Samstag, 7. November 2015

Cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Vua Bảo Đại Năm 1955

State of Vietnamese passportChính thể Quốc gia Việt Nam được thành lập vào ngày 14 tháng 6 năm 1949 và cáo chung vào ngày 26 tháng 10 năm 1955. Hiện nay, có nhiều luồng dư luận về chế độ chính trị này, nhưng trước hết vẫn nên xem đây là một trong những giai đoạn khuất lấp của dòng sử Việt Nam ; bởi nguồn tư liệu không nhiều và lại có phần khó thuyết phục. Với bài viết này, nhóm biên tập TTXVA cố gắng thâu gồm những hình ảnh và tài liệu còn sót lại để quý độc giả phần nào hình dung được bối cảnh lịch sử. Song le, chúng tôi lấy làm vinh hạnh được tiếp nhận mọi quan điểm từ phía độc giả, làm sao để chúng ta có cái nhìn đa diện và khách quan hơn về thời kỳ này !
Bìa sổ thông hành (passeport) của mọi công dân Quốc gia Việt Nam.
1. Vấn đề quốc danh :
Trong Pháp ngữ, Quốc gia Việt Nam được hiểu là État du Viêt Nam, tên gọi này thực tế không phản ánh thể chế chính trị. Khi đặt ra “giải pháp Bảo Đại” (Bao Dai solution), chính phủ Pháp đứng trước hai thách thức :
• Về mặt pháp lý, cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên chiếu thoái vị vào ngày 25.8.1945 nên không còn tư cách nguyên thủ quốc gia nữa. Nếu khôi phục quốc danh Đế quốc Việt Nam (Empire du Viêt Nam) sẽ tạo cớ cho lực lượng Việt Minh (đối thủ chính trị – quân sự của Liên hiệp Pháp) mở chiến dịch bôi nhọ (điều thường thấy trong các cuộc xung đột), khiến cho “giải pháp Bảo Đại” cầm chắc thất bại.
• Về mặt tâm lý, một bộ phận dân chúng vẫn còn giữ cảm tình với hoàng tộc Nguyễn (đứng đầu là cựu hoàng Bảo Đại). Việc phục hồi vai trò của cựu hoàng đế sẽ cuốn hút được giới tinh anh Việt Nam, đồng thời quy tụ các phe nhóm bị tổ chức Việt Minh bức hại dưới một ngọn cờ.
Cũng cần nói thêm, trước nay có nhiều ý kiến ngây thơ cho rằng, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không kết án hoàng tộc Nguyễn như quán tính tại một số quốc gia có bùng nổ cách mạng, thậm chí đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn, đó là để thể hiện “chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân văn cách mạng”. Nhưng sự thực đây là một toan tính có chủ đích của tổ chức Việt Minh, họ đã “nhanh tay” hơn các tổ chức khác để đoạt lấy “giải pháp Bảo Đại”, thông qua đó giành cảm tình của phần lớn dân chúng còn chưa biết gì về chính phủ Việt Minh. Hệ quả trực tiếp là tại cuộc tổng tuyển cử toàn quốc ngày 6 tháng 1 năm 1946 – tức là gần 5 tháng sau khi Việt Minh đảo chính thành công, tổ chức này đã giành được tỉ lệ phiếu bầu quá bán để đứng vững trong tân chính phủ. Cũng trong giai đoạn 1946 – 1948, giữa bối cảnh giao tranh Pháp – Việt sục sôi và những cuộc trấn áp cấp tập của chính phủ Việt Minh, có rất nhiều tổ chức chính trị, hội đoàn tôn giáo tuyên bố ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại. Cho nên, trong thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến, cựu hoàng Bảo Đại có vai trò một biểu tượng thống nhất, hay nói cách khác, ông là lãnh tụ tinh thần của toàn dân Việt Nam. Đó là lý do chính yếu để người Pháp tin rằng, “giải pháp Bảo Đại” là lựa chọn đúng, thay vì tiếp tục chính sách “chia để trị” như trước Đệ nhị Thế chiến thì tái hợp nhất các phần lãnh thổ của Đế quốc Đại Nam (quốc danh của Việt Nam trước khi mất độc lập).
Việc tạo ra quốc danh Quốc gia Việt Nam phần nào có thể xem là hợp lý : một mặt nó thỏa mãn được hai yêu cầu vừa nêu ; mặt khác nó nhắm trúng tâm lý của nhân quần khi chọn danh xưng được số đông ưa dùng (Việt Nam). Lưu ý rằng, cụm từ “Việt Nam” được rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức sử dụng trong cao trào đòi độc lập và chấn dưng dân khí nửa đầu thế kỷ XX, bởi nó gợi lên niềm kiêu hãnh về một quốc gia rộng lớn, hùng cường dưới triều Gia Long, Minh Mạng (Đế quốc Việt Nam).
Independence day celebration at Saigon. April 1950 Vietnam
Indochina school children waving flags during the independance day celebration. April 1950, Vietnam 1
Indochina school children waving flags during the independance day celebration. April 1950, Vietnam 2
Trung tuần tháng 4 năm 1950, tại đô thành Sài Gòn, Quốc trưởng Bảo Đại công bố nền độc lập của Quốc gia Việt Nam trước sự chứng kiến của giới quan chức Việt Nam và các quan khách quốc tế. Đây là sự kiện mà trước đó không chính thể nào thực hiện được.
2. Vấn đề thể chế :
• Về mặt hình thức, Quốc gia Việt Nam là nước quân chủ lập hiến, bởi vì vai trò của hoàng tộc Nguyễn được phục hồi nguyên vẹn, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc được toàn quyền đề cử người nắm giữ vai trò nguyên thủ quốc gia (tức là sự thế tập), chỉ riêng tước vị hoàng đế (empereur) được đổi thành quốc trưởng (chef d’État). Quốc trưởng có quyền ban bố các đạo luật và ân xá tù nhân, đồng thời cũng là Tổng tư lệnh quân đội. Chính thể Quốc gia Việt Nam không có quốc hội và hiến pháp nhưng vẫn có một chính phủ để điều hành đất nước. Chính phủ Quốc gia Việt Nam bao gồm Hội đồng Tổng trưởng (Nội các) và Hội đồng Cố vấn với người đứng đầu là Thủ tướng (Nội các Tổng trưởng), các quan chức chính phủ đều do Quốc trưởng bổ nhiệm. Như vậy, việc không có tam quyền phân lập (lập pháp – hành pháp – tư pháp) và trao quá nhiều quyền hạn cho Quốc trưởng đã khiến hoàng tộc Nguyễn đứng ở vị thế lấn át các phe phái khác ; chắc rằng về lâu dài đây sẽ là mầm mống phát sinh những mâu thuẫn xã hội, khi mà năng lực chính trị của quần chúng không được thừa nhận xứng đáng.
• Về mặt danh nghĩa, căn cứ vào Hiệp ước Vịnh Hạ Long (Accords de la baie d’Along, 5.6.1948), chính phủ Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập và được thống nhất bởi các lãnh thổ : xứ Bắc Kỳ, Đế quốc Đại Nam (xứ Trung Kỳ), Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ (xứ Nam Kỳ). Còn theo Hiệp ước Élysée (Élysée Accords, tháng 1 năm 1949), Việt Nam là một thành viên của khối Liên hiệp Pháp (Union française). Và như vậy, đây có thể xem là một bước tiến trong quan điểm của chính phủ Pháp về tình trạng chính trị của Việt Nam, bởi trước đó (Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946) Việt Nam chỉ được coi là một “quốc gia tự do” trong Liên bang Đông Dương (trực thuộc Liên hiệp Pháp) với lãnh thổ chỉ gồm xứ Trung Kỳ và một phần xứ Bắc Kỳ (các khu tự trị Thái, Nùng không được coi là thuộc Việt Nam). Điều đó cũng cho thấy, người Pháp có cố gắng sửa đổi cách nhận diện về tình hình Việt Nam – khi mà người dân đã ý thức được quyền làm chủ vận mệnh quốc gia của mình cũng như không còn chấp nhận phải sống dưới các chính thể yếu đuối, tràn ngập nỗi bất an.
• Về mặt thực tế, kể từ ngày 14 tháng 6 năm 1949 cho đến ngày 21 tháng 7 năm 1954 (thời điểm Bắc phần vĩ tuyến 17 được chuyển giao cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), chính thể Quốc gia Việt Nam là đại diện của toàn dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Cũng cần lập luận rằng, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thành lập ngày 28.8.1945) thực tế đã giải tán vào khoảng tháng 2 năm 1947 – khi mà quân đội Liên hiệp Pháp đẩy được lực lượng quân sự của chính phủ Việt Minh lên vùng sơn cước Việt Bắc. Về mặt pháp lý, do những thỏa thuận đã ký kết trước đó với chính phủ Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thành viên của khối Liên hiệp Pháp, cho nên khi đã chọn phương thức phản đối bằng vũ trang thì tức là đặt mình vào thế bất chính đáng. Bức tối hậu thư chiều 18.12.1946 của chính phủ Pháp có thể hiểu là một cảnh báo cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nên vượt quá giới hạn những cam kết. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, chiến sự vẫn bùng nổ mà phía khơi mào là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng nghĩa những thỏa ước đã bị xé bỏ. Cũng vì thế, khó mà nhận định cuộc chiến tranh Đông Dương là tình thế bất khả kháng ; người Việt Nam hoàn toàn có thể chọn giải pháp hòa bình và tiến tới độc lập một cách chậm rãi, thay vì giành độc lập ngay tức khắc bằng con đường đẫm máu. Trước khi Hiệp định Genève được ký kết (21.7.1954), Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không được bất cứ quốc gia nào công nhận, mặc dù tuyên bố là đại diện chính đáng của nhân dân ba kỳ nhưng thực tế tổ chức Việt Minh chỉ kiểm soát được vùng sơn cước Đông Bắc và một số chiến khu rải rác không đáng kể, tình trạng tài chính và quân sự cũng rất bấp bênh. Đối với chính phủ Quốc gia Việt Nam, tổ chức Việt Minh bị đưa ra ngoài vòng luật pháp, thậm chí những người cộng tác với Việt Minh có thể bị kết án tùy theo mức nặng nhẹ ; một số báo chí đương thời gọi lực lượng Việt Minh là “phiến quân”.
Sự thực khác, do không có quân đội chính quy để đối phó với chiến sự leo thang và phải kế thừa một công khố rỗng, Quốc gia Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc Liên hiệp Pháp về quốc phòng, tài chính, ngoại giao. Yếu điểm này đã tạo vị thế lớn cho Cao ủy Đông Dương (Haut-commissaire de France en Indochine / Trước Đệ nhị Thế chiến được gọi là Toàn quyền Đông Dương), bên cạnh vai trò người đại diện của chính phủ Pháp thì nhân vật này có uy thế đôi khi lấn át cả Quốc trưởng. Cho nên, xét cho cùng Quốc gia Việt Nam là một chính thể chưa hoàn thiện, hoặc ít nhất nó cần một khoảng thời gian tương đối dài để ổn định hệ thống chính quyền.
Truyền đơn Cờ Vàng
Truyền đơn của chính phủ Quốc gia Việt Nam kêu gọi đồng bào từ bỏ Việt Minh.
Truyền đơn Cờ Đỏ
Truyền đơn của lực lượng Việt Minh phản bác lại lời kêu gọi của chính phủ Quốc gia Việt Nam.
3. Vấn đề vị thế lịch sử :
Bất kỳ nhân vật hay sự kiện nào đã can dự vào dòng thác lịch sử dĩ nhiên phải có vai trò nhất định, không ít thì nhiều. Vậy nên, cái cần thiết cho trường hợp Quốc gia Việt Nam là phải xác định được vị thế của chính thể này trong lịch sử Việt Nam, không thể nào chối bỏ giai đoạn chỉ vì căm ghét và càng không nên thổi phồng vai trò chỉ vì yêu thích.
• Về mặt quản trị, Quốc gia Việt Nam gần giống như một liên bang với rất nhiều kiểu quy chế hành chính ; tuy nhiên ngay từ khi mới thành lập, chính phủ đã nhận thức rõ điều gì có lợi cho một quốc gia thống nhất mà không ai cảm thấy bị thiệt thòi. Đáng chủ ý nhất là Dụ số 6 do Quốc trưởng Bảo Đại ban hành ngày 15.4.1950, trong đó, tuyên bố tiếp nhận các khu tự trị sắc tộc thiểu số từ quân đội Pháp và gọi chung là “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la Couronne) vì hầu hết các lãnh địa này nằm ở sát giới tuyến. Chính phủ Quốc gia Việt Nam tỏ ra tôn trọng tập quán của các sắc tộc thiểu số, thậm chí cho phép họ được quyền có quân đội và tài chính riêng.
• Về mặt ngoại giao, chính phủ Quốc gia Việt Nam đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để xác nhận tính chính danh của mình trước cộng đồng quốc tế. Vào ngày 6.9.1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trước sự chứng kiến của 51 quốc gia, sự việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Hoa Dân quốc và sau là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa liên tục có hành vi xâm lấn biển, đảo Việt Nam. Trước khi Hiệp định Genève được ký kết (21.7.1954), phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã bỏ về và tuyên bố tẩy chay hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ cho rằng văn kiện này sẽ gây ra sự chia cắt cho đất nước Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng mà các cường quốc dành cho những nước nhỏ.
• Về mặt lãnh thổ, trước Hiệp định Genève (21.7.1954), Quốc gia Việt Nam là một nước độc lập, vẹn toàn lãnh thổ và là thành viên của khối Liên hiệp Pháp và kể từ ngày 4.6.1954 thì tách khỏi Liên hiệp Pháp ; sau Hiệp định Genève, lãnh thổ Quốc gia Việt Nam chỉ còn lại từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía Nam. Cũng bởi sự kiện Hiệp định Genève, xuất hiện danh xưng “người Việt Quốc gia” để phân biệt với “người Việt Cộng sản”.
• Về mặt quân sự, Quân đội Quốc gia Việt Nam (Armée Nationale Vietnamienne) được hình thành trên cơ sở các nhóm dân vệ rải rác khắp nước với mục tiêu chủ yếu là bảo vệ trị an trước các cuộc tập kích của Việt Minh. Mặc dù được đánh giá cao về khả năng tác chiến (theo nhận xét của tướng Jean de Lattre de Tassigny), nhưng lực lượng này luôn phải dựa vào quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Một số trường võ bị chuyên đào tạo sĩ quan cũng đã kịp được lập ra tại Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn nhưng trình độ không cao.Về lý do Quân đội Quốc gia Việt Nam tham dự các cuộc hành binh của quân đội Pháp cũng như tham chiến tại mặt trận Điên Biên, có thể hiểu theo hai khía cạnh : Thứ nhất, Quốc gia Việt Nam là một thành viên của khối Liên hiệp Pháp, lại là nước được viện trợ nhiều nhất sau Đệ nhị Thế chiến, nên phải gánh trách nhiệm như mọi thành viên khác ; thứ nhì, tổ chức Việt Minh bị coi là một nguy cơ đối với thể chế, những người can dự vào thành phần Việt Minh là phạm pháp, nên với tư cách chính phủ thì Quốc gia Việt Nam phải điều động quân đội đi dẹp.
• Về mặt giáo dục, Quốc gia Việt Nam kế thừa nền giáo dục Liên bang Đông Dương trước Đệ nhị Thế chiến, nhưng không dừng lại mà nâng cao hơn. Các kỳ thi trung học, tú tài I và II sử dụng tiếng Việt thay vì tiếng Pháp như trước đó ; một số trường trung học và đại học được lập thêm để tạo ra ngày càng nhiều người có tri thức. Theo tác giả Nguyễn Văn Thành trong loạt bài viết “Sự giáo dục và thi cử qua các thời đại ở Việt Nam”, ban cử nhân Khoa học nâng từ 3 lên 4 chứng chỉ, bằng cử nhân Toán học đã có thể hoàn tất ở Việt Nam mà không cần phải sang Pháp như trước.
• Về mặt xã hội, người dân Quốc gia Việt Nam thụ hưởng một lối sống phóng khoáng và thanh bình, mặc dù đang giữa thời chiến. Chính sách kiểm duyệt thông tin khắt khe trước Đệ nhị Thế chiến bị bãi bỏ, hệ thống giao thông – liên lạc trở nên dễ dàng hơn nhờ tiến bộ khoa học kỹ nghệ (như việc xây đắp thêm cầu đường, thành lập hãng hàng không Air Vietnam)… là những căn nguyên khiến sinh hoạt truyền thông, nghệ thuật Việt Nam trở nên sôi động chưa từng thấy. Có ít nhất hai động thái cần được xem xét công bằng hơn : Thứ nhất là trào lưu “rentrer” của một bộ phận không nhỏ những người kháng chiến – hoặc họ không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn nơi chiến khu, hoặc họ là nạn nhân của các sự kiện đại hội văn nghệ nhân dân và cải cách ruộng đất – tất cả đều được đón tiếp mà không có bất kỳ sự trả thù hay kỳ thị nào ; thứ nhì là cuộc di cư của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc xuống Nam phần vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Genève, mặc dù không phải lãnh trách nhiệm thi hành thỏa ước nhưng chính phủ Quốc gia Việt Nam vẫn tận dụng mọi khả năng để chuyến hành trình được trọn vẹn, cũng như gầy dựng đời sống ổn định cho họ.
1949 L' unité du Vietnam... SỰ THỐNG-NHỨT của VIỆT-NAM ĐÃ CHẮC CHẮN!
Bản Tuyên ngôn của cựu hoàng Bảo Đại ngày 6-6-49
Affiche thông báo cựu hoàng Bảo Đại từ Đà Lạt xuống Sài Gòn ngày 13-6-1949
Tournée des Capitales - Arrivée de S.M. BAO DAI à Hanoi le 15 Juillet 1949
4. Vấn đề quan điểm đánh giá :
Do chính thể Quốc gia Việt Nam tồn tại tương đối ngắn (1948 – 1955) nên có rất ít các quan điểm về thời kỳ này, dưới đây là một vài trích dẫn.
• Sách giáo khoa Quốc sử lớp Nhất (Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam) : Vì quyền lợi của Pháp và Việt Nam chống đối nhau nên cuối năm 1946, chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ. Quân Pháp lần hồi chiếm đóng các thành thị. Người Việt yêu nước rút ra bưng biền tổ chức trường kỳ kháng chiến. Năm 1949, Pháp rước Bảo Đại từ Trung Hoa về lập Chánh phủ, mong lôi kéo người Quốc gia. Nhưng mánh khóe của Pháp không lừa gạt được chiến sĩ Việt Nam. Cuộc kháng chiến càng ngày càng mãnh liệt và đến tháng 5 năm 1954, quân Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ, phải kêu gọi hòa bình. Việt Minh lại đứng ra cùng Pháp ký hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954) chia đôi đất nước ; từ sông Bến Hải ra Bắc thuộc Việt Minh, từ sông Bến Hải trở vào Nam thuộc Chánh phủ Quốc gia.
• Cựu hoàng Bảo Đại (hồi ký “Le Dragon d’ Annam”) : Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp (What they call a Bao Dai solution turns out to be just a French solution).
• Đinh Yên Thảo : Là vị vua chấp chính gắn liền với một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, rồi trở thành một cựu hoàng lưu vong tại Pháp, ông là một vị vua không được sử gia, học giả hay giới truyền thông có nhìn nhận ưu ái về các đóng góp của ông cho đất nước Việt Nam.
• Đoàn Thêm : Những tài liệu kể trên đã do tôi thâu thập giữa năm 1955, khi những trào lưu phản đối Quốc trưởng Bảo Đại đương ào ạt lan tràn. Nhiều tờ báo chứa đầy căm hờn với những lời đả kích dữ dội. Vấn đề gạt ông được chính thức đặt ra, ai nấy đều tin rằng ông không thể đứng vững. Riêng tôi thấy ông cũng nên lùi. Song đối với kẻ đem tâm thành tìm hiểu việc nước thiết nghĩ bình tĩnh nhận xét là điều kiện ưu tiên để tới gần sự thật. Nên tôi đã lặng lẽ kiểm điểm một mình công cuộc của ông và của một lớp người, để tự soi sáng cho tôi. Vì đối với bất cứ nhân vật hay chánh thể nào, tôi không muốn nghĩ ác vì tưởng lầm, hoặc nói ác vì không biết rõ.
• Trọng Đạt : Theo những ghi chép vô tư không thiên kiến của ông Đoàn Thêm, chúng ta thấy giải pháp Bảo Đại đã mang lại cho tình hình chính trị, xã hội, kinh tế nước ta những năm 1948, 49, 50, 51 nhiều thành quả tốt đẹp, Bảo Đại đã là người có công gây dựng chính phủ Quốc gia Việt Nam đầu tiên. Từ 1949 cho tới 1975, người Việt Quốc gia đã trải qua ba thời kỳ chính quyền lâu dài : Bảo Đại 1949 – 1954, 5 năm ; Ngô Đình Diệm 1954 – 1963, 9 năm ; Nguyễn Văn Thiệu 1967 – 1975, 8 năm. Chúng ta thấy cả ba chính quyền ấy đều đã có những việc làm tốt đẹp lúc đầu và sau cùng lại bị nhân dân lên án có tội. Bảo Đại có công gây dựng chính thể Quốc gia Việt Nam đầu tiên nhưng đến 1955 lại bị kết án theo Tây bán nước. Ngô Đình Diệm có công thống nhất miền Nam nhưng sau 1 – 11 – 1963 lại bị báo chí chửi rủa cả năm trời về đủ thứ tội nào độc tài gia đình trị, đàn áp Phật giáo, thủ tiêu những người đối lập…. Nguyễn Văn Thiệu đã ổn định được tình hình chính trị nhiễu nhương, chấm dứt nạn biểu tình tuyệt thực, tích cực chống cộng sản xâm lăng nhưng đến cuối trào lại bị lên án tham nhũng thối nát và sai lầm trong di tản chiến thuật đưa  miền Nam tới sự sụp đổ tan tành. Mấy năm sau khi bị lật đổ, ông Diệm đã được nhiều người bênh vực và nhìn nhận đã có công xây dựng miền Nam vững mạnh một thời. Nay ông Thiệu cũng đã được người ta bênh vực, họ bảo mất nước là tại “đồng minh tháo chạy” chứ không phải tại ông sai lầm. Riêng về ông Bảo Đại, bậc khai quốc công thần, người đã có công gây dựng chính phủ Quốc gia Việt Nam đầu tiên thì chẳng thấy ai nói tới, một phần vì người ta có thành kiến về ông, phần vì ông mất gốc bỏ xứ lưu vong nên ít ai biết tới những thành quả công việc ông đã làm. Mục đích bài này không phải để bênh vực cho ông Bảo Đại vì tác giả chỉ là kẻ hậu sinh, không liên hệ gì tới hoàng tộc cả, đây chỉ là một cái nhìn tổng quát về một giải pháp tốt đẹp trong những bước đầu thành lập một nước Việt Nam tự do… Bảo Đại về nước trị vì đã gây được niềm tin tưởng nơi người dân y như nhà có nóc mà núp, có cột mà dựa. Từ đấy dân chúng hồi cư tấp nập về thành thị, riêng tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội, Sơn Tây… trong tháng 7 – 1949 mỗi ngày có vài nghìn người, riêng ngày 30 – 10 tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây …số người trở về lên tới 35 ngàn người. Quân Pháp lan tràn kiểm soát vùng duyên hải đông dân như Bùi Chu, Phát Diệm ngày 16-10-1949. Công chức kéo về rất nhiều, chính giới Pháp – Việt đã cho giải pháp Bảo Đại đem lại thắng lợi trước cảnh hồi cư  đông đúc tại nhiều tỉnh miền Bắc, người dân bỏ già Hồ về với cựu hoàng. Diện tích vùng thuộc Pháp tại Trung châu tăng lên gấp ba, số ruộng cầy cấy tăng lên nhiều. Gạo xuất cảng từ 59 ngàn tấn năm 1945 tăng lên 379 ngàn tấn năm 1950, nhân công dồi dào, an ninh bảo đảm hơn, các ngành sản xuất than đá, vải sợi, xi măng, đường… đều tiến bộ. Trị giá nhập cảng năm 1946 là 16 tỉ đồng quan Pháp đến năm 1949 tăng lên 73 tỉ. Hàng hóa tràn ngập các cửa tiệm, chợ búa, các ngành sản xuất cũng tiến hẳn lên, lương bổng công tư chức khá cao. Cựu hoàng về nước đem theo nhiều thuận lợi, hàng nhập cảng ngày càng nhiều, vùng chiếm đóng nay là vùng Quốc gia mở rộng dễ dàng, Việt Minh chỉ đột kích khủng bố chưa có trận đánh lớn… Sự việc truất phế Bảo Đại như đã trình bày thể hiện ý muốn toàn dân, ý dân là ý trời nhưng nhiều người cũng chê bai ông Diệm đã cho báo chí chửi bới Bảo Đại thậm tệ, Thiếu tướng Hoàng Lạc trong cuốn “Những sự thật chưa hề được nhắc tới” cho rằng ông Diệm đã cho báo chí bôi nhọ Bảo Đại một cách bỉ ổi, chúng tôi còn nhớ báo đăng một bức hí họa vẽ bà Nam Phương hoàng hậu khóc với Bảo Đại bằng mấy câu nham nhở… Ông Diệm đã tự hạ giá mình, hạ giá chế độ của ông khi cho bôi nhọ Bảo Đại một cách hạ cấp như vậy, Bảo Đại đã mất lòng dân hà tất phải dùng những lời lẽ nhơ bẩn để thóa mạ một người ngã ngựa. Ông Bảo Đại ăn chơi bỏ bê việc nước tuy nhiên có một số cá tính khác biệt với các chính trị gia sau này, trước hết ông là người nhân đức, không phải là một chính trị gia cần phải cương quyết đôi khi phải cứng rắn, biết là không làm được nên đã giao toàn quyền cho ông Diệm. Để tránh đổ máu cho nhân dân nên ông đã thoái vị năm 1945, năm 1955 ông ngăn cản Thủ tướng Diệm dùng vũ lực để thống nhất miền Nam một phần cũng vì muốn tránh đổ máu cho nhân dân. Từ thời còn ngồi trên ngai vàng trước 1945 và sau này trở về làm Quốc trưởng 1948 chưa bao giờ nghe nói ông cho lệnh đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giết hại ai như các chính phủ sau này. Bảo Đại không tham quyền cố vị, khi cần hy sinh sẵn sàng từ bỏ địa vị không như các chính quyền kế vị ông khi bị nhân dân chống đối biểu tình đầy đường đầy chợ vẫn cứ ngồi lì ra không chịu xuống. Ông không đưa người trong hoàng tộc, anh em thân thuộc vào trong chính quyền. Năm 1955 ông Bảo Đại bị coi như Việt gian, theo Tây, bán nước đó là điều không ai phủ nhận, con người làm lên lịch sử đã có sự mâu thuẫn, nếu ngược dòng thời gian sáu năm về trước chúng ta sẽ thấy “giải pháp Bảo Đại” là một tất yếu lịch sử đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho chính thể Quốc gia. Như đã trình bầy ở trên Bảo Đại là người đầu tiên gây dựng lên chính quyền Quốc Gia Việt Nam có thể coi như một vị khai quốc công thần. Các vị Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam cũng đã có công tranh đấu cho nền độc lập bằng ngoại giao với Pháp như đã trình bày ở trên nhưng sau này, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa tất cả đều bị coi là tay sai thực dân, bán nước vì dậu đổ bìm bìm leo, được làm vua, thua làm giặc. Ông Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa, ông Diệm có công thống nhất miền Nam, dẹp được loạn sứ quân, giữ vững được miền Nam cuối thập niên 1950. Chế độ đã thực hiện được nhiều việc tốt đẹp trong những năm đầu nhưng rồi cũng lại đi vào vết xe đổ của ông Bảo Đại, thối nát mất lòng dân và cuối cùng sụp đổ tan tành, thê thảm.
• Trần Trọng Kim (hồi ký “Một cơn gió bụi”) : Ðến tháng Ba năm 1949, thấy ông Bảo Ðại đã điều đình với chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam được thống nhất và độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, đại khái theo cái nguyên tắc ông Bảo Ðại và tôi đã đưa cho người Pháp khi chúng tôi còn ở Hương Cảng. Giá hai năm trước, chính phủ Pháp đi hẳn vào con đường ấy, có lẽ đỡ được bao nhiêu thì giờ và sự tổn hại. Song cái tính con người ta bao giờ cũng thế, cứ để cho đến khi bất đắc dĩ mới chịu làm những việc phải làm, còn thì cứ muốn bám lấy cái lợi một lúc, rồi cứ xoay quanh mãi thành ra hư hỏng việc lớn. Lòng tham của người ta không có bờ bến, nếu không đem cái lòng công minh chính trực mà ngăn ngừa lòng tư dục, thì thường hay có những sự tàn ác, gây ra nhiều nỗi đau buồn. Việc ông Bảo Ðại điều đình đã được kết quả, như thế cũng đã lợi cho nước Việt Nam rồi nhưng đó mới là phần giao kết, cần phải chờ đợi sự thực hành xem có đúng lời giao kết hay không. Khi sự độc lập và sự thống nhất đã thực hiện rõ ràng rồi, thì ông Bảo Ðại phải có cái chính sách cương quyết và biết lựa chọn lấy những người ngay chính đứng đắn ra giúp ông mà làm mọi việc. Nếu lại để cho những người muốn thừa cơ hội mà làm giàu làm sang, thì khó lòng mà đem lại lòng tín nhiệm của dân chúng. Việc thành bại sau này, là một bên ở cái lòng thành thực của người Pháp, một bên là cái chính sách ngay thẳng của ông Bảo Ðại… Hiện nay đảng Việt Minh có nước cờ đáng rất cao, là tự mình lui bước đi, để cho đảng chân chính quốc gia đứng ra thực hiện sự độc lập và thống nhất của nước nhà, rồi lập thành một chính thể theo đúng cái nghĩa dân chủ đang thịnh hành ngày nay. Cho các đảng phái được công nhiên lấy nghĩa lý mà tranh đấu trên trường ngôn luận, nhưng không được dùng võ lực mà tranh quyền cướp thế. Làm được như thế, tất nhiên là họ giúp cho nước Việt Nam sẽ có cái địa vị rõ ràng trong quốc tế, không ai xâm phạm được nữa. Khi ấy mọi người trong nước phải quả quyết đi vào con đường kiến thiết, ai nấy đem hết tài lực của mình mà học tập và làm việc để đem nước đến cái trình độ cường thịnh như các nước khác. Cứ như thiển kiến của tôi, thì đó là cái phương sách cứu nước rất ngay thẳng và có phần mau chóng hơn cả, không biết các bậc cao minh trong nước nghĩ sao ?
• Bùi Diễm (hồi ký “Trong gọng kềm lịch sử”) : Sau trận Điện Biên Phủ thì Hiệp định Genève được ký kết, Việt Nam chánh thức bị chia làm hai phần, một do Việt Minh lãnh đạo, một do Pháp cầm đầu gọi là Quốc gia Việt Nam dưới quyền Bảo Đại. Có lẽ sau trận Điện Biên Phủ thì hầu hết các phần tử Quốc gia đều mang một cảm giác nửa vui mừng, nửa đắn đo ngần ngại. Đây là một trong những trận chiến đáng kể mà Pháp bị bại trận hoàn toàn và theo lẽ thì tất cả những người tham gia vào các phong trào chống Pháp phải lấy làm hãnh diện. Tuy thế các phần tử Quốc gia lại biết rõ rằng kẻ thắng cuộc chính là đối thủ của tất cả. Nhưng nếu chỉ nói riêng về vấn đề đất nước bị phân đôi thì vấn đề phân cách hai miền Nam – Bắc đối với những người quốc gia là một cơ hội nhiều hơn là một sự mất mát. Đây là cơ hội miền Nam có thể lợi dụng để thiết lập một chánh quyền không cộng sản được quốc tế ủng hộ. Phân đôi đất nước đã cho những phần tử quốc gia một cơ hội mà trước đây khi Việt Minh nắm quyền, họ vẫn chưa bao giờ đạt được. 
• Ngô Chơn Tuệ, Phan Hoàng (Tạp chí Khoa Học – Đại học Sư phạm TPHCM, số 46 năm 2013) : “Giải pháp Bảo Đại” là một âm mưu thâm độc của thực dân Pháp nhằm biến chiến tranh tái chiếm thuộc địa thành một cuộc nội chiến giữa một bên là những người Việt Nam yêu nước, kháng chiến (dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bên kia là những người Việt Nam làm công cụ của Pháp (do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu), dùng chiêu bài “chống cộng sản” để chia rẽ dân tộc Việt Nam theo chủ trương “chia để trị” và “dùng người Việt đánh người Việt”, dần dần trao một phần gánh nặng chiến tranh cho phe “quốc gia” để Pháp đỡ hao người tốn của. Để lừa mị dư luận, Pháp cũng nói tới “độc lập” và “thống nhất” giả hiệu, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định : “Thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai”. Làm theo lời Hồ Chủ tịch : “Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam thì mới có thống nhất và độc lập”, quân và dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn (năm 1954).
Dấu triện và chữ ký của Quốc trưởng Bảo Đại
Dấu triện và chữ ký của Quốc trưởng Bảo Đại.
Saigon 1948 - French propaganda poster hanging on building, in French Indo China
Sài Gòn năm 1948.
1948 - Vietnam Premier, General Van Xuan Nguyen sitting at his desk
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Xuân (1892 – 1989).
Governor of South Vietnam Tran Van Huu, wearing a white suite while peering into the distance - April 1950
Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu (1895 – 1985). Nội các của ông đã có hai hành động lịch sử là tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa trước chính giới quốc tế và từ chối ký kết Hiệp định Genève, một văn kiện cho thấy các cường quốc coi Việt Nam là món hàng để ngã giá với nhau.
Indochine ca1949-50 - Groupe de représentants indochinois
Quốc trưởng Bảo Đại và các quan chức Trung Kỳ.
Phan Văn Giáo
Ông Phan Văn Giáo – Thủ hiến Trung Kỳ.
1950 Father Joseph Yen and soldiers under blockhouse at Vinh Yen
Đức cha Joseph Yên đứng cạnh các tay súng dân vệ tại giáo xứ Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc), năm 1950. Thời kỳ này, hầu hết các làng mạc và giáo xứ đều tự tổ chức ra lực lượng bán quân sự để phòng vệ trước các cuộc tập kích của Việt Minh.
1950 Vietnamese locals recruited to build blockhouse in Vĩnh Yên
Giáo xứ được gia cố vững chắc để tránh tổn thất nhân mạng.
North Vietnam 1950 - People standing in tower of newly built Catholic church in Vĩnh Yên
Trẻ em chơi đùa trên một tháp chuông mới xây.
North Vietnam 1950 - Young women in Catholic village of Vinh Yen
Các thiếu nữ tươi cười trước ống kính nhiếp ảnh.
1950 Chief of State Bao Dai walking through village past children
Quốc trưởng Bảo Đại viếng thăm một làng Công giáo, năm 1950.
1950 Group of boys waving State of Vietnam flags
1950 Woman holding child and State of Vietnam flag
Pham Duy - Thai Hang - Duy Quang
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy – ca sĩ Thái Hằng và con đầu lòng Duy Quang năm 1951. Bức ảnh được chụp ít lâu sau khi họ “rentrer”, lúc này ban hợp ca Thăng Long là những thành viên trụ cột của ban văn nghệ Đài Phát thanh Pháp Á (Radio France Asie).
Thai Hang - Pham Duy
Vợ chồng Phạm Duy – Thái Hằng bên cầu Thê Húc, năm 1953. Theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, sở dĩ ông và nhiều văn nghệ sĩ khác quyết định rời bỏ Việt Minh là vì không được tự do sáng tạo nghệ thuật, các cán bộ Việt Minh chỉ coi văn nghệ là công cụ tuyên truyền chính trị.
1951 Indochine - Saigon - Défilé des troupes indochinoises
Lễ duyệt binh tại Sài Gòn năm 1951 của liên quân Pháp – Việt.
1951 Indochine - Saigon - Défilé des dirigeants indochinois
Thủ tướng Trần Văn Hữu và Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam) duyệt hàng quân danh dự.
Trung tướng Nguyễn Văn Hinh gắn băng tuyên công lên quân kỳ của Đạo binh Cộng hòa thứ nhì
Một sĩ quan cấp cao gắn băng tuyên công lên quân kỳ của Đạo binh Cộng hòa thứ nhì (Régiment de la Garde).
1951 Indochine - Saigon - Fête nationale indochinoise
Các quan chức, sĩ quan Việt Nam và ngoại quốc tham dự buổi lễ. Phía sau lưng là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
1951 Indochine - Saigon - Tribune officielle franco-indochinoise
Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh (1915 – 2004) ngồi giữa hai tướng Pháp.
Indochine, le Ministre de la Défense Nationale - Bác sĩ Phan Huy Quát
Tổng trưởng Quốc phòng Phan Huy Quát (1908 – 1979) dự lễ mãn khóa I của trường Võ bị Liên quân Đà Lạt năm 1951.
Indochine, Officier exécutant un salut
Khóa sinh đọc lời tuyên thệ : “Thề luôn luôn nêu cao danh dự quân đội / Hy sinh vì dân tộc / Trung thành với Tổ quốc”.
Indochine, archer indochinois
Nghi thức bắn tên đi 4 hướng để tượng trưng cho chí nam nhi tang bồng hồ thỉ.
Indochine, soldat en présenter arme
Nghi thức chào kiếm.
Thái tử Bảo Long
Thái tử Nguyễn Phước Bảo Long (阮福保隆 ; 1936 – 2007), ảnh chụp tại Paris khoảng tháng 1 năm 1952 trước khi sang London dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II.
Man and woman look at 1810 illustrated map of road to Peking
Huế, 1952.
Smiling women in split dresses and pants stand on foot bridge
A boy plowing a hillside field guides his bull with a single rein
Một người Thái Đen đang cày ruộng, ảnh chụp tại xứ Thái.
Black Thai mother holding umbrella carries her son in a sling
Bà mẹ Thái Đen.
Chinese refugee sailmakers spread bamboo matts on a beach
Những người Hoa tị nạn cộng sản đang làm thuyền đánh cá, ảnh chụp tại Móng Cái.
A son arrivée à Go-Cong, le Président Nguyen Van Tam a été accueilli avec enthousiasme par la population
Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm (1893 – 1990) viếng thăm tỉnh Gò Công, tháng 10 năm 1953.
INDOCHINE 1953 - GO CONG - Cérémonie à Go-Cong, octobre 1953
Hanoi 1953 - Cérémonie du souvenir aux morts - Richard Nixon - Phan Huy Quat
Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon (1913 – 1994) đến Hà Nội để tìm kiếm giải pháp vấn đề Chiến tranh Đông Dương, 1 tháng 11 năm 1953. Bên trái ông là Trung tướng René Cogny (1904 – 1968, Tư lệnh quân đoàn Bắc Kỳ), bên phải là Tổng ủy Maurice Dejean và Tổng trưởng Phan Huy Quát.
Refugees Saigon 1954 - 1
Đồng bào miền Bắc di cư được đón tiếp chu đáo tại miền Nam, ảnh chụp năm 1954.
Refugees Saigon 1954 - 2
Premier Diem in Qui Nhon 1955
Thủ tướng Ngô Đình Diệm (1901 – 1963) kinh lý Quy Nhơn, 1955.
Premier Diem in Qui Nhon 1955 - 2
Referendum Diem v. Bao Dai. Oct. 23, 1955
Cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm, ngày 23 tháng 10 năm 1955. Sự kiện này dẫn tới việc kết thúc chính thể Quốc gia Việt Nam và đưa lịch sử Việt  Nam sang thời kỳ mới.
Referendum Diem v. Bao Dai. Oct. 23, 1955 - 2


Referendum Diem v. Bao Dai. Oct. 23, 1955 - 3

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen