Mittwoch, 20. Mai 2015

VNPRESS- Sự lũng đoạn của cộng Sản đối với một số báo chí miền Nam từ 1954-1975

Báo chí miền Nam trước 1954
Báo chí là một trong những công tác địch vận mà người cộng sản dùng để chi phối, lũng đoạn, gây hoang mang, khích động khi cần. Trước 1954, tại Sàigòn có hai tờ báo nổi tiếng là Thần Chung do ông Nam Đình làm chủ nhiệm và tờ Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai. Vậy mà cả hai tờ đều có sự chi phối của cộng sản gián tiếp hay trực tiếp qua những người như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Mai Văn Bộ ..

Tờ Thần Chung do ký giả lão thành Nguyễn Kỳ Nam làm chủ nhiệm. Nếu nói về tay nghề thì tôi nghĩ khó ai hơn ông được. Tài liệu ông nhiều vô kể, cả một thư viện sách, giao du quen biết rộng trong chính giới Việt Nam, Pháp, Nhật. Tôi biết ông qua cuốn Hồi ký 1925-1964. Trong tập Hồi ký, ông giống như một số trí thức tiến bộ miền Nam, ông theo đệ tứ cùng với các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm và ông thù ghét cay đắng nhóm đệ tam như Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn, Hạ Bá Cang {tức Hoàng Quốc Việt} Sau này, khi Nguyễn Văn Hinh phải dời khỏi VN sang Pháp, ông đã lưu vong theo Nguyễn Văn Hinh cho đến khi chế độ đệ nhất cộng Hòa sụp đổ. Ông trở về làm báo trở lại.

Khi ông Diệm về nước nắm chính quyền, tờ Thần Chung bị đóng cửa trong suốt 9 năm. Sau 1963, chính phủ quân nhân cho phép tục bản. Giấy phép vừa ký xong, đọc hồ sơ lý lịch Nguyễn Kỳ Nam, một lần nữa, chính quyền quân nhân vừa ký xong giấy phép lại rút giấy phép.
Riêng tờ tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai, có ai nghĩ là do cộng sản đã gài được người vào tờ báo? Vậy mà Nguyễn Văn Hiếu, tức Khải Minh là Bí thư ban Trí vận thành ủy {1949-1957} đã “nằm vùng” tại tờ Tiếng Chuông từ trước 1954 cho mãi đến sau này.
Cái hiểm họa cộng sản như thế lúc nào cũng cần phải canh chừng. Bài viết này giúp độc giả nhìn cho rõ sự xâm nhập của cộng sản trong làng báo chí như thế nào?.

Sau 1954, một số ký giả, nhà văn lần lượt quay trở về thành phố
Một số ký giả ở ngoài khu kháng chiến, một số ra “bưng” vì lý tưởng chống Pháp. Sau 1954, “nửa nước độc lập”, họ đã quay trở về đời sống bình thường để làm ăn sinh sống. Giấc mộng tuổi trẻ trò Trần Văn Ơn tạm gác lại một bên.   {Thật ra, trò Trần Văn Ơn, học Pétrus kỳ, mới học tới lớp nhất, nghe các anh lớn bảo đi biểu tình thì đi, chưa biết gì. Chẳng may bị Tây bắn chết. Bỗng chốc anh trở thành biểu tượng anh hùng của giới trẻ}.
Trong số những người trở về Sàigòn có Bằng Giang, Kiên Giang{Hà Huy Hà}, Văn Bia, Nguyễn Ang Ca, Hiếu Đệ, Tùng Sơn, Tân Dân Tử (Sơn Tùng}.

Việc quay trở về của các cựu kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp được coi là truyện bình thường như trường hợp của nhiều nhà văn, nhà báo khác. Đó là trườnmg hợp của Võ Phiến, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và nhiều nhà văn khác.

Nhưng có người quay trở về mà vẫn còn dính dáng với những hoạt động như thời kháng chiến chống Pháp dưới “môn bài” cộng sản. Đó là cái khó cho chính phủ nền đệ nhất cộng hòa biết ai còn, ai không còn theo cộng sản nữa? Như trường hợp Sơn Nam là còn hay không còn?

Bên cạnh đó, một số không nhỏ những nhà văn, nhà báo có xu hướng theo  cộng sản mà người cộng sản xếp chung vào thành phần những nhà văn, nhà báo” tiến bộ”, không có thẻ đảng như Thiên Giang, Nguyễn Bảo Hóa {Tô Nguyệt Đình}, Tam Mộc, Lý Văn Sâm, Thuần Phong, Trần Tấn Quốc, Quốc Ấn, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Huỳnh Hoài Lạc, Trúc Chi, Đỗ Thiếu Lăng, Quách Thoại và Tam Ích.{ Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về nhà văn Tam Ích}

Phải nói là những nhà văn, nhà báo miền Nam có cảm tình với cộng sản là khá đông. Nhưng dính dáng ít nhiều, mức độ thế nào tùy hoàn cảnh, tùy mức độ nhận thức, hẳn là mỗi người mỗi khác, khó có thể xếp loại được. Vì thế họ vẫn có thể công khai tiếp tục làm báo ở Sài gòn mà không có bất cứ lý do gì có thể đưa họ ra tòa được như trường hợp Vũ Hạnh, Tam Ích sau này. Chẳng hạn Tam Ích dùng biện chứng pháp của Mác để phê bình văn học, nhưng có thể chắc chắn là ông không hề có tiếp xúc hay làm bất cứ công tác cụ thể nào cho cộng sản như những tâm sự riêng của ông cho một người bạn văn.

Sau 1954: Ký giả và nhà văn miền Bắc di cư vào Nam
Bên cạnh những nhà văn, nhà báo miền Nam từ trong Bưng về. Một lô các nhà văn, nhà báo trẻ miền Bắc, có tài đã di cư vào Nam và sau này làm nên tên tuổi của họ như Tam Lang, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân,Lê Văn Trương, Thượng Sĩ, Trực Ngôn, Cát Hữu, Phan Văn Tạo, Trọng Tấn, Nguyễn Vạn An. Đồng thời mốt số các nhà văn còn trong giới sinh viên như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp mà công việc sáng tác của họ sau này trở thành cái nôi cho văn học miền Nam.
Những nhà văn, nhà báo này có một lập trường chính trị rõ rệt, không chấp nhận chế độ cộng sản.

Khi ông Ngô Đình Diệm về nước, bộ thông tin còn trực thuộc Phủ Thủ tướng đã ra một lúc 7 Nghị Định liên quan đến báo chí, xuất bản và kiểm duyệt vào ngày 7.7.1954. Cho giấy phép xuất bản một loạt các tờ Cải Cách và Gió Mới, bán nguyệt san Lửa Việt {tiền thân của nhóm Sáng Tạo} của sinh viên di cư, Trách nhiệm, Tương Lai, Đại Chúng, Dân Chúng, Tuần báo Văn Nghệ.

Sang đến năm 1955, một lô báo chí tiếp tục được cho giấy phép xuất bản như Quan Điểm, Văn Nghệ tập san, Tin Văn, Tiểu thuyết tuần báo, Văn Nghệ học sinh, Tầm nguyên văn học và Tiền Phong, sau đổi ra Văn Nghệ Tiền Phong. {trích Văn Hóa Văn Nghệ miền Nam Việt Nam, 1954.1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 74}.

Đồng thời đình bản các tờ  Nhân Loại tập San, Tự Do, Tiếng Dội. Cấm lưu hành cuốn Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ. Đồng thời cũng cấm lưu hành các cuốn sách Xuân Hòa Bình, Hò vè đình chiến hòa binh..
Đây là giai đoạn ổn định và phát triển nhất của giới báo chí, văn học miền Nam. Như một vươn lên, sung sức, như một nguồn hy vọng mới.

Ngoài tờ Cách Mạng Quốc gia của chính quyền hay tờ Chỉ Đạo do các sĩ quan làm chủ nhiệm {Thoạt đầu do Trung tá Trần Văn Trung, chủ nhiệm, Trung úy Ngô Quân chủ bút rồi đến lượt Trung tá Nguyễn Văn Châu, với các chủ bút Kỳ Văn Nguyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đào Đình Hoan, Nguyễn Đình Bảo thay nhau làm}, có một số tờ báo sau cuộc di cư đã tạo được uy tín và tiếng tăm như các tờ Ngôn Luận của Hồ Anh, Người Việt Tự do của Mặc Thu, Lưu Đức Sinh, Tiếng Miền Nam của luật sư Nguyễn Phương Thiệp, Tự Do của Phạm Việt Tuyền, Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung,Sống của Chu Tử, Tin Văn của Tô Văn Bùi Bá Nhân.Tất cả những tờ vừa nêu trên đều có lập trường kiên định, rõ rệt là chống cộng sản, bảo vệ tự do của miền Nam VN..

Bên cạnh đó, có một số tạp chi ra đời như Sáng Tạo của Mai Thảo, tháng 10-1956, tạp chí Bách Khoa với Huỳnh Văn Lang, 15-2-1957. Tiếp theo là Hiện Đại của Nguyên Sa 1960. Tạp chí Quê Hương với giáo sư Nguyễn Cao Hách, Văn Hóa Á Châu với Nguyễn Đăng Thục, Luận Đàm với Nghiêm Toản, Xã Hội Mới với Vương Quan, Thế kỷ 20 với Nguyễn Khắc Hoạch, Những vấn đề của chúng ta với Thái Lăng Nghiêm …

Đó là những trí thức, nhà văn mà theo cái nhìn của Gramsci thì họ là loại trí thức hữu cơ của chế độ đệ nhất cộng hòa. Nhóm trí thức hữu cơ này cùng với nhóm trí thức công giáo thường được coi là thiên tả, cấp tiến tạo thành bản sắc báo chí miền Nam VN.
Hầu hết các tập san trên đều có chủ đích văn học, có giá trị khảo cứu và có lập trường kiên định, cộng sản chưa thâm nhập được vào, trừ trường hợp tờ Bách Khoa có Phạm Ngọc Thảo, Vũ Hạnh và Phan Du  ngay từ đầu.
Trong số đó, đắc biệt những tờ như Chính Luận hay tuần báo Tin Văn của Tô Văn bị cộng sản ghét cay ghét đắng.

Nhưng dù nhìn ở góc độ nào, chính trị hay xã hội, hay văn học .. Những năm đầu thời đệ nhất cộng hòa vẫn là những thời kỳ vàng son sinh hoạt báo chí của miền Nam VN
Mặc dầu vậy, có một số tờ báo, dù có lập trường của người quốc gia, nhưng đã để một số cán bộ cộng sản lọt vào và được viết báo một cách công khai và hợp pháp.
Đây là một trong những khúc xương không khạc ra được của báo chí miền Nam, tiếp tay cộng sản mà không biết.

Những tờ báo có sự xâm nhập, trà trộn của cán bộ cộng sản
Xin nêu tên một số tờ báo của người quốc gia bị cộng sản cho người trà trộn vào mà có thể không biết như:
-       Báo Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các có cán bộ cộng sản Thành Hương.   
-       Báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh vừa nêu trên có Châu Dương.
-       Báo Sàigòn Mai của thiếu tá Ngô Quân có Ty Ca làm Tổng Thư ký tòa soạn {Tôi có liên lạc với ông Ngô Quân, đến thăm ông, nay đã hưu, tôi muốn hỏi ông cho rõ về trường hợp Ty Ca, tổng thư ký tòa soạn, ông có biết là bị cộng sản gài vào không? Nhưng ông ngại không muốn nói bất cứ điều gì liên quan đến giai đoạn làm báo của ông. Thật đáng tiếc}
-       Báo Dân Chúng của Trần Nguyên Anh cũng để lọt Phi Vân làm Tổng thư ký tòa soạn.
-       Báo Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện có ký giả Ký Ninh làm tổng thư ký tòa soạn. {Trích Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, nxb tp HCM, trang 594}
Với môt chế độ kiểm duyệt chặt chẽ, một hệ thống tình báo an ninh cũng khá chặt chẽ, thời đệ nhất cộng hòa, vậy mà cũng đã để lọt lưới một số cán bộ len lỏi vào hàng ngũ báo chí.
Nghĩ tới chuyện cũ để liệu định tình hình hiện nay, ta lấy gì để ngăn chặn cán bộ cộng sản xâm nhập vào báo chí hải ngoại?

Thật là một điều đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, có một số báo được coi là “lá cải”, được quần chúng bình dân ưa đọc vì các tin giật gân, các truyện kiếm hiệp và trở thành những tờ báo bán chạy nhất ở miền Nam bấy giờ. Nó cũng giống như một số báo chợ hiện nay ở Hải ngoại, lấy việc bới móc chửi bới cá nhân, loan tin thất thiệt, phịa đủ thứ truyện làm cần câu cơm.
Các tờ báo lá cải thời ấy là cơ hội, là dịp may, là chỗ ẩn núp, chốn ra vào dễ dàng trong việc cài đặt cán bộ cộng sản vào.

Đó là những cái ổ của cộng sản nằm vùng. Không hiểu những người như bà Bút Trà, nhất là ông Đinh Văn Khai hiện tại ở Canada nghĩ gì về những giai đoạn làm báo của họ?

Có hai loại công việc mà cộng sản thường trà trộn để vừa kiếm cơm, vừa né tránh mạng lưới an ninh, tình báo của VNCH là làm giáo sư tư thục và làm ký giả báo. Với các bút danh và không cần bằng cấp,  người ta chẳng còn biết ai vào với ai. Phần lớn các tờ báo này chỉ cốt báo bán chạy, kiếm lời nên họ ít để ý đến chính trị, hay bất chấp các ký giả là thành phần nào. Đó là các tờ:
- Sàigòn Mới: số in 65.000, số bán 50.000 với các ký giả Tư Mã Việt, Trà Tiên, Nhĩ Mục, Thanh Hương, Văn Mạnh, Thanh Phong, bà Ái Lan, Trần Thanh Thê’.
- Tiếng Chuông: in 60.000, số bán 45.000 có các ký giả Khải Minh, Phi Vân, Trần Minh Ký, Trần Ngọc Sơn, Việt Quang, Phong Đạm, Đoàn Hùng, Việt Quang, Quốc Phương, Châu Dương, Hương Nam, Trần Thanh Thế, Kiên Giang ..
- Tin Điển, in 40.000 số, bán 25.000 số với ký giả  Phi Bằng, Hương Nam, Lê Hiền…
- Tiếng Dội: in 35.000 số, số bán 20.000 với Triệu Công Minh, Ngọc Hồ, Ngọa Long, Triệu Võ với thư ký tòa soạn là Trần Tấn Quốc.
- Buổi sáng: số in 25.000, bán 15.000 với các ký giả Đào Hưng, tức Bảy Mại, Sơn Tùng, Ngô Văn Quân. Đặc biệt có Trần Bạch Đằng với bút danh Tổng Tào Lao.
- Việt Thanh: in 15.000, bán 8000 với Nguyễn Bảo Hóa, Lương Ngọc, Đằng Nhâm, Quốc Oai. Và còn một số tờ báo nhỏ khác như: Thời Cuộc, Lẽ sống, Ánh Sáng mà số in ra từ 15.000 trở xuống, trong đó tờ nào cũng cài đặt được một số cán bộ cộng sản {Trích Lược sử báo chí thành phố, trang 697}

Mẻ lưới của chính quyền Ngô Đình Diệm
Một số ký giả như Nguyễn Bảo Hóa {làm cho báo Việt Thanh}, Tư Mã Việt {làm cho báo Sài Gòn Mới} có đứng ra lậpPhong trào bảo vệ hòa bình, công khai hoạt động cho cộng sản, trụ sở ở đường Gallíeni, Trần Hưng Đạo bây giờ. Phạm Huy Thông, chủ nhiệm, Lê Dân, Nguyễn Bảo Hóa, thư ký. Họ liên lạc với Ủy Hội Quốc tế, ra các bản tin in ronéo ủnng hộ phong trào Hòa Bình. Chính quyền Quốc gia quyết định làm mạnh.

Phải nhìn nhận rằng, dưới thời ông Ngô Đình Diệm, có một cảnh báo chính trị  cao, một ý thức đấu tranh kiên định giữa quốc gia và cộng sản, một guồng máy hành chánh tuy sơ khởi, nhưng khá hữu hiệu và nhất là một cơ quan cảnh sát cũng như mạng lưới an ninh tình báo hữu hiệu. Chỉ có thế mới đương đầu với cộng sản được.

- Đợt thanh loạt đầu tiên, ngày 9.2.1955,  chính phủ VNCH tống xuất 26 người trong bọn họ được đưa ra Hải Phòng, trong đó có Nguyễn Thị Bình còn có tên Nguyễn Thị Châu Sa, người Quảng Nam, 1948 được kết nạp đảng, 1951 bị Pháp bắt giam, tháng 10.1954 tham gia Phong trào bảo vệ Hòa Bình cùng với Nguyễn Hữu Thọ.

- Tiếp theo, bắt giam hàng loạt người như kỹ sư Lưu Văn Lang, Thích Huệ Quảng {ông này nguyên là chủ tịch hội Tăng già Việt Nam}, Nguyễn Văn Vỹ, giám đốc Pháp Hoa ngân hàng, Dược sĩ Trần Kim Quanng, chủ một nhà thuốc tây lớn ở Sàigòn, ký giả Nguyễn Thị Lựu và khoảng hơn 10 người khác.
- Đóng cửa báo Ánh Sáng, bắt các ông Hoàng Hồ, Phan Bá Cầm ra Côn Đảo
- Đóng cửa Thời Luận, Dân Quý, nhất là Dân Chúng và bắt giam các ông Nghiêm Xuân Thiện, ông Phan Khắc Sửu, Mặc Kinh{Mấy vị trên đây không phải là người theo cộng sản, nhưng bị bắt giam vì lý do chính trị  khác}. Bác sĩ Lý Trung Dung thôi làm tờ Tự Do, Phạm Việt Tuyền lên thay thế.

Trong dịp này, tờ Cách Mạng Quốc gia có một câu khá quen thuộc và thới danh:” Ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản”. Tờ báo viết: “Không thể tha thứ những thằng ngủ mơ thiên đàng cộng sản, xác bám miền Nam, hồn gửi ra đất Bắc Những hạng trí thức nửa mùa, có nhiều vốn chữ nghĩa mà lại tin cộng sản là thần thánh coi chúng còn hơn ông nội của mình”.

Sau vụ “ Phong trào Hòa Bình” ở trên, chính phủ ra dụ số 13, ấn định báo nào loan tin có lợi cho cộng sản sẽ bị phạt từ 25.000 đến 1.000.000 đồng. Sau đó các cơ quan an ninh đi lùng bắt các cựu kháng chiến mà một phần không nhỏ len lỏi trong làng báo ở Sàigòn. Chính quyền đã thanh lọc các ký giả sau đây ra khỏi làng báo và giam tù.
-       Ký giả Trần Ngọc Sơn, {báo Tiếng Chuông, Tiếng Dội} bị bắt và đầy đi Côn Đảo
-       Ký giả Anh Tín an trí ở Cây Dừa, Phú Quốc
-       Ký giả Văn Mại đầy đi Côn Đảo
-       Trần Quốc Thảo, bí thư thành ủy. Nguyễn Tích Dẫn, Bạch Tùng Hương, An Thế [Diệp Liên Anh đầy ra Côn Đảo]
-        Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, bị giam tại trại Tân Hiệp Biên Hòa.

Đến cuối năm 1957, một mẻ lưới nữa, công an bắt các ký giả của các báo sau đây giam ở Mỹ Tho. Sau đó do sáng kiến của ông Tỉnh Trưởng Nguyễn Trân đã tổ chức một cuộc đấu lý tại rạp Viễn Trường, Mỹ Tho. Không biết cuộc đấu lý diễn ra thế nào, nhưng sau này, ông Nguyễn Trân thôi làm tỉnh trưởng Mỹ Tho.
-       Triệu Công Minh, báo Tiếng Dội
-       Lương Ngọc, báo Trời Nam
-       Nam Thanh, báo Lẽ sống
-       Đồng Văn Nam, Phương Ngọc, Phan Ba, báo Buổi sáng
-       Trần Thanh Thế, Văn Mạnh, báo Saigòn Mới
-       Nguyễn Bảo Hóa , báo Ánh Sáng
-       Bắt vợ Nguyễn Bảo Hóa, báo Tiếng Chuông là dược sĩ Mã Thị Chu
-       Luật sư Nguyễn Văn Diệp
-       Đạo diễn kiêm luật sư Lê Dân
-       Mai Thế Đồng, giám đốc cải lương

Sau những cuộc truy lùng “Việt Cộng nằm vùng” trong các tờ báo, chính quyền VNCH tiếp tục bắt hàng loạt các cán bộ cấp Thành Ủy, các cựu kháng chiến, các nhà báo còn sót lại gồm: Các giáo sư Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Trần Văn Hanh, Nguyễn Trường Cửu, Cổ Tấn Văn Luông, Bùi Đức Tịnh, Bà Bình Minh {đều là giáo sư tư thục, không bằng cấp đầy đủ như tú tài dạy tú tài, không chính quy, dạy chui} và một số các ký giả như Hoài Trinh, báo Sàigòn Mới, Sơn Tùng báo Buổi sáng, Hoàng Sơn, Văn Lương, báo Lẽ sống, Hương Ngô, Đoàn Hùng, Việt Quang, Phong Đạm, Quốc Phương, Châu Dương, báo Tiếng Chuông.

Một số cán bộ cộng sản như Hồ Ngọc Anh, Lê Trung Nghĩa, Trần Hồng Đài, Nguyễn Điền Bí thư thành đoàn, các phụ nữ như Kim Mai, Bích Ngọc, Bích Đào, Lan Anh, Mỹ Diệm, Kim Huê.
Một số n
hà văn, nhà thơ như Trang Thế Hy, Lê Văn, Viễn Phương, soạn giả Nguyễn Đạt, nhạc sĩ cải lương Trần Văn Khánh, Trần Hữu Thế đều vào tù hoặc bị giam tại các trại giam như Tân Hiệp, Phú Lợi, trại Lê Văn Duyệt, khám Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc, hoặc ở Huế tại Mang Cá, Lao ty Thừa Thiên.

Các cuộc lùng bắt cộng sản nằm vùng như một cao trào, một chiến dịch làm phá tan tổ chức cộng sản một cách không tương nhượng.
Quét sạch “cộng sản nằm vùng” núp sau các tờ nhật báo. Năm 1960 được coi như dứt điểm.

Quét sạch các cán bộ cấp huyện, cấp ủy, cấp thành đưa đến kết quả cụ thể như một thứ khủng bố trắng mà chính người cộng sản phải thú nhận như sau:
 “Trước tình hình báo chí bị khủng bố ác liệt, quá nhiều anh em bị bắt, số cán bộ và ký giả yêu nước hoặc chuyển đổi nghề, số khác bỏ nghề báo, hoặc rút lui vào bí mật giữ an toàn như Nguyễn Văn Tài, Tuần san thương mại, Thành Hương, Nhĩ Muc, báo Saigòn Mới, nhà văn Thẩm Thệ Hà, Tiểu Dân, Thanh Lộc báo Lẽ Sống}”.

 “Chiến dịch “Tố Cộng” của Diệm gây nhiều khó khăn, một số cơ sở cách mạng bị bể. Những năm 1958, 1959, 1960, nhiều cơ sở cách mạng nội thành bị đánh phá tan tác, một số lãnh đạo Thành Ủy bị bắt, số khác phải tạm lắng” {Trích Báo chí Sàigòn trong 30 năm kháng chiến 1945-1975, trong Địa chí Văn hóa thành phố HCM, trang, 605-608}

Chỉ sau hai năm thực hiện chiến dich, “Tố Cộng”, chiến dịch đã loại trừ phần lớn cán bộ được gài lại từ thành thị đến nông thôn. Trong Hồi ký Bội phản hay chân chính, một cuốn sách hữu ích để hiểu được tình trạng khốn cùng của cán bộ cộng sản nằm vùng thời đệ nhất cộng hòa do chính họ viết lại. Đọc cũng để hiểu thêm về con người ông Cẩn như thế nào, một con người mà Mười Hương {Mười Hương bị bắt giữ từ năm1958, ông Nhu, ông Cẩn có tiếp xúc, gặp nhiều lần.
Sau đó không hiểu vì sao đã được các tướng lãnh thả vào tháng 5.1965.
Thả hổ về rừng. Sau “cách mạng” 1963, họ đã mở toang cánh của nhà tù Chí Hòa. Tha hết. Xổng chuồng hết.
Ôi cái ngu xuẩn của bọn tướng lãnh bất tài miền Nam VN.

Sau này, ông Mười Hương trong loạt bài:Tướng tình báo chiến lược đăng trên báo Thanh niên của Hà Nôi, số 300, ngày 26-11-2002 viết như sau: “ Hồi xưa, những năm 40, có lúc từ Phúc Yên về Hà Nội nếu không tính thời gian sao cho kịp đến nhà cơ sở thì đêm xuống không biết ở đâu. Tôi đã từng có cảm giác cô đơn lạnh lùng khi phong trào đi xuống. Thế nhưng hồi ấy cũng không đen tối bằng sau này, những năn 1957-1959..Ông bảo: chúng ta lâu nay cứ chê bai thằng Cẩn, rằng nó đi guốc mộc, miệng nhai trầu bỏm bẻm.. chê như vậy không đúng đâu. Thằng Cẩn giỏi lắm, có mưu trí lắm”.

Xin trích một đoạn khác của Văn Phan: ”Có lẽ  đến bây giờ chúng ta chưa tổng kết hết có bao nhiêu cán bộ và đồng bào yêu nước đã anh dũng kiên cường đấu tranh và đã hy sinh lặng lẽ trong các nhà tù của “ Đoàn công tác đặc biệt miền Trung”, nhưng những ví dụ sau đây có thể để cho ta một khái niệm về mức độ khốc liệt của cuộc đấu tranh đó: Một mìnhLê PhướcThưởng, nguyên cán bộ Thừa Thiên đã khai báo bắt 105 người của ta: sau hai năm, số đó chỉ còn lại 6 người sống !! (Trích Đoàn Mật vụ của Ngô Đình Cẩn, Văn Phan, trang 118, nxb Công An nhân dân}

Đây là một trích đoạn trong Bội Phản hay chân chính của một cán bộ cộng sản: “Tới khi khoanh vùng, cơ sở bị đánh tan tành xí quách, bám trụ trong dân không nổi nữa, anh ta phải bật lên núi. Đối phương bao núi, cắt đường liên lạc tiếp tế. Lương thực cạn dần, liên lạc tắc nghẽn. Cuộc sống ngày một trở thành vô nghĩa nếu cứ bám trụ trên núi cao, trong rừng sâu, quanh quẩn với cây rừng và khỉ đột .. Hết gạo, hết lương khô, hết muối, hết mọi thứ. Đói quá, không tính thì chết đói – không lẽ chết đói để giữ vững khí tiết người vô sản? Xuống núi, thế nào cũng bị bắt, anh cán bộ biết chắc như vậy. {Trích Bôi Phản hay chân chính, trang 102}.

Trong cuốn Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Văn Tiến Dũng cũng ghi lại những số liệu báo cáo của Bộ chính trị như sau:“ Chỉ tính trong 4 năm từ 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9 phần 10 số cán bộ đảng viên. Ở Nam Bộ khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên ta bị địch giết. Chỉ còn 5 ngàn đảng viên so với 60 ngàn trước đây. Có nơi như Tiền Giang chỉ còn 921 gia đình, Biên Hòa, mỗi nơi còn một chi bộ đảng. Ở khu 5, gồm cả Trị Thiên và cực Nam Trung bộ: Khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên đã bị bắt, bị giết  Có tỉnh chỉ còn 2,3 chi bộ. Riêng Trị-Thiên, chỉ còn 160 so với 23.400 đảng viên trước đó” { sdd, trang 16, trích lại trong Dòng họ Ngô Đình, Nguyễn Văn Minh, trang 129}

Bằng chứng cụ thể và rõ rệt, Lê Duẩn trong Thư vào Nam, sau này có thư gửi cho Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh có viết: “Đã có lúc ở Nam Bộ cũng như ở Liên khu 5, tình hình khó khăn đến mức tưởng như Cách Mạng không thể duy trì và phát triển được nữa“.

Trong một tài liệu của bộ ngoại giao Kampuchia cũng nhận xét tương tự như Lê Duẩn ”tưởng như cách mạng không còn”, khoảng thời gian 1957-1960. Cộng Sản hầu như không còn đất dụng võ, phải chạy dạt sang Kampuchia: “ En 1957, Le Duan est venu également se réfugier à Phnom-Penh et transiter par le Kampuchea. Tous les membres du Comité Central du parti Vienamien au Sud Viet Nam ont été arrêtés sauf un qui est venu se réfugier à Phnompenh, dans le quartier de Toul Tapoung. C’étai Nguyễn Văn Linh dit Mười Cúc, originaire du Nord Viet Nam.
 Face à cette situation catastrophique pour eux et pour échapper à l’anéantissement total, les vietnamiens đécidèrent en 1960 de reprendre la lutte armée. Ils sont venus s’installer le long de la frontìere du Kampuchea, de Romeas Hek jusqu ‘à Snoul. Quands ils avaient des difficultés, ils se réfugiaient au Kampuchea. En 1961, ils ont commencé à s’infiltrer au Kampuchea. En 1962 et en 1963, ils ont poussé davantage leur pénétration, utilisant au besoin la corruption. Les Vietcongs pouvaient se déplacer librement et à volonté au Kampuchea, cela parce que d’une part ils corrompaient les agents de sécurité, de police et et les fonctionnaires de l’ancienne administration et d’autre part le peuple du Kampuchea prenait les Vietnamiens pour des révolutionnaires. En 1965, il y avait 150.000 Vietcongs installés au Kampuchea sur une profonde de 2 à 5 kilomètres de la frontìere depuis  Romeas Hek jusqu ‘à Ratanakiri..
En fait, ils n’avaient plus de territoire chez eux, au Sud Viet Nam, à cause de la politique des hameaux stratégiques de NgoĐinh Diem, car Robert Thompson, en s’appuyant  sur ses expériences acquises đans d’autres pays, a fait installer des hameaux stratégiqus sur tout le territoire du Sud Viet Nam de sorte que les Viet congs n’avaient plus ni terre ni population” sur tout le territoire du Sud Viet Nam {Trích trong Lớn lên với đất nước, Vy Thanh, trang 590}
Tạm dịch: Vào năm 1957, Lê Duẩn cũng chạy trốn sang Campuchia với tư cách sang quá cảnh. Tất cả cán bộ trong trung ương đảng của Việt Minh ở miền Nam đều bị bắt trừ có có một người trốn được sang Nông Pênh trong khu vực Toul Tapoung. Đó là ông Nguyễn Văn Linh, tự  Mười Cúc, gốc người miền Bắc.

Họ đã phải đương đầu với một  hoàn cảnh khốn cùng và để thoát khỏi tình trạng bị tiêu diệt toàn bộ, họ đã quyết định vào năm 1960 là phải tiếp tục lại cuộc chiến đấu bằng võ lực.  Họ đã đóng quân dọc biên giới Kampuchia, từ Romes Hek đến Snoul. Khi họ gặp khó khăn, họ lẩn sang Kampuchia. Vào năm 1961, họ bắt đầu xâm nhập vào Kampuchia. Vào các năm 1962 đến 1963, họ dấn sâu thêm việc xâm nhập vào Kampuchia và  đã dùng thủ đoạn hối lộ. Vì vậy, họ có thể di chuyển tự do theo ý họ trên đất Kampuchia,  một phần vì họ đã hối lộ các  nhân viên an ninh, các cảnh sát và các công chức hành chánh cũ, một phần dân chúng Kampuchia coi Việt Cộng như những người Cách mạng. Trong năm 1965, có khoảng 150.000 Việt cộng đóng trên đất Kampuchia, lấn sâu vào từ 2 đến 5 kilô mét, dọc theo biên giới từ Romeeas đến Ratanakiri..

Thực sự, họ không còn mảnh đất nào để trú ẩn ở miền Nam do chính sách Ấp chiến lược của Ngô Đình Diệm, bởi vìông Robert Thompson, dựa trên những kinh nghiệm thâu thập ở nước khác nên đã cho thiếp lập các ấp chiến lược trên khắp miền Nam đến nỗi, Việt Minh không còn mảnh đất nào cũng không còn dân chúng nào hết.
Tình cảnh khốn cùng của cộng sản miền Nam như vừa nêu trên đã thay đổi khác sau 1963.
Tình trạng báo chí miền Nam sau 1963

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, ngay tuần lễ đầu đã xuất hiện vô số báo. Đây là thời kỳ nở rộ của báo chí như ong vỡ tổ. Có khoảng 40 tờ báo ngày. Không nhớ hết được. Đại loại có các tờ như: Hôm nay, Tiến, Thân Dân, Miền Nam, Dân chúng, Thắng, Thời đại, Chuông mai, Dân quyền, Dân ta, Dân Tộc, Buổi sáng,Tia sáng, Dân nguyện, Liên minh, Dân chủ, Dân chủ mới, Đồng thanh, Hôm nay, Thần dân, Miền Nam, Tân Văn vv..
Nhiều báo quá. Loạn báo. Không kiểm soát được. Vì thế, trong năm 1964, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã phải đóng cửa 11 tờ vì loan tin thất thiệt, rối loạn an ninh

Sau đó, báo chí “loạn” hơn nữa. Nội các chiến tranh của hai ông Thiệu-Kỳ quyết định đóng cửa toàn thể báo chí một tháng, từ ngày 1-7-1965 để chấn chỉnh báo chí. Đóng tất cả, đóng báo tốt lẫn báo xấu, lại đóng luôn một tháng thì vô lý quá. Báo chí cực lực phản đối nên quyết định trên sau đó được hủy bỏ và chỉ rút giấy phép một vài tờ báo.
Đó là những quyết định sai lầm ngay từ đầu của nội các chiến tranh. Nay thì báo chí “coi thường” chính quyền. Đương nhiên cộng sản nắm lấy thời cơ, lợi dụng tuyên truyền cho cộng sản. Nay thì bọn họ bắt đầu nhô ra khỏi hang ổ một cách công khai hơn trước.
Tìm đọc lại Budda”s Child, không thấy ông Nguyễn Cao Kỳ nhắc nhở gì tới vấn đề này.

Tình trạng loạn báo vẫn tiếp tục. Sang đến 1972, Sài gòn có đến 72 tờ nhật báo. Và kể  như chính phủ của TT Nguyễn Văn Thiệu không còn khả năng kiểm soát được báo chí nữa, cũng như giữ vững an ninh cho thành phố Sàigòn. Sau này, chính báo chí đánh xập uy tín của ông  Nguyễn Văn Thiệu qua vụ “ ký giả đi ăn mày” và vụ án báo chí 31-10-1974
Cạnh đó, cũng có cảnh lạm phát đảng phái với 22 đảng phái có giấy phép hoạt động. Và 12 đảng đang chờ có giấy phép để hoạt động. Chẳng hạn, Quốc dân đảng có đến 4 hệ phái. Có hệ phái Nguyễn Văn Lực, Lê Ngọc Chấn, rồi Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh và Quốc dân đảng của Nguyễn Hòa Hiệp. Đại Việt cũng chia ra 4 thứ Đại Việt.

Tình trạng báo chí nhố nhăng, rối loạn cũng như tình trạng đảng phái bầy ra một cảnh hoạt náo chính trị. Mỗi đảng phái đều ráng ra một tờ báo cho đảng mình. Nguyễn Văn Lực với tờ Hành Động, Vũ Hồng Khanh với tờ Thân Dân...
Các báo có lập trường Quốc gia, chống Cộng:

Một số báo Quốc gia có lập trường  quốc gia, chống Cộng xuất hiện rất sớm nay vẫn còn tồn tại sau 1963 và các báo đó trở thành mục tiêu đánh phá, ám sát của cộng sản. Cộng sản không đánh phá được thì ám sát.  Đó là trường hợp báo:
- Báo Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung: Dưới mắt bọn cộng sản thì ông Đặng Văn Sung là một thứ CIA của Mỹ. Ký giả Từ Chung của báo Chính Luận cũng là một thứ CIA ác ôn cần phải trừng trị. Tôi có gặp một cựu ký giả từng làm cho Chính Luận, anh Hồng Dương, nhưng xem ra anh cũng không biết rõ tổ chức nào đã ám sát ký giả Từ Chung. Tất cả chỉ đưa ra những giả thuyết. Nhưng trong cuốn sách: Trui rèn trong lửa đỏ doThành đoàn thành phố HCM xuất bản có bài viết của Hàng Chức Nguyên nhan đề: Những tiếng nổ trong lòng Sài Gòn, Nguyên nhận Thành Đoàn TPHCM là tác giả vụ ám sát ký giả Từ Chung cũng như Chu Tử. Lực lượng vũ trang thành đoàn đã ám sát Từ Chung vào năm 1965 và Chu Tử vào tháng tư/1966. Ngoài ra Thành đoàn cũng tổ chức phá sập tòa sọan báo Chính Luận chỉ vì lý do duy nhất, dịp tháng 9/1969, Hồ Chí Minh chết, báo Chính Luận viết bài phỉ báng Hồ Chí Minh.

Điều này cho thấy an ninh, tình báo của nền đệ nhị cộng hòa đã kém hữu hiệu và tổ chức thành đoàn đã xuấrt hiện, họat động mạnh và công khai. Ngoài hai nhà báo Từ Chung và Chu Tử, Thành đoàn còn tổ chức sau này ám sát bác sĩLê Minh Trí vào ngày 6-1-1969, vào lúc 7 giờ 50 sáng. Hai quả lựu đạn đã được thảy vào trong xe của bác sĩ Lê MinhTrí, tổng trưởng giáo dục ở góc Nguyễn Du, Hai Bà Trưng. Giáo sư Nguyễn Văn Bông bị giết vào trưa thứ tư 10-11-1971, góc Trần Quốc Toản, Cao Thắng, giết hại giáo sư Bông và người tài xế.

Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát? Nhật là sinh viên y khoa mà một số bạn bè cùng lớp với Nhật hiện ở Montréal, Canada. Sau ngày Nhật bị giết, đường phố Sài gòn có nhiều biểu ngữ để tang Lê Khắc Sinh Nhật và lên án sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm chủ mưu ám sát. Tôi có hai tài liệu viết gián tiếp về vụ ám sát này. Hồ Ngọc Nhuận có ý phản bác dư luận lúc bấy giờ đổ cho Huỳnh Tấn Mẫm. Hồ Ngọc Nhuận gián tiếp đổ cho cộng sản khi ông viết: “Ai giết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật? Đến bây giờ ắt nhiều người biết. Riêng tôi trước sau không hề biết, cũng không hỏi. Chính quyền Sàigòn lúc ấy cứ đổ riệt cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, đang trốn là kẻ giết người” {Trích Hồi ký Đời, Hồ Ngọc Nhuận, trang 123}

Trong bài: “ Các điểm hẹn, Phúc Tiế’n viết: “ Cuối tháng 9 năm 1971, mượn cớ tên sinh viên phản động Lê Khắc Sinh Nhật bị giết, giữa đêm, cảnh sát bao vây 207 Hồng Bàng, lùng bắt Ban chấp hành Tổng Hội. Trong trụ sở, Huỳnh Tấn Mẫm và Phan Công Trình nhảy qua của sổ trèo qua sóm người Hoa {Trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang 93}
Ai giết cũng được, có thể không phải Huỳnh Tấn Mẫm. Chỉ có một điều chắc chắn là cộng sản đã ra tay hạ sát, vì Lê Khắc Sinh Nhật bỏ đảng.

Tiếp theo là vô số vụ dùng xăng đốt xe Mỹ hay ném lựu đạn vào các cơ sở của Mỹ, nhất là ngôi nhà 5 tầng, 604 Phan Thanh Giản, cư xá của Sĩ quan Mỹ, Đại Hàn rồi Thái Lan.
Nếu chúng ta nhớ lại, vào năm 1961, an ninh của VNCH ở Sàigòn, hữu hiệu hơn, nhạy bén hơn, truy lùng đặc công cộng sản đến nơi đến chốn. Năm 1961,  đặc công cộng sản có kế hoạch ám sát đại sứ Nolting do Trần Văn Nhiệm thực hiện. Việc không thành, toàn bộ kế hoạch cũng như nhân sự của đặc công cộng sản bị chính quyền phá vỡ và bọn họ bị bắt hết và đưa ra tòa. Báo Ngôn Luận đưa tin vắn ngày 24-5-1962 như sau: “ Hôm qua, tòa án quân sự đặc biệt khu Thủ đô họp xử án “phản nghịch” tại Saigòn. 8 giờ 30, hai chánh phạm là Lê Hồng Tư, thợ hồ, Lê Quang Vịnh, giáo sư toán trung học Pétrus Ký và 10 bị can khác ra trước vành móng ngựa”.

Sáu tên: Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Hà Văn Hiệu, Đỗ Văn Xinh, Hồ Văn Ngoan bị truy tố về tội: mưu sát bằng lựu đạn ném vào xe đại sứ Mỹ Nolting, ném vào xe cố vấn quân sự, MAAG ở Chợ Lớn. Lê Hồng Tư và Lê VănThành lãnh án tử hình {trích Trui rèn trong lửa đỏ, trang  38 }.

Nhưng án tử hình Lê Hồng Tư  không biết vì lý do gì đã không được thi hành. Sau này, Lê Hồng Tư, thợ hồ trớ trêu thay của lịch sử, ông này không còn là thợ hồ nữa, ông đóng vai dự thẩm của tòa án tối cao nhân dân ngồi xét xử bọn gián điệp hơn hai chục tên trong suốt tuần lễ cuối năm 1984. Hai Phiên tòa, 1962, Lê Hồng Tư mới trên 20 tuổi và 1984, trên 40 tuổi, mọi truyện đã thay đổi không còn như trước nữa. Kẻ bị cáo trở thành quan tòa.
Bài học lịch sử vẫn còn đó.
Ngoài Chính Luận còn các tờ như:
-       Tự Do của Phạm Việt Tuyền
-       Quyết Tiến của Hồ Văn Đồng
-       Thời Luận của Nghiêm Xuân Thiện
-       Xâu đựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm
-       Sống của Chu Văn Bình, tức Chu Tử
-       Tiền Tuyến của Lê Đình Thanh

Số ít ỏi đó so với số báo chí được coi là “chống Mỹ” khá xôm tụ như các tờ Dân Chủ, Dân Chúng,Tin Sáng, Chánh Đạo, Sống mới, Dân Tiến, Thời Đại, Thời sự miền Nam“.
Tronmg số ấy nổi bật là tờ Tin Sáng với cánh trí thức miền Nam như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung,Dương Văn Ba. Báo này cũng có cộng sản cài vào một chức vụ rất khiêm tốn. Phan Ba, tức Phan Hồng Đức, nguyên phó giám đốc đài phát thanh Nam Bộ trước 1954, ông chỉ là thư ký cho nhật báo Tin Sáng trước và cả sau 1975. Tin sáng có 3 thời kỳ: Tin Sáng bộ cũ, trước 1973, Tin Sáng lậu, 1973-1975 và Tin Sáng bộ mới, từ 10-8-1975 đến 1-7-81. Nơi đây là nơi xuất phát những bài viết của Nuyễn Ngọc Lan, chửi Mỹ, chống  Mỹ, chửi VNCH chống chiến tranh, cộng chung là 50 bài, đồng thời là nơi khích động các cuộc biểu tinh như các đám sinh viên của Huỳnh Tấn Mẫm.
Vì thế mà tòa sọan Tin Sáng, địa chỉ số 124 đường Lê Lai bị đốt vào ngày 28-3  và có trải truyền đơn như sau: “Đồng bào quyết đập chết những tên cộng sản nằm vùng Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận. Hoặc: “Quần chúng rất phẫn nộ trước những hành động đâm sau lưng chiến sĩ của các dân biểu tay sai Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận”  Tin Sáng, bộ mới, từ 1975-1981 mà theo Hồ Ngọc Nhuận, thật là chéo cẳng ngỗng, báo càng bán chạy hơn báo nhà nước, ban biên tập càng lo, vì nguy cơ trước sau sẽ bị chính quyền cộng sản đóng cửa.
Mặc dầu vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đảng, 02-02-80, Tiổng bí thư đảng, ông Nguyễn Văn Linh đã nói: “.. mặt trận chống Mỹ Thiêu không ngừng mỏ rông.. nổi bật là số anh chị em trong nhóm Tin Sang.”

Mà họ đóng cửa thật.

Họ lèo lái cũng khéo lắm, luồn lọt được 5 năm. Khéo nên mới được Trần Văn Giàu khen: “ Các anh làm báo cộng sản hơn cộng sản “.Tôi xem lại những lời tuyên bố của Lý Quý Chung, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức trong nhóm Tin Sáng đã được Alain Ruscio ghi lại trong cuốn Vivre au Viet Nam, trong đó không ai có thể nói “ngọt“ hơn Lý Chánh Trung được. Mặc dầu trong thâm tâm, những người miền Nam thường nói thẳng, họ biết họ đang nói dối, họ đang đóng kịch,  họ nói”dzậy mà không phải dzậy”. Nhưng vấn đề  là họ đã nói ra rồi, sao gỡ lại được? Họ đã theo đuôi những Chế Lan Viên, Tô Hoài mất rồi. Đây là Ngô Công Đức, giám đốc tờ Tin Sángc: Auparavant, nous étions des bucherons, aujpourd’hui, des menuisiers. (Trước khi chết, Ngô Công Đức cũng đã để lại chúc thư bộc bạch đôi lời, nhưng đã quá muộn}. Trước đây, nghĩa là thời VNCH, chúng tôi chỉ là những người đốn củi, tức những tên phá phách, bây giờ thì chúng tôi là những người thợ mộc. Còn đây là Lý Chánh Trung: “Moi, depuis toujours, je rêvais d’une révolution tolérante. Modeste et tolérante. Le socialisme Vietnamien a répondu à mes souhaits. Nous avons tout fait pour que l’enfantement de la socíété nouvelle se fasse avec le moins de souffrances possible “ Còn tôi, từ trước đến giờ, tôi chỉ mơ ước một cuộc cách mạng có khoan nhượng. Bình dị và khoang nhượng. Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã đáp lại đúng lòng mong đợi của tôi. Chúng tôi đã làm tất cả để làm nảy sinh ra một xã hội mới với càng  bớt những đau khổ càng ít càng tốt” Còn đây là Hồ Ngọc Nhuận, chủ bút tờ Tin Sáng: “ Notre expérience est-elle un succes? Je réponds oui. Combien de temps cela durera-t-il? Je ne sais pas. Moi, j’ai la ferme conviction que nous sommes utiles. Pourquoi crois-tu, sinon, que, tous, nous nous dépensons ici jpur et nuỉt ? Kinh nghiệm {kinh nghiệm làm báo tư nhân dưới chế độ XHCN} của chúng tôi phải chăng là một thành công? Tôi trả lời là có thành công. Nhưng  nó dẽ kéo dài được bao lâu ? Tôi không biết. Nhưng tôi tin chắc rằng chúng tôi là những người hữu ích. Nếu không, ông tin rằng, chúng tôi đã bỏ hết thì giờ cho công việc làm báo này? {Trích Vivre au Viet Nam, Alain Ruscio, trang 179-182}
Khoảng 6 tháng sau, tờ Tin Sáng “Tự đình bản” vì đã “làm xong nhiệm vụ“. Không ai đóng cửa họ cả.

Một số báo khác được coi là “tiến bộ” như Chuông Mai, Hòa Bình, Thách đố, Quảng Đức, Tiếng nói dân tộc, Công luận, Bút thần, Điện tín, Thần Chung và Đại Dân tộc.
Trong số những tờ này, có tờ Điện Tín và Đại Dân tộc là cặp bài trùng. Đại Dân Tộc do dân biểu Võ Long Triều làm chủ nhiệm. Ông Võ Long Triều nếu có đọc bài này, ông sẽ nghĩ gì, Tư Trời biển nghĩ sao? Tờ báo của ông cũng có cộng sản cài vào. Ông Tô Nguyệt Đình, tức Nguyễn Bảo Hóa là thư ký cho tờ báo Đại DânTộc, sau 1975, ông Tô Nguyệt Đình làm cho tờ Sài gòn Giải Phóng. Chưa hết, họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành từng là người vẽ biếm họa cho các tờ Tin Sáng, Điện Tín và Đại Dân Tộc.

Ông còn để cho “đàn em“ như Hồ Ngọc Nhuận, giám đốc chính trị điều hành, tự tung tự tác. Sau này Võ Long Triều vẫn phải đi tù như thường và tù hơn người đến hai lần, vì thế thêm gần 10 năm tù nữa và khi sang Paris nghi rằng: “Tôi buồn vì người trực tiếp còng tay tôi là một công tác viên của tờ Đại Dân Tộc”. Tôi nghi Võ Long Triều ám chỉ người cộng tác viên ấy là Lý Quý Chung.

Cũng đã muộn. Quá trễ. Có cái trễ, cái muộn của Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận vì đã đi theo cộng sản. Cái trễ của họ cũng có  khác. Nhưng cũng có cái trễ của Võ Long Triều, hơn 10 năm trong bóng tối để suy nghĩ về việc làm báo Đại Dân Tộc của mình, của người quốc gia chống Cộng chân chính {Trích Đời, hồi ký Hồ Ngọc Nhuận, dạng bản thảo, trang 167}.
Về tờ Tin Văn
Thành ủy lúc bấy giờ dưới sự chỉ đạo của Trần Bạch Đằng và các cán bộ khác như Vũ Tùng,Trương Bỉnh Tòng, Sáu Chiến. Hoàng Hà là bí thư đảng ủy văn hóa. Chính Hoàng Hà là người trực tiếp chỉ đạo vào thánng 6-1966 cho ra tờ Tân Văn. Tờ này do Nguyễn Ngọc Lương, tức Nguyễn Nguyên{cũng viết cho Đất nước} làm chủ nhiệm. Tờ báo ngoài sự hợp tác của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải như tấm bình phong, còn có rất nhiều những khuôn mặt quen thuộc từng hoạt động cho cộng sản như Kiên Giang, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Thanh Việt Thanh, bà Minh Quân, Hướng Dương, tức Rum Bảo Việt, tức Sáu Chiến, Phan Du, Vũ Hạnh { Phan Du và Vũ Hạnh từng cộng tác với tờ Bách Khoa}  vv . Còn có một số khuôn mặt khác ít được biết tới như Lữ Phương, Nguyễn Văn Bồng, Hà Kiều, Mặc Khải, Thái Bạch, cô Hợp Phố,Lương Sơn, Hướng Dương, tức Rum Bảo Việt hay Sáu Chiến, ủy viên đảng ủy văn hóa .

Tờ này gây được tiếng vang. Họ thường dùng chủ trương đòi bài trừ Văn hóa đồi trụy để hoạt động chính tri, dương đông kích tây. Họ gọi những người như Chu Tử là những tên xung kích chống phá cách mạng qua các tác phẩm đồi trụy, phản động. Và dưới mắt Vũ Hạnh thì Chu Tử là: “ Chúng trắng trợn cho tên Chu Tử, tay sai của sở công an và Trung ương tình báo ngụy, bắt đầu một chiến dịch đả kích tôi, tố cáo tôi là Việt cộng nằm vùng, và liên tiếp trong nhiều số báo như vậy, y đã vu khống tôi, cốt làm cho những người đã tham gia phong trào sợ hãi” {Trích Từ tòa án văn hóa đến hát cho đồng bào tôi nghe, Vũ Hạnh, trong Trui rèn.., trang 180} Có những bài như: Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong văn học hiện nay, Tin Văn số 9, 15-10-1966. Hay có bài của Lữ Phương: Đọc tác phẩm của Chu Tử, Lữ Phương, số 10, 30-10-1966 {Trích Nhìn lại những chặng đường đã qua, Nguyễn Văn Trung, trang 358}

Lên án, bài bác Chu Tử, vì Chu Tử là một nhà báo chống Cộng quyết liệt không khoan nhượng. Lữ Phương trở thành thứ tay sai, đánh theo lệnh. Cũng vậy, theo Vũ Hạnh, Văn nghệ SVHS trực diện chống những buổi trình diễn ngụy dân tộc của Phạm Duy khi hắn làm trò lố lăng cũng mặc áo bà ba đen, hát dân ca với tên CIA giữa Sàigon. Thế là Nguyễn Trọng Văn đưa ra một bản án: Phạm Duy đã chết như thế nào? { Phạm Duy trước 1975 không phải Phạm Duy bây giờ}. Đồng loạt, họ vận động 118 văn nhân, ký giả, nghệ sỹ ký tên ra Tuyên ngôn tố cáo Văn Nghệ đồi trụy. Việc ra Tuyên ngôn  hẳn là tốt, nhưng đã bị cộng sản cài đặt, xúi giục thì nó nhằm mục đích khác rồi.

Chúng ta đã bị lừa. 118  người ký tên, nhiều người chắc cũng bị lừa. Bài học Chu Tử là bài học chúng ta nên áp dụng cho bây giờ. Họ cũng đang làm như thế đấy, đang khuấy loạn cộng đồng, đang tìm cách chia rẽ người quốc gia, đang đánh những nhân vật có tên tuổi, có thế giá chính trị trong cộng đồng. Người đánh có thể vô tình, cũng có thể  ngây thơ vô số tội. Thật giả khó mà biết.

Không phải tự nhiên mà họ làm thế đâu.
Hãy cảnh giác và đừng mắc lừa thêm một lần nữa.

Họ có mặt trên mọi mặt trận, chui lòn vào trong mọi tổ chức, lợi dụng từng thời cơ thuận tiện, mua chuộc mọi người: Hội Phụ nữ, công nhân, Văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, trí thức. Như trong vụ công nhân đình công ở hãng Pin Con Ó, năm 1971, ở số 162, bến Lê Quang Liêm. Hay như vụ 475 trí thức miền Nam ký kiến nghị đòi Hòa Bình ngày 25 tháng 2, năm 1965. Bà luật sư Nguyễn Thị Bình đứng ra cãi cho các bị can chính phạm tại tòa án quân sự, vùng 3 chiến thuật. Kết quả là nhà cầm quyền lúc bấy giờ đã tống xuất ba người là các ông bác sĩ Phạm Văn Huyến, thân phụ bà luật sư Ngô Bá Thành, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và ký giả Cao Minh Chiếm ngày 19-3-1965.

Giá thay vì tống xuất ra Bắc 3 người, mời cả hơn 475 vị ra Bắc để kêu gọi Hòa Bình luôn thể. Không phải 400 vị mà 3000 vị cùng với gia đình đi một lượt ra Bắc thì vẫn hay hơn. Miền Nam sẽ yên.

Bằng chứng là trong bài viết: Có mặt trên mọi trận địa, Nguyễn Hữu Vang đưa ra một nhận xét có vẻ mâu thuẫn, nhưng rất đúng sự thật như sau: Đảng chủ trương tiếp tục giữ vững thế tấn công trên cả 3 vùng chiến lược. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đánh bại ý chí xâm lược của giặc Mỹ đang quán triệt trong toàn quân, toàn dân, kể cả vùng ven ngoại thành. Đánh ! Ấy vậy mà trung tâm chính trị công khai của đảng trong thành phố “Thủ đô” của địch, lại giương cao ngọn cờ hòa bình”{ trích Trui rèn.., trang 218}

Họ còn tìm cách xâm nhập vào bất cứ ngành nghề nào, ngay cả sân kkhấu, kịch trường.Tờ Sân Khấu do Văn Lương làm chủ nhiệm xem ra vô tôi vạ, nhưng thật ra đã được Rum Bảo Việt, tức Sáu Chiến chỉ đạo. Có nghĩa là từ nay tiếng nói của sân khấu cải lương, của giới nghệ sĩ là do Rum Bảo Việt, hay do đảng cộng sản chỉ đạo giữa lòng Sài Gòn.

Cả một đám người quốc gia làm “bình phong”, “ bia đỡ đạn” cho cộng sản đánh phá miền Nam về Mặt trận Văn Hóa. Một hội Liên Hiệp Văn Học, nghệ thuật ra đời sau đó, tháng 6-8-1966 do những người có uy tín, nhưng có khuynh hướng  cấp tiến, khuynh tả như Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải làm chủ tịch, luật sư Bùi Chánh Thời làm tổng thư ký và một lô các nghệ sĩ chân chính làm ủy viên như Cô Bảy Phùng Há, Duy Lân, Tú Duyên, Năm Châu, Ngọc Trai, Thái Bạch.

Với những người như cô Bảy Phùng Há, Nghệ sĩ Năm Châu nếu có lên tiếng kêu gọi hay phản đối chính quyền điều gì. Ai có thể bắt và ai dám bắt?

Các hội trên phối hợp với vô số các hội khác như Hội bảo vệ phụ nữ do bà Vân Trang cầm đầu đòi cái này cái kia như đòi “ quyền dân tộc tự quyết”, đòi quyền lợi cho phụ nữ  thì hợp lý quá đi rồi ! Chúng ta thử nhìn xem phụ nữ bây giờ có quyền sống, quyền làm người tử tế so với trước 1975 như thế nào?
Sau này chính quyền cho bắt chủ nhiệm Nguyền Ngọc Lương và các người khác như Ký Ninh, Lý Bình Hiệp, Vũ Hạnh.. Những biện pháp bắt giam đó quá nhẹ, nhất là trong trường hợp Vũ Hạnh. Vũ Hạnh bị đưa ra xử án ngày 10-6-67. Tội của y rành rành như chính y tự khai lý lịch hoạt động của y như sau: “ Ngày đầu xuân 1966, Đảng ủy văn hóa khu Sàigòn-Gia Định làm việc “đơn tuyến” với tôi  tại ngôi nhà gần bến đò Cây Me, bên bờ sông Sàigòn. Địa điểm nằm trong tầm cối 81 ly của bót ngụy, trong chợ Phú Hòa Đông.  Và nhân đó Vũ Hạnh nhận được lệnh: “ anh Hoàng Hà truyền đạt: mở một mặt trận văn hóa tấn công địch trong vùng đô thị bị tạm chiếm” { Trích Từ Tòa án Văn Hóa đến Hát cho đồng bào tôi nhge, Vũ Hạnh}

Và Vũ Hạnh được giao nhiệm vụ ấy. Hoàng Hà nói :
Vũ Hạnh à. Ông sẽ là Tổng thư ký mặt trận đó ..
Bắt mà như thể không bắt, bắt rồi tha, rồi bắt. Nhiều trí thức, nhà văn lên tiếng đòi tha Vũ Hạnh, trong đó có Hội Văn Bút do Thanh Lãng làm chủ tịch. Khi Vũ Hạnh được tha, họ đã đưa xe đến tận khám Chí Hòa đón về nhà và giúp đỡ tiền bạc để y sinh sống.
Đáng nhẽ biết rõ là cộng sản thì mời ra Côn Đảo là đất của họ. Hay trả về Bắc cho họ yên thân.

Kết luận:
Người viết xin tạm ngừng phần bài viết này ở đây và dành một phần  khá quan trọng để viết về vai trò báo chí vào những năm chót của nên đệ nhị cộng hòa kể từ 1974 đến 1975 với 3 điểm then chốt: Thứ nhất là Phong trào nhân dân chống tham nhũng của lm Trần Hữu Thanh, ngày 18-1974. Thứ hai Ngày ký giả đi ăn mày, ngày 10-10-1974. Thứ ba Ngày báo chí và công lý thọ nạn, ngày 31-10-1974, trong đó có Báo Sóng Thần phải ra tòa.
Để chuẩn bị cho bài viết này, tôi đã gặp lm Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong trào NDCTN, tại Hà Nôi, tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế, ấp Thái Hà vào cuối năm 2005. Đồng thời cũng nói truyện và thu băng với cựu dân biểu Dương MinhKính, một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu của phong trào này .. Về vụ Báo Sóng Thần thì tôi cũng có một số tập tài liêu quý giá do Báo Sóng Thần thu thập với gần 50 hình ảnh được ghi lại. Nhóm Sóng Thần còn được gọi là Nhóm Hà Thúc Nhơn do quý anh Uyên Thao {Tổng thư ký báo Sóng Thần}, Lê Văn Thiệp soạn thảo cùng với giáo sư Đặng Thị Tám, Nhà văn Trùng Dương và ký giả Trần Phong Vũ.
Đấy là những giai đọan đầy biến động mà nhiều người vẫn coi là niềm hãnh diện chung của giới trí thức miền Nam như lời linh mục Nguyễn Quang Lãm, chủ nhiệm báo Xây Dựng ghi lại: “.. Và mai đây, vào sáng ngày 31-10 này, hai chữ Sóng Thần lại sẽ thực sự được khắc vào bia đá của lịch sử đấu tranh “.
Phần tôi, tôi sẽ đặt nhan đề cho  bài viết này là: Một cuộc tự sát tập thể. Và tôi hình dung ra cuộc “Tự thiêu” của báo Sóng Thần vào lúc 18 giờ chiều, ngày 19-9-1974 như một báo hiệu cho một cuộc tự sát tập thể sau này.  Bởi vì chỉ 6 tháng sau, toàn miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay cộng sản.
Về phía người cộng sản thì tôi ghi nhận là trong cuộc biểu tình: Ngày báo chí thọ nạn, có hai cán bộ cộng sản đi hàng đầu là quý ông Tô Nguyệt Đình và Ký Ninh, đi giữa có dân biểu Nguyễn Minh Đăng và lm Trần Hữu Thanh.
Chính vì thế, họ có quyền tự hào là trong 30 năm qua, họ đã xây dựng được một đội ngũ ký giả tạo thành Một Mặt trận báo chí với hằng trăm người cầm bút, nhà báo, nhà văn can đảm đối đầu với “ giặc ngoại xâm và tay sai” và cũng là một điểm son của truyền thống đấu tranh của thành phố Sàigòn!!!

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen