Dienstag, 27. Oktober 2015

Neo-Dada: mới như Dada, bứt phá như Dada, nhưng đã dịu hơn

Nếu như Dada được sinh ra từ sự vỡ mộng của nghệ sĩ khi phải đối mặt với “nỗi buồn chiến tranh”, thì Neo-Dada có xuất phát điểm tương đối nhẹ nhàng hơn, thuần túy nghệ thuật hơn là chính trị.
Kéo dài khoảng một thập niên những năm 50, 60, Neo-Dada khởi đầu là hướng đi ngược lại các phong trào Siêu thực (Surrealism), Trừu tượng (Abstract), và Biểu hiệu (Expressionism). Ban đầu là một phong trào underground ở New York tìm cách định nghĩa lại High Art (nghệ thuật cao cấp dành cho tầng lớp trí thức giàu có ở đô thị), Neo-Dada chiếm được cảm tình của quần chúng và trở thành bệ phóng cho nhiều tên tuổi nghệ sĩ.

“Bốt điện thoại mềm,” của Claes Oldenburg, 1962. Claes có sự hứng thú không nhỏ với các đồ vật hàng ngày, đặc biệt là các món đồ chơi. Những tác phẩm của ông thường nhắm đến việc truyền tải cảm xúc về tình dục qua các vật thể bình thường, chịu ảnh hưởng của Sigmund Freud.
Phong trào Neo-Dada được khởi xướng bởi nhà soạn nhạc John Cage, họa sĩ Robert Rauschenberg, và nhà biên đạo múa Merce Cunningham tại đại học avant-garde Black Mountain ở Hoa Kỳ vào năm 1952, khi đó Rauschenberg còn là một sinh viên của John Cage. Ba người không hẹn mà gặp nhưng chí hướng của họ lại kết tinh thành những mầm mống đầu tiên của Neo-Dada: : John Cage nêu cao tinh thần của sự tình cờ, không định trước trong việc tạo ra nghệ thuật (ông tạo ra 4’30’’ – một bản piano mà người biểu diễn kết hợp các âm thanh ngẫu nhiên của môi trường xung quanh vào tác phẩm), Rauschenberg đam mê thử nghiệm các ý tưởng độc đáo (ví dụ như vẽ một bức tranh trắng muốt với mục đích phản chiếu những thứ xung quanh, biến những hình phản chiếu đó thành chủ đề tác phẩm), còn Cunningham lại tìm cách kết hợp nghệ thuật múa đương đại và ballet vào nghệ thuật trình diễn. Rauschenberg và Cage sau này chuyển tới New York – nơi trở thành cái nôi của Neo-Dada. Tuy nhiên phải đến năm 1957, nhà phê bình Robert Rosenblum mới đặt ra cái tên này.
Lý do khiến Neo-Dada được ưu ái gọi là ”Dada mới” chủ yếu là bởi Marcel Duchamp – nhân vật Dada nhất trong các Dadaists. Những ý tưởng đột phá của Duchamp về nghệ thuật đã khiến ông được những nghệ sĩ thế hệ đầu của Neo-Dada coi ông như một người anh tinh thần. Cách các nghệ sĩ Neo-Dada sử dụng các đồ vật hàng ngày để tạo ra nghệ thuật lấy cảm hứng từ các món “readymades” nổi tiếng của Duchamp, đơn cử như Rauschenberg đã từng dùng chính… chăn đệm mình dùng để làm nền cho tranh vẽ.

John Cage và Merce Cunningham
Những đặc tính cơ bản của Neo-Dada, bao gồm cả những yếu tố khiến nó được liên tưởng với Dada, là:
- Các nghệ sĩ của Neo-Dada nhấn mạnh rằng một tác phẩm nghệ thuật không thể đứng riêng.Tác phẩm chỉ là một chuỗi mắt xích trong quá trình sáng tác được bắt đầu bởi nghệ sĩ và hoàn thiện bởi người xem. Một tác phẩm luôn có sự tham gia của khán giả, bất kể họ có ý thức được điều đó hay không. Quan điểm này được khởi xướng bởi Marcel Duchamp của Dada, người đã tuyên bố:”Tôi không tin vào nghệ thuật, mà chỉ tin vào nghệ sĩ.” (‘I don’t believe in art. I believe in artists.’) Tuy nhiên, các Dadaists đi xa hơn một bước vì họ coi ý tưởng (concept) là tất cả, còn tác phẩm chỉ là phù du. Các nghệ sĩ Neo-Dada không hoàn toàn chối bỏ tầm quan trọng của tác phẩm – điều khiến Neo-Dada dễ được đón nhận, ghi nhớ hơn. Nói cho cùng, thật khó để lại dấu ấn trong lòng người xem nếu… không có gì cho họ xem.

“7-up”, của Sari Dienes, 1950
- Neo-Dada khai thác các vật dụng phi nghệ thuật thường ngày, đặt chúng trong những tình huống “trớ trêu” và biến chúng thành nghệ thuật. Khuynh hướng chống chính phủ của Neo-Dada tuy không đến mức cực đoan như Dada nhưng sự nổi loạn, châm biếm, hài hước của Neo-Dada vẫn rất rõ ràng, thậm chí còn sáng tạo và nghịch ngợm hơn. Môi trường nghệ thuật sôi động của New York thay cho không khí chiến tranh căng thẳng như thời Dada chắc chắn góp phần vào sự khác biệt này.
Các nghệ sĩ Neo-Dada còn có lợi thế vì những thành tựu công nghệ thông tin những năm 50-60, điển hình là chiếc TV, giúp họ tiếp cận được quần chúng một cách dễ dàng hơn. Neo-Dada đi liền với văn hóa đại chúng (pop culture), sống trong hiện tại, gắn bó với môi trường tầng lớp thị dân thay vì chỉ tập trung vào bộ phận elite. Các nghệ sĩ Neo-Dada còn thích sử dụng những hình ảnh phổ cập trong xã hội và biến hóa chúng theo hướng mới lạ. Đó là lý do khiến Neo-Dada có sức sống mãnh liệt và được đông đảo mọi người săn đón.

“Bức chân dung lố bịch,” của May Wilson, 1965
- Những nghệ sĩ Neo-Dada thường cộng tác cùng nhau để tạo ra những tác phẩm xóa nhòa ranh giới những các dạng nghệ thuật – một tiêu chí vẫn được các Dadaist thực hành một cách có hệ thống. Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ, nhà thơ, vũ công cùng nhau khám phá những khía cạnh mới của nghệ thuật, lật đi lật lại nó dưới những luồng sáng khác nhau. Tinh thần thử nghiệm và học hỏi lẫn nhau, do đó, trở thành tư tưởng xuyên suốt của Neo-Dada, bắt đầu từ chính những người sáng lập. Ít người biết rằng hai họa sĩ quan trọng nhất của Neo-Dada, Rauschenberg và Jasper Johns không những là đồng nghiệp mà còn là một cặp đôi. Rauschenberg chính là người “khám phá” ra Jasper Johns và góp phần không ít giúp Johns tiếp cận nghệ thuật. Mối quan hệ này tan vỡ khi gallery Leo Castelli chọn Jasper Johns để đỡ đầu thay vì Rauschenberg.

“Tình hữu nghị quay vòng của Mỹ và Pháp,” tác phẩm cộng tác của Larry Rivers và Jean Tinguely. Đặt trên một trục, tác phẩm có thể quay vòng như quả địa cầu. Khác với những Dadaist, các nghệ sĩ Neo-Dada có một sự lạc quan lớn, một phần không nhỏ do bối cảnh tương đối hòa bình của Hoa Kỳ (bất chấp cuộc Chiến tranh lạnh.)


“Ba lá cờ,” của Jasper Johns, 1958. Thay vì 48 ngôi sao trên cờ Mỹ (cho đến 1959), người xem nhìn thấy 84 ngôi. Bức tranh tạo cảm giác không gian ba chiều. Jasper Johns nổi lên chỉ sau một buổi triển lãm ở gallery Leo Castelli, khi kết thúc show, 18 trên 20 bức tranh của ông đã được bán.
- Trên hết, Neo-Dada là một nỗ lực nhằm phá vỡ khoảng cách giữa cuộc sống và thế giới vốn khó với tới của hội họa. Robert Rauschenberg tuyên bố:”Công việc của tôi nằm ở khoảng giữa nghệ thuật và đời.” Nếu Dada là một cuộc chiến phản nghệ thuật, thì Neo-Dada không phải là một phong trào có tôn chỉ rõ ràng như vậy. Neo-Dada là một từ chung chỉ nhiều phong trào nhỏ lẻ khác nhau: Beat Art, Funk Art, Lettrism, Nouveau Realisme, tất cả chỉ có điểm chung là muốn mới, muốn lạ, muốn chọc ghẹo, khiêu khích, và khiến người ta phải suy nghĩ.

“Vũ nữ Ballet,” của Robert Mallary, 1960
Tới năm 1962, phong trào Neo-Dada đã dịu xuống dần, nhường chỗ cho Pop Art. Là một cây cầu nối giữa Abstract Expressionism và Pop Art, Neo-Dada có ảnh hưởng lớn với các nghệ sĩ sau này, không chỉ vì phương tiện và kỹ thuật, mà chủ yếu ở tư tưởng và những thông điệp phản chiến, chống độc tài, bảo vệ nhân quyền. Nhờ có nền móng ấy của Neo-Dada mà các nghệ sĩ ngày càng tự ý thức được vai trò của nghệ thuật trong việc làm ảnh hưởng dư luận. Những dạng nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật sắp đặt cũng được hưởng lợi từ những bước đầu tiên của Neo-Dada.

“Đàn bà và máy ảnh,” của Genpei Akasegawa, 1964

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen