Đào Vũ Anh Hùng
Tiền nhận từ bàn tay khô héo của bà mẹ già nua sống buồn phiền lạc lõng nơi đồng đất nước người muốn mau chóng trở về chết trong lòng đất quê nhà yêu dấu. Của em bé thơ ngây nhịn miếng cơm chim mong về hưởng lại tình thương nội ngoại. Của con mong gặp lại cha, vợ mong gặp lại chồng. Của những người sầu héo nhớ thương người, bạn bè mong cứu bạn bè tù tội trong gông cùm cộng sản…
LTS Lý Tưởng | Dưới đây là thư tâm tình với lời lẽ trang trọng, khẳng khái và thống thiết của người Không Quân gửi cho người Không Quân. Trước đây, “Đôi Bạn” đã từng cùng chung phi đoàn và sau này, một thời là đồng chí trong cùng một tổ chức đấu tranh. “Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” là phương châm muôn đời của người không quân mà anh Đào Vũ Anh Hùng đã chọn làm tựa đề cho một truyện ngắn của mình. Trong lá thư này, tâm tư tác giả cũng nằm trong phương châm ấy.
Thiết tưởng người Không Quân có quyền bày tỏ tâm tình của mình với anh em trên Giai Phẩm Lý Tưởng, nhất là trong những vấn đề liên quan đến Chính Nghĩa đấu tranh của Người Việt Quốc Gia. Tòa soạn quyết định đăng tải bức thư này và dành quyền trả lời cho anh Nguyễn Kim Huờn, một người anh em của chúng ta.
(Ghi chú: Tác giả gửi thư này cho Lý Tưởng ngày 11 tháng 1 năm 1988).
“… Tôi lấy anh coi hai lá thư vừa nhận được. Một từ anh bạn cùng đơn vị ngày xưa trên đường về khu chiến ghé Tokyo viết vài lời thăm và từ giã. Ngạc nhiên và xúc động biết bao nhiêu – Người bạn đã cùng tôi chiến đấu dưới cờ Quân Lực, cùng tôi sống chết trong một con tàu giữa mây cao gió lộng trên vùng trời đỏ lửa quê hương, lang bạt khắp nẻo đường đất nước. Người bạn mà tôi nghĩ chỉ biết có “sì già đầm bồi” cùng những nàng kiều nữ!… Ngờ đâu anh đã trở về và trên bước phản hồi cố quốc còn nghĩ nhớ đến tôi mà viết cho tôi lá thư đầu tiên từ mười mấy năm quen biết. Thư anh cuối đoạn có lời chào và ghi dòng chữ “Mai này chúng ta cùng về Việt Nam”. Lòng tôi choáng ngợp niềm hãnhh diện. Tôi không có địa chỉ hồi âm. Tôi muốn viết cảm ơn anh. Tôi muốn nhờ anh chuyển đến các anh chị em chiến sĩ lời thăm chúc, một câu thâm tạ ngô nghê tầm thường của ngôn ngữ loài người. Nhưng thôi, tôi đợi.”
(Giữ Lửa – Đất Mới, tháng 9, 1982)
Thư đó, không bao giờ được viết và gửi đi như tôi bồi hồi tưởng sẽ có ngày. Giấc mơ kháng chiến công thành, “về ôm lấy đất, hôn mê mẩn đất” đã vỡ tan, nát vụn, làm tim chân thật của tôi cùng tim chân thật của biết bao người đớn đau vô kể. Thật thương cho vận nước, tội nghiệp dân tôi…
Bạn xưa,
Từ cái ngày ô nhục phơi bày phản phúc, tỏ lộ rõ ràng cái thủy chung đạo nghĩa lọc lừa của tình chiến hữu đấu tranh, bạn xé bỏ lương tâm đem mảnh linh hồn bán cho Vu Hích(*), tôi bàng hoàng và đau nhói. Không giận, mà đau. Vì tôi hiểu bạn và vẫn thương mến bạn qua hình ảnh người phi công lẫm liệt ngày xưa, ngày chúng ta còn khoác chung màu áo, nắm tay nhau vào chốn đường mây sinh tử. Không Quân chúng ta tình thì vẫn nặng, không phải thứ “tình bọ ngựa”, đang hoan hỉ cùng nhau bỗng dưng trở mặt vung dao tiện đứt đầu bằng hữu. Nên tôi đau đớn thấy bạn nỡ bỏ anh em, nỡ bỏ bạn bè, bỏ rơi liêm sỉ, vẽ mặt bôi râu cho người đẩy lên cái rạp phường chèo đóng vai gã hề câm mang chức sắc triều đình Vu Hích làm trò riễu dở…
Bạn được người ban chức lớn, đầu năm có lá thư xuân gửi đồng bào chiến hữu, hô hào yểm trợ, phi lộ bằng câu tự giới thiệu mình vừa từ chiến khu quốc nội trở ra nhận công tác mới… Tôi đã không giữ được trang nghiêm khi đọc lá thư chúc Tết của ông tân Tổng Vụ. Tôi rất muốn tin quả thực bạn vừa trở ra từ khu chiến và rằng quả thực chính tay bạn viết lá thư thân mến gửi đồng bào bằng giọng văn lãnh tụ. Tôi rất muốn sống lại cái giây phút bồi hồi rung động của lần trông thấy hình ảnh bạn trong cuốn phim ngày Cương Lĩnh: Bạn đi dép râu, đội nón tai bèo, khăn rằn quanh cổ chống gậy vào rừng đi làm kháng chiến. Ngày đó tôi dậy lòng ngưỡng mộ và rưng rưng yêu mến bạn đã cho tôi niềm tin cùng nỗi chan hoà danh diện. Nhưng bây giờ nghĩ nhớ về bạn cùng cái tên Nguyễn Kim vừa đủ lạ, tôi thấy mình đắng cay thương tổn và xấu hổ như chính tôi gian dối. Bạn béo trắng, vẽ râu trên mép, bảnh bao xuất hiện giữa chốn quan chiêm, ngồi đứng đều khoanh tay nghiêm túc khiến tôi không nhịn nổi cơn cười, nhớ lại ngày xưa bạn hay dùng chữ “giả dạng bần tăng” để chỉ những tên bộ vó hiền lành nhưng gian và dối…
Chuyện gian dối đời không hiếm thiếu. Nhưng tôi thực khó khăn chấp nhận những dối gian lừa đảo đến từ người mình yêu mến và dốc lòng tin cậy. Dối gian này lại quá lớn lao. Nên chi nhìn ảnh bạn phương phi nhân dáng trên tờ Kháng Chiến và đọc lá thư Xuân, tôi như có con trùng tanh nhớt bò trong cuống họng. Tôi phải tin rằng thật tất cả những điều Phượng nói cùng tôi từ bấy lâu nay về bạn mà tôi bao giờ cũng tìm lời khoả lấp để dối lòng đừng xao xuyến niềm tin. Những lúc đinh ninh bạn đang lội suối trèo non, gian khổ trên đường kháng chiến, thì hỡi ơi bạn lại thong dong thả bước hào hoa trong rực rỡ đèn màu, vẫn lại “sì già đầm bồi” cùng những nàng kiều nữ! Tôi biết nói sao để lòng khỏi ngượng vì lỡ tuyên dương bằng hữu với người vợ trẻ? Người vợ đã làm tôi cảm kích biết ơn, nhớ ghi mãi mãi lời nói của nàng khi đọc lá thư bạn gửi,
“Em biết tính anh, những gì thích muốn là làm cho bằng được nên em không bao giờ dám cản ngăn, chỉ thầm lén khóc. Em thực tình không muốn anh dốc đổ quá nhiều thì giờ và tim óc cho những việc chỉ mang thêm phiền bực. Họ bội bạc với anh, vô ơn, đố kỵ, những con người phản phúc… Thế nhưng Việc-Kháng-Chiến, anh không làm em cũng bắt anh phải làm!”
Ôi thật tội thương người vợ trẻ. Tội thương người vợ lính đã chia xẻ cùng chồng cả một quãng đời khăn khó, đã trải qua những truân chuyên hạnh phúc với tôi và biết thương yêu, biết cảm thông đời lính, biết góp hy sinh cho đời chiến sĩ của chồng, biết khổ đau và tức giận trước nỗi điêu linh tang tóc của quê hương mình bất hạnh. Người vợ nhu mì thánh thiện từ tấm bé sống trong êm ái tình thương của gia đình, nhởn nhơ hoa bướm thanh xuân với bạn bè, sách vở cho đến ngày biết yêu tôi, biết làm vợ, làm mẹ… có bao giờ thấy biết rõ ràng mức độ hãi hùng bi thảm của chiến tranh, nhìn được tỏ tường mặt ngang mũi dọc một thằng Việt cộng? Thế mà cuộc xảy đàn tan nghé 75 đã khiến vợ tôi biết đau hận, căm thù, biết khuyến nghị chồng góp công cho đại nghĩa.
Vợ tôi đã tin yêu thành khẩn, đóng góp kiên trì và thành khẩn. Cả những đứa con cũng được mẹ dạy phải góp tiền yểm trợ, phải tiếp tay giúp bố làm công tác để có ngày về thăm ông bà, nội, ngoại… Phần tôi, lá thư bạn gửi đã cho tôi chan hoà rung động. Tôi hình dung ra toàn vẹn hình ảnh bạn tếu vui linh hoạt ngày xưa chúng ta còn ở Phi đoàn. Những ngày đi biệt đội, nằm chờ phi vụ tản thương đêm ở Pleiku, ở Ban Mê Thuột, hay ở Kontum trong ngôi biệt điện bên bờ sông Dak-Bla ồn ào quấy nhộn với quân bài xập xám… Xa hơn nữa, những ngày nắng bụi mưa dầm hành quân ở Tam Quan, Bồng Sơn của 1966, 1967 – đêm về ăn nhậu rong chơi ở Quy Nhơn – tôi còn là gã hoa tiêu mới ngỡ ngàng về nước, ngồi ghế copil cho bạn, rông dài khắp ngả đường mây. Tôi đã làm hoa tiêu phó cho thầy Hườn một thời gian dài đáng kể trong tổng số giờ bay trên chiếc H-34 kềnh càng của Phi đoàn 215 Thần Tượng. Chúng ta đã có cùng nhau bao nhiêu kỷ niệm, chia xẻ cùng nhau nhiều nỗi sướng vui cũng như hoạn nạn, những lần chới với bên bờ sống chết, cạnh vực hiểm nguy… Nên tôi đã bằng vào tình nghĩa ấy để đặt tin yêu nơi bạn, không so đo, không nghi ngại, cho mình bổn phận phải tự giác đứng lên, vội vàng tìm đến, dơ cao tay xin nhập cuộc.
Tôi nhập cuộc không đợi ai mời gọi. Lòng hớn hở mừng vì bạn và tôi lại chung hàng ngũ cho tôi hối chuộc tội mình quá nặng đối với quê hương, tẩy rửa niềm xấu hổ vì không ở lại để chết cùng vận số hẩm hiu đất nước. Kiểm điểm phần đóng góp cho Mặt trận, Phong trào từ những ngày đầu chưa mặc áo đoàn viên, tôi phải giật mình kinh ngạc vì những thành toàn và những hăng say tích cực, đa năng, mẫn cán đổ ra không tiếc, không dè xẻn nguồn năng lực cùng khối nhiệt tình dành cho kháng chiến. Tôi chau chuốt niềm tin vững mạnh nơi mình và say sưa truyền giảng cho người như kẻ thừa sai làm việc vinh danh Chúa. Tôi đã đi những bước rất tự tin, cố dọn mình cao cả, khoan dung nhìn những sai lầm, khuyết điểm, những vụng về, lơi lỏng là tất nhiên phải có nơi một tổ chức mới hình thành nhưng lớn mạnh quá mau, lãnh đạo chưa tôi luyện, thời gian cần đủ lượng để đi đến kiện toàn. Dầu gì thì ngọn lửa cũng đã được đốt lên, phải giữ cho đỏ ngọn. Gió to góp lại sẽ thành bão tố, bột đem quấy mãi cũng thành hồ, trăm cây chụm lại…
Lòng tôi tin như thế và mong như thế. Nhưng cái tin mong thành khẩn dù lớn mạnh bao nhiêu cũng không đủ lực mù quáng trái tim tôi và khoan lượng rộng rãi đến ngần nào cũng không dung được những điều dối gạt với manh tâm quá độ. Không phải mãi đến sau ngày tan vỡ tôi mới nhận ra hay nhìn thấy những điều gian dối, những âm mưu… Cuốn phim trình chiếu Ngày Cương Lĩnh. Cái gọi là Chiến Khu Quốc Nội. Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến. Con số Mười Ngàn Quân. Những Bản Tin bịa đặt vụng về, ấu trĩ… Tôi bảo lòng, thôi thì trong bước khởi đầu và lòng người đang bừng bừng sôi nổi, sẽ lấp trùm tất cả những hớ hênh non kém. Rồi ra công sức chung vào, mỗi người một tay bồi đắp, nước lã phải vã nên hồ, từ không sẽ thành ra có. Thế nhưng từ buổi đại hội dựng cờ Chính Nghĩa, tôi nhận ra không phải như lời ông Liễu, ông Chức lúc nào cũng nồng nàn xưng tụng cùng tôi về một Hoàng Cơ Minh, con người cách mạng xứng vai lãnh tụ. Tôi đã tổn thương, thấm thía tất cả nỗi bẽ bàng ngượng thẹn của một tay buôn không biết chính mình có món hàng xấu giả, đem hí hửng chào mời, bị khách mua sành sỏi ném phăng xuống đất, chỉ tay vào mặt. Làm sao diễn tả nổi cảm giác đắng tê nhột nhạt trong tôi, khi Ross lạnh lùng từ chối không tiếp ông Chủ tịch Mặt trận dự định về Dallas, nhờ tôi thu xếp cho gặp nhà tỉ phú, “xin một lời tư nghị về Kháng chiến Việt nam”. Ross Perot, cựu sĩ quan Hải quân Hoa kỳ, nhân vật tạo huyền sử của sáng lập ra EDS – nơi tôi làm việc – của vụ giải cứu con tin ở Iran, của “On Wings of Eagles”. Người đã bỏ tiền tài trợ cho cuộc đổ bộ trại tù Sơn Tây, cố vấn tối cao về an ninh quốc phòng và cũng là Phụ tá Đặc biệt của Tổng Thống Reagan về vấn đề MIA-POW tại Đông dương. Người đầy đủ thẩm quyền để biết rõ ràng và biết tất cả về Mặt trận Kháng chiến của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, “hơn cả ông Minh biết nữa…!”
Bạn xưa,
Tôi đã hiểu thêm ra, trong trọn một buổi sáng đến mãi xế chiều ngồi nghe tâm sự anh bạn trẻ nơi quán cà phê khu chợ Maubert dưới trời đẹp Paris một ngày hiếm hoi nắng ấm. Để cũng rưng rưng đôi dòng nước mắt cảm thông, chia xẻ cùng người chiến hữu nỗi mênh mang thống hận của khối tâm thành hiến dâng lầm lẫn. Tôi đã cùng anh cạn chén cà phê như chia nhau uống lượng bồ hòn. Lòng tôi dào dạt cảm thương anh và yêu và quý phục người cán bộ đấu tranh sáng ngời phẩm chất cùng tác phong cách mạng. Anh cũng đã như tôi – trong một cần thiết và giới hạn nào đó – đồng tình chấp nhận những tô vẽ, những giả tạo, dấu che hay thủ đoạn… Thế nhưng bao sự kiện phơi bày khiến tôi tung toé trong lòng hàng trăm câu hỏi, hàng ngàn nghi vấn, không cần vận dụng đến khả năng suy luận cũng tìm thấy những trả lời làm tôi chao đảo.
Những câu hỏi “Tại sao…?” Tại sao Hải quân Trung tá Nguyễn Hữu Trọng đã không cùng “phái đoàn quốc nội” trở lại chiến khu mà dứt bỏ ông Minh ngay sau ngày đại hội vinh quang để về Thụy sĩ? Tại sao làm nổi chuyện thiên nan, đưa người hải ngoại về lập ra khu chiến, lực lượng to lớn tới mười ngàn, mà phải nhờ – mà tôi từ khước – lấy đem về tiền yểm trợ đồng bào Âu châu đóng góp, chỉ vì một lý do “Pháp không cho chuyển tiền vàng ra ngoại quốc!” Những người con cháu nào của họ Hoàng Cơ nắn giữ khối tiền đồng bào dành cho kháng chiến từ bao năm qua, phần riêng cháu giữ, không gửi về ông cậu? Tại sao cả một toa xe chất đầy quà tặng gồm thuốc tây trị giá của đồng bào bên Ý gửi kháng chiến quân, trực tiếp qua Bangkok bị trả về bởi không ai tiếp nhận? Tại sao Vụ trưởng Vụ Tiền lại dựng lên K-9 nắm quá nhiều quyền, vượt trên Tổng vụ? Lý do nào ông Hoàng Cơ Định cố tình quanh quẩn dựng lên lớp rào trở ngại để thoái thác đưa người tình nguyện về chiến đấu dù họ đã bằng lòng điều kiện phải xuất tiền tự túc?
“Tiền bạc đồng bào đóng góp bên này chúng ta nhìn thấy quả nhiều nhưng đối với nhu cầu trong nội địa chỉ như muối đem bỏ biển. Dấn thân này đáng quý nhưng bây giờ Mặt trận chua cần thiết một người với khả năng như vậy. Về, chỉ thêm gánh nặng cho anh em.”
Tôi chưng hửng và nhanh chóng hiểu ngay. Hiểu thêm một sự cười ra nước mắt, rằng ông Vụ trưởng xuất thân từ trưởng giả, học trường tây, đến tuổi được cho xuất ngoại tìm bằng cấp về ngồi cao trong bóng mát, chưa hề có lấy một ngày khoác ba lô súng đạn, mang đôi giày lính đi vào nơi rừng bụi sình lầy, sống lấy một ngày trong binh lửa quê hương… Thì làm sao rõ được giá trị hiếm hoi của người lính bộ binh thám báo có trêm mười năm quân vụ? Bảo sao không đặt bày ra thứ Bản Tin như “Bản Tin Quốc Nội” ca ngợi công lao phá địch của chị cầm đầu tổ phụ nữ và thiếu nhi kháng chiến tại một làng ghi rõ địa danh thuộc tỉnh Tuy Hòa có chồng Thiếu tá đang trong tù cải tạo. Thân danh ông Thiếu tá ở một làng quê, nếu sự này có thật, thì quả tình giá trị bản tin là lời chỉ điểm cho Việt cộng bắt người vợ đi tù không lầm lẫn!
Tôi phập phồng chờ đợi… Nhưng có bao giờ ngờ được và đợi chờ giây phút ngẩn ngơ chết lặng trước cơn đá nát vàng tan của cuộc biểu dương thô bạo Tình-Nghĩa-Lý-Thông và hoảng kinh chứng kiến gã lang băm học làm thầy thuốc cầm con dao cùn, bẩn, nhiễm trùng, vụng về cắt bỏ cái gọi là ung nhọt trên phần yếu nhược của Đứa Con Kháng Chiến! Đứa con chung cưng quý của bao người chắt chiu kỳ vọng đã trở thành hoại thể vì thứ lang chết tiệt, thủy chung nhân nghĩa tài năng đều nhẹ hẩng nhưng túi tham thì quá nặng.
Đọc truyện xưa nói đến những cơn tức uất thổ ra từng ngụm máu rồi thét lên chết ngất, tôi cho người kể chỉ đặt bày. Nhưng tôi, chính tôi đã quặn cơn đau của tội-lỗi-người-làm-mà-ta-phải-chịu. Đã sôi hừng hực từng cơn bi phẫn bốc tận đỉnh đầu, mồ hôi vã đổ, run rẩy và nghe được từng cơn lại từng cơn nhộn nhạo nong nóng chảy râm ran trong bụng. Tôi đã đổ ra từng lượng máu trong bao tử và giật mình kinh sợ. Tôi nhủ lòng mình, tôi hãy quên tất cả, hãy coi như bất hạnh này là điều may mắn vì xảy ra quá sớm và tham vọng xấu xa kia dầu sao cũng đã lộ bày cho người người rõ mặt. Vợ tôi đã ứa ra những giọt nước mắt hiền lành thương tủi và thở dài nhẫn nhịn khi nghe tin đổ vỡ. Nàng quá đỗi thương tôi, chỉ buông câu hỏi sao anh nỡ dấu, không cho em biết sớm? Câu hỏi sẽ sàng nhưng tôi nghe váng động và từng lượng máu lại râm ran đổ tràn trong bao tử. Trời hỡi làm sao tôi nỡ xé tan hay vò nát nuột nà mảnh lụa niềm tin vợ tôi đã dệt bằng thứ tơ óng đẹp và vô cùng bền chắc của tấc lòng đôn hậu gửi trao cho kháng chiến? Tôi biết biện giải thế nào cùng tất cả những người đã tín cẩn mến thương tôi, góp phần không tiếc không dè dặt như tôi đã mến yêu tin cậy bạn, dơ tay xin nhập cuộc?
Tôi đã trải qua những giây phút bồi hồi, sướng vui phơi phới của kẻ đi reo rắc niềm tin và đón nhận niềm tin từ những tâm hồn chân phác biết yêu quý quê hương chung một cách. Tôi đã đi không biết mệt trên những đoạn đường gai góc để vén thu góp nhặt từng mảnh tin yêu chắp lại làm nên sức mạnh cho Mặt Trận và những đồng tiền cảm kích dưỡng nuôi hoa kháng chiến nở tươi trong vườn hồng dân tộc. Những đồng tiền, cả vòng vàng nhẫn cưới gửi trao cùng cầu mong tâm ước một mai kháng chiến công thành, quê hương giải phóng… Đây là những đồng tiền thẫm sũng mồ hôi khó nhọc của đời cầu thực tha phương. Tiền nhận từ bàn tay khô héo của bà mẹ già nua sống buồn phiền lạc lõng nơi đồng đất nước người muốn mau chóng trở về chết trong lòng đất quê nhà yêu dấu. Của em bé thơ ngây nhịn miếng cơm chim mong về hưởng lại tình thương nội ngoại. Của con mong gặp lại cha, vợ mong gặp lại chồng. Của những người sầu héo nhớ thương người, bạn bè mong cứu bạn bè tù tội trong gông cùm cộng sản… Những đồng tiền mồ hôi nước mắt đã mất oan khiên không ai đòi lại nhưng niềm tin tội nghiệp bị phỉnh lừa phải coi như nợ và nợ này phải trả. Nợ truyền tử lưu tôn, không trả đời này thì đời con, đời cháu. Ôi biết làm sao nói cho cùng cạn nỗi mênh mang thống hận của kẻ cầm vàng tiếc uổng công lao, nửa đường rơi mất?
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng…”
Biết bao người cũng như tôi đã mất? Mà chao ơi lại mất quá nhiều. Tôi đã mất bạn, và coi như mất, người lính Nhảy dù Lê Hồng của độ nào còn bôn ba khắp nẻo chiến trường đỏ lửa quê hương. Tôi vẫn hằng ôm giữ hình ảnh Trung tá Lê Hồng một buổi trưa nắng cháy trên bãi đậu phi trường Trảng Lớn mịt mù bụi đỏ. Người sĩ quan trong bộ hoa dù chiến trận, đeo giây ba chạc, lom khom trải tấm bản đồ trên mui chiếc jeep, thuyết trình cho tư lệnh Lữ đoàn… Giờ này Lê Hồng đang ở nơi nào cùng vợ và con? Có bao giờ gặp lại ông Bùi Đức Lạc và những anh em Nhảy dù “đánh thuê cho Mỹ”? Sao ông Thi không nói? Sao ông Tuyển không nói Lê Hồng đang ở nơi đâu?
Bạn xưa,
Đã mấy năm qua tôi bưng tai nhắm mắt, cố giữ mình mù điếc nhưng vẫn kinh động bởi tiếng phèng la chập choẽ của đám người Vu-Hích-Kháng-Chiến làm cuộc rước đèn ồn ào và khó chịu. Đám rước của những ông đồng bà bóng với đầy đủ trống chiêng cờ quạt diễn ra dưới đường hầm tăm tối, mỗi người cầm một bó đuốc dơ trước mặt, mê muội bước đi, miệng không ngớt hò reo mừng rỡ đã trông thấy mặt trời chính nghĩa từ ánh lửa lù mù ngọn đuốc và cứ thế đi quanh quẩn quẩn quanh rồi lại quẩn quanh quanh quẩn trong cái đường hầm tăm tối. Tôi đã tình cờ được người nài ép phải xem cái gọi là “Thông điệp” của ông Chủ tịch “gửi anh em chiến hữu” kỳ đại hội năm kia ở Los, nội dung có hai điều chú ý: Thứ nhất, tuyên dương bốc thổi thành phần đoàn viên cán bộ gọi là thế hệ trẻ trung và mới. Thứ hai, đã nặng lời thoá mạ những ai không ủng hộ mình là “Dư Luận Vô Tư Cách”! Điều một làm tôi ghê sợ và điều hai, phẫn nộ. Con người có tham vọng làm lãnh tụ cả một mặt trận đấu tranh dựa vào quần chúng sao lại có thể buông ra lời hằn học thô lỗ ấy? Hạnh kiểm cùng nhân cách con người như thế làm sao đủ bản lãnh chế ngự được cơn xúc cảm của mình trước các vấn đề to lớn? Như tôi đã thấy, nhiều ngươi đã thấy mà ngán ngẩm trước một ông Hoàng Cơ Minh không đè nén nổi sướng vui nhảy múa trong lòng, ngơ ngáo đến thất thần trước nhiệt nồng đón tiếp, hoan hô, hào quang rực rỡ vây bủa lấy mình trong Đại hội Chính Nghĩa và đã mê sảng đưa ra con số “tào lao”. Con số của một đêm gần ba giờ sáng, cú điện thoại từ Paris dựng đầu tôi giậy, dặn đi dặn lại tôi rằng phải làm sao liên lạc nói cùng “anh Chín” liệu lời tuyên bố cho khỏi xảy ra sự “ông nói gà, bà nói vịt”, bởi vì “Bên này tôi lỡ trả lời báo chí rằng quân kháng chiến nằm trong nội địa lên tới mười ngàn!” Tôi gạt phăng đi, coi lời căn dặn chỉ là thứ chuyện tào lao từ tên bạn tào lao, luôn thích làm ra mình quan trọng. Nào tôi dám nghĩ ông Chủ tịch lại đem con số mười ngàn quân nhảm nhí ấy nghiêm trang tuyên bố trong đại hội!
Tôi thương tội những người yêu nước thành tâm cho đến giờ phút này vẫn còn hăm hở nhập bầy cùng đệ tử Tinh Tú phái, bước theo thầy mà chẳng rõ sẽ về đâu trên con đường tà khuất, bảo sao nghe vậy, đi ngược hướng đi dân tộc, kể cả bảo phải vui mừng nhảy múa trên nỗi đau thương tang tóc của toàn dân, coi Tháng Tư Đen bi thảm là ngày “Quốc Khánh” để ăn mừng và bày đặt đưa ra giải thưởng tặng Phan Nhật Nam đang hấp hối trong trại tù Việt cộng. Hãy nhìn bìa sau cuốn sách in cưỡng đoạt tác quyền để thấy ẩn ý rập khuôn trò tiểu xảo cộng sản đã trâng tráo bày ra trước mặt người dân Saigon ở lại. Dân Saigon đã thờ ơ trước những ngày lễ lạc của bạo quyền nhưng bảo nhau đổ xô ra đường phố trong những ngày lễ lớn thực của mình như Giáng Sinh, Nguyên Đán, hoa đăng tấp nập như thời vàng đã mất. Lũ gian manh đã lợi dụng dịp này để phô trương lường gạt người ngoài, đem biểu ngữ căng trên các đường phố tưng bừng náo nhiệt Saigon. Biểu ngữ “Mừng Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Anh Hùng” của chúng thực sự đã qua cả tháng trước trong sự lạnh nhạt của dân chúng miền Nam. Thành ra, nước Văn Lang không có ngày Tổ chết nhằm Tháng Tư Đen để bầy con hiếu thảo ăn mừng – và không có một ngày lịch sử nào khác nằm trong tháng Việt cộng tổ chức ăn mừng Đại Thắng Mùa Xuân – thì người ta cũng phải đẻ ra một ngày, như ngày Cá Tháng Tư chẳng hạn, để làm Ngày Quốc Khánh! Còn như cái phần thưởng cho Phan Nhật Nam đã khiến nhiều người nóng mặt, hãy làm ơn nói dùm Mười Cúc thả ngay người tù khí phách và cho đi đoàn tụ – để xem Nam phản ứng thế nào về cái giải thưởng mỉa mai dơ dáng đó?
Có một câu trong Cổ Ngữ, xem như gương soi tỏ dung nhan người lãnh tụ, “Tâm có chính thì hành vi mới khỏi tà khúc. Chưa có người nào hành vi phẩm hạnh không đoan chính mà họ có thể yêu nước được”! Những người anh em không muốn nhận chân sự thật, đã dối lòng chỉ vì tự ái, vì muốn tỏ bày rằng ta tranh đấu kiên trì, lập trường vững chãi, cao vợi tinh thần, hay đã trúng phải thứ sinh tử phù âm độc của Thiên Sơn Đồng Mỗ? Những người được vồn vã tuyên dương, tán tụng là thành phần cán bộ trẻ trung có tinh thần cách mạng đấu tranh mới. Như Võ T., như Kh., như cô bé T. Nh., tuổi trẻ, nhiệt thành và giàu năng lực, tôi đã hết sức yêu vì biết nhìn ra bổn phận, náo nức muốn dự phần bởi chưa từng đóng góp máu xương cho cuộc chiến đấu thảm sầu trên đất nước. Giờ đây những người em tôi thương mến và đã dắt dìu, coi tôi như kẻ lạ – hay nói cho rõ ràng, như họ đã được dạy cho định nghĩa rõ ràng – những người đã ly khai hay không theo hoặc chống đối “Mặt Trận”, đều là những Việt gian, phản động! Ai đã rập khuôn đường lối luyện người của cộng sản, đem những mầm dân tộc tươi xanh đó đi nhuộm thành hung đỏ, nhét nhồi những giáo điều sắt máu để biến họ thành những con thiêu thân cuồng tín, một chiều, vô tình nghĩa, biết nói trơn tru những từ ngữ cách mạng, đấu tranh, hy sinh, yêu nước và học thuộc lòng cái châm ngôn “cứu cánh biện minh phương tiện” để hồn nhiên và hãnh diện trước tất cả những hành vi sai trái?
Họ đã được dạy phải tôn vinh lãnh tụ như viên ngọc trân quý của cách mạng, linh hồn của tổ chức, cần hết sức giữ gìn, “không thể hy sinh phí phạm và vô ích như những Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Võ Đại Tôn… làm vỡ đổ công trình cách mạng!” Đồng thời cũng học loanh quanh lý luận “Chủ tịch Hoàng Cơ Minh cũng chỉ là một nhân sự trong Mặt Trận. Cá nhân không đáng kể và có thể thay thế được. Nhưng lý tưởng cách mạng theo đuổi cuộc đấu tranh cứu nước mới là tối thượng, phải duy trì và quyết tâm đi tới…” Do đó tôi không lạ khi có đoàn viên nghe tin Hoàng Cơ Minh bị chết, đã nhảy dựng lên hậm hực. Và tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu mai kia cục diện Đông Duơng biến chuyển, Việt cộng bị áp lực phải thương thảo với thành phần kháng chiến Việt Nam, sẽ chỉ nhìn nhận và đòi cho bằng được MTQGTNGPVN vào bàn hội nghị, có hay không có Hoàng Cơ Minh cũng chẳng phiền. Ngày đó tới, đoàn viên phải vô cùng hoan hỉ bởi Mặt trận mình được Việt cộng xem là chính thống, nhưng tôi thì khiếp sợ cho cái tương lai nhìn thấy hồn ma xưa – Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam – đội mồ sống dậy!
Những người cán bộ trẻ, thành phần cách mạng tươi mới đó, như Võ T., đã được đài thọ vào tận chiến khu học tập, thấy mình quá đỗi trưởng thành, được dạy cho ăn nói, tập tành những tác phong cách mạng, thuộc lòng chủ trương và đường lối Mặt Trận vẽ tô ra, trở về làm việc toàn thời, được trả tiền công tác, được đi đó đi đây, họp hành, diễn thuyết, được đặt ngồi cao trên sân khấu cho mọi người vỗ tay, đề cao, tán tụng, hoan hô vinh dự… Đến ai kia cũng còn đắm đuối thứ men say mê mẩn ấy, thì “giai cấp trẻ” nào cưỡng nổi lòng không xao động trước những vinh quang to lớn đặt vào tay? Làm sao Võ T. dám khước từ như tôi đã giữ mình tỉnh táo khước từ những việc làm đồng loã, không bằng lòng can dự những mưu toan, những liên quan tiền bạc, kinh tài, những đẩy đưa ngon ngọt bằng bạc tiền và chức vụ khi còn trong K-9…?
Làm sao Võ T. dám đưa tay gỡ bỏ cái vòng hoa mỹ lệ tròng quanh cổ để thành tâm thú nhận về những cuốn băng Việt Nam Kháng Chiến sau này xuất xứ từ đâu? Tôi nghĩ bạn là người phải biết rõ hơn tôi về số phần non yểu của cái đài phát thanh thuê mượn ấy. Cái phương tiện có thì quý hoá, không thì cũng chẳng ai kỳ kèo đòi hỏi cho bằng được. Đồng bào chỉ cần thấy thực tâm, thấy cố sức làm và làm chuyện thật. Việc gì phải đôn đáo gọi tôi nhờ cậy làm dùm những cuộn băng kháng chiến,
“Làm trọn mỗi kỳ từ A đến Z để anh em bên ấy chỉ việc cho vào máy phát. Anh em mình không ai có khả năng viết lách cùng kỹ thuật dựng một chương trình. Lại thêm vấn đề sinh tử là địch lùng tìm, anh em phải di chuyển luôn luôn, một ngày phát thanh được vài mươi phút cũng là một kỳ công đáng kể…”
Tôi từ chối. Từ cái ngày nào xa lúc lắc, mà mãi tới bây giờ người ta vẫn rao lên, vẫn ăn mừng ngày thành lập được ba năm, rồi được năm năm đài Phát thanh Việt Nam Kháng Chiến, “phát thanh đều đặn và liên tục không một ngày ngưng nghỉ. Ngày phát 8 lần, mỗi lần một tiếng với bài viết dài 25 trang giấy” và đưa ra những con số gớm ghê chính xác tính ra bao nhiêu ngày, bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút và bao nhiêu triệu chữ trên bao nhiêu dặm dài giấy viết! Tôi thực thà khâm phục những con người kháng chiến toàn năng đã làm nên những việc phi thường trong những điều kiện cực cùng vất vả và khăn khó. Còn tôi, phải thú thật rằng mặc dầu ở trên đất Mỹ dồi dào phương tiện, có khả năng, đã từng thực hiện những chương trình phát thanh tiếng Việt tại địa phương mỗi tuần lễ một lần, mỗi lần chỉ một giờ thôi, không một tên Việt cộng nào lùng bắt, thế mà cũng không sao giữ được cho Tiếng Nói Việt Nam phát thanh đều đặn và liên tục…
Bạn xưa ơi, tôi thật quả có mừng vì đã không ở lại nhận phần chia cháo lú trộn với đường ngon mật ngọt đưa lên miệng sì sụp khen ngon cùng đám người Vu-Hích. Tôi coi lời thoá mạ cái “dư luận vô tư cách” mà ông Hoàng Cơ Minh khinh mạn nhắm vào tuyệt đại đa số người Quốc gia đầy lòng độ lượng, như tiếng la rồ dại của kẻ cầm đầu đám rước quanh quẩn rồi lại quẩn quanh đi mãi dưới đường hầm tăm tối. Tôi hiểu được cái tâm trạng nao núng tuyệt vọng của một con người xa đồng loại, tự mình đánh mất tự do cao quý của mình, không dám thảnh thơi đi lại, thong dong hít thở khí trời trong mát, đã hoảng kinh kích thích khi nghe tiếng người cười nói bên ngoài mà mình không thấy lối ra nhập cuộc, điên cuồng thoá mạ để nghe chính tiếng mình cho được an tâm trước cái hoang vu rùng rợn của kẻ sợ ma đi lạc giữa vùng mộ địa.
Bạn xưa,
Bây giờ đã sắp mùa Xuân, lại thêm một Tết tủi buồn đời lưu lạc. Tôi ngồi chiêu niệm quê hương và buồn ủ dột nghĩ đến dặm đường thăm thẳm đưa ta về quê cũ. Tôi nhớ những ngày xưa. Nhớ anh em, người thân, bằng hữu. Nhớ những cánh chim ta đã họp đoàn. Những ngày óng ả Nha Trang bạn dắt dìu tôi bay tập… Tự nhiên tôi nhớ bạn lao đao cùng tất cả những gì mình có cùng nhau trên mảnh quê xưa mù mù khuất nẻo. Và tôi dạt dào ao ước một ngày ta gặp lại nhau trong tay bắt mặt mừng bằng tình cũ nghĩa xưa đẹp đẽ chắc còn đủ lượng cho ta đừng thấy ngỡ ngàng xem nhau như kẻ lạ. Tôi thiết tha nhớ và mong gặp bạn. Chúng ta sẽ ngồi đối diện nhau cho tôi được dịp nhìn sâu vào mắt bạn. Và bạn sẽ nói một lời đầm ấm nhưng là lời thầm lặng không phải nói cùng tôi. Mà nói với lương tâm bạn bằng lời trong trắng. Nói thật thà với các anh em mình chết cho đất nước. Như Vượng, như Sinh, như Cung, như Tích… Nói nghiêm trang cùng những bạn chúng mình đang tù ngục thảm thương vẫn hao mòn ngóng đợi anh em về giải phóng. Nói hết sức thành tâm cùng những linh hồn u uất của anh em đã trở về và chết hẩm hiu nơi đất nước người như cái chết của Phùng Tấn Hiệp, của Đại tá Tư. Nói một lời lương thiện với Ngô Chí Dũng, với Trần Thiện Khải, với những anh em bị bỏ rơi phũ phàng trên đất Thái.
Và nếu như tình nghĩa anh em, bạn bè, đồng đội không làm bạn quan hoài, thì bạn ơi hãy thì thầm mà nói lời riêng dốc cạn tình phu phụ cùng vợ và con yêu dấu đầy thương tội đã vùi thân nơi biển cả trên bước đường khổ nạn kiếm tìm chồng, tìm kiếm tự do. Bạn hãy thiết tha, thành khẩn, trang nghiêm như bạn đã thề nguyền cùng đất nước, với tất cả thiêng liêng trong sâu thẳm đáy lòng, rằng bạn thật tâm kháng chiến, bạn không biết dối lừa và đồng loã dối lừa. Kháng chiến này có thực.
Đào Vũ Anh Hùng
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen