Mittwoch, 19. März 2014

Nhìn lại vấn đề kỳ thị Nam Bắc

André Maurois – nhà văn Pháp (1885-1967), khi viết về những kinh nghiệm chiến tranh như cuốn Les silences du Colonel Bramble - có lần đã viết: “ Đôi khi người ta cần đọc lại một quá khứ, bởi vì người ta hằng mong muốn cái quá khứ ấy nó tốt đẹp hơn nữa ” .



Trong ý hướng đó, người viết bài này mong muốn mỗi một sự việc, một câu chuyện được viết ra trong bài này - dù tích cực hay tiêu cực, dù hay hay dở - dù đó là có công hay tội với lịch sử . Nó cũng đáng để cho người đời sau đọc để mà suy nghĩ , để làm bài học cho chính mình hoặc cho con cháu mình .

Bài viết này cũng như tất cả các bài viết khác trong tập sách sắp tới của tác giả này đều nhắm một mục đích khơi dậy quá khứ để mở ra tương lai .

Vì thế , đây là những bài viết không hẳn để phê phán, để định công luận tội mà như một nhìn lại . Ở đâu cũng vậy và ở thời nào cũng vậy , sự trung thực và sự can đảm dám nói lên vẫn là tiêu chí cho một người cầm bút .


1. Chế độ thực dân Pháp với chính sách Nam Kỳ tự trị

Thật ra , sự phân chia Nam-Bắc đã manh nha từ cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài gần ba thế kỷ rồi .

Cuộc nội chiến ấy có thể bắt đầu từ một “ khoanh vùng ” đất đai . Rồi từ đó để sở hữu cái gia tài của mình, bảo vệ những cái mình có được nên phải đụng đến binh đao. Nhưng để tìm một thứ chính nghĩa [raison d’être] về cho mình . Cả hai phía đều vận dụng những huyền thoại như luân lý , lịch sử , chính tà để biện minh cho những tham vọng của hai phía .

Sự khác biệt ấy đi đến thế đối đầu và được định vị bằng tên gọi là : Đàng Trong , Đàng Ngoài . Đằng ngoài là những người dân bản địa cố cựu . Đàng Trong là người dân vùng đất mới .

Vì thế , ngay từ khi chúa Nguyễn Hoàng còn sinh thời thì chữ Đàng Trong , Đàng Ngoài đã được dùng rồi . Thật vậy , C. Borri đã sống ở Đàng Trong từ năm 1618-1622 và đã soạn bản Tường Trình Về Đàng Trong và đã cho phát hành bằng tiếg Ý và tiếng Pháp vào năm 1631 . Riêng Alexandre De Rhodes , sau khi truyền giáo ở Đàng Ngoài ba năm 1627 - 1630 đã viết bản Tường Trình Về Đàng Ngoài hay Lịch Sử Đàng Ngoài rồi . Chế độ thực dân Pháp khởi đầu từ một số thương buôn đầy tham vọng đến từ những năm xa xôi 1625 , ( trong đó có cố đạo Alexandre De Rhodes ) . Những thương buôn này biết lợi dụng những cơ may của tình thế xã hội chính trị , áp đặt lên chính phủ Pháp . Và để bảo vệ quyền lợi kiều dân Pháp , chính phủ Pháp đã áp đặt trên đất Việt một chế độ thực dân và một chế độ tay sai bản xứ với sự có mặt lần đầu tiên của binh đội Pháp .

Nhưng sự có mặt ấy phải đợi đến năm 1858 mới thực sự thành hình .

Nghĩa là 60 năm sau ngày triều đình Nhà Nguyễn trị vị trên ngôi báu .

Sáu Mươi năm - một thời gian chưa đủ dài - để cho triều đình có cơ may chuẩn bị cho cuộc đối đầu mà cuối cùng không xong . Nhưng dù sao thì cũng có ít nhất Sáu mươi Hai cuộc nổi dậy cách này cách khác chống lại người Pháp mà phần lớn đều không xuất phát từ ý chí của triều đình Huế .

Chính sách của thực dân Pháp nhằm đồng hóa bằng cách đào luyện một số tinh hoa sẵn sàng chấp nhận vốn văn hóa Pháp cũng như vai trò phụ thuộc để điều hành xứ Nam Kỳ . Nếu vào những năm 1860 - 1867 cho đến năm 1905 , thành phần trí thức tinh hoa này còn tỏ ra ít ỏi . Nhưng theo tiến sĩ Milton E.Osbome , khảo sát trí thức miền Nam cho thấy chỉ bốn thập niên sau , nghĩa là vào khoảng năm 1940 , giai tầng trí thức này trở thành những phần tử đông đảo và then chốt trong xã hội Nam Kỳ . Họ được đào tạo đến nơi đến chốn , có chức năng chuyên môn cao thuộc đủ lãnh vực từ y tế , luật học, giáo dục , và các ngành nghề khác .

Các gia đình có quyền thế này có xu hướng tìm kiếm hướng giáo dục đào tạo tại Pháp từ đó có chức vụ và tạo được sự giàu sang, phú quý .

Đó là con đường vòng vo , học để có chức vụ cao , chức vụ cao sẽ đưa đến sự giàu sang .

Một khuôn mẫu xã hội như thế với thành phần trí thức bản xứ đặt quyền lợi mẫu quốc trên tình tự và quyền lợi quốc gia , dân tộc phù hợp và đáp ứng đúng với các tham vọng của người Pháp nhằm đạt được những mục tiêu chính trị của họ .

Những thành phần trí thức tinh hoa này có khoảng 133 nhân sĩ theo học bên ngoài thuộc địa Nam Kỳ , một số học ở Hà Nội và một số học ở Pháp , 37 người trong số họ làm ở phủ Toàn quyền , 5 người tại các xứ Bảo hộ Trung Kỳ - Bắc Kỳ, 14 người dạy học, 8 người trong ngành y khoa, 4 trong dịch vụ hay Pháp lý , 6 là kỹ sư hay nông học , 7 làm chánh tổng .

Trong số ấy , nổi tiếng và tiêu biểu nhất là kỹ nghệ gia Trương Văn Bền giàu có nhất trong thời ấy . Ông được coi như một kỹ nghệ gia , khởi sự bằng việc xây cất nhà máy lúa và nhà máy chế tạo dầu , nhà máy xà bông . Ông sở hữu 18.000 mẫu ruộng vào những năm 1918 .

Trong số những người giàu có về lúa gạo , người ta thống kê trong 14 tỉnh phía Nam có 244 người được biết là có từ 500 mẫu ruộng trở lên . Không hiểu có được bao nhiêu người giàu có ở xứ Bắc Kỳ đạt được con số 500 mẫu ?

Trở thành giàu có , có chức quyền gián tiếp trở thành như cánh tay nối dài của chủ nghĩa thực dân Pháp , phục vụ cho quyền lợi người Pháp là điều khó tránh khỏi .

Đó là cái căn cước tập thể của khối tinh hoa trí thức miền Nam thời Pháp thuộc .

Nhiều người không ngần ngại bày tỏ thái độ Tây hơn cả Tây . Ấy là chưa kể cái bệnh sính tiếng Tây hơn Tây . Theo giáo sư Lưu Trung Khảo , các sĩ quan Thủ Đức các khóa 3 - 4 được các sĩ quan huấn luyện viên mời tới nhà đều dùng tiếng Pháp để trò chuyện .

Trong khi đó, ở ngoài miền Bắc , các chương trình giáo dục đều đã dùng tiếng Việt với những lớp sư phạm đầu tiên với các tên tuổi sau này như Lê Xuân Khoa , Nguyễn Quý Bổng , Vũ Ngọc Khôi , Bùi Trọng Chương , Đình Xuân Thọ và Lưu Trung Khảo .

Giới tinh hoa “ trí thức bơ sữa “ này tham gia vào hoạt động chính trị tiêu biểu thời đó là Hội Đồng thuộc địa .

Họ tượng trưng cho những Nghị gật trước đây và “ dân biểu nhất trí ” bây giờ .

Và nếu có một sự phân biệt ngay cả đố kỵ và việc kỳ thị Nam Bắc thì phần lớn cũng bắt đầu từ các thành phần trí thức tinh hoa này mà ra .

Nhưng cần sự kỳ thị Nam Bắc này bắt nguồn từ một ý thức về quyền lợi vật chất nhiều hơn sự dị biệt về tiếng nói hay sự khác biệt địa phương .Thật khó có thể nói khác được . Sự kỳ thị ấy có thực và được biểu lộ dưới nhiều hình thức trong đối xử , trong ngôn từ và trong cách thức nhìn nhận .

Vấn đề cũng phải nhìn nhận một lần nữa sự phân biệt đối xử ấy mang đậm nét cá nhân , tính phe nhóm . Tuy nhiên cường độ áp lực phân biệt Nam Bắc tương đối thoáng và chưa bao giờ trở thành một khủng hoảng đưa đến sô sát , ngay cả thanh toán , chém giết .

Những thành phần theo Tây chẳng những có óc kỳ thị Nam Bắc mà còn cộng thêm sự kỳ thị giai cấp , giai cấp giàu nghèo , giai cấp thống trị và bị trị .

Đến có thể nói theo Tây thì không còn được coi là người Nam Kỳ chính hiệu nữa . Đó là những thứ “ tây quăng ” tự coi mình là người ngoại quốc kỳ thị với người “ dân Annam ” .

Vì thế , sự kỳ thị mang tính chất giả tạo của phái “ quý tộc ” và nhất thời . Bởi vì giả dụ Tây đi rồi , Nhật đến , Mỹ đến hay Tầu đến thì cái mục đích của họ vẫn là một , không thay đổi : họ sẽ trở thành Mỹ thành Nhật và thành Tầu dễ dàng miễn là phục vụ cho túi tiền của họ .

Cho nên , khi phê phán về thái độ kỳ thị Nam Bắc của thành phần này thì không có nghĩa vơ đũa cả nắm đến đa số dân chúng sống ở miệt vườn và miệt ruộng . Dân miệt vườn còn mang đầy nét đặc thù , cá tính miền Nam của những câu chuyện kiểu Hương rừng Cà Mâu của Sơn Nam .

Đó là những nét đẹp tâm hồn của dân miệt vườn mà 100 năm thuộc địa , người Tây thực dân đã không cách nào lấy đi được .

Phải chăng đó là cái hồn dân tộc có tác dụng làm thăng hoa cả hai miền đất nước ?

Dĩ chí , người dân miền Nam còn có thể tự hào và hãnh diện về một thứ văn minh miệt vườn , tự hào là dân chúng ở thôn quê đã có thể dung hợp nhau và chưa hề bao giờ có những thảm trạng đáng trách xảy ra sau cuộc di cư 1954-1955 .

Cứ nghĩ như thế cho thấy vấn đề phân biệt Nam - Bắc có phần thực và phần giả tạo đan chen vào nhau . Nói thực cũng đúng và nói không thực cũng đúng .

Trong Histoire du V.N de 1940 à 1952, ký giả Devillers nhìn nhận rằng có một số giới “ trí thức Nam Kỳ ” thuộc loại “ bơ sữa ” tin vào sức mạnh của người Pháp và chủ trương chính sách một xứ Nam Kỳ tự trị là điều tốt đẹp nhất cho tương lai xứ sở này . Và rằng bọn kháng chiến , trong đó có Việt Minh chỉ là bọn chết nhát . Chỉ cần nổ vài phát súng thì sẽ lập lại trật tự và chẳng cần thương thuyết với bọn đó làm gì .

Có vị lại còn bạo miệng hơn chủ trương xây dựng một “ vạn lý trường thành ” ở Trung Kỳ để phân định ranh giới Nam Bắc . Chính phủ Nguyễn Văn Thinh đại diện cho những " thành phần bơ sữa ” ra đời trong cái tình huống đó .

Câu chuyện cũ lịch sử nay nhắc lại cho thấy rằng vào cái thời đó Cédille cũng như đại tướng Lerclerc chia sẻ cái niềm lạc quan hão huyền ở trên và đã không ngần ngại tuyên bố : " Một tuần là tôi bình định xong Nam Kỳ , binh đội Viễn chinh tới đâu là quân đội kháng chiến chạy trốn hết " .

Say sưa với những lời ngọt ngào ấy , Cédille mới hùng cứ dinh Thống Đốc Nam Kỳ , bỏ rơi Thủ tướng Thinh phải lấy nhà riêng của mình làm dinh Thủ tướng .

Theo Hồi ký 1925 - 1964 của Nguyễn Kỳ Nam, phải có mặt tại Sài Gòn , và nhất là có mặt tại Hội đồng Tư vấn mới rõ Cédille Cộng Hòa Ủy viên Pháp tại Nam Kỳ - đối đãi với thủ tướng Thinh ra làm sao . Nay dầu có thuật lại cách nào đi nừa cũng không thể diễn tả đúng tình trạng giao thiệp giữa Cộng Hòa Ủy viên với một chính phủ mà họ gọi là tự trị . Họ làm như Cộng Hòa Ủy viên là Thống đốc Nam Kỳ , còn Thủ tướng Thinh là một chính phủ riêng của các chủ đồn điền Pháp để ra cho có hình thức vậy thôi .

Nhưng cái bọn “ trí thức bơ sữa ” ấy phỏng được bao nhiêu ? . Có đại diện cho quyền lợi nhân dân xứ Nam Kỳ bên cạnh những khuôn mặt trí thức miền Nam có tên tuổi như Tạ Thu Thâu, Phạm Ngọc Thạch , Hồ Hữu Tường , Hồ Văn Ngà ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh ( 10-1988 - 11-1946 ) sau đó trở thành con vật tế thần bị bỏ rơi bởi bọn Tây thuộc địa . Hội đồng cố vấn gồm Bazé và Béziat đã đổ tội cho thủ tướng Thinh là nguyên cớ cho sự rối loạn ở các tỉnh và yêu cầu thủ tướng phải cải tổ chính phủ vào kỳ hạn 15-11-1946 .

Cuối cùng thì thủ tướng Thinh cũng phải nói ra điều phải nói . Nhưng nói thật ra thì còn gì là danh dự của một chính phủ được gọi là tự trị ? . Đó là một chính phủ thực sự bù nhìn . Họ không có quyền gì " ráo trọi ” đến nỗi không có một công sở để làm Thủ tướng phủ .

Nghĩ lại sao nó giống cách dàn dựng ra Mặt trận giải phóng miền Nam thập niên 1960 đến thế .

Không quyền , không trụ sở , không có nhân viên thì làm sao điều hành với tư cách một thủ tướng ? . Ông đành cắn răng chịu đựng im lặng .

Và để trả lời cho cái tình thế bị phản bội này, ông lập chính phủ mới, nhưng đây là câu chuyện được ký giả Nam Đình ghi lại như sau:

" Lập chính phủ mới xong, tưởng đâu hôm nay, Hội đồng chánh phủ thảo luận Tuyên cáo và đặt để chương trình hoạt động chớ đâu ngờ "

Bác sĩ Thinh thở dài .

Không lẽ đi tìm các bộ trưởng khác nữa !

Các ông “ Bộ trưởng từ chối ” lần lần ra về giữa đêm tối. Bác sĩ Thinh lên lầu...Thủ tướng phu nhân - người Pháp - hiện ở Ba Lê . Tại tư thất không có vợ con . Bác sĩ Thinh sống với những người bạn tâm phúc .

Đêm nay bác sĩ Thinh thức khuya lắm .

Thấy vậy , người bạn thân của bác sĩ lên lầu khuyên ông :

- Đêm đã khuya quá rồi, thưa Thủ tướng . Ngày mai còn làm việc nữa .

Thủ tướng Thinh gật đầu. Và đóng cửa phòng lại .

Thường ngày , Thủ tướng dậy sớm lắm . Nay sao giờ này chưa dậy ?

Đôi ba người trong nhà ngờ vực , nhứt là mấy lời căn dặn vủa ông tòa Weil , nên hội ý mở cửa phòng Thủ tướng đặng đánh thức ông dậy .

Ai nấy đều sửng sốt : thì ra thủ tướng đã ra người thiên cổ , Ông dùng dây điện treo trên của sổ mà thắt cổ tự tử " .

Cái chết của Thủ tướng Thinh như một bài học cảnh cáo cho những kẻ làm tay sai cho Pháp , nhưng nó cũng đồng thời chấm dứt một giấc mơ Nam Kỳ tự trị của một số Tây thuộc địa và của một số nhỏ trí thức bơ sữa .

Thủ tướng Thinh vừa nằm xuống, Béziat - chủ tịch Hội đồng tư vấn “ chỉ định ” thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân. Ông này từ chối . Cuối cùng thì ông Lê Văn Hoạch giơ tay “ xin tình nguyện ” làm Thủ tướng . Hội đồng tư vấn biểu quyết với vừa đủ số thăm nên được đắc cử Ông Lê Văn Hoạch vội vàng tuyên bố: " Tôi đủ sức chịu đựng được. Các bạn đừng lo ” .

Viết về Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, có thêm một tiếng nói khác của dân Nam Kỳ chính hiệu ủng hộ giải pháp Nam Kỳ tự trị được mô tả lại trong cuốn Lớn lên với đất nước của tác giả Vy Thanh như sau :

" Ngoại tôi từ Châu Đốc xuống thăm con cháu. Ngoại cắt nghĩa: tụi Việt Minh khủng bố để dân miền Nam hoang mang sau khi bác sĩ Nguyễn Văn Thinh thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ và tuyên bố Nam Kỳ tự trị trong Liên Hiệp Pháp. Cộng sản rất sợ mất miền Nam " .

Trong khi đó, tài liệu tập truyền thống Tây Nam Bộ viết lại sự kiện lịch sử này như sau :

“ Chống lại dã tâm của thực dân Pháp định chia cắt đất nước ta, một phong trào phản đối “ Chánh phủ Nam Kỳ tự trị ” do Đảng ta lãnh đạo đã nổ ra khắp nước. Ngày 9-6-1946, hàng triệu người trong cả nước (Bắc-Trung – Nam) xuống đường hưởng ứng “Ngày Nam Bộ” với khẩu hiệu “ Nam Bộ là của Việt Nam! ” . Đả đảo chính phủ Nam Kỳ tự trị ! ” nhằm biểu dương ý chí tổ quốc rất mạnh mẽ .

Cùng ý chí quan điểm với Việt Minh, tờ Sài Gòn Mới ngày 16-12-1944 “chào mừng” Thủ tướng mới bằng một bài Văn tế như sau :

“ Cờ tự trị ngẩn ngơ trước gió ,
uổng tử thành thương hại đốc tờ Thinh
Tuồng thực dân hăm hở kéo màn ,
Nam Kỳ quốc bỗng sanh thày thuốc Hoạch Dây một sợi còn mai mỉa đó , 
có vui chăng mà chọn lấy con đường
Ghế ba chân đã vững vàng chưa ? 
Không khéo nữa lại ngã theo cái ạch ”

Viết đến đây, tôi nhận thấy rằng vấn đề phân biệt Nam Bắc là một sự kiện xã hội , chính trị giả mà có thật . Và hễ có cơ hội là nó ló đầu ra như trong giai đoạn thời Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh và Lê Văn Hoạch .

Mới đây nhất, giáo sư Vũ Quốc Thúc phê phán thái độ của thực dân Pháp theo quan điểm pháp lý như sau:

" Ở Nam Kỳ, có thể nói rằng hầu hết những Pháp kiều sinh sống nơi đây, dù họ là công chức nhà nước, là doanh nhân hay hành nghề tự do ( bác sĩ, luật sư... ) đều chịu ảnh hưởng chẳng nhiều thì ít của xu hướng kỳ thị chủng tộc, thấm nhuần môi trường thuộc địa. Họ tin rằng dân “ bản xứ ” còn lạc hậu , chưa thể xử dụng những quyền tự do - chẳng hạn tự do ngôn luận , tự do lập hội, tự do hội họp mà hiến pháp của “ mẫu quốc ” đã dành cho các công dân . Về mặt pháp lý, các luật gia Pháp đã đưa ra khái niệm “ thuộc dân Pháp ” (sujet francais) để áp dụng cho dân thuộc địa cho khỏi lẫn lộn với các “ công dân Pháp ”( citoyen francais ) ".

Sự kỳ thị Nam Bắc có nguồn gốc chính trị từ chế độ thực dân phải nhìn nhận là sự kiện hiển nhiên và có thực . Thực dân đã có dã tâm đào sâu hố chia rẽ Nam Bắc thành một sự thực hiển nhiên mà nay có nhắc lại hay tiếc nuối cũng là chuyện đã qua .

Nay nó đã thuộc về lịch sử rồi .

Có lẽ cũng cần nên nhắc thêm rằng chính sách chia để trị của Pháp còn có dã tâm hơn nữa , chẳng những phân chia ba kỳ mà còn âm mưu nhắm thiết lập các khu tự trị Thái Mèo ( Zano, Khu vực Zano gồm ba tỉnh Sơn La , Lai Châu và Mường So ) viện lý do vùng Thượng Du cũng có quyền độc lập và giao cho Đèo Văn Long trông nom .

Nhưng vì những biến cố chính trị biến chuyển quá nhanh. Pháp-Việt đã xung đột tại Hà Nội , Hải Phòng . Hà nội khởi sự tản cư . Nguy cơ chiến tranh gần kề khó tránh khỏi đã làm “ loãng ” vấn đề kỳ thị Nam Bắc .

Và kể từ đó , lá bài Nam Kỳ tự trị bị bỏ rơi vào quên lãng không còn một ai còn nhắc tới nữa .



Sách tham khảo :

(1) The Indochinese experience of the French and the Americans. Nationalism and Communism in Cambodia, Laos, and Viet Nam. Chương 1: The arrivals of the French 1625-1893, tác giả Arthur J. Dommen, trang 1.
(2) R.B Smith, bản dịch của Ngô Bắc: Thành Phần tinh hoa Việt Nam tại Nam Kỳ thuộc Pháp, 1943.Trích trong gio-o.com/NgoBacRBSmithTinhHoa.html.
(3) Hồi ký 1925-1964, tập 2, 1945-1954, Nguyễn Kỳ Nam, trang 390.
(4) Lớn lên với đất nước, Vy Thanh, trang 94, Tủ sách Sự thật, 2006.
(5) Lớn lên với đất nước, Vy Thanh, trang 439, Tủ sách Sự thật, 2006.
(6) Sài Gòn cố sự, Bằng Giang,nhà xuất bản Văn Học, trang 193.
(7) Thời đại của tôi, cuốn 1, Nhìn lại 100 năm lịch sử, Vũ Quốc Thúc, trang 119, nhà xuất bản Người Việt, 2010.
(8) Thời đại của tôi, cuốn 1, Nhìn lại 100 năm lịch sử, Vũ Quốc Thúc, trang 216, nhà xuất bản Người Việt, 2010.




2. Cuộc di cư 1954-1955 và những cú sốc văn hóa

Nhìn lại cuộc di cư từ miền Bắc vào miền Nam 1954-1955, người ta thường chỉ nhắc tới khía cạnh chính trị trong đó gần một triệu người miền Bắc , phần lớn là nông dân đã chọn lựa tự do để vào miền Nam .

Vì vậy ít ai lưu tâm tới cú sốc văn hóa giữa người dân hai miền . Người viết cũng đã viết một bài nhan đề : Cuộc di cư chữ nghĩa để nói được một phần nào những “ xung đột ” xã hội của hai miền .

Nếu người di cư mang tâm trạng lẫn lộn giữa ngỡ ngàng , lo lắng đan xen với hy vọng và vui mừng thì người dân miền Nam bản địa có thể có tâm trạng ngạc nhiên , có thể bực bội và khó chịu hơn là vui mừng .

Tất cả những tâm trạng lẫn lộn từ hai phía đều là tự nhiên và hiểu được .

Nhìn một cách chung chung thì dân số người dân miền Bắc di cư với con số một triệu người , tương đương gần một phần mười dân số miền Nam .

Chỉ nội điều này thôi , sự có mặt của một triệu người di cư này tự nó đã là một vấn đề rồi .

Có giai thoại mà ông Huỳnh Văn Lang kể cho tôi nghe bà má của ông , một bà cụ miền Nam hỏi con trai rằng :

Những người mới tới ở nước nào và họ nói thứ tiếng gì má không hiểu ? . Khi những đợt người di cư đâu tiên đến tỉnh Sađéc , bà con còn kéo nhau ra xem người Bắc là người thế nào ? . Phần đông người Bắc , theo giáo sư Lưu Trung Khảo được đồng hóa với người Huế . Từ đó trong dân gian có những nhận xét như : Bắc Kỳ rau muống , Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Bắc Kỳ “ đểu ” .

Một cái nhìn chung cho thấy dân miền Bắc di cư , một thiểu số thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản có phần ưu thế về văn học với những cây viết sau này làm nên sự nghiệp với những tên tuổỉ như Doãn Quốc Sỹ , Nhất Linh , Mai Thảo , Tạ Ty , Nguyên Sa , Nguyễn Văn Trung . Những tạp chí cũng như báo chí có tiếng tăm một thời như Sáng Tạo, Hiện Đại , Thế Kỷ 20 , Quê Hương cũng như các tờ báo như Chính Luận , Tự Do , Hòa Bình , Sống, Xây Dựng , Sóng Thần , Đời đều do người Bắc làm chủ .

Trong phạm vi giáo dục , nhất là ở bậc trung học , nhiều giáo sư trung học như Ngô Duy Cầu , Lê Bá Kông , Lê Bá Khanh , Bùi Hữu Sủng , Bùi Hữu Đột , Trần Bích Lan hay các giáo sư Toán , Lý , Hóa đã “ làm mưa làm gió ” một thời . Giọng Bắc trở thành “ mẫu mực chuẩn ” cho việc giảng dạy và nhất là trên các chương trình đài phát thanh cũng như truyền hình . Nhiều ca sĩ gốc Nam và Trung đã học dể có thế phát âm đúng giọng Bắc .

Các học sinh Chu Văn An và Petrus Ký là hai trường tiêu biểu giữa Nam Và Bắc cũng có những va chạm cá nhân nho nhỏ không thể nào tránh được .

Về mặt thương mại , nhiều thương gia miền Bắc cũng tỏ ra lấn lướt và có mặt phần lớn trên các cơ sở thương mại , chiếm lĩnh các đường lớn Lê Lợi , Lê Thánh Tôn , Trần Hưng Đạo và nhất là đường Tự Do . Ngay tại các trại định cư, sau một năm được trợ cấp , họ cũng dần tự mình cố gắng vươn lên bằng đôi bàn tay và bằng ý chí sắt đá , bằng sự chịu thương , chịu khó, bằng tinh thần vừa làm vừa tiết kiệm .

Họ nghèo ở đất Bắc , nhưng mau chóng giàu ở đất Nam Kỳ .

Trong lãnh vực quân sự, nhiều sĩ quan trong các binh chủng và các lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng Hoà thường là gốc Bắc :

“ Consider the impact on the ARVN: as of 1964, some of 48 percent of troops manning the two divisions in the Saigon region were northerners, with a larger proportion of Catholics, whereas the ARVN as a whole was largely Buddhist. Northerners also filled the ranks of the ARVN’s elite Airborne units. Among Vietnamese generals- Diem promoted roughly seventy individuals to that rank-northerners đid not predominate, but favored classes did: Fully one-third of ARVN generals were the sons of landowners, another fifth were the sons of officials, and an additional tenth were from military families-in all, startling 63.3 percent. Only three ARVN generals were the sons of peasants. Of those who ađmitted a religious affiliation, the overwhelming majority were Catholics. Just four generals were known to be Budhists. In short, Diem governed for a rather narrow base ” .

Chẳng hạn, trong Lữ Đoàn Liên Binh phòng vệ phủ Tổng thống , một số cấp chỉ huy là gốc Bắc , gốc Trung hay là người theo Thiên Chúa giáo . Tỉ dụ , trung tá Lê Ngọc Triển , tư lệnh Lữ Đoàn , y sĩ Nguyễn Tuấn Anh , trung tá Nguyễn Đức Giang , trung tá Phạm Nhuận , trung tá Nguyễn Hữu Duệ , tác giả cuốn " Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm " .

Phải chăng đó là nguồn gốc những đố kỵ khó tránh khỏi ? . Nhưng trong tinh thần cạnh tranh sinh tồn để tồn tại theo quy luật xã hội lành mạnh , hố ngăn cách khác biệt giữa người miền Nam và miền Bắc dần dần được san bằng .

Tuy nhiên về mặt chính trị , việc “ dọn dẹp ” các lãnh tụ Cao Đài , Hòa Hảo , Bình Xuyên bằng thương nghị hoặc bằng quân sự để thống nhất Quốc gia về một mối là điều nên và phải làm . Dầu vậy, cái chết của Thiếu tướng Trịnh Minh Thế ngày nay vẫn còn là một ẩn số cũng như vụ án tử hình Ba Cụt để lại “ vết nhăn lịch sử ” qua nhiều dư luận và tin đồn mà một số người khó có thể quên .

Tác giả Đoàn Thêm đã viết đầy đủ từng sự việc, từng chi tiết , ngày giờ , địa điểm để thấy rằng vụ án Ba Cụt có thể không làm khác trong tình thế lúc bấy giờ .

Vì thế , trong nội các thành lập ngày 24-9-1954 của chính phủ Ngô Đình Diệm , thủ tướng Diệm đã cố gắng đến mức tối đa nhân nhượng với thành phần chính phủ gồm các giáo phái tham gia như : Ủy viên quốc phòng do Trung tướng Trần Văn Soái ( Hòa Hảo ) và Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương ( Cao Đài ) , Bộ trưởng Kinh tế, Lương Trọng Tường ( Hòa Hảo ) , Bộ trưởng Canh nông , Nguyễn Công Hầu ( Hòa Hảo ) , Phạm Xuân Thái ( Cao Đài ) , Bộ trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo ( Cao Đài ) , Bộ trưởng Nội vụ , Huỳnh Văn Nhiệm ( Hoà Hảo ) , Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Văn Cát ( Cao Đài ) .

Một chính phủ với sự kết nối nhiều thành phần chính trị cũng như tôn giáo tưởng được coi như một giải pháp chính trị tối ưu lúc bấy giờ chẳng mấy chốc tan ra như bong bóng xà bông .

Vì vậy vào giai đoạn chót của nền đệ nhất cộng hòa, những vết nhăn ấy trở thành vết thương nhức nhối và người ta kịp nhận ra rằng những vết thương nay trở thành hiện thực trong những thành phần chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm .

Lịch sử đã không quên và từ đó nảy sinh ra sự chống đối từ nhiều phía cho đến khi nền đệ nhất cộng hòa bị xóa sổ .

Theo ông Phạm Văn Lưu trong Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam 1954 - 1963 , đó là những thách đố nghiệt ngã của chính quyền Ngô Đình Diệm .

Giáo sư Vũ Quốc Thúc lại đã đưa ra nhận xét khác về những nguyên do chính trị như sau :

“ Đừng quên rằng, trong bầu khí sôi động ở nước ta, trong hậu bán niên 1954, có nhiều người Nam Kỳ cũ, chưa biết rõ nguy cơ cộng sản. [..] Những người Nam này bắt đầu thắc mắc về thực chất của Mặt trận Việt Minh sau khi tiếp xúc với đồng bào di cư, được nghe họ thuật lại những chuyện đấu tố nhiều làng ở miền ”


Nền Đệ nhị Cộng hòa và “giấc mơ phục hưng" miền Nam

Sau năm 1963 , cái tinh thần miền Nam tạm thời là một khối thống nhất những năm trước đó nay không còn nữa . Cái thời mà giáo sư Vũ Quốc Thúc trong cuốn sách nêu trên đã gọi là : Ở miền Nam , ta có thể đánh giá đó là những năm tươi sáng nhất .

Nay thì nhiều xu hướng tôn giáo, chính trị, đảng phái và một cái tên cũ “ Nam Kỳ của người miền Nam ” lần lượt xuất đầu lộ diện .

Miền Nam sau năm 1963 rối tung lên như một nồi canh hẹ . Lý Chánh Trung gọi nó bằng cái tựa " Ba Năm xáo trộn " cho đầu đề một cuốn sách của ông .

Nguyên do nào miền Nam có thể rơi vào hoàn cảnh “ vô chính phủ ” đáng lo ngại như thế ?

Câu trả lời có thể vắn tắt nằm trong nội dung cuộc phỏng vấn của người viết bài này với trung tướng Tôn Thất Đính vào ngày 10 tháng 7 năm 2010 . Người viết đã hỏi ông hai câu hỏi : Điều gì , với tư cách một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã làm trung tướng hãnh diện và điều gì đã làm trung tướng cảm thấy hối tiếc ?

Câu hỏi thứ nhất xem ra quá dễ dàng và tướng Tôn Thất Đính đã trả lời thao thao bất tuyệt . Nhưng câu hỏi thứ hai xem ra quá khó đối với ông . Mới đầu , ông quyết liệt từ chối không muốn nhắc tới , muốn quên đi .







Người viết bài này muốn trung tướng phải nói, phải lên tiếng với tư cách một nhân chứng lịch sử . Cuối cùng tướng Đính thú nhận rằng , điều mà ông hối tiếc trong vai trò một tướng lãnh miền Nam , là ông có trách nhiệm vì đã lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm và dẫn đưa đến cái chết của hai người là cố tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu .

Ông đã không tiếc lời đề cao hai con người ấy và dĩ nhiên cũng không tiếc lời mạt sát các tướng lãnh miền Nam trong vai trò tay sai Mỹ .

Câu trả lời của trung tướng Tôn Thất Đính có giá trị lịch sử như một bằng cớ không chối cãi được về cái sai lầm của những ai đã nhúng tay vào việc lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa đưa cả miền Nam vào một khúc quanh lịch sử với nhiều oan khiên và nghiệt ngã .

Điều đó đủ nói lên rằng kể từ ngày này , 1-11-1963 , nó đã trở thành “ vết nhơ khó tẩy ” của lịch sử miền Nam mà ngay như những kẻ có trách nhiệm như trường hợp tướng Đính cũng nhận ra sự thật là họ đã sai quấy .






Sách tham khảo :

(1) Vietnam: The History of an Unwwinnable War, 1945-1975, John Prados, trang 59, University Press of Kansas , 2009 .
(2) Việc từng ngày, 1945-1965, trang 156-157, Đoàn Thêm .
(3) Thời đại của tôi cuốn 1, Vũ Quốc Thúc, trang 235-236 .


Chú thích :

1. Ba Cụt đã từng trá hàng 6 lần dưới thời Pháp thuộc và đòi hỏi những điều kiện mà chính phủ lúc bấy giờ khó có thể chấp nhận được. Xin đọc thêm " Việc từng ngày 1945-1964 " của Đoàn Thêm , từ trang 197 nhà xuất bản Xuân Thu, Hoa Kỳ để biết rõ và đầy đủ vụ án Ba Cụt đã xảy ra như thế nào .

2. Ngày 5-5-1955, tàn quân Bình Xuyên tan rã phải rút chạy về Rừng Sát. Ngày 18 tháng 6 năm 1955, tướng Nguyễn Ngác Ngộ và 5 tiểu đoàn Hòa Hảo đầu hàng . Cũng vây , tướng Trần Văn Soái cũng quy hàng sau đó . Phần tướng Nguyễn Văn Hinh chạy sang Phnom Penh và từ đó bay sang Pháp .

3. Những điều trung tướng Tôn Thất Đính phát biểu được trích dẫn trong bài này đã được người viết thâu băng.




đã có dịp phỏng vấn nhiều người “trong cuộc” về cái được gọi là kỳ thị Nam-Bắc và sau đây là những ý kiến khác nhau của các quý vị ấy :



Nghị sĩ Lê Châu Lộc

Theo cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc , cái tên Liên Trường hay Phục hưng miền Nam chỉ là tên gọi khác nhau của cùng một sự việc . Những người chủ xướng nhóm Liên trường đã cố ý tạo ra một ấn tượng rằng họ là một lực lượng , một tổ chức . Nhưng thực chất thì nó chẳng có một văn bản gì , cũng không có lấy một tổ chức chặt chẽ cũng như đường hướng chủ trương .

Ông Trần Văn Hương , có thể là một người nắm vai trò “ đầu tầu ” của nhóm Liên Trường cùng với ông Phan Khắc Sửu . Cả hai rất có thể muốn tìm một thế lực chính trị, một chỗ đứng cho việc dấn thân vào chính trị của họ .

Phần nhóm Liên Trường cũng muốn dựa vàp tên tuổi của hai người trên nên đã đứng đằng sau ông Hương để tạo mốt thế đứng chính trị cho chinh họ . Tất cả chỉ là vấn đề quyền lợi mang tính phe phái và nhờ vào đó , họ có thể chiếm những vị trí quan trọng trong một chính phủ tương lai .

Giả dụ nếu không nhờ vào “ tinh thần nhóm Liên trường ” cái tính “ địa phương miền Nam ” thì thử hỏi các ông Nguyễn Văn Trường , Nguyễn Thanh Liêm , Võ Long Triều , Nguyễn Lưu Viên , Trương Văn Thuấn có vị trí trong chính phủ không ?

Tôi tạm dùng chữ “ địa phương tính ” và nhìn nhận rằng yếu tố địa phương là có thực trong các cuộc giàn xếp , mặc cả chính trị .

Yếu tố địa phương tuy thế là nhân tố cho người ta kết hợp để xây dựng , để làm một cái gì cho xã hội , cho đất nước . Nhưng tiếc thay nó cũng là nhân tố cho sự đố kỵ và chia rẽ . Chẳng hạn cuộc khủng hoảng Phật giáo cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ Phật giáo ngoài các yếu tố thiếu tổ chức , thiếu truyền thống còn có sự phân chia Trung-Nam-Bắc .

Cơ may của Phật giáo đã để lọt tay vì những tranh chấp không đáng tranh chấp ấy .

Phần ông Nguyễn Văn Thiệu đã biết nắm lấy thời cơ để “ yếm ” ông Nguyễn Cao Kỳ bằng cách bắt tay với ông Hương . Sau đó lá bài Trần Văn Hương bị đốt cháy , ông Thiệu đã loại bỏ ông Hương để liên minh trong cái “ liên danh ” Thiệu - Khiêm mà đằng sau có sự hỗ trợ của CIA .

Sau khi bị ông Nguyễn Văn Thiệu bỏ rơi , ông Trần Văn Hương bất đắc dĩ trôi về phía luật sư Nguyễn Văn Huyền như tìm một chỗ đậu thuyền . Và ông Hương đã thề không nói chuyện với Nguyễn Văn Thiệu nữa .


Bắc Trung Nam
Nguồn: photo.zing.vn


Thật ra mà nói , tiếng nói của ông Trần Văn Hương cuối cùng chỉ có tác dụng gây chia rẽ trong hàng ngũ Quốc gia , và sau này chia rẽ ngay cả trong nhóm Liên Trường .

Khi ông Trần Văn Hương nhận ra đứng làm phó cho ông Thiệu, ông đã không hề bàn thảo hoặc thông báo cho nhóm Liên Trường. Ông đã gõ cửa nhóm Bông Huệ , xin chữ ký của liên danh Bông Huệ và ông đã nhận được sự ủng hộ của 17 nghị sĩ ( trong 2 nhóm thuộc liên danh Bông Huệ ) . Có nghĩa là ông Hương được 17 phiếu trên tổng số 60 nghị sĩ .

Mặc dầu ở trong liên danh Bông Huệ , nhưng ông Hương ít khi nào đến dự các phiên họp của liên danh Bông Huệ lấy cớ già yếu , bệnh tật . Khi Thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền hỏi ai đồng ý ủng hộ ông Hương . Nhiều nghị sĩ ở thế kẹt, nể mà ủng hộ .

Riêng phần tôi ( Lê Châu Lộc ) , khi được hỏi , tôi đã thẳng thắn trả lời không .

Mặc dầu cá nhân tôi ( Nghị sĩ Lê Châu Lộc ) có liên hệ thân tình làng xóm với ông Trần Văn Hương . Chúng tôi cùng ở xóm Bến Đò , sông Long Hồ , tỉnh Vĩnh Long . Ba của ông Hương , ông Tư Lân ở ngay trong căn nhà của ba tôi nên tôi biết ông Tư nhiều hơn ông Hương .

Xét về con người ông Hương thì có lẽ giai đoạn ông làm Đô Trưởng Sài Gòn , ngày ngày đạp xe đạp là gây được một hình ảnh tốt về ông . Nhưng chắc vì sợ Bình Xuyên ám hại nên ông đã xin từ chức .

Phần ông Phan Khắc Sửu có cơ hội tham gia nội các của ông Ngô Đình Diệm ngay từ đầu trong vai trò bộ trưởng canh nông. Nhưng năm lần bảy lượt sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng như Quốc trưởng, nhưng chỉ là những chức vụ tượng trưng trong vài tháng và cuối cùng biến dạng trên chính trường .

Một người như thế liệu có thể làm được điều gì ?

Phần luật sư Nguyễn Văn Huyền, một người miền Nam chính hiệu , ông không thể nào nghiêng ngả đứng chung với Phong trào Phục hưng miền Nam . Ông chấp nhận trò chơi dân chủ với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì sợ rằng nếu không có hình ảnh một miền Nam tự do , dân chủ thì sẽ bị Mỹ bỏ rơi .

Tôi chỉ không đồng ý với anh ( tác giả bài này ) khi anh cho rằng , hậu quả của việc quét sạch các giáo phái khiến sau này ông Diệm gặp sự chống đối .

Theo tôi đã có thời từng sống ở thôn quê, từng đi sát với Tổng Thống Ngô Đình Diệm , dân chúng đều coi Bình Xuyên là một lũ ăn cướp . Ở dưới quê , nghe nói đến tên Ba Cụt là hãi hùng . Chính má tôi rất sợ Hòa Hảo . Tên Năm Lửa ở vùng Cái Vồn đúng là hét ra lửa . Họ có súng trong tay , muốn giết , muốn bắn ai là bắn .

Cho nên việc ông Diệm dẹp giáo phái là điều nên làm và được lòng dân chúng , mặc dù có thể có thiểu số tiếc nuối , oán hận .

Còn nói về Liên Trường , tôi nghĩ đó là một số tối thiểu thành phân trí thức khoa bảng đi tìm mưu cầu một thế đứng chính trị phe phái hơn là đại diện cho dân chúng miền Nam . Vì thế , họ chẳng có chút ảnh hưởng gì đến đa số dân miền Nam cũng như chẳng ai biết đến họ và họ cũng chẳng đại diện cho ai cả .

Nếu không họ là đại diện cho chính họ . Phần tôi , không lưu tâm đến họ dù tôi là dân miền Nam chính hiệu .

Cụ thể ít lâu sau phong trào đó bị dập tắt và đi vào quên lãng.


Giáo sư Lưu Trung Khảo

Giáo sư Lưu Trung Khảo, người miền Bắc có lẽ là người đưa ra những dữ kiện cụ thể , có bằng chứng là có kỳ thị Nam - Bắc mà đặc biệt xảy ra trong ngành giáo dục .

Theo giáo sư Lưu Trung Khảo, cái tên Liên Trường là do tướng Mai Hữu Xuân đề nghị với tướng Trần Văn Đôn vì cho rằng người miền Nam bị lép vế với miền Bắc và vì thế muốn “ Phục hưng miền Nam ” .

Phục hưng miền Nam hay Liên Trường thì như thể cánh tay phải , tay trái mà việc phục hưng chỉ là đòi quyền lợi , đòi các chức vụ , đòi chia ghế .Đặc biệt việc kỳ thị này xảy ra dưới thời chính phủ Trần Văn Hương và rõ rệt trong ngành giáo dục .

Chẳng hạn, giáo sư Đàm Xuân Thiều ( gốc Bắc ) vốn là một nhà giáo gương mẫu , thanh liêm và đạo đức . Ông giữ chức vụ Giám Đốc Nha Trung Học . Ông Trần Văn Hương với tay qua ngành giáo dục , cách chức ông Đàm Xuân Thiều một cách vô cớ và còn đầy lên Ban Mê Thuật . Đó là một biện pháp trừng phạt quá đáng chưa xảy ra bao giờ trong ngành giáo dục .

Người thứ hai là ông Đặng Trần Thường , giám đốc Nha khảo thí , cũng bị cách chức đổi lên cao nguyên .

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ là một trong những tổng trưởng liêm chính , gốc miền Nam đã không đồng ý việc giáng chức và biện pháp hầu như trừng phạt ấy .

Hiệu trưởng các trường vốn là gốc Bắc di cư như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục bị thay thế bằng các hiệu trưởng người miền Nam . Đặc biệt có trường hợp ông Lâm Phi Điểu , một người bạn khá tâm giao của ông Võ Long Triều (xem Hồi ký Võ Long Triều, trang 329). Ông Lâm Phi Điểu được điều về làm hiệu trưởng Hồ Ngọc Cẩn . Nhưng chẳng may ông bị bán thân bất toại phải ngồi xe lăn . Mặc dầu vậy, ông vẫn được giữ chức hiệu trưởng và công văn giấy tờ thì nhà trường phải cho tùy phái đến nhà để ông duyệt xét ký .

Đàng khác , muốn được đề cử làm hiệu trưởng các trung học miền Nam thì phải là người miền Nam , có nghĩa là được Liên Trường đồng ý . Các chánh chủ khảo các kỳ thi cũng từ đó do có chức vụ hiệu trưởng nên cũng thường do người miền Nam đảm nhiệm .

Tuy nhiên , theo nhận xét của giáo sư Lưu Trung Khảo, phong trào Phục hưng miền Nam không kéo dài được bao lâu, coi như tự nó chấm dứt khi các chức vụ tổng trưởng giáo dục được thay thế . Cũng theo sự nhận xét của giáo sư Lê Trung Khảo : " Sự kỳ thị này thật giới hạn chỉ là một chiêu bài của một thiểu số nhỏ trí thức miền Nam " .

Đến độ có thể nói rằng không có vấn đề kỳ thị nghiêm trọng trong các chính phủ liên tiếp ở miền Nam . Một phần do sự khác biệt xung đột văn hóa mỗi ngày một giảm và hòa tan . Một mặt việc hôn nhân giữa trai gái hai miền trở thành điều tự nhiên giúp cho sự ngăn cách hai miền mỗi ngày được rút ngắn lại .

Nói chung , giáo sư Lưu Trung Khảo có một nhận xét lạc quan tương đối về vấn đề xung đột giữa Nam và Bắc .


Giáo sư Nguyễn Văn Trường

Thật ra tôi không có trực tiếp phỏng vấn giáo sư Nguyễn Văn Trường , nhưng một cách gián tiếp qua trung gian kỹ sư Võ Long Triều .

Cá nhân tôi được biết ông Nguyễn Văn Trường là một người khiêm tốn , điềm đạm mẫu mực của một nhà giáo và chắc hẳn cũng không có tham vọng chính trị .

Nhưng thiết nghĩ rằng do thời cuộc đưa đẩy , một giáo sư như ông Nguyễn Văn Trường , có thể ngoài ý muốn đã trở thành những nhân vật của thời cuộc một cách bất đắc dĩ . Thời ấy gọi những người như ông Trường là “ kẻ đấm bóp thời cuộc ” . Ông trở thành Tổng Trưởng giáo dục và một cách minh nhiên , người ta xếp ông vào nhóm các bộ trưởng miền Nam thuộc nhóm Phục Hưng miền Nam .

Ông Nguyễn Văn Trường khi được hỏi đến về các vụ thuyên chuyển này cũng thường phủ nhận một số biện pháp do chính ông ký sự vụ lệnh thuyên chuyển . Dưới quyền ông là Lý Chánh Trung đổng lý văn phòng là người trực tiếp trong các vụ thuyên chuyển . Ông Lý Chánh Trung cũng tránh né tất cả trách nhiệm của ông trong việc này .

Nhưng theo một người bạn vốn là “ nạn nhân ” trong vu Học Đường Mới cho biết: " Lý Chánh Trung về làm đổng lý văn phòng cho ông Nguyễn Văn Trường là để lo “ dọn dẹp ” vụ Học Đường Mới mà họ cho là có lạm dụng để đưa một số giáo chức phe cánh về Sài Gòn " .

Phạm Phú Minh về Bình Tuy , Trần Đại Lộc từ Pétrus Ký sang Nguyễn Trãi , Hà Tường Cát về Biên Hòa , Phan Văn Phùng thay vì về lại Hội An thì từ Pétrus Ký sang Nguyễn Trãi .

Nhưng khi ông Nguyễn Văn Thơ lên thay ông Trường thì Phạm Phú Minh lại được thuyên chuyển về Bộ giáo dục , tiếp tục làm Thanh niên học đường .

Lý Chánh Trung về làm đổng lý cho ông Nguyễn Văn Trường là để lo ” dọn dẹp ” . Cả hai đã có trách nhiệm về sự thay đổi nhân sự cũng như hủy bỏ tất cả kế hoạch cũng như chương trình của giáo sư Trần Ngọc Ninh .

Xin bạn đọc theo dõi những ý kiến của giáo sư Trần Ngọc Ninh , nhà văn hóa , giáo sư y khoa đại học Sài Gòn , khoa trưởng y khoa và tổng trưởng giáo dục trong phần chót của bài viết này .

Ngoài những nhân vật có tiếng tăm có vai trò chính trị trong chính quyền , còn có khá nhiều thành viên trẻ hoạt động chính trị hoặc giữ các chức vụ hạng trung trong ngành giáo dục đã cách này cách khác, gián tiếp hay trực tiếp , một cách minh nhiên hay mặc nhiên là là phe cánh hay là “ người ” của Liên Trường như các giáo chức Nguyễn Hữu Hiệp , Dương Văn Ba , Bành Ngọc Quý , Hồ Ngọc Nhuận .

Một số những người trẻ này còn đóng các vai trò chính trị như làm báo hoặc làm dân biểu ở các địa phương mà nếu không có cái nhãn hiệu ấy cộng với tình thần phe phái thì thật khó có chỗ đứng cao trong ngành giáo dục như thanh tra , giám đốc , chánh sở hay hiệu trưởng trong ngành giáo dục hay dân biểu .

Hầu hết bọn họ không có gốc gác , kinh nghiệm chính trị gì và đều “ ngang xương ” trở thành chính trị gia như phần đông các dân biểu đối lập xuất thân từ giáo chức .

Cái tai hại không biết vì lý do gì , họ thường thường thuộc khối dân biểu độc lâp , hay đối lập , nhất là thiên tả mà trong số đó nhiều người đã ngã hẳn sang phía bên kia .

Đó là các dân biểu Ngô Công Đức , Dương Văn Ba , Hồ Ngọc Nhuận , Lý Quý Chung , Kiều Mông Thu .


Ông Huỳnh Văn Lang

Trong thời gian “ phát động ” của nhóm Liên Trường thì lúc đó ông Huỳnh Văn Lang đang còn phải ngồi trong tù nên ông không có dính dáng trực tiếp gì hay gián tiếp gi đến nhóm Liên Trường .

Nhưng theo sự nhận xét của ông Huỳnh Văn Lang thì ông Nguyễn Cao Kỳ dùng quá nhiều tay chân cấp trung như các quận trưởng trong Đô Thành đều là người gốc Bắc . Bọn người này cũng không có tài cán gì .

Tuy nhiên ông cũng đánh giá thấp nhóm Liên Trường và cho là họ không có vai trò gì quan trọng cả. Gần như họ chỉ toan tính những chuyện lặt vặt liên quan đến chức này chức kia . Ông nhận xét cùng lắm chỉ là những đòi hỏi thay đổi có tính cách hành chánh mà quần chúng nói chung họ chả để ý gì .

Như chuyện tranh chấp giữa ông Phan Khắc Sửu với ông Phan Huy Quát liên quan đến việc bổ nhiệm hai bộ trưởng . Sự việc đó cho thấy sự thất bại của một chính phủ dân sự . Hậu quả là tạo một cơ hội tốt cho quân đội lên nắm chính quyền trở lại như trường hợp ông Nguyễn Cao Kỳ , Nguyễn Văn Thiệu .

Thay vì nói tới việc kỳ thị Nam Bắc , ông nói rất nhiều về kỳ thị Nam Bắc dưới chế độ cộng sản sau 1975 , một phần sử liệu không nhỏ . Nhưng rất tiếc lại vượt ra ngoài mục tiêu nghiên cứu của bài viết này.


Kỹ sư Võ Long Triều

Xin ghi lại lần nói chuyện trực tiếp đầu tiên với kỹ sư Võ Long Triều trong dịp ông đến chở tôi đến đài truyền hình trong một chương hội thoại chính trị kéo dài trong hai tiếng . Tôi có nói là tôi có đọc cuốn Hồi ký của ông Võ Long Triều , cuốn một và tôi có nói rằng cuốn sách viết thiếu một điều quan trọng .

Ông Võ Long Triều dĩ nhiên hỏi tôi điều gì ? . Tôi trả lời là vấn đề Liên Trường mà ông cũng là tác nhân trong đó !

Kỹ sư Võ Long Triều cho rằng ông không phải Liên Trường và còn chống lại Liên Trường là đằng khác , chống lại ông Sửu , nhất là ông Hương . Cuộc trao đổi không được bao lâu thì đã đến nơi . Ông Võ Long Triều có thể nghĩ rằng điều ông nói chưa đủ thuyết phục tôi nên khi vào đến trong đài , lên lầu , ông lấy điện thoại cầm tay và tức khắc gọi cho ông Nguyễn Văn Trường .

Đây là câu chuyện đối đáp giữa hai người mà tôi đã thu băng , có chỗ nghe được ý của ông Nguyễn Văn Trường là nhờ ông Võ Long Triều lặp lại là :


- Này Trường , hồi đầu thằng nào đứng ra mà tổ chức cái Liên Trường đó ? Nó có cái mẹ gì đâu phải không ?

- Phải rồi , có Nguyễn Văn Lộc , Huỳnh Văn Đạo . Còn ai nữa ? Lý Quý Phát . Mấy cha già ở trong đó , moa không ở trong đó , toa cũng không ? Phải vậy không , OK , thôi biết rồi .

- Còn thằng... ( không nghe rõ tên ) , nó sạo để kiếm ghế ( Hai người cười ) . Thôi biết vậy thôi , gửi lời thăm...( không rõ tên )...

- Sau đó , có nhắc đến Kiên Giang Hà Huy Hà rồi Anh Hai Kiên Giang , chủ báo ( Người viết không hiểu rõ nội dung câu chuyện )

- Sau chót , ông Võ Long Triều quay ra nói với tôi rằng cái Liên Trường này nó giống như anh với tôi lập ra một hội ái hữu chơi . Đại khái nó không đi tới đâu .


Cảm thấy câu trả lời của ông Nguyễn Văn Trường là đủ rồi . Ông Võ Long Triều tắt máy .

Tôi thấy cần phải trao đổi thêm với kỹ sư Võ Long Triều nên tôi đã nói chuyện qua điện thoại một lần nữa . Bằng lời rào đón, tôi nói bài viết của tôi dựa trên nguyên tắc Histoire-géo-politique để có tính cách khách quan và trung thực . Tôi chưa giải thích hết , nhưng xem ra cuộc trao đổi không đi đến đâu . Có thể do hiểu lầm, ông Võ Long Triều không chấp nhận lối suy nghĩ của tôi và cắt đứt cuộc nói chuyện .

Và tôi thật rất tiếc về cuộc trao đổi qua điện thoại này .

Tôi cũng đã phỏng vấn nhà báo Uyên Thao nhiều lần , cộng chung trên 20 tiếng đồng hồ và ông cho biết rất rõ ràng lý do tại sao linh mục Nguyễn Quang Lãm , tự Thiên Hổ , chủ nhiệm báo Xây Dựng đã giới thiệu kỹ sư Võ Long Triều cho tướng Kỳ và thái độ của kỹ sư Võ Long Triều như thế nào khi được tiến cử . Nhưng tôi xin dành một cơ hội để kỹ sư Võ Long Triều nếu có dịp đọc bài này thì trong Hồi ký tập 2... ( sắp xuất bản ) , kỹ sư Võ Long Triều nên đưa ra vấn đề một lần nữa một cách đầy đủ và minh bạch hơn .

Tạm thời , tôi căn cứ vào Hồi ký tập 1 để viết về việc xảy ra giữa tướng Loan và kỹ sư Võ Long Triều .

Và đây là tóm tắt nội dung những điều kỳ sư Võ Long Triều biết trong Hồi ký của ông cộng thêm đôi nhận xét của người viết .

Trong nội các Nguyễn Cao Kỳ đã có lần luật sư Đinh Trịnh Chính đóng cửa nhiều tờ nhật báo do người miền Nam đứng tên chủ nhiệm. Việc đóng cửa này không có gì chắc chắn là do ông Đinh Trịnh Chính kỳ thị Nam Bắc . Mà do mấy tờ báo đó thân cộng sản. Nhưng sau khi có sự than phiền , tướng Kỳ cho tái bản tất cả các tờ báo bị đóng cửa . Đóng rồi không đóng như trò đùa . Nếu ông Đinh Trịnh Chính làm đúng , cứ tiếp tục giữ lệnh đóng cửa bất kể chủ nhiệm là Nam hay Bắc .

Điều này chứng tỏ nội các Nguyễn Cao Kỳ làm việc như trẻ con vậy .

Câu chuyện lần này nổ ra vì cái vụng về của ông Nguyễn Ngọc Loan . Ông xông xáo mang cảnh sát tới bắt ông bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc Đổng lý Bộ Y tế về tội như đi bắp cướp vì tội “ chia rẽ Nam-Bắc ” . Tội như thế nào không được rõ . Sau đó , ông Loan còn đưa ra những lời đe dọa xa gần “ rất Nguyễn Ngọc Loan ” : " Đ.M tao bắn chết mẹ một vài thằng xem còn thằng nào dám đặt vấn đề Nam Bắc nữa không " .

Việc làm của ông Loan hẳn là “ vô pháp luật ” , chỉ xảy ra dưới thời tướng Kỳ . Tướng Kỳ vì lý do riêng , nhất là cái công của ông Loan “ dẹp loạn miền Trung ” mà bình thường có thể không ai làm nổi đã không có một biện pháp hành chánh đối với ông Loan .

Ông Kỳ chỉ còn mỗi một cách là “ xoa dịu ” 6 vị bộ trưởng người Nam , từng người một trong chính phủ . Đã có buổi họp tay đôi , giữa ông Loan và ông Triều xưng hô theo kiểu mày mày , tao tao chẳng ăn thua gì . Cũng có bữa “ tiệc thông cảm ” của chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia với trung tướng Nguyễn Văn Thiệu tại dinh thủ tướng ở bến Bạch Đằng . Cũng chẳng giải quyết được gì .

Sáu vị đệ đơn từ chức gồm Phó thủ tướng Nguyễn Lưu Viên , Tổng Trưởng giáo dục Nguyễn Văn Trường , Tổng trưởng Giao thông vận tải Trương Văn Thuấn, Tổng trưởng xã hội Trần Ngọc Liễng , Tổng trưởng Lao động Nguyễn Hữu Hùng và Tổng trưởng Thanh niên Thể thao Võ Long Triều .

Trước tình thế ấy , cách giải quyết của Nguyễn Cao Kỳ cũng rất “ Nguyễn Cao Kỳ ” , Việc gì mà đến nỗi phải xé to chuyện như vậy ? Bầu không khí trở nên nặng nề , tướng Kỳ bực tức ra mặt , nhưng tự kiềm chế và nhẹ nhàng bảo , Thôi được rồi , để tớ xem rồi sẽ nói chuyện với anh em sau .

Để kết thúc phần này về kỹ sư Võ Long Triều , tôi xin trích dẫn một hai đoạn ở phần chót cuốn sách của ông như sau :

" Tôi từ chức để phản đối chế độ cảnh sát trị do chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan áp đặt khi ông bắt giam bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc với tội danh " chia rẽ Nam Bắc "... (...) Tôi muốn góp phần ngăn chặn bọn cộng sản vô thần bất lương bành trướng vào miền Nam. Nhưng nửa đường tôi lại từ chức bỏ lỡ cơ hội. Bây giờ nghĩ lại tôi thật lòng hối hận . Lẽ ra tôi phải tiếp tục ngồi trong nội các để triển khai Chương trình phát triển cộng đồng quận 8, đang tiến hành mạnh mẽ ... (...) Tôi nên ngồi đó để can thiệp, ngăn ngừa những sự lạm quyền của đám kiêu bình đầu óc quân phiệt . Nhưng sự háo thắng kiêu căng của tuổi trẻ thúc giục tôi từ quan "


Giáo sư Trần Ngọc Ninh

Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho hay là sau khi tham dự một Hội nghị quốc tế về giáo dục do Unesco tổ chức vào năm 1966 , tại BangKok trong đó Nga Xô cũng được mời tham dự . Việc mời được Nga tham dự vào một Hội nghị Quốc tế về giáo dục của các nước Á Châu mở đường cho sự “ cởi mở ” về đường lối chính trị của một nước cộng sản trong vùng và tầm ảnh hưởng ấy kéo dài đến mãi sau này .

Trong cái tầm nhìn về giáo dục thời đó , giáo sư Trần Ngọc Ninh đề ra hướng đi là :


Thứ nhất , thiết lập một Trung Tâm khảo cứu Giáo Dục Á Châu.

Thứ hai , thiết lập một trung tâm học liệu Đông Nam á châu, trong đó có Việt Nam.

Thứ ba , thiết lập một viện khảo cứu các bệnh nhiệt đới.


Đấy là tầm nhìn xa của một nhà giáo dục hơn là một nhà chính trị .

Cụ thể trước mắt giáo sư đã thực hiện được những công việc sau đây . Nội trong ba tháng đầu sau khi nhậm chức, giáo sư Trần Ngọc Ninh đã cho giải tỏa được tất cả các lớp học buổi trưa rất nóng bức cho các trẻ em nhỏ . Ông đã cấp tốc xây thêm trường học , ngay cả nhờ quân đội , đi xin gỗ , xin gạch xây dựng các lớp học bằng vật liệu tiền chế để các em học sinh tránh được các lớp học buổi trưa .

Nhiều nơi khuyến khích các học sinh tham gia vào công việc xây dựng trường sở với khẩu hiệu “ chúng ta phải lấm tay ” . Các sinh viên kiến trúc “ sắn tay ” đến các trường cùng với các em học sinh thực hiện các công tác này . Cụ thể như trường Gia Long , các nữ sinh đã thực hiện lấy nhà để xe .

Chính những công tác này làm nảy sinh khái niệm và tổ chức có tên là “ Học Đường Mới ” CPS . Tổ chức này nhằm mục đích đưa giới trẻ vào các sinh hoạt “ ngoài phạm vi học đường ” như các công tác xã hội , chương trình cắm trại, các trại hè, chương trình xây dựng trường sở v...v.... . Cả một khối khoảng 30 giáo sư trẻ từ khắp nơi đổ về Sài gòn làm thí điểm, mà oái ăm thay phần lớn là người Bắc thực hiện những chương trình này. Tên tuổi của họ nay còn để lại dư âm như Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn , Hà Tường Cát , Phạm Phú Minh , Trần Đại Lộc .

Trong bài viết 20 năm tuổi trẻ miền Nam , người viết bài này phân ra hai loại tuổi trẻ :

Tuổi trẻ “ Xuống đường ” gồm những thành phần sinh viên viên tranh đấu , tả phái và cực tả ngả theo cộng sản mà công tác của họ là biểu tình , hoan hô, đả đảo , xuống đường chạm trán với lựu đạn cay và hàng rào kẽm gai .

Tuổi trẻ “ Lên đường ” gồm những người trẻ dấn thân vào các hoạt động xã hội như nhóm CPS , các nhóm Du ca , nhóm quận 8 .

Ông còn có chương trình như hủy bỏ hoàn toàn kỳ thì tiểu học rất vô ích chỉ làm khổ học sinh , dần hủy bỏ kỳ thi Trung học đế nhất cấp và quan trọng hơn nữa hủy kỳ thi tú tài phần thứ nhất .

Giáo sư Trần Ngọc Ninh thú nhận với người viết là tôi không ngờ bị sự chống đối dữ dội bới các giáo sư trung học dạy luyện thi tú tài , vì đó là nồi cơm của họ .

Điểm cuối cùng giáo sư Trần Ngọc Ninh nhấn mạnh với người viết là hủy bỏ các kỳ thi là trao cái quyền cho ông thầy dậy các học sinh đánh giá trực tiếp họ qua học bạ thay vì dành cái quyền tối thượng đánh giá trong vài ngày của các vị giám khảo nghiệt ngã và bất công .

Đây là một quan điểm nhìn mới về giáo dục ở thời đó . Dám nghĩ như thế và dám làm .

Nhưng khi trở về từ hội nghị tại Bangkok , giáo sư Trần Ngọc Ninh cho biết là ông Nguyễn Cao Kỳ do áp lực của nhóm Liên Trường đã buộc ông phải từ chức .

Mặc dù giáo sư Trần Ngọc Ninh không chỉ đích xác là ai , nhưng người viết bài này được biết chính kỹ sư Võ Long Triều khi vui miệng đã tiết lộ ông là người đề nghị với tướng Kỳ thay thế giáo sư Trần Ngọc Ninh .

Phần giáo sư Trần Ngọc Ninh , ông lẳng lặng rút lui .

Tôi hỏi thêm ông một câu : " Thế các dự án của giáo sư và các chương cải tiến giáo dục Việt Nam rồi kết cục ra sao ? " .

Những người thay thế đã xóa sạch toàn bộ các chương trình ấy . Chỉ sau hai tuần lễ , các giáo sư thuộc chương trình Học Đường Mới nhận được sự vụ lệnh giải tán chương trình CPS và trở về nhiệm sở cũ .


Kết luận

Đối với vấn đề kỳ thị Nam Bắc nó chỉ là một rạn nứt nhỏ khó tránh khỏi giữa hai miền . Nhiều trường hợp có thể chấp nhận được không đáng nói tới . Và đặc biệt nó không xuất hiện rõ rệt ở phía quân đội , nhất là ở nền đệ nhị Công Hòa . Trong quân đội , sự thuyên chuyển tùy thuộc phe phái , thuộc liên hệ quen biết hay bà con , thuộc nguồn gốc là sĩ quan Đà Lạt hay trường bộ binh Thủ Đức .

Dầu muốn dầu không những việc như thế cũng phải xảy ra trong bối cảnh xã hội và lịch sử ấy.

Điều hối tiếc là chương trình giáo dục của giáo sư Trần Ngọc Ninh coi như bị xóa bỏ hoàn toàn.

Cái thiệt thòi nhất vẫn là tuổi trẻ miền Nam sau những “ xáo trộn chính trị ” ấy của người lớn.

Tuổi trẻ vần phải miệt mài , có những đêm thức trắng, tuổi trẻ xanh xao vàng vọt với thi cử và khung cửa hẹp của nền giáo dục vẫn khép kín , gò bó , thiếu ý thức dấn thân vào xã hội , cộng đồng .

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen