Sonntag, 11. Januar 2015

Khai Sáng

3. Tinh thần khai sáng là phản biện
Loài người có mấy giai đoạn cắt đứt quá khứ? Không có gì đau khổ bằng việc cắt đứt với quá khứ và cũng không có gì hạnh phúc bằng vượt qua được quá khứ. Trước khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng ta lướt qua khái niệm “khai sáng”.

Có nhiều tranh cãi xung quanh chữ “khai sáng”. Trong tiếng Việt chữ này không được chuẩn về mặt ngữ pháp vì nó là sự kết hợp rất “ngang xương” giữa một yếu tố Hán (“khai”) và một yếu tố thuần Việt (“sáng”). Trong khi đó, phương pháp tạo lập từ Hán Việt thường là phải kết hợp 2 yếu tố Hán với nhau, chẳng hạn không thể nói “nữ nhà văn” mà phải nói “nữ văn sĩ”, không nói “nữ nhà báo” mà phải nói “nữ kí giả”… Chữ dùng chuẩn nhất, chính xác nhất phải là “Khai minh”, ngay cả trong các từ điển của Trung Quốc người ta cũng dùng từ này để chuyển dịch từ “enlightenment”.

Nhưng thói quen, chúng ta sử dụng “Khai sáng” nhiều hơn. Vậy “khai sáng” là gì? Xét về mặt cấu trúc Hán Việt, khai sáng ngay bản thân nó là ánh sáng. Gốc gác từ thời cổ Hy Lạp, họ hình dung trí tuệ như ánh sáng, ánh sáng của thượng đế, ánh sáng của lý lẽ. Sự xuất hiện của nữ thần trí tuệ và con chim cú tượng trưng cho điều đó. Nghĩa thông thường phải có ánh sáng tự nhiên, soi sáng những gì mình không thấy rõ, mở mang kiến thức để hiểu rõ vấn đề. Nhưng nghĩa muốn bàn ở đây lại khác.

Thế kỷ 14 có nhà thơ người Ý tên Francesco Petrarch (1304-1374), được coi là 1 trong 3 đại thụ của thế kỷ 13-14 ở nước Ý (trong đó có nhà thơ Dante). Francesco Petrarch là người đầu tiên nổi giận với quá khứ, ông cho rằng toàn bộ thời kỳ trung cổ châu Âu (từ cuối thời kỳ cổ đại Hy La, thế kỷ thứ 4, thứ 5 cho tới thế kỷ 13) là thời kỳ đen tối, lạc hậu và ông dùng từ “đêm dài trung cổ” chỉ thời kỳ này của văn minh châu Âu. Nhận định này là một sự nổi loạn, chống lại hình ảnh “người cha tinh thần” của mình, 10 thế kỷ trôi qua mù mịt, lạc hậu đưa con người vào sự ngu muội, tối tăm. Tất nhiên, nhận định này cũng hơi oan ức vì nếu nghiên cứu kỹ thời kỳ này thì không đến nỗi như vậy. Thời kỳ này có nhiều phát kiến hay lắm, ít ra trong thế giới học thuật thì cũng tự do ghê lắm và cũng có nhiều phát kiến mới mẻ về tri thức ghê lắm chứ không hoàn toàn là bức tranh xám xịt như Petrarch nói. Chẳng qua do phải tỏ thái độ phẫn nộ như vậy với quá khứ và gần như phủ định sạch trơn như vậy với quá khứ thì mới có dũng khí để đi tới cái mới. Chính vì thế Petrarch với thuật ngữ “thời kỳ đen tối” đã mở đường cho thời kỳ Phục hưng của văn minh châu Âu thế kỷ 15, 16.

Chữ ánh sáng đối ngược với bóng tối, muốn ra khỏi bóng tối thì phải tìm đến ánh sáng. Nhưng tìm ở đâu bây giờ? Cái mới thì chưa có, nền công nghiệp hiện đại chưa có mà chỉ mới manh nha mà thôi. Thế kỷ 14, 15 mới chỉ manh nha chế độ tư bản, manh nha khoa học tự nhiên, nhưng chưa có gì vững chắc của tương lai để theo bám. Cho nên, muốn ra khỏi bóng tối thì phải trở về với nguồn cội ban đầu mà họ nghĩ là sáng sủa, văn minh. Và Phục hưng chính là thời kỳ trở lại, về nguồn với Hy Lạp, La Mã. Chính văn minh Hy Lạp, La Mã cổ đại là nguồn ánh sáng bất diệt có thể khắc phục được bóng tối của trung cổ. Động cơ đầu tiên để ra đời chữ khai sáng là trở về nguồn cội.

Thế kỷ 16, người ta vẫn tin như vậy, muốn vượt ra khỏi bóng tối của trung cổ, của lạc hậu là phải trở về nguồn cội, cũng như phương Đông là phải trở về thời hoàng kim của Nghiêu Thuấn. Nhưng tại sao lại là Hy Lạp, La Mã cổ đại? Nó có cái lý của nó! Hồi đó thành phố nổi tiếng của văn minh Ả Rập là Constantinople năm 1463 bị đế chế Ottoman chiếm đoạt. Bao nhiêu học giả, nhà tư tưởng lớn của Ả Rập phải tị nạn sang Ý. Hành trang của họ là những tác phẩm, những công trình của các nhà tư tưởng Hy Lạp, La Mã cổ đại mà phương Tây bấy giờ tưởng là thất truyền. Bấy giờ rất nhiều thông tin mới mẻ, đặc biệt là những diễn văn, những tác phẩm thi ca của các nhà hùng biện Hy Lạp, La Mã được các học giả Ả Rập mang sang đã mở ra chân trời cho giới nghiên cứu lúc bấy giờ. Họ mới vở lẽ té ra thời kỳ cổ đại nó rực rỡ như thế và họ lao vào nghiên cứu, hình thành nên quan niệm mới mẻ về con người, quan điểm mới mẻ về thiên nhiên, quan điểm mới mẻ về xã hội, nó gợi huấn cho cả một thời kỳ, gọi là thời kỳ Phục hưng.

Chuyển sang thế kỷ 17, lại một ngoặt, lại một bước trưởng thành mới. Bấy giờ, những nhà tư tưởng phương Tây cho rằng, có nhất thiết trở về Hy Lạp, La Mã mới tìm ra ánh sáng? Tại sao thời đại của chúng ta không tự đứng vững trên đôi chân của mình mà phải vay mượn thời hoàng kim Nghiêu Thuấn ở đâu đâu? Chúng ta, hãy đứng vững trên đôi chân của mình vì bấy giờ mình có đủ điều kiện thật sự xây dựng một nền văn hóa mới hoàn toàn. Đó là niềm tự tin ghê gớm của người dân Âu châu và Bắc Mỹ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Và đó chính là nguyên nhân ra đời của phong trào khai sáng ở phương Tây. Và thế kỷ 17, 18 được gọi là “Thế kỷ của ánh sáng” – ánh sáng do chính họ thắp lên chứ không vay mượn như thời Phục hưng nữa. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là cuộc khai sáng này nó tự quy định chính nó, nó tự khẳng định chính nó. Chữ “Tự khẳng định” là chữ tiêu biểu cho giai đoạn này. Chữ này nó ghê gớm lắm chứ không hề đơn giản, nó phải là một cơn đại tỉnh thức, không cần vay mượn quá khứ nữa mà đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình, tự vạch con đường đi, tự vạch quy định mới, giá trị mới. Đó là cốt lõi của phong trào khai minh phương Tây. Phong trào này có đặc điểm như sau:
Thứ nhất là viện dẫn hay nương tựa vào lý trí chính mình, như Kant nói lý trí là cơ quan thẩm quyền phổ quát để xác định đúng sai, không dựa vào quyền uy kinh thánh hay bậc giáo phụ, vua chúa mà chính đầu óc con người là nguồn ánh sáng tự nhiên, nó là cơ quan tối hậu có thẩm quyền để xác định đúng sai.

Thứ hai là muốn vậy thì con người không chỉ hiểu chính mình mà còn hiểu xung quanh, bởi ánh sáng là ánh sáng phổ quát. Ánh sáng là ngọn đèn để đọc sách do chính mình viết ra. Thậm chí, toàn bộ giới tự nhiên cũng là một cuốn sách, là văn bản, nếu anh là nhà tín ngưỡng thì nó là do thượng đế sáng tạo nên, còn nếu anh không tín ngưỡng thì giới tự nhiên là cuốn sách vĩ đại, là văn bản có nhiều bí mật thì cần phải đọc, vì thế mới ra đời khoa học tự nhiên. Từ đó, con người mới nhận ra rằng tất cả đều là văn bản, cần phải giải mã, cần phải đọc cho nên có sự khao khát hiểu biết, sự dũng cảm vô lượng trong sự tìm tòi, không có gì không mang ra tìm tòi, khám phá. Khi Galileo dùng kính viễn học nhìn lên bầu trời cũng là lúc ông đang đọc văn bản, xem thử văn bản của vũ trụ viết cái gì…

Thứ ba là vấn đề tôn giáo tín ngưỡng. Chúng ta đừng quên rằng châu Âu thời bấy giờ vẫn còn rất nặng nề, phức tạp về tôn giáo. Tôn giáo là nơi duy trì văn minh, văn hóa, xã hội đồng thời cũng gây ra nhiều ách tắc trong tư tưởng. Thế là bắt đầu có phong trào cải cách tôn giáo ở châu Âu, một cuộc xáo trộn ghê gớm. Vấn đề tôn giáo là vũ khí tinh thần của thời đại, và thái độ của khai sáng là đạt tới độ khoan dung tôn giáo. Bao lâu anh vẫn giáo điều, vẫn tin vào một chuyện không cho người khác tin cái khác thì không thể gọi là khai minh. Đặc điểm của khai sáng bên cạnh lý trí và khoa học tự nhiên là khoan dung tôn giáo.

Thứ tư, quan hệ giữa người và người bấy lâu nay là căn cứ vào ý chí của bậc quân vương, luật pháp do hoàng đế ban ra. Bây giờ thì không! Luật pháp là phải dựa vào luật tự nhiên, những gì luật tự nhiên có thì áp dụng vào cuộc sống con người, gọi là “pháp quyền tự nhiên”. Nghĩa là luật pháp có chỗ dựa khách quan mà không còn dựa vào ý chí tùy tiện của ông vua. Cho nên, trong luân lý và trong pháp lý dựa vào pháp quyền tự nhiên, đó cũng là một biến đổi ghê gớm. Tất cả những quan niệm hôm nay về nhà nước pháp quyền là dựa vào thành tựu này của thế kỷ 17 ở châu Âu, thay cho luật pháp tùy tiện của vua chúa bằng luật tự nhiên.
Thứ năm, về mặt xã hội, đời sống từng cá thể thì chủ trương thực sự khai phóng để con người có quyền tự do hành động theo ý của mình. Lần đầu tiên “tự do hành động” trở thành khái niệm của thời đại. Ngày nay với chúng ta thì khái niệm này nó thường quá còn ngày xưa thì vô cùng mới mẻ vì trước đó hành động cái gì cũng phải trong khuôn khổ của thần quyền, pháp quyền bỗng nhiên được giải phóng hoàn toàn.
Thứ sáu, về giáo dục thì sao? Hoàn toàn là một nền giáo dục mới mẻ, một quan niệm sư phạm hoàn toàn mới đó là quan niệm tự do tư tưởng, từ đó mới có thể xây dựng được thế hệ học giả hoàn toàn mới mà như Kant nói là “ngòi bút là thần linh của pháp quyền” và tính công khai. Muốn vậy phải có tự do báo chí và ngôn luận! Không có tự do báo chí và tự do ngôn luận thì đừng có nói nền giáo dục mới, đừng có nói tới tính công khai. Đây cũng là thời kỳ đầu tiên mà báo chí tự do ra đời. Đi kèm với tự do báo chí và tự do ngôn luận sẽ là bảo đảm các dân quyền và nhân quyền thể hiện qua cách mạng Pháp và nhất là cách mạng Mỹ. Phải thừa nhận nhân quyền và dân quyền là phổ quát chứ không phải là dân quyền và nhân quyền hạn hẹp trong chế độ mà nó có giá trị tự thân phải được thừa nhận khắp nơi vì tất cả đều là con người, chứ không phân biệt người Pháp, người Mỹ, người Đức… Mà đã là con người nói chung thì đều được sống theo luật tự nhiên và hưởng những nhân quyền, dân quyền phổ quát. Tư tương này hoàn toàn mới mẻ và là cơ sở hình thành nhà nước hiện đại. Quan niệm về nhà nước hiện đại là sản phẩm của thời đại khai minh này, nó thay đổi hoàn toàn tính và chất chức năng của nhà nước. Thay vì tính chất là “thiên định” (trời quy định) thì nay là do dân bầu lên; thay vì chức năng là cai trị thì chức năng là phục vụ cho cộng đồng, là lợi ích chung, phúc lợi xã hội… Nếu không có phong trào khai sáng, có lẽ, chúng ta còn sống trong chế độ thế quyền rất kinh hoàng.

Tính chất chung của thời kỳ khai sáng này là lạc quan về tương lai, lạc quan về lịch sử, lạc quan về năng lực của con người… tóm lại là lạc quan về sự tiến bộ vô tận của nhân loại. Có thể còn hạn chế này, hạn chế kia nhưng đó chỉ là nhất thời thôi rồi ta sẽ vượt qua và đi lên. Bao trùm 2 thế kỷ này (17, 18) là một niềm lạc quan, hào hứng hướng về tương lai của loài người. Họ tin vào những vấn đề của con người dù khó khăn đến mấy cũng sẽ dần dần được giải quyết. Những văn bản của tự nhiên khó đến mấy, bí hiểm đến mấy dần dần sẽ được giải mã qua con đường khoa học.

Bắt đầu từ năm 1750, chính những nhà đại khai sáng của châu Âu đã nhìn lại mình, vì họ có tinh thần khai sáng nên không bị ràng buộc, không bị tinh thần lạc quan quyến rũ đến chỗ mê muội… Họ phát hiện ra điều A, khẳng định điều A nhưng cũng chính họ sẵn sàng xét lại điều A. Khai sáng hay ở chỗ là mở ra cái mới nhưng cũng phê phán ngay cái mới đó… Lịch sử của khai sáng gắn liền với lịch sử phê phán khai sáng, đây là hiện tượng độc nhất vô nhị của lịch sử nhân loại. Ngay từ năm 1750 là cao điểm của phong trào khai sáng, ông Voltaire, ông Diderot đã bắt đầu viết những luận văn có tính chất châm biếm, mỉa mai, đả kích về sự nhố nhăng của thời đại mới.

Đến thế kỷ 18, ở Đức có phong trào văn hóa, gọi là phong trào bão táp xung kích của những thế hệ trí thức trẻ. Họ thấy rằng ngày xưa, con người sống trong thế giới thần quyền tăm tối mệt mỏi, bây giờ tự do, xả láng đến lạnh lùng, mọi việc đều mang ra phân tích, mổ xẻ, trong khi tình người phai nhạt, không còn tình cảm, không còn những rung động, không còn những xúc cảm cao thượng, không còn những mối tình vĩ đại… Phong trào này đã mở ra cao trào lãng mạn, thực chất cũng là phản ứng lại với khai sáng nhưng theo mặt tích cực. Có thể nói, phong trào lãng mạn là con đẻ của khai sáng, muốn cân đối cuộc sống bằng việc ca ngợi đời sống tình cảm, đời sống tâm tư, các mặt khác nhau, các kích thước khác nhau của con người. Hay nói cách khác, phong trào khai sáng đã đi vào bước trưởng thành hơn, nó phải toàn diện chứ không là đơn điệu.

Nói chung, tinh thần khai sáng ở thế kỷ 17, 18 khẳng định niềm tin vào sức mạnh của công luận phê phán. Những gì đưa ra công luận để rồi công luận có chức năng phê phán thì nhất định nó sẽ thúc đẩy sự phát triển. Và tất yếu, một nền văn hóa không đưa ra công luận phê phán thì nhất định sẽ rơi vào trì trệ và thoái hóa, đó là niềm tin chắc nịch.
Khai sáng còn phát triển suốt cuối thế kỷ 18. Thế kỷ 19, 20 ở phương Tây vừa thụ hưởng thành quả của khai sáng đồng thời vừa lãnh nhận những hậu quả của một lối khai sáng phiến diện nào đó. Cho nên, nói khai sáng không chỉ là một bài tụng ca đơn giản mà là phê phán mặt này mặt kia. Ông Ardono nêu ra một khái niệm rất mới, rất thú vị sâu sắc, ông gọi làphép biện chứng của khai sáng. Bản thân của tính khai sáng nó cũng lắt léo và biện chứng, tức là nói vậy mà không phải vậy, có mặt khẳng định và phủ định. Khai sáng là quá trình đầy mâu thuẫn nghịch lý chứ không phải là đại lộ thênh thang hớn hở của thế hệ ban đầu, mà được thế hệ sau trầm tĩnh hơn xem xét lại. 

Vấn đề đặt ra là sau 2 thế kỷ đó của phương Tây, có rất nhiều khu vực trên thế giới nhận thấy rằng ở xứ mình, ở khu vực mình chưa trải qua giai đoạn khai sáng. Giống như một bệnh nhân chưa đến giai đoạn kịch phát, chưa chủng ngừa, chưa được thử thách, chưa có cơn đại tỉnh thức thì làm sao mà trưởng thành được. Cho nên phải làm lại. Nghĩa là có nhiều xã hội cần phải được làm lại giai đoạn này mà không thể nào bỏ qua.

Xét tổng thể, không thể phát triển nếu không trải qua một giai đoạn như vậy, hay kiểu nào đó. Từ nhận thức này, khai sáng hay khai minh xét về mặt phong trào, nó có tính lịch sử nhất định, nó là sản phẩm của hai thế kỷ thậm chí nhiều người tranh cãi về mộc thời gian. Có người cho rằng, khai sáng kéo dài 3 thế kỷ, từ 1500-1800, nhưng có ý kiến khác định rằng từ 1680 – 1830. Hay cũng có người bảo rằng thời kỳ đỉnh cao của khai sáng nó chừng 30 năm, rất ngắn, từ 1750 tới 1780. Chúng ta thì có thể tạm thống nhất là khai sáng diễn ra trong 2 thế kỷ 17 và 18.
Khai sáng chưa xảy ra ở phương Đông trong khi đó ở phương Tây thực ra đã chứng kiến không chỉ 1 lần khai sáng. Đó không phải là may mắn ngẫu nhiên mà là nét đặc trưng. Có ít nhất là 3 đợt khai sáng ở phương Tây, nếu không muốn nói là 4 lần.

Khai sáng đầu tiên của phương Tây là thời kỳ cổ đại Hy Lạp, sau khi Socrates tranh luận với các phái biện sĩ về việc chuyển quan tâm từ vũ trụ về con người, đó là bước ngoặt tỉnh thức. Nhưng đối thủ cừ khôi của ông cho rằng, con người trở thành trung tâm nhưng con người là cái gì. Trong một thế giới mà con người đầy rẫy mê muội, tín ngưỡng như thế thì ông đối thủ này bảo rằng con người là thước đo của vạn vật, không ai giống ai, không có gì là phổ quát. Nghĩa là một sự thức tỉnh, đánh đổ niềm tin của cả thời đại, ta gọi khai minh đó là khai minh Hy lạp.
Lần thứ hai có thể kể đến là thời kỳ của Galileo, là thời kỳ người ta dùng kính viễn vọng nhìn lên bầu trời mới thấy rằng, hóa ra trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ, nó méo xẹo, chẳng có thần linh nào mà chỉ có đất với đá. Nhiều nhà thần học đã dứt khoát từ chối không nhìn vào kính viễn vọng đó.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn gượng dậy ở thế kỷ 17, 18 và giai đoạn thứ tư là thời đại hiện nay của chúng ta. Sở dĩ nói thời đại của chúng ta có thể là một giai đoạn nữa của khai sáng là vì chúng ta nhận thấy rằng tất cả những niềm tin quá khứ kể cả niềm tin thời khai sáng này cũng có nhiều mặt cần xét lại chứ không chấp nhận lạc quan đơn giản như vậy. Đó là quan niệm phê phán hiện nay đối với phong trào khai sáng. Nghĩa là, anh phải làm, phải đại tỉnh thức nhưng tỉnh rồi sẽ có lúc mệt và ngủ quên. Trái lại phải giật mình hơn nữa cái thức tỉnh của mình, chứ không ngủ yên. Đó là diễn trình bất tận của khai sáng khai minh, nó không chỉ là cao trào hay là sự kiện lịch sử mà là một diễn trình.

4. Khai sáng, trưởng thành là đào tạo cử tri
Xin mượn lời của nữ triết gia Hannah Arendt để tạm khép lại vấn đề “khai sáng” và “trưởng thành” rằng: thế kỷ 20, 21, 22 nói cho cùng là thế kỷ phải chuẩn bị cho con người làm chủ vận mệnh bằng lá phiếu của mình. Cá nhân mỗi người thì không cùng nhưng cái chúng ta làm giống nhau, làm chung được và công khai được, kiểm tra được chính là lá phiếu của mình. Xã hội hiện đại và trong tương lai là xã hội phải đào tạo được những người bỏ phiếu trưởng thành, vì mỗi lá phiếu xây dựng nền dân chủ trong tương lai nó quyết định vận mệnh của cả cộng đồng. Bỏ phiếu tầm bậy, bỏ phiếu liều lĩnh, bỏ phiếu trong sự ngu dại thì nhất định đưa xã hội dù có tốt đẹp đến mấy cũng rơi vào chỗ trì trệ và phá hoại.
Cho nên, thực chất của khai sáng, thực chất trưởng thành là chuẩn bị đào tạo được những cử tri trưởng thành, vì họ là người quyết định vận mệnh của khai sáng – xã hội – nhân loại. Trở về vấn đề gần gũi là bao lâu chưa có được cử tri đúng nghĩa, những cử tri cầm phiếu của mình một cách có ý thức thì đừng nói tới khai minh hay khai sáng gì cả.
Những tư tưởng này đã được nhà tư tưởng Anh John Stuart Mill bàn tới cách đây mấy thế kỷ: Bây giờ cái gì cần hơn cái gì? Phổ thông đầu phiếu hay phổ thông giáo dục? Ông bảo rằng: “Với nước Anh nghèo nàn lạc hậu lúc bấy giờ, với lực lượng lao động dốt nát thế này, muốn có phổ thông đầu phiếu thì trước hết là có phổ thông giáo dục cái đã”.

Nói như cụ Phan Châu Trinh: Khai dân trí đi đã, rồi mới chấn dân khí và hậu dân sinh. Đương nhiên, nước Anh đã làm theo lời khuyên đó và ngày hôm nay cử tri Anh không chỉ là cử tri tầm thường, họ cầm lá phiếu trên tay và chúng ta phải thừa nhận mức độ trưởng thành của họ.
Tóm lại, nói rông dài, cả một lịch sử phức tạp, không thể tóm gọn trong thời gian ngắn được, chi muốn gắm gửi thông điệp của Hannah Arendt, một nữ triết gia, một chiến sĩ hàng đầu về mặt trận tự do dân chủ nhân quyền lẽ phải, khai phóng của thế kỷ 20, đó là lời kêu gọi: Tất cả hãy chuẩn bị để xây dựng cho được những người cử tri trưởng thành, họ sẽ quyết định vận mệnh của họ, của xã hội cũng như của nhân loại./.

Một trong những tên tuổi được ngưỡng mộ nhiều nhất tại châu Âu khai sáng thế kỷ XVIII là Voltaire (1694-1778). Một số điểm cần chú ý của tư tưởng triết học Voltaire: 1/ Hoài nghi và châm biếm là vũ khí Voltaire sử dụng trong đấu tranh chống thần quyền và trật tự xã hội hiện hành; 2/ Tư tưởng có giá trị lịch sử, xã hội: - nhà nước hình thành từ bạo lực và bằng bạo lực, - động lực cơ bản của con người trong  mọi hình thức cai trị là nhu cầu và quyền lợi, trong đó quyền tư hữu và tự vệ là những quyền hàng đầu, - con người làm ra lịch sử và điều khiển nó hướng tới mục đích mà mình mong muốn; 3/ Tuyên ngôn của  Voltaire : tự do – bình đẳng – sở hữu. Nền cộng hòa là sự đảm bảo tốt nhất ba nguyên tắc đó.

Trong  số các nhà Khai sáng Pháp J.J. Rousseau (1712-1778) là nhân vật cấp tiến nhất. Tư tưởng Rousseau chia làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu (từ những năm 40 đến  năm 1762) chủ nghĩa bi quan lịch sử đan xen với ý chí đấu tranh vì tự do và bình đẳng xã hội.

Chủ nghĩa bi quan thể hiện rõ nhất trong sự đối lập tiến bộ kỹ thuật, trình độ văn minh, với nguy cơ suy thoái đạo đức, sự thống trị của tính vị kỷ và trạng thái vô chính phủ. Thời kỳ tiếp theo được đánh dấu bằng tác phẩm bất hủ “Bàn về khế ước xã hội” (Du contrat social). Nó là điển hình của khuynh hướng cộng hòa cấp tiến và dân chủ trong sinh hoạt tinh thần tại Pháp ở đêm trước của cách mạng, mặc dù về hình thức Rousseau không tán thành dân chủ do những khuyết tật mà nó mắc phải trong lịch sử (13). Tác phẩm mở đầu bằng câu “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”. Nội dung các chương tiếp theo trình bày những đường nét cơ bản của “Khế ước xã hội”, đưa con người từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái công dân, quyền tự nhiên sang quyền được hợp pháp hóa, tự do tự nhiên sang tự do công dân, đảm bảo sự thống nhất lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã hội. Đấng chủ tế hay quyền lực tối cao, chính là nhân dân và thuộc về nhân dân. Nhân dân tự quyết định số phận số phận mình bằng “ý chí chung”, thông qua những đại diện ưu tú và hợp pháp.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen