Sonntag, 27. Juli 2014

LƯỢC SỬ TRƯỜNG BỘ BINH

  
Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954 chia đôi Việt Nam. Miền Nam do chính phủ Quốc Gia quản lý, dần dần trở thành một Quốc Gia riêng biệt với danh xưng Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1956. Quân Đội Quốc Gia Việt Nam cũng cải danh thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. 
Trường Bộ Binh là danh xưng sau cùng của Trường Sĩ Quan Thủ Đức thành lập ngày 9-10-1951 để đào tạo Sĩ Quan Trung Đội Trưởng thuộc ngạch Trừ Bị cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Lúc đầu Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức đặt dưới quyền chỉ huy của các Sĩ Quan Pháp. Vài năm sau mới chuyển giao cho Việt Nam. Vị Sĩ Quan Việt Nam đầu tiên làm Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh là Đại Tá Phạm Văn Cảm. 

I. TIỂU SỬ TRƯỜNG BỘ BINH: 
Tiền thân của Trường Bộ Binh bắt đầu từ TRƯỜNG SĨ QUAN THỦ ĐỨC và TRƯỜNG SĨ QUAN NAM ĐỊNH. 
Tháng 10-1951. Một cuộc chiến tranh do Việt Minh chủ trương mỗi ngày càng gia tăng cường độ. Để đáp ứng nhu cầu sĩ quan chỉ huy cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đang trên đà bành trướng, Trường Sĩ Quan Thủ Đức được thành lập song song với Trường Sĩ Quan Nam Định tại Bắc phần. 
Một năm sau, Trường Sĩ Quan Nam Định tại Bắc phần huấn luyện xong Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị, được sáp nhập vào Trường Sĩ Quan Thủ Đức để trở thành quân trường duy nhất đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. 


LIÊN TRƯỜNG VÕ KHOA THỦ ĐỨC: 
Sau 4 năm tích cực hoạt động trong trách vụ đào tạo Sĩ Quan Bộ Binh, năm 1955, Trường được giao phó thêm nhiệm vụ đào tạo chuyên viên các ngành trong Quân Đội và được cải danh thành “Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức” gồm các Quân Trường sau: 
- Trường Bộ Binh. 
- Trường Thiết Giáp. 
- Trường Pháo Binh. 
- Trường Công Binh. 
- Trường Truyền Tin. 
- Trường Quân Cụ. 
- Trường Thông Vận Binh. 
- Trường Quân Chính. 
Tháng 10 năm 1961, do sự bành trướng chiến tranh xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt gây ra, tình trạng đất nước ở vào giai đoạn khẩn trương. Nhiều trận chiến bùng nổ trên toàn lãnh thổ Miền Nam. Nhu cầu cán bộ chỉ huy để cung ứng cho chiến trường lại gia tăng, vì thế các quân trường chuyên môn được tách khỏi Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, ngoại trừ hai trường Bộ Binh và Thiết Giáp, để lấy chỗ huấn luyện số thanh niên đông đảo được động viên trong một chương trình đại quy mô. 

TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC: 
Sau hai năm hoạt động liên tục với những phát triển không ngừng về cơ sở và kỹ thuật huấn luyện, đến ngày 1-8-1963, Bộ Tổng Tham Mưu đã ấn định nhiệm vụ của Trường là “đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho QĐVNCH”. Do đó Trường lấy lại danh hiệu là “Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức”. 

TRƯỜNG BỘ BINH: 
Đến tháng 4-1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức lãnh thêm nhiệm vụ đào tạo các Cán Bộ Đại Đội Trưởng và Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh. Để phù hợp với nhiệm vụ được giao phó, ngày 1-7-1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được cải danh là “Trường Bộ Binh” cho đến ngày cuối cùng 30-4-1975. 
Đáp ứng với sự phát triên đào tạo Cán Bộ Chỉ Huy cho Quân Lực cùng nhu cầu địa thế thích hợp cho các bãi và sân tập thực hành cùng xạ trường, ngày 4-4-1974, Trường Bộ Binh từ Thủ Đức được di chuyển về Huấn Khu Long Thành. 
Mặc dù dọn ra Long Thành cả năm mà không hiểu sao chẳng mấy ai gọi là Trường Bộ Binh Long Thành. Người ta cứ quen miệng gọi là Trường Bộ Binh Thủ Đức và có người vẫn cứ gọi là Trường Sĩ Quan Thủ Đức. Quá khứ không phải là dĩ vãng, quá khứ nhập vào hiện tại. Có lẽ quá khứ vẫn là một cái gì đẹp như mối tình đầu chăng? 
Trải qua hơn 21 năm, Trường Bộ Binh xứng đáng là Trường sản xuất nhiều Sĩ Quan Trừ Bị nhất vùng Đông Nam Á Châu vào thời điểm ấy. 

II. BIỂU TƯỢNG ĐƠN VỊ: 
1. PHÙ HIỆU: 
Phù hiệu Trường Bộ Binh gồm một ngọn lửa hồng bao quanh thanh kiếm bạc trực chỉ trên nền trời xanh thẳm. 
- Ngọn lửa tượng trưng cho sự rèn luyện nung đúc chí khí và thể chất. 
- Thanh kiếm bạc nói lên sự quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc Việt. 
- Nền xanh là màu biểu tượng của Bộ Binh. 
2. PHƯƠNG CHÂM: 
“Cư an tư nguy” ghi trên phù hiệu và quân kỳ (có nghĩa là “muốn sống yên ổn thì phải nghĩ đến lúc hiểm nguy”, suy rộng ra: “Muốn Hòa Bình phải chuẩn bị chiến tranh”), do sáng kiến của Đại Tá Phan Đình Thứ, tự Lam Sơn, đương kiêm Chỉ Huy Trưởng của Trường. 
3. DÂY BIỂU CHƯƠNG:
Để tưởng thưởng thành quả huấn luyện. Đến tháng 10-1964, Trường Bộ Binh đã được hai lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội và được ban thưởng Dây Biểu Chương màu Anh Dũng Bội Tinh vào ngày 12-10-1964. 

III. NHIỆM VỤ TRƯỜNG BỘ BINH: 
Trường Bộ Binh có những nhiệm vụ chính: 
- Huấn luyện SVSQ Trừ Bị thường xuyên và SVSQ Trừ Bị Đặc Biệt. 
- Huấn luyện quân sự cho các Khóa Sĩ Quan Quân Y và các Khóa Y, Nha, Dược Sĩ trưng tập. 
- Huấn luyện các Khóa Bộ Binh Trung Cấp (nguyên là Khóa Đại Đội Trưởng) và các Khóa Bộ Binh Cao Cấp (nguyên là Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Trung Cấp). 
- Huấn luyện các lớp đào tạo Huấn Luyện Viên. 
- Kể từ đầu năm 1974, Trường đã tổ chức huấn luyện thêm các Khóa Bổ Túc Sĩ Quan Tham Mưu Tiểu Khu và Chi Khu cũng như Quân Sự tổng quát cho các Khóa Cao Cấp Chuyên Môn. 
- Ngoài nhiệm vụ chính như trên, Trường Bộ Binh còn nhận nhiệm vụ huấn luyện một số Khóa học hoặc chương trình khác do Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn giao phó. 

IV. CÁC VỊ CHỈ HUY TRƯỞNG LIÊN TIẾP VÀ THỜI GIAN PHỤC VỤ: 
A. DANH TÁNH QUÝ VỊ CHỈ HUY TRƯỞNG TRƯỜNG SĨ QUAN NAM ĐỊNH VÀ THỦ ĐỨC KHI PHÁP HUẤN LUYỆN: 
- Thiếu Tá Tilly Chỉ Huy Trưởng Trường Nam Định 01-10-1951 
- Đại Úy Huỳnh Bá Xuân Chỉ Huy Phó Trường Nam Định 01-10-1951 
- Đại Tá Chalandon Chỉ Huy Trưởng Trường Nam Định 01-10-1952 
- Thiếu Tá Bouillet Chỉ Huy Trưởng Trường Thủ Đức 1951-1952 
- Đại Tá Chalandon Chỉ Huy Trưởng Trường Thủ Đức 01-07-1952 
(Trường Nam Định chỉ học một Khóa duy nhất. Khóa 2 học ở Thủ Đức). 
B. DANH TÁNH QUÝ VỊ DANH TÁ, DANH TƯỚNG, NGUYÊN CHỈ HUY TRƯỞNG TRƯỜNG BỘ BINH QLVNCH: 
Vị Chỉ Huy Trưởng đầu tiên người Việt Nam là Đại Tá Phạm Văn Cảm. 
Ghi theo cấp bậc lúc tại chức. Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn hai lần làm Chỉ Huy Trưởng. Kèm theo bài viết có đầy đủ hình ảnh của 14 vị Chỉ Huy Trưởng. 

V. THÀNH QUẢ HUẤN LUYỆN: 
Từ ngày thành lập Trường cho đến tháng 10/1974, Trường Bộ Binh được chia làm hai giai đoạn huấn luyện: 
- Giai đoạn từ 1951 đến cuối 1967 được xem là thời kỳ bình thường. Trong khoảng thời gian này, Trường bị gián đoạn huấn luyện từ tháng 2/1955 đến tháng 3/1957 vì ảnh hưởng của Hiệp Định Genève năm 1954. Khóa 6 SVSQ/TB được tiếp tục huấn luyện vào ngày 25-3-1957. Mức độ huấn luyện của giai đoạn này được ghi nhận là cao nhất vào năm 1966, có 5.619 Sĩ Quan Trừ Bị tốt nghiệp. 
- Giai đoạn từ đầu năm 1968 (tức sau Tết Mậu Thân) cho đến đầu năm 1975, vì nhu cầu cấp bách của chiến trường và cũng để đáp ứng với sự trưởng thành của QLVNCH nên nhu cầu huấn luyện được gia tăng rất nhanh. Năm 1968, số Sĩ Quan Trừ Bị tốt nghiệp là 9.479 Sĩ Quan. Năm 1969, số Sĩ Quan Trừ Bị tốt nghiệp lên đến 10.852. 
Theo tài liệu kết quả tổng quát về số lượng các Sĩ Quan xuất thân từ Trường Bộ Binh qua các Khóa đã được đào tạo từ ngày thành lập Trường đến tháng 10/1974: 
- 85 Khóa SQTB (71 Khóa SQTB/TX, 14 Khóa SQĐB). Số lượng Sĩ Quan đã tốt nghiệp là 84.223 người, kể cả hàng ngàn Sĩ Quan do các Bộ Tư Lệnh Không Quân, Hải Quân và Cảnh Sát Quốc Gia gởi đến thụ huấn. 
- 9 Khóa Tiểu Đoàn Trưởng hay Bộ Binh Cao Cấp kể từ khi dời từ Trường Chỉ Huy Tham Mưu về Trường Bộ Binh đã đào tạo được 1.655 Sĩ Quan kể từ cấp Đại Úy đến Trung Tá. 
- 43 Khóa Đại Đội Trưởng hay Bộ Binh Trung Cấp có 5.156 Sĩ Quan khóa sinh trúng tuyển. 
- Kể từ năm 1965, Trường Bộ Binh còn phụ trách huấn luyện thêm 13 Khóa Quân Y Trưng Tập, 21 Khóa Sĩ Quan Căn Bản, 20 Khóa Sĩ Quan Huấn Luyện Viên. Gần 4.000 Sĩ Quan đã tốt nghiệp các Khóa này. 
Sau tháng 10-1974 cho đến 30-4-1975, Trường còn huấn luyện thêm nhiều Khóa Sĩ Quan Trừ Bị, Đại Đội Trưởng và Bộ Binh Cao Cấp. 
Suốt 24 năm trời, với kỹ thuật huấn luyện tân tiến, với thành phần cán bộ có khả năng, kinh nghiệm và thiện chí phục vụ dồi dào dưới quyền chỉ huy của các Tướng lãnh và Sĩ Quan Cao Cấp có nhiều tài ba. Trường Bộ Binh luôn luôn cải tiến phương pháp huấn luyện về cả lý thuyết lẫn thực hành để phù hợp với những biến đổi theo thời cuộc và cung ứng cho Quân Lực những Sĩ Quan ưu tú. Những lớp người đã phục vụ trong toàn quân sát cánh cùng nhân dân bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng Cộng Sản. 

VI. CHI TIẾT VỀ NHỮNG KHÓA ĐẦU CỦA TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ THỦ ĐỨC VÀ NAM ĐỊNH: 
1. Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định: 
Khóa
Ngày khai giảng
Ngày mãn Khóa
Số tốt nghiệp
Tên Khóa
Tên Thủ Khoa
1
01-10-1951
01-06-1952
255
Lê Lợi
Nguyễn Duy Hinh
2. 20 Khóa đầu Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức:
(Theo tài liệu tên Thủ Khoa không đánh dấu nên không rõ).

VII. TRƯỜNG BỘ BINH SẢN SINH RA CÁC TƯỚNG LÃNH: 
Trường Bộ Binh đã sản sinh ra tất cả 41 vị Tướng lãnh, trong đó có 12 vị xuất thân từ Khóa 1 Lê Lợi Trường Sĩ Quan Nam Định, còn lại 11 vị Khóa 1 Lê Văn Duyệt Thủ Đức. Các Khóa khác của Thủ Đức là 18 vị (xem qua danh sách). 
* Khóa 1 Lê Lợi (Nam Định): 
- Trung Tướng: Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị. 
- Thiếu Tướng: Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Cao Kỳ. 
- Chuẩn Tướng: Đặng Đình Linh, Nguyễn Văn Lượng, Phạm Hữu Nhơn, Vũ Đức Nhuận, Nguyễn Hữu Tần, Phan Phụng Tiên. 
- Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng. 
* Khóa 1 Lê Văn Duyệt (Thủ Đức): 
- Trung Tướng: Đồng Văn Khuyên, Trần Văn Minh (KQ). 
- Thiếu Tướng: Võ Xuân Lành, Nguyễn Khắc Bình, Nguyễn Ngọc Loan, Phan Đình Soạn (truy thăng). 
- Chuẩn Tướng: Nguyễn Chấn, Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Bá Tính, Trương Bảy, Huỳnh Công Thành (truy thăng). 
* Khóa 2 Phụng Sự (Thủ Đức): 
- Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Thiện, Ngô Hán Đồng, Nguyễn Văn Khương. Chuẩn Tướng Thiện từ Đà Nẵng vào Sàigòn gắn sao, trên đường bay phản lực cơ A37 mất tích. Hai Đại Tá Đồng và Khương truy thăng Chuẩn Tướng (cả ba Tướng thuộc Khóa 2 chưa có vị nào mang sao). 
* Khóa 3 Đống Đa (Thủ Đức): 
- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (tuẫn tiết). 
- Chuẩn Tướng: Huỳnh Văn Lạc, Nguyễn Văn Giàu. 
* Khóa 3 Phụ (Trừ Bị Thủ Đức, huấn luyện tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt): 
- Chuẩn Tướng Nguyễn Bá Liên (truy thăng). 
* Khóa 4 Cương Quyết (Thủ Đức): 
- Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. 
- Thiếu Tướng Bùi Thế Lân. 
- Chuẩn Tướng: Nguyễn Văn Điềm, Hồ Trung Hậu, Lê Quang Lưỡng. 
- Chuẩn Tướng truy thăng: Đỗ Văn An, Nguyễn Trọng Bảo. 
* Khóa 4 Phụ Cương Quyết 2 (Trừ Bị Thủ Đức, huấn luyện tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt): 
- Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch. 
* Khóa 4 Phụ Cương Quyết 2 (Thủ Đức): 
- Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất. 
* Khóa 5 Vì Dân (Thủ Đức): 
- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (tuẫn tiết). 
* Khóa 16 Võ Tánh (Thủ Đức): 
- Chuẩn Tướng cảnh Sát Đồng Hóa Trang Sĩ Tấn (thụ huấn giai đoạn 1 xong biệt phái). 
Từ khi thành lập Trường Bộ Binh cho đến tháng 4-1975 đã có biết bao cựu SVSQ Trừ Bị xuất thân từ Quân Trường này đã nắm giữ nhiều chức vụ tối quan trọng trong các ngành Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, nhiều nhất trong hệ thống Quốc Phòng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. 

VIII. CẤP HIỆU SINH VIÊN SĨ QUAN TRỪ BỊ TRƯỜNG BỘ BINH: 
Các tân khóa sinh thụ huấn Khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại Trường Bộ Binh sau 8 tuần lễ huấn nhục sẽ được gắn Alpha để trở thành SVSQ. Qua giai đoạn 2 cấp hiệu SVSQ ngoài chữ Alpha còn thêm 1 gạch. 
Theo Huấn Thị số 0387/TTM/P5/KH/4 ngày 18-3-1969 của Bộ Tổng Tham Mưu về việc sử dụng cấp hiệu... trong Quân Lực VNCH. 
Hình thức cấp hiệu SVSQ thuộc Quân Trường Lục Quân cũng được xếp theo năm học như sau: 
- SVSQ năm thứ 1: Alpha. 
- SVSQ năm thứ 2: Alpha + 1 gạch. 
- SVSQ năm thứ 3: Alpha + 2 gạch. 
- SVSQ năm thứ 4: Alpha + 3 gạch. 
- SVSQ năm thứ 5: Alpha + 4 gạch. 
- SVSQ năm thứ 6: Alpha + gạch lớn. 
Kể từ tháng 3 năm 1969, khi Huấn Thị trên ban hành cấp hiệu SVSQ, Trường Bộ Binh chỉ còn Alpha không thêm một gạch vì thời gian đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị tại Trường Bộ Binh dưới một năm. 
Các Quân Trường khác đào tạo Sĩ Quan từ 2 năm trở lên trên cấp hiệu SVSQ được tăng gạch dựa theo số năm học, trong đó có các Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị và Trường Quân Y. 
Cấp hiệu SVSQ Trừ Bị Trường Bộ Binh: Chữ Alpha bằng kim tuyến hay kim khí mạ màu vàng nằm trên nền cấp hiệu màu đen. 
Cấp hiệu SVSQ có ba kiểu: 
1. Cấp hiệu gắn trên cầu vai ngắn: với quân phục làm việc. 
2. Cấp hiệu gắn trên cầu vai dài: với quân phục đại lễ, tiểu lễ, dạ hội hoặc đi phép. 
3. Cấp hiệu gắn trên áo tác chiến: khi dùng quân phục tác chiến. 
(Cấp hiệu trên đây cũng được dùng cho các SVSQ Trừ Bị thụ huấn tại Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH). 

IX. CẤP HIỆU SĨ QUAN TỐT NGHIỆP TRƯỜNG BỘ BINH: 
Sinh viên Sĩ Quan Trường Bộ Binh sau khi tốt nghiệp được mang cấp bậc Sĩ Quan khác nhau ở hai giai đoạn thụ huấn. 
1. GIAI ĐOẠN 1 MANG CẤP THIẾU ÚY: 
Khóa 1 Trường Sĩ Quan Nam Định cùng Khóa 1 cho đến Khóa 5 Trường Sĩ Quan Thủ Đức khi tốt nghiệp được mang cấp bậc Thiếu Úy Thực Thụ Trừ Bị. Sau 24 tháng đương nhiên thăng cấp Trung Úy Trừ Bị (ngoại trừ những Sĩ Quan vi phạm kỷ luật theo luật định). 
Cấp hiệu Sĩ Quan của 5 Khóa học trên đây mang giống theo cấp hiệu Quân Đội Pháp khi còn Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Khi cải danh thành Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa thay thế cấp hiệu Pháp bằng cấp hiệu hoa mai màu vàng. Những người hỏng các Khóa từ 1-5 tùy theo số điểm được xếp từ cấp Chuẩn Úy xuống Trung Sĩ. 
2. GIAI ĐOẠN 2 MANG CẤP CHUẨN ÚY: 
Sau khi Khóa 5 mãn khóa vào ngày 1-2-1955, mãi cho đến ngày 25-3-1957 (Đệ Nhất Cộng Hòa) Khóa 6 mới nhập học. Kể từ Khóa 6 về sau, khi tốt nghiệp mang cấp bậc Chuẩn Úy (không có thời gian thăng Thiếu Úy Tạm Thời). Để biết thêm: Có số ít Chuẩn Úy xuất thân từ Khóa 6 về sau, mỗi khi gặp nhau vui đùa là mình mang Chuẩn Úy TRÂU (chậm thăng Thiếu Úy), hay là Thượng Sĩ GÂN (cấp hiệu Chuẩn Úy giống như Thượng Sĩ I có Alpha nổi trên). 
Mãi đến năm 1965 mới có quyết định điều chỉnh thâm niên cấp bậc cho các Sĩ Quan xuất thân từ Khóa 6 về sau. Những Khóa ra trường từ năm 1965 mang cấp bậc Chuẩn Úy, sau 18 tháng thăng cấp Thiếu Úy (ngoại trừ những Sĩ Quan vi phạm kỷ luật theo luật định). Những người hỏng của Khóa 6 về sau cũng tùy theo số điểm để xếp cấp bậc Hạ Sĩ Quan. 

X. NGUYÊN LAI BINH NGHIỆP SĨ QUAN TRỪ BỊ: 
Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu căn cứ vào Bảng Tướng Mạo và Quân Vụ Loại C của mỗi quân nhân để thiết lập hàng năm hai quyển Niên Giám Sĩ Quan: Một của Sĩ Quan các Quân Binh Chủng thuộc CHỦ LỰC QUÂN và một của Sĩ Quan thuộc Lực Lượng ĐỊA PHƯƠNG QUÂN. 
Có tên trong Niên Giám Sĩ Quan là những Sĩ Quan có cấp bậc từ Thiếu Úy đến Đại Tướng đang tại ngũ vào năm đó. 
Mỗi Sĩ Quan được ghi các chi tiết: Họ và tên, số quân, cấp bậc, ngày thăng cấp, ngạch binh chủng, ngày và nơi sinh, xuất thân, ngày nhập ngũ. 
Đối với các Sĩ Quan xuất thân Trường Bộ Binh được ghi xuất thân như sau: 
- SĨ QUAN NAM ĐỊNH (xuấn thân Khóa 1 Nam Định). 
- SĨ QUAN THỦ ĐỨC (xuất thân từ Trường Thủ Đức). 
- TRƯỜNG VÕ BỊ QUỐC GIA (những Sĩ Quan Khóa Phụ Thủ Đức nhưng thụ huấn tại Đà Lạt, trong số có người vẫn ghi SĨ QUAN THỦ ĐỨC vì danh bạ được thiết lập khi trình diện tại Thủ Đức). 
- TRƯỜNG NHA TRANG. Đối với các Sĩ Quan Trừ Bị thụ huấn tại Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH (tại Nha Trang). 

XI. ĐẶT TÊN KHÓA HỌC THEO SỐ: 
Trường Bộ Binh đặt tên Khóa học theo số như sau: Khóa 1 Nam Định cùng Thủ Đức khai giảng cùng một ngày 1-10-1951 tại hai địa điểm và mãn Khóa cùng một ngày 1-6-1952. 
Sau Khóa 1, lần lượt đặt tên số cho các Khóa 2, 3, 3 Phụ (học tại Đà Lạt), Khóa 4 và 2 Khóa 4 Phụ: một Khóa 4 Phụ học tại Thủ Đức và một Khóa 4 Phụ khác học tại Đà Lạt. Đến Khóa 5 học tại Thủ Đức nhưng có hai Đại Đội thuộc Khóa 5 học tại Đà Lạt. Kế đến là các Khóa 6, 7 lần lượt theo thứ tự tính cho đến Khóa mang số 27 là Khóa cuối cùng (Khóa 27 khai giảng 26-12-1967 và mãn khóa 1-8-1968). 
Đến Tết Mậu Thân 1968 VNCH và Cộng Sản Bắc Việt thỏa ước ngừng bắn trong 3 ngày Tết. Lợi dụng hưu chiến, Cộng Sản Bắc Việt đã âm mưu chuyển quân mở trận tổng tấn công xâm lăng Miền Nam bằng cách xâm nhập khắp các thành phố Miền Nam, gây bao nhiêu tang tóc cho đồng bào Miền Nam. 
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa liền ban hành lệnh tổng động viên kêu gọi thanh niên công chức có bằng Tú Tài trở lên đến hạn tuổi luật định, đầy đủ sức khỏe nhập ngũ vào quân đội. Thành phần động viên được đưa vào TTHL Quang Trung để theo học Khóa dự bị Sĩ Quan. Xong chuyển phần lớn khóa sinh về Trường Bộ Binh, phần khác chuyển ra Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH tại Nha Trang để đào tạo thành Sĩ Quan Trừ Bị. Kể từ 1968-1974, danh hiệu các Khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại Thủ Đức cũng như Nha Trang được đánh số thứ tự Khóa học kèm theo niên hiệu trong năm đó, ví dụ: Khóa 1/68, Khóa 2/68 hay Khóa 9A/72, Khóa 9B/72 v.v... (Có A, B là Khóa đó số SVSQ trên 1.000 người phải chia hai). 

XII. NGOÀI TRƯỜNG BỘ BINH ĐÀO TẠO SĨ QUAN TRỪ BỊ, CÒN HAI QUÂN TRƯỜNG KHÁC GÓP PHẦN ĐÀO TẠO SĨ QUAN TRỪ BỊ CHO QUÂN CHỦNG LỤC QUÂN. 
Đó là hai Quân Trường: 
- Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (tại Đà Lạt). 
- Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH (tại Nha Trang). 
Có những thời điểm, vì nhu cầu Sĩ Quan, chính phủ đã động viên để gia tăng tài nguyên Sĩ Quan. Với khả năng Trường Bộ Binh về chỗ ở cũng như phương tiện huấn luyện không đủ cung ứng cho số đông khóa sinh nên Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định chuyển bớt một số tân khóa sinh ứ đọng đến hai Quân Trường trên huấn luyện trở thành Sĩ Quan Trừ Bị. 

XIII. ĐÔI ĐIỀU CẦN BIẾT LIÊN QUAN ĐẾN CÁC KHÓA HỌC TẠI TRƯỜNG BỘ BINH: 
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có liên quan đến quân đội Pháp và Hoa Kỳ. Do đó, theo lịch sử, các Khóa đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị được ghi nhận có sự liên đới như sau: 
1. TỪ KHÓA 1 ĐẾN KHÓA 5: 
- Dùng sinh ngữ Pháp và học theo binh thư Pháp. 
- Học về cơ bản thao diễn và chào kính theo Quân Đội Pháp. 
- Học các loại vũ khí và mìn bẫy của Pháp. 

2. TỪ KHÓA 6 VỀ SAU: 
- SVSQ học tiếng Việt. 
- Học về cơ bản thao diễn và chào kính theo Quân Đội Mỹ. 
- Các đề tài huấn luyện một số môn học theo binh thư Mỹ. 
- Các loại vũ khí và mìn bẫy đều của Mỹ. 
Riêng các môn học về Dẫn Đạo Chỉ Huy, Chiến Tranh Chính Trị được rút tỉa những điểm hay của Quân Đội Pháp và Mỹ họp với các điểm sáng tạo qua sách lược của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa để huấn luyện khi tốt nghiệp người Sĩ Quan có khả năng hòa mình cùng đồng bào để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân. 
Riêng môn học Chiến Thuật áp dụng theo binh thư Mỹ về nguyên tắc, song Quân Trường rút tỉa kinh nghiệm từ chiến trường Việt Nam, tham khảo qua Bản Tin Kinh Nghiệm Chiến Trường của Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Quân Huấn phổ biến, hầu phối hợp soạn thảo những phiếu huấn luyện thích hợp để các Sĩ Quan ra trường áp dụng thích nghi nơi trận tuyến. 

3. VỊ CHỦ TỌA CÁC LỄ MÃN KHÓA TRƯỜNG BỘ BINH: 
Thường vị chủ tọa các Lễ Mãn Khóa Sĩ Quan là vị Nguyên Thủ Quốc Gia (lãnh đạo tối cao Quân Lực) như Tổng Thống, Chủ Tịch, Quốc Trưởng... đến chủ tọa để gắn cấp hiệu tân Sĩ Quan và trao kiếm danh dự cho Sĩ Quan thủ khoa, chấp nhận lời thề trung thành với Tổ Quốc của các Sĩ Quan cùng Khóa, đặt tên Khóa. Nhân dịp ban huấn từ về sách lược Quốc Gia trong giai đoạn đương nhiệm. 
Trường hợp vị Nguyên Thủ vì lý do đặc biệt không đến dự được sẽ cử người thay thế. 

4. ĐẶT TÊN CHO KHÓA HỌC TRƯỜNG BỘ BINH: 
Mỗi Khóa học, trong lễ mãn Khóa, vị chủ tọa sẽ đặt tên cho Khóa ấy để các Sĩ Quan luôn nhớ về Khóa học mình xuất thân. Tên Khóa có thể là biểu tượng của một vị anh hùng dân tộc như Khóa 1 Nam Định là: Khóa Lê Lợi, Khóa 1 Thủ Đức là Khóa Lê Văn Duyệt, hay địa danh những nơi chiến thắng giặc Tàu của dân tộc Việt như Khóa 3: Đống Đa hay Khóa 8: Bạch Đằng. Tên Khóa cũng có thể là tên của một sách lược Quốc Gia đang áp dụng vào thời điểm Khóa ấy mãn Khóa như: Khóa 5 Vì Dân, Khóa 11 Đồng Tiến hay Khóa 13 Ấp Chiến Lược. 

5. TRƯỜNG BỘ BINH DIỄN BINH CÁC NGÀY ĐẠI LỄ: 
Kể từ ngày hình thành chế độ Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi bị bức tử, qua những ngày đại lễ như: Quốc Khánh, Quân Lực... đều có tổ chức cuộc diễn binh tại Thủ Đô Sàigòn do đại diện một số các quân, binh chủng, các Quân Trường, Trung Tâm Huấn Luyện và lực lượng bán quân sự cùng các đoàn thể tham dự. Bất kỳ cuộc diễn binh nào cũng có sự hiện diện của SVSQ Trường Bộ Binh. Khi đoàn quân rập bước trước khán đài, loa phóng thanh truyền đi thành tích của Quân Trường, tiếng vỗ tay vang dậy liên hồi do quân phục đẹp đẽ, vũ khí sáng choang, thẳng tắp, gương mặt hùng dũng, động tác chân tay hiên ngang bước đều và mạnh theo điỆu nhẠc quân hành. Trên lộ trình diễn binh, hàng trăm ngàn đồng bào hoan hô chào mừng, trong đó có nhiều nữ sinh, sinh viên dán mắt nhìn theo ngưỡng mộ. Trường Bộ Binh cũng thường được giải diễn binh xuất sắc. Hiện nay nơi hải ngoại, thỉnh thoảng xuất hiện trên màn hình những thước phim một thời oai hùng ấy. 

6. BÀI HÁT CHÍNH THỨC CỦA TRƯỜNG BỘ BINH: 
Nhạc phẩm THỦ ĐỨC HÀNH KHÚC của Nhạc Sĩ Hoàng Thanh là bài hát chính thức của Trường Bộ Binh. 

7. KHU BƯU CHÍNH CỦA TRƯỜNG BỘ BINH: 
Để giải quyết việc thâu nhận và chuyển đạt công văn, thư tín, danh thiếp, bưu phẩm, bưu phiếu cho đơn vị và quân nhân trực thuộc. Mỗi đơn vị Quân Đội được thụ hưởng một Khu Bưu Chính (hộp thơ). Viết tắt KBC, với 4 con số ghi sau chỉ danh đơn vị đó. 
KBC của Trường Bộ Binh có danh hiệu KBC 4100 trực thuộc Quân Bưu Cục Trung Ương tại Thủ Đô Sàigòn. 
Hơn 80.000 cựu SVSQ Trừ Bị, khoảng trên dưới 20.000 Sĩ Quan Học Viên các Khóa cùng hàng ngàn quân nhân cơ hữu qua thời gian hiện diện tại Trường Bộ Binh khác nhau. Trong hoàn cảnh chiến tranh hàng ngày, trong tuần, mỗi tháng, không ai không mong ngóng đến tin tức của gia đình, người thân và nhất là những lá thư hồng, mực tím của người yêu xa nhà gởi đến trong lúc sống ở đồi Tăng Nhơn Phú, về sau là Long Thành. 
Xem đến đây, độc giả nguyên là cựu SVSQ chắc không quên hồi tưởng lại những lúc đọc thư nhà vào giờ giải lao nơi giảng đường hoặc ngoài thao trường trong thời kỳ đào tạo để trở thành Sĩ Quan. 

8. NỘI SAN TRƯỜNG BỘ BINH: 
Các đơn vị trong QLVNCH trước 1975, tùy theo hoàn cảnh và khả năng, ngoài Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và Bộ Tổng Tham Mưu, mỗi đơn vị đều có một tờ Nội San hoặc Bản Tin là tiếng nói của đơn vị. 
Mỗi quân chủng, binh chủng có báo, Quân Đoàn, Sư Đoàn có báo. Tiểu Khu có khi có 2, 3 tờ khác nhau, rồi tới đơn vị nhỏ cấp Đại Đội biệt lập cũng có báo. 
Về hệ thống Quân Trường và TTHL thì tờ Nội San càng phong phú và độc đáo như: ĐA HIỆU của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, BẮC ĐẨU của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, RA KHƠI của TTHL Hải Quân Nha Trang và nhiều tờ báo của các đơn vị khác. Riêng Trường Bộ Binh (Trừ Bị Thủ Đức), tờ Nội San lấy tên là BỘ BINH. 
Tờ BỘ BINH khổ nhỏ 14 x 19 phân, dày khoảng 100 trang, phát hành ở Quân Trường, không bán cho dân chúng. 
BỘ BINH là một trong những Nội San có giá trị nhất vì nội dung, bài vở đa dạng, phong phú bởi lẽ nơi đây tập trung rất nhiều nhân tài hoạt động ở mọi lãnh vực từ công tư chức, nhà giáo, đặc biệt rất nhiều văn nghệ sĩ, báo chí, truyền thông... của Miền Nam trước đây động viên vào Quân Đội. Về hình thức, tờ Nội San tuyệt đẹp. Ai nhận được Nội San BỘ BINH luôn luôn trân quý. 

XIV. TUYỂN SINH BẢO AN (ĐỊA PHƯƠNG QUÂN) ĐÀO TẠO THÀNH SĨ QUAN TẠI TRƯỜNG BỘ BINH: 
Nhiệm vụ chính của Trường Bộ Binh là đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho quân chủng Lục Quân, ngoài ra còn nhận huấn luyện tuyển sinh cho lực lượng Bảo An là tiền thân của lực lượng Địa Phương Quân. 
Trong suốt 10 Khóa kể từ Khóa 7-17, liên tục tổng cộng có nhiều ngàn tuyển sinh Bảo An cùng được đào tạo chung với SVSQ Trừ Bị (động viên lẫn tình nguyện). Tham chiếu phóng sự về Lễ Mãn Khóa 15 Cách Mạng 1-11-1963 đăng trong báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 118, phát hành tháng 12-1963, trang 6, 7, 8: “Tổng số khóa sinh Khóa này là 1.852 người gồm có: 738 SVSQ Cộng Hòa và 1.114 SVSQ Bảo An. Số sinh viên được gọi động viên là 245 người và số tình nguyện 607 được chia ra Bộ Binh 1.308, binh chủng chuyên môn 544”. 
Thành phần tuyển sinh Bảo An gồm có: Hạ Sĩ Quan Bảo An có thành tích xuất sắc và thanh niên dân chính tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng Bảo An. Cả hai có trình độ văn hóa Trung Học phổ thông. Ngoại trừ những người có bằng Tú Tài, còn lại phải qua một kỳ thi tuyển do Nha Tổng Giám Đốc Bảo An, về sau là Bộ Tư Lệnh ĐPQ tổ chức. 
SVSQ Bảo An tốt nghiệp được mang cấp hiệu Thiếu Úy Tạm Thời. Thời điểm này lực lượng Bảo An không có cấp Chuẩn Úy. Đến Khóa 16 tốt nghiệp ra trường bắt đầu mang cấp Chuẩn Úy như chủ lực quân. 
Để biết thêm: Bảo An Đoàn thành lập ngày 8-4-1955 theo dụ số 26 trực thuộc Bộ Nội Vụ, rồi Phủ Tổng Thống, về sau thuộc Bộ Quốc Phòng. 
Bảo An Đoàn biến cải thành ĐPQ do Sắc Lệnh số 189/QP ngày 7-5-1964. 
Ngày 22-5-1964, CHỦ LỰC QUÂN, ĐPQ và NQ họp thành QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA do Sắc Lệnh số 161/SL/CT ngày 22-5-1964. 
Đến năm 1974, lực lượng ĐPQ tại các Tiểu Khu có nơi tổ chức đơn vị lên cấp Liên Đoàn. Quân số ĐPQ tổng cộng như sau so với NQ và Bộ Binh: 
- ĐPQ 281.000 người. 
- NQ 189.000 người. 
- Bộ Binh 398.000 người. 

XV. SĨ QUAN TRỪ BỊ XUẤT THÂN QUÂN CHỦNG LỤC QUÂN LẠI PHỤC VỤ QUÂN CHỦNG HẢI VÀ KHÔNG QUÂN THUỘC NGẠCH TRỪ BỊ TRỞ THÀNH HIỆN DỊCH: 
1. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có ba quân chủng: HẢI, LỤC, KHÔNG QUÂN và Lực Lượng ĐỊA PHƯƠNG QUÂN – NGHĨA QUÂN. 
Thanh niên dân chính (động viên và tình nguyện) cùng một số rất ít cựu quân nhân (chưa phải Sĩ Quan) đủ điều kiện nhập học Sĩ Quan Trừ Bị tại Trường Bộ Binh. Mãn Khóa phân phối về phục vụ các đơn vị Lục Quân, kể cả các binh chủng và ngành chuyên môn yểm trợ. 
Nhằm điều phối nguồn Sĩ Quan chuyên nghiệp theo nhu cầu cho các quân chủng vào những giai đoạn phát triển lớn mạnh. Phần khác thỏa mãn nguyện vọng của các Sĩ Quan từ quân chủng Lục Quân lại muốn tung hoành trên mây xanh (Không Quân) hoặc yêu mộng hải hồ (Hải Quân), Bộ Tổng Tham Mưu đặc biệt chấp thuận cho các Sĩ Quan Trừ Bị hoặc ĐPQ hội đủ điều kiện có đơn xin chuyển từ quân chủng này sang quân chủng khác để phục vụ trước khi theo học các Khóa chuyên môn. 
Từ đó, trong Niên Giám Sĩ Quan có số ít Sĩ Quan ghi phần nguyên lai binh nghiệp xuất thân Sĩ Quan Trừ Bị từ Trường Bộ Binh lại nằm ở danh sách quân chủng Không Quân hoặc Hải Quân. 
Điển hình trong số các tướng lãnh xuất thân từ Trường Bộ Binh, về sau có một số là tướng lãnh Không Quân và Hải Quân. 
Các Đồng Khóa, Đồng Môn Trường Bộ Binh qua các lần họp mặt từ trong nước trước tháng 4-1975 hoặc sau này tại hải ngoại trong quân phục đều có đủ màu sắc mọi quân binh chủng là vậy. 
2. Sĩ Quan xuất thân Trừ Bị ghi là Hiện Dịch. Trường hợp này là Sĩ Quan Trừ Bị xin chuyển quan ngạch Hiện Dịch để được hưởng quy chế Hiện Dịch có phần ưu đãi hơn. 

XVI. TRƯỜNG BỘ BINH TỪ THỦ ĐỨC DI CHUYỂN ĐẾN LONG THÀNH: 
Đầu tháng 4-1974, trước khi Trường Bộ Binh nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức dời đi Long Thành đã bàn giao Huấn Khu Thủ Đức lại cho Đại Tá Trần Văn Tự. Tân Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu gồm có các Trường: Tổng Quản Trị, Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Nhạc, Vũ Thuật, Thể Dục, thêm Trường Pháo Binh từ Dục Mỹ và Trường Đại Học CTCT từ Đạ Lạt rút về. Trường Bộ Binh dọn ra Long Thành cách Sàigòn 30 cây số về phía Đông. Trường nới rộng hơn trường cũ, tọa lạc trên 1 khu đất vuông vức mỗi bề một cây số nằm bên trái Quốc Lộ 15 từ Sàigòn đi Vũng Tàu. Nơi này kém an ninh hơn Thủ Đức vì gần mật khu An Viễn nên ban đầu nhà trường dành ưu tiên việc tổ chức phòng thủ, sau đó mới xây dựng các tiện nghi huấn luyện và đời sống, tạo nên cơ sở khang trang, oai nghi xứng đáng với một Quân Trường của thanh niên Việt Nam KHÔNG THEO ĐUỔI BINH NGHIỆP mà chỉ xếp bút nghiên đứng lên ĐÁP LỜI SỐNG NÚI trong buổi loạn ly. 
Ở Long Thành, Trường Bộ Binh kế bên Trường Thiết Giáp và TTHL của Lực Lượng Đặc Biệt. Ba Quân Trường họp thành Huấn Khu Long Thành đặt dưới quyền chỉ huy của vị Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh. 
Đầu tháng 4-1975, Trường Bộ Binh có khoảng 4.000 SVSQ Trừ Bị thuộc các Khóa gối đầu nhau. Cuối năm 1974, Trường đã tiếp nhận 1.000 người (SVSQ) thuộc quân chủng Không Quân đang học tại Hoa Kỳ phải bỏ dở về nước để huấn luyện thành Sĩ Quan Bộ Binh, lý do Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ. Cùng lúc này còn có các Sĩ Quan theo học các lớp khác nhau, ước lượng 500 người từ cấp Chuẩn Úy đến Trung Tá. 
Giữa tháng 4-1975, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam do Tướng Lâm Quang Thơ rút về đây với số SVSQ và cơ hữu khoảng 500 người do Trường Bộ Binh yểm trợ hành chánh và tiếp vận và đã tổ chức mãn Khóa cho 2 Khóa 28 Nguyễn Đình Bảo và 29 Hoàng Lê Cường Sĩ Quan Hiện Dịch vào ngày 21-4-1975, dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn, Đại Diện Tổng Thống VNCH. 

XVII. VIỆC BỔ NHIỆM ĐẠI TÁ TRẦN ĐỨC MINH, CHỈ HUY TRƯỞNG TRƯỜNG BỘ BINH CUỐI CÙNG: 
Cuối tháng 3-1975, tình hình quân sự nguy kịch sau khi Quân Đoàn II và I tan rã. Lúc bấy giờ, QLVNCH bố trí lại thành một vòng cung bảo vệ Sàigòn với các chốt chiến lược: Phan Rang, Xuân Lộc và Tây Ninh. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi tự nguyện ra làm Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III trực tiếp phối hợp các lực lượng tiền tiêu ở Phan Rang nên chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh bị khuyết. Nhân dịp này, Tướng Nguyễn Bảo Trị, Phụ Tá Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn đã đề nghị theo một cách khác thường là chỉ đề nghị duy nhất Đại Tá Trần Đức Minh, Chỉ Huy Phó lên thay Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh. 
Khoảng thời gian này Miền Nam Việt Nam của chúng ta đã lâm vào cảnh vô cùng ngặt nghèo nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn không dễ dàng chấp thuận. Tổng Thống đã tham khảo ý kiến một số tướng lãnh trước đây là cấp Chỉ Huy trực tiếp của Đại Tá Minh, kể cả Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Đại Tá Minh nhớ không lầm khoảng ngày 1-4, Tướng Nghi từ Dinh Độc Lập về bảo Đại Tá Minh làm biên bản bàn giao. Sáng hôm sau Đại Tá Minh nhận được công điện từ Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu cho biết Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã bổ nhiệm Đại Tá Minh làm Chỉ Huy Trưởng. Sắc lệnh sẽ ban hành sau. 
Có lẽ cũng là số mệnh cả. Không hiểu sao Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cũng tỏ lòng ưu ái với Đại Tá Minh chẳng kém gì Tướng Nguyễn Bảo Trị mặc dù Tướng Nghi và Đại Tá Minh quen biết nhau từ khi Tướng Nghi về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh. 
Đại Tá Minh nhận chức Chỉ Huy Trưởng ngày 4-4-1975 lành thì ít mà dữ thì nhiều. Biết vậy nhưng Đại Tá Minh vẫn nhận vì đối với Đại Tá Minh không có chuyện vận động xin xỏ và quân lệnh như sơn, được chỉ định thì làm. Vả lại Quân Đội là của Tổ Quốc, không phải của riêng ai. Mỉa mai thay! Cái Sắc Lệnh ấy của Tổng Thống chẳng thấy đâu mà Việt Nam Cộng Hòa cũng chẳng còn đâu nữa! 
Tất cả rốt cuộc đều là đồ “Mỹ ký” cả bởi vì như nhà nho Nguyễn Khuyến trước kia đã tự trào: 
“Cờ đương dở cuộc không còn nước, 
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”. 
Cho đến ngày 28-4, độc nhất chỉ có Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn đôi lúc điện thoại nhắc nhở Đại Tá Minh rằng: “Anh là một Sĩ Quan Trừ Bị đầu tiên được chỉ định vào chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trưởng Sĩ Quan Trừ Bị của QLVNCH nên phải tỏ ra xứng đáng và trong bất cứ trường hợp nào cũng phải xử sự thích ứng”. Đại Tá Minh trình lại Tướng Nguyễn Bảo Trị là: “Tôi sẽ làm đúng nhiệm vụ của tôi”. 
(Ở tiết trên đây được ghi lại qua lời kể của Đại Tá Minh lúc sinh tiền mà người viết được hân hạnh tiếp xúc) 

XVIII. TRƯỜNG BỘ BINH DI TẢN CHIẾN THUẬT VỀ LẠI THỦ ĐỨC: 
Ngày 21-4-1975, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lúc này Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ thôi giữ chức vụ CHT Võ Bị Quốc Gia, Tổng Cục Quân Huấn chỉ định Đại Tá Lộ Công Danh, Liên Đoàn Trưởng SVSQ Trường Bộ Binh XLTV CHT Trường Võ Bị. Toàn thể SVSQ Trường Bộ Binh và Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Trần Đức Minh di chuyển về lại Thủ Đức. Còn ở lại Long Thành một Bộ Tham Mưu thu hẹp và khối yểm trợ công vụ với Đại Tá Lê Văn Phú, Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh. 
Ngày 26-4-1975, trong đêm, Sư Đoàn 304 Bắc Việt bắt đầu tấn công Huấn Khu Long Thành mà họ gọi là Nước Trong. Chiến sự ác liệt, Trường Thiết Giáp gây cho đối phương thiệt hại nặng nề. Địch đã lọt vào nội vi Trường Bộ Binh bị đánh bật ra. Đại Tá Chỉ Huy Trưởng đã xin Tổng Cục Quân Huấn rút bỏ bộ phận còn lại của Trường Bộ Binh ở Long Thành vì lúc này không còn trông cậy ở Bộ Tư Lệnh Quân Khu 3 nữa. 
Trưa 27-4-1975, Đại Tá Minh Chỉ Huy Trưởng ngồi ở Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Biên Hòa để điều khiển cuộc triệt thoái bộ phận còn lại của Trường Bộ Binh ở Long Thành về Thủ Đức. 
Lúc này Trường Bộ Binh có khoảng 6.000 người gồm SVSQ và quân nhân cơ hữu. 
Cùng lúc này nhận được chỉ thị của Tổng Cục Quân Huấn điều động Trường Bộ Binh làm nhiệm vụ phòng thủ Sàigòn. 
Bộ Tham Mưu Trường cho tổ chức lại các Tiểu Đoàn SVSQ, lập Bộ Tham Mưu và hai Liên Đoàn tác chiến, mỗi Liên Đoàn 2.500 người, trang bị các loại vũ khí huấn luyện, chia ra làm 3 tuyến phòng thủ Trường cùng một lực lượng trừ bị chờ rút về Sàigòn. 

XVIX. TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG TẠI TRƯỜNG BỘ BINH: 
Sáng 30-4-1975, hồi 8 giờ, pháo của đối phương đặt ở Nhơn Trạch lác đác nã vào Trường Bộ Binh. Đài quan sát báo cho biết có 4 chiến xa T54 từ Biên Hòa theo xa lộ về Sàigòn. Trung Tâm Hành Quân báo Biệt Khu Thủ Đô song không ai trả lời. Đại Tá Minh ra lệnh mọi loại pháo binh bắn chặn quyết liệt về hướng Đông, ngược lại pháo địch ầm ầm nhã đạn vào Thủ Đức. Đài quan sát báo cáo xe tăng địch xuất hiện khu nhà máy lọc nước ngã tư Thủ Đức đang lăm le tiến vào chợ Nhỏ. Lệnh Bộ Chỉ Huy đưa các xe ra làm vật ngăn cản không còn kịp nữa. Có tiếng hỏa tiễn M72 chống tăng nổ ở cổng trường. Pháo cùng đại liên nơi xe địch liên tục nổ. Ba trong bốn chiến xa bị bắn cháy ngay tại bờ rào kẽm gai nơi cổng Trường bởi pháo binh 105 ly trực xạ. Có một xe tăng địch xông vào nội vi Trường. SVSQ chỉ có súng cá nhân M16 nhắm xe tăng T54 bắn ròn rã và xe tăng men ra cổng số 9 rồi quay đầu lại từ từ chạy ra cổng chính. Đại Tá Minh ra lệnh Đại Đội Trưởng 663/ĐPQ dùng hỏa tiễn M72 hạ tăng. Sau 10 phút xe tăng đứt xích, nằm tại Niệm Phật Đường Quảng Đức quay pháo tháp vào Trường tiếp tục bắn phá. Lúc này có 1 SVSQ nhanh tay nhảy lên xe tăng liệng lựu đạn lân tinh vào trong pháo tháp. Đại Tá Minh được báo cáo xe tăng bị diệt, toàn thể tổ lái của địch đều chết vì tất cả bộ đội bên trong đều bị khóa chân. Đại Tá Minh thở phào nhẹ nhõm. Sau kiểm tra lại, người SVSQ ấy thuộc Đại Đội 12 Tiểu Đoàn 1 SVSQ Không Quân do Trung Úy Trần Hữu Thọ làm Đại Đội Trưởng. Rất tiếc không ai nhớ được tên SVSQ này. 
Lúc này có viên Sĩ Quan đứng cạnh Đại Tá Minh mở radio nghe và hốt hoảng la lên đầu hàng rồi. Đại Tá Minh rụng rời nghe Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng ra lệnh ngưng nổ súng và bàn giao cho quân Bắc Việt ngụy danh giải phóng Miền Nam. 
Được lệnh đầu hàng, Đại tá Minh lệnh cho Đại Úy Nguyễn Ngọc Thạch gọi tất cả các đơn vị ngưng chiến đấu. Mọi người đều rơi nước mắt. Có người òa khóc khi nghe tin này. Đại Tá Minh nói: “Nhiệm vụ chúng ta là quân đội phải tuân lệnh Thượng Cấp”. 
Một giờ sau, đại diện Cộng Sản đến gặp Đại Tá Minh bảo bàn giao Huấn Khu. Cấp chỉ huy không còn ai, tất cả đều thay áo quần và bỏ đi hết rồi. Đại Tá Minh với tư cách Chỉ Huy Trưởng Huấn Khu bàn giao cho họ số vũ khí bắt được trên chiếc xe tăng bị bắn cháy và nói với họ lo chôn cất những người chết trong chiếc xe tăng đó. Hôm đó phía nhà trường có một số SVSQ và quân nhân cơ hữu thương vong, trong số bị chết có Trung Tá Tuyền thuộc văn phòng Phụ Tá Kiểm Huấn Trường Bộ Binh và Thiếu Tá Thuận bị gãy chân 
Hiện diện bàn giao có chừng vài trăm người, mặt mày ngơ ngác, bần thần. Loáng thoáng một cái không còn ai mặc quân phục nữa. SVSQ mặc đồ dân sự lủi thủi lê chân ra phía cổng chính. Đại Tá Minh bùi ngùi nhìn theo tủi hổ. Chiều hôm đó Đại Tá Minh trút bỏ quân phục và được yêu cầu nghỉ riêng trên lầu của tư dinh Chỉ Huy Trưởng trong khi Bộ Chỉ Huy quân Bắc Việt đóng dưới lầu. Đêm đó Đại Tá Minh lên cơn sốt, chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Đại Tá đã khóc thật nhiều. Lúc này Đại Tá Minh mới thấm thía cảm nghiệm được cái lẽ vô thường mà trước kia Đại Tá chỉ hiểu được bằng lý trí. 
Sau này ở trong tù miền Bắc Việt Nam, qua tờ báo hình như là Văn Nghệ, Đại Tá Minh được biết trong số người Cộng Sản bị chết có viên Trung Tá Chỉ Huy mũi Thiết Giáp, một người Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, chỉ còn độ nửa giờ nữa là về đến quê hương, có thể là Gia Định thì chẳng may đã “hy sinh”. 
Trong đoạn kết trả lời phỏng vấn của Đại Tá Trần Đức Minh với Tạp Chí Văn Nghệ Tiền Phong nhân 25 năm ngày Miền Nam lọt vào vòng thống trị của Cộng Sản, nguyên văn đoạn trích như sau: 
“Trước hết tôi xin chân thành cám ơn tất cả quân nhân và SVSQ của Trường Bộ Binh đã cùng tôi chiến đấu đến phút chót tại Thủ Đức vào ngày 30-4-1975 để bảo vệ Tổ Quốc cũng như thanh danh của nhà trường. Tôi cũng xin kính cẩn tưởng niệm vong hồn một số quân nhân của Trường Bộ Binh đã hy sinh vào phút sau cùng của cuộc chiến tranh chồng chất oan khiên suốt mấy chục năm trời. 
Đối với tất cả quý vị từng là SVSQ Trường Sĩ Quan Trư Bị Thủ Đức, tôi xin kính cáo, mặc dù là trễ mất 25 năm, quý vị có thể tự hào về những Khóa đàn em của quý vị vào ngày 30-4-1975, không những hiên ngang dùng súng cá nhân nã vào xe tăng hung hãn của địch mà còn can trường nhảy lên xe tăng liệng lựu đạn diệt thù nữa. Ngọn lửa hồng vẫn rừng rực, thanh kiếm bạc vẫn ngời ngời trên nền trời xanh thẳm của Miền Đồng Nai, dãi đất cực Nam hiền hòa, trù phú, tự do của Tổ Quốc mà Tổ Tiên ta đã dày công khai phá.
Tôi rạo rực nhớ lại khung trời kỷ niệm của Trường Sĩ Quan Thủ Đức vương mùi thuốc súng của ngày chiến trận sau cùng và bồi hồi nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dờn...” của SVSQ lúc ra thao trường”. 
Bạn đọc quý mến. cám ơn bạn đã xem xong bài viết này. bài viết chắc không tránh khỏi những thiếu sót. Mong tất cả quý Huynh, Đệ nguyên là Thầy và Đồng Môn từng xuất thân từ Trường Bộ Binh xin bổ khuyết thêm để có một tài liệu tương đối giúp cho những ai muốn tìm hiểu về Trường Bộ Binh. 
T
ài liệu tham khảo: 
- Tài liệu và hình ảnh của Đại Tá Trần Đức Minh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trưởng Bộ Binh gởi cho năm 2007 và Đại Úy Nguyễn Ngọc Thạch, nguyên Trưởng Phòng Kế Hoạch Trường Bộ Binh gởi cho tháng 9 năm 2007 - 2010. 
- Bài “Lược sử Trường Bộ Binh” của Đại Tá Hà Mai Việt trong “Thép và Máu” 2005. 
- Phóng sự Lễ Mãn Khóa 15 Cách Mạng ngày 1-11-1963 đăng trong Chiến Sĩ Cộng Hòa số 118, tháng 12-1963. 
- Phóng sự: Ngày 9-10-1974 kỷ niệm 23 năm thành lập Trường Bộ Binh đăng trong Chiến Sĩ Cộng Hòa số 310 ngày 20-10-1974. 
- Quân Sử 4 của Bộ Tổng Tham Mưu 1972. 
- “Hai mươi năm qua, việc từng ngày 1945-1964” của Đoàn Thêm. 
- Hình ảnh và tài liệu trích từ sách “Lược Sử QLVNCH” của Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân và Lê Đình Thụy. 
- Tài liệu của nhà văn Phạm Phong Dinh và Nguyễn Kỳ Phong gởi cho. 
- Viết xong tại Oange County ngày 5/10/2010. 
- Đến ngày 14/10/2010 bổ sung thêm các mục: Khu Bưu Chính, Nội San của Trường và việc Bổ nhiệm vị Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh cuối cùng. Thêm phần tài liệu tham khảo. 
HỒ ĐẮC HUÂN
Cựu SVSQ Khóa 2 Nhân Vị Nha Trang.
Hà Mai Việt biên soạn
Lời nói đầu: Trong hoàn-cảnh hiện-tại, phải thành-thật mà nói, ít ai có đủ tài-liệu tham-khảo để có thể hoàn-thành một bài viết về lịch-sử của một quân-trường hay một đơn-vị trong Quân-lực VNCH một cách đầy-đủ và chính-xác. 
Bởi vậy cho nên ngoài việc phỏng-vấn các cựu sinh-viên Sĩ-quan Trừ-bị (SQTB) mà tôi có dịp gặp để đối-chiếu và sưu-tầm tin-tức, tôi đã góp-nhặt được một số tài-liệu tương-đối có căn-bản, liên-quan tới những nét chính của Quân-đội Quốc-gia Việt-Nam, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về việc đào-tạo cán-bộ chỉ-huy mà điển-hình là việc đào-tạo sinh-viên Sĩ-quan trừ-bị, từ khóa 1 đến khóa 5, là khóa chót của giai-đoạn này. 
Ngoài ra để người đọc có thể biết qua về hoàn-cảnh và sinh-hoạt của quân-trường sau khi quân-đội viễn-chinh Pháp bàn-giao lại cho quân-đội quốc-gia VN, tôi cũng ghi chép vài nét đại-cương về những khóa kế tiếp, từ khóa 6 đến khóa 3/1974, để các cựu SVSQTB có dịp bổ-khuyết hay viết-thêm cho đầy đủ hơn, hầu góp phần vào pho quân-sử QLVNCH. 
* * * *
Biến-cố sau Đệ Nhị Thế-chiến 
Vào lúc 21 giờ đêm ngày 9-3-1945, tại Việt-Nam, đặc-sứ Nhật-Bản Matsumoto, đã thực-hiện cuộc đảo-chính loại quân Pháp khỏi Việt-Nam. Quân Pháp tuy có kháng-cự nhưng cuối cùng cũng phải đầu-hàng. Ông Decoux, Toàn-quyền Pháp tại Đông-Dương, bị bắt. Sáng hôm sau, ngày 10-3-1945, đại-sứ Yokohama đã đến điện Kiến-Trung yết-kiến vua Bảo-Đại và tuyên-bố trao-trả độc-lập cho Việt-Nam. Nhưng biến-cố này trên thực-tế chỉ là một cuộc “đổi chủ” giữa thực-dân Pháp và phát-xít Nhật mà thôi. 
Hai ngày sau khi Nhật đầu-hàng (17-8-1945), tướng de Gaule đề-cử thủy-sư đô-đốc Thierry d’Argenlieu làm Cao-ủy Đông-Dương và tướng Leclerc giữ chức Tổng-tư-lệnh Quân-đội Viễn-chinh Pháp. Nhiệm-vụ của hai ông là tái-lập chủ-quyền của Pháp trên toàn lãnh-thổ Đông-Dương gồm Việt, Miên và Lào. 
Với sự giúp đỡ của quân-đội Anh, ngày 11-9-1945, 300 quân-nhân Pháp được đổ-bộ xuống phi-trường Tân-Sơn-Nhứt lập đầu cầu. Sáu tháng sau, Pháp đã kiểm-soát tổng-quát được phần đất ở Nam vĩ-tuyến thứ 16. Đầu tháng 3-1946, tướng Leclerc cho quân đổ-bộ lên Hải-Phòng và chuyển quân về Hà-Nội sau khi ông Sainteny ký hiệp-định sơ-bộ với hai ông Hồ-Chí-Minh và Vũ-Hồng-Khanh. 
Trong vòng 9 tháng, kể từ tháng 10-1945 đến tháng 6-1946, đoàn-quân viễn-chinh Pháp đã lấy lại ưu-thế tại Đông-Dương. Vấn-đề an-ninh và chủ-quyền của Pháp đã được tái-lập trên những vùng của dân-tộc thiểu-số. Pháp đã kiểm-soát được những địa-điểm trọng-yếu như Đà-Nẵng, Huế, Hải-Phòng, Hà-Nội, Hải-Dương, Nam-Định, Phủ Lạng-Thương, Hòn-Gay, Cẩm-Phả, Lạng-Sơn, Cảng Vallut và đảo Cô-Tô tại vịnh Hạ-Long. Nhưng tất cả các đồn-binh tại những nơi này hầu như bị cầm tù, không thể ra ngoài được. 
Mối giao-hảo Việt-Pháp ngày càng rạn nứt bởi các phong-trào chống thực-dân Pháp, vụ quân Việt-Minh tấn-công đoàn xe của Pháp chạy ngang qua Bắc-Ninh để tới Phủ Lạng-Thương, nhất là sau vụ nổ súng giữa các đơn-vị Pháp và Việt tại hải-cảng Hải-Phòng vào ngày 20-10-1946, khiến Pháp đã chiếm trọn Hải-Phòng. Do đó, tình-hình trên toàn cõi Bắc-Việt mỗi ngày một trở nên căng-thẳng và cuộc chiến-tranh toàn-quốc giữa Việt-Minh và quân-đội viễn-chinh Pháp bùng nổ vào ngày 19-12-1946. 
Sau khi các cuộc điều-đình với Việt-Minh tại hội-nghị Dalat vào ngày 17-4-1946 và hội-nghị Fontainebleau vào ngày 6-7-1946 bị bế-tắc, Pháp bèn quay sang giải-pháp tiếp-súc với cựu-hoàng Bảo-Đại tại Hồng-Kông. Kết-quả là Cựu-hoàng chấp-nhận thương-thuyết với Pháp. Do đó, hiệp-định Hạ-Long đã được ký vào ngày 5-6-1948 giữa Bollaert và cựu Hoàng trên tàu Duguay Trouin. Trong bản hiệp-định này, Pháp công-nhận Việt-Nam là một nước độc-lập và Pháp để Việt-Nam tự-do thực-hiện lấy sự thống-nhất của mình, nhưng ngược lại, Việt-Nam tuyên-bố gia-nhập Liên-hiệp Pháp. 
Tuy-nhiên, hiệp-định Hạ-Long chỉ là bước đầu để tiến tới một thỏa-hiệp chính-thức với chính-phủ Pháp. Và mãi đến ngày 8-3-1949, hiệp-định Elysée mới được ký-kết giữa tổng-thống Pháp Vincent Auriol và cựu-hoàng Bảo-Đại. Nhờ có hiệp-định này, “Quân-đội Quốc-gia Việt-Nam” mới được chính-thức bắt đầu thành-lập. 
Mặc dầu thỏa-ước Elysée ký-kết vào ngày 8-3-1949, nhưng mãi tới ngày 1-5-1950, quốc-hội Pháp mới chấp-thuận cho Việt-Nam được thành-lập quân-đội theo đề-nghị của thủ-tướng Pháp. Cũng trong ngày này, tại Việt-Nam, thủ-tướng Trần-Văn-Hữu tuyên bố thành-lập Quân-đội Quốc-gia chống Cộng gồm 60,000 người, một nửa là chính-quy và một nửa là phụ-lực quân. 

Diễn-tiến đào-tạo Sĩ-quan Cán-bộ
Do sáng-kiến của Tổng-Trấn Trung-phần Phan-Văn-Giáo, hàm trung-tướng, trường Sĩ-quan Hiện-dịch đầu tiên được chính-thức thành-lập tại Huế vào ngày 1-12-1948 để rèn-luyện các cấp chỉ-huy cho quân-đội của ông. Nhưng người Pháp không đồng-ý như vậy, họ muốn trường này cũng đào-tạo sĩ-quan trung-đội-trưởng và huấn-luyện-viên cho cả quân-đội Quốc-gia Việt-Nam, cũng nhờ vậy mà sau này Quân-đội Quốc-gia có trên 100 sĩ-quan xuất-thân từ trường Sĩ-quan Huế, trong đó có trung-tướng Nguyễn-Văn-Thiệu, tổng-thống đệ-nhị Cộng-hòa và trung-tướng Đặng-Văn-Quang, cố-vấn của tổng-thống Thiệu. 
Gần hai năm sau, ngày 15-9-1950, các trường Võ-bị địa-phương Nam-Định (Bắc-Việt), Huế (Trung-Việt) và Trung-Chánh (Nam-Việt) được thành-lập để đào-tạo cán-bộ cho các đơn-vị bộ-binh thuộc mỗi miền. 
Khi trường Hạ-sĩ-quan ra đời tại Huế, quốc-trưởng Bảo-Đại có ý-kiến chuyển trường Sĩ-quan Huế về Đà-Lạt và cải danh trường này thành trường Võ-bị Liên-quân Đà-Lạt. Ngày 1-10-1950, trường tiếp-tục huấn-luyện khóa 3 Sĩ-quan hiện-dịch tại Đà-Lạt nhằm đào-tạo sĩ-quan trung-đội trưởng. Đây là khóa sĩ-quan tình-nguyện đầu tiên được huấn-luyện tại Đà-Lạt, thời-gian thụ-huấn là 6 tháng. 
Song-song với trường Võ-bị Liên-quân Đà-Lạt, trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức cũng bắt đầu hình-thành vào ngày 1-10-1950. Nhưng vì dự-án xây-cất trường ốc trên đồi Tăng-Nhơn-Phú chưa hoàn-tất nên khóa 1 Sĩ-quan trừ-bị đã được khai-giảng vào ngày 1-10-1951 tại hai địa-điểm ở Bắc và Nam-Việt, đó là Nam-Định và Thủ-Đức. 
Mãi đến ngày 5-5-1951, bộ Quốc-phòng mới thật-sự được thành-lập bằng những cơ-cấu tiên-khởi đã được phác-họa và tạm sắp-xếp từ thời chính-phủ Trung-ương Lâm-thời Nguyễn-Văn-Xuân. 
Vào tháng 7-1951, guồng máy chiến-tranh chuyển-động mạnh và lan-rộng khắp mọi nơi. Để đối-phó với tình-trạng khẩn-trương này, quốc-trưởng Bảo-Đại ký dụ số 12 ngày 15-7-1951 ban-hành lệnh động-viên (Service militaire obligatoire). 
Việc động-viên thành-phần sĩ-quan nhắm vào tư-nhân, công tư-chức, học-sinh, sinh-viên có bằng-cấp văn-hóa từ trung-học đệ nhất-cấp hoặïc tương-đương trở lên. Trong đợt động-viên đầu tiên, vào năm 1951, có nhiều sinh-viên sĩ-quan đã đậu bằng tú-tài hay cử-nhân, đặc-biệt tại trường Sĩ-quan Nam-Định có 197 SVSQ (55.33%) trong số 356 SVSQ có bằng tú-tài trở lên, riêng SVSQ Nguyễn-Phú-Đức đã có bằng tiến-sĩ luật-khoa. 
Khóa Sĩ-quan Trừ-bị đầu tiên đã được tổ-chức tại Thủ-Đức và Nam-Định vào tháng 10-1951. Chương-trình huấn-luyện Sĩ-quan trừ-bị cũng tương-tự như chương-trình đào-tạo các sĩ-quan hiện-dịch. Thời-gian huấn-luyện dài khoảng 6 tháng, không kể thời-gian thực-tập. 
Vấn-đề động-viên sĩ-quan lúc đầu cũng gặp một vài trở-ngại như tại Nam-Định có một số khóa-sinh, sau khi hết phép vào dịp Tết Nguyên-đán, đã trở về đơn-vị trễ hay bỏ học, không trở lại trường. Vì vậy cho nên có một số SVSQ trong trường-hợp nói trên đã bị bắt giữ, nhưng sau lại được thả ra và đưa vào Thủ-Đức tiếp-tục học khóa 1 hay được phép thi vào trường Võ-bị Đà-Lạt. Tại Thủ-Đức, trong thời-gian khai-giảng khóa 2, có một số SVSQ tuyệt-thực nhưng đã được ban giám-đốc giải-quyết êm đẹp. 
Để có đủ quân-số khẩn thành lập các đơn-vị khinh-quân thay-thế quân Pháp rút khỏi các đồn-bót, lệnh tổng-động-viên đã được ban-hành vào ngày 1-4-1953. Theo kế-hoạch dự-trù thì việc động-viên được chia làm 4 đợt, mỗi đợt 10,000 người trong tháng, kể từ tháng 7-1953. Các thành-phần trước đây đã phục-vụ trong quân-ngũ, nay cũng bị tái-ngũ. Ngoài ra, 60,000 thanh-niên Việt-Nam cũng được lệnh nhập-ngũ để thụ-huấn hai tháng về căn-bản quân-sự, sau khi mãn-khóa, họ được trở về với gia-đình để chờ lệnh. Sự thực thì vấn-đề động-viên binh-sĩ lúc bấy giờ chỉ là một nhu-cầu chính-trị. Tính đến cuối năm 1953, quân-đội quốc-gia gồm có 198,000 người, trong đó 151,000 (76.27%) là chính-quy và 47,000 (23.73%) là phụ-lực-quân. 
Nhằm tăng-cường cho biện-pháp động-viên, ngày 12-4-1954, thủ-tướng Bửu-Lộc đã quyết-định động-viên tập-thể mọi thanh-niên sinh từ 1-1-1929 đến 31-12-1933. Hầu hết số người trong hạng tuổi này, khoảng 1,250 người đủ điều-kiện học-vấn, đã trình-diện các bộ tư-lệnh quân-khu để theo học khóa 5 Sĩ-quan Trừ-bị khai-giảng vào ngày 15-6-1954 tại Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức. Vì trường Thủ-Đức không đủ chỗ nên số sinh-viên thặng-dư, khoảng 250 người, được gửi lên học tại Đà-Lạt, nhưng vẫn giữ nguyên tình-trạng trừ-bị. Đến ngày mãn-khóa, các sĩ-quan tốt-nghiệp ở Đà-Lạt lại trở về Thủ-Đức để dự lễ tuyên-thệ cùng với các bạn đồng-khóa tại Sài-Gòn. 
Ngày 12-8-1954, dụ số 12 ký ngày 15-7-1951 và các nghị-định liên-quan đến dụ trên đều tạm đình-chỉ cho đến khi có lệnh mới. Lệnh động-viên được tạm ngưng nhưng các quân-nhân trừ-bị vẫn được lưu-giữ. 

Trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức 
Theo kế-hoạch huấn-luyện của bộ Quốc-phòng thì trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức (Ecole d’Officiers de Reserve) được thành-lập để đào-tạo sĩ-quan trừ-bị (SQTB) hầu kịp thời cung-ứng cấp chỉ-huy cho quân-đội Quốc-gia trong thời-gian có chiến-tranh. Sinh-viên Sĩ-quan là những người đến hạn tuổi luật-định, hội đủ điều-kiện sức-khỏe và có học-vấn, từ bằng trung-học trở lên, được động-viên tập-thể. Sau khi tốt-nghiệp, tân sĩ-quan có đủ khả-năng để chỉ-huy một trung-đội bộ-binh hay một đơn-vị tương-đương thuộc binh-chủng hay binh-sở chuyên-môn mà họ đã được chọn lựa. 
Trong khoảng thời-gian từ tháng 10 năm 1951 đến tháng 1 năm 1955, dưới sự bảo-trợ của Quân-đội Viễn-chinh Pháp tại Đông-Dương, sau hơn 3 năm, quân-đội Quốc-gia Việt-Nam đã đào-tạo được 6 khoá Sĩ-quan Trừ-bị: 5 khóa chính và 1 khóa phụ. Khi ra trường các tân sĩ-quan được mang cấp-bậc thiếu-úy trừ-bị (TB). 
Tổng-số sĩ-quan tốt-nghiệp, trong giai-đoạn nói trên, khoảng hơn 5,000 người. Các tân thiếu-úy ngay sau khi ra trường phần lớn được lần-lượt bổ-nhiệm về các đơn-vị tác chiến để thay-thế sĩ-quan người Pháp đang chỉ-huy những đơn-vị được thành-lập sau khi Pháp trở lại Việt-Nam hay bổ-xung cho các đơn-vị tân-lập của quân-đội Quốc-gia Việt-Nam. Những sĩ-quan này là cán-bộ nòng-cốt của Quân-đội Quốc-gia VN thời bấy giờ, cũng như của quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa sau này. Điển-hình là một số lớn sĩ-quan cấp-tướng đảm-nhiệm vai-trò lãnh-đạo hay chỉ-huy các đại đơn-vị trong thời đệ nhất và đệ-nhị Cộng-Hòa đều xuất-thân từ các khóa Sĩ-quan trừ-bị trong đợt đầu. Theo Niên-giám Sĩ-quan Chủ-lực-quân VNCH, tính đến ngày 31-1-1971, tổng-số tướng-lãnh của quân-lực là 63 người, trong đó có: 14 vị xuất-thân trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức và Nam-Định, thuộc các khóa 1, 2, 3 và 4, đạt tỷ-lệ 22%. 18 vị xuất-thân trường Võ-bị Quốc-gia, đạt tỷ-lệ 28%. Số 50% còn lại xuất-thân từ các quân-trường khác như trường Sĩ-quan Huế (10), Sĩ-quan Tông (3), Sĩ-quan Nước Ngọt (2), Võ-bị Vũng Tàu (2), Võ-bị Địa-phương Phú-Bài (1), Sĩ-quan Hải-quân (3), vv . . . 

Thời-gian huấn-luyện SQTB 
Thời-gian huấn-luyện tại quân trrường cho mỗi khóa-học trung-bình từø 6 đến 9 tháng tùy theo tình-hình chiến-sự. Chương-trình huấn-luyện được chia làm hai giai-đoạn như sau: 
Giai-đoạn 1: huấn-luyện phần căn-bản quân-sự, bộ-binh thuần-túy, từ cá-nhân đến cấp tiểu-đội. Thời-gian là 8 tuần-lễ dành cho các khóa dài 6 tháng, và 9 hay 10 tuần cho các khóa dài 9 tháng. 
Giai-đoạn 2: huấn-luyện về Bộ-binh đến cấp trung-đội dành cho sinh-viên sĩ-quan học về Bộ-binh hay các ngành chuyên-môn dành cho SVSQ được tuyển-chọn vào các binh-chủng khác như Thiết-giáp, Pháo-binh, Công-binh, Truyền-tin vv. . . 
Trước năm 1955, sau khi tốt-nghiệp tại Thủ-Đức, tân sĩ-quan được gửi đi học bổ-túc tại các quân-trường chuyên-môn của Liên-hiệp Pháp. Riêng các tân sĩ-quan thuần-túy bộ-binh sau khi tốt-nghiệp được phân-phối thẳng về những đơn-vị đang thiếu hụt quân-số. 
Dưới thời đệ-nhị Cộng-Hòa, trước hay sau ngày mãn-khoá, các tân sĩ-quan còn được thực-tập trong vòng một hoặc hai tháng tại vùng lân-cận thủ-đô Sài-Gòn hay các vùng sôi đậu. Điển-hình là Khoá 23 SQTB Thủ-Đức thực-tập bình-định với khoá Biệt-Chính, cũng như khoá 1/72 Sĩ-quan Nha-Trang, trước ngày mãn-khóa, cũng công-tác tại Qui-Nhơn gần 2 tháng. 
Sau cuộc tổng công-kích của Cộng-Sản Bắc-Việt vào dịp Tết Mậu-Thân, năm 1968, sắc-lệnh tổng-động-viên ra đời, thanh-niên tuổi từ 18 đến 43, có bằng tú-tài 1 trở lên đều phải nhập-ngũ. Để có đủ cán-bộ chỉ-huy các đơn-vị tân-lập theo kế-hoạch bành-trướng quân-lực và nhất là để đáp-ứng nhu-cầu đòi hỏi của chiến-trường, kể từ khóa 1/68, chương-trình huấn luyện, địa-điểm và thời-gian học tập cũng được sửa đổi cho phù-hợp với tình-hình. 
Theo thông-lệ, trường Bộ-binh Thủ-Đức hàng năm đào tạo trung-bình từ 2 đến 4 khóa sĩ-quan trừ-bị tùy theo nhu-cầu. Nhưng vào đầu năm 1968, sau biến-cố Tết Mậu-Thân, vì nhu cầu quốc-phòng vượt quá khả-năng huấn-luyện của trường Bộï-binh Thủ-Đức nên trường Hạ-sĩ-quan Đồng-Đế, Nha-Trang đã phải gánh vác thêm việc huấn-luyện Sĩ-quan trừ-bị. Mở đầu cho giai-đoạn này trường Đồng-Đế tiếp-nhận khóa 1/68 và 2/68. Đây là hai khóa sĩ-quan trừ-bị đầu tiên được huấn-luyện tại Nha-Trang. Thời-gian huấn-luyện được rút xuống còn 6 tháng thay vì 9 tháng. 
Kể từ tháng 1-1968 đến tháng 12 năm 1972, tất cả sĩ-quan trừ-bị được huấn-luyện tại trường Bộ-binh Thủ-Đức hay trường Hạ-sĩ-quan Đồng-Đế, Nha-Trang. Sau khi trình-diện trung-tâm tuyển-mộ và nhập-ngũ địa-phương, các SVSQ TB được đưa thẳng đến trung-tâm huấn-luyện Quang-Trung để theo học khóa Dự-bị Sĩ-quan, thời-gian thụ-huấn là 9 tuần-lễ. Khóa-sinh tốt-nghiệp được phân-phối về một trong hai trường Thủ-Đức hay Nha-Trang để tiếp-tục học giai-đoạn 2 trong vòng 3 tháng rưỡi. 

Các Khóa SQTB do quân-đội Pháp đảm-trách 
Khóa 1 Lê-Văn-Duyệt (Thủ-Đức) và Lê-Lợi (Nam-Định): 
Để đáp-ứng nhu-cầu cán-bộ chỉ-huy các đơn-vị tân-lập cho kế-hoạch bình-định lãnh-thổ và để thay thế các sĩ-quan Pháp hiện đang chỉ-huy đơn-vị Việt-Nam, trường Sĩ-quan Trừ-bị (SQTB) được thành-lập vào khoảng đầu năm 1951 và khởi-sự huấn-luyện từ tháng 10-1951. 
Trong giai-đoạn đầu, vì lý-do cơ-sở chưa sẵn-sàng nên khóa 1 SQTB được tổ-chức huấn-luyện tại hai địa-điểm khác nhau. Trường SQTB Thủ-Đức huấn-luyện SVSQ trình-diện nhập-ngũ thuộc các tỉnh từ Huế trở vào Nam. Trường SQTB Nam-Định huấn-luyện SVSQ thuộc các tỉnh từ Quảng-Trị ra Bắc. Tại Thủ-Đức, trường tạm dựng những dẫy nhà mái lá, vách phên tre làm chỗ cho sinh-viên sĩ-quan tạm-trú. Tại Nam-Định, trường Sĩ-quan Trừ-bị xử-dụng một số phòng-ốc trong Camp Carreau làm nơi huấn-luyện. Camp Carreau là một căn-cứ quân-sự của bộ chỉ-huy Quân-đội Viễn-chinh Pháp tại miền Nam, nằm trong khuôn-viên nhà máy sợi Nam-Định. Nơi này sau được bàn-giao lại cho trường Võ-bị Nam-Định vào khoảng cuối năm 1952. 
Khóa 1 SQTB khai-giảng vào ngày 16-10-1951. Tại Nam-Định, sĩ-số là 356 SVSQ, mãn-khóa vào ngày 1-6-1952, được đặt tên là Khóa Lê-Lợi. Tại Thủ-Đức, sĩ-số khoảng 250 SVSQ, mãn-khóa vào ngày 31-5-1952, được đặt tên là khóa Lê-Văn-Duyệt. 
Vào tháng 1-1952, khi khóa học bước sang giai-đoạn 2, trường SQTB Thủ-Đức hình-thành một đại-đội SVSQ Kỹ-thuật gồm các trung-đội Công-binh, Truyền-tin và Pháo-binh. Các SVSQ thuộc đại-đội này là những người trong số hơn 600 SVSQ Nam-Định và Thủ-Đức được tuyển chọn trên căn-bản học-lực. 
Tổng-cộng cả hai khóa Lê-Lợi và Lê-Văn-Duyệt có 580 tân sĩ-quan gồm 495 thiếu-úy và 85 chuẩn-úy. Thủ-khoa khóa Lê-Lợi là thiếu-úy Nguyễn-Duy-Hinh và thủ-khoa khóa Lê-Văn-Duyệt là thiếu-úy Phạm-Kim-Quy. Cấp-hiệu thiếu-úy, dập theo cấp-bậc của quân-đội Pháp, là một gạch vàng hay trắng bằng kim tuyến, nằm trên hai cầu vai. “Lon” mầu trắng dành cho các sĩ-quan thuộc binh-chủng Thiết-giáp, Quân-cụ và Thông-vận-binh. Cấp-hiệu mầu vàng dành cho bộ-binh và các binh chủng khác. 
Tính đến đầu năm 1971, các sĩ-quan tốt-nghiệp Khóa 1 đã nắm giữ những chức-vụ quan-trọng gồm có các tướng Lê-Nguyên-Khang, Nguyễn-Bảo-Trị, Nguyễn-Cao-Kỳ, Nguyễn-Chấn, Nguyễn-Duy-Hinh tốt-nghiệp tại Nam-Định và các tướng Nguyễn-Đức-Thắng, Đồng-Văn-Khuyên, Nguyễn-Ngọc-Loan, Trần-Văn-Minh, Võ-Xuân-Lành, Phan-Đình-Soạn, tốt-nghiệp tại Thủ-Đức. Đến cuối năm 1972 và sau này, quân-lực lại có thêm các chuẩn-tướng Phạm-hữu-Nhơn, Đặng-Đình-Linh, Đặng-Cao-Thăng, Nguyễn-Văn-Lượng, Nguyễn-Hữu-Tần, Nguyễn-Đức-Khánh và Vũ-Đức-Nhuận từ trường Nam-Định và các chuẩn-tướng Nguyễn-Khắc-Bình, Phạm-Ngọc-Sang, Phan-Phụng-Tiên và Huỳnh-Bá-Tính từ trường Thủ-Đức. 
Trong suốt cuộc chiến, quân-lực VNCH có 23 tướng-lãnh xuất-thân từ khóa 1 Thủ-Đức và Nam-Định, nhưng đặc-biệt nhất là thiếu-tướng Nguyễn-Cao-Kỳ, người đã giữ những chức-vụ quan-trọng như Tư-lệnh Không-quân VN, Chủ-tịch ủy-ban Hành-pháp Trung-ương và Phó Tổng-thống VNCH. 
Khóa 2 Phụng-Sự khai-giảng vào ngày 1-10-1952 và mãn-khóa vào ngày 1-4-1953. Thời-gian huấn-luyện là 6 tháng. Khóa này có khoảng 300 sinh-viên sĩ-quan, tổ-chức thành 14 trung-đội thuộc 5 đại-đội. Lễ mãn-khóa được tổ-chức tại Sài-gòn, thủ-khoa khóa 2 Phụng-sự là thiếu-úy Nguyễn-Thành-Huê. 
Kể từ khóa 1 SQTB, tại Thủ-Đức ngoài việc đào-tạo các sĩ-quan Bộ-binh, còn có các lớp giảng dạy về ngành chuyên-môn như Pháo-binh, Công-binh, Truyền-tin. Kể từ khóa 2 trở về sau lại có thêm các lớp Thiết-giáp, Sĩ-quan Tình-báo và Quân-cụ. 
Đặc-biệt chuẩn-tướng Nguyễn-Văn-Thiện, tư-lệnh Biệt-khu Quảng-Đà, nguyên chỉ-huy-trưởng Thiết-giáp-binh thời đệ-nhất cộng-hòa, là vị tướng độc-nhất của khóa 2 Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức được vinh-thăng lên hàng tướng-lãnh, nhưng ông được ghi nhận mất-tích trong chuyến bay quân-sự từ Đà-Nẵng vào Sài-Gòn để tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu đích-thân gắn lon chuẩn-tướng cho ông tại dinh Độc-Lập. 
Khóa 3 Đống-Đa khai-giảng vào tháng 5 và mãn-khóa vào tháng 12-1953. Tổng số sinh-viên sĩ-quan thụ-huấn là 700 người. Khóa 3 SQTB có hai sĩ-quan được vinh thăng lên hàng tướng-lãnh, đó là các tướng Nguyễn-Khoa Nam và Huỳnh-Văn-Lạc. Trong chức-vụ tư-lệnh Quân-đoàn 4 / Quân-khu IV, vào sáng ngày 1-5-1975, thiếu-tướng Nguyễn-Khoa-Nam đã tuẫn-tiết, không chịu đầu hàng, sau khi nhận thấy tình-thế đi đến chỗ tuyệt-vọng. 
Khóa 4 Cương-Quyết gồm 1,400 sinh-viên sĩ-quan, khai-giảng tại Thủ-Đức vào tháng 11-1953 và mãn khóa vào ngày 2-6-1954. Thời-gian huấn-luyện là 6 tháng. Đặc-biệt trong khóa này, sang giai-đoạn 2, ngoài việc huấn-luyện các ngành chuyên-môn như Quân-Cụ, Truyền-Tin, Pháo-Binh, Thiết-giáp, Công-Binh, Thông-Vận-Binh, nhà trường còn huấn-luyện thêm một trung-đội Nhảy Dù. Khóa 4 là khóa đã đào-tạo nhiều tướng trẻ nổi-danh trong đầu thập-niên 70 như các tướng Ngô-Quang-Trưởng, Bùi-Thế-Lân, Lê-Quang-Lưỡng, Nguyễn-Văn-Điềm và Hồ-Trung-Hậu. 
Tới cuối năm 1953, việc đào-tạo sĩ-quan cán-bộ cho Quân-đội Quốc-gia Việt-Nam có phần cấp-bách nên trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức đang với khả-năng thâu-nhâïn trung-bình là 500 khóa-sinh cho mỗi khóa, đã phải tăng lên đến 1,000 người. Mặc dầu sĩ-số thụ-huấn đã tăng lên gấp đôi nhưng trên thực-tế vẫn chưa thỏa-mãn được nhu-cầu động-viên tập-thể. Để tránh tình-trạng ứ-đọng, gây trở-ngại cho kế-hoạch động-viên, kể từ khóa 4 SQTB, bộ Tổng-tham-mưu quyết-định gửi thặng-số thanh-niên đến tuổi động-viên lên trường Võ-bị Đà-Lạt thụ-huấn nhưng được áp-dụng chương-trình huấn-luyện dành cho sĩ-quan trừ-bị. Sau khi tốt-nghiệp các tân sĩ-quan vẫn theo quy-chế của sĩ-quan trừ-bị. Sau này, sĩ-quan trừ-bị muốn sang hiện-dịch, các đương-sự phải nạp đơn xin, chuyển theo hệ-thống quân-giai, để bộ Tổng-tham-mưu quyết-định. 
Khóa 4 phụ Cương-quyết có 850 SVSQ, chia làm hai toán, khai-giảng vào ngày 25-3-1954. Trường Thủ-Đức phụ-trách huấn-luyện 500 sinh-viên, số 350 sinh-viên còn lại được chuyển lên Đà-Lạt thụ-huấn nhưng đến ngày mãn-khóa, 1-10-1954, người ta ghi nhận chỉ còn lại 160 thiếu-úy và 99 chuẩn-úy tốt-nghiệp, gần 100 sinh-viên khác không hội đủ điều-kiện nên đã bị loại sau kỳ khảo-hạch giai-đoạn 1. Thủ-khoa khóa 4 phụ tại Đà-Lạt là thiếu-úy Ngô-Văn-Lợi. Thời-gian huấn-luyện dành cho khóa 4 phụ là 6 tháng nhưng khóa 4 phụ tại Thủ-Đức mãn-khóa sau khóa 4 phụ Đà-Lạt đúng một tuần. 
Vào những năm cuối cùng của cuộc-chiến, 1974-1975, vì nhu-cầu chỉ-huy đại đơn-vị, khóa 4 phụ có hai đại-tá được thăng lên cấp chuẩn-tướng đó là các tướng Trần-Quốc-Lịch, gốc Nhảy dù và Phạm-Duy-Tất, gốc Lực Lượng Đặc Biệt, nguyên chỉ-huy-trưởng Biệt-động-quân Vùng 2 Chiến-thuật. 
Khóa 5 Vì Dân: Trước khi Điện-Biên-Phủ thất-thủ, hơn một ngàn thanh-niên trên toàn quốc được động-viên theo học khóa 5 SQTB. Khóa này khai-giảng ngày 15-6-1954 và mãn khóa vào ngày 30-1-1955. Vì lý-do khả-năng tiếp-nhạân hạn-hẹp nên trường Thủ-Đức chỉ giữ lại 1,000 người trình-diện theo hạn định, lập thành 8 đại-đội gồm: đại-đội 1 và 2 Bộ-binh, đại-đội 3 Vũ-khí nặng, đại-đội 4 Công-binh, đại-đội 5 Pháo-binh, đại-đội 6 Thông-vận-binh, đại-đội 7 Thiết-giáp (3 trung-đội) và Quân-cụ (1 trung-đội), đại-đội 8 Quân-nhu. Thặng-số còn lại khoảng 265 người, lập thành 2 Đại-đội BB, được chuyển lên trường Võ-bị Đà-Lạt để thụ-huấn. Các tân sĩ-quan thụ-huấn tại Đà-Lạt, cũng tương-tự như trường hợp của khóa 4, sau khi tốt-nghiệp, vẫn giữ quy-chế của sĩ-quan trừ-bị. Lễ mãn-khóa được tổ-chức tại đường Trần-Hưng-Đạo, Sài-Gòn vào đầu tháng 2 năm 1955 cho các tân sĩ-quan thụ-huấn tại Thủ-Đức và Đà-Lạt. Thủ-tướng Ngô-Đình-Diệm chủ-tọa và long-trọng đặt tên cho khóa này là khóa Vì Dân. 
Cũng như khóa 2 Phụng-Sự, khóa 5 Vì-Dân chỉ có một trong số không quá mười đại-tá thuộc khóa 5 Vì Dân được vinh-thăng lên hàng tướng-lãnh tính đến tháng 3-1972, đó là chuẩn-tướng Lê-Văn-Hưng, tư-lệnh sư-đoàn 5 Bộ-binh, chức-vụ sau cùng của ông là tư-lệnh-phó Quân-đoàn 4 / Quân-khu IV. Sau khi đại-tướng Dương-Văn-Minh ra lệnh đầu hàng vào lúc 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, tướng Hưng là vị tướng đầu tiên tại Vùng 4 tuẫn-tiết vào buổi tối cùng ngày, chứ không chịu để địch-quân bắt sống. 
Tính đến ngày 30-4-1975, sau 21 năm chiến-đấu chống Cộng-Sản Bắc-Việt, SVSQ Lê-Văn-Hưng là người độc-nhất, trong số 1,265 sinh-viên sĩ-quan trừ-bị nhập-ngũ từ tháng 5-1954, được thăng cấp chuẩn-tướng. Từ khóa 5 trở về sau, người ta chưa thấy một sĩ-quan trừ-bị nào trong Quân-lực VNCH được thăng lên hàng tướng-lãnh. Do đó người ta có nhận-định rằng việc thăng lên cấp tướng thường không căn-cứ vào khả-năng quân-sự, nhu-cầu chỉ-huy, hay qui-chế sĩ-quan cao-cấp như thường được áp-dụng trong quân-đội các nước tân-tiến mà chính là bởi quyết-định của cá-nhân vị lãnh-đạo quốc-gia và bởi ảnh-hưởng chính-trị. Do đó quân-đội VNCH đã được đặt dưới quyền chỉ-huy của nhiều tướng-lãnh hèn-nhát và thiếu tài-đức. 

Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức 
Sau khi hoàn-tất việc huấn-luyện khoá 5 SQTB, trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức tạm ngưng đào-tạo Sĩ-quan Trừ-bị trong một thời-gian khoảng 2 năm. Vào cuối năm 1955, các lớp huấn-luyện chuyên-môn như Quân-Cụ, Quân-Chánh, Thông-vận-binh, Thiết-giáp-binh, Pháo-binh, Công-binh, Truyền-tin . . . lần-lượt trở thành các trường chuyên-môn, phụ-trách huấn-luyện cán-bộ các cấp, từ hàng binh-sĩ cho đến sĩ-quan, thuộc binh-sở hay binh-chủng. Nhưng các trường hay lớp huấn-luyện chuyên-môn này vẫn được đặt dưới quyền kiểm-soát của bộ chỉ-huy trường Sĩ-quan Trừ-bị. Do đó, vào đầu năm 1957 trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức được cải-danh thành Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức gồm các quân-trường nói trên. Riêng hai trường Pháo-binh và Công-binh tuy thống-thuộc Liên-trường nhưng trú-đóng tại Bình-Dương. 
Kể từ tháng 2 năm 1957, các quân-trường thuộc Liên-trường VKTĐ bắt đầu hoạt-động theo phương-thức huấn-luyện của Hoa-Kỳ. Các cơ-sở và thao-trường cũng được tân-trang hay xây cất thêm cho qui-mô và rộng-rãi hơn. 

Các Khóa SQTB do Quân-đội Quốc-gia đảm-trách 
Khoá 6: Mãi đến tháng 2–1957, Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức mới tiếp-tục đào-tạo SQTB, đây là khóa sĩ-quan trừ-bị đầu tiên kể từ ngày nước Việt-Nam bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc tại vĩ-tuyến thứ 17 bởi hiệp-định Genève, do Pháp và Việt-Minh cùng thỏa-thuận ký-kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954. Đại-úy Nguyễn-Viết-Thanh, sau này là thiếu-tướng tư-lệnh Quân-đoàn IV, được chỉ-định làm giám-đốc “Trường Sĩ-quan Trừ-bị” này. Tổng-số sinh-viên sĩ-quan khóa 6 gồm khoảng 600 người kể cả 200 khóa-sinh thuộc Bảo-An-đoàn. Đặc biệt khóa này được huấn-luyện trong thời-gian 11 tháng để các tân sĩ-quan có đủ khả-năng chỉ-huy một đơn-vị cao hơn cấp trung-đội khi cần. Kể từ khóa 6 SQTB, sinh-viên sĩ-quan sau khi tốt-nghiệp được mang cấp bậc chuẩn-úy thay vì thiếu-úy như 5 khóa trước áp-dụng quy-chế của quân-đội Pháp. Chuẩn-úy Phạm-Văn-Vĩnh đậu thủ-khoa khóa 6. 
Sau khi khóa 6 ra trường, Khóa 7 được tiếp-tục khai-giảng vào tháng 3-1958. Mỗi năm trường Bộ-binh đào-tạo trung-bình từ 2 đến 4 khóa, đánh số theo thứ-tự từ khóa 7 cho đến Khóa 27. Sau đó, kể từ đầu năm 1968, các khóa kế tiếp được thay đổi danh-xưng bằng cách dùng số thứ-tự kèm theo niên-hiệu. Ví dụ khóa 1/68 thay vì khóa thứ 28. 
Kể từ khóa 7 đến khóa 3/74, là khóa cuối cùng, chúng tôi chưa sưu-tầm được đầy-đủ tài-liệu nói về danh-xưng, sĩ-số, thời-gian và địa-điểm huấn-luyện, ngày khai-giảng và mãn-khóa, tên họ thủ-khoa. Vậy nên chúng tôi xin để các hội hay tổng-hội cựu SVSQTB sưu-tầm, bổ-khuyết, đúc-kết và phổ-biến sau. Trường-hợp quý-vị muốn chúng tôi điền-khuyết trong bài, xin gửi tài-liệu bổ-túc về: 
HMV/SVSQTB, 10210 Kent Towne Ln, SugarLand, TX 77478. 
Khoá 7:Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 8: 1960, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, thủ-khoa Bùi-Đức-Lạc? 
Khoá 9:Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 10: Từ khóa 10, các khóa-sinh có bằng THDNC phải qua một kỳ thi-tuyển. Sĩ-số khoảng trên 400 người kể cả 1 đại-đội BA trên 100 người. Hùynh-Văn-Bé, thủ-khoa khóa Thành-Tín. Thời-gian, địa-điểm HL, ngày khai-giảng, mãn-khóa không rõ? 
Khoá 11: Sĩ-số là 800 người kể cả 200 Bảo-An, đa-số khóa-sinh BA là Hạ-sĩ-quan thâm-niên. Khai-giảng ngày 3-1-1961, mãn-khóa ngày 22-12-1961. Thời-gian huấn-luyện là 11 tháng. Tên khóa: Đồng-tiến, thủ-khoa: Trần-Văn-An. Hầu hết BA gia-nhập lực-lượng đặc-biệt. 
Khoá 12: Sĩ-số là 2,000 người, kể cả hơn 300 Bảo-An (8 đại-đội x 4 trung-đội) 50% phải qua một kỳ-thi tuyển. Khai-giảng vào tháng 9-1961, mãn-khóa ngày 1-8-1962. Thời-gian huấn-luyện là 11 tháng. Thủ-khoa là giáo-sư Nguyễn-Ngọc-Linh. Đại-tá Võ-Ân, trung-đoàn-trưởng trung-đoàn 53 BB, trấn-giữ phi-trường Phụng-Dực, tháng 3-1975, là cựu SV khóa 12 Thủ-Đức. 

Trường Bộ-binh Thủ-Đức. 
Vào tháng 10 năm 1961, tất cả các quân trường chuyên-môn như Quân-Cụ, Quân-Chính, Truyền-Tin, Quân-Vận, Công-Binh, Pháo-Binh vv. . . được tách rời khỏi Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức và trực-thuộc các binh-sở và binh-chủng liên-hệ. Vì vậy mà Liên-trường Võ-khoa không còn hiện-diện, đồng-thời “Trường Sĩ-quan Trừ-bị” cũng được cải-danh thành trường Bộ-Binh. Đến năm1962, tại căn-cứ huấn-luyện Thủ-Đức chỉ còn lại trường Bộ-Binh, trường Thiết-giáp và trường Vũõ-thuật và Thể-dục Quân-sự. Đặc-biệt trường Bộ-binh ngoài việc đảm-nhiệm các khóa Sĩ-quan Trừ-bị trường còn phụ-trách huấn-luyện các lớp Đại-đội-trưởng. 
Tóm lại, trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức trên đồi Tăng-Nhơn-Phú hình-thành từ năm 1950, đến năm 1957 trường này được biến cải và bành trướng thành Liên-trường Võ-khoa Thủ-Đức. Cuối năm 1961 trường lại thâu gọn thành trường Bộ-binh Thủ-Đức. 
Khoá 13: Khai-giảng vào tháng 1-1962, mãn-khóa vào tháng 11-1962. Phải có bằng tú-tài 1 trở lên. Các khóa-sinh BA kể từ khóa này cũng phải qua nột kỳ thi tuyển. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 14: Khai-giảng vào tháng 4-1962, mãn-khóa vào tháng 1-1963. BA có một quy-chế riêng. Chuẩn-úy Trần-Sách-Đắc đậu thủ-khoa khóa 14. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, chưa rõ ? 
Khoá 15: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 16: 1963. Sau cách-mạng 1-11-1963, BA đổi thành Địa-phương-quân. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 17: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 18: Khai-giảng vào tháng 6-1964. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 19: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 20: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 20 Phụ: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên thủ-khoa? 
Khoá 21: Khai-giảng tháng 10-1965, mãn-khóa tháng 10-1966. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 22: Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 23: khai-giảng vào tháng 9-1966, mãn khoá vào tháng 6-1967. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 24: khai-giảng vào đầu năm 1967, mãn-khóa vào tháng 9-1967. Thời-gian huấn-luyện là 9 tháng. SVSQ đa số là giáo-chức, chuyên-viên kỹ-thuật. Tên khóa, sĩ-số, địa-điểm HL, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 25: Sĩ-số khoảng 2,000 người, 10 đại-đội gồm 5 trung đội 40 SV, cũng như các khóa 24 và 26, đa-số là giáo-chức bị động-viên, khai-giảng ngày 12-4-1967, thời-gian thụ-huấn khoảng 9 tháng rưỡi. TT Thiệu chủ-tọa lễ mãn-khóa ngày 5-1-1968, trước Tết Mậu-Thân. Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm HL, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 26 khai-giảng vào tháng 6? 9-1967, mãn khoá vào ngày 8-6-1968. Sĩ-số trên 2,000 người. Tên khóa, thời-gian, địa-điểm, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 27 khai-giảng vào ngày 26-12-1967 và mãn-khoá vào ngày 1-8-1968. Thời-gian 7 tháng. Sĩ-số khoảng hơn 1,000 người. Khóa 27 trưởng-thành trong khói lửa, sau khi trải qua biến-cố Tết Mậu-Thân. Khóa 27 là khóa cuối cùng gọi tên khóa bằng số. Tên khóa, địa-điểm, tên họ thủ-khoa Châu Minh Ba (Trưởng ty Công Chánh Long Khánh – Chi tiết Thủ Khoa do KBCHN cung cấp .) 

Các Khóa SQTB lấy tên theo niên-hiệu 
Kể từ năm 1968, danh hiệu của các khóa Sĩ-quan Trừ-bị được đánh số thứ-tự kèm niên-hiệu. 
Năm 1968 có 8 khóa, sinh-viên khóa 1 và 2/68 dựng trên đỉnh núi một tượng bằng ciment cao khoảng 30 feet, đứng nhìn xuống thao-trường, họ đặt tên cho tượng này là anh Cù-Lần. 
Khoá 1/68 tại Nha-Trang, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 2/68 tại Nha-Trang, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 3/68 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 4/68 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 5/68 tại Thủ-Đức có 8 đai-đội, sĩ-số khoảng 1,500 người Mãn-khóa tại Quang-Trung ngày 28-7-1968, giai-đoạn 2 tại Thủ-Đức từ 8-10-1968 đến 25-1-1969. Thủ-khoa là chuẩn-úy Nguyễn-Đình-Mô. Tên khóa ? 
Khóa 6/68 Địa-điểm, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa?
Khóa 7/68 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 8/68 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 9/68 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Năm 1969 có 6 khoá: 
Khóa 1/69 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 2/69 tại Nha-Trang, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ 
thủ-khoa? 
Khóa 3/69 tại Thủ-Đức gồm 5 đại-đội, mỗi đại-đội có 200 người, sĩ-số là 1,000 SVSQ. Khóa này khai-giảng vào tháng 3 và mãn-khóa vào khoảng tháng 10-1969. tên khóa, thời-gian, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 4/69 tại Thủ-Đức, mãn-khóa tháng 7-1970. tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 5/69 tại Thủ-Đức, tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 6/69 tại Thủ-Đức, khai-giảng tháng 7-1970. tên khóa, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Năm 1970 có 6 khóa: 
Khoá 1/70, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 2/70, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 3/70, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 4/70, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 5/70, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 6/70, Tên khóa, 1650 SVSQ, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Năm 1971 có 5 khóa: 
Khoá 1/71, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 2/71, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 3/71, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 4/71 tại Thủ-Đức, khai-giảng ngày 22-8-1971 đến ngày 2-5-1972, tổng-cộng hơn 8 tháng. Có tên là Khóa Bình-Long Anh-Dũng, sĩ-số, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 5/71, Tổng-số khoảng 500 SVSQ, mà 1/5 thuộc thành-phần giáo-chức nhưng trước ngày mãn-khóa có một số được trả về nhiệm-sở cũ. thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, thủ-khoa được bổ-xung về ngành HCTC. Khóa này có tên là Kontum kiêu-hùng. 
Năm 1972 có 15 khoá, tất cả đều tham-dự chiến-dịch, chia làm nhiều toán khoảng 4, 5 người đi với Địa-phương-quân và nghĩa-quân để tác-động tinh-thần và phổ-biến hiệp-định Paris. Thời-gian học quân-sự và chiến-dịch khoảng một năm. 
Khoá 1/72 tại Nha-Trang, do đại-tá Bùi-Trạch-Dần, Liên-đoàn-trưởng, phụ-trách. Khai-giảng. . . . Lẽ ra mãn-khóa ngày 8-12-1972, nhưng vì Hiệp-định Paris nên mãi đến tháng 3-1973 mới mãn-khóa. Sĩ-số khoảng 700 SVSQ, hầu hết là sinh-viên kiến-trúc nhập-ngũ theo lệnh tổng-động-viên. Tên khóa, ngày khai-giảng, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 2/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 3/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 4/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 5A/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 5B/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 6/72 Nha-Trang (thiếu-tướng Võ-Văn-Cảnh chỉ-huy-trưởng trường Đồng-Đế. ), sĩ-số, thời-gian, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 7/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 8/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 9A/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 9B/72, Nha-Trang, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 9C/72, Thủ-Đức, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 10/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khóa 11/72 tại Nha-Trang, sĩ-số 922 người. khai-giảng 16-10-1972, mãn-khóa 2-6-1973. thời-gian, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 12/72, Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Năm 1973 có 7 khoá: 
Khoá 1/73 tại Thủ-Đức, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 2/73 tại Thủ-Đức, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 3/73 tại Long-Thành, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khoá 4/73 Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 5/73 Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 6/73 Tên khóa, sĩ-số, thời-gian, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa? 
Khoá 7/73 Rất đông sinh-viên SQ có bằng cử-nhân và cao-học, một số lớn xin gia-nhập ngành Quân-Cảnh và Địa-phương-quân. Khóa học trên 11 tháng kể cả thời-gian đi chiến dịch lấn đất, giành dân. Tên khóa, sĩ-số, địa-điểm, ngày khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Năm 1974 có 3 khoá: 
Khoá 1/74 tại Long-Thành, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 2/74 tại Long-Thành, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Khóa 3/74 tại Long-Thành, sĩ-số, thời-gian, khai-giảng, mãn-khóa, tên họ thủ-khoa không rõ? 
Vì nhu-cầu bổ-sung cán-bộ, các sĩ-quan trừ-bị đã có nhiều cơ-hội nắm giữ những chức-vụ quan-trọng tại hầu hết các bộ tham-mưu và ngành chuyên-môn trong quân-đội. Bởi lẽ khối-lượng sĩ-quan trừ-bị đông đảo hơn sĩ-quan hiện-dịch (gấp 17 lần trong năm 1973), hơn nữa vì cuộc chiến kéo dài triền-miên nên những sĩ-quan thuộc các khóa đầu đã phục-vụ trong quân-đội hầu như vĩnh-viễn. Một số lớn sĩ-quan trừ-bị thâm-niên đã xin chuyển sang hiện-dịch để được hưởng quy-chế dành cho sĩ-quan hiện-dịch, nhất là có nhiều quyền-lợi sau khi được giải-ngũ. Những sĩ-quan này, nhờ có nhiều kinh-nghiệm và khả-năng cao nên đã nắm giữ những chức-vụ quan-trọng trong quân-đội và chính-quyền. 

Danh-sách Chỉ-huy-trưởng trường võ-bị Thủ-Đức 
Các sĩ-quan cao-cấp sau đây lần-lượt chỉ-huy trường Thủ-Đức trong 25 năm dấu ? = không chắc lắm) 
Thiếu-tá Bouillét, 1951-1953. 
Đại-tá Phạm-Văn-Cảm,1953-1957 
Thiếu-tướng Lê-Văn-Nghiêm, 1957-1961 
Thiếu-tướng Hồ-Văn-Tố, 1961-1962 
Đại-tá Nguyễn-Văn-Chuân, 1962? 
Đại-tá Phan-Đình-Thứ tự Lam-Sơn, 1962-1963 
Thiếu-tướng Trần-Ngọc-Tám, 1963 ? 
Thiếu-tướng Bùi-Hữu-Nhơn 1964? 
Thiếu-tướng Trần-Văn-Trung, 1965-1967? 
Chuẩn-tướng Lâm-Quang-Thơ, 1967-1969 
Thiếu-tướng Phạm-Quốc-Thuần, 1969-1973 
Trung-tướng-Nguyễn-Vĩnh-Nghi, 1973-1975 
Đại-tá Trần-Đức-Minh, Q. CHT, 3-1975.

Thành-quả của trường Sĩ-quan Trừ-bị 
Nhân ngày Quân-Lực 19-6-1973, nói về thành-tích quân-trường, người ta ghi nhận như sau: Kể từ ngày thành-lập trường Sĩ-quan Trừ-bị để cung-ứng nhu-cầu chỉ-huy và lãnh-đạo cho quân-đội Quốc-gia, trong thời-gian chiến-tranh giữa hai miền Nam Bắc, thì từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1973, gần một phần tư thế-kỷ, trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức đã hoàn tất được 69 khóa huấn-luyện, đào-tạo 75% sĩ-quan cán-bộ nòng-cốt cho Quân-lực VNCH. Tổng-số sĩ-quan trừ-bị tốt-nghiệp là 80,000 người so với 4,600 sĩ-quan hiện-dịch xuất-thân từ trường Võ-bị Quốc-gia Đà-Lạt. 
Đặc-biệt trong năm 1972 có 15 khóa SQTB thụ-huấn tại Nha-Trang và Thủ-Đức. Kể từ tháng 1-1968 đến tháng 12-1973, trong việc tiếp sức trường Bộ-binh Thủ-Đức, riêng trường Hạ Sĩ-quan Đồng-Đế Nha-Trang đã đào-tạo được 12,000 sĩ-quan trừ-bị. Như vậy tổng-số sĩ-quan trừ-bị được huấn-luyện tại Thủ-Đức, Nam-Định, Đà-Lạt và Nha-Trang đã lên đến trên dưới 100,000 người. 
Các Sĩ-quan Trừ-bị, mặc dầu trong hoàn-cảnh động-viên, đã phục-vụ quốc-gia rất đắc-lực, không những trên phương-diện quân-sự mà ngay cả trong địa-hạt hành-chánh và lãnh-đạo. Điển-hình là có rất nhiều Sĩ-quan gốc trừ-bị đã từng giữ những chức-vụ lãnh-đạo quan-trọng trong guồng máy quốc-gia như Phó Tổng-thống, Thủ-tướng, Tổng-trưởng, Bộ-trưởng, Thứ-trưởng, Tổng Giám-đốc, Giám-đốc, Tỉnh-trưởng, Thị-trưởng, Quận-trưởng, vv . . . 
Về Quân-sự, có nhiều Sĩ-quan Trừ-bị đã được bổ-nhiệm vào những chức-vụ chỉ-huy và tham-mưu cao-cấp như Phụ-tá Tổng Tham-mưu-trưởng, Tham-mưu-trưởng Liên-quân, Tham-mưu-trưởng Quân-đoàn, Sư-đoàn, Quân, Binh-chủng, Tư-lệnh Quân-chủng, Tư-lệnh Binh-chủng, Tư-lệnh Quân-đoàn, Tư-lệnh Sư-đoàn, Tư-lệnh Lữ-đoàn, Trung-đoàn-trưởng, Thiết-đoàn-trưởng, . . .Tổng-cục-trưởng, Cục-trưởng, Trưởng Phòng Bộ Tổng Tham-mưu, Trưởng-Phòng Bộ Tư-lệnh Quân-đoàn, Sư-đoàn, Quân, Binh-chủng, vv . . . 
Nói tóm lại, Sĩ-quan Trừ-bị là một nguồn nhân-lực chỉ-huy và lãnh-đạo trọng-yếu, giữ một vị-thế quan-trọng trong công-cuộc chiến-đấu chống Cộng-Sản, bảo-vệ chính-nghĩa Quốc-gia và kiến-thiết xứ-sở. 
Trên thực-tế, không ai phủ-nhận rằng trường Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức là nơi quy-tụ hầu-hết các thanh-niên có học-thức yêu nước, là những cán-bộ ưu-tú của Việt-Nam Cộng-Hòa, nhưng ít ai tin rằng: 
- Trong suốt cuộc-chiến, trên chiến-trường, đã có hàng chục ngàn Sĩ-quan trừ-bị anh-dũng gục-ngã dưới lá quân-kỳ để bảo-vệ tự-do và thanh-bình cho quê-hương, dân-tộc. 
- Sau cuộc chiến, đã có hàng chục ngàn Sĩ-quan trừ-bị chịu cảnh đọa-đầy trong các trại cải-tạo ác-nghiệt của Cộng-Sản Bắc-Việt cho đến khi họ kiệt-sức hay phải bỏ mình nơi rừng thiêng, nước độc. 
- Từ ngày hiệp-định Genève 1954 ra đời cho đến ngày 30-4-1975, đã có hàng ngàn Sĩ-quan trừ-bị tàn-phế sống lay-lắt, điêu-đứng trong cảnh màn trời, chiếu đất, tối-tăm, tủi nhục. 

Ngày cuối cùng của Trường Thủ-Đức trên đồi Tăng-Nhơn-Phú 
Vào cuối năm 1973, trường Bộ-binh di-chuyển về Long-Thành, nhưng đến ngày 27-4-1975 trường lại được lệnh di-tản chiến-thuật về Thủ-Đức để nghênh-cản địch-quân. 
Một trong những nhân-chứng có mặt tại đồi Tăng-Nhơn-Phú vào giờ chót của ngày cuối cùng, ông Minh-Tân Lê-Quảng-Trị, đã tường-thuật đại để như sau: Vào lúc 08 giờ 15’ sáng 30-4-1975, từ xa-lộ Biên-Hòa, 4 chiến-xa T-54 của CS Bắc-Việt lồng-lộn tiến nhanh về phía quân-trường Thủ-Đức, nhưng ba trong bốn chiến-xa nói trên đã bị bắn cháy ngay tại bờ rào kẽm gai bởi pháo-binh 105 ly bố-phòng trực-xạ. Chiếc chiến-xa T-54 còn lại vượt-thoát chạy thẳng vào trung-tâm trường Thủ-Đức, dùng đại-liên 50 trên pháo-tháp bắn sối-xả vào lực-lượng phòng-thủ khiến trung-tá Ông-Văn-Tuyên, trung-sĩ I Nhân và 5 Sinh-viên sĩ-quan tử-thương, thiếu-tá Vương-Bá-Thuần và 9 người khác bị thương. Sau đó chiếc chiến-xa này chạy thẳng ra cổng số 1, tìm đường tẩu-thoát nhưng đã bị các tổ Sinh-viên Sĩ-quan xử-dụng súng phóng hỏa-tiễn M72 bắn đứt xích. Khi chiến-xa lết ra tới Niện-Phật-đường Quảng-Đức, chợ Nhỏ, chúng quay pháo-tháp vào trường, tiếp-tục bắn phá. 
Đứng trước tình-trạng nan-giải này, hai tân khóa-sinh, mỗi người tình-nguyện mang 4 trái lựu-đạn lân-tinh, bò ra ngoài để tiêu-diệt chiến-xa địch. Trong lúc chiếc T-54 đang nhả đạn vào trường, hai khóa-sinh nói trên đã leo lên chiến-xa, thả lựu-đạn lân-tinh vào trong pháo-tháp khiến chiến-xa địch phát hỏa, đạn trong pháo-tháp phát nổ tung trời. Chiến-tích dũng-cảm của hai tân khóa-sinh không những đã làm mọi người phải ngưỡng-phục mà còn nói lên cái khả-năng chiến-đấu siêu-việt cũng như ý-chí bất-khuất và quyết-thắng của Sinh-viên Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-Đức. 
Nhưng vào lúc 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, đại-tướng Dương-Văn-Minh, tổng-thống vài ngày cuối cùng của Việt-Nam Cộng-Hòa, đã ra lệnh cho Quân-lực Việt-Nam Cộng-Hòa buông súng đầu-hàng. Tất cả cán-bộ cũng như sinh-viên, khóa-sinh, không ai bảo ai, đã lần-lượt giã-từ vũ-khí, về với gia-đình. 
Hà-Mai-Việt 
SVSQ/TB, Khóa 5 Thủ-Đức 


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen