Trong tầm mắt của tôi thì Tây Nguyên là một Amazon của Việt
Nam thu nhỏ lại về mọi mặt. Về mặt lịch sử, nó là di sản của con người Tây
Nguyên từ bao đời nay như một thứ luật pháp không thành văn. Nhưng chính vì thế
nó trở thành mục tiêu của nhiều thế lực muốn làm chủ miền đất này như thể một mảnh
đất vô chủ.
Cho đến nay người dân thiểu số chưa bao giờ -dù chỉ một
lần- có tiếng nói trên mảnh đất của họ. Bài viết này nói thay cho những kẻ
không có tiếng nói- kẻ phải làm thinh-.
Bài viết này chỉ nhằm giới thiệu sơ lược các tác giả Pháp
cũng như Việt viết về Tây Nguyên. Đó là những khảo cứu của họ chuyên đề về địa
lý, lịch sử, truyền thống, các giá trị huyền thoại của Tây Nguyên.
Bởi vì xét ra không cần giới thiệu đầy đủ về Tây Nguyên
ngày hôm nay. Việc đó có thể là thừa, vì Tây Nguyên ngày nay đã không còn là
Tây Nguyên nữa. Tây Nguyên đang bị vong thân và hủy diệt bởi nhiều thế lực
chính trị- nhưng nhất là cho những tham vọng thực dân cộng sản ngay từ sau 1975!
Viết về Tây Nguyên là viết như một thái độ phản kháng, thái độ
không còn bất nhẫn được nữa.
Nhưng về mặt tuyên truyền, Hà Nội đang ra sức quảng cáo, phô
trương dưới đủ hình thức những giá trị cổ xưa cho cái được gọi là Du Lịch Sinh
Thái. Nhất là nơi địa bàn các sắc dân thiểu số miền Thượng Du Bắc Việt. Các nền
Văn hóa bản địa hầu hết ở phía Bắc mà hằng năm có đến hàng ngàn lễ Hội tổ chức
tốn kém.
Đó là cái mà Nguyên Ngọc gọi là Văn Hóa diễn, tách ra khỏi đời sống thực của bản
làng.
Tất cả chỉ là những màn kịch, tất cả chỉ là cái bề ngoài, tất
cả chỉ là dịch vụ. Ngay cả tôn giáo cũng có nguy cơ biến thành dịch vụ “buôn thần
bán thánh”. Tất cả chỉ là sự bắt chước thô kệch, tất cả chỉ là những hình nhân,
những con múa rối qua tiếng nhạc, tiếng trống, quần áo lòe loẹt!
Vật thể văn hóa ở trạng thô sơ nguyên thủy( état
brut) đã bị hủy diệt. Cái còn lại chỉ là sự cóp nhặt.
Còn cái hồn của các giá trị ấy không còn nữa!
Đó là bi kịch Việt Nam, đó là điều cần lên tiếng .. Vì
thế, trong bài tôi đặc biệt trân trọng đối với những ai trong quá khứ đã có
lòng với Tây Nguyên, đã đứng về phía Tây Nguyên, cho dù đó là những viên chức
thời Pháp thuộc như Léopold Sabatier.