Dienstag, 22. Juli 2014

Việt Nam Qua Những Ðịa Danh Mang Tên CÁI


Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có tên gọi khác nhau. Tên gọi nầy được các triều đại, chế độ đặt cho. Bên cạnh việc làm đó chúng ta còn thấy những địa danh cũng do nhà cầm quyền đương thời hay các thời trước đặt tên. Riêng tại Việt Nam cũng không ra ngoài thông lệ đó. Thông thường tên những địa danh được đặt, mang nhiều ý nghĩa hàm chứa đựng những lời nhắn nhủ, khuyên răn như: Hoài Ân – Hoài Nhơn. Ðôi lúc cũng có tên danh nhân lịch sử, hầu nhắc nhở chúng ta không quên những công lao đóng góp của họ thí dụ: Cù Lao Ông Chưởng (Chưởng Binh Lễ).
Miền Bắc và miền Trung đều do nhà cầm quyền đặt cho các địa danh. Trái lại ở miền Nam lại khác, địa danh được đặt bởi những người dân địa phương đến ở trước, sau đó hình thành guồng máy chính quyền. Nên việc đặt tên cho địa danh, rất là đơn sơ, mộc mạc, không hoa mỹ như ở miền Trung hay miền Bắc, như: Cái Mơn, Cái Tắc. Trước khi nói về địa danh mang tên Cái, chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử miền Nam và cuộc Nam tiến của nhân dân Việt Nam qua sự chỉ đạo của các Vua Chúa.

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH MIỀN NAM

Vương Quốc Phù Nam:

Chữ Phù Nam được hiểu là “nước nổi”. Ðược thành hình từ Thế Kỷ thứ I đến cuối Thế Kỷ thứ VI sau Công Nguyên. Nước nầy bao gồm một vùng đất bao la trải dài từ lưu vực sông Cửu Long đến sông Mê Nam (Thái Lan) tiếp giáp Chiêm Thành, xuống tận các đảo Mã Lai. Gồm những dân cư hải đảo Mélanésien, Indonésien, Môn, theo văn minh Ấn Ðộ, dùng tiếng Phạn. Ðây là nhà nước đầu tiên đất liền ở Ðông Nam Á. Nước Phù Nam kéo dài được 13 triều đại từ nữ chúa Liễu Diệp cho đến Rudravarman vị Vua cuối cùng đã thất trận dưới sự tấn chiếm của Vương Quốc Chân Lạp. Vương Quốc Phù Nam có một trình độ kỷ thuật cao, đất nước được phát triển với các đặc điểm sau:
  • Kỷ thuật chinh phục đầm lầy hoàn chỉnh, được áp dụng hạ lưu sông Mekong với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu.
  • Thủ công nghiệp tinh xảo với các nghề luyện kim, nấu chảy thủy tinh, kim hoàn, chế tạo thuyền bè.
  • Thương nghiệp được bành trướng trao đổi rộng rãi với các nước Ấn Ðộ, Trung Hoa, Ðịa Trung Hải, Trung Á.
Thương cảng của Phù Nam lúc bấy giờ tên là: Na Phất Na (tiếng Phạn tên Naravaranagara). Ðó chính là địa điểm Óc Eo, được nhà khảo cổ người Pháp tên Louis Mallaret (thuộc trường Viễn Ðông Bác Cổ) tìm thấy năm 1944 kế bên chân núi Ba Thê (Long Xuyên). Di tích gồm có: một cổ thành dài 1500 mét, có nhiều cổ vật như: đồ trang sức bằng vàng, đồng tiền La Mã, các đồ gốm sành sứ ...
Vương Quốc Chân Lạp:
 Nước nầy sau khi đánh chiếm Phù Nam là sắc tộc Kambuja từ miền Bắc tràn xuống thành lập vương quốc Chân Lạp. Nước Chân Lạp đã nổi tiếng vì sự nghiệp xây dựng một kỳ công kiến trúc. Ðó là Ðền Angkor (Ðế Thiên Ðế Thích) vào Thế Kỷ thứ XII. Về sau vì nội bộ bất hòa tranh giành quyền lực anh em chém giết lẫn nhau, sinh ra cuộc nội chiến kéo dài triền miên, cộng với sự lấn chiếm của lân quốc Xiêm. Họ đã phải 3 lần dời đô: từ bỏ Angkor để qua Oudong và sau cùng dừng lại ở Phnom Penh. Từ đó nước Chân Lạp được chia ra làm 2: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Miền Nam nằm trong phần đất của Thủy Chân Lạp, Lục Chân Lạp ở phần đất cao không bị ngập nước. Chứng tích còn sót lại của nền văn hóa Thủy Chân Lạp, chúng ta thấy 2 Tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Ngoài những cư dân Khmer sống ở đây, còn có những ngôi chùa Miên rất cổ, còn tồn tại cho đến ngày nay. Ðó là ngôi chùa Shanghamangala, ở Huyện Vũng Liêm được xây cất từ năm 1339. Ngôi chùa cổ thứ 2 ở Trà Vinh là chùa Ông Mẹt tại Ấp Thanh Lễ, Phường 1 xây dựng từ năm 1349.

 Ðền ANGKOR ở KAMPUCHIA (Ðế Thiên Ðế Thích)

II. CUỘC NAM TIẾN

Mục đích của cuộc Nam tiến là mở mang bờ cõi về phương Nam. Từ thời lập quốc (Phong Châu) cho đến Thế Kỷ Thứ X, biên giới Việt Nam mới đến Ðèo Ngang (Hà Tĩnh và Quảng Bình). Ðến đời Lê Thánh Tôn (Thế Kỷ XV) quân dân tiến đến Ðèo Cả (Phú Yên). Bảo vệ và phát triển vùng đất mới từ sông Gianh trở vô trong Nam là do công lao của Nguyễn Hoàng và con cháu của Ông. Sự hình thành và phát triển cho vùng đất mới được tác động bởi 3 yếu tố chính trị:




  • Nhu cầu của cuộc nội chiến Việt Nam (Trịnh Nguyễn phân tranh)
  • Sự tan rã của chính quyền Cao Miên.
  • Sự đô hộ của người Pháp ở miền Nam.

  • Sau đây chúng tôi xin liệt kê mốc thời gian qua từng giai đoạn cho mỗi thời kỳ.
    • Năm Mậu Ngọ 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (sau khi vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: Hoành Sơn Nhứt Ðái, Vạn Ðại Dung Thân).
    • Năm 1613 Nguyễn Hoàng mất truyền lại cho người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) lên ngôi Chúa.
    • Năm 1620 Vua Chey Chetta 2 của Chân Lạp xin cầu hôn với công chúa Ngọc Vạn con của Chúa Sãi. Cuộc hôn nhân nầy chẳng qua là một dịp đi tìm đồng minh của Vua Chân Lạp, cầu viện Chúa Nguyễn để đánh lại quân Xiêm, vì lúc nào cũng đe dọa Chân Lạp. Chúa Nguyễn cũng lợi dụng việc gả con gái để đưa quan quân lên Chân Lạp và mang về những tiếp liệu cần thiết (lúa, gạo, trâu, bò, voi) để đánh lại Chúa Trịnh và đưa người Việt đi vào lập nghiệp ở vùng đất Phù Nam cũ là hạ lưu sông Cữu Long, trên danh nghĩa là đất Chân Lạp, nhưng trong thực tế là đất vô chủ. Bởi lẻ từ nhiều thế kỷ vì chiến tranh liên tiếp với quân Xiêm, vì sự suy yếu nội bộ, nên vùng đất nầy hoàn toàn hoang vu, không có guồng máy cai trị của Chân Lạp.
    • Năm 1623 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đặt 2 trạm thu thuế ở Sài Gòn và Bến Nghé. Sự kiện đặt 2 trạm thuế nầy, cho phép chúng ta suy luận rằng trước đó, lưu dân người Việt đã đến khẩn hoang lập làng ở vùng đất vô chủ nầy rồi. Trạm thu thuế của Chúa Nguyễn chỉ là chính sách dân làng đi trước, làng nước theo sau. Từ đó Chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận - Quãng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến với Chúa Trịnh vào Nam để khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới.
    • Năm 1679 Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Ðịch cùng 3000 binh sĩ trung thành nhà Minh, không phục tùng nhà Mãn Thanh đi trên 50 chiếc thuyền đến xin Chúa Nguyễn cho lập nghiệp ở miền Nam. Chúa Nguyễn cho ở và khai khẩn ở vùng Biên Hòa và Mỹ Tho. Từ đây chúng ta lại có thêm làng Minh Hương, chữ Minh Hương do đây mà có.
    • Năm 1708 Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho Chúa Nguyễn Phúc Chu (đất Hà Tiên bao gồm các Tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ và Rạch Giá).
    • Ðời Chúa Nguyễn Phúc Khoát 1738 đến 1765 Vua Chân Lạp là Nặc Tôn để trả ơn vì có công dẹp nội loạn và đưa Nặc Tôn lên làm Vua, Ông dâng đất Châu Ðốc, kế đến là dâng thêm 5 Phủ: Hương Túc – Cần Bột – Trực Sâm – Sài Mạc và Lình Quỳnh cho Mạc Thiên Tứ, Mạc Thiên Tứ đem những phần đất nầy dâng lại cho Chúa Nguyễn.
    • Năm Ất Hợi 1755 Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên sau khi đánh thua Chúa Nguyễn, xin dâng 2 Phủ là Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội và xin cho về nước (sau khi ở Hà Tiên 1 năm).
    Chúng ta thấy vùng Ðồng Nai – Cữu Long đã trọn vẹn thuộc về Chúa Nguyễn, chỉ mất 150 năm được cả một miền Nam (từ đầu Thế Kỷ thứ XVII đến giữa Thế Kỷ thứ XVIII).
    Có 2 yếu tố phụ trong cuộc Nam tiến:
    • Luật Hồng Ðức (Vua Lê Thánh Tôn) có ghi rõ: “Nếu ai phạm tội nặng, bị lưu đày biệt xứ vô trong Nam khẩn hoang, được đặc ân cho vợ con đi cùng. Sau khi mãn án, được trở về cố hương”. Những người bị tội nầy thường ở trên 10 năm trở lên, sau đó họ không muốn trở về quê hương nữa, vì mảnh đất tự họ khai khẩn thấy quá phì nhiêu nên đành ở lại hơn nửa mang mặc cảm tội lỗi đối với xóm làng.
    • Chính sách cấm đạo của Vua Chúa nhà Nguyễn, vô tình bờ cõi phương Nam được mở mang thêm, khi những ngôi làng của giáo dân được dựng lên ở tận nơi rừng sâu; chắc chắn rằng không có bóng dáng quan quân của triều đình lui tới. Ðiển hình nhất là ở Cái Mơn, Cái Nhum (Chợ Lách). Hai giáo xứ nầy xuất hiện giữa thế kỷ thứ XVII, hậu quả của việc cấm đạo khiến cho nhiều giáo sĩ bị tử vì đạo, giáo dân bị giết và nhiều ngôi nhà thờ bị thiêu hủy. Triều đình, chế độ có thể bức hại những vị tu sĩ hay đàn áp tôn giáo khi dùng quyền uy để khuất phục họ. Nhưng không thể tiêu diệt được đức tin của người dân có đạo. Niềm tin nơi tôn giáo vượt lên trên mọi quyền lực khac
    NGƯỜI PHÁP ÐÔ HỘ MIỀN NAM
    Năm 1862 sau khi đánh chiếm 3 Tỉnh miền Ðông Nam phần (Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường) năm 1867 lấy nốt 3 Tỉnh còn lại (Vĩnh Long, Châu Ðốc và Hà Tiên). Người Pháp đặt nền đô hộ tại miền Nam Ðiều trước tiên thiết lập bộ máy hành chánh, kêu gọi những người dân bản xứ hợp tác với tân triều. Bên cạnh việc làm đó là mở mang miền Nam bằng cách: thiết lập các đường giao thông, xây cất cầu cống, đào kinh dẫn thủy nhập điền. Ðem cái văn minh, kỹ thuật của Tây Phương áp dụng vào miền Nam, giúp cho miền Nam càng ngày càng phát triển và tên Sài Gòn luôn luôn được nhắc nhở với tên gọi là Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Ðông. Về phương diện khách quan mà nói, người Pháp đã có công rất nhiều vào Việt Nam. Nhưng đứng trên quan điểm dân tộc đây là một điều chúng ta không thể chấp nhận, khi đem quân đánh chiếm một nước khác. Dù sao đi nữa, đường lối cai trị của thực dân Pháp còn cao đẹp hơn chủ nghĩa Cộng Sản nhiều.

    III. NHỮNG ÐỊA DANH MANG TÊN CÁI Ở VIỆT NAM

    Chữ Cái có nghĩa ra sao?
    Cái có nghĩa là “sông con” (đây là tiếng cổ của dân tộc Phù Nam). Ai đã từng sống ở miền Nam, đều nhận thấy rằng: Những địa danh bắt đầu bằng chữ Cái ở đây đều nằm trên một con sông nhỏ, chảy ra một con sông lớn. Chúng ta thấy chữ Cái ở hai miền Nam Bắc khác nhau:
    Miền Bắc có những địa danh mang tên Cái, là do hình dáng mà đặt tên như: Ðảo Cái Bàn, Cái Bầu. Trái lại ở miền Nam chữ Cái là tiếng cổ như : Cái Côn, Cái Nước.
    Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu những địa danh mang tên Cái ở miền Bắc.
    1) Miền Bắc có những địa danh mang tên Cái:
    Trong Vịnh Hạ Long có 2 đảo tên là: Cái Bầu, Cái Bàn. Cũng trong thành phố Hạ Long nầy, có một địa danh mang tên Cái Lân, tại đây cũng có một đền thờ gọi là Cái Lân.
    Huyện Vân Ðồn có một thị tứ tên là Cái Rồng.
    Ngoài khơi bờ biển Thị Xã Mong Cái, còn có một hòn đảo mang tên là Cái Chiên. Tất cả những cư dân nầy sống bằng nghề đánh cá, hay kinh doanh ngành du lịch. Ðó là những địa danh ở miền Bắc, còn miền Trung không có chữ Cái. Trái lại ở miền Nam chúng ta thấy rất nhiều, ngoài những địa danh mang tên Cái đó, còn có Sông, Kinh, Rạch, Vàm cũng mang tên Cái. Ðôi lúc có những địa danh trùng với nhau.
    2) Sau đây là những địa danh mang tên Cái ở miền Nam:
    Trước tiên là Tỉnh Tây Ninh, có một Vàm là Cái Răng nằm khoảng giữa từ Tây Ninh đến Bến Kéo thuộc Quốc Lộ 22 đi qua Kampuchia. Ngoài ra còn có con Rạch tên là Cái Bác, nằm trong Xã Phước Vinh, Huyện Châu Thành. Con rạch nầy nối liền sông Vàm Cỏ Ðông chảy qua Kampuchia.
    Tiếp giáp Tỉnh Tây Ninh là Tỉnh Long An, tại đây có Huyện Mộc Hóa với 2 địa danh Cái Nứa, Cái Ðôi. Cũng tại đây có con sông Vàm Cỏ Tây nhận nước từ con rạch Cái Rô chảy qua Kampuchia. Long An còn có một Huyện nữa tên là Tân Hưng, có các địa danh mang tên Cái: Cái Bát, Cái Môn, Cái Sách. Ðịa danh Cái Bát có con kinh Cái Bát chảy qua gặp con Rạch Cái Cỏ rồi chảy vào Tỉnh Xvay Riêng Kampuchia.
    Nằm kế bên Tỉnh Long An là Tỉnh Tiền Giang, tại Tiền Giang có một Huyện tên là Cái Bè (cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đặt tên Quận là Sùng Hiếu).
    Ðịa danh Cái Bè nằm trên Quốc Lộ IV (Sài Gòn về Cà Mau) nổi danh qua những vườn cây ăn trái như: Cam Mật, ổi Xá Lị, mận Hồng Ðào, vú sữa Hột Gà. Ðặc biệt có loại chuối Cái Bè ăn rất ngon (mọc từ thân cây ra). Cái Bè có 2 địa danh mang tên Cái Thia và Cái Nưa. Ðây cũng là nơi anh hùng Võ Duy Dương chống lại quân Pháp vào ngày 15-04-1865. Tại đây cũng có con Rạch Cái Thia chảy qua Ðồng Tháp Mười.
    Cái Bè đã đi hết, bước sang Tỉnh Bến Tre chúng ta lại có Quận Ðôn Nhơn (bây giờ gọi là huyện Chợ Lách). Nằm trên Cù Lao Minh với 2 địa danh mang tên Cái Mơn và Cái Nhum. Hai địa danh nầy nổi tiếng có nhiều vườn trái cây, ở đây có vườn sầu Riêng của Ông Chín Hóa trồng, rất nổi tiếng (hạt lép nhiều cơm, thơm ngon ngọt). Cư dân sống ở đây đều theo đạo Công Giáo, tại đây có một ngôi giáo đường rất cổ, trước sân nhà thờ Cái Mơn, có một cây cổ thụ to gọi là cây Thiên Tuế. Cái Mơn cũng là nơi sinh ra nhà bác học Trương Vĩnh Ký, Ông biết trên 20 thứ tiếng. Ông cũng là thông dịch viên cho phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp (1863). Cái Nhum là quê hương của Thánh Tử Ðạo (Á Thánh Lựu) và cũng là nơi chôn thi hài của Á Thánh Phillipe Phan Văn Minh, người đã bị Vua Tự Ðức ra lệnh xử trãm tại Cái Sơn Bé (bến đò Ðình Khao) vào ngày 03-07-1853. Dưới bến đò Ðình Khao, có con Rạch tên là Cái Kè, khoảng từ Vĩnh Long đi chợ Lách. Cái Kè đi xuống một chút là tới Cái Muối, rồi qua gặp Cái Gà. Chợ Lách còn có một địa danh nữa tên là Cái Tắc thuộc Xã Hưng Khánh Trung, ngoài ra còn có cù lao tên là Cái Cát.
    Ðó là Cái Nhum ở chợ Lách., còn có một địa danh mang tên Cái Nhum nữa, là Cái Nhum Huyện Mân Thít thuộc Tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây đã xảy ra những trận đánh giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh cùng quân Xiêm La. Cuối cùng trận đánh kết thúc tại Rạch Gầm – Xoài Múc mà phần thắng là quân Tây Sơn.
    Tại Huyện Giồng Trôm thuộc Xã Hưng Lễ có một địa danh mang tên Cái Ða Trại. Nơi đây đánh dấu bước chân của Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn, gần đó là Cái Mít Nguyễn Ánh cũng tá túc thời gian ngắn. Huyện Thạnh Phú có địa danh Cái Cá thuộc Xã Mỹ Hưng. Ði qua Mỏ Cày có con Rạch tên là Cái Gấm, nhận nước từ con sông Hàm Luông. Tạïi Quận Ba Tri có điạ danh mang tên là Cái Bông, đây cũng là nơi sinh ra Cụ Phan Thanh Giản. Tại Huyện Châu Thành có một Xã tên là Cái Nứa. Riêng tại Bến Tre ngay trung tâm thành phố có 2 cây cầu tên là Cái Cối và Cái Cá.
    Sau đây đến Vĩnh Long: Vào ngày 25-08-1960 cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã khánh thành Khu Trù Mật Cái Sơn thuộc Tỉnh Vĩnh Long. Tại Huyện Bình Minh, tên địa phương gọi là Cái Vồn. Thời Ðệ I Cộng Hòa có Tướng Trần Văn Soái (Phật Giáo Hòa Hảo) đặt bản doanh tại đây. Ðây cũng là cửa ngỏ để đi Cần Thơ qua Bắc Bình Minh. Tên Cái Vồn không nổi danh bằng cái tên Song Phú, tại đây có ngôi trường tiều học vào ngày 04-05-1974 Việt Cộng pháo kích vào ngôi trường làm 17 em học sinh chết tại chỗ gần 70 em bị thương (trong giờ ra chơi buổi sáng).
    Ðến Huyện Tam Bình có địa danh tên là Cái Cui, thuộc Xã Hòa Lộc. Ðây cũng là quê hương của giáo sư Phạm Hoàng Hộ (Cựu Viện Trưởng Viện Ðại Học Cần Thơ).
    Huyện Vũng Liêm có Cù Lao Cái Dứa, thuộc Xã Thanh Bình. Nhắc đến Vũng Liêm là phải nhớ tới Thiếu Tá Bùi Văn Ba, Ông là Tiểu Ðoàn Trưởng Tiều Ðoàn 3, Trung Ðoàn 15 của Sư Ðoàn 9 Bộ Binh. Chức vụ sau cùng của Ông là Quận Trưởng Quận Vũng Liêm, ngày 30-04-1975 bọn Cộng Sản hèn hạ trả thù Ông, bắt trói Ông cột vào đá rồi ném xuống sông Vũng Liêm cho chết. Tại Thị Xã Vĩnh Long có con sông Cái Ca ở Phường 2 chảy qua Phường 1 rồi đổ ra sông Cỗ Chiên cuối cùng chảy ra biển.
    Nằm sát bên Vĩnh Long có Tỉnh Trà Vinh, đây là tỉnh có nhiều người Khmer ở, có tất cả 129 ngôi chùa Miên lớn nhỏ khắp nơi ở trong tỉnh. Tại huyện Duyên Hải có điạ danh Cái Cối thuộc Xã Long Vĩnh và Cái Ðôi thuộc Xã Long Khánh.
    Ði về hướng Sa Ðéc có một địa danh tên là Cái Tàu Hạ tức Quận Ðức Tôn (trước năm 1975) nay đổi thành Huyện Châu Thành. Nơi đây có nhiều lò nung gạch, cung cấp gạch cho các tỉnh miền Tây. Chữ Cái Tàu được hiểu là “con sông nước lạt”.
    Huyện Lai Vung Sa Ðéc có con Rạch tên là Cái Mít thuộc Xã Vĩnh Thới. Con rạch nầy chảy qua sông Hậu. Huyện Hồng Ngự có địa danh Cái Cái, là nơi tập trung dân chúng sống nhờ vào nguồn thủy sản cá tôm tép, từ biển hồ của Kampuchia chảy qua. Gần Cái Cái còn có Cái Tiêu, Cái Sơ nữa cũng trong Huyện Hồng Ngự. Chúng ta thấy thiên nhiên rất ưu đãi cho đồng bào sống trong vùng sông Tiền, sông Hậu. Vì chính 2 con sông nầy là nguồn lợi kinh tế cho đồng bào ở đây, ngoài nhiệm vụ cung cấp cá, tôm, nước ngọt dùng để làm ruộng, tưới nương rẫy. Mỗi năm sau mùa nước nổi, chúng ta được một lớp đất phù sa mầu mỡ, dùng để trồng trọt hay cày cấy. Bản chất đất không có làm biếng, chỉ có con người mới làm biếng.

    “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
    Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”

    Qua phần đất của sông Hậu có Tỉnh An Giang. Chúng ta thấy có địa danh Cái Tàu Thượng ở Xã Mỹ An Hưng nằm trên đường từ bắc Cao Lãnh đi Chợ Mới. Từ Bắc Vàm Cống về Long Xuyên có địa danh mang tên Cái Sơn. Trên đường Long Xuyên đi Châu Ðốc gặp một địa danh tên là Cái Dầu, đây cũng là Huyện Châu Phú thuộc Tỉnh An Giang. Ða số người dân sống ở đây (An Giang, Châu Ðốc) đều theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo , người sáng lập là Ðức Huỳnh Phú Sổ.
    Giáp ranh Tỉnh An Giang có Tỉnh Kiên Giang, tại đây có 2 con sông mang tên Cái Lớn và Cái Bé. Hai con sông nầy xuất phát từ Tỉnh Chương Thiện chảy ra cửa biển Rạch Giá. Ðảo Phú Quốc có quần đảo An Thới, trong đó có hòn đảo Cái Bàn thuộc Vịnh Thái Lan.
    Quay về Hậu Giang chúng ta thấy có địa danh mang tên Cái Sắn, thuộc Xã Vĩnh Trinh Huyện Thốt Nốt. Cái Sắn chính là nơi đón nhận hàng chục ngàn người dân tỵ nạn Cộng Sản, di cư từ miền Bắc vào Nam để sinh sống. Tại đây người Bắc di cư được chính phủ Ngô Ðình Diệm cung cấp nhà cửa, ruộng đất, cùng máy cày để phát triển nông nghiệp, tạo thành khu dinh điền Cái Sắn kiểu mẫu cho miền Nam.




    Chợ trên sông Cái Răng 
    Rời Cái Sắn chúng ta đến Cần Thơ sẽ gặp ngay chợ Cái Khế. Chợ nầy nằm khoảng giữa từ bến xe đến cầu Bắc Cần Thơ, có thể nói chợ Cái Khế là ngôi chợ lớn thứ nhì sau chợ Bến Ninh Kiều của thành phố Cần Thơ. Hướng về Bến Ninh Kiều qua đường Hai Bà Trưng có cây cầu Cái Khế bắc qua đường Nguyễn Trãi. Kế bên chân cầu là dinh của Ông Tướng Vùng IV (Tướng Nguyễn Khoa Nam cùng Lê Văn Hưng đã tự sát vào thời điểm 30-04-1975). Sát bên là hãng BGI (nước ngọt, nước đá) của Pháp trước năm 1975. Tại Cần Thơ còn có trung tâm kỹ nghệ Cái Sơn Hàng Bàng. Là nơi sản xuất hàng thủ công nghệ và vật dụng gia đình.


    Dọc theo bờ sông Hậu đi hướng về Ðại Ngãi lần lượt chúng ta thấy có những địa danh như: Cảng Cái Cui (đang xây cất) Cái Sâu, Cái Gia, Cái Ðôi rồi đến Cái Côn.
    Tại đây có một con Kinh gọi là Cái Côn để đi vô Phụng Hiệp, trước khi tới Phụng Hiệp gặp nhau tại ngã bảy (7 con Kinh đi 7 hướng khác nhau). Cái Côn trước năm 1975 là quận Phong Thuận. Sau 1975 là Xã An Lạc Tây thuộc Huyện Kế Sách, từ Cái Côn đi xuống sẽ gặp Cái Cao, Cái Trâm, Cái Trưng, những địa danh nầy đều thuộc Quận Kế Sách. Tại Xã Nhơn
    Mỹ có một con rạch để vô Huyện Kế Sách, được gọi là Vàm Cái Sách (theo lời ông Lê Công Tiệp là người dân cố cựu ở Mương Khai - Trà Ếch, hiện Ông định cư ở Bass Hill Sydney). Ðối diện Vàm Cái Sách là Cù Lao Quốc Gia, đã được cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm vào năm 1973.
    Từ Cần Thơ đi xe xuống Sóc Trăng, sẽ gặp ngay một Huyện cách Cần Thơ 5 cây số. Ðó là Cái Răng, tên Cái Răng nguyên là gốc chữ Miên đọc “carăng” nghĩa thật tên Cà Ràng. Cà Ràng là tên cái lò làm bằng đất sét, được đặt ở bếp dùng để nấu ăn. Cái Răng là một Huyện của Cần Thơ đứng hàng thứ nhứt về mọi mặt, có câu ca dao nói về Cái Răng:

    “Cái răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Ðiền,
    Anh có thương em cho bạc cho tiền.
    Ðừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay”

    Qua 3 câu ca dao trên chúng ta thấy cuộc sống của người dân Cái Răng và những vùng phụ cận rất là sung túc của một thời trước 1975. Sau 1975 Cái Răng tách làm 2 Huyện: Châu Thành A và Châu Thành. Huyện Châu Thành có con Kinh mang tên là Cái Dầu đổ ra sông Hậu.
    Ngoài ngôi chợ cố định, Cái Răng còn có một chợ nổi nữa. Ðó là chợ nổi nhóm trên sông, đây là nét sinh hoạt đặc thù của người dân miền Tây. Chợ nổi nầy chủ yếu là bán trái cây, rau, củ không giới hạn thời gian, ngày cũng như đêm đều có nhóm chợ. Trong vùng Cái Răng còn có những ngôi chợ: Cái Chanh, Cái Muồng, Cái Da.
    Từ Rạch Ðầu Sấu đi vô sẽ gặp Rạch Cái Sơn, rồi đổ qua Rạch Bình Thủy.
    Rời Cái Răng đi xuống khoảng 15 cây số, sẽ gặp một địa danh mang tên là Cái Tắc. Tại Cái Tắc có một ngã 3 nếu chạy thẳng sẽ tới Phụng Hiệp, còn theo hướng Lộ Tẻ dẫn tới Tỉnh Chương Thiện. Chương Thiện là một Tỉnh nhỏ của Miền Tây. Cái nổi danh của Chương Thiện là tinh thần chống Cộng, tiêu biểu cho tinh thần đó, là Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn Tỉnh Trưởng Chương Thiện. Bất chấp lời đầu hàng của Dương Văn Minh, anh cùng các chiến sĩ thuộc cấp chống cự đến hết đạn. Cuối cùng bị Cộng Sản bắt và xử tử anh tại sân vận động Cần Thơ tháng 8 năm 1975.


    Vùng Hỏa Lựu (Vị Thanh) có 2 địa danh mang tên Cái Sình, Cái Su; ở đây trồng rất nhiều khóm.
    Huyện Long Mỹ (Chương Thiện) còn có địa danh mang tên Cái Nhào, Cái Dứa. Ðây cũng là chiến trường trước năm 1975, xảy ra những trận đánh giữa Sư Ðoàn 21 Bộ Binh với quân Cộng Sản.
    Từ Cái Tắc đi xuống sẽ gặp Tỉnh Sóc Trăng, nếu đi Long Phú sẽ gặp địa danh Cái Oanh nằm ở gần cầu sắt Tân Thạnh (quê hương của Ðại Tướng Cao văn Viên). Ðối diện với Cái Oanh là Cái Xe và Cái Ðường thuộc phần đất của quận Mỹ Xuyên.
    Tại huyện Thạnh Trị (Phú Lộc) có Khu Trù Mật Cái Trầu thuộc Xã Tuân Tuất, ở đây cũng có một con Kinh Cái Trầu chảy qua gặp Kinh Xáng Phụng Hiệp. Người dân Quận Thạnh Trị không bao giờ quên được Thiếu Tá Ðỗ Văn Phát (Quận Trưởng) đã tự sát ngay Quận đường vào ngày 30-04-1975, với quân phục đầy đủ các huân chương.
    Trước khi tới Bạc Liêu khoảng chừng 5 cây số là Cái Dầy. Cư dân ở đây hay người dân ở Bạc Liêu, đều biết đại điền chủ Trần Trinh Trạch. Ông là một trong những người giàu có ở miền Nam, Ông có người con trai tên là Trần Trinh Huy ( Ba-Huy). Ông Trần Trinh Trạch là người giỏi kiếm tiền, thì con trai ông lại giỏi ăn chơi. Ðúng với danh gọi là Công Tử Bạc Liêu, không có chỗ nào mà thiếu vắng công tử, nếu chỗ đó là chốn ăn chơi nổi tiếng. Công Tử Bạc Liêu thể hiện đúng cá tính con người miền Nam. Tại Cái Dầy có nghĩa trang Trần Gia, Cậu Ba Huy cũng chôn cất tại đây (chết vào đầu tháng Giêng 1973).
    Chính nơi đây (Cái Dầy) Thiếu Tá Mã Thành Nghĩa Tiểu Ðoàn Trưởng 411 Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Bạc Liêu, đã tự sát chết vào ngày 30-04-1975. Cùng ngày đó người vợ cũng tự sát chết theo chồng, sau khi đã tẩm liệm cho chồng. Nhà của Thiếu Tá Mã Thành Nghĩa ở trên đường đi Vĩnh Châu (Bạc Liêu). Gần Cái Dầy có Cái Gia thuộc Xã Châu Hưng Huyện Vĩnh Lợi Bạc Liêu.
    Từ Bạc Liêu đi xuống Cà Mau, chúng ta có Cái Tràm (Xã Long Thạnh, Huyện Vĩnh Lợi). Tại Xóm Lung có con Kinh Cái Cùng, nhận nước từ Kinh Xáng Bạc Liêu rồi đổ ra biển Ðông. Tại đây đồng bào sinh sống bằng nghề làm ruộng muối, trồng nhãn. Ðịa danh Cái Cùng nằm trong Xã Long Ðiền Ðông A, Huyện Giá Rai. Ở đây có một câu chuyện rất thương tâm:
    Sau ngày 20-07-1954 Hiệp Ðịnh Genève có ghi “tất cả mọi quân nhân Pháp đều phải rời khỏi nước Việt Nam”, nhưng có một anh quân nhân Pháp có người vợ Việt Nam và 3 đứa con (2 trai, 1 gái) ở lại Ấp Mỹ Ðiền, Xã Long Ðiền Ðông để sinh sống. Hằng ngày anh quân nhân nầy làm thuê làm mướn cho những người giàu có ở đây. Nhưng không may cho anh là vợ anh bị bệnh, anh không dám đem vợ của anh đến bệnh viện Bạc Liêu để trị bệnh (vì bản thân anh trốn ở lại Việt Nam). Sau đó vợ anh chết, anh đem chôn xác vợ ngay tại chòi của anh ở. Mỗi ngày trước khi ăn cơm, 4 cha con dều dọn cơm cùng thức ăn ra trước phần mộ của vợ van vái, sau đó 4 cha con mới ăn. Năm 1960 trong đợt hành quân của Sư Ðoàn 21 (Trung Ðoàn 33) đã gặp anh tại đây, bộ chỉ huy Sư Ðoàn 21 gọi điện về cho Quân Khu IV báo cáo sự có mặt của anh quân nhân người Pháp nầy. Cuối cùng Tòa Ðại Sứ Pháp ở Sài Gòn lãnh anh cùng 3 người con về Pháp. Bản thân anh cùng 3 người con không muốn về Pháp chỉ muốn ở Việt Nam và sống chết cho quê hương Việt Nam. Nhưng đành gạt lệ để về Pháp.
    Lần qua Huyện Hồng Vân có các địa danh: Cái Chanh, Cái Nhum. Ðây cũng có con Rạch Cái Chanh Lớn đổ về Huyện Phước Long, cũng tại Huyện nầy Trung Tá Nguyễn Văn Sĩ là Quận Trưởng Quận Phước Long đã bị Cộng Sản tử hình sau ngày 30-04-1975.
    Ðoạn đường từ Tắc Vân đến Cà Mau, có Cái Ngang ở gần đầu lộ Tân Thành. Cuối cùng chúng ta đến Cà Mau là nơi tận cùng của đất nước. Tại Huyện U Minh có con Rạch Cái Tàu, chảy ra biển Rạch Giá, cư dân ở đây trồng rẫy: Như khoai, đậu cùng vườn cây ăn trái. Bước qua Huyện Cái Nước, đây là huyện xung quanh toàn là những rừng đước. Cây đước giúp ích cho người dân rất nhiều như: Dùng làm cột nhà, cột để đóng đáy ngoài sông, biển. Còn dùng làm chất đốt như: Than, củi. Ngoài địa danh Cái Nước ra, còn có Cái Nhum thuộc Xã Hưng Mỹ, Cái Rô thuộc Xã Lương Thế Trân. Cái Ðôi Xã Phú Tâm còn có Cái Ðôi Vàm, đây là con sông đổ ra biển.
    Huyện Ngọc Hiển (trước 1975 là Quận Năm Căn, tại đây có căn cứ Hải Quân, Hải Ðội 5 Duyên Phòng) ngoài ra còn có địa danh tên Cái Nải, chung quanh ở đây toàn là rừng đước.
    Huyện Ðầm Dơi có Cái Keo thuộc Xã Quách Phẩm, đồng bào ở đây làm ruộng, trồng khoai lang, khoai mì và đào ao nuôi cá. Cái Ngay ở Xã Thanh Tùng, có một sân chim rất lớn có đủ loại chim: Như cò Quắm, Gương Sen, Chàng Bè. Tại Xã Tân Duyệt nổi danh qua nghề dệt chiếu, đã được cố nghệ sĩ Út Trà Ôn ca bài “Tình Anh Bán Chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Ngoài ra còn có con Rạch Cái Bé, chảy ra biển Ðông.
    Tên nước, tên địa danh gắn liền với triều đại, với chế độ. Tên có bị thay đổi hay không cũng tùy thuộc vào sự tồn vong của chế độ đó. Mỗi một tấc đất là một tấc máu xương, của các bậc tiền nhân, anh hùng liệt nữ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Mỗi một địa danh là một chứng tích lịch sử, dù tên gọi của nước, địa danh có thay đổi. Nhưng nước ta, dân tộc ta thì muôn đời vẫn hiện hữu, là những kết quả tiếp nối của nhiều thế hệ, nhiều triều đại, nhiều chế độ đã tích lũy gần 5000 năm giữ nước và dựng nước là thực tại có giá trị trường cữu.
    VƯƠNG KIM HÙNG
    149 Cockatiel Cct
    GREEN VALLEY NSW 2168

    Gắn liền với địa danh Cái Tàu ở huyện U Minh còn có những tên gọi được nhiều người biết đến như: sông Cái Tàu, xóm Cái Tàu, chợ Cái Tàu, ngã ba Cái Tàu, vàm Cái Tàu.
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa danh “Cái Tàu” đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, trước cả thời kỳ Nguyễn Ánh bôn tẩu xứ Cà Mau. Đầu tiên là tên sông, rồi thành tên xóm, tên chợ, tên vàm… Con sông Cái Tàu dài khoảng 43 km, bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu, chảy qua xóm Cái Tàu về phía thị trấn U Minh rồi đổ ra Vịnh Thái Lan.
    Địa danh “Cái Tàu” mang nguồn gốc dân gian rất rõ nét. Chữ “Cái” được dùng cho tên gọi các dòng sông ở khắp ba miền của Tổ quốc. Những con sông lớn như: sông Hồng, sông Gianh, sông Tiền, sông Hậu… đều được người địa phương gọi là sông Cái. Tác giả Lê Bá Thảo viết trong sách “Đời sống con sông” (1960) đã khẳng định: “Sông Hồng cũng có tên gọi là sông Cái” với lý giải như sau: “Cái có nghĩa là mẹ. Nhân dân ta đã ví các con sông lớn chảy qua địa phận mình ở như con sông mẹ, còn các sông nhỏ đổ vào sông Cái gọi là sông Con”. Sách “Đại Nam quốc âm tự vị” (1895) của Huỳnh – Tịnh Paulus Của cũng giải thích sông Cái là “sông lớn, sông mẹ”.
    http://www.baocamau.com.vn/database/newsimg/nam%202011/thang%2008/ngay%2013/caitau.jpg
    Ảnh: Trái dâu – một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cái Tàu (Lê Hữu Lợi)
    Hầu hết các con sông lớn, sông chính của từng địa phương đều có tên gọi dân gian là “sông Cái” trước khi được đặt những tên khác. Và liên hệ với các địa danh mang từ tố “Cái” để thấy rằng, từ những tên gọi chung là “sông Cái” kết hợp với yếu tố khác (tên vùng đất, đặt điểm riêng…) trở thành những địa danh cụ thể: Cái Sắn, Cái Thia, Cái Bé (Kiên Giang), Cái Nước, Cái Tàu, Cái Rắn (Cà Mau), Cái Bè (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Cái Vồn (Vĩnh Long), Cái Răng (Cần Thơ)… Từ tên gọi chung theo thời gian được chuyển hóa thành tên gọi riêng là một trong những quy luật hình thành của địa danh.
    Về nguồn gốc của từ “Cái” thì nhiều tài liệu khẳng định đây là một từ thuần Việt, và đã được người Việt sử dụng từ rất sớm. Khoảng thế kỷ thứ VIII, khi vị anh hùng Phùng Hưng qua đời, dân chúng suy tôn ông là “Bố Cái Đại Vương”, chữ “Cái” (danh từ) ở đây có nghĩa là mẹ. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, với tác động của văn hóa, việc sử dụng từ tố này đã mang nhiều tầng ý nghĩa. Đầu tiên, “Cái” có nghĩa mẹ, và “sông Cái” có nghĩa là sông mẹ.
    Đặc điểm này tương đồng với cách gọi sông Mê-Kông của người Thái Lan và người Lào, họ dùng chữ “Mê-Kông” (phiên âm) để gọi tên con sông lớn với ý nghĩa “Kông” là sông,”Mê” là mẹ. Cách thức gọi những sự vật quan trọng, chính yếu là “Cái” có lẽ xuất phát từ nguồn gốc mẫu hệ xa xưa của cư dân Nam Á. Chính vì thế, từ này còn mang nghĩa phái sinh khác, “Cái” là chính, là giữa, là chủ yếu.
    Đối với địa danh “Cái Tàu”, bằng cách tiếp cận đầu tiên là sông Cái Tàu có thể giải thích: “Cái” là cách dân gian gọi con sông chính (hoặc sông mẹ), vì hai bên tả ngạn và hữu ngạn có rất nhiều sông rạch nhỏ chảy về nhiều hướng, dẫn nước hòa vào hệ thống sông rạch nhỏ nằm chằng chịt ở xứ U Minh.
    Về nguồn gốc chữ  “Tàu”, theo cách gọi của người xưa dùng để chỉ những vùng nước lợ. Có tài liệu giải thích, “Tàu” có nghĩa là lạt. Sông Cái Tàu ở U Minh có lẽ do được hòa lẫn bởi nước ngọt của sông Trèm Trẹm với nguồn nước mặn bên dòng Ông Đốc chảy qua rồi đổ ra Vịnh Thái Lan nên trở thành nước lợ, thứ nước lạt lạt, không mặn mà cũng không ngọt, được cư dân đến định cư sớm ở đây gọi là nước “tàu”. Như vậy có thể giải thích, địa danh “Cái Tàu” là dòng sông chính (sông Cái) nước lợ của vùng U Minh.
    Nguồn gốc địa danh Cái Tàu mang đậm màu sắc dân gian và lưu lại nhiều dấu tích của lưu dân thời kỳ khai phá vùng đất phương Nam. Địa danh này còn gắn liền với cuộc nổi dậy chống giặc Pháp của hai anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự vào cuối thế kỷ 19, đó là những năm sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ.
    Theo sử liệu, Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là con trai của ông Đỗ Văn Nhân (vốn là cử nhân dưới triều Nguyễn). Vào năm 1872, hai anh em họ Đỗ đã chiêu mộ nghĩa quân tại làng Khánh An để tổ chức nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra ác liệt tại vàm sông Cái Tàu và kéo dài được khoảng 3 năm.
    Nghĩa quân của anh em họ Đỗ đã thắng nhiều trận lớn, thu nhiều vũ khí của địch, giết và bắt sống nhiều tù binh. Tuy nhiên, do thế cùng lực kiệt, đến giữa năm 1875 thì không chịu nổi sức đàn áp của giặc Pháp, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự bị giết vào ngày 3/8/1875. Hiện nay, mộ của hai ông vẫn được con cháu dòng họ Đỗ chăm nom và có tổ chức cúng giỗ hằng năm.
    Điều đáng lưu ý là cuộc khởi nghĩa này có hàng trăm nghĩa quân và hào kiệt các nơi tập hợp về để tham gia, trong đó có sự tham gia của Trương Quyền, con trai của Bình Tây Đại Nguyên Soái – Trương Định, và hai người con trai của cụ Phan Thanh Giản ở Bến Tre là Phan Tôn (tự là Quý Tướng) và Phan Liêm (tức Phan Thanh Liêm). Sau khi thân phụ tuẫn tiết, hai ông khởi binh chống Pháp ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc (1867-1870) và bí mật đến rừng U Minh góp sức cùng họ Đỗ khởi binh.
    Cuộc khởi nghĩa của Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn ở nhiều nơi, làm cho giặc Pháp khiếp sợ, phải huy động nhiều lực lượng để đàn áp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Việt Nam ở mảnh đất cuối trời Tổ quốc vào thời kỳ tiền cách mạng.

    Tên cầm thú đi vào địa danh Nam Bộ


    EmailIn
    1.Nam Bộ vốn là vùng đất hoang vu một thời gian dài, được khẩn hoang trở lại trong năm ba trăm năm trở lại đây. Vì vậy, có hàng trăm địa danh mang tên các cầm thú ở vùng đất mới này. Trong bài viết sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số địa danh mang tên các động vật tương đối ít phổ biến hoặc nay không còn ở đây nữa.
    2. Địa danh mang tên cầm thú có nhiều loại.
    Ba Khía là đường phố ở tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ba Khía là “loại còng vỏ tím, nhỏ con, càng ngoe dẹp có cạnh” [4].
    Bãi Vọp là địa điểm ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bãi Vọp là “khoảng đất bồi ven biển có nhiều vọp – động vật thân mềm hình dạng giống như ngao”[7].
    Bồng Bồng là mương ở  huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Bồng Bồng là chim cùng loại với vịt trời nhưng lớn hơn.
    Bù Mắt là rạch nhánh của sông Bảy Háp, tỉnh Cà Mau. Cách tỉnh lị An Xuyên khoảng 55 km theo đường thủy và xa mũi Ba Quan 5 km. Cũng gọi Mang Dỗ. Bù Mắt vì có rất nhiều bù mắt,“một loại côn trùng hút máu như muỗi”.
    Bưng Trích là địa điểm ở tỉnh Sóc Trăng. Bưng Trích gốc Khmer Bâng Trích, nghĩa là “bưng chim trích” – một loại chim sống nơi đất bưng, nay có thể không còn [6].
    Cá Lăng là đường ở hai xã Phú Hòa và Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, tp. HCM, dài 3.825m, được đặt ngày 7-4-2000. Cá lăng là “tên giống cá không vảy, giống cá tra cá vồ, ở nước ngọt” [4].
    Cá Lóc là rạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cá Lóc là thứ cá nước ngọt mà miền Bắc gọi là cá chuối, cá quả; miền Trung gọi là cá tràu.
    Cá Ngát là rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Cá Ngát là “loại cá cùng họ với cá lăng nhưng lớn con hơn” [4].
    Cá Tra là rạch ở huyện Nhà Bè, tp. HCM. Cá Tra nửa thuần Việt nửa gốc Khmer Pra [3], là “loại cá nước ngọt, không vảy, lưng đen, bụng trắng, mình có lớp mỡ dày”.
    Cá Vồ là rạch ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, tp. HCM và rạch ở tỉnh Vĩnh Long. Cá Vồ là “thứ cá lớn đầu, cùng loại với cá tra, nên cũng gọi là cá tra vồ”.Giồng Cá Vồ  là khu vực thuộc ấp Hoà Hiệp, xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, tp. HCM. Nơi đây ngành khảo cổ học đã phát hiện 10 mộ đất, 301 mộ chum với 283 mộ còn di cốt người. Phần lớn di cốt trong chum được người cổ mai táng theo tư thế ngồi bó gối. Ngoài ra còn tìm được 6 giáo sắt, 4 lao sắt, 3 dao sắt, 4 đục sắt, nhiều lưỡi câu sắt, 2 rìu đồng, 1 giáo đồng, nồi đồng, bình bát, 37 tượng có 2-4 đầu chim, 2.916 hạt chuỗi, 476 vòng đeo tay, 263 khuyên tai... Niên đại cách đây độ 2.500 năm [3].
    Cái Bông là rạch ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cái Bông là “rạch cá bông” – loại cá lóc lớn con hơn và mình có hoa” [7].
    Cái Côn là rạch ở tỉnh Sóc Trăng và là cầu ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng. Cái Côn là “rạch cá côn-một loại cá lớn con ở biển” [4].
    Cái Lóc là rạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cái Lóc là “rạch cá lóc”- loại cá mà miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối, miền Trung gọi là cá tràu.
    Càng Long     là huyện của  tỉnh Trà Vinh, diện tích 283,2km2, dân số 156.600 người (2006), gồm thị trấn Càng Long và 13 xã. Cũng viết Càn Long [11].  Càng Long gốc Khmer An Loong, nghĩa là “con ong bầu” [5]. Ở đây có lẽ do ngữ âm gần giống nhau nên người ta đã mượn Càng Long  thay An Loong [3].
    Đường Phèn là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường Phèn là “đường nước có nhiều cá phèn”- ở Nam Bộ có hai loại cá phèn: cá phèn vàng, với vây ngực màu đen, tua ngắn và cá phèn trắng, tua dài gấp hai lần thân của nó [5].
    Sáo Sậu là rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM.
    Sáo sậu vốn là giống chim sáo mỏ đen, có khoang trắng ở cổ.
    Cầu Sấu là rạch ở đầu đường Hàm Nghi, quận 1, tp. HCM, có từ đầu nhà Nguyễn, từ khu ao đầm phía trong chảy ra rạch Bến Nghé. Năm 1892, rạch này bị lấp. Gọi là Cầu Sấu vì ở ngay vàm rạch, bãi sông Sài Gòn, có vòng rào dự trữ cá sấu để bán và có cầu ra bắt cá sấu [8].
    Cầu Vạc là suối ở xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cầu Vạc  là chiếc cầu mà ngày xưa vạc đi ăn đêm thường đậu nơi đây [10].
    Cao Cát là đảo trong quần đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, rộng 80ha, cao 34m. Cao Cát là loại hồng hoàng nhỏ con [2].
    Chàng Bè là đảo ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cũng gọi Thằng Bè, tên một “loại chim lớn hay thả trên mặt nước” [2].
    Chốt  là rạch ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Cá Chốt là chợ ở xã Vĩnh Hựu,  huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Chốt là loại cá nhỏ, sọ giẹp và to, có hai ngạnh bén và râu đâm ngang [4].
    Cồng Cộc là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cồng Cộc là loại “chim có lông màu đen, to bằng chim le le, hay lặn xuống nước để bắt cá” [5].
    Thằng Cộc là cù lao ở làng An Thạnh Nhì, tổng Định Mỹ, tỉnh Sóc Trăng. Người Khmer gọi là Koh Kaàt Thom [9], nghĩa là “cù lao con cồng cộc lớn” và Koh Kaàt Toc “cù lao cồng cộc nhỏ” [11]. Thằng Cộc là gọi chệch tên chim Cồng Cộc.
    Cúm là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cúm, còn gọi là cúm núm, là “loại chim sống ở nước cùng họ với cuốc, có lông màu xám” [4].
    Ngọn Dừa là rạch ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngọn Dừa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông có nhiều cá dừa – một loại cá giống cá soát nhưng lớn xác và ít ăn tạp hơn” [4].
    Ốc Len là rạch ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 1.000m. Ốc Len là thứ ốc ở rừng sác, to bằng ngón tay cái, vỏ dài và thon, ruột xanh, đen và vàng, thường bám theo các cây đước, vẹt, bần hoặc trên các tảng đá khi nước lên [3].
    Vược là rạch ở tỉnh Vĩnh Long và là rạch nhỏ ở Hà Tiên, chảy qua phía đông núi Tô Châu và thị xã Hà Tiên vào Đông Hồ. Tên chữ là Lư Khê.Vược là tên một loại cá biển to con, thịt mềm ngon [4].
    Cần Đước là huyện của tỉnh Long An, diện tích 218,1km2, dân số 161.900 người (2006), gồm thị trấn Cần Đước và 16 xã. Cần Đước gốc Khmer Andơk [8], nghĩa là “con rùa” [9]. Cần Đước không những là đd mà còn là từ chỉ con vật: con cần đước.
    Cần Thay là sông bắt nguồn từ sông Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cần Thay gốc Khmer Banlê Ansay [9]. Ansay là tên một giống rùa quí, dành cho vua [2].
    Cần Thơ trước hết là con rạch chảy ra sông Hậu ở phía hữu ngạn, ở phía đông thành phố Cần Thơ, rộng 4 trượng (19,48m), sâu 2,5 trượng (12,175m). Tiếp theo, Cần Thơ là tỉnh ở Nam Bộđược thành lập ngày 20-12-1899, đến ngày 22-10-1956 đổi thành tỉnh lỵ của tỉnh Phong Dinh. Kế đến, Cầ Thơ  là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 11-2003. Diện tích 1389,59km2, dân số 1.112.121 người (2006). Thành phố gồm 4 quận: Bình Thuỷ, Cái Răng, Ninh Kiều, Ô Môn và 4 huyện: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Sau cùng, Cần Thơ là tên cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long với thành phố Cần Thơ, khởi công xây dựng tháng 9-2004, khánh thành ngày 24-4-2010. Cầu có tổng chiều dài 15.850m, trong đó cầu chính dài 2.750m, rộng 24,8m cho bốn làn xe và hai lề bộ hành, đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long dài 5.410m, đường dẫn phía thành phố Cần Thơ dài 7.600m.
    Cần Thơ gốc Khmer Kìn Tho, nghĩa là “cá sặt rằn”[1], cũng gọi là “cá lò tho”, vì trong lòng rạch có nhiều cá này. Các giả thuyết do Cầm Thi (giang), Cần Thơm nói chệch là không có cơ sở khoa học.

    Cổ Lịch là rạch và cầu ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cổ Lịch là (dòng nước) nhỏ và cong giống cổ con lịch [2]. Lịch là loại cá mình dẹp, mềm mại, da đen, trơn láng, răng sắc nhọn, rất hung dữ.
    Mỏ Ó là bãi biển ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nổi tiếng về vẻ đẹp. Mò Ó có lẽ là ó biển, một loài ó lớn, hay ở biển, có tài bắt cá.
           Mỏ Nhát là sông ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỏ Nhát là “thứ chim ruộng nhỏ con và dài mỏ” [2].
    Tri Tôn là huyện của tỉnh An Giang, diện tích 598,1km2, dân số 112.000 người (2006), gồm 2 thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã. Địa danh này được HV  hoá năm 1956.
    Tri Tôn gốc Khmer, nguyên dạng Sva Téanh hay Sva Tôn, nghĩa là “khỉ níu kéo” vì ngày xưa đây là vùng hoang dã, khỉ thường quấy rối khách qua đường 9. Sở dĩ Xà Tón bị nói chệch thành Tri Tôn vì trong tiếng Việt đã có sẵn từ tổ Tri Tôn (x.Tri Tôn ở mục từ trên) giống như các địa danh Kế Sách, Phó Bảng, Rù Rì [3]. Tri Tôn là “biết tôn trọng”.
    3.Trong các tên thú nêu trên, một số cũng có ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng mang những tên khác; còn một số chỉ có ở Nam Bộ. Chính những địa danh mang các tên thú này tạo cho địa danh Nam Bộ có một đặc trưng mà địa danh ở các vùng khác không có.
               TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.
    2.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
    3.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
    4.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
    5.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
    6.Nguyễn Thanh Bình, Nguồn gốc địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng, trong “Tài liệu hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước 1945”, bản đánh máy, 2000.
    7.Nguyễn Thị Kim Phượng, Nghiên cứu địa danh ở tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.
    8.Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, Nxb Văn nghệ, tp. HCM, 1994.
    9.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.
    10.Võ Nữ Hạnh Trang, Văn hoá qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ Văn hoá học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2006.
    11.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.





    Keine Kommentare:

    Kommentar veröffentlichen