Dienstag, 27. Oktober 2015

“Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người


Cái đẹp có thể cứu chuộc thế giới, như Fyodor Dostoyevski đã nói, nhưng cũng có thể đem đến hủy diệt. Không gì minh họa cho điều này rõ hơn cái chết của thánh John người Rửa tội (Saint John the Baptist), mà trong đó, Salome – kẻ tội đồ – có thể được coi là một trong những nữ nhân quyến rũ nhất của lịch sử, một Đát Kỷ của phương Tây, đúng với câu “hồng nhan họa thủy”.
Theo câu chuyện được chép lại trong Tân Ước của Mark và Matthew, Salome là con gái riêng của Herodias, vợ vua Herod.
Thánh John là em họ của Chúa Jesus, là người rửa tội cho Chúa, và là người tiên đoán sự giáng thế của Chúa với vai trò Đấng Cứu thế.

John the Baptist và Jesus lúc nhỏ – tranh của Bartolome Murillo
Hoàng hậu Herodias căm thù thánh John vì ngài phê phán cuộc hôn nhân thứ hai của bà là sai trái – chồng trước của Herodias chính là anh trai của vua Herod.
Đúng vào sinh nhật vua Herod, Herodias sắp xếp cho con gái là Salome nhảy múa trước mặt nhà vua – chú ruột đồng thời là cha dượng của Salome. Khi Salome nhảy, bảy lớp voan trên người nàng lần lượt tuột xuống, do đó điệu nhảy có tên “The dance of the seven veils”.

Gustave Moreau, “Salome”, 1876
Điệu nhảy quyến rũ tới nỗi, vua Herod hứa sẽ ban thưởng cho Salome bất kì điều gì nàng muốn, thậm chí sẵn sàng dâng cho nàng một nửa vương quốc. Herodias bèn xui con gái xin một thứ duy nhất: cái đầu của thánh John. Và người em họ của Chúa Jesus đã chết tức tưởi như vậy. Hàng năm, cứ vào ngày 26. 8, Giáo hội Công giáo kỉ niệm ngày thánh John bị chặt đầu.

Thánh John bị chặt đầu – tranh của Caravaggio
Câu chuyện về Salome trong Kinh thánh rõ ràng có ảnh hưởng từ truyền thuyết về nữ thần Ishtar của thần thoại Babylon, được chép lại trong trường ca Gilgamesh, một trong những tài liệu văn học cổ nhất của thế giới.
Theo truyền thuyết, để cứu người yêu dưới âm phủ, nữ thần Ishtar phải vượt qua bảy lần bảy cánh cổng. Ở mỗi cây cổng, Ishtar phải nhảy múa và để lại một tấm voan đang khoác trên mình. Điệu nhảy này của Ishtar do vậy cũng được gọi là The dance of the seven veils, là biểu tượng của vạn vật sinh sôi, bởi mỗi khi nàng dừng nhảy thì toàn bộ sự sống đều ngưng lại, và vì cũng vì thế nó còn có tên Điệu nhảy chào đón – the Welcome Dance.

Thần Ishtar sau khi qua 7 cánh cổng, mất hết 7 lớp voan, gặp lại vua Gilgamesh (tay cầm con vẹt)
Salome (hay Shalome) trong tiếng Hebrew cũng có nghĩa là hòa bình hoặc chào đón; sự ảnh hưởng của truyền thuyết Babylon lên câu chuyện Kinh thánh là không thể bàn cãi. Nhưng trái ngược với sự sống mà Ishtar mang lại, Salome đem đến chết chóc. Câu chuyện của Salome đen tối, vừa có màu sắc bạo lực (violence), loạn luân (incest), thậm chí ái tử thi (necrophilia).

Salome hôn cái đầu của thánh John, trong vở opera Salome, Lyda Borelli và Edith Head đóng
*
Những tác phẩm dựa trên câu chuyện Salome hại thánh John có vô số cách diễn giải khác nhau, tùy theo ý đồ và cách nhìn của tác giả. Nhưng iconography phổ biến nhất là cảnh Salome cầm chiếc đầu của thánh John, lúc trầm ngâm, lúc say mê, thậm chí có nhiều tranh còn vẽ Salome hôn lên miệng của John the Baptist!
Oái oăm thay, không phải Saint John mà chính là điệu nhảy nổi tiếng của “yêu nữ” này đã truyền cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm văn học, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ, điện ảnh, thậm chí cả video games. Vào thế kỉ 19, một cơ duyên hiếm có đã dẫn tới sự kết hợp của hai tài năng – Oscar Wilde và Aubrey Beardsley, cho ra đời một series những bức hình minh họa trắng đen, được gọi chung là “Salome.”

Oscar Wilde
Oscar Wilde là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Ireland. Rất nhiều nhạc, film, truyện là dựa theo tác phẩm của ông, gần đây nhất có bộ phim Dorian Gray (dựa theo tiểu thuyết The picture of Dorian Gray của Wilde) sản xuất năm 2009, và đến ông trùm thời trang Karl Lagerfeld còn phát hành hẳn một cuốn tiểu thuyết bằng ảnh lấy cảm hứng từ Dorian Gray!
Khi vở kịch Salome của Oscar Wilde mới ra đời vào năm 1891, nó bị cấm diễn ở London vì luật pháp lúc bấy giờ không cho phép những câu chuyện Kinh thánh được đưa vào nhà hát, và phải đến vài năm sau nó mới được diễn ở Paris. Phải sang tận thế kỉ sau (thế kỉ 20), Salome mới được trình diễn ở quê hương London.

Vở “Salome”của Oscar Wilde về sau được nhiều đoàn dàn dựng. Đây là một poster quảng cáo với Nazimova trong vai Salome.


Ở một phiên bản khác của vở “Salome”, Gertrud Hoffmann trong vai Salome


Và Salome trong tạo hình của Miss Maude Allan
Một điều kì lạ là bản thân Oscar Wilde chưa bao giờ xem kịch của mình! Trong cuộc sống riêng, ông là một người đồng tính luyến ái, và có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng ông có một sự tự đồng hóa rất mạnh với nữ nhân vật của mình, hệt như nhà văn Gustave Flaubert với bà Bovary trongMadame Bovary vậy, thậm chí Oscar Wilde còn tuyên bố: “Salome c’est moi” (Salome chính là ta). Có một dạo, lan truyền (không phải trên mạng), một bức ảnh chụp Oscar Wilde trong trang phục “bảy lớp còn một lớp” của Salome, cầm cái đĩa đựng đầu thánh John. Mãi đến năm 2000, tin đồn này mới được đính chính: không phải là Oscar Wilde, mà là Alice Guszalewicz – một soprano người Hung, có hình dáng rất giống “nam nhân”, cũng trong vai Salome, nhưng trong vở opera một màn của Richard Strauss, khoảng 1910, dựa trên bản dịch vở kịch Salomé tiếng Pháp của Oscar Wilde!

Bức ảnh nhầm nhưng cũng góp phần không nhỏ làm kịch Salome thêm đình đám
Vở kịch Salome càng nổi tiếng và gây lắm tranh cãi, khi vào năm 1894, Aubrey Beardsley xuất bản một series những bức tranh minh họa cho vở kịch. Oscar Wilde rất thích những bức tranh này. Trên cuốn sách tặng riêng Aubrey, ông viết: “Dành cho Aubrey, người nghệ sĩ duy nhất, ngoài tôi ra, hiểu điệu nhảy của bảy lớp voan nghĩa là gì, và có thể nhìn thấy điệu nhảy vô hình đó.
Aubrey Beardsley là ai? Ông vẽ thế nào mà được Oscar Wilde ca tụng như vậy?
Ở phần trước, chúng ta đã nói qua về tích Salome, về vở kịch Salome của Oscar Wilde, và về lời khen của ông dành cho họa sĩ Aubrey Beardsley khi vẽ minh họa cho vở kịch này…

Aubrey Beardsley
Aubrey Beardsley là một họa sĩ tiên phong của phong trào Art Nouveau, là người luôn bị dẫn dắt bởi sự đam mê những cái đẹp kì quặc (grotesque) và gợi tình (erotic). Có thể nói, toàn bộ mỹ học của Aubrey Beardsley xoay quanh hai điều nói trên. Aubrey có một tuyên ngôn nổi tiếng: “Tôi chỉ có một mục tiêu – sự quái đản. Nếu không quái đản thì tôi không là gì.” (“I have only one aim – the grotesque. If I am not grotesque I am nothing.”)
Aubrey khởi nghiệp là nhân viên cho một hãng bảo hiểm ở London; ông chỉ vẽ chơi những khi rảnh rỗi. Khi ông đưa cho Edward Burne-Johns (một họa sĩ nổi tiếng của phong trào tiền Raphael) xem những bức tranh mình vẽ, Edward nói:”Tôi hầu như không bao giờ khuyên ai chọn hội họa làm nghề nghiệp, nhưng trong trường hợp cậu tôi thật… không còn cách nào khác.”
Cuộc đời Aubrey cũng bí hiểm như hội họa của ông. Có nhiều tin đồn rằng người tình duy nhất của ông chính là chị gái ông, Mabel, người đã mang thai với ông và bị sảy thai. Aubrey Beardsley mất sớm vì bệnh lao, nhưng những tác phẩm ông để lại tạo thành nền tảng quan trọng cho phong trào Art Nouveau.

Mabei – chị gái của Aubrey, cũng là một diễn viên tài danh
Cùng với Oscar Wilde, Aubrey là đại biểu của phong trào Aestheticism – dòng nghệ thuật vị nghệ thuật. Tiêu chí của dòng nghệ thuật vị nghệ thuật là đề cao giá trị thẩm mĩ hơn là giáo dục, không nêu cao những giá trị lịch sử, đạo đức. Đây là một sự tách biệt rõ ràng khỏi truyền thống, bởi cho đến lúc đó, kể cả khi một họa sĩ vẽ một bức tranh thiếu nữ khỏa thân lồ lộ, rõ ràng là một dạng tranh kích dục nhưng vẫn phải gọi tên nàng là Venus, là Diane… Phong trào vị nghệ thuật xuất phát ở Anh, nó phủ nhận vai trò phải “đạo mạo” của nghệ thuật vị nhân sinh, và người anh em song sinh của nó ở Pháp được gọi là nghệ thuật suy đồi (Decadent movement).
Khi kịch Salome mới được xuất bản thành sách, lần đầu tiên, Aubrey chỉ mới 21 tuổi. Hai năm sau, ông vẽ một bức Salome cùng tám bức khác cho số đầu tiên của tờ The Studio của London. Ông đặt tên cho bức tranh là  J’ai Baisé ta Bouche, Iokanaan (Ta đã hôn miệng nhà ngươi, Iokanaan); bức tranh là sự cộng hưởng hoàn hảo với đoạn cao trào trong vở kịch của Oscar Wilde. Chính từ bức tranh này mà Oscar cảm thấy mình đã tìm được người tri kỷ và ông đặt Aubrey minh họa toàn bộ vở kịch cho mình. Lần in sau này của vở kịch gồm 18 bức tranh, tính cả tranh bìa, mục lục, trang đầu. Bức J’ai Baise ta Bouche, Iokanaan được đặt tên lại là The climax.

Bìa của Salome
Hãy xem một số bức trong series Salome của Aubrey Beardsley, minh họa cho vở kịch của Oscar Wilde:

“Herodias” – hoàng hậu ác độc


”The stomach dance” (điệu múa bụng). Thằng lùn ở góc dưới bên phải cầm một biểu tượng phồn thực – ẩn dụ về sự háo sắc của vua Herod


”The dancer’s reward” (phần thưởng của vũ nữ). Đầu thánh John đã bị chặt để làm phần thưởng cho Salome.


”The climax” (Đỉnh điểm) tương ứng với đoạn “I will kiss thy mouth” trong vở kịch. Mái tóc quăn hoang dại của Salome khiến gợi nhớ đến những hình ảnh nữ quỷ Medusa đầu đầy rắn trong thần thoại Hy Lạp. Theo hệ thống kí hiệu của phong trào Biểu tượng, mái tóc phụ nữ biểu trưng cho nữ tính không thể kiểm soát, dễ dàng quyến rũ người khác và gây ra tai họa.
Nghệ thuật của Aubrey Beardsley là gì? Là Art Nouveau. Tính biểu tượng của Art Nouveau không chỉ nằm trong vật được miêu tả, mà nằm trong đường nét. Có thể nói không ngoa, Art Nouveau gần như không có đường thẳng. Những đường cong uốn lượn chính là linh hồn của tác phấm; chính những đường cong là thứ khơi gợi cảm xúc và suy nghĩ của người xem. Những đường cong có giai điệu, có sự sống của chúng, như ngọn lửa, như đợt sóng, như nhịp đập của trái tim. Những bức tranh trong series Salome là ví dụ điển hình cho điều này.

”The peacock skirt” (Chiếc váy chim công): Chim công là biểu tượng của sự phù phiếm (vanity) và kiêu ngạo (pride) – hai đặc điểm vốn hay bị châm biếm của những người sống trong thời kì Victorian. Bức tranh này đã được dùng làm tranh bìa cho cuốn “The importance of being earnest and four other plays” gồm năm tác phẩm của Oscar Wilde, được Barnes & Noble ấn hành.


“The woman in the moon” (Người đàn bà trên mặt trăng). Hai người đàn ông trong tranh là Narraboth – trưởng đội cận vệ, một người say mê Salome, và tiểu đồng của Herodias – người say mê Narraboth. Đóa hoa cẩm chướng ở góc tranh liên quan đến “cẩm chướng xanh” – một loại “huy hiệu” của những người đồng tính ở Paris lúc bấy giờ. Gương mặt trên mặt trăng được cho là của Oscar Wilde – cũng là một người đồng tính.


”The Platonic Lament” (Sự khóc thương trinh bạch). Trong bức tranh này tiểu đồng của Herodias khóc thương cái chết của Narraboth. Gương mặt của mặt trăng – Oscar Wilde – lấp ló ở góc phải bức tranh, mắt nhắm nghiền như hòa cùng nỗi buồn của tiểu đồng. Đóa hoa cẩm chướng trong bức tranh này đã rơi rụng giống như tình yêu đã chết.


“John và Salome”. Bức tranh minh họa cho đoạn Salome bày tỏ “tình yêu” với thánh John, hay chính xác hơn là sự ham muốn tột bậc:”Ta say đắm thân thể của người, Iokanaan! Thân thể người trắng như hoa huệ của cánh đồng hoa chưa bao giờ bị đào xới…Không có gì trên đời trắng hơn thân thể của người…Xin cho ta chạm vào thân thể người.“


Minh họa cho cuối chương
Ngoài ra do ảnh hưởng của những bản in khắc gỗ Nhật Bản làm mưa làm gió trong hội họa phương Tây vào thời điểm đó, Aubrey Beardsley đã biến những bức tranh của Salome thành hai chiều tuyệt đối – hoàn toàn không có đổ bóng hay luật phối cảnh. Có thể nói những hình minh họa này là một sự diễn dịch về kịch nghệ dưới góc nhìn của hội họa Art Nouveau: tất cả các nhân vật như trôi lơ lửng trên một sàn diễn vô hình. Những mảng màu đen trắng sắc bén khiến đường nét – “ngôi sao” của các bức minh họa này – càng thêm thanh thoát và nổi bật.

”The Eyes of Herod” (Cặp mắt của vua Herold)
Những nhà phê bình thời bấy giờ phẫn nộ vì sự gợi dục trắng trợn trong tranh Aubrey Beardsley. Tờ The Times gọi những tác phẩm này là “không thể hiểu nổi” và “ghê rợn.” Vào thập kỉ 1890, đa phần nhà văn và họa sĩ hầu như không bao giờ hợp tác khi minh họa một tác phẩm (theo James Heffernan) và rất có khả năng Aubrey đã làm việc hoàn toàn độc lập, bởi khi nhận được những bản vẽ hoàn chỉnh, Oscar đã bị sốc. Chính Oscar Wilde cũng tuyên bố rằng mình ngưỡng mộ chứ không thích những bức minh họa này. (“I admire, I do not like Aubrey’s illustrations.”), ông còn lo rằng vì làn sóng dư luận quá mãnh liệt, phần viết của mình sẽ biến thành phần “minh họa” cho những bức tranh minh họa này chứ không phải ngược lại! Song không thể phủ nhận rằng bất chấp sự khó hiểu và kì quái của tranh Beardsley, chúng có một tính chất hấp dẫn đặc biệt đối với mắt nhìn – sự khêu gợi này không khác gì điệu nhảy của nàng Salome với Herod vậy.

Một bức tranh Aubrey vẽ về thế giới sân khấu
Làn sóng dư luận thật ra không nằm ngoài dự đoán và dự định của Aubrey Beardsley. Ông vốn căm ghét xã hội Victorian đạo đức giả và kìm hãm quyền tự do của con người. Nhiều học giả cho rằng thằng hề Harlequin đeo mặt nạ trong bức Phòng trang điểm của Salome chính là hiện thân của tác giả, người giấu bộ mặt thật đi để mua vui và tô vẽ cho sự xấu xa của xã hội. Những bức tranh của ông không có chiều sâu về không gian (hai chiều) nhưng chiều sâu về ý nghĩa của chúng làm sốc và tức giận những vị áo cao mũ dài thời đó. |

“Phòng trang điểm của Salome” (The toilet of Salome), trên kệ sách là các phẩm văn học được coi là suy đồi thời bấy giờ: sách của hầu tước Sade, Nana của Emile Zola, The golden ass of Apuleius.
Thay vì che đậy sự gợi dục bằng những câu chuyện thần thoại, lịch sử trịnh trọng, Aubrey Beardsley làm điều hoàn toàn ngược lại. Ông như đập vào mặt xã hội Victoria – một xã hội nực cười vì sự đứng đắn giả tạo của nó. Tính gợi dục trong tranh Aubrey Beardsley là sự mỉa mai những lý thuyết đạo mạo sáo rỗng của những người thời Victorian. Và ngược lại, họ ghét tranh của Aubrey Beardsley vì giống như những tấm gương, chúng phản chiếu lại những khát vọng bị kìm nén sâu trong tâm hồn họ. Có thể nói Aubrey Beardsley tuy là đại biểu của phong trào Nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng chính những tác phẩm của ông lại “vị nhân sinh” bằng cách đả phá những tượng đài đạo đức mục ruỗng của xã hội thời ông sống.
Nhưng, Trời không cho ông sống lâu để làm công việc ấy được dài hơn. Aubrey mất sớm vì bệnh lao, khi chỉ mới 26 tuổi.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen