Freitag, 3. April 2015

Việt Tân - Palawan và Việt Tân - Những phút ban đầu

1982
Ánh nắng chiều rọi trên giải đất phía xa xa, màu xanh thẫm dần tỏ dưới chân trời bát ngát.
Mũi tàu trực chỉ đầt liền theo sau một chiếc tàu con lai dắt màu trắng sọc đỏ của cảnh sát. Chung quanh đã thấp thoáng những con tàu thuyền với hai ngáng càng khung hai bên thân, một dạng thuyền bè đặc thù của người Phi Luật Tân.
Cảm giác thật hỗn độn sau hơn tháng trời lênh đênh trên biển. Kia là đất liền. Một quê hương mới. Một vùng đất mới. Một dân tộc mới! Tất cả hoàn toàn là mới mẻ đối với những con người vừa trải qua một cuộc sống mái giữa trùng dương bát ngát, vừa nhận ra sự bao la hùng tráng vĩ đại của biển cả, đối nghịch với sự nhỏ bé đến tận cùng của manh thuyền ván tí hon khờ khạo.
Con tàu Pháp mang tên Le Goelo dừng lại. Tất cả 288 người đều đã ngay ngắn lối hàng để chuyển sang tàu nhỏ vào đất liền.
Tôi nghe tiếng hát đồng ca tiếng mẹ đẻ, ca khúc Việt Nam - Việt Nam của Phạm Duy. Nước mắt tôi ứa ra, trệụ trạo hát theo, lòng miên man hỗn độn cảm giác một thời niên thiếu xa xưa với hoàn cảnh thập tử nhất sinh vừa trải qua, với nỗi buồn quê hương không còn ngày trở lại.
Trời đã tối hẳn. Mặt biển thâm đen rùng rợn. Tôi ở tốp cuối cùng, nghẹn ngào rời con tàu đã tái sinh mình, trong tiếng hát đồng ca vọng lên cao vút từ những con thuyền đang chòng chành chẻ sóng tiếp tục đâm tới chân con tàu Le Goelo trắng xanh hùng vĩ.

Bàn tay anh em nắm chặt lấy nhau. Tình đồng bào thiêng liêng bất ngờ, tự nhiên, phừng lên như lửa rực cháy. Những câu hỏi dồn dập “Ai Nha Trang không?”, “ Có ai Bình Tuy không?”, “Ai Sài gòn, Huế …”. Tôi biết chắc là sẽ chẳng có ai hỏi về quê quán nơi tôi đã sinh ra, bởi vào thời ấy, đất Hố Nai Biên Hòa còn chưa có người cắm rễ ra được gần bờ biển. Chế độ an ninh qúa gắt với vùng đồng bào công giáo di cư.
Tôi im lặng, dấu đi một nỗi buồn khó tả: Cô độc!

Vì xác thân cao lớn, tôi là người cuối cùng leo lên chiếc xe tải không mui kiểu xe xúc. Anh em gia đình Phật tử mặc đồng phục, phất cờ vàng quốc gia (quốc kỳ VNCH) hát vang những bài đồng ca thời Sinh Viên và Hướng Ðạo VN trước 1975.
Những ca khúc của Phạm Duy và Nguyễn đức Quang một thơì thôi thúc lớp thanh niên quăng mình ra phiá trước. . .
Lớp ngươì mới rời tàu Le Goelo, mặt mày ai cũng đen nhẻm, lõm bõm có hai ba người nửa khóc nửa cười hát được theo, trong đó có Bản, ngươì đi cùng với tôi từ một điểm hẹn ở Long Xuyên. Ai cũng xốc xếch đứng sát vào nhau lắc lư theo tiếng rú của chiếc xe chở rác vừa được tắm gội sạch sẽ. Ai cũng cười méo xệch. Ai cũng nghẹn ngào, nói không tròn tiếng. . .

Xe chạy qua phố Peurto Princesa. Đèn đường loang loáng lướt qua để dẫn đến một khu làng thật thưa vắng. Cuối con đường tráng nhựa ấy là xập xình năm sáu quán rượu nhạc nằm án ngữ gần ngay lối cổng ra vào của trại tỵ nạn Palawan. Xe cua gấp để vào trại, thấp thoáng màu sóng biển đêm tung bọt trắng xoá khoảng cuối con đường dẫn ra bờ biển. Đập vào mắt tôi là ngôi chùa nằm lặng lẽ bên tay trái, đèn hương và ngươì đứng chật hai bên đường, tiếng hát hòa lẫn tiếng chào hỏi từ đâu đến, quê quán nơi nào?. . .
Bên tay mặt là những dãy nhà lợp mái lá dừa thằng tắp như trại lính. Xe chạy chừng ba trăm thước là gặp một ngôi nhà thờ, qua sân nhà thờ là một sân bóng rổ rồi đến khoảng sân thật rộng. Tôi nhận ra trụ cột cờ và hiểu đây chính là sân trung tâm. Xe dừng. Bà con vây quanh đông nghịt nhưng khống tiếp cận sát thân. Lực lưọng an ninh của trại đều là anh em vượt biển. Kỷ luật ở đây có vẻ là không đùa.
Palawan, Những ngày đầu đời ly biệt
Từ sân trung tâm, đoàn người vừa từ biển lên được dẫn xuyên qua một khu được gọi là lăng bác. Ai cũng bật cười khi đi qua hẳn khu di tích ấy. Vì đó là khu nhà vệ sinh chung, được xây công phu (vì đất ở đây là đất đá ong cực cứng rắn, không đào sâu xuống mặt đất được).
Đoàn người 288 người đi ở giữa, hai bên là bà con tíu tít đứng hoặc chạy theo hỏi han quê quán. Chỉ một câu gần như duy nhất, nhưng cả ngàn lần hỏi. "Đi từ đâu, quê ở đâu? Phải tỉnh (. . . . ) không?".
Ai cũng hỏi. Hỏi tất cả gần 288 con ngườì. Mấy ngày sau tôi mơí biết, số người đang ở trại gần năm ngàn người!
Sau này, hành xử của tôi cũng y như những người đã hỏi những câu hỏi ấy! Lòng khát khao tìm sự liên hệ quê quán của ngươì mình thật mãnh liệt vô song. Nhớ đêm ấy, ít nhất tôi đã nói câu «không phải» đến hai ba ngàn lần! Tôi thèm được một lần trả lời «Phải, đúng tôi đây …» nhưng là vô vọng! Có lẽ tôi là một trong những người ngươì trôi dạt biệt xứ đầu tiên của đất Biên Hòa, có mặt trong đàn người vượt biên bỏ xứ giai đoạn 1980.

288 ngươì sống sống chung trong một dãy nhà có rào B40 cao ba thước. Những miếng cơm đầu tiên sao ngon và mặn đến tận cùng. Anh chị em gia đình Phật Tử, anh em Thanh Sinh Công (Công Giáo)… khênh vào láng từng nồi cơm to tướng. Mùi cơm bốc ngào ngạt. Những miếng cá kho thơm lừng hương vị quê quán. Những tiếng chào mời. Những câu thăm hỏi và cả những ngươì tíu tít bắt được kẻ cùng quê!. .
Nước mắt tôi không giữ được, lăn cả xuống bát cơm. Người em gái chung tàu sụt sịt trêu «Anh Thành khóc kìa mấy chị ơi!».
Một bà sœur cùng chuyến tàu nói vừa đủ cho mấy ngươì đàn bà nghe: « Những người cứng rắn nhất, thường lại là những người mềm yếu về tình cảm nhất!".
Tôi và cơm vào miệng, nuốt lặng lẽ dòng nước mắt của mình.
Tôi xa quê thật rồi. Từ hôm nay, tôi chính thức là ngươì mất nước!
Palawan 30 Tháng 4 / 1983

1983
Ngươì đàn ông nấc lên trong đêm tối. Tiếng nấc như lôi tôi ngã tuột xuống đất. Đêm đã khuya. Tôi vừa từ bệnh viện bên căn cứ quân sự đi bộ tắt ngang phi đạo để vào trại. Ca lấy máu làm tôi quá mệt. Sản phụ chỉ có tôi là ngươì chung nhóm máu dù 6 ngươì đi hiến. Tôi rơì bệnh viện, xe quân sự chạy gần đến phi đạo thì hết lối, sợ lún cát nên để tôi đi về một mình sau khi đã hỏi tôi có cần ngươì dìu không? Tôi lắc đầu cười bảo không. Nhưng khi leo lên hẳn phi đạo, cơn choáng váng mơí ập xuống. Lảo đảo men theo hàng rào trại gọi an ninh trung tâm mở cổng rồi chậm rãi mò về khu vực của tôi ở, nơi những nguời vượt biển thuộc dạng «con bà phước ».
Palawan 1983, những ngày lớn thêm niềm tủi nhục , mênh mang thêm nỗi hờn vong quốc ...
Khu 8 là khu tập thể, chỉ là một cái láng dài chừng 150 mét có mái dừa và hai tầng nẹp tre làm sàn ngủ. Không có tường bao quanh, gió thốc hằng đêm thường tốc hết mùng màn xoắn vào nhau. Khu có chừng hơn trăm người chia sẻ cuộc sống lang bat với nhau.

Tôi đứng chựng lại. Cố trấn tĩnh để tin rằng mình đang không phải gặp ma quái. Trại này xưa kia là sân bắn của ngươì Tây Ban Nha làm thuộc địa, xử bắn nhũng người Phi kháng chiến chống ách thực dân. Sân bắn lại ngay trước chỗ tôi nằm, cách chừng 80 mét mà bây giờ (1983) là khu vực xây cất thành trường sinh ngữ của ngưòi Phi vào dậy theo hợp đồng. Anh em thường hay kể những chuyện ma quái hiện hình nhưng tôi chưa bao giờ gặp. Không lẽ hôm nay tôi lại gặp?!

Lùi cũng không được, mà đi vòng lối cửa sau cũng không xong vì phải leo những bậc thang rất khó. Sức khỏe này thì tôi không thể leo lên để vào nhà, bò vào chỗ nằm được. Nhà tập thể có 4 cửa chính không kiến tạo cửa đóng. Lúc nào cũng trống thốc.
Hàng trước từ trái qua: Dư Kim Sơn (áo ngắn tay duy nhất), Trần Kinh Thành, Trần Liêu, Văn Dũng, Trần đức Tường, Nguyễn Trường Lưu. Hàng sau từ trái: Phạm văn Thành (trong cùng), Lê Định, Nguyễn ngọc Đức. Hàng sau chót, bìa phải ảnh: Xuân Minh (trong một khóa huấn luyện đặc biệt ở ngoai ô nam Paris, tháng 5/1986 - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành)
Tôi đứng tựa vào thành cửa lớn, cố trấn tĩnh để phân biệt sự vật. Tiếng nấc bật thành tiếng khóc và đột ngột một bóng người to lớn đứng bật lên giữa nhà tiến thằng về phía tôi. Phản ứng tự nhiên khiến tôi cúi xuống đất mò tìm những hòn đá hay vất vưởng quanh lối đi. Khi tôi còn loay hoay chưa nhặt được hòn đá lên thì cái bóng to lớn ấy đã bước nhanh thoát ra khỏi cửa, vẫn mang theo tiếng nấc. 
Khi ánh trăng mờ ngoài trời đổ lên lưng chiếc bóng ấy, tôi nhận ra Dư Kim Sơn, Đại Úy Hải Quân VNCH, trưởng group tàu 36 Goelo. Ngươì có thân hình lực sĩ mét tám với bộ sô ngực cực đại của các lực sĩ kiến càng VNCH. Ông đang khóc!

… Tôi đã đến với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt nam (Việt Tân) qua ngươì đàn ông ấy. 

==============
Palawan 30 Tháng 4/1983. Phan Di, Phạm Khải... Những người chung chí hướng nay lưu lạc góc bể chân trời...

Việt Tân - Mối tình đầu

1983

Thành bộ Palawan là một cơ sở Mặt Trận QGTNGPVN rất đặc biệt. Nơi đây, trại tỵ nạn này, cuộc sống còn đang là những dấu hỏi thật lớn đối với tất cả mọi con người hiện diện. Quan tâm lớn nhất là mỗi người rồi sẽ đi đâu? Quốc gia thứ ba nào tiếp nhận? Trình độ sinh ngữ phải được cật lực nhồi nhét trong hoàn cảnh phập phồng đợi tin thân nhân và tin chấp thuận của các đoàn phỏng vấn. Đời sống sinh hoạt đơn giản đến mức tối đa. Các căn nhà dựng tạm bằng cây đước và lá dừa chen chúc sát rạt nhau nên việc họp bàn của một nhóm lực cách mạng trở nên bất khả. Việc hình thành và sinh hoạt một cấp thành bộ của một tổ chức cách mạng chính trị như vậy, tự nhiên đã là một việc quá sức.
Vì quá sức, nên nổi trôi trong áp lực và gượng gạo.

Đoàn viên chỉ ở trong phạm vi những đối tượng thuộc cựu quân cán chính VNCH, tối thiểu cũng phải từ hạ sĩ quan. Ông Phạm van Liễu đã đến trại này và để lại một cấp sinh hoạt khá bề thế: Thành bộ Palawan.
Sự bề thế này kéo dài được gần hai năm thì đi vào bình lặng. Trả lại cho mỗi người đời sống thật sự với những căng thẳng của vấn đề định cư.
với (từ phải qua) Bình Định (USA), Quang Bản (FR), Ng Hồ Bảo Quân (JP), Thanh(FR)...Ngày Quang Bản bay đi Pháp
Một buổi chiều trơì đã nhá nhem, tôi xách một thùng nước ngọt từ tận khu 6 vừa về đến chỗ nằm để tưới cho khoảnh đất đá mà tôi đã cật lực gần một tuần mới đào được bật đá lên, kéo đất làm thành một hình bản đồ tổ quốc và trồng hoa mười giờ với một cây hoa dong đặt đúng điểm thủ đô Sài gòn.
Mỗi chiều tối tôi ngồi ở miếng đất này, hoặc một mình, hoặc với năm ba người bạn, trên nhũng hòn đá ong to lớn đã được cật lực lăn về. Miếng đất này, từ chỗ tôi nằm, quay đầu nhìn xuống là có thể nhìn thấy công trình của mình. Tôi gọi là công trình vì nước ngọt ở đây cực kỳ hiếm. Tôi có thể tắm nuớc lợ, có thể nấu cơm bằng nước lợ..nhưng uống và cây thì dứt khoát phải là nước ngọt. Ở đây, nắng đảo rất gay gắt.

Anh Dư Kim Sơn đến gần khi tôi đã tưới xong thùng nước sau cùng. Đưa tôi mấy điếu thuốc Malbroro, anh bảo.

- Trển không hút, anh lấy về cho Thành.

Tôi với anh Sơn ít khi nói chuyện, dù ảnh và tôi chỉ cách nhau năm sáu chỗ nằm. Tôi là đứa vạ vật. Bất kỳ đâu tôi cũng có thể nằm ngủ và không quan tâm tư thế mình co quắp hay nghiêng ngửa thế nào, khác hẳn với anh ta. Tư thế nằm ngủ lúc nào cũng cứng như một khúc gỗ. Không bao giờ xà lỏn, không bao giờ trần trụi.
Anh lên trại chỉ vài tháng sau là nhận trách nhiệm trại trưởng, điều này cộng lại với thái độ sống nghiêm khắc, càng làm tôi ít giao tiếp hơn. Nhưng tôi rất thương ảnh, vừa vì ảnh là người cùng chung trại tù Gia Trung với người anh duy nhất còn sống sót của tôi, vừa vì thấy ở ảnh một bóng dáng của người sĩ quan rất nghiêm tư cách.

Tôi phủi phủi tay, đón lấy mấy điếu thuốc, lòng không dấu được đôi phần xúc động. Có lẽ anh biết, hồi chiều tôi mới đổi hai lon gạo với bà chủ sạp tạp hóa để lấy mấy điếu thuốc đen của Phi. Chố nằm của anh nghỉ trưa, sát bên chỗ bà có sạp tạp hóa. Tôi hút thuốc nhiều, tiền công nhựt người Phi trả cho những ngày đào đường vét rãnh không đủ cho tôi viết thư và gởi thư. Gạo trại phát ba ngày một lần, tôi cắt ra một nửa để đối lấy thuốc hút. Các phần thịt cá hàng ngày cũng đã có người « bao tiêu ». Phần cá phát hàng ngày thường có các suất cá ngừ, là loại cá rất ít người ăn nên tôi và Đình Bản thường bao thầu đám cá này. Làm cho một nồi là có thể qua được gần tuần lễ …

Tôi loay hoay tìm cái quẹt gaz thì anh móc túi bật cái rẹc, lửa phựt lên từ bàn tay khum khum của anh. Rít một hơi thật đầy phổi, tôi tránh ánh mắt của anh đang nhìn vào mặt tôi.

- Đã dữ hả?

Tôi gật đầu đáp nhẹ «vâng ».

Cái khoảng đất bé nhỏ này, từ khi những cọng hoa mười giờ đan kín lấy nhau, những bông đỏ nở ra mỗi buổi sáng, đã thành một chỗ cho đám anh em chung group tàu tụ họp mỗi khi đêm xuống. Tôi đã sống trên đảo này bốn năm tháng rồi, vẫn bám trụ nơi sạp nằm «con mồ côi» này.
Anh em, đều đã «ra riêng» sau khi liên lạc được với gia đình thân nhân ở Mỹ. Tôi không theo anh em về các căn “nhà riêng” mà bám riết ở đây nên anh em phải lò mò đến chỗ này để bù khú, nếu không đủ tiền kéo nhau đi ngồi lê ở hai cái quán cà phê có hai cô chủ chân rất dài trong trại, hoặc sang trọng hơn, là kéo nhau ra mấy quán nhac ngoài cổng trại vừa nốc rượu Kelly (một loại rượu mạnh như rượu mía ở VN) vừa đờ đẫn nhìn những bước nhảy điên đảo của đám người vừa từ một cõi chết bất ngờ biết mình còn sống sót. Nhũng điệu nhảy thưòng làm tôi chóng mặt …

Anh tự ngồi xuống một mỏm đá, tôi ngồi xuống theo ở một mỏm bên cạnh. Anh nhìn tôi hút thuốc, miệng cười nhẹ nhàng.

- Thành quan hệ thân với cô Khanh phải không?

Tôi hơi thảng thốt vì không nghĩ anh Sơn lại hỏi tôi câu ấy. Điếu thuốc bất giác thành nặng nề. Tôi đoán ngay ra ý tưởng phía sau của câu hỏi mà anh Sơn vừa gợi ra.
Khanh là một cô bé 17 tuổi, tàu Mỹ vớt và Mỹ không chấp nhận cho định cư vì người thuyền trưởng chính là ba của cô Khanh, từng là một sĩ quan VNCH, bị dính dáng đến vụ đảo chánh 1963 và ngả hẳn về « phía bên kia », sau đó ra Bắc và đi làm ngoại giao ở một số nước Đông Âu (1). 1976 ông trở lại Sài gòn và 1980 dắt hai đứa con gái vượt biên, do chính ông ta tổ chức. Tàu Mỹ vớt và đưa vào đảo. Lên đảo, ông bị đánh đập thê thảm … sau ông âm thầm sống làm việc cho Hồng Thập Tự quốc tế của trại, nhưng không quốc gia nào nhận ông và hai đứa con gái, đưa đến sự tình ông phải « tách hộ » với hai đứa con gái 17, 18 tuổi, sống gần như không nhìn mặt nhau …để mong hai đứa con gái đang tuổi học có cơ hội đi bất cứ quốc gia nào …

Nhiều người cũng từ những liên quan của người Cha mà có những cái nhìn rất khác lạ về hai chị em Khanh. Tôi âm thầm chống lại lối hành xử này và thường đàn cho Khanh và bạn Khanh hát. Có lần cả tôi và Khanh đã phải bị « kỷ luật » vì trong một buổi đêm tiễn Võ Thanh Phong đi Pháp, chúng tôi hát bài « tình đồng chí ». Tôi bị đưa lên phòng kỷ luật và buộc ký biên bản vi phạm kỷ luật.
Lúc bấy giờ, đứng trước một đám đông an ninh đằng đằng sát khí vì cảm giác bị xúc phạm ý thức chính trị, tôi đã chuẩn bị tinh thần phải chịu một trận đòn chí tử. May là anh Sơn xuất hiện. Cuộc «dằn mặt » đã không xảy ra. Nhưng từ ấy, lòng tôi đã bắt đầu ê chề về một thứ quyền lực vô cương ở trại tỵ nạn. Nơi mà con người đã phải bị tước đi những điểm tựa cao qúi và thiêng liêng nhất: Gia đình và Tổ quốc!

- Đúng, em thương cô ta. Yêu thì đúng hơn!..

Hơi nhăn mặt, anh lấy chân di di lên một vài bông hoa héo tôi vừa cắt ném bên cạnh chỗ anh ngồi.

- Thành biết ba của Khanh chứ?
- Em biết, tuy chưa bao giờ gặp mặt.
- Ổng là người làm lớn cho bên kia, Thành biết chứ? Tại sao người như vậy lại vượt biên? Tự tổ chức.
- Em nghĩ tại ổng biết quá nhiều…
- Thành biết nhiều người gai mắt Thành lắm không?

Tôi im lặng. Một chút xốn xang! Một chút buồn!

Tôi sanh ra nơi một vùng đất xôi đậu, chiến tranh cộng với những tâm lý kỳ thị địa phương vùng miền …đã cướp mất năng lực học hành của tôi. Lõm bõm năm được năm không …để đến khi miền Bắc chiến thắng, tôi là đứa ngô nghê thật sự.

Từ nhỏ tôi đã bị bắt nạt riết thành quen. Mình tôi ôm cặp đi học. Bị xúc phạm đến địa phương mình sinh ra, chịu không được nên vằng lại. Năm này qua năm khác, bị bắt nạt, đánh đập … Cho tới khi lăn mình vào cuộc chiến đấu lớn, làm quen với kíp mìn, với súng cưa nòng, lựu đạn cưa ngắn kíp..! Với những sự sống cái chết trong gang tấc … Tôi đâm coi thường cảnh bầy đàn. Tụm năm túm ba đánh đá người cô thế …

Tôi dụi điếu thuốc đang cháy ở đốt cuối, khẽ lắc đầu.

- Em sống cô độc quen rồi! Ai nghĩ em sao cũng được.
- Anh sẽ đi trước em. Anh muốn nói để em cẩn thận. Môi trường này, em bất cần cũng không xong. Bữa đó không có anh chắc chắn em đã mềm người. Em là người ngay nhưng em cô độc...
* * *
Buổi tối hôm đó là buổi tối duy nhất hai anh em nói chuyện trực tiếp với nhau về một chuyện rất riêng.

Những lần tiếp sau chỉ là những trao đổi vắn tắt. Anh cho tối biết những tin tức về lực lượng ông Hoàng Cơ Minh và yêu cầu tôi tìm hiểu. Anh nói rằng cơ sở Palawan không có các buổi thảo luận chính trị. Những buổi gặp gỡ của anh em đoàn viên thuần chỉ là trao đổi thông tin, hơn nữa, cơ sở chỉ đón nhận những quân cán chính VNCH.

Tôi qúy mến anh. Cũng là những ước mơ tôi ấp ủ nên tôi cố gắng tìm hiểu về tổ chức. Trại Palawan có một thư viện lớn. Tủ sách của vị linh mục người Mỹ cũng rất nhiều báo chí của cộng đồng người Việt năm châu nên tôi vỡ ra nhiều điều về tổ chức có tên «Hoàng Cơ Minh».
Anh em quen biết trong trại khi bay đi bốn phương cũng nhặt về cho tôi những thông tin cần thiết. Những nhóm người vào « chiến khu » từ trại Panat Nikhon cũng được báo về cho vị linh mục người Mỹ …Tôi gắn bó với tổ chức trong hoàn cảnh như vậy để tháng 10/1983, hành trang sang Pháp của tôi là rất nhiều những thông tin được góp nhặt từ muôn hướng về Việt Tân/ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.

Khi sang Pháp, ngay buổi đầu tiên, những anh em tiếp xúc đã thông báo cho tôi về buổi nói chuyện công khai của ông Phạm văn Liễu ở Cabanis và nói cần người bảo vệ. Hôm ấy tôi có mặt ở hội trường, đứng ngay ở vị trí trọng yếu nhất. Bên trong chiếc áo khoác là một thanh mã tấu được dắt dọc từ cổ xuống đáy lưng...

=======================

(1): ngả theo phía cộng sản miền Bắc.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen