Dienstag, 13. Juni 2017

Khóc Nguyễn Thụy Long

Tin từ trong nước cho hay nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả “Kinh nước đen”, “Loan mắt nhung”, từng được hãng Cosunam dựng thành phim, Lê Dân đạo diễn, thu hút nhiều khán giả mến mộ, vì vậy tên tuổi Nguyễn Thụy Long đã gắn liền với tác phẩm, sóng cồn nổi dậy từ trước năm 1975, và nhiều bộ tiểu thuyết xuất bản từ năm 1975 đến nay, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 14 giờ ngày 3.9.2009 tại Sài Gòn, thọ 71 tuổi. Lễ nhập quan được tổ chức vào sáng 4.9.2009 và an táng ngày chủ nhật 7.9.2009 tại Hóa An, Biên Hòa là nơi an nghỉ giấc ngàn thu của thân sinh và bà nội. Sự ra đi vĩnh viễn của Nguyễn Thụy Long biểu hiện rõ từ cuối tháng 8.2009, khi bị hôn mê, đưa vào nằm ở phòng cách ly, khu chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Nguyễn Văn Học, Gia Định, được hơn một tuần thì ra đi, lúc bấy giờ cơ thể chỉ nặng 37 cân. Mỗi ngày đến giờ thăm bệnh, người nhà không được đến bên, chỉ đứng ngoài nhìn vào qua cửa sổ: Hương thơm nhã nhạc vang lừng Phù du một giấc cõi trần cũng xong. (Phúc An).
Được biết Nguyễn Thụy Long trước đây bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cách nay mấy tháng bị tai biến mạch máu não (stroke). Nguyễn Thị Thúy, hiền thê của Nguyễn Thụy Long tiết lộ chồng mình tuy ăn uống được nhưng giảm cân dần vì năng lượng cung cấp bị cái khối u tai ác xuất hiện hai năm nay nơi má phải, ngang lỗ tai, thoạt đầu to bằng hạt đậu phọng sau lớn như quả trứng. Nhiều lần Nguyễn Thị Thúy đề nghị Nguyễn Thụy Long đi xét nghiệm xem khối u thuộc dạng lành hay dữ, nhưng không nghe viện cớ: “Đến bệnh viện ung thư bướu chỉ cực cái thân chẳng giải quyết được gì mà còn thêm phiền não”. Nguyễn Thụy Long nhắc tới trường hợp nhà thơ Phan Như Thức chết vì đi cắt khối u: “Phan Như Thức nổi khối u ở cổ, nếu không tới bệnh viện ung bướu chắc còn sống tới hôm nay. Chỉ vì tới bệnh viện ung bướu giải phẫu cắt đi, rồi “hóa tri”, “xạ trị” và mấy tháng là giã từ cõi đời luôn. Mình dứt khoát “sống chung” với khối u, không xét nghiệm, không giải phẫu, không “hóa trị”, “xạ trị”…gì cả. Sống được bao lâu thì còn viết, trời không cho sống nữa thì ra đi. Hai con gái dòng thứ nhì ở Mỹ, nghe tin bố có khối “u”, có về thăm đấy.” Mới mấy tuần trước đó Nguyễn Thụy Long nằm ngủ một giấc dài, sáng ra còn thiếp trong giấc nồng, người nhà vội chở đi bệnh viện cấp cứu, chữa trị khoảng nửa tháng mới về. Bác sĩ nói Nguyễn Thụy Long nhiễm trùng đường tiểu. Nguyễn Thị Thúy cho hay trước khi nhập viện Nguyễn Thụy Long ăn uống bình thường, tinh thần khỏe mạnh, nhưng “luôn tỏ ra u uất, buồn và chán nản vì chế độ này” và giải thích thêm: “Sở dĩ anh ấy bị đột quỵ, bị tàn phế là do mấy ông nhà nước này. Anh ấy bị khủng bố đủ mọi mặt nên bị đột quỵ. Tâm sự của anh chỉ muốn mọi người nói giùm người dân tất cả những oan ức họ đang chịu đựng.” Nguyễn Thị Thúy phác giác thêm: “Nhà tôi mất lúc 2 giờ chiều ngày 3.9.2009. Những ngày cuối cùng, anh nằm bệnh viện Nguyễn Văn Học cũ 13 ngày, trong tình trạng hôn mê, không nói được lời nào. Bệnh chính của anh là tiểu đường và tai biến mạch máu não. Mười ngày đầu tiên khi nhập viện, anh nằm ở phòng cách ly dành cho bệnh nhân bị bệnh nguy cấp. Ba ngày cuối, anhđược chuyển sang phòng thường, và lúc 1 giờ sáng ngày 2.9.2009, bệnh trở nặng, và mất ngày 3.9.2009” Những ngày tháng cuối đời Nguyễn Thụy Long còn phải viết hai đơn gửi đến Ban Trật Tự Đô Thị phường 7, quận Phú Nhuận, Sài Gòn tố cáo hành động bất chấp pháp luật của kẻ lấn đất ngang nhiên cho thợ đến đập phá nhà của mình trong vòng một tháng, đã bị làm lơ. Đơn khởi tố đầu tiên viết ngày 11.6.2007 và đơn sau viết ngày 2.7.2007 cho biết căn nhà đó Nguyễn Thụy Long mua trước ngày 30.4.1975 có giấy tờ hợp pháp, gia đình sinh sống yên ổn suốt nửa thế kỷ qua, bỗng bị người hàng xóm sát bên khi xây lại nhà mới đã đập phá nền nhà, xâm phạm đến tài sản của Nguyễn Thụy Long. Trước đó Nguyễn Thụy Long đã làm đơn xin ngăn chặn việc người này chiếm dụng hốc tường nhà dưới, xây che chắn cửa sổ, đơn thưa này được Phó Chủ Tịch phường nhận giải quyết. Biên bản cảnh cáo chủ nhà hàng xóm không được chiếm dụng hốc tường dưới chân nhà, không được che chắn cửa sổ. Nay nhà sang bán cho chủ mới, họ đập phá toàn bộ nhà cũ để xây dựng nhà mới. Trong lúc xây dựng họ đập phá nền nhà của Nguyễn Thụy Long âm mưu lấn chiếm. Nguyễn Thụy Long lên tiếng phản đối thì bị đe dọa và người này bất chấp pháp luật ra lệnh cho thợ cứ đập phá, mặc dù chính quyền địa phương có cử cán bộ xuống xem xét. Họ chỉ xem xét qua loa, không lập biên bản những sai phạm của chủ nhà hàng xóm. Nguyễn Thụy Long điện thư đi các nơi quen biết. Trong suốt tháng nay Nguyễn Thụy Long đã khốn khổ còn bị đe dọa thanh toán, viết đơn cho công an, cho Ủy Ban Nhân Dân phường, quận, báo “Công An” có cử phóng viên tới chụp hình, phỏng vấn, nhưng sau đó không dám loan tin sợ dứt dây động rừng. Thậm chí Nguyễn Thụy Long còn điện thoại cho Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố, tất cả chìm xuồng hết. Dân oan khiếu kiện bị miễn cưỡng chiếm đoạt nhà cửa đất đai là vậy, Nguyễn Thụy Long bị lấn chiếm đất, bị bọn côn đồ và xã hội đen ào ào đến đập phá, đe dọa nếu không dọn ra khỏi nhà sẽ bị thanh toán, Nguyễn Thụy Long bị dí búa vào đầu đòi đập bể sọ chỉ bởi muốn cướp căn nhà mồ hôi nước mắt của người ta, không cơ quan nào chịu giải quyết, như thế đủ thấy phe cánh của kẻ đi phá nhà lấn đất to lớn chừng nào và cái lý lịch nhà văn của chế độ cũ bị Đảng cộng sản thù dai dẳng thế nào? Đám côn đồ tay sai của công an lớn tiếng chửi bới, khinh miệt nghề cầm bút của Nguyễn Thụy Long“nhà văn Ngụy chúng mày đã hết thời”, thanh thiếu niên xã hội bây giờ đổ vỡ, tha hóa, sống bê tha, thác loạn, không chí hướng, còn tồi tệ gấp vạn lần chế độ cũ. Trong đơn đề ngày 2.7.2007 Nguyễn Thụy Long viết: “Tôi xin trình bầy thêm chủ nhà 158/4C và những người tự xưng là đàn em của bà ta tới đập phá nhà tôi là những con người bản chất bất lương, cách hành xử mang đầy tính côn đồ xã hội đen, luôn đe dọa đâm chém, chửi bới nhục mạ người khác.Đi đến đâu họ cũng huyênh hoang tuyên bố quen hết các cấp, các ngành từ phường đến quận, chúng tôi chịu hết xiết hành động lấn chiếm nhà cửa và những lời đe dọa của họ. Gia đình tôi lên tiếng sẽ tố cáo với chính quyền, những hành động vi phạm pháp luật của họ, thì họ lớn tiếng thách thức và nói chúng tôi có đi thưa đến đâu cũng vậy.Vì họ được sự cho phép của chính quyền, kể cả việc đập phá nhà tội. Tôi nay đã 70 tuổi, sức khỏe không còn lại mang bệnh nặng. Tôi gắng gượng làm đơn cầu cứu đến khắp các cấp, tuy biết gia đình chúng tôi gửi đơn tố cáo hành động sai trái của họ, nhưng chủ nhà 158/4C vẫn không nương tay, cứ tiếp tục làm tới, đập phá nhà cửa của tôi. Hiện nay gia đình tôi lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi lo âu, chúng tôi luôn bị những lời cảnh cáo đe dọa từ phía người chủ nhà 158/4C. Rất mong được sự giúp đỡ và can thiệp kịp thời của các cơ quan chính quyền, để gia đình chúng tôi an tâm sinh sống và nhất là tài sản của gia đình chúng tôi không bị bọn người xấu lợi dụng danh nghĩa chính quyền lấn chiếm, đập phá.” Nguyễn Thụy Long – cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921) nổi tiếng với câu văn“Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” – sinh ngày 9.8.1938 tại Hà Nội, vào Nam năm 1952, từ đó sinh sống tại Sài Gòn. Nguyễn Thụy Long, cựu học sinh Trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sau bỏ theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, dự tính theo nghiệp hội họa của thân sinh, một họa sĩ. Nhưng vì thân sinh mất sớm, Nguyễn Thụy Long phải sống tự lập vào đời sớm, kể cả đi bụi, lăn lóc cùng tầng lớp dao búa ở những chốn hạ lưu xã hội, Nguyễn Thụy Long đã tâm sự vậy. Đi quân dịch, bị tù vô cớ, trải qua những tháng ngày nghiệt ngã, đó là chất liệu vô giá để Nguyễn Thụy Long tạo dựng nên các công trình tư tưởng sáng giá. Nguyễn Thụy Long, Hạ sĩ quan Tiếp vận trong binh chủng Không Quân, không cấp bậc cao như nhà văn Dương Hùng Cường, nhà thơ Cung Trầm Tưởng…cùng một binh chủng, như thế tưởng chừng đã yên thân, không ngờ tai họa lại giáng xuống con người tài hoa nhưng gian truân này. Chính biến ngày 11.11.1960, Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông đảo chánh hụt Ngô Đình Diệm chạy vào phi trường Tân Sơn Nhất được phi công Phan Phụng Tiên đưa lên chiếc C.47 chuẩn bị bay qua đất Chùa Tháp tỵ nạn. Nguyễn Thụy Long đang trong phiên trực nhận được lệnh đổ đầy xăng cho chiếc C.47. Trong cuộc truy lùng Nguyễn Thụy Long bị Ty An Ninh Quân Đội truy tố ra tòa án quân sự lãnh mấy năm khám Chí Hòa vì tội đào ngũ. Nguyễn Thụy Long ra tù đúng lúc Tú Kếu, Nhã Ca xuất bản tờ “Ngàn Khơi”, đưa ra thiên ký sự “Bà Chúa Tám Cửa Ngục” viết lại những chuyện cười ra nước mắt trong suốt thời gian bị giam giữ đầy ải tại khám Chí Hòa. Đọc xong bản thảo Tú Kếu khen tới tấp, liền cho in báo và mời Nguyễn Thụy Long vào Ban biên tập báo “Ngàn Khơi”, nhưng chỉ được hưởng tiêu chuẩn của kẻ vác ngà voi tức được bao ăn và chút tiền lẻ tiêu vặt, không có lương bổng, Nguyễn Thụy Long khi đó còn tá túc nhà mẹ ở khu nghĩa địa Hải Nam trước bót cảnh sát Hàng Keo. Sau Cách Mạng ngày 1.11.1963 mấy tướng lãnh nghe lời Hoa Kỳ đảo chánh và thảm sát Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, nhà văn Chu Tử xuất bản tờ nhật báo “Sống” cho mời Nguyễn Thụy Long về làm phóng viên, nghiễm nhiên trở thành ký giả. Chu Tử là nhà báo thích“đả phá”, thường hay chế diễu mấy tướng lãnh xuất thân từ lính khố xanh, khố đỏ là tướng Quảng Lạc, tương tự mấy tướng trên sân khấu tuồng tại rạp hát Quảng Lạc, vì thế không bao lâu sau tờ báo “Sống” đã bị trả thù cho chết bức tử. Chu Tử đi thuê giấy phép đưa trở lại hiên trường nhóm “nồi niêu soong chảo”. Chu Tử có nhiều con nuôi, đem gả cho Nguyễn Thụy Long một cô không ngờ con của liệt sĩ nên hai bên có sự xung đột tư tưởng. Sau biến cố lịch sử 30.4.1975 Nguyễn Thụy Long trở thành nạn nhân của một hoàn cảnh thật phũ phàng: vợ bỏ, con mất, nhà mất. Từ đó Nguyễn Thụy Long cô đơn nơi xóm Mả Đen, ấp Đông Ba sinh sống từ thời hoa niên không được chính quyền địa phương thừa nhận. Chờ đợi hai mươi bốn năm sống lưu lạc như dân Do Thái Nguyễn Thụy Long được cấp hộ khẩu và chứng minh nhân dân, trở lại căn nhà số 156/3 đường Nhiêu Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận là nơi chốn đã sống nửa thế kỷ, vùng của cố nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi. Nguyễn Thụy Long trải qua ba đời vợ, nhưng không một lúc chung sống với cả ba. Dư luận cho rằng đàn bà gây nhiều “phiền lụy” cho Nguyễn Thụy Long. Người vợ đầu tiên ôm con vượt biên qua Hoa Kỳ sinh sống, cưới tiếp bà khác, được ít lâu bà sau nối gót bà trước đem con vượt biên nốt, người cháu gái của bà thấy vậy, cảm thương hoàn cảnh trớ trêu của Nguyễn Thụy Long đã chắp nối sinh được hai con trai. Nhờ có bà mà vào cuối đời Nguyễn Thụy Long đã mấy lần thoát khỏi lưới hái của Tử Thần. Chính bà cổ võ cho Nguyễn Thụy Long chừa bỏ rượu và thuốc lá. Hiện nay Nguyễn Thụy Long có bốn con ở Hoa Kỳ và ba ở Sài Gòn. Sau nhiều tháng ngày ra tù vào khám, tù “cải tạo”, tù vượt biên, Nguyễn Thụy Long cầm bút trở lại tính kế mưu sinh nhưng trắc trở, thất bại, sống cơ cực, mong tìm lối thoát đều bị hoài nghi tai tiếng, ngậm ngùi tâm sự trong tập “Hồi ký viết trên gác bút”:“Tôi trở thành thằng xạo xự. Giải thích, cải chính thế nào cho họ tin được. Mà cải chính làm chi cho phí lời. Điều họ nhận xét cũng đúng thôi, nhưng với những ai kia, chớ không phải tôi. Mẹ ruột tôi đã viết thư về nói: “Đồng đô-la bên này quý hiếm lắm, không ai giúp được ai đâu, đừng mong chờ…”. Một cô em dâu của tôi ở bên Mỹ cũng nhắn tin về cho biết: Tôi không nên trông chờ hai đứa con lớn đã thất lạc lâu năm, vì mẹ đẻ ra chúng cấm chúng liên lạc với tôi, sợ tôi giở giọng xin tiền chúng nó. Hai đứa con nhỏ còn đi học nhờ vào tiền cấp dưỡng. Họ hàng anh em bà con tôi khỏi nói đến làm chi, tất cả đều khác, đều là người xa lạ.” Nguyễn Thụy Long có khoảng chừng ba mươi tiểu thuyết đã xuất bản trước năm 1975, hiện nay tại thư viện của Đại học Cornell ở New York còn lưu giữ hai mươi tiểu thuyết. Có thể đan cử những tác phẩm được nhiều người ưa thích và đọc nhiều nhất có: Loan mắt nhung 1967, Chim trên ngọn khô 1967, Trong vòng tay đàn ông1967, Bước giang hồ 1967, Vết thù 1968, Bà chúa tám cửa ngục1968, Đêm đen 1968, Gái thời loạn 1968, Nữ chúa 1969, Nợ máu 1969, Ven đô 1970, Sầu đời 1970…Tác phẩm đầu tay tập truyện ngắn Vác ngà voi xuất bản năm 1965 khi bấy giờ còn ký bút hiệu Lan Giao đã thành công ngay. Nguyễn Thụy Longkhởi đầu nghề viết truyện dài in báo từng kỳ (feuilleton), lấy tên thật Nguyễn Thụy Long cộng tác với nhiều nhật báo phát hành ở Sài Gòn hồi đó. Nguyễn Thụy Long viết rất khỏe, có năm sản xuất đến mười tiểu thuyết và một trong các tác phẩm ăn khách thời đó là truyện dài“Loan mắt nhung” được đạo diễn Lê Dân, hãng Cosunam Film dựng thành phim, nhạc sĩ Huỳnh Anh viết nhạc cho phim. Kịch bản phim do Lê Dân và Minh Đăng Khánh cùng viết, phim rút gọn khoảng 40% so với nội dung. Truyện không hư cấu trong tháp ngà, vì thời gian đó Nguyễn Thụy Long có lang bạc trong giới giang hồ. Sau khi Chu Tử bị tai nạn, Nguyễn Thụy Long đầu quân viết cho báo “Sống”, truyện dài “Loan mắt nhung” được in hàng ngày trên báo từ năm 1968 đến năm 1970 gieo trong đầu óc người đọc sách và người xem phim những ấn tượng sâu đậm về tình người và tình đời. Nhân vật của Nguyễn Thụy Long nhìn bề ngoài tuy có vẻ lấm lem của bọn du thủ du thực, nhưng ẩn chứa bên trong con người một sự hướng thượng, thanh cao một cách hồn nhiên. Truyện mô tả một học sinh tên Loan hiền lành vào thập niên 1960 tại Sài Gòn bị xô đảy bởi hoàn cảnh xã hội trở thành một tên du đãng khét tiếng trong xã hội đen. Loan phải đương đầu trước những nghịch cảnh của cuộc sống cù bơ cù bất, thác loạn, khốn nạn để mưu sinh tồn, trở nên đàn anh trong làng đao búa, song vẫn cảm thấy cuộc đời cô đơn nên nhiều lúc muốn hoàn lương, nhưng hoàn cảnh thôi thúc không ngừng, lôi kéo vào chốn bùn nhơ, gió tanh mưa máu và tội ác. Cuối cùng Loan tự giải quyết sự bế tắc cho lối thoát bằng hành động giết người, nộp mình cho cảnh sát, tự hối hận đã đánh mất thời trai trẻ. Giáo sư Nguyễn Văn Trung của Đại học Văn Khoa cũ viết trong tập hồi ký “Nhìn lại những chặng đường đã qua”: “Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật kể cho tôi hồi năm 1975 ông là cán bộ của Tuyên huấn Trung Ương vào miền Nam tiếp thu về văn hóa. Ông rất phục Nguyễn Thụy Long và ca tụng quyển truyện “Loan mắt nhung” của tác giả. Ông hỏi tôi đã đọc chưa, tôi nói chưa vì thực ra ở miền Nam trước đây không thể đọc, biết hết những sáng tác vì rất đa dạng, riêng Nguyễn Thụy Long tôi có nghe nhưng chưa đọc. Ông khuyên tôi nên đọc. Ông trở ra Hà Nội, gặp ông Tố Hữu, đưa cho ông đọc và xin ý kiến. Gặp lại ông Tố Hữu, ông nói với ông: “Miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này…”Đánh giá trong nội bộ thì như vậy, nhưng một cách công khai, chính thức vẫn kết án, vùi dập. Hầu như toàn bộ nền văn học miền Nam kể như không có. Và những người như Nguyễn Thụy Long trở thành những kẻ sống bên lề xã hội, thồ xe chở củi từ Long Thành về Sài Gòn bán kiếm sống. Tại sao? Bởi bất lực vì sức ỳ, vô ngã của thể chế guồng máy hay vì say mê quyền lực? Xin để những người có trách nhiệm như Tố Hữu, Nguyễn Văn Linh…trả lời? Sau biến cố lịch sử 30.4.1975 Nguyễn Thụy Long chịu chung số phận với những người cầm bút khác của miền Nam phải buông bút kiếm sống bằng đủ mọi nghề bần cùng trong xã hội, tự lột xác biến thành một bần cố nông dốt nát, một tay du thủ du thực tứ cố vô thân. Sau hai mươi lăm năm mất quyền cầm bút, cuối cùng Nguyễn Thụy Long quyết định thôi “làm thinh”. Đó là từ ngữ của Nguyễn Thụy Long. Động từ “làm thinh” được coi như một công việc nghề nghiệp: “Anh sống thế nào thì mặc kệ anh, sự sống quý giá như thế đấy. Ngược lại với câu khẩu hiệu mà người dân Sài Gòn nào cũng được nghe từ hơn hai mươi năm trước: Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói. Hai chữ làm thinh phản bác vào câu khẩu hiệu có tính cách đe dọa kia…Tôi đã từng trả lời ai đó hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời làm thinh cho yên.” Bây giờ Nguyễn Thụy Long không “làm thinh” để được sống cho yên nữa, ngược lại đã tự giành cho mình quyền tự do phát biểu, tự do tư tưởng, chấp nhận bất cứ hậu quả khốc hại nào xảy đến cho bản thân và vợ con. Đây là thái độ của người cầm bút không thể chối bỏ trách nhiệm đối với dân tộc và xứ sở. Nói cách khác đó là thái độ của kẻ sĩ không thể bẻ cong ngòi bút, đang lội ngược dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thụy Long trải tư tưởng và nỗi uất ức trong những tập “Hồi ký viết trên gác bút”, “Giữa đêm trường” và “Thân phận ma chơi” được Tủ Sách Quê Hương xuất bản tại Virginia, Hoa Kỳ cuối năm 2000. Nguyễn Thụy Long kể lại những mẩu chuyện đời của những nhà văn đã một thời vang bóng nhưng thời gian qua đã sống hẩm hiu trong thân phận ma trơi. Nguyễn Thụy Long ghi trung trực những gì tai nghe mắt thấy trong thế giới khốn cùng của những con người bị mất quyền công dân và bị lưu đày ngay chính trong lòng đất mẹ. Nhà văn Uyên Thao lập luận: “Nguyễn Thụy Long viết bằng cảm xúc của một nạn nhân bị dập vùi, viết về những thân phận bị dập vùi và viết bằng ý tình chân thật của một con người chưa biến dạng.” Vậy thử hỏi Nguyễn Thụy Long thuộc dạng người nào? Đây nghe Nguyễn Thụy Long tự nói về mình: “Ngang bướng, lắm điều, cứng đầu. Đó là tôi, Nguyễn Thụy Long, tự nhận là một kẻ một đời vác ngà voi. Tôi có thể bị điên khi những chiếc ngà voi vuột khỏi tay tôi. Tính tôi thế đó, tuổi trẻ sống buông thả, hay láo xược, về già vẫn chẳng nhìn nghĩ một sự kiện gì, vẫn ưa chọc phá, và cười cợt như thuở nào. Cái thói ngạo mạn xằng có đánh chết cũng không chừa.”Ngòi bút Nguyễn Thụy Long chất chứa nhiều biến dạng, khi lạc quan chua chát, khi xách mé châm chọc, bông lông diễu cợt, khi ngậm ngùi, lùi trở lại những chặng đường lầy lội từng đặt chân tới, sân khấu Nguyễn Thụy Long trình diễn diễn viên nọ, diễn viên kia của đời người mở rộng. Nguyễn Thụy Long sắm vai người lượm bao nhựa tái sinh, chở hàng lậu, thu mua bạc vụn, sửa xe đạp, bơm mực bút bi, chót đời đi bán xôi khi lực tàn sức kiệt, không thể còn bương chải. Trong bất cứ vai trò nào Nguyễn Thụy Long đều thất bại, trái lại cảm xúc rất thực vì những trăn trở dày vò và những nỗi bất hạnh đè nặng chĩu lên người. Giờ đây viết lại trong một hoàn cảnh bất lợi cho bản thân, Nguyễn Thụy Long giữ nguyên tên cũ đã được nhiều người biết đến. Nguyễn Thụy Long không dông dài ý tưởng đấu tranh hay dàn trải một tư tưởng nào, mà chỉ viết một cách giản dị, trung thực, không gò bó. Nguyễn Thụy Long viết vì: ”Địa cầu huyên náo. Tôi cũng có sự huyên náo của riêng tôi. Những bức xúc có căn nguyên, những buồn vui, những hậm hực, tôi nhả ra hết, có sao nói vậy, quên luôn cả lời mẹ dạy “tránh voi chẳng xấu mặt nào” hoặc “một điều nhịn là chín điều lành”. Tôi cóc cần. Tôi không muốn sống như cục thịt hoặc như một nắm xương khô. Tôi leo lên căn gác bút ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng của tôi múa bút vung vít, chẳng có mưu đồ gì hết. Tôi múa may một mình thật cô đơn nhưng thật tự do. Vũ điệu cũng có thể là múa rối mà tưởng rằng mình múa ballet. Hiểu sao cũng được.Cũng vui được tuổi già dù cô đơn trên căn gác bút.”Khiêm nhường vậy thôi nhưng điệu vũ của Nguyễn Thụy Long thật tuyệt diệu. Ngòi bút không kém mũi dao phẫu thuật lách sâu vào từng chi tiết, từng góc cạnh tăm tối trong bức tranh vân cẩu của xã hội dưới chế độ cộng sản để có thể tận mắt thấy những con người sống lúc nhùc như dòi bọ, thú vật trong các trại giam, ngoài hè phố, giữa đêm khuya lạnh, vất vưởng sống như ma trơi trong môi trường sống mà luân thường đạo lý đảo ngược, quay cuồng. Bức tranh xã hội chủ nghĩa nhà nước cộng sản tô son chát phấn đã bị ngòi bút tả chân của Nguyễn Thụy Long lột trần truồng, thô bạo, rã rời. Trải dài nhiều tháng năm sống quằn quại, lăn lộn giữa đám người đói rách, cùng khổ, lăn lóc như ma trơi vất vưởng nơi cõi thế, Nguyễn Thụy Long đã tích lũy được vô cùng tận chất liệu để phô diễn. Nguyễn Thụy Long đã lao động chân tay đủ mọi thứ nghề để mưu sinh, ngủ trên hè phố, sống chui rúc trong khu nghĩa địa bên ao cá. Tuy nghèo khổ đến cùng cực như vậy nhưng Nguyễn Thụy Long vẫn như một giò sen mọc trong ao bùn, giữ trọn vẹn tác phong của người hiền lương sống giữa những con người nhân tính bị hủy diệt. “Cái thân khốn khổ của tôi sống không muốn nổi nữa thì chết có nhằm nhò gì. Nhưng còn sống ở thế gian ngày nào tôi còn phải sống cho ra trò. Tuy cái miệng tôi có láo lếu nhưng tôi tự biết mình là người hiền, nên sẽ được hưởng phúc.” Giữa bầy lang sói đói khát đó, bởi sinh tồn, hăm he ăn sống nuốt tươi nhau, Nguyễn Thụy Long vẫn giữ mình cho được an nhiên tự tại, lạc quan, an vui trong cuộc sống để không bị điên loạn, gục ngã. Vì vậy Nguyễn Thụy Long đã vượt thoát được quãng thời gian đời sống bị đảo lộn, vùi dập và những cơn bệnh ngặt nghèo trong cảnh bần hàn, can đảm vươn lên trong cuộc sống. Trong thiên hồi ký “Giữa đêm trường” Nguyễn Thụy Long viết bằng cái tâm sự u uất của một người cầm bút yêu nghề mà buộc gác bút, tâm hồn chất chứa những ngày tháng biển dâu sau biến cố lịch sử bi thảm 30.4.1975, tang tóc bao phủ đất nước và con người, phá sản toàn bộ. Con người buông xuôi tay theo cho sự hoành hành của cái đói, cái rách nơi địa ngục trần gian: “Viết hồi ký, viết hoài về chuyện chết chóc, sự khốn khổ của kiếp người, chính người viết cũng thấy nản. Nhưng làm sao được, vì chính những người nằm xuống đó là chỗ thân tình của tác giả, anh em, bạn bè, hoặc là người mà tác giả ngưỡng mộ, một nhà văn, một nhà báo, một thi sĩ nào đó. Tôi nghĩ cũng là chuyện thường thôi, không oán trời trách đất gì hết, hay đổ lỗi cho ai. Con người ta chẳng qua có một số mạng, trời cho sướng thì được sướng, trời bắt khổ thì phải khổ mà thôi. Như một lần nhà văn Lê Xuyên đã nói với tôi vậy.” Nguyễn Thụy Long thường nghĩ đến bằng hữu từng cùng nhau chia sẻ, gánh chịu những phút giây lầm than cơ cực của đời người vốn đa đoan. Thật xót xa phải giả ngu giả dại cho qua ngày đoạn tháng trong một xã hội đảo điên, rối bời thế sự, có tai mắt mà như đui mù. Tâm sự chất ngất, rối bời như mớ bòng bong trong khi bút mực biến thành đồ quốc cấm không ai dám sờ rớ tới. Tù tội vì nghiệp văn, không khác nào những Quang Dũng, Trần Dần, Phùng Quán…nhọc nhằn thời cộng sản, bản thân và gia đình cả đời khốn khó bởi nghiệp văn chương. Thời đại này quỷ dữ ngự trị hàng hàng lớp lớp, tâm tư không dám trang trải trên giấy trắng mực đen. Nguyễn Thụy Long nhắc nhở tới những kỷ niệm gắn chặt với một số ngòi bút còn kẹt lại trong nước như nhà thơ Tú Kếu Trần Đức Uyển, nhà văn Lý Hoàng Phong Đoàn Tường, nhà văn Uyên Thao nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ca sĩ Duy Trác, vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký sắc nét mỗi con người đều không giống nhau nhưng cùng một mẫu số chung của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ”…haycác người không còn như đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, nhà văn Dương Hùng Cường, tài tử Huy Cường, kịch tác gia Trần Lê Nguyên, thi sĩ Bùi Giáng…”Tiếng ễnh ương kêu buồn bã trong đêm gây buồn gây nhớ. Nhớ lắm, thương lắm, hỡi những người bạn của tôi. Các anh thoắt hiện thoắt biến trên cõi đời. Còn lại những kỷ niệm, những cái các anh để lại, mà tôi không thể nào quên.Tôi viết hay tôi đang gậm nhấm những kỷ niệm? Tôi tự do trong tôi, tôi vẫn nghĩ thế. Đọc một quyển sách, một bài thơ, nghe lại một đoạn nhạc, một lời ca, do các anh sáng tác tôi lại nhớ đến các anh, lại nhớ nhung, lại ngậm ngùi. Như thấy các anh còn hiện diện. Những người bạn nghệ sĩ của tôi, nếu chứng kiến cái chết từ từ của các anh, như cây nến cháy tự ăn mình, tôi càng thêm chua xót.” Nhắc đến nhà văn Lê Xuyên đã hơn bảy mươi tuổi, còn ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc đường để có tiền săn sóc bà vợ mắc bệnh hiểm nghèo mấy năm nay, người con gái chết vì ung thư bỏ lại hai đứa con nhỏ dại và cái quầy thuốc lá cho cha, kiếm chác không được bao nhiêu một ngày mà phải nuôi từng ấy miệng ăn, vậy còn lo thuốc thang cho người bệnh, Nguyễn Thụy Long viết: “Tôi về đến nhà ở ấp Đông Ba xưa vào buổi trưa, mở truyền hình lên coi. Tôi nhận được tin cơn bão số 6 đang trên đường đổ vào bờ biển Việt Nam. Tôi nghĩ hoài về nhà văn Lê Xuyên. Mưa ập xuống ngập đường như sông.Trên con đường về Lê Xuyên có khiêng nổi xe thuốc đội lên vai lên đầu để tránh ướt không, bảo vệ cái vốn liếng nhỏ bé, duy nhất của gia đình anh trên đôi vai còm cõi. Tôi lo lắng thương xót bạn, thầm cầu xin sự an lành đến với anh. Năm hết tết đến rồi. Anh từng nói, từ lâu rồi anh không có mùa xuân.” Hay nghe Nguyễn Thụy Long kể chuyện về Trần Lê Nguyễn:“Mấy năm sau tôi nghe Trần Lê Nguyễn bị bệnh. Bệnh tai biến mạch máu não như tôi đã từng bị. Anh đau khổ hơn, bị bán thân bất toại, nói năng ngọng nghịu. Vợ anh Lê Trần Nguyễn phải làm thông ngôn mỗi khi chồng đi đâu hay có người tới thăm. Có hôm tôi với Tú Kếu đang ngồi ở quán báo của Nguyễn Kinh Châu tại đường Bà Huyện Thanh Quan thì Trần Lê Nguyễn đi xích lô đến. Anh nói chuyện với chúng tôi mà chúng tôi chẳng nghe được câu nào. Anh bị ngọng quá sức rồi. Một lần khác anh đi xích lô đến nhà Tú Kếu, bà vợ đi cùng, hôm ấy tôi cũng có mặt. Chị Trần Lê Nguyễn phải thông ngôn chúng tôi mới hiểu được. Nội dung anh hỏi nhà Tú Kếu còn tranh không, nếu bán thì anh mua. Trời đất, anh vẫn còn nghĩ đến chuyện ấy, chuyện nghệ thuật anh đam mê từ mấy chục năm trước, thuở lêu bêu chợ trời. Buôn bán không bao giờ có lời, bán một tác phẩm mình mua được tiếc đứt ruột. Con người Trần Lê Nguyễn là thế đó.” Nguyễn Thụy Long kể chuyện nhà thơ có nhiều giai thoại về một thời đại, coi nhẹ bạo lực là Bùi Giáng mà Phạm Xuân Đài cho rằng “chỉ có thơ và những cơn điên”, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền nói Bùi Giáng “thơ có đến nghìn bài, nội trong một ngày có thể ném bịch một vài trăm trang sách” Nguyễn Thụy Long viết: “Ông thi sĩ Bùi Giáng lại đâm đầu vào chuyện oan nghiệt ấy, không hề sợ hãi, phom phom nhận mình là sĩ quan quân đội chế độ cũ, sĩ quan cao cấp kia, từng có “nợ máu với nhân dân”, bây giờ “ngả ngựa” xin được đi học tập cải tạo để trở thành người tốt đủ tư cách xây dựng đất nước đẹp bằng mười ngày xưa. Ông lang thng khắp các chợ trời, trên người đeo lỉnh kỉnh đủ các thứ đồ. Có hôm ông vào chợ cá Trần Quốc Toản, khi ấy trở thành chợ xe đạp. Ông “thó” một cái tay lái xe cũ rích, bỏ đi, người ta la lên ông ăn cắp. Ông trả lại liền, càu nhàu: -Mẹ tụi bay, bị mất tất cả mà phải câm, tau chỉ ăn cắp cái tay lái xe mà la rầm trời, có kẻ đang ăn cắp đấy…làm gì nó nào. Ai mà chấp một người điên, khi biết người đó là thi sĩ Bùi Giáng. Hình ảnh Bùi Giáng trở thành quá quen thuộc với thị dân kể cả những người mới giữ gìn trật tự trong thành phố này.” Điều đáng nói khi gấp những trang chót của tập hồi ký lại, người ta thấy hiện ra những dòng chữ do Nguyễn Thụy Long viết, như thế thật đúng, chẳng lẽ đời người không ngoài một vở bi kịch đầy sầu thảm và văn chương là tiếng thở dài não nuột, người cầm bút phải như Phùng Quán kia:“Bút mực tôi ai cướp giật đi – Tôi sẽ khắc thơ tôi vào đá”, vươn lên như tráng sĩ Kinh Kha chứ: “Tôi phải sống, tôi từng tự chúc cho tôi năm Mậu Dần được sống lâu trăm tuổi để làm nốt những gì còn dở dang hay chưa làm được. Khi tôi chết tôi được nhắm mắt, không trừng mắt nhìn cõi hư vô như người bệnh mới qua đời nằm bên cạnh giường bệnh tôi. Tôi sẽ ra khỏi đây để về căn gác bút, ngồi vào bàn viết làm việc thâu đêm suốt sáng như thuở nào. Xin hãy nắm lấy bàn tay tôi đi, những ngón tay này còn cầm nổi cây bút mà. Đề tài cho nhà văn khai thác thì mênh mông vô tận. Quanh tôi có bạn bè bằng hữu mà…Xin cho tôi cảm ơn.” Trong tập truyện “Thân phận ma chơi” gồm 13 truyện ngắn, 8 truyện đầu viết vào những năm 1978-1999 và 9 truyện sau viết trong khoảng thời gian các năm 1958-1965, thành thử đã phơi bầy toàn thể những biến đổi của xã hội đương thời, mỗi thời kỳ có những nét đặc thù. Nguyễn Thụy Long phác họa những tình huống khác nhau trong mỗi truyện – mặc dù đều thuần chất tình cảm – thời miền Nam cũ trước năm 1975 và thời hậu chiến tức sau biến cố lịch sử 30.4.1975, đồng thời cho thấy bối cảnh xã hội có những sự chênh lệch, nghe nhiều khi muốn chảy nước mắt. Các đoản thiên sáng tác sau năm đổi đời 1975 đọc thoáng qua nghĩ tưởng hư cấu, nhưng lại phản ảnh những gì hiện đang diễn ra trong xã hội mới, người dân sống lay lắt trên lề đường, thây người tưởng những thây ma, ngủ chập cờn dưới hàng hiên bởi không có hộ khẩu, cảnh nhà giam chật chội không còn chỗ chứa thêm tù hình sự, tù vượt biên, trên các bãi rác chất cao như núi, bởi không có người hốt, hôi thối, ruồi nhặng bay vo ve, dưới nắng đổ lửa hàng trăm con người lui cui phơi những lưng trần, gục mặt trên đất, bươi móc những tấm nhựa, túi nhựa, những mảnh báo, mảnh giấy hôi hám, những miểng chai, miểng lọ…những cảnh tưởng diễn ra không ai thể ngờ tới, mà những nước có chính sách xã hội không thấy có. Người dân hàng ngày không mong muốn gì hơn được miếng cơm, manh áo, mái nhà trú thân tránh mưa nắng, tờ hộ khẩu. Đấy “thiên đường” cộng sản các lãnh tụ thường tự hào khi ma mãnh cướp đoạt được chính quyền. Điều đáng nói là đa số người sống dưới chế độ cộng sản đã dường như những con thú hoang mất hết nhân tính, do bị chế độ đầu độc, trở nên dã man, độc ác, tàn tệ, lọc lừa. Thêm tờ hộ khẩu, tem phiếu mua thực phẩm, chính sách xô dân đi vùng kinh tế mới mọc rải rác các nơi đèo heo hút gió, lam sơn chướng khí khiến họ đánh đổi thiện tâm lấy ác tâm. Tưởng không còn chuyện nào tàn bạo, dã man hơn chuyện người cha què quặt đem nắn cẳng chân đứa con, vắt lên cổ từ khi sơ sinh, để trở thành món hàng đắt giá, đem cho hành khất thuê mỗi ngày dùng làm phương tiện đi xin bố thí nơi đầu đường xó chợ. Hỏi còn thứ hành động nào thâm độc hơn khi con người đi giành giật một mảnh nhựa có dính phân với con chó đói mà đang tay đập đầu nó cho chết thảm thương. Khi chủ nghĩa Karl Marx giải phóng con người thì người và chó bình đẳng như nhau, vì sinh tồn giết nhau vì miếng ăn. Thực tế sự đói rách đã tạo nên cảnh đau thương bởi chế độ cộng sản. Các nhân vật trong truyện gồm những người dân sống trong những xóm nhà lá tối tăm, xa cách ánh đèn màu nơi phồn hoa đô thị, ngày đêm vang tiếng cười câu hát. Thiếu những mảnh trời thiên nhiên cao rộng, màu sắc chói lòa. Những câu chuyện đầy ắp cảm xúc, diễn tiến dồn dập, chuyển biến từ bối cảnh này sang bối cảnh khác làm con người bị choáng ngợp mà quên đi cái thế giới hiện tại đang sống để bước vào thế giới văn chương đa dạng của Nguyễn Thụy Long. Thế giới đó có bà mẹ Sương Sa chồng chết thời kháng chiến chống Pháp và hai người con, một chết vì xung đột với cộng sản và một chết vì đi nghĩa vụ quân sự. Một nhà văn hết thời ngủ bờ ngủ bụi, gia tài vỏn vẹn cái túi và cái mền đụp. Một gia đình mẹ mìn đem con cho ăn mày thuê lấy sống. Những người tù bị đày ải trong hỏa ngục đỏ và các tên công an cộng sản tham lam với phương pháp tìm vàng có một không hai trong lịch sử loài người. Một thế giới hỗn mang chứa chấp những nhân vật điển hình mang cá tính riêng của mỗi hạng người khác biệt nhau. Kết thúc cho tác phẩm Nguyễn Thụy Long tâm tình bằng những chuyện thật đời người, cho thấy xã hội cộng sản có hạng người sống thiếu văn minh. Một chủ nghĩa vô sản, vô thần tựa một hung thần, tất cả mọi hành động đều có thể suy diễn, biến thành tội trạng chính trị. Đảng đứng trên mọi hình tượng xã hội kể cả các thần linh, nên có thể dựa vào thế Đảng để làm mọi tội ác, kể cả hành động sát hại người mà lương tâm không cắn rứt. Và dựa vào uy quyền của Đảng, con cái có thể chửi cha mắng mẹ, trò có thể đánh thầy cô giáo…luân thường đảo lộn, đạo đức suy đồi: “Phải chăng tôi là một anh già hay gây gỗ và lắm điều? Thật ra tôi không hẳn như vậy. Có gì đó tôi mới ra lời, nếu không tôi làm thinh cho yên. Tôi muốn yên vì tôi lười, đơn giản thế thôi. Vậy mà có những chuyện chẳng đặng đừng, muốn yên mà không yên được. Mới ngày hôm qua đây thôi tôi lái chiếc Velo Solex của tôi trên đường, có một chị trông cũng bảnh lắm lái xe Dream. Lúc qua mặt tôi chị nhổ một bãi nước bọt. Bãi nước bọt bay thẳng vào mặt tôi dính nhằng nhằng. Tôi lộn tiết, nhả hết ga đuổi theo, cũng may gặp đèn đỏ ở đầu đường, tất cả xe cộ phải dừng lại. Tôi đuổi kịp chị ta. Tôi nói một câu rất là có văn hóa: “Này chị coi, bận sau đi xe trên đường không nên nhổ nước bọt bừa bãi như thế, vừa mất vệ sinh vừa không lịch sự.” Chị ta nhìn thẳng tôi, lầu bầu câu gì đó trong miệng, tôi tưởng sẽ nhận được lời xin lỗi, nhưng không, chị khạc thêm một câu khác vào mặt tôi: “Biết là mất vệ sinh sao không chùi đi, lại còn lo bắt lỗi, muốn bắt đền hả, rõ là lắm điều.” Tôi sững sờ chưa kịp có phản ứng gì thì đèn bật xanh, xe cộ nối đuôi nhau chạy mất. Tôi dạt vào trong lề, đứng chùi bãi nước bọt trên mặt. Tôi đã không kịp nổi nóng, như đã mất nhiều dịp nổi nóng, mọi chuyện xảy r a nhanh quá. Hồi đầu gọi là giải phóng tôi từng bị anh cán bộ cưỡi xe đạp chẹt tôi, ngã văng cả kiếng trắng, còn mắng cho một trận vì không chịu nghe tiếng ếp ếp của anh. Sau tôi dắt xe qua đường suýt nữa bị một ông trẻ làm lớn lái xe hơi nhỏ xồ đến cán phải, còn bị chửi thằng già chán sống. Đại khái là những việc như thế, tôi chẳng biết làm sao. Tôi muốn lắm điều nhưng mà không thể lắm điều được, tốt hơn hết là làm thinh. Tôi dừng thiên hồi ký ở đây nhưng tôi chưa gác bút.” Tác phẩm kết thúc tháng 12.1999, hẳn Nguyễn Thụy Long còn tích lũy nhiều chuyện cười đau khóc hận khác dưới chế độ cộng sản mà không thể làm thinh. Đã vướng vào nghiệp dĩ văn chương và đang tiếp tục công việc theo đuổi trong ý thức trách nhiệm dễ gì có thể mỗi chốc đem bẻ cong ngòi bút trước bất cứ thế lực nào dù cho rằng bạo lực. “Hồi ký viết trên gác bút” viết từ căn gác vùng Gia Định nơi Ngu yên Thụy Long cư ngụ, một số trích đoạn được chuyển ra hải ngoại phổ biến trên một số báo, sau nhà Văn Nghệ xuất bản thành sách tại California, Hoa Ky, năm 1999, Nguyễn Thụy Long cho thấy cả một quãng đời cầm bút của mình trong những ngày đầu, duyên cơ đưa đảy tới: “Từ tác phẩm đầu tay của tôi là “Loan mắt nhung” ra đời và làm nên văn nghiệp của tôi được xuất hiện tờ báo “Sống”, do sự khuyến khích của ông Chu Tử…Tôi chính thức là ký giả của báo “Sống”, nhưng cũng đánh lẻ cho nhiều báo như một số anh em ký giả khác. Thành nghề hầu hết do kinh nghiệm, sự học hỏi lẫn nhau” Căn gác này Nguyễn Thụy Long đã cầm bút trở lại sau nhiều năm trăn trở, giới hạn từ năm 1975 đến mãi cuối năm 1997 muốn nói đến những kỷ niệm nơi đã ngồi viết từ thuở đầu đời, theo đuổi nghiệp dĩ, tạo dựng được nhiều tác phẩm nổi tiếng, những nhân vật hoặc còn sống hoặc đã chết: “Gác bút hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều được cả. Căn gác của một nhà văn, của thi nhân, của kẻ hàn sĩ để làm ra thơ, văn, nhạc, họa cũng được hoặc tự gác cây bút lên giá, không viết nữa cũng xong. Tập hồi ký của tôi có thể mang cả hai ý nghĩa ấy: danh từ hay động từ, căn gác cũ ở căn nhà xưa của tôi ở ấp Đông Ba, Gia Định. Nay là khu giải tỏa Rạch Miễu. Tôi ở đó từ hơn bốn chục năm nay, từ ngày khởi nghiệp viết văn làm báo tuổi còn trẻ măng, đến nay tôi đã là một lão già hơi lẩm cẩm, ưa giận hờn, cáu kỉnh lo chuyện trời sập. Nhà tôi thuộc khu giải tỏa, chắc chắn sẽ bị ủi sập, can gác kia phải kéo đổ. Vì lo chuyện trời sập mà sau nhiều năm gác bút nay ti6i cầm bút viết hồi ký “trối già” trên căn gác bút. Cầm cây bút lên bây giờ nặng nề lắm, nhất là viết hồi ký. Hồi ký tất nhiên nằm trong một đời người. Đời tôi, một người viết văn, sống bằng nghề viết cả nửa đời người ở trên quê hương mình. Một đời cầm bút của tôi, tôi chưa hề viết nổi một truyện ngắn, truyện dài trữ tình nào. Cái chất trong văn chương của tôi từ xưa tới nay vẫn là những bão táp cuộc đời, đời sống. Nay viết hồi ký, hẳn nhiên là hồi ký của tôi, đời tôi. Tôi nhặt ra các mẩu đời sống của mình hẳn nhiên chẳng mấy đẹp đẽ. Viết hồi ký là sự thật, không thể hư cấu để đánh bóng cho đẹp đẽ, đọc lên nghe du dương cho tâm hồn bay bổng. Không có điều đó trong tập hồi ký này.Tôi giới hạn tập hồi ký này từ năm 1975 đến hôm nay, cuối năm 1997. Viết tất nhiên có người đọc đến bị ngộ nhận, tôi không muốn hồi ký của mình mang màu sắc chính tri. Ngộ nhận đến bị xuyên tạc không mấy xa. Tôi hiểu điều đó, cố tránh khi viết. Để nói rõ hơn, tôi chỉ muốn nói đến con người, vấn đề nhân bản. Trong đời sống và quanh bằng hữu, tốt, xấu, đau khổ hay vui cười. Hoặc đau khổ mà bật r a tiếng cười. Từ xưa đến nay tính chất của tôi vẫn là tưng bừng trong đời sống. Theo chủ nghĩa Mackênô (=Mặc kệ nó). Muốn đến đâu thì đến.” Từ thế giới bên ngoài bình thường, phẳng lặng, dấn thân nơi trường văn trận bút có nhiều sóng gió bão bùng, Nguyễn Thụy Long có cái nhìn bén nhạy, thấy rõ mọi góc cạnh của cuộc sống ngụp lặn những thiếu thốn, khổ đau và đầy dẫy cạm bẫy của kiếp nhân sinh. Vì thế các nhân vật của Nguyễn Thụy Long cấu tạo nên đã mang một sắc thái khác thường của xã hội đen, nhờ thế Nguyễn Thụy Long sớm nổi đình nổi đám trong giới cầm bút thời bấy giờ: “Trong đời cầm bút của tôi, tôi chưa bao giờ tôi viết lên được một nhân vật đẹp đẽ, tôi chỉ chuyên tìm con đường gai góc mà đi, những nhân vật ma chê quỷ hờn đã được thể hiện trên giấy.” Sau những tập hồi ký “Thuở mơ làm văn sĩ”, “Hồi ký viết trên gác bút” in tại hải ngoại. Tập “Thuở mơ làm văn sĩ” Nguyễn Thụy Longviết về cái thuở ô mai ở Hà Nội năm lên 10 khi bấy giờ là năm 1950, chuẩn bị thi vào lớp đệ thất trường trung học Chu Văn An. Trong ba tháng hè Nguyễn Thụy Long đã tham gia mọi trò chơi trẻ con, đánh đinh, đánh đáo, sưu tầm các tấm chương trình ở các rạp chiếu bóng, xem chiếu bóng và đọc truyện. Nguyễn Thụy Long đọc bất kể một loại truyện nào đã được người lớn đem in thành từng tập mỏng phát hành mỗi tuần, gom góp lại đóng thành pho sách dày. Những truyện in hàng ngày trên báo cũng được cắt đóng thành tập. Không kể công việc sưu tầm từng cuốn tiểu thuyết của Tự Lưc Văn Đoàn rất được ngưỡng mộ. Nguyễn Thụy Long mê đọc sách mơ trở thành văn sĩ như họ: ”Tôi ngưỡng mộ biết bao nhiêu tác giả. Mơ ước ngày nào đó mình được như họ. Tôi mê đến độ, có thể đọc tiểu thuyết bất cứ lúc nào, không phải chỉ ở những ngày rảnh rỗi. Thường xúc động về tình huống số phận của các nh6n vật. Mùa rét nằm trong chăn bông đọc tiểu thuyết. Tôi nhớ đọc cuốn “Người Anh Cả” của Lê Văn Trương, tôi cũng là anh cả trong gia đình nhỏ bé của mình, thế là tôi xúc động. Chui vào trong chăn khóc thỏa thích. Khóc sưng cả mắt, vì thương thân phận người anh cả trong tiểu thuyết đó quá. Sau này, và đến bây giờ tôi vẫn thường mủi lòng trước các hoàn cảnh, có thể trong tiểu thuyết, đời thật, hay phim ảnh. Nếu bạn bè tôi có nhận xét về tôi: “Trông con người nó hung hãn như vậy, nhưng tâm hồn thì yếu đuối.”Tập hồi ký này trước năm 1975 Nguyễn Thụy Long viết dang dở cho một tuần báo thiếu nhi, sau viết lại, chỉ ca tụng giấc mơ của một kẻ mơ làm văn sĩ, bối cảnh cho thấy tình trạng tịch thu, đốt sách chế độ cũ của cộng sản, những văn nghệ sĩ bị truy lùng bắt đi “cải tạo”, có người chết tức tưởi trong tù như trường hợp nhà văn Dương Hìng Cường, nhà văn Hiếu Chân tức Nguyễn Hoạt vuết phiếm luận thật độc đáo…:“Gần nửa đời người làm việc cầm bút. Đến nay không giữ được quyển sách nào của mình viết ra. Trận hỏa tai năm 1975, không phải riêng tôi bị thiệt hại mà nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng cùng chung số phận và còn trở thành tội phạm, bị đem ra trưng bầy tại phòng trưng bầy “tội ác Mỹ ngụy”. Nhiều năm dài những cuốn sách của tôi, của chúng tôi bị cầm tù.” Và Nguyễn Thụy Long đã kết thúc các trang chót tập: “Hồi ức 40 năm làm báo” xuất bản tại hải ngoại tháng 12.2002, trong đó vạch cho thấy bước đầu của đời làm báo thật nhiều đắng cay, chua chát và quãng đời tù đầy của mình một cách bộc trực, không dè dặt, che đậy, đọc cảm thấy thấm thía, có nhiều chỗ để suy nghĩ về một chế độ đã tàn lụi: “Sau một phùa đi tù lãng nhách một năm tại khám Chí Hòa, thuở ấy gọi là Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa, từ vừa thối vừa giả dối, đời tôi từng thấy na ná nhau đến hai lần qua hai chế độ tôi đã sống qua.Tôi mang tội đào ngũ sau chính biến 11.11.1961, thêm tội du thủ du thực vì không nhà, không cửa. Để kiếm sống qua ngày tôi sống những ngày tận cùng xã hội miệt Cầu Ông Lãnh trên Con Kinh Nước Đen. Một đời sống dễ sợ của những con người bị coi là cặn bã của xã hội . Những con người dám ăn thịt nhau, cấu xé nhau để sống, sẵn sàng khống chế, ăn thua đủ với nhau trên đường Trịnh Minh Thế, rồi làm phụ thợ hồ ở quận 8, chuyên đổ ống cống xi-măng và làm cọc rào Ấp Chiến Lược. Kể cả nghề giặt quần áo thuê trong xóm chơi bời. Nói ra kinh tởm vô cùng, nên tôi không nói hành nghề giặt thuê ở những nơi đó như thế nào, tôi để dành chi tiết ấy cho một tác phẩm khi làm nhà văn. Một ngày kia tôi khăn gói quả mướp về báo “Ngàn Khơi”. Với điều kiện không lương chỉ được nuôi cơm, không chức vụ nên không nề hà bất cứ công việc gì của tòa báo. Tôi yêu nghề báo, tôi chấp nhận, không phải nhắm mắt chấp nhận, mà mở mắt chấp nhận. Một công việc vác ngà voi, cái ngà voi đẹp đẽ, nghề văn, nghề báo tôi từng ao ước mê say, như tất cả bạn bè anh em tôi vậy. Một tờ báo không có khoản chi lương, tiền nhuận bút bài vở cho những người cộng tác. Nhưng tất cả cật lực làm việc, mà làm việc với lương tâm và lòng nhiệt tình để xây dựng tờ báo trong lúc khó khăn” Ngay nơi “Lời mở đầu” của tác phẩm Nguyễn Thụy Long đã tâm sự một cách chân thành: “Tôi gia nhập làng báo, làng văn từ năm 1962, có thể trước đó vài năm, nhưng chẳng kể làm gì, thời trước đó là thời của văn nghệ học sinh. Thuở tôi mơ làm văn sĩ…Thuở đó mới chỉ mơ thôi chứ chưa có thật, một cái gì còn xa vời lắm với một cậu học sinh “tài thô, trí thiển”, nhưng tôi yêu nghề viết văn làm báo từ ngày đó. Người ta mơ gì thì mơ, tôi mơ một cách quái gở, mơ làm văn sĩ, một tương lai sự nghiệp không lấy gì làm sáng sủa cho lắm thời bấy giờ… Trong đời cầm bút của tôi, đến nay đã vào tuổi 65 (= tính theo thời điểm 2002). Nhưng lúc cầm bút lên viết điều gì đó có thể hại cho an ninh bản thân. Bạn bè khuyên tôi nên từ bỏ đi, hay đốt bỏ cho mất tang tích. Tôi không gặp được một may mắn nào…Điều mơ ước duy nhất của tôi, làm nốt những gì mình còn bỏ dở dang, tôi sẽ nói lên hết, nếu sức khỏe tôi còn cho phép. Tôi tự cho tôi quyền tự do trên căn gác bút cô đơn… Tôi theo đuổi nghề suốt 40 năm trời, hình như không lúc nào ngừng nghỉ, làm việc cả trong lúc bị gác bút, chân tay bị cùm, còn cái đầu, tôi vẫn làm việc, vẫn suy nghĩ và thầm viết trong đầu. Để lúc nào thuận tiện thì thành văn chương, tác phẩm. Kể chuyện nôm na chơi. Trong đời sống hỗn mang hai mươi mấy năm trời qua, tôi sống thử qua rất nhiều nghề. Trong đó có cả nghề cầm bút. Nó ra làm sao, đó là do sự tò mò của một nhà báo mà cái gì cũng muốn biết. Tôi chấp nhận những cái không may sẽ đến với tôi… Tôi không mất vì chẳng còn gì mà mất, cứ coi là việc rong chơi qua ngày trong bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.” Ngoài ra tại hải hải ngoại còn thấy xuất bản những tác phẩm như “Thân phận ma chơi”, “Giữa đêm trường”. Nguyễn Thụy Long cũng đã cung cấp trực tiếp nhiều truyện ngắn cho tuần báo Đất Đứng, diễn đàn của Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Mỹ, đề cập đến những băng hoại xã hội dưới chế độ cộng sản. Khi qua đời Nguyễn Thụy Long còn để lại cho gia tài văn học tập bản thảo“Vùng mả động”, “Thìn ma” cùng hàng trăm truyện ngắn chưa in thành sách. Nguyễn Thụy Long, một nhà văn hiện thực, sở trường nhìn cuộc sống của lớp người rơi trong hoàn cảnh đen tối, và đầy rãy những cạm bãy, do mưu sinh thời thế xô đảy. Cuộc sống của Nguyễn Thụy Long trải nhiều thăng trầm, hàm oan phản ảnh trong tác phẩm. Bởi thế người ta khó tìm thấy những nhân vật đẹp đẽ trong tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long. Bốn mươi năm cầm bút Nguyễn Thụy Long ra đi để lại trên ba mươi tác phẩm ghi lại nhiều biến thiên của xã hội là một kho tài liệu vô giá. Nguyệt san văn học nghệ thuật Khởi Hành, tại Westminster, California – hậu thân tờ Khởi Hành do cố Đại tá Nguyễn Văn Trọng, tức nhạc sĩ Anh Việt làm chủ nhiệm, là diễn đàn của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, tại miền Nam trước năm 1975 – chủ nhiệm kiêm chủ bút Viên Linh tức Nguyễn Nam, đã trao giải “Văn Chương Toàn Sự Nghiệp” trị giá 5,000 mỹ kim cho Nguyễn Thụy Long. Một giải thưởng nằm trong giải “Văn Chương Toàn Quốc” tại miền Nam trước năm 1975 nhằm vinh danh một nhà văn đã suốt đời cầm bút trong ý thức công bằng, tranh đấu cho những người bị áp bức, sự thật, điều lành và cái đẹp.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen