Khi được hỏi: “Ai là người đã phát hiện ra DNA”, rất có thể nhiều người sẽ không ngần ngại trả lời: Francis Crick và James Watson. Thực tế thì những nghiên cứu ban đầu về DNA đã được thực hiện trước công trình của hai nhà khoa học này khá lâu, cuối thế kỉ 19. Bài viết này điểm lại một vài cột mốc đáng nhớ trong hành trình DNA bước vào thế giới sinh học phân tử với tư cách là vật chất mang thông tin di truyền.
Năm 1869, Friedrich Miescher (1844-1895), nhà vật lí trẻ tuổi người Thụy Sĩ đã lần đầu tiên tách chiết được một loại dịch có trong nhân tế bào. Sau khi thu được các tế bào bạch cầu (leucocyte) từ mủ của các bệnh nhân trong một phòng khám địa phương gần nhà, Miescher phá hủy tế bào bằng dung dịch kiềm và thu được một chất kết tủa. Ông gọi chất này là “nuclein”. Sở dĩ gọi như vậy bởi nuclein có thành phần chính là nhân tế bào (nucleus). Ở thời điểm đó, ngoài việc xác định được hàm lượng lớn phosphorus trong nuclein, các tính chất sinh hóa của chất này vẫn còn là một bí ẩn. Ông dự đoán rằng nuclein tham gia đáng kể vào sự di truyền các tính trạng, nhưng cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng một loại phân tử đơn thuần không thể giải thích được sự đa dạng và phức tạp của sự sống. Đáng lẽ ra, công trình của Miescher phải được lích sử xem như cột mốc lớn đầu tiên trên con đường khám phá DNA. Tuy nhiên, theo như những gì mà Edwin Chargaff đã ghi chép lại trong một bài review về lịch sử nghiên cứu DNA của mình, thì đến năm 1961, Darwin được nhắc đến 31 lần, Thomas Huxley 14 và Miescher không một lần nào.