Sonntag, 7. Februar 2021

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 Hai mươi lăm năm đã trôi qua (1994 - 2019) dẫu chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi của lịch sử nhưng cũng đủ để chứng minh cho sự thành công của một mô hình mới, mô hình Trường - Viện. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM không được nhà nước cấp ngân sách mà vẫn đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành y tế và nghiên cứu khoa học với những đề tài có tầm cỡ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.   


Nhớ lại chặng đường đã qua, mỗi cán bộ, viên chức bệnh viện đều nhận thấy rất rõ dấu ấn của quý Thầy, Cô giáo, những lãnh đạo các cấp thuộc nhiều thế hệ và những người từng tham gia bảo trợ cho Trường Đại học Y Dược TPHCM, đã đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự hình thành và phát triển của Bệnh viện.

Trong khoảng 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn dân, nhất là các nhà khoa học, đều trăn trở đi tìm một giải pháp đổi mới để phát triển. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã mang đến một sinh khí mới, “mở cửa” đổi mới toàn diện từ tư tưởng, tư duy đến cải cách kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII (1991), nền kinh tế đã bắt đầu ngưng tụt dốc. Một niềm tin và hy vọng mới tràn vào trong mỗi Thầy, Cô giáo, cán bộ, viên chức Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Trong các cuộc họp, Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Dược TPHCM đã thảo luận rất nhiều về xây dựng một bệnh viện thực hành trực thuộc nhà trường. Ý tưởng và khát vọng là vậy nhưng thực hiện như thế nào, các bước đi cụ thể sẽ ra sao trong khi vẫn còn nhiều rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp cũ, cái mới chưa có hình hài, cái cũ không phù hợp vẫn chưa kịp xóa, không vốn, không kinh nghiệm, tất cả đều phải tự mày mò tìm lấy đường đi.

Khi thời cơ đến, GS TS. Trương Công Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM đã có những chủ trương thích hợp và kịp thời.
GS TS. Trương Công Trung xuất thân trong một gia đình trí thức, danh gia vọng tộc ở Nam Bộ, thân phụ Ông là Chánh Chủ tỉnh Vĩnh Long - hậu duệ đời thứ 6 của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định. Năm 1960, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên Xô, Ông đã bí mật trở về Nam Bộ theo con đường huyền thoại “Hồ Chí Minh trên biển” trên một con tàu “không số” để tham gia tổ chức, xây dựng mạng lưới quân dân y cho chiến trường Nam Bộ. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII, Anh hùng lao động, Đại tá Quân y, là người có uy tín lớn trong giới trí thức và ngành y tế của cả nước.                                

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS TS. Trương Công Trung.

Tháng 10/1991, Ông lập tờ trình xin Bộ Y tế cho thành lập một cơ sở khám chữa bệnh và đã nhận được sự đồng thuận về chủ trương của lãnh đạo Bộ.

Để có được cơ sở ban đầu, ngày 23/3/1992, GS TS. Trương Công Trung ký quyết định cho sửa chữa khối nhà Hiệu bộ 03 tầng của trường ĐHYD TPHCM - số 07 Đặng Thái Thân (nay là số 215 Hồng Bàng) thành Phòng khám Đại học Y Dược TPHCM với tổng diện tích xây dựng 2.736 m2, dự kiến có 02 phòng mổ, 60 giường bệnh, có đầy đủ các trang thiết bị cho hoạt động bước đầu. GS TS. Nguyễn Đình Hối, Trưởng Khoa Y – Trường Đại học Y Dược TPHCM trực tiếp điều hành và chỉ đạo việc cải tạo, xây dựng.

Chủ trương đã có nhưng cái khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn, Ban Giám hiệu đã có nhiều cuộc họp, bàn việc hợp tác với các đối tác có khả năng trong và ngoài nước, cá nhân cũng như doanh nghiệp, nhưng đều không thành công vì nhiều lý do khác nhau…
                                               

 
Nhà giáo nhân dân, GS TS. Nguyễn Đình Hối.

Nhà trường muốn Phòng khám hoạt động phi lợi nhuận, tự chủ, để đạt mục tiêu: Khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, gắn liền với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thời gian này, BS. Phan Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Y là Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM đã tiếp xúc với ông Trần Tuấn Tài (cũng là Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa. Ông Trần Tuấn Tài là một doanh nhân lớn, tâm huyết với ngành y, Ông lại quen thân với ông Phạm Văn Tùng (thân phụ BS. Phạm Văn Tấn - Giảng viên bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược TPHCM). Trước 1975, Ông Tùng hoạt động cách mạng trong Ban Kinh tài của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đóng vai một nhà tư sản Sài Gòn, có trụ sở tại Phnompênh - Campuchia, Ông quen thân với các nhà tư sản người Hoa, trong đó có Ông Trần Tuấn Tài.

Được Ban Giám hiệu “bật đèn”, BS. Phạm Văn Tấn đã tổ chức cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa Ông Trần Tuấn Tài và GS TS. Nguyễn Đình Hối. Ngay sau những phút đầu làm quen, Ông Trần Tuấn Tài đã nhận thấy GS TS. Nguyễn Đình Hối là một con người thông tuệ và đáng tin cậy, Ông cảm nhận ngay sự thành công của đề án xây dựng Phòng khám Đại học Y Dược TPHCM. Cuối buổi gặp, chúng ta hãy nghe họ đàm đạo:
- Ông có thể cho vay được bao nhiêu?
Giáo sư muốn vay bao nhiêu cũng có.
- Ông có thể cho thời hạn vay là bao lâu?
Giáo sư muốn trả trong bao nhiêu lâu cũng được.
- Ông có thể cho biết lãi suất là bao nhiêu?
Giáo sư xây dựng Phòng khám nên chúng tôi không tính lãi suất.

Cuộc đối thoại ngắn ngủi ấy cứ ngân nga mãi trong chúng tôi như một câu chuyện huyền thoại về đối nhân xử thế giữa những kẻ sĩ, những người tri kỷ, và GS. Hối cũng đáp lại bằng tấm lòng của người quân tử, tri âm.


Từ trái: Ông Trần Tuấn Tài, GS Nguyễn Đình Hối, BS Võ Văn Trương.
                         
Trường Đai học Y Dược TPHCM cử GS TS. Nguyễn Đình Hối, BS. Nguyễn Anh Nam, BS. Võ Văn Trương, BS. Phan Chiến Thắng, CN. Trần Thị Minh Phương. Ban Bảo trợ khoa Y của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Hoa cử ông Trần Tuấn Tài và ông Diệp Vĩ Nam… tham gia Ban Điều hành Phòng khám.

Khi Phòng khám bắt đầu hoạt động, BS. Lê Văn Quang - Giảng viên Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược TPHCM – Trợ lý Trưởng Phòng khám nhớ lại: Ngày đầu tiên Phòng khám thu được khoảng 03 triệu đồng, trong khi vốn vay đầu tư là khoảng 1 triệu đô la Mỹ. Cán bộ, viên chức không có lương tháng mà chỉ nhận phụ cấp. Bác sĩ nhận 800.000 đồng/tháng, điều dưỡng 500.000 đồng/tháng do Ban bảo trợ khoa Y của Ngân hàng Việt Hoa hỗ trợ.

Điều dưỡng Vương Thị Nguyệt nhớ lại: “Mẹ tôi là bệnh nhân cũ của GS. Hối, bà thường mơ ước con mình sẽ được làm việc với Thầy nên khi Phòng khám thành lập, tôi mang theo ước mơ của mẹ đến nộp đơn để được làm việc tại đây. Việc này đã làm cho bạn bè bàn luận rất nhiều, vì lúc đó tôi đang làm việc ổn định tại Viện tim, mức lương 1.218.000 đồng/tháng, trong khi đó làm điều dưỡng tại Phòng khám không có lương, chỉ được phụ cấp 500.000 đồng/tháng”.

Dụng cụ thiếu, vào các ngày nghỉ, BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giảng viên Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Dược TPHCM lại “lang thang” khắp các chợ trời ở Sài Gòn tìm mua các món đồ thích hợp, từng cái kẹp cầm máu, kẹp cặp kim đến các tép chỉ khâu… Còn BS. Lê Văn Quang, cứ mỗi chiều thứ bảy lại đến chợ Tân Bình để thuê một “nghệ nhân mài dao” mài lại các con dao mổ cho Phòng khám.

GS TS. Nguyễn Đình Hối đã động viên tất cả cán bộ, viên chức ưu tiên dành tiền trả nợ, không lạm dụng lòng tốt, không được dây dưa. Lời của Thầy, cách xử thế của Thầy đã thuyết phục cán bộ, viên chức, tất cả đều vui vẻ hưởng ứng, cùng “thắt lưng, buộc bụng”, chia sẻ những khó khăn. Hai năm sau, Bệnh viện đã trả xong tiền vay mặc dù điều kiện về thời hạn là “Giáo sư muốn trả trong bao nhiêu lâu cũng được”.
                           

Ông Trần Tuấn Tài (bên trái) và GS TS. Nguyễn Đình Hối (bên phải) khởi công xây dựng phòng khám
=
Tên “Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y Dược TPHCM có giường lưu” cũng là một sự vận dụng tuyệt vời của GS TS. Nguyễn Đình Hối. Thời kỳ đó, việc xin phép mở bệnh viện rất khó khăn, phải qua nhiều thủ tục, nhiều phê duyệt của các ban ngành khác nhau từ thành phố đến trung ương. Khó khăn đến mức dường như không thể...
Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là GS TS. Nguyễn Trọng Nhân khuyên nên tổ chức phòng khám đa khoa sẽ dễ dàng hơn, Bộ Y tế có thể phê duyệt ngay… Nhưng nếu chỉ là phòng khám đa khoa lại không đủ chức năng. GS TS. Nguyễn Đình Hối đề nghị thêm 03 chữ “có giường lưu”. Đề nghị này có thể xem như một sáng tạo đột phá vì “có giường lưu” có nghĩa là có phòng ở cho người bệnh nội trú, có phòng mổ, có các hoạt động như một bệnh viện.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế GS TS. Nguyễn Trọng Nhân.

 
Ngày 20/01/1994, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân ký quyết định thành lập “Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y Dược TPHCM có giường lưu”. Trưởng Phòng khám là GS TS. Nguyễn Đình Hối, các Phó Phòng khám là BS. Võ Văn Trương và BS. Phan Chiến Thắng, Trợ lý Tài chính Kế toán là CN Trần Thị Minh Phương, Trợ lý Trưởng phòng khám là BS. Lê Văn Quang, Trợ lý Quản trị thiết bị là KS. Nguyễn Lý Nhật, Trợ lý Hành chính - Tổ chức là CN. Đỗ Hồng Công, BS. Nguyễn Hoàng Bắc trực tiếp tham gia cải tạo, tìm kiếm trang thiết bị, dụng cụ cho Phòng khám.
 

GS.TS Nguyễn Đình Hối khai trương Phòng khám.


 
Ngày 10/4/1994, Phòng khám Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y Dược TPHCM khai trương với 01 khu tiếp nhận, các phòng khám Nội, Ngoại, Phụ Sản, Tai – Mũi - Họng, Mắt và 18 giường lưu bệnh. Phụ trách chuyên môn là những thầy thuốc, thầy giáo nổi tiếng trong các lĩnh vực chuyên ngành:
- Tim mạch: GS, Nguyễn Thị Trúc, TS. Đặng Vạn Phước
- Phổi: PGS. Nguyễn Xuân Nghiêm, BS. Phạm Long Trung
- Thần kinh: GS. Lê Xuân Trung, BS. Lê Minh
- Tiêu hóa - Gan mật: GS TS. Trương Công Trung, GS TS. Nguyễn Đình Hối, BS. Lê Văn Quang, BS. Nguyễn Văn Thông, BS. Đỗ Đình Công, BS. Nguyễn Văn Hải.
- Mạch máu ngoại biên: GS TS. Nguyễn Khánh Dư, BS. Lê Nữ Hòa Hiệp
- Xương khớp: GS. Nguyễn Quang Long, G.S Ngô Bảo Khang
- Niệu khoa: GS. Trần Văn Sáng, BS. Nguyễn Minh Quang
-Nội tiết: PGS. Mai Thế Trạch, BS. Nguyễn Thy Khuê
- Huyết học: PGS. Trần Văn Bé, PGS. Trần Văn Bình
- Phụ khoa: GS. Lê Văn Điển, BS. Trần Thị Minh Châu
- Mắt: PGS. Võ Quang Nghiêm, PGS. Nguyễn Xuân Trường, PGS. Đoàn Trọng Hậu,
- Tai Mũi Họng: GS. Võ Tấn, GS. Nguyễn Văn Đức, PGS. Nguyễn Đình Bảng
- Gây mê - Hồi sức: TS. Phan Thị Hồ Hải, BS. Phạm Thị Ngân, BS. Nguyễn Văn Chừng.
- X-quang: BS. Huỳnh Minh Hùng, BS. Tạ Duy Chinh.
- Nội soi: BS. Trần Kiều Miên, TS. Trương Bá Trung.
- Siêu âm: BS. Nguyễn Thiện Khánh, BS. Võ Tấn Đức, BS. Nguyễn Thị Diễm Vân.
- Xét nghiệm: GS. Phạm Hoàng Phiệt, GS. Đỗ Đình Hồ, BS. Nguyễn Thị Ngọc Liên.
- Giải phẫu bệnh: PGS. Trần Phương Hạnh, BS. Nguyễn Sào Trung, BS. Trần Thị Vân Anh. 
- Dược: DS. Trần Thị Kim Dung.

Một số cán bộ, viên chức tham gia từ những ngày đầu thành lập, nay vẫn còn công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: ĐD. Lê Thị Anh Đào, ĐD. Vương Minh Nguyệt, ĐD. Nguyễn Thị Ngọc, ĐD. Trần Thị Kim Hạnh, ĐD. Lê Thị Anh Hoa, ĐD. Nguyễn Trần Kim Trinh, ĐD. Nguyễn Thị Viên, ĐD. Lê Thị Bích Huệ, KTV. Lê Văn Hậu, KTV. Nguyễn Văn Được, ĐD. Lê Thị Kim Anh, ĐD. Huỳnh Bích Vân, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Diện, dược tá Trịnh Thanh Mai, và các nhân viên: Trần Đức Long, Trần Thị Thoa, Huỳnh Văn Phước, Đoàn Văn Phê, Phạm Quang Vinh, Nguyễn Thị Ngọc Thu.

Một số cán bộ, viên chức tham gia từ những ngày đầu hiện đã nghỉ hoặc chuyển công tác nơi khác: BS. Phạm Thị Ngân, ĐD. Nguyễn Kim Liên, ĐD. Nguyễn Thị Hiếu Phương, ĐD. Tề Thị Mỹ Dung, ĐD. Dương Tung, BS. Huỳnh Minh Hùng, kế toán Võ Thanh Hùng và các nhân viên: Phan Thị Thanh Hồng, Đặng Duy Tiên, Trần Công Tho, Nguyễn Khánh Phượng, Bùi Thị Mỹ Cảnh, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Võ Thị Nga, Thái Anh, Sử Ái Liên, Trần Thị Khanh, Giang Nguyệt Nga, Cao Ngọc Muội, Nguyễn Thị Ngọc Đáng, Võ Văn Bê, Huỳnh Văn Chánh, Nguyễn Xuân Minh, Lê Văn Hội, Phạm Văn Bình, Lê Quang Lưỡng, Trần Thị Cẩm Linh, Đào Thị Thọ, Lê Tấn Hiển, Ngô Thị Tuyết Loan, Trương Hà Nữ, Vương Tuyết Phương, Lê Minh Cương, Vũ Hồng Sơn, Trần Văn Hóa, Trương Mỹ Kiều.

Thời gian đầu, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người bệnh đến khám, một số bộ môn của Trường Đại học Y Dược TPHCM vì những lý do riêng cũng không tham gia, khó khăn không chỉ đến từ bên ngoài. Nhưng với định hướng đúng đắn của lãnh đạo, quyết tâm rất lớn của toàn thể cán bộ, viên chức và uy tín của nhà trường người dân đến khám bệnh ngày càng đông.

Ngày 18/10/2000, GS TS. Đỗ Nguyên Phương - Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 3639/2000/QĐ-BYT về việc thành lập “Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM”.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là bệnh viện bán công hoạt động theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao.
                                        

 Bộ trưởng Bộ Y tế GS TS. Đỗ Nguyên Phương.

Bệnh viện thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị:
- Phòng khám đa khoa thuộc Trường Đại học Y Dược TPHCM.
- Phòng khám bệnh tập thể ngoài giờ thuộc Trường Trung học Kỹ thuật Y tế III nay là khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học thuộc Đại học Y Dược TPHCM.
- Cơ sở khám chữa bệnh nội, ngoại trú Trường Trung học Y tế Cổ truyền Tuệ Tĩnh II nay là Khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TPHCM.
Từ đây, Bệnh viện đã có thời cơ mới nhưng cũng đòi hỏi những bước phát triển mới, phải xây dựng một bệnh viện hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện tiên tiến khác trong khu vực, GS TS. Nguyễn Đình Hối đã tập hợp được một đội ngũ gồm những người bạn và những học trò tâm huyết hết lòng vì mục tiêu chung.
Ban Giám đốc Bệnh viện gồm: GS TS. Nguyễn Đình Hối - Giám đốc, PGS TS. Phan Chiến Thắng - Phó Giám đốc (sau này bổ sung thêm 02 Phó Giám đốc: PGS DS. Vũ Khánh từ 2001 đến 2007 và ThS. Nguyễn Hoàng Bắc từ 2004 đến tháng 4/2015), CN. Trần Thị Minh Phương - Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CN. Võ Thanh Hùng - Kế toán trưởng.
GS TS. Nguyễn Đình Hối cùng các Phó Giám đốc đã đến gặp Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng để trình bày và được Phó Thủ tướng đồng ý chấp thuận cho Bệnh viện vay vốn với lãi suất ưu đãi nhất. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng rất quan tâm đến việc mở rộng và phát triển Bệnh viện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM lúc đó là ông Võ Viết Thanh và Kiến trúc sư trưởng TPHCM Lê Văn Năm là những người trực tiếp đến Bệnh viện nghe báo cáo, khảo sát phê duyệt cho khu đất 5.332 m2 bên cạnh Bệnh viện để xây dựng tòa nhà mới. Thời điểm đó, “khu đất vàng” này đã được quy hoạch xây dựng chung cư và đang chờ UBND TPHCM phê duyệt. Nhà trường đã phải bàn giao cho Quận 5 khu đất của khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học tại số 155 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, để làm khu tái định cư cho hơn 170 hộ dân đang sống tại đây. Việc hoán đổi này cũng là một quyết tâm rất lớn của nhà trường, được sự đồng thuận của GS. Đỗ Đình Hồ (Trưởng Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học) và toàn thể cán bộ, viên chức trong Khoa vì lợi ích chung của nhà trường.

Thời kỳ này, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng là một người bạn thân thiết của GS TS. Nguyễn Đình Hối, suốt thời gian còn tại chức và cả đến khi nghỉ hưu cũng vậy, Ông vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của Bệnh viện và tư vấn những vấn đề lớn cho Ban Giám đốc.
                                        

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Đặc biệt là PGS TS. Trần Thị Trung Chiến - Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách phía Nam, sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế, đã rất quan tâm đến công tác xã hội hóa. Là người đứng đầu ngành Y tế, là thành viên của Chính phủ, nhiều trọng trách nhưng Bà đã luôn quan tâm, ủng hộ, theo dõi từng bước hoạt động của Bệnh viện để có những chỉ đạo cụ thể giúp Bệnh viện kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Có thể nói, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong suốt quá trình hình thành và phát triển luôn gắn liền với hình ảnh tận tụy, năng động của Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến.
Để có được mảnh đất thật đẹp là cả một chặng đường gian nan và việc xin đất mở rộng và nâng cấp Bệnh viện cần phải có những lộ trình thích hợp. Y hiệu của Bệnh viện và uy tín của GS TS. Nguyễn Đình Hối là những đảm bảo chắc chắn cho mọi sự tháo gỡ, nhưng thiết kế xây dựng Bệnh viện ra sao thì chưa ai có thể hình dung nổi.
                                                

Thầy thuốc nhân dân, PGS TS. Trần Thị Trung Chiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khi Bộ Y tế cho xây dựng bệnh viện 500 giường đầu tiên, lớn nhất Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai, GS TS. Nguyễn Đình Hối đã nhiều lần ghé thăm. Đi công tác trong nước cũng như ngoài nước, GS. Hối đều tranh thủ tìm hiểu về thiết kế, xây dựng bệnh viện.
GS TS. Nguyễn Đình Hối và KS. Nguyễn Lý Nhật còn đến gặp hiệu trưởng các Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM, Đại học Xây dựng Hà Nội và Viện trưởng Viện Thiết kế kiến trúc TP. HCM… để tìm một thiết kế phù hợp nhưng đều không thấy thật thỏa mãn. Không tìm được nhà thiết kế trong nước, GS. Hối liên hệ với các công ty thiết kế nước ngoài với yêu cầu: Thiết kế hợp lý, hiện đại, giá cả chấp thuận. Cuối cùng, bản thiết kế của Công ty Yooil - Hàn Quốc với mô hình một bệnh viện 15 tầng lầu và 02 tầng hầm được chấp thuận. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc cho phép công ty nước ngoài thiết kế bệnh viện là một việc làm mới mẻ chưa có tiền lệ. Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Giám đốc Bệnh viện đã vận dụng chủ trương xã hội hóa trong ngành Y tế nên những điều tưởng như không thể đã trở thành có thể và thực hiện được.

Tháng 7/2008, GS TS. Nguyễn Đình Hối chính thức nghỉ hưu, trong khi đó, mọi công việc về xây dựng Bệnh viện, phát triển chuyên ngành, tìm kiếm trang thiết bị vẫn còn ngổn ngang. Giai đoạn này có rất nhiều khó khăn: Bệnh viện trước đây hoạt động theo mô hình bán công (theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP), nay phải chuyển đổi sang mô hình công lập. Lý do: Một phần cơ sở vật chất Bệnh viện có nguồn từ ngân sách nhà nước và phần lớn cán bộ, viên chức Bệnh viện cũng đồng thời là cán bộ, viên chức của nhà trường. Việc xây dựng tòa nhà mới cũng chậm trễ một thời gian dài vì giá vật tư liên tục tăng, một quyết định điều chỉnh giá vừa phê duyệt xong thì đã “lạc hậu” ngay so với thị trường… Trước tình hình này, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Đại học Y Dược TPHCM đã nhiều lần họp và đề ra nghị quyết:
- Thực hiện chuyển đổi cơ chế hoạt động của Bệnh viện nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định, phát triển.
- Dù có nhiều biến động về giá cả vật tư xây dựng, vẫn phải tiến hành xây dựng Bệnh viện.
- Tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để có cơ chế hoạt động mới, phù hợp với quá trình xã hội hóa theo các Nghị định của Chính phủ.

Để đảm bảo các mục tiêu trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhất trí đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế bổ nhiệm PGS TS. Phan Chiến Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM kiêm nhiệm quyền Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từ tháng 07/2008 và Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từ tháng 9/2008 đến tháng 02/2010.

PGS TS. Phan Chiến Thắng là một thầy thuốc, thầy giáo chuyên ngành Mô học và Di truyền học, Ông còn là Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy Đại học Y Dược TPHCM, rất tận tụy và tinh tế trong công việc. Để thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành, đảm bảo thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, PGS TS. Phan Chiến Thắng đã mời:
- GS TS. Nguyễn Đình Hối làm cố vấn, điều hành lĩnh vực chuyên môn như thời gian GS. Hối còn là Giám đốc, tiếp tục tham gia công tác khám bệnh, hội chẩn, dạy học. Sức làm việc của GS thật dồi dào, mỗi sáng, Thầy vẫn chủ trì giao ban duyệt mổ. Gần Thầy, chúng tôi học được nhiều bài học quý giá không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm trong khám chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn cả về sự tinh tế trong văn hóa, trong giao tiếp, về tình yêu cuộc sống và lòng yêu thương con người.
                                                    

 
Nhà giáo ưu tú PGS TS. Phan Chiến Thắng.

- GS TS. Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM, một trong những “Cây đại thụ” của ngành Nội Khoa, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, GS đầu ngành Tim mạch học, kiêm nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện (từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2012). Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, GS. Phước được Ban Giám đốc Bệnh viện mời làm cố vấn và Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện. Hiện GS. Phước đang là Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch học TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Y – Đại học Quốc gia TPHCM.
                                               

Nhà giáo nhân dân GS TS. Đặng Vạn Phước
.

Giai đoạn này nền kinh tế cả nước có nhiều khó khăn, giá vật tư xây dựng tăng, tiến độ thi công chậm, nhà thầu liên tục đề nghị điều chỉnh giá, Ban Giám đốc lại phải thay đổi dự toán, giấy phép, thủ tục, tìm kiếm nguồn vốn vay hợp lý… vì xây dựng chậm một ngày là thêm bao nhiêu chi phí phát sinh. Nhờ sự năng động và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, Ban Giám đốc đã cố gắng duy trì việc xây dựng tòa nhà mới, phát triển sâu các kỹ thuật chuyên môn, thực hành tiết kiệm bảo đảm cân đối hạch toán thu chi, giữ vững sự tăng trưởng và ổn định đời sống cho cán bộ, viên chức. Ban Giám đốc đã tranh thủ sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đồng ý về nguyên tắc cho Bệnh viện vay tiền với lãi suất ưu đãi. Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2008/NĐ-CP (Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường); Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế hoạt động theo mô hình này.

Năm 2009, Bệnh viện tổ chức Kỷ niệm 15 năm Hình thành và Phát triển đồng thời đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3 - Một phần thưởng cao quý cho tập thể những người tiên phong tìm con đường phát triển trong quá trình đổi mới.

Tháng 02/2010, PGS TS. Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM kiêm Giám đốc Bệnh viện. Với cương vị đó, Thầy đã tích cực chỉ đạo, phối hợp tổ chức mọi hoạt động kết hợp Trường - Viện chặt chẽ, đồng bộ, ổn định nên đã tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của Bệnh viện.
Thời gian này, ngành Y tế nói chung, Bệnh viện ĐHYD nói riêng đều đang bị quá tải, đặc biệt là ở các khu trung tâm và thành phố. PGS.TS Võ Tấn Sơn đã chủ trương gắn chặt hoạt động kết hợp Trường - Viện, thực hiện đề án 1816/QĐ-BYT, tổ chức liên kết với các bệnh viện khác: Bệnh viện 30-4 Bộ Công an, đưa các Thầy, Cô giáo xuống các bệnh viện tỉnh để vừa tổ chức học tập, thực hành cho học viên, sinh viên, vừa tham gia đào tạo tại chỗ và chuyển giao kỹ thuật cho các thầy thuốc bệnh viện địa phương.

 

Nhà giáo ưu tú, PGS TS. Võ Tấn Sơn.

Để tăng cường cho y tế khu vực Tây Nguyên, PGS TS. Võ Tấn Sơn, PGS TS. Nguyễn Hoàng Bắc đã nhiều lần lên Gia Lai nghiên cứu, khảo sát và quyết định liên kết với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thành lập bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai tại thành phố Pleiku, quy mô 200 giường bệnh với đầy đủ các khoa lâm sàng và cận lâm sàng.
 

Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai tại TP. Pleiku. 

Tháng 4/2015, PGS TS Võ Tấn Sơn thôi chức vụ Giám đốc Bệnh viện nhưng vẫn được Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mời làm Chủ tịch Hội đồng Trường – Viện và cố vấn chuyên môn. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM kiêm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho đến nay.
PGS TS. Nguyễn Hoàng Bắc cũng là Trưởng Trung tâm Huấn luyện Nội soi, là một trong những chuyên gia đầu ngành về Phẫu thuật Nội soi Việt Nam, Ông đã trực tiếp đào tạo, huấn luyện phẫu thuật viên cho hầu hết các bệnh viện trong cả nước và nhiều phẫu thuật viên nước ngoài. Ông là người rất “mát tay” trong phẫu thuật, nhạy bén, sâu sắc, có nhiều ý tưởng mới, đột phá về quản lý, quản trị bệnh viện. Khi được phân công theo dõi công tác xây dựng, hoàn thiện và đưa tòa nhà mới vào hoạt động, Ông am hiểu tường tận mọi công việc, biết rõ tính cách từng con người nên đã tổ chức điều hành phối hợp hoạt động chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Giám đốc với các Phòng, Khoa, Đơn vị, nhờ vậy Bệnh viện hoạt động ổn định và liên tục tục phát triển. Số người bệnh đến khám, tư vấn và điều trị ngày càng tăng, Y hiệu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  ngày càng nâng cao, thu nhập của cán bộ, viên chức tốt hơn, các quy chế, quy định, quy trình hoạt động của Bệnh viện ngày càng được hoàn thiện.
                                                            

Nhà giáo ưu tú, PGS TS. Nguyễn Hoàng Bắc.

Do yêu cầu phát triển của Bệnh viện, tháng 11/2013, Ban Giám hiệu quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc là PGS TS. Trương Quang Bình - Trưởng Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. PGS TS. Trương Quang Bình là một trong những người đầu tiên xây dựng, phát triển hệ Nội khoa của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM , Ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về Tim mạch và là Chủ tịch Hội Can thiệp tim mạch Việt Nam.
                                                    

Nhà giáo ưu tú,
 PGS TS. Trương Quang Bình.

Tháng 8/2014, Bệnh viện có thêm một Phó Giám đốc là TS BS. Phạm Văn Tấn, Ông trực tiếp chỉ đạo các hoạt động trong lĩnh vực hành chính, vật tư thiết bị, công tác xã hội và các tổ chức đoàn thể. Ngoài lĩnh vực chuyên môn về ngoại khoa, Ông cũng là người đa tài, rất gần gũi với cán bộ, viên chức, với người bệnh và người nhà người bệnh… Ảnh hưởng của Ông không chỉ lan tỏa trong Trường, Bệnh viện mà còn với rất nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. Ông còn đảm nhiệm Chủ tịch Công đoàn Đại học Y dược TPHCM từ năm 2010 và Chủ tịch Công đoàn Khối Cơ sở Bộ Y Tế từ năm 2015 đến nay.
                                             

Thầy thuốc ưu tú
TS BS. Phạm Văn Tấn.

Cùng với sự phát triển rất nhanh về chuyên môn của bệnh viện, công tác tài chính, kế toán và kinh tế trong y tế đòi hỏi phải được củng cố và hoàn thiện. Tháng 5/2017 Ban Giám hiệu Đại học Y Dược TPHCM đã cử ThS. Thái Hoài Nam, người đã có nhiều kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, đầu tư, kinh tế và hoạch định chiến lược tài chính làm Phó Giám đốc phụ trách công tác tài chính của Bệnh viện.
                                                 

ThS. Thái Hoài Nam
.

Khi tòa nhà mới 15 tầng lầu và 2 tầng hầm xây xong, Ban Giám đốc Bệnh viện tổ chức giao ban thường xuyên về các chuyên đề: Xây dựng, trang thiết bị, nhân sự. Chỉ đạo các Phòng, Khoa “Hoàn thiện đến đâu đưa ngay vào sử dụng đến đó” đồng thời phát triển thêm nhiều phòng, khoa mới: Phòng Quản trị tòa nhà, phòng Quản lý chất lượng, khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Răng Hàm Mặt, khoa Phụ Sản, khoa Nhi, khoa Lão, khoa Dị ứng - Miễn dịch, Đơn vị Khám sức khỏe, Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ…  

Ngày 24/4/2013, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được Bộ Y tế xếp hạng I, nâng Bệnh viện lên tầm cao mới. Liên tiếp những năm sau, Bệnh viện được công nhận là một trong những bệnh viện thuộc Bộ Y tế đạt điểm cao trong các kỳ kiểm tra chất lượng bệnh viện, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, sử dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện, và nhiều kỹ thuật mới được áp dụng thành công…
Trải qua nhiều bước thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng những mục tiêu hoạt động của Bệnh viện đề ra từ những ngày đầu là:
- Khám chữa bệnh với kỹ thuật cao,
- Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho ngành Y tế,
- Nghiên cứu khoa học với những đề tài có tầm cỡ… vẫn luôn xuyên suốt trong mọi hoạt động.
Nhờ có định hướng đúng đắn nên Bệnh viện liên tục phát triển và phát triển bền vững.
Hai mươi lăm năm đã qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã trở thành một địa chỉ tin cậy của người dân miền Trung, Nam Bộ, nước bạn Campuchia và nhiều người nước ngoài mỗi khi đau ốm.
                                                                                                     

  
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. 

Người bệnh đến Bệnh viện đều hài lòng, an tâm chữa trị, nhiều thế hệ thầy thuốc tự hào đã từng được các Thầy, Cô giáo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trực tiếp đào tạo, huấn luyện. Nhiều trường Đại học Y khoa trên cả nước làm theo mô hình kết hợp Trường - Viện, mở bệnh viện thực hành và đều đạt hiệu quả cao trong hoạt động khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhìn tòa nhà mới khang trang, đẹp đẽ, một Bệnh viện đúng như trong mơ ước, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, với những thầy thuốc có tay nghề cao, tâm huyết với người bệnh và người học, một địa chỉ tin cậy, thân thiện của người bệnh và người nhà người bệnh, mỗi cán bộ, viên chức chúng ta lại thấy thật hạnh phúc và tự hào vì đã được sống, làm việc và trưởng thành tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Hai mươi lăm năm đã qua, dẫu chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi của lịch sử nhưng cũng đủ để chứng minh cho sự thành công của một mô hình mới về sự kết hợp Trường - Viện, một Bệnh viện công lập trực thuộc trường đại học, không được nhà nước cấp kinh phí mà vẫn đạt hiệu quả cao trong khám chữa bệnh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
                

  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao Đông Hạng Nhì cho BV ĐHYD trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bệnh viện

Nhớ về những năm tháng đã qua, chúng tôi lại càng có thêm bao điều cảm phục và muốn gửi lời tri ân trân trọng đến nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp, đến quý Thầy, Cô giáo Đại học Y Dược TPHCM, đến những người đã từng tham gia bảo trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện. Mỗi người dù có công việc, trách nhiệm, địa vị xã hội khác nhau nhưng tất cả đã đồng lòng hết sức, chung tay sát cánh, đồng hành cùng chúng tôi, biến một mơ ước thật xa vời trước đây, nay đã trở thành một hiện thực thật sinh động và thuyết phục.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen