Dienstag, 27. Oktober 2015

Pointillism: những đốm nhỏ làm nên trường phái lớn

Pointillism, hay còn được gọi theo cách vui đùa dot art (hội họa chấm) là một phong trào được khởi xướng bởi hai nhà tiên phong Georges Seurat và Paul Signac. Nếu hội họa truyền thống là sự kết hợp của các đường thẳng, đường cong, hình khối, mảng màu, sáng tối, thì Pointillism tìm cách thể hiện tất cả những yếu tố trên bằng nguyên tố cơ bản nhất của hình học – điểm. Đã khi nào bạn thấy một đứa trẻ đùa nghịch với hộp màu vẽ, chấm lia lịa xuống mặt giấy những đốm màu sặc sỡ? Đã khi nào bạn là chính đứa trẻ đó? Những họa sĩ Pointillism thực hiện đúng hành động của đứa bé đó, song không hỗn độn mà có quy tắc trật tự nghiêm ngặt. Trên thực tế, nếu có một trường phái nào đòi hỏi sự cẩn thận chăm chút tuyệt đối thì đó chính là Pointillism.

“Kẻ du mục,” tranh của Pablo Jurado Ruiz. Là một họa sĩ chuyên vềPointillism ở Madrid, Tây Ban Nha, Ruiz sử dụng hoàn toàn các điểm màu đen trên nền trắng để tạo nên các tác phẩm hội họa giống thực đến mức có thể bị nhầm với một bức ảnh chụp.
Sự dày đặc hoặc thưa thớt của các đốm màu có thể giúp truyền tải đậm nhạt, sáng tối một cách hiệu quả là điều không thể bàn cãi, song khía cách đáng chú ý của Pointillism là màu sắc. Các họa sĩ Pointillism vận dụng hiệu quả các nguyên lý  trong thuyết màu sắc để tạo nên hiệu ứng kết hợp nhiều điểm màu để tạo nên sự nhận thức về một màu tổng thể. Nói một cách khoa học, Pointillism dựa trên sự nhiễu xạ. Khi đặt những đốm màu trái ngược sát cạnh nhau sẽ tạo ra một cảm giác về màu khác hẳn (khi nhìn từ một khoảng cách), do những hình ảnh trên võng mạc kết hợp để tạo nên một màu khác, truyền đến não – hãy tưởng tượng bạn xếp hai kính màu đỏ và vàng lên nhau để tạo ra màu da cam – hình ảnh trên võng mạc bạn khi xem tranh Pointillism cũng chồng chéo như vậy. Và mỗi bức tranh Pointillism bao gồm hàng ngàn, hàng vạn đốm màu. Quá trình vẽ một bức tranh đòi hỏi sự tính toán cẩn thận từ trước và rất nhiều công sức khi tiến hành.

Andrew Pons, họa sĩ người Florida sử dụng kỹ thuật Pointillism để vẽ lên một chiếc lông chim.
Paul Signac và Georges Seurat gặp nhau vào năm 1884, và cả hai đã cùng nhau hoàn thiện những lý thuyết cơ bản của Pointillism. Paul Signac bắt đầu tuổi trưởng thành ở trường luật, nhưng ông sớm từ bỏ để theo đuổi hội họa. Bên ngoài hệ thống chặt chẽ của Pointillism, Paul Signac vẽ với một phong cách tự nhiên thoải mái hơn với tranh màu nước. (Do không bị chảy tuột mất trên toan, sơn dầu là chất liệu được ưa thích cho Pointillism.) Không những là một họa sĩ, Paul Signac còn là một thủy thủ và ông sáng tác nhiều bức tranh phong cảnh của những vùng biển ông đi qua.

“Những người phụ nữ ở Puits,” tranh của Paul Signac, 1892. Chi tiết phóng to cho người xem thấy được cách kết hợp ba màu lam, vàng, lá cây để tạo nên hiệu ứng Pointillism.
Khác với Paul Signac, Seurat tập trung toàn bộ tinh lực cho Pointillism,và cuộc đời ngắn ngủi 32 năm cũng không cho phép ông có nhiều thử nghiệm với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên Seurat được coi là người có vai trò lớn nhất trong việc đưa Pointillism trở thành một phong trào nghệ thuật nghiêm túc, tất cả là nhờ sự tận tụy cống hiến phi thường của ông. Tác phẩm quan trọng nhất của Pointillism chính là Chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte, do Seurat hoàn thành trong vòng 2 năm, từ 1884 đến 1886.

“Chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte,” của Georges Seurat, 1884-1886
Với kích cỡ 2x3m, bức tranh được coi là tác phẩm “tuyên ngôn” của Pointillism, đồng thời là tác phẩm đầu tiên trong hội họa hiện đại có nhiều nhân vật như vậy. Tất cả các chi tiết nhỏ đều được tính toán kỹ lưỡng, kết quả của hai mươi lăm bức phác họa, ba bản nghiên cứu kỹ lưỡng, và vô số tài liệu khác. Thay vì vẻ thư giãn của những người đi dạo, hầu như các nhân vật trong tranh đều nhìn nghiêng theo cùng một hướng, tạo nên một cảm giác “nhân tạo” – việc đi dạo trên đảo giống như một nghi thức hơn là một hoạt động giải trí. Seurat sử dụng thiên nhiên làm cái nền để nổi bật sự giả tạo của tầng lớp tiểu tư sản Paris thời bấy giờ.
Chú ý những đốm màu. Khi mới nhìn, có thể thấy màu sắc chủ đạo của bức tranh là vàng, lam tím, điểm xuyết đỏ và da cam. Song khi nhìn kỹ có thể thấy từng mảng nhỏ đều được Seurat chăm sóc kỹ lưỡng.

Vùng phía trên lưng chú chó


Ảnh chụp cận những đốm sơn dầu trong bức tranh, trên nền toan
Một bức tranh khác của Seurat, thường được giới thiệu cùng một cặp với bức Chiều chủ nhật, làNhững người tắm ở Asnieres. Bức tranh là sự tương phản theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – những người trong hai bức tranh nhìn về hai phía ngược nhau như phản chiếu qua gương vậy. Ngoài ra, sự thoải mái trong dáng điệu của những người lao động ở Asnieres cũng đối lập với sự cứng đờ của giới tiểu tư sản trên đảo La Grande Jatte. Trong bức Chiều chủ nhật, Seurat còn kín đáo cài vào ngụ ý châm biếm – ví dụ người phụ nữ phục sức sang trọng, mặc váy độn mông, đi lại trịnh trọng ở góc phải bức tranh lại được vẽ cạnh một chú khỉ – từ lóng cho gái điếm trong tiếng Pháp. Ở bên trái, người phụ nữ mặc váy cam thả cần câu là một ẩn dụ cho việc “câu trai”. Bức tranh vẽ những người đi tắm không có những ẩn dụ như vậy, qua đó có thể thấy được sự cảm thông của Seurat với tầng lớp lao động và đối lập lại, sự coi thường của ông với giới trưởng giả.

“Những người đi tắm ở Asnieres,” của Georges Seurat, 1884 (bức họa được hoàn thành khi họa sĩ mới 24 tuổi!)
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ khi Seurat xuất hiện, Pointillism mới được gọi với cái tên là Neoimpressionism (Hội họa Tân Ấn tượng). Hiệu ứng mạnh mẽ và phương hướng táo bạo của Pointillism vừa là lặp lại, vừa là sự thách thức lại hội họa Ấn tượng. Ngoài Seurat và Signac, Pointillism còn có ảnh hưởng với nhiều họa sĩ khác. Mặc dù không có ai đạt đến đỉnh cao của Seurat, các họa sĩ như Van Gogh, Gauguin, Matisse, Lautrec đều tìm thấy trong Pointillism những bài học quan trọng về màu sắc và ánh sáng.

“Tự họa,” của Van Gogh, 1887


“Rạp xiếc,” của Georges Seurat, 1891, bức tranh cuối cùng của họa sĩ trước khi qua đời
Nếu Impressionism là tiền thân của Pointillism, thì Pointillism là tiền thân của Neopointillism – một phiên bản hiện đại của Pointillism mà ta vẫn được chứng kiến cho đến ngày nay. Tuy nhiên Neopointillism sáng tạo và tự do hơn rất nhiều, cả về kỹ thuật lẫn chất liệu (hai tác phẩm đầu bài là ví dụ điển hình – Ruiz chọn cách bỏ qua màu sắc, còn Pons thử nghiệm với chất liệu.) Một số biến tấu khác của Pointillism có thể khiến Seurat tự hào vì có người nốt gót, nhưng cũng có thể là một niềm tự hào khác: khó có ai thực hiện Pointillism được như ông:

“Chạm vào mặt trời,” của Sakura Chrono


Tác phẩm của Christian Faur, kết hợp từ các cây bút sáp tự chế


Tranh tường graffiti của James Cochran

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen