Samstag, 4. April 2015

Việt Tân- Những nẻo đường phù sa

Những chữ viết tắt trong bài:
- VNCH: Việt Nam Cộng Hòa
- QLVNCH: Quân Lực VNCH
- BĐQ: binh chủng Biệt Động Quân QLVNCH
- MT/VT = Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam/đảng Việt Tân
- VC: Việt cộng/cộng sản Việt Nam

+ Để xem các ảnh rõ hơn, xin bạn đọc mở ảnh trong Tab mới (right click and open in new tab) rồi zoom lớn (nhấn tổ hợp phím Ctrl +)

Thêm chú thích
Chưa từng biết thế nào là thủy chung

Làm sao buộc thế nhân là phản bội
Khi cuộc đời dầm bon chen lợi lộc

Là cầm bằng đời vô nghĩa mà thôi

Tháng 2, mùa Xuân quê nhà nhạt nhòa trong trí óc đứa mới mang cuộc sống lưu vong. Con đường từ cơ sở bí mật vòng vèo để ra gare Antony đã đầy những màu vàng của môt loài hoa rất giống màu hoa mai. Những chùm hoa mọc từ cận gốc lên đầu ngọn vàng lườm hai bên lối đi, như kéo gần quê nhà lại, lại như đẩy xa thêm quê quán đi.


Tôi thích đi bộ trên con đường này những khi đêm đã rất khuya. Những chuyến xe điện cuối cùng của một ngày, mang theo người thanh niên rã rượi sau những giờ lao công cật lực. Con đường này tôi đã đi hàng năm trời, thay đổi ngõ ngách liên miên, mắt mũi xoáy vào từng góc nhỏ, đề phòng với tất cả mọi thứ âm thanh bất thường.

Khuya qua tôi về không ngủ được. Ðêm ở hội trường Maubert, Văn cho tôi biết ý định xâm nhập Việt Nam và được tức khắc chấp nhận. Văn là người Nha Trang, du học năm 1974 và trở thành thành viên sáng lập của nhóm Cỏ Hoang sau 1975, một nhóm sinh viên du học thời VNCH những năm 1973/1974 sống rất khó khăn tại Paris giai đoạn đất nướcthay ngôi đổi chủ. 1985 Văn là kỹ sư nhiều năm sau khi tốt nghiệp từ đại học Orsay.

Ở Văn, từ làn da cho đến mái tóc, từ ngón tay cho đến bước chân đi, từ giọng nói cho đến ánh mắt nhìn … là đâu đó bóng dáng một nhà sư phạm hình mẫu. Văn hiền lành, ít nói và thường chỉ cười. Rất ít người có thể giận được Văn.

Việc Văn tình nguyện về nước và được chấp nhận ngay làm tôi nhiều suy nghĩ. Giai đoạn 1985 là giai đoạn sóng to gió lớn của tổ chức. Thượng tầng ông Liễu, ông Minh tan vỡ. Các cơ sở ở Mỹ hầu như thành bình địa. Ðúng trong giai đoạn ấy, ở Pháp lại có hai đơn tình nguyện về nước, đó là đơn của Võ sĩ Hùng và đơn của Vũ Phong. Tuần vừa rồi là đơn của Văn. Khá giống với trường hợp của tôi, đơn của Phong được xét rất chậm. Ðơn của tôi từ tháng 11/1984 gởi vụ tổ chức mãi đến tháng 5/1985 mới có sự trả lời của Phan vụ Quang, với yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối hành trình đi Nhật và tiền vé máy bay tự lo liệu.

Tháng 6 liên miên những chuyến đi. Trần Ðức, Nguyễn Kim, Xuân Nghĩa … tổ chức những chuyến đi có tính cách …trình diễn. Ði Bordeaux, đi Ý, đi Anh và đi Bỉ. Ði đâu, nhóm chúng tôi cũng được giơí thiệu là sắp về quốc nội! Nguyên tắc bảo mật đáng ra phải giữ bí mật thì chúng tôi được dùng cho mục tiêu đánh bóng lại tổ chức.

Ở Ý, Trần thanh Các khẳng khái từ chối hợp tác với Trần Ðức và Nguyễn Kim. Trong những buổi tranh luận, Các bạnh hàm nhắc lại vụ chuyến tàu dụng cụ ý tế và thuốc men của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Ý Ðại Lợi bị gởi ngược lại vì không có người nhận ở Thái. Các đanh giọng:
- Ra là mấy anh lừa chúng tôi. Lừa cả công trình bao năm chúng tôi vận động đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Ý vào cuộc. Tụi tôi đâu như mấy anh, vận động dễ dàng bằng cái mồm trí thức. Chúng tôi vận động bằng cả đời sống lao công của chúng tôi này …

Vừa nói, Các vừa nắm bàn tay lại đấm ngực mình thình thình.

Ấy là lần đầu tiên anh em gặp nhau, Trần thanh Các không mời anh em trong đoàn ở lại. Xe quay mũi, xuyên đêm vượt hầm Alpe về lại Pháp. Trước khi xe rời khuôn viên ngôi nhà cửa thấp lè tè của Các. Anh bước ra sân, vỗ vai tôi ra hiệu tách nhóm để nói chuyện riêng.
Các nghẹn giọng:
- Biết là không cản được em. Nói gì giờ cũng bằng thừa…
Các chợt dưng im bặt. Tôi cúi đầu xuống, biết là Các khóc! Tôi rất sợ tiếng khóc của đàn ông.

Ánh đèn xe quét ngang chỗ chúng tôi đứng. Các vẫn bất động, ngửa cổ ngẩng hẳn mặt lên bầu trời đầy sao . Tôi cố gắng nắm tay lại trong tư thế bái chào của anh em võ Việt, nghẹn giọng vừa đủ hai người nghe: « Lạy Anh, em đi! »

Tôi quay lại xe Trần Ðức, Văn đã ngồi gọn đợi ở băng sau. Xuân Nghĩa ngồi cạnh Ðức Tường. Tường lái. Xe lăn bánh qua cổng. Bóng Các vẫn bất động, bên cạnh là lao xao những tiếng chào của những anh em ít thẩm quyền.

¤


1985, mùa Hè


Con gái ông Xứ bộ trưởng X.113 Pháp có người lấy chồng. Ðám cưới mộc mạc làm tiệc ở một khu vườn rộng có rất nhiều cây hạt dẻ. Thành phố nhỏ gần Limoges. Nhà vườn có một giải hồ rất rộng với nhiều hoa súng. Trên tấm xuồng con, tôi ngồi chèo phía sau, phía trước là Võ Sĩ Hùng. Ra giữa hồ Hùng đăm chiêu bỏ lơi mái chèo.

Chúng tôi là những người chuẩn bị về khu chiến, bỏ lại những hào nhoáng nơi xứ tạm dung. Tôi ra đi không có gì luyến tiếc vấn vương vì mới sống trên đất này tròm trèm ba năm, trong khi Hùng và Văn thì không vậy. Hùng đến Pháp những năm 1977, 1978. Hùng thành công với một võ đường nhỏ ở Bordeaux. Hùng có vợ và hai con. Vợ mới chia tay.

Tôi im lặng chèo một mình, vừa chèo vừa cố bẻ lái tránh những giề hoa súng đan dầy trên mặt nước. Tiếng Hùng.

- Nhiều phần trăm là Thành sẽ phải ở lại.

Tôi hơi chựng người. Khẽ nghiến răng không đáp.

- Anh nghe loáng thoáng là như vậy... Có lẽ tại em biết nhiều chuyện quá.
- …
- Buồn nhỉ … Còn có hai đứa đi. Văn thì nó hiền quá! - Hùng độc thoại.
- …
- Thành này - Tôi dừng hẳn tay chèo. Hùng vẫn nhìn ra phía mặt hồ rộng, không quay lại nhìn tôi - Anh có hai đứa nhỏ. Mẹ tụi nó bỏ anh rồi … Nếu sau này anh không còn, mà em có gần tụi nó… em để ý dùm anh …
Giọng Hùng đặc lại, như có những sợi nhựa mít bám chung quanh.

¤

1988 cuôi năm

Ðỗ Nhơn đi xe lửa từ Kobenhagen sang Paris. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Giữa con phố Choisy lổn nhổn người châu Á, Nhơn ngồi thọt lỏm trong một góc quán, tay xoay xoay ly cà phê đen đặc quánh. Nhơn cứ nhìn tôi rồi lại nhìn ra đường, ý như chờ tôi dẫn dắt câu chuyện, một câu chuyện đã ồn lên mấy tháng nay về tin thảm tử của thủ lĩnh cùng hàng trăm anh em ở Lào. Mãi không thấy tôi lên tiếng, Nhơn trầm giọng.

- Ðã có tin của Hùng!

Tôi như bị điện giật.

- Hùng nào?
- Trần Hùng! Trần quốc Hùng!
- Hùng về từ Svenborg?
- Ðúng.
- Bắt? Tù? Chết? - Tôi hỏi dồn.
- Sống!
- Tin từ đâu?
- Chính thư Hùng. Tay Hùng viết!
- Tù sao viết thư được?
- Không, đã xong tù. Chưa đến một năm?
- Lạ nhỉ? Không lẽ làm phản? Mà sao Hùng có thể phản được?
- ....
- Có tin của người khác không?
- Chết và bị bắt hết ! Gần hai trăm! Ông Minh cũng chết!

Tôi lặng người, hỏi rất khó khăn.

- Huỳnh Tiếng thế nào?
- Chết!

Mắt tôi cơ hồ như nhòe đi. Hình ảnh những đứa con của Tiếng và người đàn bà chân chất gốc Trà Vinh vào ra trong một mái nhà lạnh giá xứ bắc Âu như trùm lên hết cả tâm trí. Giọng Nhơn vẫn đều đều.
- Có hỏi bên trung ương. Trung ương nói là tin vơ vẩn, sạo sự!
PVT Đan Mạch 1985. Vợ con Phục quốc quân Huỳnh Văn Tiếng (tuẫn quốc trong chiến dịch ĐT 2, 1987 Nam Lào)
¤

1993 Phú Yên

Tiếng hét của Thố giữa trưa làm tôi chồm dậy. Thố hay vậy. Anh em bảo là do Thố bị thần kinh căng thẳng và do bị tẩn nhiều trận bởi lũ an ninh VC. Tôi không tin lắm.
Thố bằng tuổi tôi. Khi mới vào trại tù này, gặp Thố ở nhà 2A, tôi nhận ra ngay nét mặt Thố rất quen thuộc. Ðến khi Thố xác định mình là Việt Tân ở Thái về thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, tôi hỏi:

- Nhớ Võ Tuấn không? - Thố đứng khựng lại nhìn tôi, tay vẫn cầm cái chén và đũa vừa rửa xong bên bờ giếng - Ủa … mà sao biết tui quen Võ Tuấn?
- Tôi có đi với Võ Tuấn nhiều ngày ở Hà Lan và Ðan Mạch!
- Mà sao anh biết tui … quen Võ Tuấn?
- Hình anh chụp bên cạnh Võ Tuấn, tay cầm khẩu AK, miệng cười không lẫn vào đâu được.
- Ừa, bị tui mất gần hết răng rồi mà! -- Thố bật cười, vừa cười vừa hỏi tôi.
- Bộ cũng vê tê hở?
- Không, tui ra từ 89. - Mắt Thố như hụt hẫng.

Ba ngày sau, dưới một gốc cây dừa nghễu nghện trong sân khu cách ly nhà 2, trại A20 Xuân Phước - Phú Yên, tôi hỏi Thố về hai người tình nguyện nhập nội, vào chiến khu từ Pháp.

- Chắc anh biết Quảng Văn?
- Văn làm trong Đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến, phụ cho Hoàng Nhật.
- Hoàng Nhật trưởng đài à?
- Ổng như sếp mọi chuyện. Dịch thuật này kia ổng làm hết?
- Tính Hoàng Nhật thoải mái với anh em không? - Thố khẽ lắc đầu, giọng như xa vắng đi một chút.
- Không. Ổng xa cách anh em! Gần như cô độc.
- Ổng từ Mỹ về à?
- Không, Nhật!
- Tướng pháp sao?
- Lùn … Mà chả giỏi lắm, nghe bảo tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Nhật chả đều giỏi!

Tôi băn khoăn nghĩ đến Văn. Văn tính tình nhu nhã, tướng người tầm thước. Thích vẽ và đúng là mẫu người của nghệ thuật. Làm việc chung trong bối cảnh chiến khu tù hãm như vậy, với một người chỉ huy khô khan như vậy … thật sẽ là rất khó khăn cho Văn, một cánh chịm bay của núi cao sông rộng.

- Anh có nói chuyện với Võ sĩ Hùng không?
- Không, lệnh cấm bất thành văn. Tụi tôi là lính tráng , đóng vòng ngoài. Mấy ổng là tham mưu chỉ huy, ở vòng trong. Nguyên tắc là không nói chuyện.
- Hùng giữ nhiệm vụ gì?
- Bảo vệ vòng trong đài Phát Thanh ở U bon.
- Anh biết Trần Hùng về từ Ðan Mạch không?
- Ông Thiếu uý Dù?
- Chính hắn.
Thố buồn buồn "Ổng gần như thả trắng, giam đâu gần năm gì đó..."
- Anh nghĩ sao về Hùng Ðan Mạch?
- Khó à nghen...

Thố tần ngần.

- Có lẽ tụi tôi không biết nhiều những sự tình bên trong, nhưng nhìn ông Hùng ấy, biết ngay là người bất mãn đời sống chiến khu!
- Sao nhận ra được?

Thố chậm rãi.

- Tụi tôi cũng muốn biết ở bên ngoài. Nên mấy anh ở bên ngoài về tụi tôi quý lắm. Có điều lạ là những người từng là sĩ quan VNCH ấy, vào Khu đều phải nằm dưới quyền mấy ông nhỏ tuổi bên bộ đội (VC)!

- Hùng Ðan Mạch cấp gì?
- Ðâu … Tiểu đội Phó!
- Trời! - Tôi kêu lên.
- Huỳnh văn Tiến cấp gì?
- Phó cho một anh bộ đội, dưới quyền cả Ðinh văn Bé. Nắm cỡ trung đội …
- Hai người ấy trong khu thân nhau không?
- Ai?
- Hùng Ðan Mạch và Tiến Ðan Mạch!

Kháng Chiến Quân (KCQ) Trần thiện Khải - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành
Thố lại trầm ngâm trước khi trả lời.

- … Có một lần tôi biết mấy ổng cãi nhau. Nội dung ấy tôi không nói lại với ai. Tôi biết, nội dung ấy đến tai Khánh (tức Trần thiện Khải) hay Hoàng Nhật (tức Ngô chí Dũng) chắc chắn ông Hùng bị dựa cột!

Tôi cố dùng tròng con ngươi để quan sát ngang nét mặt Thố trong khi mặt vẫn nhìn về cùng một phía với Thố. Tình tiết Thố đang nói là cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Vì nó liên quan đến danh dự của một thành viên Ðông Tiến Âu châu tình nguyện rời bỏ xứ sở tự do no lành để xâm nhập với chí nguyện phục quốc tại nội địa.

- Họ cãi nhau?
- Ừ! cãi nhau trong tiếng nghiến răng!
- Nghĩa là gằn từng tiếng?
- Ừ, … đù mẹ đù cha luôn!

Tôi im lặng, mường tượng lại chuyến về của Trần quốc Hùng. Khi ấy, 7/1985 trước lúc lên máy bay bay về Nhật. Hùng nói với Ðỗ Nhơn và Nguyễn Khảm: «Tôi về, chỉ viết thư ra khi đặt lòng bàn chân vào được đất Mẹ. Khi không có thư từ của tôi, nghĩa là Chiến khu chỉ quanh quẩn ở Thái, không giống như đang tuyên truyền …».
Suốt từ 1985 đến 1988 không có bất cứ lá thư nào của Trần quốc Hùng, trong khi Nguyễn đức Thắng về từ Hamburge viết rất nhiều, tả nhiều cảnh lâm ly tình quân dân cá nước trong chiến khu đất Mẹ (!).

Nguyễn đức Thắng, Hamburge, tháng 12/1984

Nguyễn quảng Văn cũng viết vài ba thư, nội dung kể chuyện gặp dân lành VN trong những lần công tác. Huỳnh Tiến cũng vài ba thư.
Tình cảnh ấy của anh em Ðông Tiến Âu châu lớp đã về chiến khu đã làm tôi suy nghĩ rất lung trong những năm 1986, 1987.

- Hùng nói: «Ðù má! Ba láp ba sàm!.. » - Thố kể chậm rãi, mắt lơ đãng nhìn theo mấy đầu tầu dừa đang phơ phất - « …Tụi nó sạo ke không, tui chịu không được …»

- «Không có làm cho có … Ðù má! Hết đường lui rồi! Chỉ còn đi về phía trước …». - Thố kể lại lời Huỳnh Tiến.

- «Huynh đệ chi binh thì không lường gạt nhau, tui sẽ quậy …»

- «Mày quậy, tao giết mày trước ai hết …».

… Lời kể về cuộc đối đáp mà Thố nghe được giữa hai người cựu sĩ quan VNCH cùng gốc gác Trà Vinh, cùng đi vượt biển trên một con thuyền, một là Thiếu úy Dù, một là Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đã bỏ gần nửa bàn tay lại trên bờ thành Quảng Trị năm 1972 ……là một bản vẽ mộc tả chân bộ lòng rối bời của đám chúng tôi. Những thằng tình nguyện bỏ xứ người chỉ với một khát khao được thực sự chiến đấu cho Tự Do của dân tộc ngay trên đất Mẹ.

Cả hai có mặt trong cuộc xâm nhập tháng 7 năm 1987 theo chỉ vẽ của Lê Phú Sơn. Ông Minh tin tưởng Lê Phú Sơn đã lập xong căn cứ trong nội biên Pleiku và quyết định tha bôi bồ đoàn gần hai trăm mạng người xâm nhập vượt Mekông băng ngang đường 9 Nam Lào để hướng về đất Mẹ.
Con đường đã được giăng kín bẫy đợi của Quân khu 9 bộ đội cộng sản Việt Nam!

Huỳnh văn Tiến(4) chết vì trúng hỏa tiễn cá nhân.

Trần quốc Hùng bị bắt trên đường bỏ ngũ vượt thoát trở lại Thái lan.

Hoàng Cơ Minh tự sát sau hơn 40 ngày bị ruồng vây nhằm bắt sống!

Gần hai trăm. Lớp chết lớp tù đày!!!

Hơn 10 năm sau, những cái chết ấy mơi được đề cập công khai ở hải ngoai bởi hai ngươi tù trục xuất. Tổ chức Việt Tân vẫn lạnh lùng chối bỏ và tận tình dùng sở trương truyền thông để bôi bẩn, bịt miệng những người làm công việc công bố!!!

¤

Ông Ngô Tỷ đã mất một đoạn xương hàm, nói năng rất khó khăn.Năm 1999, tôi tìm gặp ông tại San Francisco vì biết ông là căn cứ trưởng căn cứ 84 của Việt Tân tại Ubon trong nhiều năm. Ông người Sóc Trăng, sanh khoảng 1955.

- Anh Võ sĩ Hùng giúp cho tụi tôi trốn khỏi cứ 84(1). Tôi và nhóm anh em Phan Hoàng Lê đi thoát thì được tin anh Hùng bị giết chết trong nhà máy đèn(2).
- Ai ra lệnh giết?
- Chắc chắn là Hoàng Nhật.
- Tại sao các anh muốn trốn đi?
- Chống gì nữa mà chống! Tiêu hết rồi! Giữ tụi tui ở trỏng hoài làm gì?
- Khi anh đi ra được trại Panat Nikhon rồi, họ có làm khó dễ gì không?
- Trời! Thấy mẹ luôn! Giờ tới đây rồi còn sợ!
- Ai giúp các anh đi định cư?
- Mấy ông cha cố!
- Khi anh đi, anh Quảng Văn còn trong đó không?
- Còn. 90 mấy ổng mới chạy vào Panat Nikhon. Ông Thắng(3) với ông Quảng Văn.
- Anh nghĩ gì về anh Võ sĩ Hùng?
- Ảnh là một võ sư anh hùng. Không có ảnh, tụi tui chết ngắc hết rồi. Ảnh chết cho tụi tui sống! Chiến khu 89/90 không còn người anh hùng. Toàn đám gì đâu không hà …

¤

Trại tù Trung ương 5 Thanh hóa một buổi sáng xếp hàng xuất trại, năm 1996.

Bình thường đội chính trị từ A20 xuất sau cùng, xếp hàng trong khu riêng và ngồi đợi khi tù hình sự và đội «quá đà» xuất hết, đội chính trị A20 mới đi ra sau cùng. Khi về cũng về trước tiên, không lẫn chung với các đội tù khác.

Có một ngày bỗng nhiên sự bình thường ấy bị đảo lộn. Ðội tù từ A20 ra sân chung xếp hàng, có khoảng cách hai sải tay cách biệt đối với các đội khác. Vô tình, đội "quá đà" hôm ấy lao động xây dựng trong trại, nên hàng xếp khá gần với đội chính trị từ A20. Lập tức thuốc rê được ném sang nhau.
Nhìn các anh em Việt Tân trẻ măng, đen đủi đầu trần giữa hàng ngàn chiếc nón cối, nói giọng miền Nam lạc lõng giữa bạt ngàn tù hình sự...lòng tôi dậy nên nhiều cảm xúc. Quản giáo đứng sát giữa hai đội nên trao đổi không được gì, chỉ qua lại bằng mắt. Hai tháng trước, tôi có tuồn cho anh em hai bịch thuốc lá, ngay hôm sau, ba đứa bị lôi vào buồng cùm!
ảnh KCQ Đào Bá Kế rất hiếm tìm thấy trên Net. Ảnh trái (già hơn, tức là gần thời điểm hiện nay -2014- hơn) là từ 1 bài viết trên Blog của Phạm Hoàng Tùng (cựu KCQ "mặt trận"). Ảnh phải là từ 1 tờ báo mạng của VC, đăng ảnh và đi bài viết về Đào Bá Kế tháng 12/2007  -sưu lục, làm lại và chú thích ảnh by Admin
Những anh em trẻ tỏ vẻ rất coi thường Ðào Bá Kế(5). Tôi cất tiếng hỏi mấy em ngồi khá gần.

- Biết Văn biết Hùng ở Pháp về không? - Những cái đầu gật liên tục, mắt sáng lên. Ðào Bá Kế lớn giọng hỏi tôi, như kiểu lấy oai phong:

- Biết Trần Ðức không?

Tôi chớp ngay thời cơ khi thấy người quản giáo cũng có vẻ muốn nghe sự trao đổi này. Tôi hỏi thay vì đáp.

- Biết Võ sĩ Hùng không?

- Tao bắn thằng Hùng chứ ai! Thằng phản bội!

Tai tôi choáng ù! Quay hẳn người lại. Ðào Bá Kế cách tôi ba hàng tù, xéo chừng năm thước. Mặt mũi đã quắt queo. Bộ áo tù rộng thùng thình. Cơn giận vừa bốc lên đầu như gặp thùng phuy nước lạnh, tôi nắm tay lại, nghiến răng để không bung ra câu chửi tục. Bên hàng tù «quá đà» có giọng miền Nam cất lên «…ảnh bị xử tử! »


Pham văn thành
Paris 17.6.14

===============
Chú Thích:

1- Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến
2- Máy phát điện.
3- Nguyễn đức Thắng, cựu Thiếu úy Cảnh Sát Quốc Gia, người gốc Gia Kiệm, từ Hamburg/ Ðức về chiến khu Việt Tân năm 1984
4- Cũng có nơi ghi Huỳnh quang Tiến hay Huỳnh văn Tiếng
5- Cựu Thiếu úy Dù, bí danh Trần Quang Ðô, trưởng nhóm xâm nhập Ðông Tiến 3, đội trưởng đội «quá đà» Trại 5 Thanh Hóa (trại tù của cộng sản)


=========================
Admin: trên đây là bài cùng Title đã post lên Facebook Phạm Thành June 18, 2014 at 02:51 AM (ở đây:https://www.facebook.com/notes/774920832539721/

Franfurt 1985 Nguyễn Kim (Hườn) vest trắng. Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn cạnh Nguyễn Kim, cạnh Nguyễn Quảng Văn là Võ Sĩ Hùng, bị xử tử tại chiến khu Ubon 89/90. Ngoài cùng (trái) là Phạm văn Thành.

Phạm văn Thành (đứng, ngồi - áo jean Võ thanh, giữa Võ Sĩ  Hùng và Nguyễn Quảng Văn 8.1985 tại nhà Nguyễn Ngọc Đức (Lý Quảng..)
9.1985 buổi dã ngoại sau cùng vớí võ sư Bordeaux /Võ sĩ Hùng (đứng) và kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (ngồi khoác khăn), Phạm văn Thành ngồi giữa
sáng 10.9.1985...đi vào bí mật. Từ trái: Nguyễn ngọc Danh (Tổng Thư ký Hội Chuyên Gia, Ủy viên cấp khu Âu châu VT), Võ thanh, Kỹ sư Nguyễn Quảng Văn (giữa), kế Nguyễn Quảng Văn là Võ sư Boerdeaux /Võ sĩ Hùng kế Võ sĩ Hùng là Cao Văn nguyên Trung tá (hay Thiếu tá?) BĐQ / VNCH
đêm từ biệt, chén rượu biệt ly đưa ngươì vào vùng sinh tử (10.9.1985 Antony/Pháp), từ trái qua: Phạm văn Thành, Võ sĩ Hùng, Cao Văn
Thay vì đi vào bí mật, họ đã được đưa đi "trình diện" cơ sở Bỉ và Hà Lan để ..."củng cố tinh thần hai cơ sở Hà Lan, Bỉ ..."!!!Thậm chí gặp gỡ giớí báo chí Bỉ quốc...
Diễn Đàn Công Luận 7/1999 San Jose với Ngô Tỷ (nguyên hạ sĩ quan Thiết Giáp VNCH, Sóc Trăng, Cứ trưỏng Cứ 84 UBON/VT 1986/88) ...

...Bạch hóa vụ xử tử Võ sư Võ Sĩ Hùng (bởi MT/VT 1989/1990)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen