Samstag, 4. April 2015

Việt Tân: DÒNG TÂM TƯ NƯỚC MẮT- PHẠM VĂN THÀNH

Paris ngày 26 tháng 5, 1999
Tôi, Phạm văn Thành, 40 tuổi, quê quán Biên Hòa, gia đình gốc Công giáo di cư năm 1954.
Làm quen với sinh hoạt chiến đấu chống Cộng sản từ khi mới thoát khỏi tuổi thiếu niên, 1977, cùng với các bậc cha chú trong Phong trào Kháng chiến Liên Tôn, địa bàn hoạt động là Miền Đông (Long Khánh, Biên Hoà, Thủ Đức...)

Năm 1982 vượt biển, tham gia lực lượng kháng chiến của tướng Hoàng Cơ Minh từ Phi Luật Tân, dưới quyền chỉ đạo của chiến hữu Kim Sơn, Thành bộ trưởng Bộ Đặc biệt Palawan, với nhiệm vụ chìm.

Đến Pháp năm 1983, hoạt động toàn thời gian cho Tổ chức Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) từ năm 1984 đến 1988, không nhận bất cứ một khoản lương nào của Mặt trận (MT) ngoại trừ khoản tiền 400 đô-la vào đầu năm 1985 do Chiến hữu Cao Văn giao tận tay để chia xẻ chi phí đi đường cho công tác Hòa Lan, Đan Mạch, một công tác kéo dài suốt 5 tháng với nhiệm vụ thành lập lại cơ sở MT tại Hòa Lan, lúc đó đã tan nát 90% sau cơn bão tố niềm tin xảy ra cuối năm 1984 giữa hai vị lãnh đạo cao cấp nhất thời bấy giờ, ông Hoàng Cơ Minh và ông Phạm Văn Liễu.

Franfurt 1985 Nguyễn Kim (Hườn) vest trắng. Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn cạnh Nguyễn Kim, cạnh Nguyễn Quảng Văn là Võ Sĩ Hùng, bị xử tử tại chiến khu Ubon 89/90. Ngoài cùng (trái) là Phạm văn Thành.

 Phạm văn Thành đứng, ngồi - áo jean Võ thanh, Võ Sĩ  Hùng và Nguyễn Quảng Văn 8.1985 tại nhà Nguyễn Ngọc Đức (Lý Quảng...)
9.1985 buổi dã ngoại sau cùng vớí võ sư Bordeaux /Võ sĩ Hùng (đứng) và kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (ngồi khoác khăn) Phạm văn Thành ngồi giữa
sáng 10.9.1985...đi vào bí mật. Từ trái: Nguyễn ngọc Danh  (Tổng Thư ký Hội Chuyên Gia, Ủy viên cấp khu Âu châu VT)., Võ thanh, Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (giữa), kế Nguyễn Quảng Văn là Võ sư Boerdeaux /Võ sĩ Hùng kế Võ sĩ Hùng là Cao Văn, nguyên Trung tá (hay Thiếu tá?) BĐQ / VNCH 
(10.9.1985 Antony/Pháp) đêm từ biệt, chén rượu biệt ly đưa người vào vùng sinh tử. từ trái qua: Phạm văn Thành, Võ sĩ Hùng, Cao Văn
Thay vì đi vào bí mật, họ đã được đưa đi "trình diện" cơ sở Bỉ và Hà Lan để ..."củng cố tinh thần hai cơ sở Hà Lan, Bỉ ..."!!!Thậm chí gặp gỡ giớí báo chí Bỉ quốc...
Là nhân lực tình nguyện phục vụ quốc nội, giấy chấp thuận ký giữa năm 1985 do ông Phan Vụ Quang (tức ông Hoàng Cơ Định). Chuyến đi được quyết định ngày vào giữa tháng 9.1985 với vé máy bay tự túc. Cùng đợt về từ Âu Châu trong thời gian này gồm Trần Quốc Hùng (cựu sĩ quan Dù) từ Đan-Mạch, võ sư Võ Sĩ Hùng và Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn từ Pháp.
Tháng 8 /1985 Trần Quốc Hùng giã từ Copenhagen - Denmark về Japan để vào Khu Chiến – Cạnh anh là Hùynh T- nhắm mắt là Nguyễn công Khảm nguyên Đại Úy an ninh hỗn hợp Việt Mỹ (đã mất), Truong Cơ Sở Bắc Âu - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành


Quyết định về nước (tức chiến khu) từ cấp Tổng Vụ Hải Ngoại có thay đổi trong những ngày chót: Phạm Văn Thành (là tôi) bị ở lại Hải Ngoại để tiếp tục thử thách (!)

Năm 1988 tôi quyết định xin ngưng công tác toàn thời gian vì gần như bị "thất nghiệp" trong công tác.
Trình độ học vấn của tôi không nhiều, không thể vạch chiến lựợc, vẽ chiến thuật cho tổ chức. Nhưng để thi hành chiến lược chiến thuật thì tổ chức nào cũng cần những người như chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam có đủ lòng tự trọng dân tộc và có một tinh thần đấu tranh chống Cộng sản cương quyết, có đởm lược khả dĩ đủ để bảo vệ lý tưởng tự do trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những nhân lực "toàn thời" như vậy không thể xử dụng chỉ cho mục tiêu "kinh tài món" ngày ngày đi bán rau, vác gạo hay nấu cơm phục vụ các "chiến hữu đấu tranh cuối tuần" ở cái đất Paris vốn đầy những mưu mô chính trị. Tôi đã rời khỏi đội ngũ toàn thời vì những lý do như vậy, song song với những lý do thuộc về tinh thần và tâm lý rất mẫn cảm... mà tôi không thể trình bày ra ở đây, vì có liên quan đến hạnh phúc của một số gia đình. Vì trân trọng hạnh phúc của từng gia đình này, tôi buộc lòng phải giữ thái độ im lặng, không nêu ra những lý do đó. Tôi cũng tin rằng không ai có đủ nhẫn tâm để yêu cầu tôi phải trình bày những điều tôi đã không muốn nói ra, vì hạnh phúc của một số gia đình như đã nêu.

Năm 1989, tôi bị "sa thải" khỏi hàng ngũ MT sau khi các vị lãnh đạo của cơ sở MT tại Âu Châu và Paris đã "tận tình" bôi bẩn danh dự cá nhân tôi, đồng thời tận tình phá vỡ đời sống gia đình của vợ chồng tôi. Anh chị em trong gia đình bên vợ tôi bị chia ra làm hai với những ê chề đau đớn đến tận cùng. Trong khi đó các vị lãnh đạo thì hả hê khi thấy tôi gần như bị cô lập hoàn toàn với Cộng đồng. Các hội đoàn nghi kỵ, chiến hữu dè bỉu, thân hữu xa lánh, gia đình chối từ.

Gần một năm trời tôi đã thu mình trong một cư xá sinh viên nghèo nàn, chán chường đến tận cùng bài học về con người. Tôi đã muốn quên đi tất cả. Nhưng cuộc sống vẫn xảy ra quanh tôi. Những gian manh càng ngày càng cuồng bạo xảy ra trên đất nước tôi: những thao thức, những nhục nhằn chiến đấu vẫn xảy ra trên đất Mẹ, dù phải trả bằng trăm cay ngàn đắng.

Từ trái qua: Ngọc Thùy, Phạm Tôn (nguyên Thành Bộ Trưởng MT - Paris), Thanh Tú, Tran H. Chau (sinh viên du học VNCH 1974, nguyên UV Tuyên vận MT/VT xứ bộ Pháp 1984/1989), Phạm văn Thành, nghệ sĩ Duy Thiện, Đặng Bình (nguyên Trưởng Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Paris). Hình chụp lúc quyết định thành lập nhóm nhạc Gió Việt 1990 - 
ảnh tư liệu của Phạm văn Thành

Đến khi những tờ báo Khát Vọng từ Sài-Gòn dạt đến được tầm tay mình, tôi đã bật dậy, gom góp hết sức lực còn lại, để mong có thể làm được điều gì đó cho đất nước. Anh Em chúng tôi lại tụ lại, nhóm Gió Việt ra đời tại Paris (hầu hết đều là những nhân sự trụ cột của đoàn Văn nghệ Kháng chiến Paris thuộc MTQGTNGPVN những năm 1987 và 1988).

Để mong hoạt động tốt, Anh Em gom góp vốn hùn một cơ sở kinh doanh. Và đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của tôi và cả nhóm. Chúng tôi không phải là những nhà kinh doanh giỏi, lại đi làm một công việc thuần túy kinh doanh để lo cho hoạt động của Đoàn. Chúng tôi thất bại! Đã có nhiều trận cười hả hê chung quanh chúng tôi, của kẻ thù cũng có và của những người đã từng là chiến hữu cũng có!!!

Nhóm Tiên Long đã ra đời trong hoàn cảnh này và tôi cùng kỹ sư Phạm Anh Dũng, cựu sĩ quan QLVNCH Lê Hoàn Sơn đã lên đường về nước, với khát vọng làm một trận lửa cháy bằng biểu tình ngay tại Sài Gòn, để chuyển thế đấu tranh cả trong lẫn ngoài nước từ thế thủ sang thế công. Vì sự bội tín, chúng tôi đã thất bại và chấp nhận ngồi tù (1993)

Nhà tù cộng sản đã đổ lên thân xác chúng tôi những đớn đau ê chề. Nhưng chính nơi những nhà tù này cũng đã dạy chúng tôi những bài học làm người quý giá. Thầy dạy của chúng tôi chính là những người tù bình thường nhất, những người tù vì lý do chính trị lâu năm nhất, trong đó có những người còn rất trẻ. Những người từng một thời chung với tôi một tổ chức, từng một thời sống hiên ngang giữa đất trời biên giới Lào Việt và Thái Lan, từng một thời có rất nhiều ước mơ, rất nhiều khát vọng. Tất cả đều đã rất chán chường!

* Chán chường vì sự thật được phơi bầy trơ trẽn quá!
* Chán chường vì mặc cảm bị trường kỳ bỏ rơi! Anh Em đâu? Chiến hữu đâu? Lãnh đạo đâu? Mà biết bao năm, những tiếng kêu thống thiết của họ đều chìm vào quên lãng. Gia đình họ vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không một lời hỏi thăm, không một miếng quà (dù nhỏ nhất) để tỏ chút ân tình chiến hữu.

Khi biết tôi từng có thời chung tổ chức, Anh Em đã đến với nhau, sống chan hòa với nhau như bát nước đầy. Và mọi sự thật đã được mở gỡ một cách thận trọng. Tôi vô cùng cảm ơn các Anh Em, chúng ta đã cùng nhau chia ngọt xẻ bùi để rồi lại tiếp tục đứng lên, làm tiếp công trình còn dang dở. Tôi cũng cảm ơn các Anh Em, đã giải tỏa cho chúng tôi những thắc mắc từ lâu in đậm trong mỗi suy nghĩ của chúng tôi tại hải ngoại. Những thắc mắc đã đưa đến việc tôi phải bị sa thải khỏi hàng ngũ MTQGTNGPVN năm 1989.

Hàng năm chúng tôi đã cùng làm lễ giỗ chung cho các anh em đã nằm xuống trong trận đánh Nam Lào, trong đó đặc biệt có ông Hoàng Cơ Minh, có anh Võ Hoàng, Trương Ny, Huỳnh văn Tiến, v.v... Cảm ơn các anh đã hiên ngang chấp nhận trả giá đắt cùng với tôi trong những lần như vậy.
Ân tình này làm sao quên được? Ân tình này làm sao im lặng được?

Đó chính là lý do đưa tôi đến quyết định bạch hóa sự thật của 3 cuộc xâm nhập (mang tên Đông Tiến 1, 2 và 3) do MTQGTNGPVN tổ chức.

* Bạch hóa vì lòng tự trọng của một Tù Nhân Chính Trị,
* Bạch hóa vì lương tâm của một người đi đấu tranh đối với những người đã nằm xuống một cách vô cùng anh dũng trên đất lạ quê người, cho ước mơ Dân Tộc Hạnh phúc.
* Bạch hóa vì sự an nguy của những người đang chuẩn bị lao vào trận chiến dưới sự điều động gây quá nhiều nghi ngờ của tổ chức MTQGTNGPVN.

Sự bạch hoá được chia làm hai thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất, vì tôn trọng quyền công bố của MẶT TRẬN, tôi đã viết một thư tay dài hơn 40 trang, chữ nhỏ, trong đó trình bày chi tiết cả ba cuộc xâm nhập, và ĐẶC BIỆT ĐỀ CẬP ĐẾN NHỮNG THÔNG TIN QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHẢN BỘI CỦA NHỮNG NHÂN VẬT CÓ TRÁNH NHIỆM XÂY DỰNG ĐƯỜNG DÂY XÂM NHẬP CHO CẢ BA CUỘC ĐÔNG TIẾN.
Lá thư được viết ngày 27 tháng 11/1998, chưa đầy một tháng sau khi tôi được Cộng sản VN trả tự do - do sức ép của quốc tế và đồng bào hải ngoại. Lá thư này đã được gởi trong vòng một tuần sau đó đến đích danh ông Nguyễn Kim (tức Nguyễn Kim Hườn)

Ông Phan Vụ Quang cũng đã có lá thư này, do ông Kim trung chuyển. Trong thư tôi cũng xác định rằng tôi chỉ có thể giữ im lặng được (trước công luận báo chí truyền thông) trong vòng 3 đến 5 tháng.

Suốt trong thời gian này, các cấp lãnh đạo của tổ chức MẶT TRẬN không hề cho tôi biết rõ ràng MẶT TRẬN sẽ phản ứng như thế nào đối với những đề nghị và yêu cầu của tôi.

Ngày 14 tháng 4/1999, tôi được phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh Quê Hương phát đi tại California. Khi được hỏi về những sự việc liên quan đến ông Hoàng Cơ Minh tự sát tại biên giới Việt Lào, tôi đã xác nhận về thông tin này. Tôi đã hành xử đúng vị trí của một người tù chính trị đối với một tổ chức chính trị là MTQGTNGPVN trong việc giữ sự im lặng như đã hứa. Đồng thời ngày 14 tháng 4, 1999 tôi cũng đã làm đúng bổn phận của một "người tù chính trị nắm rõ sự thật" trước công luận.

Trước khi xảy ra buổi phỏng vấn, ông Trần Đức Tường đã gọi điện thoại cho tôi và đề nghị tôi tránh né buổi phỏng vấn. Tôi đã trả lời rõ ràng là tôi sẽ chọn cách hành xử đúng nhất, có lợi cho công việc chung. Sau đó ông HOÀNG CƠ ĐỊNH (PHAN VỤ QUANG) có điện thoại cho tôi đến 7 lần trong ngày. Lúc đó tôi không có mặt ở nhà vì đang bận rộn công việc chung tại Thụy Sĩ. Khi về nhà, kiểm lại máy nhắn tin, tôi thấy có nhiều điều làm tôi phải suy nghĩ. Suy nghĩ không phải vì sợ, mà vì cảm thấy lo ngại cho trận chiến đang diễn ra ngày một gay gắt với kẻ thù chung CS...

Dù rằng đứng ở vị trí chiến đấu nào đi nữa, chúng ta cũng rất cần hai điều căn bản, đó là sự thẳng thắn và sự tôn trọng lẫn nhau. Thái độ khích bác và hù dọa có thể có tác dụng được với một số người, một số trường hợp.
Tuy nhiên, không phải là hữu hiệu với mọi trường hợp.

Đứng trước họng súng và cùm xích của chế độ dã man Cộng sản, dù có sợ, tôi vẫn đã đứng vững cùng các anh em khác và tuyên chiến "sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng" ngay tại hội trường kiểm thảo trại Đầm Đùn T5, trước mặt tập thể tù chính trị và bọn Sĩ quan An ninh, Phản gián Việt cộng (VC). Vậy thì ngày hôm nay, trong môi trường này, xin đừng dùng cách làm việc ấy với tôi, vì nó chỉ tốn thời gian vô ích.

Tôi rất muốn tôn trọng mọi người và xin hãy giúp tôi giữ được trọn vẹn ước muốn đó.

Trở lại việc bạch hóa trên đài phát thanh Quê Hương. Sau khi kiểm lại rất nhiều lời nhắn trong máy, tôi đã gọi cho ông PHAN VỤ QUANG, vì xét thấy cách nói chuyện của ông lịch sự và chí tình. Tôi đã xác nhận với ông PHAN VỤ QUANG, là tôi sẽ công bố sự thật về việc ông Hoàng Cơ Minh đã tự sát, cũng như những cái chết liên quan. Đối với tôi, những cái chết liên quan là điều rất quan trọng. Ông PHAN VỤ QUANG đã nói sẽ tôn trọng ý kiến của tôi và ngỏ ý mời tôi qua San Jose, đứng trước bàn thờ tướng Minh tại nhà ông. Tôi hứa sẽ sắp xếp qua, nếu như được bà Hoàng Cơ Minh đón tiếp, bởi chúng tôi (Tiên Long Hải Ngoại) đang còn giữ chiếc nanh heo rừng mà Thầy Giác Nhiên đã trao tặng Tướng Minh nhân dịp 30.4.1983 tại Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ xin gặp Thầy Giác Nhiên để nhờ Thầy kiểm định xem có phải đó chính là chiếc nanh heo mà Thầy đã tặng cho tướng Minh hay không.

Chiếc nanh heo này, tướng Minh đã tặng lại cho một cán bộ MẶT TRẬN tại quốc nội, tên Dương Thanh. Ông Dương Thanh đã trao lại cho kháng chiến quân (KCQ) Lý Viên (cũng là một tù nhân), ông Lý Viên sau đó đã trao cho nhóm Tiên Long.

Lại trở lại việc bạch hóa thông tin liên quan đến MẶT TRẬN. Sau 3 cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Quê Hương, và sau khi một bài viết của luật sư Hoàng Duy Hùng tại Hoa-Kỳ được chạy trên Internet, tôi đã gặp rất nhiều điều tế nhị cũng như phiền toái xảy đến cho riêng tôi, cũng như gia đình tôi.
Tôi có thể chịu đựng được, cũng như đã từng chịu đựng sự khích bác từ 10 năm trước đến nay, nhưng Mẹ tôi thì không. Bà dù sao cũng chỉ là một người Mẹ rất Việt Nam, bà đã giận và rất buồn phiền về tôi. Vợ tôi cũng vậy, người đàn bà yếu ớt đang mang thai ở tuổi 40, rất dễ bị xúc động...!

Ngày 26 tháng 4.1999, vừa từ Hòa Lan trở lại Pháp, vì sức ép của gia đình, tôi đã đồng ý tiếp các vị quan chức của MẶT TRẬN tại nhà tôi từ 1 đến 3 giờ chiều. Có mặt trong buổi gặp gỡ này là quý ông Trần Đức Tường, Nguyễn Ngọc Đức, Trần Văn Phước và ông Bùi Trung Trực, anh ruột của vợ tôi.

Các vị này có lẽ là những người hiểu rõ hơn ai hết về hoàn cảnh gia đình của tôi. Tôi sống như thế nào? Vợ tôi mạnh yếu ra sao? Con tôi thiếu thốn những gì, thừa thãi những gì? Tôi không cần phải dấu diếm và bình thản bảo vệ quyết định công bố của tôi!

Sóng gió gia đình đã nổi lên 5 tiếng đồng hồ sau phiên họp này, liên quan đến bài viết của ông Hoàng Duy Hùng. Có một điều đã làm chính tôi cảm thấy rất day dứt. Đó là có một đoạn trong bài viết, một đoạn rất ngắn, trong đó ông Hoàng Duy Hùng đã gọi tất cả những cán bộ cấp trung của MẶT TRẬN bằng một từ ngữ rất nặng.

Trong tinh thần tôn trọng sự thật, tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng tuyệt đối đến các cán bộ của MTQGTNGPVN, đã kiên định đấu tranh và hy sinh rất nhiều tâm huyết cho đại cuộc trong thời gian qua, đặc biệt là các cán bộ MẶT TRẬN tại Hòa Lan, Đức, và Pháp, cũng như một số nơi khác.
Các anh, ở những vị trí cá nhân hoàn toàn độc lập, đã hỗ trợ tối đa cho kế hoạch Bảo vệ Các Tù nhân Chính Trị trong nước, trước và sau khi bản thân tôi được tự do. Đây là một tinh thần đấu tranh vô vị lợi. Đặc biệt, hầu hết các cán bộ MẶT TRẬN tại Âu Châu đều không hề nhận lương tháng.

Trong nhu cầu kết hợp làm việc chung, tôi đã thay mặt Hội Tiên Long tuyên bố kết hợp làm việc cùng phong trào Quốc Dân Việt Nam Hành Động tại Hoa Kỳ. Vì thế, những điểm đúng sai của ông Hoàng Duy Hùng, chúng tôi cũng nhận chịu chung trách nhiệm. Một lần nữa, đứng trên cương vị người chịu trách nhiệm của tổ chức Tiên Long, tôi chính thức và trân trọng kính gởi đến các cán bộ MẶT TRẬN trung kiên và trân trọng đối với Tổ Quốc Việt Nam lời xin lỗi chân thành nhất của tôi, người phát ngôn của tổ chức Tiên Long.

Điểm thứ hai tôi cũng cần xác định liên quan đến người đã sinh thành ra vợ tôi, mà tôi vẫn coi như người cha thứ hai.
Bố tôi đã mất sau nhiều năm làm việc miệt mài cho Tổ chức, chỉ mong ước sớm được nhìn thấy ngày quê hương thực sự tự do. Ông đã mất sau ngày Tướng Minh nằm xuống đúng 1 năm và 15 ngày. Khi ông Hoàng Duy Hùng đến nhà tôi để làm việc trong chuyến công tác tại Âu Châu đầu năm nay, nhìn thấy di ảnh của Bố tôi, ông đã hỏi: "Đây có phải là ảnh của ông cụ Bùi Trịnh Hữu?" Tôi trả lời đúng. Ông Hùng nói có nghe nhiều về ông cụ của vợ chồng tôi và hỏi thêm: "Khi mất, ông cụ đã có biết việc tướng Minh nằm xuống không?" Tôi nói "Có, ông cụ biết được do một nguồn thông tin của người Lào, và do lá thư của anh Trần Quốc Hùng, cựu sĩ quan Dù đã về nước cùng Tướng Minh, cũng bị bắt và được tạm tha. Ông cụ có hỏi tôi về thủ bút của Trần Quốc Hùng và tôi đã xác nhận là đúng.Vài tuần sau ông lâm bệnh rất nặng về thần kinh não và qua đời sau đó vài tháng. Cái chết của ông cụ gây bất ngờ hoàn toàn cho mọi người, vì ông cụ là một người có thể lực rất tốt. Ông cụ có tâm hồn bao dung với mọi người và có một tấm lòng vô cùng thiết tha với đất nước..."

Có lẽ do công việc làm quá căng thẳng trong suốt thời gian ở Âu Châu nên ông Hoàng Duy Hùng đã hiểu không hoàn toàn đúng sự trình bày của tôi? - bài viết này, tôi xin ghi lại những lời tôi đã nói, đồng thời xin nhận lỗi với ông Hoàng Duy Hùng, nếu như, do sự trình bày thiếu cẩn thận của tôi mà ông đã nắm không được hoàn toàn đúng tinh thần sự kiện. Với gia đình thân yêu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều công bố này.

Để kết thúc bài viết này, tôi trân trọng công bố phần hai của lá thư mà tôi đã gởi cho cấp cao nhất Tổng vụ Hải ngoại MTQGTNGPVN. Phần hai này được bắt đầu từ câu nói của ông Hoàng Cơ Minh trong những ngày cuối cùng "ÔNG NÓI, SAO TỚI GIỜ NÀY VẪN CHƯA THẤY LÊ PHÚ SƠN RA ĐÓN?"

-Bài này đã đăng trên Đặc San QUYẾT THẮNG (Hưng Việt) số 09 ngày 19/6/1999 - California



Để kết thúc bài viết này, tôi trân trọng công bố phần hai của lá thư mà tôi đã gởi cho cấp cao nhất Tổng vụ Hải ngoại MTQGTNGPVN. Phần hai này được bắt đầu từ câu nói của ông Hoàng Cơ Minh trong những ngày cuối cùng "ÔNG NÓI, SAO TỚI GIỜ NÀY VẪN CHƯA THẤY LÊ PHÚ SƠN RA ĐÓN?". 
VẬY LÊ PHÚ SƠN LÀ AI? NGƯỜI NÀY CÓ QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI ÔNG MINH? 
QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI ĐƯỜNG DÂY XÂM NHẬP? 
Khoảng 1982, từ trong nước có một nhóm người vượt biên giới đến Thái và gia nhập vào TQGTNGPVN. Dẫn đầu đoàn người này là ông LÊ PHÚ SƠN, xưng danh là "đại diện kháng đoàn Thất Sơn" từ trong nước ra kết hợp.

Trong đoàn này có ông Dương Văn Tư, ông Trần Tự Nhiên và con trai, bà Trần Thị Kim Huệ (vợ ông Nhiên), Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, ông Lê Đình Bảy và một số người khác. Trong đoàn người này có hai người bị tổ chức MẶT TRẬN tuyên án tử hình và đã bị xử tử vì lý do được gọi là phản bội vào khoảng đầu năm 1985. 
Các KCQ trong tù thì xác định rằng đã có sự tranh cãi kịch liệt giữa ông Trần Tự Nhiên và các cấp lãnh đạo về việc ông Nhiên đòi ra hải ngoại để vận động kết hợp thêm vì không đồng ý cách làm việc của MẶT TRẬN trong việc kết hợp. 
Sau khi hai người vừa nêu bị xử tử, đường dây xâm nhập cũng bắt đầu bằng các đợt về đầu tiên do ông LÊ PHÚ SƠN lập ra. Các đường dây này gọi là đường dây của "Ủy ban Kháng quản". Ông LÊ PHÚ SƠN sau đó đã trở thành người cao cấp nhất của các Ủy ban Kháng quản, người chịu trách nhiệm đường dây xâm nhập cho tất cả các đợt tiếp theo. Người được Tướng Minh phong cho chức vụ cao nhất ở trong nước lúc đó là Trần Phó Trấn IV. Nên nhớ cho tới lúc bấy giờ (và cho đến nay) ở trong nước không có bất cứ cấp TRẤN nào ra đời ngoài Trấn IV. Cấp Trấn, theo như các KCQ giải thích sau này, được so tương đương cấp Vùng thời Việt Nam Cộng Hòa (có 4 Vùng Chiến thuật trước 1975). 
ĐỢT ĐÔNG TIẾN I về năm 1986 do ông Huỳnh Trọng Hà dẫn, lãnh đạo là ông Dương Văn Tư. Trong đoàn này còn có bà Trần Kim Huệ và ông Huỳnh văn Tiên. Cả đoàn đã vào tới sông Sa-Thầy. Tới một đoạn sông dữ, ông Huỳnh Trọng Hà và mấy chục người khác đã bị cuốn trôi mất xác. Ông Lâm Thao lên thay thế Huỳnh Trọng Hà và cũng bị chết do phản bội (?). 
Ông Dương Văn Tư đã họp những anh em còn lại (trong đó có Dương Mến, người em kết nghĩa của tôi) và chia cho mỗi người một ít vàng, rồi bảo ai nấy nên tự mình tìm đường thoát. Ông Tư đã biệt tích sau đó. 
Anh em đã lần theo dấu giày và thấy hướng mũi giày đi về phía Cam Bốt. 
Xin lưu ý là sông Sa Thầy nằm trong địa phận Pleiku, Việt Nam. Sau đó không lâu, những người còn lại đều bị bắt, bị đánh đập và tra tấn dã man. 
Mọi câu hỏi đều không thấy đề cập đến bà Trần Kim Huệ và ông Huỳnh Văn Tiên (xin đừng lẫn lộn với một người cũng tên Huỳnh Văn Tiên hiện đang ở Đan Mạch). 
ĐỢT ĐÔNG TIẾN II về ngày 11 tháng 7, 1987 gồm khoảng 180 người (với 30 lính kháng chiến Lào Vàng Pao) đi từ tỉnh Ubon ngược về Mộc Tà Hản bằng xe của Hồng Thập Tự Quốc Tế. Sau đó băng qua sông Mê-Kông để vào tỉnh Saravan thuộc Lào. Ông Minh đã đổi hướng đổ bộ thay vì theo sự sắp đặt của tình báo Thái. Sau này, trong các đợt thẩm cung, các KCQ đều biết rằng điểm đổ bộ do tình báo Thái sắp đặt đã có một trung đoàn bộ đội Việt cộng phục sẵn. 
5 ngày sau khi đổ bộ qua sông, ở một đoạn đường quốc lộ 13, đoàn quân Đông Tiến II đã đụng trận đầu tiên, buổi chiều đụng lần hai, và liên tiếp cho đến ngày thứ 49 của trận chiến. Đặc biệt thời gian đầu bộ đội Việt Cộng chỉ đánh cầm chừng, cho tới khi ông Lê Đình Bảy dẫn một số quân thuộc "Kháng đoàn Thất Sơn" cũ trốn về phía Việt Cộng thì áp lực trận chiến tăng cường độ ác liệt với rất nhiều đạn pháo cá nhân được xử dụng, nhắm thẳng vào đoàn quân. Ông Lê Đình Bảy trốn về với Việt Cộng ngày 16 tháng 8/1987. 
LÊ ĐÌNH BẢY LÀ "QUYẾT ĐOÀN TRƯỞNG QUYẾT ĐOÀN ĐẶC NHIỆM" trong Đông Tiến II trước khi y phản bội. 
Xin lược qua cơ cấu tổ chức của Đông Tiến II. Đông Tiến II về nước với một Tâm đoàn.

Một Tâm đoàn gồm có: 
* 3 Quyết đoàn.
* Một Quyết đoàn gồm 3 Dân đoàn.
* Mỗi Dân đoàn có khoảng 15 người. 
QUYẾT ĐOÀN ĐẶC NHIỆM GIỮ NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHIẾN HỮU CHỦ TỊCH CÙNG CÁC CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG. 
Lê Đình Bảy "bị" CSVN kết án 7 năm nhưng chỉ ở tù khoảng 3 năm với tất cả mọi ưu đãi của chế độ. Lê Đình Bảy đã được đi "diễn thuyết" nhiều nơi, cho dân chúng cũng như các trại tù, về đề tài: "Bộ mặt thật của Mặt trận Hoàng Cơ Minh". Lê Đình Bảy là người hợp tác tích cực nhất với Cộng sản sau khi mãn "tù".
Điểm lại những khuôn mặt tạm gọi là "phản bội", ta có thể thấy một sự xuyên suốt liên quan đến các nhân sự mang tên gọi "KHÁNG ĐOÀN THẤT SƠN". Từ LÊ PHÚ SƠN đến TRẦN TỰ NHIÊN, NGUYỄN HỮU NHIỀU (hai người bị tử hình tại chiến khu) đến TRẦN THỊ KIM HUỆ, LÊ ĐÌNH BẢY, v.v... (ngoại trừ trường hợp bị xử tử) những người còn lại đều không chết và một số anh em KCQ bị cầm tù tại B34 (Cục Phản gián phía Nam của VCđã nhìn thấy rất rõ LÊ PHÚ SƠN VÀ TRẦN THỊ KIM HUỆ RA VÀO TRUNG TÂM B34 VỚI DÁNG ĐIỆU CỦA NHỮNG CÁN BỘ CAO CẤP! 
Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều thời gian năm 1984 tại Trại Tỵ Nạn Dangred
Báo trong nước (VC) loan tin cái chết của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều với bản án tìm thấy trong túi xách của Trần Thiện Khải. Trần Thiện Khải hay Trần Khánh là nhạc sĩ khu chiến, một cựu sĩ quan cấp Úy của Hải Quân VNCH, ông Khải cũng là cánh tay mặt của ông Hoàng Cơ Minh. Nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng

Ông Hoàng Cơ Minh chết đi, Võ Hoàng là cán bộ bí thư đã tuyên bố không thể chết theo mà phải sống để làm chứng nhân lịch sử. Tiếc thay anh đã bị M79 của Việt Cộng bắn nát người. Anh chết đi, cuốn sổ tay "Nhật ký Hành quân" và mật mã liên lạc bị lọt vào tay Cộng sản. Cuốn sổ tay này đã được sao chụp thành nhiều bản để Việt Cộng làm công việc điều tra từng người. 
Nhà văn Võ Hoàng (trái) và Hoàng cơ Minh, U Bon Thailand 1984 – tư liệu của Phạm văn Thành, phóng ảnh báo Kháng Chiến số 27
Nếu ta ghép dữ kiện cuốn sổ tay với việc Lê Phú Sơn ra vào B34 như một cán bộ Cộng sản, khả dĩ có thể cứu tổ chức MT tại hải ngoại khỏi tội lừa dối đồng bào về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, về hành vi vẫn công khai công bố ông Minh còn sống, vẫn còn lãnh đạo HỘI ĐỒNG KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC. 
Nhưng cái vế thứ hai của vấn đề thì lại rơi vào hố thẳm bất lợi hơn rất nhiều cho tổ chức. Ấy là mọi đoàn viên, tất cả đồng bào, đều có quyền đặt câu hỏi: "VẬY THÌ AI LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO 'HỘI ĐỒNG KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC' SUỐT MƯỜI MẤY NĂM NAY?" 
Trở lại với các đợt về nước, MẶT TRẬN không chỉ tổ chức 3 cuộc Đông Tiến với võ trang đầy đủ. CÁC ĐỢT VỀ KHÁC CỦA "ỦY BAN KHÁNG QUẢN" ĐỀU BẰNG GIẤY TỜ DO BỘ NỘI VỤ VIỆT NAM CẤP. TẤT CẢ ĐỀU BỊ BẮT TẠI BATTAMBANG. KHI BẮT HỌ, CÔNG AN VIỆT CỘNG NÓI VỚI NHAU: "LẠI VÀI CON NHẠN BỘ NỘI VỤ NỮA..." Thái độ của bọn công an tỏ ra rất coi thường những người xâm nhập bị bắt (?). 
Tất cả những người bị bắt đều bị buộc phải viết trên giấy gởi ra chiến khu là "đường giây tốt đẹp", là "an toàn". Họ thậm chí còn phải viết ra những tin ma, nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ khác; tuần trước diệt đồn công an, tháng qua treo cờ, tuyên vận, v.v... 
Khi đã mãn hạn bị biệt giam (bị giam giữ riêng một mình, không được liên hệ với bất cứ ai) thì ai cũng đặt câu hỏi với nhau: "Tại sao anh lại báo ra là an toàn?" Rồi người trước giận kẻ sau, người sau oán kẻ trước... 
ĐƯỜNG GIÂY ỦY BAN KHÁNG QUẢN (UBKQ) CŨNG DO ÔNG LÊ PHÚ SƠN VẼ RA! 
Người ta có thể đặt câu hỏi "phải chăng ông LÊ PHÚ SƠN phản MẶT TRẬN vì MẶT TRẬN đã quá tàn ác, giết người của họ ngay tại chiến khu?" Cũng có thể đặt giả thuyết rằng "ÔNG LÊ PHÚ SƠN LÀ PHẢN GIÁN CỦA VIỆT CỘNG CÀI VÀO HÀNG NGŨ MẶT TRẬN Ở CẤP CAO NHẤT!" 
Đau đớn thay cho số phận những người đã nằm xuống cho lý tưởng sáng ngời họ theo đuổi. Con số không phải là ít oi, trong cả ba đợt, số tử vong lên đến hàng trăm người. 
Những người bị tù đày khốn khổ trong cô đơn tuyệt vọng cũng lên đến hàng trăm. AI ĐÃ VÀ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC NÀY? 
Người ta đã lôi đích danh Bùi Văn Nam Sơn của vụ ông Bá ra để luận tội. Người ta đòi chúng tôi phải đưa Chu Vũ Hoan ra để xét xử... Nhưng không thấy ai dám mổ xẻ sự kiện hàng mấy trăm con người yêu nước bị chết thảm ở biên giới Việt - Lào! Trong khi vụ của chúng tôi không có ai chết, người vẫn còn sống sờ sờ ra đây. 
Phải chăng vì đa số những người đã chết kia đều không mang quốc tịch Mỹ, Pháp...? Hay vì họ chỉ là những kẻ "vô danh tiểu tốt", nghèo trắng tay ở những trại tỵ nạn? Hoặc bởi vì thế lực của MẶT TRẬN bao trùm quá, kinh khiếp quá, táo tợn quá? Hay bởi vì e ngại sự đoàn kết hải ngoại sẽ mất đi? 
Than ôi! ĐOÀN KẾT NẾU ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH NHƯ VẬY THÌ ĐOÀN KẾT ĐỂ LÀM GÌ? 
Đoàn kết ấy phải gọi bằng tên gì và sẽ dắt chúng ta đến đâu trong mục tiêu đòi lại sông núi cho một dân tộc quá khát khao tự do dân chủ? Các bậc đàn anh của tôi tại hải ngoại chắc ít khi mường tượng ra được cái cảnh những người tù chính trị về từ hải ngoại khi bị quay cung đã bị tan nát cõi lòng như thế nào khi những tên sĩ quan phản gián P16 và A15 chắp tay sau đít đi đi lại lại, miệng lẩm bẩm những câu đại loại: "CÁI CÔNG TY KHÁNG CHIẾN PHỞ BÒ CỦA CÁC ANH..." 
Không, tôi không muốn những người đi sau tôi còn phải tiếp tục chịu đựng những cảnh như vậy! 
Tôi không muốn sẽ lại có thêm những cái thứ "kháng chiến cháo gà" hay "kháng chiến cơm heo" được nuôi dưỡng một cách cố ý hoặc vô tình bởi ai đó. Nếu trên xác thân ta có một vết ung nhọt đang lan thành ung thư, muốn diệt được mầm họa đòi hỏi ta phải có dư đởm lược. 
Đây là những lời nói thật, nói thẳng, được trả bằng chính sinh mạng của tôi, xin đừng nghĩ là một hành động khiêu khích. 
Trên cõi đời này, ai là người không sợ chết? Nhưng nếu cần chết để bảo vệ sự thật thì Phạm Văn Thành này cũng dám chấp nhận. Không thù oán, chỉ tiếc là mình không còn sống được đến ngày dân Việt toàn thắng Cộng sản! 
Tôi viết những giòng này sau nhiều đắn đo suy nghĩ, sau nhiều lần phải dừng ngang vì những giòng nước mắt. Tôi cũng chỉ là một con người bình thường như muôn ngàn người đang sống đây, cũng có một mái gia đình, cũng có những tình cảm. Và có những người anh của tôi mà tôi vô cùng thương mến, vô cùng kính trọng; những người đã cùng chia ngọt xẻ bùi với tôi bao nhiêu ngày tháng... mà hôm nay tôi buộc phải viết lên những điều đớn đau của sự thật, ít nhiều làm xúc phạm đến các anh, điều mà gia đình, vợ con tôi và tôi không bao giờ muốn. Vì các anh chị là những ân nhân của gia đình tôi. Trong cảnh tù tội lao lý, khi mọi người không ai biết đến tôi, không ai muốn nhớ đến tôi, thậm chí có những kẻ mong tôi chết rũ tù, thì các anh chị là những người xé rào tổ chức, âm thầm lo lắng cho vợ con tôi. 
Ân nghĩa đó, ngày hôm nay tôi trả bằng bài viết này, là cả một vực sâu đau đớn trong hồn tôi. Nhưng, xin chịu tội trước các anh chị, để tôi làm tròn phận sự của người thông tin, một thông tin đã được viết bằng máu, được học thuộc lòng trong hầm cùm lao tù cộng sản và được viết lại bằng những cơn khóc đứt đoạn khi viết ra. Xin tha thứ cho tôi. 
Tôi đã viết lên các bậc chức quyền, nhưng suốt 5 tháng trôi qua, các vị ấy vẫn nhởn nhơ coi thường sự kiện. 
Xong bài viết này cũng là xong bổn phận thông tin của tôi. Trách giận thương ghét là quyền của các anh. Tôi vẫn ngày ngày cố góp sức mình vào chuyện chung. Đi lại chủ yếu bằng phương tiện xe buýt, rất ít tốn kém và không hề có bảo vệ trên khắp Âu Châu. Nếu giận quá mà thấy cần phải xử tôi thì cũng không bao giờ tôi oán trách các anh. 
Công việc đại sự chẳng bao giờ là dễ cả. Người ta phải chịu trả giá đắt thì mới mong dẫn tới thành công. Tôi chủ trương xây dựng một tinh thần mới. Tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật để huy động tổng lực đấu tranh, một tổng lực gồm những con người luôn đứng thẳng, mắt sáng quắc niềm kiêu hãnh, chỉ chiến đấu cho sự thật, công bằng và tự do. 
Bài viết này sẽ là bài viết duy nhất của tôi trên báo chí, với dự định đưa lên Internet liên quan đến MTQGTNGPVN. Từ nay tôi sẽ giữ im lặng vì tôi tin tưởng vào sự nhận định phân tích của đồng bào tôi. Trong trường hợp bất khả kháng cần tôi phải lên tiếng thì tôi sẽ yêu cầu xử dụng diễn đàn để đối chất công khai, ở bất cứ đâu và chỉ một lần, trước công luận, trước một cử tọa chân chính. 
Xin đừng dùng bài viết này vào mục tiêu công kích cá nhân. Cũng xin đừng để chúng tôi phải xử dụng bạo lực để cảnh cáo những mưu đồ châm chọc, gây chia rẽ oán thù giữa người này với người khác. 
Xin giúp chúng tôi làm tròn bổn phận làm người. 

Paris khuya 27 tháng 4 năm 1999 

PHẠM VĂN THÀNH 
12 Place Des Canuts 95100
Argenteuil, France
Tel: 1 39 80 21 39 

* * * * * * * * 

THƯ THÔNG BÁO

Thừa ủy nhiệm của các Kháng Chiến Quân (KCQ) còn sống sót trong Quyết Đoàn Đặc Nhiệm Đông Tiến II, nay trân trọng công bố tên và ngày giờ của các Cán Bộ và KCQ có thân nhân tại hải ngoại, đã tử trận tại Nam Lào và Thái Lan sau đây:

1.Anh Huỳnh Trọng Hà và Lâm Thao, hy sinh năm 1986 tại Pleiku (Đông Tiến I)

2.Anh Huỳnh Văn Tiến (Đan Mạch), hy sinh ngày 26/ 7/ 1987 lúc 7 giờ sáng tại QL 13 Nam Lào

3.Anh Trương Ngọc Ny (Hoa-Kỳ), hy sinh ngày 06/ 8/ 1987 tại QL 13 Nam Lào

4.Anh Võ Hoàng (Hoa Kỳ), hy sinh ngày 28/ 8/ 1987 khoảng 10 giờ 15 tại Saravan Nam Lào

5.Anh Nguyễn Huy, tự sát ngày 28/ 8/ 87 cùng với ông Hoàng Cơ Minh tại Saravan Nam Lào

6.Anh Khưu Xuân Hưng, tự sát cùng ông Hoàng Cơ Minh ngày 28/ 8/ 1987 lúc 10 giờ sáng

7.Anh Đẩu, tự sát cùng ông Hoàng Cơ Minh ngày 28/ 8/ 87 lúc 10giờ sáng

8.Anh Trần Thiện Khải, hy sinh ngày 27/ 8/ 1987 lúc 8 giờ sáng

9.Anh Trần Hướng Việt (Việt Kiều Thái Lan) hy sinh ngày 26/ 8/ 1987

10. Anh Long (về năm 1984 qua ngã Singapore vào Thái), hy sinh tháng 7 năm 1987

11. Anh Hội, hy sinh năm 1986 (về Chiến Khu năm 1984 qua ngã Singapore cùng với anh Long và ông Cao Văn Muôn)

12. Anh Võ Sĩ Hùng, về từ Pháp, bị xử tử tại chiến khu năm1989-1990 (người thi hành lệnh bắn là anh Đào Bá Kế)

13. Anh Lê Hồng, hy sinh đầu năm 1986

14. Anh Trần Vi Thiện, chết trong nhà tù A20

15. Anh Trần Công, chết tại nhà tù Xuân Phước A20.

Tổng Cộng 16 người trong danh sách này.

"Làm những thằng đàn ông, dám mượn danh nghĩa Kháng Chiến để xưng hùng xưng bá, giết anh em chiến hữu như giết trâu giết bò..."


Thư Ngỏ
V/v Công Bố Những Dữ Liệu Liên Quan Đến MTQGTNGPVN

Kính Gởi:
Các Bậc Lãnh Đạo Tinh Thần Các Tôn Giáo,
Quý Vị Niên Trưởng Quân Cán Chính VNCH,
Những Người Việt Nam Yêu Nước và đặc biệt các Anh Chị Em Sinh Viên Việt Nam Trong Và Ngoài Nước.

Kính thưa Quý Vị,

Trong thời gian khoảng hơn 1 tháng vừa qua; sau khi tôi quyết định công bố những chi tiết liên quan đến MTQGTNGPVN trên đài phát thanh Quê Hương tại San Jose, Hoa-Kỳ, đã có nhiều bài viết xuất hiện trên Internet đề cập đến vấn đề. Trong số đó, có những bài viết rất có gía trị, giúp cho tôi mở rộng tầm nhìn đấu tranh của chính mình, vì như Quý Vị đã biết - qua bài viết của tôi cũng như nhiều bài viết công kích tôi trên Internet - tôi là người thiếu học. Vì là một người thiếu học nên rất cần sự chỉ bảo của những người có kiến thức hơn mình, không phân biệt người lớn tuổi hơn hoặc người trẻ tuổi hơn. Qua bài viết này, tôi xin được kính gởi đến các tác giả của những bài viết giá trị ấy lòng tri ân của tôi.


Trong cuộc chiến đấu giành tự chủ và dân chủ cho xứ sở, điều khát khao cháy bỏng trong mỗi con người chúng ta suốt hơn 20 năm qua, nếu tôi không lầm, chính là mơ ước Đoàn Kết. Mơ ước có một ngày dân ta, trong và ngoài nước, nắm được tay nhau, mắt ngấn lệ nhưng sáng quắc niềm tin, cùng mím môi mà tràn bước chân đi tới, để tấn công thẳng vào cái "thành trì XHCN" vốn đã nghiêng xụm của bọn tham-quan-ô-lại-Cộng-Sản độc-tài, đang đè đầu cưỡi cổ dân ta.

Tôi, dẫu có thiếu học, vẫn là một người dân của Đất Mẹ yêu dấu, cũng một phần đã thấm chặt nỗi đớn đau Cộng Sản nơi thân xác cũng như trong gia tộc. Hơn ai hết, tôi hiểu được sự cần thiết của nhu cầu đoàn ngũ hoá, một nhu cầu tối cần thiết để huy động tổng-nổi dậy đồng-loạt trong nước.

Tôi đã đắn đo rất nhiều trước khi viết cho ông Nguyễn Kim lá thư bạch hoá các sự kiện đau lòng liên quan đến MTQGTNGPVN. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định công bố toàn bộ những gì tôi đã viết cho ông Nguyễn Kim, với các cơ quan truyền thông, đặc biệt là đài phát thanh Quê Hương tại California, Hoa Kỳ, cũng như Đài SBS tại Úc.
Tôi cũng đã quyết định đưa lên mạng lưới Internet, để những gì tôi công bố sẽ vào được trong quốc nội, đến được những người trẻ yêu nước đang sống trong lòng Quê Hương, và đây mới là điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất.

Đảng CSVN có từ bỏ Quyền Lực không?

Câu hỏi ấy, chỉ có chính những người ở trong nước, những con người sẽ nắm vận mạng Quốc Gia sau này, mới trả lời được mà thôi.

Đồng Bào trong nước, cần gì ở chúng ta, những người Việt đang sống lưu lạc nơi đất khách quê người?? Họ cần chăng những "sách lược" đấu tranh ấu trĩ? Họ có cần chăng sự gian dối, phỉnh gạt?

Không! Đất nước Việt Nam trong suốt trăm năm qua đã thừa rồi những thứ ấy:
a. Những thói độc thâm đớn hèn!
b. Những thói kiêu căng hợm hĩnh!
c. Những cái đầu chỉ biết gật và những con mắt của những con ngựa kéo xe trong thành phố.

Những con người Việt Nam yêu nước của cả trong lẫn ngoài nước đều phải nhìn lại chính mình, nhìn lại cha anh mình. để định cho mình con đường đúng nhất, tương xứng với tấm lòng yêu nước hằng tồn tại trong mỗi con người chúng ta.

Điều cần ở nhau trong lúc này chính là lòng ngay thẳng, lòng can đảm và bao dung. Ngay thẳng để dám đối mặt nhau, thách đố những gian-hèn-tham-phỉnh nịnh.. để nhận được ra nhau, ai thực sự là người yêu thương đất nước này, biết kính trọng 70 triệu sinh mạng "dân đen" kia... Và ai là loại người cơ-hội chủ nghĩa, lợi dụng chiêu bài "yêu nước" để tô son trét phấn cho bộ da óng mượt của bản thân họ?

Sự ngay thẳng sẽ dẫn ta tới điều công chính. Giữ được Công Chính nghĩa là gìn giữ được Chính Nghĩa vậy. Không có chính nghĩa thì không bao giờ phát sinh ra được lòng can đảm. Mà chuyện giải quyết những "Vấn Đề Đớn Đau Tột Cùng Của Đất-Nước" đang rất cần những tấm lòng can đảm. Một sự can đảm trí tuệ đang vô cùng cần thiết cho tất cả những người con dân Việt Nam yêu nước, trong cũng như ngoài nước. Can đảm không tương xứng với trí tuệ sẽ chỉ còn là những hành động liều lĩnh. Điều này hoàn toàn không có lợi cho xứ sở, trong hiện tại cũng như mai sau. Muốn tránh liều lĩnh, mọi người trong chúng ta đều cần có những dữ kiện để phân tích.

Khi công bố những dữ kiện liên quan đến MTQGTNGPVN, tôi đã nghĩ rất nhiều đến gía trị phân tích của những người có liên quan, xa gần đến MT nói riêng.. và liên quan đến tổng thể cục diện đấu tranh tại hải ngoại nói chung.

Đã có rất nhiều bài viết được đưa lên Internet, cách này cách khác. Trong đó đặc biệt có những bài viết của bà Nam Dao, ông Trần Danh, và bà “Phạm Thị Thái Bình” ở Úc Đại Lợi", của ông Hoàng đức Phương và ông Bùi Minh Nhật.. ở Pháp, ông Nguyễn Ni Hà ở Houston, Hoa-Kỳ, v.v..

Đại đa số những bài viết vừa nêu đều không để tên thật cũng như địa chỉ. Thậm chí những bài của "Phạm Thị Thái Bình", chúng tôi chỉ cần đọc dăm bảy hàng rồi nhắc hai ba lần điện thoại là biết ai là tác giả thật của nó rồi. Nhưng đến khi tôi nhận được lá thư gởi qua Bưu Điện cho tôi thì chẳng thấy tên người gởi đâu cũng như địa chỉ đâu. Lá thơ của "ông Bùi Minh Nhật" cũng trong trường hợp tương tự như vậy!!!

Và vì những "lá thư" này không hề có tên thật cũng như xuất xứ, tôi có quyền xem nó như một thứ thư rơi, và xin được không coi là những bài viết có giá-tri.-nhân-cách; tôi dành quyền phủ nhận bất cứ cái gọi là "giá trị" nào của chúng và hẳn nhiên, không trả lời hoặc bình luận nội dung vì số phận của chúng đã được định đoạt rồi.

Về lá thư ông Trần Danh. Thưa ông, nếu ông tự hào là "có đủ Báo Kháng Chiến từ số đầu đến số cuối" thì cũng thưa ông, tôi cũng có một phần tự hào là còn giữ được vài trăm cuốn cassette thu âm các buổi phát sóng của "Đài Phát Thanh VNKC (Việt Nam Kháng Chiến)". 
Tôi cũng còn giữ được tất cả các cuộn băng ghi âm từng lời tất cả các buổi điện đàm với các ông Hoàng Cơ Định, ông Nguyễn Kim, ông Trần Đức Tường…. Đồng thời, theo như lời "phán định" của ông Trần Xuân Ninh trên đài SBS: "Hiện giờ chúng ta không có những người chứng kiến trận đánh của ông Minh". 
Tôi trân trọng thách thức các ông Trần Xuân Ninh và Hoàng Cơ Định một diễn đàn đối chất công khai. Tôi sẽ có mặt chung với các nhân chứng bằng xương bằng thịt, những nhân chứng mà Quý Vị đã từng in hình họ, chụp hình họ tại những "Con Đường Đóng Phim" từ Cứ 84 về Cứ 81 trong những năm 1983-1984. Họ cũng là những con người đã từ bỏ Đan Mạch, Pháp, v.v.. về “Chiến Khu” năm 1985 và chứng kiến từ đầu đến cuối trận đánh. Họ cũng là những người mà các ông mua chuộc được sự im lặng của họ trong những năm qua, nay họ sẽ lên tiếng dù rằng họ đang sống trong tầm kiểm soát của các ông. Các ông còn nhớ đã ra lệnh cho ai thủ tiêu ông Đặng Quốc Hùng tại Đan Mạch? Chính người đó cũng sẽ ra đối chất với các ông. 
Liege, Bỉ, tháng 9/1985, “người sắp về khu chiến” được đưa đi trình diện báo giới và vài nghị sĩ Bỉ (ngồi). 2 người đứng là Võ Sĩ Hùng (bìa trái) và Trần đức Tường, người ngồi bìa phải là Nguyễn Quảng Văn - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành
Những thoả thuận nào đã có trong buổi nói chuyện của ông Kim với ông Đặng Quốc Hùng (Cựu Sĩ Quan Dù, hiện ở tại Senvenborge Đan Mạch)? Các ông đã lùng kiếm Kỹ Sư Nguyễn Quảng Văn như thế nào và hiện nay ông Văn sinh sống ra sao?? Ông Hoàng và ông Lộc đã nhốt Võ Sĩ Hùng trong hầm máy đèn như thế nào?? đã bắn ông Hùng ra làm sao?? Những điều này xin cứ hỏi thẳng ông Lộc (hiện nay ở Mỹ) và ông Hoàng (hiện nay ở Nhật). Các ông dám đối chất không?

Làm những thằng đàn ông, dám mượn danh nghĩa Kháng Chiến để xưng hùng xưng bá, giết anh em chiến hữu như giết trâu giết bò.. Sao không dám đường đường đối chất, lại đi núp váy một người đàn bà với cái tên ma "Phạm Thị Thái Bình" để "lên giọng đạo đức", "dạy dỗ" một người tù chính trị mà cả hệ thống công an Việt Cộng phải ngán sợ???

Nếu không đủ đởm lược thì nên biết thân biết phận, ngồi yên vị, đừng mượn thân đàn bà mà chọc ngoáy vũ lâm quần hùng. Hành động ấy ấu trĩ, xưa như Việt Cộng và vô liêm sỉ! 
Quý Vị đã lợi dụng mạng lưới Internet để sỉ vả tôi thậm tệ, bôi đen danh dự của tôi nhân danh cái gọi là chính nghĩa của Quý Vi. Cũng y như 10 năm về trước Quý Vị đã đổ hết lên tôi những thứ ti tiện xấu xa nhất. Quý Vị có nhớ sau gần sáu năm tôi bị Cộng Sản giam giữ trở về, chính Quý Vị đã chạy theo tôi để ve vãn quên đi thù oán xưa. Xin trân trọng báo cùng Quý Vị là tôi không (hoặc chưa) có thời giờ để tính sổ với Quý Vị về ván bài danh dự của 10 năm về trước.

Ngày hôm nay cũng vậỵ, nếu Quý Vị cần nói cho hả cơn tức giận, xin cứ nói, nhưng hãy nhớ chớ bao giờ dùng đến những từ ngừ "bất nhân" và "bất nghĩa". Tôi chỉ có thể bao dung (tôi nhấn mạnh tiếng bao dung) cho Quý Vị ở những cơn giận dữ đầu tiên. Tiên Long Hội sẽ xử tử tôi đầu tiên, nếu như tôi có hành động "bất nhân bất nghĩa", không đến phiên Quý Vị đâu.

"Con người ta chỉ cần hai năm để học nói, nhưng phải mất hàng sáu, bảy chục năm để giữ gìn lời ăn tiếng nói."

Cái vốn quý nhất của con người không phải là dăm ba mảnh bằng chuyên môn, mà là Nhân Cách của con người ấy Tôi dẫu không hề một chút khoa bảng, nhưng chưa bao giờ phải hổ thẹn với những người Thầy dạy của mình về lòng tự trọng và thẳng ngay.

Quý Vị rất dễ dàng gọi tôi là "tay sai VC". Điều này với tôi thật buồn cười. Trong nhà tù của Cộng Sản, tôi có nhiều chiến hữu, cũng có nhiều kẻ thù cũng như những kẻ bàng quan. Có nhiều người thương nhưng cũng không ít người giận, người trách. Nhưng nếu nghe được ai nói tôi là "Việt Cộng" thì chính các vị ấy sẽ cười đến phun cơm vào mặt Quý Vị cho mà coi. 
Hiện ở Pháp, ở Mỹ và Canada đều có mặt các anh ấy, từ cựu sĩ quan QLVNCH Đỗ Hồng Vân, Nhà báo Phạm Đức Hậu, cựu TrungTá Phạm Đức Khâm, Hải Quân Michel Nguyễn Muôn, ông Nguyễn Ngọc Đăng, và đặc biệt Giáo Sư Đào Đăng Nhẫn, một người tù quốc nội từ năm 1984 đến 1997 vừa đến Mỹ cuối năm ngoái. 
GS Đào Đăng Nhẫn (trái) và Phạm Văn Thành, Boston, tháng 6/1999 - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành
Quý Vị cũng có thể nhắc điện thoại hỏi anh Lý Tống, anh Mạnh Quỳnh và Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt xem; kể cả hai người vẫn sát cánh bên tôi là Kỹ Sư Phạm Anh Dũng và Cựu Sĩ Quan QLVNCH Lê Hoàn Sơn. Chính các anh ấy sẽ cười vào mũi, thậm chí tát vào mặt Quý Vị chứ không phải là tôi...

Thư tôi viết như thế này có "nặng tay" lắm không?!!! Thưa Quý Vị, "Con người ta có cái quý nhất là Nhân Cách, Nhân Cách mà mất đi thì khó hòng có thể lấy lại được". Tôi cũng dám sẵng sàng "thí cái mạng cùi" này với bất cứ ai, để bảo vệ Cái Nhân Cách do Tổ Tiên truyền lại. Nhưng ở đời còn nhiều việc quan trọng hơn để làm, tôi tiếc rằng lời thề đại nghĩa của tôi chưa tròn, tôi cần phải dồn mọi nỗ lực để hoàn thành lời thề, cùng với Toàn Dân "Đòi Bằng Được Tự Do Cho Xứ Sở" nên nhất thời phải im lặng để Quý Vị mặc tình ăn nói càn rỡ.

Đất trời tuy lồng lộng, vẫn có ngày ta lại gặp nhau, đừng để lúc đó phải cúi mặt mà đi. Nguyện xin Chúa Phật giúp tôi để cho tới lúc chết, vẫn còn giữ được lòng bao dung với con người.

Kính thưa Quý Vị,

Thời gian của tôi quá ít ỏi nên không thể viết nhiều được, cũng không thể trau chuốt lời văn được, kính mong các bậc Cha Anh niệm tình tha thứ. Tôi đã muốn im lặng nhưng sự việc đã đi quá giới hạn của lòng nhẫn nhịn. Xin viết những dòng này, như một lời minh định cuối cùng về lý do và trách nhiệm liên quan đến sự công bố về MTQGTNGPVN.

Điều cuối cùng, xin được nhận lỗi trước người anh còn lại duy nhất của gia đình. Vì công việc chung, tôi đã phải im lặng trước những sự xúc phạm đến vốn liếng gia bảo cuối cùng và duy nhất của Gia Đình: Danh Dự Và Nhân Cách.

Cẩn Bút,
Paris Ngày 26 tháng 5, 1999

Phạm Văn Thành
Email: phamvanthanh@hotmail.com


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen