Học các lớp dưới, có bạn nào người
Hành Thiện hay không tôi không biết. Năm 1945, thi đỗ trung học đệ nhất cấp
(DEPSI), tôi xin vào học lớp Đệ Nhất Chuyên Khoa do thầy Phó Đức Tố (em nhà
cách mạng Phó Đức Chính: 1907-1930) ở Pháp về mở ở trường Thành Chung, Nam Định,
trong lớp có hai anh em người Hành Thiện tên là Di và Cầm, thường ngồi riêng với
nhau không giao dịch với ai khác. Năm sau, lên đệ nhị Chuyên Khoa vẫn thế.
Cuối
năm 1946, chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ. Dân thành thị phải tản cư về “hậu
phương”. Khi cùng cha mẹ anh em tôi ra đến đầu tỉnh thì tôi bị chặn lại cùng với
các sinh viên và học sinh Chuyên Khoa. Chúng tôi bị tập trung trong một căn nhà
ở phố Hàng Cót, được tiếp tế cơm ăn với đường, không phải làm gì cả nhưng lần đầu
trong đời nếm mùi đói rét. Ít lâu sau, có lệnh chúng tôi cứ 2 người một phải về
các phủ huyện đảm nhận công tác tuyên truyền. Tôi và một anh sinh viên Canh
Nông cao lớn được lệnh về phủ Trực Ninh. Qua Đò Quan sang bên kia sông Đáy,
chúng tôi đi trên quốc lộ 21, qua làng Địch Lễ có sinh phần cụ Phan Đình Hòe rồi
gần đến Cổ Lễ có lối rẽ vào làng Hành Thiện thì anh sinh viên Canh Nông bảo tôi
cứ xuống Trực Ninh trước, anh về thăm vợ rồi xuống sau. Chả bao giờ thấy mặt
anh nữa. Xuống Trực Ninh, may gặp Phong, bạn học, không biết chức vụ gì chỉ biết
là người toàn quyền “cai trị” phủ Trực Ninh nên cũng dễ chịu. Phủ Trực Ninh có
một cái xe tải chở được độ mươi người khách, chiều chiều tôi bảo tài xế chở tôi
lên Cổ Lễ là nơi xầm uất lúc đó, lấy cớ là để kiểm soát ban kịch nhưng thực ra
để ăn phở và đùa dỡn với ban kịch của Huân Lợn, có cô Thu là diễn viên chính. Gần
Tết, có hai người bạn thân (cũng là bạn học với Phong) đến, tôi bảo Phong là
tôi cùng với họ về quê xem bố mẹ tôi ra sao. Thực ra lúc đó, ai đi đâu, làm gì,
chính quyền không có cách gì kiểm soát. Tôi về quê gặp cái tang đau đớn em út bị
chết đuối vào ngày 23 tháng chạp. Tôi về ở cái ấp Bút Phong của bố mẹ tôi ở Hà
Nam, buồn quá, xuống Sĩ Lâm Đông, cách Phát Diệm vài cây số, chơi với hai người
bạn thân nói trên.
Đúng
lúc ấy, cuối năm 1949, Pháp thả dù Phát Diệm rồi Cha Hoàng Quỳnh đem quân Phát
Diệm đi “tái chiếm” các vùng lân cận. Nhân dịp này, tôi được Cha Quỳnh cấp giấy
cho hồi cư về Nam Định. Rồi tôi vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn lại ra Hà Nội làm
việc. Lúc ấy, Di học Nha và Cầm học Y, năm 1954 đều tốt nghiệp. Em tôi cũng học
Nha, tổ chức lớp Nhu Đạo cho trường Đại Học do các võ sư người Pháp Conginie và
Tarquiny bên võ đường AFOM sang làm huấn luyện viên. Cầm cũng theo học. Học Nhu
Đạo căn bản là học ngã thật thuần thục rồi mới học các thế khác. Khi hai võ
sinh tập với nhau (randori), một người vào đúng thế thì người kia phải ngã
ngay, không nên cưỡng. Có lẽ Cầm tính kiêu căng, cưỡng lại nhiều lần. Người tập
với Cầm có lẽ bực mình, thấy Cầm cưỡng lại, cố ý lơi ra một chút để Cầm cũng
lơi ra rồi bất thần quật một phát, Cầm rơi xuống chết ngay tại chỗ. Quan tài Cầm
quàn tại giảng đường Đại Học, chúng tôi võ sinh luân phiên đứng gác quan tài.
Sau khi tôi thành hôn mới biết vợ tôi chơi thân với cô Phú, em Di và Cầm, mỗi lần
cô Phú về Hành Thiện lên Hà Nội đều đem cho vợ tôi một giỏ cam. Cam Hành Thiện
có một lịch sử dài.
Nguyên
thủy gốc tích làng Hành Thiện xuất phát từ ấp Hộ Xá, làng Giao Thủy, huyện Hải
Thanh (sau được nâng thành phủ). Cuối đời Lý (1009-1225), phần đất của ấp Hộ Xá
bị sạt lở. Một bộ phận dân cư của làng Giao Thủy di cư đến phía Nam vùng Lạc Quần,
lập thành làng Hộ Xá (sau đổi thành Nghĩa Xá), thuộc phủ Hải Thanh (nay thuộc huyện
Nam Trực, Nam Định). Cả 2 làng cùng thờ phụng chung một ngôi chùa Keo (bấy giờ
tên chữ được đổi thành Thần Quang tự). Thời nhà Trần, phủ Hải Thanh được đổi
thành phủ Thiên Trường. Gần làng Nghĩa Xá có một vườn kim quất (cam ngọt), được
các vua nhà Trần thường hay đến chơi, nên lập thành một trang ấp có tên là Hành
Cung Trang. Năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, gây sạt lở
cả làng Nghĩa Xá. Dân làng Nghĩa Xá di dời vào định cư tại trang Hành Cung cũ,
bờ ở hữu ngạn sông Hồng. Dân làng Giao Thủy định cư ở bờ hữu ngạn, chếch về
phía Tây Bắc, lập thành trang Dũng Nhuệ. Các dân làng cũng cho xây dựng các
chùa Keo mới tại gần trang ấp định cư, từ đó hình thành tên gọi làng Keo Thượng
(hay Keo Trên) để chỉ trang Dũng Nhuệ và làng Keo Hạ (hay Keo Dưới) để chỉ
trang Hành Cung. Trang Dũng Nhuệ, đến thời Tự Đức, được đổi tên thành xã Dũng
Nghĩa, thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình).
Còn trang Hành Cung từ năm Minh Mạng thứ tư (1823) đã được đổi thành xã Hành Thiện,
thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Một
trùng hợp: Tôi là bạn với Trần Mộng Chu, người Hành Thiện, rất nho nhã, giỏi
Hán văn, làm thơ Đường rất hay, góa vợ, có hai con trai đều bị polio. Sau anh
Tú lại lấy cô Phú, theo vai vế là cô của Tú, nhà ở một đường làng từ cổng xe lửa
số 6 (Trương Minh Giảng) rẽ vào. Khi Tú mất, tôi có đến viếng.
Khi
tôi làm ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín thì ông Phạm Ngọc Khuyến, người Hành
Thiện, làm tổng giám đốc. Sau ông Khuyến xin nghỉ VNTT để mở Sài Gòn Ngân Hàng
cho bà Giầu, là khách lớn của VNTT và là chủ Liên Phương Kỹ Nghệ Dệt và Liên
Phương Kỹ Nghệ Nhuộm. Anh tôi cũng làm giám đốc chi nhánh Nha Trang của ngân
hàng này, sau về làm tổng thanh tra. Không biết ông Phạm Ngọc Khuyến họ hàng với
các tiền bối họ Phạm Ngọc là cử nhân Phạm Ngọc Chất và Phó Bảng Phạm Ngọc Thụy
ra sao.
Họ
Phạm là một trong ba họ lớn của làng Hành Thiện, có cư dân ngang với họ Đặng
nhưng về số khoa mục chỉ đứng thứ ba sau họ Nguyễn và họ Đặng. Họ Đặng có 6
ngành phân biệt bằng tên đệm: Đặng Vũ, Đặng Đức, Đặng Xuân, Đặng Ngọc, Đặng
Huy, Đặng Hữu. Họ Nguyễn phân ra Giáp, Ất, Bính, Đinh.
Làng
Hành Thiện (diện tích khoảng hai cây số vuông) hình con cá chép, nằm giữa sông
Bùi Chu rộng độ 10 mét, dài 10 cây số, nối liền sông Hồng Hà với sông Ninh Cơ,
khi chảy đến Hành Thiện thì tách ra làm hai nhánh, bọc kín làng, đến cuối làng
thì hợp lại để chẩy ra sông Hồng. Làng Hành Thiện nằm ngay ngã ba sông Hồng Hà
và sông Ninh Cơ (sông Cửa Lạch) lại được sông Bùi Chu, lúc nào nước cũng đầy ắp,
bao bọc. Làng chia ra hai phần chính:
–
Làng Trong là bờ tây nam sông Bùi Chu, là nơi thổ cư của họ Giáp Nguyễn. Làng
Trong nhỏ hơn, có 4 giong, mỗi giong có hai xóm, xóm trước và xóm sau. Giong là
ngõ chạy xuyên qua bề ngang làng, chia làng ra từng khúc như khúc cá. Các giong
ở làng trong dài 200 mét.
–
Làng Ngoài lớn hơn, gồm 14 giong. Giong số 1 và số 14 ở đầu làng và cuối làng
chỉ dài 150 mét. Các giong số 6, 7, 8 ở giữa bụng cá, dài tới 600 mét.
Hữu
Ngọc, giáo sư Anh Văn năm 1945-1946 của tôi ở trường Nguyễn Khuyến Nam Định.
Anh chỉ hơn chúng tôi vài tuổi nên bắt chúng tôi gọi bằng anh. Tôi còn nhớ anh
say sưa giảng bài The Daffodils trong 6ème Bleu. Anh viết về Hành Thiện:
Hành
Thiện được sông đào Bùi Chu (chảy ra sông Ninh Cơ) bao bọc, cá tha hồ vẫy vùng.
Đầu cá ở cuối làng phía chợ, cạnh miếu có mắt cá (cái giếng), nếu động vào là
đau mắt cả làng. Đầu làng là rốn cá (một chỗ trống), động vào là làng có gái chửa
hoang. Phía nam làng có 1 ruộng mạ hình cái nghiên mực, phía đông có mảnh đất
dài hình cái đầu bút lông. Do đó mà Hành Thiện có sự nghiệp bút nghiên (Hành
Thiện, đất “bút nghiên”. Tháng 4.2006).
Theo
phép địa lý, đất Hành Thiện lúc nào cũng ấm áp, đắc địa nên là nơi “địa linh,
nhân kiệt”.
Thiền
sư Không Lộ, họ Dương, húy là Minh Nghiêm. Ngài sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính
Thìn (1016) niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 đời Lý Thái Tổ là người làng, có công
phò trợ Lý Công Uẩn (974 – 1028) lên ngôi vua (1009) lấy hiệu là Lý Thái Tổ.
Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu,
thiền sư Không Lộ thuộc đời thứ 9 Thiền phái Vô Ngôn Thông, ra đời trong một
gia đình làm nghề chài lưới, theo thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia cùng làm bạn với
các thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh (1072-1116) thường gọi là đức thánh Láng.
Tương truyền, sau khi đắc đạo, thiền sư Không Lộ có thể bay lên không trung, hoặc
đi trên mặt nước giống như Sư tổ Đạt Ma, đi vào rừng sâu, núi cao cọp thấy cũng
phải cúi đầu… Sư được nhà Lý phong đến bậc Quốc sư. Theo sách Không Lộ Thiền sư
ký ngữ lục, năm 1061 thời Lý Thánh Tông (1023 – 1072), Không Lộ dựng chùa
Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo vì chữ “giao” có nghĩa là
keo dính, hồ dán cho dính) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ
qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước
sông Hồng xói mòn dần nền chùa và, đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả
làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: Một nửa chuyển
về đông Nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng,
huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông Bắc
tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo Dũng Nhuệ, tỉnh Thái Bình. Hàng năm
hai chùa này đều mở hội linh đình. Chùa Đinh Lan mỗi năm vào ngày 15 tháng 2 âm
lịch, chùa Thần Quang từ ngày mùng 9 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch, lôi kéo rất
đông khách thập phương về Hành Thiện xem hội.
Đức
Thánh tổ là Dương Không Lộ
Ngày mười tư tháng chín giáng sinh,
Dù ai buôn bán trăm miền,
Mười rằm tháng chín chớ quên hội làng.
Trên đất rước những kiệu vàng,
Dưới sông chèo trải hò khoan dô huầy.
Ngày mười tư tháng chín giáng sinh,
Dù ai buôn bán trăm miền,
Mười rằm tháng chín chớ quên hội làng.
Trên đất rước những kiệu vàng,
Dưới sông chèo trải hò khoan dô huầy.
Năm
1119, đời Lý Nhân Tông (1066-1127), thiền sư Không Lộ viên tịch, các môn đồ làm
lễ hỏa táng, thu xá lợi, xây tháp thờ ở trước chùa Nghiêm Quang. Tuy nhiên,
cũng có một truyền thuyết dân gian kể rằng trước khi viên tịch, ngài hóa thành
khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng
ngày nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.
Bác
sĩ Bùi Duy Tâm giải thích những huyền thoại này:
Làng
Hành Thiện có hai ngôi chùa ở đầu làng cách nhau nửa cây số. Chùa Trong hay Thần
Quang (xây từ cuối thế kỷ XVI) phía trước thờ Phật, phía sau thờ Đức Không Lộ
Dương Minh Nghiêm (có tài chữa bệnh, đã chữa khỏi bệnh cuồng trí cho vua Lý
Nhân Tôn nên được tôn làm “Lý triều quốc sư”) làm Thánh tổ của làng. Chùa Ngoài
tức chùa Đinh Lan (vào cuối thế kỷ 18 có một tượng gỗ trôi trên sông Hồng, đến
địa phận làng Hành Thiện, được trẻ mục đồng vớt lên, thấy có khắc mấy chữ
“Thánh Mẫu Đinh Lan”)… Sông Bùi Chu rộng trung bình là 10 mét mà đặc biệt khi
chảy đến trước đình thì phình ra rộng đến 40 mét. Theo thuyết địa lý, đình làng
trông ra khúc sông nở rộng như vậy là đắc địa cho dân làng về khoa cử và tiền bạc.
Trong đình có treo một bức hoành phi khắc 4 chữ nho “Mỹ Tục Khả Phong” mà vua Tự
Đức ban cho làng để khen làng cho nhiều phong tục tốt… Cạnh Vũ Chỉ có một chỗ
trũng gọi là Rốn Cá. Đàn ông đi qua thường đái vào đó nên người làng khác đặt
chuyện ra để chế diễu nói là vì thế con gái Hành Thiện hay bị chửa hoang và con
trai Hành Thìện có giới tính rất mạnh…
Bài
viết của bác sĩ Bùi Duy Tâm rất công phu, không những tả đền miếu, chùa chiền,
chợ búa… và tục lệ, hội hè Hành Thiện mà còn kể cả sự tích những bậc khoa bảng
của làng:
Trong
6 làng có số cử nhân và đại khoa nhiều nhất nước thì làng Hành Thiện đứng đầu với
88 vị. Làng Đông Ngạc đứng thứ nhì với 42 vị, không bằng nửa của làng Hành Thiện.
Số đậu đại khoa của một mình làng Hành Thiện còn nhiều hơn tổng số các vị đại
khoa toàn xứ Nam kỳ vì trong suốt triểu Nguyễn, xứ Nam kỳ chỉ có 5 vị đại khoa
(trong số đó có cụ Phan Thanh Giản đậu Tiến sĩ đệ tam giáp năm 1826). Số khoa mục
của toàn thể các làng thuộc thành phố Nam Định và số khoa mục của 20 làng thuộc
thành phố Hà Nội còn ít hơn so với số khoa mục của một làng Hành Thiện (“Làng Hành Thiện”. 24.3.2012).
Bác
sĩ Bùi Duy Tâm là rể làng Hành Thiện.
Cụ
lang Nguyễn Thúc Tài sinh ra cụ án sát Nguyễn Hữu Lợi, cụ Lợi sinh ra cụ huyện
Nguyễn Ngọc Quỳnh, cụ huyện Quỳnh sinh ra cụ án sát Nguyễn Duy Khiêm (ông nội vợ
bs Bùi Duy Tâm), cụ tuần phủ Nguyễn Duy Hàn (ông nội Nguyễn Thế Truyền) và cụ
Nguyễn Duy Thuần (bố vợ Đặng Xuân Khu).
Nguyễn
Thế Truyền thì từ khi tôi còn rất bé đã nghe thấy cậu tôi nói đến và tỏ ý rất
khâm phục. Ông sinh năm 1898 được ông nội lúc đó làm Tuần phủ Thái Bình gửi Phó
công sứ Pháp tại Thái Bình là Dupuy đưa sang Pháp học lúc mới 12 tuổi (1910),
17 tuổi đỗ Brevet superieur (ngang với Tú tài), về Hành Thiện chơi 1 năm rồi
quay sang Pháp học 4 năm (1916-1920) tốt nghiệp Kỹ sư Hoá học và Cử nhân Khoa học
ban Lý Hoá, về Hành Thiện một năm, học chữ Hán với cụ Cả Cung và lấy Phạm Thị
Luyến là con gái cụ cả Thông (Phạm Ngọc Thông). Sau khi rước dâu và cỗ bàn linh
đình, ông mới biết là đã lấy lộn người. Người ông yêu là chị cô dâu tên là Phạm
Thị Chắt đã có chồng là ông giáo Đạt. Ông nhờ cha mẹ xin lỗi cụ cả Thông và cho
cô dâu mấy chữ để lấy chồng khác. Sau này, khi ông giáo Đạt mất, ông Truyền nhờ
ông Nguyễn thế Việt (mẹ và anh cả của Việt bị chôn sống hồi cải cách ruộng đất)
rủ Nguyễn Thế Đại (Tổng thanh tra Giám sát viện) là con và ở chung với bà giáo
Đạt lại thăm ông để ông có cớ lại thăm để gặp bà giáo Đạt. Ông mời bà giáo Đạt
đi ăn cơm nhưng bà từ chối. Năm 1921, ông trở lại Pháp lấy bằng cử nhân văn
chương triết học chỉ sau một năm rưỡi, lấy cô đầm Pháp Madeleine Marie Clarisse
Latour, sanh được hai trai và hai gái. Năm 1923, ông sắp trình luận án tiến sĩ
quốc gia khoa học về Vật lý thiên văn thì bị chính quyền Đông Dương ngưng cấp học
bổng vì ông cùng với Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn
An Ninh hoạt động trong Hội Liên Hiệp Thuộc địa. Ông Nguyễn An Ninh là bạn chí
thân của ông Nguyễn Thế Truyền, sang Pháp trong một niên học 1920-1921 đậu liên
tiếp ba phần cử nhân Luật khiến giới đại học Pháp phải ngạc nhiên. Ông Nguyễn
Thế Truyền gia nhập đảng Cộng sản Pháp vào thời kỳ ông viết báo Le Paria và năm
1926 trước khi lập đảng Việt Nam độc lập, ông trả lại thẻ đảng Cộng sản Pháp.
Ông cho đảng Cộng sản Pháp biết là sau khi học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa cộng
sản, ông thấy chủ nghĩa này không thể áp dụng ở Việt Nam được vì trái với truyền
thống đạo đức Việt Nam. Năm 1927, ông thành lập và làm chủ tịch đảng Việt Nam Độc
lập để tranh đấu công khai, bất bạo động, đòi quyền độc lập cho nước nhà. Sau
khi ông đáp tàu thủy về nước vào tháng 12.1927 thì đảng Việt Nam Độc lập được
ông Nguyễn Văn Luận và Tạ Thu Thâu lãnh đạo. Năm 1933 có giai thoại là ông đã
tát tai Tổng đốc Thái Bình là Vi Văn Định tại bến đò Tân Đệ. Ông nói với ông Hà
Thượng Nhân: “Tôi là người có ăn học, lẽ nào lại đánh nhau ngoài đường. Ở bến
đò Tân Đệ, Tổng đốc Vi Văn Định có chuyện đi gấp, đã ra lệnh đò đã ra giữa sông
phải quay lại đón ông. Tôi hỏi tại sao rồi nói: “Việc gì phải quay lại! Tổng đốc
thì tổng đốc chứ”. Hương lý hỏi “Anh là ai mà dám ăn nói như vậy?”. Tôi trả lời
: “Ta là Nguyễn Thế Truyền”. Có vậy thôi. Đâu có tát tai ai bao giờ!”[1]
Trưa
ngày 16.2.1930, 5 phi cơ Pháp liệng xuống làng Cổ Am tỉnh Hải Dương (chiến khu
của Việt Nam Quốc dân đảng) 57 trái bom từ đầu làng tới cuối làng rồi bay rất
thấp, xả súng liên thanh xuống làng: Nhà cháy, cây cối bị thiêu, dân làng bị
tàn sát. Ngày 12.6.1930 lãnh tụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính cùng các đồng
chí cả thẩy 13 người lên đoạn đầu đài chịu án tử hình… Ông Nguyễn Thế Truyền
bênh vực Việt Nam Quốc Dân đảng, đòi phải triệt hồi Toàn quyền René Robin vì đã
khủng bố Việt Nam Quốc dân đảng và cho ném bom triệt hạ làng Cổ Am. Tháng
3.1934, ông sang Pháp thảo bản thỉnh nguyện thư của dân Đông Dương trình lên
ông Tổng trưởng thuộc địa vào tháng 6.1936, đòi chính quyền Pháp phải triệt hồi
Toàn quyền René Robin. Cuối năm 1936, ông thành lập Tập Đoàn Đông Dương
(Rassemblement Indochinois) tại Paris, đòi trả tự do cho các ông Nguyễn Văn Tạo,
Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh đang bị giam giữ. Ngày 25.8.1937, ông tới Phủ Thủ
tướng Pháp, gặp ông Thứ trưởng Phủ Thủ tướng là William Bertrand để trình bầy
các nguyện vọng của dân Đông Dương. Ông Thứ trưởng tiếp ông Truyền trên một giờ,
chấp thuận các nguyện vọng như đại xá các chính trị phạm, ban bố các quyền tự
do chính trị, nghiệp đoàn, lập đại hội đồng Đông Dương. Ngày 17.10.1937, ông và
ba đại biểu khác của Liên đoàn Toàn Dân Các Thuộc Địa đến Bộ Thuộc Địa xin với
ông tổng trưởng Marius Moutet và được chấp thuận hủy bỏ các nghị định về việc
kiểm duyệt báo chí Việt ngữ, xin đừng đàn áp các phong trào chính trị tại các
thuộc địa. Sau đó báo chí quốc ngữ tại Việt Nam không còn bị kiểm duyệt nữa và
các đảng phái chính trị tại Việt Nam được hoạt động công khai. Cuối năm 1938,
ông về Việt Nam ở Hành Thiện. Đệ Nhị Thế chiến bùng nổ, ngày 1.5.1941, ông và
em ruột là Nguyễn Thế Song bị bắt đưa đi an trí tại Sơn La. Sau đó ông bị đưa
đi an trí tại Madagascar cho đến tháng 8.1946 hai ông mới được Pháp phóng thích
và đưa về Việt Nam. Về nước, năm 1953 ông xuất bản tờ báo Thân Dân tại Sài Gòn
và trúng cử vào Hội đồng Thành phố Hà Nội. Năm 1958, khi ấy ông Nguyễn Thế Truyền
ở Sài Gòn, Hồ chí Minh nhờ Đại sứ Ấn độ, Chủ tịch Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình
chiến đến nhà trao cho ông một lá thư kèm theo một gói sâm Cao ly, nói sâm do
Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Nhật Thành gửi tặng ông Hồ, ông Hồ được tin ông Truyền
đau yếu nên gửi tặng một nửa. Ông không nhận quà tặng và nhờ Đại sứ Ấn Độ chuyển
lời cảm ơn ông Hồ. Ông tạ thế ngày 19.9.1969 tại Bệnh viện Đồn Đất Sàigòn vì bệnh
đau gan. Vào giây phút cuối cùng, ông thét lên một tiếng não nùng rồi đi vào
cõi ngàn thu. Đại diện Tổng Thống, đại diện Phó Tổng Thống, Đại Tướng Dương Văn
Minh, các đảng phái quốc gia, đại diện các tôn giáo, các đoàn thể sinh viên, học
sinh và các thân hữu tham dự tang lễ có đến hai vạn người tiễn đưa ông đến nơi
an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Hội Gò Công Tương Tế ở Tân Sơn Nhất. Mộ ông ở
cạnh mộ cụ Phan Chu Trinh, nhưng nay đã bị quật phá và dời đi nơi khác.
Họ
Đặng Vũ có bác sĩ Đặng Vũ Lạc (1902 – 1948). Ông bỏ tiền ra xin Công sứ cho xây
trường tiểu học 6 lớp ở làng Hành Thiện (các làng chỉ có trường sơ học 3 lớp, học
lên nữa phải học ở trường huyện); ông quyên các nhà giàu ở trong làng đóng tiền
mua ruộng khuyến học, cho cấy rẽ, lấy tiền làm học bổng cho học sinh nghèo, khi
tốt nghiệp ra đi làm phải hoàn lại tiền cho quỹ. Do đó, nhiều con nhà nghèo học
được lên đại học, như bác sĩ Nguyễn Sĩ Quốc chỉ là con một ông bán dầu rong.
Ông là người đề xướng thành lập Hội Bác sĩ Đông Dương và điều hành dưỡng đường
Henry Copin ở số 92 đường Gambetta, Hà Nội là dưỡng đường tư lớn nhất VN. Đảng
trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh bị Việt Minh bắt thủ tiêu vào tháng
3.1947, hầu hết các đảng viên còn ở lại Việt Nam đã quy tụ tại dưỡng đường của
bác sĩ Đặng Vũ Lạc. Trong nhóm này, có các bác sĩ Nguyễn Đình Luyện, Phan Huy
Quát, Đặng Văn Sung, các ông Nguyễn Hữu Trí, Đặng Trinh Kỳ, Trần Trung Dung, Lê
Thăng, Vũ Quý Mão, Vũ Đình Lý, Cung Đình Quỳ, Bùi Diễm, Phan Văn Châm, Đào Nhật
Tiến, Trần Như Thuần, Nguyễn Đình Tại, v.v. Họ bầu bác sĩ Đặng Vũ Lạc làm Đảng
Trưởng. Bà Đặng Thị Khiêm, vợ ông Cả Nguyễn Tư Tề nên thường được gọi là Bà Cả
Tề, là em ruột bác sĩ Lạc, từ Nam Định lên giúp ông điều hành mọi công việc. Cơ
cấu đảng được tổ chức lại như sau:
–
Xứ Bộ Bắc Việt: bà Đặng Thị Khiêm, bác sĩ Đặng Văn Sung, bác sĩ Nguyễn Đình Luyện
và ông Đỗ Long, tức Nguyễn Quốc Xủng.
–
Xứ Bộ Trung Việt: bác sĩ Bửu Hiệp, kỹ sư Hà Thúc Ký, các ông Đoàn Thái, Nguyễn
Văn Lý, Võ Lăng, Hoàng Xuân Tửu, Dương Thiệu Dị, Bảo Trọng và Ngyuyễn Văn Mân.
–
Xứ Bộ Nam Việt: kỹ sư Phan Thông Thảo tức Lê Quốc Hưng (thay thế Mười Hướng),
các ông Nguyễn Văn Kiều, Lê Văn Hiệp, Phạm Đăng Cảnh và Trần Văn Xuân.
Ngày
1.10.1948, bác sĩ Đặng Vũ Lạc qua đời, Nguyễn Hữu Trí (1905-1954) được bầu lên
thay. Ông tốt nghiệp Trường Cao Đảng Pháp Chính Hà Nội, đã từng làm tri huyện
và tri phủ nhiều nơi, và Tổng Đốc Thái Bình. Năm 1946, ông về làm Chánh Văn
Phòng cho Huỳnh Thúc Kháng, Bộ Trưởng Nội Vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh.
Đặng
Vũ còn một bác sĩ nữa nhưng cộng tác với cộng sản: bác sĩ Đặng Vũ Hỷ
(1910-1972), phu nhân là Phạm Thị Thức con gái thượng thư Phạm Quỳnh. Ông là
bác sĩ Việt Nam đầu tiên đậu Nội trú Bệnh viện Paris (interne des hospitaux de
Paris) tại Bệnh viện Saint Lazare Paris, được báo Patrie Anamite ca ngợi là một
bác sĩ xuất sắc, một người tài đức được mọi người ngưỡng mộ và rất nhã nhặn
khéo léo nên được sống yên ổn với Việt Minh. Ông làm Khoa trưởng Đại học Y khoa
vùng Việt Bắc trong thời kháng chiến, được chính phủ Hồ chí Minh cử về Hà Nội
cuối tháng 8.1954 để tiếp thu trường Đại học Y Khoa Hà nội. Nhân dịp này, bác
sĩ Hỷ thúc giục khuyên cha mẹ và người em trai phải di cư vào Nam ngay để tránh
đấu tố (sau này, trong cuộc cải cách ruộng đất, toàn thể nhà đất của song thân
bác sĩ Hỷ bị tịch thu). Ông là một bác sĩ chuyên khoa da liễu, có nhiều công
trình nghiên cứu điều trị bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnh ngoài da khác.
Ông nguyên là chủ nhiệm Khoa Da liễu bệnh viện Bạch Mai, kiêm chủ nhiệm Bộ môn
Da liễu của Đại học Y Hà Nội. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm
1996. Ông mất năm 62 tuổi (1972) tại Tàu trong khi đi trị bệnh Parkinson. Trại
phong cùi Quy Hòa đã dựng tượng tưởng niệm ông. Ông có 4 người con đều là Bác
sĩ y khoa tại Hà Nội và Tiến sĩ Vật lý tại Nga (ông Đặng Vũ Minh có chân trong
ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam).
Họ
Đặng Xuân có một nhân vật danh vang như cồn: Trường Chinh Đặng Xuân Khu
(1907-1988) là trưởng nam ấm sinh Đặng Xuân Viện, thường gọi là ông Bốn Đễ và
là cháu nội tuần phủ Đặng Xuân Bảng đỗ tiến sĩ tam giáp đệ nhất danh năm 1856
là ông nghè đầu tiên của làng Hành Thiện. Khi bị đuổi học đi lang thang, Đặng
Xuân Khu được bà Cả Tề thương tình con cháu đem về chăm sóc, lo việc vợ con và
những lần bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò cũng được bà thăm nuôi. Để trả ơn, khi Cộng
sản chiếm được chính quyền, ông ra lệnh thủ tiêu một lần bảy thanh niên trí thức
của họ Đặng Vũ theo Đại Việt: Đặng Vũ Căn, Đặng Vũ Toại, Đặng Vũ Lệ, Đặng Vũ
Kha, Đặng Vũ Tân, Đặng Vũ Định, Đặng Vũ Úy và những đảng viên Đại Việt khác như
Lê Thiện Thành, Phan Trung Hạnh, vv… Con trai bác sĩ Đặng Vũ Lạc là bác sĩ Đặng
Vũ Trứ cũng tham gia Đại Việt, bị Việt Minh bắt cóc và thủ tiêu ở Phú Thọ năm
1947.
Vợ
Trường Chinh, nhũ danh Nguyễn Thị Minh, sinh năm 1912, là con gái ông Tư Thuần,
có người em ruột là Nguyễn Thế Vinh cùng với Nguyễn Thế Rục và Nguyễn Thế Thạch
được ông Nguyễn Thế Truyền gửi sang Nga học trường Đại học Cộng sản Staline.
Khi về Việt Nam, ông Vịnh không hoạt động cho cộng sản, cuối năm 1945 bị Việt
Minh bắn chết cùng với tuần phủ Cung Đình Vận và nhà văn Lương Đức Thiệp (đệ tứ
quốc tế cộng sản).
Năm
1955, Đặng Xuân Khu được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cải cách ruộng đất
đưa đến những cuộc đấu tố rùng rợn, khủng khiếp, phi nhân khiến hơn một trăm
ngàn người chết. Dư luận lúc đó ở Hà Nội cho rằng ông đã đấu tố cả cha mẹ nên
lưu truyền đôi câu đối: “Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê, nhục ấy đời chê thằng
họ Đặng – Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu”. Sự
thực thì “tên Khu” đã cho người về Hành Thiện cõng ông Bốn Đễ lúc ấy đang ốm nặng
lên Hà Nội, tá túc ở nhà ông Đặng Xuân Thiều là anh em họ với ông Khu, chỉ có
em ông Bốn Đễ là ông Năm Thêm, làm nghề mạ vàng bạc cho các tượng nhà thờ không
chạy kịp, bị đấu tố và bị nhốt vào cầu tiêu nhiều ngày. Bố vợ bộ trưởng Y Tế Đặng
Hồi Xuân, cháu Đặng Xuân Khu, là cụ Đinh Khắc Tánh bị bắn chết hôm trước thì
hôm sau Hồ Chí Minh ban lệnh ngưng đấu tố.
Sau
30.4.1975, vợ chồng Trường Chinh vào Nam thăm họ hàng bà con Hành Thiện, gặp
nhau vui vẻ, niềm nở. Bà Trường Chinh có người chị ruột là bà Phán Thiệu (Đặng
Vũ Thiệu) ở Sài gòn lúc bấy giờ. Bà Phán Thiệu có con trai là bác sĩ thú y Đặng
Vũ Cảnh, rất nổi tiếng bên Pháp, có hai cô con gái lấy hai ông đại sứ VNCH
(Phan Trọng Nhiễm và Phạm Trọng Nhân) và cô gái út là Đặng Thị Đào có chồng là
sĩ quan cấp tá VNCH đi tù cải tạo. Vợ chồng Đăng Xuân Khu hứa với cô Đào sẽ can
thiệp để chồng cô được thả về nhưng không ăn thua gì. Cô Đào giận lắm, không nhận
bà con họ hàng gì nữa. Hiện cô Đào ở San José. Vợ chồng Đặng Xuân Khu vào thăm
Đà Lạt, được ở trong Dinh Bảo Đại, nằm giường của vua Bảo Đại và Nam Phương
Hoàng Hậu, tỏ ra thích thú lắm nên bị phê bình “còn nhiều chất phong kiến”
trong máu. Đặng Xuân Khu mất ngày 30.9.1988.
Vũ
thư Hiên đã suy luận về cái chết của Trường Chinh như sau:
Giận
dữ và hổ thẹn thấy mưu đồ chiếm ngôi vị cao nhất không thành, theo cách không
ăn thì đạp đổ, Lê đức Thọ nằng nặc đòi quyền Tống bí thư Trường Chinh phải từ bỏ
ý định tranh cử, viện cớ cả hai đã cao tuổi, không nên tham gia triều chính nữa.
Nếu Trường Chinh ứng cử , thất bại của Thọ sẽ không chỉ đáng buồn mà là bi kịch,
Nó sẽ là mối nhục không bao giờ gột sạch của con người uy phong lẫm liệt một thời.
Tuân lệnh Lê đức Thọ, Phạm văn Ðồng năm lần bảy lượt đến tận nhà Trường Chinh,
có hôm từ tinh mơ, thuyết phục ông thôi không tranh cử nữa. “Nếu anh cứ tranh cử
thì sẽ nổ ra xung đột nội bộ. Ðảng ta tan nát mất”, nước mắt nước mũi giàn giụa,
Phạm văn Ðồng vật nài. Cuối cùng Trường Chinh đồng ý, Ông hiểu câu nói của Phạm
văn Ðồng là lời nhắn gửi nghiêm túc của Lê đức Thọ. Không phải vì lo Ðảng tan
nát mà Trường Chinh đồng ý, ông lo nếu không nghe lời Thọ thì chính ông sẽ tan
nát. Con người như Lê đức Thọ sẵn sàng làm tất cả khi cay cú (293-294)
Trường
Chinh sau khi rút lui khỏi cuộc đọ sức với Lê đức Thọ vào chân tổng bí thư, buồn
bã ngồi nhà. Ông qua đời vì chấn thương não trong một cú ngã ở cầu thang. Có
tin ông bị Lê đức Thọ sai tên bảo vệ ông, người của Trần quốc Hoàn, hạ sát. Tên
này lẽ ra phải đi sát ông từng bước, nhưng đã để ông ngã khi có một mình, vết
thương ở gáy có thể do mép bậc thang gây ra, mà cũng có thể do một vật bằng gỗ
khác đập vào (“Ðêm giữa ban ngày”. 761).
Bìa
sau cuốn “Hoa xuyên tuyết” của Bùi Tín có in tấm hình chụp Trường Chinh đến
thăm đám nhà báo Bùi Tín phụ trách việc viết tiểu sử cho Trường Chinh. Trong ảnh,
Trường Chinh tươi cười khỏe khoắn. Bùi Tín ghi chú là 2 ngày sau khi chụp tấm ảnh
này, Trường Chinh qua đời.
***
Tôi
là dân (Phố Khách) Nam Định, cựu học sinh trường Thành Chung (Nguyễn Khuyến).
Những danh nhân cánh Hành Thiện và cánh Địch Lễ nhiều người cũng là cựu học
sinh Thành Chung. Tôi chỉ có liên hệ bằng hữu lỏng lẻo với cánh Hành Thiện
nhưng với cánh Địch Lệ lại còn có cả liên hệ gia tộc.
Khi
còn nhỏ, tôi học với Phan Đình Nam và Phan Đình Nữu, không biết họ hàng thế nào
với cụ Phan Đình Hòe, chỉ biết họ ở nhà cụ ở phố Hàng Cau, Nam Định, quê cụ ở
làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Gốc
gác Phan Đình Hòe (1876-1954) như sau: Ông còn có tên là Phan Đình Tự, thân
sinh là Phan Đình Hiến (1854-1924), thi Hương không đậu, ở nhà giậy học và làm
thuốc và thân mẫu là Trần Thị Hinh (1856-1948) làm nghề bán bún. Vì vậy các cụ
còn được gọi là ông bà Lang Bún. Ông Hòe học cụ đồ cùng với con gái cụ. Cụ đồ
thấy ông học giỏi, hiếu thảo với cha mẹ nên gọi gả con gái cho. Năm Canh Tý
(1900), ông Hòe đi thi Hương tại trường Nam (Nam Định) đậu thủ khoa lúc mới có
25 tuổi. Tú Xương vịnh đùa:
Ông
Cử thứ năm con nhà ai
Học trò cụ đốc Tả Thanh Oai
Mẹ nghe con đỗ rối canh hẹ
Bố vứt dao cầu xuống ruộng khoai.
Học trò cụ đốc Tả Thanh Oai
Mẹ nghe con đỗ rối canh hẹ
Bố vứt dao cầu xuống ruộng khoai.
Ông
Hòe đáp:
Kìa
thằng hỏi lão nó là ai
Chính lão, môn đồ cụ Đốc Oai
Con đỗ mẹ mừng công dưỡng dục
Dao cầu đâu có cắt dây khoai.
Chính lão, môn đồ cụ Đốc Oai
Con đỗ mẹ mừng công dưỡng dục
Dao cầu đâu có cắt dây khoai.
Ông
Hòe thấy mẹ vất vả nên quyết định không thi hội thi đình, ở lại quê nhà xin học
Hậu Bổ để chóng ra làm quan có phương tiện giúp bố mẹ. Năm 31 tuổi, ông được bổ
làm tri huyện Kim Bảng, huyện lỵ cách làng tôi mấy trăm thước. Đi kinh lý đến
làng Thịnh Đại, cách huyện lỵ vài cây số, ông nhác thấy em gái ông lý trưởng, mới
16 tuổi, con một cụ tú. Ông nói với ông lý trưởng muốn được đến chào cụ Tú. Mấy
tháng sau, ông về thăm bố mẹ, thưa là muốn xin cưới con gái cụ Tú làng Thịnh Đại.
Hai cụ bảo: “Tôi đã cưới vợ cho anh rồi, còn bây giờ, về chuyện này, anh hãy hỏi
vợ anh, nếu vợ anh bằng lòng ai thì chúng tôi cũng bằng lòng người ấy”. Ông
thưa lại “Con chắc chắn nhà con cũng bằng lòng”. Cụ Lang Bún sai con thứ là ông
Cửu Hai tức Phan Đình Quế cầm thư lên cụ Tú Thịnh Đại xin cưới con gái cụ cho
ông Huyện Hòe. Hiểu ý cụ Tú muốn biết chánh thất của ông Huyện có đồng ý không,
bà này bèn cùng cô Hương, em gái ông Huyện Hòe, đến nhà cụ Tú xin cưới, thế là
việc hôn nhân thành.
Sơ
lược hoạn lộ của cụ Phan Đình Hòe: tri huyện Kim Bảng (1903), Lập Thạch (1908),
Yên Lạc (1910), Sơn Dương (1911), Thụy Anh (1912); tri phủ Bình Giang (1917),
Kinh Môn (1918); án sát Phú thọ (1920), Bắc Cạn (1923), Bắc Giang (1924), Hà
Đông (1925); tuần phủ Quảng Yên (1928), Lạng Sơn (1929), Ninh Bình (1030); hưu
trí (1933) thăng chức Tổng Ðốc, gia hàm Thượng thư, phẩm cấp Hiệp tá đại học
sĩ, tòng nhất phẩm.
Cụ
Phan Thị Nhịnh (1910-2006) là con gái vợ cả của cụ Phan Đình Hòe, thuật lại những
năm gian nan của cụ Hòe cho con cháu nghe:
Bố
bà tuy được ký bổ Tri Phủ (1909) mà mãi 8 năm sau (1916) mới được thực thụ Tri
Phủ, bởi vì lúc đó cụ đã bị sở Liêm phóng của chính phủ bảo hộ (người Pháp) biết
là cụ có liên lạc với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Một công chức đã được bí
mật phái đến xin làm người hầu hạ cụ trong ngót một năm để dò xét. Cụ đã bị
“ghi nhận” là có nhiều “khách nhà nho” đến nói chuyện riêng và cho họ khá nhiều
tiền. Cụ bị theo rõi gắt gao đến nỗi đã phải mời hai cụ cố, tức là ông bà nội
Bà, đến nhiệm sở (lúc đó là huyện Thụy Anh) để thu xếp việc nhà và để từ biệt,
vì bố Bà đã quyết định nếu bị bắt thì cụ sẽ tự sát ngay, chứ không để bị tra tấn,
bị làm nhục. Đồng thời cụ cũng dặn dò mẹ Bà rằng; “Đã đến lúc nguy cấp lắm rồi.
Nếu chẳng may tôi bị bắt rồi chết thì bà hãy về ở với song thân làng Thịnh Đại,
Hà Nam, và có thể tùy nghi tái giá” vì lúc đó mẹ Bà mới sinh được hai con gái,
chưa có con trai. Nhưng mẹ Bà đã thưa lại là vốn con nhà nho, đã biết ít nhiều
lễ giáo, nếu có sự gì xẩy ra thì cũng xin ở lại hầu hạ hai cụ cố (Đào Viên. “Bà
Kể Chuyện Ngày Xưa”. 30.4.2010).
Ông
nội tôi có hai bà em gái, một bà lấy cụ Đồ Phương Đàn, một bà lấy cụ Đồ Đồng Lạc
còn gọi là cụ đồ Sâm. Cụ đồ Sâm có người em gái là cụ Đinh Thị Hoàng.
Văn
Chinh viết về gia đình bên ngoại anh em Phan Đình:
“Được
bổ làm tri huyện Kim Bảng, Hà Nam, cụ Hòe đã chọn con gái một gia đình giàu có
là Đinh Thị Hoàng dựng vợ cho em là Phan Đình Quế. Hai cụ sinh hạ được 8 người
con, trong 5 con trai thì người con cả Phan Đình Đỗ là một trong những kỹ sư
canh nông đầu tiên của Việt Nam và thứ Phan Đình Tạc làm giáo học; ba người còn
lại là Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ
chức TW, Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) nguyên Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ
Cơ khí luyện kim rồi GTVT và Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống) nguyên Ủy viên Bộ
Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an… Cụ Hoè đã nhờ thầy địa lý chọn huyệt và xây sẵn
sinh phần, nhưng cụ em Quế vắn số đi trước vào tuổi 46 (1928), cụ đã nhường.
Người làng đoán biết là đất tốt, có người đem đặt phần mộ nhà mình gần đấy.
Nhưng sau thấy các con trai cụ Quế phải vào tù ra khám, sợ quá, đã chuyển đi chỗ
khác… Gia đình cụ Quế-Hoàng chỉ có 10 mẫu ruộng, trong đó 1 mẫu làm thổ cư và
trồng trầu là chủ yếu. Cụ Hoàng vừa nối nghiệp mẹ chồng là làm bún riêu cua, vừa
bán trầu vỏ ở chợ Nam Định, đó là nguồn thu nhập chính giúp có tiền nuôi cả đàn
con ăn học… Đại tướng Mai Chí Thọ viết: “Năm tôi mới 6 tuổi thì cha chết… Mẹ
tôi trở thành goá phụ trung niên chịu trách nhiệm toàn bộ gánh nặng gia đình
nuôi dạy 8 người con… Vậy là ba năm liền tai hoạ lớn đã đổ sập xuống vai người
goá phụ: Chồng chết, con gái lớn cho cưới chạy tang, sợ chờ sau ba năm thì lỡ mất
hạnh phúc cả đời. Cơn bão sập nhà [năm 1929] chưa gượng nổi thì liền một lúc ba
con trai lớn bị bắt bớ tù đầy… Gieo neo thế, nhưng vẫn nuôi anh em đồng chí của
con: Các ông Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh
đã được cụ nuôi dưỡng và che chở ngay trong nhà của mình… Cụ sẽ phải ở goá 26
năm nữa, năm 1956 mới ra đi gặp cụ ông… Vậy thì sự chông chênh về giai cấp tính
của một Xứ uỷ viên [Mai Chí Thọ] dựa vào đâu? Tôi nghĩ, ông đã dựa vào chính
gia đình mình, để cắt nghĩa và có nhận định độc lập. Ông nhìn thấy lòng thương
dân làng của cụ cử Hoè là bác ruột ông, không cùng chính kiến nhưng lòng yêu
dân của cụ là có thật. Vợ chồng ông đều không đi tập kết 1954, các con ông đều
gửi ra Bắc, lại nhờ cả vào ông anh dạy dỗ mà nên người, chứ hai ông anh cũng lại
cơm Bắc giặc Nam. Ông trở ra Bắc xin ý kiến Trung ương về mạng lưới tình báo
năm 1956, hẳn ông đã biết rõ người anh rể của mình đã chết oan trong cải cách
ruộng đất và chính nó khiến ông khéo léo chống lại bệnh giáo điều và cứng nhắc?
(“Một nhà ba kinh lược”. 6.5.2012).
Thành
tích hay tội ác của “ba kinh lược” cánh Địch Lễ thì cả nước biết rồi, xin miễn
bàn. Ở đây, chỉ xin nói đến những sự kiện liên quan đến gia đình tôi.
Trong
họ tôi vẫn gọi cụ Phan Đình Quế là cụ Cửu Nam, “Nam” vì cụ người Nam Định, “Cửu”
vì mua được cái phẩm hàm thấp nhất: Cửu Phẩm Văn Giai. Vì thua kém ông anh Nhất
Phẩm, chắc cụ Quế bị coi thường và có lẽ vì thế anh em Lê Đức Thọ có vẻ oán bên
nội và thân bên ngoại hơn, đến nỗi Phan Đình Dinh lấy họ ngoại để đặt bí danh
là Đinh Đức Thiện. Nghe nói anh em nhà này về xây nhà thờ họ ngoại ở Đồng Lạc
nhưng không làm gì ở Địch Lễ.
Con
trai cả của cụ đồ Sâm là ông cả Nhung mất lâu rồi. Bà Cả Nhung là con cháu cụ
Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và hai con gái di cư vào Sài Gòn sống ở Phú Nhuận.
Con thứ của cụ Đồ Sâm là ông giáo Bân cũng mất lâu rồi. Bà giáo Bân và các con
sống ở Sài Gòn từ rất lâu, có người con gái cùng chồng mở tiệm may Paris Mode gần
nhà thờ Tân Định.
Cụ
Đồ Sâm còn người con gái nữa tên là Đinh Thị Sang lấy ông Chánh Điều tức Chánh
Thịnh Đại. Ông bà có 3 trai, 3 gái. Con cả theo Việt Minh nhưng vợ và các con
di cư vào Nam, con thứ hai đi lính truyền tin cho Pháp chết trận nên bà Chánh
Điều được hưởng tiền trợ cấp của chính phủ Pháp. Bà Chánh di cư vào Sài Gòn
cùng người con trai thứ ba và cô con gái út, ở gần cầu Trương Minh Giảng bên cạnh
nhà cô ruột tôi, hai người con gái lớn theo chồng ở lại ngoài Bắc. Bà Chánh Điều
sinh sống bằng nghề làm bánh khúc cho đến khi người con trai tên Thụ đi dạy Anh
Văn. Năm 1978, Thụ vượt biên, sống ở Santa Ana, nam California (chết vào tháng
7.2013 vì ung thư da). Bà Chánh sống một mình ở Sài Gòn rồi ra Bắc sống với con
gái rồi lại vào Sài Gòn, có khi đến nhà Mai Chí Thọ ở, sau bị bệnh Alzheimer mất
năm 1983 ở ngoài Bắc.
Bà
Chánh Điều là chị em ruột mẹ anh em Lê Đức Thọ, được họ rất kính mến. Khi vào
Sài Gòn, Mai Chí Thọ hay lái xe cho bà đi thăm họ hàng, nhưng chỉ ngồi ngoài xe
không bao giờ vào nhà ai, còn lo cho bà đi lại từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam.
Tôi có ông chú ruột giỏi võ hơn văn, trước kia, do hai con trai cụ đồ Phương
Đàn giới thiệu, gia nhập và hoạt động cho một tổ chức ngoại vi của VNQDĐ gọi là
Hiệp Đảng (có tên như thế vì các đảng viên đều lấy bí danh bắt đầu bằng chữ Hiệp).
Sau khi đảng bị tan rã năm 1930, khoảng năm 1935, chú vào Nam rồi bặt tin. Mấy
năm sau, bố tôi có vào Sài Gòn tìm chú nhưng không gặp. Khoảng 1941, có người
làng từ Quảng Ngãi viết thư về cho biết đang canh ngựa cho chú và chú là quan
hai trong quân đội Nhật nhưng dặn chớ nói ra, nếu không “bác chém chết cháu”.
Sau đó lại có tin chú theo Việt Minh, bị chết trong một trận giao tranh với
Pháp ở Biên Hòa vào cuối thập niên 1940, Mai Chí Thọ đứng ra trông nom việc mai
táng. Sau 30.4.1975, con trai chú tôi vào Sài Gòn gặp Mai Chí Thọ xin cấp giấy
liệt sĩ cho cha nhưng không được.
Cả
ba anh em cánh Địch Lễ đã chết.
Mai
Chí Thọ là người “hiền” nhất trong số ba anh em, mất ngày 28.5.2007 tại Hà Nội,
được an táng tại Nghĩa trang Sài Gòn.
Đinh
Đức Thiện tính thô bạo, cục cằn, có lần đã đánh đứa con trai duy nhất đến bị mù
một mắt, điếc một bên tai và trở thành điên điên, khùng khùng. Từ đó Đinh Đức
Thiện rất hãn hữu mới về nhà, vì không dám nhìn đứa con tàn phế do chính mình
gây ra. Ngày 20.1.1987, đứa con này nổi cơn điên, xách khẩu súng săn Đinh đức
Thiện đang chuẩn bị đi săn vịt trời, bắn vào đầu bố chết. Nhà nước thì nói là
ông lên xe đi săn, súng cướp cò, viên đạn xuyên từ cằm lên đỉnh đầu, đục thủng
trần xe.
Lê
Đức Thọ chết ngày 13 tháng 10, 1990. Trần Viết Đại Hưng thuật lại: “Khi qua đời,
Lê đức Thọ được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch, vốn được dành cho các quan chức cộng
sản. Mộ của Lê đức Thọ thường bị ném phân lên trên nên gia đình Thọ phải dời mộ
Thọ về quê chôn cất. Có lẽ vì lúc sinh tiền Lê đức Thọ gây quá nhiều thù oán,
chết chóc nên khi chết rồi bị trả thù bằng phân ném lên mộ Thọ” (“Những bạo
chúa bị đàn em giết vào lúc cuối đời”. Los Angeles, một chiều xám chì se lạnh
giữa tháng 9 năm 2009).
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen