Mittwoch, 20. Mai 2015

VNPRESS- BÀ BÚT TRÀ


Ông Bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm Nhật báo Sàigònmới. Ảnh năm 1950.
Internet có ảnh các bà Ngô Bá Thành, Nguyễn Phước Ðại, Dương Quỳnh Hoa nhưng không có ảnh Bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Bà Chủ Nhật báo Sàigònmới.
Từ ngày sang Kỳ Hoa, năm 1995, trong nhiều năm tôi  khổ công tìm ảnh Bà Bút Trà. Nhưng tôi không tìm được một tấm ảnh nào của bà, ảnh ông Bút Trà cũng vậy. Nhiều lần tôi đăng trên Internet lời kêu gọi quí bạn nào có ảnh ông bà Bút Trà làm ơn cho tôi xin. Ðến năm nay – 2012 – tôi được  bạn SS gửi cho mấy tấm ảnh tôi mong đợi. Tôi đăng ảnh Ông Bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận cùng bài viết này. Tôi cám ơn bạn SS.
Tôi kể những chuyện làm tôi nhận bà Bút Trà là Bà Chủ của tôi.
Như tôi đã viết nhiều lần, lúc 11 giờ trưa ngày 12 tháng 11 năm 1960, khi nhóm sĩ quan làm đảo chính thất bại đã lên phi cơ bay sang Nam Vang, một bản Tuyên Cáo – in roneo –  được đưa đến tòa soạn báo Sàigònmới; bản tuyên cáo do một số nhân sĩ ký tên, nội dung ủng hộ nhóm quân nhân làm đảo chính, coi việc lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm là cần thiết để bảo vệ đất nước. Người quyết định đăng hay không đăng báo bản tuyên cáo ấy là ông Bút Trà. Việc này cho tôi thấy ông Bút Trà là ông chủ định đoạt những quyết định quan trọng nhất của tờ báo.
Ông Bút Trà cho đăng Tuyên Cáo ấy, ông lý luận có tin thì báo đăng, báo không ủng hộ, không đả đảo ai. Dường như  ngày ấy chỉ có báo Sàigònmới đăng cái Tuyên Cáo ấy. Tuy phạm cái tội đó nhưng báo Sàigònmới không bị Bộ Thông Tin ra lệnh rút giấy phép. Vì cái tội ấy bà Bút Trà bị hành hạ như thế nào, phải chạy chọt để chạy tội ra sao, tôi không được biết rõ, tôi chỉ biết sau đó tờ báo phải lệ thuộc vào chính quyền nhiều hơn, có hai nhân viên chính phủ, một của Bộ Thông Tin, một của Phòng Báo Chí Phủ Tổng Thống, phái đến làm việc trong tòa soạn Sàigònmới. Hai ông chuyên viên này có nhiệm vụ trông nom tờ báo về mặt chính trị, không để cho báo phạm lỗi nặng như việc đăng tuyên cáo ủng hộ nhóm sĩ quan làm đảo chính. Tất nhiên nhà báo phải chi lương cho hai chuyên viên này. Nhưng hai ông này lãnh lương báo Sàigònmới mà không phải làm gì cả. Tất nhiên là đám ký giả nhân viên Sàigònmới, trong số có tôi, không ưa hai ông chuyên viên Nhà Nước này.
Một trong hai người là anh Việt Nhân – anh đã qua đời ở Sài Gòn – một ký giả kỳ cựu. Anh là người tốt, tôi không có ác cảm gì riêng với anh, tôi chỉ không ưa những người làm báo làm việc cho chính phủ. Từ khi tòa báo có anh Việt Nhân, bà Bút Trà thường bảo anh Việt Nhân cùng đi dự những cuộc hội báo của chính phủ với tôi. Hai người đi, nhưng tôi là người viết bài tường thuật. Tôi khó chịu vì sự có mặt của anh Việt Nhân trong các cuộc hội báo. Năm 1960 tôi chưa tròn Ba Bó tuổi đời, tôi còn nhiều tự ái rởm, nhiều tật khó ưa. Một hôm, khi nhận giấy mời dự hội báo do bà Bút Trà đưa, tôi nói với bà:
– Bà để tôi đi một mình, tôi không thích tòa báo cử hai người đi.
Bà Bút Trà nói ngay:
– Thì anh đi một mình, đâu có sao.
Tôi khoái chí vì tôi đã thắng trong lời yêu cầu. Nhưng tôi không khoái chí được lâu. Ngay ngày hôm sau bà Bút Trà mời tôi vào nói chuyện, bà nói:
– Nhà báo có nhiều người. Nhà báo cử anh đi làm việc nào thì anh cứ đi, anh không nên đòi phải cho anh đi một mình anh mới đi. Anh chỉ nên làm tròn công việc của anh thôi. Nhà báo cử bao nhiêu người đi là quyền của nhà báo.

Từ năm 1956 là đường Pham Ngũ Lão.
Tôi không được thông minh lắm nhưng tôi cũng không đến nỗi quá ngu ngốc, tôi biết lùi lúc tôi cần phải lùi. Bà Bút Trà đã đặt “vấn đề nguyên tắc” với tôi. Ðúng như bà nói, tôi là người làm công, tôi không có quyền đòi nhà chủ phải để một mình tôi làm một công việc do nhà chủ giao, nhà chủ không được cho người khác cùng làm việc đó với tôi. Khi tôi mới yêu cầu, bà Bút Trà không nhận ra ngay chuyện tôi đòi hỏi như thế là không đúng nguyên tắc, bà làm theo ý tôi. Nhưng sau đó bà nghĩ lại, bà thấy bà làm theo ý tôi là không đúng, bà đặt vấn đề lại với tôi.
Chuyện làm tôi cảm động, và cảm phục bà, là tuy bà thắng tôi, tuy tôi đã phải chịu để bà phái anh Việt Nhân, hay bất cứ ai, cùng đi dự họp báo với tôi, nhưng sau đó bà vẫn làm theo ý tôi: những lần tôi đi họp báo sau đó tôi đều đi một mình, không có anh Việt Nhân cùng đi. Bà không nỡ làm cho tôi phải thấy nhục vì tôi đã đòi hỏi bậy bạ. Thái độ của bà đối với tôi thật rộng lượng. Thay vì có thể làm cho tôi phải nhục, bà đã không làm. KIhông ai biết chuyện tôi vừa kể ngoài bà Bút Trà, bà chủ tôi, và tôi.
Ðây là một chuyện khác: khoảng năm 1961, 1962, bà Ngô Ðình Nhu thường mở những cuộc hội báo –  có khi một tháng đôi kỳ, bà Ngô Ðình Nhu mở những cuộc hội báo ở Phòng Khánh Tiết Tòa Ðô Chính Sài Gòn. Một hôm cuộc họp báo đặc biệt của Bà NÐ Nhu được tổ chức ở Nhà Hàng Continemtal. Bà Ngô Ðình Nhu muốn có đám thông tín viên ngoại quốc đến dự cuộc hội báo này. Bà Bút Trà căn dặn thể nào tôi cũng phải đến dư hội báọ. Ngày ấy, năm ấy, tôi đã nghiện thuốc phiện khá nặng. Cữ hút trong ngày của tôi là khoảng 5 giờ chiều, trùng với giờ họp báo, tôi biết tôi sẽ phải ngồi trong cuộc họp báo ít nhất là đến 7 giờ tối, quá cữ hút, tôi phải đi hút trước khi đến dự họp báo. Tôi đến tiệm hút lúc 4 giờ nhưng kẹt khách, phải nằm chờ mãi đến gần 5 giờ mới đến lượt tôi hút. Hút chưa xong thì trời đổ mưa lớn. Dù mưa lớn, dù đến muộn, tôi vẫn có thể đến nhà Continemtal dự họp báo nhưng theo đúng qui luật Hít Tô Phê: đệ tử Cô Ba hít tô phê xong là lười, chỉ thích nằm phê lơ tơ mơ, không muốn làm gì cả, việc đi họp báo, họp bổ lại càng không thích. Tôi bỏ đi họp, nằm lại phê luôn, định bụng sáng mai bà Bút Trà có hỏi tôi có đi họp báo không, tôi sẽ nói là tôi có đến dự nhưng tôi ngồi ở những hàng ghế dưới nên bà không trông thấy tôi.
Sáng hôm sau, trước khi đến tòa soạn báo Sàigònmới, tôi đã ma lanh ghé qua tòa soạn báo Ngôn Luận, hỏi Từ Chung hôm qua mày đi họp báo thấy bà Bút Trà đi một mình hay đi với ai? Từ Chung nói bà ấy đi với một bà nào ấy. Tôi đã ma lanh nhưng tôi vẫn không qua mặt được bà Bút Trà. Khi bà hỏi tôi chiều hôm qua anh có đi dự cuộc hội báo của bà Cố Vấn không, tôi trả lời:
– Tôi có đi, nhưng trời mưa, tôi bị ướt nên tôi ngồi ở hàng ghế dưới.
Bà hỏi tôi:
– Anh có đi? Vậy anh thấy tôi đi với ai?
Theo lời Từ Chung, tôi trả lời:
– Bà đi với một bà.
Bà hỏi:
– Anh không biết người đi với tôi là ai à?
Tôi ú ớ nói tôi không biết. Bà nói:
– Tôi đi với chị Tùng Long mà anh cũng không biết là ai à? Vậy là chiều hôm qua anh không đi dự họp báo rồi.
Gần như tuần nào tôi cũng gặp bà Tùng Long ở tòa soạn ít nhất là một lần, tôi không thể nói tôi không nhìn ra người đi với bà Bút Trà là bà Tùng Long. Tôi đã đề phòng bà hỏi tôi thấy bà đi với ai, quả nhiên bà hỏi, nhưng Từ Chung, cận thị nặng, lại không biết mặt bà Tùng Long nên tôi bị tổ trát. Tôi phục bà Bút Trà, bà chủ tôi, ở sự thông minh, nhanh trí của bà. Bà biết ngay tôi nói dối, bà đưa ngay ra bằng chứng là tôi nói dối. Tôi không còn cãi vào đâu được. Sau đó bà chỉnh tôi:
– Nhà báo có nhiều người. Việc nào anh không muốn đi hay anh có việc bận không đi dự được anh cứ cho biết, nhà báo cử người khác đi. Anh đừng nhận đi rồi bỏ không đi như vậy.
Lời chỉnh rất nhẹ. Lời chỉnh làm tôi tự thấy xấu hổ, tôi đã không làm việc tôi phải làm, tôi còn can tội nói dối. Nhưng bà không làm tôi xấu hổ quá. Thưa Bà Chủ: hôm nay nhớ Bà, tôi cám ơn Bà.
Chuyện đó cùng một số chuyện nho nhỏ khác, tôi xin phép không kể, làm cho tôi kính phục bà Bút Trà, tôi coi bà là bà chủ của tôi. Trọn một đời làm báo của tôi, tôi đã làm với khoảng trên dưới mười ông bà chủ báo, chỉ có một bà Bút Trà được tôi coi là chủ nhân của tôi. Người chủ báo thứ hai đối với tôi thật tốt là anh Chu Tử, nhưng tôi chỉ viết tiểu thuyết cho nhật báo Sống của anh, tôi không làm nhân viên toà soạn báo Sống ngày nào nên anh không hẳn là ông chủ của tôi. Thêm nữa, anh Chu Tử là đàn anh tôi, anh là người viết tiểu thuyết và làm chủ báo trong khi bà Bút Trà Tô Thị Thân là chủ nhiệm nhật báo theo đúng nghĩa.
Hai lần làm trong tòa báo của bà, tổng số 9 năm trời, tôi không một lần thấy bà Bút Trà sẵng giọng, to tiếng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên có lỗi trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nhân viên đó vào nói chuyện với bà. Tôi nhớ bà người to lớn, đẫy đà, da trắng, mắt sáng, tóc búi, vai như vai hùm, giọng nói dễ nghe, bà như cây cổ thụ tàn lá xum xuê che chở, không chỉ che chở chồng con bà, mà che chở luôn cả những người làm công cho bà. Năm nào đến Rằm Tháng Bẩy, bà cũng cho làm một bữa ăn đãi tất cả nhân viên, nhân công tòa báo: bánh hỏi, thịt quay, cà-ri ăn với bún, bánh mì, ăn thả dàn theo kiểu All You Can Eat. Tết đến nhân viên tòa soạn được hưởng lương 15 ngày lao động – ký giả nhà báo làm việc quanh năm, không nghỉ hàng năm 15 ngày theo Luật Lao Ðộng nên mỗi năm được lãnh 15 ngày lương- và nửa tháng lương thưởng Tết, coi như trọn một tháng lương gọi là lương Tháng Mười Ba. Cho đến ngày báo bị đóng cửa, nhật báo Sàigònmới áp dụng chế độ nhân viên tòa soạn lãnh lương trứơc, làm việc sau, và Tết đến nhân viên có tiền 15 ngày lao động cùng nửa tháng lương tiền thưởng Tết. Luật lãnh lương trước, làm việc sau là Luật của các nhật báo Pháp ở Sài Gòn Xưa.
Năm mươi mùa lá rụng đã qua, hôm nay tôi nhớ có lần bà Bút Trà bảo tôi:
– Anh ngồi đừng có rung đùi nghe anh. Tôi thấy ông nào có tật ngồi rung đùi cũng nghèo..
Tôi không có tật rung đùi – Văn sĩ Thanh Nam ngay cả khi đứng cũng rung đùi – Bà Bút Trà nói đúng, nhưng tôi thấy những ông ngồi rung đùi là những ông không có việc gì làm, ngồi không cả nửa ngày nên mới có thể rung đùi, những người hoạt động, bận nhiều công việc, làm sao có thể ngồi không cả hai, ba tiếng đồng hồ để rung đùi, mấy ông không việc làm nên nghèo, nên ngồi rung đùi, không phải vì cái tật ngồi rung đùi mà các ông nghèo.
Bà bảo tôi:
“Làm báo mê lắm, anh ạ. Dù mình phải bán cái áo cuối cùng để ra thêm được một số báo, rồi báo chết, mình cũng bán.”
Những năm 1960 dàn máy in báo tự động, in theo dây chuyền, gọi là máy rô-ta-ti: rotative văn minh, hiện đại, đã được nhập vào làng báo Sài Gòn. Dàn máy in rotative thứ nhất, và duy nhất, đúng là hiện đại nhất và duy nhất lúc đó, là của nhà in nhật báo Thần Chung. Nhật báo phải in ít nhất ba, bốn mươi ngàn số mới đáng để in bằng máy rotative, báo in năm, bẩy ngàn số không bõ. Nhật báo Sàigònmới có số in lớn có thể in bằng máy rotative, bà Bút Trà có dư tiền mua máy rotative nhưng bà không chịu mua, nhà in Sàigònmới cứ cà rịch cà tang chạy 12 cái máy in, mỗi máy có một ông thợ chạy máy, một máy in này in cả giờ đồng hồ được một ngàn tờ. Có lần tôi nói với bà Bút Trà về chuyện máy in rotative, tất nhiên là tôi muốn bà thay dàn máy in cũ cả chục cái bằng một dàn máy rotative cho hách, bà nói:
– Ðể tôi tính anh nghe. Mỗi máy in của mình bây giờ có một anh thợ máy trông nom, mỗi anh thợ máy có gia đình ít nhất là năm người, hai vợ chồng, hai, ba đứa con, có người còn bố mẹ già phải nuôi. Mười máy in nuôi 50 người. Nay tôi dẹp đi, dùng máy rô-ta-tiêu chỉ phải dùng hai anh thợ thôi, tám người mất việc, 40 người nheo nhóc. Tôi không muốn thay đổi là vì vậy.
Bà Bút Trà không muốn dùng máy in rotative vì bà không muốn sa thải thợ chạy máy in, chuyện đó có thể đúng, song cũng một phần vì bà không ưa tiếng “tiêu” trong cái tên ” rô-ta-tiêu”. Bà thấy cái tiếng “tiêu” ấy không có lợi. Nhưng rồi đến lúc dù không dùng máy in rô-ta-tiêu nhật báo Sàigònmới cũng vẫn cứ tiêu như thường.
Chu kỳ vận Ðỏ của bà Bút Trà bắt đầu năm 1957, chấm dứt đầu năm 1964. Trong chu kỳ ấy bà làm công việc gì cũng thành công, tiền vào nhà Sàigònmới như nước sông Mekong chẩy vào Biển Hồ Tonle Sap. Bà xây rạp xi-nê Kim Châu – Kim Châu là tên cô con thứ hai của bà; từ lâu bà có nhà bảo sanh ở gần trường Bàn Cờ đường Phan đình Phùng, bà có một trường tiểu học ở Khánh Hội. Mỗi năm Tết đến bà in Lịch Tam Tông Miếu, kiếm thêm không biết bao nhiêu là tiền. Ông anh ruột của bà, được gọi là ông Ba, bà là bà Tư, là vị tu sĩ sáng lập và trụ trì Tam Tông Miếu ở đường Cao Thắng, Sài Gòn. Bà Bút Trà là người độc quyền in và phát hành Lịch Tam Tông Miếu. Lịch này có thêm ngày ta, có mục Nên, Cữ ghi toàn chuyện vớ vẩn như trong ngày nên hay không nên đi xa, vay tiền, cho vay tiền, bán nhà, mua nhà, dựng nhà, mở hụi, xin việc làm, mướn người làm, cưới hỏi vv.. kể cả những chuyện nên hay không nên lẩm cẩm như cạo đầu, tắm, may quần áo, chỉ thiếu có lời khuyên nên hay không nên ngủ với vợ lớn hay vợ bé vv..
Lịch Tam Tông Miếu bán rất chạy. Muốn có lịch Tam Tông Miếu để bán, người ta phải ghi tên và con số lịch trước với bà Bút Trà. Không có gì sướng hơn, và lời hơn, là in một văn phẩm ra mà biết trước số bán, mà bán được hết, không bị dư một quyển.
Năm 1961, hay 1962, báo Sàigònmới phạm một vụ bê bối nặng là vụ “Khỉ Cà Mâu”. Báo đăng một phóng sự, đúng hơn là một tiểu thuyết, một chuyện có nhiều bịa đặt hơn là sự thật, về một cô gái ở một vùng hoang vắng  trong tỉnh Cà Mâu, cô bị khỉ rừng hiếp, rồi cô thương con khỉ đó, cô lén đi lại với nó, cô có con với nó! Nếu một nhật báo nào khác của Sài Gòn đăng cái phóng sự ấy các báo khác kệ xác, chẳng báo nào thèm nói đến, nhưng tờ báo đăng chuyện “Khỉ lấy Người, Người lấy Khỉ”lại là báo Sàigònmới, tờ báo có nhiều độc giả nhất. Gần như tất cả các nhật báo ngày ấy đả kích báo Sàigònmới đăng chuyện bịa đặt, khiêu dâm, đánh lừa độc giả, chuyện phản khoa học, khai thác chuyện phạm “thuần phong, mỹ tục”, làm mất phẩm giá phụ nữ Việt Nam ..vv… Năm ấy lại là năm giới công giáo toàn cầu cử hành Ðại Lễ Vinh Danh Ðức Bà Maria – tôi không nhớ đúng tên đại lễ này – đăng chuyện người lấy khỉ có con, báo Sàigònmới còn bị tròng cho cái tội “chống Thiên Chúa Giáo.”
Thay vì chấm dứt ngay phóng sự “Người lấy Khỉ”, vì tự ái, Năm Thành, Sáu Khiết – hai anh con bà Bút Trà, hai anh có quyền định đoạt một số bài vở đăng báo – cứ cho tiếp tục đăng. Sáu Khiết đi xuống tận Cà Mâu gặp tác giả phóng sự Người Lấy Khỉ để điều tra tại chỗ. Tôi không biết Sáu Khiết có xuống Cà Mâu thật hay anh tạ sự đi Cà Mâu vì công việc nhà báo để đưa vợ bé đi chơi Ðàlạt, Nha Trang một tuần ngon lành, chỉ biết báo Sàigòn Mới cứ đăng mãi phóng sự “Khỉ lấy Người”, bất chấp việc bị các báo khác đả kích, cho đến khi phong trào tố cáo lên cao, Bộ Thông Tin xen vào vụ, báo Sàigònmới bị đòi trưng bằng cớ:  Cô gái bị khỉ hiếp rồi đi lại với khỉ, tức lấy khỉ, có con.., tên là gì, đích xác ở  xã nào, quận nào,  giấy xác nhận chuyện có thật của chính quyền địa phương.. vv…
Từ năm 1958 Việt Cộng đã nổi lên đánh phá quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, đến những năm 1961, 1962, những nơi xa như Cà Mâu, Ðồng Tháp đã trở thành những vùng gọi là vùng xôi đậu, tình hình an ninh ở những nơi đó không được bảo đảm, rất khó cho người Sài Gòn nào muốn về những nơi đó để điều tra, xác nhận hay phủ nhận một chuyện gì, báo Sàigònmới không thể có văn bản pháp lý chứng minh lý lịch của nữ nhân vật bị khỉ hiếp rồi lấy khỉ, không chứng minh được chuyện khỉ hiếp người có con là chuyện có thật. Các nhật báo Sài Gòn xúm lại đánh báo Sàigònmới với mục đích cao đẹp là đánh cho báo Saigònmới chết, số độc giả mua báo Sàigònmới sẽ phải mua các báo khác. Nhưng bị đánh hội đồng, đánh tới tấp, báo Sàigònmới vẫn không chết, báo vẫn bán chạy nhất. Trong một cuộc họp văn nghệ, ký giả Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, người phụ trách mục Nói hay Ðừng nhật báo Tự Do, nói với Thi bá Vũ Hoàng Chương:
– Cả bọn chúng tôi xúm vào đánh bà Bút Trà mà bà ấy chẳng hề hấn gì cả. Cứ như là châu chấu đá voi ấy thôi..
Thi bá bèn làm ngay tại chỗ câu thơ Vịnh cảnh làng báo đánh hội đồng bà Bút Trà, theo đề tài Châu chấu đá voi:
Hai chân tanh tách làm luôn mãi.Một đống lù lù cứ thế thôi!
Sau khi can tội đăng bản Tuyên Cáo của các vị nhân sĩ ủng hộ phe quân nhân làm đảo chính, bà Bút Trà ra sức chạy tội và lấy lòng Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, đúng hơn là lấy lòng ông Trần Kim Tuyến, Giám Ðốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị-Xã Hội, và bà Ngô Ðình Nhu, ông Trần Chánh Thành, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin.
Năm Thành, anh con thứ tư của ông bà Bút Trà, một trong hai thiếu chủ của tôi, phụ trách việc tuyển lựa và in những phụ bản tặng không trong báo. Tôi đến tòa soạn làm việc từ 5 giờ sáng, 11 giờ trưa Năm Thành mới đến tòa soạn. Vớ được tôi là anh bắt tôi ngồi rì rầm thảo luận với anh về những cách thức tăng cường, cải tiến nhật báo Sàgònmới và tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Nhiều hôm mãi đến 1 giờ trưa anh mới thả cho tôi về nhà. Một hôm báo Sàigònmới dự định in ảnh chân dung T.T. Ngô Ðình Diệm làm phụ bản – việc làm này phải được Bộ Thông Tin và Phủ Tổng Thống cho phép, không phải bất cứ tờ báo nào cũng có thể in hình Tổng Thống anh minh làm phụ bản tặng không theo tờ báo. Báo được in phụ bản ảnh chân dung Tổng Thống là một đặc ân của chính quyền.
Năm Thành thắc mắc về dòng chũ đề dưới ảnh, anh không bằng lòng với hàng chữ “Tổng Thống Ngô Ðình Diệm” xuông tình, nghe không hấp dẫn.
Tôi đề nghị:
– Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Vị Lãnh Tụ của dân tộc Việt Nam.
Năm Thành thấy thêm mấy tiếng “Vị Lãnh Tụ của dân tộc Việt Nam” vẫn chưa được. Rù rì qua lại, mười lăm phút sau tôi thêm được hai tiếng:
– Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Vị Lãnh Tụ Tối Cao của Dân Tộc Việt Nam.
– Nghe được đấy – Năm Thành nói – Nhưng Moa thấy “Vị Lãnh Tụ Tối Cao của Dân Tộc Việt Nam” cũng vẫn chưa hay lắm. Toa cố nghĩ xem còn có tiếng gì thêm vào cho hay hơn nữa không?
Lại rù rì một hồi, 15 phút sau tôi thêm vào câu bốc thơm được ba tiếng nữa:
– Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, Vị Lãnh Tụ Tối Cao và Duy Nhất của Dân Tộc Việt Nam.
Ðến câu ấy Năm Thành mới bằng lòng, tôi mới được ra khỏi tòa soạn về nhà ăn cơm trưa.
Tết Năm 1962 – không nhớ năm ta là năm gì – báo Sàigònmới được “đặc ân” in tấm hình gia đình Tổng Thống Ngô Ðình Diệm làm phụ bản Số Báo Xuân. Ảnh mầu chụp T.T. Ngô Ðình Diệm, Ðức Tổng Gíám Mục Ngô Ðình Thục, Cố Vấn Ngô Ðình Nhu, Cố Vấn Ngô Ðình Cẩn, Ðại Sứ Ngô Ðình Luyện, bà Nhu cùng Ngô Ðình Lệ Thuỷ, các con ông bà Nhu, bà Luyện cùng các con, đứng sau bà cụ Cố ngồi ghế. Có vẻ như bức ảnh đại gia đình này chụp ở Huế Tết năm trước, năm 1961.
Hình in offset 7 mầu. Máy in Ba Tầu Chợ Lớn năm xưa ấy không được khá lắm về kỹ thuật nên khi hình in ra – trong nguyên ảnh mầu Bà Nhu bận áo dài mầu vàng, trên đầu có cái bandeau mầu vàng, mầu vàng này là mầu hoàng yến, vàng tươi, vàng nhạt – trong phụ bản in offset cái bandeau mầu vàng trên đầu Bà Nhu không lên mầu vàng mà trở thành mầu trắng, trông như khăn tang. Ngay khi nhìn thấy cái phụ bản ấy tôi nghĩ:
“Khăn tang trắng? Ðiềm này là điềm gì đây?”
May mắn cho bà Bút Trà là không có ai khác nhìn thấy cái khăn tang trắng báo điềm gở ấy trên đầu bà Ngô Ðình Nhu trong tờ hình phụ bản báo Xuân Sàigònmới  như tôi.
Ông Ngô Ðình Diệm, “Vị Lãnh Tụ Tối Cao và Duy Nhất” trong phụ bản báo Xuân Sàigònmới năm 1962, ông Ngô Ðình Nhu, Cố Vấn Chính Trị Chính Phủ, bị bắn chết khoảng 8 giờ sáng ngày 2 Tháng 11, năm 1963, 2 giờ chiều cùng ngày tòa soạn báo Sàigònmới bị một nhóm người kéo đến đập phá – đám người đập phá la lối báo Sàigònmới can tội “cấu kết với độc tài Ngô Ðình Diệm” – xe ô tô của bà Bút Trà, xe ô tô của Sáu Khiết, bị đốt cháy rụi. Nhưng báo Sàigònmới không bị đóng cửa. Không tờ báo nào bị chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ đóng cửa, chỉ có báo Cách Mạng Quốc Gia – tòa soạn, nhà in báo này bị phá tan hoang – là hết sống.
Và cuộc sống lại diễn ra.. Et la vie continue.. Ba tháng sau, tôi trở lại tòa nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH ở Tân Sơn Nhất dự cuộc hội báo của nhóm quân nhân vừa làm cái gọi là cuộc chỉnh lý hạ bệ ông Dương Văn Minh, cho nghỉ việc chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ, đưa 5 Tướng đảo chính lên ngồi chơi sơi nước ở Ðalạt. Ba năm trứơc, năm 1961, cũng tháng 11, tôi đã vào tòa nhà Bộ Tổng Tham Mưu này dự cuộc hội báo do Trung Tá Vương Văn Ðông chủ tọa trước khi ông và Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi, cùng một số sĩ quan, sang phi trường quân sự Tân Sơn Nhất, lên phi cơ bay sang Nam Vang.
Ðại Tá Ðỗ Mậu đầu trọc chủ tọa cuộc hội báo hôm nay, nhân danh cái gọi là “Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng” ông tuyên bố đóng cửa ba tờ nhật báo vì tội “cấu kết với độc tài Ngô Ðình Diệm”. Ba nhật báo bị đóng cửa là tờ Sàigònmới của bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, tờ Ngôn Luận của ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, tờ Ðồng Nai của ông Huỳnh Thành Vị.
Báo Sàigònmới không còn, báo Ngôn Luận cũng mất luôn, thời kỳ phong độ của tôi đứt ngang; năm 1963 tôi ba mươi tuổi, tôi đang ở trong đỉnh cao nhất của đời tôi. Sàigònmới và Ngôn Luận là hai tờ báo chính của tôi, là hai nguồn sống của tôi, tôi làm nhân viên báo Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết cho báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Cả ba tờ báo của tôi cùng đi tầu suốt trong một ngày. Cùng một lúc tôi bị đời làm bể ba nồi cơm. Vợ chồng tôi vất vả vì không tiền mãi cho đến giữa năm 1965, nhật báo Tiền Tuyến ra đời, tôi về làm cho Tiền Tuyến, chúng tôi mới dễ thở trở lại, nhưng từ đó đời tôi chỉ lèng sèng thôi, không lúc nào còn có thể huy hoàng, phơi phới như thời tôi là nhân viên nhật báo Sàigòn Mới, thời gian từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1963!
Sau khi báo Sàigònmới bị đóng cửa, ông bà Bút Trà thấm mệt, rút lui, Sáu Khiết còn cựa quậy mấy lần. Anh mướn báo làm, nhưng thời nhà Sàigònmới hốt bạc đã qua rồi, Sáu Khiết bỏ đồng nào ra là tiêu ma đồng ấy. Cuối cùng anh cũng đành bỏ cuộc. Giang sơn Sàigònmới tan rã…
Những ngày vui không trở lại trong đời.. Rồi những ngày bình thường trầm trầm theo nhau qua .. Ông bà Bút Trà, anh Thiếu Lăng Quân, một thời là thư ký tòa soạn báo Sàigònmới – anh được anh em gọi là Thiếu Lưng Quần – anh Thanh Phong, một thời là thư ký toà soạn Sàigòn Mới – anh Hoa Ðường – anh được anh em gọi là Hoang Ðường – Hoài Việt Bằng, Trọng Nguyên, Mạc Tử, ba anh trạc tuổi tôi, những người cùng làm trong tòa soạn báo Sàigòn Mới với tôi, đã chết.. Vũ Bình Thư, anh em cùng vợ với Lã Phi Khanh, tác giả Lệnh Xé Xác, còn sống ở Sài Gòn, Dương Hà Bên Dòng Sông Trẹm, nay – Tháng Chín 2012 – sống ở Thủ Ðức. Trong số nhân viên tòa báo Sàigònmới ngày xưa dường như hôm nay chỉ có mình tôi – và ký giả Anh Tâm – sống ở Hoa Kỳ. Cuối năm 1995, tôi can tội viết hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị là vợ ông Thi Sách – sử liệu ghi trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca, tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái (ông Phạm Ðình Toái có tên trên bảng đường Sài Gòn, đoạn bên cạnh Chợ Ðũi trước rạp xi-nê Nam Quang), ông Hoàng Xuân Hãn viết Tựa và Dẫn, xuất bản tại Sài Gòn năm 1949, Nhà Xuân Thu in lại ở Hoa Kỳ – tôi bị kết tội xuyên tạc lịch sử và bị chửi tối tăm mắt mũi. Một ông bạn tôi cắt trên một tờ báo, gửi cho tôi bài thơ chửi tôi của một ông HO, bài thơ có nói đến ông bà Bút Trà, đến chuyện “Người Lấy Khỉ Sàigòn Mới 1960” và tên tôi qua hai câu:
Nhớ thưở Bút Trà Người lấy KhỉÐẻ Hoàng Hải Thủy, miệng thật to..
Lời thơ làm tôi buồn năm phút. Rồi tôi tự an ủi: có khen thì có chửi, đời là thế. Tôi được đời yêu thương nhiều hơn bị đời thù ghét, tôi được người ca tụng nhiều hơn bị chê bai. Tôi ấm lòng nhớ lại câu nói của vợ tôi. Nàng nói với tôi khoảng năm 1970, khi chúng tôi còn trẻ, khi đời chúng tôi chưa có qua một tai họa nào đáng gọi là tai họa, ở Sài Gòn ngày xưa của chúng tôi:
– Em sướng nhất là những khi em vào đâu có ba bốn bà, ba bốn cô đang ngồi nói chuyện, chủ nhà giới thiệu đây là chị Hoàng Hải Thủy, em thấy mắt các bà, các cô ấy nhìn em sáng lên…
Nhật báo Sàigònmới bốn mươi năm xưa bị mang tiếng muốn câu độc giả nên đăng chuyện bịa đặt, chuyện dựng đứng Khỉ lấy Người có con, những người chủ trương Sàigònmới bị chửi là ngu dốt, là không biết hai loài sinh vật khác nhau không thể giao phối mà có con được. Những người chửi ấy cũng không biết rằng hai loài sinh vật khác nhau nhưng thể chất giống nhau có thể giao phối mà sinh con, như – chuyện lâu rồi – ngựa và lừa giao phối đẻ ra con la – và mới đây – người ta thí nghiệm cho sư tử và hổ giao phối đẻ ra con nửa sư tử nửa hổ. Những con la, con sư-hổ sống mạnh nhưng không có khả năng sinh đẻ. Cũng mới đây nữa, người ta thấy ở nhiều nơi trên thế giới có phụ nữ bị khỉ hiếp mà có con.
Chuyện xưa qua rồi, cho qua luôn. Cám ơn bạn đã đọc tôi đến dòng này. Chuyện là chuyện của riêng tôi, không ăn nhậu gì đến bạn, vậy mà chuyện cũng được bạn đọc hết bài, tôi lấy làm hân hạnh.
Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, Ngày 18 Tháng 9, 2012.
Tôi được hưởng lộc của ông bà Bút Trà trong 9 năm. Lần thứ nhất tôi làm nhân viên Sàigònmới trong 2 năm 1954-1955. lương tháng của tôi là 3.000 đồng. Tôi lấy vợ, vợ chồng tôi phải có nhà riêng, chúng tôi không còn có thể sống nhờ nhà bố mẹ. Riêng khoản tiền thuê nhà đã phải chi 1.000 đồng. Không đủ sống, tôi đòi lên lương 4.000 đồng, bà Bút Trà không chịu, tôi bỏ việc. Năm 1957 bà Bút Trà đăng báo gọi tôi về. Bà nói với tôi:
“Biết anh có tài nhưng mấy năm trước báo bán yếu, không đủ tiền đài thọ anh nên chúng tôi phải để anh đi. Nay báo bán khá, chúng tôi mời anh về. Anh ra nói chuyện với Sáu Khiết về tiền lương. Nay chúng tôi để cho hai em Năm Thành, Sáu Khiết làm giúp chúng tôi một số việc.”
Hai anh Năm Thành, Sáu Khiết là hai thiếu chủ của tôi. Nghe nói – năm xưa ấy tôi không hỏi – Năm Thành là người có sáng kiến in phụ bản offset nhiều mầu tặng không theo tờ báo, làm nhật báo Sàigonmới tăng số độc gỉa đến cỡ kỷ lục. Nhiều người mua báo Sàigònmới lấy phụ bản dán lên vách ván trong nhà. Lúc đầu phụ bản là hình bản đồ Việt Nam, rồi hình bản đồ Nam Kỳ, bản đồ Sài Gòn, bản đồ thế giới, rồi hình chim cò cua cá.
Năm Thành, Sáu Khiết đối với tôi thật tốt. Năm 1954 khi tôi lần thứ nhất làm nhân viên tòa soạn Sàigònmới, Năm Thành, Sáu Khiết còn đi học.  Trong 7 năm tôi làm việc trong toà soạn báo Sàigònmới lần thứ hai, tôi không thấy ông bà Bút Trà, và hai anh Năm Thành, Sáu Khiết làm một việc gì thất đức, bất nhân, vô luân, tồi bại. Cho tới hôm nay – 48 năm sau ngày cuối cùng tôi ra khỏi tòa soạn Sàigònmới tôi thắc mắc không biết vì sao giang sơn Sàigònmới của ông bà Bút Trà lại tan rã mau chóng đến như thế!ø Ông bà chủ tôi giầu có không được trọn đời.
Tôi được thư của bạn Phạm Lộc gửi về “hoanghaithuy.com”:
Phạm Lộc, August 19, 2010
Năm 1982 đi tù Lính về, một hôm tôi đến đứng trước Nhà In Nguyễn Ðức, số 39 đường Pham Ngũ Lão. Tôi ngậm ngùi khi thấy nét chữ Nhà In Nguyễn Ðức đã phai mờ nhưng còn đọc được. Tôi nhìn lên cầu thang dẫn lên tầng trên nơi có tòa soạn báo Sàigonmới. Tôi nhớ lại chỗ này trước 1975 có Nhà Sách Lê Phan, Hàng Ăn Thanh Bạch. Bà má tôi là giáo viên dậy ở Trường Bình Dân Học Hội  số 266 đường Tôn Ðản của BÀ BÚT TRÀ. Tôi phải viết hoa BÀ BÚT TRÀ vì nhờ mẹ tôi có việc làm ở trường của bà nên mẹ tôi mới có tiền nuôi tôi ăn học, tôi có bằng Tú Tài, vô lính lên đến Ðại Uý.
Tôi vẫn cám ơn BÀ BÚT TRÀ và cầu nguyện mong Bà được yên vui trong cõi vĩnh hằng.



Saigonmoi

Trước năm 1956 đường tên là đường Colonel Grimaud. Từ năm 1956 đến năm 1975, đường tên là đường Phạm Ngũ Lão.
Đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, khởi đầu từ Ngã Ba có Rạp Xi-nê Khải Hoàn, Trụ Sở Hội Dục Anh, nơi gặp nhau của ba đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão. Đường có chợ Thái Bình, rạp xi-nê Thanh Bình, toà soạn nguyệt san Văn, nhà in Nguyễn Đình Vượng, xóm Sáu Lèo, một đoạn đường một bên là dẫy tường Nhà Ga Hoả Xa Sài Gòn, một bên liền một dẫy năm, bẩy nhà in, toà soạn nhật báo, tuần báo. Ở đoạn đường này những năm 1970 có nhà in Thư Lâm Ấn Quán của ông con rể ông Đông Hồ, toà soạn tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vĩ, với Thi Đoàn Bạch Nga, một thời đặt trong nhà in Thư Lâm, toà soạn nhà in tuần báo Điện Ảnh của ông Mai Châu, toà soạn nhà in tuần báo Kịch Ảnh, nhật báo Tiếng Vang của ông Quốc Phong, toà soạn-nhà in Thế Giới của ông Nguyễn Văn Hợi..vv…
carToà soạn – nhà in nhật báo Sàigòn Mới ở số nhà 39 cuối đường Phạm Ngũ Lão, đoạn đường này nằm lửng lơ con cá vàng giữa ba đường Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo và Hàm Nghi. Dẫy nhà một tầng lầu, toà báo Sàigòn Mới gồm ba căn, tầng trệt là nhà in, tầng lầu là toà soạn và nơi cư ngụ của ông bà Bút Trà. Có vi-la ở đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, sau năm 1963 đổi tên là đường Thích Quảng Đức, ông bà Bút Trà vẫn sống ở toà báo đường Phạm Ngũ Lão.
Tại sao hôm nay, buổi sáng mùa hè năm 2005, sống ở xứ người xa Sài Gòn, xa đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, không phải là một mà hai biển lớn, tôi bỗng dưng lại thấy hiển hiện bầu trời Sài Gòn chuyển mưa xanh sám buổi chiều những năm 1960?? Những năm tôi đang thời son trẻ, những năm phong độ nhất của đời tôi! Bốn mươi tám năm xưa rồi còn gì?
Sáng nay, buổi sáng cuối năm ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Đốn, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích, tôi đi môt đường cảm khái nhớ Sài Gòn xưa, nhớ toà báo cũ, là vì đêm hôm qua tôi đọc bài Tạp Ghi của Ký Giả Lô Răng, ông ký giả này là “anh em cùng vợ” với ông Cựu Trung Tá Phan Lạc Phúc. Bài Tạp Ghi được viết, được đăng báo ở hải ngoại chắc đã tám, chín năm trước, ông Ký giả kể chuyện xưa: năm 1974 ở Sài Gòn, ông và các bạn ông tổ chức một Đêm Vinh Danh Thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Ngoài việc vinh danh, các ông trong ban tổ chức có ý quyên một khoản tiền giúp ông bà Thi sĩ. Trong buổi vinh danh sẽ bán đấu giá một số thi văn phẩm của Vũ Thi Bá. Trong bài có vài dòng viết về nhật báo Sàigòn Mới và bà Bút Trà. Như vầy:
Đêm Vũ Hoàng Chương. Trích:
Phải cần đến những Mạnh Thường Quân (MTQ) chi cho những giá đặc biệt. Những MTQ này không tự nhiên mà có, phải tìm, phải mời. Tôi nghĩ tới những đối tượng tôi có thể tiếp cận được, những ông chủ báo, những chủ nhân nhà sách, nhà xuất bản, nhà phát hành. Giới chủ báo tôi nhờ Hà Chuởng Môn (nhà thơ Hà Thượng Nhân). Ông chủ nhiệm thở dài sườn sượt “cứt sắt cả, không cạy được đâu”. Tôi mới gợi ý: “Bà Bút Trà gửi mình mấy đưá con, cháu, đưá làm ty trị sự, đưá nhà “chữ”, bà cứ mời mình hoài mà mình chưa có dịp nào. Nhà phát hành Đồng Nai cũng vậy. Bây giờ đêm Vũ Hoàng Chương, mình mời tham dự, mỗi người trả cho vài giá đặc biệt, một công hai việc, nên quá đi chứ?” Chừng như vỡ lẽ, Hà chưởng môn mới nói: “Để tôi bảo Viêm Hồng”. Người anh em Viêm Hồng trong toà soạn chúng tôi chỉ là trung sĩ nhất nhưng anh lại là “quân sư quạt mo” của Sàigon Mới, xưa nay dealing việc gì với Sàigòn Mới cũng xong.
Chuyện trăm năm cũ kể chi bây giờ..! Đúng hay sai một tẹo có gì là quan trọng! Chỉ vì ông Ký giả viết đến nhật báo Sàigòn Mới, tờ báo có tôi làm nhân viên cho đến ngày báo bị đóng cửa, vì ông viết đến bà Bút Trà, bà chủ báo của tôi, nên tôi đi một đường cảm khái, tôi sầu nhớ lại ngày xưa, những ngày tôi tuổi đời Ba Bó, tôi đang thời xuân sắc, tôi cảm thương nhan sắc tôi tàn phai, nên hôm nay, ở xứ người, tôi sầu nhớ và tôi buồn viết những dòng này.
Ông Ký Giả kể Đêm Vinh Danh Thi Bá Vũ Hoàng Chương được tổ chức năm 1974 và năm 1974 ông đang làm việc trong tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, ông Hà Thượng Nhân đang là chủ nhiệm báo Tiền Tuyến. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1974 ông Ký Giả không còn làm việc trong toà soạn nhật báo Tiền Tuyến, ông Hà Chưởng Môn, tức ông Thi sĩ Hà Thượng Nhân, không còn là chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến. Năm 1974 chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến là ông Đại tá Nguyễn Hữu Hùng.
Lúc 11 giờ trưa ngày 11 Tháng 11, năm 1961, hay ngày 1 Tháng 11 năm 1961, khi những ông sĩ quan làm đảo chính Nguyễn chánh Thi, Vương văn Đông, Phạm văn Liễu..vv.. đã lên phi cơ bay sang Nam Vang, một tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính được đưa tới toà báo Sàigòn Mới. Tuyên cáo do một số nhân sĩ ký tên, trong số có ông Nguyễn Tường Tam. Báo đăng Tuyên Cáo này hay không? Người quyết định đăng hay không là ông Bút Trà. Ông nói nhà báo không ủng hộ phe nào cả, có tin là nhà báo đăng. Và nhật báo Sàigòn Mới đã đăng bản Tuyên Cáo ấy. Hình như cả làng báo Sài Gòn hôm ấy chỉ có báo Sàigòn Mới đăng Tuyên Cáo ủng hộ phe Quân Nhân Làm Đảo Chính Hụt. Những người ký tên trong Tuyên Cáo ủng hộ phe đảo chính, không phải nhật báo Sài Gòn Mới ủng hộ, nhưng vì đăng bản Tuyên Cáo đó báo Sàigòn Mới “có tội” với chính phủ. Báo không bị đóng cửa nhưng bị một phen xính vính. Sau đó bà Bút Trà bảo vệ tờ báo bằng cách đề nghị với Phủ Tổng Thống, Bộ Thông Tin “giúp cho” toà báo một, hai “chuyên viên coi sóc đường lối chính trị” của tờ báo. Báo Sàigòn Mới trả lương tháng cho những chuyên viên ấy nhưng mấy ổng chẳng có quyền hành mẹ gì mà cũng chẳng có việc mẹ gì làm trong toà soạn. Bọn ký giả nhà nghề chúng tôi, làm việc và sống bằng tài năng và công sức của mình, coi thường những người được chính quyền đưa vào ăn không ở toà báo. Không ai trong bọn họ được coi là “quân sư quạt mo” của báo Sàigòn Mới. Tôi không nhớ ông Trung sĩ Nhất Cục Tâm Lý Chiến Viêm Hồng có thời nào lĩnh lương của báo Sàigòn Mới hay không, tôi biết chắc nếu có thì việc đó xẩy ra những năm 1962, 1963, việc đó không thể xảy ra năm 1974 khi Đêm Vũ Hoàng Chương được tổ chức. Năm 1974 thủ đô Sài Gòn không còn báo Sàigòn Mới mà cũng chẳng còn bà Bút Trà như bà Chủ Báo Bút Trà năm 1960.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị bắn chết, buổi trưa ngày hôm sau Tượng Đồng Hai Bà Trưng ở Công Trường Mê Linh bị đám đông kéo xuống, Tượng Hai Bà bị cưa cổ, đầu Tượng bị cho vào xe xích lô chạy diễu trên đường Tự Do, cùng lúc ấy toà báo Sàigòn Mới bị một nhóm người kéo đến đập phá. Một anh nào đó, anh này mới thực là quân sư quạt mo, trong bọn cố vấn cho đám tướng lãnh làm đảo chính, biết lời chỉ thị của Lenin: “Khi ‘cách mạng’ thành công, nếu nhân dân có vì căm thù mà trả thù bọn cầm quyền cũ hay bọn nhà giàu thì đừng cấm. Cứ để họ làm.” Nhân dân không căm thù, không trả thù thì bọn đảo chính cho bọn tay sai đi phá phách. Khi bọn đập phá kéo vào, chị hầu của bà Bút Trà đưa cho bà cái nón lá, bà đội nón theo chị đi ra khỏi toà soạn. Những người đi phá phách chắc cũng không hãnh diện chi lắm với việc làm của họ, nên họ chỉ đập phá qua loa rồi rút êm. Chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ không đóng cửa nhật báo Sàigòn Mới.
Bốn tháng sau, khoảng Tháng Hai, Tháng Ba năm 1964, Nguyễn Khánh làm cuộc binh biến gọi là chỉnh lý. Trong cuộc họp báo thứ nhất của nhóm chỉnh lý, ủy viên của nhóm là Đỗ Mậu — hình như lúc đó còn là Đại tá — đọc lệnh đóng cửa ba nhật báo Sàigòn Mới, Ngôn Luận, Đồng Nai vì “tội cấu kết với Độc Tài Nhà Ngô.”
Nhật báo Sàigòn Mới, nhật báo Ngôn Luận, hai tờ báo chính của tôi, bị đóng cửa, thời phong độ của tôi chấm dứt, cuộc đời tôi bắt đầu đi xuống.
Ơi.. Người đọc những dòng chữ này ở tám phương trời, mười phương đất, tôi mời Người đọc:
TRUYỆN NGƯỜI THỢ NỀ VƯƠNG THỪA PHÚC.
Tác giả Hàn Dũ. Theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê
Nghề thợ nề hèn mọn mà lại khó nhọc. Có người làm nghề đó mà vẻ mặt lại như tự đắc, nghe lời nói thì giản ước mà thấu triệt. Hỏi thì đáp họ Vương, tên Thưà Phúc, đời đời làm nghề nông ở đất Tràng An, hạt Kinh Triệu. Hồi loạn Thiên Bảo, làm lính mộ, cầm cung tên mười ba năm, có công lao, có thể được thăng quan, nhưng bỏ mà về nhà; vườn ruộng mất hết, làm nghề thợ nề để nuôi thân, đã trên ba chục năm. Ở trọ một nhà tại chợ, mà trả tiền nhà, tiền cơm đều phải chăng. Tuỳ tiền nhà, tiền cơm đắt hay rẻ mà tăng hay hạ tiền công thợ nề, có dư thì cho những kẻ nghèo đói, phế tật.
Người thợ nề ấy nói:
– Nghề thợ nề dễ làm, tuy khó nhọc mà không có gì phải thẹn, lòng tôi được yên. Dùng sức thì dễ, dùng tâm thì khó mà cần có trí. Kẻ dùng sức để người ta sai khiến, kẻ dùng tâm sai khiến người, cũng là đáng vậy. Tôi chọn làm cái nghề dễ làm mà không xấu hổ.
Ôi..! Tôi cầm bay vô các nhà phú quí đã nhiều năm rồi. Có nhà tôi tới một lần, lần sau đi qua thì đã thành đất hoang, có nhà tôi tới hai, ba lần, lần sau đi qua thấy không còn nữa. Hỏi người láng giềng, có người nói: “Ôi..! Chủ nhà bị tội, chết rồi!” Có nơi đáp: “Chết rồi! Con cháu không giữ được gia sản.” Có người nói: “Chết rồi. Gia sản bị tịch thu!” Tôi lấy đó mà ngẫm thì chẳng phải ăn mà làm biếng nên bị vạ trời đấy ư? Chẳng phải là gắng dùng trí mà không đủø sức, không biết xét tài năng có xứng không mà mạo hiểm làm đấy ư? Chẳng phải là làm nhiều điều đáng xấu hổ, biết là không nên mà cứ làm đấy ư? Hay là phú quí khó giữ vì công lao thì ít mà hưởng thụ lại quá hậu chăng? Hay là thịnh suy có thời, hết thịnh đến suy không thể thịnh hoài được chăng? Nghĩ vậy tôi sợ lắm, cho nên tôi lựa cái nghề vừa sức tôi mà làm. Thích giầu sang mà ghét nghèo hèn, tôi nào có khác chi người.
Lại nói:
– Kẻ công lao nhiều thì cung phụng cho mình cũng nhiều; vợ con đều trông vào ta mà sống. Sức tôi yếu mà công tôi nhỏ, tôi không có vợ con cũng phải. Hạng người lao lực mà có vợ con thì thêm lao tâm. Một thân mà gánh vác hai việc, bực Thánh cũng không làm được.
Hàn Dũ tôi thoạt nghe còn nghi hoặc, sau ngẫm kỹ thì thấy người đó là bực hiền, là hạng mà người ta gọi là “độc thiện kỳ thân.” Nhưng tôi có chỗ chê người đó là vị mình thì quá nhiều, vị người thì quá ít. Người đó cho việc có gia đình là lao tâm, không chịu nhọc tâm để nuôi vợ con thì có khi nào chịu lao tâm vì người không? Tuy nhiên so với bọn người đời chỉ lo đắc thất, mong thoả mãn dục vọng một đời, tham tà mà quên đạo đến nỗi táng thân, thì người thợ nề đó còn hơn xa. Tôi lại nghĩ lời người đó có thể răn tôi được nên tôi chép lại truyện này.
Từ năm 1940 khi tôi bắt đầu ghi nhận được chuyện đời, tôi thấy ở nước tôi không có nhà nào giầu sang được hai đời. Hai đời thôi, không lâu đến ba đời, năm đời như những nhà công hầu quí tộc thời Đông Chu bên Tầu. Như nhà họ Hoàng, ông bố Hoàng Cao Khải, ông con Hoàng Trọng Phu, hai đời Tổng Đốc Đại Thần, nhưng đời Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu không được trọn vẹn. Chính quyền Nam Triều và Nhà Nước Bảo Hộ Đại Pháp tiêu tán thoòng, quay cu lơ, ngủm cù đeo, phe lơ mò khi Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu còn sống. Năm 1942 ông Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu về hưu, nhường chức Tổng Đốc Hà Đông cho ông Vi văn Định, rồi ông Hồ đắc Điềm. Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu qua đời không kèn, không trống ở Ấp Thái Hà năm 1946.
Sau năm 1945 những nhà giầu nước tôi, giầu thôi, không nói sang, không lâu được một đời. Như ông bà Bút Trà chủ báo Sàigòn Mới. Tờ nhật báo Sài Gòn ra đời từ những năm 1925, 1926, sau năm 1945 đổi tên là báo Sàigòn Mới. Báo sống được nhưng không huy hoàng, không phải là báo bán chạy, mãi đến năm 1957 nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản mầu đủ thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sàigòn Mới tăng vọt số báo bán. Anh con thứ sáu là Sáu Khiết xuất bản Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Tiền đổ vào nhà Sàigòn Mới như nước. Bà Bút Trà xây và làm chủ Rạp Xi-nê Kim Châu đường Nguyễn Văn Sâm.
Giang sơn Sàigòn Mới chỉ thịnh được có bẩy, tám năm, từ 1957 đến đầu năm 1964. Rồi tan. Rồi nát. Rồi không còn qua một dấu vết. Sau ngày tờ báo bị bức tử, ông Bút Trà đi sống với bà vợ nhỏ, bà Bút Trà về sống với nhà bảo sinh có từ trước của bà ở gần Trường Tiểu Học Bàn Cờ đường Phan đình Phùng. Tôi nghe nói sau năm 1975, ông Bút Trà chết trong nghèo đói. Ông bà Bút Trà không làm việc gì gian tham, thất đức, ông bà, những anh con của ông bà, không lười biếng, không phải là hạng người chỉ ăn mà không làm, không phải là những người làm mà không lượng sức, cũng không làm những trò gian dâm, không mê cờ bạc, không nghiện hút, không cả uống rượu, nhưng cuộc giầu có của họ vẫn không được bao năm. Ôi… Phải chăng như lời ông Thợ Nề Vương Thưà Phúc nói: “Thịnh suy có thời, không thể thịnh mãi!” Tôi chỉ ngậm ngùi vì chuyện ở đời tôi những thời gian Thịnh của những người sống cùng thời với tôi sao ngắn quá!
Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Đất Trích năm 2008.. Chiều cuối năm, 4 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 48 muà lá rụng đi qua cuộc đời, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:
– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!
Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi, tôi trở về toà báo Sàigònmới 48 năm xưa của tôi chỉ vì đêm qua tôi đọc vài dòng ông Ký Giả Lô Răng viết về Bà Chủ Báo năm xưa ấy của tôi là bà Bút Trà.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen