Freitag, 22. Mai 2015

GIAI ÐOẠN Xuống Hố Cả Nước- THỜI BAO CẤP

Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Hàng hóa được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.
Mặc dù chế độ bao cấp đã tồn tại ở miền Bắc từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, tức là trước thời kỳ Đổi mới. Đây được coi như một giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Namtrong thế kỷ 20



Thời bao cấp” ở Việt Nam là một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử hiện đại, có lẽ từ năm 1954 đến 1986 ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì phải kể từ năm 1975 - 1986. Năm 1986 chưa hẳn là đã chấm dứt thời kỳ này, thực sự dư âm của dấu vết của chính sách “bao cấp” còn kéo dài đến đầu thập niên 1990, nhưng nhiều người và báo chí cho con số 1986 là mốc thời gian quan trọng khi Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI vào cuối năm 1986,  tuyên bố chủ trương đổi mới, từng bước xóa bỏ “bao cấp” trong kinh tế. 
Thật ra, đến bây tôi vẫn chưa hiểu ai là người đã tạo ra chữ “bao cấp” - tạm dịch ra tiếng Anh là “subsidy”- và nghĩa của nó có thật sự đúng như vậy không? Để dễ nói chuyện, tôi cũng dùng danh từ này mà không dùng dấu “ ” nữa. Trước đó, xem lại trong các sách báo xuất bản trong giai đoạn này, chữ bao cấp rất ít xuất hiện. Nhiều cán bộ kinh tế cao cấp, giảng viên kinh tế và cả báo giới ở Việt Nam đều cắt nghĩa, ngắn gọn là, kinh tế bao cấp -tạm dịch the subsidy economic (?)- là một nền kinh tế tập trung, mọi nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu đều nằm trong tay Nhà nước Trung ương. Đảng Cộng sản và Chính phủ điều phối mọi kế hoạch sản xuất, thu gom, lưu thông, phân phối đến từng tay người dân theo một tiêu chuẩn phân phối cứng nhắc, gần như nhất định, theo từng cấp bậc, chức vụ trong xã hội. Giá cả hàng hóa đều do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định, bất kể quy luật cung - cầu của thị trường, của xã hội.  
Thời bao cấp thật sự là một giai đoạn bi thảm cho cuộc sống cho người dân nói chung, ngoại trừ một số rất ít cán bộ lãnh đạo cao cấp. Hầu hết, người dân Việt Nam khi nhắc đến những năm tháng này đều ngám ngẩm, cay đắng. Theo tôi, có ai phát biểu rằng, thời kỳ này “tuy nghèo nhưng mà vui” (?!) thì tôi cho đó là lời nói sai sự thật! Chẳng qua, khi người ta vượt qua một trở ngại, gian khó hoặc hiểm nguy, người ta có khuynh hướng xem thường hoặc bông đùa những khó khăn lúc ấy. Không ai muốn quay lại thời đó bao giờ. Tôi lớn lên và trưởng thành từ tuổi thiếu niên cho đến hết giai đoạn thanh niên hoàn toàn nằm trong giai đoạn này, gia đình tôi lúc đó chỉ là một gia đình nhà giáo nghèo, nên thấm thía rất rõ các khó khăn và bất công của thời bao cấp này. Xin kể lại, theo lối “nhớ gì nói nấy”, một số hình ảnh cuộc sống của học sinh và sinh viên (HSSV) trong giai đoạn bao cấp này như một dịp “ôn cố tri tân”, dù là kể để cười ra… nước mắt. Mặc dầu, đây chỉ là một ký ức cá nhân của một học sinh - sinh viên ở Cần Thơ nhưng có lẽ hình ảnh cũng chẳng khác mấy so với các nơi khác ở toàn Việt Nam. Cần Thơ, thành phố còn có tên là Tây Đô, có thể coi là nơi có cuộc sống khá nơi nhiều vùng khác, ít nhất cũng là miếng ăn.
*
*    *
Những tháng sau ngày 30-4-1975, khi cả miền Nam còn trong chế độ quân quản, HSSV và cả các thầy cô giáo ở các trường gần như không học hành, dạy dỗ chuyên môn gì cả. Thời gian này chủ yếu là tập hợp lại lao động, nghe giảng chính trị, tố cáo tội ác của “Mỹ - Ngụy”, tập ca hát nhảy múa ca ngợi chiến thắng vĩ đại, tham gia phong trào cách mạng,… Mấy tháng đó, giáo viên làm việc không lương, hoặc lương bấp bênh tháng có tháng không hoặc lãnh lương theo kiểu cấp phát tùy tiện, lúc thì bằng tiền, lúc bằng lương thực. Sau những đợt “đổi tiền”, đánh “tư sản mại bản”, chống “bành trướng Bắc Kinh”, chiến dịch “cải tạo công thương nghiệp”, rồi ép nông dân vào “hợp tác hóa”, lập các trạm “thuế vụ”, “kiểm soát thị trường” dầy đặc ở tất cả tuyến đường các tỉnh thành. Khi triển khai các chủ trương này, một số HSSV được huy động tham gia, sau khi vượt qua một kỳ sát hạch và sàng lọc thành phần. Một số người trong nhóm HSSV đã may mắn tìm cơ hội, dựa vào một tí lý lịch đỏ, ngoai lên tìm thế đứng chính trị trong giới thanh niên, hành động mang ít nhiều hình ảnh các “hồng vệ binh” của Trung Quốc, kể cả một số thủ đoạn tiểu nhân và đê hèn để sát phạt anh em. Một số vụ án kinh tế chính trị sau này, xem lại tiểu sử những kẻ chức quyền, quan chức phải ra tòa, chúng ta dễ thấy hầu hết chúng là những người từng là cán bộ phong trào thời bao cấp ấy trong giới thanh niên - HSSV.
Trong thời kỳ bao cấp này, việc kiểm soát tư tưởng, hành vi cá nhân được chú trọng đặc biệt. Làm bất kỳ chuyện gì cũng phải viết “sơ yếu lý lịch”, “bản tự kiểm”. Vào đại học thì thật gian nan cho những ai có vấn đề về lý lịch gia đình. Năm tôi thi Đại học (1978), lý lịch cá nhân của thí sinh được chia làm 13 “đối tượng”. Mỗi đối tượng có một điểm “chuẩn” khác nhau mà “đầu vào” của những nhóm trên cách biệt với nhóm dưới khoảng 10-14 điểm!!! Tôi biết có lớp Đại học mà người đậu vào với 25/30 điểm học chung với người chỉ có 6/30 điểm. Nhóm đối tượng thứ 1 thì ưu tiên vào Đại học, khỏi cần thi cử. Nhóm đối tượng thứ 13 thì gần như không có hy vọng lách vào khung của hẹp của cổng trường Đại học. Thật may mắn cho tôi, một người thuộc nhóm “đối tượng thứ 11”, đậu vào Đại học. Sự cách biệt kiến thức trong lớp rất rõ, tôi có nhận định là người giỏi nhất trong lớp “dư sức” làm thầy người kém trong lớp. Tôi biết rất rõ một trường hợp đau lòng, một em sau này là sinh viên của tôi, đã nhiều năm dạy “luyện thi Đại học” và chính bản thân em ấy cũng kiên trì đi thi Đại học. Kết quả suốt nhiều năm liên tiếp, đi thi và dạy luyện thi cùng lúc, em ấy luôn luôn bị đánh rớt còn đám học trò của mình thì đậu vào Đại học vì cha em còn đang bị đi “học tập cải tạo” ngoài Bắc!. Làn sóng người vượt biên ồ ạt, đặc biệt trong giới công chức chính quyền cũ, nhà buôn, các trí thức làm số lượng học sinh sinh viên trong lớp giảm dần. Lớp học của tôi, năm đầu vào gần 60 người, đến năm cuối lúc ra trường chỉ còn gần 40. Khoảng 2/3 số bỏ học nửa chừng là do vượt biên, số đi được có, số bị bắt giam rổi bị đuổi học có và số bị chết trên biển đều có.
Các chủ trương kiểm soát sản xuất hàng hóa trái với qui luật phát triển của xã hội đó làm nền kinh tế của cả nước xuống dốc một cách thê thảm. HSSV, những người ở tuổi đang lớn, chịu một hậu quả nặng nề. Lương thực thiếu thốn trầm trọng, HSSV đi học, muốn mang một ít gạo, thịt từ quê nhà lên đều bị cản trở, vây bắt. Ở trường học, lãnh đạo giáo dục qua tổ chức “Công đoàn” và “Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh” đã tổ chức nhiều đợt đi “lao động sản xuất tập thể” hoàn toàn phi kinh tế, thiếu hiệu quả. Cả trường - thầy và trò - bị buộc phải cày cuốc trồng rau, cấy lúa, đào ao thả cá, nuôi heo, làm “kế hoạch nhỏ”. Kết quả là một sự lãng phí to lớn, không thể tính được về thời gian, sức lực, tài nguyên,… cho những ý tưởng không tưởng. HSSV chúng tôi lúc đó suy dinh dưỡng trầm trọng, nhìn lại những bức ảnh cũ, mặt mày ai nấy đều có vẻ hốc hác, ốm o. Thế hệ thanh thiếu niên sinh ra rong thời kỳ này đều ít nhiều mang di chứng của việc thiếu dinh dưỡng mà dễ minh chứng nhất là suốt thập niên 1990 - 2000, thanh niên Việt Nam ít có một thành tích thể thao nào đáng kể trên đấu trường khu vực và quốc tế. Các cầu thủ bóng đá chỉ có khả năng thi đấu cật lực dưới 90 phút, nếu có thêm hiệp phụ thì chạy vật vờ, hay vọt bẻ, chấn thương, hễ có chút va chạm thì dễ ngã lăn quay.
Trong tất cả các trường học ở Việt Nam lúc đó đều có một chức vụ không kém quan trọng so với Ban Giám hiệu, Đảng Ủy là ông hoặc bà Trưởng ban Đời sống (từ này, thú thật, tôi cũng không biết dịch ra tiếng Anh như thế nào cho sát nghĩa?). Trong lớp học bậc Đại học và Cao đẳng thì có chức vụ Lớp phó Đời sống. Mọi sinh hoạt thường nhật trong học đường đều ít nhiều bị ảnh hưởng liên quan đến chữ “Đời sống” này. Một đợt phân phối vải, dầu lửa, thịt heo, phụ tùng xe đạp,… sắp đến? Ông bà “Đời sống” lúc đó thật là oai vệ và quyền uy. Lớp chuẩn bị đi thực tập thực tế ở nông thôn, phải quay qua hỏi Lớp phó Đời sống đã có gạo khoai gì chưa? Trong trường, bộ tứ Ban Giám hiệu, Đảng Ủy,  Công Đoàn, Đoàn Thanh niên thường phải làm nhiệm vụ phân xử khi có tranh cãi việc phân chia nhu yếu phẩm khi mà 5 người chỉ có một cái mền hoặc một cái chiếu, 4 người chia nhau một cặp vỏ ruột xe đạp, cả trường được thương nghiệp bán cho 1-2 con heo mà ai cũng muốn dành phần mỡ, chê phần thịt nạt, đầu giò. Mỡ mua được đem về nhà thắng nước mỡ còn tóp mở thì kho mặn với muối ăn dần. Người Lớp phó Đời sống tại nhiều trường còn đảm nhận luôn công việc bán nhu yếu phẩm cho cả lớp ra chợ trời rồi đem tiền về chia vì nhiều món thật khó phân chia như bột ngọt, bột mì, kim may, phụ tùng, … Thời ấy, ai cũng dễ bị nghi ngờ là dân buôn lậu cả. HSSV chúng tôi đi thực tập ở Đại học Bách khoa Saigon, ra xếp hàng mua vé xe đò cũng phải lên nhà trường xin một “giấy giới thiệu” kèm theo một danh sách lớp với cái mộc đỏ chói. Đoạn đường từ Cần Thơ đến Saigon thật gian truông, thức dậy từ mờ sáng, may mắn thì chiều tối đến nơi. Dọc đường, bao nhiêu là trạm gác: Bắc Cần Thơ, Bắc Mỹ Thuận, Trung Lương, Cây Gõ, …, chưa kể những trạm lưu động. Trạm gác nào cũng có thể bắt mình xuống xe, để lại hành lý để lục soát. Có nơi thô bạo, khám xét luôn người, bắt phải vạch áo xăn quần, ….
Việc phân phối hàng thời đó rất tùy tiện, tiếng là hàng lương thực và nhu yếu phẩm được phân bố theo kế hoạch (!) nhưng hoàn toàn không có kế hoạch gì cả, “có gì bán nấy”, kiểu ban phát. Những năm đó đi học, lớp tôi có lúc tháng nào cũng được “phân phối” thuốc lá, lúc thì Hoa Mai, khi thì Đà Lạt. Ai cũng mua hết, cả nam lẫn nữ, biết hút thuốc hay không hút thuốc, đều được một bao nylon với khoảng vài chục điếu thuốc, đôi khi không có bao bì. Lương thực, may mắn là gạo, còn lại khi là bo bo, bột sắn, mì vụn, mỗi tháng được 13 - 16 kg chứ đâu có ít, vậy mà nhiều thanh niên ăn vẫn chẳng đủ no, ngoài trừ đám con gái. Mọi thứ đều qui ra cân lúa thóc như một đơn vị đo lường trong xã hội. A rice-based economic. Có người kể chuyện, ngoài Hà Nội, sinh viên đi tìm gái ngoài công viên cũng được tính giá là một bơ gạo (cỡ lon sữa bò để đong gạo) cho một lần hành lạc (?). Sinh viên làm hư một món đồ thực tập cũng bị bắt bồi thường và quy ra giá trị món đồ tương đương bao nhiêu ký lúa. Tất cả hàng phân phối đều quí lúc đó dù là chất lượng thì quá tệ: gạo mốc, đầy bông cỏ và cát sạn, cá sô ươn sình, giấy tập là loại giấy manh được tái sinh từ giấy vụn đen sì, vỏ xe đạp chỉ có vài cọng thép mong manh niền bên trong, diêm quẹt “an toàn” (loại quẹt hoài không cháy!),… không kể ra hết được. Vậy mà, dù đang học, nghe tin có hàng về, thế là cả lớp bỏ ngang, xúm nhau mang sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm xuống Ban Đời sống xếp hàng chờ được mua. Có lần lớp tôi được phân phối sữa bột, có lẽ từ một nguồn viện trợ hiếm hoi nào đó, một số đem bán ngay ở chợ trời, còn dư một ít bột bị ẩm ướt, vón cục, cả lớp hùn lại pha uống. Hậu quả là ngay ngày hôm sau, hơn 2/3 lớp học bị tiêu chảy vì cơ thể đã lâu không biết sữa là gì (?!). Có một dạo, chúng tôi không hiểu tại sao tháng nào sinh viên cũng được phân phối thật nhiều giấy vệ sinh, loại giấy cuộn đen xì. Nhiều người lúc đó cười: “Sinh viên thì chẳng có gì ăn mà Nhà nước cho giấy chùi … đít hoài!”. Có dạo, một đứa trong nhóm bạn của tôi phát hiện ở Trạm Y tế trường có nhập về xi-rô ho, loại rirop này có trộn mật ong, vị ngọt lịm. Thế là cả nhóm ai nấy cũng giả bộ húng hắng ho để xin về được mỗi đứa một chai, chúng tôi gom lại, tối cử hai thằng gan nhất bò ra ngoài đồng ăn cắp khoai mì, đem về nấu chè chung với loại thuốc ho này. Bữa đó đứa nào cũng hỉ hả một bữa ăn đầy chất ngọt.
Chuyện học tập thời bao cấp cũng lắm chuyện để kế. Học hành dĩ nhiên là kém chất rồi, ăn chưa đủ no, còn phải chạy vạy kiếm sống, sách vở thiếu trầm trọng, dụng cụ thí nghiệm lạc hậu, cũ kỹ, học chay nhiều hơn thực hành, thầy cũng không nhiệt tâm lắm. Vậy mà, số người bị loại rất ít, nếu không do hoàn cảnh gia đình, bệnh “thành tích” từ thuở bao cấp đã trở thành bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam. Ngoại ngữ HSSV lúc đó thì yếu vô cùng, trong những năm đầu vào Đại học, chúng tôi bị ép phải học Nga văn, dù trước đó đã qua 7 năm học Anh văn Trung học. Vào lớp trình độ không đồng đều, cuối cùng tiếng Nga cũng kém mà tiếng Anh thì quên trước quên sau. Sau những năm 1990, hầu hết sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học, ai cũng vất vả vì vốn Anh ngữ yếu kém của mình. Những đứa khá Anh ngữ hơn thường là do ý thức vượt khó hoặc có dự kiến ra sống hoặc làm việc cho nước ngoài. Thời bao cấp có cái thích là sách rẻ vô cùng dù sách hay khá ít, một cuốn sách dày khoảng 100-120 trang chỉ có giá khoảng 1-2 đồng. Tôi nhớ khoảng năm 1980 - 1981, Nhà sách Nhân dân Tổng hợp (tên nhà sách nghe buồn cười hỉ?) có về bộ “Lênin toàn tập” 55 quyển do Nhà xuất bản Tiến bộ Maxcơva in trên giấy trắng tốt, dày cộp, nặng chừng nửa tạ, đóng bìa cứng hẳn hoi mà giá bán chỉ 25 đồng (giá này tôi nhớ chưa chính xác lắm nhưng khoảng non 2 tháng học bổng sinh viên gì đó, lúc ấy 17 đồng/tháng cho nam và 17 đồng 50 xu/tháng cho nữ, 50 xu để phụ nữ dùng vệ sinh mỗi tháng, chuyện này Nhà nước thật đúng là… bao cấp). Nhiều người xúm lại mua sách Lênin, không phải là để đem về đọc mà để bán… cho lái sách giấy cũ vụn, mua về làm pháo!!! Sau Nhà nước cấm, chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu, mua về để cất trong tủ sách là chính.
Nghiên cứu khoa học thời bao cấp thì gần như không có gì cả. Nhiều đề tài gọi là “nghiên cứu khoa học” đăng trên các báo thật buồn cười. Có người ráng chứng minh rằng ăn đậu nành bổ hơn ăn thịt bò, ba hột mít tương đương một quả trứng gà, xuyên tâm liên trị được tất cả các chứng bệnh viêm loét, cải tiến xe chạy bằng xăng thành xe chạy bằng than (hay … cải lùi ???), chiếc xe cút kít đẩy tay của công nhân thì gọi là xe cải tiến (?), còn những đề tài về kinh tế, xã hội, chính trị thì thật chán, gần như ráng để chứng minh một cách chủ quan rằng nền kinh tế hợp tác xã, quốc doanh là số 1. Nhiều giảng viên kinh tế còn đưa ra đơn vị tiền tệ “đôla-rúp” vì chẳng biết lần đâu là giá trị thực hoặc giá trị ảo của đồng dollar Mỹ và đồng Rúp của Liên Xô. Tuy nhiên, toàn xã hội mãi lo cho miếng ăn, cái mặc thì những chuyện nghiên cứu trở nên thứ cấp và chỉ còn mang tính hình thức. Chuyện kể, có ông Giáo sư nuôi heo, mùi hôi gây khó chịu cho hàng xóm, họ than phiền lên cấp trên thì ông Giáo sư này lắc đầu: “Tui đâu có nuôi heo, heo nuôi tui mà …”.
*
*    *
Đôi lần, tôi có kể cho con tôi và một số sinh viên của tôi những chuyện cực khổ thời bao cấp. Chúng có vẻ không tin, cho rằng tôi cường điệu. Nghe tin hiện Bảo tàng Dân tộc học với sự tài trợ của UNDP, SIDA, Ford Foundation có mở một triển lãm về thời bao cấp 1975 - 1986 tại Hà Nội, tôi rất muốn đưa con tôi đến xem tận mắt các hiện vật để nó cảm nhận được các khó khăn thời ấy nhưng không thực hiện được. Người dân Việt Nam đang sống trong thời kỳ gọi là Đổi mới, đặc biệt sau sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Cuộc sống có dễ dàng hơn trước nhưng tham nhũng, tệ nạn xã hội, thiếu dân chủ và khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng vẫn là những bức xúc của người dân.
Xã hội vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Biết đâu,… 10, 15 năm nữa, chúng ta lại có một triển lãm khác: triển lãm “Thời Đổi Mới” hoặc thời “Hậu Đổi Mới” gì gì đó. Sao không nhỉ? Ai mà nói trước được đây?

CÁC “NGHỀ” THỜI BAO CẤP


Thời bao cấp ở Việt Nam là một giai đoạn khó khăn cho tất cả mọi người dân Việt, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trong thời kỳ ấy, để mưu sinh, một số người đã nảy ra nhiều các loại “nghề” thuộc nhóm “xưa nay hiếm” để mưu sinh, theo đúng nghĩa của câu “cái khó ló cái khôn” dù là khôn vặt. Nói là “nghề”, có thể chưa chính xác, nhưng vẫn tồn tại một thời gian dài và có gần đủ tính cách như một ngành nghề như “có cầu, có cung”, nhiều người cùng làm, có rao hàng, có mua có bán, có trao đổi, …, dù nó chưa hề được công nhận chính thức. Các nghề "ít vốn dễ làm" này, nếu kể lại cho lớp trẻ sau này, có thể nhiều bạn sẽ nghi ngờ nhưng tất cả đều là chuyện có thật đến… 99%.
Số nghề này nhiều, đến nỗi có thể sắp theo ABC. Tên nghề ban đầu là cách gọi người làm công việc nào đó, sau dần dần phổ biến, gọi luôn thành “nghề”. Một số nghề còn “sống” đến ngày nay.
A
  • Áo may bằng vải bột mì: Thời bao cấp rất khan hiếm vải may mặc, một số người có "sáng kiến" tháo các bao vải đựng bột mì viện trợ dùng để may áo, ít thì may tự dùng, còn có dư thì đem bán. Ở vùng quê, người người nông dân còn phải lấy vải bố, vải bao cát ở các lô-cốt phòng thủ của quân đội Saigon để may quần đùi mặc. Áo quần mặc thời ấy rất dễ rách vì vải không bền, ít xà-phòng giặt. Rách đến đâu, vá đến đó, chẳng ai chê cười cả ...
B
  • Bán đá cục: Thời bao cấp có cái sướng là giá điện lại rẻ nhưng xài hạn chế theo định mức số KWH theo đầu nhân khẩu. Ai có được “tiêu chuẩn” xài điện cơ quan hay các khu quân đội lại nảy ra ý làm nước đá cục tủ lạnh bán cho các quán cà phê. Mùa hè nóng nực, một cái tủ lạnh trong gia đình có thể đủ tiền chợ cho cả nhà.

  • Bơm mực bút bi: Người hành nghề đặt tất cả đồ nghề trên chiếc xe đạp gồm ống tiêm, cồn tẩy mực, mực bút bi, đầu viết bi, đầu bi, ống ruột viết,… Chiếc bút bi khi hết mực sẽ được rửa sạch ruột, nếu đầu bi hỏng sẽ được thay bằng một đầu bi… cũ khác nhưng có thể còn xài được. Sau đó, bơm mực vào ống ruột viết bi để dùng tiếp. Dùng loại viết bi “phục hồi” này, nguy cơ bị mực chảy ra áo … khá cao. Người làm nghề này thường kiêm luôn nghề “bơm quẹt ga”.

  • Bơm quẹt ga: Giống như viết bi, hộp quẹt ga khi hết cũng có thể sửa lại, nạp ga vào và xài tiếp. Hàng này không có “bảo hành” nếu có … hỏa hoạn.

  • Buôn lậu: trên thế giới, có buôn là có lậu nhưng thời bao cấp, có những món hàng bình thưòng cho nhu cầu hàng ngày của người dân như gạo, thịt, vải, thuốc,… nhưng khi đã được Nhà nước quản lý thì mang đi đâu, từ quê ra chợ thì đều gán cho là… buôn lậu. Một số người làm nghề “buôn lậu” chỉ với các món hàng như vậy. Mua chổ rẻ và bán chỗ cao hơn. Nhờ thời bao cấp mà giới tài xế, lơ xe … lên đời - lên mặt, cho hành khách để hàng trên xe như là … ban phước vậy.
C
  • Cắt sắt ấp chiến lược: Các thanh sắt “ấp chiến lược” còn khá dồi dào ở miền Nam sau 1975. Sắt được các thợ cơ khí thu gom ở các căn cứ quân sự cũ, hàng rào nhà dân, đem về dập thằng và dùng máy cắt ra từng thanh dẹp dài. Các thanh dẹp này lại được gia công và hàn thành cửa sắt, lan can, đồ gia dụng, … Nghề này sống dài dài cho đến lúc … hết nguyên liệu là “sắt ấp chiến lược”.

  • : “” là một nghề sống “khoẻ” đến tận bây giờ, không phải là “săn cò” đâu mà là chạy giúp làm việc gì đó để nhận thù lao. Nhiều loại “cò” lắm, như “cò cơm”, “cò xe”, “cò bệnh viện”, “cò khách sạn”, “cò giấy tờ”, “cò nhà đất”,...  Có “cò” rất giàu từ nghề này, có người chỉ vừa đủ “kiếm cháo” theo kiểu “anh có cơm ăn thì tôi có cháo húp”. Giá cả thì “tùy mặt, tùy việc, tùy cơ”.  Bây giờ, nghề này càng ngày càng đa dạng, phong phú và phứt tạp hơn như “cò dự án”, “cò visa”, “cò tòa án”,… Nhóm cò này không “bay” mà “chạy” là chính. Hiện nay, người ta dùng một từ “văn hóa” hơn một chút là “nghề môi giới” hay cao hơn và Tây một chút là “nghề vận động hành lang”, “lobbyist”. Đi đâu, nhóm cò “cao cấp” cũng có danh thiếp cả xấp, sẵn sàng phân phát cho mọi người bất kể xa lạ hay thân quen.

  • Chạy xe đạp ôm: Xe ôm, hay xe thồ, ở miền Nam trước kia không thiếu, duy chỉ có xe Honda ôm hoặc gọi đúng là xe (gắn) máy ôm. Sau 1975, xăng dầu khan hiếm, xe gắn máy trở nên xa xỉ. Người ta xoay qua hành nghề chạy xe đạp ôm. Nghề này được người dân ở các thị xã, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau chấp nhận dù có lúc bị công an rượt đuổi, bắt bớ. Ở Ô Môn (Cần Thơ) có thêm nghề chạy xe ba gát chở người kèm chở hàng, chở heo, ... Thuê gì chở nấy ...
D
  • Dán bọc giấy: bọc xách thời đó thường làm bằng giấy báo hoặc tập vở cũ vì bao nylon khó kiếm. Giấy được thu gom về, cắt lại theo hình vuông hoặc chữ nhật theo nhiều kích cỡ rồi dán thành các bọc xách đựng hàng. Ở nhà chịu khó ngồi còng lưng dán bọc giấy rồi đem bán cho mấy sạp đường đậu ngoài chợ cũng có chút tiền.

  • Dập đinh: Thời bao cấp, cây đinh cũng … khó kiếm. Có người nghĩ ra “kế” gom các dây kẽm gai ở các hàng rào trại lính, tháo ra từng sợi, rồi đem vào máy dập để tạo ra cây đinh 3 phân. Đinh loại này dùng đóng vào gỗ mềm, cac-tông. Đóng vào tường hay gỗ cứng thì trung bình cứ 5 cây đóng, bị cong hết … 3 cây.

  • Diễn chui: hay hát chui. Một số ca sĩ, nghệ sĩ phải diễn chui, ca chui vì không được giấy phép trình diễn của bên Văn hóa - Thông tin. Họ đi diễn lưu động về đêm ở các rạp hát, tụ điểm ca nhạc hoặc đình miễu mà nơi đó người dân “đói” văn hóa và dễ tính. Nếu chính quyền nơi đó lơ qua cho thì cũng hát được vài ba đêm (nhưng phải gởi cho chính quyền sở tại một hai chục vé vào cửa miễn phí), nhưng khi có chính quyền đến đình chỉ, thì Đoàn hát “Sống Vang” thành … “sáng dông”. Ai không tin thì cứ đi hỏi nhạc sĩ Nhật Trường.
Đ
  • Đánh máy chữ: Nghề đánh máy chữ có từ lâu ở các văn phòng công tư nhưng sau 1975 thì tràn ra đường. Người hành nghề này phải có một cái máy đánh chữ cũ, giấy, một cái bàn, một cái ghể cho mình và một cái cho khách, cọng thêm một chút chữ nghĩa, luật lệ. Bàn máy được bày ra vệ đường, nếu không bị công an, dân phòng đuổi hay mưa gió thì mỗi ngày gõ cũng được vài chục trang giấy. Người dân nhờ họ đánh “sơ yếu lý lịch”, “đơn xin”, “đơn khiếu nại”, … Hiện ở thành phố Cần Thơ vẫn còn một “phố đánh máy chữ thuê” mặc dầu bây giờ sắm một máy vi tính cũ rẻ rề …

  • Đứng chợ trời: Nghề này “lạ”, chẳng cần có hàng quán gì cả. Chỉ đứng lơ thơ ngoài chợ trời, hút thuốc là, uống cà phê, nói dóc nhưng mắt phải láo liên coi ai có ghé vào chợ liền xáp lại hỏi “mua gì? bán gì?”. Tùy theo “con mồi” (tiếng lóng trong giới này chỉ người vào chợ trời mua bán) cần gì thì sẵn sàng “mua gì cũng bán, bán gì cũng mua”. Nghề này cần biết giá các mặt hàng khan hiếm đang ở đâu trên thị trường chợ đen, mà thời bao cấp nhiều thứ khan hiếm lắm. Nếu “trúng mánh”, có thể sống được vài ngày hoặc cả tuần. Nghề này ít sợ hụt vốn vì “ngưòi mua lầm chứ người bán chẳng lầm”.
E
  • Ép than tổ ong: Nghề này được du nhập từ miền Bắc. Nguyên liệu, chất đốt khan hiếm khiến người phải mua than cám, độn thêm mùn cưa hay trấu, rồi trộn với bùn non cho dẻo và dễ dính, xong vắt thành từng cục hoặc áp thành từng bánh hình tròn có lỗ như tổ ong. Phơi khô thành một sản phẩm đốt khá rẻ tiền và tỏa năng lượng cao, ít hao nguên liệu. Nhà gia đình đông con hoặc các quán bán cà phê, bún phở chuộng mua loại than này. Nhược điểm của loại than này là thời gian nung đỏ ban đầu khá lâu và tỏa nhiều thán khí độc hại. Nấu với loại than này phải có loại lò than đá thích hợp. Nghề này chưa bị mai một đến ngày nay.
G
  • Gò tole làm ống: Tole lợp nhà loại dày 0.5 mm được đập thẳng, gò cuốn lại và hàn thành từng đoạn ống để làm khung xe đạp, ống nước, hàng rào. Đi xe đạp với loại sườn tole gò này thì ... có ngày "sườn một nơi, bánh một chỗ", nhẹ thì … té lọi tay chân, u đầu sứt trán, còn xui xẻo nặng hơn thì ... Trời kêu ai nấy dạ ...
H
  • Hàn dép mủ: Dép làm bằng mủ cao su hay nhựa khi bị đứt thì bạn có thể thuê những người hành nghề “hàn dép” để “hàn” lại chỗ đứt. Dùng một thanh sắt như cái vít ốc nung nóng và các mẫu nhựa vụn đủ màu, họ có thể làm “lành” các vết đứt trên dép. Ai hành nghề khéo tay, bảo đảm không để “sẹo lồi”. Chỗ đứt được làm liền bằng phẳng. Giá bình dân, chờ 5 phút lấy liền.
I
  • In lụa: Nghề này cũng dễ học nhưng cần khéo tay, phát triển mạnh sau những năm 1985. Tấm lụa có kích thước lớn hơn khổ giấy A4 một chút được căng bằng một khung gỗ (kích thước có thể lớn nhỏ hơn một chút, tùy khổ giấy in ra). Quét hóa chất lên lụa, đặt bản in trên giấy bóng mờ rồi đem phơi nắng để có một bản mẫu. Dùng giấy trắng đặt ở dưới rồi quét sơn trên lụa, dùng thanh gạt cào qua lụa, mực sẽ "in" xuống tấm giấy. Với tay nghề cao, có thể in nhiều màu với nhiều lần quét, kiểu như in typo. Nghề này còn "sống" đến ngày nay nhưng kém cạnh tranh hơn hẳn so với khoảng thời gian 1980 - 1995.
L
  • Làm dép râu: Dép râu là một sản phẩm cho bộ đội hay cán bộ miền Bắc. Đế dép thường được làm bằng vỏ xe cũ, nhất là vỏ xe nhà binh. Quai dép làm bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai bằng ruột xe. Dép râu khá chắc chắn, mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng nặng nề, xấu xí nhưng có hề gì vào cái thời mà “ăn chắc, mặc bền” đứng ưu tiên xa hơn “ăn ngon, mặt đẹp”. Nghề này tồn tại khá dài lúc đó.

  • Lãnh quà biếu: Lãnh quà (đồ) cần phải hiểu như là một công việc nuôi sống của nhiều người có thân nhân vượt biên, định cư ở nước ngoài. Hàng tháng, họ chờ thư báo có hàng về là mừng rỡ chạy đến các kho lưu hàng ở phi trường hay bưu điện đề nhận quà của thân nhân gởi về, thường là quần áo, vải, thuốc tây, thực phẩm, radio cassette, vật dụng gia đình, … để xài một ít trong nhà, còn bao nhiêu đem bán ra chợ trời. Nghề này nuôi sống nhiều người, ngoài người nhận hàng, còn có những người thu mua hàng quanh nơi phát đồ, các bà ở chợ trời, nuôi sống các ông thuế vụ và cả cho người phát thư nữa. Thỉnh thoảng, chính quyền địa phương gởi thư xin các gia đình Việt kiều “yêu nước” ủng hộ tiền cho phường khóm mặc dầu nhiều lúc họ từng gây khó khăn những người trong gia đình này.

  • Lộn xích xe: Chủ yếu là xích xe đạp, ai có tay nghề “cao” hơn thì nhận luôn lộn xích xe gắn máy. Khi xích xe của bạn đã dãn nở ra hết cỡ, đừng vứt đi mà đem lại cho các “thợ lộn xích xe”. Xích sẽ được đục ra từng mắt rồi lộn các phần trong ra ngoài để “tận dụng”. Có người dùng xe đạp với cái xích được lộn tới 3-4 lần. Ngoài ra, xe đạp của bạn có thể được các thợ sửa lại các bộ phận đã mòn cũ như cặp vỏ, nối căm, đắp dĩa líp, sên, nhông, dùm xe, …

  • Lột bố vỏ xe: Bên trong vỏ xe nhà binh GMC, xe tải, xe hơi, … là các lớp sợi dây bố gai rất chắc để tăng sức chịu căng của cao su làm vỏ. Thời đó có một số người đi gom các vỏ xe lại, cắt ra từng khoanh, từng lớp mỏng rồi kiên nhẫn dùng kềm rút dần các sợi dây bố gai ra, sau đó nối lại thành từng cuộn tròn để bán. Dây bố gai được các người bán củi lẻ mua lại để cột củi thành từng bó nhỏ. Vài người còn dùng dây bố gai để tếch lại thành dây thừng nhỏ.
M
  • Mài ti bơm: Trong các béc bơm dầu của xe tải, các ti bơm đóng vai trò quan trọng, ti bị mòn (do động cơ bơm hoạt động lâu ngày) thì phải thay, nếu không xe sẽ chạy yếu và hao dầu. Thời bao cấp, các ti bơm khá mắc và khan hiếm, thế là các thợ tiện lành nghề nghĩ ra cách thu mua các thanh chốt của các tấm gi sắt lót ở các căn cứ sân bay trực thăng quân sự, cắt thành từng đoạn bằng ti bơm, tiện nhỏ lại và đưa vào máy mài với bột mài cho đến khi vừa khít bằng cái ti bơm. Nghề này phải khéo tay và biết cách dùng thước kẹp chuẩn xác. “Có công mài sắt, có ngày nên … ti”. Nghề này còn giúp tạo thêm nghề thu mua gi sắt, đem về bán gi và chốt gi.

  • Mò sông: trước kia và gần đây, đồ đạc bị rơi xuống sông coi như … cúng Hà Bá. Có trường hợp tàu chìm nhưng chi phí thuê trục vớt mắc quá nên khổ chủ bỏ luôn.  Thời ấy, có người nảy ra ý lặn xuống đáy sông để mò hàng chìm dưới đáy, nếu sông cạn thì chỉ cần một sợi dây buộc bên mình rồi nín thở lặn, mò mẫm dưới đáy sông, nếu sông sâu thì phải có ống thở nối trên thuyền. Sau này, họ “phát minh” ra loại lưới cào đáy, cào hú họa sát đáy sông, vừa bắt cá vừa tìm phế liệu. Đôi khi, “trúng mánh” được nguyên cái máy tàu, nhưng có trường hợp mò được cả khẩu … súng đại liên đã rỉ sét.

  • Móc bọc: Bọc ở đây là bọc nylon nhưng không chỉ đơn thuần là bọc bylon. Nghề này, đã có từ xưa nhưng thời bao cấp có “phát triển” hơn. Miền Bắc gọi là nghề “đồng nát”, miền Nam gọi là nghề “ve chai, lông vịt”. Ngày xưa, đồ nghề là đôi quang gánh, sau “tiến bộ” hơn thì có xe đẩy, lúc đó mua - đổi là chính. Thời bao cấp, dụng cụ hành nghề chỉ là một que sắt uốn thành một cái móc, một túi và một tinh thần “chịu khó, chịu dơ” là có thể lùng sục tất cả các bãi rác ở đầu đường xó chợ. "Tất tần tật" cả những thứ bán được ở các vựa thu mua phế phẩm đều được móc "tuốt tuồn tuột": đồ mủ, cao su, nhựa plastic, ve chai, lọ, sắt vụn, đồng nát, lông vịt, giấy báo cũ, đồ hư trong gia đình, … Nghề này có cái “tích cực” là giúp làm giảm ô nhiễm, rác được phân loại và tái chế. Rủi ro nghề nghiệp lớn nhất là bị nhiễm trùng do đạp phải đinh, gai mặt dầu đa số họ có khả năng “miễn nhiễm” cao. Từ “nghề móc bọc” để chỉ nghề “tận cùng” dưới đáy xã hội.
N
  • Nhuộm quần áo: Hà nội 36 phố phường có Phố Nhuộm. Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, miền Nam thì hiếm hơn. Sau 1975, nghề này có cơ hội phát lên ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho… sạch hoặc chí ít cũng “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động, hoặc có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đen để … che mắt người khác như thể tôi đây cũng thuộc nhóm … người lao động (?!). Đồ được đem đi nhuộm nhiều nhất là áo quần quân đội, thôi thì đủ thứ binh chủng, từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri lính trận, đồ trắng cảnh sát,… đều được biến thành màu đen tuốt luốt. Quý bà thì chuộng nhuộm đen áo bà ba, quần tây. Thời kỳ đầu, mỗi đợt "lao động nghĩa vụ", mọi người giống như một đoàn quân đồng phục đen.

  • Nuôi heo: nuôi heo vốn là một nghề nông nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng trong thời bao cấp ở thành phố, nơi khu dân cư đông đúc như chung cư, nhà tập thể, khu phố, nhiều người xem “nuôi heo” là một nghề phụ nhưng “thu nhập” chính. Họ có thể là công nhân viên, thầy cô giáo, y tá, y sĩ, bộ đội, … Hình ảnh thấy rất điển hình là chiều chiều về trên chiếc xe đạp, nhiều công nhân viên có đèo thêm bó rau muống to tướng hoặc bao cám. Lắm người khi đau ốm không dám uống thuốc nhưng heo bệnh thì quýnh quáng tìm thuốc trị ngay. Nghề này kéo theo các nghề thiến heo, chích thuốc heo dạo, đỡ đẻ heo và nghề thu mua heo … lậu. Dù chuyện nuôi heo gây nhiều ô nhiễm, khó chịu nhưng ai cũng rán nín thở, chịu đựng mà … thông cảm.
P
  • Phân kim: Muốn hành nghề “phân kim” phải học bài bản một chút. Nghề này nguyên là của các thợ bạc, ngoài chuyên gia công chế tác nữ trang. Sau 1975, đôi người nhảy vào, thu mua đồ xưa, bạc cũ, hàng mỹ nghệ mạ vàng, răng vàng, gọng kiếng vàng, đồng hồ vàng, phim phổi,… đem phân kim để lấy chút bụi vàng, bụi bạc rồi đánh thành các khâu, chỉ. Nghề này ít ai giàu lên nhưng sống “được” lúc đó.
Q
  • Quấn thuốc lá: Nghề này “phục vụ” cho dân nghiện thuốc hút mà ít tiền. Chỉ với một bàn quấn nhỏ bằng gỗ chỉ bằng một cuốn tự điển loại trung, giấy thuốc, sợi thuốc thì mua trôi nổi ngoài chợ, có thể tự gia giảm thêm bớt chút ít cho sợi thuốc. Nghề này dễ làm, sẵn mọi lúc mọi nơi, chủ yếu trong gia đình. Chịu khó còng lưng làm chừng 8 - 10 giờ/ngày và có mối nhận mua đều đều thì …“sống” đủ.

  • Quay đường: Đường ở đây là đường chảy, đường mật được ép từ các lò đường ra. Sau đó, đường chảy được đưa vào các lò nấu đường trong các cối đường thủ công để nấu chảy. Dùng hóa chất tẩy màu và tinh luyện theo kiểu ly tâm ta sẽ được đường cát. Nghề này thay vì làm trong nhà máy đường lại phân tán nhỏ ở các lò thủ công trong các hẻm. Mật đường còn sót lại thì làm “rượu cồn”. Người làm công trong lò suốt ngày ở trần, quần đùi, mồ hội nhễ nhại vì làm việc cật lực, nhất là ở khâu nấu đường. Lơ đễnh thì hỏng cả cối đường. Nghề này khá cực khổ. Hiện nay, các lò như vậy đều …“chết không kèn không trống”.
R
  • Rà phế liệu: Ở đây là nghề rà tìm phế liệu chiến tranh ở các khu quân sự hay các cánh đồng đã từng có chiến sự. Tất cả những thứ còn sót lại dưới đất như chiến cụ, quân phục, vũ khí như súng hỏng, đạn dược đến cả bom mìn cũng không từ. Không vốn thì dùng cuốc xẻng đào bới, khá hơn thì trang bị một máy rà kim loại tự chế. Làm nghề này phải có gan, rất liều mạng. Nhiều tai nạn thảm thương do cuốc nhằm mìn, cưa bom, ... đã xảy ra.

  • Rang bắp: Rang bắp không phải để ăn “bắp rang” mà làm … cà phê. Nghề này rộ lên từ sau 1975 và còn sống dài dài. Tùy nhà chế biến mà tính chuyện trộn thêm bắp rang, xay nhuyễn vào cà phê, cộng thêm một ít hương vị, dầu bơ cho thơm. Nhiều ông chỉ làm chuyện rang bắp, trộn cà phê bỏ mối mà có tiền nuôi 2-3 đứa con ăn học cả nhiều năm trời. Nhiều người ngày nay uống cà phê pha bắp rang riết rồi quen vị, uống cà phê nguyên chất lại chê chẳng ngon vì không thấy … mùi bắp rang.
S
  • Soạn thư mướn: Nghề này có “trình độ văn hóa” hơn. Đối tượng “phục vụ” là các cô, các bà hoặc các ông nông dân ít học. Họ viết thư giúp “gởi ra nước ngoài” để xin tiền, xin hàng, xin bảo lãnh định cư, tâm tình để kiếm chồng ngoại, hỏi thăm,… Người viết thư còn phụ trách luôn khâu đọc thư để tìm lời văn để trả lời cho thích hợp. Thư viết bằng tiếng Anh, tiếng Tây, tiếng Tàu có giá cao hơn năm ba lần thư thường viết bằng tiếng Việt. Thư gởi đi, nếu có may mắn được phản hồi nhanh chóng, người viết thư mướn còn được “bo” lần sau. Nhiều khi, nội dung các thư “tâm sự - tình yêu” na ná như nhau, hoặc giống y như các câu văn cóp được trong quyển “Các bức thư tình hay nhất thế giới”.
T
  • Tẩm quất: Nghề “tẩm quất” cũng đã có từ lâu nhưng ít ai hành nghề ngoài đường phố, nhà ga, bến tàu, vỉa hè chường mặt ra giữa thiên hạ như sau 1975. Dụng cụ hành nghề là một cái hòm nhỏ bằng gỗ đựng đồ cạo gió, dầu xanh, ống giác hơi, một manh chiếu, một cái gối và một cái đèn dầu. Ông nào, anh nào đau lưng, nhứt mỏi, cảm gió, nhứt đầu, … xin mời nằm xuống chiếu, cởi áo, cất tiền bạc giấy tờ cho cẩn thận để em (hay chú) tẩm quất cho. Làm nghề này cần thạo các món đòn bấm huyệt, bẻ khớp, vặn hông, nhéo lưng, vuốt lườn, … và phải biết luôn cách cạo gió, giác hơi. Nghề này, ngày nay càng ngày càng ít khách vì ít ai bây giờ chịu nằm ngoài đường. Một số đi vào các nhà nghỉ, khách sạn kín đáo và gọi bằng một cái tên tân kỳ hơn là “massage” hoặc ... “vật lý trị liệu” (?!). Người hành nghề này bây giờ là các cô trẻ đẹp, tròn trịa chứ không phải các ông già tẩm quất gầy gò, khắc khổ như thời bao cấp.

  • Thử hàng: hàng hóa thời bao cấp như thuốc tây, hóa chất, mỹ phẩm, vải vóc, máy móc như động cơ, đồng hồ đeo tay, radio,… gồm đồ thiệt, đồ giả, đồ tân trang lẫn lộn. Tiền không có mà mua nhằm đồ giả thì … tức lộn ruột. Tốt hơn là nhờ các tay làm nghề thử hàng. Họ khẳng định giá trị món hàng và cho lời khuyên mua bán. Mua được, bán được xin chút huê hồng. Nghề này, bây giờ không còn nhưng hiện diện ở dạng cao cấp với tên là "nghề thẩm định” hàng hóa và giá cả.

  • Trồng xuyên tâm liên: “Xuyên tâm liên” là tên của một loại cây thuốc Nam, vị đắng có dược tính sát trùng, chống viêm, … Thời bao cấp, “xuyên tâm liên” là danh mục thuốc đứng hàng đầu khi được bác sĩ kê toa. Nghề trồng xuyên tâm liên được khuyến kích và Nhà nước thu mua hết để bào chế ra viên “Xuyên tâm liên”.
U
  • Ủ rượu .. lậu: Có thời, rượu đế cũng bị Nhà nước quản lý, chỉ có “rượu quốc doanh” làm từ đường công nghiệp, uống vào rất nhức đầu. Có lão nông tuyên bố “Đế quốc Pháp, tao chẳng sợ, đế quốc Mỹ tao cũng chẳng sợ. Tao chỉ sợ đế … quốc doanh!”. Chiều chiều, nông dân miền Đồng bằng sông Cửu Long mà thiếu rượu để nhậu lai rai chút đỉnh thì buồn quá. Có cầu ắt có cung. Nghề ủ rượu lậu phát triển âm thầm. Có dạo, bị lùng bắt quá, người dân nảy ra "sáng kiến" nấu rượu lậu trên ghe, nhất là về mùa nước nổi. Nếu bị công an, quản lý thị trường, thuế vụ đuổi bắt, họ chỉ việc quăng tất cả đồ nghề nấu rượu xuống sông để phi tang là ... xong. Ngoài ra, hèm ủ rượu còn được dùng để nuôi heo. Ai mà hành nghề này, suốt vài năm mà không bị bắt, thì có thể cất cái nhà … vườn được.
V
  • Vớt trùn chỉ: “Nghề” này chỉ sống được một thời, đặc biệt khi phong trào nuôi “cá trê phi” phát triển mạnh mẽ. Một lon sữa bò, một cái vợt lưới nhỏ là đủ. Mỗi ngày chịu khó đi dọc theo các cống rãnh, đường mương để vớt trùn chỉ, loại trùn màu đỏ như sợi chỉ sống ở các dòng nước thải nơi thành thị, ven đô, … Giai đoạn đó, nếu mỗi ngày vớt được chừng 2 lon sữa bò thì đủ tiền đi chợ kiểu ... nhà nghèo.
X
  • Xe vải:  vải vụn được người dân gom lại, vắt nhỏ thành từng sợi dài rồi xe lại theo kiểu thắt dây. Dây này được “gia công” tiếp thành cái võng, thảm chùi chân, giỏ đựng hàng. Hàng này khá bền và rẻ tiền nên hợp với giới bình dân, người nông thôn. Nghề này còn “lây lất” sống đến ngày nay.

  • Xếp hàng mua vé xe đò: Xếp hàng mua vé xe, vé hát ở các nước phát triển không phải là chuyện lạ nhưng họ xếp hàng mua vé để chính họ đi đường, xem nhạc, xem phim. Còn ở ta, xếp hàng mua vé để bán cho người khác. An ủi là bên Tây đôi lúc cũng có: FIFA World Cup 2006 ở Đức cũng có mấy tay mua vé bóng đá rồi bán cho người kiếm lời, nhưng không là một “nghề”. Thời bao cấp, thời gian “lý tưởng” để hành nghề mua vé xe đò là phải thức dậy từ 1 - 2 giờ sáng. Thức trễ đến 5 - 6 giờ sang thì chỉ có nước … nằm nhà húp cháo. Chuyện xếp hàng mua vé để bán “chợ đen”, ngoài chỗ hành nghề ở bến xe, bến tàu, còn ở rạp hát, sân vận động bóng đá,… nữa. Nghề này còn tồn tại đến ngày nay ở các thành phố lớn.

  • Xe chạy bằng than đá: Thời nhiên liệu, xăng dầu khan hiếm, giới xe đò có sáng kiến "cải tiến" (hay "cải lùi"?) xe chạy dầu, xăng thành xe chạy bằng nhiên liệu là than. Một lò đốt than đá to đùng được gắn sau xe, dùng nhiệt năng của than đá bị đốt thành động năng cho xe chạy. Trên đường đi loại xe này, thỉnh thoảng một cục than cháy dở rơi xuống đường đỏ lòm là chuyện ... bình thường. Ai chạy xe cán nhầm cục than này hay đi đạp nhầm coi như là gặp xui. Phàn nàn với ai bấy giờ?



Hai tấm ảnh trong trang này được chụp ở hai thành phố lớn nhất VN năm 2006 (Photo: Lê Anh Tuấn).
Ảnh trên: Một người phụ nữ "nhập cư" miền Trung gánh hàng rong bán trên đường phố Saigon.
Ảnh dưới: Hai thiếu niên ở ngoại thành thồ chậu gốm sứ bằng xe đạp vào nội ô Hà Nội.
  
Sau 20 năm kể từ thời điểm bắt đầu có chính sách xóa dần bao cấp (năm 1986),
nhiều người dân lao động vẫn dùng cơ bắp của mình để mưu sinh là chính.
Dù nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc sau thời kỳ "Đổi mới",
Việt Nam thành một quốc gia xuất cảng nông sản lớn trên thế giới,
nhưng thực tại, người nông dân vẫn nghèo khổ,
và sự cách biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.
Do vậy, cần thiết phải có những chính sách chiến lược quốc gia
cho việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao phúc lợi và công bẳng xã hội.

Bắt ở trần phải ở trần
Cho may-ô mới được phần may-ô
Hai câu ca dao thuộc loại ‘lẩy Kiều’ vừa dẫn là một trong những bức biếm họa xác thực nhất vẽ lại hình ảnh của thời bao cấp. Đối với những người đã sống qua thời kỳ này, tưởng không cần phải giải thích loại ca dao ‘tức cảnh sinh thời’ đại loại như trên. Tuy nhiên, đối với các thế hệ sau, con cháu của chúng ta không thể nào tưởng tượng được áo may-ô, một loại áo lót dùng cho đàn ông, cũng thuộc một trong số hàng chục mặt hàng do nhà nước sản xuất và cung cấp cho nhân dân. Vì thế mới gọi là… bao cấp.
Từ điển tiếng Việt xuất bản trước thời bao cấp hoàn toàn không có mục từ Bao cấp. Phải đến Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê (1), bao cấp mới được chính thức xuất hiện trên sách vở. Từ điển giải thích: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”. Đối với người dân bình thường, đó là một định nghĩa rườm rà, khó hiểu với những từ ngữ ‘dao to búa lớn’. Người dân chỉ cần hiểu một cách đơn giản: Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hàng ngày…
Đường phố Hà Nội năm 1973
Trên thực tế, thời bao cấp kéo dài từ năm 1954 đến 1986 tại miền Bắc và từ năm 1975-1986 tại miền Nam. Theo cách gọi của tôi, một người miền Nam , đó là thời kỳ điêu linh sau khi Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.
Tại miền Bắc, trước khi bước vào thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã sống trong ‘cảm giác no đủ’ của những ngày đầu tiếp quản từ tay thực dân Pháp. Nhà văn Tô Hoài (2) kể lại trong hồi ký Cát bụi chân ai:
Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lấy ở kho từng miếng, cơ quan sắm dao kéo húi đầu cho nhau. Trở lại thành phố, khó đâu chưa biết, nhưng thức ăn hàng hóa ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy tạ. Nhà hàng Phú Gia vang đỏ, vang hồng, vang trắng… vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm lên. Áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm ghế. Hàng Trung quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ mầu, củ cải, ca la thầu, sắng xấu, mỳ chính, xe đạp cái xe trâu cao ngồng. Ca xi-rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia. Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả loài người tiến bộ đổ của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ”.
Cái cảm tưởng ‘cả loài người tiến bộ ‘đổ của’ đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ’ chỉ là một giấc ngủ ngày, bất ngờ thiếp đi trong khoảnh khắc để rồi bừng con mắt dậy với thực tế phũ phàng của đêm đen. Hàng hóa nhiều như Tô Hoài liệt kê không phải do Hà Nội sản xuất mà vì mới tiếp quản thành phố nên có sẵn trong kho của thực dân. Thế cho nên, nguồn hàng không phải tự mình làm ra ấy cạn kiệt một cách nhanh chóng. Đó cũng là lý do của sự khởi đầu một thời kỳ trì trệ kéo dài hơn 30 năm tại miền Bắc và hơn 10 năm tại miền Nam .
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp
Ngay từ năm 1955, công báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa tin: công nhân viên, trên nguyên tắc, mỗi năm được cấp từ 5 đến 7 mét vải, khi sinh đẻ được cấp thêm 5 mét diềm bâu khổ 7 tấc. Bình quân cứ 10 người người dân đọc một tờ báo Nhân dânvà Cứu quốc. Các quan chức từ cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc Hội, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao được hưởng tiêu chuẩn nua quạt điện.
Tất cả mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo ‘mô hình xã hội chủ nghĩa’, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ. Nhân viên làm việc trong các cơ quan hay người lao động trong các doanh nghiệp quốc doanh sẽ chỉ được nhận một phần lương rất nhỏ bằng tiền mặt, số tiền còn lại sẽ được quy ra tem phiếu, riêng gạo được mua bằng sổ.
Sổ đăng ký mua lương thực
Theo Kinh tế Việt Nam 1955-2000, nhà xuất bản Thống kê, so với năm 1978, mức lương năm 1980 chỉ bằng 51,1%  và năm 1984 chỉ còn 32,7%. Một sự tụt hậu đáng kể về giá-lương-tiền của thời bao cấp. Về kinh tế, sách đã dẫn mô tả: “Thời bao cấp không có thị trường tự do về buôn bán cũng như về trao đổi các mặt hàng, cụ thể như lạc [đậu phụng] chỉ để lại vừa đủ làm giống cho vụ sau. Người sản xuất không tiêu dùng là tốt, người trồng lạc không ăn lạc, không dùng lạc để làm kẹo hay luộc để bán … Đối với nông sản dùng để chế biến thực phẩm cho nhân dân thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ trên thị trường, không để ai buôn bán kiếm lời”.
Cái gì cũng có thể và cần phải quản lý chặt chẽ. Tư tưởng chính làm nền tảng cho sự quản lý này đã biến cả xã hội lẫn con người thành một thứ đất sét, muốn nhào nặn thế nào cũng được. Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…
Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp
Mỗi hộ gia đình công nhân viên được cấp 1 sổ mua gạo có số lượng hàng tháng tương đương với tiêu chuẩn của các cá nhân từ 16 đến 21 kg mỗi tháng đối với người lớn, tùy theo mức độ lao động, lao động nặng thì được hưởng nhiều gạo hơn. Cán bộ có chức tước thì phiếu gạo ít vì lao động nhẹ hơn nhưng lại được cấp phiếu mua các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn.
Trẻ em ngày ấy được gọi là ‘hộ ăn theo’ căn cứ theo tiêu chuẩn của bố mẹ sẽ được hưởng khoảng từ 10-14 kg/tháng. Để mua được gạo cũng là cả một vấn đề. Mỗi khu vực dân cư sẽ được quy định mua gạo tại 1 cửa hàng lương thực, cửa hàng lại phân lịch bán cho từng tổ theo lịch bán luân phiên. Hình ảnh thường thấy là người lớn, trẻ em đi xếp hàng mua gạo từ 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết gạo. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để ‘xí chỗ’ khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào hàng khi mở cửa.
Dù xếp hàng đầu nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước nếu có những sổ thuộc dạng ‘ưu tiên’ hoặc ‘chen ngang’ do có móc ngoặc với nhân viên thương nghiệp. Thời bao cấp người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn nên việc quản lý của nhà nước theo hộ khẩu và sổ gạo là chính sách rất hữu hiệu. Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện trong thời kỳ này: mất sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!
Chưa hết, gạo đỏ lại được thường xuyên được thay thế bằng những loại lương thực khác như bột mì, sắn khô sắt lát, ngô (bắp), bo bo (hạt lúa mì) hay gạo tấm. Tấm là thứ gạo nhỏ xíu bung ra từ những đầu khuyết của hạt gạo, ăn rất hay bị đầy bụng và "tốn" vì gạo tấm nấu không nở, khi thành cơm thì 1 lon tấm chỉ bằng 1/3 lon gạo thường!
Phiếu mua đường, loại 500 gam/tháng, năm 1979
Những câu vè dưới đây nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:
Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối 
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lớp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu
Phiếu cung cấp thịt ‘cơ động’ (?) dành cho bộ đội
Mậu dịch viên... bán thịt
Chế độ bao cấp ngoài việc khiến người dân lúc nào cũng đói còn hủy hoại những giá trị đạo đức căn bản của con người. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể lại: “Ở một cửa hàng ăn rất sang hồi ấy, những chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt vít xuống mặt bàn. Một sự thực nhiều người tuổi tôi còn nhớ: các quán mậu dịch giải khát (kể cả cà phê) loại tầm tầm cũng “thống nhất” đục một lỗ thủng các thìa nhôm để đánh dấu. Vì sao ư, đơn giản lắm, vì sợ ăn cắp…” 
Quả thật, trong xã hội bao cấp, càng ngày nạn ăn cắp càng phổ biến, dù chỉ là ăn cắp vặt. Ăn cắp bởi quá thiếu thốn và cũng bởi ăn cắp quá nhiều nên không bị coi là hành động xấu nữa. ‘Cái khó không bó cái khôn’, nhưng chỉ là ‘khôn vặt’ theo kiểu ‘đói ăn vụng, túng làm liều’:
Chính sách em học đã thông
Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều
Thời bao cấp, xã hội bị phân hóa. Đó là điều nghịch lý trong xã hội chủ nghĩa vốn hướng đến một Thế giới Đại đồng. Số liệu ghi trong cuốn Kinh tế Việt nam 1945-2000: “Trong khi người dân thường mỗi tháng chỉ được 150 gram thịt, thì cán bộ cao cấp được 6kg, tức là bốn chục lần nhiều hơn. Và tính ra chênh lệch là 100 đồng. Ngoài ra còn thuốc lá, chè, đường, sữa, len dạ, cũng tạo ra khoản chênh lệch khoảng 100 đồng nữa”.
Nhiệt tình cách mạng của cán bộ thời kháng chiến ngày nào giờ chỉ xoay quanh vấn đề… ăn. ‘Ăn’ được hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, người ta ‘ăn’ theo nhiều kiểu, tùy vào cấp bậc, địa vị:
Cán bộ cao ăn cung cấp
Cán bộ thấp ăn chợ đen
Cán bộ quen ăn cổng hậu
Thời bao cấp, xe hơi ở Hà Nội rất hiếm, nên chỉ cần nhìn một chiếc ‘xe con’ đi qua người ta biết ngay cán bộ cấp nào ngồi trong đó. Xe Pobeda, và sau này là Vonga màu đen, dành cho  cấp bộ trưởng trở lên. Các thứ trưởng và cấp tương đương đi những chiếc nhỏ hơn, loại Moskovits. Có người ‘sành điệu’ còn quả quyết: chỉ cần nhìn cách trang trí xe cũng có thể thấy được vai vế của người chủ.
Cán bộ cấp càng cao càng có dịp đi công tác ở các nước Đông Âu và con cái họ, những ‘cậu ấm, cô chiêu’, được đi lao động hoặc đi học tập bên Tây. Đến khi về nước họ rước về những mặt hàng của các nước anh em như Liên Xô thì có tủ lạnh Saratov, xe Minsk, đồng hồ Pôljot, nồi áp suất… Đông Đức thì có xe máy SimSon, xe đạp Dianond, Mifa; Tiệp Khắc có xe gắn máy Bebetta, xe đạp Favorit… Tầng lớp ‘tinh hoa’ của chế độ tạo thành một nhóm đặc quyền, đặc lợi trong thời kỳ bao cấp.
Một gia đình cán bộ thời bao cấp
Bàn về con người và tư tưởng thời bao cấp, Vương Trí Nhàn (3) phân tích: “Cái hèn mà ta vốn khinh ghét, cái hèn đó ngấm ngầm ăn vào máu ta. Hèn theo nhiều nghĩa. Lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt. Và chỉ có những niềm vui tầm thường. Mua được cân gạo không bị mốc, vui. Cưới cho con trai cô vợ làm ở cửa hàng lương thực nên cả họ mua bán dễ dàng, quá vui. Đi bộ mấy cây để đến nghe nhờ đài [radio] ở một nhà bạn, cũng đã vui lắm. Vui đấy rồi thấy sự khốn khổ của mình ngay đấy, và ngày mai, lại vẫn tiếp tục cái tầm thường dễ thương đó”. 
Tôi trích đoạn văn trên qua một bài viết nhan đề Nhân cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội 1975-1986. Cuộc trưng bày này được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học, tập trung vào các tư liệu, hiện vật của Hà Nội trong khoảng thời gian từ 1975-1986. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra tổ chức nhưng điều khá thú vị là được sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ SIDA (Thụy Điển), Quỹ Ford (Hoa Kỳ).
Cuộc trưng bày sử dựng đồng thời các hiện vật gốc do người dân hiến tặng, được kết hợp với việc tái tạo và phục dựng một số bối cảnh của cuộc sống thời bao cấp. Trọng tâm của cuộc trưng bày nói lên tiếng nói của cộng đồng thông qua những câu chuyện, những ký ức những suy nghĩ, đánh giá của người dân về cuộc sống của mình trong thời kỳ ‘đêm trước’ Đổi mới.
Theo tôi, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, điều quan trọng hơn cả là không gian sống của các gia đình.  Ký ức của một người ở Nam Định về thời bao cấp:
Mẹ tôi phải tính đến chuyện làm thêm, tăng gia sản xuất, cắt gốc rau muống, rau khoai trước ruộng muống nuôi lợn, bóc lạc thuê cho Ngoại thương. Bốn mẹ con chỉ có một cái giường để ngủ. Lạc chất trong nhà hàng bao cao đến nóc, lợn hai con ăn ở với người ngay dưới gầm giường. Mỗi một trận mưa to, một trận bão, giấy dầu lợp mái, ngói vỡ bay tứ tung ... bốn mẹ con và lợn ngồi ôm nhau, vài cái xô đặt để hứng nước, nước dưới chân giường chảy qua như suối, cá rô đi hàng đàn, ba ba bò lổm ngổm. Mỗi một lần như vậy chỉ thấy mẹ khóc và rồi cả ba anh em khóc theo. Lo lắng, sợ nước ngấm vào lạc làm lạc mốc thành thành phẩm loại B loại C và phải đền. Sợ hai con lợn lăn ra ốm thì không biết cuối năm bấu víu vào đâu mà trả nợ...”.
Gian bếp bên chuồng lợn
Tại miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa thóc nhưng trong thời bao cấp chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ không cho phép nông sản được xuất tự do ra khỏi địa phương. Tất cả đều được nhà nước ‘thu mua’ với hàm ý ‘vừa tịch thu, vừa mua lại’.
Dưới mắt người nông dân đó là hình thức ‘mua như cướp’ theo ‘giá nghĩa vụ’ hoặc ‘giá khuyến khích’… Ngược lại, đến khi nhà nước bán cho người tiêu dùng, họ ‘bán như cho’, người mua có cảm tưởng được cửa hàng… bố thí chứ không thực sự là đi mua với đồng tiền của mình! 
Thu mua lúa hay thu mua các mặt hàng khác đều giống nhau. Năm 1978, giá thành 1m2 vải ‘calicot’ sản xuất tại Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng nhưng phải bán cho nhà nước với giá 1,2đ/m2. Giá thành 1m2 vải dệt theo kiểu oxford tính ra hết 10đ nhưng công ty phải bán cho Nhà nước giá 9đ. Nhìn cảnh đóng hàng xuất cho nội thương với giá thấp hơn thực tế, người công nhân phải rơi nước mắt.
Giá của hai thứ vải trên nếu bán ở thị trường tự do thì cao gấp 10-12 lần. Cũng vì thế, người dân và cả cơ quan nhà nước cũng chạy theo thị trường tự do để hình thành một nền kinh tế ‘ngầm’ song hành cùng nền kinh tế do nhà nước quản lý. Người dân buôn gạo từ địa phương này sang địa phương khác, chỉ vài ký mỗi chuyến nhưng cũng hưởng chênh lệch để ‘cải thiện’ cuộc sống gia đình.
Tại Sài Gòn, một số cơ quan, xí nghiệp ‘lách’ luật, bung ra trong việc ‘đi đêm’ với xí nghiệp bạn hoặc với tư thương, Công ty Kinh doanh Lương thực của bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) là một trường hợp điển hình của một ‘huyền thoại’. Năm 1980, với trình độ lớp 4 trường làng, bà Ba Thi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty để lo cung cấp lương thực cho gần 4 triệu dân với ‘giá kinh doanh’ không ‘bù lỗ’ nhưng cũng không nhằm thu lãi cao.
Có thể đó là cách giải quyết của những lãnh đạo có ‘tâm’ trước sự thiếu thốn trong đời sống của nhân dân nhưng cũng không loại trừ những ‘phi vụ’ chạy vào túi riêng của những người trong cùng băng nhóm. Xã hội bắt đầu hình thành những ‘Mafia kinh tế’ để sau này tạo ra một giai cấp mới là ‘tư sản đỏ’.
Năm 2006, báo Tiền Phong dùng cụm từ Màu thời gian xám ngắt (nhại chữ của Đoàn Phú Tứ Màu thời gian tím ngát trong bài thơ Hương thời gian) để nhắc lại cái bóng kinh hoàng của thời bao cấp. Đối với người miền Nam vốn đã quen sống trong nền kinh tế tư bản, thời bao cấp chắc không ‘xám ngắt’ mà phải là ‘đen tối’.
Cũng may, người ta ngộ ra đó là một sai lầm chết người nên mới có… thời kỳ ‘đổi mới tư duy kinh tế’. 
===
(1) Giáo sư Hoàng Phê sinh tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nay là xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam . Cháu đời thứ 11 của Tổng đốc Hoàng Diệu. Thuở thiếu thời, ông học tại quê nhà rồi theo học ở Hội An, Huế, Sài Gòn. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Việt Bắc. Năm 1954, ông làm cán bộ nghiên cứu ở Viện Ngôn ngữ học, và tạp chí Ngôn ngữ học, giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hoàng Phê (1919 - 2005) là một nhà từ điển học, chuyên gia về chính tả tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998.  
(2) Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê nội ở Thanh Oai, Hà Đông trong một gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Đến với văn chương ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc. Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
(3): Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học đồng thời là nhà phê bình văn học. Các bài viết của ông xuất hiện trên báo Văn Nghệ từ tháng 3/1965, sau đó ông viết đều đều trên các báo Văn NghệVăn Nghệ quân đội. Lúc đầu VTN chỉ tập trung về mảng văn học đương đại cho đến đầu thập niên 1980, ông có ý thức dần dần trở lại với văn học sử, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 và đã viết một số bài nghiên cứu về các nhà văn tiền chiến như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng...

Hà Nội và những góc khuất xưa, đã rách nay lại rách thêm




Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 1Xếp hàng... đánh răng

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 2Một ngày đượm nắng

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 3Có nắng là phơi

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 4Nắng ở trên cao...

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 5"Lên chơi với tớ..."

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 6Đi học...

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 7Dở tay...

Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 8Lụi cụi góc sáng...
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 9Nơi ánh sáng đi qua
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 10Thúng cũng treo chung
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 11Ở nhà với bà
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 12Trưa vắng...
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 13Những chiếc loa ngày xưa
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 14"Ra đây bà cho măm"
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 15Một ngày lạnh
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 16
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 17Góc nhìn tuổi thơ
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 18Việc ai người đó làm
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 19Đâu đó tuổi thơ... 
Hà Nội và những góc khuất xưa cũ từ thời bao cấp - ảnh 20 Xế chiều..



























Làng Nôm, vẻ đẹp xưa ở Hưng Yên

Cổng làng Ninh Hiệp

Gate of Da Hoi village (Tu Son Town)



Cổng Làng Vạn Phúc mới









picture2

picture4

picture5


Hà Nội thời bao cấp XHCN: 




 Hà Nội bắt đầu vào tiết cuối Thu. Tiết độ đẹp nhất trong năm. Nắng không còn gay gắt nhưng lại chưa vào độ hanh hao, và màu nắng rất trong. Cũng không còn những oi nồng của cái nóng đến ẩm ướt khó chịu nữa. Đã có thể với áo sơ mi dài tay để ra phố mà không còn những mảng ướt lưng. Tối đã se se trong hương sữa thảng bay trên những vòm cao trên phố. Tôi nhớ gốc sữa đầu cổng nhà, nơi anh em tôi hay bày cái bàn rượu nhỏ, rải đầy xung quanh những trắng xóa mảnh sữa rụng. Những hình ảnh cứ trôi nổi, trôi nổi và lại quanh về Hà Nội một thuở chưa xa lắm, nhưng nghèo và gắn với những câu thơ bình dân... Trong những câu chuyện với bạn bè, với anh em, thỉnh thoảng tôi có gợi nhắc về Hà Nội những tháng năm đó, tháng năm của thời bao cấp. Rất nhiều bạn bè tôi không hình dung ra những điều đó. Tôi muốn tặng bạn tôi về những hình ảnh của một thời đã qua, với những ký ức vụn vặt mà tôi vẫn lưu giữ.






   Hà Nội mở đầu xóa bỏ cơ chế gọi là '' quan liêu bao cấp '' bắt đầu từ năm 1986. Lúc đó tôi bắt đầu vào lớp 10. Cho đến những năm 1990, khi chúng tôi vào đại học rồi, vẫn còn khốn khó về nhiều thứ, nhất là hàng hóa. Chỉ sau hội nghị Thành Đô năm 1991 giữa Hà Nội và Bắc Kinh về bình thường hóa quan hệ hai nước, với ý muốn kết nối liên minh ý thức hệ cộng sản giữa hai anh láng giềng với nhau, trong bối cảnh thành trì cách mạng và cộng sản thế giới là Liên Xô cũ sụp đổ, thì hàng hóa bắt đầu phong phú và ồ ạt từ biên giới phía Bắc về Hà Nội.


   Hà Nội thời bao cấp, bắt đầu từ những năm 1960. Khi nhìn những bức ảnh cũ của ông nội, ông ngoại tôi những năm 1954 trở về trước, tôi đã có những thắc mắc. Bởi với thế hệ như bố tôi, đã được dạy ra đường là phải cho áo vào trong quần, vậy sao khi tôi lớn lên và bắt đầu có ý thức nhận biết, là đã va đập với những xô bồ ngay ngoài phố. Người lớn kể lại, Hà Nội ngày xưa không như bây giờ. Thời nào cũng có những mặt trái như trộm cắp, lưu manh hay đàng điếm, ăn chơi... cả, nhưng không xô bồ, lộ liễu, ồn ào và thành ra bất chấp xã hội như bây giờ. Ngày trước, bà tôi muốn mua hàng khi có hàng rong gánh qua cửa nhà, thì phải mang cả gánh hàng đó vào trong nhà rồi mới xem hàng và mà cả, chứ ngồi xổm ngay vỉa hè mà bới lựa thì chết với các cụ. Xưng hô thì thân thiết với nhau lắm mới là mày tao, mà chỉ trong nhà hay giữa một nhóm bạn, nhưng ở lớp học thì buộc phải xưng hô là anh - tôi. Thưa thày cũng phải nói: Thưa thày, anh X bắt nạt con...




   Thiếu nữ Hà Nội ra đường là phải áo khăn tề chỉnh. Những bộ quần áo mặc ở nhà thì chỉ được phép mặc ở nhà, không được phép mặc ra phố. Các hàng quán bán vỉa hè cũng ít, chủ yếu là các gánh phở rong bán đêm. Các hàng quà cũng có gánh bán dạo, nhưng ít xảy ra mua bán trên phố. Xỏ dép xăng-đan là phải cài quai hậu, đi giầy là phải có tất đàng hoàng... Xã hội thời đó dù đang nhá nhem chuyển giao giữa Nho học với Âu hóa, nhưng vẫn giữ những cốt cách trong ứng xử thanh lịch. Tầng lớp trung lưu thì vợ chồng xưng hô với nhau là cậu - mợ, một cách gọi cho sang thời bấy giờ. Thập thành là một thuật ngữ chỉ mức độ ăn chơi có hạng rồi: đánh đĩ thập thành là một từ rất nặng nề chỉ giới ăn sương hoặc theo quan niệm bây giờ, là các hot girl. Ông đấy thì ăn chơi thập thành !, tức là người được nhắc đến thạo đủ nghề ăn chơi, bây giờ gọi là playboy vậy.

   Sau 1954 đến đầu những năm 1960 là quãng thời gian còn rơi rớt được những thanh xưa lịch cũ. Khi cả nướcxây dựng miền Bắc xây dựng XHCN chi viện cho miền Nam ruột thịt thì chính thức thời kỳ bao cấp và đói kém bắt đầu. Công nghiệp sản xuất thì chủ yếu tập trung ở khu gọi là Cao - Xà - Lá ở mạn Thanh Xuân. Đó là một cụm các nhà máy do Trung Quốc giúp xây dựng, là: Nhà máy cao su Sao Vàng (cao), nhà máy sản xuất xà phòng (xà), và nhà máy thuốc lá Thăng Long (lá), gần đó là nhà máy công cụ số 1, tiếp quản từ thời Pháp, gần ngã tư Sở. Những sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu xã hội nên thành khan hiếm, mà một phần lớn lại phải dành để chi viện cho chiến trường miền Nam. Chính sách quản lý xã hội rập khuôn 100% mô hình anh cả Đỏ bên Liên Xô. Không đáp ứng được nhu cầu xã hội, tiền tệ thiếu, hàng hóa thiếu bởi ''sản xuất tập trung theo kế hoạch hóa '' nên người ta đề ra chính sách tem phiếu.

   Cái mô hình tem phiếu với sổ gạo này thực sự là sự mới mẻ với nhiều bạn bè tôi khi nghe kể lại. Chính tôi cũng ngạc nhiên vì tưởng rằng, ở thành phố người ta làm như thế thì ở nông thôn hay các tỉnh thành khác người ta cũng làm như vậy. Bởi vì không đủ tiền để trả lương, nên người ta trả bằng tem và phiếu để mua các thứ vật dụng thiết yếu và thực phẩm. Họ định ra cán bộ thì chia loại A, B, C, D và E là công nhân, nông dân và nhân dân lao động. Khi mua hàng, các loại tem, phiếu này được cắt ô. Tiêu chuẩn cán bộ nào có phiếu đó, mỗi cán bộ trung bình 13,5kg gạo/tháng. Những năm đầu đại học của chúng tôi, học bổng cũng quy ra gạo là 13kg/tháng.




   Cái bảng trên là bảng quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn cán bộ. Bộ trưởng và tương đương thì bìa A (tức là tem phiếu loại A), thứ trưởng hay tương đương thì bìa B, cục trưởng hay tương đương thì bìa C, trưởng phòng thì bìa D. Bìa E là dành cho nhân dân và cán bộ cấp thấp... Tất cả được chỉ định theo nhân suất và định mức, tiêu chuẩn. Thịt bao nhiêu kg, gạo bao nhiêu kg, rau, đậu, củ, quả...bao nhiêu kg. Dầu, muối, mắm, chất đốt (bao gồm dầu, củi, than) cũng được định suất hết và gom vào phiếu để mua theo tiêu chuẩn. Tiền mặt cực kỳ khan hiếm. Hàng hóa khan hiếm nên bất cứ một vật dụng nào như cái quạt, bộ bàn ghế, nồi niêu xoong chảo...đều thành tài sản hết.








   Mỗi cán bộ được cấp những phiếu vải như thế này để ra cửa hàng bách hóa mua. Ô phiếu lớn nhất là ô 1m để may quần hay áo, còn lại thì chắc các bạn tự hiểu, để may underwear 




   Phụ tùng xe đạp cũng có phiếu. Nhà máy xe đạp Thống Nhất không sản xuất đủ được sản lượng, nên thường thì những mặt hàng này sẽ được phân phối. Tức là một năm một lần, cán bộ cung tiêu - đời sống của cơ quan sẽ đi liên hệ với nhà máy để mua hàng về phân phối cho cán bộ. Đương nhiên sẽ không đủ cho mọi người, và sẽ phải tổ chức rút thăm. Người được bộ xích thì thiếu cái líp, người có bộ vành thì không có săm, lốp, đại loại thế nên đành phải để đợt sau rút tiếp hoặc thương lượng giữa cán bộ với nhau để nhường suất...



   Một ô tem được mậu dịch viên cắt ra sau khi đã mua hàng.



   Thêm một ô nữa...



   Và đây là một tờ phiếu tổng thể các ô để mua xăng xe máy:



  Phiếu mua chất đốt, bao gồm cả than, củi, dầu hỏa..



   Tờ phiếu này ghi rõ, mất không cấp lại:


   Đây nữa:



   Những tờ tem phiếu này có giá trị quy đổi ra thực phẩm hay vật dụng tiêu dùng thiết yếu, với nhu cầu chỉ đủ cho sự tồn tại. Vải cũng chỉ đủ may năm 2 bộ là cùng. Nên thiếu tiền mặt thì thường là người ta phải mang các loại tem phiếu này ra bán ở ngoài cho con phe. Con phe là một danh từ chỉ những người buôn bán ngoài quốc doanh. Và thường thì những con phe sẽ mua với giá thấp hơn giá trị thực của hàng hóa ghi trong tem, phiếu. Sau đó, họ sẽ dùng những tem, phiếu này mua lại hàng hóa trong cửa hàng thực phẩm hoặc bách hóa, sau đó bán ra chợ đen ăn chênh lệch. Và có một sự móc nối giữa những con phe và các mậu dịch viên. Vì với một phiếu thịt chẳng hạn, có tổng trọng lượng được mua của cả gia đình sẽ là 4kg thịt/tháng, thì con phe sau khi mua rẻ tem, phiếu, sẽ được mậu dịch viên bán cho chỗ thịt ngon hoặc chỗ vải tốt. Bởi phiếu thịt hay vải không ghi rõ thịt là loại gì, nạc hay mỡ, đùi hay mông, vai hay sấn và tương tự, vải cũng thế. Có khi trong kho còn vải phin may áo thì họ nói hết với cán bộ, và nói còn vải may quần bộ đội thôi chẳng hạn, thì cũng phải chịu chứ thắc mắc với ai ??? Mua thì mua, không mua thì lướt cho nước nó trong, khẩn trương !!!
   Cho nên thời đó, chơi được với một bà mậu dịch viên nào thì quá bằng chơi được với bộ trưởng. Nói không ngoa. Con đói, chồng thèm thịt mà ra cửa hàng thực phẩm, cái mặt lạnh tanh của chị mậu dịch viên nghếch lên thõng thượt: Hết thịt, còn mỡ với bì bóng bạc nhạc thôi, lấy thì đưa phiếu đây cắt !!! thì tội lắm. Chả hiếm gì cảnh mẹ tôi dắt tôi ra cửa hàng, sau thảo luận với mụ phe, nếu mụ mua được cân thịt thì mẹ tôi mất cho mụ một lạng. Vì bán phiếu sẽ thiệt đủ đường. Một cân thịt theo phiếu chỉ được trả bằng tiền với giá trị 7 lạng, và đồng tiền đấy ra mua thịt chợ đen thì chỉ mua được 5 lạng, cũng với kiểu mua thì mua không mua đừng ám, vớ vẩn họ chửi cho tát nước vào mặt. Nhưng cũng không dám kỳ nèo bật lại mậu dịch viên, vì nếu bị nhớ mặt thì vĩnh biệt chuyện mua hàng tử tế ở đó luôn.



   Nhà nào có trẻ em thì cũng có phiếu đường hay phiếu sữa cho trẻ:


   Hoặc với người đẻ cũng có phiếu bồi dưỡng:



   Không thể không nhắc đến một thứ tối quan trọng của thời này, đó là cái sổ gạo. Mất sổ hộ khẩu thì còn chưa chết đói, chứ mất sổ gạo thì toi là cái chắc. Giữ sổ gạo còn hơn cả giữ con ngươi mắt. Toàn bộ gạo ăn của cả nhà được dính vào cái sổ đó của tháng. Một tháng mấy chục cân gạo, mất sổ thì tiền đâu mua gạo chợ đen vào bù ??? Nên ngày đó, mặt ai mà thất thểu thì y như rằng được gắn với câu: Mặt như mất sổ gạo.




   Thời đó, cho đến tận năm 1988, mỗi sáng tôi đi học, vẫn còn xếp hàng để mua gạo. Nhưng phải nói rằng, tính tự giác hồi đó còn cao. Người ta chỉ kê hòn gạch, buộc tờ giấy ghi tên hoặc cái bao tải vo tròn ghi tên là cứ xếp hàng được. Tôi đi học sớm, ngang qua cửa hàng gạo, xếp cái bao tải vào là vô tư đi tiếp. Chứ nếu bây giờ, có khi họ ném cả gạch lẫn bao tải xuống hồ rồi. Vì thế, từ xếp gạch là thành một từ lóng cho việc xếp hàng hoặc có sự xếp đặt nào đó. Ví dụ: một cái quy hoạch quận hay phường chẳng hạn, thì cái ao đó, cái hồ đó sẽ thành cái gì thì đương nhiên đã có các đại gia xếp gạch với lãnh đạo rồi.

   Điểm qua như thế về chế độ tem phiếu, sổ gạo của thời bao cấp. Với nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa, tức làtập trung sản xuất vào các hợp tác xã, từ lúa má đến chăn nuôi, gia tăng ruộng màu ở nông thôn để cung cấp cho thành thị thì thành phố còn đói và thiếu đến vậy, đương nhiên nông thôn đói là đương nhiên. Kế hoạch hóa là họ đề ra kế hoạch 5 năm 1 lần cho tất cả các phương thức sản xuất và kinh doanh, thương mại với sự tập trung tất cả tư liệu sản xuất vào một đầu mối là Nhà nước.

   Trở lại một chút với các loại bìa mua hàng và các cửa hàng bách hóa, thực phẩm. Bìa A, là các cán bộ cao cấp được mua ở cửa hàng ở phố Tôn Đản (quận Hoàn Kiếm), bìa B, C được mua ở cửa hàng phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm) và Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng). Còn các bìa khác, mua rải rác ở các quận. Và cũng chỉ có ở Tôn Đản hay Nhà Thờ mới có các mặt hàng xa xỉ phẩm cao cấp như đường trắng, sữa, bánh biscuit hay bơ và các loại bánh kẹo có chất lượng. Vì thế, dân có câu ca là: Tôn Đản chợ của vua quan, Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần. Đồng Xuân chợ của thương nhân, vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng !!!

   Bìa C của bố tôi và phiếu xăng của cái xe máy 67 mang từ Sài Gòn ra sau tiếp quản, cũng thường là được ra chợ đen. Toàn bộ thực phẩm của nhà tôi trông vào bìa E của mẹ tôi. Cái bìa C của ông trung gian nịnh thần được mua hàng cao cấp nên bán được giá hơn nhiều, phiếu xăng cũng bán, xe đắp chiếu để quy đổi ra độ đạm tối thiểu cho gia đình. Cũng vì cái xe năm thì mười họa mới được nổ máy nên cứ trục trặc suốt, bởi xăng đâu mà chạy, nên cuối năm 1986, bố tôi đành gọi người vào bán với giá gần 3 chỉ vàng. Bán nhưng kệ, không báo cáo cơ quan nên phiếu xăng cứ năm lĩnh đôi lần, lại góp vào công cuộc điều chỉnh suy dinh dưỡng cho chị em tôi.


    
                                                            ( Xe 67, thời cuối bao cấp)

   Hàng hóa khan hiếm thể hiện ngay tại các bức ảnh các cửa hàng bách hóa thời đó:








   Ngày Tết người ta xếp hàng đây:









   Bia hơi cũng bán kiểu phân phối và kèm, gọi là bia kèm lạc. Mua 1 cốc bia phải kèm theo mấy gói lạc, chứ họ không bán bia không:



   Hàng Tết bia cũng phải kèm thức ăn:




   Hồi đó, có loại xà phòng gọi là xà phòng 72. Nó cứng như cục gạch và giặt thì mài đau tay ra được tý bọt phều phào đến tội nghiệp. Nhưng ở vào thời đó, méo mó có hơn không. Sau khi cải cách được mấy năm từ 1986, có loại xà phòng giặt mới, như một kỷ nguyên bùng lên thay thế cho kỷ nguyên 72 là loại xà phòng Dạ Lan. Dù cũng còn lổn nhổn cục nọ cục kia và có cục cũng hóa thạch khi để lâu lâu, nhưng thế đã là hạnh phúc mãn nguyện lắm rồi vì nó còn đầy bọt và cảm giác trơn trượt chính thống của NaOH:




   Hồi đó, chỉ có mỗi lần các chiến cạ chiến hừu của bố tôi từ Sài Gòn ra chơi hay công tác thì nhà mới có các loại thuốc lá đầu lọc hạng sang như: Craven A, Capstan, Dulhill, 555... còn thì chủ yếu bố tôi hút thuốc cuộn, loại 1 đồng 10 điếu. Những loại thuốc lá phổ biến hồi đó là Sông Cầu, Du lịch, Tam Đảo, Sa Pa, Bông Sen.., nên hồi đó có câu: Sông Cầu mở đầu câu chuyện, Du lịch thì dịch vào đây, Sa Pa mặc cha chúng mày... là để chỉ những câu chuyện thưa gửi. Đến nhà sếp xin xỏ mà mang Sa Pa với Tam Đảo ra mời thì coi như nhận được cái phủi đít quần ngay. Chí ít cũng phải là Du Lịch, vì cũng đã là loại thuốc có đầu lọc, không thì cũng phải Bông Sen, chứ thuốc lá ngoại là rất đắt. Một bao thuốc 555 có thể có giá trị quy đổi cho một bữa đạm ra trò của cả nhà rồi.




   Thời đó, trẻ con chúng tôi hay chơi trò gọi là đô la. Những vỏ bao thuốc lá được gom lại, gấp thành những hình tam giác để thay cho tiền tệ. Giá trị thuốc càng cao thì vỏ thuốc càng có giá. Thuốc lá ngoại thì không cần gấp, nếu để nguyên vỏ thì còn cao hơn nữa. Tài sản của đứa nào được coi là tỷ phú khi nó có nhiều loại vỏ bao và nhiều loại cao cấp. Chơi trò ăn đô la bằng đánh đáo. Cho đô la vào một vòng tròn, rồi dùng cái đáo làm bằng các mảnh sắt nhặt ngoài công trường xây dựng mà chọi, chọi được nhiều đô la ra ngoài vòng thì càng thắng to. Hoặc chơi tú lơ khơ ăn đô la. Đủ trò cả. Mua sách cũ của nhau cũng có thể mang tiền tệ đó ra quy đổi. Thích một đồ chơi nào cũng có thể dàn xếp bằng đô la được. Nên mỗi lần các chiến hừu của cụ bô ra Hà Nội, là tôi dặn đi dặn lại phải giữ nguyên vỏ bao thuốc cho tôi, hút xong không được vo nhàu mà vứt đi. Khổ cho các ông, đi đâu hút thuốc xong cũng phải nhớ để mang những cái vỏ không về cho ông chọi con.

   Ngày đó, những vật dụng luôn được bảo quản. Bố tôi mang từ Sài Gòn ra mấy chục cái cốc giấy, thứ cốc uống một lần rồi bỏ, có hẳn quai cầm. Quai được ép vào thành cốc rồi cứ xếp dọc chồng nhau. Sài Gòn họ dùng rồi bỏ, vậy mà nhà tôi không dám mang ra dùng. Khi nào có khách, thiếu cốc lại mang ra dùng mấy chiếc, nhưng sau phải rửa cẩn thận để cất đi dùng lại. Sự thiếu thốn hiển hiện đến từng chi tiết. Hầu như không thứ đồ nào được bỏ đi. Hộp sắt tây cũng giữ lại. Những thứ nào hỏng mới bỏ và được bán đồng nát. Nhà tôi chuyển nhà năm 2005. Năm đó tôi dặn cả nhà, về nhà mới bỏ hết đồ cũ vì tôi sẽ mua mới tất cả. Nhưng rồi vẫn có những thứ bố mẹ tôi không chịu bỏ. Khi lục đống đồ ông bà mang về, còn nguyên hai chục cái cốc giấy từ ngày bố tôi mang từ Sài Gòn ra năm 1976. Tôi lặng lẽ xếp hai chồng cốc đó vào một cái hộp để khỏi bị bẹp. Tâm lý thiếu thốn đã trở thành một thuộc tính của cất giữ. Trong truyện ngắn Tình yêu cuộc sống của Jack London, kể về những người đào vàng ở nước Mỹ, có chi tiết sau khi được các thủy thủ cứu sống, nhân vật chính đã chất đầy dưới nệm giường toàn bánh biscuit. Nhân vật đã trải qua cuộc chiến đấu sinh tồn trong cái đói, cái lạnh và cả chiến đấu với sói đói. Sự đói đã ám ảnh anh ta cho đến khi anh ta đã được hoàn toàn cứu thoát.





   Cái thời thiếu thốn. Mỗi phố có một cái máy nước công cộng. Tùy từng tuyến ống, nước chảy mạnh hay yếu khác nhau. Mọi sinh hoạt tắm gội của đàn ông và trẻ em hay giặt giũ cho đàn bà đều diễn ra ở cái máy nước đó. Người ta bê hàng chậu quần áo ra vò, giặt và cùng với nó là những ngồi lê đôi mách. Hà Nội chấm dứt thời kỳ thanh lịch trong sinh hoạt cộng đồng. Khốn khó vật chất vây bủa, điều kiện sinh hoạt khó khăn đã đẩy con người ta trượt ra khỏi những khuôn mẫu đã được định hình. Ngày đó, ngăn sông cấm chợ nên buôn bán từ vùng này qua vùng khác chỉ là buôn lậu. Mọi giao thương đều do Nhà nước nắm. Thương nghiệp dân doanh hầu như không có. Nhà nước nắm cả nội thương và ngoại thương. Ai ở Hà Nội đều biết ông Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn ở những năm 1980. Ông Chẩn quê Thanh Hóa, ra Hà Nội làm thuê cho chủ sản xuất cao su từ thời Pháp. Sau một thời gian nắm được nghề, ở quê còn mảnh ao, ông bán để quyết chí làm giàu. Lốp ông Chẩn bền mà chắc, nhất là cánh xe thồ cực khoái dùng lốp của ông. Nhưng hồi đó cái gì chả hợp tác, ông không vào hợp tác là lập tức bị sờ gáy, ba bốn phen tịch thu tài sản và tù đày. Lần cuối là năm 1983, ông bị bắt và hết cửa làm. Sau sửa sai thì nghề lốp của ông cũng đi theo thời mở cửa.

   Người mở hàng phở cũng khốn khổ với bên thị trường. Họ hạch sách nguồn thịt, nguồn bánh đủ cả. Vì bò một thời bị cấm giết vì phải đảm bảo sức kéo cho nông nghiệp, hai nữa là đa phần đều phải vào hợp tác cả. Thịt từ hợp tác ra có nguồn, còn trôi nổi chỉ có giết chui mổ lậu. Vì thế người bán phở cũng trở nên có giá. Họ bắt đầu có thái độ ban phát, hách dịch khi bán hàng như những mậu dịch viên quốc doanh. Xã hội bắt đầu phân hóa và để đến bây giờ, thái độ bán hàng lấc cấc đã trở thành một nét văn hóa suy tàn của nghề dịch vụ đất Hà thành. Xã hội thế kỷ 21 đã hơn 10 năm, nhưng tàn dư còn nặng nề đến đau lòng cho khách phương xa đến với Hà Nội, chịu đựng sự vô lối, thiếu văn hóa của những lối kinh doanh kẻ cả, thiếu tôn trọng khách hàng.

  


                                          ( Một cửa hàng khắc gỗ, đẽo quay trên phố Tô Tịch)


   Hồi đó, mỗi ngã tư, góc phố đều có những hàng bơm vá sửa chữa xe đạp. Nó thịnh hành vì cái nghề đơn giản mà thô sơ, vốn liếng không bao nhiêu. Ai thất nghiệp, về hưu hay làm thêm đều có thể làm được cả. Chuyện các quân nhân ra bơm vá thường đến nỗi thành câu:

                                                      Đầu đường đại tá bơm xe
                                                Cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen




   Cuộc sống thiếu khó nên chuyện phát sinh các thứ nghề cũng là thường. Có một thứ nghề cho đến bây giờ đã khai tử, đó là nghề bơm mực bút bi. Ngày đó bút hết mực không vứt đi, họ mang ra phố bơm lại. Chỉ cần bộ đồ nghề nhỏ với cái bàn con ngồi vỉa hè là kiếm sống được rồi:




   Hồi tôi mới học đại học, cái bút vẽ kỹ thuật với mực tiêu chuẩn hiệu Rhoting của Đức tư bản giãy chết bán đắt kinh khủng. Hai chỉ một cái bút và một lọ mực bằng 1/6 cái bút đó. Mà tối thiểu thì một sinh viên kiến trúc phải có ba cái bút khác nét nhau. Nên bọn tôi phải lên phố Lò Đúc mua bút nội và mực nội cho rẻ. Bút dùng vẽ được vài lần thì nét bắt đầu to ra và bực nhất là bị nhỏ mực. Vẽ kỹ thuật đòi hỏi sự thể hiện các nét vẽ khác nhau mà bút nội thì sau vài lần dùng, bút nào cũng nét như nhau cả. Nên thành ra lại rèn được sự khéo léo trong khi vẽ, ấn bút thành nghệ thuật. Một cái bút có thể vẽ nhiều nét, chả khác gì các cụ xưa dùng Springle để vẽ (là 1 dụng cụ để chấm mực khi vẽ, tương tự bút bụng chửa hay xe tăng thời trước của học sinh tiểu học). Mực thì thực chất mực nội là họ mài mực tàu ra rồi họ lọc cặn đi thôi, đóng lọ bán. Tuần đầu không sao, nhưng sau đó thì lọ mực bắt đầu bốc mùi như mùi chuột chết vậy. Bọn tôi đi học thêm tiếng Anh buổi tối, hay dùng bút đó chép bài luôn và cũng để buồn thì vẽ bậy. Mùi mực bay ra làm các bạn xung quanh kêu như cháy đồi, thi nhau cúi xuống bàn xem có con chuột chết nào lơ đễnh mà chết không đúng chỗ không !!! Bọn tôi thì điềm nhiên kệ, vì quen với mùi rồi 

   Hà Nội thời đó lưu truyền câu ca:

                             Một yêu anh có sen - ko (đồng hồ Seiko- Nhật)
                             Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu đồng)
                             Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
                             Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô
                             Năm yêu không có bà bô
                             Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về (là nghĩa trang)
                             Bảy yêu anh có tay nghề
                             Tám yêu sớm tối đi về có nhau
                             Chín yêu gạo trắng phau phau
                             Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày.

   Bài này còn nhiều dị bản khác nhau, nhưng chỉ nêu một bản để thấy cái tiêu chí thời đó. Có đồng hồ Sei-ko của bọn giãy chết này:

   Nếu không, cũng phải là của Liên Xô anh em là đồng hồ Poljot:


   Còn xe đạp thì đây:



   Và đây, chính hiệu Lơ-giô con cá vàng:




   Thời đó, xe đạp có đủ biển số, hộp đựng đồ sửa chữa, bơm xe, đi-a-măng cơ năng chuyển thành điện năng chiếu sáng để đi đêm, cả chuông nữa, kêu rất oách xà loách. Như cái xe favorit dưới đây là một điển hình:




   Những thứ trên là sang trọng để thành đẳng cấp rồi đấy. Còn ông nào đi tán gái mà trang bị tận răng như trên kèm với bút máy kim tinh cài ngực áo sơ mi trắng lốp, dép nhựa Tiền Phong (tiếng lóng còn gọi là ), mũ cối Tàu lòng vàng (lóng gọi là ổi tàu) thì như bây giờ ngực gài bút Montblanc, chân đi giày Luis-Vuiton, đầu đội mũ CK vậy.



                                                             (Dép nhựa Tiền Phong đây)



                                           (Bút máy Kim tinh là cái có nắp vàng, thân nâu sẫm)



                                                                 (Mũ cối Tàu, lòng vàng)

   Nếu không, có đôi đúc tàu, tức là dép cao su (dép râu) của Tàu thì còn oách nữa:



   Cán bộ thì lủng lẳng cái đài bán dẫn đeo hông hay cặp sau yên xe, đi đâu cũng oang oang như loa phường bây giờ cũng đủ làm nhân dân té vãi:



Mậu dịch viên hot girl thời bao cấp


Anh hiem ve mau dich thoi bao cap o Viet Nam


Anh hiem ve mau dich thoi bao cap o Viet Nam


Thời bao cấp trai gái thời thượng không ai gọi là hot boy, hot girl. Không biết miền Nam gọi là gì chứ ở miền Bắc trai gái thời thượng đều gọi là người yêu lý tưởng. Ngay cả cái từ hot hình như cũng chỉ được dùng hơn chục năm trở lại đây thôi, nó bắt đầu từ ngôn ngữ chat chít của lớp trẻ.

Khác với hot boy có dăm bảy loại, thời bao cấp hot girl chỉ có một loại thôi, ấy là những cô gái làm mậu dịch viên. Tất nhiên thời nào gái đẹp, gái nổi tiếng đều hot cả, thời bao cấp cũng thế, nhưng thời này gái mậu dịch được trọng vọng nhất, hầu như họ không có đối thủ trong tình trường. Cái thời dân chủ yếu sống bằng tem phiếu, đường sữa mắm muối vải vóc... nhất nhất đều phải dựa vào tem phiếu, đồng lương cán bộ chỉ có thể sống được nhờ các cửa hàng cung cấp, không thể sống nhờ chợ búa được thì ai đứng cửa hàng kể như cầm mạng sống của cả nhà.
Các cửa hàng luôn ở tình trạng thiếu hàng, mọi người xếp hàng chầu chực chờ hàng về để được mua đầu tiên. Chỉ cần chậm chân một chút hoặc là xách túi về không, hoặc là phải lấy mấy thứ đầu thừa đuôi thẹo. Mình nhớ ngày đó ba mình cất phiếu thịt chờ con cái đi học, đi làm ở xa lâu ngày về thăm, ông mới đem phiếu ra cửa hàng thịt. Ông dậy từ 4 giờ sáng ra cửa hàng đứng xếp hàng chờ đến 7 giờ cửa hàng mở cửa. Thế mà nhiều khi ông phải xếp thứ mấy chục.
Chưa khi nào ông mua được cân thịt ngon. Thịt ngon đều để dành cho cấp trên, người nhà, người quen, người trong cửa hàng trong công ty của mậu dịch viên. Mua được cân thịt là may rồi, chẳng ai dám mơ có được cân thịt ngon. Ba mình xách cân thịt về, mồ hôi muối trắng lưng áo, nói cười hể hả như là nhặt được cân thịt ở đâu về chứ không phải đi mua thịt tiêu chuẩn. Lúc nào ông cũng khoe mình đã gặp may. Khi thì khoe đứa học trò nó nhường cho mua trước. Khi thì khoe đến lượt ông mua xong là hết sạch thịt chỉ còn lòng. Khi thì khoe hết thịt rồi nhưng cô bán thịt nhận ra người quen, cô linh động bán cho phần thịt cô để dành cho người nhà. Cả nhà nghe ông kể ai nấy mừng húm, nói may hè may hè.
Khổ thân, tiêu chuẩn của mình mà mỗi khi mua được thì mừng hơn cha chết sống lại. Một cân thịt có khi về nhà cân lại chỉ còn tám lạng vẫn mừng, có tám lạng còn hơn không có lạng nào. Chả ai ngu xách cân thịt ra  cửa hàng yêu cầu cân lại. Người sắp hàng mua rất đông, chẳng ai cho mình chen ngang để kiện cáo. Nếu chen vào được, nói chị ơi tôi cân lại chỉ có tám lạng thôi. Cô mậu dịch một là không thèm trả lời; hai là lườm cái, nói thừa thiếu phải nói ngay tại quầy, bác đã đem thịt ra khỏi quầy còn đem lại đây bảo thiếu a; ba là cô cầm tám lạng thịt ném vào thớt, nói bác chê thiếu thì để người khác mua. Lập tức có cả chục người nói đây đây tôi mua tôi mua, tám lạng thì tám lạng. Xong om.
Kể qua vậy để nói quyền thế của cô mậu dịch viên lớn lắm. Bán ai trước, bán đúng cân hay thiếu cân, hàng nguyên chất hay đầu thừa đuôi thẹo đều thuộc quyền cô cả. Nếu ai thấy cô cân thiếu, hoặc muốn đổi hàng chất lượng cao hơn cũng không được. Mình chưa nói xong câu thì cả chục người đứng sau réo ầm ầm, nói ông kia mua nhanh cho người khác mua. Mua được hàng là tốt rồi còn đổi chác, ngu thế, tham thế. Nếu mình còn chần chừ nhất định bị đám đông đứng sau đánh bật mình ra khỏi hàng khi nào không biết.
Muốn mua hàng nhanh, đạt chất lượng chỉ có cách quen biết mậu dịch viên, hoặc cửa hàng trưởng, không còn cách nào khác. Quen được họ rồi thì là được mua đầu tiên, hàng đã không thiếu lại ngon lành. Sáng sớm đi làm gửi phiếu gửi sổ mua hàng cho họ, đến trưa thì viếng qua cửa hàng lấy, khỏe re. Nếu không cứ đến thẳng cửa hàng, cố giơ mặt ra cho người ta thấy, búng ngón tay cái tách ra hiệu. Cô mậu dịch thấy rồi, vờ gọi tên hai ba người là đến tên mình ngay. Ai thắc mắc, nói anh này mới đến sao mua nhanh thế thì vờ cau mặt cười nhạt, nói bác đến sau biết gì, tôi sắp hàng từ ba giờ sáng, giờ mới đến lượt đây. Hi hi.
 Các cô mậu dịch viên chẳng những có quyền thế lại được hưởng lộc từ các trò cân thiếu, đánh tráo chất lượng hàng, thậm chí còn đánh tráo cả tem phiếu mua rồi thành tem phiếu chưa mua, thành thử thời này tất cả các mậu dịch viên nếu không giàu có cũng không khi nào túng thiếu. Lấy được mấy cô này khác gì chuột sa chĩnh gạo. Nhà nào kiếm được cô dâu là mậu dịch viên thật mừng hết lớn. Cả họ mừng chứ không riêng gì nhà đó mừng.
Mình chưa tán được cô nào là mậu dịch viên cả, mặc dù rắp ranh rất nhiều lần, lần nào cũng thất bại. Hễ cô nào là mậu dịch viên thì nhất định gia đình mấy người quyền thế đều thửa trước. Nếu không thì mấy ông hot boy thời này cũng cua ngay, chẳng cô nào “vườn không nhà trống” cả, rất khó tán. Mậu dịch viên thường mặt mày không đến nỗi, đa số đều sạch nước cản. Cũng có cô xấu, xấu mấy thì xấu, dù xấu ngang tầm Thị Nở cũng không đến lượt mình.
Chẳng phải cưa đổ tán được, anh nào quen được mấy cô cũng đã vinh dự lắm rồi. Quen được một cô mậu dịch là giá mình lên hẳn, từ gia đình, bà con đến thầy cô, bạn bè ai ai cũng nể trọng, ra sức chiều nịnh để nhờ cậy. Vì thế quen được cô mậu dịch viên còn phấn khởi gấp mấy lần được thăng chức lên lương (tất nhiên là lương nhỏ chức quèn).
Mình nhớ hồi ở Huế, mình làm việc cùng phòng với thằng T. Thằng này thiên tài về quan hệ, thích quen ai là nó quen được liền. Một hôm có cô mậu dịch tìm đến phòng mình tìm nó. Nó kéo cô vào phòng, nói đây là cô A. ở cửa hàng B. Cả phòng bỗng ngẩng phắt lên mặt mày sáng trưng, không ai bảo ai tất cả đều xúm đến rối rít hỏi han mời mọc. Thằng T. vắt chân chữ ngũ, mặt vênh lên y chang nó vừa quen được ông sếp bự.
Anh M. là con ông phó chủ tịch huyện. Anh đi bộ đội lên đến hàm đại úy, hàm ấy gọi là siêu, cũng là “đồ quý hiếm”. Ở nhà bố anh dấm sẵn cho một cô mậu dịch viên. Khi anh về phép bố anh dẫn đến xem mặt. Anh chê xấu. Bố anh trừng mắt lên, nói ngu lắm, vàng đó con ơi, tao quyền thế lắm mới kiếm được cho mày đấy, đừng có tưởng bở. Anh vẫn chê. Cô này biết được, cười cái xoẹt, nói đó chê thì đây cũng nỏ thèm, tưởng đại úy là to à. Chỉ trong tuần lễ cô cưới ngay một ông thiếu tá trước mặt anh, ông này còn đẹp trai hơn cả anh nữa.
Thời mình đi lính chơi thân với thằng Q. Thằng này cực đẹp trai lại hát hay đàn giỏi, đi đâu gái chạy theo cả đàn. Chị nó ở nhà viết thư cho nó, nói chị đã dấm cho em một cô rất xinh xắn, khỏe mạnh, nết na. Mày đồng ý thì để chị nói chuyện với nó. Thằng Q. làm chảnh, viết thư nói chị cứ từ từ, để em về xem có đồng điệu tâm hồn không đã. Thư sau chị nó giục, nói em quyết nhanh lên, ba mạ chờ ý kiến em để làm lễ bỏ trầu. Thằng Q. vẫn thờ ơ, viết thư nói chị ơi em làm sao quyết được khi chưa biết tâm hồn người ta có đồng điệu hay không. Chị nó lại viết thư, lần này kể chuyện kỹ hơn, nói con bé hiện bán ở cửa hàng tổng hợp huyện em ạ. Thằng Q. đọc thư đến câu này, vội vàng tót ra bưu điện đánh điện khẩn về, nói em đồng ý, chị nói ba mạ làm lễ bỏ trầu cho em. He he.





Xếp hàng mua lương thực thời bao cấp - Ảnh: BTC triển lãm cung cấpXếp hàng mua lương thực thời bao cấp - Ảnh: BTC triển lãm cung cấp
Thời bao cấp, nhà nước chia ra 11 mức được hưởng chế độ cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Mua thực phẩm bằng tem phiếu
Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn ĐB (đặc biệt), cấp bộ trưởng hưởng tương đương tiêu chuẩn A, cấp thứ trưởng tiêu chuẩn B; cấp trưởng của các “cục, vụ, viện”, các chuyên viên cấp cao, giám đốc... được tiêu chuẩn C. Còn cán bộ, công nhân viên chức hưởng tem phiếu E nhưng tùy theo mức lương sẽ được tiêu chuẩn tem phiếu E1 hay E2. Cán bộ độc thân là tiêu chuẩn D, công nhân làm trong môi trường độc hại thì hưởng tiêu chuẩn I hay II và cuối cùng nhân dân là tiêu chuẩn N.
Công nhân lao động nặng trước 1975 phiếu I, hưởng 1,5 kg thịt, 0,75 kg đường/tháng còn tiêu chuẩn nhân dân trước và sau năm 1975 vẫn là phiếu N với 0,3 kg thịt và 0,1 kg đường/tháng. Ngoài ra, trong phiếu thực phẩm còn có ô đậu phụ, nước mắm. Người ta phát tem phiếu theo quý, trên phiếu ghi rõ tháng, ai quên không mua là thôi.
Trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989 (NXB Tri thức 2008), Giáo sư Đặng Phong đã kể ra tiêu chuẩn của cấp bộ trưởng hoặc tương đương là phiếu A, trước 1975 hưởng 6 kg thịt, 3 kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2 kg thịt, 2 kg đường/tháng. Cán bộ trung cấp phiếu C trước 1975 hưởng 1,5 kg thịt, 1 kg đường/tháng, sau 1975 hưởng 1 kg thịt, 0,8 kg đường/tháng… Về lương thực, tiêu chuẩn A, B hay C là 21 kg/tháng, cao hơn cán bộ bình thường nhưng thấp hơn tiêu chuẩn công nhân độc hại. Còn vải, ngoài tiêu chuẩn 5 m/năm thì cán bộ tiêu chuẩn A có sổ giao tế có thể tự do mua thêm các loại vải khác mà không cần phiếu.
Cửa hàng phục vụ cán bộ cao cấp
Để phục vụ cán bộ tiêu chuẩn A, B, Bộ Nội thương cho mở các cửa hàng riêng. Ở phố Ngô Quyền (Q.Hoàn Kiếm) là cửa hàng chuyên bán gạo. Tuy tiêu chuẩn không nhiều hơn so với cán bộ bình thường nhưng tiêu chuẩn A, B không phải ăn độn, chất lượng gạo ngon hơn. Ngoài bán cho cán bộ tiêu chuẩn A, B, cửa hàng Ngô Quyền còn bán cho gia đình các vị, tất nhiên vẫn phải ăn độn như quy định nhưng không bao giờ có gạo mốc, hôi và đen như các cửa hàng lương thực bán cho nhân dân.
Cửa hàng 17 phố Tông Đản thì chuyên bán thực phẩm và rau quả, nói chung thịt cá bao giờ cũng tươi ngon còn rau quả không bao giờ có rau héo. Đúng ra cửa hàng này chỉ dành riêng cho cán bộ cấp cao, tuy nhiên nếu có quan hệ thì gia đình họ vẫn có thể mua thực phẩm ở đây, tiêu chuẩn thì theo quy định nhưng mua ở đây không phải xếp hàng, không phải ăn thịt ướp lạnh, không phải chịu cảnh cửa hàng có gì mua nấy. Và nói chung nhân viên bán hàng này rất biết họ đang phục vụ ai nên nhã nhặn, lịch sự không vênh váo như mấy bà bán tại các cửa hàng dành cho nhân dân.
Cán bộ tiêu chuẩn A và B còn được cấp sổ mua hàng ở cửa hàng giao tế (nay là Intimex, phố Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm). Tiêu chuẩn của mỗi sổ giao tế được mua mấy cây thuốc lá trong một tháng, đường, xà phòng bán theo tiêu chuẩn nhưng bánh, kẹo, bơ, vải, pin... mua tự do. Đó là những mặt hàng rất hiếm, có mặt hàng không có ngoài thị trường nên mức chênh lệch giá rất lớn. Bạn tôi là con trai ông Nguyễn Tạo, trước năm 1975, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, sau đó làm Phó ban Nông nghiệp Trung ương, nên ông có tiêu chuẩn giao tế. Thi thoảng tôi theo bạn vào giao tế, cái gì cũng lạ vì nhiều thứ ngoài thị trường không có ví dụ như sô cô la hay sâm bột Triều Tiên. Còn cán bộ tiêu chuẩn C cũng có cửa hàng thực phẩm riêng. Q.Hai Bà Trưng có cửa hàng Vân Hồ, Q.Ba Đình có cửa hàng Đặng Dung, Q.Hoàn Kiếm có cửa hàng ở số 1 phố Nhà Thờ.
Sự ra đời các cửa hàng đặc biệt dành riêng cho cán bộ cao cấp bắt đầu từ sau tiếp quản thủ đô 10.10.1954, ban đầu nó hình thành do đề xuất của ngành công an vì muốn bảo vệ cán bộ, tránh bị đầu độc, nhưng năm 1965, giá cả nhiều mặt hàng ngoài thị trường tăng trong khi cửa hàng lại không thể tăng theo và lương cán bộ thì vẫn giữ nguyên. Để đảm bảo đời sống cho cán bộ cao cấp nên đã sinh ra chế độ như vậy. Nhưng đâu chỉ có cán bộ cao cấp mà còn rất đông cán bộ trung cấp nên mới sinh ra tiêu chuẩn C.
Trước tiêu chuẩn của các cán bộ “đi xe Volga ăn gà Tông Đản”, dư luận xã hội cũng ì xèo. Nhưng xóa bỏ hệ thống này lại đụng chạm quyền lợi của những người mà tiếng nói của họ có trọng lượng trong cơ chế.
Năm 1982, có một người đã dám làm việc này là Bộ trưởng Bộ Nội thương - Giáo sư Trần Phương. Giáo sư Đặng Phong đã thuật lại chuyện này trong cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan ngoạn mục 1975 -1989 là ông Trần Phương đã trình bày với Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ kèm theo đó là một xấp hóa đơn phu nhân một cán bộ mua tới 180 m vải tuýt si len ở cửa hàng giao tế.
Dù được chấp thuận nhưng khi đưa ra họp bàn thì chỉ xóa bỏ 33 mặt hàng trong tổng số 42 mặt hàng cung cấp.

Thời bao cấp, thi đậu vào đại học là khát khao của học sinh tốt nghiệp cấp 3, nhưng do chỉ tiêu lấy ít, thi nghiêm túc và đề thi cũng khó nên tỷ lệ đỗ rất thấp.

 

Góc phố bán nước giải khát cho sinh viên thời bao cấp - Ảnh: T.L
Góc phố bán nước giải khát cho sinh viên thời bao cấp - Ảnh: T.L
Bởi vậy sinh viên (SV) mới có thơ:
Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười thằng trèo tới chín thằng rơi
Đậu đại học (ĐH) tức là thành SV mà SV không phải lo ăn, lo chỗ ở vì trường nào cũng có ký túc xá, có bếp ăn tập thể cho SV nội trú. Mỗi SV được hưởng 17 kg lương thực, tiêu chuẩn tem phiếu thực phẩm, bách hóa và mỗi tháng lĩnh 21 đồng học bổng. Vì được hưởng chế độ cung cấp nên ngành lương thực, thực phẩm bán cho gì thì ăn nấy. Và ăn độn là điều không thể tránh được.
Cơm độn mì, bo bo
Tùy theo thời kỳ, có khi phải ăn độn ngô, bo bo, sắn khô nhưng ở Hà Nội chủ yếu là độn mì. Buổi sáng mỗi SV nội trú xuống nhà ăn nhận một cục luộc (bột mì nhào nước nặn giống như bánh bao sau đó cho vào chảo luộc) vừa cứng vừa khô rất khó nuốt. Bữa trưa thì cơm độn với mì sợi, bữa chiều thì mì sợi độn với cơm. Ngày nào cũng như ngày nào nên SV than:
Một ngày hai bữa cơm mì
Năm năm đại học còn gì là xuân
Những năm 1984, 1985, tuy không còn ăn độn nhưng cơm SV thì “canh toàn quốc, nước chấm đại dương”. Năm đó tôi học ĐH Sân khấu -Điện ảnh Hà Nội, có hôm không mang cặp lồng cơm đành sang ăn ké bạn bè ở ĐH Thương mại. Một suất cơm chỉ có tí canh rau lõng bõng nước và đúng 20 hột lạc rang muối. Thế nên mới có chuyện vui, cánh đàn ông chuyên đi lấy phân ở nhà vệ sinh công cộng tại các trường ĐH chia làm hai phe, một phe thích vì nó không có mùi, phe kia không thích vì không bao giờ đầy hai sọt.
SV ngoại trú thì treo toòng teng cặp lồng cơm trên ghi đông xe đạp. Vào lớp để dưới gầm bàn, giờ nghỉ trưa mang xuống nhờ các bà ở bếp hâm lại cho nóng. Các bà mở cặp lồng cơm là biết ngay điều kiện gia đình. Lại còn chuyện SV đi học bằng xe buýt. Gặp hôm xe đông khách, đám SV nữ chấp nhận “sơ hở” một vài chỗ nhưng dứt khoát phải che chắn cặp lồng cơm vì nếu bị bẹp cơm canh phòi ra là mất bữa trưa. “Lính tráng có suất”, chả ai từ thiện cho mình bữa trưa.
Dùng “mỹ nhân kế” đi xe buýt
Cuối thập niên 1970, các trường ĐH Xây dựng, Kiến trúc, Sư phạm vẫn còn ở tỉnh Vĩnh Phúc nên SV Hà Nội lên trường thường chọn đi tàu chợ. Nam hay nữ đều tìm mọi cách trốn vé, trên toa nhìn thấy ông soát vé là lẩn nhanh hơn trạch. Tàu về đến gần ga Hà Nội giảm tốc độ là nhanh chóng nhảy xuống chỗ chắn tàu Cửa Nam vì vào trong ga lúc ra cửa không có vé sẽ bị phạt.
Đầu thập niên 1980, nói chung các trường ĐH đã chuyển hết cơ sở về Hà Nội và khu vực Thanh Xuân có 3 trường là Tổng hợp, Ngoại ngữ và Kiến trúc. Với SV nội trú thì không có vấn đề gì, chỉ vài bước chân là đến giảng đường nhưng với SV ngoại trú lại là một câu chuyện. Anh chàng nào có bạn gái cùng trường thì bằng mọi giá thửa bằng được chiếc xe cuốc, tháo chắn bùn cho em ngồi lên gióng, đi học như đi chơi phố. Tuy nhiên lại có SV chọn tàu điện hay xe buýt nhưng đi xe buýt là đông nhất vì ngành giao thông giảm giá vé đi tháng cho SV. Vì ít xe nên nửa tiếng mới có một chuyến, lỡ chuyến là đi học muộn nên ai cũng chen chúc cố vào bằng được.
Chuyến đi gian nan nhưng chuyến về lắm bận còn khổ hơn. Buổi trưa, tuyến Nhổn - Bờ Hồ bao giờ cũng đông mà bến Thương mại lại tập trung quá nhiều trường: Sân khấu - Điện ảnh, Thương mại, Xiếc, Múa, SV đa phần dùng vé tháng nên tài xế thấy đông là bỏ bến. Có kêu cũng chả ai giải quyết nên SV bến này đành dùng kế hạ sách nhất là “mỹ nhân kế”, cho mấy nữ SV trường múa hay sân khấu trẻ trung vờ lả lơi, thế là xe đông mấy các bác tài cũng ghé bến. Và khi xe đỗ lập tức đám SV nấp bên trong ùa ra chen nhau lên xe. Biết bị lừa nhưng các bác tài vẫn cứ đỗ, ra ai cũng thích các em trẻ đẹp, nóng bỏng.
Thời bao cấp, thời gian học ĐH là 5 năm. Giáo trình in roneo trên giấy đen xì. Có khi chữ mờ, có khi thiếu dấu nên vừa học vừa luận, ví dụ như “Nhà máy cơ khí Gia Lâm” vì không có dấu lại luận ra thành “Nhà mày có khỉ già lắm”. Thiếu thốn nhưng thời đó thầy dạy thật và trò cũng học thật, thi học kỳ rất nghiêm túc nên có ca dao:
Năm năm có chín kỳ thi
Một kỳ tốt nghiệp còn gì là xuân
Năm 1985, tôi chơi với nhiều SV trường y, tưởng các bác sĩ tương lai chăm chỉ, nghiêm túc nhưng không phải vậy. Với một số môn không phải chuyên ngành lại thi vấn đáp, họ bí mật cho viên thuốc lợi tiểu vào cốc nước của các thầy, đang hỏi thầy đành xin lỗi ra ngoài. Còn SV khu vực Mai Dịch cứ thi các môn chính trị là vào nghĩa trang Mai Dịch thắp hương trên mộ các “cụ” xin các “cụ” phù hộ. Lại có SV ĐH Tổng hợp thi bị điểm 2 (có thời kỳ ĐH chấm thang điểm 5) trưa nắng mặc áo bông, đi bộ gần đến nhà thầy mới cởi áo bông nhét vô bị rồi vào nhăn nhó xin điểm, thầy thấy trò mồ hôi nhễ nhại thương tình nâng lên điểm 3.






















Từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX đến thời bao cấp, tàu điện gần như là một trong những biểu tượng của Hà Nội và cũng là phương tiện giao thông chính của thủ đô.

Tàu điện chạy qua Bách hóa Tổng hợp nay là Tràng Tiền Plaza.
Tàu điện chạy từ phố Hàng Ngang ra Bờ Hồ 1972.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, ta tiếp quản Nhà máy tàu điện. Các đoàn tàu được xoá bỏ cách phân chia thứ hạng (hạng nhất, hạng nhì) và dần dần chữ tàu điện được gọi là xe điện. Xe điện phục vụ nhân dân khá đắc lực trong mấy chục năm ròng, nhất là thời gian sơ tán chống đế quốc Mỹ. 
Vào những năm thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, tàu điện đạt mức hơn 20 triệu lượt hành khách mỗi năm. 
Cảnh đu bám trên tàu điện ở Hà Nội 1973. 
Đường xe điện chạy từ Hàng Khoai qua trước cửa chợ Đồng Xuân (1989).
Đường xe điện chạy từ Hàng Khoai qua trước cửa chợ Đồng Xuân.
Đường xe điện giữa một con phố cổ của Hà Nội.
Đoàn tàu điện trên trục đường Yên Phụ - Cửa Nam - Vọng.
Tàu điện tại chợ Đồng Xuân.
Đoạn chạy qua phố Quán Thánh.
Tàu điện trên phố Thụy Khuê.
Tàu điện trên phố Thụy Khuê.
Đoạn qua Tháp nước Hàng Đậu.
Xe điện bánh hơi, giải pháp thay thế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Tàu điện trên phố Đinh Tiên Hoàng trước cửa Bưu điện Bờ Hồ (khoảng những năm 1980).
Tàu điện Bờ Hồ, ngay cạnh Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1990.

Năm 1991 tàu điện chính thức bị rỡ bỏ và không còn được sử dụng ở Hà Nội nữa.
Đoạn đường tàu trước Bưu điện Hà Nội.
Ga tàu điện ở Hồ Gươm.
Trạm tàu điện Bờ Hồ trong trận lụt 1978.
Tàu điện rẽ vào tuyến phố Hàng Gai, năm 1985.
Tàu điện tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tàu điện tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tàu điện tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1972.

Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1975 và có nhiều năm sinh sống ở Hà Nội, nhà xã hội học đồng thời cũng là nữ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog đã ghi lại những hình ảnh về cuộc sống ở Thủ đô thời bao cấp.
Những hình ảnh về Hà Nội qua ống kính của nữ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog giới thiệu tại triển lãm ảnh "Còn & mất" tại 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội từ 18 đến 28-3.
Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1975 và có nhiều năm sinh sống ở Hà Nội, nhà xã hội học đồng thời cũng là nữ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog đã ghi lại những hình ảnh đặc sắc về cuộc sống ở Thủ đô thời bao cấp. 
Bằng chiếc máy ảnh chụp phim đen trắng Kodak, bà đã ghi lại một thời kỳ đầy kỷ niệm của Hà Nội với những đường phố tràn ngập xe đạp, những chuyến xe điện “quá tải” hay những gánh hàng cơm, hàng sửa xe đạp trên hè phố... 
Dưới đây là một số bức ảnh của Eva Lindskog tại triển lãm được PV chụp lại:
http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap2.jpg
Nhịp sống sôi động trên truyến Phố Hàng Gai vào khoảng năm 1987-88.
http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap3.jpg
Bách hóa Tổng hợp tại ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền là khu bách hóa lớn nhất của Hà Nội thời bao cấp.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap4.jpg
Học sinh tập trung chào cờ buổi sáng tại một ngôi trường ở Dịch Vọng, năm 1982.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap5.jpg
Cơm bụi trên hè đường . Bức ảnh chụp đầu thập kỷ 1980.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap6.jpg
Phố Tràng Tiền với dáng vẻ cổ kính, sang trọng và tràn đầy sức sống.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap7.jpg
Mặt tiền của nhà triển lãm ở ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap8.jpg
        Chờ nhận giấy tờ xuất cảnh.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/vanhoa_hanoibaocap10.jpg
Tàu điện, phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội từ 1950 - 1980.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap12.jpg
Cảnh tấp nập trước chợ Đồng Xuân.
 http://nhovehanoi.com/Modules/CMS/Upload/48/Nam_2011/Thang_3/Ngay_28/260311_vanhoa_hanoibaocap9.jpg
Sửa chữa xe đạp là nghề rất phát triển ở Hà Nội thời bao cấp.








Cửa hàng bách hóa luôn đông đúc. Chen chúc nhau mua hàng.
Quán ăn vỉa hè
Quán bia hơi.
Chuẩn bị đồ chơi đón trung thu. Những món quà trong những ngày lễ tết đều do chính tay làm.
Cảnh đá cầu, dùng 2 chiếc xe đạp làm lưới.
Cảnh đá cầu, dùng 2 chiếc xe đạp làm lưới.
Hiệu cắt tóc thời bao cấp.
Chuyến tàu hỏa thời bao cấp.
Cảnh xếp hàng diễn ra thường xuyên trước các cửa hàng. Nhiều hôm người dân phải đứng xếp hàng cả ngày trời.
Cảnh tắc đường hiếm thấy tại Hà Nội thời bao cấp.
cảnh bám quen thuộc trên những chiếc tàu điện, phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 – 1980.
Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Phố Huế nhộn nhịp xe đạp trong cái thời mà xe máy là vật dụng cực kỳ xa xỉ
Nếu đông đúc nhưng cũng không có khói bụi, ùn tắc giao thông.

Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 1

Người dân cùng nhau tự gói bánh chưng ngày tết.

Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 2
 Khung cảnh xếp hàng mậu dịch ở Hà Nội những năm 1960 - 1970 khi sắm Tết.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 3 
Quà tết thời bao cấp.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 4 
Mua đào về trang trí Tết.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 5
Trẻ em rộn ràng đón Tết.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 6
Người dân hồ hởi đón tết.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 7
Mâm cỗ ngày Tết thời đó.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 8 
Hình ảnh một ngôi nhà Hà Nội trong thập niên 1970.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 9 
Ngày Tết không thể thiếu tiếng pháo nổ.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 10
Những đứa trẻ vui mừng nhìn pháo nổ.

Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 11

Sau tiếng pháo rộn ràng của ngày tết, trẻ em đua nhau nhặt xác pháo.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 12
Đường phố Hà Nội ngày Tết.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 13
Đồng tiền lì xì cho trẻ em thời đó.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 14 
Phương tiện của người Hà Nội thời đó chủ yếu là xe đạp.
Hình ảnh Chùm ảnh Tết Hà Nội thời bao cấp số 15
Tàu xe chen chúc những ngày sau Tết.



Cuộc sống người Hà Nội những năm 90

Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức Hans Peter Grumpe, đường phố Hà Nội những năm 1991-1993 chỉ có xích lô, xe đạp, đi ăn giá một bát phở 3.000 đồng, uống cốc bia hơi 1.600 đồng.


Đến Hà Nội những năm 1991-1993, nhiếp ảnh gia Hans-Peter Grumpe bị cuốn hút bởi cảnh vật và con người nơi đây. Ông sống nhờ nhà một giáo sư đại học trên phố Lò Đúc để có cơ hội đi sâu tìm hiểu đời sống người dân.
Phương tiện giao thông chính của người dân là xe đạp. Những chiếc xích lô được thuê để chở người, bàn ghế, lương thực, thực phẩm.
Những năm 1990, Hà Nội vừa bước vào thời kỳ đổi mới, vẫn còn ảnh hưởng thời bao cấp.
Loại xà phòng cứng, hôi được dùng để giặt đồ còn xà bông thơm giá đắt hơn nhiều thì dùng để tắm.
Phố Lãn Ông, Chả Cá bán rất nhiều tinh dầu cà cuống và con cà cuống dùng pha nước mắm chấm bánh cuốn.
Mũ cối được đàn ông sử dụng phổ biến bởi tính tiện lợi và độ bền cao.

Nghề đánh máy thuê ăn nên làm ra vào thời kỳ máy tính chưa phổ biến.
Cá khô là thực phẩm thường gặp trong bữa cơm thời bấy giờ. Hans-Peter Grumpe chụp khá nhiều quầy hàng bán cá khô và hình cảnh cá phơi đầy đường.
Tiểu thương chợ Đồng Xuân kiểm kê lại tiền thu được sau một ngày buôn bán.
Nhiếp ảnh gia người Đức đến Hà Nội 3 lần và rất yêu thích nơi đây. Ông chia sẻ rằng cảm nhận con người thân thiện, đôn hậu và yêu chuộng hòa bình.
Trong suốt thời gian ở đây, ông đã thử những món ăn lạ với khách du lịch nước ngoài như trứng vịt lộn, mắm tôm, mật rắn, tiết canh... Vào thời đó, bia hơi có giá 1.600 đồng một cốc.
Ông cũng thường lân la các quán nhậu và đặc biệt rất thích món phở. Sáng nào, ông cũng ăn phở cạnh nơi ở của 



mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Bức ảnh chụp Bách hóa Tổng hợp, nay là Trung tâm Thương mại Tràng Tiền. Ngày xưa, người dân chỉ có thể mua hàng từ các cửa hàng quốc doanh.

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Hình ảnh một chiếc tem lương thực thời bao cấp. Dưới chế độ bao cấp, nhân viên nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh chỉ được trả một phần nhỏ lương bằng tiền mặt, số tiền còn lại quy ra tem phiếu. Riêng gạo, người dân phải dùng sổ gạo để mua. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Để mua được thịt, rau... mọi người thường phải đến những cửa hàng lương thực như thế này. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Những người phụ nữ đẩy hàng trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên phố Ngô Quyền. Thời đó, hàng hóa không được phép bán tự do trên thị trường.

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Phương tiện đi lại chủ yếu trong thời bao cấp chủ yếu là xe đạp, có rất ít xe máy và ô tô. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Phở là một món ăn xa xỉ trong thời bao cấp. Trong nhiều gia đình, người ta chỉ mua phở khi có ai đó bị ốm. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Ngày nay, dù đã có cuộc sống tốt hơn nhưng nhiều người vẫn không quên cuộc sống thời bao cấp... Đó sẽ là những kỉ niệm khó phai trong tâm trí của ông, bà, cha, mẹ chúng ta.

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Hình ảnh ghi lại quang cảnh chợ Đồng Xuân ngày trước. Vào thời bao cấp, đây là khu chợ lớn nhất ở Hà Nội. 

... đến đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là về trẻ em thời kỳ này.

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Những em bé chơi đùa bên tượng đài Lênin.

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Một cậu bé ngồi đọc sách bên cửa hàng. Sách vở hồi đó tuy khan hiếm nhưng không thể ngăn được sự ham đọc sách của những thế hệ trẻ em lớn lên hồi đó. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Một ván cờ cá ngựa bên vỉa hè Hà Nội xưa. 

mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh
Trong ảnh là poster cho một bộ phim của Bulgaria trước rạp chiếu phim. Chỗ để xe được thiết kế sao cho xe đạp không chân chống vẫn đứng được. 


mot-goc-ha-noi-thoi-bao-cap-qua-anh



Đến Hà Nội năm 1991, nhà nhiếp ảnh người Đức Reisen đã chụp hàng chục bức ảnh về phương tiện giao thông của người Hà Nội thời 'hậu bao cấp'.
Năm 1991, phương tiện đi lại chủ yếu của người Hà Nội vẫn là chiếc xe đạp.
Xe máy cũng xuất hiện khá nhiều, nhưng thời đó ai đi xe máy đều thuộc diện 'nhà có điều kiện'
Xe máy được ưa chuộng vẫn là các kiểu xe của Honda, từ đời 79 đến 82.
Ôtô thuộc diện xa xỉ, chỉ có cán bộ cao cấp hoặc giám đốc cơ quan lớn mới có xe hơi đi lại.
Xe đạp, xe máy và xích lô là 3 phương tiện giao thông đặc trưng của Hà Nội thời kỳ những năm 90.
Đạp xe đi làm buổi sớm hay đưa người yêu đi chơi trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng.
Đoạn đường Giải Phóng gần bến xe Giáp Bát năm 1991
Cảnh sát giao thông Hà Nội năm 1991, sắc phục áo xanh da trời nhạt và đeo xà-cột đựng biên bản xử lý vi phạm.
Chắn tàu cắt ngang phố Khâm Thiên. Những năm 90, nhiều chuyến tàu phía Bắc từ Hải Phòng, Lào Cai được chạy vào tận ga Hà Nội để trả khách.
Có những khu vực xích lô tập trung rất đông như bến xe bến tàu hoặc cổng bệnh viện. Xích lô đi lại chậm hơn xe đạp nhưng có thể vào được những con ngõ rất nhỏ
Những năm 90, xích lô là phương tiện chuyên chở hữu dụng nhất của người Hà Nội. Xích lô để chở người đi chơi. Phía trên có chiếc mái che nhỏ để che mưa nắng cho khách.
Ngoài xích lô, Hà Nội còn có xe lam cũng là phương tiện chở hàng, hoạt động chủ yếu ở bến xe phía Nam và ga Hà Nội.

Đôi khi trên phố, vẫn bắt gặp loại phương tiện này chở những vật liệu 'siêu trường, siêu trọng, đi siêu chậm'
Lúc đó, hàng hóa được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa chưa được mua bán tự do trên thị trường, chưa được phép vận chuyển hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác.

Kéo dài từ năm 1954 đến 1986 ở miền Bắc Việt Nam, nhưng dư âm của thời “bao cấp” vẫn còn kéo dài đến những năm đầu thập niên 1990.

 
Xếp hàng gửi xe trước khi vào mua hàng.

 
Cảnh mua bán tại một quầy hàng mậu dịch Nhà nước.

  
Các mậu dịch viên chuẩn bị hàng hóa, giá cả trước khi phục vụ người dân.

 
Mua đồ gia dụng.

 
Quầy bán vải.

 
Khu vực bán dép, guốc nhựa.









 
Đài phát thanh là một thứ hàng xa xỉ ngày đó.

 





Tiền mặt hạn chế sử dụng ở thời kỳ này, thay vào đó là hình thức tem phiếu.

 
Phiếu mua thịt.

 
Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1 mét, và tối thiểu là 10 cm.



 
Tem lương thực có thể đổi lấy các loại lương thực như: gạo, sắn, ngô, khoai tây, hạt lúa mỳ... với trọng lượng tương đương ghi trên tem.

 
Có thể mua các phụ tùng xe đạp bằng tấm phiếu này.

 
Tem lương thực trị giá mua cho 25 gram lương thực.




 
Phiếu mua xăng mô tô, xe máy. Phiếu này được mua theo mệnh giá lít ghi trên phiếu.
 
Phiếu mua chất đốt và tem đường. Với phiếu mua chất đốt thì có thể sử dụng để mua: dầu hỏa, củi, than... Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua.

 
Sổ mua lương thực hay còn gọi là sổ gạo, thời kỳ này viên chức Nhà nước chỉ được mua 13,5kg/1 tháng. Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện từ đây: Mất sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!








 
Quy định của Nhà nước trong việc dùng tem phiếu.

 
Một bài báo về chỉ dẫn mua hàng tết bằng tem phiếu.



Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Lốp, vành, chắn bùn, yên, săm... những phụ tùng có tên trong Bìa mua phụ tùng xe đạp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phiếu vải năm 1978 được tính bằng hàng chục cm đến 1m
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phiếu cung cấp một kg thịt cơ động năm 1981
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Tem lương thực
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phiếu mua xăng xe máy năm 1988
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phiếu mua chất đốt năm 1985
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Tem vải năm 1965 và năm 1968
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Ngày ấy, mỗi người dân đều được phát một cuốn sổ mua lương thực như thế này
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cuốn Chứng nhận đăng ký máy thu thanh
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Một bức thư của người con gửi bố ở xa
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Xe khách chật kín người, nhiều người phải đánh đu ngoài cửa xe, người ngồi lên nóc xe
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Quán bán bia hơi giá 3 hào/cốc
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Nơi bơm mực bút bi
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cửa hàng đơn sơ
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Hà Nội nhìn từ trên cao
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Bách hóa tổng hợp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Văn hóa xếp hàng
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Một cảnh tượng đẹp bên Hồ Gươm
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phố xá tấp nập
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Một đám cưới giản dị bằng xe đạp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Xe điện chạy trên đường phố
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Chờ đợi để được mua hàng
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Phút vui đùa của cảnh sát giao thông
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Rạp chiếu phim với poster đơn giản như thế này
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp
Em bé tập viết bên chiếc ghế gỗ
Cảm nhận cuộc sống miền Bắc thời bao cấp

Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu lúc bấy giờ



Miền Nam sau 1975, một chút gì để nhớ 

Image
Zoom in (real dimensions: 744 x 503)Image
Image
Zoom in (real dimensions: 800 x 543)Image
Image
Đố bạn biết ảnh này chụp ở đâu?
Zoom in (real dimensions: 500 x 735)Image
Zoom in (real dimensions: 640 x 507)Image
Image
Hồi đó mấy chú bộ đội đi mua hàng bị lừa suốt
Image
Image
Image
Zoom in (real dimensions: 889 x 573)Image
Lao động XHCN của học sinh sau năm 1975
Image
Image
"Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua, chỉ có mùa hè nắng đỏ..."
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
Cán bộ phân công trước khi lao động
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
Trước khi lao động,mọi người cùng hát lên bài hát..
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
Lao động XHCN, trồng bắp ở khu vực trường bắn Thủ Đức, Sài Gòn
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
"Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói"
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
Những cô gái SaiGon có lẻ không quen với công việc đồng án...
Zoom in (real dimensions: 800 x 531)Image
Mọi người lao động cật lực, không đủ dụng cụ thì dùng tay luôn 

Khóc cười cùng "dân chơi" thời bao cấp 


Mốt thời trang trong giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới luôn hằn sâu trong tâm trí nhiều người thế hệ trước những ký ức về sự khốn khó, thiếu thốn, nhưng lại theo cách vô cùng ấn tượng.
Bất cứ ai đã từng để lại tuổi thanh xuân ở giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới thì đều có cả một “kho truyện” để kể lại cho thế hệ em, con cháu mình nghe. Thời kỳ ấy không huy hoàng niềm hạnh phúc như đúng bản chất nó phải thế, mà trái lại hằn sâu trong tâm trí những người đã từng sống thứ miền ký ức về sự khốn khó, thiếu thốn theo cách vô cùng ấn tượng. Người ta nhắc lại cụm từ “bao cấp", "đầu đổi mới” thường với 2 trạng thái ngược nhau: một là trầm ngâm suy tư, hai là cười phá lên đầy vui vẻ sảng khoái. Thứ kỷ niệm về thời kỳ đặc biệt ấy khi ngẫm lại chỉ có thể là niềm đau hoặc một hoài niệm đẹp.
Những chuyện vô đề về các “dân chơi hàng xịn”
Đầu thập kỷ 60, mốt của thanh niên là diện quần ống tuýp, loại quần này tiêu chuẩn là phải chật, thật chật, đến mức lúc thay ra cần có người kéo ống quần hộ thì mới đúng điệu. Nam thanh niên để đầu "đít vịt"– kiểu tóc để dài, chải keo sáp bóng nhoáng, vuốt túm chỉa chỉa về phía sau, cưỡi hiên ngang con xe Pha vo rít (Favorite) đi ngoài đường là ai cũng phải ngoái nhìn.
Tầm sau giải phóng, ảnh hưởng với phong trào phản chiến hippy, người ta quay sang “cuồng si” mốt áo vải thô bó chẽn cùng quần ống loe rộng và để tóc dài phóng khoáng.
 - 1
     Thanh niên thời đó rất thích mốt quần loe trẻ trung (ảnh minh họa)
Cách ăn mặc như vậy đối với giới trẻ rất được ưa chuộng, song về tình hình xã hội thì cách phục sức kiểu này rất “có vấn đề”, bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển rất rõ ràng “Không tiếp quần loe”“Chúng tôi không tiếp những người mặc quần loe, quần tuýp, để tóc bù xù”. Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện cờ đỏ chuyên chăm chăm đi cắt quần ống loe. Xử nhẹ là cắt dọc đường li trước, nặng là cắt phần ống quần rộng. Đầu đít vịt hay tóc tai râu ria xồm xoàm dài quá quy định nếu bị bắt cũng đều phải cắt trụi hết. Bên cạnh đó tiêu chuẩn đánh giá dân chơi thời ấy không nằm ngoài câu vè sau:
"Một yêu anh có Pơ giô (peugeot) 
Hai yêu anh có Selko đàng hoàng 
Ba yêu anh có bộ đồ sang 
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô...”
 - 2
 - 3 - 4
      Xe đạp pơ giô (trên), đồng hồ Poljot (bên trái) và đồng hồ Seiko (bên phải)
Đến những năm cuối 70, đầu năm 80, do tình hình khan hiếm hàng hóa nên đã bắt đầu xảy ra nạn buôn lậu tại các đầu mối cửa khẩu nước ta. Những con buôn vận chuyển hàng lậu được người dân “ưu ái” gọi bằng một cái tên khá kì dị: dân bám mích. Tay nào buôn hàng trót lọt được vài bữa là đã giàu lên nhanh chóng, và tất nhiên họ đều diện những bộ cánh thời thượng nhất bấy giờ. Dạo ấy, vải Pho Canada là loại thịnh hành và được ưa thích nhất bấy giờ. Thứ vải này được người bây giờ miêu tả lại bằng sự châm chọc “May đồ bằng Pho Canada, mặc mùa đông thì lạnh run, mùa hè diện vào lại nóng chảy mỡ”. Chê bai là vậy nhưng vào thời đó, phải khá giả lắm mới có mà mặc. Phất lên nhanh nhờ buôn gạo, bột mì, phân bón, dân bám mích không thoát khỏi thành ngữ sâu cay “ Trưởng giả học làm sang”. Giữa mùa hè nắng chang chang đổ lửa, thế mà các tay chơi “dân bám mích” vẫn cố đóng nguyên cả bộ kiểu ký giả may bằng vải Pho Canada, đầu đội mũ phớt len, đeo kính râm, đi đôi sa bô nặng chịch...trông vô cùng bức bối, ngột ngạt. Đối với những quán ăn hay hàng giải khát, hôm nào gặp được toán dân chơi đóng bộ bảnh chọe này là biết ngay đã vào dịp vớ bở, tha hồ mà chặt chém…
Cho tới giữa năm 80 đến đầu 90, danh xưng “dân chơi hàng hiệu” chuyển sang cho những người may mắn có người nhà đi xuất khẩu lao động hoặc đi học ở nước ngoài về. Màu mốt nhất thời đấy là các tông cỏ úa, tím than. Người sành thời trang là phải diện áo lông Đức hoặc áo bay Nga mặc quần giả bò cưỡi Custom Minks, Simson, Suzuki 100 mận chín, Honda Super Cub C50... Một bộ hoàn chỉnh như vậy đáng giá bằng cả một gia tài vì thế nên nếu có “ cưa” cô nào là đổ cô ấy. "Một trăm lời nói không bằng ống khói Hon Đa” - như các đại gia, thiếu gia ngày nay, các dân chơi thời xa vắng như thế này luôn được người đời nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ pha chút thèm thuồng, ghen tị.
 - 5 - 6
                                   Áo Nato một thời rất "hot"
 - 7
 "Anh chàng" đi Suzuki mận chín là điển hình của dân chơi bấy giờ với mũ cối, áo Nato
 - 8
                          Một thanh niên "chịu chơi" khác với style rất lãng tử 
 - 9
Để hoàn thiện cho phong cách, chắc chắn phải có...tờ 10 đồng đút ngay ngắn vào túi áo trước ngực
Gần hơn chút nữa, vào cuối 80 đầu 90, định nghĩa người ăn diện đúng điệu là phải mặc áo chim cò Thái Lan, quần bò mài… trông rất hoa lá cành, đỏm dáng.
 - 10
Thiếu nữ "băng đỏ" xinh đẹp với một trong những cách mặc thời trang nhất giữa thập niên 80: Áo len cổ lọ bên trong, áo lông Đức bên ngoài. Người ngồi bên cạnh cũng rất hợp thời cùng áo Nato và mũ bò kiểu Levi's
Và những nghề chỉ thời ấy mới có
Có những thứ chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định. Những nghề phục vụ sự mặc thời bao cấp là một trong những thứ như vậy. Xuất phát từ việc mọi cái đều phải nhận qua tem phiếu, nhiều người dân rơi vào tình cảnh quần áo giày dép thiếu thốn, vải vóc không dư thừa, một năm con em cán bộ công nhân viên chức nội thành cũng chỉ được phát có khoảng 2,5 mét vải. Chính bởi vậy nên người thời ấy rất giữ gìn trang phục, bởi nếu rách tả tơi quá thì cũng không có cái khác để mà thay. Phỏng theo nhu cầu ấy, một số nghề nho nhỏ nhưng đặc biệt đã nở rộ.
Hồi ấy có nghề may lộn lại quần. Sở dĩ có nghề này xuất phát từ việc thiếu vải. Mỗi người chỉ có khoảng 1 -2 cái quần để mặc đi mặc lại, mặc đến khi sờn rách, bạc màu. Thế là người ta đem chiếc quần “Chử Đồng Tử’’ ra hiệu nhờ tháo hết đường chỉ ra, lộn bên trong ra bên ngoài hoặc cắt đôi ống quần xoay đằng trước ra đằng sau rồi mới may lại. Mặt trong quần do ít tiếp xúc với ánh nắng nên vẫn còn rất mới, nếu không may có chỗ rách nào thì mạng lại bằng chỉ cùng màu.
Lại có giai đoạn Hà Nội nở rộ các hàng chuyên hàn dán dép nhựa, dép cao su. Người ta nấu chảy các miếng nhựa, cao su vụ để tra vào chỗ bị đứt, mẻ. Ngoài ra còn có nghề làm dép râu rất được chuộng. Đế dép được làm bằng vỏ xe nhà binh cũ, quai dép bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai. Dép râu mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng không thanh nhã, nặng nề, xấu xí.
 - 11
 - 12
                Nghề vá sửa dép cao su, dép nhựa đã từng có thời rất phổ biến
Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, sau 1975, nghề này có cơ hội phát triển ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho sạch hoặc để “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động. Cũng có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đenchỉ để tỏ ra cũng thuộc nhóm người lao động. Đồ được đem đi nhuộm là áo quần quân đội từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri của lính hay đồ trắng cảnh sát,… đều bị nhuộm thành màu đen hết.
 - 13
                       Nghề chuyên nhuộm các loại quần áo có màu thành màu đen
Ngoài ra còn một số nghề độc đáo khác như may áo vải bao bột mì, nghề phân kim (thu mua vụn vàng bạc để chế tác lại), sang sợi vá quần áo…đến nay đã gần như tuyệt diệt).

Yêu kiểu cưa đường

Dù đã cởi mở trong quan niệm nam nữ nhưng nói chung thời bao cấp, các gia đình Hà Nội vẫn rất “phong kiến”.

Ký ức thời bao cấp: Yêu kiểu cưa đườngPhương tiện đi lại “sang trọng” của các cặp đôi yêu nhau thời bao cấp là xe đạp - Ảnh: nhiếp ảnh gia người Đức Reisen
Cưa đường nôm na là tán gái ngoài đường. Thời bao cấp nói chung thanh niên Hà Nội ít dùng từ tán tỉnh mà họ thường dùng từ cưa, tán được em nào họ gọi là “cưa đổ”.
Trước năm 1973, Hà Nội không có cưa đường, trai gái yêu nhau chủ yếu qua hai kênh chính: tự đến và họ hàng, bạn bè giới thiệu, không còn kiểu phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tự đến với nhau do học cùng phổ thông, cùng đại học, làm cùng nhà máy, cơ quan hay tham gia phong trào thanh niên… Còn giới thiệu thì bà cô, ông bác thấy cháu đến tuổi lập gia đình nhưng chưa có ai đoái hoài thì tìm hộ nhưng cũng có thể là bạn bè gán ghép.
Cưa đường có thể xuất hiện vào khoảng năm 1973, tức là sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dân Hà Nội đi sơ tán tránh bom ở các vùng quê trở về thành phố. Có lẽ khoảng thời gian đi sơ tán khiến thanh niên “bức bối” vì con trai thành thị khó có thể yêu các cô thôn quê và con gái thành thị lại càng khó yêu các chàng trai nông thôn. Công cụ đi cưa đường là một chiếc “nghẽo” (từ đường phố chỉ xe đạp), buổi chiều lau sạch bóng và phải sửa chữa cho ngon vì đang cưa mà hỏng xe coi như xong, có thêm bao thuốc lá và thêm đồng bạc vì con trai Hà Nội có tính sĩ diện, nhỡ buột mồm mời các em uống giải khát còn có tiền mà trả.
Thường thì hai hay ba thanh niên đi hai xe đạp song cũng có thanh niên thích làm “con cáo đơn độc”. Họ đi lang thang phố nọ phố kia nhưng thường là các phố chính. Không phải ai, cô gái nào cũng có thể bắt chuyện với con trai ngoài đường nên đám thanh niên không bao giờ cưa các em tóc tết đuôi sam, vẻ mặt nghiêm nghị trông Bôn (có gốc từ Bolsevic - chỉ những người cộng sản Liên Xô), quần lụa áo sơ mi cổ lá sen. Thường họ nhắm vào các em tươi tắn hay “đú” (từ đường phố chỉ các em đua đòi nhưng không phải hư hỏng), mốt quần áo “hắc mô ni” (một loại cá cảnh màu đen ở Hà Nội) hay áo nâu, quần phăng (quần Âu) cũng nâu may ống tuýp đi guốc nhựa, tóc buộc đuôi gà chổng ngước lên. Đầu tiên là đi xe bên cạnh rồi vờ hỏi đường, hay buông ra câu nịnh nọt, tỏ ra hóm hỉnh. Chỉ cần em đang đạp xe quay sang nhìn lại nghĩa là có thể cưa tiếp. Và rất nhiều chuyện hài hước xảy ra. Có khi dọc đường cô gái im lặng nhưng về đến nhà cô ta mới mở miệng: “Chị có chồng rồi các em ạ, để chị gọi chồng chị ra nói chuyện với các em”, chả biết đúng hay không thế là quay xe đạp thẳng. Có cô thì đổ ngay trong lần gặp đầu tiên, đưa cô gái về đầu ngõ rồi dừng xe tâm sự. Thực tế cũng rất nhiều người nên vợ nên chồng. Nói chung cưa đường là vừa tìm kiếm người yêu nhưng cũng là trò chơi.
Thơ con cóc
Sau tháng 4.1975, đồ đạc theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ ra miền Bắc, lại có những nguời nhanh nhạy vào Sài Gòn mua hàng hóa ra Hà Nội bán và đồng hồ Nhật là món đồ có giá trị. Hồi đó có thơ lưu truyền trong thanh niên:
Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugiot cá vàng (xe đạp)
Ba yêu anh có nhà sang
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô
Năm yêu không có bà bô (mẹ)
Sáu yêu Văn Điển ông bô (bố) sắp chầu
Hồi tôi đi bộ đội, ở đơn vị tôi cũng có vài anh chép những câu thơ về tình yêu. Dù là thơ con cóc nhưng nó cũng cho thấy ghen tuông, bất lực của đám con trai nghèo và qua đó nó cũng bộc lộ khát khao của các cô gái:
Nó ở Tây về có máy khâu
Ra đường ăn mặc đúngmốt Âu
Chiều chiều Spart (xe máy của CHDC Đức) bay dạt phố
Ai cũng nhìn theo bảo nó giầu
Có lẽ hơn nhau bởi chữ giầu
Nên em yêu nó có gì đâu
Cho dù nó hơn nhiều tuổi tác
Em vẫn cứ yêu chẳng thấy sầu
Hay lại có những bài đại loại
Em bỏ tôi phải lắm rồi
Lính quèn binh phục lại lôi thôi
Gia tài chỉ có ba lô gọn
Nó ở Tây về hẳn hơn tôi.
Và khi yêu
Khi đã yêu nhau và hàng xóm biết rõ anh này yêu chị kia, nhưng ban ngày mà đến nhà người yêu chơi khi nhà cô gái không có ai ở nhà thì nên mở toang cửa, vì nếu khép lại là có chuyện. Hàng xóm sẽ xì xào và sẽ đến tai bố mẹ, lập tức bị phiền hà.
Mới yêu xin đi chơi rất khó, thế nên chàng trai chỉ ngồi nhà nói chuyện, nhà chật, chuyện gì cũng lọt vào tai mọi người, thế nên mới có nhiều câu chuyện vui. Ví dụ như anh chàng ngồi mãi chả biết nói chuyện gì, khi nhìn cái quạt trần liền nói với bố người yêu: “Cái quạt này mà rơi có đứa chết”.
Yêu phải đủ độ tin cậy với cha mẹ thì mới được dắt nhau đi chơi. Mà đi chơi thì chủ yếu vào công viên Thống Nhất hay Bách Thảo, tiền đâu mà vào quán giải khát. Và tất nhiên, chàng trai nào cũng thích vào công viên hơn nhưng đôi khi cũng gặp phiền phức vì anh công an mặc thường phục đi bắt “phò” (gái làm tiền) trà trộn hành nghề trong công viên, không biết hư thực thế nào cứ tách hai người ra, hỏi từng người một, sau đó nếu khớp tên, số nhà, phố thì thôi…

bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn

bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn
Những quán ăn bán đồ ăn sáng
 bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn
Ở Việt Nam, bia cũng có lịch sử hơn 100 năm. Vào năm 1890, nhà máy bia đầu tiên chỉ đạt công suất 150 lít / ngày. Lúc đầu người ta không hiểu cái đồ uống khai khái ấy ngon lành, bổ béo gì mà có người thích. Nhưng chỉ vài chục năm sau bia đã trở thành đồ uống được ưa chuộng ở nhiều vùng. Thời bao cấp, bia cũng phân phối, để uống bia phải xếp hàng. Uống xong một cốc lại quay lại cuối hàng xếp từ đầu để được uống cốc thứ hai.
bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn 
 bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn
Cảnh nhộn nhịp, tấp nập các quán bia hơi bình dân từ sáng đến tối.
bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn
Gánh hàng rong, quán nước vỉa hè là một nét đặc trưng của Hà Nội.
bao-cấp, quán-ăn, vỉa-hè, ăn-sáng, Hà-Nội, xếp-hàng, lòng-lợn
Những quán tiết canh lòng lợn luôn đông nghẹt khách.
hàng-hiệu
Tiêu chuẩn bộ cánh hàng hiệu: Mũ cối tàu có giá rất đắt, những năm 80 nó có giá 80 đồng, bằng một chỉ vàng. Tuy nhiên, vào thời kỳ cao điểm, giá mũ cối có thể lên tới 150 đồng, gần bằng 2 chỉ.
hàng-hiệu
Áo Liên Xô
hàng-hiệu
Quần bò Thái bán rẻ cũng 2 chỉ vàng, đối với những mẫu độc và lạ, các đại gia sẵn sàng bỏ ra 4 chỉ để "ring" về
hàng-hiệu
Dép đúc: Trong thời chiến, khi mà người ta đi chân đất, guốc mộc và dép cao su xỏ bốn quai là chủ yếu thì những chiếc dép đúc được coi là một loại dép quý phái.
hàng-hiệu
Tuy vậy, dép đúc chỉ là “mốt” của của các “dân chơi phố huyện”. Ở Hà Nội và các thành phố lớn thì dép nhựa Tiền Phong màu trắng mới là sành điệu.
hàng-hiệu
Sau chiến tranh, thì dép Lào mới được xem là mốt thời thượng. Dép có đế càng dày thì càng sang trọng.
hàng-hiệu
Đồ chơi "công nghệ" thời kỳ này: Đồng hồ Poljot của Liên Xô, một trong những khát khao được sở hữu của giới có tiền.
hàng-hiệu
Nhưng đồng hồ Poljot bắt đầu thất thế trước sự xuất hiện của đồng hồ Seiko đến từ Nhật Bản. Những chiếc đồng hồ chạy tự động, không phải lên giây, lại hiện ra cả thứ, ngày, tháng này quả là quá sang trọng. Đến nỗi trong dân chúng đã xuất hiện câu “ca dao”: “Một yêu anh có sen kô / hai yêu xe đạp Pơ giô đón nàng”.
hàng-hiệu
Đến "xe sang": Ở cái thời mà xe đạp còn là cả một gia tài thì xe Favorite (một loại xe của Tiệp Khắc cũ) xứng đáng đứng ở vị trí đầu đối với giới nhà giàu. Thời kỳ ấy xe đạp phải có biển số, được kiểm soát bằng giấy chứng nhận sở hữu của cơ quan chức năng. Favorite giữ vị trí top đầu về sự sang trọng với câu truyền miệng nổi tiếng: "Làm trai cho đáng nên trai Có Pha vơ rít, có đài dắt lưng”
hàng-hiệu
Là “thứ dữ” trong đế chế xe đạp nhưng so với xe máy Peugeot, đẳng cấp của Favorite còn kém một bậc. Xe Peugeot còn gọi là xe Lơ đã đi vào dân gian một cách rất hóm hỉnh nhưng cũng đầy thực tế. “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”. Hiện nay, xe Peugeot vẫn được dân chơi xe cổ ưa chuộng, giá của chúng có thể lên đến vài ngàn USD.
hàng-hiệu
Babetta cũng là một trong những "xe sang" của những gia đình danh giá.
hàng-hiệu
Đến mẫu Honda Cub "huyền thoại": Chiếc Honda Cub đầu tiên xuất hiện vào năm 1958, và khi đến Việt Nam, nó đã tạo nên một “lịch sử oai hùng” khi “thống trị” đường phố Việt Nam gần nửa thế kỷ. Đến tận những năm 1990, gia đình nào có một chiếc Cub trong nhà là cả một gia tài lớn. Chiếc xe Cub đi vào đời sống người Việt phổ biến đến nỗi trong dân gian truyền miệng câu nói nổi tiếng: “Trăm lời anh nói không bằng làn khói Honda”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên: “Bây giờ yêu nghĩa là vèo xe Cub Xe đạp anh xịt lốp cả tư mùa.” 





Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen