Samstag, 4. Juli 2015

TRẬN BAN MÊ THUỘT

TRẬN BAN MÊ THUỘT, NGÀY THỨ NHẤT



Bùi Anh Trinh
*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ần của Chiến tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Lực lượng phòng thủ của VNCH
Bộ binh :
Theo lời kể của Trung Úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 3/53 BB :
– Tiểu đoàn 1/53 đóng tại Căn cứ B.50. là hậu cứ của Trung đoàn 53 mỗi khi đi hành quân về. Giờ đây Tiểu đoàn được nằm tại hậu cứ Trung đoàn cùng với BCH Trung đoàn.
– Tiểu đoàn 3/53 có 2 đại đội nằm ứng chiến tại khu Gia Binh Sư đoàn 23 tại mặt Nam của thị xã, 1 đại đội phòng thủ Hậu cứ BTL/SĐ 23, phía Bắc của khu Gia Binh. Còn Đại đội thứ tư được tăng phái phòng thủ cầu 14, phía Nam của BMT, trên đường đi Quảng Đức.
– Tiểu đoàn 2/53 cùng với Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 53 đang phòng thủ Căn cứ Dak Song thuộc Tiểu khu Quảng Đức.
– Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 hoạt động tại vùng Quảng Nhiêu, phía Bắc Đắc Lắc, ngày 8-3-1975 được điều về lục soát khu vực Bản Đôn, phía Tây thị xã BMT, ngày 9-3-1975 được kêu về nằm ứng chiến trong vòng đai Phi trường Phụng Dực.
Pháo binh :
Theo bài viết của Đại tá Nguyễn Trọng Luật thì vào thời điểm chiến trận nổ ra, tại BMT chỉ có 1 trung đội pháo binh của Sư đoàn 23. Nhưng theo lời kể của Thiếu úy Vĩnh Bình, Pháo đội phó Pháo đội A thuộc Tiểu đoàn 231/PB thì lúc đó tại BMT có tới 1 Tiểu đoàn pháo binh VNCH, đó là Tiểu đoàn 231/PB, được bố trí như sau :
– Pháo đội A có 3 trung đội : 1 trung đội đóng tại xã Đạt Lý, cách trung tâm BMT 5 cây số về hướng Bắc, trên Quốc lộ 14; 1 trung đội đóng tại cây số 72 trên Quốc lộ 21, gần đồn Chu Cúc giáp ranh với Tiểu khu Khánh Hòa; 1 trung đội đóng tại phi trường L.19, cách Trung tâm thành phố 2 cây số. ( Mỗi trung đội là 2 khẩu 105 ly ).
– Pháo đội B gồm có 2 trung đội đóng tại hậu cứ Tiểu đoàn 231/PB, bên cạnh phi trường Phụng Dực, gần căn cứ B.50; và 1 trung đội đóng gần Khu gia binh Sư đoàn 23/BB để yểm trợ cho các đơn vị đang phòng thủ tại khu vực cầu 14, phía Nam BMT.
– Pháo đội C đóng tại Gia Nghĩa, Quảng Đức để yểm trợ cho Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 53 tại căn cứ Dak Song và Liên đoàn 24 Biệt động quân đang hoạt động tại Quảng Đức. Nhưng thay vào đó, có 1 trung đội pháo binh 155 ly thuộc Tiểu đoàn 230/PB đóng trong vòng đai phi trường Phụng Dực; và một Trung đội pháo binh diện địa ( 105 ly ) của Quân khu 2 đóng tại khu Thiết giáp, rìa Tây Bắc của thành phố, dùng để yểm trợ cho các đơn vị ĐPQ trong phạm vi Chi khu Ban Mê Thuột.
Tổng cộng là 8 trung đội Pháo binh, gồm 14 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly. Ngoại trừ trung đội pháo binh diện địa thuộc quyền điều động của Tiểu khu Đắc Lắc, 7 trung đội còn lại thuộc quyền chỉ huy của Thiếu tá Đào Đắc Đạo, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 231/PB. ( Có lẽ bài viết của Đại tá Luật hiểu lầm về lực lượng pháo binh có thể phản pháo là trung đội 155 ly duy nhất bố trí giữa phi trường Phụng Dực và Căn cứ B.50 ).
Thiết giáp :
Tại Căn cứ B.40 có 1 đại đội thiết vận xa M.113 đóng chung với BCH trung đoàn 53.BB.
Tại khu Thiết giáp, phía Tây thị xã BMT, có 1 đại đội thiết vận xa M.113 gồm 11 chiếc. Tuy nhiên M.113 chỉ là những xe chở lính chứ không phải là chiến xa, cho nên không thể tung ra đối đầu với xe tăng T.54 của CSVN. M.113 chỉ được dùng như những ụ súng đại liên di động để phòng thủ trong trường hợp bị tấn công. Và kể từ sau trận Mậu Thân thì M.113 trở thành mục tiêu lý tưởng cho các xạ thủ B.40, B.41 của quân đội CSVN.
Riêng trong trận này, 11 thiết vận xa tại khu Thiết Giáp trở thành mục tiêu cho đại bác của xe tăng T.54, súng chống tăng B.40, hỏa tiễn chống chiến xa AT.3 của quân CSVN. Lính Thiết giáp VNCH không dại gì leo vào các xe M.113 để chiến đấu, họ nằm trên mui xe với súng đại liên để chờ bộ binh địch, nhưng một khi đã ở trong tầm bắn của xe tăng T.54 thì họ phải bỏ xe và bỏ chạy.
Ngày 10-3,
– Lúc 2 giờ sáng, các khẩu pháo 130 ly và 122 ly của Trung đoàn 40 pháo binh CSVN ( 36 khẩu ) đồng loạt pháo kích vào BCH Tiểu khu Đắc Lắc, hậu cứ BTL Sư đoàn 23, Phi trường L.19 ( Rìa phía Đông Bắc của thị xã ), Kho đạn Mai Hắc Đế ( Rìa phía Tây của Thị xã. ). Tất cả các điểm đặt pháo từ hướng Tây của Thị xã , nhưng vì khu vực Bản Đôn không còn quân VNCH hoạt động cho nên không có sĩ quan xác định tọa độ để phản pháo.
Hơn nữa, do vì các trung đội pháo binh của VNCH tại BMT đều là súng 105 ly và 155 ly cho nên dù có biết được tọa độ đặt súng của pháo binh CSVN thì cũng đành chịu thua bởi vì súng 105 ly bắn hết tầm chỉ có 10 cây số, súng 155 ly bắn hết tầm là 15 cây số. Trong khi súng 130 ly của CSVN bắn xa tới 27,8 cây số; hoặc súng 122 ly bắn xa tới 15,4 cây số, nếu bắn đầu đạn trái phá tên lửa thì xa tới 21 cây số. Tất cả các khẩu 130 ly và 122 ly của Trung đoàn 40 PB/CSVN đều đặt cách BMT trên 15 cây số.
– Lúc 2 giờ sáng, trong lúc pháo của quân CSVN bắn vào BCH Tiểu khu và BTL Sư đoàn 23 thì 2 tiểu đoàn đặc công của Trung đoàn 198 tấn công phi trường L.19 trong thị xã, phi trường được canh gác bởi 2 đại đội phòng thủ của Không quân. Đến 4 giờ sáng thì quân CSVN chiếm được 2/3 phi trường nhưng thiệt hại nặng vì đụng phải Chiến đoàn 3 của Lực lượng Lôi Hổ đóng trong vòng đai Phi trường L.19, nên phải trụ lại chờ tiếp viện..
– Cùng lúc 2 giờ sáng, một đội Đặc công của Trung đoàn 198 CSVN hướng dẫn Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 CSVN lên đường đi đánh Phi trường Phụng Dực đang do 1 tiểu đoàn ĐPQ/VNCH trấn giữ.
– Lúc 4 giờ sáng, quân CSVN tấn công kho đạn Mai Hắc Đế. Lúc 5 giờ sáng, Đại úy Chỉ huy trưởng kho đạn bị thương nặng. Lúc 5 giờ 30 sáng, kho đạn Mai Hắc Đế bị tràn ngập.
– Lúc 5 giờ sáng, Tiểu đoàn 9 của Trung Đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316/CSVN không tìm được lối tiếp cận hàng rào phi trường cho nên tam chiếm khu chợ xã Hòa Bình rồi báo cáo đã khống chế được quận lỵ Hòa Bình ( Tức là khu sân bay Hòa Bình, hay là phi trường Phụng Dực. Sự thực là chưa vào được phi trường, đến 10 giờ mới báo cáo là đã bị địch chặn lại ).
– Lúc 6 giờ sáng BCH Trung đoàn 149 CSVN và 2 tiểu đoàn trực thuộc bắt đầu tấn công Căn cứ B.50 đang do Tiểu đoàn 1/53 trấn giữ.
– Lúc 7 giờ sáng, đoàn xe tăng đầu tiên của CSVN cùng với Trung đoàn 95.B CSVN tiến vào trung tâm thành phố, Tiểu khu trưởng Đắc Lắc là Đại tá Nguyễn Trọng Luật xin phép được di chuyển qua Trung tâm hành quân của Sư đoàn 23 BB để cùng Đại Tá Vũ Thế Quang chỉ huy lực lượng chống trả.
– Lúc 8 giờ sáng, Tổng cục Tiếp vận tại Sài Gòn nhận được tin mất liên lạc hữu tuyến lẫn vô tuyến với Ban Mê Thuột. Đại tá Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cuc, tìm cách liên lạc với Chiến đoàn 3 của Lực lượng Lôi hổ tại phi trường L.19 BMT. ( Là đơn vị có máy liên lạc siêu tần số trực tiếp với BTTM ).
Vị sĩ quan chỉ huy của Lực lượng Lôi hổ cho biết : “ Xe tăng của tụi nó đã vào cuối sân bay rồi…… Xe tăng của tụi nó tấn công kho đạn đêm qua, và tụi nó tiến vào thành phố rồi. Khu vực Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 và bên BCH Tiểu khu đều có tiếng súng dữ lắm, em chưa rõ lắm, nhưng em nghĩ là bị tụi nó chiếm hết rồi, bậy giờ em phải rút ra ngoại ô. Chào Đại tá” ( Phạm Bá Hoa, Đôi Dòng Ghi Nhớ, trang 268 )
– Lúc 9 giờ sáng, 2 xe tăng CSVN bị bắn cháy tại đường Thống Nhất.
– Lúc 11 giờ sáng, 1 xe tăng T.54 của CSVN bị Trung đội Tình báo thuộc Tiểu khu Đắc Lắc bắn cháy trước cổng BCH Tiểu khu, trên đường Thống Nhất.
– Lúc 11 giờ 30 trưa, 2 xe tăng CSVN bị phi cơ bắn cháy cách thành phố 2 cây số hướng Tây Bắc.
– Lúc 12 giờ 45 trưa, Trung tâm hành quân của BCH Tiểu Khu bị trúng pháo của xe tăng CSVN. Ban tham mưu hành quân tại TTHQ/Tiểu Khu di chuyển qua TTHQ của BTL/SĐ 23.
– Lúc 1 giờ 30 trưa, Trung đoàn 24 thộc Sư đoàn 10 CSVN tấn công vào BCH Tiểu khu.
– Lúc 2 giờ chiều, Trung đội Tình báo Đắc Lắc và Trung đội Công vụ ĐPQ rút khỏi BCH Tiểu khu.
– Lúc 2 giờ chiều, 4 xe tăng CSVN bị Tiểu đoàn 204 ĐPQ/VNCH bắn cháy trong thành phố.
– Lúc 2 giờ chiều, Trung đoàn 149/SĐ 320 CSVN ( thiếu tiểu đoàn 9 ) tấn công căn cứ B.50 đang do Tiểu đoàn 1/53 thuộc Trung đoàn 53 BB/VNCH trấn giữ. Tiểu đoàn 231 Pháo binh VNCH đóng trên đồi đối diện với căn cứ B.50 bèn chong 2 khẩu 105 ly bắn trực xạ vào 2 tiểu đoàn CSVN đang tấn công B.50.
Đến 3 giờ 30 chiều thì cuộc tấn công hoàn toàn thất bại, quân CSVN chạy tháo về hướng Tây Nam, đụng phải Đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 45 VNCH đang chờ sẵn tại bìa rừng cao su gần phi đạo. Sau khi im tiếng súng, Đại đội Trinh sát VNCH đếm được 40 xác chết, 100 nón cối rơi lại, thu nhiều vũ khí, trong đó có 5 hỏa tiễn tầm nhiệt SA.7 còn mới nguyên. Còn tại căn cứ B.50 đếm được khoảng 150 xác, thu 50 vũ khí.
– Lúc 3 giờ 30 chiều, chiến trường im tiếng súng.
Đại tá Luật báo cáo cho tướng Phú là trong ngày đã bắn cháy 7 xe tăng của quân CSVN. Tướng Phú cho biết Liên đoàn 21 BĐQ đang tiến về BMT ( Bài viết của Đại tá Luật cho biết quân BĐQ đi bộ từ Buôn Hô đến BMT nhưng sự thực 24 giờ sau quân BĐQ mới đến ).
Tình hình trong đêm yên tĩnh. Theo như bài viết của Đại tá Luật thì Kho đạn Mai Hắc Đế, phi trường L.19 và BCH/ Tiểu khu đã bị địch chiếm, ông và Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB đang cố thủ tại Hậu cứ BTL/SĐ 23 và chờ tiếp viện của Quân đoàn.
Đặc biệt Đại tá Luật không nói gì tới lệnh lạc của Bộ tư lệnh Quân khu 2 hay của Tướng Phạm Văn Phú, hay của Tham mưu trưởng Quân khu Lê Khắc Lý. Và tài liệu của Thiếu tá Phạm Huấn, người đang theo sát Tướng Phú, cũng không có một dòng đả động tới chuyện Tướng Phú có liên lạc hay ra lệnh cho Đại tá Luật hoặc Đại tá Quang trong 2 ngày 10 và 11-3-1975.
Về phần CSVN thì trong đêm 10-3, Tướng Đặng Vũ Hiệp ghi vào sổ tay : “Đã chiếm được sân bay thị xã và tòa tỉnh trưởng, khống chế được sân bay hòa Bình ( phi trường Phụng Dực ). Các mũi đều đánh tốt, riêng mũi phía Nam ( Trung đoàn 149 ) có khó khăn, thắng lợi thu được chưa tương xứng với tổn thất của bộ đội”.Đây là Tướng Hiệp viết theo lối tuyên huấn để tránh nói ra sự thật là Trung đoàn 149 CSVN đã bị xóa sổ.
Như vậy là trong ngày quân CSVN chưa chiếm BCH Tiểu Khu như Đại tá Luật đã viết, chẳng qua là lúc 2 giờ chiều Trung đội Tình báo và Trung đội Công vụ đã rút khỏi BCH/TK để hộ tống BCH hành quân Tiểu khu Đắc Lắc di chuyển về BCH hành quân SĐ23.BB/VNCH.
Riêng tư dinh tỉnh trưởng, sát với BCH Tiểu khu, do 1 trung đội ĐPQ ( Trung úy Hoành ) trấn giữ vẫn cầm cự cho tới 7 giờ 45 sáng hôm sau.
*Chú giải : So sánh cách bố trí lực lượng của quân VNCH và kế hoạch tấn công của quân CSVN thì phía CSVN có nhiều sơ xuất trầm trọng. Trong khi lực lượng chính của VNCH tập trung tại khu vực Phi trường Phụng Dực với BCH Trung đoàn 53 và Tiểu đoàn 1/53, 1 tiểu đoàn ĐPQ, 1 đại đội Trinh sát Bộ binh, 1 Đại đội Pháo binh với 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly, 1 chi đội Thiết vận xa M.113 ( khoảng 15 chiếc )
Thế nhưng tướng CSVN Hoàng Minh Thảo đã phân công cho 1 trung đoàn và 1 đại đội xe tăng đánh vào BTL/Sư đoàn 23 mà nơi này chỉ có 1 đại đội Bộ binh phòng thủ. Một trung đoàn khác cùng với 1 đại đội xe tăng tấn công BCH Tiểu khu mà nơi này chỉ có trung đội công vụ của Tiểu Khu và Trung đội tình báo TK phòng thủ. Và một trung đoàn khác cùng 1 đại đội tăng đánh vào khu vực Kho xăng của SĐ.23 nhưng tại đây chỉ có 1 trung đội lính văn phòng canh giữ.
Trong khi đó lại phân công cho 1 trung đoàn không có xe tăng đánh khu vực phi trường Phụng Dực khiến cho cả 1 trung đoàn tan tành sau 2 giờ chiến đấu. Theo sách vở quân sự, muốn tấn công lực lượng đang phòng thủ tại khu phi trường Phụng Dực thì quân CSVN phải là 1 sư đoàn.
Hồi ký của tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, trang 418 : “Việc đánh chiếm sân bay Hòa Bình và căn cứ Trung đoàn 53 là mục tiêu quan trọng phải đánh ngay từ đầu. Vì nhiều lý do công tác bảo đảm, ta không thể đưa bộ binh và xe tăng vào để đánh ngay mà chỉ sử dụng Trung đoàn Đặc công 198 thực hiện nhiệm vụ này, khi được lệnh nổ súng, lúc 2giờ 10 phút ngày 10 tháng 3 Trung đoàn nhanh chóng chiếm được sân bay Hòa Bình.
Nhưng khi đánh vào căn cứ 53, Trung đoàn 198 gặp nhiều khó khăn, tuy có đánh chiếm một số mục tiêu nhưng sau đó địch đã phản kích và đánh bật ta ra và cho xe tăng bịt cửa mở”.
Ngoài ra, sự thực đơn vị CSVN đánh khu vực Phụng Dực là Trung đoàn 149 của Sư đoàn 320 CSVN chứ không phải là Trung đoàn Đặc công 198 CSVN, bởi vì trang 407 Tướng Hiệp cho biết trong ngày 11-3-1975“Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 198 CSVN đánh chiếm căn cứ Dak Song” ( Quảng Đức ). Và trang 409 cho biết lúc 2 giờ 3 phút “Trung đoàn Đặc công 198 ( thiếu tiểu đoàn 2 ) tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Sau 2 giờ chiến đấu, bộ đội đặc công đã chiếm 2 phần 3 sân bay thị xã ( phi trường L.19 )”. Vậy thì lấy đâu ra một trung đoàn 198 khác để đánh sân bay Hòa Bình, tức là phi trường Phụng Dực?
Theo Thiếu úy Nguyễn Công Phúc, một sĩ quan của đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 VNCH thì sau trận đánh sáng ngày 10-3 tại vòng đai phi trường Phụng Dực, Thiếu úy Phúc lục được một quyển sổ tay trong xác của một Đại đội trưởng CSVN cho thấy đây là Tiểu đoàn K.5 thuộc Sư đoàn 316 CSVN từ Miền Bắc mới vào Nam bằng xe hơi

TRẬN BAN MÊ THUỘT NGÀY THỨ HAI

TRẬN BAN MÊ THUỘT NGÀY THỨ HAI
Bùi Anh Trinh
*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ần của Chiến tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Ngày 11-3
– Lúc 2 giờ sáng, Liên đoàn 21/BĐQ báo tin cho Đại tá Luật là đã đến làng Đạt Lý, cách trung tâm thành phố 5 cây số. Nhưng sự thực đây chỉ là trung đội thám báo đi dò dường từ Buôn Hô tới Đạt Lý là nơi có đặt 2 khẩu 105 ly của Tiểu đoàn 231 Pháo binh. Cho tới lúc này tình hình tại Đạt Lý hoàn toàn yên tĩnh.
– Lúc 4 giờ sáng BCH Liên đoàn 21 BĐQ báo cho Đại tá Luật là quân Liên đoàn đã tới bìa thành phố. ( Sự thực cũng chỉ là đại đội trinh sát mới tới Đạt Lý, tại đây có 1 trung đội Pháo binh của SĐ 23 BB vẫn còn an toàn trong căn cứ Chư Pao; còn đại quân của Liên đoàn đang trên đường di chuyển từ Buôn Hô về BMT, cánh quân cuối cùng đến nơi vào mờ sáng ngày 12-3 ).
– Lúc 6 giờ 30 sáng, pháo binh CSVN bắt đầu nả pháo liên tục vào BCH Tiểu khu và BTL Sư đoàn 23 BB.
– Lúc 7 giờ sáng, Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 CSVN cùng với 16 xe tăng tiến vào Hậu cứ BTL/SĐ 23 BB, đại bác của các xe tăng CSVN bắn thẳng vào BTL. SĐ23. Lúc này tại hậu cứ của BTL/SĐ.23 có 1 đại đội Bộ binh thuộc tiểu đoàn 3/53 với lính cơ hữu tại hậu cứ BTL, cùng với Trung đội công vụ của Tiểu Khu Đắc Lắc và lính cơ hữu của BCH Tiểu khu ( Lính cơ hữu của BCH/TK chỉ trang bị súng Carbin M.2 ).
– Lúc 7 giờ 30 sáng, xe tăng và quân của Trung đoàn 95.B/ CSVN đã bao vây vị trí của BTL/SĐ 23, cách khoảng 300 mét. Lúc này phía VNCH chỉ có 1 khẩu súng chống tăng là khẩu 106 ly không giật được đặt trên 1 xe tăng M.113, đây là loại vũ khí chống tăng duy nhất của Bộ binh VNCH, có thể bắn xe tăng địch ở tầm trên 200 m. Còn loại M.72 chỉ bắn có hiệu quả ở tầm gần, dưới 50 mét ( Bắn bên hông mới có thể làm đứt xích xe tăng, còn bắn phía trước mặt xe thì không ăn thua, bắn phía sau bên phải có thể làm cháy xe do trúng bình xăng ).
– Lúc 7 giờ 45 sáng, xe tăng CSVN tiến vào dinh Tỉnh trưởng Đắc Lắc đang được 1 trung đội ĐPQ trấn giữ, 2 xe tăng bị hạ ngay cổng vào tư dinh bằng súng M.72. ( Nghĩa là tầm bắn dưới 50 m. Tuy nhiên M.72 chỉ làm xe tăng T.54 đứt xích chứ không bị cháy cho nên 2 chiếc T.54 trở thành 2 lô cốt của 2 khẩu đại liên 12 ly 8, làm chủ khu vực trận địa toàn nội vi tư dinh ). Trung đội ĐPQ/VNCH rút lui khỏi tư dinh.
Kế bên tư dinh là BTL/Sư đoàn 23 BB, Bộ chỉ huy đầu não của quân VNCH tại BMT. Hạ được BTL/SĐ có nghĩa là hạ được BMT. Tuy nhiên lúc đó lực lượng chính của quân VNCH tại BMT không phải là BTL/SĐ 23 VNCH mà là Trung đoàn 53 thuộc SĐ 23 VNCH đang nằm tại Căn cứ B.50, cạnh phi trường Phụng Dực.
– Lúc 10 giờ sáng, Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 53 VNCH và Tiểu đoàn 2/53 VNCH đang phòng thủ tại Căn cứ Dak Song, Quảng Đức nhận được lệnh của Đại tá Quang rút về cứu ứng cho BMT, nhưng trên đường về bị 2 tiểu đoàn CSVN phục kích. Trung đoàn phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị bắt, một số tàn quân được Trung úy Trọng, Trưởng ban hành quân TĐ 2/53 hướng dẫn chạy về Đà Lạt.
– Lúc 10 giờ sáng, xe tăng của quân CSVN bắt đầu tấn công vào vị trí phòng thủ tại BTL/SĐ 23. Đích thân Đại tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy bán đại đội Bộ binh phòng thủ tại cổng chính. Lực lượng phòng thủ có 1 khẩu 106 ly không giật đặt trên 1 thiết vận xa M.113. Khi chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào tầm bắn 100 mét, Đại tá Luật ra lệnh khai hỏa nhưng khẩu súng bị gãy kim hỏa và không có kim hỏa dự phòng để thay thế (sic). Đoàn xe tăng tiếp tục tiến vào BTL. Bắt buộc Đại tá Luật phải gọi phi cơ để chống chiến xa.
Từ lúc bắt đầu xảy ra trận đánh cho tới giờ phi cơ không được phép dội bom trong thành phố bởi vì còn dân ở trong đó. Tuy nhiên lúc này không còn lựa chọn nào khác, Đại tá Luật gọi cho phi cơ quan sát, ra lệnh thả bom ngay trước cổng BTL, chấp nhận hủy bỏ quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu ( phải cách xa phe ta tối thiểu 1.000 mét ). Nghĩa là chấp nhận ném bom hủy diệt cả ta và địch.
– Lúc 10 giờ 10 sáng, một phi cơ A.37 đã cắt bom theo như yêu cầu của Đại tá Luật nhưng đường bay lệch một góc rất nhỏ nên quả bom đã rơi trúng Trung tâm hành quân của BTL/SĐ.23. Theo sách vở của kỹ thuật ném bom thì việc này không thể nào thực hiện được ( cắt bom chính xác trong vòng 100 mét ); lối cắt bom chấp nhận nguy hiểm chỉ được phép dùng để hủy diệt căn cứ của ta sau khi chính chỉ huy trưởng đơn vị ở dưới đất quyết định cùng tự sát theo đồn do vì địch đã tràn ngập.
*(Theo quy định kỹ thuật ném bom, người pilot của máy bay A.37 không được phép thả bom gần phe ta trong vòng 1.000 mét; nhưng có thể thả ngay lên đầu phe ta nếu quan sát viên điều không tiền tuyến trên phi cơ quan sát ghi nhận chính đơn vị trưởng dưới đất yêu cầu. Trong trường hợp này chính Đại tá Luật yêu cầu trên máy vô tuyến, dĩ nhiên các máy vô tuyến khác hoạt động trên cùng tần số sẽ làm chứng về lời yêu cầu của Đại tá Luật.
Tài liệu của Phạm Huấn ghi rằng lúc trái bom rơi là đúng 8 giờ sáng, lúc đó ông đang đứng bên cạnh máy truyền tin vô tuyến của Trung tâm hành quân Không trợ II. Trong khi bài viết của Đại tá Luật lại ghi là khoảng 10 giờ 10 sáng; không biết ai nói đúng nhưng chi tiết gọi máy bay của Đại tá Luật có lý hơn ).
Sau khi trái bom đánh sập Trung tâm hành quân, toàn bộ cơ quan đầu não của quân VNCH khoảng 100 người chia làm 2 cánh đào thoát khỏi BTL/SĐ23 giữa tiếng loa kêu gọi đầu hàng của quân CSVN nằm vùng phát đi từ chùa Khải Đoan, gần BTL/SĐ 23.
– Lúc 11 giờ 30 trưa, Tiểu đoàn 3/53 đang phòng ngự tại Khu gia binh SĐ 23 bị mất liên lạc với Đại tá Quang, lính của Đại đội bảo vệ BTL chạy về khu gia binh loan báo Đại tá Quang và Đại tá Luật đã bỏ chạy. Tiểu đoàn 3/53 xin lệnh Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng 53. Trung tá Ân cho lệnh Tiểu đoàn rút về hậu cứ Trung đoàn 45, cách trung tâm BMT 5 cây số để phòng thủ tại đây chờ quân tiếp viện của Liên đoàn 21 BĐQ. Tiểu đoàn 3/53 ra lệnh cho đại đội thứ 4 đang trấn giữ cầu 14 rút về hậu cứ TrĐ 45/BB.
– Lúc 3 giờ 30 chiều, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng VNCH ra lệnh cho Tướng Phú bốc Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB thả xuống BMT để chỉ huy thay thế Đại tá Vũ Thế Quang.
– Lúc 5 giờ chiều, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm gọi cho Tướng Phú, chấp thuận cử một sĩ quan khác thay thế Đại tá Luật làm tỉnh trưởng BMT để theo đoàn quân của Sư đoàn 23 BB về tái chiếm BMT.
– Lúc 6 giờ chiều, toàn bộ tiểu đoàn 3/45 tập trung đầy đủ tại hậu cứ Trung đoàn 45, nhưng lúc này nhân số đông lên gấp 3 bởi vì binh sĩ trong tiểu đoàn đã hộ tống toàn bộ gia đình của họ và những gia đình khác của Sư đoàn 23 BB cùng chạy lánh nạn về đó ( kể cả gia đình Tướng Lê Trung Tường, tư lệnh SĐ.23/BB/VNCH. Tại đây đã có sẵn các con của Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 BB. Còn bà Phùng Văn Quang thì đang đi thăm chồng tại Pleiku ).
Trong đêm tối, các sĩ quan và binh sĩ thuộc Sư đoàn 23 BB sắp xếp cho gia đình chuẩn bị mờ sáng hôm sau lên đường di tản về Phước An, tức là hướng về Nha Trang. Trong khi các sĩ quan đang bàn bạc thì cùng lúc đó Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB, bị quân CSVN bắt trên đường đi Phước An để về Nha Trang. Ông đã chạy trước gia đình binh sĩ một bước, nhưng không may cho ông là nội tuyến của CSVN theo dõi ông từ lúc ông mới rời BTL/ SĐ.23.
Về phần Đại tá Luât cũng thế, ông muốn bọc lên hướng Bắc của thành phố để theo đường tắt băng xuống Phước An, nhưng lộ trình của ông cũng bị nội tuyến CSVN bám sát từ khi ông vừa rời BTL/SĐ 23, ông bị bắt cùng thời gian với Đại tá Quang.
* Chú giải : Đại tá Vũ Thế Quang
Đại tá Vũ Thế Quang chỉ huy toàn khu vực BMT nhưng ông chỉ là một sĩ quan bàn giấy, nổi tiếng ăn chơi chứ cầm binh không xuất sắc. Khả năng chỉ huy cao nhất của ông là có lần tạm thời giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 nhảy Dù. Sau đó nhờ là phe đảng của Tướng Kỳ nên chuyên giữ những chức vụ trong thành phố. Trước khi làm Tư lệnh phó Sư đoàn 23 BB thì làm Thị trưởng Cam Ranh ( Tài liệu của Phạm Huấn ).
Đến khi đụng trận thì do một phần bị động, một phần không quen chỉ huy cấp đại đơn vị cho nên phản ứng của ông quá tệ, từ tổ chức phòng thủ cho tới điều động lui binh, hoàn toàn không có tiên liệu và không có chiến thuật chiến lược gì cả. Lẽ ra trong đêm 10-3 ông phải xé nhỏ các đơn vị bộ binh và ĐPQ tới cấp trung đội để bung ra tổ chức phục kích chống tăng trong thành phố, đồng thời dàn trận đánh cận chiến trong thành phố. Nghĩa là chờ đón quân CSVN tại các ngã đường của thành phố chứ không phải là chờ đón tại BTL/Sư đoàn.
Ngoài ra ông đặt BCH hành quân tại văn phòng BTL/SĐ 23 là thất sách, bởi vì xung quanh ông không có những sĩ quan tham mưu hành quân trong khi nhiệm vụ của ông là chỉ huy các đơn vị của Trung đoàn 53 cho nên nếu ông muốn ra lệnh thì bắt buộc phải ra lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 tại B.50. Vì vậy ông phải ngồi trong BCH hành quân của Trung đoàn 53 mới đúng. Ông chỉ cần ngồi đó để ra khẩu lệnh cho Trung đoàn trưởng 53 và các sĩ quan hành quân của TrĐ 53 mà thôi.
Hơn nữa, một khi có nguy cơ bị địch tập trung quân tấn công dứt điểm BTL/SĐ thì ông bắt buộc phải tản quân để tránh làm mục tiêu duy nhất cho địch, sẵn sàng thối lui về phía sau là khu gia binh của BTL, tại đây đã có BCH Tiểu đoàn 3/53 BB và 2 đại đội trực thuộc. Và phải dự trù nếu không trụ được tại khu gia binh thì thối về khu Hậu cứ Trung đoàn 45; rồi từ Hậu cứ Trung đoàn 45 băng qua một thung lũng nhỏ là có thể nhập vào Căn cứ B.50 để tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Đằng này Đại tá Quang không hề có một tiên liệu nào, ông chỉ nằm trong hầm chỉ huy của BTL để chờ viện binh. Đến khi BTL bị trúng bom thì thay vì rút về khu gia binh, nhập với Tiểu đoàn 3/53 BB, thì ông đã quyết định một mình tìm đường về … Nha Trang. Trong khi lính của ông gồm 1 BCH Trung đoàn với 2 tiểu đoàn trực thuộc vẫn còn tiếp tục chiến đấu cho tới 7 ngày sau mới chịu tan hàng.
Hồi ký của tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp cho biết lúc Đại tá Luật bị bắt thì ông ta cùng đi với 12 sĩ quan, còn Đại tá Quang thì “chạy một mình, vứt bỏ cả giày, cả mũ; trên người chỉ mang một cái túi con” (sic).
Trung tá Lê Quí Dậu : 2 giờ sáng ngày 11-3, Đại tá Nguyễn Trong Luật được Liên đoàn Trưởng Liên đoàn 21 BĐQ Lê Quí Dậu báo rằng quân của LĐ 21 đã tới thành phố BMT. Rồi đến 4 giờ sáng lại báo tin đã đến BMT.
Nhưng theo Thiếu úy Vĩnh Bình, trung đội trưởng trung đội Pháo binh tại Đạt Lý thì 4 giờ sáng ngày 12-3 Thiếu tá Dậu mới đến Đạt Lý, nghĩa là 24 giờ sau so với thông báo của ông ta, và 36 giờ sau so với lệnh đưa quân về cứu BMT của BTL/QK.2. Ông ta có quyền giải thích với cấp trên rằng quân của ông phải lội bộ 30 cây số cho nên cần 36 tiếng là đúng rồi. Nhưng nếu đúng thì thông báo đã tới BMT vào 2 giờ sáng ngày 11-3 chỉ là chuyện bịp.
Khả năng và nhiệt tâm của Trung tá Dậu đã được Tướng phạm Văn Phú đánh giá như sau : “Tôi nghe nói thằng cha Dậu là con gà chết. Nếu anh thấy hắn ta chỉ huy không được thì nên thay thế ngay. Đừng che chở kẻo hỏng việc hết”( Phạm Huấn, Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên, trang 49 ). Nghĩa là Trung tá Dậu bê bối nổi tiếng đến độ ông Tướng cũng nghe danh. Vậy mà rốt cuộc cũng leo tới chức Liên đoàn trưởng ( Thực sự mới nhận chức LĐT trước đó 1 tháng ).
Một cấp chỉ huy như thế đó thì rõ ràng ông ta không vội vã gì trên đường đi bộ về BMT, và cũng rõ ràng là ông ta đã cho Đại tá Luật “uống thốc an thần” khi thông báo rằng ông ta đã tới BMT trong khi sự thật là 24 giờ sau ông ta mới tới.
– Ngày 11-3, lúc 11 giờ đêm, Tướng Thiệu gọi cho Tướng Phú chỉ thị “tránh sa lầy, sử dụng quân quá nhiều cho một mặt trận. Toàn quyền linh động, có thể bỏ BMT”. ( Theo Phạm Huấn ).
* Chú giải : Sở dĩ Tướng Thiệu chỉ thị như vậy bởi vì Tướng Phú đã báo cáo về bộ TTM : “Phi trường Pleiku bị pháo”, “BTL/Quân khu 2 bị pháo”, “Trung đoàn 42 và 47 giao tranh suốt ngày với các đơn vị Cọng sản Bắc Việt”, “Sư đoàn 22 Bộ binh hiện đã trực diện với toàn bộ Sư đoàn 3 Sao Vàng và các trung đoàn biệt lập của Bắc Việt tại Quân khu 5”, “17 chiến xa Cọng sản Bắc Việt xuất hiện gần Phù Cát, Bình Định”. Nhận được báo cáo như vậy, Bộ TTM đặt dấu hỏi là có thể quân CSVN tổng tấn công trên toàn Quân khu 2, có thể nhất là đánh Bình Định để cắt đôi lãnh thổ VNCH.
Với những tin tức như thế đó, và được nhân lên với tâm lý hoang mang của Tướng Phú, khiến cho Tướng Thiệu chỉ biết trấn an Tướng Phú bằng chỉ thị “nếu cần thì bỏ BMT để giữ các nơi còn vững, chớ có hoang mang điều động mà vỡ lỡ tất cả, riêng BMT sẽ tổ chức phản công sau”( Chỉ thị lúc 11 giờ tối ngày 10-3 ).
Lúc đó chưa ai biết rõ ý đồ của quân CSVN, thường thì quân CSVN đánh “diện” trước, tức là đánh mục tiêu phụ trước; sau khi địch lo tập trung cứu ứng cho mục tiêu phụ thì CSVN mới đánh “điểm”, tức là đánh mục tiêu chính ( Dương Đông kích Tây, đây là chiến thuật cơ bản của binh thư Trung Quốc ).
Chỉ thị đêm 10-3 của Tướng Thiệu cũng giống như Mùa Hè năm 1972, khi quân CSVN mở màn tấn công tại Tây Nguyên thì ông quyết định bỏ mặc Tân Cảnh, Kontum để rút Lữ đoàn Dù về Quảng Trị, bởi vì ông biết cái nguy cơ là tại Quảng Trị chứ không phải tại Kontum. Quả nhiên quyết định đó là tuyệt vời.
Sách của Phạm Huấn nêu ra chỉ thị này để cáo buộc Tướng Thiệu ra lệnh “tiền hậu bất nhất”, mới đêm hôm trước cho phép nếu cần thì bỏ BMT nhưng sáng hôm sau lại ra lệnh… tái chiếm !?. Thực ra Phạm Huấn không đủ trình độ quân sự để nghĩ ra rằng sau khi nói chuyện với Tướng Phú thì Tướng Thiệu đã cùng với các Tướng khác tại BTTM ngồi nghiên cứu tình hình và thấy rõ BMT là mới là mục tiêu tấn công chính ( điểm ), và Bình Định, Pleiku chỉ là những mục tiêu phụ ( diện ).
Quân CSVN tập trung đánh BMT, vậy thì chỉ cần đối phó với quân CSVN tại BMT: Trước tiên là điều ngay Sư đoàn 23 BB từ Pleiku về cứu nguy BMT; quân CSVN chỉ mới chiếm được đất trong thành phố chứ lực lượng chính của VNCH là Trung đoàn 53 và 2 tiểu đoàn trực thuộc vẫn còn nguyên, Liên đoàn 21 BĐQ chưa sứt mẻ. Như vậy lệnh của Tướng Thiệu là sáng suốt chứ không phải “tiền hậu bất nhất”

TRẬN BAN MÊ THUỘT NGÀY THỨ BA VÀ THỨ TƯ

Bùi Anh Trinh
*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Ngày 12-3,
Theo lệnh của Tướng Cao Văn Viên, Tướng Phú chỉ thị Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 BB, bay về BMT để chỉ huy trực tiếp Trung đoàn 53 BB và Liên đoàn 21/BĐQ.
– Lúc 4 giờ sáng BCH Liên đoàn 21 BĐQ và 1 trung đội pháo binh BĐQ đến xã Đạt Lý, cách trung tâm BMT 5 cây số về hướng Bắc, trên quốc lộ 14. Trung đội pháo binh BĐQ nhập với trung đội pháo binh Sư đoàn 23 BB tại căn cứ Chư Pao.
– Lúc 5 giờ sáng, gia đình binh sĩ Sư đoàn 23 BB rời hậu cứ Trung đoàn 45 để di tản bộ về Phước An. Còn binh sĩ và sĩ quan ở lại để tổ chức lập tuyến phòng ngự tại Hậu cứ Trung đoàn 45, cách trung tâm BMT 5 cây số.
– Lúc 6 giờ sáng, toàn bộ Liên đoàn 21 bắt đầu tiến vào khu vực Phi trường L.19.
– Lúc 8 giờ sáng, một phi đoàn trực thăng gồm 46 chiếc UH.1 và Chinook bốc Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 BB từ căn cứ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, cách BMT 20 cây số về hướng Đông Nam. Cùng đi với Trung đoàn 45 có Bộ chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 Bộ binh, Đại đội trinh sát Sư đoàn 23 BB và các phóng viên chiến trường.
– Lúc 11 giờ, Liên đoàn 21 BĐQ đang di chuyển tới phi trường L19, cách trung tâm thành phố 2 cây số về hướng Đông Bắc, thì nhận được lệnh của Tướng Lê Trung Tường tạt về hướng Đông, tiến đến Hậu cứ Trung đoàn 45 ( cũng là Trung tâm huấn luyện của Sư đoàn 23 BB ) để nhập với Tiểu đoàn 3/53 BB cùng phòng thủ khu vực Hậu cứ Trung đoàn 45 BB và Trung tâm huấn luyện.
– Lúc 11 giờ 30, trực thăng của Tướng Tường đáp xuống Hậu cứ Trung tâm huấn luyện để bốc gia đình tướng Tường đang bị kẹt lại. Chứng kiến cảnh này, binh sĩ thuộc Sư đoàn 23 BB rất bất mãn.
– Lúc 12 giờ, hàng loạt lính Sư đoàn 23 BB cởi áo trận, thay đồ dân sự đuổi theo gia đình của họ đang trên đường chạy về Phước An. Tiểu đoàn 3/53 chỉ còn 1/3 quân số. Tiểu đoàn trưởng báo về BCH Trung đoàn tại Căn cứ B.50. Trung tá Võ Ân cho lệnh kéo toàn bộ số quân còn lại nhập về B.50, một nửa tăng cường phòng thủ cho Pháo đội Pháo binh của Tiểu đoàn 231/PB, một nửa tăng cường phòng thủ tại B.50.
Sau khi quân BB đi khỏi, quân ĐPQ của Đắc Lắc, khoảng 1 tiểu đoàn, cũng bỏ súng đi về nhà để lo cho gia đình. Đa số đều là người Sắc tộc Ê Đê.
– Lúc 12 giờ 30, Liên đoàn 21/BĐQ báo cáo cho Tướng Tường tại Phước An rằng quân Trung đoàn 53 BB và các đơn vị ĐPQ đã rút hết, xin chỉ thị của Tư lệnh mặt trận. Tướng Tường chỉ thị cố thủ tại đó để chờ quân Trung đoàn 45 và Trung đoàn 44 sẽ được trực thăng vận xuống Trung tâm huấn luyện SĐ. 23 BB.
– Lúc 2 giờ chiều, máy bay trực thăng bay chuyến cuối để thả Trung đoàn 45 BB xuống Phước An chứ không thả xuống Trung tâm huấn luyện. Chỉ có Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 được đổ xuống Phi trường Phụng Dực, đại đội này tiến vào căn cứ B.50 để nhập với Trung đoàn 53 BB.
– Lúc 2 giờ 30 chiều, Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu.2/VNCH bay thị sát trên trời BMT, liên lạc với Trung đoàn 53, Liên đoàn 21 và các đơn vị ĐPQ đang tụ về Hậu cứ Trung đoàn 45.
– Lúc 3 giờ chiều, hàng loạt binh sĩ thộc Liên đoàn 21 BĐQ cởi áo trận bỏ về với gia đình. Đa số họ là người Sắc tộc Miền Núi, trước đây thuộc Lực lượng Biệt kích Mỹ.
– Buổi chiều, Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 CSVN cùng với 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 95.B/CSVN và 1 đại đội xe tăng tiến về Hậu cứ Trung đoàn 45 đang do Liên đoàn 21 BĐQ trấn giữ. Sự thực là lúc đó Hậu cứ Trung đoàn 45 đã bỏ ngỏ vì Trung tá Lê Quí Dậu cho toàn bộ Liên đoàn 21 BĐQ rút về Phước An.( 5 ngày sau, ngày 17-3, sổ tay của Thiếu tá Phạm Huấn ghi lại quân số của Liên đoàn 21 BĐQ chỉ còn 110 người mà không đụng một trận nào. Trong khi quân số nguyên thủy là trên 2.300 người ).
– Buổi chiều, Trung đoàn 174 thộc Sư đoàn 316 CSVN đánh chiếm cầu Thọ Thành ( Sê-Rê-Pốc ) bít đường về của 2 trung đội Pháo binh VNCH đang nằm tại xã Đạt Lý. Trung đội trưởng Pháo binh BĐQ tại Đạt Lý mất liên lạc với Liên đoàn 21 BB. Trung đội trưởng Pháo binh SĐ.23, Thiếu úy Vĩnh Bình, xin lệnh của Tiểu đoàn trưởng 231/PB đang nằm tại B.50 cùng với Trung đoàn 53 BB. Thiếu tá Đào Đắc Đạo khuyên 2 trung đội pháo binh nên rút ngược về Buôn Hô, cách trận địa BMT 30 cây số, trên quốc lộ 14, đường đi Pleiku.
Ngày 13-3,
– Lúc 9 giờ sáng, một đoàn trực thăng gồm khoảng 50 chiếc UH.1 và 8 chiếc Chinook bốc BHC Trung đoàn 44 BB/VNCH, Tiểu đoàn 3/44, và Đại đội Trinh sát Trung đoàn 44 từ Pleiku đổ xuống Phước An. Theo như kế hoạch của BTL/Quân đoàn thì Tiểu đoàn 1/44 và Tiểu đoàn 2/44 cùng với Trung đoàn phó sẽ đi đợt sau.
– Lúc 10 giờ 15, đoàn quân của Trung đoàn 44 VNCH đáp xuống Phước An, Tiểu đoàn 3/44 nhập vào phòng tuyến của Trung đoàn 45 BB.
– Lúc 2 giờ chiều, Trung tá Ngô Văn Xuân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 chờ không thấy trực thăng đổ nửa còn lại của Trung đoàn, ông hỏi thăm thì không ai biết tại sao. Đến 4 giờ thì ông được cho biết là nửa còn lại sẽ không về BMT.
* Chú giải : Vì danh dự của Quân đội VNCH, Trung tá Xuân không nói ra nguyên do thực sự của lệnh không chở 2 tiểu đoàn Bộ binh về BMT. Tuy nhiên có một chứng nhân khác có thể kể rõ sự việc mà sau đó cũng được các phóng viên chiến trường tiết lộ một phần :
Đại úy Nhảy dù Tôn Thất Thạnh, Đại đội trưởng đại đội Trinh sát của Lữ đoàn 1 Dù có mặt trong chuyến đầu chở Trung đoàn 44 đáp xuống Phước An. Nguyên Đại úy Thạnh vừa mới ra khỏi Tổng y viện Cọng Hòa sau khi bị thương trong trận Thường Đức. Đang nắm giấy phép xuất viện với 15 ngày phép dưỡng sức thì ông nhận được tin BMT bị thất thủ, trong khi cha mẹ của ông đang sinh sống tại Phước An. Cha của ông là cụ Tôn Thất Thiết, cựu Trưởng phòng Nội dịch phủ Tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm.
Sẵn còn giấy phép xuất viện, Đại úy Thạnh ra phi trường Tân Sơn Nhất tìm bạn trong đoàn trực thăng chở quân tái chiếm BMT để xin đi theo lên Pleiku với ý định về Phước An giúp gia đình di tản. Từ Pleiku ông theo Trung đoàn 44 nhảy xuống Phước An, lúc đi ông mang theo một khuẩu AR.15, một áo đạn, và nhiều lựu đạn mini.
Vừa bước khỏi máy bay trực thăng ông nhìn quanh, dự định theo một toán quân nào đó để tìm đường về đồn điền của cụ Thiết. Nhưng ông chợt bàng hoàng nhận ra không còn một người lính nào hết : Tất cả hoặc đã thay xong đồ dân sự hoặc đang cởi đồ lính để mặc đồ dân sự, không biết họ hẹn nhau từ lúc nào mà vừa mới bước xuống đất thì họ bỏ súng và thay đồ ngay tại bãi đáp.
Hoảng quá Đại úy Thạnh chạy ngược trở lại chiếc trực thăng đang còn nổ máy để xin trở lại Pleiku. Trên đường bay ông nghe Pilot trực thăng báo cáo tình hình cho Trung tâm hành quân của Sư đoàn 6 Không quân. Trên máy cũng có tiếng báo cáo của các Pilot khác vời tình hình tương tự.
Vì vậy mà BTL Quân đoàn 2 cho ngưng chuyến thứ hai.
Còn về chuyến đổ Trung đoàn 45 BB vào ngày hôm trước, có các phóng viên báo chí đi theo, họ đã thuật lại kỹ càng giai đoạn bốc quân tại Căn cứ Hàm Rồng Pleiku. Trong đoàn quân có các các phụ nữ mặc đồ trận đi theo chồng, các phóng viên ghi nhận một người phụ nữ tiêu biểu là phu nhân của Đại tá Trung đoàn trưởng Phùng Văn Quang, bà mặc đồ trận, đội nón sắt, mang lựu đạn. Khi trả lời phỏng vấn, bà Quang cho biết các con của bà đang bị kẹt lại Thị xã Ban Mê Thuột, bà muốn theo chồng tái chiếm Ban Mê Thuột.
Dĩ nhiên khi vừa đặt chân xuống đất, các bà đã thay đồ dân sự chạy ngược về BMT để tìm các con. Báo chí không loan tin này, cũng không loan tin các người đàn ông cởi áo lính đi tìm vợ con.. Chỉ một ngày sau, trên phòng tuyến của Trung đoàn 45 tại Phước An chỉ còn lại sĩ quan và một số binh sĩ độc thân hoặc không có gia đình tại BMT.
*( Bốn ngày sau, ngày 17, sổ tay của Thiếu tá Phạm Huấn ghi lại quân số của Sư đoàn 23 tại Phước An là Trung đoàn 45 còn 200 người, Trung đoàn 44 còn 300 người. Trong khi cả hai Trung đoàn không đụng trận nào cả!! Quân số nguyên thủy của Trung đoàn 45 BB trên 2.000 người. Còn quân số của BCH Trung đoàn 44 BB và Tiểu đoàn 3/44 khoảng 600 người )
Ngày 13-3, ( tiếp theo)
Lúc mờ sáng, hai trung đội pháo binh tại Đạt Lý kéo súng về Buôn Hô. Tại Buôn Hô dân chúng đang chạy ngược trở lại hướng BMT để xuống Phước An vì nghe đài BBC loan báo BMT đã lọt vào tay quân CSVN.
Buổi trưa, hai trung đội pháo binh đóng tại Buôn Hô mà không có bộ binh bảo vệ, các đơn vị ĐPQ thuộc Chi khu Buôn Hô đã tự động tan hàng, người Miền Núi thì trở về buôn làng, người Kinh thì lo đưa gia đình di tản. Dân chúng báo cho biết quân CSVN từ đèo Tử sĩ ( Thuần Mẫn ) đang tiến về Buôn Hô, hai vị trung đội trưởng pháo binh bèn quyết định kéo súng quay trở lại Đạt Lý.
Tại Đạt Lý dòng người di tản cuồn cuộn tràn về Phước An theo ngõ tắt băng qua các đồn điền cà phê. Thiếu úy Vĩnh Bình xin lệnh Tiểu đoàn trưởng Đào Đắc Đạo, Thiếu tá Đạo cho lệnh hủy súng và đưa binh sĩ về Phước An theo đường của dân chạy loạn.
BÙI ANH TRINH

TRẬN BAN MÊ THUỘT NGÀY THỨ NĂM VÀ THỨ SÁU

Bùi Anh Trinh
*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Ngày 14-3,
Sư đoàn 316 CSVN chỉ huy Trung đoàn 174 và Trung đoàn 148 tập trung tấn công Căn cứ B.50 đang do BCH Trung đoàn 53 BB VNCH và 1 tiểu đoàn cọng ( Tiểu đoàn 1/53 + 1 đại đội của Tiểu đoàn 3/53 + Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB ).
Cũng như lần tấn công của Trung đoàn 149 ( ngày 10-3 ), hai trung đoàn của Sư đoàn 316 lom khom tấn công lên đồi Căn cứ B.50 với chiến thuật biển người, cứ vừa bắn vừa chạy tới hàng rào căn cứ, người trước ngã xuống thì người sau đạp xác bạn mà tiến lên. Nhưng họ không ngờ chếch sau lưng của họ là 6 khẩu đại bác 155 ly và 105 ly tại căn cứ Pháo Binh 231. Cả pháo đội thi nhau nã đạn vào đội hình của Sư đoàn 316.
Sau khi phát hiện ra là bị đạn đại bác, các đơn vị CSVN vội vàng quay lại đối diện với Căn cứ pháo binh rồi rút lui ngược với đồi pháo binh.
Theo lời kể của Trung úy Phạm Ngọc Phụng, một Trung đội trưởng của Pháo đội B thuộc Tiểu đoàn 231/PB thì 6 khẩu pháo binh cứ chong nòng ngắm thẳng đoàn quân tấn công mà bắn trực xạ với đầu đạn chạm nổ. Vì khoảng cách từ súng tới điểm nổ chưa đầy 1 cây số nên quân CSVN không kịp nhe tiếng đề-pa, chỉ thấy những tiếng nổ lớn bất thình lình khiến họ nghĩ rằng bị bom của phi cơ ( Phi cơ L.19 đang bay quan sát ).
Chú giải : Lần trước, trong ngày 10-3, Trung đoàn 149 của Sư đoàn 316 CSVN đã bị tiêu diệt cũng do bị pháo binh bắn trực xạ. Riêng Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 sống xót nhờ đi lạc. Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp : “Khi Trung đoàn 198 nổ súng ( 2 giờ 3 phút ngày 10-3 ) thì Trung đoàn 149 Sư đoàn 316 còn cách mục tiêu khá xa, bộ đội vừa đi vừa chạy để kịp thời gian hiệp đồng. Trung đoàn này phải vượt qua con suối lớn, nước sâu nên mất khá nhiều thời gian. Địa hình hướng Nam toàn nương rẫy trống trải, địch phát hiện cho máy bay oanh tạc trúng đội hình. Riêng tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 được đội công tác dẫn đường, đến 11 giờ 30 phút tiểu đoàn này đã chiếm được quận lỵ Hòa Bình”( trang 410 ).
Hòa Bình chỉ là Xã chứ không phải Quân lỵ, nói rằng “chiếm được quận lỵ” có nghĩa là tạm dừng quân tại chợ của xã Hòa Bình. Trong khi nhiệm vụ của cả trung đoàn là đánh khu Sân bay Hòa Bình ( Phi trường Phụng Dực ), riêng Tiểu đoàn 9 có nhiệm vụ đánh vào sân bay, nhưng vì đội công tác dẫn đường đi lạc nên tấp vào chợ Hòa Bình, và vì không thấy bóng dáng quân địch tại đó nên báo cáo là đã chiếm xong toàn “quận lỵ Hòa Bình”.
Tướng Hiệp chỉ là tướng chính trị, chức vụ của ông là chính ủy mặt trận cho nên ghi chép của ông có tính cách tâm lý chiến chứ không có tính cách chiến thuật. Vả lại ghi chép của ông chỉ căn cứ vào báo cáo bằng miệng ( theo trí nhớ, không chính xác ) của các đơn vị trưởng sau này.
Trong trận tái tấn công căn cứ B.50 ngày 14-3, Tướng Hiệp ghi : “Ngày 14 tháng 3, Trung đoàn 149 đánh nhầm vào khu điều vận sân bay, đến khi tiến sang căn cứ 53 đã bị địch chặn lại”( trang 418 ). Sự thực là Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 149 đánh nhầm vào nội vi phi trường, bị Đại đội Trinh sát của Trung đoàn 45 nằm chờ sẵn giữa các ụ chứa phi cơ nên bị đánh tan. Còn lực lượng bị chặn lại tại căn cứ 53 ( B.50 ) là hai trung đoàn 148 và 174 của Sư đoàn 316 CSVN .
Cũng theo hồi ký của Tướng Hiệp : “Ngày 15 tháng 3, trung đoàn 149 tiến công lần thứ hai, nhưng Trung đoàn bị máy bay địch đánh trúng đội hình, bộ đội bị thương vong, cuộc tiến công vào căn cứ 53 vẫn không thành”( trang 419 ). Điều này không đúng vì trong các trang trước đó Tướng Hiệp cho biết Trung đoàn 149 đã bị bom trúng đội hình trong ngày 10-3 thì đâu còn Trung đoàn 149 để bị bom trúng đội hình lần nữa ?
Ngày 15-3,
Lúc 8 giờ sáng, sau trận tấn công Trung đoàn 53 VNCH không thành công vào ngày hôm qua, hôm nay Sư đoàn 316 CSVN gom lực lượng còn lại của hai trung đoàn 174 và 148 tổng tấn công Căn cứ pháo binh tại khu Phi trường Phụng Dực ( sân bay Hòa Bình ), căn cứ do pháo đội B/231/PB canh giữ, cọng với 1 đại đội của Tiểu đoàn 3/53 BB.
Lần này Sư đoàn 316 bỏ qua căn cứ B.50 mà tập trung tấn công căn cứ pháo binh. Nhưng họ cũng không ngờ là 6 khẩu đại bác đang chờ họ với toàn bộ đạn cận phòng đã nạp sẵn.
* ( Đạn cận phòng của pháo binh VNCH là đạn chống biển người hoặc đạn thời chỉnh. Đạn chống biển người là đạn phà, mỗi trái đạn có 2.500 mũi tên thép dài khoảng 3 phân, khi ra khỏi nòng các mũi tên ria ra như một luồng gió thổi về phía địch, ai tránh được gió thì tránh được tên, thường thì mỗi khẩu pháo binh có từ 2 tới 5 viên đạn chống biển người trong trường hợp chính căn cứ pháo binh bị tấn công bằng chiến thuật biển người.
Còn đạn thời chỉnh là đạn được gắn đầu nổ kích hỏa theo thời gian. Thông thường một viên đạn được bắn tới điểm nổ thì trong xạ biểu có ghi rõ thời gian viên đạn đi từ nòng súng tới khi chạm đất, xạ thủ canh theo đó mà vặn đầu nổ kích hỏa sớm 1 giây trước khi viên đạn chạm đất để gây sát thương tối đa, lính pháo binh thường gọi là “đạn nổ chụp”.
Trong trường hợp bắn cận phòng thì đầu nổ được vặn 1 hoặc 2 giây, nghĩa là viên đạn sau khi ra khỏi nòng 1 hoặc 2 giây sẽ tự nổ trên đường đi, số mãnh đạn bung ra cọng với tốc độ của viên đạn sẽ quét một vệt dài dọn sạch mục tiêu. Đối với súng 105 ly thì giây đầu tiên ( sơ tốc độ ) viên đạn đi được 900 mét . Trong trường hợp bắn cận phòng, mỗi khẩu đại bác thường chuẩn bị sẵn từ 15 đến 30 viên đạn thời chỉnh ).
– Gần 10 giờ sáng, 6 khẩu đại bác tại căn cứ pháo binh 231 đã bắn hết đạn, sau tiếng nổ của viên đạn cuối cùng thì chiến trường chỉ còn khói súng, nhưng quân CSVN thì không thấy đâu nữa.
– Lúc 10 giờ 30 , các trung đội Pháo binh báo cáo về Tiểu đoàn 231/PB xin lệnh hủy súng và rút khỏi vị trí vì không còn đạn và không còn tiếp tế, nhất là không còn nước, các xi-tẹc nước đã bị đạn bắn bể. Thiếu tá Đào Đắc Đạo ra lệnh cố thủ, chờ phi cơ tiếp tế lương thực cũng như tiếp tế đạn.
Pháo đội B/231 mở tần số liên lạc của Trung đoàn 53 với BTL/Sư đoàn thì biết rằng tình hình hoàn toàn không ổn, có lẽ BCH Trung đoàn 53 tại B.50 cũng không được tiếp tế.
– Lúc 11 giờ sáng, một trong 3 trung đội trưởng pháo binh là Trung úy Phạm Ngọc Phụng bảo hai thiếu úy trung đội trưởng kia hủy súng và dẫn lính di tản về Phước An. Một trung đội trưởng PB của TĐ 231 nghe theo, còn Trung đội trưởng 155 ly của Tiểu đoàn 230/PB không biết về sau ra sao.
Tình hình Ban Mê Thuột sau 6 ngày tử chiến :
Ngày 15-3,( tiếp theo)
– Lúc 3 giờ chiều. Theo lời kể của Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân Tiểu đoàn 3/53 BB/VNCH thì lúc này toàn bộ thị xã Ban Mê Thuột đã thuộc quyền kiểm soát của quân CSVN. Duy chỉ còn hai cứ điểm chống cự của VNCH :
Tại căn cứ B.50, gần Phi trường Phụng Dực, có BCH Trung đoàn 53 BB thuộc Sư đoàn 23 BB/VNCH, do Trung tá Võ Ân là Trung đoàn trưởng. Cùng với Tiểu đoàn 1/53 còn nguyên vẹn sau các đợt tấn công không thành công của quân CSVN và Đại đội Trinh sát của Sư đoàn 23 BB dược trực thăng vận xuống Phụng Dực trong ngày 13-3. Cọng thêm tàn quân của Tiểu đoàn 53/BB qua các trận đụng độ trong thành phố từ ngày 10-3. Và một chi đội thiết vận xa M.113 khoảng 15 chiếc.
Từ ngày đầu Trung tá Võ Ân cố thủ để đợi viện binh từ Pleiku của Quân đoàn 2 hoặc của Bộ TTM. Tuy nhiên qua hệ thống truyền tin vô tuyến ông biết Trung đoàn 45/BB và một nửa Trung đoàn 44/BB đã tự động tan hàng sau khi được trực trực thăng đổ xuống Phước An.
Đến chiều ngày 15-3 thì tình hình trở nên tuyệt vọng, không liên lạc được với BTL Sư đoàn của Tướng Lê Trung Tường, cũng không liên lạc được với Quân đoàn 2. Lương thực và nước uống trong căn cứ đã gần cạn kiệt. Lúc này Trung tá Ân đã có 2 dự định nếu tình hình không cho phép cố thủ : Một là đợi lệnh của Tư lệnh Sư đoàn mở đường máu xuống Phước An. Hai là nếu Phước An cũng rơi vào tay CSVN thì ông sẽ mở đường máu băng rừng về Đà Lạt.
Ngoài cứ điểm B.50 của Trung tá Võ Ân, còn có một lực lượng thứ hai vẫn còn cầm cự tại Ban Mê Thuột, đó là Đại đội trinh sát của Trung đoàn 45 BB thuộc Sư đoàn 23 BB/VNCH. Theo lời kể của Thiếu úy Nguyễn Công Phúc thì ngày 15-3 binh sĩ trong đơn vị của ông đã phải dùng lương khô nhặt được trên xác các chiến binh CSVN, nước uống thì nhờ con suối nhỏ ở cuối phi đạo, đạn dược thì đã phải tận dụng súng đạn tịch thu của địch.
– Lúc 3 giờ 30 chiều, Tướng Phạm Văn Phú chỉ thị cho Thiếu tá Phạm Huấn dùng máy bay riêng của ông đáp xuống Phước An và truyền lệnh mật cho Tư lệnh Sư đoàn 23 BB là hãy bỏ Phước An về lập tuyến phòng thủ tại Khánh Dương, là quận thuộc tỉnh Khánh Hòa, tiếp giáp với quận Phước An.
Sở dĩ phải bỏ Phước An vì hiện quân VNCH đang lập phòng tuyến chống quân CSVN từ BMT theo Quốc lộ 21 tràn xuống. Nhưng sau lưng của phòng tuyến, trên quốc lộ 21, giáp giới với tỉnh Khánh Hòa là đồn 519 đã bị Trung đoàn 25 CSVN chiếm làm nút chận từ ngày 5-3-1975, tức là trước khi đánh BMT 5 ngày. Như vậy trước mặt phòng tuyến Phước An là quân CSVN từ BMT, còn sát sau lưng phòng tuyến là Trung đoàn 25 CSVN chặn đường tiếp tế từ Nha Trang lên. Phòng tuyến Phước An rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch.
Sau khi Thiếu tá Huấn truyền đạt lại lệnh bỏ Phước An cho Tướng Tường thì ông gặp riêng Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng tình báo Quân đoàn 2, lúc này đang giữ vai trò tân Tỉnh trưởng Đắc Lắc đi theo đoàn quân của Sư đoàn 23 BB tái chiếm BMT. Không ngờ Đại tá Tiếu nhờ Huấn báo lại cho Tướng Phú là theo cung từ của các tù binh CSVN thì hiện đang có 4 sư đoàn CSVN tham dự trận BMT ( Một sư đoàn khoảng 10.000 quân ).


TRẬN BAN MÊ THUỘT, NGÀY CHÓT
Bùi Anh Trinh
*( Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh ).
Ngày 16 -3, tại ranh giới Khánh Hòa-Đắc Lắc
– Lúc 8 giờ sáng, tại Chi Khu Khánh Dương là quận thuộc tỉnh Khánh Hòa ( Nha Trang ), tiếp giáp với tỉnh Đắc Lắc ( Ban Mê Thuột ), Tiểu đoàn 231 ĐPQ từ BCH Chi khu Khánh Dương tiến về đồi 519 là đồn ranh giới giữa Khánh Hòa và Đắc Lắc. Lúc này đồi 519 đang do Trung đoàn 25 CSVN chiếm giữ. Đây là cuộc hành quân do đích thân Đại tá Lý Bá Phẩm, Tiểu khu trưởng Khánh Hòa chỉ huy; nhằm mục đích thám sát, thăm dò bố trí của quân CSVN tại khu vực đồi 519.
– Lúc 9 giờ 15, Tiểu đoàn 231/ĐPQ nhận được lệnh từ BCH hành quân nhẹ của Tiểu khu Khánh Hòa : Đúng 1 giờ 30 sẽ có hai phi tuần thả bom CBU xuống khu vực Đồi 519, sau trận bom thì TĐ 231 sẽ tiến vào khu vực vừa bị bom để thông đường và bắt tay với Sư đoàn 23 BB từ đồn Chu Cúc tiến xuống.
– Lúc 10 giờ 40 sáng, Tướng Phú đáp trực thăng xuống Phước An, gặp Tướng Lê Trung Tường khoảng 15 phút. Tướng phú ra lệnh cho Tướng Tường bỏ Phước An, bỏ luôn cuộc hành quân đánh đồi 519, các đơn vị của Sư đoàn 23BB sẽ được trực thăng vận về Khánh Dương để lập tuyến phòng thủ tại Khánh Dương.
Cùng lúc này phi cơ quan sát phát hiện một đoàn xe tăng CSVN đang tiến xuống Phước An từ phía Tây Bắc, dự trù vòng qua phòng tuyến của Sư đoàn 23 BB để bắt tay với Trung đoàn 25 CSVN đang đóng chốt tại đồi 519, điểm địa đầu của quận Khánh Dương.
– Lúc 1 giờ trưa, máy bay chở Tướng Tường từ Phước An về Khánh Dương bị trúng đạn phòng không của CSVN tại khu vực đồi 519, máy bay phải đáp khẩn cấp xuống BCH Chi khu Khánh Dương, Tướng Tường bị thương nhẹ, được đưa đi bệnh viện.
– Lúc 1 giờ 30 trưa, hai phi tuần A.37 thả 2 trái bom CBU và 4 trái bom 500 cân xuống khu vực đồi 519 nhưng trước đó Tiểu đoàn 231/ĐPQ lại nhận được lệnh quay trở về Khánh Dương chứ không tiến vào lục soát khu đồi 519 như dự định.
Theo lời của Thiếu tá Nguyễn Xuân Hớn, trưởng ban hành quân của BCH tiền phương tại Khánh Dương thì lúc đó Tướng Phú và Đại tá Lý Bá Phẩm thấy có chiếm được đồi 519 cũng vô ích vì xe tăng của quân CSVN đã xuất hiện tại phía Đông đồi 519 thì họ sẽ băng thẳng từ hướng Đông Bắc của đồi 519 xuống “rẫy ông Kỳ” ( Nông trại của Tướng Kỳ, phía Bắc Chi khu Khánh Dương ) rồi từ đó tiến thẳng theo Liên tỉnh lộ 3 để đánh Khánh Dương. Nếu đúng như vậy thì Tiểu đoàn 231/ ĐPQ sẽ bị bít đường về ( bị chặn hậu ) và sẽ bị tiêu diệt, vì vậy mới có lệnh cho TĐ 231 rút về BCH chi khu Khánh Dương.
Lúc 2 giờ 30 chiều, sau khi Tướng Lê Trung Tường đã vào Quân y viện tại Nha Trang,Tướng Phạm Văn Phú bay lên Phước An để liên lạc và ra chỉ thị trực tiếp cho Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 BB/VNCH; và Trung tá Ngô Văn Xuân Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44 BB/VNCH.
Ngày 16-3, tại Ban Mê Thuột
– Buổi chiều, tại Ban Mê Thuột. Theo Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp, BTL Sư đoàn 10 CSVN quyết định giao cho Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 10 cùng với 1 đại đội xe tăng T.54 tiêu diệt căn cứ B.50 đang do Trung đoàn 53 Bộ binh VNCH trấn giữ.
* Chú giải : Hồi ký của Tướng CSVN Đặng Vũ Hiệp : “Chiều ngày 16 tháng 3 Bộ tư lệnh Sư đoàn 10 quyết định dùng Trung đoàn 66 được tăng cường 1 đại đội xe tăng T.54 tiêu diệt căn cứ 53 ( B.50 ). Sau khi nhận được lệnh Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Kiệp dẫn cán bộ đi trước trinh sát, đồng thời lệnh cho bộ đội hành quân bám theo. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, tiểu đoàn 7 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hoàng Ngọc Toái phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 149 từ hướng Tây Nam đánh vào. Trung đoàn 66 và một bộ phận của Trung đoàn 149 đã làm chủ căn cứ 53”.
Đây là do Tướng Hiệp tưởng tượng ra chứ không thể nào có thật :
(1) Buổi chiều, sau khi nhận được lệnh thì ông Trung đoàn trưởng quyết định dẫn quân đi đánh ngay trong chiều, giống như đi chợ, không cần nghiên cứu, thám sát; không cần bàn bạc, phân công phân nhiệm, không cần chuẩn bị đạn pháo như thế nào… Và ngay trong buổi chiều thì không bao giờ có, tất cả các cuộc tấn công đều được chuẩn bị trong đêm và khai hỏa lúc hừng sáng. Còn ra lệnh vào buổi chiều có nghĩa là địch đã bỏ ngỏ căn cứ.
(2) Nếu đúng theo sách của Tướng Hiệp thì đội hình đi đánh trận rất buồn cười, ông Trung đoàn trưởng lom khom đi trước, rồi đằng sau ông là đoàn xe tăng và đoàn bộ binh lủ khủ theo sau. Hoàn toàn trái với binh thư, theo binh thư ( nhị thức chiến xa – bộ binh ) thì Xe tăng T.54 phải đi trước, rồi tới bộ binh tùng thiết, còn ông Trung đoàn trưởng bắt buộc phải ở đằng sau xa các tiểu đoàn.
(3) Trung đoàn 149 đã bị bom trúng đội hình 2 lần thì còn đâu Trung đoàn 149 nữa? Rồi một bộ phận là mấy người ? Một trung đội? Một tiểu đội ? Hay là 3 người ? Còn Trung đoàn 66 đã bị thiệt hại nặng trong trận Đức Lập ( cũng bị pháo binh trực xạ ) thì Trung đoàn 66 còn lại bao nhiêu? Một Tiểu đoàn? Một đại đội ?
(4) Tiếng là Sư đoàn 10 nhưng thực sự chỉ là Trung đoàn 66. Rồi tiếng là Trung đoàn 66 nhưng khi tiến vào B.50 thì chỉ có Tiểu đoàn 7 nhưng không rõ Tiểu đoàn có bao nhiêu người? Còn xe tăng đâu không thấy tiến vào ?
(5) Trong khi đó phía bên VNCH thì lực lượng phòng ngự trong B.50 gồm BCH trung đoàn 53, Tiểu đoàn 1/53, 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3/53, Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB, và một chi đội thiết vận xa M.113 ( khoảng 15 chiếc ). Vậy nếu muốn đánh Căn cứ B.50 thì bên tấn công phải có quân số tối thiểu gấp 3. Hơn nữa, vì công sự phòng thủ của B.50 rất kiên cố cho nên tối thiểu phải là 1 sư đoàn,
Hồi ký của Tướng Hiệp cho biết về địa thế và công sự của B.50 : “Gọi là căn cứ trung đoàn 53 nhưng trong đó gồm doanh trại của 2 trung đoàn 44 và 53, nằm về phía Đông Nam sân bay Hòa Bình, cách trung tâm thị xã 10 Km, được tổ chức phòng ngự rất vững chắc, quanh căn cứ có tới 7 lớp rào kẽm gai, xen kẽ giữa các lớp rào là bãi mìn. Lớp tường đất đắp quanh căn cứ cao và dày, các lô cốt và ụ súng bố trí ngay trong tường đất. Hầm chỉ huy của trung đoàn bằng bê tông xây chìm dưới lòng đất”.
Căn cứ B.50 là một trại Biệt kích Mỹ của Lực lượng đặc biệt HK, do công binh HK xây dựng, lối đi trong hầm ngầm rộng đến độ xe jeep có thể chạy vào được. Cho nên với lực lượng như vậy, trung đoàn 53 có thể chấp 1 sư đoàn CSVN.
Chuyện Tiểu đoàn 7 CSVN sau 3 tiếng đồng hồ đã tiêu diệt căn cứ B.50 chỉ là chuyện tưởng tượng. Sự thật là Trung đoàn 66 chỉ vào B.50 vào sáng ngày 17-3 sau khi đã được thám báo ( Có thể là một bộ phận của trung đoàn 149 như tướng Hiệp đã nói ) cho biết là quân VNCH đã rời bỏ căn cứ vào chiều ngày 16-3. Nhận được tin Tướng Hoàng Minh Thảo mới cho Trung đoàn 66 đến thăm dò và vào tiếp thu căn cứ vào sáng hôm sau.
Quyết định rút lui khỏi căn cứ B.50 của Đại tá Võ Ân được Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 3/53 BB kể lại như sau:
Sáng ngày 16-3, Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 đang ở tại Phước An gọi cho Đại tá Ân, hỏi có phải là đang bị bao vây hay không? Nếu không bị bao vây thì có cách nào ra khỏi B.50 an toàn hay không? Đại tá Ân cho biết với điều kiện phải có một cánh quân nữa yểm trợ phía bên ngoài. Tướng Tường bảo chờ lệnh kế tiếp. Tuy nhiên Đại tá Ân cũng ngầm hiểu được ý của Tướng Tường là sẽ phải bỏ Căn cứ B.40, vấn đề là rời bỏ như thế nào cho đỡ thiệt hại nhất.
Sau đó là Tướng Tường bị thương tại Khánh Dương phải vào bệnh viện, Bộ tham mưu hành quân Sư đoàn 23 như rắn mất đầu không biết đường đâu mà điều động. Đại tá Võ Ân theo dõi tin tức qua hệ thống vô tuyến biết được tình trạng tang gia bối rối của BTL/SĐ 23 BB, ông quyết định chờ chiếu tối rời khỏi căn cứ để đi về Đà Lạt bởi vì quân CSVN đã chặn đường về Phước An.
Trong đêm đó nguyên lực lượng còn lại của Trung đoàn 53/BB ra khỏi B.50, thay áo quần biến thành dân chạy loạn, chạy xuống Phước An để theo gia đình. Đại tá Ân cùng với khoảng 70 người ( hầu hết là dân Đà Lạt ) chạy về Lạc Dương để đến Đà Lạt. Trong số này có Trung úy Phan Văn Phụng, Trưởng ban hành quân của Tiểu đoàn 3/53 BB, người chứng kiến từ ngày đầu tới ngày chót của trận BMT.
Sáng hôm sau, 17-3, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 66/ Sư đoàn 10 CSVN vào tiếp thu căn cứ B.50
Tổng kết chỉ có Sư đoàn 316 CSVN đã bị xóa sổ sau 3 lần bị đạn pháo binh của Tiểu đoàn 231/PB. Ngoài ra các đơn vị khác của quân CSVN chỉ đến tiếp thu các vị trí sau khi quân VNCH đã rút chạy. Riêng ngày đầu tiên thì Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10 CSVN bị chết 1 Tiểu đoàn trưởng và 10 chiến sĩ khi tấn công vào cột cờ Tiểu khu Đắc Lắc ( Hồi ký của Tướng Đặng Vũ Hiệp ). Và 2 tiểu đoàn của Trung đoàn Đặc công 189 CSVN bị tiêu diệt khi tấn công vào Phi trường L.19 và BCH Chiến đoàn 3 lực lượng Lôi Hổ.
BÙI ANH TRINH


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen