Mittwoch, 6. Juli 2016

Ngã Ba Ông Tạ

Khu Ông Tạ 

Sài Gòn có nhiều địa danh có liên quan đến nhân vật như: ngã ba Ông Tạ, ngã ba Chú Ía, cầu Bà Ðô, chợ Bà Hoa...

Cầu Bà Ðô nằm gần cuối đường Bến Chương Dương, lâu ngày kênh rạch bồi lấp không còn nhìn ra hình dáng cây cầu nữa ngoại trừ một tấm bảng nhỏ bên đường. Ðịa điểm này sau 75 là nơi tụ tập của những người đi vượt biên, từ đây họ sẽ lên ghe xuôi rạch Bến Nghé ra cửa biển.
Chợ Bà Hoa ở trên đường Nguyễn Mai Ninh, thoạt tiên chỉ là khu chợ nhỏ của những người Quảng Nam di tản vào Saigon. Sau này khu dệt Bảy Hiền tấp nập, chợ Bà Hoa ngày càng nhộn nhịp, chật chội nhưng không còn chỗ nào mở rộng vì chung quanh nhà dân san sát, máy dệt chạy suốt ngày


Cứ nghe địa danh là biết ngay đặc điểm của địa phương đó. Gọi Ngã Năm Chuồng Chó vì nơi đây có trường Quân khuyển, Xóm Thuốc vì có thời kỳ chuyên trồng thuốc lá, Cầu Kho là cây cầu cạnh kho chứa lương thực, ngã ba Ông Tạ vì nơi đây có... ông Tạ.
Ðịa danh Ông Tạ khá đặc biệt vì nhân vật này vẫn còn tồn tại cho đến tận những năm gần đây.




Thủa ấy, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bi tuy gốc gia đình nông dân nhưng không thích công việc cày cuốc, trồng trọt nhà nông mà lại ham muốn dấn thân vào nghề y. Ðông y trước kia không có trường lớp bài vở rõ ràng như Tây y mà chỉ dạy theo kiểu truyền nghề. Muốn học Ðông y phải tìm thầy giỏi, chuyên tâm theo đuổi nhiều năm để hằng ngày được thầy chỉ dẫn thực hành cách chẩn bệnh, bốc thuốc. Thay vì Tây chia ra hai ngành Y và Dược đào tạo bác sĩ và dược sĩ riêng rẽ thì thầy lang kiêm nhiệm cả hai lãnh vực đó. Vừa khám bệnh vừa bốc thuốc. Thuốc men thầy cũng phải tự tìm lấy, tự thái sao tẩm phơi
Nguyễn Văn Bi rời nhà, lang bạt qua các ngọn núi tỉnh Tây Ninh tìm nơi học nghề, được các thầy thuốc Nam truyền cho những bài thuốc cổ truyền với nguyên liệu thuốc Nam, một số là cây cỏ thiên nhiên tìm trong rừng núi, số khác trồng trong vườn nhà. Sau khi nắm vững các bài thuốc Nam, ông hạ sơn và tiếp tục học nghề thuốc Bắc ở các tiệm thuốc của người Trung Hoa.


Sau thời gian dài, khi đã nắm vững nghề thuốc, ông bắt đầu hành nghề độc lập, bắt mạch và bốc thuốc chữa bệnh cho dân chúng.
Từ trước năm 54, cả khu vực quanh hương lộ 14 chỉ là bãi đất mênh mông với ít đám rau hay cỏ dại mọc lan tràn, thưa thớt dăm nóc nhà và một mái chùa nhỏ có tên Thánh Thọ.
Ðường sá hoang vu, chùa cũng vắng vẻ. Ông Bi mua nguyên khu vực hương lộ có chùa Thánh Thọ trong đó rồi bắt đầu mở phòng khám bệnh. Mặc dù tấm bảng lớn đề tên phòng khám trưng ngay trước cửa nhưng ít ai để ý. Hỏi thăm phòng khám Trần Thái đường, dân địa phương chẳng ai biết bởi tất cả mọi người đều gọi gọn là “phòng khám Ông Tạ.”
Ông Tạ thông thạo Hán văn, có thể tự nghiên cứu sách vở, tài liệu. Ông kết hợp cách chẩn bệnh của người Việt và người Hoa, kết hợp cả thuốc Nam và thuốc Bắc một cách thông thạo. Vì thế danh tiếng của ông không những nổi trong khu vực mà còn mau chóng bay rộng. Bệnh nhân khắp nơi đông tới nỗi phải chầu chực từ sáng sớm để đợi tới phiên. Cả tây đầm cũng tìm đến xin chữa trị vì tiếng đồn về ông là “chẩn bệnh như thần.”
Ngoài tài y dược, ông còn có cái tâm của một lương y đạo đức. Bênh nhân nghèo đến, ông chữa bệnh, cho thuốc không tính tiền, dân chúng xung quanh không có nhà ở, ông cắt đất cho. Năm 54, làn sóng di cư vào Nam đổ vào khu vực này khiến khu Ông Tạ trở nên đông đúc.
Ðến năm 75, ông chỉ còn sở hữu hai ngàn mét vuông đất ở góc đường và mặc dù đường đã đổi tên mới nhưng tiếng tăm về ông lan rộng tới nỗi góc đường Lê Văn Duyệt-Thoại Ngọc Hầu được mọi người gọi là Ngã ba Ông Tạ, rồi chợ Ông Tạ, cầu Ông Tạ... Nguyên khu vực này được gọi chung là Khu Ông Tạ


Mộ Ông Tạ rào kín nằm phía sau phòng khám

Cầu Ông Tạ bắc ngang qua kênh Nhiêu Lộc nay đã bị phá bỏ, thế bằng hai cây cầu nhỏ phân thành hai luồng xe xuôi ngược.
Dân di cư tập trung đông đảo biến nơi này thành khu “Bắc kỳ” thuần túy. Những người miền Bắc trên đường vào Nam mang theo nguyên vẹn cuộc sống từ y phục, giọng nói, ẩm thực...
Trước kia, dân Hố Nai về thành phố thường đến đây có khá đủ hàng hóa cần thiết cho họ mua bán. Khi nhà văn Thanh Thương Hoàng nhắn mua hạt giống cải để trồng vào mùa Xuân, loại cải để muối dưa chua. Ðến khu Ông Tạ là chắc chắn nhất, khỏi cần đi tìm nhiều nơi vì ở đây bày bán đầy đủ các loại hạt giống rau, củ.
Sau khi chợ Ông Tạ bị giải tán, chợ mới Phạm Văn Hai được thành lập thu gom người buôn bán vào đó thì đi trên đường, nhìn vào các con hẻm nhỏ hai bên, người ta vẫn thấy cảnh buôn bán rơi rớt từ chợ nhỏ trước kia. Họp dài dài theo ngõ hẹp là rau cỏ, thịt thà bày dưới đất dọc theo lối đi. Hàng hóa đặc Bắc: rau thì là, cà váu, củ dong riềng... Tết đến rợp trời lá dong và lạt giang. Mọi người kháo nhau muốn ăn tương Bắc, mắm tôm ngon, phải tìm đến đúng chợ Ông Tạ. Ðó là không kể mộc tồn và bê thui là hai món “đặc sản.” Các quầy nhỏ nhắn, gọn gàng đứng rải rác dọc theo đường treo lủng lẳng hoặc bày trên mặt quầy mộc tồn vài con, bê thui nguyên đùi vàng ươm. Khách hàng ghé xe vào mua mang đi chứ không có bàn ghế bày ăn tại chỗ vì lề đường quá hẹp.
Khu Ông Tạ cũng nổi tiếng với khu phố Hàn quốc nằm đằng sau chợ Phạm Văn Hai đông người Ðại Hàn sinh sống với nhiều cửa hàng, quán xá chuyên bán thực phẩm, thức ăn Hàn.
Ông Tạ người to, cao, uy nghi, nhìn rất tốt tướng. Sau 75 ông vẫn tiếp tục nghề chữa bệnh mãi đến cách đây hơn mười năm, ông mới qua đời, thọ ngoài bảy mươi tuổi. Sinh thời không có con nên ông truyền nghề thuốc cho một người cháu và hai con trai của người cháu này. Người cháu ruột cũng đã mất cách đây ba năm nên hiện nay thương hiệu “nhà thuốc Ông Tạ” thuộc về hai người cháu trai là Nguyễn Văn Huệ ngay nhà ông Tạ và Nguyễn Văn Ðông cũng ở gần đó. Ngoài chẩn trị còn thêm châm cứu.
Ngày nay việc học nghề Y dễ dàng hơn xưa. Các lương y ngoài kiến thức gia truyền còn theo học ở trường lớp chính quy nên rút ngắn được thời gian mò mẫm nghiên cứu như trước kia.
Có điều lúc còn sống, do thương người, ông Tạ cho một số người buôn bán tạm ở vào khuôn viên của nhà thuốc. Trong đó, có một người phụ nữ. Sau khi ông Tạ mất, giữa người phụ nữ và các cháu của ông xảy ra tranh chấp tài sản. Ðất đai Ông Tạ lúc này nằm giữa đô thị, đã trở thành “tấc đất tấc vàng.” Cuối cùng, nhà cửa chia thành hai. Một nửa thuộc về người phụ nữ là ngôi mộ của Ông Tạ và phần diện tích được chia đã bán cho chủ mới xây căn nhà lầu bốn tầng. Một nửa thuộc về người cháu là nhà thuốc và chùa Thánh Thọ ngày xưa mà hậu liêu nay thành gian thờ tự của gia tộc ông Tạ.
Bây giờ tới khu Ông Tạ quá quen thuộc tới mức đi ngang qua một mặt tiền với tấm bảng Trần Thái Ðường cũ kỹ phai màu, lại có sạp ăn uống choán một phần lối đi, hiếm ai biết đó chính là phòng mạch Ông Tạ lừng lẫy một thời. Dẫu sao, bước qua khỏi mặt tiền khiêm nhường ấy, bỏ sau lưng khu phố náo nhiệt, chật chội, khách bất ngờ khi thấy trước mặt là mảnh sân rộng rãi và phòng mạch không thay đổi với không khí yên tĩnh thơm mùi thảo dược.
Một tấm chân dung to được treo giữa phòng cho thấy hình ảnh chủ nhân xưa, Ông Tạ, người được lưu tên cho cả một vùng phố thị sầm uất ngày nay.
“Ngã Ba Ông Tạ,” trước và sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, vẫn thuộc quận Tân Bình, là một trong những tên gọi nổi tiếng của Sài Gòn. Nổi tiếng vì tính chất đặc biệt của khu vực: ở Sài Gòn, muốn mua trái gấc để làm xôi gấc, muốn mua thuốc lào, trà sen, bánh dẻo, bánh cốm, bánh xu-xê, bánh đậu xanh..., và “đánh chén thịt cầy,” nghĩa là những thứ “đặc sản Bắc Việt,” hãy tới Ngã Ba Ông Tạ! Phần lớn cư dân khu vực Ngã Ba Ông Tạ là người miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954, và nhiều người trong số người miền Bắc ở Ngã Ba Ông Tạ theo đạo Thiên Chúa. 

Ảnh minh hoạ

Nhiều năm sau “giải phóng,” Ngã Ba Ông Tạ vẫn giữ nguyên vẹn tính chất đặc biệt đó. Hai con đường giao nhau tạo nên ngã ba, từ nhà phố tới vỉa hè của cả hai con đường khúc đoạn này tạo nên khu chợ Ngã Ba Ông Tạ. Rồi từ vài năm nay, do việc chỉnh trang, mở thêm đường, thêm cầu (bắc qua kênh rạch), ngôi chợ nhỏ ở gần cuối đường Phạm Văn Hai (tên mới, sau “giải phóng” của con đường giao tiếp đường Cách Mạng Tháng Tám - đường Lê Văn Duyệt nối dài cũ, tạo nên Ngã Ba Ông Tạ) được sửa chữa thành ngôi chợ lớn hơn, mang tên chợ Phạm Văn Hai. Và bà con buôn bán trên vỉa hè tập trung trong ngôi chợ này. Tuy nhiên vẫn còn khá đông người buôn bán trên vỉa hè, gặp những ngày “dọn dẹp lòng lề đường” thì mới ngưng hoạt động. 
Từ “Phố Cam” tới “Phố Cầy” 
Một dãy dài những sạp bán cam tươi, trên đường Phạm Văn Hai, gần Chợ Phạm Văn Hai, được các thiếu nữ Sài Gòn rất chiếu cố, gọi nó là “Phố Cam”. Hiện nay, trái cây “ngoại”, “nội” được bán ở khắp nơi tại Sài Gòn, không chỉ ở các chợ như những năm trước. Nhưng điều đặc biệt, “Phố Cam” chỉ bán những loại cam nội địa, và chủ nhân của các sạp cam tại đây đều là người quê ở tỉnh Bến Tre. Nên các loại cam của “Phố Cam” đều là sản phẩm của các nhà vườn trồng cam ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngã Ba Ông Tạ từ lâu đời nổi tiếng với các quán “nai đồng quê” - “cầy bảy món”. Vài năm sau 1975, những quán thịt chó của người “Bắc di cư 54” lần hồi “được giải phóng”, vì không thể tồn tại “phồn vinh” bằng những quán thịt chó của người “Bắc 75”, mở đầy khắp con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhìn sang ngang hông Thảo Cầm Viên...
Nhiều ngày chúng tôi uống cà phê rất sớm ở một quán cóc trước “Phố Cam”, ngồi chung bàn với các “bác tài” chở cam từ miền Tây, đổ hàng thẳng xuống cho các sạp. Nên các sạp ở đây có thể được xem là “độc quyền” các loại cam tươi ngon nhất của miền Tây Nam Bộ: cam sành, cam xoan... Chúng tôi chưa từng được ăn cam sành Bố Hạ miền Bắc, nên không thể so sánh cam sành miền Tây hơn kém thế nào. Nhưng, tất nhiên tùy theo khẩu vị, thấy cam sành miền Tây Nam Bộ có vị ngọt thanh, hợp khẩu vị hơn cam ngoại. Có lẽ cam miền Tây Nam Bộ vừa hợp khẩu vị, lại rẻ hơn cam ngoại, nên sức tiêu thụ rất mạnh, thêm các nhà hàng, quán xá mua về để bán nước cam vắt, và là một thức uống hằng ngày của nhiều gia đình, vì tính chất bổ dưỡng, lại thơm ngon. Ðược biết, dãy sạp hàng bán cam miền Tây Nam Bộ này đã thành hình từ mười lăm năm nay. 
Cũng trên con đường Phạm Văn Hai, đi về phía ngã ba (Ông Tạ), nếu người đa cảm, thương gia súc, sẽ khá hãi hùng: một dãy dài các bàn bày trên vỉa hè, những thân mình trần trụi máu me của con “cầy” bày ra trên mặt bàn để cắt xẻ, rồi treo lên những bàn cân bán cho khách hàng. Khá đau lòng khi gọi tên khúc đường này, “Phố Cầy”, nơi phục vụ sự khoái khẩu của con người. Loài vật thân gần, có tình nghĩa với con người nhất, lại bị mất mạng sống vì con người. 
Ngã Ba Ông Tạ từ lâu đời nổi tiếng với các quán “nai đồng quê” - “cầy bảy món”. Vài năm sau 1975, những quán thịt chó của người “Bắc di cư 54” lần hồi “được giải phóng”, vì không thể tồn tại “phồn vinh” bằng những quán thịt chó của người “Bắc 75”, mở đầy khắp con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhìn sang ngang hông Thảo Cầm Viên (đường Hồng Thập Tự cũ), những quán thịt chó ở đường Cống Quỳnh, đường Nguyễn Hoàng, ngoại vi phi trường Tân Sơn Nhất..., và ở các nơi khác tại Sài Gòn, ngày càng mọc thêm các quán thịt chó, với “tay nghề thịt chó Nam Ðịnh” gia truyền. Nên hiện nay, thay vào những quán thịt chó cũ, ở khu vực Ngã Ba Ông Tạ, dài dọc con đường Cách Mạng Tháng Tám, là những xe bán thịt chó. Khách hàng thường mua về nhà, hoặc ăn tại chỗ, có cái bàn nhỏ và vài cái ghế nhựa, bày ngay trên vỉa hè. Ở Hà Nội, người ta “đánh chén thịt chó” còn phóng khoáng hơn, trải cái chiếu trên một khoảng trống nào đó, ngoài phố, trên sân ga..., mở những túi ni-lông bọc thịt chó, bày tiệc. 
Cái sự hảo “thịt cầy” của người Việt Nam hẳn không thua người Hàn Quốc. Không hiểu câu “thành ngữ” của tổ tiên ta còn có ý nghĩa nào khác, chứ “Sống trên đời ăn miếng dồi chó” hẳn nhiên là phải có sự thích ăn thịt chó. Cách đây khoảng một năm, sau một bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ, tờ báo có số lượng phát hành cao nhất nước, cho biết tình hình thịt chó ở Sài Gòn: chó chết già chết bệnh, chó chết vì bị đánh bả, đều được tiêu thụ “tất tần tật” ở nhiều quán “nai đồng quê”. Bởi chỉ cần tẩm ướp một thứ hóa chất gì đó của Trung Quốc, thịt con chó chết sắp bị phân hủy cũng săn lại như thịt chó tươi! Ngay sau bài báo đó, nhiều người hảo ăn thịt chó cũng hãi sợ, nên nhiều quán thịt chó vắng hẳn khách. Rồi cái gì cũng đi vào lãng quên, các quán thịt chó lại đông khách như thường lệ. Mới đây, ngồi gần bàn nhậu với một vị cán bộ, thấy ông này không ăn gì hết, chỉ uống chai nước tiệt trùng. Hóa ra, vì nể bạn bè, ông cán bộ ấy tới bàn nhậu cho có mặt. Ông cán bộ bị phát phì, phải kiêng ăn các thứ thực phẩm, kiêng bia rượu, chỉ ăn một thứ bột (nước ngoài sản xuất) thay thực phẩm. Chúng tôi nghe ông cán bộ nói: “Tớ kiêng cữ hơn một năm rồi, chả còn thấy thèm thịt cá gì sất... nhưng hẹn hôm nào đi, tớ quá thèm cái món thịt cầy, phải đi ăn một bữa, có lên lại mười cân cũng không sợ.” Nên “Ngã Ba Ông Tạ” vẫn nổi danh như bao giờ, với sự hiện diện trắng trợn của “Phố Cầy”. 


Bắt đầu từ ngay ngã ba trên đường Thoại-Ngọc-Hầu. Bên phải có tiệm gạo Quang Vinh, nhà 3 tầng lầu, có người con trai cả tên Vinh học trò võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh, Lý Huỳnh là học trò cưng của võ sư Huỳnh Tiền, tôi có học võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh được đúng hai tháng gần bến đò Phú Lâm Chợ Lớn, sau đó bị thầy đuổi vì quá ốm yếu. Kế là tiệm thuốc bắc người Tầu, bọn trẻ xóm tôi gọi là chú ba Tầu tôi hay sang tiệm chú chơi được cho quế ăn thơm phức, sau đó là tiệm may Thành có người con lớn đi lính sĩ quan tử trận. Kế là tiệm bán giầy, bên cạnh là tiệm vàng Tân Lợi. Tiếp là tiệm chạp phô, cách một ngõ nhỏ là tiệm vàng không còn nhớ tên. rồi hai tiệm bán tạp hóa kế bên, tiếp nữa là tiệm vàng ông chồng là y tá chích thuốc dạo. Rồi lại một loạt tiệm tạp hóa sau đó đến tiệm vàng Việt Thịnh nổi tiếng giầu nhất vùng này có một lần bị cướp và một lần bị trộm, từ bên này đường tôi thấy tên trộm bị vây trên nóc nhà 5 tầng lầu. Rồi đến con đường hẻm cạnh con đường hẻm là nhà thuốc tây Bình Dân.


Trở lại từ đầu ngay ngã ba bên trái trên đường TNH. Tiệm vàng ngay góc, đến tiệm bán trái cây, kế là tiệm bán đồng hồ. Cạnh bên là tiệm bán sắt xây cất nhà cửa của bà Đỉnh, kế là tiệm banh kẹo và rượu Thanh Hương, nhà tôi Đức Hiền canh bên buôn bán đồ sắt và vật liệu xây cất ngay bên cạnh là tiệm buôn bán tạp hóa, kế bên là tiệm vàng Kim Thành thì phải, bà chủ tiệm vẩn còn bám trụ cho đến bây giờ nghe nói giầu bốc lên. Một loạt tiệm tạp hóa và vàng lien tiếp nối đuôi nhau. Rồi đến căn tạp hóa của bố mẹ nhạc sĩ Ngọc Trong và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, sau đó mới đến thầy thuốc Ông Tạ cũng người Tầu, bênh nhân ở đây đông ngẹt, trước cổng vào có gánh hàng bán ốc luộc. Gần đó vài căn là nhà bố mẹ của ca sĩ Giang Tử. Nghe nói nhà văn Lê Tất Điều cũng ở ngã ba Ông Tạ, và còn nhà thơ Chu Vương Miện cũng dân Ông Tạ thì phải ? Ngay ngã ba trên đường Phạm Hồng Thái. Tiệm chụp ảnh Á Đông 4 tầng lầu đứng sừng sững ngay ngã ba, đây là căn nhà lầu 4 tầng đầu tiên ở ngã ba này thằng bạn con chủ nhà có lần dắt tôi đi coi trong nhà leo hết 4 tầng lấu bá thở. Kế bên là tiệm gạo Tín Lợi, có cô con gái lớn sau này qua Mỹ mở tiệm phở Hiền Vương trong Phúc Lộc Thọ. Bên phải là hai tiệm vàng, bên trái là nhà sách và tiệm bán đồ điện, gần đó cạnh trường Thánh Tâm có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành, cô con gái lớn nổi tiếng học giỏi đậu hai cái tú tài ưu được học bổng đi Mỹ. Bên này đường đối diện là nhà may Hải Cảng, gần bên là ông y tá chích dạo, cách xa vài căn là tiệm phở bắc. Đối diện tiệm phở là trường Thánh Tâm thỉnh thoảng có đoàn xiếc về biểu diễn thuê mướn miếng đất rộng trong trường. Đối diện là bến xe ngựa, nơi đây là chỗ đóng đô của tôi, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi tạt hình, đánh khăng, đánh cù, thấy lỗ, chơi năm mười. Gia đình chú Tám coi ngựa ở bên trong, được cha xứ nhà thờ chí hòa cử trông coi nghĩa địa ngay đằng sau. Cạnh tiệm gạo Quang Vinh là tiệm bánh Thiên Hương Rồng Vàng, sau đó là một dãy 5 căn bán tạp hóa rồi đến nhà thờ Nam Thái, ngó qua bên kia là tiệm mộc tồn “Cây Còn” bạn anh tôi là con chủ tiệm nên người anh ta toàn hôi mùi chó đi đâu cũng bị chó sủa. Có thể nói tôi biết mặt hầu hết các chú nhóc và các tiểu thư xinh đẹp trong khu phố ngã ba Ông Tạ.
Trước năm 1954, khu đất ở Ngã Ba Ông Tạ là xóm Gò-Gáo, còn gọi là xóm Cò Giáo, làng Tân-Sơn-Hoà. Năm 1954 Chính-phủ Quốc-Gia Việt-Nam (lúc đó chưa có Cộng-Hoà) lập tại đây một trại tị-nạn (refugee camp) cho đồng-bào miền Bắc lánh-nạn cộng-sản ở tạm, trước khi chuyển đi định-cư các nới khác trên miền Nam, trại này tên là Trại Hà-Nội. Sau một số rất đông đồng-bào tị-nạn được định-cư tại chỗ, Trại Hà-Nội đổi thành Ấp Hàng Dầu (tên một Phố ở Hà-Nội) địa-giới nằm trong vòng đường Lê-Văn-Duyệt nối dài (sau đổi thành đường Phạm-Hồng-Thái), đường Thoại-Ngọc-Hầu, rạch Nhiêu-Lộc, vòng rào xưởng máy Sở Hoả-Xa, và vòng rào trại lính nhẩy dù Nguyễn-Trung-Hiếu. Trong ấp có hai xứ đạo là Nam-Thái, và An-Lạc. Ban đầu phần lớn nhà trong ấp chỉ là nhà lá, người dân làm ăn buôn-bán tại chợ Ông Tạ, chẳng bao lâu gây dựng được nơi đây thành một khu thương-mại sầm-uất. Một số địa-danh trong vùng là “Nhà Dây Thép Gío”, “Ngõ Con Mắt”, Xứ Nghĩa-Hoà, Xứ Chí-Hoà, “Cổng Bom” ngõ đi vào chùa Khuông-Việt, “Cầu Sạn” trên đường Thoại-Ngọc-Hầu bắc qua rạch “Nhiêu-Lộc”, tận cùng đường Bùi-Thị-Xuân có “Cầu Xi-Măng” bắc qua rạch Nhiêu-Lộc cũng là một ngõ vào ấp “Hàng Dầu”, cũng phải nhắc tới “Ruộng Rau Muống” nơi tôi thường chạy thả diều, nhiều lần ngã xuống bùn trong ruộng.
Dương Công-Tử ở bên kia đường vậy thuộc về Xứ Nghĩa-Hoà phải không? cùng bên với Nhà Dây Thép Gío, trên đường LVD có tiệm điện Nhật-Quang là nhà-chọc-trời đầu tiên trong vùng (5 hay 6 tầng), có nhà thuốc Tây Kim-Tiếng, tiệm bán thuốc lào ba số 8 cạnh tiệm bán áo dài khăn đóng đàn ông cạnh nhà sách Ngọc-Lan. Tiệm thịt chó “Cây Còn” xéo ngõ vào nhà thờ Nam-Thái, và cạnh Viện uốn tóc Hồng-Kông, gần tới Ngã ba có tiệm bán ống nước sắt, cạnh trường Thánh-Tâm (không có nhà thờ Thánh-Tâm ở đây, thưa Cô HY, hồi đó cũng không có chỗ nào đủ đất rộng mà nuôi bò sữa, Sở Chăn-Nuôi thì thì tuốt trên Ngã tư Bẩy Hiền, có nuôi vài con gà, con heo, bò để thí-nghiêm chăn nuôi. Xưởng ráp xe đạp Peugot, và xe Puch của Ông Đặng-Đình-Đáng thì nhìn xéo qua trường Quốc-Gia Nghĩa-Tử) có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành. Trước cổng trường Thánh-Tâm là bến xe ngựa, sau là bến xe Lam. Tiệm Đức-Hiền của nhà LNH bán tạp-hoá hay bán vàng? nằm trên đường TNH phải không? Tiệm thuốc Tầu rất lớn cách Ngã Ba một căn, Ông bụng bự đứng bán thuốc đó không phải là Đông-Y-Sĩ Thủ-Tạ. Phòng chẩn-mạch của ông Thủ-Tạ dưới chút nữa gần tới chợ, cách vài căn, khuất vào trong không ngay mặt đường TNH, xéo bên kia đường là nhà thuốc Tây Bình-Dân. Hồi ấy chỉ có một tiệm “Cây Còn” bán các món “Giả Cầy”, phần đông những người biết ăn thì làm lấy ở nhà, nên không như bây giờ, nghe nói suốt cả con đường biết bao nhiêu là tiệm bán món “Khó Nói” (tiếng của Ngài Jắc-Cu-Lơ). , món “Nai đồng quê” hay “Nai thềm” là tiếng miền Nam. Tiếng người Ri-cư gọi là các món “Giả Cầy”, vì không có con “Cầy” để làm các món này nên dùng tạm họ nhà Cẩu để làm “Giả”; chứ nếu bắt được con Cầy thật mà làm thì các món ngon gấp mười lần. “Rựa mận” là món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền-sệt, mầu nâu-nâu như nhựa cây mận nên gọi thế.
Thành-ngữ “Trai Nam-Thái, gái An-Lạc” có lẽ chỉ mấy mấy Cậu dữ-dằn hay bênh nhau đánh lại mấy người lạ từ xa đến gây chuyện, và các Cô đanh-đá sẵn-sàng đánh bể mặt mấy tên léng-phéng chòng đến các Cô. Tê hồi nhỏ đã chứng-kiến cảnh mấy tên du-đãng từ Ngã Tư Bẩy Hiền, ngày Tết vào Ngõ Con Mắt giựt tiền của các bàn Bầu Cua của con nít, bị một Cô dùng dao răng cưa chặt đá chém cho toé máu.
Chợ Ông Tạ ngày nay đã bị phá đi. Kỳ đánh tư-sản bao nhiêu công-lao, gây-dựng, của một số đông người (vùng này) cần-cù làm ăn, dành-dụm được trong hơn hai mươi năm trở thành cát bụi….


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen