Donnerstag, 5. Februar 2015

Chợ chồm hổm

Đến New Orleans, thăm làng Versailles, nơi tập trung người Việt định cư đông nhất của Tiểu bang Louisiana mà không ghé qua chợ Chồm Hổm thì chưa thể gọi là đã biết gần hết sinh hoạt của người Việt tại New Orleans.
Từ giữa năm 75, hội Từ thiện Công giáo Mỹ đã bảo trợ lần đầu hàng chục gia đình người Việt tị nạn định cư tại New Orleans, một thị trấn thuộc về miền Đông Nam nước Mỹ . Họ là những người lập nghiệp đầu tiên tại Hoa Kỳ sau khi miền Nam thất thủ.
Trong bước đầu nơi xứ lạ quê người, do khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, phong tục, họ  nương dựa vào nhau, quần tụ vào nhau và vô hình chung, sự co cụm đó kết hợp họ lại với nhau thành một xã hội thu nhỏ, một cái làng Việt Nam nhỏ bé trên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Người biết chữ nâng đỡ cho người không biết chữ…. Rồi dần dà, làn sóng vượt biên bằng đường biển ồ ạt. Những người ở cùng làng nước, cùng quê, rủ nhau về làng Versailles, bảo lãnh cho nhau.  Từ từ, dân số đông lên. Những người già theo con cháu qua trước thèm lá trầu, quả cà, quả mướp; thèm rau muống luộc; thèm canh bầu canh bí. Người qua sau cố dấm dúi mang theo ít hạt giống gieo trồng. Trước, trồng một vạt nhỏ sân nhà, sau vườn, chỉ ăn cho đỡ thèm đỡ nhớ. Nhưng cái xứ Mỹ nầy lạ lắm, đất đai tốt mù trời, không phân tro gì mà cây cứ đây đẩy mọc lên. Ăn không hết phải mang cho, mang bán…
Có cung thì phải có cầu. Đất trong vườn không đủ, người ta phá đất  rừng trồng rau. Hồi đó rừng mênh mông, đâu thuộc chủ quyền của ai. Chính phủ cũng chẳng rỗi hơi đi kiểm soát từng mớ rau, mớ cà với mấy cụ bà, cụ ông, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết.
Ở cái nhà nguyện nhỏ cạnh con rạch, sau mỗi lễ sớm thứ bảy, mấy bà cụ mang nhúm hành, nhúm ớt, ít bánh cam bánh quít ra trao đổi nhau ơi ơí… Rồi không biết ai là người đầu tiên mang rau cỏ ngồi bày bán giữa khoảng đất trống bên con rạch đầu làng Versailles, ai là người có sáng kiến cất cà, rau, táo cam… từ Frenh Quarter, cuối  tuần, bày trên xe bán ngoài đường, ngay nhà nguyện đầu làng còn lợp tôn thưở ấy. Một rồi hai, hai rồi ba… Người mua người bán truyền miệng nhau. Dần dần nó hình thành cái chợ hồi nào chẳng rõ. Và không biết cái tên “chợ Chồm Hổm” ra đời khoảng thời gian nào, nhưng rất là chính xác, dí dỏm. Vì cả người mua lẫn người bán đều ngồi chồm hổm.
Người ta thích mua nhúm cà, nhúm ớt, ở cái chợ bộc phát đó. Nó thiên nhiên phơi phới, không gò bó như kiểu chợ Mỹ. Nó vừa rẻ, vừa tươi, mà lại tha hồ trả giá nên dần dà, nhiều mặt hàng được mang ra thử nghiệm (Bán không hết thì mang về cho con cháu ăn, đâu mất đồng tơ hào thuế má nào mà lo.) Cứ vậy, nó nhộn nhịp, phơn phớn lúc nào chẳng rõ.

Buôn bán lấy vui ở "chợ chồm hổm" / photo maiphuon. 2007
Vì là sáng kiến tự phát nên chợ Chồm hổm chẳng trật tự, hàng lối gì hết. Chị mang thúng cà ra trước ngồi trước, chỗ đường đi dễ chạy hàng. Bà rau mồng tơi, bầu mướp ra sau, ngồi kế bên… Chẳng ai giành chỗ ai. Chị bán bánh mì hả, chắc phải làm cái xe bánh mì phía trong cho đỡ ruồi nhặng. Chè cháo mà ngồi chồm hổm ngó cũng hơi khó coi. Thôi, đóng đỡ cái sạp bằng ba cái gỗ vụn ngó bộ sạch sẽ hơn. Mấy thứ rau thơm linh tinh tiêu hành tỏi ớt mà bỏ túm tụm cũng khó lựa. Thôi đóng quách cái sạp, vừa đỡ rau rá mà bày hàng lên đó cũng gọn gàng. Đấy, từ đứng gọi nhau, từ ngồi chồm hổm rồi tiến lên ngồi sạp cho những người trường kỳkháng chiến. Người chồm hổm lẻ tẻ năm thời mười hoạ thì đụng đâu ngồi đó. Người ta gọi chết tên chợ Chồm Hổm vì nó quá giản dị, quá dễ thương, quá sức Việt Nam.
Chợ thu gọn nhỏ xíu mà không thiếu một thứ gì. Rau bốn mùa thì có cà chua, bầu ,bí, mướp, rau mồng tơi, rau đay, rau ngót, rau muối dưa, rau muống, rau thơm, đủ loại ớt xanh ớt hiểm. Cây trái bốn mùa cam quít, mận ổi… lần lượt góp mặt. Thức ăn chợ thì nào bánh mì, bánh bò, bánh giò, bánh ít, bánh da lợn, chè cháo… Hàng cá, tôm, mực tươi, đánh bắt từ sông biển mang lên nhảy roi roí thì ở phía ngoài dàn hàng ngang….

một góc quê nhà (chợ chồm hổm Versailles, New Orleans)/ photo maiphuong 2007
Có cá thì phải có thịt. Thịt lợn tươi mang từ nông trại về, đùi, mông, nách, cắt miếng bán liền tại chỗ. Phần lòng chế biến thành dồi tiết, dồi trường, lá sách, cho mấy ông nhậu. Lại thêm bà bán rượu đế kế bên… Dân đi biển về nhâm nhi dồi lòng với rượu đế, nhìn ra chợ Chồm Hổm ông đi qua bà đi lại.’Tiếng Việt quê hương cứ là tới ta tới tấp. Tiếng quang quác gà vịt sống dập cánh phè phè,  ò ó ọ…  quạc quạc… dòn dã thì có khác gì còn ở quê nhà đâu. Ôi, một góc quê nhà cảm khái.
Phải nhìn tận mắt từ tờ mờ sáng, cụ bà tay ôm bó rau, lẽo đẽo theo cụ ông đầu đội nón lá, quần đùi bốn mùa, gò lưng đẩy xe cút kít, trên đầy ụ nào rau, nào dưa leo dưa chuột, bầu, bí, mướp… Xa xa, một cụ bà vừa đi vừa búi tó củ hành, tay cắp thúng rau, miệng nhai trầu bỏm bẻm, hấp tấp ra nhóm chợ sớm. Nhà bên đường sang cả hơn, con cái gọi mẹ ơi ới, xe chất cây con (mãng cầu, ổi, cam, quít, bưởi…) được ương trồng trong những bình nhựa nhỏ xíu… Phải nhìn tận mắt cái xã hội thu nhỏ người mua kẻ bán nhộn nhịp, người kỳ kèo bớt một thêm hai, người mời chào hàng tươi hàng rẻ. Nhìn tận mắt kẻ qua người lại, kẻ ăn mặc sang trọng, người ngồi nhổm hay bệt dưới đất. Phải nghe được hết âm thanh hỗn độn của tiếng người cười nói, tiếng thăm hỏi nhau lâu ngày, tiếng mời chào đon đả, tiếng chê ỏng chê eo lẫn trong tiếng gà vịt than van mới thấy được hết, quê nhà bên kia đại dương đâu xa là mấy.
Trước bão Katrina, chợ nhóm họp ở trong sân Apt. ngay góc ngã tư bên kia nhà thờ Thánh Tử đạo VN. Chủ nhân của khu chung cư nầy có một cửa hàng tạp hóa lớn nằm ngay cổng chính, bên cạnh là tiệm Thẩm mỹ viện, tiệm bán thịt lợn tươi sống, tiệm quần áo, tiệm may, tiệm bánh mì, nên sinh hoạt chợ búa rất sầm uất. Bất kỳ thứ gì cũng có. Ngay cả nếu muốn tìm mua tại chỗ gà, vịt sống, thỏ sống… Người mua nhẩn nha lên xuống, kẻ bán nhấp nhỏm giữ giá. Cái náo nhiệt, ồn ào làm ta tưởng chừng như ai đó vừa bê nguyên một góc chợ quê nhà, đặt vừa vặn trong cái diện tích 100 thước vuông khiêm nhường.
Hai năm sau bão Katrina, tình hình chợ búa như vợi dần. Bây giờ người ta nhóm ngay tại vỉa hè cạnh đường, trên mặt xi măng lồi lõm, vì cả người bán lẫn người mua thưa thớt dần. Những người già trồng rau thưở nọ, sau cơn bão, một phần nghỉ… hưu; phần khác đã về nước Thiên đàng; phần phải theo con cháu di chuyển qua Tiểu bang khác. Chẳng biết họ có nhớ cái không khí nhóm chợ ồn ả thuở trước mà họ, dù nhiều hay ít, cũng đã góp một phần làm nên cái góc quê nhà mộc mạc đó?

chợ chồm hổm hai năm sau cơn bão Katrina (Versailles, New Orleans / photo maiphuong
Có người hỏi “Thế chợ có phải thuế má giấy phép gì không?”  Chắc là không. Thỉnh thoảng, cũng có những người ở ban vệ sinh tới hỏi thăm. Chắc chỉ nhắc chừng vấn đề vệ sinh, nhắc dọn dẹp xả rửa tôm cá… Nhưng dù ở đâu, chợ Chồm Hổm hay chợ Ngồi Xổm, ai bán buôn chỗ nào thì tự động dọn rác chỗ đó. Cho nên, dù chỉ nhóm chợ  khoảng từ 5 giờ đến 9 giờ mỗi sáng thứ Bảy, ai đi chợ muộn chỉ còn thấy trơ lại trên nền gạch lỗ chỗ xi măng, mấy cọng hành nằm chèo queo hoặc vài tờ giấy nằm buồn phất phơ không đáng kể. Như tuồng ở đó, vừa rồi, chưa hề có cảnh náo nhiệt nào xảy ra.
Rồi cũng có người ưu tư “Không biết cái chợ quốc hồn quốc túy nầy kéo dài được bao lâu?”  Ôi dào, hơi đâu lo bò trắng răng. Dĩ nhiên, đến một lúc nào đó, theo sự đào thải của đất trời, những trái già phải từ từ rơi rụng đi. Bọn trẻ trưởng thành ở Mỹ đến lúc nào đâu thèm ăn cà mắm tôm hay rau bầu rau bí. Cũng chẳng ai rảnh rang để cặm cụi trồng vạt rau hay vạt cà mang ra chợ sớm. Lúc nào đó, mọi việc sẽ tự động bị đào thải theo thời gian, nhưng chắc cũng còn lâu lắm. Nhưng biết chừng đâu thế hệâ sau vẫn nối tiếp thế hệ trước, níu kéo duy trì cái xã hội bé nhỏ đầy dân tộc tính đó? Nói gì thì nói, chợ Chồm Hổm đã chẳng tồn tại những  hơn hai mươi năm rồi sao?
Chợ Chồm Hổm. Những người Mẹ VN dù đi đến đâu cũng mang đầy hoài niệm về quê hương, cũng không bỏ được nếp nghĩ, nếp làm, đã gắn bó với họ từ lâu đời. Bắp cải, cà rốt sao bằng cà pháo mắm tôm, canh rau đay nấu tép? Những món ăn quốc hồn quốc túy mà thịt thà cá mú ở nước ngoài- dù có ngon hơn, sạch sẽ hơn- sao bằng nhúm rau hái ngoài vườn hăng hắc mà thơm. Sao bằng con cá con tôm tươi roi rói, cứ nhảy đành đạch trong thùng nhựa?
Hơn ba mươi năm mất nước… Bánh xe thời gian luôn đẩy ta về phía trước. Cuộc sống mỗi ngày một văn minh tiến bộ hơn. Người ta thử nghiệm vũ khí hủy diệt, đầu đạn tầm xa. Châu Âu, Châu Á thử hỏa tiễn, phóng phi thuyền lên không gian ầm ầm. Chỉ duy  nơi chốn đó, dù trải qua những thăng trầm cuộc sống, những phong ba bão tố, chợ Chồm Hổm vẫn bình thản mỗi sớm thứ bảy, ngóng đợi bà bán rau khua rèn rẹt tấm ni lông, chị bán thịt vội vã kê bàn kê ghế, anh bán cá lặc lè với thùng nhựa đầy nước… Họ nhắn nhau trở về.  Họ nhớ chỗ ngồi, nhớ cái không khí gần gũi, những câu chuyện nhà ta, nhà người, hành tỏi mắm muối… Dăm ba dồng kiếm được từ buổi nhóm chợ đó, gom góp lại mỗi ngày một chút, làm quà cho người thân bên quê nhà. Họ mong  được nói, được tha hồ mời chào, nói năng rặt bằng ngôn ngữ Việt mà người miền Bắc từ năm 1954 đã mang theo vào miền Nam, rồi mang qua Mỹ. Họ đâu cần biết cái gì là đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa. Đâu cần biết ai sẽ làm Tổng Thống nước Mỹ ở nhiệm kỳ tới?
Nghĩ cho cùng, quẩn quanh ở điều giản dị đó, biết đâu, lại là chân lý?
Tiểu Quyên (NO)
  • (Trích Phụ Nữ Diễn Đàn 285, tháng 12, 2007)


Người Việt mình đi đến đâu cũng muốn quy tụ lại để có tình làng xóm, tình gia đình với nhau. Đó là điểm cao quý nhất giúp chúng ta có thể xây dựng lại cả một cộng đồng bất kể sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai.”


Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, chánh xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.
Linh Mục Dominic Nguyễn Văn Nghiêm, chánh xứ giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam, nói với giọng đầy tự hào khi giới thiệu về cộng đồng người Việt ở “làng” Versailles, phía Đông thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, sau gần 40 năm có mặt trên đất Mỹ và chín năm sau cơn bão Katria.

Cái nôi của Công Giáo Việt ở Mỹ
“Đầu tiên chỉ có 11 gia đình Việt Nam đến đây vào năm 1975, rồi lớn dần lên 200 gia đình, và cao điểm nhất là trước bão Katrina với hơn 7,000 gia đình và bây giờ là 1,100 gia đình với hơn 4,000 cư dân.” Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, một cư dân trưởng thành từ cộng đồng, nhậm chức chánh xứ cách đây bốn năm, bồi hồi điểm lại hành trình của người dân ở “làng” Versailles.


Cụ bà Trần Thị Huỳnh, 78 tuổi, một trong những cư dân Việt đầu tiên của làng Versailles.
Ông Trần Cao Toàn, phụ tá Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, bổ túc thêm: “Người Việt đến đây chỉ trong một thời gian rất ngắn đã thành lập Cộng Đồng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào năm 1976, và đây là cái tên đầu tiên của giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.”

Theo ông Toàn, những người Việt đầu tiên và lần lượt sau đó đều là giáo dân từ các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam như Phước Tỉnh, Phú Quốc và các vùng biển miền Nam Việt Nam. “Mà đã xuất thân từ vùng biển, thì không có nghề gì thích hợp với họ bằng nghề đánh bắt cá tôm.”


Một góc chợ chồm hổm ở Làng Versailles, với hai bà cụ ngồi bán rau mặc y phục của phụ nữ miền Bắc Việt Nam cách đây vài chục năm.
Từ năm 1975 đến 2005, suốt 30 năm là cả một thời gian dài và cực thịnh của người dân Việt vùng đất này, từ nghề đánh bắt tôm cá, đến các nghề khác như kinh doanh tiệm tạp hóa, mở tiệm nail, nhà hàng, cây xăng...
Nhưng, theo ông Toàn, mùa Hè năm 2005, khi cơn bão Katrina đánh vào các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, trong đó nặng nhất là New Orleans, đã làm thay đổi toàn bộ đời sống của người dân nơi này.
Ông Trần Cao Toàn nhớ lại, sau Katrina, ngoài thiệt hại về nhà cửa, tài sản thì người dân ở đây mất hết việc làm và người ta bắt đầu bỏ đi.
Cộng đồng Việt ở làng này năm 2005 có tới gần 8,000 người, vậy mà chín năm sau Katrina, cộng đồng cũng chỉ còn hơn một nửa.


Cảnh mua bán tấp nập vào mỗi buổi sáng ở chợ chồm hổm.
Nhưng khó khăn lại đến một lần nữa khi năm 2010 xảy ra vụ tràn dầu của dàn khoan trên vịnh Mexico khiến nghề đánh cá tôm đình trệ. Số người mới đến, mà đa số từ Việt Nam, đã không bù được con số người Việt ra đi.
Vẫn theo ông Toàn, “Những người chạy bão Katrina mang theo con cái đến các đô thị lớn như ở tiểu bang Texas. Giới trẻ học hành thành tài và chọn luôn cuộc sống ở đó và người ta không quay lại chốn cũ.”
“Nổi bật nhất của cộng đồng Công Giáo ở đây là nét Công Giáo thuần túy mà người ta mang từ Việt Nam sang hàng chục năm trước.”
Theo ông Trần Cao Toàn, nét độc đáo đó là sinh hoạt xưa ở Việt Nam ra sao thì vẫn giữ y nguyên như vậy. Điển hình là Tuần Thánh Mùa Chay vẫn còn đầy đủ các nghi thức như ngắm nguyện, các cuộc rước được giữ nguyên thể. Đây chính là nét hấp dẫn thu hút người Công Giáo ở các nơi khác tìm đến giáo xứ trong các dịp lễ lớn.


Chợ Việt Mỹ, ngôi chợ đầu tiên của người Việt Nam tại làng Versailles.
Không “gục ngã”
“Nhưng tất cả đã không bỏ đi.” Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm tự hào kể: “Chính người Việt Nam là những người đầu tiên quay trở lại nơi này, xây dựng lại từ hoang tàn đổ nát.”
“Sau 21 năm làm công việc ở các giáo xứ của người Mỹ, tôi mới về đây chịu chức chánh xứ được bốn năm. Cha mẹ và người thân đều ở làng Versailles này. Sự thương yêu, đoàn kết, chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua nhiều khó khăn. Tôi cảm nhận được điều này, làm việc tông đồ ở chỗ nào cũng vậy nhưng làm việc và phục vụ cho chính đồng bào mình thì vẫn phấn khởi hơn, tình nghĩa nhiều hơn.”
Ông nói tiếp: “Giáo xứ đang có nhiều kế hoạch phát triển trong tương lai rất gần. Kể từ sau Katrina trở lại đây, củng cố và kiến thiết lại nhà thờ là việc ưu tiên vẫn đang tiến hành từng chút một. Ưu tiên nhất vẫn là duy trì các hoạt động như các hội chợ hàng năm để giáo dân tham gia ngày càng đông.”


Kenvin Trần, chủ nhà hàng Đông Phương.
Chỉ tay về mảnh đất rộng lớn phía trước nhà thờ, Linh Mục Nghiêm cho biết, tương lai của giáo xứ là ở đó. “Chúng tôi đang có kế hoạch tiến hành xây dựng từng hạng mục, trên mảnh đất rộng 28 mẫu này sẽ có Đài Đức Mẹ Maria và công viên công trình Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”
Ngôi làng từng “tự túc, tự cấp”
Không giống các cộng đồng người Việt ở các nơi khác, người dân ở đây trong thuở ban đầu ngoài nghề đánh bắt cá tôm, còn mang cả việc trồng trọt từ Việt Nam sang.
“Đất phía sau nhà quá rộng, lại gần các con kênh thoát nước nên bà con mình trồng đủ loại rau trái của người Việt mình. Ban đầu một nhà trồng, rồi thì cả làng trồng, rau ăn không hết thì mang ra đầu làng bán.” Cụ bà Trần Thị Huỳnh, 78 tuổi, vui vẻ kể về công việc trồng rau của mình.


Khu đất của giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam chuẩn bị mở rộng nhà thờ và xây công trình đền thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Từ Phước Tỉnh, bà Huỳnh sang Mỹ cùng với chồng và chín người con vào năm 1980.
Bà Huỳnh nhớ lại những năm tháng khó khăn trong thời gian đầu, “nghề gì cũng làm hết, cứ có việc là làm để có tiền nuôi con. Cá mắm có sẵn, mình chịu khó trồng rau quả, vậy là không tốn tiền chợ, nhờ đó mà nuôi nổi các con nên người.”
Cụ ông mất cách đây ít năm, chín người con nay đều đi làm xa hết, nên niềm vui của bà là chăm sóc những luống rau sau nhà.
“Yếu lắm rồi chú ạ, ốm đau luôn, nên bây giờ cũng chẳng làm gì được nhiều, trồng cho vui và khuây khỏa thôi.”
 

Toàn cảnh khu thương mại của người Việt Nam tại làng Versailles, phía Đông New Orleans.
Cụ bà Trần Thị Huỳnh cũng như nhiều phụ nữ lớn tuổi khác trong làng làm nghề trồng trọt đã góp phần làm nên ngôi chợ “chồm hổm” chỉ họp nội trong buổi sáng Thứ Bảy hàng tuần.
Ông Trần Văn Nhật, người sáng Thứ Bảy nào cũng ra chợ, kể, “gọi là ‘chồm hổm’ vì cả người bán lẫn người mua đều ngồi theo tư thế đó. Ai có rau gì, trái gì, con tôm con cá mới đánh được đều có thể mang ra bán.”
Ông Nhật là một trong những người đâu tiên đến đây trong buổi khai thiên lập địa. Cần cù lao động, chuyển từ nghề sửa máy tàu sang đánh bắt cá tôm, rồi lại sang nghề sửa máy tàu và cuối cùng là ông bỏ hết để làm công việc cho nhà thờ trong suốt 30 năm. Trước khi chính thức “nghỉ hưu” cách đây một năm, ông Nhật từng là chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.


Khu thương mại được người Việt sửa lại khang trang sau cơn bão Katrina.
Ông kể: “Từ vài chục quả ớt, năm ba trái bí hay mướp, vài quả cà chua, vài bó rau cải, ít chục con tôm, vài con cá,... là những món hàng quen thuộc ở ngôi chợ này. Người bán cũng vui mà người mua cũng vui, mà không mua không bán gì... cũng vui.”
Ông Nhật cười cho hay, “Thường thì tôi chẳng mua gì cả, mỗi tuần một lần đến đây chỉ là để xem bạn bè, người trong làng ai khỏe ai ốm, ai có chuyện gì vui, buồn mà chia sẻ với nhau.”
Nhưng không chỉ có thế, theo ông Trần Cao Toàn, ngôi chợ này nhiều năm qua đã trở thành nét đặc thù của làng, thu hút không chỉ người Việt mà còn nhiều sắc dân khác.
 

Ông Nguyễn Đông, một trong những cư dân đầu tiên của làng Versailles.
Chợ họp ngay trong khuôn viên của khu thương mại của người Việt ở đây, nhưng chẳng ai thấy phiền hà gì cả, tất cả diễn ra chóng vánh chỉ mỗi sáng Thứ Bảy hàng tuần mà ai lỡ bận việc không đến được thì đều nhớ!” Ông Nhật cười cho hay.
Những người thành đạt
Đến làng Versailles, tinh ý một chút, người ta có thể nhìn thấy những căn nhà của người Việt Nam “nhỉnh” hơn, khang trang hơn các căn nhà khác của cư dân nói chung trong vùng. Đặc biệt là một khu mới xây dựng cách đây khoảng 10-15 năm với khoảng 100 căn nhà, nhà diện tích nhỏ nhất cũng phải hơn 4,000 sqf.


Những căn nhà của người Việt thành đạt trong khu mới ở làng Versailles.
Điểm nổi bật nhất của khu này là các con đường rộng lớn đều được đặt tên Việt Nam, như “Văn Chu,” “Dominic Lương,” rồi “Tự Do” hay “Sài Gòn”...
Ông Nguyễn Đông, một trong những cư dân ở khu này, vui vẻ cho biết gia đình ông quyết định mua đất rồi tự xây căn nhà lớn hơn 4,000 sqf trước bão Katrina. Mình tự xây theo ý mình, thích lắm, trước và sau bão nhà cửa còn rẻ, nhưng bây giờ thì đắt hơn rồi.
Để có căn nhà trị giá gần nửa triệu đô la đã trả hết nợ ngân hàng và đời sống sung túc hiện nay, cũng như nhiều người dân trong làng, ông Đông trải qua một thời kỳ gian lao hiếm có.


Nhà hàng Đông Phương, có mặt tại vùng đất này từ năm 1982.
Vượt biên từ Vũng Tàu đến Mỹ năm 1983, bỏ lại vợ và các con ở quê nhà mà mãi 10 năm sau mới đoàn tụ hết. Những năm mới sang, ông làm việc không ngừng nghỉ để quên đi nỗi thương nhớ vợ con. Từ làm thuê ở chợ, ông Đông chuyển sang vận chuyển và buôn bán lẻ hải sản cho các nhà máy, rồi mở tiệm cầm đồ, tiệm tạp hóa, buôn bán vận chuyển cả xe hơi sang thị trường Việt Nam và Cambodia.
“Tôi từng lái xe 18 bánh vận chuyển cá tôm bán cho các nhà máy. Không hiểu sao lúc ấy mình khỏe thế. Tôi lái liên tục ngày đêm, mỗi ngày chỉ chợp mắt được chừng 1-2 tiếng rồi thức dậy chạy tiếp.”
Thành quả mà ông Đông gặt hái được là năm người con đều thành đạt, ai cũng có cơ sở thương mại và làm ăn riêng.


Bên trong nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam trong thánh lễ chiều Thứ Bảy hàng tuần.
Người đàn ông có khuôn mặt trẻ hơn cái tuổi 60 của mình kết thúc câu chuyện một cách chân tình: “Tôi hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại, và điều quý nhất là vẫn sống và gắn bó với ngôi làng này và đồng bào của mình. Nếu nói một cách chủ quan, thì người Việt mình thành đạt nhanh như vậy chính là nhờ làm ăn cần cù, chăm chỉ, sống tiết kiệm và biết sắp xếp đời sống hợp lý.”
Giới trẻ chuyển hướng cộng đồng
“Tôi biết mình là ai và vì sao lại có mặt ở đây.” Kenvin Trần, với tuổi đời ngoài 20, hiện đang quản lý nhà hàng Đông Phương ở gần làng Versailes nói về bản thân mình và công việc anh thừa hưởng của gia đình.
Kenvin khẳng định: “Chúng ta là người Việt, nhưng phải hòa nhập vào dòng chính, kinh doanh với người Mỹ, chỉ như thế mới phát triển nhanh hơn và tốt hơn.”


Ông Nguyễn Văn Việt, một trong những cư dân đầu tiên của làng Versailles trước căn nhà của mình.
Nhà hàng Đông Phương do cha mẹ Kenvin Trần mở từ năm 1981. Ban đầu là phục vụ cho người Việt, nhưng lâu dần lượng khách người Mỹ lại đông hơn người Việt.
Chàng trai quản lý nhà hàng này tiết lộ, phở và bánh mì kiểu Việt Nam là hai món người Mỹ rất thích khi đến nhà hàng Đông Phương.
Hồi trước nhà hàng còn mở cửa buổi tối, nhưng từ sau bão Katrina nhà hàng chỉ bán buổi trưa. Nhưng theo lời chủ nhân, khách đến vẫn đông bởi đồ ăn Việt Nam nóng sốt, ngon miệng nhưng nhẹ nhàng phù hợp với người Mỹ.


Giàn mướp trong vườn rau của bà cụ Trần Thị Huỳnh.
Người Mỹ đang rất thích đồ ăn Việt Nam, cả khu vực New Orleans này có hơn chục nhà hàng Việt Nam mà nhà hàng nào cũng đông khách.
Theo anh: “Dù vẫn thích sống gần cộng đồng Việt mình, vì chúng ta là người Việt, nhưng làm ăn kinh doanh, thì không thể chỉ nhắm vào khách hàng là người Việt được.”
Và những người trẻ tuổi trong cộng đồng này cũng đang theo hướng suy nghĩ tương tự chủ nhà hàng trẻ tuổi này.
“Thế hệ thứ hai đang tiến xa hơn và suy nghĩ rất khác thế hệ cha mẹ mình.” Ông Nguyễn Đông nhận xét.
“Tôi có bốn đứa con, nhưng không cháu nào làm ăn ở khu vực này cả, tất cả đều bung ra, tìm hướng đi mới vì cách thức làm ăn của thế hệ thứ nhất đã không còn phù hợp.”


Rất nhiều vườn ra như thế này phía sau mỗi căn nhà của người Việt ở làng Versailles.
Còn theo ông Trần Cao Toàn, người Việt mình ở thế hệ thứ hai đa số có học vấn cao, hầu hết đều qua đại học, và những người có bằng kỹ sư, bác sĩ, hay dược sĩ thì hầu như nhà nào cũng có.

Những người trẻ của thế hệ đã và đang bước đi rất xa, rất tự tin để bước vào dòng chủ lưu của đời sống của người Mỹ. Nhưng như lời của Linh Mục Dominic Nguyễn Văn Nghiêm, cái “gốc” của họ là ở đây, “cho dù không về sống trong cộng đồng, tấm lòng họ sẽ hướng về đây, như hướng về cái nôi đầu tiên của ông bà, cha mẹ họ, mà tôi cảm nhận được trong mỗi thánh lễ ở nhà thờ vào cuối tuần ở giáo xứ này!”

Đã hứa với Momo là tôi sẽ về thăm bà sau chuyến đi chơi Canada và miền Đông nước Mỹ, nên sau khi ghé thăm gia đình cậu Tường ở New York được mấy ngày là tôi và Thảo lại xếp quần áo vào vali lên đường đi New Orleans. 
Chuyến bay từ Newark đi New Orleans đông không thể tưởng.  Hành khách lũ lượt kéo lên phi cơ những cái vali xách tay nặng chịch, căng cứng, để chật hết những hộc chứa hành lý làm những người lên sau phải khó khăn lắm mới tìm ra chỗ trống.  Lỗi này là cũng từ những hãng máy bay thôi, vì từ sau khi họ tăng thêm tiền phụ phí ký gởi hành lý thì hành khách đã chuyển đổi sang vác theo những cái “xách tay” nhỏ nặng chỉ thua những cái vali bình thường một chút.  
Đang ngồi ngáp ngủ trong ghế chờ giờ máy bay cất cánh thì tôi bỗng nghe có tiếng cãi cọ ở phía sau.  Ngoái lại nhìn tôi thấy một người hành khách đang đôi co với một anh chàng tiếp viên hàng không vì anh ta đã ngăn cản không cho ông xào xáo đồ đạc của người khác để tìm chỗ nhét cái carry on trên hộc để hành lý ngay trên hàng ghế ngồi của ông.  Tôi và những người khách ngồi gần đó im lặng theo dõi tình hình đang đến hồi quyết liệt vì chẳng ai chịu nhường ai.  Chúng tôi e ngại không biết chuyện gì sẽ xảy ra.  Cách đây không lâu tin tức đã loan tải chuyện một anh chàng tiếp viên của hãng hàng không Jet Blue cãi vã với khách hàng rồi trượt ra ngoài phi cơ theo máng thoát hiểm.  Không chừng hôm nay Continental Airlines sẽ có thêm một hiện tượng “Steven Slater” khác xảy ra trên chuyến bay này?!  Nhưng sau cùng thì mọi việc trở lại êm dịu lúc anh chàng tiếp viên đó bỏ đi khi ông khách nhượng bộ quay xuống để hành lý ở một hộc trống khác cách đó vài ba hàng ghế. 
Chúng tôi đến sân bay New Orleans vào lúc 1:35 chiều.  Cơn gió nóng hừng hực của New Orleans đón chào chúng tôi khi vừa rời khỏi máy bay.  Phi trường New Orleans vẫn cũ kỹ như ngày xưa, không có gì thay đổi.  Chuyến xe bus nhỏ của hãng Budget đón chúng tôi từ phi trường về văn phòng mướn xe cách đó chỉ vài ba miles.  Lấy xe xong, về khách sạn tắm rửa là tôi nằm lăn quay ra ngủ vì cả đêm qua tôi đã không ngủ được trọn giấc.  Đến khoảng 3:35 chiều thì Thảo nhận được điện thoại của chị Thuần, một người bạn Thụ Nhân*, báo tin là chị và anh Thịnh, chồng chị, đang trên đường đến khách sạn để đón chúng tôi qua nhà anh chị chơi rồi đi ăn cơm tối.
Vì có nhìn qua hình trên diễn đàn nên chúng tôi nhận ra nhau ngay.  Chị Thuần cũng thật hết lòng, chưa hề biết chúng tôi bao giờ, chỉ “chit chat” với Thảo nhau qua những mẩu emailtrong diễn đàn TNIC*, vừa nghe Thảo báo tin sẽ đến New Orleans và muốn gặp bạn Thụ Nhân là chị đã gửi ngay email mời chúng tôi đến tạm trú tại nhà.  Nhưng vì đã đặt phòng từ trước và hơn nữa muốn ở gần căn nhà cũ của Momo để tiện việc gặp gỡ Momo và đi thăm viếng trung tâm French Quarter nên chúng tôi đành phải hẹn chị một dịp sau. 

Chúng tôi theo anh chị đến quán Kim Sư ở bên Gretna, gần khu vực anh chị ở, ăn cơm tối.  Nhà hàng này nấu ngon không thua gì những nhà hàng Hoa Việt ở California.   N

hờ cháu gái của chị Thuần, một “chuyên viên ăn cua”, nên chúng tôi đã được thưởng thức một món cua New Orleans rang muối thật ngon ngọt.
Sáng hôm sau, anh chị Thuần Thịnh đến đón chúng tôi từ sớm để đi dạo French Quarter, ghé Café Du Monde (Quán Cà Phê Của Thế Giới) uống café, ăn bánh beignet.  Quán cà phê này là một quán hàng nổi tiếng nằm trên đường Decatur, từ lâu đã được biết đến với món cafe au lait (cà phê sữa), và bánh beignet, một món bánh tiêu của Pháp. Chị Thuần nói quán café Du Monde mở thường trực 24 giờ (trừ Giáng Sinh), và có 3 ca, sáng, chiều, tối để phục vụ khách hàng.  Tiếp đãi viên Việt Nam cũng chiếm một số khá đông trong quán café này. 

Mới tảng sáng mà quán café này đông quá sức là đông, người ngồi, đứng la liệt từ phía trong quán ra đến tận những bồn hoa xây bằng gạch ngoài sân. Quán Café Du Monde có một lối bán hàng rất là đặc biệt, những người tiếp đãi viên phải luôn có sẵn tiền, khi khách đặt mua hàng xong rồi là người tiếp đãi viên sẽ đi vào trong bếp mua hàng, trả tiền cho thâu ngân viên, đem ra ngoài mới thâu lại tiền (và tips) của khách.

Chắc anh chị Thuần Thịnh là khách quen của quán hàng này nên vừa bước vào là đã nghe tiếng người gọi chào ơi ới. Chúng tôi được chị Hạnh, người quen lâu năm của chị Thuần, và cũng là đồng hương ĐL của Thảo, dẫn vào một bàn trống ở khu vực chị coi sóc.  Chị bảo để chị đãi chúng tôi ăn sáng, vì mỗi tháng, tiệm vẫn cho nhân viên một số “bonus” bánh, café để đãi bạn bè?  Buổi sáng trời man mát, ngồi uống cafe sữa nóng của Cafe Du Monde ngon thật, nhưng tôi không “cảm” được cái món bánh beignet này vì nó có vẻ hơi nặng nề, lại còn được bao phủ một lớp đường bột bên ngoài ngọt đứ đừ. 
Ăn uống xong anh chị Thuần Thịnh hướng dẫn chúng tôi đi một vòng French Quarter, thăm viếng French Market buổi sáng, nhìn những cửa hàng ở trong khu vực này vừa bắt đầu chưng dọn hàng hóa.  Khu chợ này không có gì hấp dẫn, hàng hóa được bày bán luộm thuộm như lối bán hàng ở khu chợ trời, và giá cả thì cũng… ngang trời.  Rời khu French Market chúng tôi đi dọc theo bờ sông dạo mát.  Nước triều đang xuống thấp, nên có nhiều người đã đi bộ băng qua cồn cát… nhúng nước, rửa chân.  Chúng tôi đi vòng qua phía bến tàu, chụp hình những con tàu chạy bằng hơi nước chở khách đi dạo trên sông Mississippi, chụp hình đài kỷ niệm di dân Ý Đại Lợi rồi còn nhanh chóng trở về vì đã có hẹn đi ăn với Momo trưa nay.  Chúng tôi hẹn với anh chị Thịnh Thuần là buổi tối sẽ trở lại nhà anh chị để cùng nhau đi ăn cơm phần có canh chua, cá kho tộ ở tiệm Hoa Hồng 9.
Trong lúc chờ đợi Momo và Jackie từ Folsom qua, tôi đi lang thang trong sảnh đường khách sạn nhìn ngắm những cái bích chương quảng cáo cho những mục ăn chơi của New Orleans gắn ở trên tường.  Nhìn cái tướng lớ ngớ của tôi, một cô tiếp viên ngồi ở ngay quầy biết ngay tôi là dân mới tới thăm viếng thành phố này lần đầu tiên.  Cô bỏ quầy tiếp tân ra hỏi xem tôi có cần cô giúp đỡ gì cho những ngày thăm viếng New Orleans của tôi không.  Tôi nói không, vì tôi chỉ có vài ngày ở tại thành phố này chỉ đủ để thăm bà con, bạn bè.  Cô đưa cho tôi vài quyển TravelHost của New Orleans để đọc qua cho biết.  Trước khi trở lại quầy làm việc cô còn cố gắng giới thiệu:
-  Bà nên tham dự tour đi thăm viếng nghĩa trang, vì chỉ ở New Orleans mới có cái mục “ngoạn cảnh” đặc biệt này, và nơi thu hút đông đảo khách đến viếng thăm nhất là nghĩa trang St. Louis #1.  Nếu bà cần lấy vé trước, tôi sẽ giúp bà. 
Tôi nói cảm ơn cô rồi cầm mấy quyển sách về ghế ngồi.  Vừa mở qua vài trang đầu của một quyển TravelHost tôi đã thấy bài giới thiệu về thành phố ma quái, về tour đi thăm viếng “Nhà Ma”.  Quyển khác nói về huyền thoại của ngôi mộ bà hoàng phù thủy Marie Laveau, và những cái tour đưa du khách đi ngoạn cảnh ở những nghĩa trang nổi tiếng của New Orleans, một “thắng cảnh đặc biệt” mà chỉ ở New Orleans mới có. 
New Orleans, cũng như tất cả những thành phố khác trên thế giới đều có những danh lam thắng cảnh để du khách thăm viếng.  Trước khi đi New Orleans, tôi đã vào internet để đọc qua những lời giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, những thức ăn đặc thù, những mục ăn chơi của thành phố này xem tôi có thể thăm viếng những nơi nào với mấy ngày ngắn ngủi.  Nhưng nhìn cái danh sách thì tôi biết là mình không thích hợp với nhiều chương trình đề nghị của cái mục “things to do in New Orleans”, chẳng hạn như tour thăm viếng nghĩa trang, du ngoạn đầm cá sấu, steam boat ngắm cảnh, nghe nhạc Jazz, sòng bài…
Tôi thì không cảm được cái âm thanh “não nuột” của nhạc Jazz, và tôi cũng không mấy hăng hái với cái chuyện ngồi thu lu trên những chiếc xuồng sắt nho nhỏ, len vào đầm lầy lau sậy để ngắm những chú cá sấu đen đủi hung tợn, nên hai cái món “to do” này bị loại đầu tiên. 
Đôn, con tôi, đã đi ngắm cảnh trên steam boat trong lần đi New Orleans hồi tháng 3 để sửa nhà cửa cho người bị bão Katrina về nói chuyện steam boat đi dọc trên giòng sông Mississippi chẳng có gì đặc biệt, thuyền chỉ chạy ven bờ một quãng rồi trở lui, và tôi cũng không cần mầy mò thăm thử những món ngon của vùng đất phương Nam, vì những món ăn Cajun ở “Cressent City Restaurant” gần nơi tôi ở có vẻ còn đặc sắc hơn những món Cajun ở vùng đất phát xuất ra nó.  
New Orleans cũng có vài sòng bài, nhưng theo lời những người bạn đã thăm viếng New Orleans về cho biết thì những sòng bài ở thành phố này rất ồn ào, và nuốt tiền ừng ực, muốn “nhặt” được một ít tiền còm thì khách du lịch nên đi qua mạn Mississippi, về vùng Biloxi, cách New Orleans khoảng gần 2 giờ lái xe, vừa tìm kiếm vận may và cũng có thể dạo chơi với biển xanh cát trắng…
Nhưng mục đích chính của tôi là về New Orleans để gặp lại Momo, viếng thăm làng Versailles và để Thảo có dịp gặp bạn Thụ Nhân nên tôi cũng không hăng hái lắm với chuyện lái xe đi vãn cảnh phương xa và thử thách vận rủi may. 
Còn chuyện đi thăm viếng ngoạn cảnh “chỉ có ở New Orleans” này thì chắc không bao giờ tôi dám ghi danh.  Tôi vốn bổn mạng cầm tinh con... “thỏ đế”, và vì vẫn quan niệm âm dương là… hai phương trời cách biệt, nên mấy cái tour du ngoạn thăm viếng nghĩa trang này không hấp dẫn được tôi. 
Tuy nhiên, vì tò mò, tôi cũng tìm hiểu về những cái tour “đặc biệt” này.  Theo tài liệu tôi đã đọc qua thì New Orleans là một vùng đất có nhiều kỳ quan nghĩa địa nổi, những thành phố của người chết (Cities of the Dead).  Có khoảng 42 nghĩa trang trong vùng đất New Orleans.  Những ngôi mộ ở nơi này được xây dựng trên mặt đất với lối kiến trúc sắc sảo, nghệ thuật trang trí đặc biệt khác hẳn với lối kiến trúc của các ngôi mộ bình thường.  Nhiều ngôi mộ được xây cất với hình thể của những căn nhà nho nhỏ.  Những “căn nhà” này được xây cạnh nhau theo hàng, theo lối, cũng có vỉa hè và cây cối ở phía trước, chung quanh, giống như những căn nhà bình thường trên một con đường trong thành phố. 

Sở dĩ, người dân New Orleans phải xây mộ trên mặt đất vì New Orleans là một vùng đất đầm lầy, có mực nước ngầm cao.  Chỉ cần đào vài nhát cuốc thôi là đã thấy vũng đất đầy nước, nên quan tài sẽ nổi lềnh bềnh nếu được chôn trong lòng đất.  Trước đó nhiều năm, người ta đã nghĩ đến việc đặt đá nặng trên quan tài để giữ chúng dưới lòng đất, nhưng chỉ cần một vài trận mưa lớn thôi là mực nước tăng lên, và quan tài sẽ trồi lên khỏi mặt đất.  Hồi bão lụt Katrina, đã có nhiều quan tài đã bị nước đẩy ra khỏi lòng những “căn nhà” của chúng và trôi lềnh bềnh khắp nơi. 
Nếu du khách mới đến viếng thăm New Orleans lần đầu tiên, thì sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những biểu ngữ “Save Our Cemeteries” nhan nhản trên những góc đường thành phố.  Không phải là chính phủ đang đe dọa dời bỏ những cái nghĩa trang trong thành phố nên dân chúng ở đây phản đối, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người đâu mà đó chỉ là lời kêu gọi của một cơ sở bất vụ lợi, đang quảng cáo cho chương trình du ngoạn thăm viếng các nghĩa trang.  Những chương trình này đều có người hướng dẫn (những người này tình nguyện làm việc không lương), để giới thiệu với khách du lịch những cảnh quan đẹp đẽ của nghĩa trang. Lợi nhuận thu được từ những chương trình du ngoạn này đều dành vào việc trùng tu và bảo quản những ngôi mộ cổ.  Tour thăm viếng nghĩa trang là một trong những tour “ăn khách” ở New Orleans và hai tour được nhiều người biết đến là tour đi viếng nghĩa trang St. Louis số 1, và nghĩa trang Lafayette số 1.
Sở dĩ nghĩa trang St. Louis số 1 được nhiều người đến thăm viếng nhất vì đây là một nghĩa trang lâu đời nhất tại thành phố và vẫn đang được sử dụng. Nghĩa trang St Louis số 1 nằm rất gần French Quarter và khu vực Downtown, được xây dựng năm 1789 và là nơi an nghỉ của các nhân vật nổi tiếng như Paul Morphy, Homer Plessy, Ernest Morial (thị trưởng da đen đầu tiên của New Orleans) và nữ hoàng ma thuật Marie Laveau v.v…
Trong những ngôi mộ của những nhân vật nổi tiếng được chôn cất ở nghĩa trang St. Louis số 1 thì ngôi mộ của nữ hoàng ma thuật Marie Laveau được nhiều người đến viếng nhờ những huyền thoại thêu dệt về sự linh hiển của nữ hoàng ma thuật này được truyền tụng trong nhân gian.   Người ta đã đồn đãi là nếu đem lễ vật, hoa đèn tới cúng kiến, cầu khẩn thì sẽ được bà ban phước lành, nhưng nếu ai mà đến mộ bà phá phách trêu chọc thì chỉ rước lấy những hậu quả thảm khốc.   Có người đã quả quyết là từng bị hồn ma của bà tát tai chỉ vì ông đã buông lời chê bai tại phần mộ của bà.
Theo một câu chuyện khác thì có một người lỡ đường, không đủ tiền ở trong nhà trọ đã quyết định ngủ qua đêm trong nghĩa trang.  Ông thu mình trong một ngôi mộ nhỏ gần ngôi mộ của nữ hoàng phù thủy.  Nửa đêm ông bị đánh thức bởi những âm thanh lạ.  Đi gần đến ngôi mộ của nữ hoàng Marie Laveau ông nhìn thấy một đám đông mang hình tượng ma quái đang nhảy múa điên cuồng, và chính giữa đám đông đó là một người phụ nữ khỏa thân tỏa ngời với ánh sáng quái dị, và kinh khiếp hơn nữa là thân hình của bà được quấn tròn trong một con rắn cũng đang ngoe ngoảy theo điệu múa.  Không cần phải nói thì người khách lỡ đường này đã chạy bán sống bán chết ra khỏi khu vực ma quái đó.
Một huyền thoại khác đã nói về ngôi mộ này là chuyện “Bàn Tay Ma” đã bắt lại những người đã cố tình đến trêu đùa trước hầm mộ bà hoàng phủ thủy.  Theo câu chuyện này thì có ba người đàn ông trẻ tuổi đã chè chén say sưa trong khu phố Pháp, rồi trong lúc “trà dư tửu hậu”, họ nói về chuyện về bàn tay ma trong hầm mộ của bà hoàng phù thủy Marie Laveau, rồi đánh cá với nhau xem ai có can đảm ngủ một đêm bên hầm mộ của bà.  Một người trong bọn đã hăng hái chấp nhận cuộc thử thách này để lấy $30 tiền đánh cá.  Sáng hôm sau không thấy bạn của mình trở lại hai người bạn đã đi tìm, và họ đã tìm thấy bạn của mình nằm chết trên mặt đất. Người ta đồn rằng người trẻ tuổi này đã trèo vào ngôi mộ và bị nữ hoàng bắt lại.  Không ai biết anh ta có nhìn thấy bàn tay ma quái hay không, nhưng theo sự giảo nghiệm của bác sĩ thì nạn nhân đã chết vì sợ hãi đến đứng tim.
Nghĩa trang Lafayette số 1 là nghĩa trang được nhiều người viếng thăm sau nghĩa trang St. Louis số 1.  Nghĩa trang Lafayette được mở cửa vào năm 1833 và là một trong những nghĩa trang được chụp ảnh và quay phim nhiều nhất ở New Orleans.  Một trong những cảnh trong phim “Phỏng Vấn Ma Cà Rồng” đã được quay tại đây.  Nghĩa trang Lafayette số 1 nằm trong Garden District và là nơi yên nghỉ của các vị tướng trong liên minh và của thống đốc Louisiana, người đã nắm quyền trong suốt cuộc nội chiến.
Nhưng theo lời cảnh cáo của TravelHost thì nếu muốn đi “tham quan” tour đặc biệt này chúng ta không nên đi một mình vì các con đường nhỏ hẹp và những bức tường thành cao lớn của “Cities of the Dead” cũng là nơi chốn ẩn nấp của những bọn cướp.  Đã có rất nhiều du khách bị trấn lột khi đang lang thang tìm hiểu khung cảnh “ngoạn mục” này.   TravelHost đề nghị là du khách nên họp bạn bè, người quen lại thành từng nhóm để cùng nhau đi dạo, nhưng tốt nhất là hãy ghi danh vào chương trình tour của “Save Our Cemeteries”.
Buổi chiều, sau khi chia tay với Momo và Jackie rồi tôi và Thảo lái xe đi một vòng thành phố.  Chúng tôi đi dọc theo con đường chính chạy thắng ra bờ hồ Ponchartrain.  Tôi không biết hình ảnh trước kia của cái hồ nổi tiếng này ra sao, chứ nhìn hình ảnh xơ xác của bây giờ trông thảm não lắm.  Rời hồ Ponchartrain, chúng tôi đi ngược về City Park, một công viên cũng khá nổi tiếng của thành phố New Orleans, nơi có những khung cảnh hoang dã tự nhiên, với những chú chim, chú cò thơ thẩn dạo vòng quanh bờ hồ, có cây lá rủ bên cầu.   Trong lúc Thảo thong thả chụp hình thì tôi thảnh thơi ngồi đu đưa bên cạnh chiếc cầu đá bắc ngang hồ nước ngắm cảnh. 
Ngày hôm sau là thứ Sáu, Thảo và tôi đi đến khách sạn nơi Tùng, vợ chồng Kim Tâm và Thăng đang tạm trú để đón Kim Tâm đi chơi với chúng tôi.  Tùng, Thăng và Kim Tâm cũng là dân Thụ Nhân. Kim Tâm học cùng phân khoa CTXH với Thảo, sau Thảo một khóa, còn Thăng và Tùng học bên CTKD. Ngoài tình bạn Thụ Nhân với Thảo, Tùng còn là "bạn ảo" của tôi trong diễn đàn TR, tôi biết Tùng qua những tấm hình người nghệ sĩ kéo đàn trên vỉa hè ở khu phố Pháp., đường phố, chợ phiên New Orleans mà anh đã post lên diễn đàn.
Trước ngày đi New Orleans, tôi có email cho Tùng hỏi thăm về những khách sạn có thể tạm trú ở thành phố này thì Tùng đã nhanh chóng gửi cho tôi tin tức, hình ảnh và tận tình chỉ bảo nơi nào nên ở. Tùng còn gửi cho tôi một danh sách có đầy đủ địa chỉ của những tiệm ăn ngon trong vùng.   Tùng hẹn sẽ dẫn Thảo và tôi đi thưởng thức món ngon, món lạ của miền đất phương Nam.  Tùng còn giới thiệu cho chúng tôi hai người bạn mới, Thăng và Kim Tâm, cũng ở cùng một tiểu bang Calif với tôi.
Khi chúng tôi tới khách sạn, Tùng, Thăng đã đi làm, hẹn chiều nay sẽ gặp tôi và Thảo cùng đi ăn tối. Chúng tôi và Kim Tâm chạy qua bên Westbank ăn sáng ở phở Hòa.  Khi tới nơi, nhìn thấy con đường quen quen, Thảo chợt nhận ra là tiệm phở này ở trên đường đi tới nhà anh chị Thuần Thịnh, nên anh gọi phone mời hai anh chị đến ăn luôn.  Thảo giới thiệu Kim Tâm với chị Thuần, và không quên nói cho chị biết là còn có thêm hai người bạn Thụ Nhân nữa đang đi làm ở gần bên Westbank.  Chị Thuần nghe nói chiều nay chúng tôi sẽ về Metairie để đi ăn cua ở Mandarin House Seafood Buffet nên đề nghị tất cả tới nhà chị chơi, để chị có cơ hội kết thân thêm bạn Thụ Nhân mới.  Nếu chúng tôi đồng ý thì chị sẽ gọi vào sở xin phép nghỉ ở nhà đi chợ, nấu ăn, và sẽ đãi món cua Louisiana tôi thích. 

Chả lẽ chúng tôi lại phụ lòng tốt của bạn Thụ Nhân.  Kim Tâm gọi cho Thăng và Tùng, báo tin thay đổi chương trình buổi tối.  Thế là chúng tôi và anh chị Thuần Thịnh chia tay sau khi ăn xong bữa sáng.  Kim Tâm sẽ hướng dẫn chúng tôi đi ngắm cảnh một vòng thành phố.  Còn anh chị Thuần Thịnh thì trở về nhà sửa soạn làm cơm 

đãi khách.
Rời Westbank chúng tôi trở lại New Orleans, đi băng qua hồ Pontchartrain, tới thành phố Mandeville xem cảnh đẹp bên phía Bắc bờ hồ.  Những căn nhà bên bờ hồ đã được tu bổ đẹp đẽ, và đã được cất lại theo lối nhà sàn với những cái cột trụ bằng gạch cao có thể hơn 8 feet, vuông vức, chắc chắn.
Thảo cho xe chạy vòng quanh những con đường nhỏ chung quanh Mandeville,  để ngắm nghía và chụp hình những cái nhà sàn thành phố này, rồi không hiểu loanh quanh thế nào mà Thảo chạy lạc vào một khu dân cư vắng lặng, toàn là nhà trệt, nhưng lo tớn, khang trang.  Khu dân cư này có một khoảng đất rộng ngay bên ngoài vùng nhà cửa, như một công viên nhỏ, với những đám cây sồi cổ thụ kết đầy Spanish moss, một loại chùm gởi lông lá rũ dài như những đám tóc ma trơi.  Hình như loại cây sồi cổ với Spanish moss là một đặc điểm của miền đất phương Nam này, nhất là ở New Orleans, một vùng đất mang nhiều tính cách ma quái.
Cho tới giờ này thì truyền thuyết về loại Spanish moss đong đưa trên những cây sồi vẫn còn được nhiều người nhắc đến.  Một trong những truyền thuyết về loài cây chùm gởi này là chuyện của người lính Tây Ban Nha và cô gái người Da Đỏ.  Theo truyền thuyết thì người lính Tây Ban Nha này đã yêu say đắm người con gái cưng của viên tù trưởng một bộ lạc Da Đỏ.  Mặc dù bị cha nàng ngăn cấm nhưng hai người vẫn tiếp tục bí mật hẹn hò với nhau.  Khi tìm thấy họ, viên tù trưởng đã ra lệnh cho treo người lính này lên tận ngọn của một cây sồi cổ và chỉ cho anh một con đường sống nếu anh bằng lòng rời bỏ người yêu.  Người lính Tây Ban Nha này thà chết chứ không bao giờ từ bỏ tình yêu của mình dành cho cô gái.  Sau khi anh chết, bộrâu của anh vẫn tiếp tục mọc dài và quấn quít từ cành nọ sang cành kia, và lan dần qua những gốc cây sồi khác nữa như muốn chứng tỏ tình yêu mạnh mẽ của anh không có gì hủy diệt được.  Người con gái của viên tù trưởng đã thề rằng nàng chỉ bằng lòng lấy chồng khi những cánh rong rêu tình yêu này biến mất trên những cành cây sồi vì nàng tin rằng lúc đó thì tình yêu của người lính Tây Ban Nha đã thật sự không còn tồn tại nữa…
Nhưng tôi thì lại thích cái huyền thoại bím tóc của nàng công chúa hơn là bộ râu tình yêu của người lính Tây Ban Nha vì câu chuyện bím tóc này có vẻ thơ mộng hơn.  Theo cái truyền thuyết này thì ngày xưa có một nàng công chúa và một dũng sĩ sống hạnh phúc với nhau bên cạnh một giòng sông, nhưng không được bao lâu thì nàng công chúa bị bịnh rồi mất.  Sau khi nàng công chúa qua đời, chàng dũng sĩ đem chôn nàng gần bên gốc một cây sồi cổ.  Chàng đau buồn treo bím tóc đen dài của vợ trên các cành cây để đánh dấu nơi nàng yên nghỉ.  Theo thời gian, những sợi tóc chuyển sang màu xám và gió đã cuốn những sợi tóc này lan từ cành nọ sang cành kia, như muốn để chia sẻ với chàng dũng sĩ nỗi đau buồn và cùng chàng khóc than, thương tiếc người bạc mệnh...

Rời khuôn viên đám sồi già ma quái, chúng tôi chạy theo con đường làng 190, băng qua thành phố Slidell là nơi Kim Tâm đã đến làm việc một lần.  Dọc theo 

hai bên đường vẫn còn những căn nhà đổ nát bỏ hoang, khác hẳn với khu vực Mandeville cách nó không xa.  Chúng tôi chạy vòng xuống xa lộ số 10, băng ngang hồ Pontchartrain bằng một con cầu ngắn để trở về lại New Orleans.  Rồi chúng tôi rời khỏi xa lộ, chạy dọc theo con đường Michoud dẫn qua đại lộ Chef Menteur, tìm đến thăm làng Versailles, nơi có cộng đồng người Việt đang sinh sống.  Tuy chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 13 dặm nhưng khu vực miền Đông New Orleans này vẫn còn nhiều cảnh hoang tàn đổ nát.  Tôi cảm thấy hơi rờn rợn khi Thảo cho xe chạy trên con đường Michoud vắng tanh, cỏ dại mọc cao tới nóc xe, lan tràn ra tận đến bờ đường.  Đi gần hết con đường, gần ra đến đại lộ Chef Menteur, chúng tôi mới thấy bóng dáng nhà cửa, và đường xá trên khúc đường này có vẻ sạch sẽ hơn. 

Thảo cho xe chạy vào con đường Dwyer, nơi có nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam. 

 Hình như, con đường này là con đường chính dẫn vào khu làng Versailles.  Chúng tôi chạy vòng quanh những con đường dân cư nho nhỏ, mang những cái tên Việt Nam: Vanchu, Tudo, MyViet, Kim, Saigon... xen lẫn với những cái tên Willowbrook, Grand Bayou, Alcee Fortier, Pettier... bản xứ để ngắm nghía nhà cửa trong khuôn viên làng Versailles.  Nhà của người Việt mình ở Versailles rất bề thế, rộng rãi, vườn cây rau trái mọc ê hề.  Rải rác trên những con đường vòng quanh khu làng Versailles tôi thấy có nhiều cơ sở thương mại của người Việt, nào là tiệm ăn, tiệp tạp hóa, tiệm hớt tóc, trung tâm y tế Versailles, có cả tiệm Bida, và tiệm vàng...
Chúng tôi cũng đi ngang qua sân chợ chồm hổm trên đường Peltier để biết trước nơi họp chợ, lỡ ngày mai có muốn đi thăm thú thì cũng biết chỗ, biết nơi để khỏi phải lụp chụp.  Nhìn qua hình ảnh phóng sự trên mạng tôi thấy nơi họp chợ có vẻ rộng rãi, nhưng trên thực tế thì đây chỉ là một khoảnh đất nhỏ, chỗ đậu xe, trước cửa một ngôi chợ VN.  Theo lời những người đã đi thăm viếng chợ chồm hổm này kể lại thì mỗi sáng thứ Bẩy, tại khoảnh đất nhỏ này có phiên chợ nhóm họp từ 6 giờ sáng, để bà con trong làng Versailles đem hàng hóa ra bầy bán cho nhau.  Chợ ở nơi đây không có sạp hàng, mọi thứ đều được bày ra trên mặt đất, trên tấm bạt bằng ni lông hay bằng giấy.  Hàng hóa chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, rau trái trồng ở chung quanh nhà,hay tôm cá từ những gia đình có tàu đi biển và những thứ hàng “garage sale” khác.  Người mua, kẻ bán, đứng ngồi trao đổi hàng hóa tiền bạc giống y chang như các chợ chồm hổm nghèo nàn thường thấy ở quê mình.  Xem ra chẳng lời lỗ bao nhiêu nhưng cốt yếu để cho người mình có dịp nhau gỡ nhau, đàm đạo hàn huyên...   
Rời sân chợ chồm hổm, chúng tôi đi thêm một quãng đường ngắn nữa là tới tiệm Đông Phương Food To Go.  Chúng tôi chỉ ghé lại để mua bánh paté chaud, bánh bao với nước uống rồi lên đường đi tiếp.  Sở dĩ chúng tôi phải gấp rút như thế vì Kim Tâm còn muốn dẫn đường cho chúng tôi đi ngang Garden District, chỗ mà cô nàng bảo là khu vực của nhà giàu ở New Orleans, với những tòa nhà to tướng, lộng lẫy.  Chiều thứ Sáu, nên kẹt xe kinh khủng nên Thảo chỉ lái xe chạy loanh quanh một vài vòng Garden District theo những chuyến xe trolleys lên xuống trên con đường St. Charles, nhìn ngắm những tòa nhà to tướng.  Thảo gấp rút chụp hình một căn nhà màu trắng đang treo bảng bán, có những cái cột trắng với lối kiến trúc cổ La Mã thật đẹp, nói đùa sẽ trở lại mua sau, rồi chúng tôi đưa Kim Tâm trở về khách sạn để nghỉ ngơi một chút trước khi sửa soạn đi sang nhà anh chị Thịnh Thuần. 

Thêm một lần nữa chúng tôi vượt cầu con cò đi qua nhà chị Thuần, lần này nhờ kẹt xe nên tôi có thể chụp rõ ràng hình con cò sơn trắng ở ngay đầu cầu.  Khi tôi và Thảo tới nhà anh chị Thịnh Thuần thì Tâm và Thăng đã có mặt ở đó rồi.  Chị Thuần đang sửa soạn chảo điện ngoài phòng ăn, chị xin lỗi là đã không mua được cua tươi ngày hôm nay, nên phải làm món chả cá Thăng Long thay thế.  Mọi người ngồi vào chỗ rồi mà vẫn không thấy bóng dáng Tùng đâu.  Sợ Tùng đi lạc vì con đường vào nhà chị Thuần có hơi rắc rối, lại phải qua cổng an toàn nên Thăng gọi cho Tùng.  Sau khi tắt máy Thăng nói Tùng không đến được, vì trưa hôm nay Tùng đi ăn tiệc gây quĩ ở sở, không biết đã ăn phải món gì mà anh bị Tào Tháo rượt từ chiều tới giờ. Tùng đã uống thuốc, định nghỉ ngơi một chút rồi sẽ đến nhưng mệt quá nên đành chịu.  Anh đang tìm điện thoại chị Thuần để gọi cáo lỗi thì nhận được điện thoại của Thăng.  

Ăn uống xong, ở chơi với anh chị Thuần Thịnh tới 10 giờ chúng tôi cáo từ để đi dạo French Quarter vào buổi tối, xem khung cảnh nhộn nhịp của nơi này. Đậu xe ở trước cửa quán Café Du Monde rồi chúng tôi nhanh chóng theo chân dòng người đông đảo đi trẩy hội từ con đường này sang con đường khác.  Người đông đến nỗi làm cho tôi có cảm tưởng là tất cả người trong thành phố New Orleans đều túa ra tụ họp ở nơi đây.  Tiếng cười đùa huyên náo vang dậy khắp nơi, nhất là ở con đường Bourbon.  Chưa đến mùa Halloween nhưng những hình ảnh ma quái đã xuất hiện đầy dẫy trên khung kính những tiệm ăn, tiệm rượu của French Quarter.  Thảo và

 Thăng hồ hởi ngắm nghía và chụp hình những khung cảnh “đặc biệt” của thành phố về đêm, chụp ảnh những cô gái đi dự hội đêm ở French Quarter, với những bộ quần áo bikini hai mảnh rất là “mát mẻ” như đang... dạo chơi trên biển.  Họ đứng dọc theo lan can trên lầu của những tiệm rượu hò hét, thẩy vòng, chuỗi, dây đeo cổ xuống cho khách bộ hành. Trong những hình ảnh “đặc biệt” Thảo chụp đó tôi thấy có hình một “tượng” người thật, sơn bạc từ cổ  tới chân,  đứng giữa phố, đưa một ngón tay... lên trời.  Tuy không mấy thích tấm hình này vì có vẻ hơi “xâm phạm thuần phong mỹ tục” nhưng tôi phải phục là anh chàng hóa trang thành tượng bạc này thật kiên nhẫn, vì anh có thể đứng từ giờ này qua giờ khác không nhúc nhích. 
Đi vòng vòng một hồi tôi thấy chóng mặt nên rủ mọi người rẽ những con đường bên cạnh, về phía Jackson Square.  Chỉ cách có một khoảng ngắn thôi mà khu vực này khác xa vùng Bourbon ánh sáng.  Jackson Square vắng lặng hơn, có vẻ tối tăm hơn với những ngọn đèn đường mờ ảo và ánh đèn leo lét của những sạp hàng nhỏ bên vỉa hè bán những mặt hàng “thuộc về thế giới huyền bí ”.  Tôi không biết là những người bán hàng này có được bao nhiêu người khách mỗi đêm, vì thỉnh thoảng tôi mới thấy được một quán hàng có người xà xuống xem bói bài hay mua mấy sợi dây “bùa?” đeo cổ, đeo tay.  
Qua hết vùng Jackson Square, chúng tôi lại trở về ngay trước cửa Café Du Monde.  Lúc này chắc chân cẳng của mọi người cũng đã rã rời nên chúng tôi đồng ý là vào trong quán nghỉ ngơi, uống café, ăn bánh Beignet, ngồi ngắm người đi qua đi lại.  Quán Café Du Monde mang tiếng mở cửa 24 giờ nhưng giờ này cũng không có nhiều người, vì phần đông mọi người đã tụ tập sang phía đường Bourbon để uống rượu vui chơi hết rồi.  Những bộ bàn ghế bên trong đã được xếp lại gọn ghẽ, chỉ còn độ hơn chục cái bàn trống ở gần phía mặt đường.  Bánh Beignet ban ngày còn khá, nhưng hình như giờ này thợ buồn ngủ nên không được chiên tới lửa, ăn có vẻ dở sống dở chín.  Chừng ra về, ghé lại chụp hình cái menu gắn trên tường tôi mới thấy tiếc là đã không biết trước để mua café đựng trong mug có logo của tiệm, đem về làm kỷ niệm. 

Sáng thứ Bẩy chúng tôi trở về Cali.  Vì tối hôm qua đi chơi ở French Quarter tới hai giờ sáng nên chúng tôi ngủ dậy muộn, không kịp đi viếng chợ chồm hổm, chúng tôi chỉ có đủ thì giờ thu dọn, trả phòng, trả xe rồi lên xe bus ra phi trường.  Thôi đành hẹn New Orleans và chợ chồm hổm ở làng Versailles một chuyến thăm viếng khác.  
chiếc Acura bóng lộn đời mới nhất đỗ xịch ở ven đường. Một ông già từ trong xe khệ nệ bưng thùng giấy đựng mấy bó  rau bỏ xuống. Cạnh đó, mấy bà già cũng tất bật lôi từ xe hơi của mình những trái mướp, quả bầu, mớ chanh, ớt, đậu bắp... để bày biện. Mỗi sáng chủ nhật, phiên chợ chồm hỗm ở Houston của người Việt lại được bắt đầu như thế ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.
image
image
Nếu chỉ xem ảnh mà không có chú thích, không lời kể, hẳn không thể tin nổi phiên chợ chồm hỗm ở Houston ven đường này là ở Mỹ! Chợ chồm hỗm ở Houston nay đã được 15 tuổi
image
Ông “tôm” 59 tuổi (bìa trái) ngày thường vẫn đi làm hãng. Chủ nhật ông cùng vợ ra chợ chồm hỗm ở Houston bán tôm. Vừa để gặp gỡ cộng đồng người Việt vừa kiếm thêm tiền chợ khi mỗi buổi bán trung bình 30kg tôm
image
Tại sao người ta chọn con đường này làm nơi họp chợ chồm hỗm ở Houston cho đỡ nhớ quê? Đơn giản bởi phía bên kia đường là nhà thờ mang kiến trúc đặc thù Việt Nam
image
image
 Bà “hẹ” sau khi dọn hàng đã băng qua bên kia đường để đi lễ nhà thờ. Chuyện bán buôn tạm giao cho “cục cưng“ Chihuahua với tấm bảng trên cổ ghi “Hẹ 2 bó 1 đồng”. Bên cạnh, bà “hẹ” còn cẩn thận ghi thêm một tấm bảng “Hẹ 2 bó 1 đồng/hẹ rất tốt cho cơ thể/Xin mua giùm/Xin bỏ tiền vào hộp/Xin cảm ơn quý vị!”
image
Chợ chồm hỗm ở Houston thu hút được cả anh chàng Mỹ da màu này vì hàng vừa rẻ, vừa tiện
image
Dọn hàng từ tờ mờ sáng bằng xe Acura đời mới
image
Kẻ mua người bán khá nhộn nhịp 
image
Mua bán là chuyện nhỏ. Điều quan trọng hơn khi đến với chợ chồm hỗm ở Houston là được trò chuyện, tâm sự với nhau chuyện gia đình bằng tiếng mẹ đẻ
Ở Mỹ, “chợ Việt” rất nhiều, từ các cửa hàng nhỏ đến những siêu thị bán đủ loại “đặc sản” Việt Nam. Nhưng một cái chợ chồm hỗm ở Houston ngay lề đường bán mớ rau, con cá có lẽ rất hiếm. Đến đây mọi người như trở về với cái “chợ lề đường” ở Việt Nam. Vẫn những cái ghế đòn nhỏ, những chiếc nón lá, áo bà ba, lại nghe được tiếng kỳ kèo trả giá của người mua, người bán...
“Ở Mỹ này, mập mạp gì mấy đồng bạc con ơi. Trả giá chút xíu chỉ để nhớ lại thời còn ở VIệt Nam thôi mà”- bà Trần Thị Vinh, khách hàng thường xuyên của chợ chồm hỗm ở Houston, nói.
Đó là cái chợ mà mỗi sáng chủ nhật con cháu lại chở cha mẹ  đến cùng với mớ rau, con cá để bán, trưa lại ghé qua chở về. Người nào nhà gần thì sáng sớm lại túc tắc đẩy xe ra. Hầu hết hàng ở chợ đều là “cây nhà lá vườn”, đặc sản Việt Nam như bầu, bí, mướp, khổ qua, rau muống, rau lang, rau đay, dấp cá…Mỗi bó 1 USD, mua 10 bó tặng một.
Bà Khanh Nguyễn, nhà cách chợ gần 20km, vui vẻ nói: “Một bó rau trong siêu thị bán một đồng ba mươi chín xu (1,39 USD), ở đây bán một đồng (1 USD). Vừa tiện, vừa rẻ. Nhưng thích nhất là tha hồ nói tiếng Việt, nghe đủ thứ giọng quê mình: Huế, Quảng, Nam, Bắc, hệt như mình đang ở cái chợ chồm hổm ngày xưa ở Việt Nam”.
image
Đó là cái chợ mà người bán đều được gọi bằng tên mặt hàng mình bán: ông “rau đay”, bà “hẹ”, vợ chồng ông “tôm”, bà “bột lọc”… Ông “rau đay” bữa nào kẹt về sớm thì gửi hết mớ rau sang cho bà “rau thơm” bán hộ. Bà “bột lọc” cũng kiêm luôn bán rau, nhưng thỉnh thoảng lại mang bánh ra mời “đối thủ cạnh tranh” của mình… Còn bà “hẹ” có kiểu bán rất tài tử. Mỗi sáng chủ nhật bày hàng ra đó rồi đi nhà thờ. Canh hàng có con chó “chi oa oa” cổ đeo cái bảng nhỏ: “Hẹ 2 bó 1 đồng”. Người mua cứ việc lấy bao nhiêu bó, rồi tự động bỏ tiền vào cái lon nhỏ để cạnh. Chẳng khi nào mất.
Bà “hẹ” khoe: “Tôi bán ở đây được ba năm, để dành được 4.000 đô rồi đấy. Tiền bán tôi để riêng, lúc nào được 10.000 lại mang về Việt Nam giúp đỡ bà con ở quê”.
Đó là cái chợ người bán, người mua kỳ kèo, trả giá “ác liệt” thế đấy nhưng gặp khách quen cũ, người bán cũng ới ới tặng vài bó mang về ăn cho vui. Người mua có người trả trước tiền cả tháng. Cứ mỗi sáng chủ nhật, sau khi đi lễ nhà thờ lại lấy vài bó rau, trái mướp mang về. Đó là cái chợ mà bà già “rau thơm” 78 tuổi lụm cụm thối tiền cho khách, lẫn lộn lung tung, thế là khách phải ngồi xuống tính tiền, thậm chí bán hàng giùm bà già luôn.
Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như “chơi” nhưng ai cũng hăm hở, náo nức. Dường như mỗi người đi chợ đang “bán”, đang “mua” cho mình một nỗi nhớ quê nhà vời vợi.
Chỉ tiếc mỗi nỗi vào dịp Tết Nguyên đán là bên này lạnh thấu xương, cây cối đều “ngủ đông” nên cũng chẳng có rau, ớt... để họp chợ. Chứ không thì cái chợ xép này lại càng thêm xôm tụ cho những người xa quê thỏa tấm lòng nhớ tết.
NGUYỄN TẬP
Chợ chồm hỗm ở Houston
image
image
image
image
image
image
image
image




Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen