Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-01
Ảnh chụp tháng 11 năm 2013 cho thấy những người
dân thất nghiệp ngồi chờ dưới chân dung ông Hồ Chí Minh hàng ngày ở các ngã ba
ngã tư đường xem có ai mướn làm bất cứ công việc gì theo giờ theo ng ày....
Quốc hội Việt nam và mạng xã hội
Quốc hội Việt nam đang họp.
Nhiều nhà quan sát cho rằng hoạt động Quốc hội ở Việt
nam sôi động hơn lúc trước, người ta cũng bắt đầu tranh cãi.
Một trong những câu chuyện được tranh cãi lần này là
liệu có đưa ra luật về sự im lặng hay không! Một nhóm ý kiến nổi trội nhất là từ
phía các vị đại biểu từ ngành công an. Các vị này không đồng ý cho phép người bị
tình nghi được quyền im lặng. Một vị là Thiếu tướng công an được báo chí trích
lời:
“Người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và
nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình
không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của
mình trước pháp luật”.
Điều ngạc nhiên là nhà lập pháp này lại nói một điều
ngược lại với Hiến pháp và luật tố tụng hình sự như blogger Đồng Phụng Việt
trích dẫn:
Theo Hiến pháp thì: người bị buộc tội được coi
là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định
Còn theo luật tố tụng hình sự: Trách nhiệm chứng
minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền
nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội
Đồng Phụng Việt viết rằng Luật im lặng đúng là cũng
gây khó khăn cho cơ quan chấp pháp ở các quốc gia phát triển, nhưng đó là một
điều đương nhiên vì những khó khăn mà hệ thống tư pháp gặp phải khi thừa
nhận “quyền im lặng” được xem là tất nhiên và vì đối tượng của hệ thống tư pháp
là con người, không phải súc vật!
"Thời đại HCM là thời đại rực rỡ nhất trong lịch
sử dân tộc Việt Nam", tôi dè dặt tự hỏi rằng đã rực rỡ nhất sao dân trí
còn thấp và nhiều tội phạm thế? Dân trí thấp và nhiều tội phạm mà bảo rực rỡ nhất,
thì khác nào chính các ông xỏ xiên và mỉa mai "thời đại HCM?"
Luật sư Lê Công Định
Một lý do khác được các vị tướng công an đưa ra để chống
lại luật im lặng là vì dân trí Việt nam còn thấp. Đây cũng là lý luận thường gặp
để giải thích cho sự hạn chế quyền tự do dân chủ nói chung. Luật sư Lê Công Định
bình luận ý kiến của các vị công an bằng một câu hỏi:
Tôi ngạc nhiên lắm, bởi mới đây nhân kỷ niệm ngày
Thánh giáng sinh 19/5/2015, ông Tổng bí thư đảng đã long trọng ca ngợi rằng
"thời đại HCM là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt
Nam", tôi dè dặt tự hỏi rằng đã rực rỡ nhất sao dân trí còn thấp và nhiều
tội phạm thế? Dân trí thấp và nhiều tội phạm mà bảo rực rỡ nhất, thì khác nào
chính các ông xỏ xiên và mỉa mai "thời đại HCM?"
Ngày 19/5 mà ông Lê Công Định vừa đề cập là ngày sinh
của ông Hồ Chí Minh, người thành lập đảng cộng sản Việt nam.
Một đại biểu nổi tiếng khác của Quốc hội Việt nam là
ông Đỗ Văn Đương lại nói rằng Luật im lặng là… diễn tiến hòa bình.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị,
thốt lên là Không thể tin được!
Còn luật sư Lê Công Định thì chốt lại những nhận xét
của mình về câu chuyện…im lặng… ở Quốc hội một cách chua chát là:
Khỉ vẫn hoàn khỉ, dù người ta cất công khoác cho nó bộ
áo con người. Thuyết tiến hoá của Darwin xem ra không áp dụng được trong hoàn cảnh
xứ man di.
Đảng và nhân dân, tấm ảnh gây sôi động một thời gian.
Nhưng dù sao, như chúng tôi đề cập ở đầu bài viết này
là đã có sự tranh cãi ở Quốc hội.
Không những thế, sự xuất hiện của những phản hồi của
các blogger như Đồng Phụng Việt, của những cựu tù chính trị như Lê Công Định,
Nguyễn Tiến Trung, là một sự tranh cãi rộng rãi hơn lan tỏa đến cả những người
không có quyền lực.
Chất xúc tác mạnh mẽ cho sự lan tỏa đó chính là mạng
xã hội.
Blogger Song Chi viết bài: Dạo qua thế giới
Facebook Việt. Sau khi so sánh sự khác nhau giữa người Việt và một số dân tộc
châu Âu khác, bà cho rằng Facebook không thể thiếu đối với những người như bà
muốn dùng nó để thoát ra khỏi sự bưng bít thông tin của chế độ.
Blogger Nguyễn Vũ Bình gọi luồng thông tin không
chính thống từ mạng xã hội giúp mọi người thoát khỏi sự bưng bít thông tin đó
là truyền thông lề dân. Ông viết là nhờ luồng thông tin này mà tất cả những tin
khi xuất hiện một cách nhanh chóng đã làm công khai sự thật, chứ không phải qua
một sự kiểm duyệt. Theo ông Bình thì sự công khai đó có một sức mạnh vô cùng lớn,
nó đã từng làm sụp đổ cả một hệ thống Liên Xô cách đây ¼ thế kỷ.
Tôi ngại gì? Tôi có tội đâu mà tôi ngại? Còn giả sử
nó bỏ tù tôi tiếp chung thân hay tử hình đi nữa thì tôi có một câu tôi từng nói
mà chắc bạn đã thuộc rồi. “Có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức nổi
tư tưởng
Trương Duy Nhất
Điều quan trọng theo ông Bình là để cho luồng truyền
thông lề dân đó ngày càng phát triển thì cần Sự quan tâm đông đảo của cộng
đồng mạng, ủng hộ sự thật, chân lý và tình người.
Thoát khỏi Sự nô dịch tư tưởng
Thoát khỏi sự bưng bít thông tin, theo các blogger
thì sẽ thoát khỏi sự nô dịch bởi một loại tư tưởng nào đó và đó là điều cần thiết
cho việc chấn hưng dân tộc hiện nay.
Người cựu sinh viên Hạ Đình Nguyên viết bài lấy điển
tích Trung Quốc Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng để mô tả sự nô dịch tư tưởng của
người Việt từ xưa tới nay. Trong câu chuyện cổ sử Trung quốc này có một hành động
rất dã man của Thái tử Đan, kẻ mà Kinh Kha theo hầu, là chặt tay một người thiếu
nữ, vậy mà suốt chiều dài văn chương Việt nam, sự việc này lại được hết lời ca
ngợi.
Lấy chuyện xưa bàn chuyện nay, Hạ Đình Nguyên đặt câu
hỏi hoài nghi là Thái tử Đan ngày nay phải chăng là những người đang cầm quyền ở
Trung Nam Hải? Còn chuyến thăm Thủ đô nước Mỹ tới đây của ông Tổng bí thư đảng
cộng sản Việt nam có phải là một chuyến đi Kinh Kha để làm hài lòng Thái Tử Đan
Tập Cận Bình?
Câu hỏi của Hạ Đình Nguyên cũng chính là điều lo lắng
của nhiều giới tại Việt nam trong thời gian qua, mà từ đó dấy lên phong trào
Thoát Trung của các nhân sĩ trí thức.
Tác giả Trần Quí Cao trình bày quan điểm của mình
trên trang blog Bauxite Việt nam về những diễn biến mới đây nhất tại biển Đông
với sự gia tăng hoạt động quân sự của Hoa kỳ, một sự ngang nhiên thách thức sức
mạnh đang lên của Trung quốc. Trần Quí Cao cũng như nhiều nhà hoạt động dân chủ
trong nước hy vọng sự xích lại gần với những quốc gia khác, nhất là với triển vọng
tham gia Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương do người Mỹ sáng lập, nước
Việt nam sẽ ngày càng xa rời khỏi Trung quốc.
Thoát khỏi Trung quốc như Trần Quí Cao mong muốn,
thoát khỏi cái hộp tư tưởng Mac Lê Nin mà Hạ Đình Nguyên cho là đã tiêu vong,
những nhà tự do tiên phong ở Việt nam đã trả giá đắt. Tháng Năm này cũng đánh dấu
thời điểm tròn sáu năm kỹ sư doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị cầm tù vì những
hoạt động thúc đẩy một xã hội Việt nam tự do và dân chủ hơn.
Cựu sinh viên luật trẻ tuổi Trịnh Hữu Long viết về
ông Trần Huỳnh Duy Thức:
Thế nhưng 6 năm qua đi, dòng chảy lịch sử đã không chảy
theo cách mà những kẻ giam giữ ông mong muốn. Ngày qua ngày, có những con người
bước ra khỏi chiếc hộp tư tưởng của Đảng, quay trở về với những cảm thức bản
năng của họ về lẽ công bằng và bắt đầu đánh giá lại những vụ án chính trị như
thế này. Điều quan trọng không phải là chúng ta đánh giá thế nào về những người
như ông Thức, mà những đánh giá đó phải là của chính mỗi người, chứ không phải
của Đảng.
Sự bước ra khỏi cái hộp tư tưởng của đảng, quay về với
những cảm thức bản năng về lẽ công bằng, cũng là điều mà cây bút Huyền Oanh
trình bày trong bài viết Sự thật không sợ mất lòng. Trong bài này Huyền
Oanh nhận xét rằng trong xã hội đã bắt đầu có sự đối lập giữa ý thức của người
dân về quyền lợi của họ và ý chí của những đảng viên cộng sản đang cầm quyền
mong muốn duy trì quyền lợi phe nhóm.
Và điều đáng nói là sự đối lập đó của người dân ngày
càng được cất lên một cách can đảm. Hãy lắng nghe lời nói của blogger nổi
tiếng Trương Duy Nhất:
"Tôi ngại gì? Tôi có tội đâu mà tôi ngại? Còn giả
sử nó bỏ tù tôi tiếp chung thân hay tử hình đi nữa thì tôi có một câu tôi từng
nói mà chắc bạn đã thuộc rồi. “Có thể cưỡng bức được hành vi chứ không cưỡng bức
nổi tư tưởng”, tôi chỉ gửi lời cảm ơn tất cả các bạn đọc của tôi đã quan tâm
trong suốt thời gian hai năm tôi ở tù. Và Trương Duy Nhất đã vận động người
chung lên tiếng một lần khi tất cả các người khác lên tiếng."
Ông Trương Duy Nhất dõng dạc tuyên bố như vậy ngay
sau khi mãn hạn tù hai năm vì bày tỏ ý kiến của ông trên trang blog Một góc
nhìn khác.
Ông Trương Duy Nhất được trả tự do có lẽ là tin vui
nhất của cộng đồng blogger Việt nam trong tháng Năm này.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen