10 đánh chiếm hai căn cứ trên trong vòng một tiếng.
“Sáng ngày 10 tháng 3, ta đánh chiếm quận lỵ Đức Lập. Chiều ngày 10 ta chiếm Đắc Song. Còn quân địch ở Đắc Sắc vội vã bỏ chạy sau khi bị pháo kích mãnh liệt. Trong hai ngày 9 và 10 tháng 3, ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở khu vực Đức Lập, bắt sống được tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 của trung đoàn 53, nhưng lại để sổng mất tên trung đoàn phó và quận trưởng quận Đức Lập”.
Bộ tư lệnh quyết định điều ngay tiểu đoàn 6 của trung đoàn 24, lực lượng dự bị của sư 10 lên xe hành quân sang hướng bắc Buôn Ma Thuột làm lực lượng dự bị cho cánh bắc. Những người có mặt trong Chỉ huy sở đều cảm thấy dễ thở hơn một chút, bớt lo đi một chút. Ngày 8 tháng 3, sư 320 đã làm chủ khu vực Cẩm Ga – Thuần Mẫn. Ngày 9, chậm lắm là sang ngày 10, chúng ta sẽ giải quyết xong khu vực Đức Lập. Kẻ địch dầu có nhận ra hướng tấn công chủ yếu thì cũng đã muộn. Trận đánh đã vào thế rồi. Tiến lên lùi xuống cũng đều khó cả.
Trưa ngày 9 tháng 3, phòng tác chiến báo cáo lực lượng quân ngụy bố trí như sau:
Sau khi ta nổ súng ở Đức Lập, liên đoàn 21 biệt động quân ở Buôn Hồ co về Đạt Lý (đông bắc thị xã); tiểu đoàn 224 bảo an ở bản Đôn cũng rút về khu vực huấn luyện (nam thị xã). Trong thị xã, quân chủ lực ngụy có tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 53 đóng tại căn cứ sư đoàn 23. Ở phía nam sân bay Hòa Bình (còn gọi là sân bay Phụng Dực) cách thị xã bảy cây số về phía đông nam, có bộ chỉ huy trung đoàn 53 và một tiểu đoàn 3. Trung đoàn mạnh nhất của sư 23 ngụy là 45 vẫn đang ở khu vực Thanh An, Bàu Cạn đối phó với sư đoàn 968. Liên đoàn 4 biệt động quân thì đang bị mắc với trung đoàn 95A ở đường 19. Các trung đoàn 42, 47 của sư 22 ngụy cũng không sao vượt qua được đoạn đường Bình Khê – An Túc do sư đoàn 3 của quân khu 5 chiếm giữ. Các lực lượng khác ở khu vực Công Tum và Plây Cu vẫn giữ nguyên vị trí.
Cũng trưa ngày 9, các lực lượng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn thành công tác chuẩn bị. Chỉ còn đơn vị thông tin vẫn chưa nối xong đường dây giữa Chỉ huy sở cơ bản với Bộ chỉ huy cánh bắc. Chính uỷ chiến dịch ra lệnh: mối dây phía tây sông Sê-rê-pốc kéo từ Chi huy sở cơ bản ra, do Chính ủy thông tin đảm nhiệm; mối phía đông Sê-rê-pốc, kéo từ Bộ phận chỉ huy cánh bắc tới do Chủ nhiệm chính trị đảm nhiệm. Lệnh phải nối xong trước 24 giờ. Đó là một chuyện phải lo.
Một chuyện phải lo nữa là chưa nhận được báo cáo về các xe đạn, xe xăng được đi theo đội hình các cấp, cùng với bộ đội chiếm lĩnh trận địa. Chúng ta hãy nghe lời thuật của đồng chí Khoát, về những giờ phút âu lo từ chiều ngày 8 đến tận chiều ngày 9 tháng 3:
“ Chuyển đạn cho bộ đội nghe rất là gọn, nhưng lại là một quá trình hết sức phức tạp. Đạn có nhiều loại do nhiều nước viện trợ; mỗi loại lại có nhiều lô, tính theo năm sản xuất, mỗi lô lại có những ký hiệu khác nhau, tức là sự nặng nhẹ của từng viên đạn so với tiêu chuẩn khi đem cân lện. yêu cầu xạ kích là đạn đưa phải cùng loại, cùng lô, cùng ký hiệu để khỏi phải thay đổi bảng bắn. Đường vận tải chiến lược đổ xuống cho chiến trường từng đống đạn, đạt được trọng lượng vận chuyển, chứ không thể phân chia theo yêu cầu của mình. Tức thị mình phải làm nốt cái phần việc bỏ dở, đó là một đoạn. Từ cái nhiều đống đã được chia loại nhập vào hệ thống kho của từng khu vực tác chiến, đó là hai đoạn. Từ các kho của từng khu vực chuyển xuống các đơn vị lớn, là 3 đoạn. Lại từ các đơn vị lớn chuyển xuống các khẩu đội, là bốn đoạn. Cái đoạn cuối cùng, đoạn quyết định phải rành mạch như sau: xe số mấy, chở bao nhiêu viên đạn loại gì, lô gì, ký hiệu gì, tới tận khẩu đội nào. Bàn giao xong, nhiệm vụ của mình coi như hoàn thành, còn bắn trúng hay không trúng là phần việc của mấy anh pháo, mỗi hướng đánh có nhiều binh chủng hợp thành, cùng tiến vào trong một thời gian để chiếm lĩnh các trận địa. Đạn cho tăng khác, đạn cho pháo khác, cho từng loại pháo càng khác. Một xe chở dầu, một xe chở đạn đi với một mũi tăng. Khi tăng đến vị trí để tấn công, số dầu trong xe phải được hoàn lại như lúc mới xuất phát. Pháo cũng thế, cũng có xe đạn, xe xăng đi kèm. Hành quân cùng một hướng, nhưng không được phép nhầm lẫn mũi này và mũi kia, của binh chủng này với binh chủng kia, của khẩu đội này với khẩu đội kia. Như trong trận đánh Buôn Ma Thuột, chủ yếu có hai dòng xe đi, một dòng hướng bắc, một dòng hướng nam. Dòng hướng nam phải qua cầu phao, qua đường 14. Đoàn xe đi hướng bắc là đưa dầu mỡ cho tăng, đạn cho tăng và các loại đạn cho hai cụm pháo chiến dịch. Đoàn xe hướng nam chở đạn cho bộ binh và đạn pháo 85. Công việc thì phức tạp nhưng lại không được phép vận chuyển trước vì sợ lộ hướng đánh chủ yếu. Có nghĩa là đạn, gạo chỉ được đưa vào khu vực tập kết chiến dịch mà không được đưa lót xuống các trung đoàn bộ binh làm nhiệm vụ. Còn dài ngày thì làm ăn nó thong thả, nó đàng hoàng. Còn ít ngày, nếu tổ chức không giỏi, không tỉ mỉ rất dễ sinh rội loạn. Rối loạn nhưng lại không có thời gian để điều chỉnh, để sửa chữa, vì giờ nổ súng có thể là ngay trong đêm nay hoặc mờ sáng hôm sau rồi. Tình thế khẩn cấp là như thế. Đánh theo kiểu đột phá lần lượt thì anh em cầm súng vất vả, nhưng hậu cần lại có thì giờ để chuẩn bị. Đánh bất ngờ, đánh thần tốc, tiêu hủy cả một khu vực rộng lớn trong vòng hai, ba ngày thì bộ đội rất có khí thế nhưng mấy thằng đi phục vụ thật cười dở, khóc dở. Ngày 7 tháng 3, nhìn bản đồ vùng nam Tây Nguyên căn cứ của địch còn dày sít. Một tuần sau, ngày 15 tháng 3, tất cả đã bị quét sạch như vừa trải qua một cơn dông bão lớn. Cho nên, trước ngày 8 tháng 3, dầu có được phép đưa đạn, gạo vào lót trước các hướng, các mũi cũng không được, vì hướng nào cũng đang còn địch cả. Hướng bắc thì trung đoàn 53 ngụy đang lùng sục, dò tìm các trận địa pháo. Hướng tây thì vướng sông Sê-rê-pốc, mà Bộ tư lệnh chỉ cho phép công binh bắc cầu trong đêm nổ súng tấn công. Hướng nam phải qua đường 14, chưa đánh Đức Lập làm sao đưa người, đưa hàng qua đường được. Một trận đánh hợp đồng quy mô bồm bốn cánh quân, mỗi cánh lại gồm những đơn vị hợp thành. Yêu cầu đánh rất mạnh, đánh rất nhanh, trong khi đó cái cơ sở của mọi sự hiệp đồng hết sức rắc rối kia là lực lượng của chúng tôi lại chưa được triển khai. Vậy nên mới phải tính toán, lắp ráp tất cả từ trước. Khi hành động chỉ cần vài bốn giờ là tất cả đã sẵn sàng lao theo đội hình các cấp, cùng bộ đội tiến vào các vị trí xuất phát tấn công. Nhưng cho đến trưa ngày 8, đội hình các cấp vẫn gọi điện về Bộ tư lệnh rằng họ chưa nhận được xe đạn, chưa nhận được xe xăng. Vậy thì những xe ấy đi đâu? Đi theo hướng nào? Đã chuẩn bị sẵn sàng chưa? Đêm ngày 7, tôi đã xuống nói chuyện với anh em lái xe đi theo các hướng đánh. Chẳng nói gì nhiều chỉ yêu cầu có mấy việc: Một là, không được phép để xe hỏng làm tắc đội hình hành quân. Và tôi nói thêm: phải bỏ mọi thứ “đồ nghể” riêng ra mà dùng, không dùng lúc này còn lúc nào. Hai là, trong bất cứ tình huống nào đều không được phép bỏ tay lái. Ba là, bám sát các đơn vị đã được chỉ định, không được phép đi lạc. Ai phân vân cứ báo cáo ở lại. Ở lại làm tốt công việc ở tuyến sau vẫn cứ hay hơn là làm hỏng việc ở tuyến trước. Rồi tôi trở về chỗ anh Lăng ở Đắc Đam, kiểm tra công việc chuẩn bị của hướng đánh Đức Lập sáng ngày 9.
“7 giờ tối ngày 8, tôi nhận được điện của anh Hiệp gọi ra Sở chỉ huy cơ bản, có việc rất gấp. Biết là có chuyện không hay rồi. Đã dự tính tất cả mà còn để xảy ra một chuyện gì đó trước giờ nổ súng. Chuyện gì thế? Tôi bảo đồng chí lái xe: “Mấy ngày đêm nay cả hai chúng ta đều không được nghỉ, không được ngủ, liệu còn thức nổi được một đêm nay nữa không?” Cậu lái xe nhếch mép cười mà thương: “Vẫn lái được, không đưa thủ trưởng xuống vực đâu!”. “Nào, lên đường!”. Một người một xe, đường sá mù mịt, đại khái từ chỗ ở ra thì tay phải là Đức Lập, tay trái là Buôn Ma Thuột, cứ thế cho xe rông tới. Rồi 4 giờ sáng cũng mò tới Chi huy sở cơ bản. Bước xuống nhà hầm, mở cửa nhìn vào vẫn còn một số người thức, trong đó có Tư lệnh trưởng và Chính uỷ. Anh Thảo chưa nói gì nhưng anh Hiệp đã hỏi tới tấp: “Những xe đạn và xăng đâu? Tại sao chưa đi vào đội hình các cấp? Kiểm tra chưa? Tại sao? Tại sao? Còn anh? Ngày hôm nay anh ở đâu? Báo cáo đi! Ngồi xuống đây báo cáo chúng tôi nghe ngày hôm nay anh đã chuẩn bị được những gì?” Anh Hiệp vốn là người trầm tĩnh, hai chúng tôi quen nhau từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, trong các mối quan hệ lúc là người chỉ huy, lúc là người bạn, bao giờ anh cũng xử sự có nghĩa tình. Một con người gần như hoàn toàn, chúng tôi vẫn nhận xét riêng với nhau như thế. Bỗng dưng lại giận dữ bất thường, hiển nhiên là tình hình đã nghiêm trọng lắm rồi. Tôi báo cáo rằng: các xe chở đạn và xăng đã ở khu vực tập kết từ 4 giờ chiều ngày 8. Anh Hiệp hỏi: “Ví thử họ đã ở khu vực tập kết rồi, nhưng chưa cho người đi liên lạc với các hướng, các mũi, các binh chủng để sắp xếp đội hình hành quân cho chính xác, thử hỏi, lúc được lệnh xuất phát mọi sự có được đúng như chúng ta mong đợi không?” Tôi vẫn nín lặng. Anh Hiệp bảo: “Anh ở đây, nhưng phải cử cán bộ đi kiểm tra ngay, tổ chức hiệp đồng cho chu đáo. Giờ xuất phát của bộ đội là 5 giờ chiều nay”. Lúc này đã là 5 giờ sáng của ngày 9. Giờ nổ súng tấn công vào Buôn Ma Thuột vẫn là 2 giờ sáng ngày 10. Tức là chúng tôi còn được khoảng hai chục giờ để kiểm tra và điều chỉnh lại hệ thống hậu cần từ cấp chiến dịch đến cấp trung đoàn. Đến giờ nổ súng thì lực lượng ém sẵn vẫn cứ đánh, lực lượng tiếp theo cứ vào. Bị lạc không thể quay lại tìm. Chưa kịp đến cũng không thể hoãn giờ tấn công. Guồng máy đã phát động, tất cả sẽ bị cuốn theo, một chi tiết bị trục trặc sẽ gây trở ngại cho toàn thể. Vả lại hàng ngàn xe xăng và đạn bị lạc, bị lẫn đội hình và mũi hướng đâu phải là một chi tiết. Đó là đại sự. Phen này thì rơi đầu cả lũ rồi. Mà là do mình thôi. Lẽ ra phải nằm ngay tại khu vực tập kết cho tới lúc các đơn vị đã lần lượt lên đường. Vẫn là muốn ỷ dựa vào cấp dưới, vào báo cáo và những lời dặn bảo. Đồng chí Cự phải lấy xe của tôi chạy đi. Cậu lái xe vừa nằm thiếp đi được đúng một giờ, mắt còn đỏ sọc, vùng dậy hỏi to: “Đi thôi chứ, thủ trưởng!”. “Còn lái được không, chú?”. “Lái được, đã tạm tỉnh tỉnh rồi”. Một gói lương khô, mộ bi đông nước, lại nhảy lên xe cầm vòng lái. 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ, vẫn chưa thấy Cự báo tin về. Thế là mất tích tất cả! Nếu 12 giờ chưa có tin gì, thì tôi phải lao đi. Sẽ đứng ở ba-ri-e xuất phát mà tổ chức lại vậy. Đúng 12 giờ, Cự gọi điện về báo tin đoàn xe đã đến địa điểm thứ hai, đi nữa hay dừng lại? Tôi mừng quá, hét tướng: “Cho phân tán đội hình, tổ chức hiệp đồng với các đơn vị đi! Đức Lập đánh rồi.” 4 giờ chiều, Cự báo cáo: “Các đoàn xe đã đi đúng kế hoạch”. 8 giờ tối, các xe đạn và xăng đã bám sát các đội hình, chuẩn bị vượt sông. Chỉ huy các hướng, các mũi đều báo cáo về Chỉ huy sở đã tiếp nhận đạn và xăng đầy đủ, đã cho người kiểm tra và hoàn toàn hài lòng về sự chuẩn bị tỉ mỉ của cơ quan hậu cần chiến dịch. Suýt chết! 12 giờ đêm, công binh báo cáo đã làm xong cầu phao, các mũi đánh hướng tây và tây nam đã bắt đầu vượt sông. Tôi ngả người ra trên cái giường dã chiến, dặn anh em: “Lúc nào nổ súng nhớ gọi mình”. Lúc mở mắt, trời đã mờ sáng, trần hầm rung rinh trong tiếng nổ rền rĩ của đạn pháo quân ta đã mở màn cuộc tấn công”.

KẾ HOẠCH CHIẾN DỊCH

Tối thứ hai đồng chí Vũ Lăng kể tiếp:
“Bữa trước tôi đã nói với anh về những công việc chuẩn bị của chiến trường theo ý đồ của Bộ cuối năm 1974. Khoảng ngaỳ 10 tháng Giêng năm 1975, tôi về tới Chỉ huy sở khu B làm kế hoạch thì nhận được điện của anh Lê Ngọc Hiền, Phó tổng tham mưu trưởng: “Nên đánh mục tiêu A. Nhưng như thế cũng đã đủ rõ rồi. Lúc này anh Hiệp đang làm việc với trung đoàn 25 ở phiá bắc Buôn Ma Thuột. Ngày 13, anh Hiệp nhận được điện trở về. Anh Hiệp, anh Hàm, anh Năng và tôi bàn ngay vào nhiệm vụ mới, coi như nhiệm vụ chính thức đã được Bộ giao. Cũng rất lo về thời gian, dốc sức chuẩn bị cho Đức Lập trên một tháng, nay lại thêm Buôn Ma Thuột, mà ngày nổ súng tấn công trên toàn mặt trận vẫn không thay đổi, khoảng 20 đến 25 tháng Hai. Khó khăn tuy nhiều nhưng cả mấy chúng tôi đều rất vui. Lại nghĩ đến thời cơ lớn của cả cuộc kháng chiến và của riêng mỗi chiến trường. Thị xã Phước Long đã được giải phóng vừa cách một tuần. Làm gọn được Đức Lập sẽ đánh thốc xuống Gia Nghĩa, giải phóng tỉnh Quảng Đức. Phía trên này đánh nhanh Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắc Lắc, có cơ hội giải phóng luôn tỉnh Phú Bổn, ép chặt Plây Cu và Công Tum. Chỉ mường tượng trên bản đồ đã thấy một vùng đỏ rộng lớn kéo dài từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, tạo ra một thế chiến lược cực kỳ lợi hại, không có cách gì đảo ngược được.
“Đánh Buôn Ma Thuột còn có một thuận lợi là địch chưa có sự chuẩn bị. Chúng luôn bị ám ảnh bởi áp lực thường xuyên của ta xung quanh Công Tum và Plây Cu. Nếu có đụng chạm đến cái thị xã phía nam này chắc chỉ là những hoạt động phối hợp, nhằm làm phân tán lực lượng của đối phương. Càng ngày càng tỏ rõ cái ý nghĩ ấy đã đóng chặt vào đầu các cơ quan tham mưu của quân đội ngụy, dẫu khi đã có trong tay nhiều tài liệu chứng tỏ có thể ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột chúng vẫn không tin, vẫn nghĩ là một đòn nghi binh, một mưu kế.
“Chúng tôi đã thống nhất với nhau về hai phương án để chuẩn bị. Một là đánh địch đã có phòng ngự dự phòng, hai là đánh địch như trong tình hình hiện tại, nghĩa là chỉ có một trung đoàn đồn trú trong thị xã. Tốt nhất là đánh địch khi chúng chưa có chuẩn bị, hoàn toàn bị bất ngờ, lực lượng chủ yếu của chúng vẫn nằm ở CôngTum và Plây Cu. Nên đánh theo phương án 2, nhưng khi chuẩn bị lại phải dốc sức vào phương án 1, tức là địch đã có chuẩn bị, đã tăng thêm lực lượng, đã có một kế hoạch đối phó hẳn hoi. Trong quân sự, cách chuẩn bị theo tình huống khó nhất vẫn là cách chuẩn bị chủ động nhất. Dầu mục tiêu, ngày giờ và lực lượng có bị tiết lộ, chúng ta vẫn cứ hoàn thành nhiệm vụ. Vì chúng ta đã có một sức mạnh nhất định, có khả năng áp đảo địch trên một hướng nhất định. Tuy nhiên, trong cách suy nghĩ người chỉ huy phải chọn cơ hội có lợi nhất, trận đánh sẽ diễn ra nhanh gọn nhất và lực lượng tấn công chỉ chịu một tổn thất rất ít.
“Lại bàn về cách đánh Buôn Ma Thuột. Cũng có hai cách đánh. Một là đánh đột phá lần lượt, từ ngoài vào trong. Và một cách đánh đưa một lực lượng rất mạnh chọc thẳng vào khu trung tâm chỉ huy của địch rồi từ đó tỏa ra cùng với các lực lượng phía ngoài tiếp ứng vào. Nếu giờ nổ súng được giữ bí mật tới phút cuối cùng thì có thể đánh theo cách chọc thẳng. Mà nếu bị ngăn trở từ nhiều ngày trước thì đành phải mất công bóc lần lượt lớp vỏ bên ngoài ra. Tất nhiên, cách đánh thứ hai là cách đánh hay nhất, gọn nhất, ít tốn kém nhất. Nhưng muốn đánh theo phương án 2 và với cách đánh chọc thẳng thì phải giữ được bí mật về mục tiêu. Giữ bí mật đến phút cuối cùng tất nhiên là rất khó, khó lắm. Nhưng chúng ta sẽ cố giữ bí mật đến một lúc nào đó, còn khi thế chiến dịch đã cài rồi, chúng ta đã bày binh bố trận đâu vào đấy rồi thì dẫu có bị lộ địch cũng không thể trở tay được nữa. Không thể trở tay được chứ không phải là không trở tay kịp. Vì lực lượng của chúng có hạn, phương tiện vận chuyển cũng có hạn. Nếu chúng ta trinh sát kỹ, bố trí lực lượng giỏi, các trận đánh dạo đầu diễn ra nhanh thì dầu có được biết trước hướng tấn công chủ yếu của ta thì địch cũng đành bó tay chịu chết. Tình hình muời ngày đầu trong tháng Ba đã diễn ra gần đúng như thế.
“Ngày 21 tháng Giêng, anh Lê Ngọc Hiền từ ngoài Bộ và chính thức giao nhiệm vụ. Khi nhận nhiệm vụ của cấp trên thì trong tay chúng tôi đã có hai phương án tác chiến để báo cáo rồi. Nhìn vào cách bố trí lực lượng của chúng tôi, các anh trên có hơi nghi ngại vì nó phân tán quá. Sư đoàn 320 nằm trên quốc lộ 14, bắc Buôn Ma Thuột, xung quanh khu vực Cẩm Ga-Thuần Mẫn. Sư đoàn 10 bám chặt khu vực Đức Lập, Sư đoàn 316 rải quân giữa Buôn Ma Thuột và Đức Lập, phía tây sông Sê-rê-pốc. Sư đoàn 968 kiềm chế địch ở Công Tum và Plây Cu. Trung đoàn 95 A chặn đường 19 tử đèo Măng Đang lên Con Từng. Trung đoàn 25 thì chặn đường 21, từ Buôn Ma Thuột đi Khánh Hòa, đoạn đông-tây Chư Cúc. Thế trận như thế là chắc, nhưng Bộ tư lệnh mặt trận không có lực lượng dự bị trong tay. Thông thường mà xét, bố trí như vậy là không có bài bản. Trong tình hình này nếu không đánh Đức Lập thì sẽ được một sư đoàn rút ra làm lực lượng dự bị cho chiến dịch. Nhưng không đánh Đức Lập thì không thể giải tỏa được đoạn đường 14 từ Buôn Ma Thuột đi Đức Lập, không thể đưa bộ đội và binh khí kỹ thuật qua đường và con sông Sê-rê-pốc sang ém phía tây và tây nam Buôn Ma Thuột. Vả lại, đánh Đức Lập còn nhằm thực hiện những ý định cũng hết sức quan trọng: mở rộng đường hành lang chiến lược bắc nam, uy hiếp trực tiếp thị xã Gia Nghĩa, kéo một phần lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột ra ứng cứu (nếu chúng đã tăng cường lực lượng), giành thế đánh địch ở thị xã theo phương án 2. Đánh cụm cứ điểm này là rất nên, nhưng đã đánh thì thì không thể có lực lượng dự bị. Nhưng thời gian là lực lượng, cơ động là sức mạnh. Có nghĩa là đánh Đức Lập trong vònh hai ngày, sau đó các lực lượng tham chiến sẽ lần luợt được điều bằng cơ giới lên phía bắc Buôn Ma Thuột làm lực lượng dự bị cho chiến dịch. Tức là lực lượng dự bị sẽ được hình thành trong quá trình chiến đấu. Đó cũng là một nguyên tắc, nhưng chỉ được thực hành khi bộ đội ta đã mạnh, năng lực tổ chức và chỉ huy của cán bộ đã giỏi, có khả năng hoàn toành áp đảo địch trên một hướng rồi sau đó laại vận động bằng cơ giới lên một hướng khác mà sức lực và khí thế vẫn dư thừa. Rồi lại phải tính toán thật sít sao về thời gian nổ súng, thời gian hoàn thành nhiệm vụ, và vào lúc nào thì địch sẽ tung ra những lực lượng phía sau tổ chức phản kích. Ngày nổ súng, tức ngày N, càng được giữ bí mật thì sự phản ứng của địch sau đó càng chậm chạp. Vì rằng chúng còn phải tổ chức lại lực lượng, phải tìm hiểu tình hình của ta và các khu vực có thể đổ quân xuống và cũng còn phụ thuộc cả vào phương tiện vận chuyển nữa. Tuy nhiên, những lực lượng tiếp cứu lấy cũng không dễ mà đi và đến cũng không dễ nếu ta hoạt động mạnh ở Công Tum và Plây Cu, nếu ta khóa chặt được các con đường sinh tử 19, 21 và 14, chia cắt chúng ra từng khu vực, nếu ta nhổ gọn các căn cứ phụ cận Buôn Ma Thuột khiến quân địch có đổ xuống cũng đã mất chỗ đứng chân.
“Anh Hiền rất đồng ý với hai phương án chuẩn bị của chúng tôi và cũng khuyên phải tranh thủ điều kiện đánh địch trong hiện trạng, tức là chỉ có lực lượng của một trung đoàn 53 thiếu, cộng thêm lực lượng địa phương quân của tiểu khu Đắc Lắc. Muốn giữ địch như trong hiện tại tất phải có một kế hoạch nghi binh thật tốt và một kế hoạch khóa chặn những con đường vận chuyển thật chắc chắn. Theo anh Hiền, sư đoàn 3 Sao Vàng của quân khu 5 sẽ phụ trách đoạn đèo An Khê đến quận lỵ Bình Khê, trung đoàn 95A của Tây Nguyên sẽ đánh đoạn đèo Mang Dang, cách Plây Cu khoảng 60km. Một sư đoàn và một trung đoàn mạnh đánh giao thông thì địch phải có từ ba đến năm sư đoàn mới chọc thủng được. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu chúng không dám vận chuyển trên đường 19 mà lại đổ xuống sân bay Cù Hanh (Plây Cu) rồi từ đó theo đường 14 xuống Buôn Ma Thuột thì lại vấp phải sư đoàn 320, cũng là một sư. Hoặc giả chúng đưa quân xuống Nha Trang, rồi từ đó theo đường 21 lên Buôn Ma Thuột thì lại bị trung đoàn 25 chặn đánh ở đông tây Chư Cúc. Tuy nhiên, chúng lại không thể để mất Buôn Ma Thuột một cách quá dễ dàng, nhưng lực lượng của nó là thế, khả năng cơ động của nó là thế, nhiều lắm thì cũng chỉ có thể đổ xuống từ một đến hai trung đoàn bằng C130 hay trực thăng vận tải xuống mấy khu vực phía đông bắc Buôn Ma Thuột. Một trung đoàn đổ quân bằng máy bay phải mất từ một đến hai ngày. Một sư đoàn đổ quân xuống mất một tuần. Mà sau một tuần thì chúng ta đã có đến hai sư đoàn dự bị rồi.
“Về bố trí lực lượng của chúng ta lần này có cái hay là vấn ém được quân ở những khu vực quan trọng, nhưng hướng tấn công chủ yếu không vì thế mà bị địch nghi ngờ. Vì rằng cách bố trí đó có ý nghĩa là thế này mà cũng có ý nghĩa là thế kia, có thể nhằm vào mục tiêu B, mà cũng có thể nhằm vào mục tiêu A. Trong kế hoạch nghi binh có kế hoạch chuyển quân từ phía bắc xuống phía nam của sư đoàn 10. Vì trong nhiều năm trực tiếp tiếp xúc với nhau trên hai địa bàn Công Tum và Plây Cu nên đôi bên đều hiểu rất rõ về nhau, biết cả chỗ yếu và chỗ mạnh của nhau. Bước sang mùa khô là các lực lượng trinh sát thám báo cùng những đơn vị kỹ thuật của địch bắt đầu dò tìm phương hướng di chuyển của các đơn vị chủ chốt. Đánh lớn tất phải dồn quân, mà quân tinh nhuệ phải ở vị trí xung yếu. Làm cách nào điều quân đi mà kẻ địch vẫn không hay rõ quả thật là rất khó khăn. Còn quân thì còn hoạt động. Quân rút thì hoạt động phải lắng đi. Đưa đơn vị khác đến thay cũng không dễ vì cách thức chỉ huy và tác chiến của đơn vị này không giống với đơn vị nọ, mà kẻ địch do phải đương đầu với chúng ta đã nhiều năm nên có thể đoán biết mọi hoạt động của ta từ những dấu hiệu rất nhỏ.
“Trước tết, sư đoàn 10 vẫn còn ở khu vực Công Tum liền tổ chức ăn tết ở đó, mời cán bộ địa phương đến dự. Cùng thời gian, chúng tôi phái cán bộ đến liên lạc với tỉnh ủy và các cơ quan dân chính tại hai tỉnh Công Tum và Plây Cu yêu cầu huy động dân công làm đường và chuyển lương cho bộ đội đánh lớn vào mùa khô sắp tới. Mà là làm đường thật và chuyển lương thật, vì sư đoàn 968 tới thay thế cũng phải mở các trận đánh ở khu vực mình, vừa là nghi binh, vừa tạo một chỗ đứng vững chắc làm bàn đạp cho những bước nhảy sắp tới. Các đơn vị được di chuyển cũng chỉ được biết vào phút chót, trước hết là chuyển ra xa hơn các vị trí vừa đóng, như một cuộc chuyển quân bình thường để cắt đứt mọi sự mua bán, gửi gắm, chào hỏi với dân địa phương trước khi đi xa. Khi quân đã chuyển rồi, các cụm đài vẫn liên lạc với nhau và với Bộ tư lệnh cũ, do đồng chí tham mưu phó của B3 phụ trách mạng liên lạc này. Dĩ nhiên, mọi hoạt động chuẩn bị của ta ở hai tỉnh vẫn hết sức bí mật, nhưng tin rằng địch sẽ dò la ra, vì chúng đã chú ý từ trước, đã phấp phỏng từ trước. Nghi binh mà lộ liễu quá thì không còn là nghi binh. Nghi binh cũng phải nhằm đạt tới những mục tiêu có thật. Đứng về phía chiến dịch thì hướng đó là nghi binh, nhưng trong hàng loạt trận đánh của khu vực vẫn phải hoàn thành những nhiệm vụ đã được xác định: tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, chia cắt địch không cho chúng có cơ hội tập trung lực lượng, và nếu như nhân đó một thời cơ tốt đẹp đã xuất hiện thì phải nhanh chóng chớp lấy thực hiện những nhiệm vụ sẽ được bổ sung. Nghi binh tức là một hướng đánh, chỉ không phải là hướng chủ yếu của chiến dịch mà thôi. Phương hướng chuẩn bị là như thế. Cách thức chuẩn bị là như thế. Xây dựng kế hoạch sẽ dựa trên phương hướng và cách thức ấy do các cơ quan chính trị và tham mưu của mặt trận làm và bàn duyệt trong một thời gian ngắn nhất để còn kịp triển khai lực lượng.
“Trước tết Ất Mão chừng mấy ngày thì anh Hoàng Minh Thảo từ Bộ vào. Bộ tư lệnh chiến dịch nam Tây Nguyên đã được Quân uỷ trung ương chỉ định như sau: Anh Thảo là Tư lệnh trưởng, anh Hiệp là Chính ủy, anh Hàn là Phó chính ủy, anh Phan Hàn, anh Lăng, anh Năng và tôi là Phó tư lệnh.
“Ngày 23/02, tức 13 tháng Giêng năm Ất Mão, chúng tôi đi đón anh Văn Tiến Dũng. Anh Dũng ăn tết dọc đường để kịp vào xét duyệt các phương án trước khi chiến dịch mở màn. Đại tướng Văn Tiến Dũng là Ủy viên Bộ chính trị của Đảng ta, là Phó bí thư Quân ủy trung ương, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ và thay mặt Quân ủy trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch quan trọng này. Ngày 25/02, chúng tôi kéo lên Chỉ huy sở tiền phương của Bộ báo cáo quyết tâm và trình bày các phương án tác chiến. Nhân dịp này, anh Dũng có truyền đại lại tinh thần hội nghị Bộ chính trị từ ngày 18 tháng Chạp năm 1974 đến ngày 8 tháng Giêng năm 1975 như sau:
“Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền nam tiến tới thống nhất nước nhà…”
Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm, trong kế hoạch năm 1975, Bộ chính trị dự kiến một phương án và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975. Quyết tâm của Bộ chính trị trong mùa xuân 1975 là: phát động tấn công lớn trên toàn miền nam, lấy chiến trường Tây Nguyên là hướng tấn công chủ yếu. Trong Tây Nguyên, lấy nam Tây Nguyên là khu vực tác chiến chủ yếu và thị xã Buôn Ma Thuột là mục tiêu then chốt. Khi xét duyệt các phương án tác chiến, anh Dũng đã chỉ thị nhiều ý kiến hết sức quan trọng, đặc biệt là cách tổ chức các lực lượng thọc sâu. Với anh em chúng tôi trong Bộ tư lệnh chiến dịch, anh Dũng có căn dặn mấy điều. Một là, phải giữ được chủ động từ lúc nổ súng, cả quá trình, cho đến khi kết thúc. Hai là phải giữ được bất ngờ và luôn luôn tạo ra những bất ngờ mới cho địch. Ba là phải càng đánh càng mạnh, tạo ra một sức mạnh liên tiếp. Do đó, từ nay đến lúc nổ súng phải biết điều khiển địch, biết củng cố những nhận định sai lầm của nó về hướng tấn công chủ yếu của ta, phải tính toán và kiểm tra thật chặt chẽ mọi hoạt động của bộ đội để giờ nổ súng được giữ bí mật đến phút chót.
Giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch tính từ ngày 18 tháng Giêng đến ngày 4 tháng Ba là ngày ta bắt đầu cắt các đường 14, 19, 21 có tất cả 48 ngày.
“Thời gian được phân chia như sau:
Ngày 19 tháng Giêng đến ngày 28 tháng Giêng – Bộ tư lệnh chiến dịch xác định quyết tâm và làm các kế hoạch chiến dịch.

Ngày 2/02 đến 20/02 – Bộ tư lệnh chiến dịch tiến hành trinh sát chỉ huy, chủ yếu trên hướng thị xã.

Ngày 25/02 – Quyết tâm và kế hoạch đánh địch ở Buôn Ma Thuột được đồng chí Đại tướng Tổng tham mưu trưởng trực tiếp thông qua tại chiến trường.

Ngày 26/02 đến 27/02 – Làm kế hoạch hợp đồng chiến dịch và trận đánh thị xã.

Ngày 28/02 đến những ngày sau – Các đơn vị tiếp tục chiến đấu. Bộ tư lệnh và cơ quan kiểm tra, giúp đỡ, chủ yếu là đánh địch ở thị xã. Bổ sung cách đánh, giải quyết các vấn đề hiệp đồng, bảo đảm cơ động thông tin và hậu cần.
“Từ lúc lực lượng được triển khai đến ngày N, thời gian không dài quá mà cũng không ngắn quá. Dài quá, thay đi đổi lại thì dễ sơ hở, dễ lộ, địch sẽ có cơ hội để phản ứng. Mà ngắn quá thì ảnh hưởng đến việc chuẩn bị của các cấp. Tình hình dẫu khẩn trương đến thế nào cũng phải dành cho một đơn vị quân đoàn được chuẩn bị bảy ngày, cấp sư đoàn ba ngày, cấp trung đoàn bốn ngày vì còn phải phân chia cho các tiểu đoàn và đại đội. Có biết bao nhiêu việc phải làm: nào đạn, nào gạo, nào kéo pháo, nào ém quân, v.v. Về phía cơ quan chỉ huy của chiến dịch, chúng tôi cũng đặt ra những yêu cầu cụ thể:
- Vị trí chỉ huy chiến dịch chỉ được cách mục tiêu then chốt trong khoảng 6-7 cây số, càng gần càng tốt.
- Không có chỉ huy sở tiền phương. Tư lệnh ngồi ở tiền phương.
- Nếu có hai Chỉ huy sở, thì Chỉ huy sở cơ bản là ở hướng quan trọng nhất, chứ không phải ở phía sau.
Tức là bằng mọi cách, cơ quan chỉ huy chiến dịch phải gần được bộ đội, nắm được tình hình trực tiếp và nhanh chóng để có được những quyết định cũng nhanh chóng và chuẩn xác. Từ lúc ra ngồi ở cơ quan chỉ huy để tổ chức và đưa các lực lượng lần lượt vào tập kết ở các vị trí nhiệm vụ là quãng thời gian vô cùng hồi hộp, căng thẳng, lo âu. Kế hoạch thì như thế, nhưng trong vô vàn công việc để thực hiện có biết bao nhiêu tình huống muốn vỡ đầu. Không ăn gì được, chỉ uống thôi, cũng không ngủ được, cứ gà gật mươi phút lại mở choàng mắt nắm lấy điện thoại hỏi chỗ này, gọi chỗ kia vì chợt nhớ ra một chi tiết nào đó còn hồ nghi, còn lo lắng, cần phải kiểm tra một lần cuối. Một lần cuối rồi lại một lần cuối nữa, kiểm tra đi, kiểm tra lại, tự mình không đến được thì cử cán bộ đến, cho đến lúc nổ súng mới thật yên tâm hoàn toàn. Phải nói rằng chưa bao giờ chúng tôi được tham gia một chiến dịch nào đẹp như lần này, ưng ý về mọi mặt như lần này, vậy mà vẫn có những đêm, những ngày bồn chồn, lo lắng như ngồi trên chảo rang. Dẫu rằng kế hoạch có tài tình đến đâu vẫn cứ còn bao nhiêu chuyện không ai tính được trước đột nhiên xuất hiện.

TÌNH HÌNH ĐỊCH Ở TÂY NGUYÊN

Trong lúc chờ đợi đồng chí Vũ Lăng kể tiếp công trình chuẩn bị của Chỉ huy sở tiền phương của Bộ cùng Bộ tư lệnh chiến dịch nam Tây Nguyên cho trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, tôi xin giới thiệu một vài tư liệu sẵn có trong tay về tình hình đối phương trong mấy tháng đầu năm 1975 để bạn đọc thêm phần hứng thú.
Trong văn phòng tổng thống của Thiệu, có một nhân vật được gọi là đại tá Cầm, ngoài năm chục tuổi, thấp bé, xấu xí, được Thiệu rất tin cậy, cho giữ “bút tích” của tổng thống tự thảo các diễn văn, các công tư điện quan trọng, các quyết định bổ nhiệm hàng tỉnh trưởng trở lên. Cầm có một người vở cả để ở nhà quê, còn ăn ở với cô vợ nhỏ ở đường Nguyễn Huỳnh Đức, Sài Gòn. Cô này trạc 30 tuổi, là một tay áp-phe có hạng của đất đô thành, rất yêu chồng và nhất là cái chức vụ Phó văn phòng Phủ tổng thống của chồng. Ở phòng khách cô ta treo bức ảnh đức lang quân to bằng nửa người thật, to hơn cả ảnh tổng thống. Những người có việc đến hầu bà vợ nhỏ thường gọi bốc thơm là “Bà Chánh văn phòng”. Muốn chạy chức tỉnh trưởng hoặc trưởng ty cảnh sát, là những chức vụ “đẹp” nhất của ngạch cai trị, không thể không qua tay đại tá Cầm. Dầu muốn chạy của thủ tướng Khiêm hay đại tướng Viên, rút lại vẫn phải qua văn phòng của Thiệu để được xét duyệt lần cuối. Ví như được nghe một nguồn tin thân cận, tức là nguồn tin do do một nhân vật nào đó cố ý hớ hênh nói tuột ra rằng : “Ông Thiệu sắp sửa “nhổ” tỉnh trưởng Long Khánh”, thế là trong vòng vài hôm phải có hàng chục lá đơn đưa đến xin được thế chân. Người làm đơn phải kê khai tướng mạo, học lực và quân vụ cùng với một tấm hình căn cước. Nếu dưới lá đơn không kẹp thêm một tờ ngân phiếu, thì có thể xem như lá đơn bỏ đi, vì sẽ được đưa sau cùng, khi những lá đơn có tiền đã được đệ trình trước kèm theo một vài lời giới thiệu nho nhỏ. Nếu tổng thống phê bên cạnh lá đơn cho gọi đương sự lên xem mặt là coi như xong. Vì ông Thiệu rất coi trọng tướng số, nên khi trình diện phải giữ sao cho có được một bộ mặt con ông cháu cha, đi đứng cho đàng hoàng, ăn nói cho khoan thai là có thể cầm chắc được nghị định bổ nhiệm. Tuy nhiên, số tiền đưa theo lá đơn mới là tiền ứng trước, “nếu như tôi được bổ nhiệm thì sẽ…” cho nên khi được tổng thống ký vào nghị định bổ nhiệm, lập tức đại tá Cầm làm ngay một bản chụp lại, gửi cho đương sự để lấy nốt khoản tiền còn lại kia. Vì nghị định phải đi theo con đường vòng vèo của nó, qua nhiều bộ, nhiều cơ quan, rồi mới tới tay người được bổ nhiệm. Đại để lề luật làm việc ở văn phòng tổng thống là thế, vị trí của đại tá Cầm là thế. Cũng là may mắn cho tôi, trong những tài liệu lưu trữ của cơ quan tuyên huấn quân đoàn 3 lại có mấy tập “bút tích” nọ. Lại có cả một cuốn sổ ghi lại việc hàng ngày của Thiệu, tức là cuốn Agenda năm 1975, bìa vàng. Tôi xin chép lại vài đoạn:
….
6-January (Monday)
Phước Long thất thủ.
9,00 – Phó tổng thống + Thủ tướng + Đại tướng tổng tham mưu trưởng + Trung tướng Quang + Trung tướng Khuyên + Trung tướng Đống + Trung tướng Minh (không quân) + Chuẩn tướng Thọ (vụ Phước Long).
10-January (Friday).18,00 – Nói chuyện TV về vụ Phước Long.
11-January (Satuday)
8,30 – Mời thủ tướng Khiêm ăn sáng.
11,00 – Đại sứ Martin + tướng Jones, tham mưu trưởng không quân Hoa Kỳ.

5-February (Wednesday).
8,00 – Khởi hành đi Chu Lai (Boeing)
9,00 – Thăm sư đoàn 2 – Nói chuyện với binh sĩ.
11,00 – Đi Dạ Lê bằng trực thăng – Đáp tại núi Mỏ Tàu.
Dự thuyết trình của sư đoàn 1. Nói chuyện với binh sĩ. Cơm trưa.
Đi Huế bằng đường bộ - Thăm chợ Đông Ba.
Rời Huế đi Đà Nẵng bằng trực thăng.
Nói chuyện với binh sĩ sư đoàn 3.
Dự thuyết trình tại quân đoàn 1.
Nghỉ đêm tại Bộ chỉ huy 1/Tiếp vận.
6-February (Thusday)8,30 – Rời Đà Nẵng đi Pleiku (Boeing).
Dự thuyết trình của quân đoàn 2 tại phi trường.
Khen thưởng sư đoàn 6 không quân.
Rời Pleiku đi Pleime thăm biệt động quân.
Rời Pleime đi căn cứ 801 thăm sư đoàn 23 – Cơm trưa với binh sĩ.
Rời căn cứ 801 đi Trà Quang (Bình Định). Dự thuyết trình sư đoàn 22.
Rời Phù Cát đi Phan Rang.
Một tài liệu khác của Bộ tổng tham mưu quân đội ngụy gửi xuống các tư lệnh quân khu, không quân và hải quân nhắc nhở và giải thích thêm những ý chính trong các bài nói của Thiệu nhân dịp y đi thăm các căn cứ quân sự vào dịp trên. Nguyên văn như sau:
Việt Nam Cộng Hòa
Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phòng Ba
Điện thoại: 30.631
Số: 1.197/TTM/P341
TƯ VĂN
Kính gởi:
Trung tướng tư lệnh quân đoàn 1 + QK1
Thiếu tướng tư lệnh quân đoàn 2 +QK2
Trung tướng tư lệnh quân đoàn 3 + QK3
Trung tướng tư lệnh quân đoàn 4 + QK4
Trung tướng tư lệnh không quân
Đề đốc tư lệnh hải quân
Trích yếu: v/v chỉ thị của tổng thống Việt Nam Cộng hòa về đường lối chiến tranh hiện tại.
1. Trong dịp thăm viếng các đơn vị QLVNCH nhân dịp tết Ất Mão, tổng thống VNCH thường chỉ thị đại ý như sau:
a) Trước khi còn quân lực Hoa Kỳ, chúng ta chiến đấu với các phương tiện dồi dào, không hạn chế, đánh theo lối quy mô, sử dụng nhiều phương tiện và bom đạn một cách phí phạm.
b) Nay ngoại viện đã bị hạn chế và có chiều hướng ngày càng suy giảm vì sự khó khăn ngay tại các nước đồng minh viện trợ cho ta nên không thể tiếp tục mãi, cũng như ảnh hưởng của sự khủng hoảng nhiên liệu trên thế giới đã gây hậu quả quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam.
c) Do đó, ta phải quay trở về với lối đánh thuần túy Việt Nam cho phù hợp với các phương tiện tự túc và hạn chế của ta.
2. Trong khi chờ đợi BTTM phổ biến đường lối hoạt động chung theo chiều hướng như chỉ thị của tổng thống, BTTM yêu cầu quý vị tư lệnh dựa theo quan niệm sau đây mà áp dụng đường lối hoạt động cho phù hợp với tình hình từng địa phương:
a) Trên phương diện chiến thuật, lối đánh quy mô với sự phối hợp liên binh đòi hỏi nhiều phương tiện yểm trợ dồi dào và tốn kém không còn phù hợp, phần vì khả năng yểm trợ của ta đã bị hạn chế, phần vì giới hạn và ràng buộc bởi Hiệp định ngừng bắn. Do đó ta phải trở về với lối đánh thuần tuý Việt Nam, nghĩa là phải chú trọng đến sự hoạt động của các đơn vị nhỏ, từ cấp đại đội trở xuống tới cấp toán, cấp tổ, đánh bằng phục kích, đột kích, phá hoại, đánh bằng mìn bẫy trên các trục giao liên, đánh bằng các đơn vị trinh sát, v.v. Với lối đánh biệt động, lấy vũ khí cá nhân và cộng đồng của đơn vị làm chính (trung liên, đại liên, súng cối) và hoả lực phi pháo chỉ là phụ, như vậy các đơn vị sẽ không bị lệ thuộc và ỷ lại vào hoả lực yểm trợ của không quân và pháo binh.
Về di chuyển cũng lấy sức người làm chính, các phương tiện chuyển vận như quân xa, phi cơ trực thăng, v.v nếu có chỉ là phụ, hoặc chỉ được sử dụng các phương tiện này trong những trường hợp tối cần mà sức người không làm nổi. Do đó ta phải lấy phương châm: “Thắng địch bằng tinh thần chứ không phải bằng vật chất”, nghĩa là lấy sự quyết tâm, thiện chí và mưu lược để thắng địch hơn là bằng phương tiện.
Áp dụng được chiến thuật trên, chẳng những các đơn vị nhỏ sẽ dễ dàng bung quân tấn công phá vỡ kế hoạch lấn đất giành dân của địch mà còn tạo được thế chủ động bung ra chèn ép địch, gây bất an ngay trong lòng địch để buộc chúng vào thế co rút.
b) Với các hoạt động đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên ta chỉ sử dụng vào các mục tiêu lớn, chắc chắn và đáng giá, như vậy ta vừa tiết kiệm được lực lượng lại vừa sẵn có một số đơn vị lớn trù bị trong tay sẵn sàng tung quân đối phó với địch khi cần.
c)Trên phương diện tiếp vận, một số vấn đề khó khăn cho ta hiện nay là vũ khí, đạn dược, nhiên liệu là những phương tiện vô cùng đắt giá, nếu cứ tiếp tục giữ mãi mức độ tiêu thụ như trước đây, chắc chắn ngân sách quốc phòng không sao gánh nổi. Bộ tổng tham mưu đã từng chỉ thị các đơn vị phải tiết giảm nhu cầu tiêu thụ, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa đạt được đúng mức. Trong tương lai sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, do đó ngay từ bây giờ ta phải biết giữ gìn, biết tiết kiệm từng viên đạn, từng giọt xăng, bảo trì các vũ khí, quân trang, quân dụng hiện có của ta luôn luôn trong tình trạng thật hoàn hảo. Có như vậy mới hy vọng trong tương lai ta còn có phương tiện mà sử dụng.
d) Ngoài vấn đề sửa đổi về đường lối chiến thuật, tiết giảm và sử dụng hữu hiệu mọi nhu cầu, bảo trì hoàn hảo vũ khí, quân trang và quân dụng để đáp ứng với hoàn cảnh hiện nay, ta còn phải nghĩ tới việc để dành một số phương tiện khả dụng, làm trù bị dự trữ luôn luôn trong tình trạng tốt và sẵn sàng, hầu có thể tung ra đương đầu với cộng sản trong những ngày quyết định cuối cùng. Yêu cầu các vị tư lệnh khẩn nghiên cứu, ra lệnh và đôn đốc các đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh thi hành chỉ thị của tổng thống Việt Nam Cộng Hoà.
ĐẠI TƯỚNG CAO VĂN VIÊN
TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG
QLVNCH

TƯ VĂN
GỞI THỦ TƯỚNG
V/v sử dụng danh từ "Việt Nam hóa chiến tranh" (rồi lại gạch hai chữ "chiến tranh")
I - Tôi nghĩ danh từ "Việt Nam hóa chiến tranh" hoặc "Việt Nam hóa hòa bình" không thích hợp để dử dụng bởi người Việt Nam, dù thuộc chính quyền hay không, dù trong nước hay ngoài nước, vì lẽ:
Thứ nhất - Từ trước đến nay cuộc chiến tranh này là do cộng sản gây nên. Do đó, công cuộc kháng chiến là của nhân dân miền Nam chủ động, với sự trợ giúp của các quốc gia đồng minh hay thế giới tự do, dù tham chiến trực tiếp hay ở mọi hình thức viện trợ khác.
Vì vậy, công cuộc kháng chiến không thể nói và xem là do nơi ai khác hơn là nhân dân miền Nam chúng ta.
Trên đây là một căn bản không thể lệch lạc được. Cho nên:
Thứ hai - Khi nói cuộc chiến đấu đã được "phi Mỹ hóa" có nghĩa là từ trước đến nay do chính phủ Mỹ gây nên và lãnh đạo cuộc chiến này.
Điều này không đúng và không tốt cho nhân dân Việt Nam kháng chiến, còn lại giúp luận điệu cho công sản tuyền truyền khuynh đảo. Còn nói rằng "Việt Nam hóa chiến tranh" thì cũng như trên, có nghĩa là từ trước đến nay chiến tranh này là của Mỹ, ngày nay mới giao cho Việt Nam đảm trách.
Tai hại hơn nữa, là người ta sẽ hiểu lầm cho rằng Mỹ đã thua cuộc chiến tranh của Mỹ từ mấy năm nay, nên bây giờ mới giao lại cho chúng ta đánh và Mỹ sử dụng nhân dân miền Nam đánh giặc cho họ, do đó mà có từ Việt Nam hóa chiến tranh.
Thứ ba - Danh từ Việt Nam hóa cả quân sự lẫn chính trị mà một số nhân vật hay báo chí ngoại quốc thường dùng lại càng phải tránh, vì lẽ vấn đề chính trị là thuộc chủ quyền của người Việt Nam. Khi nói "Việt nam hóa... chính trị" có nghĩa là chính phủ và nhân dân Việt Nam mất chủ quyền chính trị. Còn cộng sản, thì họ sẽ khai thác cho rằng ta hoàn toàn nô lệ Huê Kỳ và Huê Kỳ đang thực hiện một chế độ thuộc địa tại miền Nam, cả về chính trị lẫn quân sự.
Danh từ này hoàn toàn tai hại cho cả ta lẫn bạn đồng minh.
...
Để giúp bạn đọc hiểu rõ thêm cách nhận định tình hình và cách bố trí lực lượng quân nguỵ ở quân khu II, tôi xin giới thiệu tóm lược phần thuyết trình tình hình quân sự của Phạm Văn Phú, tư lệnh quân khu II trước Trần Thiên Khiêm và phái đoàn chính phủ do y dẫn đầu, tới thăm quân khu II hồi đầu tháng Giêng năm 1975…
“Chiến dịch Đông Xuân 1975 sẽ bắt đầu cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm 1975. Về mức độ so với năm 1972 thì cường độ sẽ mãnh liệt hơn nhiều. Vì với hệ thống hành lang xâm nhập và vận chuyển quy mô hiện nay, địch dễ dàng tập trung pháo, chiến xa, bộ binh nhanh chóng áp lực nặng vào từng khu vực. Và thời gian chiến dịch có thể kéo dài hơn năm 1972… Ước tính nếu cộng sản mở chiến dịch lớn thì tỉnh Kontum, Pleiku và bắc Bình Định sẽ là những chiến trường trọng điểm. Các tỉnh Darlac, Quảng Đức, sẽ là các chiến trường phụ để thu hút và cầm chân lực lượng của ta.

Trong mùa khô sắp tới ước tính mặt trận Kontum sẽ là điểm kết hợp với diện là Pleiku. Tuy nhiên chiến trường Pleiku cũng vẫn có thể trở thành mặt trận điểm nếu địch tăng cường lực lượng.
Ở Kontum
Kể từ trung tuần tháng 5 năm 1971 hoạt động địch gia tăng mạnh mẽ. Đáng kể là vào những ngày 15, 16 tháng 5 năm 1974, địch đã tập trung bộ binh, pháo, chiến xa phối hợp tấn công bức rút trại và chi khu Dakpek.
Hai tháng sau lại gây áp lực mạnh vào chi khu Mangbuk. Cho đến ngày 19 và 20 tháng 8 năm 1974, áp lực địch chuyển về chi khu Chương Nghĩa. Và sau đó chi khu này mất liên lạc kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1974.
Ở Pleiku
Áp lực mạnh Pleime, địch pháo mạnh mưới ngàn viên đạn, tấn pháo mạnh vào tây Pleiku
Ở Bình Định
Hoạt động mạnh ở hai quận Phú Mỹ - Phú Cát, lấn mở rộng vùng giải phóng.
Hoạt động mạnh ở vùng Hoài Nhơn – Tam Quan
Đánh giao thông trên quốc lộ 19 và tây Bình Khê
Ở Đarlac
Pháo kích trên 1000 viên đạn, lấn chiếm trại biên phòng Tiểu Atar (tây bắc Ban Mê Thuột)
Đánh phá đường 14 – bắc Buôn Hồ.
Các đơn vị quân đoàn 11 được phối trí như sau:
Sư đoàn 22 bộ binh với 4 trung đoàn cơ hữu (40 ÷ 41 ÷ 42 ÷ 47) tại vùng Bình Định.
Sư đoàn 23 với ba trung đoàn cơ hữu (44 ÷ 45 ÷ 53) và được tăng phái liên đoàn biệt động quân tại vùng Pleiku.
Biệt động quân quân khu II hiện đang phối trí tại vùng:
Kontum: 4 liên đoàn/biệt động quân (22, 23, 4, 6).
Đarlac: liên đoàn 21/biệt động quân.
Quảng Đức: liên đoàn 24/biệt động quân
Kế hoạch quân sự của quân khu II trong đệ nhất tam cá nguyệt:
Tại mặt trận Kontum: Bộ chỉ huy biệt động quân/quân khu II với 4 lữ đoàn biệt động quân trách nhiệm hành quân đánh tiêu hao và tiêu điện sư đoàn 10 cộng sản, đặc biệt các trung đoàn 24, 28 và có thể trung đoàn 95B.
Bảo vệ và chiếm giữ Chư Pao (nam Võ Định) bằng mọi giá.
Tại mặt trận Bình Định: Sư đoàn 22 bộ binh đánh tiêu hao và tiêu diệt sư đoàn 3 và tỉnh đội Bình Định.
Bảo vệ quốc lộ 19 bằng mọi giá.
Tại mặt trận Pleiku: Sư đoàn 23 bộ binh trách nhiệm đánh tiêu hao và tiêu diệt sư đoàn 320 cộng sản.
Bảo vệ quốc lộ 19 trong lãnh thổ tiểu khu Pleiku bằng mọi giá.
Chiếm giữ và an ninh quốc lộ 14, đoạn đèo Tử sĩ.
Tiếp tục đánh phá giao liên và tiếp vận địch bằng thám kích, không quân chiến thuật và các đơn vị của nha kỹ thuật.

TÌNH HÌNH CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN

Viết về giai đoạn chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên mà không được gặp và hỏi chuyện những đồng chí có trách nhiệm cao nhất thì thật ân hận vô cùng. Theo tôi biết, trong những ngày tháng có tính chất quyết định này, mỗi câp trên đều có cái vất vả, cái anh hùng của mình. Của cấp dưới thì báo chí đã viết và tất cả chúng ta đều rõ. Nhưng còn của cấp trên, của các cơ quan lãnh đạo chiến lược thì chúng ta hầu như chưa được biết. Vả lại, trong chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch sau đó, chiến dịch Hồ Chí Minh, thì sự chuẩn bị của cấp trên hầu như là tất cả. Sự chuẩn bị chính xác và chu đáo tới mức cuộc tiến quân gồm hàng chục vạn quân sĩ nào pháo, nào xe, nào lương thực, nào xăng dầu, đơn vị vào trước, đơn vị đến sau, nhiều ngả nhiều hướng mà vẫn nhịp nhàng, vẫn uyển chuyển, đúng hướng, đúng chỗ, đúng cả thời gian, hệt như một cuộc thao diễn đại quy mô các lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước. Thôi thì, ai viết được phần nào, khía cạnh nào, giai đoạn nào của cuộc tổng tiến công này thì cứ viết. Viết đi rồi viết lại, kẻ trước người sau, năm mười năm nữa rồi chúng ta cũng sẽ có được một pho sử ký thật xứng đáng. Chính anh Lăng, nguyên là Phó tư lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, quân đoàn trưởng quân đoàn 3, đảm nhiệm hướng tây bắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng lấy làm tiếc cho tôi. Ngay như trong Bộ chỉ huy chiến lược Tây Nguyên, tôi cũng chưa được gặp hai nhân vật chủ chốt là anh Thảo, Trưởng tư lệnh và anh Hiệp, chính ủy. Bao giờ cũng thế, một công trình vừa được hoàn thành, những người anh hùng đã lại rong ruổi dặm dài đến những địa bàn mới, gánh vác những trách nhiệm mới. Tình cờ có được gặp lại họ, bày tỏ ý nguyện của mình, thì chắc chắn sẽ được trả lời: “Những việc làm dạo nọ ấy ư? Thì như các anh đã biết đấy, cũng chỉ là thế thôi” Và lập tức, các đồng chí ấy sẽ thuyết minh với anh về những công việc đang làm với những tính toán, những hy vọng, những lo âu, ánh mắt lấp lánh, giọng nói say sưa, nếu mình không tự chủ thì rất dễ quên bẵng đi cái ý định ban đầu.
Cho nên khi tôi yêu cầu được làm việc với anh Lăng vài ngày, có thể hơn thế nữa nếu như anh có thì giờ, anh tỏ vẻ ngạc nhiên:
‘- Làm thì lâu chứ kể lại có mấy, chỉ một tối là đủ”
Rồi anh lại hỏi tôi:
“-Nhưng biết kể với nhà văn cái gì? Các anh viết văn thì cần những câu chuyện gì?”
Tôi vội trả lời là mọi việc các anh đã làm đều thuộc về văn học cả, không có gì phải lược bỏ. Giả dụ rằng nếu viết tất cả như thế thì sẽ là một bản báo cáo chứ không thể là sáng tác văn học, thì tôi cũng bằng lòng làm người viết báo cáo. Làm báo cáo trước, làm văn học sau, bao giờ rỗi rãi sẽ làm văn, còn lúc này thì cần làm người thuật chuyện. Có lẽ bạn đọc hiện nay cũng đang thích như thế, đang muốn đọc một bản tường trình cặn kẽ như thế?
Đây là tối thứ nhất anh Lăng nói chuyện.
“Rất tiếc là anh không gặp được tất cả các anh trong Bộ tư lệnh chiến dịch, tức là anh Thảo, anh Hiệp, anh Hàm, anh Năng. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm báo cáo tổng kết, bàn bạc và nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề lớn, lại được đồng chí Đại tướng Tổng tham mưu trưởng, người chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp chiến dịch này xét duyệt và chỉ thị nhiều ý kiến. Như thế cũng đã là may mắn cho công việc của chúng ta rồi. “Tôi về chiến trường Tây Nguyên (còn gọi là B3) thay anh Thảo tháng Sáu năm 1974. Anh Thảo tuy đi nhận nhiệm vụ mới, nhưng kiến thức và kinh nghiệm của anh trong nhiều năm dài ở Tây Nguyên đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Đó cũng là một may mắn cho những người đến sau. Như anh đã biết, trước ngày về đây, tôi làm việc ở Cục tác chiến của Bộ tổng tham mưu, là một cán bộ có trách nhiệm ở một cơ quan chiến lược nên có điều kiện để so sánh, xem xét và tổng kết các kinh nghiệm. Anh Lê Trọng Tấn có nói “Ở Bộ về quân khu nếu làm ăn tốt là do đã có được một tầm nhìn rộng”. Khi đi cũng có giao ước với anh em trong Cục tác chiến là khi nào chuẩn bị những vấn đề mới thì nhớ khêu gợi bọn mình. Nếu được biết trước chiến trường mình nằm trong phương hướng chiến lược thì anh em sẽ chủ động hơn, thời gian chuẩn bị cũng rộng rãi hơn. Tháng 9 năm 1974, Cục tác chiến cũng đã rỉ tai cho biết về ý định của cấp trên trong năm 1975. Dưới này, bọn tôi sau khi đã xem xét tình hình của quân khu cũng tin rằng trong năm 1975 có thể làm được một cái gì đó có tính chất bản lề. “Sau ngày ký hiệp định Pa-ri, để chống lại âm mưu lấn chiếm của chính quyền nguỵ Sài Gòn, chúng ta đã tiêu diệt các cứ điểm địch nằm sâu trong vùng giải phóng như Chư Nghé, như Đắc Pét, như Măng Đen, Măng Búc. Địch co về củng cố tuyến phòng thủ vành đai các thị xã, các trục đường chiến lược và các mục tiêu chủ yếu. Mỹ rút quân, sự viện trợ của Mỹ đối với nguỵ quân dần dần giảm bớt đã tác động rất lớn đến phương thức tác chiến và thủ đoạn chiến thuật của địch. Lực lượng địch bố trí tại năm tỉnh cao nguyên là một sư đoàn (sư 23), 6 liên đoàn biệt động quân và 36 tiểu đoàn bảo an. Thiết giáp thì có 12 chi đoàn, tức là 4 thiết đoàn. Pháo binh có 230 khẩu. Không quân có sư đoàn 6, gồm 4 phi đoàn, khoảng 150 chiếc máy bay các loại. Quân địch như thế là đông, nhưng địa bàn quá rộng, những 45.000 km2 nên hóa ra phải dàn mỏng. Khả năng cơ động của chúng chủ yếu bằng đường bộ, dựa trên 3 trục đường chính: đường 14 chạy suốt hướng bắc-nam tới tận đông nam bộ, đường 19 nối đồng bằng khu 5 lên Plây-cu và đường 21 từ Buôn Mê Thuột đi Khánh Hòa. Đường 7 từ Cheo Reo ra Phú Yên đã từ lâu địch bỏ vì hoạt động của bộ đội địa phương Phú Yên ở khu vực này rất mạnh. Còn vận chuyển đường không cũng là vạn bất đắc dĩ, máy bay vận tải ít, xăng dầu hiếm, không thể mỗi lúc sử dụng tùy tiện được. Có đường thì sẽ có cách khóa đường. Có máy bay thì sẽ có cách khống chế sân bay. Thằng Mỹ lắm lúc còn chết cứng nữa là thằng nguỵ. Đó là một chỗ yếu của địch. Chúng ta sẽ có cách tính toán khoét rộng cái chỗ yếu đó ra. Còn lực lượng của chúng ta ở chiến trường này trong năm 1974? Hết sức lạc quan!
“Từ sau hiệp định Pa-ri, quân khu đã dành ra một quân số thích đáng để làm nhiệm vụ sản xuất. Các cơ quan xung quanh Bộ tư lệnh đều có nương rẫy và khu vực chăn nuôi riêng. Sự chi viện của miền bắc trong hai năm 1973, 1974 là hết sức dồi dào: người, vũ khí, quân trang, lương thực.
“Khi tôi về B3 nhìn cán bộ, chiến sĩ thấy rất khác với dự đoán của mình: khỏe mạnh, tươi vui, nơi ăn chốn ở hết sức đàng hoàng, như ở ngoài bắc vậy. Mà có khi còn hơn cả ngoài bắc vì ở đây mổ một con lợn không phải bàn tính gì nhiều lắm. Tối tối, đặt nồi cháo gà là chuyện hết sức bình thường. Thế là vui rồi. Làm tư lệnh mà thấy quân khoẻ, lương nhiều tức là đã cầm chắc tới quá nửa phần thắng. Lại nữa, chí khí chiến đấu rất cao. Nói chuyện với ai cũng thấy có ý nguyện là phải tấn công thôi, phải dùng bạo lực vũ trang mà mau chóng hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Cán bộ thì sợ để chậm trễ quá tuổi sẽ già đi, sức sẽ yếu đi. Anh em trẻ thì muốn “làm ăn” cho mau mau còn bắt tay làm những việc khác. Lòng người đã nhất tâm như thế là rất thuận.
“Từ sau năm 1972, bộ đội Tây Nguyên chưa đánh một trận nào lớn tới một trung đoàn hoặc một sư đoàn thiếu. Năm 1975 sẽ phải đánh ít nhất là bằng lực lượng của mình, tức là hai sư đoàn, có thể thêm hai trung đoàn hoặc một sư đoàn của Bộ chi viện trong thời gian chiến dịch. Đánh lớn, quân đông đòi hỏi năng lực tổ chức và chỉ huy của các cấp phải phù hợp với nhiệm vụ. Một kinh nghiệm của tôi là Tư lệnh phải trực tiếp huấn luyện bộ đội, nhất là cán bộ, không thế không chỉ huy được. Bộ đội phải do mình trực tiếp xây dựng thì đánh mới thực chắc tay. Có hiểu rõ cán bộ và chiến sĩ của từng đơn vị mới hạ quyết tâm được, mới quyết đoán được. Bộ tư lệnh liền tổ chức hai lớp tập huấn cho cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn và các tiểu đoàn chủ chốt. Nội dung tập huấn là: nghệ thuật chiến dịch tấn công và nghệ thuật chiến dịch phản công. Thấy hết được vai trò của chiến thuật trong nghệ thuật chiến dịch. Thống nhất với nhau về cái gọi là những trận đánh then chốt, những trận đánh có ý nghĩa nổ truyền trong một chiến dịch. Sau đó, cấp sư về bàn bạc lại với cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn và đại đội. Đó là sự chuẩn bị rất cơ bản về lãnh đạo và chỉ huy trước khi bước vào mùa xuân năm 1975.
“Lại nói tới một vấn đề khác, cũng hết sức quan trọng, vì nó là cơ sở của mọi chiến thuật. Tức là quân số. Chiến thuật gì thì cũng phải có đủ người. Một tiểu đội phải có 7 người, ít ra cũng phải có được 5, 6 người. Chứ nếu chỉ có 3 người thì không thể gọi là một tiểu đội. Tiểu đội không thành thì trung đội, đại đội cũng không thành. Nên quân số là quan trọng, quân số đủ thì mới đảm bảo được việc thực hiện chiến thuật. Trong lịch sử chiến đấu của bộ đội Tây Nguyên, chưa bao giờ ra quân đủ như lần này: một tiểu đoàn là 400 người. Trước kia, ra quân 300 người còn khó. Ra quân đông người, đi chiến đấu nhìn trước quay sau, ngó trái, liếc phải đều thấy đồng đội thì sẽ rất phấn chấn. Cán bộ nghe tiếng hát to, nhịp đi mạnh, trong lòng cũng vui. Khí thế của lúc lên đường cũng nhờ vào đó một phần. Lúc này đánh một trung đoàn địch chỉ lo không diệt gọn chứ không lo không đánh được. Không ai nghĩ là địch mạnh nữa, mà chỉ bàn tính làm sao trận đánh diễn ra cho nhanh, diệt địch cho gọn, và chúng ta chỉ chịu tổn thất rất ít. Chuẩn bị lực lượng như vậy là yên tâm, dẫu tình hình sẽ là như thế nào vẫn cứ xoay chuyển kịp vì mình đã ở trong tư thế sẵn sàng.
“Mùa hè năm 1974, chúng tôi đã kết luận rằng các đơn vị thuộc quân đoàn 2 ngụy đã sút giảm sức chiến đấu. Khi ta tấn công vào một trung đoàn tăng cường của ngụy thì chúng không đủ sức chống đỡ. Chúng đưa một sư đoàn thiếu thì không đủ sức giải vây. Trong trận đánh ở Plây-me, thiết giáp của nó toàn đứng sau đội hình bắn với lên, nếu bị đánh từ phía lưng là lập tức tháo chạy. Quân đoàn 2 ngụy chỉ đủ sức đối phó với một sư đoàn của ta trên một hướng. Nếu ta đánh lớn hơn, trên nhiều hướng, nhất định chúng sẽ bị lúng túng. Sau trận đánh ở Thượng Đức, chúng tôi tin rằng trong vòng hai năm tới có thể giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Tháng 10 năm 1974, đồng chí tham mưu phó của B3 ra Bộ báo cáo đã trở về, mang theo mệnh lệnh tác chiến mùa khô: đánh Thuần Mẫn, đánh Đức Lập và đánh thị xã Gia Nghĩa, mở thông xuống đường 20, nối vùng giải phóng Tây Nguyên với miền đông Nam bộ. Đánh Thuần Mẫn và Đức Lập, chúng tôi đã có dự tính trước. Còn đánh Gia Nghĩa không phải đất của quân khu, đến bản đồ cũng không có. Địa hình chưa rõ, đường sá chưa làm, tuyến vận chuyển xa, bộ đội hành quân cũng xa, mùa mưa chưa dứt, thời gian chuẩn bị tính ra chỉ còn được hai tháng. Thế là đủ vỡ đầu rồi! Nhưng đã là lệnh thì phải chấp hành, chấp hành cho xuất sắc. Khó thế chứ khó nữa cũng phải nghiến răng lại mà làm. Giữa tháng 10 đã có những đơn vị công binh, hậu cần, trinh sát đi trước. Còn các đơn vị khác đều đã sẵn sàng. Giai đoạn chuẩn bị cơ bản đã xong, chỉ còn đợi lệnh là bắt tay vào những nhiệm vụ cụ thể.
“ Tôi là một cán bộ quân sự của Đảng từng trực tiếp chỉ huy bộ đội tham gia nhiều chiến dịch, có thể nói là có chút ít kinh nghiệm đánh địch, nhưng lại chưa được ở một chiến trường nào thật lâu. Nay vào một chiến trường chiến đấu và sinh hoạt đều rất gian nan, không khỏi lo rằng anh em chưa tin mình. Lòng tin của cấp dưới với cấp trên là rất quan trọng. Trong chỉ huy chiến đấu, có lúc cấp dưới chỉ làm theo mệnh lệnh mà không có thì giờ để bàn cãi trái phải. Nếu đã tin nhau thì khó mấy cũng làm, dẫu có ngược với dự tính của mình vẫn cứ làm. Còn chưa tin lắm, chưa tin hẳn thì có làm cũng không được triệt để, vừa làm vừa ấm ức, vừa làm vừa nghi ngại. Bụng đã hồ nghi thì hễ gặp khó là sinh chuyện ngay. Muốn cho cấp dưới thật tin thì cấp trên phải sâu sát, phải biết cách kiểm tra và có ngay những ý kiến chuẩn xác trong việc giải quyết khó khăn của cấp dưới. Cấp dưới báo cáo đều đặn lên cấp trên là một kỷ luật phải nghiêm giữ. Nhưng không có báo cáo nào ích lợi bằng tự mình đến tận nơi. Không phải anh em cố ý che đậy, dối trá trong các báo cáo. Hoàn toàn không phải thế. Chỉ vì nhận thức của mỗi cấp đều có hạn. Cái mình cần thì anh em nghĩ là nhỏ, cái không cần lại nghĩ là to. Nhiều vấn đề lúc chuẩn bị thì tưởng là nhỏ, nhưng trong diễn biến chiến đấu lại hóa ra to, rất to. Chuẩn bị nhỏ mà phải đối phó to, hoặc phải đương đầu với một tình thế chưa hề có chuẩn bị là hết sức rắc rối. Là người chỉ huy không thể để bit dồn vào cái chỗ kẹt ấy. Cho nên Tư lệnh phải có mặt ở hướng chủ yếu và ở những trận đánh then chốt. Có mặt từ lúc chuẩn bị. Đánh là phải có bài bản, phải có sự kết hợp, phải có sự kết hợp giữa các trận đánh theo một ý đồ thống nhất, trọn vẹn của một chiến dịch. Đánh ngắc ngứ là do thiếu chuẩn bỉ. Mà phải chuẩn bị theo cách nghĩ của mình. Muốn đánh có bài bản thì chuẩn bị cũng phải có bài bản. Đầu tháng 12, Bộ tư lệnh phân công tôi trực tiếp đi chuẩn bị trận đánh Đức Lập, anh Năng là Phó tư lệnh thì chuẩn bị cho trận đánh hướng Gia Nghĩa. Lúc này cũng mới nghĩ đến có hai bàn đạp là là Đức Lập và Thuần Mẫn. Đánh Đức Lập rồi phát triển xuống Gia Nghĩa, giải phóng tỉnh Quảng Đức, mở thông đường 20, nối liền Tây Nguyên với miền đông Nam Bộ. Đánh Thuần Mẫn rồi phát triển ra Cheo Reo, giải phóng tỉnh Phú Bổn, mở đường xuống 3 tỉnh phía nam khu 5. Đánh như thế là lớn, lại bằng lực lượng của mình, nhưng tin là làm được. Chúng tôi tin chắc rằng sẽ đánh được vì thực lực của ta và địch đều đã thay đổi. Cũng đã có nghĩ đến Buôn Ma Thuột, cấp trên cũng đã gợi ý nếu có thời cơ thì sẽ đánh Buôn Ma Thuột. Vậy thế nào là thời cơ? Phải chuẩn bị trước kẻo việc đến nơi là lúng túng lắm. Khi báo cáo tình hình tác chiến với Đảng ủy quân khu, tôi cũng đặt vấn đề “Thế nào là thời cơ?”. Theo chúng tôi nghĩ: thời cơ sẽ xuất hiện khi ta đã tiêu diệt gọn hai chi khu quan trọng là Thuần Mẫn và Đức Lập, khi chúng ta đã đánh tan các lực lượng phản kích ở phía tây sông Sê-rê-pốc và từ Plây-cu kéo xuống, khi tình hình chung đã như thế mà lực lượng địch trong thị xã Buôn Ma Thuột vẫn chỉ là một trung đoàn thì khi ấy là đã có thời cơ để giải phóng Buôn Ma Thuột.
“Quận lỵ và chi khu quân sự Đức Lập nằm trên đường 14, cách thị xã Buôn Ma Thuột 60km về phía tây nam, gồm 5 cứ điểm, nhưng có 3 cứ điểm phải chú ý: căn cứ 23, căn cứ Núi Lửa và quận lỵ. Lực lượng chiếm giữ của địch có một tiểu đoàn của trung đoàn 53 thuộc sư đoàn 23, hai tiểu đoàn bảo an, 15 khẩu pháo, 20 xe thiết giáp. Anh em cùng đi nghĩ rằng tôi đã có tuổi, sức lại yếu, vào sâu quá vừa mệt vừa nguy hiểm nên muốn tôi dừng lại ở Nậm Lia, từ đó mà quan sát cũng vẫn tốt. Tôi thì nghĩ trận này là trận mở đầu của một mùa chiến đấu, đánh nhanh, thắng to, hao tổn ít thì sẽ ảnh hưởng tốt tới quyết tâm các trận sau nên khó mấy cũng phải nhào tới vị trí của cấp trung đoàn. Đứng xa nhìn khác, vào gần nhìn khác, vào càng gần cách tính toán sẽ càng chính xác hơn. Ví như trận địa của trung đoàn 28 đánh căn cứ Núi Lửa, phía tây Đức Lập. Nếu không vào tận nơi, rất khó có ý kiến thật đúng về cách tổ chức hỏa lực bắn thẳng, rồi đuờng kéo pháo, rồi tổ chức hỏa lực hướng tấn công. Tôi ưa dùng hỏa lực, nhưng là hỏa lực bắn thẳng, thời gian ngắn, hiệu quả to. Muốn gì thì quả thứ 3 là phải trúng mục tiêu. Trong vòng hai phút, các loại đạn pháo của anh phải rơi trúng những mục tiêu cơ bản. Anh em có ý kiến là phải 5, 6 phút mới trúng mục tiêu. Tôi không đồng ý. Hỏa lực cơ giới bắn cầu vồng phải năm, sáu chục viên mới trúng được mục tiêu, còn bắn thẳng thì chỉ sau 3 viên là phải trúng. Cùng đi với tôi có cán bộ sư đoàn, cán bộ trung đoàn tấn công, tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn chủ công, tính toán với nhau rồi hỏi: còn điều gì nghi ngại, còn vấn đề nào cảm thấy khó thì nói liền đi, bàn luôn, rồi quyết định luôn. Bàn tính xong xuôi, tôi hỏi đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn 28: “ Anh nhận đánh căn cứ này là bao nhiêu phút?”. Đồng chí đó cười: “Xin được 1 giờ”. Tôi đồng ý: “Thật ra cũng chỉ cần 1 giờ”. Rồi tất cả theo tôi đi quan sát căn cứ 23 và trận địa của trung đoàn 66, phía bắc Đức Lập.
“Gần đến nơi thì xảy ra một chuyện tưởng là vặt, mà không khéo lại hóa ra rày rà. Một nhóm trinh sát vì để lộ nên phải bắt giữ một người đánh dấu cây cho nhà thầu đốn gỗ. Giữ người lại là phiền lắm. Bỗng dưng sao mất tích một người? Một người bị mất tích xung quanh căn cứ của nó, tất nhiên là phải ngờ ngay đã bị Việt Cộng bắt giữ. Lâu nay vắng bóng họ, đột nhiên họ lại xuất hiện, vậy là không bình thường rồi. Từ đó mà nghĩ đến những hiện tượng khả nghi khác, lập ra giả thuyết khác, để mắt vào chỗ này chỗ kia. Cái nhỏ làm hỏng cái lớn vốn bắt đầu chỉ là như thế. Nhưng có cái may là người đánh dấu cây kia đang là một bên của một vụ kiện. Ông chú bị cây đè chết, bà thím nghi là cháu đặt bẫy giết chú nên đã phát đơn kiện. Nay anh ta bỗng dưng biến mất thì chắc hẳn sẽ được cắt nghĩa là sợ tội mà bỏ trốn. Rồi đây trận đánh kết thúc, phải có giấy tờ hẳn hoi để rửa oan cho người ta. Thế là tạm xong một việc rắc rối bắt gặp dọc đường.
“Căn cứ 23 cũng chỉ cần đánh trong 1 giờ. Núi Lửa 1 giờ. Căn cứ 23, 1 giờ. Quận lỵ Đức Lập cho hẳn là 1 ngày. Rộng ra là trong hai ngày phải giải quyết xong chi khu Đức Lập, kể cả lùng bắt tàn binh, thu dọn chiến trường. Được không? Sư trưởng sư 10 thì muốn nới thêm 1 ngày nữa, tức là từ 2 đến 3 ngày. Tôi phải tính toán luôn: Chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ là từ hai đến 3 ngày, nhưng cấp sư chỉ được phép đánh trong 1 ngày. Thực ra chỉ cần có 1 ngày, tôi đã cho anh dôi thêm 1 ngày nữa thế là quá rộng rồi. Lại giao hẹn: xong ngày thứ nhất, tôi sẽ lấy của anh trung đoàn 24 để phối hợp cùng với một trung đoàn của sư 316 đánh quân phản kích phía tây sông Sê-rê-pốc. Bộ tư lệnh sư đoàn chỉ được phép dùng hai trung đoàn 66 và 28 vào trận đánh, không cho phép dùng trung đoàn 24 là lực lượng dự bị của sư.
“Trinh sát xong khu vực Đức Lập, lại kéo nhau sang phía tây sông Sê-rê-pốc, là địa bàn tác chiến của sư 316 đánh quân ứng cứu từ Buôn Ma Thuột kéo ra. Anh em mới vào, chiến trường chưa quen thuộc nên càng phải bàn tính cho cặn kẽ, tỉ mỉ. Tôi vốn là người mê phong lan, mà khu vực phía tây sông Sê-rê-pốc có lắm thứ hoa lạ kỳ. Đi trong rừng, chỉ những vấp là vấp vì còn mải ngửa cổ ngắm hoa. Bụng bảo dạ công việc xong xuôi nhất định phải trở lại đây, lang thang vài ngày kiếm ít rò lan thật đẹp. Chỗ mình định đến thì địch còn đang cưa gỗ, máy nổ ầm ầm, mà trời đã quá trưa rồi. Định vào rồi ra ngay, nếu chần chừ lại mất thêm một ngày nữa. Đúng 4 giờ 30 chúng mới rút, chúng đi xuôi, mình chạy ngược, cách nhau chỉ trong khoảng mấy mươi thước. Vừa chạy vừa nhảy qua những gốc cây, thân cây, do dân ngả để làm nương, do lính nó cưa để lấy gỗ, chạy được vài bước lại nhảy một đoạn dài, chạy nhảy cả giờ mới lên được vị trí quan sát. Cũng đoạn đường ấy lúc lộn về mất gần ba tiếng đồng hồ. Đến nơi nghỉ, kiểm lại quân số thiếu mất hai người, một bác sĩ quân y và một tiểu đoàn trưởng pháo binh. Cho anh em trinh sát chia làm mấy ngả quay lại tìm, người đi tìm đành là thức trắng, nhưng những người ngồi chờ tin cũng không thể ngủ. Chỉ lo có chuyện gì xảy ra rồi sẽ ân hận không biết thế nào. Trời đã sáng hẳn, vừa mới đặt lưng chợt nghe có tiếng cười ầm ầm phía ngoài. Họ đã về! Hú vía! Thì ra hai người xuống suối lấy nước đổ bi-đông, vì đã chịu khát cả buổi chiều, lúc lên thì tốp đi trước đã mất hút. Ông bác sĩ cứ nắc nỏm khen mãi đồng chí tiểu đoàn trưởng pháo binh tìm đường trong đêm quá tài, thấy ngó ngó vào địa bàn lại ngó ngó vào bản đồ cuối cùng cũng lần mò được ra cái địa điểm vô danh đã hẹn trước. Nghỉ hẳn lại hai ngày. Đêm sau đồng chí trợ lý tác chiến vác súng xin phép được đi bắn bò rừng lấy thịt khao quân. Khi chiều ra nương thấy có vết móng bò rừng. Người ấy đã nổ súng, không hạ được con này cũng con kia. Quả nhiên có bò rừng thật, phải bốn, năm tạ thịt, ăn một góc, còn lại lọc thịt nước qua làm lương khô ăn dọc đường về chỉ huy sở khu B. Chúng tôi ăn mừng ba mươi năm thành lập quân đội, ăn mừng một năm mới đã bước sang được vài ngày, ăn mừng một chuyến đi trinh sát hết sức như ý. Rồi hẹn nhau sang năm, bằng giờ sang năm chúng ta sẽ lại tổ chức một bữa tiệc dọc đường, nhưng là ở một hướng khác, ở Công Tum hay Plây Cu, hoặc trên những đường lớn chạy thông ra biển. Chỉ sang năm 1976 nhất định chúng ta phải với tay xuống biển, một vùng cao nguyên đã được giải phóng, từ đó muốn làm gì cũng được, muốn lên bắc hay xuống nam đều được hết. Hẹn nhau thế, nào ai ngờ… Nhưng trước khi thốt lên cái câu thật sảng khoái: cũng không ngờ! thì còn có bao nhiêu đêm ngày không ngủ, không ăn, đầu óc căng thẳng vì những phương án, những kế hoạch, rồi những hồi hộp, những lo lắng, những bồn chồn. Đó là tình hình của tháng Giêng và tháng Hai, nhất là nhữngt ngày của tháng Hai năm 1975. Vì chỉ vừa bước chân vào chỉ huy sở khu B đã nhận được điện của Bộ: “Trinh sát kỹ cả mục tiêu A”. Mục tiêu A là Buôn Ma Thuột…”.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen