Việt nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm giành được độc
lập, với màn diễu bình tốn kém là điều khiến cho tầng lớp những người có hiểu
biết tỏ ra thất vọng. Vì theo họ, màn "diễn binh" hoành tráng đó chỉ
nhằm mục đích che đậy sự thất bại trong việc quản trị đất nước của ban lãnh đạo
Đảng CSVN trong suốt 70 năm qua mà thôi.
ĐÃ THỰC SỰ TỤT HẬU
Nếu biết thu nhập bình quân đầu người của người Việt
nam đến nay chỉ vào khoảng 2.200 USD/người và khi đối chiếu theo Báo cáo mới nhất
của Tổng cục Thống kê tại Hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập
và phát triển giai đoạn 2015-2035”, cho biết, thu nhập bình quân đầu người của
Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm,
Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. thì có thể thấy
sự bi đát của nền kinh tế đất nước. Đó là chưa kể đến các khoản nợ
công bình quân trên mỗi đầu người Việt nam đến thời điểm này là khoảng
1.200 USD/người, có nghĩa là kể từ cụ già chuẩn bị tắt thở cho đến cháu bé vừa
lọt lòng đều chịu một khoản nợ khoảng 25 triệu đồng.
Chưa hết, truyền thông Malayxia vừa đưa tin, trong
vòng 5 năm tới Malayxia sẽ đứng trong nhóm các quốc gia phát triển với mức thu
nhập bình quân đầu người khoảng 15.000 USD/người. Như vậy, Malayxia là quốc gia
thứ 2 trong khối Asian đạt được kỳ tích này sau Singapore. Nhắc đến tin này vào
thời điểm Malayxia vừa tổ chức kỷ niệm lần thứ 58 ngày độc lập, ngày 31/8/1957
sau thời gian đô hộ của Anh Quốc. Đây là bằng chứng cho thấy sự may mắn của quốc
gia láng giềng khi không có một đảng cộng sản vinh quang lãnh đạo, ngược lại đó
cũng là sự bất hạnh của người dân Việt nam. Cũng như Việt nam, Malayxia là một
quốc gia có thiên nhiên trù phú, giàu tài nguyên, tuy Malayxia giành được độc lập
sau Việt nam 12 năm, song đến hôm nay việc Việt nam đang đứng trong nhóm 4 nước
chậm phát triển nhất trong khu vực Asian, đó là Lào, Campuchia và Myanmar;
không chỉ thế đã và đang bị các nước này vượt qua.
Việc Việt nam đã tụt hậu về mọi mặt trong tất cả các
lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục v.v... so với các nước trong khu vực là điều
không phải bàn cãi. Như phát biểu của TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh
tế Việt Nam tại hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát
triển giai đoạn 2015-2035” đã khẳng định rằng: “Không nên nói nguy cơ tụt
hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi. Thậm chí một số lĩnh vực tụt hậu xa. Phải tuyên
bố rằng vấn để tụt hậu là rất gay gắt và đặt trong bối cảnh hội nhập thì nó sẽ
còn nguy hiểm cỡ nào?”.
NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Để tìm ra nguyên nhân đã khiến Việt nam thua kém
thiên hạ về tất cả mọi mặt, thì cần phải chỉ ra được thứ lực cản vô hình ấy là
gì?
Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi “Tại
sao mình thua kém thiên hạ nhiều thế?”, Phát biểu này được dư luận đánh giá rằng,
cho dù Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có câu trả lời một cách chính xác, tuy vậy ở
cương vị của ông - một kẻ ăn theo thì ông không dại gì mà nói ra, vì khác nào tự
đục thuyền mình ngồi giữa vùng nước xoáy. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy tất
cả mọi lĩnh vực, trên tất cả mọi phương diện của kinh tế - xã hội ở Việt nam đều
vấp phải một thứ lực cản vô hình vô cùng lớn, từ đó dẫn đến việc Việt nam đã trở
thành "một quốc gia không chịu phát triển".
Thực tế trong thời gian qua đã cho thấy, đường lối và
những chính sách của Đảng CSVN là hoàn toàn sai lầm, đó chính là lý do đã kìm
hãm sự phát triển của Việt nam trên mọi lĩnh vực. Vấn đề phát triển kinh tế là
một ví dụ chua xót, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nói về
thể chế kinh tế của Việt nam hiện nay-nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã
khẳng định rằng “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu.
Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Chính vì sự sai lầm như thế nên nền kinh tế Việt
nam dường như bị trói buộc và không thể cất cánh, nói như chuyên gia kinh tế Võ
Đại Lược thì: “Chúng ta là nền kinh tế thị trường duy nhất trên thế giới lấy
kinh tế nhà nước làm chủ đạo, làm kinh tế thị trường bị biến dạng, gia tăng vai
trò can thiệp hành chính của Nhà nước”.
Nói một ví dụ về lĩnh vực kinh tế để thấy thực trạng
của đất nước hiện nay hệt như một kẻ tự trói chân trói tay mình song vẫn không
biết nguyên nhân do đâu, vì đâu mà không theo kịp được người khác. Theo sách Luận
ngữ, Khổng tử nói rằng: "Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm
thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước.", điều
này hoàn toàn đúng với Việt nam hiện nay và thủ phạm không ai khác là Đảng CSVN.
Nhìn vào thực trạng xã hội Việt nam hiện nay, ai ai
cũng thấy mọi đường lối, chính sách phát triển về mọi mặt của đất nước đều
không giống ai và không có ai giống. Từ chỗ các nhà lãnh đạo Việt nam tự cho
mình quyền một mình một chợ để tự tung, tự tác, dẫn đến sai lầm về cơ cấu tổ chức
của các cơ quan quyền lưc Nhà nước. Điều đó đã làm cho cơ chế giám sát và điều
chỉnh quyền lực nhà nước bị vô hiệu hóa, đồng thời để nảy sinh một tầng lớp đặc
quyền có thể đứng trên Hiến pháp và pháp luật, khiến cho pháp luật không nghiêm
minh và đạo đức xã hội băng hoại.
GIẢI PHÁP NÀO?
Có thể khẳng định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân
khiến cho đất nước tụt hậu như hiện nay là do hệ tư tưởng cộng sản với Chủ
nghĩa Marx-Lenine làm nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN, điều mà đến nay chỉ còn
tồn tại trên danh nghĩa và duy nhất ở Việt nam. Trên thực tế, ban lãnh đạo Đảng
CSVN hiện nay dẫu đã gián tiếp thừa nhận sai lầm của chủ thuyết này và đã từng
bước chuyển sang con đường Tư bản chủ nghĩa. Sở dĩ họ không công khai thừa nhận,
vì thể chế chính trị hiện nay đã tạo cho họ có được đầy đủ những gì họ muốn, vì
thế họ nếu họ thừa nhận sự phá sản của học thuyết này sẽ làm cho thế hệ các đảng
viên kỳ cựu trong đảng - những người đã chấp nhận hy sinh tất cả để theo đuổi,
nay nếu như họ phải chứng kiến sự phản bội lý tưởng cộng sản thì sự giận dữ của
họ sẽ có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng CSVN.
Cũng phải nói thêm, không phải chỉ có ở Việt nam mà ở
đâu trên thế giới này cũng vậy, đa số dân chúng chỉ mong muốn được sống trong một
xã hội ấm no, thịnh vượng, có một nền giáo dục phát triển trên cơ sở pháp luật
được thượng tôn và một chính quyền minh bạch và trong sạch. Khi đó những nhu cầu
về dân chủ chỉ là đòi hỏi của một thiểu số có tham vọng quyền lực, những kẻ muốn
lợi dụng quần chúng nhân dân để đạt được điều đó.
Ngày nay trong một thể chế chính trị hiện hiện đại
bao gồm ba trụ cột chính, đó là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, một Nhà nước
pháp quyền và một hệ thống các tổ chức xã hội dân sự. Khi đó thị trường đảm bảo
các yếu tố quyết định phân bổ hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo dịch chuyển nguồn
lực; Nhà nước dùng chính sách để điều tiết, xử lý những thất bại của thị trường;
và các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò phản biện, xây dựng chính sách, và
giám sát thực thi chính sách. Vì thế giải pháp để giải quyết có thể là phải cải
các thể chế chính trị một cách sâu rộng trên cơ sở:
Về kinh tế: Phải lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm,
đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước. Trên cở sở nhà nước quản lý bằng
cách chính sách vĩ mô và giảm thiểu đến mức tối đa trong việc tham gia làm kinh
tế, trừ các doanh nghiệp quan trọng mang tính chất đảm bảo an ninh kinh tế. Đồng
thời nhà nước cần tạo mọi nguồn lực, kể cả các chính sách ưu đãi cao nhất có thể
cho khu vực kinh tế này phát triển mạnh mẽ. Có như thế sẽ tạo ra một thị trường
lao động khổng lồ và vị thế của người lao động được nâng cao. Điều này cũng
đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi cho rằng: “Chỉ
có xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì mới tạo ra triệu triệu công ăn việc
làm cho đất nước và doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi ngõ
ngách của cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội và làm cho chúng
ta bớt lệ thuộc hơn vào các nền kinh tế khác”.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Nhà nước pháp quyền là
sự kết hợp giữa Nhà nước và pháp quyền, ở đó không có ai đứng trên luật hay
ngoài luật, mà tất cả mọi người phải tuân thủ và bình đẳng trước pháp luật. Khi
đó, các quy định hay văn bản pháp luật mà Nhà nước đưa ra và ban hành phải tuân
thủ toàn thể các quy phạm pháp luật cao hơn như Hiến pháp, các luật, hay điều ước
quốc tế, không được hưởng bất kì đặc quyền nào. Muốn vậy phải xây dựng một nền
tư pháp độc lập trên cơ sở một hệ thống pháp luật phù hợp và hoàn chỉnh. Việc
thiết lập thiết chế tam quyền phân lập, trong đó là quyền lập pháp (Quốc hội),
quyền hành pháp (Chính phủ) và quyền tư pháp (Tòa án) là 3 cơ quan độc lập khác
nhau để kiểm tra và giám sát hoạt động lẫn nhau với mục tiêu kiềm chế quyền lực
để hạn chế lạm quyền, bảo vệ tự do và công bằng pháp luật. Và về mặt lý thuyết
thì Nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nền tảng để
hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.
Xây dựng một hệ thống XHDS thực sự: XHDS là xã hội
trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp
tác xã, nhóm,.. không chịu sự chi phối của nhà nước, nhằm thực hiện mối liên hệ
giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình.
Các tổ chức XHDS luôn có vai trò mang tính đối trọng với chính quyền, nhằm giám
sát mọi hoạt động của nhà nước nhằm để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ
máy nhà nước, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội ngày một
hoàn thiện hơn. Mọi hoạt động của các tổ chức XHDS đóng vai trò rất cần thiết
cho xã hội, vì ở một chừng mực nào đó nó là lực lượng giúp đỡ Nhà nước trong việc
xây dựng và thực thi pháp luật, Nên nhớ, các tổ chức XHDS tồn tại không chỉ với
mục đích duy nhất là tranh giành quyền lực với nhà cầm quyền.
KẾT
Việc Việt nam chậm phát triển thường được người ta đổ
lỗi cho chiến tranh kéo dài, song nếu nhìn lại các nước thoát ra khỏi chiến
tranh giống Việt nam, như Đức, Nhật bản hay Hàn quốc thì sẽ thấy, trong một thời
gian không đến 30 năm sau chiến tranh họ đã vươn lên trở thành các cường quốc
kinh tế hàng đầu trên thế giới. Việt nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ,
trở thành Rồng, thành Hổ như các quốc gia khác đã thực hiện thành công, nếu có
một đường lối phát triển đúng đắn, phù hợp.
Theo Báo cáo phát triển của Ngân hàng Thế giới năm
2009 cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so
với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Nếu so với
con số thống kê tại hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và
phát triển giai đoạn 2015-2035” nói trên thì cũng thấy khả năng chuyển mình của
Việt nam là điều có thật và hoàn toàn có thể.
Ngày nay, để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của một
quốc gia không hoàn toàn khó khăn như trước đây. Đối với các nhà lãnh đạo có khả
năng quản trị quốc gia tốt, người ta có thể có các chính sách kinh tế để vực dậy
một nền kinh tế ù lý, không chịu phát triển buộc nó phải chuyển mình trong thời
gian 6 tháng đến 1 năm. Đối với Việt nam hiện nay, nếu các nhà lãnh đạo hiện tại
thực sự có tâm với đất nước và dân tộc, họ dám hy sinh quyền lợi cá nhân của
mình và đồng bọn để từ bỏ ý thức hệ cộng sản một cách dứt khoát, thì chắc chắn
chỉ trong vòng 15-20 năm Việt nam sẽ chuyển mình một cách mạnh mẽ không thể ngờ.
Với nhận thức và tư duy chính trị của trí thức Việt
nam hiện nay (thể hiện qua mạng xã hội facebook) thì việc thiết lập một nền dân
chủ rộng rãi kiểu phương Tây, kể cả việc đa đảng là chưa thực sự cần thiết.
Chính trị của các quốc gia Asian đã cho thấy điều đó. Mà hãy thiết lập một nền
dân chủ "tự do một phần" kiểu Singapore như hiện nay có lẽ là mô hình
thích hợp đối với Việt nam trong vòng 20 năm tới./.
70 năm ngày Quốc khánh. 02/9/2015
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen