I. KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA THẾ SÀI GÒN – CHỢ LỚN
Sài Gòn ban đầu là tên gọi khu đất thuộc Quận 5 hiện nay.Năm 1778, quân Tây Sơn lấy cớ người Hoa trợ giúp cho Nguyễn Ánh nên đã tàn phá cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Những người Hoa còn sống sót rút chạy về vùng này, lập phố thị Đề Ngạn (nghĩa là “bờ đê”). Theo nhiều nhà nghiên cứu thì người Hoa Quảng Đông phát âm “Đề Ngạn” thành “Thầy Ngồn”, lâu ngày đọc trại thành “Sài Gòn”[1]. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, theo nghị định ngày 3/10/1865 của Thống đốc Nam kỳ, chúng xây dựng nên hai thành phố riêng biệt, cách nhau bởi một số ruộng bưng, ao đầm ở vùng Chợ Quán. Thành phố Sài Gòn có diện tích khoảng 3km2, nằm gọn trong địa phận Quận 1 ngày nay; thành phố Chợ Lớn có diện tích không đầy 1km2, nằm gọn trong Quận 5 ngày nay[2]. Như vậy, đến đây hai tiếng “Sài Gòn” lại được đặt tên cho vùng mà trước đó có tên gọi là Bến Nghé, còn vùng đất Sài Gòn cũ được đổi tên thành Chợ Lớn. Nhưng không bao lâu sao đó thì, do sự mở rộng của hai thành phố nên Sài Gòn và Chợ Lớn đã tiếp giáp với nhau thành một địa bàn, gọi chung là Sài Gòn – Chợ Lớn.