I. KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA THẾ SÀI GÒN – CHỢ LỚN
Sài Gòn ban đầu là tên gọi khu đất thuộc Quận 5 hiện nay.Năm 1778, quân Tây Sơn lấy cớ người Hoa trợ giúp cho Nguyễn Ánh nên đã tàn phá cù lao Phố (nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Những người Hoa còn sống sót rút chạy về vùng này, lập phố thị Đề Ngạn (nghĩa là “bờ đê”). Theo nhiều nhà nghiên cứu thì người Hoa Quảng Đông phát âm “Đề Ngạn” thành “Thầy Ngồn”, lâu ngày đọc trại thành “Sài Gòn”[1]. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, theo nghị định ngày 3/10/1865 của Thống đốc Nam kỳ, chúng xây dựng nên hai thành phố riêng biệt, cách nhau bởi một số ruộng bưng, ao đầm ở vùng Chợ Quán. Thành phố Sài Gòn có diện tích khoảng 3km2, nằm gọn trong địa phận Quận 1 ngày nay; thành phố Chợ Lớn có diện tích không đầy 1km2, nằm gọn trong Quận 5 ngày nay[2]. Như vậy, đến đây hai tiếng “Sài Gòn” lại được đặt tên cho vùng mà trước đó có tên gọi là Bến Nghé, còn vùng đất Sài Gòn cũ được đổi tên thành Chợ Lớn. Nhưng không bao lâu sao đó thì, do sự mở rộng của hai thành phố nên Sài Gòn và Chợ Lớn đã tiếp giáp với nhau thành một địa bàn, gọi chung là Sài Gòn – Chợ Lớn.
Quả thật, Sài Gòn – Chợ Lớn lúc bấy giờ là vùng trũng thấp, sông rạch chằng chịt. Ngay tiếng “Đề” (đê) trong địa danh Đề Ngạn cũng cho biết đây là vùng đất trũng, cho nên người Hoa phải đắp đê (hiểu là dãy đất cao) ven rạch Tàu Hủ để cất phố chợ. Theo Trần Kim Thạch thì khu vực từ rạch Bến Nghé trở xuống hướng Nam , “địa hình xấp xỉ mặt nước biển, đi từ + 0,5m đến +3m, thường bị triều bao phủ gần hết”[4]. Chính vì vậy mà theo Trương Vĩnh Ký thì xung quanh gò Cây Mai hàng năm có“tổ chức các cuộc đua thuyền để tôn vinh đức Phật”[5]. Về phía Sài Gòn (hiểu là khu vực Quận 1 hiện nay) có một con đường dù đã được đắp cao để đi lại nhưng nước vẫn thấm ướt quanh năm, nên gọi là đường Nước Nhỉ[6], nghĩa là luôn có nước nhỉ giọt:
Đường Nước Nhỉ chảy tiu tiu,
Người thương khách lại qua hóng mát.
(Cổ Gia Định phong cảnh vịnh)
Về phía Chợ Lớn, có con rạch mang tên Nước Lên[7], chỉ hiện tượng triều cường dâng lên gây ngập tràn:
Quán Nước Lên dòng dờn dợn,
Khách bộ hành tắm giặt nghỉ ngơi.
(Cổ Gia Định phong cảnh vịnh)
Bởi vậy mà giao thông chủ yếu bằng thuyền, luồn lách theo hệ thống kinh rạch[8] chằng chịt. “Sự đi lại trên rạch khác nào như sợi chỉ của một con thoi qua lại trên máy dệt”[9].
Thế nhưng, khác với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Tần, ngay từ năm 1679, đã chọn Bến Nghé làm nơi lập đồn binh vì thấy được tính chất là đầu mối giao thông của địa điểm này. Từ đó, theo thời gian, trụ sở hành chính của Gia Định như dinh Điều Khiển[10] (1732), thành Bát Quái, tức thành Quy[11] (1790), thành Phụng[12] (1835) rồi phủ Toàn quyền Đông Dương (1869) đều được đặt ở vùng Bến Nghé, tức Sài Gòn. Tuy nhiên, Bến Nghé chỉ là trung tâm hành chính, còn trung tâm thương mại thực sự thu hút đông đảo dân cư lại là Chợ Lớn.
Như vậy, trong suốt hơn ba trăm năm, Sài Gòn và Chợ Lớn đồng thời là trung tâm của cả Nam Bộ. Chính điều đó, cộng với nền kinh tế tư bản của chế độ thuộc địa khiến cho, hơn ở đâu hết, vùng này đã có những thay đổi lớn lao không ngờ, mà chủ yếu là công cuộc khắc phục địa hình trũng thấp để xây dựng đô thị. Đặc biệt, kể từ khi Pháp xâm chiếm thì tốc độ đô thị hóa của Sài Gòn – Chợ Lớn càng thêm khẩn trương. Trong quá trình đó thì vấn đề giao thông được đặt ra sớm nhất vì đó là điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị.
Nhìn lại xuyên suốt quá trình phát triển của Sài Gòn – Chợ Lớn từ khu đầm lầy thành phố thị nguy nga như ngày nay, thật dễ dàng nhận thấy phương thức giao thông của nó chuyển dần từ đường thủy sang đường bộ. Bởi thế mà vấn đề lịch sử kinh rạch ở đây trở thành vấn đề lịch sử phát triển chung của cả thành phố.
II. LỊCH SỬ KINH RẠCH Ở SÀI GÒN – CHỢ LỚN
Như đã nói, kinh rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn nhiều vô kể, có những con rạch không có tên hoặc có tên nhưng ít ai biết đến[13]. Do đó, bài viết này chỉ ghi chép lại những thông tin về các kinh rạch được nhiều người biết đến, mà chủ yếu là sự hình thành và tiêu vong của chúng.
(Sơ đồ kinh rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay: của Lê Công Lý).
1. Kinh rạch ở Chợ Lớn
Trước hết, phải kể đến kinh rạch ở Chợ Lớn, vì vùng này được đào kinh sớm nhất do nằm ở vị trí giao thương với miền Tây.
Năm 1772, đào kinh Ruột Ngựa. Trước đó, từ cửa sông Rạch Cát về đến rạch Lò Gốm chỉ có con rạch nhỏ nước đọng, thuyền bè đi lại không được. Mùa thu năm 1772, Đốc chiến Nguyễn Cửu Đàm (con trai của Chánh thống Nguyễn Cửu Vân) cho đào thành kinh thẳng tắp như ruột ngựa, nên gọi là kinh Ruột Ngựa (chữ Hán gọi Mã Trường Giang)[14]. Kinh Ruột Ngựa nối kinh Tàu Hủ ăn ra sông Rạch Cát, dài gần 3 km. Từ đó, có thể rẽ trái đi Cần Đước, Cần Giuộc; rẽ phải đi Chợ Đệm, Bến Lức. Kinh Ruột Ngựa tuy ngắn nhưng giữ vai trò cực kì quan trọng, là kinh đào đầu tiên nối kinh Tàu Hủ và vùng Chợ Lớn với vùng đất phía tây.
Kế đến là việc đào kinh Phố Xếp[15]. Khi vừa từ cù lao Phố lánh nạn Tây Sơn về Chợ Lớn (năm 1778), người Hoa có nhu cầu mở thêm phố chợ nên đào thêm kinh Phố Xếp, nối rạch Tàu Hủ cắt ngang rạch Chợ Lớn, lên hướng bắc đến chợ Rẫy (nay là bệnh viện Chợ Rẫy). Chợ này nằm trên gò đất cao, xung quanh đó người Hoa trồng rau cải để bán. Lúc này hoạt động buôn bán ở Chợ Lớn còn rất yếu, chỉ có chợ Rẫy là phát triển, nên Trương Vĩnh Ký khẳng định: “Thực sự, Chợ Lớn xưa nằm trên nền đất Chợ Rẫy bây giờ”[16].
Kinh Phố Xếp giúp vận chuyển rau cải ra rạch Tàu Hủ và đi khắp nơi. Kinh này tồn tại mãi đến năm 1925 mới bị lấp, thành đại lộ Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm ở Quận 5.
Đến năm 1819, kinh Ruột Ngựa đã bị cạn lấp, ghe xuồng đi lại khó khăn nên mùa xuân năm này, Phó tổng trấn Gia Định thành là Huỳnh Công Lý vâng lệnh đốc thúc hơn 10 000 dân phu trong trấn Phiên An[17] đào kinh mới từ đầu rạch Lò Gốm đến cuối rạch Ruột Ngựa, nối kinh Tàu Hủ thông với sông Rạch Cát. Kinh đào xong rộng khoảng 40 mét, sâu khoảng 4 mét, dài khoảng 5 km, được vua Gia Long đặt tên là An Thông Hà. Nhờ đó mà ghe thuyền đi lại được nhanh chóng, dân thương hồ “bơi chèo hát xướng ngày đêm nối nhau, thực là nơi đô hội trên bến dưới thuyền, người ta đều khen là thuận lợi”[18].
Đến khi Pháp chiếm Nam Bộ, tuy làm chủ được tình thế nhưng kẻ xâm lược luôn phải đối phó với nhiều đợt tấn công của nghĩa quân ta từ phía Đồng Tháp Mười. Vì thế nên chúng cho đào kinh Vành Đai (Canal de Ceinture) hình vòng cung bao bọc phía bắc của Sài Gòn – Chợ Lớn, còn gọi là kinh Vòng Thành hay kinh Bao Ngạn (tức “bờ bao”). Kinh này “dài 7 km, rộng 10m, sâu 3m. Đào năm 1875, nối rạch Thị Nghè và rạch Hoa Kiều[19]. Nay[20], không còn tác dụng gì, bị đóng bùn. Rạch Thị Nghè mà nó chảy vào, thuyền bè không đi lại được khi triều rút quá cầu Phú Mỹ[21]. Trong vùng Phú Thọ, lòng kinh bị đắp cao hơn mực nước triều”[22].
Theo dự án, kinh được xuất phát từ ngã ba giữa rạch Chợ Lớn và rạch Lò Gốm đến gò Cây Mai (nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ, Quận 11), vòng qua Phú Thọ, đến Hòa Hưng rồi đổ ra rạch Thị Nghè ở vị trí nay là cầu Công Lý. Bờ kinh là đường bộ cho lính canh phòng, dưới kinh là tàu chiến cỡ nhỏ di chuyển. Thế nhưng, do dân phu đấu tranh và nghĩa quân đánh phá liên miên nên công trình dang dở dù đã đào được thành đường kinh, sau đó được lấp dần.
Bước sang đầu thế kỉ XX, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền thuộc địa, nền thương mại của Hoa kiều phát triển mạnh, mà chủ yếu là việc thu mua lúa từ miền Tây chở về Chợ Lớn xay thành gạo xuất khẩu. Do đó, kinh Tàu Hủ đã tỏ ra quá tải trước lượng ghe thuyền tấp nập, nên từ năm 1906 đến 1908, Pháp cho đào một con kinh mới từ sông Sài Gòn đi về phía tây, ăn đến sông Rạch Cát, dài khoảng 13 km. Đoạn từ sông Sài Gòn đến Chợ Quán khoảng 4 km có tên tên là kinh Tẽ (vì được xem như là một nhánh tẽ của kinh Bến Nghé), nhưng sau đó bị đọc và viết nhầm là kinh Tẻ; đoạn còn lại có tên là kinh Đôi (Pháp gọi là Canal de Doublement) vì gần như song song với kinh Tàu Hủ.[23]Tuyến kinh mới này nhờ được thi công bằng cơ giới nên vừa rộng vừa thẳng, làm tăng thêm đáng kể khả năng thông thương giữa Sài Gòn – Chợ Lớn với miền Tây.
Hoạt động thương mại ở Chợ Lớn phát triển kéo theo nhu cầu mở rộng đô thị. Chính điều này dẫn đến việc lấp rạch Chợ Lớn. Con rạch này vốn đã có từ lâu đời, đến năm1925 được lấp thành đường giao thông. Đoạn gần rạch Lò Gốm thành đường Trương Tấn Bửu (nay là đường Lê Quang Sung), đoạn giữa vốn là những ụ chuyên đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, thành bến xe Chợ Lớn, đoạn giáp với rạch Tàu Hủ thành đường Khổng Tử (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông). Năm 1930, trên bờ rạch Chợ Lớn cũ, chợ Bình Tây (tức Chợ Lớn mới) do Quách Đàm (một người Hoa) xây dựng khánh thành, hoạt động mua bán càng thêm sầm uất nên ít ai còn nhớ con rạch này.
2. Kinh rạch ở Sài Gòn
Kinh rạch ở Sài Gòn chỉ được đào lấp kể từ khi Pháp xâm lược nước ta và chọn Sài Gòn làm trung tâm hành chính, mở mang phố chợ. Trước đó, hoạt động mua bán chỉ phát triển ở Chợ Lớn, do người Hoa khuếch trương.
Năm 1860, việc lấp kinh rạch đã gây cuộc tranh cãi lớn trong Hội đồng thành phố, giữa quan điểm đấu tranh cho vệ sinh công cộng coi kinh rạch như các ổ nhiễm khuẩn và quan điểm của nhóm thương nhân coi kinh rạch như huyết mạch để vận chuyển hàng hóa[24]. Chính vì phải điều đình giữa hai quan điểm đó mà việc đào lấp kinh rạch ở Sài Gòn diễn ra khá chậm chạp.
Năm 1862, đô đốc Bonard thực hiện phân lô vùng Bến Nghé thành nhiều khoảnh và bán với giá rẻ để thu hút dân cư. Năm 1867, kinh Chợ Vải được đào, từ sông Sài Gòn, gần đầu rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) ăn vô đến giếng nước cùng tên rồi rẽ phải ở chỗ nay là Nhà hát Thành Phố, ra rạch Thị Nghè bằng kinh Coffin. Trên bờ kinh này có ngôi chợ chuyên bán vải vóc nên có tên là chợ Vải. Năm1911, chợ này được dời về vị trí mới, chỗ vũng ao đầm vừa được lấp lại[25], tức là chợ Bến Thành hôm nay. Năm 1884, kinh được lấp phần ngọn từ vị trí nay là đường Lê Lợi đến đường Mạc Thị Bưởi, phần còn lại được cẩn đá hai bên bờ, cách khoảng có xây bậc thang để vận chuyển hàng hóa lên xuống. Đến năm 1892, đoạn còn lại cũng được lấp thành đường phố, gọi là đường Charner, dân gian gọi là đường Kinh Lấp, nay là đường Nguyễn Huệ.
Kinh Coffin nối rạch Cầu Sấu, kinh Chợ Vải và kinh Cây Cám với nhau, do đại tá Coffin chỉ huy đào, đến năm 1892 cũng bị lấp cùng với hàng loạt kinh rạch nhỏ khác. Kinh Coffin trở thành đường Bonard, nay là đường Lê Lợi. Rạch Cây Cám trở thành đường Espagne (tức Tây Ban Nha), nay là đường Lê Thánh Tôn. Rạch Cầu Sấu trở thành đại lộ De la Somme, sau đổi thành Duperré, nay là đường Hàm Nghi. Rạch Cầu Ông Lãnh trở thành đường Kitchener (1907), sau đó đổi thành Abattoir (lò sát sinh, tức xóm Lò Heo), nay là đường Nguyễn Thái Học. Rạch Cầu Kho được lấp thành đường Cầu Kho, sau đó đổi là đường Phát Diệm, nay là đường Trần Đình Xu.
Ngoài ra, còn hàng loạt kinh rạch khác cũng được lấp dần, tự phát do nhu cầu chỗ ở của người dân, như rạch Cầu Muối, rạch Bà Tiềm, rạch Bà Đô (tức rạch Xóm Chiếu), rạch Cầu Hộc, rạch Xóm Dầu, rạch Bà Tịnh, v.v. Đô thị phát triển đến đâu thì kinh rạch bị lấp đến đó.
Trong khi đó, con sông Sài Gòn lúc này là tuyến vận tải chính nhưng lại quá cong quẹo nên vận chuyển tốn kém nhiều công sức và tiền của. Vì vậy nên nhà cầm quyền Pháp quyết định cho đào kinh Thanh Đa[26], “dài 1 km, rộng 40m, sâu 6m. Đào từ 1897 đến 1898. Kinh này vừa mới được mở ra cho thuyền bè qua lại. Nó cắt vòng thắt từ Bình Lợi đến An Phú và rút ngắn được 12km theo dòng chảy của sông Sài Gòn”[27].
3. Kinh rạch ở phía nam rạch Bến Nghé
Vùng phía nam rạch Bến Nghé cũng có vô số kinh rạch nhưng vì tốc độ đô thị hóa chậm hơn nên mới chỉ bị lấp gần đây. Chẳng hạn, rạch Cầu Chông ở Phường 9, Quận 4 lấp năm1997, thành đường Vĩnh Khánh. Phần ngọn rạch Ụ Cây (phía sau chợ Xóm Củi, Quận 8) được lấp dần vào khoảng cuối thập niên 1990 do những phế phẩm từ hoạt động buôn bán của ngôi chợ này. Rạch Bàng ở Quận 7, bên kia dốc cầu Tân Thuận vốn đã cạn từ lâu, đến năm 2005, khi tiến hành xây dựng cầu Tân Thuận mới, người ta lấp hẳn để làm đường mang cá cho cầu này. Ngoài ra, cùng với việc xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở Quận 7 và đường cao tốc Nam Sài Gòn, hàng loạt kinh rạch khác cũng bị lấp đi để nhường chỗ cho đường giao thông, cống hộp và nhà cao tầng.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là năm 2005, người ta đã lấp đoạn đầu của rạch Bến Nghé, phần tiếp giáp với sông Sài Gòn để thi công xây dựng đường hầm Thủ Thiêm (hầm ngầm xuyên qua lòng sông Sài Gòn, sang Quạn 2) và đại lộ Đông – Tây dọc theo rạch Bến Nghé, đi về các tỉnh miền Tây. Theo dự án thì sau khi thi công xong đường hầm, sẽ khai thông rạch Bến Nghé trở lại để bảo lưu cảnh quan sông nước vốn có của vùng đất này. Do đó, toàn bộ chiều dài rạch Bến Nghé đã được giải tỏa và đang nạo vét, xây bờ kè để đảm bảo dòng chảy thông thoáng trong tương lai.
* * *
Điểm qua lịch sử kinh rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn, có thể thấy kinh rạch chủ yếu bị tác động bởi quá trình đô thị hóa (dù đào hay lấp) mà động lực của nó chính là kinh tế. Ban đầu, khi giao thông trên bộ chưa phát triển thì người ta tận dụng và đào kinh để giao thương. Đến khi phương tiện giao thông trên bộ phát triển thì kinh rạch lại được lấp đi để nhường chỗ cho đường sá và nhà cửa, công trình. Bởi vậy mà phần lớn những con đường xưa ở Sài Gòn – Chợ Lớn hiện nay trước kia chính là kinh rạch. Và đó cũng là khu vực có trình độ đô thị hóa cao, đặc biệt là luôn có chợ lớn, buôn bán tấp nập.
Tuy nhiên, quá trình lấp kinh rạch một mặt giúp cho nền đất thành phố thêm cao ráo nhất thời, một mặt lại tiềm ẩn nguy cơ ngập úng không còn xa mấy. Nguyên nhân là vì các kinh rạch xưa luôn được phân bố theo địa hình tự nhiên và thuận lợi cho dòng chảy; nay bị lấp đi, thay bằng hệ thống cống hộp vừa nhỏ vừa dễ bị tắc nghẽn, khiến nước không thoát kịp ra sông và dẫn đến ngập cục bộ. Mặt khác, do kinh rạch bị lấp quá nhiều nên mỗi khi triều cường dâng lên, dòng nước bị chặn lại nên cũng gây ngập cục bộ. Nạn ngập úng này diễn ra ở hầu hết các quận huyện, kể cả nội thành, với độ sâu từ 0,3 – 1m, nhưng nặng nề nhất là ở Quận 8 và quận Bình Thạnh. Điều này cộng với nạn khai thác nước ngầm trái phép khiến nền đất ở nội thành bị lún đều đặn mỗi năm đến vài cm. Đó chính là sự phản ứng của tự nhiên khi con người đã làm trái với nó. Và cứ theo đà này thì, nếu con người không khai thông dòng chảy, Sài Gòn – Chợ Lớn chắc chắn sẽ quay trở lại diện mạo của mấy trăm năm về trước: một khu đầm lầy.
Để khai thông hệ thống cống ngầm của thành phố thì trước hết phải giải quyết lượng rác thải khổng lồ ứ đọng trong lòng cống. Do là vùng trũng, lại nằm trong chế độ bán nhật triều nên khả năng cuốn trôi rác thải của kinh rạch ở Sài Gòn – Chợ Lớn là rất thấp. Bởi vì khi nước triều rút đi, rác rến chưa trôi theo được bao nhiêu thì lại bị triều dâng đẩy trở lại vị trí cũ. Chính vì vậy mà ngay từ năm 1862, trong dự án “Sài Gòn – thành phố 500.000 dân”, Coffin (Đại tá Chỉ huy trưởng Công binh Pháp) đã có ý định đào một hồ lớn ở trung tâm thành phố. Từ đây chĩa đi bốn hướng bằng bốn đường cống đến sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kinh Vành Đai và rạch Thị Nghè. Nhờ các cửa ngăn tự động cho phép nước chảy một chiều, hồ này có thể điều chỉnh cho nước trong mỗi đường cống chỉ chảy theo một hướng, giúp rác thải trôi ra sông[28]. Tuy đó là dự án của thành phố Sài Gòn chỉ với 500.000 dân và cách đây gần 1,5 thế kỉ nhưng chứng tỏ nhà quy hoạch đã nhìn thấy được nguyên nhân số một của hiện tượng ngập úng. Ngày nay, trong điều kiện hiện tại của thành phố thì ý tưởng trên càng nên được quan tâm nghiên cứu có cải tiến vì nó tỏ ra là biện pháp hiệu quả, ít tốn kém và rất khả thi.
Người viết : Lê Công Lý
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Huỳnh Minh. Gia Định xưa, 1973, Nxb Thanh Niên, 2001.
2. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên). Sài Gòn Gia Định xưa, tư liệu và hình ảnh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
3. Lê Trung Hoa, Nguyễn Đình Tư. Từ điển địa danh Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
4. Nguyễn Liên Phong. Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toán, Sài Gòn, 1909.
5. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê. Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
6. Nhiều tác giả. Địa danh ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Trẻ, 1993.
7. Nhiều tác giả. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, 300 năm địa chính, Sở Văn hoá – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh xb, 1998.
8. Nhiều tác giả. Sài Gòn 1698 – 1998 kiến trúc, quy hoạch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
9. Nhiều tác giả. Địa chí Quận 5 – Thành phố Hồ Chí Minh, Quận ủy, UBND Quận 5, 2000.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn, 1959.
11. Société des Études Indo-chinoises (Hội Nghiên cứu Đông Dương). Monographie de la province de Gia Đinh (Địa phương chí tỉnh Gia Định), Imprimerie L.Ménard, 1902.
12. Sơn Nam . Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.
13. Sơn Nam . Bến Nghé xưa, Nxb Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
14. Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên. Từ điển Thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2001.
15. Thanh Giang. Thành phố chúng ta, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1980.
16. Tổng lãnh sự Pháp – Viện trao đổi Văn hóa với Pháp – Công ty Air France . Regard sur le monde: Saigon 1882 (Cái nhìn về thế giới: Saigon 1882), 11/2002.
17. Trần Kim Thạch. Địa chất và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 1998.
18. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình chủ biên, Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. tập 1, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987. tr. 219.
19. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, 1998.
20. Trương Vĩnh Ký. Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, 1875, Bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Nxb Trẻ, 1997.
21. Trương Vĩnh Ký ghi chép, 1882. Gia Định phong cảnh vịnh, Nxb Trẻ, 1997.
22. Trương Vĩnh Ký. Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, 1885, Bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Nxb Trẻ, 1997.
23. Vương Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
(Bài nầy đã đăng trên T/c Xưa&Nay, số 282, tháng 4/2007).
[1] Ngoài ra, còn có nhiều giả thuyết khác về nguồn gốc địa danh Sài Gòn. Xem Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 215 – 227.
[2] Thạch Phương, Lê Trung Hoa chủ biên, tr. 35.
[3] Trịnh Hoài Đức, tr.188.
[4] Trần Kim Thạch, tr. 16.
[5]Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, tr. 26.
[6] Theo Vương Hồng Sển thì nay là đường Cống Quỳnh. (Sài Gòn năm xưa, tr. 176).
[7] Con rạch này nay vẫn còn, thuộc địa bàn quận Bình Tân và Quận 8, từ phường An Lạc (quận Bình Tân) ăn ra sông Chợ Đệm.
[8] Kinh là đường thủy nhân tạo, rạch là đường thủy thiên tạo nhưng tương đối nhỏ.
[9] Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận , tr. 21.
[10] Ở khoảng vị trí nay là ngã sáu Sài Gòn (đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai) đến đường Cống Quỳnh.
[11] Nằm ở làng Tân Khai xưa, trung tâm ở chỗ nhà thờ Đức Bà hiện nay.
[12] Được xây lại, nhỏ hơn sau khi vua Minh Mạng ra lệnh phá thành Bát Quái. Thành Phụng đã bị quân Pháp chiếm và san bằng vào ngày 6/3/1859 bằng 32 quả mìn. Nay ở chỗ bệnh viện Nhi Đồng 2, đường Lý Tự Trọng, Quận 1.
[13] Theo nội dung của quyết định số 873/QĐ ngày 29/3/2006 của Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh về việc phân cấp quản lý sông rạch thì, chỉ riêng Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 đã phải quản lý 93 tuyến với khoảng 142,62 km sông rạch ở vùng nội thành và vùng ven.
[14] Trịnh Hoài Đức, tr.35.
[15] Tên Phố Xếp có lẽ từ “phố xép” mà ra, chỉ phố nhỏ bên cạnh phố thị Chợ Lớn.
[16]Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, tr. 25.
[17] Phiên An là một trong năm trấn của vùng đất phía nam, ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh và một phần các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước.
[18] Trịnh Hoài Đức, tr. 34.
[19] Tức rạch Chợ Lớn – L.C.L.
[20] 1902 – L.C.L.
[21] Chỗ Thảo Cầm Viên – L.C.L.
[22] Monographie de la province de Gia Đinh, tr. 40.
[23]Thạch Phương, Lê Trung Hoachủ biên, tr.325, 380.
[24] Theo Tổng lãnh sự Pháp – Viện trao đổi Văn hóa với Pháp – Công ty Air France . Regard sur le monde: Saigon 1882 (Cái nhìn về thế giới: Saigon 1882), 11/2002, tr.14.
[25] Gọi là ao Bồ Rệt vì nằm trên đường Boresse (viên sĩ quan đứng đầu hạt Sài Gòn, được bổ nhiệm ngày 7/1/1863), nay là đường Yersin.
[26] Nguyên tên là Thạnh Đa, sau bị đọc và viết sai thành Thanh Đa.
[27] Monographie de la province de Gia Đinh, tr. 40.
[28] Dẫn theo Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, 300 năm địa chính, tr. 72.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen