Donnerstag, 8. Dezember 2016

Câu chuyện lều chõng dưới triều vua

Câu chuyện lều chõng dưới triều  vua 

Chữ Lều Chõng lấy lại nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Ngô Tất Tố. Nó biểu tượng tiêu biểu cho việc thi cử thời xưa.
“Ngày nay nghe đến hai từ ‘lều chõng’ có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, ‘lều’ ‘chõng’ đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là ‘bốn nghìn năm văn hiến’. Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám ‘lều chõng’ mà ra.
Lều chõng với nước Việt chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía.”
Trên đây là phần mở đầu cuốn “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố. Truyện “Lều Chõng” được in trên báo Thời Vụ từ số 109 ra ngày 10/3/1939, đến năm 1941 mới được in thành sách.
THí sinh 60 tuổi. © Roger Violet. Nguồn: Nguyen Thi Chan Quynh, "CONCOURS DE MANDARINS", La jaune et la rouge, mai 1997, No. 525, pp 31-37
Thí sinh 60 tuổi, Trường Nam Định. © Roger Violet. Nguồn: Nguyen Thi Chan Quynh, “CONCOURS DE MANDARINS”, La Jaune et la Rouge, MAI 1997, No. 525, pp 31-37
Nhận xét của Ngô Tất Tố rất bi quan về thi cử như một người đã từng thất bại ê chề, đồng thời chứng kiến vận nước nổi trôi, rồi kết cục mất vào tay người Pháp trong nỗi bất lực của triều đình Huế. Sự thất bại ấy hình như Ngô Tất Tố muốn trút hết lên đầu giới quan lại được đào tạo và tuyển chọn qua hệ thống thi cử triều Nguyễn.


Cái tinh thần hoài niệm thi cử chữ Nho như còn nhắc nhở đâu đây trong câu, “Anh về học lấy chữ nhu, chín trăng em đợi, mười thu em chờ” khi đang đi vào buổi thoái trào.
Lều chõng, bút lông, chữ Hán đang phải đối đầu với bút sắt, chữ Quốc ngữ mà miền Nam đi trước một phần tư thế kỷ so với miền Bắc chỉ vì người Pháp có mặt sớm hơn ở Nam Kỳ. Cụ thể, nổi bật nhất là hai khuôn mặt lớn của xứ Nam Kỳ tiêu biểu cho hai thời đại: Phan Thanh Giản, Kinh lược trấn Tây từ Hà Tiên đến Nam Vang (1798-1887) và nhà bác học không qua thi cử cả Hán lẫn Tây học Trương Vĩnh Ký (1837-1898).
Nào phải mình Ngô Tất Tố bất mãn với thi cử!
Phan Bội Châu, một người đỗ đạt qua thi cử triều Nguyễn, đậu cử nhân khoa Canh Tý năm thứ 12 niên hiệu Thành Thái, 1900 cùng thời với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh. Vậy mà Phan Bội Châu nào có kiêng nể gì với những lời phê phán nặng nhẹ. Hơn ai hết, Phan Bội Châu đã nhận thức được cái bất lực của triều đình Huế và đi tìm một giải pháp cứu nước qua Phong trào Đông Du.
Gia đình Ngô Tất Tố vốn dòng dõi nho học, nhưng thi cử không may, ông nội thi rớt nhiều lần, đến ông bố cũng vậy. Riêng Ngô Tất Tố có dự kỳ thi năm Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912). Kỳ này trường Hà Nam lấy đậu 30 người. Ông mới chỉ qua được kỳ khảo hạch, lúc vào thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất.
Khảo hạch là hai điều kiện người dân phải có để dự thi Hương. Một là được quan chức địa phương xác nhận có đạo đức tốt; hai là có trình độ học lực chứng minh bằng cách đỗ kỳ thi ám tả cổ văn. Hội đủ hai điều kiện trên sẽ trở thành khoá sinh; khoá sinh trở thành thí sinh khi chính thức đi thi. Ông Ngô Tất Tố đỗ Khảo hạch nên đã được dự thi Hương, nhưng ông đã hỏng ở trường nhất (thi về năm đạo văn sách, hỏi về văn chương, luân lý, nam bắc sử, Đông Dương chính trị, hình luật) nên chưa có được Tú Tài (phải đỗ 3 trên 4 trường). Ba năm sau, 1915, ông lại lều chõng đi thi và đã đỗ đầu kỳ thi Khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh. Vào thi Hương, ông qua được Kỳ Đệ Nhất, nhưng lại hỏng kỳ thứ hai. (Ngô Tất Tố, “Chuyện Người đương thời”, trang 11-16.)
Khoa năm Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912) ngoài môn quốc ngữ đã có từ khoa Kỷ Dậu, 1909, còn có môn Pháp ngữ (1 bài Pháp văn dịch ra quốc ngữ, 1 bài chữ Hán dịch ra chữ Pháp). Trong bài thơ Đi Thi Tự Vịnh, Tú Xương viết hai câu chót:
“Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa,
Á, ớ, u, âu, ngọn bút chì.” (Tú Xương, Đi Thi Tự Vịnh)
Mỗi kỳ thi kéo dài trong suốt một ngày. Thi xong 4 kỳ, thời gian kéo dài chừng 20 ngày. Vào buổi trưa, phải đưa bài viết đi đóng dấu Nhật Trung, đóng vào ngay chữ chót mới viết để quan trường xem biết thí sinh đã làm được đến đâu rồi. Nhưng vẫn phải đỗ ba kỳ mới được vào kỳ bốn. Từ thời Tự Đức, kỳ đệ nhất thi Chế Nghĩa, kỳ đệ nhị thi thi phú, kỳ đệ Tam thi Văn Sách. Kỳ đệ tứ thi lại một bài chế nghĩa, một bài thơ và một bài phú.
Nói chung, Ngô Tất Tố đã thất bại trong thi cử, Tú tài cũng không có, bỏ đi làm báo và để lại cho đời hai tác phẩm đáng giá Tắt Đèn và Lều Chõng cũng như trên 1400 bài báo dưới nhiều bút danh. Nếu ông đỗ cử nhân hay tiến sĩ liệu ông có để lại được cho đời một gia tài văn học như thế không?
Cám ơn triều đình Duy Tân, cám ơn Tây và cám ơn đời nhờ đó ông đã thi rớt!
Mục đích thi cử ở nước ta: Chọn người có tài, nhưng chọn bao nhiêu người? Và số phận những người thi rớt
Chọn người có tài
Ngay từ đời nhà Lý, 1072, đã mở khoa thi mà mục đích là chọn người có tài ra giúp nước:
“Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục, phàm muốn thu hút người tài năng, thì người làm vua một nước thì không thể nào không có khoa cử.”
(Phan Huy Chú, “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí”, chương II, phần Khoa Mục Chí.)
Mục đích thi cử đã rõ ràng là tìm người có tài.
Đến đời nhà Nguyễn Gia Long, bài tựa cuốn sách “Quốc Triều Hương Khoa Lục” của Cao Xuân Dục do Hoàng Cao Khải viết, lại một lần nữa nói rộng thêm vai trò người thi đậu như sau:
“Triều ta sùng chính đạo, trọng giáo hóa, chuộng nhân tài, dấy văn học. Thế tổ Cao Hoàng Đế đại định thiên hạ, bắt đầu mở khoa thi Hương, các thánh kế tiếp nối theo, phép tắc ngày càng chặt chẽ. Những người thi đậu phần đông là bề tôi giỏi, việc chọn được nhiều kẻ hiền tài như vậy thật rõ ràng đáng chép lại lắm.”
Về nguồn gốc cuốn “Quốc Triều Hương Khoa Lục”, theo như bài tựa của Hoàng Cao Khải cho biết, trước đó đã có Phạm Quân Thiếu Du, tức Phạm Đình Toái, ghi chép từ Khoa Đinh Mão đời Gia Long (1807) đến năm Canh Ngọ đời Tự Đức (1870) còn thì chưa rảnh mà làm tiếp. Khi ấy, Cao Xuân Dục đã được thăng chức Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên. Có dịp gặp Phạm Đình Toái và được ông này trao cho bản in “Quốc Triều Hương Khoa Lục năm 1873”. Nhưng mãi đến năm 1893, ông Cao Xuân Dục mới cho xuất bản, gọi là phần chính biên. Như thế, Cao Xuân Dục chỉ tiếp nối công trình của Phạm Đình Toái mà làm tiếp. Lại nữa, cuốn sách được chia hai phần: Phần đầu được gọi là chính biên do Cao Xuân Dục phụ trách. Phần sau, kể từ năm 1894 trở đi cho đến khi chấm dứt chế độ thi cử, nó được bổ túc, cập nhật và được gọi là Tục biên do ông Cao Xuân Tiếu, con của Cao Xuân Dục biên soạn.
Nhờ vậy, tác phẩm Quốc Triều Hương Khoa Lục được hoàn chỉnh, rõ ràng nhất về khoa lục của triều Nguyễn.
Trong Quốc Triều Hương Khoa Lục, tôi nhận thấy nhóm dịch giả Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm cùng Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu không thống nhất trong nhận định.
Cái bất nhất của nhóm dịch giả, hiệu đính là nhận định của họ về Hoàng Cao Khải và Cao Xuân Dục: Một bên là “tên đại Việt gian họ Hoàng” (trang 30), bên kia là  “cách thể hiện chính xác lập trường dân tộc qua việc xử dụng nhuần nhuyễn “bút pháp Xuân Thu” ở Cao Xuân Dục.” (trang 26) trong khi cả hai không khác gì nhau trong việc “đàn áp các nhóm nghĩa quân chống Pháp” (trang 17)
QTHKL, trang 17
QTHKL (NXB Lao Động 2011), trang 17
Đây phải chăng là một khập khễnh trong tư duy của những người biên khảo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
Mục đích thi cử là để chọn người có tài. Ai cũng đồng ý như vậy. Nhưng dựa trên tiêu chuẩn nào để biết đó là một người có tài? Phải chăng dựa trên đề tài thi? Hay dựa trên quyển thi của thí sinh trúng tuyển? Hoặc dựa trên sự tuyển chọn khắt khe của quan trường? Câu trả lời thật không đơn giản!
Tác giả  Nguyễn Thị Chân Quỳnh đã trích dẫn các văn bài của Trạng Nguyên Nguyễn Trực, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Lê Quý Đôn. (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, “Khoa cử Việt Nam, Tập Hạ – Thi Hội Thi Đình” do Trung Tâm Nghiên cứ Quốc Học. Nhà xuất bản Văn học. 2007. Phần II Thi Đình, Chương năm: Đề mục – Văn bài).
Tôi cũng được đọc bài Văn Sách Thi Đình của Trạng Nguyên Vũ Kiệt và sự đối đáp giữa Vũ Kiệt và nhà vua. Sự đối đáp giữa ông Trạng và nhà vua xem ra cũng không ra ngoài khuôn phép, “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách.” (“Trạng nguyên Vũ Kiệt và bài Văn Sách thi đình của ông”. Trích Danh nhân Kinh Bắc. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.)
Người đời nay thật không dễ để đánh giá các văn bài ấy. Chỉ nghĩ rằng nó đã không ra ngoài khuôn sáo ước lệ lặp lại người xưa.
Nhìn lại, nhiều người thất bại trong con đường cử nghiệp lại thành công lớn trong văn học. Tú Xương thi rớt lên rớt xuống lại là nhà thơ trào phúng sâu sắc bậc nhất đất Bắc có phải là người có tài không? Ngố Tất Tố chưa hề đỗ tú tài như Tú Xương mà ngồi chiếu nhất văn học hiện thực phê phán bên cạnh những Nam Cao, Vũ Trọng Phụng hẳn ông phải là người có tài!
Trường hợp các phụ nữ bị cấm không được thi cử, vậy mà vẫn có những người như Đoàn Thị Điểm, Thanh Quan và nhất là Hồ Xuân Hương. So với văn chương của Hồ Xuân Hương thì ai là người trong số các tiến sĩ, cử nhân triều Nguyễn có thể sánh bằng?
Và như một Nguyễn Trường Tộ, một nhân tài xuất chúng của đất nước mà việc học chỉ là vay mượn vá víu. Như trong Di Thảo số 3: Bài trần tình. Ông viết:
“Tôi thuở bé không được dạy bảo, lớn lên lưu lạc nhiều nơi, nhưng những hoài bão và những việc làm của tôi có chỗ khác hơn người (…). Ở triều đình. Tôi không có địa vị, yến tiệc tôi không dự. Những việc trọng đại tôi không có liên quan gì, mà không biết giữ mình, sống bấp bênh theo chúng là hơn.” (Trương Bá Cần, “Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo”, Di Thảo số 3, trang 12)
Một người như ông đã để lại nhiều Di thảo, nhiều bản Điều Trần, những đề nghị cải cách về nhân sự, về phát triển kinh tế, về khai thác hầm mỏ, về kế sách ngoại giao, về quân sự, về sách lược đối với Pháp. Thử hỏi các ông cử nhân trong suốt hơn trăm năm triều Nguyễn, 5232 ông cử nhân, chưa kể hàng ngàn, hàng vạn các ông Tú Tài, tất cả đã có bao nhiêu ông làm nên công trạng?
Hỏi là để hỏi vậy thôi. Tôi xin đặt ra vấn đề thứ hai là: Chọn bao nhiêu?
Chọn bao nhiêu?
Số đi thi thì nhiều, chọn thì ít. Hình như thời nào cũng vậy. Nhưng ít là bao nhiêu? Có thể có một tỷ lệ thuận theo đó càng đỗ ít thì chất lượng thi cử càng bảo đảm chất lượng? Nhưng ít bao nhiêu, ít đến ít quá ít thì mục đích chọn của thi cử có còn nữa không? Cho đến bây giờ khi viết những dòng này, tôi vẫn không cắt nghĩa được tại sao lại khắt khe trong thi cử đến thế!
Nói một cách khoa học thì chọn như thế chỉ cho một kết quả xác xuất may rủi. Nói bình dân gọi là rút thăm hay xổ số. Thi cử đỗ đạt quá ít đã nảy sinh ra khá nhiều lối giải thích, lối an ủi mà thực sự chả có liên quan gì đến thi cử.
Ông Trời cũng bị vào cuộc và bị vạ lây.
Chẳng hạn, người ta tự an ủi là học tài thi phận, tại số trời, tại đất, tại mồ mả chưa phát, thầy địa lý nói, thầy tướng số bảo, tại năm tháng hạn, tại hồn ma báo oán. Đã có khá nhiều những giai thoại về thi cử như thế chắc không cần phải kể ra đây. Những giai thoại như thế chẳng nên tiếp tục kể lại mặc dù bây giờ chỉ là mua vui.
Nếu thi rớt chỉ là tại vì thế này, tại vì thế kia thì mục đích chọn lựa người có tài có còn có ý nghĩa gì không?
Cái đúng nhất có lẽ cần nói là tại chế độ thi cử, tại nội dung bài thi, tại chế độ chấm thi và nhất là tại chế độ học. Chế độ thi cử như thế thay vì chọn người tài ra giúp nước chỉ là nguyên do chính làm tiêu hao nhân tài!
Tại chế độ học
Một chế độ học như vẹt, học như quốc kêu, học những điều sáo nghĩa, vịn vào sách này nói, nhất là Tử nói. Những điều học như thế đã trờ thành lỗi thời, kéo dài hết từ đời này sang đời kia, chỉ cho một mớ kiến thức xô bồ, hỗn độn thì bảo sao việc học không trở thành vô bổ.
Sự phê phán lại chủ yếu dựa vào văn tài theo kiểu “văn hay chữ tốt”. Giám khảo chấm văn hơn là chấm nội dung tư tưởng với những lời phê:
“Văn rườm rà mà ý cạn, hay văn hẹp hòi mà quê mùa, chỉ biết học theo khuôn sáo, không biết học rộng hơn, càng tủn mủn tìm tòi, chương cú vụn vặt, không còn có chút khí cách hùng hồn nữa.” (Phan Huy Chú , ibid., phần Khoa Mục chí, trang 33)
Vì thế cái nia sàng thi cử đó đã thải loại hàng triệu người trong đó không thiếu những nhân tài cho đất nước mà cái tội duy nhất chỉ là thi không đỗ. Thi không đỗ đáng lẽ đổ lên đầu triều đình, người ra đề thi, chương trình học, người dậy học và người chấm thi.
Đã thế, các khảo quan ra nhiều đề thi lắt léo nhằm đánh rớt thí sinh, không cho họ cơ hội tiến thân. Giỏi là thuộc bài? Phải chăng thuộc bài là nhân tài? Chọn người thuộc bài chọn đúng người?
“Tìm tòi những câu hiểm hóc, cốt hỏi cho học trò không nhớ thì mới là giỏi.”  (Phan Huy Chú, ibid., Khoa mục Chí, trang 34).
Việc không thi đỗ cuối cùng tìm ra được một lời bào chữa, tại số phận. Lời bào chữa đó đã như một trạng sư tài giỏi khỏa lấp tất cả những thiếu sót của thi cử. Mọi người từ trên xuống dưới, ngay cả nạn nhân là các nhà nho cũng đồng thỏa thuận như vậy. Trồng một cây không ra hoa trái thì lỗi tại cây hay tại người trồng? Chuyện đơn giản như thế mà cả ngàn năm vẫn không vỡ lẽ ra được. Việc thi cử trở thành một số phận, bởi vì người ta không chỉ dự thi một kỳ, mà nhiều kỳ, có khi cả một đời người. Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố là một trường hợp điển hình.
Xin trích một đoạn cảnh thi ở trường thi Hà Nội trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố:
“Trên miếng đất giá lạnh của trời đông, bóng người chật như đám hội. Có người tóc đã bạc phơ. Cũng có người hồng mao còn ngất ngưởng trong vành khăn nhiễu. Có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc so sởi trong manh áo đơn. Cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sụ, hai hàm răng còn run cầm cập. Có người hai vai nặng trĩu khủy tay còn đủ sức thích bên kia gạt bên nọ, len từ ngoài tít vào trong cùng. Cũng có người cất cổ không lên, lều chiếu đều bị lôi sềnh xệch ở mặt đất. Vênh cái mặt dương dương tự đắc, đó là người mới thi lần đầu. […]
Thình lình trong Nhà Thập Đạo, kiểng đông giống với trống khẩu, dõng dạc đánh luôn ba hồi. Các bóng đèn lồng nhất tề lay động. Các áo thụng lam, các mũ cánh chuồn đồng thời rộn rịp như sân khấu rạp tuồng.
Sau khi bốn ông Ngự Sử đã đem chức trách đàn hạch lên bốn chòi canh, các ông khảo quan tức thì cắt nhau mỗi người đi mỗi ngả. Cũng như mọi khoa, hai ông Phân khảo phải coi hai cửa tả hữu, ông Phó Chủ khảo được theo chiếc biển “phụng chỉ” ra cửa Vi Ất. Còn cửa Vi Giáp thuộc quyền ông Chánh Chủ khảo và lá cờ Khâm sai nhà vua ban.
Dứt mấy tiếng yết hậu của trống khẩu và kiểng đồng, hai hàng đèn lồng bắt đầu ở nhà Thập Đạo từ từ tiến ra. Rồi đến một đôi lọng vàng cung kính rước lá cờ khâm sai đi trước.
Rồi đến ông Chánh Chủ khảo và bốn chiếc lọng xanh khúm núm theo sau.
Bộ dạng Quan Chánh chủ khảo mới oai làm sao?” (Ngô Tất Tố, “Lều Chõng”, Chương VIII, trang 44.)
Trường thi thường được chọn một bãi trống như bãi ruộng. Vì thế các kỳ thi thường được mở ra vào mùa thu sau khi việc đồng áng, gặt hái của các sỉ tử cũng đã xong. Ruộng đã gặt nay chỉ còn trơ gốc rạ. Người ta dựng tạm những ngôi nhà cho các quan giám khảo và tùy theo chức vụ mà được chia xẻ chi li từng đôi đũa, cái bát, bao nhiêu bát gạo, mắm muối, v.v. Phần quan Chánh Chủ khảo luôn luôn có 4 cái lọng che, trong khi các chủ khảo chỉ có một lọng
Vùng nào có nhiều người thi đỗ?
Lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý 1888 cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân. Nguồn: "L'Examen des lettres au Tonkin". Journal des Voyages No 601. Paris, 1889
Lễ xướng danh trường thi Nam Định năm Mậu Tý 1888 cho các thí sinh trúng tuyển làm cử nhân. Nguồn: “L’Examen des lettres au Tonkin”. Journal des Voyages No 601. Paris, 1889/Wikipedia.org

Có vùng có nhiều người đỗ, vùng khác ít hơn. Có vùng quá ít. Chẳng hạn sáu tỉnh vùng cao ở ngoài Bắc nơi các dân tộc ít người chỉ cống hiến được 3 nhân tài. Trong ba người thi đỗ này, cả ba đều thuộc các tỉnh như Quảng Yên, Hưng Hoá rất gần với các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nhưng trong Nam thì còn tệ hơn nữa.
Trường hợp tỉnh Kontum, sở dĩ có một số người Kinh là vì người ta sợ bắt đạo thời Minh Mạng đã kéo nhau lên đó sinh sống, họ chưa hề có ai đi học chữ thánh hiền. Nói chi đến các dân tộc ít người như Bahnar, Sêđăng, Jorai, Kôhô, Churu, Mnông. Việc thi đỗ có sự phân biệt, có được ưu đãi tùy theo địa lý, dân số và sắc dân.
Về tỉ lệ các người thi đậu theo các vùng chỉ có thể bắt đầu từ 1802, lúc mà Gia Long lên ngôi, chọn Huế làm kinh đô, mặc dầu Gia Long khởi nghiệp từ vùng đất Nam Kỳ. Sau này dưới mắt ông, đất Nam Kỳ, cái miền đất hứa, nó hứa đủ thứ, ngay cả cái nghiệp đế vương của ông cũng chỉ còn là “cái miền Nam xa xôi ấy”. Lúc mà cơ ngơi đã ổn định, đất nước thu về một mối, sự chọn lựa người thi đậu ở triều Nguyễn đã hẳn đương nhiên nghiêng về các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh phía Bắc Trung phần tính từ Thanh Hoá Nghệ an trở vào.
Phần lớn các nhận xét đánh giá trong bài viết này đều dựa vào các kết quả đã được ghi chép đầy đủ trong Quốc Triều Hương Khoa Lục. Riêng phần kết quả ở trường thi Huế trong 105 năm là 1263 cử nhân trên tổng số 5232 của cả nước, tính đến khoa Mậu Ngọ, Khải Định thứ ba, năm 1918. Huế chiếm một phần tư tỉ lệ người đỗ của cả nước.
Con số cho thấy gần mặt trời, tỉ lệ thi đỗ cao.
Thi Hương không nói làm gì, vì có nhiều trường thi ở các tỉnh. Nhưng thi Hội phải trèo đèo lội suối vào đến được Huế đâu có dễ dàng gì. Sĩ tử thi Đình, có khi chưa kịp múa bút, khoe tài thì đã chết dọc đường vì đói khát, bệnh tật, cướp bóc hoặc bị thú dữ ăn thịt.
Nay, nếu xét từng khoá thi, dựa vào Quốc Triều Hương Khoa Lục, người ta thấy những năm đầu triều Nguyễn, sĩ số người đậu tại trường thi Huế thường ít hơn các trường khác, và tình trạng đó tiếp tục kéo dài đến đời Minh Mạng. Nhưng từ năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15, 1834, không hiểu vì lý do gì, không biết tại sao, trường thi Huế bao giờ cũng dẫn đầu về số người thi đậu. Năm dẫn đầu cao nhất là khoa năm Mậu Thân, Tự Đức thứ 1, 1848.
  • Trường Thừa Thiên có 52 người thi đậu. Nghệ An 22. Thanh Hoá 16. Hà Nội 28, Nam Định 27, Gia Định 20.
Nếu tính từ Thanh Hoá trở vào thì miền Trung có 90 người thi đỗ trong khi cả miền Nam lẫn Bắc chỉ có 75 người. Chỉ có một lý do biện minh cho tỉ lệ đỗ cao này là nếu số sĩ tử đi thi ở Huế phải nhiều hơn cả, nhưng về điều này đành chịu, vì chẳng có tài liệu nào có thể dùng để chứng minh. (Quốc Triều Hương Khoa Lục, từ trang 176-291)
Trừ Huế ra, các tỉnh miền Trung có tỉ lệ người thi đỗ trội vượt hơn hẳn các tỉnh phía Nam, phía lục châu. Với 1115 người thi đậu cho các tỉnh miền Trung là con số cao nhất so với các tỉnh phía Nam. So giữa các tỉnh miền Trung thì các tỉnh phía Bắc miền Trung, đặc biệt tỉnh Quảng Nam tỷ lệ đỗ đạt cao hơn các tỉnh phiá Nam miền Trung.
Điều này dễ hiểu và cắt nghĩa được.
Lý do vì các tỉnh phía Nam Trung phần đã hẳn còn dấu vết văn minh Chàm sót lại, còn nhiều những rối động chính trị cộng thêm cái tàn dư của Tây Sơn như đám tro tàn chưa kịp dập tắt. Lòng người với dấu vết thời gian in đậm đã dễ dầu gì quên ngay được. Vì thế, về phía triều đình cũng như phía dân chúng các tỉnh phía Nam Trung phần có những khoảng cách biệt chưa nối kịp.
Pierre Brocheux, Daniel Hémery cũng có nhận xét như sau:
“The state had particular trouble dealing with the independence and dynamism of the non-Vietnamese hunting and gathering cultures and itinerant farmers. These peoples, governed by their own authorities under the loose tutelage of Vietnamese mandarins, only offered an annual tribute to the Viet State, and they often rebelled. To give but one example, in 1802, Gia Long reconstituted, to the West of Binh Thuân, a Cham principality comprising Cham Muslims, Rhade, Kahauv, and Cru highlanders, named the Panduranga of Prada. All of them were entrusted to a Cham prince named by Hue.” (Pierre Brocheux & Daniel Hémery, “Indochina. An Ambiguous colonization 1854-1954” (2009), trang 8.)
Hãy xem việc thiết lập các trường thi thì rõ. Như trường hợp trường thi Bình Định. Ngoài Bắc có trường Hà Nội, Hà Nam, sau đổi sang Nam Định. Miền Trung, các tỉnh địa đầu có Thanh Hoá, Nghệ An rồi Thừa Thiên, sau đó nhảy vọt vào Gia Định. Tình trạng đó kéo dài mãi cho đền năm Tự Đức thứ 29, 1876 mới thiết lập thêm trường thi Bình Định với số người thi đậu lần đầu là 12 người.
Nếu nhìn ở khía cạnh địa lý và chính trị thì tỉ lệ đó cũng dễ hiểu, vì nay phần đất miền Trung nằm trong tầm ảnh hưởng chính trị của triều đình Huế. Đó là trung tâm quyền lực mới thay thế thủ đô Hà Nội trước kia.
Vua quan ở đó, Hoàng thân quốc thích ở đó tính ra ở giữa con số 2000-3000 các gia đình thế gia vọng tộc ở đó. Hưởng chút ơn mưa móc là chuyện dễ hiểu.
Đã vậy, thiên nhiên lại khắc nghiệt làm khó con người. Con đường tiến thân hợp lý hơn cả vẫn là con đường cử nghiệp. Cộng thêm, với thời gian, cái niềm hãnh diện về quê hương xứ sở cộng với cái hãnh diện về truyền thống văn hóa cũng làm cho việc thi cử trở thành niềm trăn trở, thao thức cho các con cái gia đình Huế và cho chính Huế. Cái thao thức của một khát vọng đi lên không bằng cái thao thức của sự thoát ly ra khỏi nghèo túng.
Thi cử trở thành ước mơ của con người.
Vì thế, lòng người Huế luôn luôn là trăn trở. Huế luôn luôn có những tiếng thở dài dù là lãng mạn. Và đấy cũng là nét đẹp nhất của tâm hồn Huế.
Về phần đất Nam Kỳ lục tỉnh
Có lẽ phần này phải được lưu ý một cách đặc biệt về mặt địa lý, mặt xã hội và về mật chính trị. Hiểu rõ điều ấy giúp đánh giá đúng mức thực trạng thi cử ở đây.
Đây là vùng đất mới với sắc dân tới từ nhiều nguồn, từ miền Trung đổ vào vì lệnh cấm đạo, từ phía Bắc tới trong cuộc Nam tiến. Và nhiều nhất là người Tầu đủ loại sang nước ta. Cộng thêm vào đó, cái óc thương mại đến từ phía người Trung Hoa tỵ nạn. Đó là những di thần bài Mãn, phục Thanh với các tên tuổi như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch đã đến Cù Lao phố Biên Hoà, Mỹ Tho lập nghiệp.
Đất Gia Định xưa là nguồn di dân từ khắp nơi đổ về đã làm dân số tăng lên gấp 20% so với cả nước.
Sơn Nam viết:
“Đời Minh Mạng, giai đoạn kéo dài 20 năm thêm khá đông tù tội bị đầy vào đồng bằng, qua đất Kampuchia với dụng ý thâm độc: bắn một mũi tên, nhưng giết nhiều con chim, xua đẩy những mầm mống khởi loạn ra xa kinh đô Huế, thâu thêm thuế trong tương lai gần, đồng thời nuôi dưỡng giới quan liêu từng lấy việc tham ô, xu nịnh làm sinh kế, xa kinh kỳ, bọn này tha hồ làm những việc phi pháp. Triều đình không tốn kém đầu tư, địa bàn thống trị mở rộng thêm.” (Sơn Nam, “Đồng bằng sông Cửu Long, Nét sinh hoạt xưa”, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985, trang 32)
Trích đoạn văn này, người viết chỉ muốn chú trọng tới phần trình bày về vấn đề sinh hoạt địa lý nhân văn, dân số của đồng bằng sông Cửu Long mà không nhất thiết đồng ý với cách diễn đạt của Sơn Nam.
Vấn đề của triều đình là nắm quyền kiểm soát thương mại không để cho thương gia người Tàu chi phối. Nhưng dân số gia tăng cũng là một vấn đề phức tạp gây lo ngại cho triều đình Huế.
Sắc dân hỗn tạp như thế cộng thêm sự có mặt của người Pháp đã biến đổi mau chóng toàn diện bộ mặt miền Nam. Cũng theo Pierre Brocheux:
“In 1836 for example, the French administration counted 1,737 rural townships in Cochin-china; in 1878, the French administration counted 2,387 villages and around 1,700.000 inhabitants, spread over 60,000 squares kilometres, an average density of 28 per square kilometer.” (Pierre Brocheux& Daniel Hémery, ibid., trang 8)
Con số trên cũng khá trùng hợp với con số của Sơn Nam đưa ra:
“Dân số còn thấp. Năm 1875, cả Nam Bộ phỏng 1,600,000 người (hơn dân số của tỉnh Bình Định chút ít). Năm 1895, lên khoảng 2,200,000.” (Sơn Nam, ibid., trang 61.)
“Không lạ gì trong hàng quan lại của triều đình Huế có những người gốc Tàu như Trịnh Hoài Đức. Các quan lại vào miền Nam đa số gốc Trung như Lê Khánh Trinh, Nguyễn Tăng Địch, Nguyễn Hoàn gốc gác Quảng trị. Nguyễn văn Xuân, Võ Văn Giải, Nguyễn Bá Nghi, Võ Duy Thanh. Ngay cả Lê Văn Duyệt, Trương Định, Tống Phước Hiệp, Hà Duy Phiên, Nguyễn Xuân gốc ở Thanh Hóa. Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại từ Quảng Nam, Thừa Thiên.” (Sơn Nam, ibid., trang 52)
Nhưng ngược lại, tỉ lệ thi đỗ ra làm quan ở miền Nam chỉ chưa đạt tới 2% so với toàn quốc. Trong số các tỉnh phía Nam, Gia Định và Biên Hòa có số người đỗ cao nhất. Riêng tỉnh Gia Định có số người đỗ cao hơn tất cả các tỉnh phía Nam cộng lại. Vậy mà so với cả nước, sĩ số thí sinh đỗ của tỉnh Gia Định thường là cầm cờ đỏ.
Tỉ dụ trong khoa Giáp Tý, Tự Đức thứ 17, 1864, Thừa Thiên đỗ 28 người, Nghệ An 19, Thanh Hóa 15, Hà Nội 24, Nam Định 21, An Giang chỉ còn có 10. Con số 10 cũng không phản ánh đúng, vì kể từ đó, đất miền Nam đã rơi vào tay người Pháp.
Trong các khoa thi sau, người ta bùi ngùi không còn bao giờ thấy trường thi Gia Định nữa. (Cao Xuân Dục, ibid., từ trang 360. Năm 1864 cũng là năm đầu tiên trường thi được đặt tại An Giang)
Trong những lý do mà người miền Nam “lơ là” với thi cử có thể do đời sống tương đối dễ dãi, “làm chơi ăn thật” khiến việc học, khoa bảng không trở thành “cần câu cơm” như dân miền Trung. Thôi thì hãy đọc nhà văn tiêu biểu miệt vườn Sơn Nam trong đoạn văn sau đây:
“So với các tỉnh phía Bắc và Trung phần thì đây là nơi dễ sống, vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn. Thiên nhiên ưu đãi, thực phẩm có thừa. Đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi lạc thổ. Nhiều đìa cá, cá nổi đầu lên như mù u chín rụng chẳng ai thèm bắt. Những người đi khẩn hoang, thường chữ nghĩa không đầy một cái lá me, không rành cách ngôn thánh hiền.” (Sơn Nam, “Đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Trẻ (2004)).
“Vùng đồng bằng thua sút các tỉnh khác trong cả nước về học vấn. Học hiệu phần lớn thành lập vào thời Minh Mạng, Thiệu Trị. Toàn tỉnh Hà Tiên, dọc bờ biể từ biên giới đến mũi Cà Mau có nhiều nơi quần cư quan trọng nhưng không thấy “Đại Nam nhất thống chí” ghi một học hiệu nào, dầu là của tỉnh.” (Sơn Nam, ibid., trang 42)
Thiếu thấy đồ, phải “nhập cảng” từ miền Trung mà vẫn thiếu hụt. Thầy đồ nổi tiếng hay chữ là Võ Trường Toản.
Nhiều nhà khá giả trong Nam phải cho con đi ra Huế “du học”. Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông là xuất thân trường học ngoài Huế.
Và Sơn Nam diễn giải thêm:
“Thiên nhiên ưu đãi, lương thực và thực phẩm có thừa, công việc nhàn rỗi, áo quần, nhà cửa, chữ nghĩa còn thiếu, nhưng so sánh với một số địa phương khác thì đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi “lạc thổ” […] Nhiều đìa cá ở xa đường giao thông, cá nổi đầu lên như ‘mù u chín rụng’, nhưng chẳng ai khai thác; gặp năm cá sụt giá. tát nước, khiêng hoặc gánh cá tới bến nước để bán thì tốn kém, lỗ tiền công. Đìa ấy để dành cho người vùng trên đến mót, lượm, tát chia hai với chủ. Vịt nuôi không cần cho ăn, mùa hạn dưới rạch đầy cá nhỏ, vịt thả rong, chiều tối về chuồng.” (Sơn Nam, ibid., trang 37)
Vì vậy mà chuyện thi cử bị coi nhẹ. Chữ nghĩa người dân miệt vườn “không đầy một cái lá me”. Trường hợp cụ Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ là món quà Huế tặng cho dân miền Nam để khuyến khích họ.
Vì vậy, biên niên sử đời Gia Long đã tỏ ra bận tâm về sự suy thoái của kết quả thi cử, nhưng cũng thừa nhận rằng có nhiều con đường khác đi đến thành công về mặt tài chánh không qua con đường cử nghiệp.
Đến thời Tây, nhiều bậc cha mẹ không dám cho con đi học, vì sợ bắt con mình đem đi Tây.
“Nhứt là các nơi xa ruộng nương, rẫy bái, hễ có trát sức đòi học trò, thì cha mẹ đã xạo xự làm quá hơn là sợ bắt lính, lo chạy mướn đứa nọ, đứa kia con nhà nghèo cho nó đi thế cho con mình.” (Sơn Nam, ibid., trang 62)
Giữa một điền chủ và một ông Huyện, người dân miền Nam đã hẳn biết chọn tương lai của mình về phía người nào. Ôi! đã có một thời kỳ vàng son như thế.
Nhưng nói cho cùng, cho dù người theo Thiên Chúa giáo có được dự thi hay không cũng chẳng thay đổi được hình ảnh số phận cả nước, của đám nhà nho thất cơ lỡ vận. Con số hơn 5000 thi đỗ có là bao trên 100 năm, thêm hay bớt vào danh sách đó có thay đổi được gì số phận đất nước?
Phía ngoài Bắc
“Trên ghế, ông tây chân chữ ngũ, Dưới sân, ông cử cúi đầu rồng(i)  Nhân tài đất Bắc nào ai đó, Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. (ii)” (I) Lẩy Tú Xương, “Giễu người thi đỗ”. (ii) Vịnh khoa thi Hương  Nguồn ảnh: “L'Examen des lettres au Tonkin”. Journal des Voyages No 601. Paris, 1889
“Trên ghế, ông tây chân chữ ngũ,
Dưới sân, ông cử cúi đầu rồng(i)
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. (ii)”
(I) Lẩy Tú Xương, “Giễu người thi đỗ”. (ii) Tú Xương, Vịnh khoa thi Hương
Lễ Xướng danh Tân khoa ở Hà Nội. Nguồn ảnh: “L’Examen des lettres au Tonkin”. Journal des Voyages No 601. Paris, 1889
Đất Bắc vốn xưa là đất văn học. Nói như thế chưa hẳn đúng, xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Truyền thống văn học với thủ đô Hà Nội vẫn có đấy. Sự dời đô không thể ngày một ngày hai làm mất cái vị thế truyền thống đi được.
Nhưng người viết rảo một lượt 36 phố phường trên giấy chẳng thấy sĩ tử Hà Nội thi đỗ đâu cả. Hóa ra họ chỉ là những công tử bột chăng? Thật ra cũng có, nhưng có rải rác và ít ỏi. Ít thấy sĩ tử gốc gác phố Hàng Ngang, Hàng Đào thi đậu. Vậy thì truyền thống văn hoá đó ở đâu mà ra? Có thể nó ở sức thu hút các nơi đổ về, như nhà văn chỉ là nhà văn thật, nếu sống ở Hà Nội, viết ở Hà Nội.
Số người đỗ đạt tập trung nhiều nhất ở 14 biên trấn quanh Hà Nội mà cái trục chính là Sơn Tây, Hải Dương và đặc biệt là tỉnh Nam Định.
Tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, tổng số người đỗ đạt là 62 người trong suốt hơn trăm năm triều Nguyễn. Con số lớn lắm, vì có nhiều vùng kiếm ra được một người thi đỗ cũng không có. Tỉ lệ như thế là cao nhất nước.
Cắt nghĩa về sự kiện này thì có nhiều giải thích kể là hoang đường như về tông giống, về thổ ngơi, đất đai. Nó cũng hoang đường như cách giải thích về người thi rớt ở trên.
Cách lý giải thực luận nhất là nhiều điều kiện thuận lợi tập trung vào một vùng mà những vùng khác không có được. Số các cụ đồ nho, cử nhân, tiến sĩ tập trung ở đây đông, trường học nhiều, dòng họ có người đỗ ra làm quan, rồi có tiền có của cho con ăn học, có thúc đẩy khuyến khích, có gương mẫu điển hình người đi trước để theo như cái đầu tầu, người nọ kéo người kia, cứ thế mà thi đậu.
Trung tâm thi cử lại có trường thi Nam Định ngay đó, tiện lợi đủ bề. Chỗ khác, 6000-10.000 có một trường thi, ở đây 3000 sĩ tử có một trường thi. Bấy nhiêu thứ, cái nọ kéo cái kia tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi đỗ của họ.
Xét toàn diện các triều vua nhà Nguyễn, người viết nhận ra thêm một điều là, cũng không hiểu lý do tại sao, dưới triều vua Thành Thái số người thi đậu khá cao so với các triều vua trước?
Số phận những người thi rớt
Thi đỗ thì vinh quy võng lọng. Cả làng cả huyện, cả tổng đi lên tỉnh đón quan Nghè. Võng 8 người khiêng cho quan Nghè đã đành, còn cho bà Nghè và song thân ông nghè. Vị chi là 32 người khuân cho bốn võng. Dù sao, cũng còn thong dong hơn đời Tây Sơn nhiều. Vì theo một vài sử gia tên tuổi, cứ hai người khuân một võng thay đổi nhau, đi cả ngàn cây số để đại phá quân Thanh.
Đôi khi quan Nghè cưỡi ngựa nên mới có câu, “Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau”.
Về làng là một đám rước với cờ quạt, chiêng trống, dân làng huyện, tổng bầy hương án đón rước, rồi lễ khao vọng!
Trước đó ở triều đình thì nghi thức ban mũ áo, rồi ban yến, rồi nghi thức lạy tạ.
Vì thế, không lạ gì thói đời chỉ nói tới người thi đỗ.
Trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, có phần Khoa mục Chí, có dành riêng một mục nhan đề “Số người lấy đỗ trong các khoa”. Phần người viết, cố gắng làm sao thu tập được con số người rớt. Rớt mới là quan trọng. Rớt bao nhiêu so với đỗ.
Cái rớt đáng nói vì nó mang nhiều ý nghĩa: về thực trạng thi cử, về thực trạng xã hội, về những bất công tuyển chọn và xa hơn nữa về số phận con người.
Vào năm 1463, triều đình lấy đỗ 40 người trên số dự thi là 4400. Năm 1502, vào tháng hai, có 5000 người dự thi cử nhân, lấy đỗ 62. Năm 1514, có 5700 dự thi, con số tụt xuống còn 43.
Nhưng con số 5000 người rớt chưa phản ảnh đúng thực tế thi cử. Bởi vì đừng quên rằng, đa số thí sinh đã bị loại ngay ở quận huyện trong kỳ thi Khảo hạch. Nếu kể chung cả những ‘kỳ thi vòng loại ’ này thì tỉ lệ thi đậu sẽ là một phần ngàn.
Ngàn người lấy một. Trớ trêu là ở chỗ đó. (Phan Huy Chú, ibid., Phần Khoa Mục Chí, trang 64-67)
Thời nhà Nguyễn, chỉ riêng trường thi ở Huế, trong suốt 105 năm, có 42 khóa thi Hương, lấy đỗ tất cả được 1263 ông cử. Chia đều ra, mỗi năm có được 10 người thi đậu. (Cao Xuân Dục, ibid., tóm lược)
Con số đó quá ít ỏi so với các người đỗ tiến sĩ dưới thời Hồng Đức cách đó hơn 300 năm. Năm Hồng Đức thứ 9, tức vào năm 1478, lấy đỗ tiến sĩ 62 người, Hồng Đức thứ 15, lấy đỗ 60 người, Hồng Đức thứ 21, năm 1490, 54 người. (Phan Huy Chú, ibid., Khoa mục chí, trang 16)
Xem như thế, dưới triều Nguyễn có sự tụt hậu về số người thi đậu.
Gia Long đã biết mở nhà Quốc Học ở Huế, thiết lập các chức đốc học ở tỉnh, giáo thọ, huấn đạo ở phủ huyện. Vậy mà thi cử kết quả còn ngặt nghèo quá, rồi đã bãi bỏ chức trạng nguyên, bãi bỏ thi Hội. Mãi đến đời Minh Mạng mới cho mở lại thi Hội. Cái thói quen ngặt nghèo đó còn dây dưa đến ngày nay.
Hãy xem ông Đỗ Nhuận viết vào năm 1484:
“Việc lớn trong chính trị của Đế Vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài. Trước kia 6 năm một khoa thi, nay theo chế độ nhà Chu định lệ ba năm một khoa thi. Trước kia, lấy đỗ chẳng qua vài ba chục người, nay lấy rộng người thực tài không lo bội số. Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp.” (Phan Huy Chú, ibid., phần Khoa mục chí, Bài ký của Đỗ Nhuận, trang 12)
Quả là đời sau không theo kịp, nhất là dưới thời nhà Nguyễn, xét về con số người thi đậu. Nếu tính chung 32 khoá thi, từ 1807 đến năm 1858, toàn quốc có 3594 người thi đậu. Cái câu học tài thi phận, nếu dựa trên con số chẳng đúng tý nào cả.
Hậu quả từ những con số
Hậu quả thứ nhất là số người đi thi mỗi năm mỗi đông thêm, dồn cục những người thi rớt từ những khoá thi trước. Tỉ dụ năm trước có 6 vạn người đi thi, năm sau kể như vẫn con số đó thêm vào người mới và cứ thế gia tăng không ngừng.
Rớt kỳ này, thi kỳ sau, thi tiếp, có khi đi thi cả đời.
Trong thư mục của Hoàng Xuân Hãn do Tạ Trọng Hiệp soạn có nêu ra trường hợp ông Đoàn Tử Quang tuổi già đến 83 tuổi mới đậu thi Hội cùng với cụ Phan Bội Châu năm Canh Tý 1900.
(Thật sự, không thể nào có con số chính xác về nhừng người thi rót, mà chỉ có thể là con số phỏng đoán. Trường hợp ông Đoàn Tử Quang trích từ báo “Diễn Dàn”, số đặc biệt về Hoàng Xuân Hãn)
Nếu cứ cho rằng, cụ Đoàn Tử Quang bắt đầu đi thi từ năm 20 tuổi và cứ ba năm một kỳ thi, chưa kể ân khoa, cụ Đoàn Tử Quang đã dự 21 khóa thi mà không lấy gì làm bằng chứng là cụ rớt vì dốt. Cái điều trớ trêu sau đó là triều đình đã ân thưởng cái tinh thần trì chí đi thi của cụ.
Người đời sau xúm vào khen cụ như một kỳ tích trong thi cử. Thật ra phải tội nghiệp cho ông già bị kết án chung thân vào vòng lao lý thi cử. Cứ lý lẽ mà nói, đó là điều cực kỳ vô lý.
Học để làm gì, để cả đời đi thi? Ăn – học như hai nhịp của đời sống kéo lê cả đời với lo toan, không biết ngưng nghỉ, rồi ê a suốt ngày như quốc kêu đến hàng xóm sốt ruột. Giấy, quyển đã rách, đã mòn, thay mấy quyển mà người học vẫn chưa xong, cứ nhai đi nhai lại báo hại vợ con nuôi báo cô để được cái danh hão. Xem phim Tầu, thấy hình ảnh mấy cậu Tú ê a không khỏi thương cho các cụ nhà ta. Chưa ai làm cái công việc đếm tất cả số trang sách, quyển sách các cụ phải ê a xem là bao nhiêu trang so với việc học ngày nay. Ấy là chưa nói có thể cụ Đoàn Tử Quang có thể rớt. Thật ra rớt hay đỗ ở tuổi đó đều giống nhau.
Trong bia đề tên các tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10, người viết liệt kê ra số tuổi khá chênh lệch của các vị đó như sau: Có hai người trẻ nhất đỗ năm 26 tuổi, một người 27, một người 35, một người 39, một người 40 và người già nhất 47. Độ tuổi trung bình thi đỗ là tròm trèm 35 tuổi. Nghĩa là trung bình ông nào cũng đã trải qua từ 5 đến 6 lần đi thi mới đỗ. Các cô cậu bây giờ nếu có thi rớt thì hãy nhìn gương các cụ để tự an ủi: Mình còn giỏi chán vạn.
Văn bia đề danh Tiến sĩ Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898). Nguồn: hannom.vass.gov.vn
Văn bia đề danh Tiến sĩ Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10 (1898). Nguồn: hannom.vass.gov.vn
Độ tuổi chênh lệch đó tìm thấy nhan nhản trong sách Quốc Triều Hương Khoa Lục cho thấy nhiều trường hợp ông, cha, con, cháu, bác, chú, anh em cùng thi đậu. Đó là điều bất thường không phải hay ho gì. Lạ là một điều bất thường như thế, từ xưa đến nay, mọi người từ trong nhà ra đến ngoài đường đều cho là chuyện hiếm, chuyện quý, chuyện để nêu danh, chuyện để làm gương.
Gia đình nào rơi vào cảnh ngộ bất thường, cười ra nước mắt đó sẽ được truyền tụng lưu danh. Thật ra, đáo lý ra hoặc là cha dốt, con giỏi, hoặc thi cử chả ra cái thống chế gì, hoặc là “xổ số mau lên, xổ số gần đến”.
Tỉ dụ gia đình Đặng Vũ Oánh, cha con cùng thi đậu, anh em đậu cùng khoa. Con Đặng Văn Tường, em Đặng Vũ Lễ, cháu Đặng Vũ Uyển, em họ Đặng Vũ Thực, Đặng Cao Chi, Đặng Vũ Quán. Thi cử, đỗ đạt kiểu đó, đáng lẽ là niềm vui, nỗi mừng, thì nó lại tố cáo một chế độ thi cử như một cái máy lọc người hay một máy đãi vàng. Cái thú chẳng bao nhiêu, cái thải loại thì vô vàn.
Thôi thì họ đậu, họ mừng, họ ăn khao kệ họ.
Thế còn số phận của hằng triệu người thi rớt? Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí chỉ nói tới người đỗ tiến sĩ cũng như Quốc Triều Hương Khoa Lục chỉ nói tới người đỗ cử nhân. Tú tài là vứt đi. Đối với thời xưa, Tú tài không phải bằng cấp nên ít khi được triều đình sử dụng. Người đỗ tú tài chỉ là những người không đỗ cử nhân, nghĩa là không đỗ đủ bốn trường, chỉ đỗ ba trường.
Họ lại là thành phần chính yếu của giới nho sĩ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, thời Gia Long có 643.706 nhà nho. Thời Minh Mạng có 770.798. Thời Thiệu Trị có 974.786, nhưng đến thời Tự Đức thì xuống còn 885.517.
Con số tụt xuống đời Tự Đức là báo hiệu cái thời suy mạt của nho học rồi chăng?
Xin nhắc lại, những con số vừa nêu trên chỉ có giá trị thuyết minh và chẳng có bằng cớ nào chứng minh được sự chính xác của chúng.
Cái còn lại là số phận những người thi rớt ra sao. Họ làm gì?
Họ làm đủ thứ nghề như thầy lang, thầy địa lý, bói toán, gia sư và cố vấn trong làng. Cộng thêm cái nghề ăn bám nữa. Nói một cách có vẻ xã hội học thì họ ở giữa, giữa nghèo và giầu, giữa quan và dân, giữa bọn người có học và vô học, giữa đạo đức và vô đạo. Hay nói theo ông Vĩnh Sinh, họ là những trí thức “đứng bên lề” (marginal), từ đó góp phần vào sự phê phán cũng như xây dựng xã hội.
Thân thể con người bình thường chia làm ba phần như người ta thường nói thì họ chia làm hai: cái đầu thuộc giới ăn học hay giới nho học, cái bụng họ đứng về người nông dân. Ban ngày họ ngâm thơ, lý lẽ sự đời, nói chuyện đại sự, nhịn ăn đến tối về nhá ngô khoai sắn như người nông dân.
Nhưng cái khổ, cái kiếp nạn của họ là ở giữa.
Trên họ không được hưởng, dưới họ phải chịu lãnh búa. Họ có cái đầu nên họ nhạy bén với những bất công, những sa đà của xã hội. Cái bụng họ đói bắt họ phải đứng về phía những người cùng thân phận là dân nghèo. Tuy vậy, họ thấm thía cái khốn khổ của túng thiếu, của bữa no bữa đói gấp hai lần người nông dân.
Họ trở thành những kẻ bất mãn, kẻ phản kháng, kẻ đối đầu thường trực.
Hãy kể xem có cuộc gọi là nổi lọan, hay phong trào, hay cách mạng, hay gì gì đó mà không có mặt họ? Lê Lợi, Tây Sơn hay Nguyễn Ánh, dưới trướng lúc nào chả có mặt một trong số bọn họ đại diện. Họ sinh ra, bị kết án, bị bắt buộc để nhìn, để hiểu hơn người, để đối đầu với những biến động của đời sống, của thời cuộc.
Cũng chỉ vì cái học dở dang đã đẩy họ đến chỗ đó. Họ làm gì khác được?
Ngô Tất Tố, trong một bài báo nhan đề “Chiếc ghế hương sư” (thầy giáo dạy trường làng) đã thành một món hàng đắt giá.
Trước đây thầy giáo làng tự mở trường, học phí lấy tùy tiện, chẳng ai tranh dành. Nhưng đến khi nhà nước muốn bảo vệ quyền lợi của hương sư, bảo đảm cho họ có số lương hàng tháng nhất định nên bắt các làng phải nộp đủ số lương hàng năm cho thầy giáo tại Nông Khố ngân hàng.
Thế là từ đó có chuyện.
Ngô Tất Tố viết, “Không ngờ vì cái quyền ấy mà chiếc ghế hương sư ngày nay có nhiều nơi đã thành một món hàng đấu giá của tổng lý và nha lại.”
Họ bỏ tiền ra nên có quyền chọn người.
Ngô Tất Tố viết tiếp:
“Các ông cựu tổng lý, các ông tân học lỡ thời, các ông nhà nho mạt vận đều tự nghĩ mình có chút học thức, các ông con một, nhà giàu cũng muốn có chút danh phẩm trong làng trong tổng, ngần ấy ông làm cho chiếc ghế hương sư trở thành cao giá.”
Do có sự cạnh tranh, nhà giáo phải đút lót, năn nỉ, khấn biếu ban Hương Hội mấy chục, hoặc sửa bữa rượu mời dân. Cuộc điều đình với nha lại nào có dễ. Dù có mảnh bằng, sức học cũng phải điếu đóm khá hậu, bấm số lương mỗi năm 120 đồng thì đã phải lo lót chạy chọt mất quá nửa rồi.
Ngô Tất Tố kết luận, “Ấy cái cảnh khó khăn cực nhục của nhà giáo ở thôn quê là thế.” (Ngô Tất Tố, Chuyện người đương thời, nxb Hội Nhà Văn, trang 142, 2005)
Những điều kiện cần để chọn hoặc không chọn một sĩ tử. Thi cử có mục đích chọn người, vì thế việc sàng lọc là điều cần thiết. Sự chọn lựa có thể dựa trên tiêu chuẩn tài năng, nhưng cũng còn các tiêu chuẩn về dòng dõi, nghề nghiệp, thuộc hoàng tộc, hay đạo đức và cuối cùng tôn giáo nữa.
Năm 1442, nhà vua đưa ra luật lệ cấm hai loại người sau đây không được đi thi:
  1. Thứ nhất, loại người bất hiếu, bất mục, lọan luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương cũng không được vào thi.
  2. Thứ hai, những người làm nghề hát xướng, nghịch đảng và có tiếng xấu thì bản thân không được thi.
Trong việc thi cử mà nếu gian lận thì suốt đời không đuợc thi.
Đến thi Hội mà gian lận thì phải xử tội đồ, và suốt đời không được đi thi và không được bổ dụng. Nhà vua phán:
“Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh thì không lấy được người thực tài.” (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần Khoa mục chí, trang 14)
Phép chọn người dựa trên tiêu chuẩn đạo đức kể cũng sai.
Vì thế, có trường hợp như ông Đào Duy Từ (1572-1634), vì là con một nhà hát bội nên đi thi hương đã bị đánh hỏng. Ông phẫn chí đã rời bỏ quê cha đất tổ ở Đàng Ngoài, thuộc Chúa Trịnh để đi vào Đàng Trong của Chúa Nguyễn để tìm đường tiến thân. Kết quả ông đã thi đỗ ra làm quan.
Đến năm 1751, vì có nhiều sĩ tử gian lận mà thi đỗ, nhà vua ra lệnh bắt thi lại tất cả các cống sĩ. Minh Vương sai Trần Danh Ninh làm điền cử thi lại các cống sĩ, hỏi nhiều câu thâm thuý, các cống sĩ bị đánh hỏng đến quá nửa. Phần các viên đề điệu, giám khảo đều bị giáng hoặc bãi chức. (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần Khoa mục chí, trang 31)
“Lại đến năm 1774, triều đinh biết rõ nhiều tệ hại trong thi cử, đáng đỗ mà đánh hỏng, đáng hỏng mà lấy đỗ. Một lần nữa bắt thi lại học trò các xứ, đồng thời giáng chức Phủ Doãn và hai ty là bọn Lê Doãn Bưu nặng nhẹ khác nhau.” (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần Khoa mục chí, trang 36)
Người Thiên Chúa giáo và chuyện thi cử
Trường thi Hà Nội. Nguồn: Le Petit Journal-28 juillet 1895.
Trường thi Hà Nội. Nguồn: Le Petit Journal-28 juillet 1895.
Theo tôi, thời Nguyễn Gia Long, chưa có lệnh cấm đạo nên chắc hẳn cũng có người theo đạo được học và thi đỗ. Nhưng ai là người được thi và đỗ thì bản thân người viết chưa có tài liệu chính xác về vấn đề này.
Chỉ biết chính xác là kể từ khi có lệnh cấm đạo thì người theo đạo không được phép đi học và cũng đương nhiên không được phép dự thi. Không lựa chọn sĩ tử vì lý do tôn giáo.
Đây là một vấn đề ít được để ý nói tới. Có hai cách để tiếp cận vấn đề này: Một là dựa vào các chỉ dụ cấm đạo, các tài liệu sử. Hai là dựa vào sự tìm hiểu thực tế các làng công giáo.
Cách tiếp cận thứ nhất. Nội dung hoà ước năm Nhâm Tuất, 1862, có 12 điều khoản, trong đó có điều khoản cấm người có đạo Thiên Chúa giáo dự thi hay giữ các chức vụ hành chánh. Trong cuốn Sử Ký Đại Nam Việt Quốc Triều, trích lại trong tài liệu tham khảo của Trường đại học tổng hợp Tp HCM, trang 139, có ghi lại như sau theo Nguyễn Nhã:
“Khi Tây Sơn khởi nghĩa thì hồi đầu người có đạo Thiên Chúa giáo được yên lành. Bà dì và nghi ngờ cả mẹ Nguyễn Nhạc cũng theo đạo Công giáo. Quang Trung chưa hề cấm đạo. Sang đến năm 1789, vua Cảnh Thịnh mới chính thức giáng chỉ cấm đạo vì sợ những người Công giáo làm nội ứng cho Nguyễn Ánh. Thấy vậy Nguyễn Ánh mừng rỡ nói: “Đã cấm đạo thì mất nước chẳng sai.” Còn phần Nguyễn Ánh thì chẳng cấm, ai vô đạo thì mặc ai. Cuốn sách ghi như sau, “Vua Gia Long chẳng binh đạo là bao nhiêu … Khi vua ra Kẻ chợ thọ phong, thì giáng chỉ mới, chẳng cấm đạo tỏ tường, nhưng mà nói phạm đến sự đạo, cùng chê kẻ có đạo nhiều điều nặng lắm…”
Cho nên việc cấm đạo và cấm người theo Thiên Chúa giáo thi cử chỉ bắt đầu ở thời Minh Mạng.
Một sắc dụ cấm đạo thời Minh Mạng ban hành năm 1833. Đến Tự Đức ban hành 14 chỉ dụ cấm đạo. Đó là những giai đoạn đen tối của lịch sử Thiên Chúa giáo tại Việt Nam.
Theo Hoàng Lại Giang trong “Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời” viết lại về trường hợp bố của Trương Vĩnh Ký làm lãnh binh khi trở về họ đạo Cái Mơn viết lại như sau:
“Vua Minh Mạng đã bộc lộ thái độ thù hằn sâu sắc đạo Gia Tô! Hai chỉ dụ sát tả năm 1883 và 1886 của nhà vua đã cho con thấy trước rằng nhà vua sẽ không từ một sự tàn bạo nào để tiêu diệt cho đến tận gốc rễ cái đạo Thiên Chúa này. […] Cuối cùng thì ông cũng đã trở về vì kiệt sức do bệnh tật và buồn lo. Ông trở về khi làng mạc đã thành tro than. 20 người bị chặt đầu, bị treo cổ, bị cột đá bỏ sông Cổ Chiên, 3 người bị lăng trì. Từng mảng thịt bị xẻo ra khỏi cơ thể và ném xuống rạch Cái Mơn.”
(Hoàng Lại Giang, Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời, trang 19)
Khủng khếp hơn, xin đọc:
“Kinh thành ngày 5-6-1838
Trẫm truyền:
…Các khanh hãy ra tay đánh đập mà không phải thương tiếc, hãy tra tấn cực kỳ khủng khiếp, hãy giết chết đi bằng mọi cách những kẻ từ chối đạp lên cây thập ác! Các khanh phải biết rằng sự từ chối ấy đủ quy vào tội phản nghịch. Không cần phải có hình thức tòa án nào cả, các khanh hãy cầm lấy rìu, hãy cầm lấy gươm đao hay tất cả những gì các khanh có trong tay mà tiêu diệt những tên mù quáng, những tên cứng đầu, cứng cổ, không để cho thoát một tên nào.” (Hòang Lại Giang, ibid., trang 29)
Nhưng từ Hiệp Ước Giáp Tuất 1874 thì đã có sự thay đổi. Nội dung trong hiệp ước có khoản 9 viết:
“Hoàng Đế Đại Nam phải để các giáo sĩ tự do giảng đạo Gia Tô… Giáo hữu được dự các kỳ thi và được bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền như mọi tín đồ của các tôn giáo khác.”
Nhưng trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy tinh thần hiệp ước này được các quan lại địa phương thi hành.
Trường hợp Nguyễn Trường Tộ mà theo nhiều tác giả cho thấy ông sống ở thời Tự Đức, vào năm 1858 ông chừng 30 tuổi, mà sức học chỉ về Hán văn thôi đã ngang tầm với các nho sĩ, nếu không nói là hơn. Theo ông Văn Tân, thời Tự Đức giáo dân bị phân biệt đối xử và bị gọi là “dĩu dân”, tức dân xấu, Nguyễn Trường Tộ cũng bị cấm không được đi thi. Mặt khác, Ngô Tất Tố vì con đường cử nghiệp bị tắc nghẽn lại có cơ hội học và tiếp xúc với văn hóa Tây Phương để trở thành người hữu dụng đề ra những quốc sách cho triều đình.
Để được rõ hơn, chúng ta xem những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ nói gì về thời kỳ đó.
Chỉ có hai bài trực tiếp đề cập đến vấn đề tôn giáo trong di thảo 2 và 14.
Trong Di Thảo số 2. Bàn về tụ do tôn giáo. (Giáo môn luận), viết năm Tự Đức thứ 16, ngày 29-3-1863.
Biện luận của Nguyễn Trường Tộ sắc bén và xem ra dám nói, dù đang trong thời kỳ cấm đạo. Ông viết:
Tượng Nguyễn Trường Tộ. Vinh. Nguồn THPT Nguyễn Trường Tộ.
Tượng Nguyễn Trường Tộ. Vinh. Nguồn THPT Nguyễn Trường Tộ.
“Từ xưa đến nay, trên mặt đất lớn lao này, có nhiều đạo khác nhau đã được thành lập ở nhiều nơi. […] Giáo dân cũng là người trong nước, đều là người cả cũng là dân của trời, sự ăn ở có liên quan nhau, vui buồn liên quan nhau. Lẽ nào bên này động mà bên kia lại yên được sao? Một nước ví như một thân thể. Một chỗ bị đau thì toàn thân cũng không yên. Một cục thịt thừa, một ngón tay đeo thật hết sức vô dụng thế mà cắt bỏ đi thì đau, huống chi là tay chân hữu dụng. […] Phàm có vạn thứ không giống nhau thì gọi là giàu, không cái gì không chứa đựng được hết gọi là lớn, chồng chất thành đống nhiều lớp mà không chống chõi nhau gọi là khéo, nhiều thế lực khác nhau, nhiều tính tình khác nhau mà hợp được làm một để xử dụng gọi là giỏi.” (Trương Bá Cần “Nguyễn Trường Tộ, Con người và Di thảo”, trang 116-117)
Trong đó có đoạn viết về tình hình lương giáo ở Nghệ An, ông viết:
“Cho nên tôi cứ nói ra không sợ oán trách, triều đình có chiếu lệnh điều hòa lương giáo, thì các phủ huyện giữ kín không chịu thông tri ra, giáo hữu chỉ nghe phong phanh mà thôi…tuy có đại ân mà dân chẳng được hưởng tý nào.” (Trương Bá Cần, ibid., trang 181)
Tình trạng lương giáo trở thành mối tranh chấp thù hằn đến ác liệt, nói chi đến truyện thi với cử, xin được viết ra đây:
“Đúng như đạo dụ của Thánh Thượng trước đây có nói “giáo dân tỉnh Nghệ hơn 8 vạn, trong đó có nhiều tay không vừa, trừ phi có chiếu chỉ rõ ràng của Triều Đình mới không dám kháng cự. Còn giữa dân với dân thì như nhau cả, nếu bức bách họ làm sao họ chịu yên được.” (Trương Bá Cần, ibid., trang 182)
Ở một đoạn trước đó, Nguyễn Trường Tộ mô tả trực tiếp cảnh lương-giáo như sau:
“Hiện nay ở tỉnh Nghệ hai bên lương giáo lòng đang sôi sục. Một bên nói không thể nào chung sống, phải giết cho hết tiệt mới thôi. Một bên nói con thú mà bị khốn quẫn còn cắn càn huống chi là con người? Nếu bên kia không để cho cùng sinh cùng dưỡng, thì bên này cũng không để bó tay chịu troi. Nhà nào ngõ nào cũng xôn xao bàn tán chuyện đó. Tôi rất lấy làm lo ngại mà không có cách nào giải quyết. Bởi vì sĩ phu trong tỉnh hạt có nhiều ý kiến khác nhau. Đã nói ra khó với lại được. Hơn nữa sự thù hằn này đã sâu sắc, việc làm ác độc này đã kéo dài, lòng không sao yên được. Cho nên không ai chịu tự giải thích cho mình, cũng không chịu giải thích cho người khác.” (Trương Bá Cần, ibid., trang 18).
Điều đó chỉ ra rằng từ luật lệ thành văn đến thi hành trong thực tế lại là chuyện khác.
Ngay cả dù có điều khoản 9 đi nữa, vị tất các quan đã thi hành nghiêm chỉnh cho phép người Thiên Chúa giáo được đi học chữ nho và nhất là được dự thi. Điều đó cho thấy hiển nhiên là người Thiên Chúa giáo bị loại, cấm không được dự các kỳ thi của triều đình Huế. Để kết luận về điểm này, xin mượn lời của Nguyễn Trường Tộ một lần nữa. Trong bài Giáo môn luận, ông viết:
“Giáo dân cũng là người trong nước, đều là người cả, cũng là dân của trời, sự ăn ở có liên quan nhau, vui buồn có liên quan nhau. Lẽ nào bên này động mà bên kia yên được sao. Một nước ví như một thân thể. Một chỗ bị đau thì toàn thân cũng không yên. Một cục thịt thừa, một ngón tay đeo thật hết sức vô dụng thế mà cắt bỏ đi thì đau, huống chi là chân tay hữu dụng.” (Trương Bá Cần, ibid., trang 116)
Lối tiếp cận thứ hai là dựa vào sự tìm hiểu các làng theo đạo Kitô.
Nhiều xứ đạo miền Trung và nhất là miền Bắc cho thấy trong các làng này chưa bao giờ có người thi đỗ làm quan. Vì không có đủ tài liệu về danh sách các làng trên toàn quốc, nhưng người viết bài này dựa theo lối “biết đến đâu viết đến đó”, biết đến đâu làm tới đó cũng đã đưa ra được một cái nhìn về tình trạng này.
Thoạt tiên, người viết bắt đầu lấy làng Ngọc Cục và Hành Thiện làm điểm trụ.
Từ Ngọc Cục sang Hành Thiện. Nguồn Google Maps
Từ Ngọc Cục sang Hành Thiện. Nguồn Google Maps
Ngọc Cục, một làng toàn tòng, chỉ cách làng Hành Thiện một con sông. Địa lý gần nhau như thế, qua lại hai bên dễ dàng, điều kiện để đi học cũng rất thuận lợi. Vậy mà Ngọc Cục không có một ai thi đỗ làm quan.
Người viết dò tìm tên làng Ngọc Cục trên danh sách sĩ tử đã đỗ ở trường thi Nam Định trong suốt hơn trăm năm. (Nên nhớ, luật lệ là ở đâu thi ở đó.) Kết quả không có tên làng Ngọc Cục. Ngọc Cục tiếp giáp với Hành Thiện. Vậy mà một làng  đỗ quá nhiều, làng kia không đỗ người nào; từ đó mở ra hướng tìm hiểu các làng giáo dân Kitô khác. Kết quả cũng tương tự.
Hơn cả trăm năm không có được một ông tiến sĩ, nhưng làng Ngọc Cục lại có đến 6 thánh tử đạo cùng một năm. Đó là:
1. Phê-rô Đa, Giáo Dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định. Tử Đạo ngày 17.6.1862 tại Nam Định, bị thiêu sống đời vua Tự Đức
2. Đa-minh Mạo, Giáo Dân, sinh năm 1818 tại Ngọc Cục, Nam Định. Tử Đạo ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, bị xử trảm đời vua Tự Đức.
3. Đa-minh Nguyên, Giáo Dân, sinh năm 1802 tại Ngọc Cục, Nam Định. Tử Đạo ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, bị xử trảm đời vua Tự Đức.
4. Đa-minh Nhi, Giáo Dân, sinh tại Ngọc Cục, Nam Định. Tử Đạo ngày 16.6.1862 tại Làng Cốc, bị xử trảm đời vua Tự Đức.
5. An-rê Tường, Giáo Dân, sinh năm 1812 tại Ngọc Cúc, Nam Định. Tử Đạo 16.6.1862 tại Làng Cốc, bị xử trảm đời vua Tự Đức.
6. Vinh-sơn Tường, Giáo Dân, sinh năm 1814 tại Ngọc Cục, Nam Định. Tử Đạo 16.6.1862 tại Làng Cốc, bị xử trảm đời vua Tự Đức.
( Gs. TRẦN DUY NHIÊN – Gs. ĐỖ HỮU NGHIÊM sưu tập, “SƠ LƯỢC VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM”)
Tổng Đốc Nam Định tham dự lễ đón Tân khoa 1897. Nguồn:  OtheNet
Tổng Đốc Nam Định tham dự lễ đón Tân khoa 1897. Nguồn: OtheNet
Rất có thể phần bài viết này sự sai sót là khó tránh được. Nhưng dù sao đi nữa, có thêm có bớt một vài tín hữu Thiên Chúa giáo đỗ hay không đỗ cũng không có nghĩa lý gì so với hơn 5000 người đã thi đỗ và ra làm quan, ngay cả giả sử thời đó chỉ có 3-5% dân số Việt Nam là tín hữu Kitô giáo.
Nhưng dù việc tìm hiểu có tính cách giới hạn, điều đó cũng chỉ ra rằng thật khó, nếu không nói là rất hiếm người theo đạo Thiên Chúa có cơ hội thi đỗ và ra làm quan. Họ bị đặt ra ngoài lề của dân tộc; họ như một thứ công dân bậc hai, suốt đời không bao giờ có cơ hội ngóc đầu lên được.
Chính sách đó của triều đình nhà Nguyễn có phần khắc nghiệt hơn cả đối với chính sách ngu dân của chế độ thực dân.
Việc tìm hiểu vì thế vượt ra khỏi giới hạn một nhận thức sách vở, nó đặt ra những vấn đề mới về trách nhiệm của triều đình Huế và giới sĩ phu thời bấy giờ! Người viết chỉ trình bầy sự việc trong giới hạn hiểu biết của mình.
Nhưng nói cho cùng, cho dù người theo Thiên Chúa giáo có được dự thi hay không cũng chẳng thay đổi được hình ảnh số phận cả nước, của đám nhà nho thất cơ lỡ vận. Con số hơn 5000 thi đỗ có là bao trên 100 năm, thêm hay bớt vào danh sách đó có thay đổi được gì số phận đất nước?


Nhà Hậu Lê là triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mặc dù quyền bính thăng trầm không dứt nhưng triều đại này có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Những cái nhất dưới đây phác họa phần nào hình ảnh về vương triều này. 
- Nhà Hậu Lê là triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mặc dù quyền bính thăng trầm không dứt nhưng triều đại này có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Những cái nhất dưới đây phác họa phần nào hình ảnh về vương triều này.

1. Nhà Hậu Lê là triều đại có quá trình hình thành trong thời gian dài nhất; được thành lập trên cơ sở thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược (tính từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ngày 07/02/1418 đến ngày 29/4/1428 khi ông lên ngôi hoàng đế). Đây là triều đại từ tay trắng dựng lên nghiệp lớn, “mở triều đình ở nơi rừng rậm, phá quân giặc bằng gậy tầm vông” (Chí Linh sơn phú).

2. Về danh nghĩa chính thống, nhà Hậu Lê là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta với 355 năm chia làm hai thời kỳ: Lê sơ 99 năm (1428-1527) và Lê Trung Hưng (Lê mạt) 256 năm (1533-1789)

3. Hậu Lê là triều đại có nhiều vua nhất với tổng số 27 vị vua nối nhau trị vì; thời Lê sơ có 11 vua, thời Lê Trung Hưng có 16 vua.

4. Hậu Lê là triều đại có nhiều vua lên ngôi sớm nhất, có 5 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống là: Lê Thái Tông (10 tuổi), Lê Nhân Tông (01 tuổi), Lê Chiêu Tông (10 tuổi), Lê Thế Tông (6 tuổi) và Lê Gia Tông (10 tuổi). Trong số đó vua lên ngôi sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là Lê Nhân Tông.

5. So với các triều đại khác, nhà Hậu Lê có nhiều vua sống thọ nhất, có 7 vua thọ từ 40 tuổi trở lên là: Lê Thái Tổ (48 tuổi), Lê Thánh Tông (55 tuổi), Lê Hiến Tông (43 tuổi), Lê Anh Tông (41 tuổi), Lê Thần Tông (55 tuổi), Lê Ý Tông (40 tuổi) và Lê Hiển Tông (69 tuổi).

6. Hậu Lê cũng là triều đại có nhiều vua chết trẻ nhất, có đến 7 vua sống không quá 20 tuổi là: Lê Thái Tông (19 tuổi), Lê Nhân Tông (18 tuổi), Lê Túc Tông (16 tuổi), Lê Cung Hoàng (20 tuổi), Lê Chân Tông (19 tuổi), Lê Huyền Tông (17 tuổi) và Lê Gia Tông (14 tuổi). Ngoài ra còn có 7 vua thọ trên 20 tuổi đến dưới 30 tuổi, đó là: Lê Nghi  Dân (21 tuổi), Lê Uy Mục (21 tuổi), Lê Tương Dực (23 tuổi), Lê Chiêu Tông (24 tuổi), Lê Trung Tông (22 tuổi), Lê Đế Duy Phường (27 tuổi) và Lê Chiêu Thống (28 tuổi).

7. Do có nhiều biến cố nên nhà Hậu Lê là triều đại có nhiều vua bị giết nhất, đó là 9 vua: Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông và Lê Đế Duy Phường.

8. Hậu Lê là triều đại ban hành nhiều bộ luật nhất trong lịch sử phong kiến. Công trình pháp lý tiêu biểu gồm có: Luật thư (1442), Quốc triều luật lệnh (1442), Lê triều quan chế (1471), Quốc triều hình luật (1483), Thiên Nam dư hạ tập (1483), Hồng Đức thiện chính thư (1497), Quốc triều điều luật (1777), Khánh tụng điều lệ (1777)…

Ngoài ra, còn có thể kể đến Quốc triều Hồng Đức niên gian chư cung thể thức, Lê triều hội điển, Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, Từ tụng điều lệ cùng một số văn bản liên quan khác mang tính chuyên biệt như trong lĩnh vực pháp y có Công án tra nghiệm bí pháp (1714), Nhân mạng tra nghiệm pháp...

Trong số các văn bản pháp luật này, Quốc triều hình luật (còn gọi là Lê triều hình luật, Luật Hồng Đức) được coi là bộ luật tiến bộ nhất, sử dụng trong thời gian dài nhất (từ 1483- 1815) và là đỉnh cao của nền pháp luật phong kiến Việt Nam.

9. Hậu Lê là triều đại đúc nhiều loại tiền nhất với 40 loại mang niên hiệu các đời vua. Trong đó cho đúc nhiều nhất là vua Lê Hiển Tông với 16 loại tiền như: Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng chí bảo, Cảnh Hưng thái bảo, Cảnh Hưng đại tiền…

10. Hậu Lê là triều đại mở nhiều khoa thi nhất và lấy đỗ được nhiều nhân tài nhất. Lịch sử khoa bảng Việt Nam kéo dài 844 năm (1075-1919), các triều đại phong kiến đã tổ chức được 185 khoa thi, lấy đỗ 2898 vị đại khoa trong đó nhà Hậu Lê mở 98 khoa thi (Lê sơ: 28 khoa, Lê Trung Hưng: 70 khoa) và lấy đỗ 1732 người (có 3 khoa không biết rõ số người đỗ). Đặc biệt đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã cho mở 12 khoa thi, lấy được 501 người đỗ Tiến sĩ.

11. Hậu Lê là triều đại lấy đỗ nhiều Tam khôi nhất, trong số 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn và 76 Thám hoa còn lưu lại tên tuổi thì nhà Hậu Lê có tới 26 vị Trạng nguyên, 28 Bảng nhãn và 41 Thám hoa.

12. Hậu Lê là triều đại có nhiều khoa thi lấy đỗ ít Tiến sĩ nhất, cụ thể có 2 khoa (1781, 1787) chỉ lấy đỗ 2 người; có 2 khoa (1592, 1667) lấy đỗ 3 người và 5 khoa (1458, 1583, 1589, 1616 và 1746) lấy đỗ 4 người. Đây cũng là triều đại lấy nhiều người nhất đỗ Tiến sĩ trong một khoa thi, đó là khoa thi năm 1478 lấy đỗ 62 người và khoa thi năm 1502 lấy đỗ 61 người.

13. Xét theo các khoa thi nói chung (gồm cả khoa thi chính là thi Hội, và các khoa thi đột xuất như: Minh Kinh, Hoành Từ, Lại viên…) thì khoa thi đông người tham dự nhất và lấy đỗ nhiều nhất là khoa thi Thư Toán tổ chức năm Bính Dần (1506) đời Lê Uy Mục. Cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết: “...thi khảo quân và dân bằng phép viết và phép tính ở sân điện Giảng Võ số người dự hơn 3 vạn, lấy 1519 người, phúc hạch 144 người, lấy 25 người trúng cách bổ vào hoa văn học sinh”.

14. Hậu Lê là triều đại có nhiều vị đại khoa lớn tuổi nhất, với Trạng nguyên già nhất là Vũ Tuấn Chiêu đỗ năm Ất Mùi (1475), Nguyễn Đức Lượng đỗ năm Giáp Tuất (1514), Nguyễn Xuân Chính đỗ năm Đinh Sửu (1637), cả ba đỗ đạt khi đã 50 tuổi. Ngoài ra còn có Bảng nhãn già nhất là Nguyễn Nghi 61 tuổi đỗ năm Đinh Sửu (1637), Thám hoa già nhất là Giang Văn Minh đỗ năm Mậu Thìn (1628) khi đã 56 tuổi và tiến sĩ già nhất là Quách Đồng Dần 68 tuổi đỗ năm Giáp Tuất (1634).

15. Hậu Lê là triều đại cho dựng nhiều bia tiến sĩ nhất, số bia Tiến sĩ còn tồn tại đến ngày nay không đầy đủ (Văn Miếu Thăng Long: 82 bia, Văn Miếu Huế: 32 bia) nhưng trong đó đã có tới 81 bia Tiến sĩ nhà Hậu Lê (Lê sơ: 13 bia, Lê Trung Hưng: 68 bia).

16. Hậu Lê là triều đại duy nhất có một số người thi đỗ Tiến sĩ đến 2 lần. Họ đã đỗ Tiến sĩ nhưng từ chối không nhận học vị này mà thi lại để hi vọng được xếp hạng cao hơn (mặc dù không phải ai cũng được như ý) đã nêu một tấm gương về lòng tự tin ở khả năng học của mình, về nghị lực kiên trì, ý chí quyết tâm cao trong học tập.
Đó là 6 vị Tiến sĩ: Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nguyên Chẩn (cùng đỗ năm 1442 và 1448), Nguyễn Nhân Bị (đỗ năm 1466 và 1481); Trần Doãn Minh, Nguyễn Bạt Tụy và Nguyễn Duy Tường (cùng đỗ năm 1508 và 1511)

Có thể nói nước Đại Việt thời Hậu Lê đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc là không thể phủ nhận. Mặc dù có những mặt hạn chế nhưng nhà Hậu Lê đã để lại nhiều bài học có giá trị đáng để hậu thế suy ngẫm, học hỏi và rút ra những kinh nghiệm quý báu. 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen