Montag, 17. Juni 2019

Một năm đi làm Phó Quận Trưởng (Lê Ngọc Diệp)



Bài viết nầy chỉ là một bút ký vì tôi nhắc lại những biến cố đã xảy ra từ 50 năm trước một cách không có thứ tự, và vì thời gian quá lâu nên có thể có nhiều thiếu xót về những địa danh và những nhân vật liên hệ nên xin quý vị và quý bạn đồng môn vui lòng miễn chấp. Bài ký sự nầy cũng để kính cẩn tưởng niệm quý vị Giáo Sư và quý đồng môn vị quốc vong thân, tử nạn trong các trại “Học Tập Cải Tạo” và bỏ mình hay mất tích trên đường “Vượt Biên”, đồng thời tưởng nhớ đến các chiến sĩ âm thầm hy sinh trong bóng tối vì ít ai để ý đến họ. Đó là những chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, các cán bộ và viên chức xã ấp, Nhân Dân Tự Vệ cũng như lực lượng CSQG, LLĐB mà tôi có dịp tiếp xúc trong hai năm 1964 và 1965 tại tỉnh Phước Long.

Khóa 9 Đốc Sự là một khóa tương đối đặc biệt vì là khóa “giao thời” giữa hai nền Cộng Hòa: Đệ Nhứt và Đệ Nhị. Nhập học vào khoảng tháng 9 năm 1960 và ra trường vào ngày 23 tháng 3 năm 1964. Và cũng là khóa đầu tiên thụ huấn quân sự tại trường Võ Bị Thủ Đức (khóa 17) thay vì tại quân trường Hạ Sĩ quan Hiện Dịch Đồng Đế ở Nha Trang như các khóa Đốc Sự 7 và 8. Thời gian đi tập sự vào mùa hè năm 1963 nhằm vào những tháng cuối cùng của nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, lúc đó tôi đi tập sự tại quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, một quận trù phú nằm cạnh Quốc lộ 1 và đường đi Khánh Dương. Tôi đã có dịp tham dự lễ khánh thành ấp chiến lược Hòn Khói ven biển trên đường đi Phú Yên. Trong dịp nầy có sự chủ tọa của ông Ngô Đình Nhu trong trang phục Thanh Niên Cộng Hòa và ái nữ của ông là Ngô Đình Lệ Thủy trong y phục Thanh Nữ Cộng Hòa.
Tôi và đồng môn cùng khóa là anh Phan Thanh Xuân về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Phước Long. Tỉnh nầy chỉ cách Sài Gòn 180 km nhưng quốc lộ 13 bất an nên chúng tôi phải đi máy bay của Air Việt Nam đến Ban Mê Thuột, từ đó đón xe đò về ngược lại tỉnh lỵ Phước Long. Khoảng đường chỉ hơn 200 km mà xe chạy từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới đến quận lỵ Phước Bình nằm sát chân núi Bà Rá. Núi không cao lắm nhưng trời mưa âm u mây trắng phủ kín ngọn núi, sương mờ huyền ảo, đất đỏ đặc sệt, hai đứa chúng tôi không dám bước xuống xe vì đi không được. Chúng tôi trình diện ông Phó Tỉnh Trưởng là anh Đèo Văn Ngày (1). Sau đó, Phan Thanh Xuân và tôi trình diện Tỉnh Trưởng là Trung Tá Mã Sanh Nhơn, gốc nhảy dù có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trung Tá Mã Sanh Nhơn cho biết hiện đang có hai Phó Quận trống là Đức Phong và Bố Đức, tên nguyên thủy của Đức Phong là Bù Đăng nằm cạnh quốc lộ 14 trên đường đi Ban Mê Thuột, Bố Đức là Bù Đốp nằm sát biên giới Việt Miên hướng bắc Lộc Ninh. Phan Thanh Xuân và tôi quyết định bắt thăm chớ không để Trung Tá Tỉnh Trưởng chỉ định. Xuân đi Đức Phong, tôi về Bố Đức.
Bố Đức cách tỉnh lỵ Phước Long khoảng 25 km về phía Tây và cách biên giới Việt Miên khoảng 4 km, ranh giới Việt Miên chỉ là con suối mang tên Bu Jer Man, mùa khô đi bộ qua cũng được. Cơ sở hành chánh của quận nằm trên một ngọn đồi nhỏ trong một biệt thự do người Pháp xây cất, dân số toàn quận vào năm 1964 chính xác là 9.800 người, đa số là dân thiểu số gốc Stieng, tên của họ chỉ có hai chữ và họ luôn luôn bắt đầu bằng chữ Điểu như Điểu Sen, Điểu Chôm… Quận lỵ là xã Phước Lục chỉ có khoảng 500 dân gồm hai dãy nhà, ở chính giữa là một nhà lồng chợ. Quận có 4 xã và xã xa nhứt là xã Bù Gia Mập cách quận lỵ khoảng 40 km đường rừng về phía Bắc miệt Ba Biên Giới. Đồn điền cao su Bù Đốp nằm giữa quận lỵ và biên giới, đồn điền nầy thuộc công ty Cao Su Viễn Đông (Société des Caoutechoues d’Extrème-Orient), tên thường gọi là CEXO thành lập năm 1911, đồn điền Bù Đốp xây dựng năm 1911 rộng 810 mẫu. Hằng tháng có máy bay Cessna lên tiếp tế và phát lương. Thời cực thịnh công ty nầy đã bỏ tiền ra để làm đường xe lửa Sài Gòn-Lộc Ninh dài 142 km để chuyên chở cao su. Hầu hết dân cạo mủ được mộ từ miền Bắc và miền Trung như  Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ thập niên 1930 và con cháu của họ vẩn tiếp tục làm phu tại đây. Bên cạnh đó là một số dinh điền như dinh điền Châu Ninh I, Châu Ninh II gần quận lỵ, và đường đi Bù Gia Mập cũng có một số dinh điền. Các dinh điền tọa lạc tại những đất phì nhiêu và thưa dân, thường là những xứ đạo do một linh mục quản trị và án ngữ tại những vị trí chiến lược sát biên giới. Việc thiết lập các dinh điền nầy dọc theo biên giới chứng tỏ các giới chức lãnh đạo đương thời một tầm nhìn rất xa về phương diện kinh tế và an ninh. Ngoài ra, còn có trại Lực Lượng Đặc Biệt Bù Đốp với sân bay riêng nằm sát biên giới Việt Miên cạnh đuờng mòn Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đó tôi về nhận nhiệm vụ Phó Quận Trưởng Bố Đức vào khoảng tháng 4 năm 1964. Buổi lễ bàn giao rất đơn giản, không kèn không trống, được tổ chức tại văn phòng Quận dưới sự chứng kiến của Đại Úy Quận Trưởng Nguyễn Trắng gốc Biệt Động Quận, Chuẩn úy Băng Chi khu phó, các Xã trưởng, các sĩ quan Trưởng Ban của Chi khu, các Trưởng Ban trong Văn phòng Hành chánh quận, Chi Cảnh sát. Ông Cao Thái Khá, Phó Quận Trưởng tiền nhiệm sau khi ký giấy bàn giao lại cho tôi, bèn nói “Tôi bàn giao cho ông  như tôi uống 10 thang thuốc bổ!”.
Công việc hành chánh thật ra không có nhiều, vì 90% là người sắc tộc, hầu hết là thị thực các chứng thư hành chánh. Tôi chú ý đến các giấy tờ di chuyển mà Đại uý Quận Trưởng không chịu ký vì ông cho rằng cho họ di chuyển thì Quận mất dân. Tôi trình bày cùng ông Quận Trưởng rằng ông ta có lý của ông ta để không ký nhưng tôi nghỉ người dân có quyền di chuyển và Quận có nhiệm vụ thị thực chữ ký của xã. Đại úy quận trưởng bận chuyện hành quân nên cũng quên đi chuyện nầy, hơn nữa nếu Quận không cho dân di chuyển, không lẻ con cháu của phu cạo mủ cứ tiếp tục làm phu đồn điền từ đời nầy qua đời khác hay sao?
Làm gì cũng vậy, làm chánh bao giờ cũng có quyền hạn hơn làm phó vì quyền hạn của người làm phó là do người chánh giao cho (2), nhưng làm phó nhiều khi cũng khỏe vì không có trách nhiệm. Người ta thường nói làm “phó thường dân” là sướng nhứt. Một năm làm phó quận trưởng tại Bố Đức vào năm 1964 đến 1965 cũng có nhiều công tác có ý nghĩa và lý thú. Thứ nhứt là mộ phu khai phá đồng Gia Rây để có đất cho dân làm rẫy, đi thăm các xã ở xa, kế đó là tổ chức bầu cử Hội Đồng Tỉnh vì trong hai năm nói trên không có bầu cử Quốc Hội hay Tổng Thống. Tôi có hai kỷ niệm khó  quên trong cuộc bầu cử Hội Đồng Tỉnh vào năm 1964.
Người thiểu số Stieng không lưu tâm đến việc bỏ phiếu nên nhân viên phụ trách phòng phiếu phải đến các xã để “vận động” cho họ đi bầu. Văn phòng quận liên lạc xã xa nhứt là xã Bù Gia Mập nói rằng đúng ngày bầu cử quận sẽ mang thùng phiếu đến và xã trưởng thông báo cho cư dân trong xã ở nhà bỏ phiếu. Một phái đoàn bầu cử khá hùng hậu của Quận gồm Đại Úy Quận Trưởng, nhân viên bầu cử và tôi, thêm một tiểu đội nghĩa quân kể cả một toán Lực Lượng Đặc Biệt trong đó có 2 binh sĩ Hoa Kỳ cũng tháp tùng. Đường đi lên Bù Gia Mập khá nhiêu khê vì không có đường dọc biên giới từ quận đến Bù Gia Mập, do đó, phải đi ra quận lỵ Phước Bình mất 25 km rồi theo đường đất đỏ từ chân núi Bà Rá thêm 30 km nữa. Đường gập gềnh chỉ có xe Jeep mới chạy nổi, chạy lắc lư như rùa bò, tối hôm đó phái đoàn ghé một dinh điền ngủ qua đêm. Vấn đề an ninh trong năm 1964 rất tốt, không có chuyện giựt mìn hay đắp đê trong lảnh thổ của quận Bố Đức. Dân dinh điền đêm hôm đó đãi phái đoàn quận một bữa thịt cầy, hai người lính Mỹ không những ăn mà còn khen ngon! Tôi đinh ninh khi đến xã thì dân chúng sẽ tụ họp để bỏ phiếu nhưng chẳng thấy bóng dáng người dân nào, hoàn toàn vắng hoe. Không lẽ người dân sợ đi bỏ phiếu như vậy hay sao? Đây là “tiến trình dân chủ” mà! Đúng lúc tôi đang suy nghỉ miên man thì một đoàn người từ mé rừng khiên vác nhiều con heo rừng đi ra và vô xã, gọi là xã cho vui chớ đúng ra là cái sóc Bù Gia Mập với hơn một trăm gian nhà sàn. Hỏi ra mới biết đó là cách người dân ở đây đi săn heo rừng, khi họ tìm được heo rừng, họ tập trung cả sóc lùa bầy heo vào một khu rừng rồi rào chung quanh khu rừng đó lại, chỉ để một hai lỗ trống. Một số người vô đó rượt đuổi, mấy con heo chạy thoát ra những lỗ trống và bị đập chết. Tôi thấy họ khiên về hơn một chục con heo rừng! Cuộc bầu cử ngày hôm đó cũng hoàn tất.
Trong cuộc bầu cử nầy, tôi có thêm một kỷ niệm khá hào hứng. Một lần tôi vào thăm đồn điền Bù Đốp cách biên giới không xa và gặp người thơ ký đồn điền. Ông nầy vào khoảng 60 tuổi, vóc người ốm ốm, đầu luôn luôn đội nón len màu nâu vì thời tiết rừng hơi lạnh. Thấy ông ta có vẻ hiểu biết nên tôi thường hàn huyên, ông cho biết vì buồn đời tư nên lên đây làm thơ ký cho đở buồn. Nhiều bữa ông đi bộ từ đồn điền ra văn phòng quận gặp tôi, khoảng đường gần 4 cây số không có phương tiện chuyển chở cộng cộng. Đang mùa bầu cử Hội Đồng tỉnh nên ông nộp đơn ứng cử nghị viên cho đơn vị Bù Đốp. Ông có trình độ văn hóa khá và nói tiếng Pháp thông thạo nên ông đắc cử và được bầu làm chủ tịch Hội Đồng tỉnh Phưóc Long, ông đi Sài Gòn tham dự Đại Hội Hội Đồng Tỉnh Toàn Quốc và sau đó được bầu làm Chủ Tịch Hạ Nghị Viện của VNCH. Người đó là ông Nguyễn Bá Lương, sau 30/4/75 nghe nói ông qua đời trong trại giam Long Thành. Thành thử đất Bố Đức cũng là vượng địa!
Mấy tháng cuối năm 1964 tình hình an ninh vẫn còn tốt. Cuối tuần một số nhân viên quận và bên chi khu cùng Hội Đồng Xã tổ chức đi săn, thường đến đồn điền Bù Đốp và chỉ cần 2, 3 người vào rừng đi săn trong đó có ông phó xã trưởng Phước Lục là tay săn bắn nổi tiếng. Trước khi đi ông ta căn dặn: “Quý vị ở nhà bắt sẳn nước sôi chúng tôi về sẽ có thịt”. Thật vậy, họ chỉ đi ra rừng cao su một chặp sau nghe tiếng súng nổ là họ về mang theo thường là heo rừng hay nhím, nhiều khi nước chưa kịp sôi. Ban đêm có rất nhiều thú đến vườn cao su tìm ăn hột cao su, rừng cao su trống nên dễ đi và dễ thấy thú rừng. Đường đi xuống Lộc Ninh phía tay trái quốc lộ 13 khoảng 3 cây số có một cái bàu tức là một hồ nước cạn giữa rừng gọi là Bàu Sen. Nơi đây thú rừng hay tập trung uống nước, chúng uống một lần lúc 6, 7 giờ tối trước khi đi ăn và một lần nữa lúc 4, 5 giờ sáng khi chúng ăn xong và đi về hang ổ. Đi săn ban đêm phải rọi đèn, tức là đội trên đầu một chiến đèn pin chiếu sáng. Ánh mắt của thú rừng phản chiếu ánh sáng của đèn rọi trong đêm tối, và những tay săn chuyên nghiệp nhìn ánh mắt của thú rừng biết là thú rừng gì và bao lớn. Hai con mắt xa nhau (gọi là “bang dang”) là thú to, gần nhau là thú nhỏ. Màu xanh là nai hưu, màu đỏ dợt là chồn, nhím, còn màu đỏ sậm là cọp, beo thì nên tránh, đừng bắn nguy hiểm vì dù trúng đạn chúng cũng có thể nhảy lại chụp người bắn. Lúc bình yên thú rừng rất nhiều, sân đá banh gần bên quận lỵ, nhiều khi đang đá banh, một con mễn từ trong rừng chạy ra sân banh, các cầu thủ bỏ banh tranh nhau rượt con mễn. Cọp còn ra chợ Phước Long liếm các thớt thịt nữa là, chợ Bố Đức thật sự không có thịt heo hay gà vịt mà chỉ có thịt nai, mễn, heo rừng và nhím! Tôi thích đi săn vì xưa nay chưa bao giờ lội rừng đi săn, người dân ở đây gọi rừng là rừng thiêng, tôi không biết có thiêng hay không nhưng vào đó, ban ngày thì ngộp thở vì cây cối dầy đặc, ban đêm thì thấy mình nhỏ bé trong bóng tối mênh mông. Ở chân núi Bà Rá có một cái miếu gọi là Linh Sơn Miếu. Núi Bà Rá ở Phước Long và núi Bà Đen ở Tây Ninh là “hai chị em sinh đôi” và là hai quả núi cuối cùng của dãy Trường Sơn, núi Bà Đen cao hơn khoảng 100 m nên có lẽ là núi chị! Những người lính Stieng đi hành quân khi ra khỏi rừng đều quay lại chào khu rừng một cách kính cẩn rồi mới về lại quận lỵ. Tôi không lãng mạn đi săn để tìm một “Sơn Nữ Phà Ka” nào đó trong cái không khí huyền ảo của “Trăng Mờ Bên Bờ Suối”. Tôi và Chuẩn úy Phúc, Ban 5 Chi Khu, đi săn với một mục đích rất thực tế, đi tìm một con voi có cặp ngà vì bán cặp ngà thì mua được một chiếc xe Jeep chạy đường rừng. Chúng tôi vác súng đi theo con suối Bù Jer Măn, thấy nhiều vết chân voi và dấu voi cạ mình trên các thân cây nhưng không gặp con voi nào!
Một số phong tục tập quán của người thiểu số ở đây khó lòng áp dụng luật lệ của người Kinh để xét xử. Tôi chứng kiến hai trường hợp, một là tại xã Phước Lục gần quận, xảy ra một vụ thưa kiện giữa một người dân về một cái mác bị mất cắp. Ông ta nghi hai người lối xóm lấy, ông xã trưởng cũng là người thiểu số, yêu cầu hai nghi can lặn nước, người nào nổi lên trước người đó là thủ phạm. Xét xử nhanh chóng và không tranh cãi lôi thôi. Một lần khác về vụ “ma lai”, người dân thiểu số tin rằng con ma lai rút ruột làm người ta đau bụng và chết. Một buổi tối nọ, ông xã trưởng Bù Gia Mập gọi máy truyền tin, lúc đó là máy Motorola, báo cáo bắt được một con ma lai và sẽ giết nó chết. Tôi nói khoan đã, để ngày mai chở “con ma” đó về quận rồi sẽ tính sau. Nhưng sau đó, ông xã trưởng báo cáo đã giết “con ma” đó chết,  tôi yêu cầu ông xã trưởng về quận trình diện. Ông ta trình bày trong xã có nhiều người bị đau bụng chết, và hai ba người đã chiêm bao thấy nghi can bị kết tội là một con “ma lai” nên dân trong xã đã giết con ma đó. Tôi hỏi ông ta tại sao ông biết người đó là con “ma lai”? Ông nói cứ nấu chì cho chảy ra rồi đổ vào bàn tay của người đó, nếu bị phỏng thì người đó đúng là con “ma lai”! Tôi nói nếu bây giờ tôi nấu chì đổ thử vào tay của ông, ông có chịu thử không, ông ta gật đầu nhưng không biết tại sao tôi lại không thử?
Vào khoảng tháng 1/1965, tình hình an ninh không còn bình thường nữa sau chuyến tôi đi về tỉnh tham dự một buổi họp. Trên đường về tôi ghé qua quán cà phê duy nhứt ở quận lỵ Phước Bình để ăn tô hủ tiếu và uống cà phê. Tôi tình cờ gặp lại chú Tư, người cùng quê ở Mỹ Tho khi tôi còn nhỏ, chú Tư đang theo nghề xe be vào rừng lấy gỗ. Sau khi thăm hỏi, chú Tư nói với tôi: “Cậu đi đứng cẩn thận, vô rừng tôi gặp mấy ổng nhiều lắm, họ không phải là dân ở đây.” Tôi gật đầu vì tin tức của những người dân đi làm rẫy về cũng cho biết như vậy. Nhiều bữa voi chạy ra đường, nghĩa là rừng bị  động, rừng bị động vì có người trong đó, không ai khác hơn là quân cộng sản. Tôi chia tay chú Tư để về quận vì lúc đó đã gần 2 giờ chiều. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ nếu tôi lưu lại quận Bố Đức 6, 7 năm như ông cựu phó quận trưởng chắc tôi buồn lắm. Vì vậy khi nghe tin trường QGHC mở kỳ thi tuyển ban Cao Học đầu tiên, tôi nộp đơn thi và đi phép về Sài Gòn mua thêm sách để chuẩn bị thi, học trong sự bất ổn, học trong tiếng súng vang đêm, học trong tiếng vọng của B52. Một số nhân viên Ủy ban Hành Chánh xã và nhân viên quận phải đi ngũ “lưu động”, nghĩa là tối đến mang võng và mùng mền ra rừng ngũ, nay nơi nầy mai nơi khác vì bọn du kích chận xe đò và nói với dân quận rằng chúng nó biết tôi ở căn nhà nào tại quận lỵ. Lúc đó, tôi cũng được tin người bạn cùng khóa, anh Nguyễn Thế Vinh, Phó Quận Trưởng Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường, hy sinh khi cộng sản tấn công và tràn ngập quận.
Rồi vào đầu tháng 5 năm 1965 tình hình chiến sự bộc phát một cách dữ dội. Quận Đức Phong bị quân CS tấn công và tràn ngập, người bạn đồng môn cùng lên Phước Long với tôi, là Phó Quận Trưởng tại đây theo xe be thoát ra được vòng vây. Mấy ngày sau tỉnh lỵ Phước Long và quận lỵ Phước Bình cũng bị tấn công nhưng tiếp viện của QLVNCH giải tỏa được, quân cộng sản bị thiệt hại nặng và rút lui. Đầu tháng 6 năm 1965, quân cộng sản tấn công quận lỵ Đôn Luân đặt tại Đồng Xoài. Tại chi khu Bố Đức chúng tôi theo dõi trận đánh qua máy truyền tin Motorola, chi khu Đồng Xoài bị tấn công và kêu gọi chi khu Bố Đức bắn yểm trợ, yểm trợ làm sao được trong khi chi khu Bố Đức chỉ có hai khẩu 81 ly bắn xa không quá 4 km, Bố Đức cách Đồng Xoài 40 km. Chúng tôi nhìn nhau không nói lời nào, Thiếu Tá Trần Như Tăng cũng gốc Biệt Động Quân vừa về đảm nhận chức vụ quận trưởng, ông rất bình tỉnh báo cáo tình hình đến tiểu khu, Bố Đức vô sự. Lực lượng bảo vệ chi khu Đồng Xoài có khoảng 400 tay súng gồm địa phương quân và nghĩa quân xóm Đạo Đồng Xoài. Lực lượng địch gồm trung đoàn 2 của công trường 7 CSVN, các đơn vị phụ thuộc và các bộ đội địa phương, quân số ước lượng không dưới 3.000 quân, tức gấp 7, 8 lần quân trú phòng. Giao chiến suốt đêm 10/6/65, quân ta bị tràn ngập và rút lui về căn cứ quân sự kế bên và cố thủ, đến sáng tiểu đoàn 52 BĐQ được trực thăng vận đến tấn công trực diện vào quận Đôn Luân do quân CS chiếm giữ. Cường độ của trận Đồng Xoài được mô tả rằng “Cứ mỗi 10 giây đồng hồ là có một người ngã xuống” (3). Quân CS rút lui về đồn điền Thuận Lợi, Tiểu Đoàn 7 Nhảy dù được trực thăng vận đến trận chiến và giao chiến ác liệt xảy ra tại đây. Nghe nói Phó Quận Trưởng Đồng Xoài ( tôi không nhớ tên) bị CS bắt đi mất tích. Trận Đồng Xoài là một trận đánh lớn sau trận Ấp Bắc vào tháng 1/1963 tại tỉnh Định Tường và trận Bình Giả vào tháng 12/1964 tại tỉnh Phước Tuy. Phước Long có vai trò chiến lược quan trọng và nằm trong tuyến phòng thủ từ xa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ Sài Gòn và các tỉnh đông dân trù phú của miền Nam. Phước Long cũng là điểm án ngữ, ngăn chặn hành lang vận tải của quân cộng sản qua Lào và Campuchia vào miền Đông, đồng thời giữ vị trí chia cắt các vùng do quân cộng sản tạm chiếm, cô lập vùng Lộc Ninh với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác. Phước Long là một tiểu khu cùng với tiểu khu Bình Dương và Bình Long thuộc Khu 32 Chiến Thuật của QLVNCH, Bộ Chỉ Huy đóng tại Bình Dương. Ngoài ra, quận Bố Đức nằm sát biên giới Việt Miên nên cộng sản thường chuyển quân xuất phát từ Kampuchea theo tỉnh lộ 748 ngang qua Bù Đốp và tỉnh lộ 741 ngang qua Bù Gia Mập vào căn cứ địa của chúng trong tam giác của 3 địa danh: Phước Long, Bình Long và Đồng Xoài. Mặt trận Đồng Xoài kéo dài đến ngày 20/6/1965 thì ổn định.
Vào thời điểm đó, tỉnh lỵ Phước Long, quận Phước Bình, quận Đức Phong, căn cứ Bà Rá, quận Đôn Luân (Đồng Xoài) và căn cứ LLĐB Đồng Xoài đều bị tấn công. Đồng Xoài là mặt trận chính. Quận Bố Đức và căn cứ LLĐB Bù Đốp đặt trong tình trạng báo động 100%. Vào một hôm mấy người lính của Lực Lượng Đặc Biệt từ trại Bù Đốp ghé thăm Quận và cho Chi Khu xem hai khẩu AK47 mới tinh mà họ vừa tịch thu được khi tiêu diệt một toán Việt Cộng. Một trung sĩ già kinh nghiệm nói: “Đây là toán tiền sát của địch, đại quân của chúng chắc chắn ở phía sau”. Người trung sĩ thông dịch viên dịch lại cho hai người lính Mỹ còn rất trẻ nghe nhưng họ có vẻ không tin và lên xe về lại căn cứ. Nửa khuya hôm đó, LLĐB cách quận 4 km bị quân CSBV tấn công. Súng nổ dữ dội suốt đêm, máy bay dội bom và thả hỏa châu sáng cả một vùng biên giới. Tôi và ủy ban hành chánh xã di chuyển ra một khu rừng gần đó. Sáng sớm hôm sau trực thăng đổ quân tiếp viện, căn cứ LLĐB vẫn đứng vững tuy bị đánh chiếm ¾. Một số sĩ quan LLĐB tối hôm qua ghé nhà thăm tôi và uống bia, nay không còn nữa. Lực lượng tiếp viện đổ quân truy kích quân cộng sản. Tôi tháp tùng Thiếu tá Quận Trưởng đến thăm căn cứ Bù Đốp, xác quân cộng sản để hàng dài trên sân bay, nhiều tên ngồi chết dựa vào các gốc cao su xung quanh vung vãi những lọ thuốc rắn của Trung Cộng. Quân cộng sản chưa đánh quận Bố Đức vì chúng bị chận đứng tại trại LLĐB Bù Đốp và bị thiệt hại nặng tại Đồng Xoài theo sự hiểu biết của tôi.
Các trại LLĐB thường án ngữ tại các cứ điểm quan trọng dọc theo biên giới Việt Miên, thám thính biên giới và ngăn chận đường xâm nhập, giao liên và tiếp vận của quân cộng sản, mở các trận tấn công tiêu diệt và phá hoại hậu phương của địch. Trại LLĐB Bù Đốp có khoảng 500 quân đồn trú và được trang bị đầy đủ, trong khi đó, các lực lượng địa phương quân và nghiã quân trang bị khá thô sơ, thời gian tôi phục vụ tại Bố Đức, họ còn được trang bị bằng súng Carbine M1 bằng từng phát một, súng Garant, tiểu liên Thompson, trung liên Bar không tương xứng với lực lượng của CSBV. Một thời gian sau được trang bị Carbine M2 bắn liên thanh như M16. Hơn nữa, khi muốn tấn công một vị trí nào, địch thường tập trung một quân số áp đảo nên các vị trí đó thường bị tràn ngập. Địch tập trung một quân số gấp 7, 8 lần đông hơn quân trú phòng ở Đồng Xoài.
Chỉ còn quận Bố Đức chưa bị tấn công, tất cả công chức, cán bộ được lịnh võ trang, tính ra được một trung đội và tôi là người chịu trách nhiệm điều động trung đội nầy góp phần vào việc phòng thủ quận. Tinh thần nhân viên, cán bộ và binh lính trong chi khu sẳn sàng chiến đấu tuy tình hình căng thẳng. Trong tình trạng đó, tôi được tin trúng tuyển vào Ban Cao Học Hành Chánh và sẽ nhập học vào tháng 9 năm 1965. Tôi trình diện Trung Tá Tỉnh Trưởng Mã Sanh Nhơn, ông nhìn tôi một chút rồi nói: “Tôi để anh đi vì đó là tương lai của anh”. Trung Tá Mã Sanh Nhơn sau đó về làm Tỉnh Trưởng tỉnh Hậu Nghiã, bạn đồng khóa của tôi là anh Phạm Thành Trung làm Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh. Anh Trung vào khoảng năm 1968 (?) hướng dẫn một phái đoàn ty sở trưởng đi quan sát cuộc tấn công của địch tại sân banh Hậu Nghiã thì bị quân cộng sản bắn sẻ chết.
Tôi đón máy bay về Biên Hòa, rồi Sài Gòn để chuẩn bị nhập học. Đi về cũng với chiếc va-li cũ nhưng hành trang nặng thêm với những ký ức của cuộc chiến tranh đang ở vào một giai đoạn khốc liệt nhứt. Tình hình quân sự ở biên giới thì như vậy nhưng chánh trị ở Sài Gòn lại bất ổn, miền Nam chứng kiến cuộc Chỉnh Lý của tướng Nguyễn Khánh, chống Hiến Chương Vũng Tàu, rồi chánh phủ dân sự của cụ Trần văn Hương, bác sĩ Phan Huy Quát, đảo chánh hụt của tướng Dương văn Đức và Lâm văn Phát, đảo chánh hụt của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, biểu tình… Ba tháng sau khi về lại Sài Gòn, tôi được tin quận Bố Đức bị địch tấn công và tràn ngập.
Ghi chú:
(1) Anh Đèo văn Ngày hình như lúc đó là Tham sự Hành Chánh, tôi không có thêm chi tiết nhưng Tập I Biên Khảo của HVQGHC xuất bản năm 2015 ghi ở mục “Tử nạn trong các trại Học tập cải tạo” là anh “Đèo văn Ngày (ĐS17B) chết vì bị cộng sản sát hại bên ngoài trại học tập cải tạo sau 30/4/1975”, có thể anh Đèo văn Ngày trở lại học khóa ĐS17B vì khóa nầy tốt nghiệp vào tháng 12/1972?). 
(2) Tập I, Phần Biên Khảo về Học Viện QGHC, xb 2015, trang 149, “Mặc dù trong nền hành chánh có dự trù phương thức ủy quyền, nhưng ủy quyền lại phụ tùy cá tính của mỗi cá nhân hơn là vào các văn bản lập quy. Mãi đến năm 1974, Bộ Nội Vụ mới có văn bản hướng dẫn chánh thức về chức chưởng Phụ Tá Hành Chánh cấp tỉnh”, tuy nhiên tất cả tùy thuộc vào mức độ tin cậy của ông chánh.
(3) Ký giả Everett Runnes của báo Life Magazine ngày 2/7/1965 với tựa đề bài viết về trận Đồng Xoài, tỉnh Phước Long vào tháng 6/1965: “Every ten seconds a man would fall”. Ký giả nầy hy sinh  ngày 27/8/1965.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen