Samstag, 3. November 2018

Xứ Bắc Hà thời Lê mạt

Nói về triều Lê Trung Hưng ( 1533 – 1786 ), khi Chúa Trịnh Tùng giúp vua Lê Thế Tông lấy lại kinh thành Thăng Long năm 1592, bắt giết cha con Mạc Mậu Hợp và đuổi dư đảng họ Mạc chạy lánh lên Cao Bằng, thì thanh thế Nam triều nổi lên rất mạnh nhưng cũng từ đó vua Lê bị họ Trịnh quản chế, bức bách rất ngặt; mọi chuyện đều không được tự chuyên, nhà vua chỉ còn có khoanh tay rũ áo ngồi giữa triều đình, như bù nhìn giữ dưa ngoài ruộng. Tuy nhiên về danh nghĩa tất cả đều phải chịu mệnh nhà vua, chính quyền vẫn quy về một mối.
Đến năm 1599, Trịnh Tùng ép vua Lê Thế Tông phải phong Vương cho mình, được mở phủ đệ và bộ máy quan lại riêng. Từ đấy chính sự trong nước do Tùng quyết định, của cải, thuế khóa, quân lính… hết thảy đều dồn về phủ chúa. Muốn đưa vua nào lên ngôi là tùy quyền định đoạt của họ Trịnh; cũng như việc bổ nhiệm , thăng thưởng quan lại không cần báo trước…nên việc chúa hiếp chế vua mãi rồi mọi người đều xem là sự thường.
Kịp đến khi Trịnh Sâm lên ngôi ( 1767 ), nghiệp chúa đã truyền qua tám đời [1], trải hơn hai trăm năm; chế độ Lê – Trịnh đã bộc lộ hết những mặt yếu kém : kỷ cương phép nước bị xem thường, tình trạng lấn chiếm đất đai làm của riêng cho gia đình và họ tộc của quan lại triều đình , thổ hào địa phương ngày càng trầm trọng; cộng thêm nạn tham nhũng mua quan bán tước , nhất là chính sách ức thương đã đưa Đàng ngoài vào cuộc khủng hoảng mới. Đời sống nhân dân sa sút nghiêm trọng.
Bất lực trong việc quản lý các công trình đê điều, các chúa Trịnh phó mặc cho quan lại địa phương thu tiền của dân và thuê người làm. Các quan lại nhân đó tha hồ vơ vét tiền của. Lụt lội, mất mùa xảy ra liên tiếp, gây ra những nạn đói lớn trong dân. Năm 1730, đê Hưng Yên bị vỡ, nước sông Nhị tràn ngập gây lụt lội.
Những năm 1740, 1741, đói to ở các trấn đồng bằng, người dân phiêu tán dắt díu nhau kiếm ăn đầy đường. Làng xóm điêu tàn, kinh tế suy sụp, sức sản xuất bị tàn phá, nông dân bị lưu tán hoặc chết đói, chết bệnh đầy đường, người sống hoặc đi tha phương cầu thực, hoặc cố gắng cùng nhau khai phá đất hoang của các làng lân cận. Thế kỷ 18, Đàng ngoài chứng kiến bốn cuộc khởi nghĩa nông dân : Nguyễn Danh Phương ( 1740 – 1751), Nguyễn Hữu Cầu ( 1741 – 1751), Hoàng Công Chất ( 1739 – 1769), Lê Duy Mật ( 1738 – 1770). Các cuộc khởi nghĩa này đã góp phần đẩy chế độ Lê – Trịnh nhanh chóng đi vào sụp đổ [2] .
Trịnh Sâm chuyên quyền, giết Thái tử, say mê nữ sắc :
Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ( Cương mục), Thái tử Lê Duy Vĩ có lần cùng với Thế tử Trịnh Sâm gặp nhau ở phủ đường, được chúa Trịnh Doanh giữ lại ban cơm, hai người cùng ngồi chung một mâm. Bà chính phi họ Nguyễn, vợ của Trịnh Doanh, cũng là mẹ vợ Thái tử, ngăn lại và bảo rằng : “ Thái tử và Thế tử , danh phận là vua tôi, sao lại có thể cùng ngồi chung một mâm được ?” ; bèn sai người đưa Thế tử sang mâm khác. Tan bữa cơm ra về, Thế tử ngoảnh lại bảo với mọi người rằng : “ Vua ấy cũng không nên cùng đứng chung với chúa này, thề phải có một người sống một người chết, mới xong ”.
Khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm bèn sai hoạn quan Phạm Huy Đỉnh vu cho Thái Tử tư thông với một người thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội đó tâu lên Hoàng thượng để bắt Thái tử bỏ ngục. Thái tử biết trước bèn trốn vào chổ ngũ của vua, có kẻ báo với Huy Đỉnh; hắn bèn vào thẳng cung điện của vua, hạch tội Thái tử và đòi người :
“ Tôi nghe Thái tử náu trong tẩm điện của bệ hạ, xin hãy bắt giao cho tôi “.
Nhà vua ôm mãi lấy Thái tử không nỡ rời, bọn Huy Đĩnh bèn quỳ mãi dưới sân điện. Liệu bề không thoát nổi, Thái tử liền khóc lạy Hoàng Thượng rồi ra chịu trói. Về đến phủ chúa, Phạm Huy Đỉnh bắt Thái tử cởi mũ nhận tội. Thái tử không chịu, nói rằng :
“ Bỏ vua này, lập vua khác, làm chuyện bạo nghịch giết vua là thói quen của chúng mày, ta có tội tình gì đâu ? Việc này sẽ có sử xanh ghi chép lại cho ngàn đời rõ”. Trịnh Sâm giả thác là có mệnh lệnh của nhà vua, truất Thái tử làm thứ nhân, đem giam vào ngục. Được ít lâu, bọn tay chân Huy Đỉnh lại vu cáo Thái tử âm mưu vượt ngục, phải ghép vào tội giảo. Ngày hành hình, già trẻ trai gái ở kẻ chợ không ai là không rơi nước mắt. Ấy là ngày 20 tháng chạp năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng ( 1771).Trịnh Sâm hạ lịnh tịch thu sắc mệnh của vua ban cho Trần Hoàng hậu là mẹ của Thái tử (đã mất).
Như vậy trong lịch sử đã có ba lần chúa Trịnh giết vua Lê : Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông, Trịnh Giang giết Lê Đế Duy Phường và Trịnh Sâm giết Thái tử Lê Duy Vĩ. Nguyên khi Thái tử bị bắt, thì một người đàn bà trong cung bế các con của Thái tử chạy trốn về phía Hà Tây, vào ngũ nhờ nhà một người dân ở làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Người dân này đêm trước đã mơ thấy có người bảo rằng :
– Mày phải quét rửa nhà cửa sân đường cho sạch sẽ, thiên tử và Thái hậu sắp sửa tới nơi”.
Tỉnh dậy hắn nghĩ bụng : “ Mình là nhà dân, đâu được cái may mắn có các bậc chí tôn ngự tới ?”. Rồi suốt ngày hôm đó, hắn ta chắp tay đứng đợi ở ngoài cổng nhưng đợi mãi mà vẫn chả thấy một ai. Đến xẩm tối mới thấy một người đàn bà bồng con xăm xăm tiến đến trước cổng xin ngũ nhờ ; hắn ta liền đón ngay vào trong nhà và mời ngồi lên chiếc phản cao nhất. Sau khi đã kể qua câu chuyện chiêm bao cho người đàn bà nghe, hắn ta lại nói :
– Cứ theo giấc mộng đêm qua của tôi như thế thì bà và các cậu đây hẳn phải là dòng dõi quý tộc nếu không phải thân thích nhà vua, ắt cũng là họ hàng nhà chúa !
Người đàn bà đó chính là cung phi họ Nguyễn, nghe nói vội gạt đi mà rằng :
– Câu chuyện chiêm bao, có gì là bằng cứ. Bác đừng nói nhảm, đó là việc chết người chứ không phải chuyện chơi đâu !
Ngay sớm hôm sau, mấy mẹ con lại từ giã chủ nhà mà ra đi. Nhưng chẳng bao lâu, bị người ta dò theo tông tích bắt được đưa về an trí ở trấn Sơn Tây, rồi lại bị giải về Kinh và bị giam ở ngục Đề lĩnh. Đó là ba hoàng tôn Duy Kỳ (Khiêm), Duy Trù và Duy Chỉ [3] .
Có một hôm, tiệp dư Trần Thị Vinh [4] sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi Trịnh Sâm ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 ( 1777 ), ả sinh cho chúa một đứa con trai, được đặt tên Cán. Hai mẹ con được Trịnh Sâm rất yêu mến nên từ đó Thị Huệ nuôi lòng cướp ngôi Thế tử cho con, mặc dù khi ấy ngôi Thế tử đã an định.
Vụ án năm Canh Tý (1780)
Lại nói về Thế tử Trịnh Tông (Khải) do Thái phi họ Dương tên Ngọc Hoan đẻ ra. Nguyên bà được tuyển vào cung đã lâu mà không được chúa đoái hoài tới, một hôm đem việc nằm mơ thấy hình rồng kể cho viên quan hầu là Khê Trung hầu nghe, vị này biết chắc là điềm sinh thánh [5].
Đêm sau, khi Trịnh Sâm cho vời cung tần Ngọc Khoan vào hầu, Khê Trung hầu cố ý nghe lầm, đưa thái phi Ngọc Hoan vào. Thấy bà, chúa có vẽ không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Sau đó Khê Trung hầu bị gọi vào trách mắng, mới cúi đầu tạ tội và kể lại chuyện nằm mơ trên. Sau cơn mưa móc, Thái phi sinh ra một trai là Trịnh Tông ( có sách chép là Trịnh Khải), nhằm năm Quý Mùi, Cảnh Hưng thứ 24 (1763).
Thói thường ghét mẹ giận lây con, nên chúa Trịnh viện cớ con thứ phi, không phải chính thất; Thái phi lại có gốc là dân làng Long Phúc ( Trịnh Cối, Trịnh Lệ là hai vương tử mưu đồ soán ngôi chúa, đều do người Long Phúc đẻ ra) nên không nhận lời chúc mừng ( sinh con trai) của các quan. Việc chăm sóc học hành của Thế tử cũng qua loa, đại khái ít nhận được sự quan tâm của chúa Trịnh. Năm Thế tử 15 tuổi, đúng lệ phải được mở phủ đệ riêng, nhưng Trịnh Sâm lờ đi, có ý chờ người khác. Năm ấy cũng là năm vương tử Cán ra đời, nên lòng người phân vân chia hai phe, mầm họa bắt đầu nảy nở từ đó.
Mấy năm sau, chứng bệnh cũ của Trịnh Sâm tái phát, có lúc thuyên giãm , có lúc nguy kịch , lại hạn chế người ra vào thăm viếng nên tin đồn đoán lan ra ngoài kinh thành rất nhiều. Trịnh Khải nhiều lần vào tẩm thất để thăm hỏi bệnh tình, nhưng Tuyên phi ( Thị Huệ) sai người ngăn trở không cho vào. Trịnh Tông lo lắng bàn với bọn gia thần :
– Vương thượng mắc bệnh mà ta không được vào chầu. Vạn nhất nếu xảy ra biến cố như ở Sa Khâu ( Tần Thủy Hoàng chết đột ngột, hai cố mệnh đại thần Lý Tư , Triệu Cao âm mưu sửa di chiếu, tráo người nối ngôi ), thì ta phải toan tính trước như thế nào ?
Bọn này bèn khuyên Thế tử nên ngấm ngầm sắm sửa binh khí, chiêu mộ binh lính : nếu trong phủ có chuyện chẳng lành, thì lập tức đóng cửa thành, giết Quận Huy Hoàng Đình Bảo ( sau đổi là Hoàng Tố Lý) ) , bắt giam mẹ con Thị Huệ rồi báo trấn thủ Kinh Bắc, Sơn Tây đem quân về hộ vệ, gây áp lực buộc các đại thần phải tôn phò Thế tử lên ngôi chúa. Thế tử nghe lời, bèn chu cấp tiền bạc cho bọn chúng mộ quân, lại sai người đi mật báo cho hai viên Trấn thủ. Sắp xếp vừa xong thì bệnh Trịnh Sâm cũng vừa thuyên giãm, âm mưu của Thế tử hơi bị lộ.
Nguyên hồi ấy có tên Nguyễn Huy Bá, người ở Gia Lâm, tính tình nham hiểm giảo hoạt , trước đó do tham ô mà bị bãi chức, nay chuyên nghề tố cáo người khác để kiếm bổng lộc, quan tước. Hắn cho con dâu vào làm thị tỳ cho Thị Huệ, hàng ngày kể xấu Trịnh Tông để lấy lòng; một mặt cài người vào làm môn hạ cho hai viên trấn thủ Sơn Tây, Kinh Bắc để dò xét tình hình, chính nhờ vậy mà Huy Bá biết được cơ mưu của Thế tử, bèn báo ngay cho Thị Huệ.
Thị Huệ đem việc đó bàn với Quận Huy, Huy nhận đơn tố cáo của Huy Bá bỏ vào ống tay áo, tự mình đến phủ chúa, đuổi hết mọi người chung quanh rồi đem thư trình chúa. Trịnh Sâm muốn trị tội ngay nhưng Quận Huy can rằng :
– Sở dĩ Thế tử dám làm chuyện đại nghịch này là do có sự giúp sức của hai viên Trấn thủ kia. Ném chuột sợ vỡ đồ, nay xin hãy ban lệnh triệu hồi hai người kia về Kinh trước đã, sau mới bắt giam và luận tội ; như vậy sẽ tránh được những biến cố khác.
Trịnh Sâm cho là phải. Hôm sau Thế tử Trịnh Tông bị đòi vào cung, Trịnh Sâm giả cách quở mắng việc sao nhãng học hành rồi bắt ở riêng ra một nơi, cho người đến giảng dạy, không cho ra ngoài ( thực chất là giam lỏng ). Trấn thủ Sơn Tây Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Lệ ( Khản) vâng lịnh về triều, không ngờ tay chân thân tín đã bị bí mật bắt hết, bản thân ngồi chờ (định) tội ở nhà Tả xuyên. Kịp khi Trấn thủ Kinh Bắc Khê Trung hầu Nguyễn Khắc Tuân về tới Kinh, cả hai lập tức bị bắt giam, cùng a bảo Hân Quận công Nguyễn Phương Đỉnh là thầy dạy của Thế tử. Bọn gia thần của Thế tử là Đàm Xuân Thụ, Thế và Thẩm bị đem ra tra khảo đều nhận tội. Vụ án được giao xuống cho các quan tra xét.
Lại nói, lúc ấy ở trấn Kinh Bắc có viên Đốc Đồng là Ngô Thì Nhậm, tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775 ) vốn là gia thần và tuỳ giảng của Thế tử, một hôm tiếp tên học trò đang giữ sách cho Thế tử là Hà Như Sơn ( Sơn Thọ ), do Thế tử cử lên thông báo cơ mưu và lịnh cho Thì Nhậm lên vùng Cao Bằng Lạng Sơn lùng mua ngựa tốt để dùng vào việc binh. Thì Nhậm hoảng sợ, vội đem hết câu chuyện kể cho Khắc Tuân, nhưng viên trấn thủ Kinh Bắc này gạt đi ( do đã biết trước ), khuyên Thì Nhậm nên giữ kín việc này. Cùng về Kinh theo lệnh triệu hồi, tuy không bị giam nhưng tình thế của Thì Nhậm cũng rất nguy kịch. Nhận lời khuyên của Huy Bá và để giữ mình , Thì Nhậm bèn làm tờ khải tố cáo hết mọi âm mưu của Thế tử. Nhận được tờ khải, Trịnh Sâm nổi giận giao cho Thì Nhậm tra xét vụ án đó, chưa kịp làm thì được tin cha mất, Thì Nhậm phải về chịu tang. Vụ án được giao lại cho Nghĩa Phái hầu Lê Quý Đôn, Bảng nhãn khoa Nhâm Thân ( 1752 ) tra xét.
Theo Cương mục, khi nghe con là Ngô Thì Nhậm bàn việc tố cáo Thế tử, Ngô Thì Sĩ đã cố sức can ngăn nhưng Nhậm vẫn không nghe. Đến khi hay tin Nhậm đã phát giác việc ấy , Thì Sĩ bèn uống thuốc độc tự vận. Nhờ có công tố giác tội phạm, Thì Nhậm được thăng Hữu Thị lang Bộ Công ( thứ trưởng bây giờ ), trong dân gian mới có câu : “ Sát tứ phụ nhi thị lang ”, nghĩa là giết bốn người để được làm Thị lang, gồm Thì Sĩ ( cha ), Khắc Tuân, Chu Xuân Hán và Nguyễn Phương Đỉnh ( bạn của cha ).
Kết quả, hai viên trấn thủ phải chịu tội chết nhưng gia ân cho tự xử ( uống thuốc độc ), viên a bảo Nguyễn Phương Đỉnh bị kết tội nuôi dưỡng Thế tử không nên người, phải bị cách hết quan chức đuổi về quê; bọn Thụ , Thế, Thẩm đều chịu tội trảm, bọn liêu thuộc của Hồng Lĩnh hầu và Khê Trung hầu vì liên đới với chủ nên phải chịu tội chết cũng nhiều. Thế tử Tông bị truất xuống làm con út, suốt đời giử đạo làm tôi, ở trong gian nhà kín không được tiếp xúc với người bên ngoài. Như vậy ngôi Thế tử kể như bỏ không, nhưng mọi người đều biết sớm muộn sẽ được trao về tay Trịnh Cán, nên thế lực Thị Huệ ngày càng thêm mạnh, trong khi bọn bầy tôi của Trịnh Tông đều xa lánh chủ cũ, mỗi người lẩn trốn đi mỗi nơi.
Tháng 10 năm Tân Sữu ( 1781 ), nghe tin Trịnh Sâm có ý lập Trịnh Cán làm Thế tử, bà Thái Phi Nguyễn thị ( tức bà nội Trịnh Tông ) bèn vào cung nói với Trịnh Sâm :
– Tông với Cán đều là cháu nội già này, thực không xem ai hơn ai. Nhưng nghĩ rằng Tông đã trưởng thành còn Cán thì nhỏ tuổi lại hay đau yếu luôn; khuyên vương thượng hãy nghĩ đến tông miếu xã tắc, tạm thời để trống ngôi Thế tử, chờ xem Tông có ăn năn hối lỗi hay không. Bằng không thì chờ khi Cán lớn khôn rồi lập, tưởng cũng không muộn gì.
Trịnh Sâm đáp :
– Việc lớn của nước nhà, cốt sao tìm được người xứng đáng để phó thác. Tên Tông và Cán, đối với mẹ là cháu, chưa bằng đối với tôi là con. Người xưa đã nói : “ Biết con không ai ngoài cha”, nay nếu không sớm định người nối ngôi, bọn tiểu nhân đâm ra dòm nom, trông chờ, tôi e tai họa sẽ xảy ra không biết lúc nào. Nếu như bệnh tình của Cán không khỏi thì thà lập Côn Quận công ( Trịnh Bồng – KH ), trả lại cơ nghiệp cho nhà bác [6] chứ không thể phó thác cho đứa con bất hiếu , để nó làm hỏng cơ nghiệp của tổ tiên được.
Thái phi không dám nói thêm gì nữa. Trịnh Sâm bèn làm tờ tâu, xin vua cho lập Vương tử Cán làm Thế tử. Lúc ấy Trịnh Cán mới 5 tuổi.
Tháng 9 năm Nhâm Dần ( 1782), bệnh chúa Trịnh trở nặng. Thường ngày chúa ở luôn trong cung để tránh nắng gió, thắp nến suốt ngày đêm. Các quan muốn trình báo việc gì đều do quan hầu đem tờ khải vào, Chúa muốn phán việc gì cũng do quan thị truyền chỉ ra.
Thái phi và các công chúa cũng ít khi được diện kiến, chỉ đứng ngoài cửa buồng hỏi thăm qua bọn thị thần mà thôi. Trừ có Quận Huy và Thị Huệ là được ra vào thường xuyên. Nhân đó, Thị Huệ bèn nói với Trịnh Sâm rằng :
– Thiếp thờ chúa thượng, nhờ ơn được quá yêu thương thành ra nhiều kẻ thù ghét, không biết rồi đây mẹ con thiếp gởi thân vào đâu.
Trịnh Sâm an ủi rằng :
– Danh vị Thế tử đã định rõ, nước là nước của nó, sau này khanh sẽ mẹ của thiên hạ, kẻ nào còn thay đổi được ?
Bấy giờ Quận Huy cũng ở đó, Trịnh Sâm bèn ủy thác cho Huy làm phụ chính, nhân đó Quận Huy đề cử thêm sáu phụ chính đại thần cùng nhận cố mệnh : Khanh Quận công Trịnh Kiều, Hoàn Quận công Nguyễn Hoàn, Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên, cùng bọn hoạn quan là Châu Quận công, Diễm Quận công và Thùy Trung hầu. Quận Huy liền sai Tứ Xuyên hầu thảo tờ cố mệnh ( di chiếu cho Trịnh Cán lên thay), Thiêm sai Nhữ Công Điển làm tờ sắc sách phong Tuyên phi ( cho Thị Huệ), dấu trong tay áo mà vào cung. Nhưng khi ấy Trịnh Sâm đã quá yếu không thể tự điền tên Cán vào tờ cố mệnh nên Quận Huy xin cho Trịnh Kiều ghi thay. Trịnh Sâm gật đầu đồng ý, ghi xong dâng lên thì Trịnh Sâm mắt nhắm nghiền không biết gì nữa, chỉ một lát sau là mất, thọ 44 tuổi ( 1739 – 1782). Bữa ấy là nhằm ngày 13 tháng 9 năm Nhâm Dần ( 1782).
Tờ cố mệnh và sắc sách phong được dâng lên vua Lê, ngay hôm ấy vua hạ sắc dụ lập Thế tử Trịnh Cán làm Điện Đô Vương. Trăm quan đồng lạy chào chúa mới, xong tất cả thay triều phục mặc áo trở để làm lể phát tang. Kể từ đó, Huy Quận công Hoàng Đình Bảo quyết định mọi việc lớn nhỏ trong triều chính, vì chúa còn nhỏ nên người trong nước ngờ rằng sớm muộn sẽ có “Lê Hoàn thứ hai” xảy ra [7] . Ngoài chợ người ta bàn tán xôn xao, lại có kẻ đặt câu ca dao :
“ Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy Quận vào sờ chính cung”
Lại cũng có câu :
“Đục cùn thì giữ lấy tông
Đục long cán gãy còn mong nỗi gì”
Huy nghe tin bèn sai quan Đề Lĩnh đem móc sắt và kéo treo khắp chợ, dọa rằng ai còn tụ tập bàn chuyện phiếm thì sẽ cắt lưỡi đi. Từ đó mọi người chỉ lấy mắt nhìn nhau chứ không dám nói chuyện công khai như trước nữa. Lòng người ly tán, ai ai cũng ghét Quận Huy và Thị Huệ nhưng vì sợ uy nên chỉ dám lén đồn đoán chổ riêng tư mà thôi.
Loạn kiêu binh
Lại nói từ thời Lê Trung Hưng, triều đình có lệ thường tuyển lính bảo vệ hoàng cung và phủ chúa từ hai đất thang mộc là Thanh Hoa – Nghệ An . Thanh Hoa ( từ thời Minh Mạng gọi là Thanh Hóa) được chia làm hai phủ là Tĩnh Gia và Hà Trung ; còn Nghệ An chỉ có một phủ là Anh Đô. Nên lính Thanh – Nghệ còn được gọi là quân tam phủ hoặc ưu binh. Chế độ đãi ngộ cũng cao hơn lính tuyển bốn nội trấn ( Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Dương ) gọi là nhất binh.
Một tháng sau ngày Trịnh Cán lên ngôi chúa, một hôm có tên bề tôi của Trịnh Tông là Dự Vũ lẻn vào nơi tụ tập uống rượu của bọn ưu binh, khéo léo dùng lời lẽ kích động bọn chúng chống lại Quận Huy và tôn phò Thế tử Trịnh Tông. Mọi người đều reo hò hưởng ứng, tên Biện lại của đội quân Tiệp bảo là Bằng Vũ đứng lên nói :
– Nếu mọi người đồng lòng thì chẳng qua chỉ cần đợi xong lễ tế buổi sáng, đánh ba hồi trống trong phủ làm hiệu, rồi nhất tề kéo đến lôi nó xuống vứt dưới thềm là xong thôi mà !
Lại có tên nho sinh Bùi Bật Trực nêu ý kiến :
– Đây là việc hệ trọng, nên nhờ Quốc cữu Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm tâu với Thánh mẫu ( mẹ Trịnh Sâm), nếu chẳng may (Hoàng) Đình Bảo biết được thì cứ bảo là có mật lệnh của Thánh mẫu, việc gì minh bạch cũng hay hơn.
Bà Thánh mẫu ( gọi đúng là Trịnh thái phi họ Nguyễn) không muốn binh sĩ làm kinh động nên sai người đến thuyết phục Quận Huy tạm thời cho Trịnh Tông tạm giữ ngôi chúa cho yên lòng quân sĩ. Quận Huy cương quyết cự tuyệt. Thế là tất cả phó mặc cho quân sĩ muốn làm gì thì làm.
Sáng ngày 24 tháng 10, lễ cúng cơm bữa sáng vừa xong, Bằng Vũ lẻn vào trong phủ đánh luôn ba hồi chín tiếng trống. Quân sĩ ồ ạt xông vào, phá tan cửa phủ, lôi Quận Huy từ trên mình voi xuống, thi nhau đánh đập đến chết. Em Quận Huy là Khanh Quận công Hoàng Lương cũng bị loạn quân giết chết. Quân sĩ kéo nhau đến nhà giam, phò Thế tử Tông lên phủ đường. Trong lúc gấp gáp, họ dùng tạm chiếc mâm cỗ đặt Thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng, có lúc lại kê cao mà đội trên đầu, khi mõi lại hạ xuống vai, cứ thế suốt một chặp trong tiếng reo hò không ngớt của quân sĩ và dân chúng đứng chật sân phủ đường. Sắc chỉ của nhà vua sau đó phong Trịnh Tông làm Nguyên soái, tước Đoan Nam Vương, truất Trịnh Cán làm Cung Quốc công, nhưng chỉ mấy hôm sau thì Cán đã chết vì bệnh.
Quân sĩ thả cửa cướp bóc, phàm những ai thuộc bè đảng họ Đặng và họ Hoàng cùng những người can dự vào việc tố cáo vụ án năm Canh Tý đều bị quân sĩ phá tan nhà cửa, việc lùng bắt giết người diễn ra ngay giữa ban ngày, không cần xét xử. Kinh thành bị náo động đến mấy ngày mới yên.
Triều đình định công ban thưởng, tất cả quân sĩ ưu binh đều được ban thưởng tiền bạc, đặc biệt những người khởi xướng đều được thăng chức. Tuy nhiên do cậy công nên bọn kiêu binh này ngày càng quá quắt, nhúng tay vào cả những việc của chính phủ như tố tụng, hoặc thay đổi nhân sự. Luật lệ chỉ ràng buộc được họ một cách lỏng lẻo mà thôi.
Hai tháng sau ngày khởi loạn của kiêu binh, những đại thần nhận cố mệnh giúp rập Trịnh Cán đều bị bãi chức. Vợ và hai con quận Huy bị giam vào ngục, bị Trịnh Thái phi trả thù hành hạ đến chết, kể cả Đặng Thị Huệ cũng bị bức phải uống thuốc độc tự vận. Tất cả những kẻ tố giác vụ án năm Canh Tý đều bị bắt làm tội, trừ Ngô Thì Nhậm không biết trốn đi đâu [8] . Còn những người đã bị chết vì vụ án thì được truy phong chức tước và lập đàn chay cầu siêu giải oan. Riêng có viên trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khản ( hay còn gọi Nguyễn Lệ), con Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân [9] , đã bị Trịnh Sâm xử tội chết trong vụ án năm Canh Tý nhưng nhờ trong ngục làm bài Tự Tình khúc, kể lại công lao giúp chúa từ thời thơ ấu , nhờ người lén đưa giấu cho Trịnh Sâm. Đọc xong, Trịnh Sâm động lòng thương nên đặc cách cho giảm nhẹ tội, chỉ bắt giam.
Khi ấy, Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ ( con của Thái tử Lê Duy Vĩ đã bị Trịnh Sâm bức chết năm xưa) nay đã 17 tuổi, vẫn còn bị giam trong ngục. Nhân khi phò Thế tử Tông làm chúa, quân sĩ cũng mang kiệu tới nhà giam rước hoàng tôn về cung vua. Bà Trịnh Thái phi sợ Thái tử Lê Duy Cận mất ngôi đông cung, bèn âm mưu triệu hoàng tôn vào cung rồi sai người bức hoàng tôn phải nằm lên cáng, định đem đi dìm xuống sông. Trên đường đi, nghe tiếng kêu la trong cáng, lính canh sinh nghi quát dừng lại. Bọn phu kiệu bỏ chạy, nhờ đó hoàng tôn thoát nạn. Bọn lính kéo nhau vào phủ, muốn tìm cho ra kẻ chủ mưu, thấy chiếc kiệu Thái tử để trong sân, quân lính tức giận phá tan chiếc kiệu. Thái tử Cận hoảng sợ phải cải trang làm thường dân mà lẻn về cung.
Trịnh Tông biết việc đó là do bà mình làm ra, muốn yên lòng quân sĩ bèn tâu vua xin lập Hoàng tự tôn làm Thái tử, truất Thái tử Cận làm Sùng Nhượng công. Đến đây lại phát sinh một nhân vật hiểm giảo nữa là Mai Doãn Khuê, người La Sơn Nghệ An, vì muốn lập công với họ Trịnh, bèn vu cho bọn kiêu binh đang âm mưu tôn phò Thái tử Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, bỏ hết quyền bính của chúa, để họ càng được tự tiện hơn nữa. Trịnh Tông tin là thật, bắt đầu có ý nghi ngờ Thái tử và bọn kiêu binh.
Một hôm, bọn kiêu binh họp nhau, cậy công đã rước hoàng tôn về nên kéo nhau đến sân điện, xin hoàng thượng ban thưởng. Nhà vua sai người đánh cá hồ Sen lên, chọn lấy cá trắm làm gỏi thết đãi cả bọn, định sẽ từ từ bàn đến ban thưởng. Có kẻ biết chuyện, nhanh chân chạy báo cho phủ chúa. Bọn Dương Khuông và Nguyễn Khản ( Lệ) bèn tâu chúa xin phái quân đến bắt giết đi.
Chúa Trịnh sai viên Thủ hiệu đội Nhưng nhất là Triêm Vũ hầu dẫn quân sang sân điện vây bắt. Bọn kiêu binh đang ăn uống, thấy quân lính tới bèn bỏ chạy tán loạn. Triêm Vũ hầu dẫn giải bảy tên bị bắt về phủ chúa , khép vào tội tự tiện xâm nhập hoàng cung, phải tội chém đầu. Sau vụ này, kiêu binh tức giận bàn với nhau :
– Có được triều đình cung vua phủ chúa ngày hôm nay là nhờ công chúng ta. Nay họ lại trả oán như thế, nếu cứ nín nhịn mãi thì có khác gì bó đũa bị bẻ từng chiếc ?
Hôm sau vào buổi tan chầu, cả bọn kéo nhau đến phá tan nhà Nguyễn Khản ( Lệ), Dương Khuông và Triêm Vũ hầu. Tìm không thấy người, biết Dương Khuông và Triêm Vũ hầu đã trốn vào phủ chúa , cả bọn bèn kéo sang phủ chúa đòi bắt. Trịnh Tông cùng Dương thị ( mẹ Trịnh Tông, chị ruột Dương Khuông) phải đem tiền ra chuộc mạng cho Dương Khuông, còn Triêm Vũ hầu theo lịnh Trịnh Tông đành phải tự ra nộp mạng cho kiêu binh, chỉ một lát sau đã bị chúng dùng gạch đá đập chết. Riêng Nguyễn Khản đã nhanh chân chạy lên Sơn Tây trốn thoát. Quân lính vẫn chưa đã nư, bèn yêu cầu chúa xét lại vụ án vừa qua. Nguyễn Khải (Lệ), Dương Khuông đều bị bãi chức làm dân thường. Bảy tên lính bị chém đều được đền mạng. Từ đó, kiêu binh lại càng ngông nghênh, ngoài đường phố họ cứ giăng tay đi, các quan gặp phải đều phải quay xe tránh đi lối khác. Kỷ cương phép nước bị xem nhẹ, hở một chút là bọn kiêu binh dọa sẽ phá nhà hoặc giết chết. Thậm chí , cả đến việc thay đổi các quan văn võ cũng phải hỏi quân sĩ mới xong, việc nước không sao tính nổi.
Nguyễn Khản ( Lệ) trốn thoát lên Sơn Tây, nơi có người em là Nguyễn Điều đang làm Trấn thủ. Cả hai bàn nhau viết tờ mật khải gởi Trịnh Tông xin hẹn ngày hội quân bốn trấn về Kinh diệt kiêu binh. Không ngờ kế hoạch đang dở dang thì bị lộ, kiêu binh quản thúc rất ngặt, đúng ngày 28 tháng giêng nhuận năm đó, thuyền của Hoàng Phùng Cơ từ trấn Sơn Nam về đậu ở bến Tây Long chờ nhưng Trịnh Tông không thể nào rời khỏi phủ được vì bị kiêu binh vây chặt, khám xét từng người ra vào.
Lúc bấy giờ cả kinh thành náo động, dân làng phố kẻ chợ đều dắt díu bồng bế nhau ra ngoài thành chạy trốn. Bọn kiêu binh vừa sợ vừa tức, gọi chúa Trịnh là giặc, rồi họp nhau thành đội ngũ, kéo vào trong phủ tước hết khí giới bọn cấm vệ; suốt ngày đêm chia nhau đi lại rầm rập trên đường; kinh thành hầu như sắp vỡ. Quân các trấn theo hẹn cũng rầm rộ kéo về, dân tình hết sức nhốn nháo. Kiêu binh hai xứ Thanh – Nghệ đóng ở các trấn đều phải bỏ trốn , lúc đi qua làng mạc chúng không dám lên tiếng. Hể kẻ nào buột miệng nói ra thổ âm Thanh- Nghệ , tức thì bị dân chúng bắt giết ngay. Mãi đến khi quân các trấn tự động bãi binh, ai về xứ nấy thì tình hình mới yên ổn trở lại nhưng cũng từ đó, quân dân coi nhau như cừu thù, mỗi khi ra ngoài thành, quân sĩ phải kéo nhau đi hàng đoàn. Hễ quân sĩ nào mà đi một mình, thường bị dân chúng chặn đường giết ngay.
Tây Sơn tôn phù nhất thống, yên định Bắc Hà
Tổ tiên bốn đời của ba anh em nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, gốc là dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Năm 1655 quân chúa Nguyễn Phúc Tần ( Hiền Vương ) vượt sông Gianh đánh bại quân Trịnh, chiếm giữ các huyện Nam Lam Giang ( Kỳ Hoa, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn và Thanh Chương ).Khi rút về Nam đã bắt dân ở đấy về theo, cho định cư ở ấp Tây Sơn huyện Quy Ninh ( Hoài Nhơn , Bình Định ). Đời cha là Hồ Phi Phúc dời nhà đến huyện Tuy Viễn. Sách Đại Nam liệt truyện chính biên- sơ tập chép :
“ Nhạc người huyện Phù Ly, làm nghề buôn lá trầu.Sau làm Biện lại ở bến tuần Vân Đồn, lỡ tiêu hết tiền thuế, Đốc trưng là Đằng truy bắt rất khẩn cấp, bèn vào núi làm kẻ cướp ”.
Năm Bính Ngọ ( 1786), Nguyễn Huệ vâng lịnh Nguyễn Nhạc dẫn quân từ thành Quy Nhơn tiến ra đánh Phú Xuân. Huệ nghe lời hàng tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, lập kế ly gián hai tướng giữ thành là Phạm Ngô Cầu và Phó tướng Hoàng Đình Thể, chỉ một trận đánh đã giết Thể tại trận, Phạm Ngô Cầu mở cửa thành đầu hàng, số tướng tá binh sĩ bị chết quá nữa, số còn lại bỏ chạy cũng bị thổ dân giết sạch [10]. Đất Thuận Hóa thuộc về Tây Sơn , bấy giờ là ngày 14 tháng 5 năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Cảnh Hưng.
Nguyễn Hữu Chỉnh vì có mối thù với Trịnh Tông , muốn bắt chước gương Ngũ Tử Tư [11] nên khuyên Nguyễn Huệ thừa thắng tiến ra Bắc, giương lá cờ “ Phò Lê Diệt Trịnh” để tranh thủ nhân tâm. Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau :
“ Lúc ấy Chỉnh nói với Bình rằng :
– Ngài vâng mệnh ra lấy Thuận Hoá, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là “thời”, hai là “thế” , ba là “cơ”; ba điều ấy mà có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà, tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói : “ Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong”. Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ !
Bình đáp :
– Bắc Hà là một nước lớn , có nhiều người tài. Lời xưa có nói “ con ong có nọc”, há có thể khinh thường được ư ?
Chỉnh nói :
– Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi. Nay tôi đã đi rồi ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại.
Bình vốn khéo dùng ngôn ngữ để bẻ người , liền đùa rằng :
– Không nghi ngại người nào khác, hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư ?
Chỉnh tái mặt mà tạ rằng :
– -Sở dĩ tôi tự nêu lên cái ngu hèn của mình như thế, chẳng qua cũng chỉ để nói quá rằng nước tôi không có người tài nào đó mà thôi”.
Quân Tây Sơn vượt sông Gianh đi đến đâu , quân giữ đồn của chúa Trịnh bỏ chạy đến đấy. Trấn thủ Nghệ An là Đương Trung hầu Bùi Thế Toại, trấn thủ Thanh Hoa Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy thấy bóng quân Tây Sơn đều bỏ chạy mà không dám đánh một trận nào. Ngày mùng 6 tháng 6 năm 1786 , trấn Sơn Nam cũng rơi vào tay Tây Sơn, thủy quân của Liễn Trung hầu Đinh Tích Nhưỡng bị đánh thua tan tác. Tin thất trận liên tiếp báo về kinh đô, Trịnh Tông định bỏ chạy lên Sơn Tây thì bị kiêu binh biết được ngăn lại, đành phải gọi Thạc Quận công Hoàng Phùng Cơ đem quân về cứu giá. Quân Tây Sơn lại đánh tan quân Hoàng Phùng Cơ tại cửa Thúy Ái ( Thanh Trì, Hà Đông ngày nay), Trịnh Tông vội vàng bỏ kinh thành mà chạy, ngày 26 tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ vào Thăng Long.
Tình hình hổn loạn của kinh thành lúc ấy được Hoàng Lê Nhất thống chí ghi lại như sau :
“ …nhân lúc rối ren, dân chúng ở xung quanh Kinh thành tha hồ rủ nhau đón đường cướp bóc. Ngựa xe, của nả của các họ hàng nhà chúa và của các đại thần, đại phu đều bị họ lấy sạch, không biết bao nhiêu người chỉ còn trơ chiếc mình không mà chạy.
Còn bọn kiêu binh, sau khi tan vỡ đều phải chạy trốn đi các nơi. Nhưng chúng đến đâu cũng bị dân quê kể tội kiêu ngạo lộng quyền ngày trước và làm cho nhục nhã đủ đường, không có ai chứa chấp.
Bữa ấy, có một người cởi trần trùng trục cũng ở trong thành chạy ra, khi qua cửa ô bị dân chúng trông thấy, họ liền chỉ mặt mà nói :
– Thằng bụng phệ kia chẳng phải lính Nhưng, Kiệu là gì, lôi cổ nó lại mà đánh chết đi.
Người ấy vội đáp :
– Không phải, ta là Huyện Úy huyện Thọ Xương đây !
Mọi người cùng cười mà rằng :
– Người ta thường nói “ bụng to như bụng ông huyện” thật không sai !
Người ấy cũng cười rồi đi.
Ngày hôm đó lính Thanh – Nghệ dắt díu nhau về quê, bị đói khát ở dọc đường, lại chết thêm đến hàng trăm tên…”.
Về cái chết của Trịnh Tông , sách Cương mục ghi lại như sau :
“ Khi Trịnh Tông đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng thì quân sĩ đi theo đã chạy tan tác hết.
Bấy giờ, có viên Thiêm sai, làm việc ở Lại Phiên là Lý Trần Quán, trước đó được cử đi truyền hịch để chiêu mộ nghĩa binh, bất ngờ gặp Trịnh Tông. Lý Trần Quán giả vờ nói với người hoc trò của mình là Nguyễn Trang rằng :
– Đây là quan Tham Tụng, người họ Bùi đi lánh nạn đến, anh hãy hộ vệ ngài, đưa ngài qua bên kia địa giới của huyện này.
Nguyễn Trang biết đó là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng là Nguyễn Bá bắt Trịnh Khải bỏ cũi định nộp cho Tây Sơn lấy thưởng. Lý Trần Quán được tin ấy, vội vàng chạy đến, vừa lạy vừa khóc, nói rằng :
– Đẩy chúa vào tình thế này, tội là ở thần.
Xong lấy nghĩa lớn ( của đạo chúa tôi) mà khuyên bảo Nguyễn Trang, nhưng Trang lại nói :
– Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa chẳng bằng quý thân !
Nói rồi hắn giải Trịnh Tông đi. Dọc đường Trịnh Tông thừa lúc sơ hở bèn dùng dao cắt cổ tự tử. Nguyễn Trang đem thi thể của Trịnh Tông nộp cho giặc. Nguyễn Văn Huệ sai sắm đủ áo quan để khâm liệm và tống táng cho Trịnh Tông,, bổ dụng Nguyễn Trang làm trấn thủ Sơn Tây, lại còn phong cho làm Tráng Liệt hầu…” .
Ngày hôm ấy là ngày 27 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Cảnh Hưng. Dân kinh kỳ nhiều người quy tội gián tiếp giết chúa cho Nguyễn Hữu Chỉnh, gọi hắn là cõng rắn cắn gà nhà. Cái chết của Trịnh Tông cũng chấm dứt sự tồn tại của chính quyền vua Lê – chúa Trịnh độc đáo, có một không hai trong lịch sử Việt Nam . Theo chính sử, Trịnh Tông ( Khải ) là vị chúa đời thứ 11, nếu kể khởi thủy từ Trịnh Kiểm thì đến Trịnh Tông, họ Trịnh đã có mặt trên vũ đài chính trị 243 năm [12]. Mặc dù sau này có sách còn kể thêm Trịnh Bồng nhưng thời gian tự lập làm chúa quá ngắn ngủi, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1786 thì bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi mất tích luôn, không biết sống chết ra sao. Tháng chạp cùng năm, sau khi Trịnh Bồng bỏ chạy thì toàn bộ lâu đài cung khuyết huy hoàng của các đời chúa Trịnh bị đốt cháy ra tro hết.
Nhìn chung, sử gia đời sau thường có cái nhìn khắt khe khi nhận định về các chúa Trịnh như chuyên quyền, độc đoán, hiếp chế và bức hại vua Lê, ức thương, nhất là hai cuộc chiến tranh Lê Trịnh – Mạc và Trịnh – Nguyễn kéo dài đã làm đời sống nhân dân bị kiệt quệ, đói khổ. Bỏ qua những gam màu chính trị đen tối kia thì chính trong thời kỳ ấy, nền văn hóa truyền thống dân gian đồng bằng sông Hồng được bảo tồn và phát huy rất tốt sau lũy tre làng, cũng như tiểu thủ công nghiệp rất phát triển mà Gốm Bát Tràng là một ví dụ.
Ngay khi vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã vào hoàng cung diện kiến vua Lê, xác định rõ chủ trương tôn phò vua Lê diệt cường quyền họ Trịnh, định lại nền nhất thống nước nhà. Vua Lê Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Uy Quốc công, lại đem con gái là công chúa Ngọc Hân gả cho . Sau đó là một loạt những sự kiện chính xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn, được Hoàng Lê nhất thống chí ghi lại như sau :
Ngày mùng 10 tháng 7, diễn ra lễ cưới Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa.
Ngày 14 bệnh vua Lê trở nặng.
Ngày 15, vua Lê gắng gượng ngự triều ban chiếu bá cáo nói về việc nhất thống.
Ngày 17, vua Lê băng hà, thọ 70 tuổi [13] . Thái tử Duy Kỳ lên nối ngôi , đặt niên hiệu là Chiêu Thống, lấy năm 1787 làm năm thứ nhất.
Ngày mùng 5 tháng 8, vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc ra tới Thăng Long.
Ngày 18 , Tây Sơn bí mật rút hết quân về nước. Bị bỏ rơi, Nguyễn Hữu Chỉnh lật đật dong thuyền đuổi theo, đến Nghệ An thì đuổi kịp, Nguyễn Huệ lưu Chỉnh ở lại đó, đóng quân làm kế thanh viện.
Đến đây thì việc tôn phò nhất thống đã gom về một mối, triều Lê lại làm chủ một dãi giang sơn từ Cao Bằng cho đến Thanh Hoa. Tuy nhiên thói quen ỷ lại vào nhà chúa [14] lâu ngày đã khiến các vua Lê không còn khả năng tự mình giữ việc triều chính nữa, kể cả chính lệnh của vua ban ra cũng chẳng được được ai thi hành. Mọi người đều lấy chữ tư lợi làm đầu; bọn thổ hào, châu mục các trấn tụ tập binh mã cát cứ khắp nơi; nhân đấy nạn cướp bóc nổi lên, thật là không ai dập tắt được.
Hậu vận của Triều Lê :
Vua Lê Chiêu Thống lên ngôi trong lúc chính sự đổ nát, lòng người ly tán, lần lượt từng gương mặt loạn thần lộng quyền hiện ra trên sân khấu chính trị như một trò hề, từ Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế, Trịnh Bồng… rồi đến đệ nhất gian hùng đất Bắc là Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi chúa, hiếp vua, tự chuyên mọi chuyện. Đến khi Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền bị Nguyễn Huệ giết chết, vua Lê bỏ kinh thành mà trốn đi, trong nước không có người làm chủ… Nhân đấy Nguyễn Huệ cắt đặt lại quan chức, cho Sùng Nhượng công Lê Duy Cận tạm quyền Giám quốc ( bù nhìn), Ngô Văn Sở coi việc quân sự toàn cõi Bắc Hà, các quan cựu thần triều Lê thì đa số trốn tránh hoặc chạy theo vua Lê, chỉ một số ít ra nhận quan tước của Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan …độ sáu bảy người [15] . Ấy là do tư tưởng chính thống trung quân còn nặng, mọi người đều coi Tây Sơn là kẻ ngoài , một số lại coi như thù địch .
Chính quyền lúc ấy là chính quyền của Tây Sơn, quân đội là quân đội của Tây Sơn, quan chức do Tây Sơn đặt để, quyền điều hành mọi việc đều do tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở quản lĩnh. Đến đây thì xem như nhà Lê đã cáo chung, mặc dù thực tế sau đó Lê Chiêu Thống có theo chân quân xâm lược nhà Thanh về nước ( tháng 12 năm 1788 ), nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó lại chỉ lo trả ân trả oán, vả lại trên giấy tờ công văn gởi đi đều ghi niên hiệu Càn Long chớ không dám ghi là Chiêu Thống vì ngại Tôn Sĩ Nghị.
Sau trận đại thắng quân Thanh rung trời chuyển đất mùa Xuân năm 1789 của Hoàng Đế Quang Trung, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Trung Quốc; tháng 10 năm Quý Sữu (1793) thì mất, hưởng dương 29 tuổi. Năm 1804, di hài được đưa về an táng ở lăng Bàn Thạch ( Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay) .
Triều Hậu Lê, kể từ Lê Thái Tổ mở nước dựng nghiệp đến Lê Chiêu Thống, trên danh nghĩa là được 360 năm, nhưng chỉ có 100 năm đầu là có quyền lực thực sự. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc, sử cũ gọi là ngụy triều. Năm 1533, Nguyễn Kim phò Lê Trang Tông lên ngôi tại Thanh Hoa, bắt đầu giai đoạn triều Lê Trung hưng mà các vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền chính đều nằm trong tay họ Trịnh. Cuối thời Trịnh Sâm trở đi thì đất nước rơi vào loạn lạc, chia rẽ trầm trọng, sử gọi là thời Lê mạt.
Triều đại của Hoàng Đế Quang Trung quá ngắn ngũi khiến mọi người đời sau đọc sử đều lấy làm tiếc, những cải cách do vua Quang Trung thực thi đều chưa phát huy tác dụng; cũng như chưa lấy trọn lòng tin của sĩ phu hai miền Nam, Bắc còn nặng lòng với chúa cũ. Cái chết đột ngột của vua Quang Trung cộng thêm sự mâu thuẫn nội bộ là hai nguyên nhân chính khiến triều Tây Sơn nhanh chóng đi vào sụp đổ.
Tâm trạng của sĩ phu Bắc Hà thời Lê Mạt :
Xứ Bắc Hà vẫn tự hào ngàn năm văn hiến, gọi Tây Sơn là “ giặc mọi” [16], nhưng thực ra khi ấy Thăng Long đang lâm vào cảnh loạn lạc, ly tán, tàn phai và thoái trào. Đạo đức suy đồi; các giá trị truyền thống bị đảo lộn, nạn mua quan bán tước, nhũng nhiểu hoành hành, khắp nơi đều là chiến trường. Những kẻ tự xưng trí thức khoa bảng chỉ thập thò nơi cung vua phủ chúa, gây bè kéo cánh, chăm chăm bắt bẻ lời nói của nhau hoặc kể tội người khác để lập công; bọn võ quan khi ở triều đình thì bẻm mép, giặc đến thì lủi nhanh hơn “ heo bị lang đuổi”, có mấy ai còn ý thức vì dân vì nước. Trong cung đình thì rặt một bọn khoác lác, đón ý chúa mà mưu cầu lợi riêng. Chốn hậu cung thì cũng góp phần vẽ nên bức tranh vân cẩu, thật là làm trò cười cho hậu thế. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, trách bọn kiêu binh làm quá thì cũng phải trách những kẻ đã góp phần tạo ra kiêu binh.
Có thể xem câu nói của tên cường đạo Nguyễn Trang “ sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa không bằng quý thân mình ” là tuyên ngôn xử thế lúc ấy của nhiều người, cũng là cây đinh cuối cùng đóng vào nắp quan tài chế độ Lê-Trịnh. Chỉ trong một thời gian ngắn mà xảy ra dồn dập bao biến cố mang tính dấu mốc lịch sử , mà điển hình là sự trổi dậy của phong trào Tây Sơn, chỉ một lần ra Bắc đã quét sạch một chế độ đã tồn tại suốt hơn hai trăm năm ; khiến mọi định chế, quy ước của thượng tầng kiến trúc phong kiến rung rinh tận cội rễ; nên sự hoang mang của sĩ phu Bắc Hà là điều dễ hiểu.
Một số từ chối cộng tác với triều Tây Sơn, chấp nhận ở ẩn để giữ tròn khí tiết, giữ vẹn tấm lòng trung quân ái quốc với triều Lê ; bởi vì phần nhiều đã từng hưởng lộc, chịu ơn mưa móc của vương triều cũ trải qua nhiều đời.
Một số ra cộng tác với triều đại mới, hy vọng lập công, tạo sự nghiệp để đời ; vì đã sớm thấy sự mục ruỗng, thối nát vô phương cứu chữa của thời Lê mạt.
Một số ra cộng tác với Tây Sơn vì vốn đã bị thất sũng hoặc mang tội với triều trước, hoặc chịu ảnh hưởng từ tài nhìn người tinh đời của Nguyễn Huệ.
Nhưng số lớn vẫn là giữ thái độ thù địch, coi Tây Sơn như đạo quân xâm lược, hãy nghe những lời đối đáp của Ngô Thì Nhậm với Ngô Văn Sở, khi khuyên vị tướng này nên lui quân về Tam Điệp để bảo toàn lực lượng :
“…Xưa kia, nước ta bị phụ thuộc vào Trung Quốc, quân Minh buông tuồng làm điều tàn bạo. Người cả nước ai cũng muốn đuổi chúng đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng là xa gần hưởng ứng, hào kiệt cả nước kéo đến như mây tụ.Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ lo quân mình bất lợi. Mỗi khi có tin thắng trận, ai nấy đều hết sức vui mừng. Lòng người như thế, nên hễ chỗ nào có quân mình mai phục, thì người ta đều dấu kín cho, khiến cho giặc không hề biết. Sở dĩ thắng được giặc đều bởi cớ ấy. Ngày nay, những người bề tôi trốn tránh của nhà Lê, đâu đâu cũng có, nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghểnh cổ mà trông. Sĩ dân cả nước, giành nhau mà đón chúng. Quân ta( Tây Sơn –KH) mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít, quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng…Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà thuộc vào số quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là trốn liền…”. [17]
Khi thua trận Đầu Mâu – Nhật Lệ , vua Quang Toản rút lui về Thăng Long nhưng sức đã cùng, lực đã kiệt , lại không nhận được sự ủng hộ của người dân Bắc Hà nên lâm vào cảnh không chốn nương thân :
“ …Ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Quang Toản tự liệu thế không chống được, cùng em là Quang Thùy, Quang Thiệu và bọn bầy tôi sang qua sông Nhị Hà chạy lên miền Bắc, chạy đến Xương Giang , đêm ngũ trọ lại, dân thôn mưu bắt. Quang Thùy tự thắt cổ chết, Toản bị dân huyện Phượng Nhãn bắt được, đóng cũi đưa đến Bắc Thành”. [18]
Khi vua Gia Long đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước năm 1802 [19], ngài chọn Huế làm kinh đô, một lần nữa người dân lại một phen bỡ ngỡ vì Bắc Hà thay đổi chủ mới, Thăng Long mất vai trò là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước; bị đổi tên là Bắc Thành, chỉ là một đơn vị hành chánh cấp vùng, giống như Gia Định thành trong Nam. Kinh đô mới ở mãi trong Thuận Hoá, quan dân Bắc Hà khi có việc bẩm báo phải lặn lội đi xa hàng ngàn dặm. Kể từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ định đô và đặt lại tên, Thăng Long đã trải qua 792 năm là kinh đô của các vương triều Lý, Trần, Hồ, ( Hậu ) Lê , Mạc [20]. Từ vai trò đầu tàu cả nước, thật khó khăn để chấp nhận sự thật nay chỉ là một phiên trấn ! Tấm lòng luyến nhớ vua Lê, mặc cảm phiên thần , lòng tự hào bị thương tổn của sĩ phu xứ ngàn năm văn vật còn kéo dài một khoảng thời gian rất lâu [21].
Trong văn học, bài thơ “ Qua Đèo Ngang” nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan đã nói lên tâm trạng u uất, hoài cổ, nhớ thương nước cũ đã mất của các cựu thần triều Lê đó. Bàng bạc trong thơ là một tâm trạng bẽ bàng và phôi pha. Một tuyệt tác khác là bài “ Thăng Long hoài cổ ”, đọc xong không ai trong chúng ta là không ngậm ngùi thương xót cho thân phận con người trước cảnh bể dâu của cuộc đời :
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại : trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
THĂNG LONG HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
CHÙA TRẤN BẮC
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu 
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá ?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu
CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ?
Đèo Ngang : Ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh
Trường hợp điển hình khác là cuộc đời của thi hào Nguyễn Du. Vốn xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, cha anh đều là trọng thần của đương triều, nhận được nhiều sủng ái của chúa Trịnh, khi Tây Sơn chiếm Bắc Hà, ông tìm cách trốn vào Nam theo chúa Nguyễn nhưng thất bại, bị Tây Sơn giam lỏng một thời gian ở Bắc Thành. Sau này khi miễn cưỡng ra cộng tác với nhà Nguyễn, dù được vua Gia Long tín nhiệm nhưng ông vẫn giữ đúng thân phận một người được lưu dụng, mọi việc cốt sao càng ít nhắc tới càng tốt, khi dự việc triều chính thì giữ thái độ thụ động đến nỗi có lần vua Gia Long phải lên tiếng quở trách. Tấm lòng hoài Lê, nhớ thương cố quốc theo ông suốt đời, cho tới khi nhắm mắt ( 1820 ).Truyện Kiều là một tiếng thở dài chua xót cho thân phận; cũng như tâm trạng bế tắc của ca nương , nhân vật chánh trong bài hành “ Long Thành cầm giả ca ” nói lên nổi lòng của một nhân tài, phải chịu mai một vì sa cơ lỡ vận…
Than ôi ! Mọi việc ở đời như dòng nước trôi đi, việc sau lấp lên việc trước như những con sóng, đời người là hữu hạn mà sóng trường giang kia là vô hạn. Chép lại việc cũ cũng là một cách tự răn mình, đạo làm người mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, ai dám bảo là mình đã ( học ) đạt.
( Tháng 10 – 2010 )
Tài liệu tham khảo :
Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hoá, 2006
Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch, NXB Văn học, 2006 .
Việt Sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục 2002
Kể chuyện lịch sử nước nhà, Ngô văn Phú, NXB Trẻ, 2009
Hỏi đáp lịch sử Việt Nam , Trần Nam Tiến chủ biên, NXB Trẻ 2008
Các Ngôi sao Tây Sơn, NXB Văn Nghệ TP HCM, 2001 
Thi ca Việt Nam chọn lọc , NXB Đồng Nai, 2009
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia : Trịnh Tông, Lê Chiêu Thống
Chú thích :
[1] Mười hai đời chúa Trịnh gồm : Trịnh Kiểm ( 1545-1569), Trịnh Tùng ( 1570-1623), Trịnh Tráng ( 1623-1657), Trịnh Tạc ( 1657-1682), Trịnh Căn ( 1682-1709), Trịnh Cương ( 1709-1729), Trịnh Giang (1729-1740), Trịnh Doanh ( 1740-1767), Trịnh Sâm ( 1767-1782), Trịnh Cán ( 1782 ), Trịnh Tông ( 1782- 1786 ), Trịnh Bồng ( 1786 ) .
[2] Hỏi đáp lịch sử Việt Nam , NXB Trẻ, trang 213-220. 
[3] Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 62 
[4] Một cấp bậc vợ vua thấp hơn hậu , phi, tần nhưng cao hơn mỹ nhân.
[5] Thực ra vai trò của hoạn quan trong hậu cung rất quan trọng, các cung phi muốn được biết tin tức đều phải mua chuộc họ. Trường hợp này có khi cũng vậy, nghĩa là Khê Trung hầu có thể đã nhận “ bồi dưỡng ” rồi nên cố tình tráo người ! 
[6] Năm 1740, Trịnh Doanh ( cha Trịnh Sâm ) làm binh biến, cướp ngôi chúa của anh là Trịnh Giang. Như vậy Trịnh Sâm và Trịnh Bồng là anh em chú bác.
[7] Năm 980, lợi dụng vua Đinh còn nhỏ tuổi , Lê Hoàn thông dâm với Thái hậu Dương Vân Nga và làm binh biến soán ngôi, lập ra triều ( Tiền ) Lê. Dương Vân Nga được lập làm Hoàng hậu , Đinh Toàn bị phế làm Vệ Vương, sau đó bị Lê Hoàn giết đi.
[8] Hoàng Lê nhất thống chí , sđd, trang 86.
[9] Anh cùng cha khác mẹ với thi hào Nguyễn Du.
[10] Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 91-93.
[11] Cha và anh bị hôn quân nước Sở giết chết, Ngũ Tử Tư ( Ngũ Viên ) trốn sang Ngô, giúp vua nước Ngô dựng nên nghiệp bá rồi đem quân về trả thù, đánh tan quân Sở.
[12] Có sách tính là 248 năm, từ 1539 là năm Trịnh Kiểm làm Tả tướng cho Nguyễn Kim ( phò vua Lê Trang Tông ) đến Trịnh Bồng năm 1786. Thực ra chỉ sau khi Nguyễn Kim mất năm 1545, họ Trịnh mới bước lên vũ đài chính trị.
[13] Vua ở ngôi 46 năm ( 1740 – 1786 ), nhưng mọi việc đều phó thác cho chúa Trịnh. Bị Trịnh Sâm đè nén đủ đường nhưng nhà vua vẫn vui đùa như thường. Những người gần gũi thấy vậy đều can ngăn, nhà vua đáp “ Nhờ ta vô ưu như thế mới tránh khỏi sự ngờ vực của nhà chúa. Vui chơi như thế này cũng là một cách tránh tai vạ đó thôi”. Khi Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh , trao quyền nhất thống nước nhà thì vua lại lấy làm lo lắng, miễn cưỡng chứ không vui mừng chút nào.Lúc hấp hối, nhà vua còn bảo với Hoàng tự tôn Lê Duy Kỳ ( Chiêu Thống ) : “…Ta chỉ sớm tối là được trút hết gánh nặng, cái lo sẽ dồn cả vào thân mày, liệu mà nghĩ tới điều đó ”. Thật là hèn hạ bạc nhược ; chẳng trách sau này Lê Chiêu Thống noi theo gương, chịu tiếng xấu ngàn đời.
[14] Xem chú thích trên.
[15] Ngô Thời Nhiệm bị Trịnh Tông truy bắt khi lên ngôi chúa vì tội tố cáo chúa mưu phản để lập công năm 1780. Nhiệm trốn về quê nương náu, khi Tây Sơn bố cáo chiêu an thì Nhiệm là người ra trình diện chính quyền mới sớm nhất. Do đó được Nguyễn Huệ trọng dụng, cho làm Tả thị Lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu. Phan Huy Ích là tù binh của Nguyễn Hữu Chỉnh, khi Chỉnh bị diệt thì Ích được Vũ Văn Nhậm trả tự do nhưng kể như bị thất nghiệp. Nguyễn Huệ phong Ích làm Tả Thị Lang bộ Hộ tước Thụy Nham Hầu , được đưa về Phú Xuân coi việc giấy tờ. Cả hai đều bị ( Chiêu Thống ) đục bia ( 1788), Nguyễn ( Gia Long ) nọc ra đánh đòn ( 1802 ) ở Văn Miếu vì tội theo giặc . Trong thời gian an trí ở quê cho đến khi mất (1822), Phan Huy Ích có công hoàn chỉnh bản dịch Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng trong văn học ( tác giả Đặng Trần Côn ), mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm. Tưởng cũng nên biết thêm : Phan Huy Ích vừa là học trò, vừa là con rể của Ngô Thì Sĩ; còn Nguyễn Thế Lịch là bố vợ của Phan Huy Chú, con Phan Huy Ích. 
[16] Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 175.
[17] Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, trang 336.
[18] Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa , quyển 30 : Ngụy Tây, trang 608 
[19] Từ khi vào Thuận Hóa ( năm 1558 ) các chúa Nguyễn đều xưng là phiên thần triều Lê , trên giấy tờ vẫn ghi niên hiệu của các vua Lê, mãi đến năm 1802 này mới chấm dứt. 
[20] Cũng có ý kiến khác lấy mốc năm 1788 là năm vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, chọn Nghệ An làm kinh đô; như vậy kinh đô Thăng Long đã kéo dài được 768 năm. 
[21] Về tâm trạng vừa tự ti, vừa tự tôn đó của giới sĩ phu miền Bắc, có lần vua Gia Long đã nhận xét “ …xứ Bắc Hà dân tình kiêu bạc…”. Năm 1854, Cao Bá Quát nhận làm quân sư cho Lê Duy Cự nổi lên chống lại nhà Nguyễn, lời hiệu triệu nhấn mạnh mục đích là lập lại vương triều Lê để mong nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân .

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen