Câu chuyện lều chõng dưới triều vua
Chữ Lều Chõng lấy lại nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Ngô Tất Tố. Nó biểu tượng tiêu biểu cho việc thi cử thời xưa.
“Ngày nay nghe đến hai từ ‘lều chõng’ có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, ‘lều’ ‘chõng’ đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là ‘bốn nghìn năm văn hiến’. Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám ‘lều chõng’ mà ra.
Lều chõng với nước Việt chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía.”
Trên đây là phần mở đầu cuốn “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố. Truyện “Lều Chõng” được in trên báo Thời Vụ từ số 109 ra ngày 10/3/1939, đến năm 1941 mới được in thành sách.
Nhận xét của Ngô Tất Tố rất bi quan về thi cử như một người đã từng thất bại ê chề, đồng thời chứng kiến vận nước nổi trôi, rồi kết cục mất vào tay người Pháp trong nỗi bất lực của triều đình Huế. Sự thất bại ấy hình như Ngô Tất Tố muốn trút hết lên đầu giới quan lại được đào tạo và tuyển chọn qua hệ thống thi cử triều Nguyễn.