– Mừng là lần này không phải thăm anh trong phòng hồi sinh của bịnh viện Sharp Chula Vista. Mới 15 ngày mà anh đã hồng hào, hồi phục nhanh chóng. Mong anh mau khoẻ để làm những gì người không chấp nhận cộng sản cần làm.
– Tôi đã khoẻ nhiều, ăn được chút chút, thấy ngon, tỉnh táo, vẫn nhớ là trước khi nhập viện lần thứ hai, chúng ta đang dở câu chuyện. Rồi mấy tháng nay nằm một chỗ, báo không được đọc thường xuyên, TV lúc có lúc không. Vừa từ phòng hồi sinh ra phòng thường, vào nhà cầu, tình cờ nhặt được nửa tờ báo tiếng Việt loan tin ngài nguyên chủ tịch ban hành pháp trung ương đã đáp cánh an toàn xuống Sài Gòn (mà chắc ngài gọi là thành phố Hồ Chí Minh), được chủ tịch thành phố họ Lê gì đó mời dùng cơm, mời đánh gôn, được ông chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc vô vàn kính mến Phạm Thế Duyệt tiếp đón niềm nở đến độ ngài nguyên thủ tướng nức nở tuyên bố nào là sứ giả của hòa giải hòa hợp dân tộc, nào là sẵn sàng khi tổ quốc cần,… y trang một cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc, đúng hơn một cán bộ của Cục Hải Ngoại. Lang bang suy nghĩ là sao ngài Nguyễn Cao Kỳ thuộc bài đến thế. Rồi lại nhặt được tờ khác, chắc của một đồng hương bỏ lại. Ngay trang đầu, có bài của một cựu sĩ quan không quân tuyên bố không nhận ngài là đàn anh và đặt câu hỏi: Không hiểu ở tuổi sờ thấy nóc tủ rồi, được cái giải rút gì mà thay đổi lập trường 180 độ như thế? Phải chăng là được hứa hẹn sẽ cho một người Trung Hoa, bạn của tân phu nhân Niclole Kim, mở một sòng bài ở Phú Quốc. Ông cựu sĩ quan lại viết thêm là cùng về có anh bạn Trung Hoa này và giấy phép đã để trên bàn giấy của thủ tướng Phan Văn Khải.
– Nghe nói có dạo anh là cố vấn cho ông ta. Có người nói anh là phụ tá chính trị?
– Tôi chưa bao giờ làm cố vấn, làm phụ tá cho ổng.
Cách đây bốn, năm năm, một cô cháu gái đưa cho tôi một đoạn bài phỏng vấn ông ta. Đại để người phỏng vấn hỏi ổng: Có ai làm cố vấn chính trị cho ông không? *ổng trả lời: Có một ông, là ông Thái Trắng, hiện ở San Diego. Ông này bảo tôi là: Làm chính trị phải có thủ đoạn. Tôi đã bảo ổng là: Ông khuyên lầm người rồi. Cô cháu tôi có vẻ khó chịu, hỏi: Ông ta làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp, ứng cử tổng thống, không làm chính trị thì làm cái gì? Thật là… kỳ cục! – Có người nói ông ta bảo anh coi thường ông ta. Sao có thể có chuyện này. Vì anh đã tổ chức tranh cử cả năm 1967, rồi 1971. Nhất là anh được coi như tổng thư ký ủy ban tranh cử?
– Câu chuyện có thể do xuất xứ sau:
Xuân 76, 77 gì đó, tôi cùng Đinh Thạch Bích đi thăm anh Đặng Văn Sung. Xứ lạ, không quen đường, Bích lái xe lạc lung tung, chỗ đến chẳng đến, lại lạc đến Đại Học Fullerton. Tôi đang ngủ gà ngủ gật thì Bích lay dậy cho hay là lạc đường, tối rồi. Nhưng có chuyện này: Cổng trường có tấm bảng ghi là có cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, Bích bảo tôi ghé nghe. Tôi mệt, biết mô tê gì, Bích bảo gì nghe vậy.
Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối. Hội trường rộng, lại không có bao nhiêu thính giả, trên bục cao thấy rõ ở dưới. Tôi vẫn lơ mơ ngủ. Bích lay dậy: Hôm nay anh này nói rất khá, được vỗ tay hưởng ứng nhiều. Dậy nghe đi ông. Tôi vẫn ngủ, trả lời Bích: Cậu lạ gì. Hai lần vỗ tay nữa, y mất kiểm soát, là ăn nói lung tung. Giá câu chuyện chấm dứt ở đó thì không có chuyện sau này (vào 79, 80 gì đó), ông ta nói cùng anh Nguyễn Hoàng Cương và Thái Quang Trung ở Bangkok, Thái Lan là tôi coi thường ông ta. Là vì khi buổi nói chuyện chấm dứt, ông ta nhờ người (nếu tôi nhớ không lầm, thì là ông Lâm Lễ Trinh) mời tôi và Bích về khách sạn gần Disneyland mà công ty Ford For Hungry thuê để ông ta nghỉ. Tại đây, ngoài hai chúng tôi, có thêm chừng hơn mươi người. Bữa ăn tối thật tươm tất. Mọi người đều khen là chưa bao giờ thiếu tướng nói hay như hôm nay. Cũng đã khuya, tôi bảo Bích cáo lui. Y bỗng như lên cơn, bốc đồng, đứng thẳng, nâng cốc rượu còn đầy:
– Phải, phải, hôm nay ông Kỳ đáng được vỗ tay hơn bao giờ hết. Nhưng ông Thái lại phát ngôn đúng hơn.
Rồi y nhắc lại nguyên văn câu tôi nói khi ông Kỳ đang thao thao bất tuyệt. Bầu không khí thịt béo rượu nồng thành nặng nề. Chỉ có Tuyết Mai (lúc đó là bà Kỳ) nói nhẹ: Sao cụ chơi nhà con nặng thế?
Tôi còn biết làm gì hơn là xin lỗi mọi người rằng quá chén, kéo Bích ra xe. Ra, Bích còn khoái trí, nói bõ lúc mất công tổ chức mít tinh ở nhà thờ Lộc Hưng, Tân Sa Châu làm áp lực cụ Hương trao quyền thủ tướng cho Trần Văn Tuyên, y đã láo lếu kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu đến cùng, vì sang Mỹ không có cà pháo mắm tôm, chỉ có sữa Mỹ uống đau bụng, chồng đi làm bồi vợ làm điếm. Phải chăng chuyện đùa dai của anh luật sư trẻ chuyên cãi cho bạn bè đấu tranh để… ăn thuốc lá được ông ta ghi tâm. May mà ổng không còn là thủ tướng chống cộng quyết liệt luôn luôn dọa bắc tiến diệt cho bằng hết loài quỉ dữ mà nay ông lại coi là những người ông sẵn sàng tay trong tay xây dựng quê hương. Đến đây, ông ôm ngực sặc sụa ho. Cô con gái vội vã chạy vào xoa nhẹ lưng ông, sửa lại cái dây dưỡng khí. Chúng tôi thấy nên tạm ngưng, ông xua tay ra dấu muốn nói tiếp:
– Điều chính tôi muốn nói chưa được nói. Đó là cái nghị quyết số 36 và những râu ria của nó.
Nhận xét đầu tiên là nghị quyết quan trọng này, nghị quyết của Bộ Chính Trị chứ không phải là của Đảng, của Chính Phủ, của Ban Đối Ngoại,… đã được ra vài ngày sau khi ông Kỳ về Việt Nam tuyên bố na ná những điểm chính yếu. Hẳn vì thế mới có chuyện ông Kỳ gọi là được mời về, làm tên thổi kèn đi trước, để dư luận, nhất là dư luận quốc tế, gián tiếp giới thiệu về những dự tính của một thời cởi mở, đáp ứng những đòi hỏi của các quốc gia dân chủ có pháp luật đàng hoàng bảo vệ giới đầu tư ngoại quốc, dọn đường cho Việt Nam gia nhập WTO trong giai đoạn tới. Ông ta được đãi ngộ chút chút, chủ tịch ủy ban thành phố HCM mời cơm trưa, mời đánh gôn, rồi ra đi không kèn không trống. Tiếp theo là việc một phái đoàn quốc hội sang Mỹ dự lễ ra mắt của Hội Dân Cử Mỹ Việt Yêu Nước do một phó chủ tịch quốc hội cầm đầu nhưng cắc cớ lại muốn tham quan Thủ Đô Tị Nạn, Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Tự Do.
Thái độ ngông nghênh của chúng đã đẩy người Việt hải ngoại ý thức được trách nhiệm nên mới có hai nghị quyết của Westminster, Garden Grove cản ngăn cộng sản đến những thành phố này.
Các nghị quyết công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt tự do lần lượt được các hội đồng thành phố thông qua. Tin nổi nhất là các nơi bán vé số lotto đã bỏ dấu hiệu Cộng Sản, thay vào đó chữ VIệT.
Ít nhất chúng ta đã bảo vệ được chút gì của những người không chấp nhận cộng sản. Đương nhiên khi ở nhà có những kết hợp cụ thể, phong trào đòi hỏi dân chủ, tự do bột phát, thì sự đóng góp từ ngoài sẽ đưa đến sự thay đổi chế độ, người Việt sẽ có bầu cử tự do, trong ngoài cụ thể bắt tay xây dựng đất nước trong tự do, phú cường, hạnh phúc.
Nói xong, ông mệt mỏi, nhắm mắt. Nhưng cười vui, tin tưởng. Cô con vội vã đỡ ông nằm dài.
Ông cố chen thêm:
– Xin gửi cho sách báo, tài liệu. Đã đến lúc mình có thể làm được việc ấp ủ 30 năm dài.
Ông bỗng hỏi chúng tôi:
– Có biết việc đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc nói với phái viên báo Tuổi Trẻ là những rối loạn ở Việt Nam như ở Tây Nguyên chẳng hạn là do sự quấy phá của hai tổ chức ở hải ngoại. Một ở Hoa Kỳ năm 1992 đã bị luật pháp Hoa Kỳ coi là một tổ chức băng đảng. Tổ chức thứ hai là một liên minh bất hợp pháp, có trụ sở ở Ba Lê. Tại sao lại do một tên đại sứ gián tiếp tiết lộ, mà không phải là chính phủ, là ban nội chính của Đảng?
– ???
Ông Kỳ là tác giả hồi ký The Buddha’s Child.
Quí Tử Cầu Tự Và Cuộc Tuyển Cử Tổng Thống 1967
Lần gặp này, NgD vào đề luôn:
– Nhắc lại, kỳ trước chúng tôi có hỏi về vụ anh đã tổ chúc tranh cử cho ông Kỳ cả năm 1967 rồi 1971, với tư cách tổng thư ký ủy ban tranh cử.
– Con cầu tự thì nhiều, nhưng ít người có cái số Xuân tóc đỏ bằng cậu. Nhỏ thì học Bưởi, Chu Văn An. Lớn vào đời tuy chẳng phải như báo Hà Nội bốc thơm, khi cậu hồi hương nói chuyện xây dựng đất nước với trùm tham nhũng Phạm Thế Duyệt, cậu cũng ở khoá động viên I Nam Định, tốt nghiệp thiếu úy, được học trường không quân Marrakech, rồi từ không đoàn trưởng không đoàn vận tải 33, bộ trưởng thanh niên, và một bước thang mây chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp, ứng cử viên tổng thống 100% đắc cử năm 1967.
Một ngày, tôi không nhớ rõ, tháng 6, 1967, anh Phó Quốc Trụ (có người gọi là Chụ), một bạn rất thân với cậu, tìm tôi, đưa đi ăn ở nhà hàng Maxim’s và hỏi sao không lợi dụng tình thân gia đình với bà Kỳ mà gặp Kỳ, chắc chắn kỳ này sẽ làm tổng thống. Tôi vội vã cải chính: Chỉ là bạn, đúng hơn vai em của thân phụ bà Kỳ, ông Đặng Trần Học, và mong anh chấp nhận cho tôi chút tự trọng vốn không cầu cạnh ai, huống hồ tôi lại không có cảm tình với cậu này khi nghe cậu ta giới thiệu thành phần nội các đấu tranh, tôi không nhớ ngày, giới thiệu ông ủy viên lao động, nhấn mạnh đây là một người trẻ, cần phải học hỏi nhiều, lại hỗn hào giới thiệu ủy viên ngoại giao Trần Văn Đỗ rằng cậu chỉ biết tên, chưa rõ họ (lúc này tôi lánh mặt cảnh sát của ông đại tá Phạm Văn Liễu ở Đà Lạt). Phó Quốc Trụ gạt ngang:
– Xếp những chuyện lặt vặt này lại, không tự ái hão. Phải thực tế, cờ đến tay ai, người ấy phất là ước mơ của nhà binh.
Khi đưa tôi về, Trụ nhắc lại:
– Ông chẳng cần làm gì nhiều. Mọi việc đã có bọn này lo. Chỉ cần ông gây cảm tình cho anh ấy với các tổ chức chính trị, với báo chí,… Việc này ông quen quá mà!
Xuống xe, Trụ rút túi đưa tôi một ngân phiếu Kỳ ký một triệu đồng, như đưa tờ giấy lộn. Thật sự, lúc đó, ở Đà Lạt, tôi chưa biết làm gì. Tài sản bị tuyên bố tịch thu, do quyết định của Ủy Ban Điều Tra Tài Sản. Tội danh là phụ trách đường dây buôn lậu của ông Ngô Đình Nhu (hình như trong cuốn Phật Giáo Đấu Tranh của ông Vũ Văn Mẫu có nói đến). Đúng là lêu bêu giữa dòng đời mà mọi người nói là nhất tướng, nhì sư, tam cha, tứ điếm.
Rồi tôi cũng bắt đầu. Cụ thể là tìm lại mấy cộng sự viên cũ, mua máy in, máy chữ, phát hành tờ Thông Tin Tuyển Cử, đả kích đối thủ, vẽ ra những cuộc phỏng vấn đề cao ông ta qua những thành tích: trẻ, chân thành, bài trừ tham nhũng, tổ chức đoàn thanh niên trừ gian, can đảm trong những chuyến bay đêm thả biệt kích ra Bắc, hào hiệp, binh vực che chở bạn bè, nhất là binh chủng không quân,… đưa tờ báo cho các người quen coi, nói thêm ít lời giới thiệu.
Tôi tự ý làm những công tác này. Trụ chẳng có ý kiến gì. Ngay đưa cho cuốn Thông Tin Tuyển Cử, y cũng chẳng nhìn qua. Ít nhất, tôi đã tạm thời giải quyết được việc sinh sống của mình và năm, sáu anh em. Đôi lần, Trụ hỏi tôi cần gì thêm không, cho hay các tiến triển trong các cuộc họp của Hội Đồng Tướng Lãnh là ông ta được sự ủng hộ 100%, quyết liệt đến độ nếu ông Thiệu muốn ứng cử thì phải giải ngũ, ứng cử với tính cách dân sự.
Ông Thiệu cũng rất cương quyết. Có lần nói là biết sẽ thua, nhưng dù chỉ được phiếu của gia đình cũng tiến tới, khiến một ông tướng đã giận dữ [1], sắn tay áo định làm to chuyện.
Xin thêm vài chi tiết:
Đứng liên danh với cậu “con Phật” là luật sư Nguyễn Văn Lộc, do nguyên trung tướng Trần Văn Đôn giới thiệu cùng tôi. Trụ đề nghị với cậu ta. Và cậu ta đã nhận, chẳng cần tìm hiểu gì về luật sư Lộc (việc này lại xảy ra y chang trong lần tranh cử năm 1971 với cụ Trương Vĩnh Lễ).
Ông Thiệu liên danh cùng ông Trình Quốc Khánh, tức Chín Khánh, nhân sĩ Hòa Hảo, do ông Nguyễn Văn Hướng tức Mười Hướng giới thiệu. Nghe nói có sự tham khảo với tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng Thống Nhất.
Hội Đồng Tướng Lãnh tiếp tục họp, vì vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trụ vẫn lạc quan và thông báo cho tôi rằng chỉ còn một buổi nữa là quyết định. 6 giờ 30 sáng 30-6, chuẩn tướng Ngô Dzu (sau này là trung tướng tư lệnh quân đoàn IV rồi quân đoàn II, trưởng phái bộ quân sự 4 phe sau Hội Nghị Ba Lê 1973), một người thân mà ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo, giới thiệu, tới nhà tôi ở Cư Xá 318 Công Lý, hỏi tôi về quyết định của Hội Đồng Tướng Lãnh và cho hay:
– Cẩn thận. Sẽ có thể có những thay đổi bất ngờ.
Tôi cười tin tưởng, nói cùng ông:
– Không có gì thay đổi đâu. Còn có vài giờ nữa.
Ông Dzu nói:
– Cẩn thận. Sáng nay ông đại sứ Bunker vào nhà ông Thiệu từ 5 giờ 30, đến giờ này vẫn chưa về.
Tuy chẳng quan tâm, tôi vẫn điện thoại cho Trụ. Trụ bỏ ăn sáng ở nhà, sang ngay nhà Nguyễn Cao Kỳ, cùng trong khuôn viên trại Phi Long.
8 giờ 30, Trụ điện thoại cho tôi, nói đã tiễn anh ta đến chân trực thăng, hỏi anh ta tình hình diễn tiến, anh ta đã trả lời:
– Còn gì nữa. Kèn đã thổi. Thằng nào lùi, bắn bỏ!
Nhưng rồi mọi sự làm mọi người ngỡ ngàng:
11 giờ, chính bà Kỳ (lúc đó là Đặng Tuyết Mai) điện thoại cho tôi, giọng giận dữ:
– Cháu bỏ nó thôi. Phút chót, nó đã rút lui. Lại đứng liên danh với Thiệu làm phó.
Sau đó, bả bỏ đi Nha Trang.
Thật bất ngờ. Mỗi nguồn tin nói một khác. Nhưng người am hiểu đoán là có áp lực từ ngoài. Nếu không, tại sao phút chót, mấy ông tướng tư lịnh vùng, tư lịnh binh chủng quan trọng lại đồng loạt vứt lon nói trả lại quân đội nếu cứ khăng khăng có hai liên danh quân đội. Không khí buổi họp rất căng thẳng. Và cuối cùng, thiếu nhẫn nại và xúc động, anh ta đã xin rút lui, nhường cho ông Thiệu. Rồi, theo yêu cầu của hội nghị, đứng phó.
(Một tiết lộ mấy tháng sau, là giữa tình hình căng thẳng và, để cho anh ta lùi bước, một đề nghị được đa số chấp thuận, là thành hình một hội đồng tướng lãnh bí mật, trùm lên chính phủ, mà anh ta là chủ tịch. Thực tế, sau khi hiến pháp đệ nhị cộng hòa ban hành, quyền uy tối thượng là trong tay tổng thống Thiệu, người thật sự khôn khéo, uyển chuyển tạo thắng lợi cho mình. Và đúng là anh ta không làm chính trị như nhiều lần tuyên bố và giễu những ai khuyến cáo anh ta về kỹ thuật làm chính trị).
Trụ vội vã đi tìm tôi, lúc đó đang sắp xếp liên danh Nông Công Binh ứng cử thượng viện, do trung tướng Trần Văn Đôn thụ ủy, đang có sự đòi hỏi của ông Đôn thay thế ông Thái Lăng Nghiêm bằng ông kỹ sư Trần Văn Bạch, một thân nhân của ông Đôn, tại nhà ông Đôn, 8 Colombert, gần bộ Ngoại Giao.
Trụ yêu cầu tôi cấp tốc lập hai liên danh ứng cử thượng viện, lấy tên Nông Công Binh I, Nông Công Binh II. Một do chính Trụ làm thụ ủy. Một do tôi làm thụ ủy, bảo đảm rằng trong ba liên danh, ít nhất hai sẽ đắc cử. Tôi lắc đầu, nói muộn quá rồi. Còn có hai ngày là hết hạn nộp đơn. Chưa kể riêng tôi thì không được, vì đã bị án tịch thu tài sản.
[Về việc bị tịch thâu tài sản với tội danh phụ trách đường dây buôn thuốc phiện của ông Ngô Đnh Nhu, tôi không rõ đường dây này có hay không. Nhưng thực tế, tôi đâu đủ tín nhiệm để làm việc này, nếu như nó có.
Sự thật là, trong chiến dịch chống Sihanouk, tôi phụ trách việc liên lạc với Sơn Ngọc Thành, nguyên thủ tướng Cambodge. Nơi trú ngụ của ông Sơn là trà lầu Đại La Thiên ở Chợ Lớn. Chủ nhân là ông Lưu Phước Ngũ (sau này bị giam giữ vì tội phát tán thuốc phiện ở Sài Gòn-Chợ Lớn).
Cho đến ngày bị giữ, sau cuộc đảo chính 1963, phòng hỏi cung của Nha Tổng Giám Đốc Công An hỏi tôi về việc này và đã chấp nhận bản khai của tôi. Khi ra tòa, ông thẩm phán Nguyễn Văn Lời đã tha bổng. Sau đó tôi vẫn bị giữ rồi đưa ra Côn Sơn cùng 58 nhân vật khác gọi là Cần Lao ác ôn, dưới thời Nguyễn Khánh, để lấy lòng mấy thày. Là vì, theo quyết định của Hội Đồng Cách Mạng, ai không bị kết tội bởi tòa án vẫn bị chi phối bởi một quyết nghị (tôi không nhớ số) giữ lại, chờ quyết định của Hội Đồng với hai Ủy Ban Điều Tra Tội Ác, Ủy ban Điều Tra Kinh Tài Bất Hợp Pháp.
Đại tá Trần Bá Thành lúc đó là phó tổng giám đốc, đã quyết định chuyển hồ sơ của tôi ra tòa để bạch hóa, trả tự do (đại tá Thành rất quen biết tôi khi còn là giám đốc Công An Nam Việt, tuy rất chống ông Trần Kim Tuyến; cảm tình có được hoàn toàn do công việc, một phần khác vì có sự can thiệp của ông Tam Mộc Mai Lan Quế, anh họ trung tướng Mai Hữu Xuân, bề trên của ông Thành). Tôi không muốn thanh minh gì về việc kết tội trên, vì thấy không cần thiết. Ngoài ra, tôi không chú tâm việc tranh thủ phải trái đúng sai cho mình. Gọi là kể lại các bạn nghe chơi. Vì các bạn quan tâm, nên tôi đành cố gắng]. Buổi tối, tại bữa tiệc đánh dấu ngày liên danh Nông Công Binh thành lập, Trụ cho hay là đã có sự đồng ý để ông Nguyễn Văn Lộc tổ chức nội các. Ông Lộc đang ngồi một đống, mặt chảy dài, bỗng tươi rói. Trụ cũng vui. Cho là dù sao còn một thắng lợi. Nhưng lần này, chính Trụ đã ngây thơ. Chỉ mấy tháng sau, thủ tướng Lộc đã hành sử đúng kỹ thuật chính trị, sát gần ông tổng thống. Để rồi chỉ một thời gian ngắn lại bị ông Thiệu cho nghỉ chơi.
Cuộc đời cậu “con Phật” bắt đầu xuống dốc. Tuy chưa đến nỗi không phanh, vì còn được ông Thiệu dành cho cả phía tay phải Dinh Độc Lập, hai trực thăng, một đội cận vệ, bốn năm tùy viên. Cậu vẫn còn đủ để trưa mạt chược, tối xì phé. Cuộc sống ngồi chơi sơi nước kéo dài cho đến Tết Mậu Thân. Tổng thống về quê vợ ăn tết, vắng mặt ở Sài Gòn. Cậu ta tạm thời đóng vai lãnh đạo việc chống trả cuộc tấn công của cộng sản.
Một số người nghĩ rằng nếu quả cảm giám làm, đó là dịp để cậu nắm quyền. Nhưng chính cậu cho trực thăng đón ông Thiệu ở Mỹ Tho về, và lần lần lui về chỗ dành cho mình. Mà cậu cũng chẳng suy nghĩ sâu xa gì. Vẫn ngày ngày mạt chược, tennis. Cho đến một ngày đột ngột được đưa ra ứng cử tổng thống, liên danh cùng cụ Trương Vĩnh Lễ, năm 1971.
Nhưng cũng cần công bằng vinh danh cậu ta lém lỉnh tuyệt vời, ít tham nhũng, rất lãng mạn mơ được chiều chiều kẻ lông mày cho Triệu Minh. Nhưng không biết giai nhân nào thật sự là Triệu Minh của cậu???
1. Nguyễn Đức Thắng
Gió Lên, Cờ Trong Tay, Cao Kỳ Không Giám Phất
Kỳ này, NgD lại cũng gại liền:
– Lần trước, anh có nói nhiều người cho rằng, nhân vụ Mậu Thân, nếu ông Kỳ giám làm, thì là dịp để ông ta lại nắm quyền. Vậy sự thể ra sao?
– Sau cuộc tuyển cử 1967, ông Kỳ đành ôm hận, hết mơ tưởng là người điều khiển… đàng sau, là người nắm được quyền lực, mà chấp nhận vai trò ngồi chơi xơi nước. Phó Quốc Trụ vẫn hàng ngày lại tôi, kéo đi giải trí, chán lại về văn phòng của anh ta (anh là giám đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn). Toàn chuyện trò đâu đâu. Trụ chẳng bao giờ nhắc đến ông Kỳ, nhiều lắm là nói đến canh mạt chược đêm qua, canh xì phé hôm trước, trong tư dinh của ông ta, ở trại Phi Long (Tân Sơn Nhứt). Nửa năm sau, 31-1-68 (đêm mồng 1 rạng mồng 2 Tết Mậu Thân), Sài Gòn náo loạn vì cuộc tấn công của cộng sản. Trụ kéo tôi vào Tân Sơn Nhứt. Đông đặc người: sĩ quan trong quân phục, lố nhố người thường phục. Tôi lạc lõng giữa đám người xa lạ. Chắc chắn họ cũng chẳng biết tôi là ai.
Chừng một giờ sau, Trụ có vẻ cáu, rủ tôi về nhà, cũng trong vòng đai căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt, cho tôi hay là ông Kỳ sai trực thăng đi Mỹ Tho đón ông tổng thống (về quê vợ ăn tết). Trụ cằn nhằn:
– Dịp may hiếm có đến, mà lại không giám quyết định.
Tôi lặng nghe, hiểu y muốn nói gì.
Có điện thoại từ văn phòng Trụ nói có mấy người muốn gặp tôi. Đó là hai cộng sự viên cũ của tôi, tìm tôi cho hay là vừa từ Hóc Môn đến, dọc đường thấy binh lính Hoa Kỳ nằm hai bên nhưng bất động, nghe tin cộng sản đánh lung tung, chẳng những ở Sài Gòn, mà còn nhiều tỉnh khác. Lúc đó, hiện diện nơi văn phòng của Trụ có bốn năm sĩ quan cấp tá, đáng kể là thiếu tá Trần Quốc Khang, phó giám đốc Nha Thương Cảng (1975 là đại tá chỉ huy trưởng Kho Long Bình, hiện ở Maryland), đại tá Phan Phụng Tiên (1975 là tư lịnh Sư Đoàn 5 Không Quân), thiếu tá Nguyễn Huy Lợi trưởng Phòng Ba Bộ Tổng Tham Mưu [1]; thiếu tá Hoàng Hữu Tín, một tay chân của ông Kỳ (1976, trong một truyền đơn gọi là của quân kháng chiến, mà ông Kỳ được phong làm… nguyên soái, Tín được ghi là chuẩn tướng, chỉ huy trưởng truyền tin; truyền đơn này có đăng ở phần cuối cuốn Vietnam, qu’as tu fait de tes fils? của một ký giả Pháp, hình như tên là Pierre Darcourt). Tôi thấy nên liên lạc với các chính khách quốc gia, nói lên tiếng nói của hàng ngũ chống cộng. Tôi bảo Nguyễn Hữu Bào lái xe đưa tôi đi tìm các người thân, Hoàng Ngọc Khánh dự thảo truyền đơn tố cáo cộng sản vi phạm cam kết đình chiến, kêu gọi dân chúng bình tĩnh, để đối phó với tình hình cộng sản kêu gọi tổng nổi dậy.
Trước khi tôi đi, rất tháo vát, rất thực tế, Trụ đưa tôi một sự vụ lịnh được quyền di chuyển trong tình trạng giới nghiêm, hai cái khác để trống, trung tá Phó Quốc Trụ ký thừa lịnh phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, lại đưa một nắm tiền, và dặn thêm:
– Có việc gì thì điện thoại về thương cảng hoặc về bộ chỉ huy Tiểu Đoàn Bảo Vệ Vòng Đai Tân Sơn Nhứt (Trụ còn là chỉ huy trưởng của tiểu đoàn này). Lúc này, Trụ không còn là người coi thường mọi chuyện, chỉ lo chơi bời cùng bài bạc, mạt chược, cá ngựa. Tôi rất ngạc nhiên, thấy vào việc, y tỏ ra tháo vát, giám quyết định. Ở y phảng phất vóc dáng một chỉ huy quả cảm. Tôi chẳng tìm được một ai. Anh Đặng Văn Sung là người đầu tiên, sau đến anh Trần Văn Tuyên, anh Phan Bá Cầm, anh Trần Quốc Bửu, tất cả đều vắng nhà. Chỉ gặp được cụ Phan Khắc Sửu và anh Nguyễn Văn Anh. Cụ Sửu rất hoan nghênh, khuyến khích tôi, hứa sẽ xung phong ủng hộ.
Chán nản, tôi quay về Nha Thương Cảng. Ở đây không khí khác hẳn. Tôi có thêm cộng sự viên Dương Hồng Duyệt. Trụ đã cho đem in những truyền đơn, lời kêu gọi. Duyệt thảo thư mời họp vào ngày mai. Trụ cho gọi thêm một tiểu đội quân nhân thuộc tiểu đoàn phòng thủ trường bay Tân Sơn Nhứt, lệnh cho họ nội trong đêm phải phát tất cả các tài liệu đã in, đưa hết các thư mời họp,… Lúc này ông Kỳ vẫn đóng vai lãnh đạo công cuộc chống tổng công kích.
Sáng hôm 18-2, tôi không khỏi mừng khi tới Trường Quốc Gia Âm Nhạc, mà Trụ đã nhân danh phó tổng thống trưng dụng vì nhu cầu quốc gia, thấy gần đông đủ các bộ mặt chính trị Sài Gòn và đông đảo quần chúng hưởng ứng lời kêu gọi, chiếm hết hội trường. Nguy nan đã đưa mọi người, không kể phe phái, ngồi lại với nhau. Ban chủ tọa thật đẹp, với Phan Khắc Sửu, Trần Văn Tuyên, Trần Quốc Bửu. Chẳng ai bảo ai, thi nhau phát biểu xoay quanh việc kết đoàn, quyết tâm chống cộng. Tôi đã nhờ Trụ đón cựu trung tướng Trần Văn Đôn ở Đà Lạt về. Buổi hội nghị chấm dứt hoàn toàn vui vẻ, phấn khởi. Nhưng thật sự, tôi cũng chưa biết tiếp theo sẽ phải làm gì.
Buổi tối, tại nhà anh Vũ Văn Khoa [2], tại ngõ Hiền Vương (ngoài là nhà ông bà Nguyễn Phước Đại, bà là phó chủ tịch thượng viện, một bộ mặt đối lập sáng giá và đã có lần đụng độ trực diện với ông Nguyễn Văn Thiệu), có Cao Dao, Thái Lăng Nghiêm, Phạm Xuân *ẩn, Nguyễn Hưng Vượng, cùng hai ba ký giả ngoại quốc mà tôi chỉ nhớ có Robert Shaplen. Toàn là người thật thân với tôi. Tôi kể lại kết quả buổi họp tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và hỏi: Nên làm gì tiếp theo? Ý kiến của Cao Dao được chấp nhận: Thành lập một tổ chức lấy tên là Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, bố trí để Trần Văn Đôn là chủ tịch, vận động sự tham gia của các nghị sĩ và tướng lãnh cũ.
1. Người đạo diễn cuộc hành quân của quân Dù trong cuộc đảo chánh 1960; 1968-70, là cố vấn quân sự phái đoàn Ba Lê; 1984 đã gặp Nguyễn Cơ Thạch, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngại giao cộng sản, thỏa thuận về việc… đổi mới Việt Nam
2. Em Vũ Văn Thái đại diện VN tại LHQ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sau là chuyên viên LHQ tại Phi Châu.
Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc
Đại Hội diễn ra ngày 10-3 tại rạp Rex (cũng do Phó Quốc Trụ trưng dụng nhân danh phó tổng thống và sắp xếp một trung đội coi về an ninh), dưới sự chủ tọa của hai nghị sĩ, nguyên trung tướng Trần Văn Đôn và bà Nguyễn Phước Đại. Thuyết trình đoàn gồm ba vị, nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm, luật sư Hoàng Cơ Thụy và ông Đặng Đức Khôi, phụ tá báo chí của phó tổng thống. Tôi cố ý để ông Khôi vào vai trò này là có chút ý hướng… mượn chút oai hùm, vì dù sao ông Kỳ cũng còn chút dư âm của thời nội các chiến tranh và tuy chỉ là phó tổng thống nhưng lại đang nắm quyền. Trụ có mặt từ sớm, mang theo mấy chục người vốn là quân nhân nhưng mặc đồ dân sự cùng nửa tiểu đội mặc đồ trận để giữ an ninh vòng ngoài. Trụ đón tôi ở ngay cửa, nói là không ngờ được sự hưởng ứng đông đảo đến vậy.
Vào hội trường, liếc qua, thấy mọi chỗ đều được choán hết cùng có sự hiện diện của một số tướng lãnh như Mai Hữu Xuân, Phạm Văn Đỗng, Nguyễn Văn Chuân, Trần Tử Oai, một số nghị sĩ trẻ, như Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Văn Ngãi, đủ mặt liên danh Nông Công Binh (thiếu ông Trần Điền về Huế ăn tết, đã bị cộng sản thủ tiêu).
Anh Đặng Văn Sung cũng có mặt và có vẻ không ủng hộ việc làm của tôi. Tôi rất ngạc nhiên, trong khi Trụ hầm hầm mời anh an tọa mà anh từ chối. Tôi e có sự không hay, nên nói nhỏ cùng anh: Nếu không đẹp ý, thì nên ra về. Những người tôi để ý là ông Lê Phước Sang cùng rất đông ngồi ở phía trái hội trường. Linh tính cho tôi hay đây mới là quần chúng phải chú ý. Tôi kêu Trụ đến chào ông, và ông vui vẻ giới thiệu các người ngồi sau, đa số là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Tôi có đôi chút giao thiệp cùng ông, khi ông là người thân của thiếu tướng Hòa Hảo Nguyễn Giác Ngộ, một trong ba vị lãnh đạo của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng (cùng hai vị khác là trung tướng Trình Minh Thế, chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến, cùng trung tướng Nguyễn Thành Phương, chủ tịch Việt Nam Phục Quốc Hội, tổ chức chánh trị của Cao Đài, mà tôi là hội trưởng Miền Bắc). Phải nhìn nhận là ông Sang nắm rất vững số người của ông, chỉ cần ông giơ tay là cả phía trái vỗ tay và lớn tiếng ủng hộ. Nhờ vậy, Đại Hội đã tiến hành suôn sẻ. Không hiểu có bao giờ ông nhớ lại đóng góp này chăng (ông hiện ở Hoa Kỳ, được biết như tiến sĩ Lê Phước Sang, bộ mặt hàng đầu của Giáo Hội Phật Giáo Cao Đài Việt Nam Hải Ngoại).
Thấy bản thuyết trình của ông Thái Lăng Nghiêm quá dài và đã qua 12 giờ trưa, tôi nói nhỏ cùng ông Đặng Đức Khôi đề nghị cùng đại hội thành hình tổ chức Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc và bầu ban lãnh đạo, qua việc đề cử hay tình nguyện xung phong.
Sóng gió bắt đầu. Và phát pháo là hai bộ mặt tôi đã chú ý ngay từ đầu: Ông Vũ Văn Mão và bà Đặng Đức Thụ.
Ông Vũ Văn Mão phát biểu nhân danh Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, bà Thụ tự giới thiệu là phụ nữ đấu tranh [1] quyết liệt không chấp nhận tên chọn sẵn, yêu cầu phải thảo luận để đại hội quyết định. Hai người nắm micro, hăng say đến độ bà Thụ xõa tóc tơi tả nhưng vẫn không chịu rời diễn đàn. Không khí rất căng thẳng, Trụ nóng mặt định làm dữ. Tôi xin anh bình tĩnh, để tôi lo giải quyết. Sóng gió lại thêm dữ dội khi đề cập đến việc tham dự ban chấp hành Mặt Trận, cụ thể là chỉ bầu một chủ tịch, rồi yêu cầu xung phong nhận trách nhiệm cộng với sự đề cử của chủ tịch. Tôi phải xin bà Thụ, mà tôi vẫn coi như chị, nhượng bộ. Các đề nghị được chấp thuận, phần lớn là do sự ủng hộ tận tình của ông Lê Phước Sang. Ông giơ tay hưởng ứng, là 1/3 hội trường ào ào theo, nên mọi chuyện đều êm đẹp.
Được đề cử vào ban lãnh đạo là các vị tướng lãnh cũ, các nghị sĩ hiện diện, đặc biệt có ông nguyên phó thủ tướng Tony Nguyễn Xuân Oánh, ông nguyên bộ trưởng bộ thông tin Phạm Thái [2] thuộc hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng hệ phái Vũ Hồng Khanh.
Thấy đã thông qua được các vấn đề chính, chủ tịch Trần Văn Đôn tuyên bố chấm dứt đại hội, yêu cầu các vị được đề cử vào ban chấp hành ở lại, để phân công các chức vụ, cụ thể là phó chủ tịch, tổng thư ký, trưởng ban chính trị, tuyên huấn, tổ chức, nhân dân tự vệ,…
Buổi họp bắt đầu với các vị tự giới thiệu. Tôi thấy ngán nghe “Tôi nguyên trung tướng, nguyên thiếu tướng, nguyên phó thủ tướng”, bỏ cuộc họp ra về trụ sở Mặt Trận ở số 3 đường Tự Do. Tôi cũng không hiểu, nếu ở lại, đến lượt, tôi phải tự giới thiệu là gì. Chẳng lẽ nói chức vụ là… thất nghiệp!!! Trụ đã bỏ về trước, nhắn tôi về thương cảng. Nếu không thấy, thì ra nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, ở bến tàu Sài Gòn.
Độ một giờ sau, toàn ban chấp hành về trụ sở. Ông Đôn cho tôi hay là bà Nguyễn Phước Đại được phân công làm phó chủ tịch, ông Nguyễn Xuân Oánh tổng thư ký, ông Thái Lăng Nghiêm trưởng tuyên huấn, ông Lê Phước Sang và thiếu tướng Phạm Văn Đỗng trưởng khối tổ chức, trưởng khối nhân dân tự vệ (không nhớ ông nào ở khối nào),… Riêng tôi, các ông tán thành cho vào trưởng khối chính trị. Ông Thái Lăng Nghiêm hoàn tất bản tố cáo cộng sản, kêu gọi dân chúng bình tĩnh, tỉnh táo tiếp tay quân lực ổn định tình thế.
Chủ tịch Trần Văn Đôn thường xuyên đi các địa phương hình thành các thành, tỉnh bộ của Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, đưa cao tiếng nói chống cộng về các nơi. Phải nhìn nhận rằng ngoài ông không ai khác có thể làm công tác này. Truyền thống còn trong quân đội, ông cần máy bay là lúc nào cũng có sẵn một chiếc C147; phái đoàn Mặt Trận đến đâu đều được quan chức địa phương tận tình giúp đỡ; các nhân vật được mời vào ban chấp hành thành, tỉnh bộ vui vẻ cộng tác. Việc đưa cao thái độ quyết liệt với giặc cộng (danh từ của ông Thái Lăng Nghiêm) dù chỉ được tổ chức vội vã theo nhu cầu trước mắt, nhưng đã đạt mục tiêu.
Phía ông Nguyễn Văn Thiệu đã lanh lẹ lấy lại quyền quyền lãnh đạo và cũng thành hình một tổ chức chính trị lấy tên là Lực Lượng Tự Do Dân Chủ, vào ngày 27-3, do ông Nguyễn Văn Hướng, tức Mười Hướng/Mười Lễ, xúc tiến với ông Trần Văn Ân. Lực Lượng đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa có hành động nào đáng nói. Hai lần, do sự móc nối của ông Phan Lê Châm, tức Phụ, tôi gặp các nhân vật chính của Lực Lượng. Nhưng câu chuyện không đi thẳng vào vấn đề mà gián tiếp đề nghị chỉ nên có một lực lượng, một chiến tuyến chống cộng mà thôi. Rồi một lần tại nhà tướng Landsdale ở đường Công Lý, với sự hiện diện của hai ông Trần Quốc Bửu, Đặng Văn Sung, vấn đề hợp nhất hai tổ chức được thẳng thừng nêu lên. Tôi không nói ra, nhưng không đồng ý, vẫn nuôi quyết định từ Mắt Trận Cứu Nguy Dân Tộc đi đến một tổ chức đối lập, tranh đấu cho dân chủ, tự do, mà tôi chắc chắn được sự đồng tình của nhiều nhân vật không cộng tác với đương quyền cũng như nhiều tổ chức chính trị vì thiếu phương tiện nên mới chỉ gọi là có mặt. Nhưng rồi chuyện đã thất bại. Do sự tính toán… thực tế của các ông Trần Văn Đôn, Nguyễn Xuân Oánh và sự yểm trợ gián tiếp của các ông Trần Quốc Bửu, Đặng Văn Sung.
Qua một buổi họp khoáng đại tại Nhà Kiếng, trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công, tiếng nói của Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc thật lạc lõng và kết thúc bằng sự đồng tình vào Dinh Dộc Lập nghe ông Thiệu nói về hiện tình. Sau đó, một liên minh bao trùm tất cả các đoàn thể được hình thành, mà ông Trần Văn Đôn làm chủ tịch.
– Nhân nói đến ông André Trần Văn Đôn, anh có đọc cuốn Việt Nam Nhân Chứng của ổng không, và anh thấy những điều ổng viết ra sao?
– Thật sự tôi không muốn đọc. Nhưng các anh đã hỏi, để tôi kiếm đọc xem sao.
1. Quê Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định nên bà biết rất nhiều về các nhân vật chủ chốt của cộng sản; bà xuất thân là đảng viên Duy Dân, rất thân với bà Đặng Thị Khiêm, tức bà cả Tề, thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng; sau 1954, bà gia nhập Việt Nam Phục Quốc Hội, là chủ tịch đoàn phụ nữ Quốc Dân Xã, tổ chức ngoại vi của Việt Nam Phục Quốc Hội, được tổ chức này đưa vào ban chấp hành trung ương của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng. Tị nạn tại Hoa Kỳ sau 1975, bà tích cực đóng góp tiền bạc, trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh cho dân chủ, rất nổi danh tại Miền Đông, ở tuổi gần 90.
2. Tức Anthony Giang, đã mất tại Sài Gòn. Xin đừng lầm với Phạm Thái bí danh của Nguyễn Ngọc Tân, bút hiệu Bảy Bốp, Xừ Rô Be, lãnh tụ Đại Việt hoặc Phạm Xuân Thái nguyên trung tá Cao Đài, đại diện Cao Đài tham gia chính phủ đầu tiên của thủ tướng Ngô Đình Diệm với chức vụ tổng trưởng thông tin.
Về Ông Trần Văn Đôn
– Theo câu chuyện lần trước, thì là các anh bị ông Đôn qua mặt?
– Ngay cả trước đó. Nếu cuộc bầu cử 1967 mà không có sự can thiệp của bàn tay lông lá, thì 90% Nguyễn Cao Kỳ sẽ là tổng thống. Giữa tình hình này, anh Đặng Văn Sung bảo là không thể chối bỏ thế mạnh của giới quân nhân, mà hai nhân vật đáng nói đến là đương kim thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng hồi hưu Trần Văn Đôn. Ta có thể vận động đưa một số anh em vào các cơ quan dân cử, thành hình một thế đối lập, mở đầu cho việc dân chủ hóa đất nước.
Anh đề nghị, với sự tán thành của anh Trần Quốc Bửu, khởi thủy thành lập một phong trào lấy tên là Phong Trào Nông Công Binh. Anh sẽ cho tôi những gì cần thiết và đưa người thân cận, anh Nguyễn Thúc Quýnh [1], tiếp tay. Tôi giới thiệu anh Quýnh cùng Phó Quốc Trụ và móc nối cùng Trần Văn Đôn đang ở Đà Lạt ngày ngày dạo phố và chợ Hòa Bình.
Sự nghiệp chính trị của Trần Văn Đôn bắt đầu bằng cuộc nói chuyện tại Hội Kỹ Sư Việt Nam, bài do anh Thái Lăng Nghiêm soạn và thuyết trình cho Trần Văn Đôn thấm nhuần, tại hãng giặt của cựu tướng Mai Hữu Xuân, ở bên kia cầu Bình Lợi. Phong Trào Nông Công Binh gây uy thế rất mau trong quần chúng, nhất là mập mờ với dư luận rằng để ủng hộ cho cuộc tranh cử của Nguyễn Cao Kỳ. Hiệp Hội Chiến Sĩ Việt Nam Tự Do cũng được thành hình vào dịp này với Trần Văn Đôn làm chủ tịch, trụ sở đặt tại 205 Hồng Bàng, một biệt thự rộng rãi của Bộ Quốc Phòng. Liên Danh Nông Công Binh hình thành, với thế NÔNG là sự yểm trợ của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo; CÔNG là sự yểm trợ của Tổng Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo; BINH là sự yểm trợ của Hiệp Hội Chiến Sĩ Tự Do.
– Anh đã đọc xong cuốn Việt Nam Nhân Chứng của ông Đôn chưa? Ông ta viết ra sao? – Xin bỏ qua mấy chương đầu: Từ tuổi trẻ vào thế chiến hai 1917-1944 và Tình hình biến chuyển 1946-1954. Thời gian này, tôi chỉ nghe nói ông là sĩ quan tùy viên của thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, có theo ông này ra Hà Nội. Những năm gần cuộc đảo chính 1963, tôi thấy ông vài lần trong Dinh Độc Lập. Ông chẳng biết tôi là ai. Còn tôi nhận ra ông nhờ bộ quân phục chỉnh tề, lon lá trên người. Dư luận khen ông là đã không xưng con với tổng thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, không xu nịnh, không tâng bốc.
Như nói trên, tôi thật sự biết ông vào cuối năm 1966 hay đầu 67. Mà là do sự thúc đẩy của anh Đặng Văn Sung, bước đầu của Phong Trào Nông Công Binh mà ông là chủ tịch, rồi đến Liên Danh Nông Công Binh mà ông là thụ ủy (điều kiện ông đưa ra với chúng tôi) ứng cử vào thượng viện Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa để tạo một thế đối lập với chính quyền, thực thi tự do dân chủ cho quốc gia. [Đọc Việt Nam Nhân Chứng thật buồn, thật tủi cho người Việt. Vì tôi biết thêm những điều mù tịt trong thời gian từ 11-63 đến 2-65, thời gian tôi bị giam giữ ở Tổng Nha Cảnh Sát và Côn Đảo về tội tay sai của chế độ cũ, tức Đệ Nhất Cộng Hòa. Buồn tủi vì thấy mấy ông “đảo chính” giết các người các ông vẫn phục vụ tận tình khi chưa được… phủ toàn quyền sách động, Rồi thì giải quyết việc đất nước như là của riêng. Nay đảo chính, mai chỉnh lý, mốt biểu dương lực lượng, ông này nhốt ông kia, rồi thủ thỉ: Các anh bị giữ là do âm mưu của thằng này thằng nọ, lộn xộn nhục nhã đến độ… quan toàn quyền Taylor hỏi: Các anh ở đây có ai biết nói tiếng Mỹ không?
May mà vào giai đoạn chót 1965-66, một số các… tướng trẻ đã cho các ông về hưu non; cho ông tướng phường chèo suốt đời làm… đại sứ lưu động; giữ được vài năm gọi là tạm ổn định, để đất nước sang một giai đoạn mới, có quốc hội, có hiến pháp, có bầu cử, dù là độc cử.
Trước khi đi vào vấn đề ông Đôn viết, kể từ chương “Từ biến động Miền Trung đến Đệ Nhị Cộng Hòa” như lời tự kể của một… chính trị gia, xin thuật lại lời mà, sau cuộc đảo chính không lâu, tại tòa đại sứ Mỹ, chính ông đã nói với thượng tọa Trí Quang: Chuyện chính trị và tôn giáo không phải của tôi (trang 239). Có thể lúc đó ông không quan tâm đến chính trị bằng sau khi bị cho về hưu và được các ông Thái Lăng Nghiêm, Cao Dao,… hàng tuần tới xưởng giặt của ông Mai Hữu Xuân nói cho ông nghe về tự do dân chủ, viết bài cho ông đọc ở Hội Kỹ Sư trong Chợ Lớn.
Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, ông ta nói đến một chủ nghĩa do ông sáng tạo là Dân Tộc Tự Tồn. Chẳng hiểu ai đã đưa cho ông cái tên này, chứ Thái Lăng Nghiêm hay Cao Dao không thể… thức thời đến độ nói đến tự tồn. Trong một trào lưu quốc tế không một quốc gia nào không chịu ảnh hưởng của một đại cường, thì… tự tồn vào đâu?
Tôi lại xin kể một việc lý thú: Ông ta viết một bức thư dài 13 trang, vì chữ viết lớn hàng 1/3 cm, gửi cho tôi, về P.O. Box của tòa báo Việt Nam Hải Ngoại, nhận đủ các sai lầm, bậy bạ về đàn bà, bỏ rơi anh em sau vụ 1975,… Ông mong tôi quên các chuyện xưa, anh em quay lại cộng tác, vì lúc nào ông cũng “dành cho tôi một vị trí quan trọng”! Đọc xong thư này, tôi bỏ thùng rác, thì Đinh Thạch Bích giữ lại, bảo mai sau cần, để đốn chặt hết cái đuôi của Việt Nam Cộng Hòa nối dài (chữ của Bích).
Chưa hết. Thêm một chuyện khác đẩy tôi và ông xa nhau hẳn. Nguyên là vào cuối 1977 hay 78, ông in xong cuốn hồi ký thứ nhất bằng tiếng Anh, do một ký giả viết hộ, lấy 3000$US để giải quyết việc gia đình, tựa là Our Endless War. Ông gửi xuống nhà báo Việt Nam Hải Ngoại, nhờ tôi giới thiệu. Ngay sau khi nhận được, Bích đã đọc ngay, vì biết tôi không thạo tiếng Mỹ. Sáng hôm sau, Bích điện thoại cho tôi, cho hay nhận được cuốn sách, đã đọc xong, và ngay sau đó làm tóm tắt cùng giới thiệu: Siêu Việt gian Trần Văn Đôn tự lột mặt nạ. Tôi hỏi đã đưa nhà in chưa. Bích trả lời: Rồi. Tôi còn nói năng gì được nữa. Mấy tháng sau, gặp nhau ở Hoa Thịnh Đốn, anh Lê Văn Bình [2] cho hay là ông Đôn giận lắm. Tôi cũng chỉ cười, vì thật sự cũng có phần nào đồng ý với Bích].
*
Quay về với những vấn đề của nhân vật André Đôn, từ quân nhân thành… chính trị gia.
Quả ông là một anh nói láo không biết ngượng mồm.
Bắt đầu là việc hình thành Liên Danh Nông Công Binh. Việc này hoàn toàn do anh Đặng Văn Sung đặt vấn đề, là nên chuẩn bị ứng cử vào cơ quan lập pháp và phải khai thác lợi thế của giới quân sự, đặc biệt là Nguyễn Cao Kỳ, chắc chắn sẽ đắc cử tổng thống, và thứ nữa là Trần Văn Đôn.
Đề nghị tiên khởi của anh Sung là hình thành, để thăm dò, một tổ chức lấy tên là Phong Trào Nông Công Binh, đưa Trần Văn Đôn làm chủ tịch, rồi tiến đến việc lập Liên Danh Nông Công Binh ứng cử thượng viện. Anh Sung cho Nguyễn Thúc Quýnh thường ngày làm việc với tôi hình thành Phong Trào nói trên. Quýnh đã giúp tôi rất đắc lực.
Nói về Liên Danh Nông Công Binh, trong sách, ông Đôn viết nơi trang 379 là ông và ông Tôn Thất Đính đã thành lập liên danh này. Thực ra, Liên Danh có 10 người, ông nói với tôi là “phải có Đính, có Đôn thì phải có Đính”, còn ngoài ra là những ủy viên do các anh Đặng Văn Sung và Trần Quốc Bửu giới thiệu, như các ông Trần Điền, Thái Lăng Nghiêm, Hồng Sơn Đông, Phạm Nam Trường, Trịnh Quang Quỹ, Lê Văn Thinh, K’sor Rot. Anh Sung nạp đơn liên danh và chính anh đề nghị ông Đôn làm thụ ủy còn Phó Quốc Trụ thì liên lạc với tòa án bạch hóa lý lịch của hai ông Đôn Đính.
Chẳng làm gì có chuyện “Nguyễn Cao Kỳ tính mời ông làm phó tổng thống nếu hiến pháp cho phép”. Cũng chẳng làm gì có chuyện ông “giới thiệu luật sư Nguyễn Văn Lộc với Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Cao Kỳ muốn ông nhận chức vụ thủ tướng nếu đắc cử”. Làm gì có chuyện Nguyễn Cao Kỳ “nghe tin tôi và ông Đính ăn tết ở Đà Lạt và cùng vào thủ ở Đại Học Quân Sự nên đưa trực thăng lên đón về Sài Gòn”. Người làm việc này là Phó Quốc Trụ, người lái trực thăng là Đặng Kim Qui. Mà là đón một tuần sau cuộc tổng tấn công của cộng sản.
Còn chính Nguyễn Cao Kỳ đã cho trung tá Nguyễn Văn Thập [3] đưa trực thăng xuống Mỹ Tho đón ông Nguyễn Văn Thiệu về Sài Gòn, từ chối mấy đề nghị… động trời của mấy người thân.
Về đến nơi, Ông Thiệu mau lẹ lấy lại quyền lãnh đạo, nên làm gì có “phiên họp nội các chính phủ, ông Kỳ có mời một số nghị sĩ dân biểu đang có mặt ở Sài Gòn cùng họp. Trong phiên họp này, tôi đề nghị nên có một khối nhân dân để yểm trợ chính quyền trong lúc này. Nghe như vậy, ông Kỳ đề nghị tôi đứng ra thành lập. Tôi đồng ý với điều kiện là chánh quyền không xen vào nội bộ của chúng tôi” (trang 383).
Hội Nghị mà ông Đôn nói ở trang 384 là Hội Nghị Đoàn Kết Dân Tộc họp sau cuộc tấn công của cộng sản tại rạp Rex.
Hội Nghị có nhiều nhân vật tham dự, nhưng nếu tôi nhớ không lầm, thì không có các ông Hà Thúc Ký, Huỳnh Văn Nhiệm. Ông Trần Văn Đôn không có mặt, đang ở Đà Lạt ăn tết.
Hội Nghị hình thành Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, bầu ông Đôn (lúc này đã được Phó Quốc Trụ cho đón về) làm chủ tịch, bà Nguyễn Phước Đại phó chủ tịch và không có “cố vấn đoàn với các vị: luật sư Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng Viện; ông Nguyễn Bá Lương, chủ tịch Hạ Viện; linh mục Hoàng Quỳnh, Thiên Chúa Giáo; ông Cao Hoài Sang, Cao Đài; ông Lương Trọng Tường, Hòa Hảo” như nơi trang 384 hồi ký của ông Đôn.
Song song với Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, ông Thiệu chỉ thị ông Nguyễn Văn Hướng, tổng thư ký Phủ Tổng Thống, lập Lực Lượng Tự Do Dân Chủ với ông Trần Văn Ân,… có sự ủng hộ của bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ và ông Phan Lê Châm (tức Phụ), thuộc đảng Đại Việt. Bác sĩ Hỷ có tìm tôi lại nhà, nói chuyện kết hợp hai lực lượng. Tướng Landsdale, với sự hiện diện của anh Đặng Văn Sung, Trần Quốc Bửu cũng ngỏ ý mong hai tổ chức thống hợp. Chúng tôi cương quyết từ chối. Lý do rất giản dị là anh em muốn tiến đến một lực lượng đối lập. Nếu chiều theo các ông, thì kết cục chúng tôi chỉ là bung xung của ông Thiệu. Chúng tôi ở đây là những người sau ở trong bộ tham mưu của Liên Danh Kỳ-Lễ (sau này, sang Huê Kỳ tị nạn, tâm tình với anh Sung ở San Diego, chúng tôi mới hiểu tại sao anh không hưởng ứng việc lập Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc mà lại hưởng ứng đề nghị của tướng Landsdale cùng các ông Nguyễn Tiến Hỷ và Phan Lê Châm).
[Sau, tôi lại cũng mong manh biết hai ông Trần Văn Đôn và Nguyễn Xuân Oánh đã đầu hàng ông Thiệu qua ông Nguyễn Văn Hướng vì hi vọng rằng, trong nội các Trần Thiện Khiêm, sẽ được mời tham gia, nhắm bộ Quốc Phòng hay Kinh Tế, rút lại chỉ được bộ Cựu Chiến Binh cho thiếu tướng Phạm Văn Đỗng, đền đáp khi là tổng trấn Sài Gòn năm 1955 (nội các Trần Văn Hương) đã can thiệp lấy tôi từ Côn Sơn về trả tự do].
Thái độ hai ông chủ tịch và tổng thư ký Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc đã hoàn toàn bộc lộ trong phiên họp tại Nhà Kiếng, trụ sở Tổng Công Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo Việt Nam mà ông Trần Quốc Bửu là chủ tịch.
Mục đích cuộc họp này là định thái độ trước lời ông Thiệu mời các đoàn thể chính trị vào Dinh Độc Lập thảo luận về tình hình đất nước. Trong lúc đang thảo luận sôi nổi, thì ông Hướng đột ngột đến, đi đi lại lại trong phòng với câu hỏi duy nhất là:
– Thế nào, các anh đã dứt khoát bao giờ vào gặp ông tổng thống chưa?
– Chúng tôi còn đang thảo luận.
Ông Hướng liền nhìn thẳng hai ông Đôn và Oánh hỏi:
– Chiều qua, các anh đã nói gì trong văn phòng tôi?
Thế là đủ, còn gì mà thảo luận! Ngày hôm sau, các ông lũ lượt vào nghe ông Thiệu nói liền tù tì cỡ ba tiếng.
Và, sau đó, sau hai phiên họp tại Nhà Kiếng, quyết định hình thành một liên minh tên rất dài tôi không còn nhớ. Ông Đôn là chủ tịch, được ông Thiệu cấp một trụ sở khang trang cùng một số tiền tôi không rõ là bao nhiêu, rồi âm thầm đi vào quên lãng, cũng là lúc ông Hướng không còn ở chức tổng thư ký Phủ Tổng Thống và sự chào đời của nội các Trần Thiện Khiêm.
Mộng ước của ông Đôn là loay hoay để được trao chức thủ tướng hầu sắp xếp lại cuộc cờ Việt Nam trong tình thế mới: Hòa hợp hòa giải, thiết lập chính phủ ba thành phần,… hi vọng vào sự môi giới của một ủy viên Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, giáo sư Phạm Văn Diêu, cháu của thủ tướng Hà Nội Phạm Văn Đồng. Tiếc rằng mộng ông… quá lớn, cuối cùng cũng chỉ được đến phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng của một nội các 7 ngày. Thành tích của ông chỉ là chạy quanh gọi là… thăm tiền tuyến cùng là người truyền tin của ông Hương cho ông Minh là ông Hương sẵn sàng trao quyền cho bất cứ lúc nào (trang 472): “Tôi và ông Nguyễn Xuân Oánh lại tòa đại sứ Pháp và Mỹ cho biết sự việc vừa xảy ra, và báo ông Minh việc làm sắp tới” (trang 478).
Tội nghiệp, cuối cùng, đến chức bộ trưởng quốc phòng của nội các Vũ Văn Mẫu cũng không xong: “Nay ông Minh cho tôi biết Hà Nội không muốn có một người nào trong nội các cũ ở lại trong nội các mới” (trang 478, những dòng cuối). Tuy vậy, vẫn làm… nhiệm vụ đến phút cuối (xin xem các trang 476-77), để rồi lại chạy quanh chạy quẩn, tìm đường ra đi (trang 478), tới tòa đại sứ Mỹ không được, đến Duc Hotel của Mỹ cũng không xong, may sao gặp cô Hà Hiến Lang, thư ký của Polgar, “sếp CIA Sài Gòn, nhường chỗ gia đình cô”, mà rời Sài Gòn tại cao ốc 9 từng, từng dưới là văn phòng Alliance Francaise, 8 từng trên là của CIA, và đúng là giã biệt bạn bè, thân thích, nên trong thư gửi cho tôi sau này xin lỗi “đã bỏ rơi anh em”.
Tôi có ba người bạn trẻ Dương Hồng Duyệt, Dương Hồng Ngọc, Ngô Quốc Việt là những chuyên viên viết tham luận, diễn văn cho ông. Ba người được lịnh chờ ông ở 105 Hồng Bàng, nhà riêng của ông.
Chuyện ông Đôn nếu kể hết thì quá dài. Tôi chẳng muốn nói đến ổng làm gì, nhất là ổng đã qua đời, nhưng là vì các bạn ân cần hỏi và vì lời mở đầu sách ông viết: Thực hiện một công trình (vừa) có tính chất sử…
1. Bí danh Lai Huy Tạo, cán bộ hồi chánh, thanh tra Nha Bình Định do ông Đỗ Đình Đạo (VNQĐ) làm giám đốc, cũng đỡ đầu cho Quýnh lập gia đình. Hiện Quýnh tạm cư tại Olympia, WA
2. Người biết nhiều cả về ông Thái Trắng lẫn ông André Đôn. Khi là nhân viên tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Miền Trung, ông này đã liên lạc cùng các nhân vật đảng phái tích cực giúp Liên Danh Nông Công Binh và sau đó giúp phát triển Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc tại Miền Trung, hiện nay ở Arlington VA
3. Hiện tạm cư tại Canada.
Cuộc Tuyển Cử Tổng Thống 1971
– Lần này, xin anh cho biết về vụ bầu tổng thống năm 1971.
– Đây là cuộc tuyển tổng thống đặc biệt. Đặc biệt vì là một cuộc tuyển cử mà chỉ có độc một liên danh… tranh cử và trước đó là một liên danh bỏ cuộc nửa chừng, tiếp theo là một liên danh… được mời nhưng rồi cũng bỏ cuộc. Có nhiều vấn đề liên quan xa gần đến cuộc tuyển cử này, như từ Phong Trào Nông Công Binh đến liên danh Nông Công Binh tranh cử thượng viện, mà ông nguyên trung tướng Trần Văn Đôn, người hùng của cuộc đảo chính 1963, là thụ ủy, ông Đặng Văn Sung, lúc đó là chủ nhiệm nhật báo Chính Luận, là người chủ xướng, ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo, yểm trợ. Còn nhiều nữa, như cuộc tổng nổi dậy Mậu Thân của cộng sản, Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, vai trò của ông thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ,…
Toàn bộ xin được kể lại trung thực bởi… nạn nhân trong cuộc. Sự việc thì không sai, nhưng thời điểm thì có thể, vì đây chỉ là hồi ức, không còn một chút tài liệu nào để tra cứu, nên mong các anh tha thứ cho.
Chuyện này nói nhiều đến ông Nguyễn Cao Kỳ nên, trước khi vào chủ đề, xin cố quay lại một vài việc của Ban Hành Pháp Trung Ương, ít dòng về ông Nguyễn Cao Kỳ để công bằng trả lại ông đôi điều gọi là đẹp, để các anh đánh giá lại ông, ngoài chuyện hiện tại cò mồi cho nghị quyết 36 của cộng sản, chối bỏ lập trường vốn dĩ được coi là chống cộng cực đoan của ổng. Tại sao, thì chỉ có ông, bà vợ Nicole Kim và cộng sản rõ. Để được gì, thì cũng chỉ hai người và người biết sự việc mà thôi.
a. Đôi điều về ông Kỳ và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương
Thời vàng son của ông Kỳ là khoảng từ tháng Tư 1965 đến tháng Một 1967. Ngày đó, tôi vừa ở Côn Đảo về (30-1-65), do sự can thiệp của ông thiếu tướng Phạm Văn Đỗng, tư lịnh Biệt Khu Thủ Đô. Ngày 19-2-65, Phạm Ngọc Thảo từ Hoa Kỳ về đảo chánh tướng Nguyễn Khánh. Mưu sự chẳng thành, di hại cho một số người, trong đó có tôi.
Ông bạn vàng Phạm Văn Liễu, tổng giám đốc Cảnh Sát Công An, cho người đến bắt tôi, nhưng tôi đã nhanh chân chạy vào trú ẩn ở tư dinh thiếu tướng Đỗng ở Chợ Lớn. Thiếu tướng Đỗng điện thoại hỏi ông bạn vàng của tôi, thì ông trả lời:
– Không bắt thằng ấy thì bắt ai?
Tôi trốn ở nhà thiếu tướng Đỗng hai ba tháng gì đó, thì xảy ra chuyện tranh chấp giữa hai vị… thượng đẳng của hàng ngũ chống cộng: Cụ Phan Khắc Sửu quốc trưởng và ông Phan Huy Quát thủ tướng chính phủ dân sự. Thế là Hội Đồng Tướng Lãnh lại họp, và quyền dân sự được trao lại cho Hội Đồng.
Tướng Đỗng mất chức tư lịnh. Tôi phải khăn gói lánh mặt, lên Đà Lạt. Một buổi sáng, qua đài phát thanh, tôi được nghe nội các chiến tranh ra đời. Và chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương giới thiệu các ủy viên. Nếu tôi nghe không lầm, thì ông ta đã giới thiệu hai vị ủy viên, một là còn trẻ phải học hỏi nhiều, một thì chỉ mới… biết tên mà chưa rõ họ. Lời giới thiệu thật đặc biệt, thật độc đáo. Tôi buồn năm phút. Sau đó, qua tai nạn, về lại Sài Gòn, lại được nghe mấy câu khác, mà chỉ có ông mới phát ngôn. Hai câu tôi ghi nhớ:
– Ngoài 35 tuổi là không hữu ích nữa.
Và:
– Ông nào từ chức, tôi đưa mấy chú hạ sĩ, trung sĩ thay thế. Thật độc đáo, nhưng chưa hết. Vì lần này, nạn nhân lại chính là tôi. Một ngày giữa mùa tuyển cử, lúc đó ông là phó tổng thống, sau những trao đổi về tình hình, trong hơi men, ông bảo tôi:
– Ông rất giỏi, nhiều kinh nghiệm, nhưng sinh ra dưới một ngôi sao xấu, nên chỉ làm đầy tớ. Còn tôi, sinh ra dưới một ngôi sao tốt, nên tôi làm… vua! Tôi biết mình là ai, giá trị như thế nào, nhưng thật sững sờ, cố nén tủi hờn, nghĩ đến một thỏa thuận cùng mấy anh em thân. Đầu tiên là anh Đặng Văn Sung cả cuộc đời chỉ nghĩ đến dân chủ hóa Việt Nam, rồi Thái Lăng Nghiêm, Cao Dao, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Hưng Vượng,… Tất cả đều trong tay bọn quân nhân, phải nương vào họ mà tạo thế đối lập đòi hỏi tự do dân chủ.
Đó là lý do có liên danh Nông Công Binh đắc cử vào thượng viện, trong đó có các anh Đặng Văn Sung, Trần Điền, Thái Lăng Nghiêm,… để rồi, theo tôi, cũng chẳng làm được gì cho chủ trương tự do dân chủ. Nhưng xin để sang một bên để quay lại với ông Nguyễn Cao Kỳ.
Bốc đồng, nói năng bừa bãi, ham chơi, mê mạt chược, xì phé thì có lẽ ai cũng đã biết. Nhưng không phải là ông không có những đức tính tốt mà ít người có. Ông không phải là người tham nhũng. Mẩu chuyện sau đây là điều tôi ghi nhớ. Một lần, giữa bữa ăn trưa, ông nói cùng tôi và mấy sĩ quan hiện diện:
– May mà cái anh Lý Long Thân này không kiên nhẫn, ngồi thêm một lúc nữa thì có lẽ tôi cũng thành tham những. Anh ta đang đề nghị việc có thể đem lại cho tôi một số tiền lớn, bà vợ cứ lấy chân ra hiệu bảo tôi nhận.
Nhiều người đồn đại là ông dính dáng đến những tổ chức buôn thuốc phiện lậu từ Lào. Tôi có thể cam đoan là hoàn toàn không có.
Sau cuộc tuyển cử 1971, tôi không nhớ là ngày nào, cơ quan an ninh của ông Thiệu cho ông cò Nâu, cảnh sát trưởng Quận II, đến văn phòng của tôi ở số 2 đường Tú Xương và 169 Công Lý… mời tôi đi làm việc. Một cộng sự viên của tôi nhanh trí cho tôi hay. Và ngay sau đó, tôi lánh mặt ở trại Phi Long sáu tháng. Ngày cũng như đêm, tại đây có bàn mạt chược hay chắn cạ cho đàn bà.
Tôi lánh mặt cùng ông Nhị Lang, nguyên cố vấn Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến, nguyên tổng thư ký Hội Đồng Quân Dân Cách Mạng, đại diện cho liên danh Kỳ-Lễ. Hai chúng tôi vì không biết bài bạc, lang thang suốt ngày quanh trại, lê la trò chuyện với các sĩ quan tùy viên, an ninh. Nếu có, thì không thể qua mặt chúng tôi. Ông Kỳ biết việc làm bất hợp pháp này là có bàn tay của bà chị ruột, bà Tỵ. Có lần, đang bữa cơm, bà này vào, ông quay lại hỏi:
– Bà trùm buôn lậu đã ăn cơm chưa?
Nói đến tiền bạc, chẳng cần buôn lậu, ông cũng dư cơ hội để có tiền, có nhiều tiền. Có thể không bằng các ông Thiệu, Quang, Khiêm, Khuyên hay quí vị đang quản trị đất nước, nhưng ông đã ra đi tị nạn với 40 đô la trong túi. Tạm cư ở Mỹ, những cái ông có được là căn nhà ở Virginia, tiệm rượu ở Norwalk California, phần lớn là nhờ bên ngoại. Tầu đánh cá ở Louisiana là do các bạn bè không quân lo góp. Nhưng rồi ông đã mất hết, để được một bà, vợ của sĩ quan bạn, có lẽ là người đẹp Triệu Minh mà hàng ngày ông kẻ lông mày.
Một điểm son nữa là ông quí hóa bạn bè, tận tình giúp đỡ những sĩ quan cấp dưới. Tôi chứng kiến một lần — sau bữa tiệc ăn hỏi Tuyết Mai mà tôi là đại diện nhà trai, theo lời yêu cầu của chị Đặng Trần Học (mẹ Tuyết Mai) đang chữa bịnh ở Pháp — ca sĩ Khánh Ly sửa soạn hát bài Cho Một Người Nằm Xuống, ông đã nói:
– Ông Nguyễn Bảo Trị nói cô ca sĩ đừng hát bài này,
Mắt ông rưng rưng. Phải chăng ông đã khóc Phó Quốc Trụ, khóc Lưu Kim Cương,… Nên tôi có cái nhìn khác về ông.
Sáng hôm sau, ông cho ông Đặng Đức Khôi đón tôi ra hồ Xuân Hương ăn sáng, nhìn trời trăng mây nước, nói chuyện linh tinh, chẳng có gì cụ thể. Cho vui câu chuyện, tôi đã ngợi khen tổ chức nội các chiến tranh. Ông lảng sang chuyện khác. Tôi tò mò tìm hiểu, vì đây là chương trình đổi mới hành chánh của phe bác sĩ Tuyến, nếu đảo chính, dự mưu vào 15-8-63, thành công: đổi tổng bộ trưởng thành ủy viên, song song với một hệ thống chính trị ngang hàng. Người được giao nhiệm vụ tổng kết là anh Nguyễn Văn Anh. Tham gia thảo luận có các anh Như Phong Lê Văn Tiến, Nguyễn Hữu Dương (tức Hà Minh Lý), Phan Lê Châm (tức Phụ),… Sau này, gặp Như Phong, tôi có hỏi, Phong chỉ cười cười trả lời là:
– Biết rồi, hỏi làm gì nhiều?
Hỏi anh Anh, anh nói đó là phần hành chính, còn nửa phần chính trị, anh chưa hoàn tất.
Nhắc lại những việc trên, tưởng không thể quên một quyết định bốc đồng, nhưng rất đẹp của ông đối với các nhân vật thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa còn bị giam giữ. Trong một lần họp nội các, hồ sơ hai Ủy Ban Điều Tra Tội Ác và Điều Tra Kinh Tài Bất Hợp Pháp được trình lên. Ông chỉ nhìn qua, rồi kết luận:
– Ai có hồ sơ đưa ra tòa, thì chuyển sang tòa. Còn những ai không rõ rệt, thì trả tự do cho người ta.
Ông ủy viên nội vụ Trần Minh Tiết đã nhân câu nói này, trả tự do hết các nhân vật đang bị giam ở Chí Hòa. Đáng kể là có quí ông Trần Kim Tuyến, Cao Xuân Vỹ, Mã Tuyên, Nguyễn Lương, Ngô Trọng Hiếu,…
Kết luận về ông, yêu ghét hay coi thường thì cũng nên ghi nhận là, gần hai năm, ông nắm trọn quyền thì hai năm tạm coi là ổn định, sau một chuỗi ngày dài đảo chính, chỉnh lý, biểu dương lực lượng,… hỗn độn, mất an ninh trật tự, sáng chói hào quang chống cộng, luôn luôn kêu gọi bắc tiến làm sạch bóng quân thù. Hào khí của ông đã sáng rực tại nhà thờ Lộc Hưng, xã Tân Sa Châu, khi ông kêu gọi mọi người tử thủ, chiến đấu, đừng chạy sang Mỹ, vì Mỹ không có cà pháo mắm tôm, chỉ có sữa, uống đau bụng. Nhưng rồi chiều 29-4 ông lên trực thăng đi tị nạn. Cũng bánh mì kẹp thịt như ai, cũng uống sữa Mỹ mà không… đau bụng. Tình hình thay đổi, ông xoay 360 độ, về thăm thù cũ, quay mặt lại với bạn bè xưa, kêu gọi hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận thù. Cũng như ông đã xa Triệu Minh xưa, người nữ tiếp viên hàng không mà ông khổ cực chiếm đoạt, để kẻ lông mày cho một Triệu Minh mới, có nhà một buồng ở Hong Kong, có tí ti móc nối với tể tướng Phan Văn Khải, qua cậu quí tử Hoàng Ty, hi vọng được chút gì để an hưởng tuổi xế chiều.
Có may, thì cũng chỉ được chút cháo. Chứ không thể làm vua, như ông đã nói.
b. Việc vận động
Cuộc vận động chính giới có chiều thuận lợi.
Trước mắt, việc tham gia tuyển cử của ông Kỳ được nhắc nhở ở nhiều nơi. Không trực tiếp nhìn nhận, nhưng chắc đang ngồi chơi sơi nước, đi dần vào lãng quên, nay được nói đến là đối thủ ngang cơ với ông Thiệu, hẳn ông ta cũng thấy phấn khởi.
Ứng cử viên Dương Văn Minh-Hồ Văn Minh được Hội Liên Trường (thuần túy của người Nam) đưa ra thăm dò dư luận.
Báo chí bắt đầu để ý tới. Một hai ký giả ngoại quốc mon men tới 2 Tú Xương tìm tin. Ngoài ra, tôi phải tiếp khách không ngừng. Già có, trẻ có. Anh em sinh viên, thương phế binh,… Nhất là các hội viên cũ của Việt Nam Phục Quốc Hội mà tôi từng là hội trưởng Miền Bắc. Một vài vị cách mạng lão thành mà tôi đưa lên tạm cư nơi do quân đội Cao Đài thiết lập hồi tháng Bảy 54, như cụ Hoàng Nam Hùng, cụ Tạ Nguyên Minh (cố vấn của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam) cùng hai ba cụ nữa mà tôi quên tên, tình nguyện làm vận động viên cho ông Kỳ. Bộ tham mưu thường xuyên họp ở văn phòng anh Nguyễn Văn Anh. Có thêm hai trung tá Cục Tâm Lý Chiến Trần Văn Bình, Hoàng Văn Toại rất có khả năng. Hàng ngày tôi bận ở văn phòng. Chỉ tối mới ghé lại, góp ý cùng những vị có mặt. Anh Anh nhận trách nhiệm ghi hết các ý kiến, đúc kết thành chương trình tranh cử, hoàn tất khi liên danh dứt khoát thành hình. Nhiều ý kiến về kế hoạch vận động cử tri cũng được các nơi đóng góp. Các bạn trẻ ở Tú Xương cho rất nhiều ý kiến, tôi nhớ có các anh luật sư Nguyễn Viết Thụ, Ngô Quốc Việt, Dương Hồng Duyệt, Dương Hồng Ngọc, Trần Vĩnh Hòa. Tối nào tôi cũng chuyện trò với các anh thật khuya. Không khí thật nhộn nhịp. Ba mối bận tâm của chúng tôi là ông Kỳ sẽ liên danh cùng ai, làm sao thu cho được 100 chữ ký của nghị viên, và dấu hiện tranh cử.
c. Liên danh Kỳ-Lễ
Người giúp chúng tôi giải quyết khó khăn đầu không ngờ lại là anh bạn trẻ người thân cận với linh mục Hoàng Quỳnh. Nhân vật anh đề nghị là cụ Trương Vĩnh Lễ, một nhân vật rất uy tín của công giáo, một nhà tư sản được biết đến nhiều và được chính linh mục Quỳnh giới thiệu.
Sau khi gặp linh mục Quỳnh, chúng tôi ngả về cụ Lễ. Và các bạn ở cư xá Tam Đa cũng đồng ý. Lúc đó cụ Lễ còn là chủ tịch một ủy ban qui tụ một số tổ chức chính trị.
Anh bạn trẻ cầm thư giới thiệu của linh mục Quỳnh đưa tôi lại gặp cụ Lễ tại nhà, ở 72 đường Trương Minh Giảng. Mới đầu, cụ ngập ngừng đọc đi đọc lại thư của linh mục Quỳnh. Chúng tôi hết sức thuyết phục. Cụ hứa sẽ hỏi lại tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và linh mục Quỳnh xong, sẽ trả lời ba ngày sau.
Chúng tôi rất mừng vì được cụ Lễ là được cảm tình của khối công giáo, ăn đứt Dương Văn Minh, kể cả Nguyễn Văn Thiệu, những người chủ chốt trong cuộc đảo chính 1963, đưa đến cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm, thần tượng của giáo dân. Tôi mong kỳ hạn ba ngày chóng qua. Kết cục, cụ Lễ đã nhận lời một cách hết sức sốt sắng. Tôi nhân danh ông Kỳ mời cụ vào Trại Phi Long ăn cơm trưa cùng ông Kỳ. Suốt bữa ăn, tôi là người phải nói nhiều nhất để hai nhân vật hiểu rõ về nhau. Cụ Lễ rất kẻ cả, tình nguyện góp 2 triệu theo luật tuyển cử, nhận in tất cả các loại tài liệu tại nhà in của cụ ở khu Tân Định. Sau 2 giờ thông cảm (tạm cho là như vậy), tôi đưa cụ Lễ về. Đòi hỏi duy nhất của cụ là cấp cho cụ một thẻ ra vào Trại Phi Long để mỗi lần vào đánh gôn cụ không phải chờ lâu ở cổng. Không ngờ cụ hiền, đáng trọng quá vậy. Tạ tình, tôi luôn luôn tới thăm, lần nào cụ cũng hỏi cần gì cứ cho cụ biết.
Nhiều lần, tôi nói với ông Kỳ trên đường từ Cercle Sportif về qua Trương Minh Giảng ghé thăm cụ cho phải phép. Tôi cũng dặn viên sĩ quan tùy viên nhắc ông ta hàng ngày. Mà hình như chỉ có một lần y nhắc lại, nhưng ông Kỳ cũng không gặp riêng cụ Lễ lần nào. Nhớ lại, chỉ có mấy lần đi nộp đơn ở Tối Cao Pháp Viện, hai ba lần họp báo, và lần họp báo cuối tuyên bố không ra tranh cử.
d. Cuộc vận động kiếm chữ ký
Chuyện này mới thật gay go. Phân tích danh sách nghị viên, chúng tôi có thể kiếm được, 40/50 vị, vậy phải làm sao thu gọn được 58 nghị viên chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Miền Trung (đã nghiêng về Dương Văn Minh).
Chị Cao Dao giới thiệu với thượng tọa Tâm Châu. Chúng tôi không tin ông giúp được gì. Vì Miền Trung là lãnh vực của các thượng tọa Trí Quang và Thiện Minh. Chúng tôi đã nghĩ cả đến một số ký giả ngoại quốc mà Phạm Xuân Ẩn thường đưa đi phỏng vấn thượng tọa Trí Quang. Đáng kể có Robert Shaplen, chủ của Nguyễn Hưng Vượng. Nhưng y lại không có mặt tại Sài Gòn.
Thật là bối rối. Không ngờ Nguyễn Văn Tá (đã mất tại Sài Gòn cuối tháng Tư vừa qua, tên thật là Đặng Trần Xuân, mà mới đây tôi mới biết là “thiếu tướng anh hùng quân đội nhân dân” Ba Quốc), giới thiệu chúng tôi với Hoàng Văn Giàu [1] rất có ảnh hưởng với thượng tọa Mãn Giác.
Tôi được cảm tình của thượng tọa Mãn Giác ngay buổi gặp đầu. Thượng tọa bảo từ từ, để liệu lời với thượng tọa Thiện Minh và Trí Quang. Mấy hôm sau, tôi được thượng tọa Thiện Minh tiếp và nói thượng tọa Mãn Giác đưa tôi đến chùa Ấn Quang thưa chuyện cùng thượng tọa Trí Quang, còn cẩn thận dặn tôi là thày Trí Quang khó lắm, phải nịnh khéo, chỉ có ông mới lấy được 58 giấy giới thiệu của các nghị viên Miền Trung.
Rồi khó khăn cũng qua. Sau một giờ nghe thượng tọa nói, ông đưa cho tôi một thư trong phong bì dán kín, bảo tôi đưa trung tá Nguyễn Khoa Danh chuyển ngay ra cho thân phụ là cụ Nguyễn Khoa Phẩm, chủ tịch hội đồng nghị viên Thừa Thiên (Huế). Phải nhận là thượng tọa Trí Quang uy quyền tuyệt đối ở Miền Trung. Ba ngày sau, trung tá Danh đưa về đủ 58 giấy giới thiệu của nghị viên Miền Trung. Lực lượng người Việt gốc Miên cũng giúp chúng tôi kiếm được sự giới thiệu của những nghị viên ở các tỉnh biên giới Việt Miên. Sự yểm trợ này là nhờ thượng nghị sĩ Sơn Thái Nguyên (em ruột ông Sơn Ngọc Thành, nguyên thủ tướng Cao Miên thời Nhật, mà theo lịnh ông Ngô Đình Nhu, tôi đã giúp xây dựng chủ lực người Việt gốc Miên tiến hành việc lật ông Sihanouk để ông lên thay; công tác này thực hiện tuyệt mật, qua mặt người Mỹ, bác sĩ Trần Kim Tuyến cũng chỉ lo yểm trợ mà không đi sâu vào công tác). Ông Sơn Ngọc Thành thân hành đi cùng một người tay chân đến từng địa điểm có người Việt gốc Miên để giới thiệu và vận động cho liên danh Kỳ-Lễ.
Một người bạn cư trú đã lâu trên đất Chùa Tháp mách chúng tôi là chính quyền Cao Miên, lúc đó là tướng Lon Nol, rất có cảm tình với ông Kỳ và cũng ảnh hưởng được một phần vào các dân tộc ít người ở Cao Nguyên. Đại tá Lon Nol em tiếp tôi rất niềm nở, giới thiệu cùng mấy trung tá gốc Ê Đê, Rađê,… Ông còn cho vay 100,000 dollars (số tiền này về sau Đặng Đức Khôi và Hoàng Hữu Tín sang nhận, rồi chi vào việc gì, tôi không rõ).
Kiểm điểm lại tất cả, chúng tôi thấy phần nào yên tâm. So sánh ngay với liên danh Thiệu-Hương, nếu chỉ là quần chúng cử tri, thì không thua sút, chỉ e ngại những… trò xiệc, mà tôi tạm biết qua kinh nghiệm tuyển cử thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thì không đo lường được. Chắc chắn sẽ không thiếu trò ma giáo. Bằng chứng là luật ứng cử đòi phải có 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên giới thiệu. Nguyên khoản này đã làm chúng tôi đau đầu nhiều tháng. Giữa lúc này, tôi lại phải lo đám tang người em nuôi Trần Vĩnh Hòa bị chết vì mìn trong một chuyến công tác tiếp xúc với dân tộc Rađê ở Buôn Mê Thuột.
Cố gắng bao nhiêu, xoay sở cách nào, đến ngày nộp đơn ứùng cử cũng chỉ được 98 giấy giới thiệu. Ngày cuối, luật sư Ngô Quốc Việt [2] đề nghị tìm đại hai nghị viên đã ký bạch khế, xong mời thừa phát lại làm biên bản xác nhận xóa bạch khế để giới thiệu liên danh Kỳ Lễ. Một nghị viên xuất thân đoàn học sinh Cao Đài mà tôi gặp từ hồi còn ở Hà Nội giới thiệu hai nghị viên thân y, và thừa phát lại Hoàng Nhật Tiến đã làm biên bản ủng hộ, không lấy thù lao.
e. Dấu hiệu tranh cử
Đây là điều được thảo luận rất nhiều. Ý kiến của anh bạn trẻ Dương Hồng Ngọc được tán thưởng: Một bà mẹ nhìn xa xăm, mắt u buồn, bế một đưa trẻ mặt hồng hào vui tươi, ngụ ý bà mẹ tượng trưng hiện tại mù mịt chiến tranh nhưng đứa bé tươi vui ý nói tương lai tốt đẹp ăn khớp với chương trình tranh cử do các bạn Tam Đa dự thảo. Khởi đầu, mặt bà mẹ tựa hình Đức Mẹ, tôi thuyết phục tác giả, linh mục Quỳnh và cụ Lễ chấp nhận hình bà mẹ quê đội khăn vuông. Anh Chu Văn Anh nhanh nhẹn đưa một họa sĩ quen về nặn tượng, ai cũng ưng ý.
Thế là đã hoàn tất hồ sơ ứng cử của liên danh, với 98 giấy giới thiệu hợp lệ và 2 vào phút chót. Chúng tôi lấy phương tiện của không quân, đón cả 100 vị về Trại Phi Long cùng hai ông Kỳ Lễ tới Tối Cao Pháp Viện nộp đơn trên ba xe buýt, có một trung đội lính bảo vệ. Thật là rầm rộ.
Xin thêm vài chi tiết:
Trong khi chúng tôi đang túi bụi sắp xếp hồ sơ, Nguyễn Cao Kỳ bảo tôi đưa xem chương trình tranh cử. Tôi thần người, trả lời đã đưa hai tháng trước một tập đầy đủ, kể cả tài liệu giải thích dấu hiệu tranh cử. Ông ta trả lời xanh rờn là đâu có thì giờ đọc, chỉ cần tôi tóm tắt cho ông nghe là đủ! Tôi nói Nhị Lang lên trực thăng, theo hai ông Kỳ-Lễ với tư cách là đại diện chính thức của liên danh. Nhưng sau hai giờ tranh luận giữa chủ tịch Tối Cao Pháp Viện và đại diện liên danh, Tối Cao Pháp Viện Bác Bỏ. Ông Nhị Lang [3] đã đóng trọn vai trò trong cuộc tiếp xúc với Tối Cao Pháp Viện và trong cuộc họp báo sau đó. Ông Thiệu lại thắng thêm một keo.
g. Vài điều được biết về liên danh Minh-Minh
Đôi lần, tôi tháp tùng ông Kỳ tới… Dinh Hoa Lan ở đường Hồng Thập Tự họp cùng ông đại tướng và vài người chủ chốt, như Nguyễn Ngọc Thơ, Mai Hữu Xuân, Hồ Văn Minh,… Nhưng cũng chỉ là xã giao. Hai bên chẳng ai đề cập đến vấn đề tuyển cử. Rồi chính bà nghị sĩ Nguyễn Phưóc Đại, đại diện chính thức của liên danh Minh-Minh, điện thoại cho tôi hay là bà vừa ra Tối Cao Pháp Viện nộp đơn rút lui cuộc tranh cử của liên danh.
Bà không cho tôi rõ nguyên nhân. Sau này, bà nói thêm chính bà cũng không hay. Bà có dự buổi họp sau khi đại diện Nhật Bản lại thăm ông đại tướng, cho hay là Nhật Bản hưởng ứng cuộc tham gia tranh cử của ông (qua vận động của ông Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống Đệ Nhất Cộng Hòa, nguyên đại sứ Việt Nam ở Nhật Bản, người đã giới thiệu Dương Văn Minh cùng thủ tướng Ngô Đình Diệm, và là thủ tướng sau cuộc đảo chính 1-11-63).
Nhận xét của buổi họp này là: Sự ủng hộ của Nhật Bản rất yếu ớt, công giáo không ủng hộ, vì ông là người cầm đầu cuộc đảo chính 1-11-63, Hòa Hảo càng không thể, vì vụ tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt), Phật Giáo thì chỉ được khối Ấn Quang, còn Phật Giáo di cư thì thiên ông Kỳ rõ rệt. Buổi họp đó đủ mặt các nhân vật, đa số là người Nam, nhưng không đi đến một kết luận nào. Sau đó, các ông Minh, Thơ, Xuân vào phòng trong họp riêng, rồi bà được yêu cầu thay mặt liên danh nộp đơn không tham gia cuộc tranh cử.
Thực ra phía ông Minh cũng chưa có hoạt động gì ngoài quần chúng, trừ với một số người của Hội Liên Trường. Khác hẳn, phía ông Kỳ quậy khắp nơi. Chủ lực là thương phế binh, sinh viên, học sinh.
Sinh viên, học sinh thì biểu tình, đốt vỏ xe hơi, ném bom xăng đặc,… bị khủng bố thì ùa về Tú Xương, cửa lúc nào cũng mở rộng, có an ninh canh giữ. Thương phế binh thì có người đòi tự thiêu để ủng hộ.
h. Bất hợp lệ, rồi… hợp lệ!
Sau ngày 20-8, liên danh Minh-Minh rút lui, đại sứ Bunker yêu cầu gặp riêng ông Kỳ. Cuộc họp không lâu, chừng 45 phút ở biệt thự sau văn phòng 2 Tú Xương và 169 Công Lý. Sau đó ông Kỳ sang văn phòng cho hay là ông đại sứ đề nghị ông ra tranh cử, mọi thủ tục sẽ được hợp thức hóa, chi phí do ông đại sứ lo. Nói xong, ông về Trại Phi Long.
Một điều thật bất ngờ: Nửa giờ sau, vào cỡ 1 giờ trưa, ký giả Kay Beach điện thoại cho tôi hay liên danh Kỳ-Lễ được hợp thức hóa, đã niêm yết ở bảng ngoài trụ sở Tối Cao Pháp Viện, không tin, cho người ra coi thì rõ. Bàn tay lông lá quả là quá dài, quá nhiệm màu!!!
Tôi vào Trại Phi Long cho ông Kỳ hay, có sự hiện diện của quí ông Lâm Lễ Trinh, Trần Thúc Linh và Trương Vĩnh Lễ. Tôi nhờ người điện thoại hỏi thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Nguyễn Văn Sĩ, ông này cho hay là Tối Cao Pháp Viện được mời họp vào 11 giờ, đang họp thì có ông Sylvester, đệ nhất tham vụ tòa đại sứ Mỹ, đến xin gặp ông chủ tịch Trần Thúc Linh, sau đó, ông chủ tịch vào yêu cầu hợp thức hóa liên danh Kỳ-Lễ. Ông thẩm phán tối cao Trần Minh Tiết cũng cho hay y như vậy. Tất cả im lặng. Kỳ lên nhà trên. Các chính khách chỉ đóng vai khán giả, chẳng đóng góp gì thực tế. Chẳng trách được, vì các ông có gì thiết thân đâu. Liên danh Kỳ-Lễ hay liên danh Minh-Minh cũng vậy, được mời thì đến. Tôi về 2 Tú Xương. Ông Nhị Lang hỏi ra sao, quyết định thế nào? Anh em Thương Xá Tam Đa yêu cầu tôi có mặt.
i. Rút lui không tranh cử
Tại văn phòng Nguyễn Văn Anh, có đủ mặt mọi người. Tôi trình bày diễn tiến sự việc. Mỗi người một ý, xét lại tương quan lực lượng, ai nấy đều đồng ý là, nếu tranh cử thật sự thì chưa chắc ai ăn ai, nhưng không thể quên yếu tố đương quyền của ông Thiệu. Đấy mới là yếu tố quyết định.
Cao Dao, Thái Lăng Nghiêm và tôi nêu một vấn đề mới: Từ chối không tranh cử như liên danh Minh-Minh, để xem Hoa Kỳ có giám để cuộc tuyển cử diễn ra với liên danh Thiệu-Hương độc nhất? Vấn đề được thảo luận rộng rãi. Nhóm luật sư trẻ ở 2 Tú Xương hầu hết hoan nghênh nhiệt liệt. Tại Trại Phi Long không ai chống đối. Hưởng ứng mạnh nhất là nghị sĩ Phạm Nam Sách và Nguyễn Văn Chức. Cụ Lễ hỏi ý linh mục Quỳnh và một hai linh mục khác. Quí vị đều khuyến cáo không tham gia. Cụ Lễ chấp nhận và nói điều hơn lẽ phải là nên có đề nghị xây dựng tiếp theo. Cụ cũng tin là Hoa Kỳ không thể chấp nhận tình trạng rõ ràng là phản dân chủ, trái với chủ trương giúp Miền Nam tự vệ để bảo vệ tự do. Ý kiến của cụ Lễ được hưởng ứng.
Trong một cuộc họp rộng rãi tại Trại Phi Long, đa số chấp nhận là: Liên danh gửi một văn thư cho cố vấn an ninh Kissinger, đề nghị hoãn cuộc bầu cử lại sáu tháng; tổng thống, phó tổng thống từ chức, giao quyền lãnh đạo cho chủ tịch Thượng Viện. Đặng Đức Khôi được ủy nhiệm thảo văn kiện và tống đạt. Thư gửi đi không có phúc đáp. Sau, ông Khôi cho tôi hay là thư không đến tay Kissinger, vì ông đi… nghỉ hè, không có mặt tại tòa Bạch Ốc.
k. Quyết tâm của Toàn Quyền
Xin trở lại với việc can thiệp của tòa đại sứ Mỹ.
Chiều hôm đó, ông Bunker vào tư dinh phó tổng thống chia vui cùng ông và sẵn sàng ủng hộ tranh cử phí. Ông Kỳ ướm thử, thì là 150 triệu tiền Việt Nam. Quân cảnh Mỹ bao vây trại Phi Long, không cho ai ra vào. Xe tôi cũng bị ngăn lại. Nhưng tôi bảo tài xế cứ vào thì được sĩ quan tùy viên cho hay là đại sứ Bunker đang thảo luận cùng… ông tướng. Gần tối, ông Bunker ra về và trung đội quân cảnh cũng rút, theo yêu cầu của ông Kỳ.
Bắt đầu một sự bất đồng ý giữa phe quân sự (xướng xuất là trung tá Hoàng Hữu Tín) và phe dân sự. Ông Tín đề nghị là cứ nhận 150 triệu, song chỉ bỏ 50 triệu chi phí, còn cất riêng 100 triệu cho những hoạt động sau, nếu thất cử. Tôi cương quyết chống lại. Nhất là đã thấy tiền bạc của Mỹ đâu. Tôi cho ông Kỳ hay là cụ Lễ cũng thấy không thể tham gia một cuộc tranh cử được bố trí gian lận. Cuộc thảo luận được kéo dài đến chiều hôm sau. Thượng nghị sĩ Chức thảo bản tuyên bố từ chối tranh cử. Đặng Đức Khôi dịch ra Anh ngữ, giao cho sĩ quan tùy viên in, sáng hôm sau mang ra Tú Xương, để giám đốc báo chí phủ phó tổng thống triệu tập họp báo, vào 10 giờ sáng.
Ở Trại Phi Long ra, tôi và luật sư Chức sang ăn tối ở tiệm Guillaume Tell bên Khánh Hội, về tới nhà hồi 12 giờ đêm, nghị sĩ Sách, tiếp theo là nghị sĩ Thái Lăng Nghiêm điện thoại cho hay là có trục trặc, mai có thể không có cuộc họp báo, ông Kỳ thay đổi ý kiến. Tôi điện thoại hỏi sĩ quan tùy viên thì được trả lời (nguyên văn): Ông tướng, sau khi ở Câu Lạc Bộ Mây Bốn Phương cùng hai ông bạn ngoại quốc và ông nguyên bộ trưởng thông tin Trần Chánh Thành về, đi ngủ, dặn không tiếp ai, kể cả ông, và có dặn ông Đặng Đức Khôi nói cùng ông cái gì đó. Liên lạc Đặng Đức Khôi, tôi được hay là ông Kỳ bảo mời hết anh em họp ở 2 Tú Xương vào 7:30 sáng mai.
Hành động đầu tiên của tôi là điện thoại với cụ Lễ để biết xác quyết không ứng cử của cụ. Sau đó điện thoại triệu tập buổi họp như ông Kỳ muốn. Trong buổi họp vẻn vẹn chừng 15 phút, ông Kỳ rất cởi mở: Khi quyết định ra tranh cử, có hỏi ý kiến các lãnh tụ chính trị, lãnh tụ tinh thần, nên xin hoãn họp báo lại 24 giờ để thông báo cùng quí vị đó cho phải phép. Tôi đưa mắt nhìn Đặng Đức Khôi, Khôi chỉ cúi mặt.
10 giờ, Nhị Lang xin hoãn cuộc họp báo lại ngày mai. Một số ký giả văng tục. Tôi chỉ cười trừ, vì còn phải mời các nhân vật hàng đầu, như quí ông Phan Bá Cầm, Trần Văn Tuyên, linh mục Hoàng Quỳnh, hai ba đại diện thương phế binh,… vào gặp ông Kỳ. Tất cả đều nói là để xem bàn tay lông lá đối phó ra sao. Ồn ào nhất là đại diện thương phế binh.
Văn phòng Tú Xương gọi cho hay là có hai ông Sylvester và Adams lại tìm nhiều lần (hai ông này nói thạo tiếng Việt, nhất là ông Adams, đã gặp tôi nhiều lần). Tôi cố tình tránh mặt.
Nhưng sáng hôm sau thì hết đường trốn và phải nói thẳng là chúng tôi từ chối, không ra tranh cử. Gần 10 giờ, chưa thấy ông Kỳ đâu. Chúng tôi bắt buộc phải cho phân phát lời tuyên bố không ra tranh cử của liên danh Kỳ-Lễ, nhất là bản tiếng Anh cho báo chí ngoại quốc. 10 giờ hơn, ông Kỳ đến, tiền hô hậu ủng, đọc bản tuyên bố trước sự vỗ tay hoan nghênh của báo chí.
Sau đó, ông Nhị Lang đã ra Tối Cao Pháp Viện nhận lại số tiền 2 triệu và, với sự đồng ý của cụ Lễ, trao cho anh em thương phế binh.
Thế rồi cuộc độc diễn tiến hành ngày 3-10, ngồi xổm lên dư luận trong cũng như ngoài nước, và ông Thiệu tiếp tục làm tổng thống, cụ Trần Văn Hương thay thế ông Nguyễn Cao Kỳ làm phó tổng thống, trong tình hình Sài Gòn rối loạn: sinh viên, thương phế binh biểu tình ủng hộ liên danh Kỳ-Lễ, chống độc cử. Mọi người đều cho là hi hữu, Hoa Kỳ mất mặt, Bunker có thể mất chức luôn. Sau đó, ông Kỳ có vài lần hăng tiết vịt nói chuyện đảo chính, nhưng chỉ nói xuông. Đến 1972 thì hầu như mọi sự an bài, vì Hội Nghị Ba Lê… chấm dứt chiến tranh Việt Nam đến hồi kết thúc.
Riêng tôi, ngay sau ngày bầu cử, được ông cò Nâu, quận trưởng cảnh sát Quận 2, đến Tú Xương… mời đi làm việc. Một cộng sự viên, anh Vũ Hữu Bính [4], báo cho hay và khuyên tạm lánh mặt vào nhà ông Kỳ. Tôi đi ngay, kéo theo Nhị Lang cho đỡ buồn.
Nhưng chưa hết. Cú độc đã di hại cho tôi và gia đình đến 4 năm sau: Ngày 26-3-75, công an cảnh sát do trung tá Ngọc, thừa lịnh an ninh phủ tổng thống, qua thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, đến tư gia của tôi ở Trương Minh Giảng, bịt mắt đưa đi ba bốn ngày, lại đổi chỗ giam, chính tôi cũng không rõ đã qua những nhà giam nào. Hơn một tháng sau, tôi mới được hoàn tất thủ tục điều tra an ninh, trong khi người khác chỉ cần 24 giờ. Một mình một nhà giam, chẳng thấy mặt ai. Cho đến 23-4, cửa buồng mở, tôi thấy ông Trần Thúc Linh và ông Nguyễn Thành Vinh [6] ra hiệu cho hay là ông Thiệu đã từ chức.
Gia đình tôi được bà con đưa đi ngày 25-4. Nhưng kẹt lại mẹ tôi, hai cháu gái cùng mẹ các cháu.
1. Hiện ở Melbourne, Úc Đại Lợi, trong nhóm Lập Trường cùng Lê Tuyên, Cao Huy Thuần,…
2. Ngô Quốc Việt (chết) khi vượt biên bị bắt, luật sư nằm vùng Ba Sơn tức Đỗ Hữu Cảnh gọi lấy cung, đã vênh mặt bảo Sơn: Ta chẳng lạ gì nhau. Muốn tao khai, cứ lấy cà phê thuốc lá ra đây. Tao hút trước, nói chuyện sau.
3. Tên thật là Thái Lân, hiện ở Denver, Colorado, nguyên đại diện tướng Trình Minh Thế tại Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng năm 1955, mà ông là tổng thư ký.
4. Nguyên giám đốc Nhà Phát Hành Sách Báo Thống Nhất, chết tại Sài Gòn. 5. Ông Vinh hiện ở Úc.
Về Ông Đặng Văn Sung
– Khi chúng tôi hỏi về ông Trần Văn Đôn, anh có nhắc đến hai nhân vật Đặng Văn Sung và Trần Quốc Bửu. Đây là hai vị thiên hạ xầm xì khá nhiều. Theo anh biết, con người thực sự của họ ra sao?
– Thời gian cuối 1966 đầu 67 là hồi cực thịnh của giới quân nhân. Ông Kỳ lên hương tuyệt đỉnh, ông Đôn thành công trong Phong Trào Nông Công Binh với chức chủ tịch và tiếp theo là thắng lợi của liên danh Nông Công Binh ứng cử Thượng Viện mà ông ta làm thụ ủy. Nhưng trong thực tế, thì là bác sĩ Đặng Văn Sung, lúc đó là chủ nhiệm báo Chính Luận, mới là vai chủ động.
Một buổi trưa cuối tháng 11, 1966, ông Sung nói với tôi, trong bữa cơm chúng tôi gặp nhau để giải quyết công việc bình thường hàng tháng, tại nhà hàng Văn Cảnh bên hông Quốc Hội trông sang Công Trường Lam Sơn:
– Cậu bỏ tự ái hão, đem sự quen biết góp phần vào việc giải quyết thế kẹt hiện tại của bọn mình, nói chung là của bọn dân sự, sau việc đáng tiếc giữa hai ông Sửu-Quát.
Tất cả uy thế hiện nay trong tay Nguyễn Cao Kỳ. Một người khác còn ảnh hưởng rất lớn trong giới quân nhân, bị cưỡng bách về hưu, là ông Trần Văn Đôn. Cả hai, cậu đều có thể móc nối, vận dụng, theo sở trường của cậu.
Tôi im lặng, không hiểu anh muốn gì. Sau một lúc, anh tiếp:
– Tôi đã tính cùng anh Trần Quốc Bửu cố thành lập một tổ chức lấy tên là Phong Trào Nông Công Binh để đưa một số anh em ứng cử vào Thượng Viện. Anh Bửu cũng đồng ý là cậu có thể lo việc này. Vậy cậu hãy suy nghĩ và đừng từ chối yêu cầu của bọn này.
Lúc ấy, tôi cũng chưa biết làm gì, còn mang nặng mặc cảm tay sai chế độ cũ, bị tịch thu tài sản, đem đề nghị của anh Sung nói cùng Phó Quốc Trụ. Trụ mau mắn bảo tôi:
– Ông quyết định đi. Phần Nguyễn Cao Kỳ để tôi lo. Chắc chắn tuyển cử 1967 y sẽ là tổng thống. Ráp những hoạt động này vào guồng máy Nguyễn Cao Kỳ là ăn chắc. Tôi rất phân vân, vì vẫn không quên thái độ của Nguyễn Cao Kỳ trong lễ ra mắt… nội các chiến tranh của y vả cũng chưa nắm vững giao tình giữa Trụ và Kỳ. Anh Nguyễn Văn Anh, anh Cao Dao tán thành đề nghị của bác sĩ Sung. Anh Thái Lăng Nghiêm không có ý kiến. Anh Nguyễn Hưng Vượng không tán thành hẳn. Xin kể thêm Phạm Xuân Ẩn [1] rất sốt sắng, hứa sẵn sàng gây tiếng vang trong báo giới quốc tế.
Anh Sung luôn thúc giục. Tôi rất nể anh. Không có anh giúp đỡ về tài chính, tôi đã không làm được gì từ ngày di cư vào Sài Gòn (1954). Cuối cùng tôi nhận lời, và anh Sung giới thiệu cùng tôi một cán bộ thân tín của anh, rất có khả năng về tổ chức, nguyên là chánh sự vụ Sở Cán Bộ của Bộ Công Dân Vụ (Đệ Nhất Cộng Hòa, bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu). Đó là Nguyễn Thúc Quýnh.
Chúng tôi mau chóng thành lập sơ đồ tổ chức Phong Trào Nông Công Binh. Anh Sung chấp nhận ngay, nói: Các cậu đồng ý, là tôi đồng ý. Cần gì cứ cho tôi biết. Tôi đi Đà Lạt gặp André Đôn, qua sự giới thiệu của trung tá truyền tin Nguyễn Đình Tài. Câu chuyện mở đầu là về cuộc đảo chính 1-11-63, nhất là về cái chết của hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Ông Trần Văn Đôn nói là Hội Đồng Tướng Lãnh không có quyết định giết, chỉ đồng ý là để hai ông xuất ngoại. Rồi trong lúc ông về nhà thay quần áo, sau khi chỉ thị cho chánh văn phòng, thiếu tá Hoa, dọn căn phòng cạnh văn phòng thống tướng Lê Văn Tỵ, để hai ông nghỉ ngơi chờ máy bay do tòa đại sứ Mỹ lo liệu. Và ông Đôn cho hay là khi ông trở lại Bộ Tổng Tham Mưu, thì thấy ông Mai Hữu Xuân, dáng mệt mỏi, báo cáo cùng ông Dương Văn Minh: Mission accomplie. Có thể quyết định là do mấy ông Dương Văn Minh, Trần Tử Oai, Nguyễn Ngọc Lễ tính riêng cùng nhau ngoài balcon.
Sau hai buổi nói chuyện, ông Đôn đồng ý về Sài Gòn, tham gia các sinh hoạt chính trị. Mỗi tuần lễ, vào Thứ Bảy, ông Đôn cùng hai anh Thái Lăng Nghiêm, Cao Dao đến xưởng giặt của ông Mai Hữu Xuân, ở chân cầu Bình Lợi, nói chuyện về đời sống dân sự, về sinh hoạt dân chủ,…
Phong Trào Nông Công Binh chính thức thành hình với ông Trần Văn Đôn làm chủ tịch, anh Đặng Văn Sung, Trần Quốc Bửu, Thái Lăng Nghiêm,… là ủy viên. Các buổi sinh hoạt hàng tuần diễn ra đều đặn tại hai trụ sở đường Phan Đình Phùng (trước tư thục Kiến Thiết) và Hiền Vương (sau tư thất của ông bà Nguyễn Phước Đại; bà Đại sau là phó chủ tịch thượng viện và hình như có lúc làm cố vấn luật pháp của thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt).
Phó Quốc Trụ đã giới thiệu hai ông Sung-Đôn cùng Nguyễn Cao Kỳ trong bữa kỵ thân mẫu ông này. Tôi được kể lại là buổi gặp gỡ rất thân mật. Hai bên đồng ý cùng nhau bắt tay dung hòa hành pháp và lập pháp, tạo những bước đầu cho sinh hoạt dân chủ, điều mà anh Sung mong muốn.
Phong Trào Nông Công Binh được dư luận biết đến rất mau, trong không khí hứng khởi này, đã quyết định tham gia cuộc bầu cử Thượng Viện. Ông Trầm Văn Đôn làm thụ ủy, chỉ yêu cầu một điểm duy nhất là: Có Đôn thì phải có Đính. Còn 8 người khác là do hai ông Sung-Bửu, gồm thụ ủy: Trần Văn Đôn, ủy viên: Tôn Thất Đính, Trần Điền, Thái Lăng Nghiêm, Hồng Sơn Đông, Phạm Nam Trường, Trịnh Quang Quỹ, Lê Văn Thinh, K’sor Rot, Đặng Văn Sung [2]. Anh Sung chỉ dặn tôi: Phải để tên anh sau cùng. Sau này tôi mới thấy thật là thái độ của một người thấm nhuần kỹ thuật hoạt động chính trị.
Trước đây, tôi đã kể là sau khi Nguyễn Cao Kỳ bỏ cuộc, Trụ cấp tốc bảo tôi lập thêm hai liên danh mang tên Nông Công Binh I, Nông Công Binh II, nhưng đã quá trễ. Tiếc rằng Nguyên Cao Kỳ đã nhường cho Nguyễn Văn Thiệu. Nếu không, hẳn đã qua một giai đoạn lập pháp, hành pháp cộng tác chặt chẽ, mở đường dân chủ hóa Việt Nam (chữ của anh Đặng Văn Sung).
Liên Danh Nông Công Binh thắng cử vẻ vang. Các ứng cử viên vào Hạ Viện đua nhau đến trụ sở chính thức của Phong Trào, ở 205 Hồng Bàng Chợ Lớn, tư thất của ông Trần Văn Đôn, tìm hiểu thế nào là nông công binh và nhận giấy giới thiệu của ông Đôn và anh Bửu cùng các sĩ quan thuộc phe ông Đôn, các cán bộ Tổng Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo ở các địa phương.
Nhưng rồi vì thiếu sự liên kết của hành pháp, thiếu sự cộng tác nhiệt tình của đồng viện, kể cả trong Liên Danh Nông Công Binh, anh Sung đành… lượn theo tình thế với thái độ hoàn toàn độc lập, không theo hành pháp, không cực đoan chống đối.
Chân tình giữa chúng tôi vẫn nguyên vẹn. Tôi vẫn thỉnh thoảng gặp anh nơi anh cư ngụ, nhà ông Phan Cao Phái, trên gác Sở Thông Tin Đô Thành Sài Gòn. Nhưng luôn luôn anh không chấp nhận thái độ cực đoan của tôi. Phong Trào Nông Công Binh dần dần đi vào quên lãng. Đến sau cuộc tấn công Mậu Thân, thì coi như tàn hẳn. Ký giả Lê Thiệp đã viết một bài rất dài, rất hay với tựa đề thật đẹp: “Một tấm lòng son với nước non” mô tả khá đầy đủ về cuộc đời của anh Đặng Văn Sung, đăng trên tờ Người Việt, số 6776, ngày 26-6-2004. Tôi thấy không thể hơn ông Lê Thiệp. Chỉ xin lược kể những gì liên hệ đến tôi, một số chi tiết ông Thiệp chỉ nói tổng quát về con người lãng mạn, vài mối tình mà Đặng Văn Sung không che giấu, kể cả với gia đình.
Tôi vẫn tưởng anh Sung là con cụ Đặng Văn Hướng. Qua bài báo mới hay anh quê Phủ Diễn, Nghệ An, con cụ Đặng Văn Bảo. Thân mẫu là cụ Đào Thị Định. //Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào 1945, ông Đặng Văn Sung đã học xong y khoa, chỉ còn chờ trình luận án. Mộng của ông lúc đó thật là giản dị. Ông tâm sự chỉ muốn trở về Phủ Diễn làm một ông lang, tất nhiên là lang tây, sống cuộc đời lông bông một tí, lòng hướng về những việc làm có tính cách xã hội// (trích phần mở đầu, bài của Lê Thiệp).
Tôi biết anh vào khoảng cuối 1947, tại nhà anh Phạm Cảnh Hoàn, tức Hy Tống, 7 Bovet Hà Nội, do sự giới thiệu của hai cán bộ Đại Việt Nguyễn Thiện Kế và Nguyễn Linh Hợi (tức Bằng, tức Bảo).
Hồi đó, điều làm chúng tôi thường ngày suy nghĩ là phải có thái độ như thế nào cho thích hợp với tình thế. Tuy về thành (Hà Nội) sống dưới sự che chở của người Pháp, nhưng không thể cộng tác với họ, phản bội cuộc kháng chiến, dù biết rằng cuộc chiến này là do cộng sản lãnh đạo mà đành phải bỏ về. Buổi thảo luận hôm đó có anh Trần Trung Dung, Nguyễn Văn Mùi (tức Thanh Phong, nguyên chủ nhiệm tỉnh đảng bộ Việt Trì của Việt Nam Quốc Dân Đảng), Phan Xuân Đài (sau là thị trưởng Hà Nội), Bùi Quý Hồ (một cán bộ Việt Quốc). Anh Sung đã kết thúc: Chúng kháng chiến đỏ, thì chúng ta kháng chiến trắng. Đường ai nấy đi. Buổi họp im lặng giờ lâu, nhưng ai cũng cảm thấy như cất được gánh nặng. Anh Hoàn nói có thể móc nối Hoàng Minh Giám, Nguyễn Mạnh Tường,… mà anh rất quen biết và nghĩ rằng họ không phải là cộng sản, để xây dựng một lực lượng trắng ngay trong lòng cộng sản. Sau đó, mỗi người theo điều kiện riêng, tiến hành hoạt động. Vài người không đóng góp gì, coi như chấm dứt đấu tranh. Có thể vì đeo đuổi tư tưởng này mà sau đó anh Sung đã hợp tác với Hoàng Đạo [3], một cán bộ địch vận cộng sản gửi vào vùng quốc gia. Anh thêm tin tưởng khi Đạo mang vào cho anh thư của đảng trưởng Đại Việt Trương Tử Anh, tức anh cả Phương. Đó là thư ngụy tạo [4]. (Câu chuyện rất dài, sau này cộng sản đã kể lại trong cuốn “Câu Lạc Bộ Chính Khách”, đại để cốt chuyện đúng, nhưng chi tiết có nhiều hư cấu).
Chẳng cứ mình anh Sung bị qua mặt. Mà cả Phòng Nhì, Phòng Phản Gián Pháp cũng cung cấp cho Hoàng Đạo các phương tiện hoạt động. Do đó, lúc ấy chúng tôi rất tin tưởng là một lực lượng kháng chiến không cộng sản đã hình thành ở khu Năm Châu Thanh Hoá, mà nhân vật chủ chốt là ông Ưng Úy, có thể có mặt của cả ông Lý Đông A, người sáng lập Đảng Duy Dân.
Sau này, anh tiết lộ, giọng pha chán chường, việc sao lại có danh xưng Đại Việt Quan Lại:
“Nhận lệnh đảng sau ngày gia nhập một tháng, anh Cảnh giảng mình nghe về chủ nghĩa dân tộc sinh tồn. Chưa xong, thì mình được phái sang Tàu, thay mặt đảng liên lạc cùng ông Bảo Đại và theo dõi tình hình.
Lúc đó, mình là một thanh niên lên đường vì lòng yêu nước, rất trong trắng, rất ngây thơ. Gặp ông Bảo Đại và cụ Trần Trọng Kim ở Hong Kong, rồi đủ mặt nhân vật Trung Nam Bắc. Điều mình buồn là đời sống cực khổ của ông Bảo Đại và sự lung tung của các bộ mặt chính trị. Chẳng có một đồng thuận nào cả, nên mình nhận đề nghị của ông Bảo Đại về Việt Nam với một sự vụ lịnh bằng tiếng Pháp do ông ký. Thật sự nó chẳng có giá trị gì, nhưng cũng vẫn giúp mình an ổn bước đầu ở Sài Gòn, không bị công an Pháp làm khó dễ, chờ một người trong họ lãnh về. Mình cũng gặp người này người kia, cố tìm một sự đồng thuận giữa những người không cộng sản. Nhưng kết quả chẳng có gì lạc quan. Tuy cũng gây được một tiếng vang, nhưng buồn là người Pháp lại chú ý theo dõi. Mình được mời đến dự một bữa ăn, có anh Nguyễn Tôn Hoàn cùng đảng, hoạt động ở Miền Nam, còn số lớn là người Pháp, mang máng nhớ được có Cousseau đã gặp ở Hong Kong, Valléany thuộc Sở Chánh Trị, cùng hơn 10 người khác. Cousseau gợi ý mình nên về Hà Nội gây tổ chức, và anh Hoàn lo phần Miền Nam.
Về Bắc, tớ nằm cu ki mấy tháng. Cho đến khi gặp Paul Gannay ký cho cái ngân phiếu 20,000 đồng. Tớ xuất bản tờ Thanh Niên, quảng bá lập trường quốc gia. Đồng thời họ giới thiệu cho một lô các… quan lớn, như Nguyễn Hữu Trí, Vũ Quí Mão, Nguyễn Đình Tại, Lê Thăng,… Nói là do sự sắp xếp của tớ mà những người này gia nhập chính phủ thì cũng không đúng hoàn toàn. Nhưng bởi đó mà có danh xưng Đại Việt Miền Bắc hay Đại Việt Quan Lại.
Cũng có anh em phản đối, như anh Nguyễn Đình Luyện, nói là đại diện đảng trưởng, lập một nhóm riêng (có Nguyễn Linh Hợi). Kể cả cậu cũng lớn tiếng chê. Các cậu muốn nói gì nghĩ gì, cho tớ là tay sai thực dân, phản bội anh em “kháng chiến trắng”, tớ không thanh minh. Vì thực tế không có cái ngân phiếu của Paul Gannay thì chẳng lấy đâu ra phương tiện mà làm báo, làm việc này việc khác. Tớ không tán đồng những hoạt động kín kín hở hở. Tớ cũng không chịu nổi những kỷ luật gò bó.”
Tuy vậy, hồi 1954, nhóm ông Sung lại gài người ở lại Miền Bắc. Nhưng cũng cần nói, là vào thời điểm đó, không phải chỉ có tổ chức của ông Sung gài người ở lại. Mà còn có nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông Vũ Hồng Khanh, nhóm Quốc Gia Kháng Chiến của ông Đinh Khắc Tuấn (tức Mai, tức Trần Phong), cố vấn của tướng Trình Minh Thế. Nhưng người Mỹ đã phí công, mà chẳng thu được kết quả nào. Không rõ nhóm ông Vũ Hồng Khanh hoạt động như thế nào, còn các cán bộ của ông Trần Phong thì chỉ có bày vẽ, làm tiền; đất để làm hậu cứ chẳng có, những máy móc như máy truyền tin để trong những “hòm nhỏ” đều bị họ quăng hết xuống sông ít ngày trước khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Cuối năm, ông Trần Phong đã la hét mấy cán bộ của ông là: Tụi mày đã làm hỏng hết việc lớn của tao rồi. Mấy người này nay đã qua đời, xét ra không cần nêu tên họ. Phần khác, sự thất bại là do chính phương pháp huấn luyện điệp viên của người Mỹ, không cho họ biết đầy đủ về guồng máy công an nhân dân của cộng sản, không cho họ thấu đáo về cộng sản để bước đầu họ có thể hòa vào cuộc sống dưới sự cai trị của cộng sản, mà chỉ dạy họ những kỹ thuật sử dụng máy móc để thông tin, liên lạc.
Điều đáng nói về anh Sung thì quá nhiều. Đặc biệt là cảm tình của anh đối với ông Bảo Đại. Anh cho ông là người thật sự yêu nước và đã làm cho quốc gia dân tộc tất cả những gì có thể làm. Anh luôn luôn nói đến ông với sự kính trọng, tới Đại Hội Quốc Dân năm 1953, bề ngoài do ông Bửu Lộc trách nhiệm, lần đầu các tổ chức đạt được một đồng thuận: Việt Nam là một quốc gia độc lập không đứng trong Liên Hiệp Pháp. Anh không nói vai trò của anh trong kỳ hội này, nhưng khen ngợi ông Bảy Viễn, lãnh tụ Bình Xuyên, đã hết lòng với Đại Hội. Anh nói không biết có chỉ thị ngầm của ông Bảo Đại hay chăng, nhưng điều anh biết chắc thái độ tích cực của ông Bảy Viễn là sau khi sang Cannes về. (Sang tị nạn ở Hoa Kỳ, anh thường xuống thăm tôi, vẫn nhắc đến ông và tiếc rằng, trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, không làm sao gặp được ông).
Anh không bao giờ tham chính, tuy những năm trước 1954 anh thừa điều kiện. Một thời gian dài tôi không gặp anh. Chỉ sau cuộc đảo chính 1960, với sự đồng ý của ông Nhu và sự cộng tác của trung tá Nguyễn Văn Châu, giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý của Bộ Quốc Phòng, tôi tổ chức những cuộc họp mở rộng “đoàn kết quốc gia”, khởi đầu ở số 7 Phan Kế Bính, tiến tới Ủy Ban Đoàn Kết Quốc Gia, qua một đại hội tại rạp Thống Nhất Sài Gòn.
Dù hết sức năn nỉ, anh vẫn từ chối tham dự, nói: Việc làm của cậu có vẻ đẹp, nhưng vẫn không giấu được bàn tay của nhà nước. Tớ không hưởng ứng hành động xả xú báp này.
Tôi cố thuyết phục anh… lộng giả thành chân mà hình thành một tổ chức đối lập, công khai đối thoại với nhà nước. Anh vẫn khăng khăng từ chối. Anh có gặp ông Ngô Đình Nhu mấy lần tại nhà ông Huỳnh Hữu Nghĩa (bộ trưởng Bộ Lao Động, mất tại Ba Lê), vấn đề chính được đề cập là: Dân chủ hóa để chống cộng sản. Điều rõ rệt là ông Nhu không e dè gì với anh như với các ông Phan Huy Quát, Trần Văn Đỗ,…
Ông Nhu nói nhiều về… tam túc tam giác là tư tưởng nhân vị thu gọn giảng dạy ở trung tâm huấn luyện ấp chiến lược. Lúc về, anh hỏi: Tam túc tam giác là cái quỉ gì? Tớ không thích những lý thuyết rườm rà tối tăm. Ngay chủ nghĩa dân tộc sinh tồn tớ cũng chỉ hiểu qua loa, đọc tài liệu có một lần thì phải. Tháng giêng năm 1961, do sự thúc đẩy của chúng tôi, ông Quát nhận làm chủ tịch Ủy Ban Đại Đoàn Kết, anh chỉ trách nhẹ tôi: Tớ có mỗi một cái bình phong, cậu đem ra giữa chợ bầy, nên đành ra mặt vậy. Cậu làm gì, làm thế nào tớ không cần biết nhưng phải xoay trở cho tớ họp báo ra mắt Mặt Trận Dân Chủ Hóa. Anh nói, dĩ nhiên tôi phải cố, làm một phiếu thật dài trình ông cố vấn, viện đủ lý lẽ. Bác sĩ Trần Kim Tuyến lúc này coi như đã mất lòng tin của hai ông Diệm Nhu, bảo tôi: “Toa” đem được ông ấy ra ngoài họp hai lần là đã quá hay. Lần này “moa” e khó lắm đấy. Không ngờ ông Nhu lại chấp thuận ngay, chỉ thị cho đô trưởng Vũ Tiến Huân cho phép họp báo, chỉ thị cho cảnh sát Quận I giữ gìn an ninh.
Buổi họp báo với Đặng Văn Đệ là thông dịch viên, tại một nhà hàng đường Lê Lợi, kết quả tốt đẹp. Phải chăng phần lớn là do sự thông cảm chủ trương, đường lối của cả hai bên, qua mấy lần gặp gỡ, anh Sung đã chứng tỏ là chỉ lo việc dân chủ hóa đất nước, không bao giờ có tư tưởng hành động quá khích, đe dọa chính quyền đương thời. Nhưng rồi biến chuyển dồn dập của thời cuộc đã khiến cuộc ra mắt của Mặt Trận Dân Chủ Hóa, chỉ vừa gây được một tiếng vang trước dư luận, đã bị tràn ngập, đi vào quên lãng.
Tôi thở phào nhẹ nhõm đã làm xong bổn phận với một bên là bề trên, một bên là người giúp đỡ tôi rất nhiều, nhất là những khi tôi bị kẹt về tài chánh. Tuy nhiên, giữa anh Sung và tôi không phải thiếu những va chạm, nhưng không bao giờ mạnh. Tỉ như khi anh lập Phong Trào Quốc Gia Bình Dân ở Hà Nội, thường họp hàng tuần tại nhà y sĩ Lê Toàn vào lúc thịnh thời của phe… Đại Việt Quan Lại (với ông Nguyễn Hữu Trí là thủ hiến), tôi không bao giờ lại họp, lý luận với anh là sai nguyên tắc đấu tranh: Lập phong trào là khi cần mở rộng tổ chức vào quần chúng, chuẩn bị cho một hành động cụ thể, giành quyền lãnh đạo. Đàng này Đảng đã tham gia chính quyền thì lập phong trào làm gì. Trước lý luận cứng nhắc của tôi, anh chỉ cười, nói: Cậu không đồng ý thì thôi. Việc tớ, tớ vẫn làm. Nhưng anh em vẫn là anh em.
Rồi cuối 1953, anh đã giúp tôi vào Sài Gòn với sự vụ lịnh của ông Vũ Quý Mão, đổng lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Bắc Việt. Giai đoạn này, vì vấn đề quân dịch, việc đi lại ra ngoài địa phận Bắc Việt phải có thông hành hợp lệ. Anh cũng chẳng hỏi tôi vào Nam để làm gì. Nhờ đó, tôi đã thành sĩ quan quân đội Cao Đài, hội trưởng Việt Nam Phục Quốc Hội Miền Bắc, chịu trách nhiệm đưa đồng bào di cư vào Nam với danh nghĩa Đức Hộ Pháp Cao Đài, mở đường cho tôi gia nhập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, rồi lọt mắt xanh của ông cố vấn Ngô Đình Nhu. 1965, tôi ở nhà giam Côn Sơn về, bị tịch thu tài sản. Rồi lại phải lánh mặt vì cuộc đảo chính 19-2-65 của Phạm Ngọc Thảo. Đầu 1966, tôi quay lại cuộc sống bình thường rất vất vả. Tháng tháng anh lo liệu cho tôi về tài chính. 1967, anh đề nghị lập Phong Trào Nông Công Binh và Liên Danh ứng cử Thượng Việt như đã kể ở trên. Rồi 1968 bắt đầu những ngày… cơm không lành canh không ngọt, anh hoàn toàn bàng quan trước những hoạt động của Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc, quyết liệt chống nhà nước đương thời. Thái độ của anh với tôi hết sức rõ rệt: Cậu làm gì thì làm. Tớ không tham dự nhưng cũng không chống đối.
1975, gặp ở Hoa Kỳ, anh than: Tớ không ngờ lại tan nát thế này. Tối ngày 28, nằm ở một safe house của CIA, trong nhà có bao nhiêu rượu, tớ lôi ra uống hết. Sáng hôm sau chẳng buồn dậy. Anh cảnh sát biệt phái làm cận vệ cho tớ đánh thức dậy hỏi: Người ta đi hết rồi, sao bác sĩ còn ở đây? Tớ hỏi anh ta có đi cùng không, thì anh ta cho hay anh là người của… bên kia. Tớ chán nản, lại điểm hẹn, một đồng không có, một điếu thuốc cũng không. Nó cho cậu ra ngày 27 mà cậu cũng thoát được là may quá. Cực đoan như cậu, tận tình như cậu, thì kết cục nay cũng ở đây tị nạn như tớ!
Lâu lâu anh lại nhờ người đưa xuống thăm tôi. Mấy lần cuối, anh đã yếu, đi lật bật, hay vấp, một chốc lại xịt thuốc xuyễn, nhưng vẫn ngồi ngoài trời, không chịu vào nhà.
Cuối cùng, xin phép anh linh anh, xin phép chị Sung cho tôi được hé lộ phần nào đời sống tình cảm của anh mà nhiều người xầm xì, nhưng chắc chị lại rõ hơn ai hết là: Tuy sống rất lãng mạn, anh vẫn coi gia đình là trên hết. Các ngày lễ tết, anh luôn luôn có mặt cạnh chị và các con.
Anh đã một lần chết từ 10 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Tôi cùng Đinh Thạch Bích, Nguyễn Sĩ Hưng lại thăm anh một buổi chiều, hai ba tháng gì đó trước ngày anh ra đi vĩnh viễn, anh lết cái dây dưỡng khí y như tôi cách đây vài tháng, từ từ ngồi dậy, kể:
– Nói cho các cậu hay một chuyện rất lạ. Tớ tắt hơi, đi vào một đường hầm hun hút. Cuối đường gặp bà ấy. Bà ấy đuổi tớ về, bảo: Ai cho ông xuống đây. Tớ tỉnh dậy, thấy trời sắp tối.
Tôi biết rõ mối tình này của anh, từ những ngày còn ở Hà Nội, thêm thắm thiết khi vào Nam. Một khối tình thật đặc biệt: Hai người có giai đoạn ở cùng nhà, nhưng vẫn hết sức tôn trọng nhau, một điều “anh đốc”, một điều “chị phủ”. Sang Mỹ sống chung ở thị xã Huntington Beach. Tết 1975, “chị phủ” gửi cho tôi một chiếc bánh chưng, nhắn tôi lên chơi cùng “anh đốc”. Tôi thật cảm động y như lúc nhận được thiếp chúc tết của ông Đỗ Mậu có bản đồ Việt Nam cắt bằng giấy màu vàng. Và không hình ảnh nào cảm động hơn khi thấy “anh đốc” đẩy xe lăn cho “chị phủ” xem tranh hay đi dạo ở vườn cỏ gần nhà. Chị qua đời trước anh năm sáu tháng gì đó.
Lần thăm đó là lần cuối cùng, anh mất sau đó hai ba tháng. Tiễn anh về miền vĩnh hằng là một ngày cuối năm. Đinh Thạch Bích đưa tôi về đến nhà là đúng lúc gia đình đang sửa soạn lễ cúng tổ tiên.
Tôi còn biết hai ba mối tình khác của anh, nhưng chỉ là những mối tình qua loa, không đáng nhớ. Điều mà anh ân hận là đã không viết lại những việc làm của anh. Anh luôn luôn khuyến khích tôi viết. Lần thăm anh cuối cùng, anh vẫn không quên nhắc: Viết đi, để khỏi ân hận như tớ. Cậu biết nhiều, tham gia nhiều, kể cả khi sang đây.
Kỷ niệm của anh, tôi chỉ còn một bức thư nhỏ anh cáo lỗi không tới được dự tiệc cưới con tôi. Nay nhìn thư, sao chữ anh đẹp thế. Qua mấy dòng chữ ngắn ngủi, tôi thấy ẩn hiện dáng dấp anh.
1. Phạm Xuân Ẩn đã chết, ở lại Sài Gòn, được phong quân hàm thiếu tướng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
2. Tôn Thất Đính, nguyên thiếu tướng, lên trung tướng sau cuộc đảo chính 1-11-63, bị giải ngũ, đắc cử thượng nghị sĩ, làm chủ nhiệm nhật báo Công Luận. Hiện là nhân vật chủ chốt cạnh Nguyễn Hữu Chánh, “thủ tướng chính phủ Việt Nam Tự Do”; Trần Điền, đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng, bị cộng sản thủ tiêu ở Huế trong trận Mậu Thân; Hồng Sơn Đông, nguyên trung tá Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa; Phạm Nam Trường, công giáo, hiện ở Canada; Trịnh Quang Quỹ, cố vấn của Tổng Liên Đoàn Lao Công Công Giáo Việt Nam; Lê Văn Thinh, nguyên trung tá gốc Hòa Hảo.
3. Tức Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ty công an cộng sản Thanh Hóa, không phải Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
4. Ông Sung viết thư trả lời có gài nhiều chi tiết, chỉ giữa hai người, trong lần gặp gỡ duy nhất, nên không có thư Trương Tử Anh phúc đáp. Hồi đó, Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng, và Lý Đông A, đảng trưởng Đại Việt Duy Dân, bị coi như biệt tích (thực ra đã chết).
Về Ông Trần Quốc Bửu
– Anh có thấy ông Trần Quốc Bửu là người làm việc cho CIA không?
– Tôi gặp ông năm 1950, tại Hà Nội, qua sự giới thiệu của anh Bùi Lượng, ngày đó là tổng thư ký Tổng Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo, mà ông Bửu là chủ tịch (sau này, vào Sài Gòn, anh Bùi Lượng tổ chức riêng một lực lượng cũng nhắm vào giới công nhân, lấy tên là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, hoạt động rất yếu).
Thường có mặt cùng ông Bửu ở Hà Nội là ông Ngô Đình Nhu. Cũng trong thời gian này, Đảng Cần Lao Nhân Vị thành hình, qua một phiên họp có năm người tại nhà ông Trần Trung Dung, số 8 ngõ Trạng Quỳnh, Hà Nội. Hiện diện: Hoàng Bá Vinh, Ngô Đình Nhu, Trần Quốc Bửu, Lê Quang Luật và Trần Trung Dung. Cán bộ của ông Bửu được coi là lực lượng nòng cốt, nhưng theo anh Nguyễn Văn Anh, một người rất thân với ông Bửu và ông Lượng, thực tế chẳng ai làm gì cho Đảng Cần Lao cả. Anh Anh cũng cho hay là, thiếu thời, ông Bửu theo xu hướng Đệ Tứ Quốc Tế, bị thực dân Pháp đày ở Côn Sơn ba bốn năm gì đó. Khi được tự do, ông có liên lạc nhiều cùng Đảng Đại Việt Miền Nam, rất thân với ông Trần Văn Xuân (sau này là tổng thủ lãnh Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn, một tổ chức coi là ngoại vi của Đảng Đại Việt), bà Lê Văn Giải, bà Nguyễn Văn Tạo, nhưng hầu như ông cũng không làm gì cho Đảng Đại Việt. Cũng theo anh Nguyễn Văn Anh, việc tổ chức Liên Đoàn Lao Công Thiên Chúa Giáo là do chính ông Ngô Đình Nhu gợi ý và cùng tổ chức trong những năm đầu.
Một điều thật khó hiểu là từ khi Đệ Nhất Cộng Hòa được thành lập, dường như hai ông Nhu Bửu không bao giờ nói chuyện cùng nhau, thường chỉ qua trung gian ông Huỳnh Hữu Nghĩa, bộ trưởng Bộ Lao Động và là người đã móc nối ông Nhu cùng tướng Trình Minh Thế, hướng dẫn ông Nhu ra chiến khu Bà Đen, khởi sự chuyện tướng Thế kéo quân về Sài Gòn theo thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Trong một bữa cơm trưa chỉ có hai người, ông Bửu than phiền là hai ông Diệm Nhu nghi ngờ ông ủng hộ cộng sản, dung túng cán bộ cộng sản. Trong một cuộc tiếp tân tại Dinh Độc Lập (sau 11-11-60), ông Diệm hỏi bao giờ cán bộ cộng sản của Tổng Liên Đoàn Lao Công về Sài Gòn biểu tình đả đảo ông ta. Ông Bửu nói thêm rằng có chuyện này là do bác sĩ Trần Kim Tuyến báo cáo. Tôi hơi ngạc nhiên, vì gần bác sĩ Tuyến, tôi biết chắc là ổng không làm chuyện báo cáo này, vả đó cũng không thuộc phạm vi trách nhiệm của ổng.
Hỏi bác sĩ Tuyến, ổng nói rằng nguyên nhân nghi ngờ nhau do Lê Mỹ, một người bác sĩ Tuyến đỡ đầu, làm nghề thầu bốc rỡ ở Kho 5 Khánh Hội, luôn luôn có sự va chạm cùng cán bộ Tổng Công Đoàn. Ông Tuyến còn yêu cầu tôi là gặp ông Bửu thì liệu lời nói cho ông hiểu chứ anh em cứ hiểu lầm nhau như thế sinh ra lắm chuyện. Tôi có nói lại cùng ông Bửu nhưng ông có vẻ không tin. Ông Huỳnh Hữu Nghĩa có đem chuyện thưa cùng ông Ngô Đình Nhu. Ông Nhu chỉ thị cho bác sĩ Tuyến cảnh cáo Lê Mỹ (hiện định cư ở Úc Châu) không được lợi dụng danh nghĩa Phủ Tổng Thống. Một điểm đặc biệt của ông Bửu là rất ít nói, ít khi tham gia thảo luận. Sau Tết Mậu Thân, tôi gặp ông nhiều hơn, lúc cùng bác sĩ Đặng Văn Sung, lúc có mặt tướng Landsdale, như đã nói trước đây, với những cố gắng kết hợp hai lực lượng: Lực Lượng Dân Chủ của phe chính quyền và Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc mà tôi có ảnh hưởng và dư luận cho rằng ủng hộ ông Nguyễn Cao Kỳ. Qua nhiều phiên họp, tôi cương quyết chống lại, nên các ông Bửu, Sung, Landsdale khuyên tôi nên nhượng bộ để việc chống cộng được kết quả.
Một điều chắc chắn là ông Bửu được tòa đại sứ Hoa Kỳ rất nể vì. Bằng chứng là sau ngày 1-11-1963, ông bị một nhóm quân nhân bắt giữ (vì lầm với ông Nguyễn Văn Bửu, kinh tài cho Ngô Đình Cẩn), đại sứ Mỹ tức thời can thiệp cùng ông Dương Văn Minh, và 24 giờ sau, ông Bửu được tự do.
Cũng xin nhắc lại một điều khác đáng ghi nhận là vào năm 1970, tổng thống Thiệu cương quyết thống nhất các tổ chức chính trị trong một liên minh. Ông Nguyễn Văn Hướng, tổng thư ký Phủ Tổng Thống, thay mặt ông Thiệu mời đại diện các phe nhóm, tổ chức vào Dinh Độc Lập gặp ổng (ông Bửu, ông Sung và tôi đều không có mặt trong cuộc gặp này).
Sáng hôm sau, một buổi họp rộng rãi được triệu tập ở Nhà Kiếng, trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công, do ông Trần Văn Đôn chủ tọa. Ông Bửu đứng ở hành lang, tôi hỏi ông về nội dung buổi họp hôm trước, ông có vẻ dè bỉu là: Láo lếu, lại dạy chúng mình làm chính trị.
Buổi tối cùng ngày, ông điện thoại bảo tôi lại họp. Trên bàn chủ tọa có ông Trần Văn Đôn, ông Nguyễn Xuân Oánh và ông Trần Quốc Bửu. Hỏi ông, ông trả lời là: Các bạn muốn thế, thì hãy thế cho đẹp. Ông cũng chẳng nói các bạn là ai, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Sau đó, tôi không gặp ông. Cho đến 27-4-75, vừa được ông Trần Văn Hương trả tự do, tôi gặp lại ông, ông Đặng Văn Sung, ông Nguyễn Hoàng Cương, ông Nguyễn Văn Anh. Ông Bửu bảo tôi: “Sáng nay, tôi và anh Sung gặp đại sứ Hoa Kỳ Martin. Ông này đưa vào phòng hành quân của tòa đại sứ, chỉ bản đồ Sài Gòn, nói là cộng sản đã chia Sài Gòn thành từng ô nhỏ và có khả năng làm nát Sài Gòn trong một đêm. Không còn cách nào khác là trao quyền cho ông Dương Văn Minh”. Ông nói tiếp là chỉ còn khối Dân Tộc Hạ Viện của ông Trần Văn Tuyên chống lại. Ông cũng như ông Sung không thể nói trực tiếp được cùng ông Tuyên, và yêu cầu tôi thường hay đi lại với ông Tuyên làm chuyện này.
Tôi đã gặp anh Tuyên. Anh cũng nhìn nhận là tuyệt vọng, hứa cùng tôi là không lại dự phiên họp quốc hội, ai quyết định sao là tùy.
Sau đó, đến việc lo liệu để anh em rời Sài Gòn. Nhưng rồi mọi việc đã không như các ông sắp xếp, mà tứ tán trong một tình hình rối loạn, mạnh ai nấy chạy. Gặp lại ông ở Subic Bay, ông không nói gì, dáng mệt mỏi. Sau cùng, ông sang Paris, tạm cư ở đất Pháp và mất tại đó.
– Anh có biết gì về bà dược sĩ vợ nhỏ của ông Bửu, một đặc công cộng sản không?
– Tôi không biết gì về đời tư của anh Bửu. Phần anh không bao giờ nói đến, phần tôi tránh không hỏi ai. Khi anh qua đời ở Pháp, tôi cũng nghe là vì một chuyện ghen tuông, nhưng không hỏi chi tiết.
Biệt Nhãn
– Trong suốt thời gian hoạt động, anh có biệt nhãn với ai không?
– Có lẽ có ba người, là cha con ông Đặng Trần Học và ông Phó Quốc Trụ.
a. Về ông Đặng Trần Học
– Liên hệ giữa anh và ông Học là như thế nào?
– Ông rất thương tôi. Tôi coi như người anh lớn.
Ông là con trai cụ Đặng Trần Hồ, tức Tứ Dân (chủ khách sạn Tứ Dân), chủ nhiệm tỉnh đảng bộ Việt Nam Quốc Dân đảng Thanh Hóa. Cụ là người dâng hết tài sản cho đảng, được các ông TchyA Đái Đức Tuấn và Đàm Quang Thiện, trong vai hai cộng sự viên đắc lực, rất kính nể. Cụ bị cộng sản bắt tháng 12, 1946 và hình như mất ở trại giam Đầm Đùn.
Tôi gặp cụ nhiều lần, khi cụ tới Nam Định họp cùng cậu tôi, cụ Phạm Văn Hồ, cố vấn tỉnh đảng bộ Nam Định, cùng các cụ Phạm Tất Thắng, thân sinh nguyên nghị sĩ Phạm Nam Sách, chủ nhiệm tỉnh đảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nam Định, Nguyễn Bạch Vân, chủ nhiệm tỉnh đảng bộ Ninh Bình.
Tôi biết ông Đặng Trần Học trong một trường hợp tình cờ khó quên, ở nhà giam công an Nam Định.
Tôi bị bắt ở trụ sở tỉnh đảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Nam Định (41 Phố Ga), vì vào đó thăm mấy cán bộ mà tôi quen biết, đúng vào ngày cộng sản đại khủng bố các đảng phái quốc gia (hình như vào tháng 10, 1946).
Lúc này, tôi là Việt Minh, nhưng chúng tôi không phân biệt Việt Quốc, Việt Cách, Việt Minh, vì các ông tôi quen biết đều như tôi, chỉ nghĩ đến độc lập của quốc gia dân tộc. Vì biết vị thế của tôi, công an (cộng sản) để tôi tự do đi lại ở hành lang nhà giam.
Ông Đặng Trần Học bị bắt vì một công tác mạo hiểm ở địa phương cùng một đồng chí tên Xuân. Hai ông mặt mũi đầy máu, bị đẩy ngay vào biệt giam. Thấy hai ông trong tình trạng đau đớn, tôi tới hỏi, qua lỗ cửa, tại sao bị đánh đập như vậy. Thay vì trả lời câu hỏi, ông Học nói nhanh, yêu cầu tôi tìm cho một mảnh giấy mỏng. Tôi làm theo ý ông (sau này, ông cho tôi hay là để in lỗ khóa phòng giam, gửi cho gia đình, tính việc vượt ngục). Ông luôn luôn tươi cười, không bao giờ làm mất lòng ai.
Tôi được bảo lãnh sau ba ngày, và được biết trước ngày “toàn quốc kháng chiến”, ông đã bị đưa đi giam ở một nhà giam thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định. Ông Học dáng đi lòng khòng, luôn luôn tươi cười, nhưng lại là người rất cương quyết, giám làm, với hai sở trường: bạo động, in và tiêu giấy bạc giả, mà ông cho là phương sách tốt nhất, để có phương tiện hoạt động.
Tôi và ông tình cờ gặp lại nhau đúng ngày Phật Đản năm 1947, tại Hà Nội. Ông cho tôi hay là đã sử dụng sở trường thứ ba: vượt ngục, để về đây. Ông đi thầu sân bay Gia Lâm (Hà Nội), gặp tôi chỉ nói chuyện gây lực lượng chống cộng. Chúng tôi ở cách nhau một con đường. Ông ở 108 Hòa Mã, tôi và một số bạn ở 123 Lê Lợi. Đời sống rất vất vả, đến độ một anh đau mắt mà không ai có tiền mua một lọ thuốc, suốt ngày nhắm mắt nghe radio mà khỏi đau. Anh nói: Nhắm mắt, nghe radio một đèn là thuốc đau mắt hay nhất. Chúng tôi chia nhau có thể nói từng bát gạo.
Ông Học thường đưa tôi lại thăm ông Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, một sáng lập viên Việt Nam Quốc Dân Đảng và là cố vấn của ông Nghiêm Xuân Thiện, tổng trấn bắc phần Việt Nam của chính phủ Nguyễn Văn Xuân (chính phủ đầu tiên của quốc trưởng Bảo Đại). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không sao lãng việc qui tụ một số người nghĩ đến nước nhà.
Để toàn nhóm khỏi đói, ông Học đã nhận đề nghị của ông Nhượng Tống làm phó giám đốc Nha Công An Bắc Việt, do ông Nguyễn Đình Thái làm giám đốc [1], lương tháng 4,500 đồng và 1,800 tiền quỹ đen. Ông đưa cả quỹ này cho chúng tôi và đưa một số người vào làm tại Nha Công An.
Thấy cô con gái cưng Đặng Tuyết Mai đi xe đạp, ông cười toe, nói: Thế là con hơn bác Thái rồi, bác đâu biết đi xe đạp. Tình của chúng tôi như thế, cho đến ngày ông bị cộng sản ám sát ngay trước cửa nhà, hình như vào đầu năm 1949. Chúng tôi chạy sang vào đúng lúc ông lìa trần. Còn gì đau đớn cho nhóm chúng tôi hơn (sau cộng sản xin lỗi đã giết lầm, trên báo Cứu Quốc!).
Các cháu Tuyết Mai, Thức, Chi, Hiếu phải hãnh diện có một bậc sinh thành như vậy.
b. Về ông Phó Quốc Trụ
Nói về ông Học, tôi lại nhớ đến Phó Quốc Trụ, chết tại Chợ Lớn, hồi Tết Mậu Thân. Tôi mất hai người bạn không bao giờ có được, như hai ông.
Nói đến Đặng Trần Học, Phó Quốc Trụ, chuyện hơn 50 năm cũ, tôi không ngăn được xúc động. Bao nhiêu người ngày đó: Đỗ Lệnh Kiên, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Thái (Thái Hàng Chuối), Nguyễn Văn Khôi (tức Hàn Khôi), Vũ Hữu Bính,… đã vĩnh viễn ra đi.
Trụ từ giã anh em giữa những ngày khói lửa ngập đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn Tết Mậu Thân.
Ra đời trong một gia đình giầu có ở phố Hàng Thuốc Bắc, Hà Nội, Trụ đã sống tuổi hoa niên trong nhung lụa.
Anh nhập khóa Sĩ Quan Nam Định cùng một số tướng lãnh hàng đầu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, như Lê Nguyên Khang, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Cao Kỳ,… Hỏi anh lý do, anh chỉ cười cười, nói: Vui anh vui em thôi.
Tham gia cuộc đảo chính của binh chủng Dù, do trung tá Vương Văn Đông [2], trung tá Nguyễn Triệu Hồng [3] và thiếu tá Nguyễn Huy Lợi [4] tổ chức ngày 11-11-60 không thành, lên phi cơ cùng mấy chục sĩ quan khác chạy sang Cao Miên, anh cũng khơi khơi nói: Anh em làm, thì mình cùng làm, đi thì cùng đi. Con người Trụ là thế. Coi mọi việc chẳng có gì quan trọng, nhưng rất quí anh em. Làm gì được cho các bạn, Trụ không bao giờ từ chối.
Trụ rất cương quyết, mạnh tay trước các trở lực, đặc biệt mê mạt chược và đua ngựa. Có lần Trụ đánh mạt chược hai ngày đêm, sau đó lại đi cá ngựa suốt buổi chiều.
Nguyễn Cao Kỳ đặc biệt nể, nghe Trụ. Trong cuộc tranh cử 1967, cần một trí thức người Nam đứng liên danh, Trụ hỏi, tôi đề nghị luật sư Nguyễn Văn Lộc [5], do Trần Văn Đôn — lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ liên danh Nông Công Binh (cùng luật sư Lộc đứng trong tổ chức Liên Trường, một tổ chức kỳ thị Nam Trung Bắc, trong cuộc tuyển cử 1967 tích cực ủng hộ liên danh Dương Văn Minh-Trần Ngọc Liễng — gợi ý. Nguyễn Cao Kỳ nhận ngay, chẳng cần hỏi biết gì. Trụ cũng chẳng hỏi gì tôi về luật sư Lộc. Trong tuyển cử 1967, Trụ cả tin là Nguyễn Cao Kỳ sẽ là tổng thống đầu tiên. Khi hay Nguyễn Cao Kỳ rút lui, nhường Nguyễn Văn Thiệu, khác hẳn Đặng Tuyết Mai bỏ về Nha Trang, Trụ vẫn cười cười: Thế cũng đỡ mệt cho chúng mình.
Trụ mất rất trẻ, chưa đầy 40, trong cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân (1968), thật lảng xẹt và cũng vẫn bình thản như thường ngày của anh. Chiều hôm đó, Trụ rủ tôi vào Chợ Lớn. Mục đích là gặp đại tá Giám, tư lịnh Biệt Khu Thủ Đô, lấy khẩu súng AK15 xong, tối về nhà hàng Maxim’s ăn cơm, nghe nhạc. Tôi ngại, từ chối, thì Trụ bảo: Có sao đâu, toàn là anh em. Tôi vẫn mặc đẹp như thế này.
Tôi về nhà. Hai giờ sau, được điện thoại cho hay Trụ đã mất, khi đang ngồi coi bản đồ cùng mấy sĩ quan khác, nơi thềm đá trường trung học Phước Đức, đạn bắn từ một trực thăng (sau đó nhiều nghi vấn được đặt ra quanh việc này, nhưng chẳng có cuộc điều tra nào, ít ngày sau đi vào quên lãng).
Tôi tới nhà Trụ, thì xác Trụ đã được đưa về, người nhà đang cắt những khuy đồng trên áo. Trụ nằm đó, thản nhiên.
Sau anh Học, Trụ ra đi, tôi tìm đâu ra những người bạn như Học, như Trụ.
c. Về bà Đặng Tuyết Mai
– Anh thân với gia đình bà Kỳ (Đặng Tuyết Mai), thấy bà ta ra sao?
– Cô con ông Đặng Trần Học và bà Ngô Thị Tuyết, bạn tôi. Khi chúng tôi làm việc tranh cử năm 1971, cô là vợ ông Kỳ. Phải nhìn nhận là nội các phụ nữ mà tôi biết, kể cả các đệ nhất phu nhân của siêu cường Hoa Kỳ, giám nói là chưa bà nào có quyết tâm và chí lớn như cô ta.
Vào năm 1971, Nguyễn Cao Kỳ hầu như chẳng còn một chút quan tâm nào của quốc tế, chỉ còn là cái bóng mờ. Giữa lúc này, mục sư McIntire quyết định tổ chức cuộc “diễn hành cho chiến thắng” trước Bạch Cung hay Quốc Hội, tôi không nhớ rõ. Thật là một dịp may để chinh phục dư luận. Chúng tôi đều đồng ý là Nguyễn Cao Kỳ nên đáp lời mời của mục sư, sang Hoa Thịnh Đốn dẫn đầu cuộc biểu tình. Đại sứ Bunker gặp Nguyễn Cao Kỳ, hết sức thuyết phục không nên tham dự lúc này, khi phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ đang lên cao. Đệ nhất tham vụ Sylvester, đệ nhị Adams gặp tôi hầu như hàng ngày, thuyết phục tôi can ngăn Kỳ. Rút cục, chúng tôi thắng keo thứ nhất: Nguyễn Cao Kỳ và vợ hăng hái lên đường sang Ba Lê (Kỳ là cố vấn của phái đoàn Miền Nam tại hòa đàm Ba Lê), để sang dẫn đầu cuộc “biểu tình cho chiến thắng”. Tất cả chúng tôi chờ tin vui, yên trí là vực được dư luận quốc tế, thuận lợi cho Kỳ.
Nhưng rồi chúng tôi thua keo thứ hai: Tuyết Mai kể lại, là vừa tới Ba Lê, thì ông đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ [6] từ Hoa Thịnh Đốn bay sang ngay. Hai ông vui vẻ gặp nhau tại bàn mạt chược, không ai đả động gì tới chuyện thời sự. Kỳ thật vui, vì được lớn. Khi nghỉ ăn cơm, ông đại sứ kéo ông Nguyễn Cao Kỳ vào buồng bên cạnh nói nhỏ những gì không rõ. Sau đó, Kỳ tuyên bố hủy chuyến đi. Tuyết Mai quyết định Kỳ không đi thì Tuyết Mai đi thay, vì nghĩ rằng sự có mặt của cô cũng sẽ rất hấp dẫn. Nhưng bàn tay lông lá vẫn quá dài. Chuyến bay của hãng Pan Am bị hủy bỏ. Kết cục, Tuyết Mai bảo tôi: Muốn làm việc mà không biết đánh mạt chược, là điều khiến các cụ thất bại.
Trong mấy tháng tôi lánh mặt tại Trại Phi Long (nhà Nguyễn Cao Kỳ), cô mấy lần tính chuyện làm dữ, nhất là vào ngày ông Thiệu và ông Hương tuyên thệ nhậm chức. Tôi phải vất vả can thiệp.
(3 tháng 10, 1971, dù hai liên danh Minh-Minh, Kỳ-Lễ đều rút tên khỏi cuộc tuyển cử, tin rằng Hoa Kỳ không thể phản lại chủ trương mang tự do dân chủ đến cho các quốc gia kém mở mang, nhưng cuộc độc cử với liên danh duy nhất Thiệu Hương vẫn tiến hành và… thắng cử với 94.3% phiếu bầu trong số 87% cử tri đi bầu). Đêm trước ngày hai ông tuyên thệ nhậm chức tại bùng binh Nguyễn Huệ-Lê Lợi (31-10), Tuyết Mai đánh thức, giục tôi sửa soạn ngày mai bố trí các việc… tiếp thu. Tôi không hiểu gì cả. Cô nói rõ thêm: Cháu đã thuê căn phòng trên gác tiệm vải Tân Phong của bà Kiều Công Cung, bố trí súng máy [7]. Khi tuyên thệ, sẽ hành động. Tôi tá hỏa, thấy cô quá liều, có đạt đích thì càng thêm rối loạn và nhất định phe Nguyễn Cao Kỳ lãnh đủ, vội chạy gặp cho y hay quyết định táo bạo của cô, nên mọi chuyện đã không xảy ra.
Thực, ai đã giám có những dự tính như cô, kể cả các đệ nhất phu nhân nổi danh thế giới, khiến tôi nhớ đến thân phụ cô, người cái gì cũng giám làm và lúc nào cũng cười cười, ngay trong những khi thật gay cấn.
Nhìn Tuyết Mai những lúc cô cho hay về những việc cô dự tính, tôi thấy ở cô tất cả những cái độc đáo của người cha: quyết liệt, chấp nhận may rủi. Nhưng có chút khác. Cô nóng nảy chứ không bình tĩnh với nụ cười nhẹ nhõm trong mọi tình huống của ông bố.
Cuộc đời dâu bể, sang đây, trong khung cảnh mới, có thể cô không còn như trước, nhưng tôi vẫn chỉ thấy cô qua hình ảnh những năm xưa. Nếu không có Tuyết Mai, chẳng bao giờ có chuyện Nguyễn Cao Kỳ gây sóng gió trong cuộc tuyển cử 1971. Cô đã cung cấp mọi phương tiện, với lòng tin tưởng tuyệt đối, chẳng bao giờ hỏi chúng tôi đã làm những gì. Có cô tiếp sức, chúng tôi mới có cơ hội thử xem việc mang lại tự do dân chủ được người Mỹ tôn trọng đến mức nào.
1. Em Nguyễn Đình Thuần (bộ trưởng Phủ Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa, rất được ông Diệm tin dùng, được cảm tình của Mỹ, đã có lúc tính đưa thay ông Diệm, cũng là vị bộ trưởng đầu tiên trình diện Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đảo chính ông Diệm ngày 1-11-63, hiện sống tại Pháp, hình như là chủ một khách sạn nhỏ tại Ba Lê).
2. Hiện ở Ba Lê, Pháp.
3. Mất ngay khi binh biến khởi đầu.
4. Hiện ở Virginia Beach. Lợi cũng là trưởng đoàn quân sự Việt Nam tại hòa đàm Ba Lê, cấp đại tá. Hồi 1985, Lợi gặp Nguyễn Cơ Thạch, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Cộng, nói chuyện đổi mới Việt Nam.
5. Sau là thủ tướng và viện trưởng Viện Đại Học Cao Đài, đã qua đời ở Texas.
6. Bùi Diễm.
7. Người thi hành công tác này là đại úy trưởng ban an ninh Phủ Phó Tổng Thống, hiện đang ở Colorado.
Nói Về… Phe Ta
– Anh được coi là người liên lạc với các đảng phái của nhà nước Đệ Nhất Cộng Hòa, thì, từ khi cộng sản nắm quyền (1945) đến ngày đảo chính ông Diệm (1960), anh thấy “phe quốc gia” ra sao?
– 15 năm vẫn thế! Hàng ngũ quốc gia chỉ lèo tèo vài người được như Lê Khang, Phan Kích Nam. Còn thì bột phát một thời gian ngắn theo chân quân đội Trung Hoa nhập Việt với danh nghĩa tước khí giới quân đội Nhật, rồi tứ tán tan hàng, chạy sang Tàu, kiếm sống cá nhân hơn là quần tụ lại hàng ngũ cho một giai đoạn đấu tranh mới.
Khi một bố trí chính trị manh nha (năm 1948, lá bài Bảo Đại được thành hình ở Hong Kong), thì lại thấy quí vị xuất hiện đầy đủ quanh ông quốc trưởng, lại khoác những danh nghĩa quen tai: Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, Dân Chính, Dân Xã, Đại Việt,… mà kiếm điểm, chứ lực lượng có lẽ mỗi phe phái năm ba người là tối đa, chương trình xây dựng quốc gia mơ hồ. Có chăng chỉ là nhắc lại những điểm chính của các cương lĩnh, chủ trương, chính sách chung chung. Tôi nhắm mắt cố ôn lại những ngày qua:
Tôi biết đến hàng ngũ gọi là quốc gia vào giữa năm 1946. Có cái hình ảnh tôi nhớ mãi: Một thanh niên 18 tuổi, đội calô vành xanh sao trắng, hai tay hai quả lựu đạn, nách kẹp chồng báo Việt Nam, yêu cầu mọi người tự do lấy báo ở Chợ Rồng Nam Định. Tôi rất bất bình trước việc những người yêu nước bị lùng bắt, bị khủng bố. Tôi bắt đầu giao thiệp với họ qua ông chú họ, vào chơi trong trụ sở tỉnh đảng bộ tại 41 Phố Ga, ăn tập thể, cơm đổ vào rá, tôm kho muối còn nguyên đầu, râu dài tua tủa. Tôi bỏ những sinh hoạt của tổ chức của chính tôi (Việt Minh), nên bị bắt ba lần, hai lần có sự can thiệp kịp thời của tổ chức nên được trả tự do mau lẹ. Lần thứ ba, có lẽ vì các người trên bận chuẩn bị cuộc kháng chiến nên tôi bị bỏ quên, đưa lên Phủ Lý, giam tại đồn điền cà phê La Vallée, rồi dần dần chuyển lên Chiné, Bến Bưởi (Hòa Bình). Tôi vượt ngục cùng một số tạm gọi là cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng, như chủ nhiệm, bí thư tỉnh đảng bộ, mà tôi thấy quá tầm thường, tranh nhau ăn, tranh nhau đi tắm,…
Chỉ có một người tôi thật nhớ, anh Vũ Lộc, chủ nhiệm tỉnh đảng bộ Vĩnh Yên. Anh còn rất trẻ, vào tuổi tôi, kéo lê đôi guốc mộc mòn, cặp kính cận dày cộm, nhưng không lùi một bước trước ban giám thị trại giam. Vượt ngục về Hà Nội, anh lấy lại tên thật là Vincent Quân, làm trung úy Phòng Nhì Pháp. Anh vẫn giữ liên lạc với một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống mới. Năm 1954, anh ở lại bắc. Và từ đấy, tôi không còn được tin anh. Tôi nhắc đến anh, một người bạn mà tôi nghĩ đã được đào tạo cùng một phương pháp như tôi. Chắc chẳng còn bao giờ gặp lại anh. Ví như anh còn sống, thì cũng vào tuổi tôi, tuổi không còn gì hẹn đến ngày mai.
Đầu 1948, tôi liên hệ cùng tổ chức Bắc Bộ Khu Việt Nam Quốc Dân Đảng. Một quan lại trẻ của triều đình Huế và cũng là thị bộ trưởng của Đảng ở Hà Nội (ông này mở một cửa hàng bán đồ ăn khô ở 6 Place Négret, Cửa Nam) lo vấn đề tiếp tế cho chỗ chúng tôi cư trú, gồm 6 người đều từ nhà giam Bến Bưởi vượt ngục về. Đảng viên qui tụ chưa quá 10 người. Tôi lo việc huấn luyện.
Một sự việc khiến tôi mất tin tưởng ở tổ chức, là một lần từ Bạch Mai về muộn, không thể về Đấu Xảo (chỗ chúng tôi cư ngụ cách Chợ Cửa Nam chừng nửa cây số) để ăn trưa. Tôi ghé tiệm chạp phô xin cô đứng bán hàng cho ăn qua loa để kịp chuyến xe điện đi Thái Hà Ấp. Và được dọn cơm tám giò chả, bữa ăn mà từ ngày về thành tôi chưa hề biết đến, vì đồ tiếp tế cho chúng tôi chỉ là gạo, có khi mốc, và cá khô, tôm khô. Còn trẻ, chấp nhất, tôi thấy đâu là tình đồng chí, để khó có thể dừng chân, vì khó có thể cộng tác lâu được.
Sự việc thứ hai làm tôi dứt khoát, là huấn luyện xong hai lớp đầu, chỉ thị của tôi là dù gì những người cộng sản cũng đang đánh thực dân (mà thái độ của đảng viên là không chấp nhận cộng sản). Hai tối sau, nhân viên Sở Liêm Phóng Pháp (Sureté Fédérale) bắt tôi cùng năm sáu cán bộ. Tôi nhất định không nhận là tác giả của chỉ thị đó, cho đến hôm Vũ Lộc đến bảo lãnh tôi, cho hay tố tôi chính là người cầm đầu Bắc Bộ Khu. Tôi quyết định rời hàng ngũ. Và đó là thất vọng đầu tiên của tôi về phe quốc gia.
Rất vất vả cho tôi là lâu lâu tôi lại bị gọi lên Sở Liêm Phóng tường trình việc đã làm trong thời gian qua. Rồi đến khi chính quyền quốc gia bắt đầu, nhưng quyền công an vẫn do người Pháp kiểm soát, thì tôi lại tháng khi một lần, khi hai lần sách bị vào nghỉ ít ngày mỗi khi có nhân vật quan trọng ở Nam ra, cho đến khi họ về lại Sài Gòn.
Cho đến ngày ông Nguyễn Hữu Trí [1] làm thủ hiến (3-7-49), Nha Công An hoàn toàn do người Việt làm giám đốc, trưởng phòng Chính Trị là ông Vũ Đình Lý, mà tôi quen biết do sự giới thiệu của anh Đặng Văn Sung, tôi mới thoát nạn. Cái di hại của một lời tố cáo đeo đuổi tôi khi Hoàng Đạo hoạt động mạnh, từ Hà Nội vào Sài Gòn, gây cho mọi người lầm tưởng là kháng chiến chống thực dân không hoàn toàn chỉ là cộng sản, mà một khu kháng chiến không cộng sản đang thành hình ở vùng Thanh Hóa, khiến chiến hạm của Pháp đến tiếp tế khí giới ở đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) bị đánh đắm thì, căn cứ vào hồ sơ cũ, tôi lại bị giữ ở Công An (không còn do Đại Việt kiểm soát), rồi đưa sang cơ quan phản gián của Pháp, do thiếu tá Charton chỉ huy. Thời gian “nghỉ ngơi” này của tôi hơi dài, hơn 6 tháng. Và nếu không có sự việc ông Nguyễn Hữu Trí quay lại làm thủ hiến, thì tôi đã được đưa đi giam ở Nhà Tiền, thời hạn chưa biết bao lâu. Đó là vào cuối năm 1952 thì phải, tôi không nhớ rõ.
Lần này tôi được yên thân ba năm, nhưng hoàn toàn mất tin tưởng ở phe quốc gia. Tôi và mấy người thân tín tính chuyện lập tổ chức riêng, hết Liên Minh Cách Mạng Việt Nam lại đến Việt Nam Tiến Bộ Đảng, cuối cùng là Đảng Xã Hội vào cuối năm 1953 cùng với anh Võ Đức Diên, kiến trúc sư. Và anh đã mở đường cho tôi vào Sài Gòn, tìm một thế đứng mới.
Một sự việc khác khiến tôi thêm mất tin tưởng các phe phái đã liên lạc, từ nhóm Đại Việt Đặng Vũ Lạc đến tổng lãnh sự Trung Hoa ở đường Tràng Thi. Ở đây có bác sĩ Phan Châm Nguyễn Tiến Hỉ, một đại lãnh tụ của Đại Việt Quốc Dân Đảng, thường xuyên có sự đi lại của luật sư Thái Vĩnh Thịnh, ông Cung Đình Quỳ, ông Nghiêm Kế Tổ (VNQDĐ),… Tại những nơi này, tôi gặp được mấy người tuy không ở cấp lãnh đạo nhưng rất năng động, như Nguyễn Thiện Kế (Đại Việt), Bùi Phú Đa tức Lê Thái Bằng, Nguyễn Hưng Việt tức Việt Pope. Tôi chẳng thấy các ông hội họp gì về đấu tranh cách mạng, xây dựng hàng ngũ, mà chỉ thấy nhộn nhịp khi có tin thăm dò thành lập hay cải tổ chính phủ.
Tôi chấm dứt không đi lại với các ông sau lần ông Thái Vĩnh Thịnh (quan lại cũ) nói cùng tôi và Kế: Các cậu lo tổ chức thanh niên. Còn các việc thượng tầng để chúng tôi, những người có văn bằng lớn.
Một nhận xét mà tôi kinh qua, là hàng ngũ VNQDĐ có một tiềm lực nhân sự rất cao. 1954 tôi vào Nam, dựa vào quân đội và tổ chức chính trị của Cao Đài là Việt Nam Phục Quốc Hội, mà tôi là hội trưởng Miền Bắc, thấy trụ sở có căng bảng đàng hoàng mọc lên ở khắp nơi quanh Sài Gòn và Tây Ninh, đều do các đảng viên VNQDĐ xây dựng. Ngay ban chấp hành Miền Bắc cũng có tới 5 người trên 9 ủy viên. Có tiềm lực nhân sự tháo vát mà không qui tụ được thành hàng ngũ, tôi nghĩ là khuyết điểm của những người lãnh đạo, nhất là một đảng viên VNQDĐ đã là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nội các Ngô Đình Diệm [2]. Tôi không thể nào nghĩ là ở một địa vị do chính đảng mình đem đến, mà các ông lại kéo bè kéo cánh bảo vệ các ghế chính quyền của mình hơn là công tác đảng.
Tôi có chẻ sợi tóc làm tư để đánh giá các ông đó không?
Thời thực dân, các ông có lợi thế để ăn trên ngồi trốc. Thời sau, lại vận dụng cái thế sẵn có, ngồi vào những địa vị cao cấp của tổ chức, gặp cơ hội, lại thành bộ trưởng, đại sứ để rút lại chỉ phục vụ cho cá nhân mình. Tình trạng này cắt nghĩa tại sao các đảng phái quốc gia thành năm phe bảy mối đấu tranh với nhau hơn là phục vụ đảng để phục vụ tổ quốc. Thảm trạng này chẳng phải chỉ đến 1975, mà còn kéo dài đến nay. Chúng ta phải luôn suy gẫm để cảnh giác các thế hệ sau, kể cả con cháu chúng ta.
Ngày nay, hơn 40 năm đã qua. Tôi đã ở tuổi không hẹn ngày mai. Đúng một năm trước, 18-1-2004, tôi vào nhà thương vì bịnh tim, bịnh phổi, bịnh xuyễn. Ngay bác sĩ săn sóc tôi cũng tưởng là không cứu được. Những ngày nằm phòng cấp cứu, những đêm trằn trọc không ngủ, tôi đã suy ngẫm nhiều về giai đoạn này. Từ cuộc đảo chính 11-11-60 đến các cố gắng làm dịu tình hình, nếu các đề nghị mời một số nhân vật đối lập đàng hoàng tham gia tân nội các được thực thi — thay vì ngày 28 tháng 5, 1961, chính phủ mới ra mắt, với những bộ mặt cũ, chuyên nghề bợ đỡ, không giám lãnh một trách nhiệm nào — thì hẳn đã tác động tâm lý, chặn đứng được phong trào bất mãn, các cuộc biểu tình chống đối, chuyện bắt bớ ngày thêm nhiều. Nên chẳng những riêng tôi mà dư luận chung là chán nản. Những vận động đoàn kết khựng lại, trong ngoài không tạo được cơ hội đối thoại, ngày càng thêm xa cách, quay trở lại tình trạng của những ngày trước đảo chính. Còn nếu được vậy, thì dù có bất bình trước thái độ chống đối quyết liệt của ông Nhu về việc can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đâu có thể lợi dụng khai thác những tây con André Đôn, đầu bé đít to Dương Văn Minh để thay ngựa giữa dòng, với cái chết thảm thương của hai anh em Diệm Nhu. Tiếp theo là tạo nên những tên chó nhảy bàn độc Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu mặc tình đưa Việt Nam vào tay quyết định của Hoa Kỳ.
Điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là thân phận một dân tộc nhược tiểu, một con cờ trong một ván cờ được sắp xếp theo chiến lược quốc tế của đại cường. Ngày nay, Việt Nam đang nằm trong tay một loại tư bản mới, sẵn sàng suôi theo những gì siêu cường muốn để tồn tại. Sức mạnh nào có thể cứu vãn được Việt Nam, ngày càng bị đàn anh to lớn phía bắc lấn tới. Các việc đấu tranh gọi là cho tự do, cho nhân quyền phải chăng cũng chỉ là những cuộc đấu võ mồm, ru ngủ quần chúng hải ngoại càng ngày thêm chia rẽ, ngày càng bớt khí thế đấu tranh. Làm sao với tay tới được đại thể đồng bào quốc nội để tạo một cuộc sống mới, hôm nay hơn hôm qua.
Tôi đã cố khơi lại hồi ức để kể lại với các anh, một việc mà bao năm nay tôi không làm. Kể lại để nhấn mạnh đến cái gì, cho ai, có thể là ngay con cháu mình cũng sẽ chẳng lưu ý. Các anh nói là cho thế hệ sau? Thật mơ hồ. Nhưng cũng cứ mong không phải là vô ích, để có can đảm mà tiếp tục hay cho có việc mà làm trong khi chẳng còn làm được gì khác hơn nữa.
*
Còn nhiều điều NgD muốn hỏi muốn biết, tiếc rằng ông Lê Văn Thái đã ra đi, nên loại bài này ngưng nơi đây.
Khi còn sinh thời, chúng tôi có hỏi riêng rẽ hai ông Lê Văn Thái và Như Phong (Lê Văn Tiến), hai người nổi tiếng biết lắm chuyện, rằng ai là người biết nhiều nhất về người về việc của khoảng lịch sử 1940-75. Cả hai ông cùng cho biết: người thứ nhất là Hoàng Bá Vinh, người thứ nhì là Trần Kim Tuyến. Nhân một dịp qua Pháp, chúng tôi có nói với ông Hoàng Bá Vinh là ông có bổn phận phải ghi lại những điều ông biết để làm tài liệu lịch sử. Ông Vinh đồng ý. Tuy nhiên kỳ qua Pháp năm ngoái (tháng Tư, 2005), hỏi ông, thì được trả lời: Tôi đã viết xong. Nhưng đọc lại thì thấy từ đầu đến cuối chẳng khen được người nào. Hóa ra tôi kể xấu thiên hạ sao. Nên đành mang đốt.
1. Đảng viên Đại Việt
2. Phan Huy Quát
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen